Sách bài tập Tin học 10 Bài 3 (Cánh diều): Tách ảnh và thiết kế đồ hoạ với kênh alpha

Với giải sách bài tập Tin học 10 Bài 3: Tách ảnh và thiết kế đồ hoạ với kênh alpha sách Cánh diều hay nhất, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Tin học 10 Bài 3.

1 1,293 19/12/2022
Tải về


Giải sách bài tập Tin học lớp 10 Bài 3: Tách ảnh và thiết kế đồ hoạ với kênh alpha - Cánh diều

Giải SBT Tin học 10 trang 66

Câu E19 trang 66 SBT Tin 10: Phát biểu nào sau đây nêu đúng nhất lí do tại sao khi ghép ảnh, ảnh dùng để ghép (ảnh nguồn) cần có nền trong suốt?

A. Nếu ảnh dùng để ghép không có nền trong suốt thì phần mềm thiết kế đồ hoạ không thực hiện được việc ghép ảnh.

B. Nếu ảnh dùng để ghép không có nền trong suốt thì nền của nó sẽ che mất nền của ảnh được ghép

C. Nếu dùng ảnh để ghép có nền trong suốt thì nền của nó không che được nền của ảnh được ghép.

D. Nếu dùng ảnh để ghép có nền trong suốt thì ảnh sau khi ghép nhìn sẽ tự nhiên, nghĩa là người xem sẽ không nhận ra đó là ảnh ghép.

Trả lời:

 Đáp án đúng là: D

- Phần mềm cho phép ghép cả hai loại ảnh: ảnh để ghép có nền trong suốt và có nền không trong suốt, do đó đáp án A sai.

- Trong một số trường hợp, nền của ảnh để ghép (nếu nó không trong suốt) hoà hợp với nền của ảnh được ghép, do đó đáp án B không hoàn toàn đúng.

- Mục đích của việc ghép ảnh là ảnh sau khi ghép phải nhìn tự nhiên (tức là nhìn như không phải ảnh ghép). Muốn được như vậy thì ảnh để ghép phải có nền trong suốt để nó không làm ảnh hưởng đến nền của ảnh được ghép, do đó đáp án D đúng.

Giải SBT Tin học 10 trang 67

Câu E20 trang 67 SBT Tin 10: Phát biểu nào sau đây mô tả đúng về kênh alpha?

Kênh alpha là:

A. Một lớp ảnh có nền trong suốt.

B: Một lớp ảnh đặc biệt được tự động tạo ra khi mở một ảnh mới.

C. Kênh chứa độ trong suốt của tất cả các điểm ảnh của một lớp ảnh.

D. Kênh chứa thông tin về không gian màu của một ảnh.

Trả lời:

Đáp án đúng là: C

Kênh Alpha không phải là một lớp ảnh, do đó đáp án A và B sai. Phần mềm sử dụng một kênh riêng, gọi là kênh màu, để quản lí màu sắc của các điểm ảnh, do đó đáp án D sai.

Câu E21 trang 67 SBT Tin 10: Đáp án nào sau đây nêu đúng bản chất của việc tách ảnh khỏi nền?

A. Làm cho nền ảnh trở nên trong suốt.

B. Xoá nền ảnh chỉ để lại ảnh đối tượng.

C. Làm cho nền ảnh và ảnh đối tượng có thể phân biệt được.

D. Di chuyển ảnh đối tượng không bao gồm nền ảnh sang một ảnh khác.

Trả lời:

Đáp án đúng là: A

Cách nói “tách ảnh khỏi nền” là cách nói hình tượng, chứ không phải là như mô tả như các đáp án B, C, D. Ảnh luôn có nền, kể cả đó là nền trong suốt, do đó đáp án B sai. Lưu ý, đôi khi có người nói “ảnh không nó nền” là ngầm hiểu ảnh có nền trong suốt. Nền ảnh (hậu cảnh) và đối tượng (tiền cảnh) luôn gắn với nhau trên một lớp ảnh, do đó đáp án C sai. Thao tác làm cho ảnh có nền trong suốt (tách ảnh) không liên quan đến việc di chuyển đối tượng sang một ảnh khác, do đó đáp án D sai.

Câu E22 trang 67 SBT Tin 10: Trong bảng sau đây, hãy cho biết những lệnh hoặc công cụ nào ở cột (2) được sử dụng để thực hiện từng bước tách ảnh được nêu ở cột (1).

Trả lời:

1 – C, 2 – A, 3 – B

Câu E23 trang 67 SBT Tin 10: Phát biểu nào sau đây là câu trả lời cho câu hỏi: Tại sao sau khi chuyển kênh alpha của lớp ảnh vào vùng chọn thì chỉ có các đối tượng trên lớp ảnh được chọn chứ không phải toàn bộ lớp ảnh được chọn?

A. Vì kênh alpha chứa độ trong suốt của tất cả các điểm ảnh nên sau khi chuyển thành vùng chọn thì toàn bộ lớp ảnh được chọn nhưng chỉ nhìn thấy vùng chọn gồm các điểm ảnh mà chúng có độ trong suốt không hoàn toàn.

B. Vì kênh alpha chỉ chứa độ trong suốt của các điểm ảnh mà chúng có độ trong suốt không hoàn toàn nên sau khi chuyển kênh thành vùng chọn thì chỉ nhìn thấy vùng chọn chứa các đối tượng này.

C. Vì chỉ có các đối tượng hiện hữu (nhìn thấy được) mới thuộc kênh alpha - của lớp ảnh đó, nên sau khi chuyển kênh thành vùng chọn thì chỉ có các đối tượng này được chọn.

D. Vì đối tượng được nhìn thấy nhờ màu sắc của các điểm ảnh và kênh alpha chỉ chứa các điểm ảnh có màu sắc, nên sau khi chuyển kênh thành vùng chọn thì chỉ có các đối tượng mới được chọn.

Trả lời:

Đáp án đúng là: A

- Kênh alpha chứa độ trong suốt của tất cả các điểm ảnh, do đó đáp án B sai.

- Tất cả các điểm ảnh ở đây bao gồm cả những điểm ảnh của đối tượng hiện hữu (nhìn thấy được) và những đối tượng không hiện hữu (không nhìn thấy được, vì điểm ảnh có độ trong suốt hoàn toàn), do đó đáp án C sai.

- Kênh alpha không chứa thông tin về màu sắc của các điểm ảnh, do đó đáp án D sai.

Giải SBT Tin học 10 trang 68

Câu E24 trang 68 SBT Tin 10: Tình huống nào sau đây không cần phải xác định vùng chọn đối tượng từ kênh alpha của lớp ảnh?

A. Chọn lại đối tượng một cách đầy đủ và chính xác.

B. Chọn lại đối tượng bị che bởi lớp ảnh phía trên nó.

C. Thay thế các công cụ chọn để chọn lại đối tượng.

D. Chọn lại đối tượng mà nó được ghép với đối tượng của lớp khác.

Trả lời:

Đáp án C

Nếu một đối tượng có thể chọn lại bằng các công cụ chọn như: Rectangle Select, Ellipse Select, Free Select thì không nhất thiết phải xác định vùng chọn cho đối tượng đó từ kênh alpha của lớp ảnh, do đó đáp án C sai.

Câu E25 trang 68 SBT Tin 10: Hãy tạo một thiệp chúc mừng sinh nhật mẹ. Trong đó, ảnh dùng để ghép được tách khỏi nền. Lưu sản phẩm với tên tệp là “Thiệp chúc mừng sinh nhật.cxf” đồng thời xuất tệp sang định dạng ““.jpg”.

Hình 8 là một ví dụ về thiệp chúc mừng sinh nhật. Em hãy so sánh sản phẩm này với sản phẩm đã tạo ở bài E7.

Trả lời:

Hướng dẫn thực hành:

Bước 1. Chọn ảnh chính để ghép và tách ảnh khỏi nền.

- Thực hiện lệnh File\Open để mở ảnh chính sẽ dùng để ghép ảnh, ví dụ như ảnh trong Hình 1a.

- Nháy chuột vào tên lớp ảnh và chọn lệnh Add Alpha Channel để thêm kênh alpha vào cho lớp ảnh.

- Sử dụng công cụ chọn tự do Free Seleet để xác định một vùng chọn xung quanh ảnh cần tách (Hình 1a). Chú ý: Trong quá trình chọn, đến những vị trí phức tạp, khó nhìn rõ ranh giới giữa phần ảnh cần chọn và phần ảnh không cần chọn thì giữ phím Ctrl và lăn nút cuộn chuột để phóng to ảnh, giữ phím cách (Space) và di chuyển chuột để di chuyển ảnh.

- Sau khi chọn xong, thực hiện lệnh Select\ Invert để đảo ngược vùng chọn rồi bấm phím Delete để xoá vùng chọn. Kết quả nhận được như Hình 1b.

- Thực hiện lệnh Layer\Crop to Content để cắt khung lớp ảnh sao cho khung ảnh chỉ đủ chứa hình cần được chọn. Tiếp theo thực hiện lệnh Image\ Fit Canvas to Layers để kích thước ảnh vừa khít với khung lớp ảnh vừa cắt, kết quả nhận được như Hình 1c.

Bước 2. Tạo tệp ảnh mới tạo nền ảnh.

- Tạo tệp ảnh mới với lớp nền trong suốt, kích thước ảnh phù hợp với thiệp chúc mừng cần tạo, chẳng hạn kích thước là 18 × 12 cm, độ phân giải ảnh là 300 ppi.

- Lưu ảnh với tên tệp ảnh là “Thiep chuc mung sinh nhat me.cxf”.

- Thực hiện lệnh File\Open as Layer để mở tệp ảnh làm nền cho ảnh mới. Lệnh này sẽ tạo ra một lớp mới chứa ảnh nền, đặt tên lớp này là Ảnh nền. Kết quả thực hiện như Hình 2

Bước 3. Ghép ảnh và tạo nội dung cho tấm thiệp.

- Sử dụng công cụ Text để tạo nội dung văn bản cho tấm thiệp.

- Ghép ảnh: Thực hiện lệnh File\Open as Layer để mở tệp ảnh nguồn đã tách nền ở bước 1. Một lớp mới được tạo chứa ảnh nguồn này, đặt tên lớp, ví dụ là Me va Em.

- Kết quả thực hiện hai công việc trên có dạng như Hình 3a. Các lớp ảnh như trong Hình 3b.

Bước 4. Trang trí thêm cho tấm thiệp, lưu và xuất ảnh.

- Có thể bổ sung thêm nội dung (văn bản) hoặc ghép thêm ảnh vào những chỗ trống trong tấm thiệp. Ví dụ, Hình 4a cho thấy tấm thiệp được thêm vào hai ảnh mới là ảnh bó hoa hồng và ảnh chữ “Happy Birthday” (sử dụng lệnh File\Open as Layer). Các lớp ảnh nhận được như Hình 4b.

- Chú ý rằng các ảnh mới dùng để ghép có thể phải tách nền giống như cách thực hiện tách nền ảnh chính cần ghép ở bước 1.

- Lưu tệp ảnh lần cuối và xuất ảnh sang định dạng chuẩn.

Nhận xét: So với sản phẩm đã tạo ở bài E7, sản phẩm này sẽ chuyên nghiệp hơn do ảnh ghép vào đã được tách nền.

Câu E26 trang 68 SBT Tin 10: Em hãy tạo poster (hoặc áp phích) với chủ đề “Sử dụng mạng xã hội an toàn” như Hình 9. Các hình ảnh trong poster là những logo nhỏ tự thiết kế hoặc sưu tầm được. Có thể sử dụng một logo nhiều lần. Em có thể tăng chiều cao của poster và ở chỗ trống thiết kế thêm đường kẻ, hình vẽ hay logo tùy thích của mình.

Trả lời:

Gợi ý thực hành:

Nội dung văn bản được tạo bằng công cụ Text. Khung poster được tạo bằng các kĩ thuật tạo đường viền. Các hình ảnh logo: logo mặt người, logo cảnh báo, logo hội thoại được gợi ý thiết kế như sau:

- Logo mặt người

Logo gồm 4 đối tượng: khung logo, mặt, sóng âm thanh và biển câm. Mỗi đối tượng nên thiết kế trên một lớp trong suốt.

+ Khung logo: Là một hình tròn, được tạo bởi công cụ Ellipse Seleet và tô màu xanh cho vùng chọn.

+ Mặt: Bao gồm mắt và gương mặt. Mắt được tạo bởi vùng chọn hình tròn. Gương mặt được vẽ bằng công cụ Paths. Sau đó tô đậm đường vẽ bằng lệnh Stroke Path.

+ Sóng âm thanh: Được tạo bởi kĩ thuật tạo khung viền và kĩ thuật cắt xén, Trước hết tạo các vòng tròn màu trắng, đồng tâm, sau đó cắt bỏ chỉ để một góc thể biểu thị âm thanh phát ra từ người nói.

+ Biển cấm: Trước hết vòng tròn được tạo bởi kĩ thuật tạo đường viền. Nét ngang được kẻ bằng công cụ Paths, sau đó tô đậm bằng lệnh Stroke Path.

- Logo cảnh báo

Logo gồm 3 đối tượng: khung logo, hình tam giác và dấu chấm than. Mỗi đối tượng cũng nên thiết kế trên một lớp trong suốt.

+ Khung logo: Được tạo tương tự như khung của logo mặt người.

+ Hình tam giác: Được vẽ bằng công cụ Paths. Sau đó chuyển thành vùng chọn và tô màu vàng cho vùng chọn.

+ Dấu chấm than: Bao gồm dấu chấm và nét sổ dọc. Dùng công cụ Ellipse Select để tạo dấu chấm hình tròn. Dùng công cụ Paths để vẽ dấu chấm than (hình thang cân), sau đó chuyển thành vùng chọn và tô màu đen cho nó.

- Logo hội thoại

Logo gồm 3 đối tượng: khung logo và các hộp thoại. Mỗi đối tượng cũng nên thiết kế trên một lớp trong suốt.

+ Khung logo: Được tạo tương tự như khung của logo mặt người.

+ Các hộp thoại: Được tạo tương tự như nhau. Mỗi hộp thoại được vẽ bằng công cụ Paths, sau đó tô màu bên trong bằng lệnh Fill Path và tô màu đường vẽ bằng lệnh Stroke Path.

Xem thêm lời giải sách bài tập Tin học lớp 10 Cánh diều hay, chi tiết khác:

1 1,293 19/12/2022
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: