Chương I Nghị định 87/2024/NĐ-CP: Những quy định chung
Số hiệu: | 87/2024/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Lê Minh Khái |
Ngày ban hành: | 12/07/2024 | Ngày hiệu lực: | 12/07/2024 |
Ngày công báo: | 28/07/2024 | Số công báo: | Từ số 869 đến số 870 |
Lĩnh vực: | Vi phạm hành chính, Tài chính nhà nước | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Bán hàng cao hơn mức tối đa của khung giá Nhà nước bị phạt đến 40 triệu đồng
Ngày 12/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 87/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá, trong đó có quy định mức phạt với hành vi bán hàng cao hơn mức tối đa của khung giá nhà nước.
Xử phạt vi phạm bán hàng cao hơn mức tối đa của khung giá Nhà nước ban hành
Theo đó, quy định về mức xử phạt đối với các vi phạm về định giá và bán hàng hóa, dịch vụ không đúng với quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể:
Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:
(1) Bán không đúng mức giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá cụ thể;
(2) Bán cao hơn mức tối đa của khung giá do Nhà nước ban hành;
(3) Bán thấp hơn mức tối thiểu của khung giá do Nhà nước ban hành;
(4) Bán cao hơn giá tối đa do Nhà nước ban hành;
(5) Bán thấp hơn giá tối thiểu do Nhà nước ban hành.
Đồng thời, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc trả lại cho khách hàng toàn bộ tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá quy định do hành vi vi phạm gây ra tại (1), (2) và (4).
Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải thông báo công khai nội dung biện pháp khắc phục hậu quả nêu trên lên phương tiện thông tin đại chủng trong thời hạn 30 ngày, trường hợp không xác định được khách hàng hoặc khách hàng từ chối nhận thì nộp toàn bộ số tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá quy định vào ngân sách nhà nước.
Lưu ý: Mức phạt nêu trên áp dụng đối với cá nhân. Nếu tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì phạt gấp 02 lần mức phạt tiền của cá nhân.
Xem thêm chi tiết tại Nghị định 87/2024/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 12/7/2024.
Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá
Hiện hành, danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá được quy định tại Phụ lục số 02 kèm theo Luật Giá 2023.
Một số hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá có thể kể đến như:
- Điện (bán lẻ, bán buôn); các dịch vụ về điện theo quy định của Luật Điện lực bao gồm: dịch vụ phát điện, dịch vụ truyền tải điện, dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, dịch vụ điều độ vận hành hệ thống điện, dịch vụ điều hành giao dịch thị trường điện lực, dịch vụ phân phối điện;
- Dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án đầu tư xây dựng đường bộ (trừ dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc) để kinh doanh, do trung ương quản lý;
- Nước sạch;
- Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi Nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh;...
Xem chi tiết tại Phụ lục số 02 kèm theo Luật Giá 2023.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính; hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; đối tượng bị xử phạt; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh và thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành chính; việc thi hành các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, các biện pháp khắc phục hậu quả trong quản lý giá (bao gồm: hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước; cơ sở dữ liệu về giá; thẩm định giá; thanh tra chuyên ngành về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá) và việc đăng tải thông tin vi phạm pháp luật về giá, thẩm định giá trên phương tiện thông tin đại chúng.
1. Cá nhân, tổ chức Việt Nam; cá nhân, tổ chức nước ngoài (sau đây viết tắt là cá nhân, tổ chức) thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này; người có thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và cá nhân, tổ chức khác có liên quan.
2. Tổ chức là đối tượng bị xử phạt theo quy định tại Nghị định này, bao gồm:
a) Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp, bao gồm: doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện);
b) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập theo quy định của Luật Hợp tác xã;
c) Tổ chức được thành lập theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Thương mại, gồm: nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài (trừ nhà đầu tư là cá nhân) và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam;
d) Tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp;
đ) Đơn vị sự nghiệp công lập;
e) Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao;
g) Các tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
3. Hộ kinh doanh, hộ gia đình, nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này bị xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân.
1. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính gồm:
a) Phạt tiền;
b) Tước có thời hạn quyền sử dụng Thẻ thẩm định viên về giá; đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; đình chỉ có thời hạn hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về thẩm định giá.
2. Hình thức xử phạt quy định tại điểm a khoản 1 Điều này là hình thức xử phạt chính. Hình thức xử phạt quy định tại điểm b khoản 1 Điều này là hình thức xử phạt bổ sung.
3. Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân quy định tại Nghị định là 150.000.000 đồng, đối với tổ chức là 300.000.000 đồng.
4. Mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền của tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền của cá nhân.
5. Cách xác định tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ và mức phạt tiền cụ thể đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá được thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
6. Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nhiều lần các hành vi vi phạm trong Nghị định này thì áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm hành chính nhiều lần, trừ các hành vi vi phạm tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 7; khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều 20; khoản 3 Điều 22; khoản 5 Điều 23; khoản 4 Điều 25 Nghị định này thì xử phạt về từng hành vi.
7. Ngoài các hình thức xử phạt vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, đối tượng vi phạm còn bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
a) Buộc chấp hành đúng, buộc chấp hành các biện pháp bình ổn giá do cơ quan có thẩm quyền quy định; buộc công khai đầy đủ thông tin về Quỹ bình ổn giá theo quy định; buộc báo cáo đầy đủ về Quỹ bình ổn giá theo quy định hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; buộc nộp vào Quỹ bình ổn giá số tiền do trích lập, sử dụng không đúng quy định hoặc văn bản điều hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Buộc dừng thực hiện mức giá bán hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá;
c) Buộc nộp lại văn bản kê khai giá, buộc thực hiện kê khai hoặc niêm yết giá theo quy định;
d) Buộc trả lại cho khách hàng số tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá quy định, số tiền đã thu lợi do hành vi vi phạm hành chính gây ra;
đ) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính;
e) Buộc gửi báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu; buộc báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu bổ sung; buộc cung cấp, cập nhật thông tin về giá vào cơ sở dữ liệu về giá theo quy định;
g) Buộc công khai thông tin theo quy định của pháp luật về thẩm định giá;
h) Buộc thực hiện báo cáo theo quy định của pháp luật về thẩm định giá;
i) Buộc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp hoặc trích lập dự phòng rủi ro nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về thẩm định giá;
k) Buộc cập nhật chứng thư thẩm định giá vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá theo quy định của pháp luật về thẩm định giá;
l) Buộc lưu trữ, bảo quản và khai thác hồ sơ thẩm định giá theo quy định của pháp luật về thẩm định giá;
m) Buộc giải trình báo cáo thẩm định giá do thẩm định viên về giá thực hiện với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
n) Buộc thực hiện thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá;
o) Buộc thông tin chính xác, trung thực về trình độ, kinh nghiệm và khả năng cung cấp dịch vụ của thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá;
p) Buộc thực hiện kiểm soát chất lượng báo cáo thẩm định giá;
q) Buộc cấp lại chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng cho các học viên tham gia lớp học;
r) Buộc thu hồi chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng hoặc xác nhận cập nhật kiến thức về thẩm định giá đồng thời buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do hành vi vi phạm;
s) Buộc thu hồi chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng hoặc xác nhận cập nhật kiến thức về thẩm định giá đồng thời buộc hoàn trả chi phí đào tạo, bồi dưỡng hoặc cập nhật kiến thức cho các học viên tham gia học;
t) Buộc đính chính thông tin do thực hiện hành vi vi phạm.
8. Việc thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả được thực hiện theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Đối với biện pháp khắc phục hậu quả tại khoản 2 Điều 10, điểm b khoản 4 Điều 13, điểm b khoản 5 Điều 15 Nghị định này, cá nhân, tổ chức vi phạm có trách nhiệm phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có) để thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả được ghi trong Quyết định theo quy định của pháp luật và phải chịu mọi chi phí cho việc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đó. Sau thời hạn thực hiện công khai nội dung khắc phục hậu quả lên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải báo cáo kết quả thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đến người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt trong 07 ngày làm việc.
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá được quy định tại Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
2. Nguyên tắc xác định hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá áp dụng theo quy định của Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
1. Trường hợp vi phạm hành chính mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị của người đã ra Quyết định xử phạt gửi văn bản về việc công bố công khai và bản sao Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đến trang thông tin điện tử hoặc báo của cơ quan quản lý cấp bộ, cấp sở hoặc của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm hành chính trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra Quyết định xử phạt.
2. Nội dung công bố công khai là bản sao Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
3. Người đứng đầu cơ quan báo chí hoặc người chịu trách nhiệm quản lý nội dung của trang thông tin điện tử quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm:
a) Đăng tải bản sao Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản về việc công bố công khai và bản sao Quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
b) Đăng tải công khai thông tin đối với mỗi Quyết định xử phạt vi phạm hành chính ít nhất 01 lần, thời gian đăng tải ít nhất là 30 ngày;
c) Đăng tải thông tin đính chính (nếu có) trên trang thông tin điện tử hoặc số báo tiếp theo trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận được yêu cầu đính chính thông tin.
4. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị của người đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm:
a) Chịu trách nhiệm về nội dung thông tin công bố công khai;
b) Đính chính thông tin sai lệch trong vòng 01 ngày làm việc, kể từ thời điểm phát hiện hoặc nhận được yêu cầu đính chính.
5. Đính chính thông tin:
a) Trong trường hợp trang thông tin điện tử hoặc báo đăng không chính xác các thông tin quy định tại khoản 2 Điều này, thì phải đính chính đúng chuyên mục hoặc vị trí đã đăng thông tin trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ thời điểm phát hiện hoặc nhận được yêu cầu đính chính trên trang thông tin điện tử hoặc số báo tiếp theo và phải chịu chi phí cho việc đính chính;
b) Việc đính chính được thực hiện 01 lần đối với mỗi Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thời gian đăng tải ít nhất là 30 ngày.
6. Kinh phí thực hiện công bố công khai và đính chính thông tin (nếu có) được chi trả bằng nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên từ cơ quan của người có thẩm quyền đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.