Chương 12 QCVN 41:2019/BGTVT: Cột kilômét, Cọc H
Số hiệu: | QCVN 41:2019/BGTVT | Loại văn bản: | Quy chuẩn Việt Nam |
Nơi ban hành: | Bộ Giao thông vận tải | Người ký: | *** |
Ngày ban hành: | Năm 2019 | Ngày hiệu lực: | 01/07/2020 |
Lĩnh vực: | Giao thông - Vận tải | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
ICS: | *** |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
Cột kilômét có tác dụng xác định lý trình để phục vụ yêu cầu quản lý đường và kết hợp chỉ dẫn cho những người tham gia giao thông biết khoảng cách trên hướng đi
66.1. Có 3 loại cột kilômét được sử dụng gồm:
66.1.1. Cột kilômét dạng cột thấp (Hình I.1 - Phụ lục I);
66.1.2. Cột kilômét dạng cột cao (Hình I.2 - Phụ lục I);
66.1.3. Cột kilômét dạng tấm hình chữ nhật (Hình I.3 - Phụ lục I).
66.2. Đối với đường hai làn xe không có dải phân cách giữa, sử dụng một cột kilômét dạng cột thấp đặt ở lề đường hoặc sử dụng một cột kilômét dạng cột cao đặt phía ngoài lan can phòng hộ. Cột kilômét được đặt về phía tay phải theo hướng đi từ điểm đầu (điểm gốc đường) đến điểm cuối tuyến đường. Trong trường hợp khó khăn có thể đặt cột kilômét về phía tay trái.
66.3. Đối với đường ô tô thông thường có nhiều hơn hai làn xe không có dải phân cách giữa thì sử dụng hai cột kilômét dạng cột thấp ở hai bên lề đường. Trong trường hợp có lan can phòng hộ thì sử dụng cột kilômét dạng cột cao đặt phía bên ngoài của lan can phòng hộ.
66.4. Đối với đường ô tô thông thường có dải phân cách giữa có bề rộng ≤ 4,0 m thì sử dụng một cột kilômét dạng cột cao đặt ở giữa dải phân cách.
Trường hợp bề rộng dải phân cách giữa hẹp, không đặt được cột kilômét dạng cột cao thì sử dụng một cột dạng tấm hình chữ nhật (nền trắng, chữ đen) đặt ở dải phân cách giữa và một cột kilômét dạng cột cao đặt ở hai bên lề đường phía bên phải chiều xe chạy.
66.5. Đối với đường ô tô thông thường có dải phân cách giữa có bề rộng > 4,0 m thì sử dụng hai cột kilômét dạng cột cao đặt ở hai mép dải phân cách phía bên trái chiều xe chạy.
66.6. Đối với đường ô tô cao tốc có dải phân cách giữa có bề rộng ≤ 4,0 m thì sử dụng một cột kilômét dạng cột cao đặt ở giữa dải phân cách và hai cột dạng tấm hình chữ nhật đặt ở hai bên lề đường.
66.7. Đối với đường ô tô cao tốc có dải phân cách giữa có bề rộng > 4,0 m thì sử dụng hai cột kilômét dạng cột cao đặt ở hai mép dải phân cách và hai cột dạng tấm hình chữ nhật đặt ở hai bên lề đường
67.1. Hình dạng, màu sắc kích thước và chữ viết trên cột kilômét quy định ở Phụ lục I.
67.2. Đối với đường có tốc độ thiết kế ≥ 60 km/h, mặt cột kilômét có phản quang để được nhìn rõ về ban đêm. Khuyến khích sử dụng mặt cột kilômét phản quang đối với các đường khác.
67.3. Đối với cột kilômét dạng cột cao đặt ở giữa dải phân cách, mép thấp nhất của cột đến mặt đường tối thiểu là 1.200 mm; mép ngoài cột cách mép phần xe chạy tối thiểu 500 mm.
67.4. Đối với cột kilômét dạng tấm hình chữ nhật đặt ở lề đường hoặc dải phân cách giữa chiều cao mép biển thấp nhất so với mép mặt đường tối thiểu là 1.200 mm. Biển đặt cách mép phần xe chạy tối thiểu là 0,5 m theo chiều ngang.
Đối với cột kilômét dạng cột thấp và dạng cột cao, vị trí đặt cột kilômét theo hướng cắt ngang đường theo quy định như vị trí chôn cọc tiêu quy định ở khoản 59.1 và khoản 59.2 Điều 59. Nếu đường qua khu đông dân cư đã có hè đường cao hơn phần xe chạy thì cột kilômét đặt trên hè đường cách mép phần xe chạy tối thiểu 0,75 m (tính đến tim cột).
69.1. Vị trí đặt cột kilômét theo chiều dọc đường là khoảng cách chẵn 1.000 m của tim đường bắt đầu từ điểm gốc đường. Điểm gốc đường gọi là “km 0”.
69.2. Vị trí điểm gốc đường và điều chỉnh cục bộ hướng tuyến của một tuyến đường, chiều dài cục bộ do cấp có thẩm quyền quản lý hệ thống đường đó ra quyết định.
69.3. Khi thay đổi điểm gốc đường và điều chỉnh cục bộ hướng tuyến theo quyết định của cấp có thẩm quyền quy định ở khoản 69.2 Điều này mới đặt lại hệ thống cột kilômét. Nhà thầu bảo trì không được tự ý thay đổi vị trí cột kilômét.
69.4. Khi không thể đặt cột kilômét chính xác tại lý trình yêu cầu do vướng chướng ngại vật thì cho phép dịch chuyển cột trong cự ly 50 m theo phương dọc đường.
70.1. Tên địa danh chỉ dẫn trên cột kilômét được ghi trên các cột kilômét dạng cột thấp và cột kilômét dạng cột cao theo quy định ở Phụ lục I của Quy chuẩn này.
70.2. Khoảng cách ghi kèm theo tên địa danh là chiều dài từ cột kilômét đến vị trí trung tâm địa danh mang tên địa phương đó, lấy số chẵn đến km.
Cột kilômét quy định như trên chỉ áp dụng trên các hệ thống quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện và đường chuyên dùng, không áp dụng với hệ thống đường đô thị và hệ thống đường xã.
72.1. Cọc H được sử dụng trên các tuyến đường bộ là các cọc lý trình 100 m được trồng trong phạm vi giữa hai cột kilômét liền kề. Cứ cách 100 m từ cột kilômét trước đến cột kilômét sau trồng một cọc H. Trên chiều dài 1 km có 9 cọc H lần lượt là H1, H2 đến H9. Kỹ thuật chôn cọc H tương tự như cọc mốc lộ giới hoặc dạng tấm gắn lên trên dải phân cách hay hộ lan.
72.2. Trường hợp tại vị trí cần cắm cọc H đã có hộ lan, tường bảo vệ hoặc các vật cứng cố định thì có thể viết hoặc gắn thông tin cọc H trực tiếp lên các kết cấu nói trên hoặc sử dụng dạng tấm gắn trên các kết cấu đó. Thông tin cần thể hiện trên cọc H xem Phụ lục I của Quy chuẩn này.
72.3. Kích thước, hình dáng, màu sắc quy định tại Phụ lục I của Quy chuẩn này.