Nghỉ thai sản 6 tháng của người lao động bắt đầu từ khi nào?
Nghỉ thai sản 6 tháng của người lao động bắt đầu từ khi nào?

1. Nghỉ thai sản 6 tháng của người lao động bắt đầu từ khi nào?

Thời gian nghỉ thai sản khi sinh con được bắt đầu sớm nhất là 02 tháng trước khi sinh.

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 53 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về thời gian hưởng chế độ khi sinh con như sau:

Thời gian hưởng chế độ khi sinh con
1. Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
...

Theo quy định trên, thời gian nghỉ thai sản khi sinh con được bắt đầu sớm nhất là 02 tháng trước khi sinh. Tức là người lao động nữ sẽ nghỉ trước khi sinh tối đa là 02 tháng và sau sinh 04 tháng.

2. Nghỉ thai sản sớm hơn quy định có được hưởng bảo hiểm không?

Theo quy định, thời gian nghỉ thai sản khi sinh con được bắt đầu sớm nhất là 02 tháng trước khi sinh.

Đối với trường hợp người lao động nữ có nhu cầu muốn nghỉ sớm hơn khoảng thời gian quy định thì có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để được xem xét. Tuy nhiên, nếu người lao động nghỉ sớm hơn thời gian quy định nghỉ chế độ thai sản thì khoảng thời gian nghỉ sớm sẽ không được hưởng chế độ thai sản theo quy định.

Nghỉ thai sản sớm hơn quy định có được hưởng bảo hiểm không?
Nghỉ thai sản sớm hơn quy định có được hưởng bảo hiểm không?

3. Thời gian nghỉ thai sản là 6 tháng tính thế nào? 6 tháng có phải 180 ngày không?

Theo quy định, thời gian nghỉ chế độ thai sản khi sinh con được pháp luật quy định theo tháng, cụ thể là 06 tháng chứ không phải theo ngày.

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 139 Bộ luật Lao động 2019 quy định về thời gian hưởng chế độ khi sinh con như sau:

Điều 139. Nghỉ thai sản

1. Lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng; thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 02 tháng.

Do đó, thời gian nghỉ thai sản sẽ được tính đủ 06 tháng. Nếu quy đổi 06 tháng ra ngày thì thời gian nghỉ thai sản sẽ rơi vào khoảng 181 đến 183 ngày bởi tháng Hai có 28 hoặc 29 ngày và các tháng còn lại là 30 hoặc 31 ngày. Thời gian này được tính từ ngày a của tháng này đến hết ngày a-1 của 06 tháng sau.

Ví dụ: Chị A bắt đầu kỳ nghỉ thai sản vào ngày 26/12/2024 thì được nghỉ đến hết ngày 25/06/2025. Ngày 26/06/2025, chị B bắt đầu quay trở lại làm việc.

4. Lao động nữ chưa hết thời gian nghỉ thai sản có được đi làm không? Mức hưởng thai sản thay đổi ra sao?

Lao động nữ được phép đi làm khi chưa hết thời gian nghỉ thai sản. Khi đó, người lao động sẽ vừa được hưởng trợ cấp thai sản, vừa hưởng tiền lương do người sử dụng lao động trả.

Theo Khoản 1 Điều 53 Luật Bảo hiểm xã hội 2024:

Trường hợp lao động nữ trở lại làm việc trước khi hết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con theo quy định tại khoản 4 Điều 139 của Bộ luật Lao động thì được hưởng tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả và tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo mức quy định tại Điều 59 của Luật này; người sử dụng lao động và người lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho thời gian người lao động trở lại làm việc.

Như vậy, trường hợp lao động nữ trở lại làm việc trước khi hết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con thì được hưởng tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả và tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản.

5. Lao động nữ được nâng lương trong thời gian nghỉ thai sản thì có được tăng mức hưởng chế độ thai sản không?

Trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản nếu được nâng lương thì mức lương mới cũng không được làm căn cứ để tính chế độ khi sinh con.

Theo Khoản 1 Điều 59 Luật Bảo hiểm xã hội 2024:

Điều 59. Trợ cấp thai sản
1. Trợ cấp thai sản một tháng của người lao động quy định tại các điều 51, 52, 53, 54, 55, 56 và 57 của Luật này bằng 100% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của 06 tháng gần nhất trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Như vậy, tiền lương làm căn cứ để hưởng chế độ thai sản khi sinh con của lao động nữ là mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Do đó, trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản nếu được nâng lương thì mức lương mới cũng không được làm căn cứ để tính chế độ khi sinh con.

6. Các câu hỏi thường gặp

6.1. Mang thai bao lâu thì được nghỉ hưởng thai sản?

Thời gian hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con thường sẽ là 06 tháng và được nghỉ trước khi sinh không quá 02 tháng. Thông thường thời gian dự sinh là khi thai 40 tuần. Như vậy từ tuần thai thứ 32, lao động nữ có thể xin nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

6.2. Đóng BHXH báo lâu thì được nhận thai sản?

Tại Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là: Phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định.

6.3. Nghỉ sinh bao lâu thì được tiền thai sản?

Sau khi nộp đầy đủ hồ sơ cho người sử dụng lao động, tối đa là 20 ngày kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ, lao động nữ sinh con sẽ được chi trả tiền thai sản.

6.4. Có thai rồi mới đóng bảo hiểm thai sản thì có kịp hưởng không?

Lao động có thai rồi mới đóng bảo hiểm thai sản vẫn kịp hưởng chế độ thai sản nếu thời gian đóng từ đủ 6 tháng trước khi sinh con (tức là bắt đầu đóng muộn nhất vào tháng thứ 4 của thai kì trong trường hợp mang thai đủ 9 tháng).

6.5. Có thai trước khi vào công ty có được hưởng bảo hiểm thai sản không?

Người lao động có thai trước khi vào công ty vẫn được hưởng bảo hiểm thai sản nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.