Sách bài tập Sinh học 10 Kết nối tri thức Phần mở đầu

Với giải sách bài tập Sinh học 10 Phần mở đầu sách Kết nối tri thức hay nhất, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Sinh học 10.

1 983 lượt xem


Giải sách bài tập Sinh học lớp 10 Phần mở đầu

Bài 1 trang 8 SBT Sinh học 10: Vật sống khác với vật không sống vì nó có đặc điểm đặc trưng nào dưới đây?

A. Có khả năng di chuyển.

B. Có khả năng đáp ứng với tín hiệu.

C. Được cấu tạo từ tế bào.

D. Có cấu tạo phức tạp.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

- Vật sống được cấu tạo từ các tế bào. Từ cơ thể đơn bào đến cơ thể đa bào, tế bào đều là đơn vị cơ bản của cấu trúc và chức năng của tất cả các cơ thể sống.

- Những đặc điểm còn lại gồm “có khả năng di chuyển”, “có khả năng đáp ứng với tín hiệu”, “có cấu tạo phức tạp” đều có thể xuất hiện cả ở vật sống và vật không sống mặc dù có thể khác nhau về bản chất. Ví dụ: xe máy có khả năng di chuyển, ti vi có khả năng đáp ứng tín hiệu từ điều khiển, máy tính có cấu tạo phức tạo,…

Bài 2 trang 8 SBT Sinh học 10: Đặc điểm chỉ có được do sự sắp xếp và tương tác của các bộ phận cấu thành nên hệ thống được gọi là

A. đặc điểm mới.

B. đặc điểm nổi trội.

C. đặc điểm phức tạp.

D. đặc điểm đặc trưng.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Đặc điểm nổi trội là đặc điểm mới mà cấp tổ chức nhỏ hơn không có được, xuất hiện do có sự sắp xếp và tương tác của các bộ phận cấu thành nên hệ thống.

Bài 3 trang 8 SBT Sinh học 10: Trình tự các sự kiện nào dưới đây phản ánh đúng trình tự các bước trong quy trình nghiên cứu khoa học?

A. Đặt câu hỏi → Quan sát → Hình thành giả thuyết → Thiết kế thí nghiệm → Phân tích kết quả → Rút ra kết luận.

B. Quan sát → Hình thành giả thuyết → Đặt câu hỏi → Phân tích kết quả → Thiết kế thí nghiệm → Rút ra kết luận.

C. Quan sát → Đặt câu hỏi → Hình thành giả thuyết → Thiết kế thí nghiệm → Phân tích kết quả → Rút ra kết luận.

D. Hình thành giả thuyết → Thiết kế thí nghiệm → Phân tích kết quả → Đặt ra câu hỏi → Rút ra kết luận.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Tiến trình nghiên cứu khoa học được tóm lược qua sơ đồ: Quan sát → Đặt câu hỏi → Hình thành giả thuyết → Thiết kế thí nghiệm → Phân tích kết quả → Rút ra kết luận.

- Quan sát: Mọi nghiên cứu đều bắt đầu từ những quan sát để thu thập dữ liệu.

- Đặt câu hỏi: Sau khi thu được số liệu, các nhà khoa học thường đặt ra các câu hỏi và tìm cách lý giải.

- Hình thành giả thuyết: Sau khi đặt ra các câu hỏi, cần đưa ra giả thuyết khoa học là những cách giải thích có thể kiểm chứng được bằng thực nghiệm cho các câu hỏi đề ra. Giả thuyết được gọi là khoa học khi nó có thể được kiểm chứng bằng thực nghiệm.

- Thiết kế thí nghiệm: Thí nghiệm kiểm chứng thường được thiết kế thành 2 lô gồm lô đối chứng và lô thí nghiệm.

- Phân tích kết quả: Dữ liệu thu được từ các quan sát thực địa hay từ các thí nghiệm cần được xử lý thận trọng để rút ra được những kết luận phù hợp.

- Rút ra kết luận: Kết quả nghiên cứu được thẩm định và công bố trên các tạp chí khoa học. Một giả thuyết được kiểm nghiệm ở nhiều đối tượng khác nhau bởi các nhà khoa học khác nhau trên thế giới và được giới khoa học thừa nhận thì sẽ trở thành học thuyết khoa học.

Bài 4 trang 9 SBT Sinh học 10: Phương án nào dưới đây phản ánh đúng trình tự các cấp độ tổ chức của thế giới sống?

A. Nguyên tử → Phân tử → Bào quan → Tế bào → Mô → Hệ cơ quan → Cơ quan → Cơ thể → Quần thể → Quần xã → Hệ sinh thái.

B. Nguyên tử → Phân tử → Bào quan → Tế bào → Mô → Cơ quan → Hệ cơ quan → Cơ thể → Quần thể → Quần xã → Hệ sinh thái.

C. Nguyên tử → Phân tử → Tế bào → Bào quan → Mô → Cơ quan → Hệ cơ quan → Cơ thể → Quần thể → Quần xã → Hệ sinh thái.

D. Nguyên tử → Phân tử → Bào quan → Tế bào → Cơ thể → Mô → Cơ quan → Hệ cơ quan → Quần thể → Quần xã → Hệ sinh thái.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Thế giới sống được tổ chức theo nguyên tắc thứ bậc từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp là: Nguyên tử → Phân tử → Bào quan → Tế bào → Mô → Cơ quan → Hệ cơ quan → Cơ thể → Quần thể → Quần xã → Hệ sinh thái.

Bài 5 trang 9 SBT Sinh học 10: Các đặc điểm chung của thế giới sống gồm:

A. tổ chức theo nguyên tắc thứ bậc, hệ mở, tự điều chỉnh và liên tục tiến hóa.

B. tổ chức phức tạp, hệ mở, tự điều chỉnh và liên tục tiến hóa.

C. tổ chức từ đơn giản đến phức tạp, hệ thống khép kín và liên tục tiến hóa.

D. hệ mở, tự điều chỉnh, tổ chức từ loại chưa có cấu tạo tế bào như virus tới các sinh vật đa bào và không ngừng tiến hóa.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Đặc điểm chung của thế giới sống là :

- Thế giới sống được tổ chức theo nguyên tắc thứ bậc.

- Các cấp độ tổ chức sống là những hệ mở và tự điều chỉnh.

- Thế giới sống liên tục tiến hóa.

Bài 6 trang 9 SBT Sinh học 10: Công việc nào dưới đây là công việc chính của một nhà sinh học hoạt động trong lĩnh vực hóa sinh học?

A. Nghiên cứu các bào quan cấu tạo nên tế bào.

B. Nghiên cứu hệ thống phân loại các sinh vật.

C. Nghiên cứu các phản ứng hóa học xảy ra trong tế bào.

D. Nghiên cứu sự truyền tin tế bào.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Hóa sinh học là một phân ngành nghiên cứu các quá trình hóa học bên trong và liên quan tới sinh vật sống. Do đó, công việc chính của một nhà sinh học hoạt động trong lĩnh vực hóa sinh học là nghiên cứu các phản ứng hóa học xảy ra trong tế bào.

Bài 7 trang 9 SBT Sinh học 10: Darwin là nhà khoa học lỗi lạc đã đưa ra học thuyết tiến hóa Chọn lọc tự nhiên và tự mình làm rất nhiều thí nghiệm kiểm chứng học thuyết của mình. Khi quan sát thấy các cây nắp ấm bắt và ăn thịt các loài côn trùng, ông đã đưa ra giả thuyết cho rằng cây sống ở vùng đất thiếu nitrogen nên chúng phải bắt côn trùng và phân giải protein để lấy nitrogen. Theo em, ông đã làm thí nghiệm như thế nào để tìm bằng chứng ủng hộ giả thuyết của mình?

Lời giải:

• Đề xuất thí nghiệm để tìm bằng chứng ủng hộ giả thuyết cho rằng cây sống ở vùng đất thiếu nitrogen nên chúng phải bắt côn trùng và phân giải protein để lấy nitrogen:

- Trồng 2 cây nắp ấm, cây nắp ấm 1 trồng ở chậu A và cây nắp ấm 2 trồng ở chậu B. Đất ở cả hai chậu đều không được bổ sung nitrogen, các điều kiện nước và dinh dưỡng khác đều được bố trí bình thường và giống nhau.

- Đặt chậu A vào môi trường có côn trùng, chậu B vào môi trường không có côn trùng.

- Tiến hành quan sát và rút ra kết luận về sự sinh trưởng và phát triển của 2 cây nắp ấm trong 2 chậu.

• Kết quả thí nghiệm:

- Cây nắp ấm ở chậu A phát triển xanh tốt do có đầy đủ chất dinh dưỡng.

- Cây nắp ấm ở chậu B có những biểu hiện thiếu nitrogen: sinh trưởng kém; thân và cành còi cọc; ít đẻ nhánh; lá non mỏng, màu nhạt, dễ chuyển sang màu vàng và rụng sớm.

→ Kết luận: Cây nắp ấm bắt côn trùng và phân giải protein để lấy nitrogen.

Bài 8 trang 9 SBT Sinh học 10: Để kiểm tra một giả thuyết người ta thường kiểm tra dự đoán của giả thuyết. Dự đoán được trình bày dưới dạng: Nếu …… thì …… Nếu giả thuyết là đúng thì điều tất yếu sẽ xảy ra là ……

Hãy đưa ra dự đoán của giả thuyết và thiết kế thí nghiệm kiểm chứng giả thuyết cho rằng CO2 cần cho quá trình quang hợp ở cây xanh.

Lời giải:

• Dự đoán của giả thuyết: Nếu không có CO2 thì quá trình quang hợp bị ngừng trệ. Nếu giả thuyết cho rằng CO2 cần cho quá trình quang hợp ở cây xanh là đúng thì cây sẽ không thể tổng hợp tinh bột nếu không có CO2.

• Thiết kế thí nghiệm kiểm chứng giả thuyết cho rằng CO2 cần cho quá trình quang hợp ở cây xanh:

- Đặt hai chậu cây khoai lang vào chỗ tối trong 3 – 4 ngày.

- Lấy hai tấm kính, đổ nước lên toàn bộ bề mặt tấm kính. Sau đó, đặt mỗi chậu cây lên một tấm kính ướt, dùng hai chuông thủy tinh (hoặc hộp nhựa trong suốt) úp vào mỗi chậu cây.

- Trong chuông A đặt thêm một cốc nước vôi trong. Đặt cả hai chuông thí nghiệm ra chỗ có ánh sáng.

- Sau 4 – 6 giờ, ngắt lá của mỗi cây để thử tinh bột bằng dung dịch iodine.

Kết quả thí nghiệm:

- Lá trong chuông A chuyển màu xanh đen do lá cây đã sử dụng khí CO2 có trong bình để thực hiện quá trình quang hợp, tổng hợp tinh bột.

- Lá trong chuông B không xuất hiện màu xanh tím do khí CO2 trong bình kết hợp với dung dịch Ca(OH)2 để tạo kết tủa nên lá trong chuông này không tiến hành quang hợp, tổng hợp tinh bột được.

→ Kết luận: Khí CO2 là nguyên liệu của quá trình quang hợp để tổng hợp nên chất hữu cơ.

Bài 9 trang 10 SBT Sinh học 10: Một bạn học sinh quan sát các lá cây rừng nhiệt đới và nhận thấy nhiều lá cây thường có chóp nhọn. Bạn tự hỏi: Lá có chóp nhọn đem lại lợi ích gì cho cây? Em hãy đưa ra giả thuyết cho hiện tượng mà bạn đã quan sát được và tìm cách kiểm chứng giả thuyết của mình.

Lời giải:

- Giả thuyết cho hiện tượng bạn đã quan sát: Lá của cây rừng nhiệt đới thường có chóp nhọn để thích nghi với lượng mưa đặc biệt lớn.

- Cách kiểm chứng giả thuyết: Quan sát thực nghiệm lá của các cây ở vùng nhiệt đới và vùng ôn đới. Nếu chỉ có lá của các cây ở vùng nhiệt đới có đặc điểm này chứng tỏ lá của cây vùng nhiệt đới đã có chóp nhọn để thích nghi với điều kiện mưa nhiều. Lá có chóp nhọn làm cho những giọt mưa trôi xuống nhanh chóng, giúp lá cây không bị ứ đọng nước, tránh nấm và vi khuẩn phát triển.

Bài 10 trang 10 SBT Sinh học 10: Hãy mô tả một vài cơ chế tự điều chỉnh của cơ thể người. Nếu cơ chế tự điều chỉnh này không hoạt động tốt thì sẽ dẫn đến các bệnh l như thế nào?

Lời giải:

- Một vài cơ chế tự điều chỉnh của cơ thể người:

+ Cơ chế tự điều hòa nhiệt của cơ thể người: Khi trời nóng, cơ thể toát mồ hôi và giãn mạch để thải nhiệt qua da ra bên ngoài giúp làm mát cơ thể. Khi trời lạnh, các mạch máu dưới da co lại, có phản ứng run rẩy để sinh nhiệt giúp làm ấm cơ thể.

+ Cơ chế điều hòa áp suất thẩm thấu của cơ thể người: Khi áp suất thẩm thấu trong máu tăng (do ăn mặn, đổ nhiều mồ hôi…), thận tăng cường tái hấp thu nước trả về máu, đồng thời, cơ thể có cảm giác khát nước để uống nước vào. Khi áp suất thẩm thấu trong máu giảm, thận tăng thải nước giúp duy trì áp suất thẩm thấu.

+ Cơ chế điều hòa lượng đường của cơ thể: Sau bữa ăn, nồng độ glucose trong máu tăng cao → tuyến tụy tiết ra insulin kích thích tế bào gan chuyển glucose thành glycogen dự trữ → nồng độ glucose trong máu giảm và duy trì ổn định. Khi đói, nồng độ glucose trong máu giảm tuyến tụy tiết ra glucagon kích thích tế bào gan chuyển glycogen thành glucose đưa vào máu → nồng độ glucose trong máu tăng lên và duy trì ổn định.

- Nếu cơ chế tự điều chỉnh không hoạt động tốt, các điều kiện lí hóa của môi trường trong (máu, bạch huyết và dịch mô) biến động và không duy trì được sự ổn định, sẽ gây ra sự biến đổi hoặc rối loạn hoạt động của các tế bào, các cơ quan, thậm chí gây ra tử vong.

Bài 11 trang 10 SBT Sinh học 10: Nếu các phân tử DNA luôn tái bản một cách tuyệt đối chính xác thì thế giới sống có liên tục tiến hóa được không? Giải thích.

Lời giải:

- Nếu các phân tử DNA luôn tái bản một cách tuyệt đối chính xác thì thế giới sống không thể liên tục tiến hóa.

- Giải thích: Nguyên liệu của quá trình tiến hóa chính là các biến dị trong đó đột biến gen là nguồn biến dị chủ yếu. Mà các đột biến gen thường được phát sinh trong quá trình tái bản. Do đó, nếu như DNA luôn tái bản chính xác thì ít có sự đổi mới vật chất di truyền để tạo nguyên liệu cho tiến hóa khiến cho thế giới sống không thể liên tục tiến hóa.

Bài 12 trang 10 SBT Sinh học 10: Tin sinh học nghiên cứu những gì? Nêu một số ứng dụng của tin sinh học.

Lời giải:

- Tin sinh học là ngành khoa học sử dụng các phần mềm máy tính chuyên dụng, các thuật toán, mô hình để lưu trữ, phân loại, phân tích các bộ dữ liệu sinh học ở quy mô lớn nhằm sử dụng chúng một cách có hiệu quả trong nghiên cứu khoa học và trong cuộc sống.

- Các lĩnh vực nghiên cứu của tin sinh học: Phân tích trình tự gene, dò tìm đột biến, phân loại học phân tử, bảo tồn đa dạng sinh học, phân tích chức năng gene, phân tích hình ảnh,…

- Một số ứng dụng của tin sinh học:

+ Sử dụng trí tuệ nhân tạo để xử lí thông tin của bệnh nhân giúp các bác sĩ đưa ra được biện pháp chữa bệnh hiệu quả nhất cho từng bệnh nhân.

+ Sử dụng tin sinh học để phát triển các ứng dụng giúp chống lại các bệnh truyền nhiễm (ví dụ như cúm gà) và để chống lại các đợt bùng phát và lây lan virus.

+ Sử dung tin sinh học để xác định thời điểm tốt nhất để gieo hạt, canh tác hoặc thu hoạch.

Bài 13 trang 10 SBT Sinh học 10: Lĩnh vực sinh học nào có thể tạo ra đủ nguồn lương thực và thực phẩm nuôi sống toàn bộ dân số trên Trái Đất trong vài thế kỉ tới khi mà diện tích đất canh tác ngày càng thu hẹp và phải hướng tới sự phát triển bền vững?

Lời giải:

Lĩnh vực sinh học có thể tạo ra đủ nguồn lương thực và thực phẩm nuôi sống toàn bộ dân số trên Trái Đất trong vài thế kỉ tới khi mà diện tích đất canh tác ngày càng thu hẹp và phải hướng tới sự phát triển bền vững là: Công nghệ sinh học. Công nghệ sinh học được ứng dụng trong nông nghiệp công nghệ cao, nó sử dụng quy trình k thuật hiện đại cùng nền tảng khoa học trong sinh học nhằm sản xuất và tạo ra các sản phẩm sinh học chất lượng cao như phát triển các giống cây trồng cho năng suất cao, tăng sức đề kháng của cây đối với sâu bệnh,

Bài 14 trang 10 SBT Sinh học 10: Hãy mô tả thành tựu sinh học mới mà em cho là ấn tượng nhất.

Lời giải:

CRISPR sửa chữa gen bên trong cơ thể:

- Trước đây, công cụ chỉnh sửa gen CRISPR đã có những thành công lâm sàng khi giúp chữa khỏi cho những người mắc 2 chứng rối loạn máu di truyền là bệnh hồng cầu hình liềm và bệnh beta-thalassemia bằng cách loại bỏ các tế bào máu gốc bị lỗi khỏi bệnh nhân, chỉnh sửa và tái sử dụng chúng vào cơ thể. Năm 2021, nền khoa học thế giới đánh dấu bước tiến xa hơn khi triển khai k thuật này trực tiếp trong cơ thể người bệnh. Một số kết quả nghiên cứu cho thấy, phương pháp này đã làm giảm một loại protein độc hại cho gan và cải thiện thị lực ở những người bị mù di truyền.

- Các nhà nghiên cứu tại Công ty Editas Medicine, Mỹ đã tiêm một loại virus vô hại mang DNA CRISPR vào mắt của 6 người trưởng thành mắc chứng rối loạn thị lực di truyền. Kết quả cho thấy, sau 3 - 6 tháng, hai bệnh nhân từ gần như mù hoàn toàn đã có thể cảm nhận được ánh sáng, một trong số họ có thể tránh được các vật cản trong điều kiện ánh sáng mờ.

- Có thể nói rằng, k thuật chỉnh sửa gen bằng CRISPR bên trong cơ thể người là k thuật tiềm năng, tuy nhiên cần xác định chính xác các gen và chuyển chúng an toàn đến đúng tế bào với số lượng phù hợp.

Bài 15 trang 10 SBT Sinh học 10: Phát triển bền vững là gì? Hãy nêu một việc làm cụ thể mà em có thể thực hiện để góp phần vào sự phát triển bền vững.

Lời giải:

- Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng được nhu cầu của xã hội hiện tại, nhưng không làm tồn hại đến khả năng tiếp cận với nhu cầu phát triển của các thế hệ tương lai.

- Một việc làm cụ thể mà em có thể thực hiện để góp phần vào sự phát triển bền vững là: Bảo vệ, giữ gìn môi trường xanh – sạch – đẹp bằng cách không vứt rác bừa bãi, trồng và bảo vệ cây xanh,… đồng thời tuyên truyền cho gia đình và mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường.

1 983 lượt xem


Xem thêm các chương trình khác: