Nghị định 69/2014/NĐ-CP về tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước
Số hiệu: | 69/2014/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 15/07/2014 | Ngày hiệu lực: | 01/09/2014 |
Ngày công báo: | 01/08/2014 | Số công báo: | Từ số 727 đến số 728 |
Lĩnh vực: | Doanh nghiệp, Tài chính nhà nước | Tình trạng: |
Hết hiệu lực
01/06/2022 |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Buộc chuyển đổi Tập đoàn kinh tế trong vòng 3 năm
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 69/2014/NĐ-CP về tập đoàn kinh tế Nhà nước và tổng công ty Nhà nước (TĐKT), thay thế Nghị định 101/2009/NĐ-CP và 111/2007/NĐ-CP.
Điều kiện thành lập TĐKT thuộc ngành, lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong phát triển quốc gia/vùng lãnh thổ/ngành kinh tế: kinh doanh có lãi 3 năm liên tiếp, đảm bảo yêu cầu về tình hình tài chính, trình độ nhân lực và quản lý....
Đối với các TĐKT được thành lập trước ngày 01/9/2014:
- TĐKT không đủ điều kiện phải chuyển đổi thành tổng công ty/nhóm công ty tương ứng trong 2 năm; nếu đáp ứng các điều kiện khác trừ vốn điều lệ thì thời hạn để bổ sung vốn không quá 3 năm;
- TĐKT có nhiều hơn ba 3 cấp DN phải tổ chức lại DN trong vòng 2 năm dưới sự giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Đại diện chủ sở hữu, quyền và nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu được quy định cụ thể tại Nghị định.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/9/2014.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
Nghị định này quy định về:
1. Thành lập, tổ chức lại, chấm dứt hoạt động dưới hình thức tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước (sau đây gọi tắt là tập đoàn kinh tế, tổng công ty).
2. Tổ chức, hoạt động, quản lý, điều hành trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty.
3. Quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty.
Đối tượng áp dụng của Nghị định bao gồm:
1. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty có công ty mẹ được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu hoặc công ty mẹ là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước.
2. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập, tổ chức lại, chấm dứt hoạt động dưới hình thức tập đoàn kinh tế, tổng công ty và thực hiện quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty.
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. “Ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp” là ngành nghề được xác lập từ mục đích đầu tư thành lập và chiến lược phát triển doanh nghiệp, do chủ sở hữu quy định và giao cho doanh nghiệp thực hiện khi thành lập và trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp.
2. “Ngành nghề kinh doanh có liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp” (sau đây gọi tắt là ngành nghề có liên quan) là ngành nghề phụ trợ hoặc phái sinh từ ngành nghề kinh doanh chính, trên cơ sở điều kiện và lợi thế của ngành nghề kinh doanh chính hoặc sử dụng lợi thế, ưu thế của ngành nghề kinh doanh chính và phục vụ trực tiếp cho ngành nghề kinh doanh chính.
3. “Ngành nghề kinh doanh không liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp” (sau đây gọi tắt là ngành nghề không liên quan) là ngành nghề không phái sinh hoặc không phát triển từ ngành nghề kinh doanh chính, ngành nghề có liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính.
4. “Đối tượng có liên quan của công ty mẹ” là tổ chức, cá nhân có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với công ty mẹ theo quy định tại Khoản 17 Điều 4 Luật Doanh nghiệp.
5. “Quyền chi phối” của một doanh nghiệp đối với một doanh nghiệp khác bao gồm ít nhất một trong các quyền sau đây:
a) Quyền sở hữu duy nhất của doanh nghiệp;
b) Quyền của cổ đông, thành viên góp vốn chi phối của doanh nghiệp;
c) Quyền trực tiếp hay gián tiếp bổ nhiệm đa số hoặc tất cả các thành viên Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc (Giám đốc) doanh nghiệp;
d) Quyền trực tiếp hay gián tiếp quyết định việc phê duyệt, sửa đổi, bổ sung Điều lệ của doanh nghiệp;
đ) Quyền trực tiếp hay gián tiếp quyết định chiến lược, kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp;
e) Các trường hợp chi phối khác theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp chi phối và doanh nghiệp bị chi phối và được ghi vào Điều lệ của doanh nghiệp bị chi phối.
6. “Doanh nghiệp thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty” (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp thành viên) là các doanh nghiệp do công ty mẹ, doanh nghiệp cấp II trực tiếp nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc quyền chi phối đối với doanh nghiệp đó.
1. Tập đoàn kinh tế là nhóm công ty, gồm công ty mẹ, các doanh nghiệp thành viên và công ty liên kết; đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều 9 Nghị định này.
2. Tổng công ty là nhóm công ty, gồm công ty mẹ, các doanh nghiệp thành viên và công ty liên kết; đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 4 Điều 9 Nghị định này.
3. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty có không quá ba cấp doanh nghiệp và cơ cấu như sau:
a) Công ty mẹ (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp cấp I) là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc giữ quyền chi phối. Công ty mẹ được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu hoặc công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước; giữ vai trò hạt nhân lãnh đạo, chi phối các doanh nghiệp thành viên trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty;
b) Công ty con của doanh nghiệp cấp I (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp cấp II) là doanh nghiệp do công ty mẹ nắm quyền chi phối. Doanh nghiệp cấp II được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên trong trường hợp công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên trong trường hợp công ty mẹ nắm quyền chi phối;
c) Công ty con của doanh nghiệp cấp II (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp cấp III) là doanh nghiệp do doanh nghiệp cấp II nắm quyền chi phối. Doanh nghiệp cấp III được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên trong trường hợp doanh nghiệp cấp II nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên trong trường hợp doanh nghiệp cấp II nắm quyền chi phối;
d) Công ty liên kết là công ty có cổ phần, vốn góp dưới mức chi phối của công ty mẹ và công ty con; công ty không có vốn góp của công ty mẹ và công ty con, tự nguyện tham gia liên kết dưới hình thức hợp đồng liên kết và có mối quan hệ gắn bó lâu dài về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường, các dịch vụ khác với công ty mẹ hoặc công ty con trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Công ty liên kết được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
4. Công ty mẹ và các doanh nghiệp thành viên có tư cách pháp nhân; có vốn và tài sản riêng; có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của mình theo quy định của pháp luật và theo thỏa thuận chung của tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Nhà nước là chủ sở hữu vốn nhà nước trực tiếp đầu tư tại công ty mẹ. Công ty mẹ là chủ sở hữu vốn do công ty mẹ đầu tư tại các công ty con, công ty liên kết.
1. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty có tên, thương hiệu riêng. Người quyết định thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty quyết định tên của tập đoàn kinh tế, tổng công ty và tên của công ty mẹ thành lập theo Nghị định này.
2. Công ty mẹ và các doanh nghiệp thành viên đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Việc đặt tên của doanh nghiệp thành viên tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.
Tập đoàn kinh tế, tổng công ty không có tư cách pháp nhân và không phải đăng ký kinh doanh nhưng phải thông báo việc thành lập, tổ chức lại, thay đổi số lượng doanh nghiệp thành viên, tỷ lệ vốn tại các doanh nghiệp thành viên, chấm dứt hoạt động dưới hình thức tập đoàn kinh tế, tổng công ty cho cơ quan đăng ký kinh doanh; việc tập trung kinh tế theo quy định tại Mục 3 và 4 Chương II Luật Cạnh tranh cho Cơ quan quản lý cạnh tranh.
Trình tự, thủ tục thông báo việc thành lập, tổ chức lại, thay đổi số lượng doanh nghiệp thành viên, tỷ lệ vốn tại các doanh nghiệp thành viên, chấm dứt hoạt động dưới hình thức tập đoàn kinh tế, tổng công ty thực hiện theo hướng dẫn của Bộ kế hoạch và Đầu tư.
1. Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam trong tập đoàn, kinh tế, tổng công ty hoạt động theo Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
2. Các tổ chức chính trị - xã hội trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty hoạt động theo Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ của các tổ chức chính trị - xã hội đó, phù hợp với quy định của pháp luật.
3. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty tạo điều kiện và hỗ trợ để tổ chức Đảng, tổ chức Công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội khác hoạt động theo quy định của pháp luật và Điều lệ của các tổ chức đó.
1. Việc thành lập, tổ chức, hoạt động, quản lý và giám sát tập đoàn kinh tế, tổng công ty áp dụng theo quy định của Nghị định này, Luật Doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Trường hợp có sự khác nhau giữa Nghị định này và pháp luật chuyên ngành thì áp dụng theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
2. Trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế.
1. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty được thành lập trên cơ sở tổng công ty nhà nước hoặc nhóm công ty đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 9 của Nghị định này.
2. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty thành lập theo các hình thức sau:
a) Sáp nhập hoặc hợp nhất doanh nghiệp;
b) Mua lại cổ phần hoặc phần vốn góp;
c) Đầu tư, góp vốn bằng tài sản hữu hình hoặc vô hình;
d) Các hình thức liên kết khác do các doanh nghiệp tự thỏa thuận, không trái các quy định pháp luật.
1. Chính phủ chỉ xem xét lựa chọn tổng công ty làm nòng cốt hình thành tập đoàn kinh tế khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện tại Khoản 2 Điều này và thành lập mới các tập đoàn kinh tế, tổng công ty khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này.
2. Tổng công ty nhà nước được lựa chọn làm nòng cốt hình thành tập đoàn kinh tế phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
a) Kinh doanh có lãi trong ba (03) năm liên tiếp liền kề trước năm được lựa chọn;
b) Tình hình tài chính được chủ sở hữu đánh giá ở mức độ bảo đảm an toàn;
c) Trình độ nguồn nhân lực và năng suất lao động cao hơn mức trung bình của các doanh nghiệp khác hoạt động trong cùng ngành, lĩnh vực hoạt động;
d) Trình độ trang thiết bị, công nghệ ở mức tiên tiến; quản lý hiện đại;
đ) Quản lý có hiệu quả cổ phần, phần vốn góp tại các doanh nghiệp khác;
e) Hoạt động trong phạm vi toàn quốc và ở nước ngoài.
3. Tập đoàn kinh tế dự kiến được thành lập phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Có ngành, lĩnh vực kinh doanh chính thuộc ngành, lĩnh vực sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ đặc biệt quan trọng trong bảo đảm an ninh quốc gia về kinh tế; tạo nền tảng về hạ tầng kinh tế quốc gia; tạo động lực nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế. Thủ tướng Chính phủ quy định các ngành, lĩnh vực kinh doanh được xem xét thành lập tập đoàn kinh tế trong từng thời kỳ;
b) Công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Vốn điều lệ của công ty mẹ không thấp hơn 10.000 tỷ đồng. Trường hợp công ty mẹ được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thì phần vốn nhà nước phải chiếm tối thiểu 75% vốn điều lệ của công ty mẹ. Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đối với trường hợp mức vốn điều lệ hoặc tỷ lệ vốn nhà nước trên vốn điều lệ của công ty mẹ thấp hơn mức quy định này.
- Có nguồn nhân lực đủ trình độ, kinh nghiệm và khả năng kinh doanh ngành nghề chính và các ngành nghề có liên quan; quản lý vốn đầu tư và quản trị điều hành, phối hợp hoạt động các công ty con, công ty liên kết.
- Có khả năng sử dụng bí quyết công nghệ, thương hiệu, thị trường để chi phối các công ty con và tiến hành liên kết với các công ty liên kết khác.
- Có nguồn lực tài chính hoặc có phương án khả thi để huy động nguồn lực tài chính, bảo đảm đầu tư đủ vốn vào các công ty con và các công ty liên kết.
c) Tập đoàn kinh tế phải có tối thiểu 50% số công ty con hoạt động trong những khâu, công đoạn then chốt trong ngành, lĩnh vực kinh doanh chính và tổng giá trị cổ phần, phần vốn góp của công ty mẹ tại các công ty con này tối thiểu bằng 60% tổng nguồn vốn đầu tư của công ty mẹ tại các công ty con, công ty liên kết.
Công ty con do công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ phải là những công ty được thành lập để phát triển, nắm giữ các bí quyết công nghệ phục vụ trực tiếp việc thực hiện các nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh chính của công ty mẹ.
4. Tổng công ty dự kiến thành lập mới phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Có ngành, lĩnh vực kinh doanh chính thuộc một trong những ngành, lĩnh vực sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ quan trọng tạo nền tảng cho phát triển ngành hoặc vùng lãnh thổ; tạo động lực nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và ngành hoặc vùng lãnh thổ. Thủ tướng Chính phủ quy định những ngành, lĩnh vực kinh doanh được xem xét thành lập tổng công ty trong từng thời kỳ;
b) Công ty mẹ trong tổng công ty phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Vốn điều lệ của công ty mẹ không thấp hơn 1.800 tỷ đồng. Đối với công ty mẹ được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thì phần vốn nhà nước phải chiếm ít nhất 65% vốn điều lệ của công ty mẹ. Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đối với trường hợp mức vốn điều lệ hoặc tỷ lệ vốn nhà nước trên vốn điều lệ của công ty mẹ thấp hơn mức quy định này.
- Có nguồn nhân lực đủ trình độ, kinh nghiệm và khả năng kinh doanh ngành nghề chính và các ngành nghề có liên quan; quản lý vốn đầu tư và quản trị điều hành, phối hợp hoạt động các công ty con, công ty liên kết.
- Có nguồn lực tài chính hoặc có phương án khả thi để huy động nguồn lực tài chính, bảo đảm đầu tư đủ vốn vào các công ty con và các công ty liên kết.
c) Tổng công ty phải có tối thiểu 50% số công ty con hoạt động trong những khâu, công đoạn then chốt trong ngành, lĩnh vực kinh doanh chính và tổng giá trị cổ phần, phần vốn góp của công ty mẹ tại các công ty con này tối thiểu bằng 60% tổng nguồn vốn đầu tư của công ty mẹ tại các công ty con, công ty liên kết.
Công ty con do công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ phải là những công ty được thành lập để phát triển, nắm giữ các bí quyết công nghệ phục vụ trực tiếp việc thực hiện các nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh chính của công ty mẹ.
1. Căn cứ điều kiện quy định tại Điều 9 Nghị định này, Thủ tướng Chính phủ quyết định các công ty mẹ trong tổng công ty, nhóm công ty được phép xây dựng Đề án thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong từng thời kỳ trên cơ sở đề nghị của Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
2. Hội đồng thành viên hoặc người đại diện theo ủy quyền thực hiện quyền cổ đông, thành viên nhà nước (sau đây gọi tắt là người đại diện theo ủy quyền) tại công ty mẹ trong tổng công ty, nhóm công ty có trách nhiệm xây dựng Đề án thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty trình Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, cho ý kiến để hoàn chỉnh Dự thảo Đề án.
3. Hồ sơ thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty gồm:
a) Tờ trình Đề án;
b) Đề án thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty.
Đề án gồm các nội dung cơ bản sau: Sự cần thiết, mục đích thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty; thực trạng tổ chức quản lý và hoạt động của tổng công ty, nhóm công ty; phương thức hình thành và cơ cấu tập đoàn kinh tế, tổng công ty; phương thức xây dựng, duy trì và phát triển các hình thức liên kết giữa công ty mẹ với các doanh nghiệp thành viên và giữa các doanh nghiệp thành viên; phương thức thành lập công ty mẹ, bao gồm cả phương án cổ phần hóa công ty mẹ đối với trường hợp hình thành tập đoàn kinh tế đồng thời với cổ phần hóa công ty mẹ; hình thức pháp lý, tên, cơ cấu tổ chức và quản lý của công ty mẹ; tên, hình thức pháp lý, cơ cấu tổ chức của các doanh nghiệp thành viên; ngành nghề kinh doanh chính và ngành nghề có liên quan; cơ cấu đầu tư vào các ngành nghề trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty; phương án sử dụng, phát triển nguồn nhân lực lãnh đạo quản lý tại công ty mẹ; nguồn nhân lực thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu công ty mẹ tại các doanh nghiệp thành viên; phương án hoạt động kinh doanh của tập đoàn kinh tế, tổng công ty; phân tích các chỉ tiêu hiệu quả của việc thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty so với trước khi thành lập; đánh giá tác động kinh tế - xã hội và sự phù hợp của việc thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty với quy hoạch, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực, vùng lãnh thổ; báo cáo thực hiện các thủ tục về tập trung kinh tế theo quy định của pháp luật cạnh tranh; tổ chức, hoạt động, quản lý, điều hành trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty; hệ thống thông tin và cơ chế bảo đảm thông tin thông suốt trong toàn tập đoàn kinh tế, tổng công ty; lộ trình và kế hoạch thực hiện Đề án.
c) Dự thảo Điều lệ công ty mẹ.
4. Thẩm định Đề án:
a) Đối với việc thành lập tập đoàn kinh tế:
- Bộ quản lý ngành lập ít nhất tám (08) bộ hồ sơ gốc đề nghị thành lập tập đoàn kinh tế gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì lấy ý kiến các Bộ: Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi công ty mẹ đặt trụ sở chính và ít nhất ba (03) chuyên gia kinh tế độc lập.
Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Hồ sơ đề nghị thành lập tập đoàn kinh tế, các cơ quan và cá nhân liên quan có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tham gia ý kiến đối với các nội dung thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình.
- Trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của các cơ quan liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ Hồ sơ và báo cáo thẩm định Hồ sơ đề nghị thành lập tập đoàn kinh tế để Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
b) Đối với việc thành lập tổng công ty:
- Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập năm (05) bộ Hồ sơ gốc đề nghị thành lập tổng công ty và chủ trì lấy ý kiến các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Bộ quản lý ngành (đối với tổng công ty thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi công ty mẹ đặt trụ sở chính (đối với tổng công ty thuộc Bộ quản lý ngành).
- Trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày nhận được Hồ sơ đề nghị thành lập tổng công ty, các cơ quan liên quan có văn bản gửi Bộ quản lý ngành (đối với tổng công ty thuộc Bộ quản lý ngành), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với tổng công ty thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) để tham gia ý kiến đối với các nội dung thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình.
- Trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của các cơ quan liên quan, Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập báo cáo thẩm định, giải trình việc tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan, hoàn thiện Hồ sơ và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
5. Phê duyệt Đề án:
Căn cứ vào các điều kiện quy định tại Nghị định này và báo cáo thẩm định, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Đề án thành lập tập đoàn kinh tế; chủ trương thành lập tổng công ty thuộc Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
6. Triển khai thực hiện Đề án thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty:
a) Đối với tập đoàn kinh tế:
- Trường hợp thành lập tập đoàn kinh tế có công ty mẹ hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu: Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập công ty mẹ; bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty mẹ theo đề nghị của Bộ quản lý ngành sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Nội vụ. Bộ trưởng Bộ quản lý ngành quyết định bổ nhiệm thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Kiểm soát viên chuyên ngành công ty mẹ. Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định bổ nhiệm Kiểm soát viên tài chính công ty mẹ.
- Trường hợp thành lập tập đoàn kinh tế có công ty mẹ hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước và trường hợp vừa thành lập tập đoàn kinh tế vừa chuyển đổi công ty mẹ thành công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước: Bộ trưởng Bộ quản lý ngành chỉ định người đại diện theo ủy quyền tại công ty mẹ; quyết định cử người tham gia ứng cử Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên công ty mẹ.
- Hội đồng thành viên hoặc người đại diện theo ủy quyền và người được cử tham gia Hội đồng quản trị công ty mẹ có trách nhiệm thực hiện quyền chi phối để định hướng Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên và Hội đồng quản trị công ty mẹ tiếp tục triển khai thực hiện Đề án; phát triển các hình thức liên kết trong nhóm công ty mẹ - công ty con, giữa các doanh nghiệp thành viên trong quá trình triển khai thực hiện Đề án và hoạt động của tập đoàn kinh tế. Hội đồng thành viên hoặc người đại diện theo ủy quyền tại công ty mẹ phải báo cáo chủ sở hữu tình hình triển khai thực hiện Đề án, những khó khăn, vướng mắc phát sinh và phối hợp với các cơ quan có liên quan để triển khai thực hiện.
b) Đối với tổng công ty:
- Trường hợp thành lập tổng công ty có công ty mẹ hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu: Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập công ty mẹ; bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Kiểm soát viên công ty mẹ.
- Trường hợp thành lập tổng công ty có công ty mẹ hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước và trường hợp vừa thành lập tổng công ty vừa chuyển đổi công ty mẹ thành công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước: Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ định người đại diện theo ủy quyền tại công ty mẹ; quyết định cử người tham gia ứng cử Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên công ty mẹ.
- Hội đồng thành viên hoặc người đại diện theo ủy quyền và người được cử tham gia Hội đồng quản trị công ty mẹ chịu trách nhiệm thực hiện quyền chi phối để định hướng Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên và Hội đồng quản trị công ty mẹ tiếp tục triển khai thực hiện Đề án; phát triển các hình thức liên kết trong nhóm công ty mẹ - công ty con, giữa các doanh nghiệp thành viên trong quá trình triển khai thực hiện Đề án và hoạt động của tổng công ty. Hội đồng thành viên hoặc người đại diện theo ủy quyền phải báo cáo chủ sở hữu tình hình triển khai thực hiện Đề án, những khó khăn, vướng mắc phát sinh và phối hợp với các cơ quan có liên quan để triển khai thực hiện.
7. Đối với trường hợp tổng công ty, nhóm công ty tự phát triển đáp ứng đầy đủ điều kiện quy định tại Điều 9 Nghị định này, trình tự, thủ tục thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty được thực hiện như sau:
a) Đối với tổng công ty tự phát triển đáp ứng đầy đủ điều kiện thành lập tập đoàn kinh tế:
- Hội đồng thành viên hoặc người đại diện theo ủy quyền tại công ty mẹ xây dựng Báo cáo đề nghị thành lập tập đoàn kinh tế và gửi Bộ quản lý ngành.
- Bộ quản lý ngành lập báo cáo đề nghị thành lập tập đoàn kinh tế gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì lấy ý kiến các Bộ: Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi công ty mẹ đặt trụ sở chính. Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến của các cơ quan liên quan để Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
b) Đối với các nhóm công ty tự phát triển đáp ứng đầy đủ điều kiện thành lập tổng công ty:
- Hội đồng thành viên hoặc người đại diện theo ủy quyền tại công ty mẹ xây dựng Báo cáo đề nghị thành lập tổng công ty và gửi Bộ quản lý ngành hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Bộ quản lý ngành hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập Báo cáo đề nghị thành lập tổng công ty và lấy ý kiến các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Bộ quản lý ngành (đối với tổng công ty thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi công ty mẹ đặt trụ sở chính (đối với tổng công ty thuộc Bộ quản lý ngành). Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập báo cáo tổng hợp ý kiến của các cơ quan có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
1. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty được tổ chức lại theo các hình thức sau:
a) Hợp nhất công ty mẹ với một hoặc một số công ty khác cùng loại nhưng vẫn do Nhà nước làm chủ sở hữu hoặc giữ cổ phần, vốn góp chi phối;
b) Sáp nhập công ty mẹ với một hoặc một số công ty khác cùng loại nhưng vẫn do Nhà nước làm chủ sở hữu hoặc giữ cổ phần, vốn góp chi phối;
c) Chia công ty mẹ thành một số công ty cùng loại và Nhà nước vẫn làm chủ sở hữu hoặc giữ cổ phần, vốn góp chi phối;
d) Tách công ty mẹ thành một số công ty cùng loại và Nhà nước vẫn làm chủ sở hữu hoặc giữ cổ phần, vốn góp chi phối;
đ) Chuyển đổi công ty mẹ đang hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần nhưng vẫn do Nhà nước giữ quyền chi phối;
e) Tăng, giảm số doanh nghiệp cấp II, cấp III.
2. Điều kiện tổ chức lại:
Tập đoàn kinh tế, tổng công ty được tổ chức lại khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
a) Phù hợp với Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trường hợp việc tổ chức lại tập đoàn kinh tế, tổng công ty chưa được quy định tại Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì Bộ quản lý ngành (đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Nghị định số 99/2012/NĐ-CP) và tổng công ty thuộc Bộ), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với tổng công ty thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định;
b) Tập đoàn kinh tế, tổng công ty sau tổ chức lại vẫn phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 9 Nghị định này.
3. Trình tự, thủ tục tổ chức lại tập đoàn kinh tế, tổng công ty:
a) Việc tổ chức lại tập đoàn kinh tế, tổng công ty theo hình thức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách công ty mẹ thực hiện theo quy định pháp luật về tổ chức lại công ty và Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
b) Việc tổ chức lại tập đoàn kinh tế, tổng công ty theo hình thức tăng, giảm số doanh nghiệp cấp II, cấp III thực hiện theo Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
1. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty phải chấm dứt hoạt động dưới hình thức tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong các trường hợp sau:
a) Công ty mẹ bị giải thể, phá sản;
b) Tập đoàn kinh tế, tổng công ty không còn đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 9 Nghị định này;
c) Công ty mẹ bị sáp nhập, hợp nhất với doanh nghiệp khác mà Nhà nước không giữ cổ phần, vốn góp chi phối;
d) Trường hợp khác theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
2. Trình tự, thủ tục:
a) Trường hợp công ty mẹ bị giải thể, phá sản thực hiện theo quy định pháp luật về giải thể, phá sản. Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý nợ; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn chế độ, chính sách đối với người lao động khi giải thể công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty;
b) Trường hợp tập đoàn kinh tế, tổng công ty không còn đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 9 Nghị định này thực hiện theo Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Định kỳ hàng năm, Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc rà soát và đề nghị:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chấm dứt hoạt động dưới hình thức tập đoàn kinh tế đối với những trường hợp tập đoàn kinh tế không đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 9 Nghị định này.
- Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương chấm dứt hoạt động dưới hình thức tổng công ty đối với những tổng công ty không đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 9 Nghị định này.
Quản lý, điều hành tập đoàn kinh tế, tổng công ty thực hiện theo một hoặc một số phương thức sau đây:
1. Quản lý, điều hành thông qua công ty mẹ.
2. Quản lý, điều hành thông qua các hình thức đầu tư, liên kết; thỏa thuận, hợp tác sử dụng dịch vụ chung trong toàn tập đoàn kinh tế, tổng công ty; thực hiện các quy chế, tiêu chuẩn, định mức chung trong toàn tập đoàn kinh tế, tổng công ty không trái với quy định pháp luật; sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau theo nguyên tắc thị trường.
3. Phương thức khác theo quy định của pháp luật và phù hợp với Điều lệ của các doanh nghiệp thành viên.
1. Công ty mẹ đại diện cho tập đoàn kinh tế, tổng công ty thực hiện các hoạt động chung của tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong quan hệ với bên thứ ba ở trong và ngoài nước hoặc các hoạt động khác theo thỏa thuận với doanh nghiệp thành viên và quy định của pháp luật có liên quan.
2. Công ty mẹ sử dụng quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu, cổ đông, thành viên tại doanh nghiệp thành viên để phối hợp, định hướng các hoạt động sau của tập đoàn kinh tế, tổng công ty;
a) Sử dụng bộ máy quản lý, điều hành tại công ty mẹ hoặc thành lập bộ phận riêng để nghiên cứu, hoạch định chiến lược, đề xuất giải pháp phối hợp, định hướng các hoạt động quy định tại Khoản 3 Điều này để trình Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị công ty mẹ thông qua; thông qua người đại diện theo ủy quyền tại các công ty con, công ty liên kết thực hiện các nội dung phối hợp, định hướng quy định tại Khoản 3 Điều này;
b) Thông qua việc thực hiện các hợp đồng kinh tế, hợp đồng liên kết cùng các công ty con, công ty liên kết để phối hợp, định hướng hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty;
c) Xây dựng các quy chế thống nhất trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty.
3. Nội dung phối hợp, định hướng của công ty mẹ bao gồm:
a) Xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược phát triển, kế hoạch phối hợp kinh doanh chung của tập đoàn kinh tế, tổng công ty; định hướng chiến lược kinh doanh của các công ty con theo chiến lược phát triển, kế hoạch phối hợp kinh doanh chung của tập đoàn kinh tế, tổng công ty; xây dựng và tổ chức thực hiện các quy chế quản lý, điều hành và tiêu chuẩn, định mức áp dụng thống nhất trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty;
b) Phân loại doanh nghiệp thành viên theo vị trí và tầm quan trọng trong chiến lược phát triển chung của tập đoàn kinh tế, tổng công ty; xác định danh mục ngành nghề kinh doanh chính, danh mục doanh nghiệp thành viên chủ chốt; định hướng doanh nghiệp thành viên theo ngành nghề kinh doanh chính; quản lý và định hướng người đại diện theo ủy quyền bảo đảm quyền chi phối của công ty mẹ tại các doanh nghiệp thành viên chủ chốt;
c) Định hướng kế hoạch sản xuất kinh doanh trung hạn, dài hạn của các doanh nghiệp thành viên;
d) Định hướng về mục tiêu hoạt động, đầu tư, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh; phân công, chuyên môn hóa, hợp tác hóa; tiếp cận, mở rộng và chia sẻ thị trường, xuất khẩu, sử dụng thương hiệu, dịch vụ thông tin, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo và các hoạt động khác của doanh nghiệp thành viên theo chính sách chung của tập đoàn kinh tế, tổng công ty;
đ) Xây dựng và thực hiện quy chế quản lý thương hiệu tập đoàn kinh tế, tổng công ty; định hướng về thành tố chung trong tên gọi riêng của các công ty con, công ty liên kết;
e) Định hướng về tổ chức, cán bộ đối với các công ty con;
g) Định hướng nội dung Điều lệ, kiểm soát cơ cấu vốn điều lệ của công ty con;
h) Cử người đại diện theo ủy quyền tham gia quản lý, điều hành ở công ty con. Ban hành và thực hiện quy chế cử, thay thế, giám sát, đánh giá hoạt động của người đại diện theo ủy quyền; quy định những vấn đề phải được công ty mẹ thông qua trước khi người đại diện theo ủy quyền quyết định hoặc tham gia quyết định tại các công ty con, công ty liên kết;
i) Làm đầu mối tập hợp các nguồn lực của doanh nghiệp thành viên, doanh nghiệp liên kết để thực hiện đấu thầu và triển khai thực hiện các dự án chung do các công ty con, công ty liên kết cùng thỏa thuận và thực hiện;
k) Thực hiện và cung cấp dịch vụ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, tiếp thị, xúc tiến thương mại và các dịch vụ khác cho công ty con, công ty liên kết;
l) Phối hợp hình thành, quản lý và sử dụng có hiệu quả các quỹ chung; giám sát tài chính và kiểm soát rủi ro; hỗ trợ hoạt động tài chính (thu xếp vốn, hỗ trợ vốn và các hình thức khác) cho doanh nghiệp thành viên trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty khi được doanh nghiệp đề nghị;
m) Phối hợp thực hiện công việc hành chính, giao dịch với các đối tác cho doanh nghiệp thành viên trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty khi được doanh nghiệp này đề nghị; thực hiện nhiệm vụ công ích và công việc do Nhà nước giao hoặc đặt hàng cho tập đoàn kinh tế, tổng công ty;
n) Thiết lập, kết nối mạng lưới thông tin toàn bộ công ty con, công ty liên kết trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty;
o) Xây dựng báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ và công ty con;
p) Tham vấn công ty con, công ty liên kết trong thực hiện các hoạt động chung;
q) Tổ chức việc thực hiện giám sát định hướng, điều hòa, phối hợp giữa các bộ phận trong công ty mẹ;
r) Các hoạt động khác phù hợp với đặc điểm của từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty, quy định pháp luật có liên quan, Điều lệ công ty mẹ và Điều lệ công ty con, công ty liên kết trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty.
4. Công ty mẹ và công ty con, công ty liên kết có quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp theo quy định pháp luật; tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động sản xuất kinh doanh của mình; chịu sự ràng buộc về quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng liên kết, thỏa thuận giữa các doanh nghiệp.
5. Việc phối hợp, định hướng trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty phải phù hợp với quy định của pháp luật; Điều lệ công ty con, công ty liên kết; quyền của chủ sở hữu tại công ty mẹ hoặc thỏa thuận giữa công ty mẹ với các công ty con, công ty liên kết; vị trí của công ty mẹ đối với từng hoạt động phối hợp với công ty con, công ty liên kết.
Trường hợp công ty mẹ lạm dụng vị thế của mình, can thiệp ngoài thẩm quyền của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông hoặc trái với các liên kết và thỏa thuận giữa các doanh nghiệp thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty, làm tổn hại đến lợi ích của doanh nghiệp thành viên, các bên có liên quan, thì công ty mẹ và những người có liên quan phải chịu trách nhiệm theo quy định tại các Khoản 3, 4, 5 và 6 Điều 147 Luật Doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
1. Chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu về bảo đảm mục tiêu kinh doanh ngành nghề chính và các mục tiêu khác do chủ sở hữu quy định. Chịu sự giám sát của chủ sở hữu về danh mục đầu tư, dự án đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản (trừ những tập đoàn kinh tế, tổng công ty hoạt động trong những lĩnh vực này).
2. Quản lý danh mục đầu tư tại công ty mẹ nhằm bảo đảm điều kiện về đầu tư và cơ cấu ngành nghề quy định tại Điều 17 Nghị định này; theo dõi, giám sát danh mục đầu tư của công ty mẹ tại công ty con; theo dõi, giám sát ngành nghề kinh doanh của công ty con.
3. Cung cấp thông tin và báo cáo các nội dung quy định tại Điều 37, 38, 39 Nghị định này.
4. Thiết lập tổ chức cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp thành viên trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty.
5. Báo cáo và chịu sự giám sát của cơ quan quản lý cạnh tranh về tập trung kinh tế trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty.
6. Thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp phù hợp với loại hình đã đăng ký và nghĩa vụ khác theo quy định pháp luật.
7. Xây dựng và thực hiện hệ thống đánh giá hiệu quả hoạt động áp dụng đối với người đại diện theo ủy quyền tại doanh nghiệp thành viên theo quy định của pháp luật.
8. Xây dựng và thực hiện chính sách nhân sự quản lý tại công ty mẹ và đối với người đại diện theo ủy quyền tại doanh nghiệp thành viên. Chính sách nhân sự quản lý phải bao gồm:
a) Các tiêu chuẩn về kinh nghiệm và trình độ quản lý;
b) Phương pháp và quy trình tuyển chọn (kể cả thi tuyển), bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo quản lý thuộc quyền của công ty mẹ; tuyển chọn, đề cử để cấp có thẩm quyền lựa chọn, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo quản lý của công ty mẹ; tuyển chọn, đề cử để doanh nghiệp có vốn của công ty mẹ bầu vào Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên doanh nghiệp đó; tuyển chọn (kể cả thi tuyển), bổ nhiệm người đại diện vốn của công ty mẹ tại doanh nghiệp khác;
c) Hệ thống đánh giá hiệu quả quản lý áp dụng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt tại công ty mẹ, công ty con và người đại diện theo ủy quyền tại doanh nghiệp thành viên trong toàn tập đoàn kinh tế, tổng công ty;
d) Nguyên tắc và phương pháp trả lương và thưởng có tính cạnh tranh;
đ) Các chế tài xử lý vi phạm.
9. Hướng dẫn công ty con để hình thành hệ thống điều hành, hạch toán thống nhất các quỹ tập trung.
Doanh nghiệp thành viên trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty có thể sử dụng các hình thức sau đây để bảo đảm tính liên kết giữa các doanh nghiệp thành viên trong quản lý, điều hành nội bộ tập đoàn kinh tế, tổng công ty:
1. Đầu tư, mua, bán sản phẩm, dịch vụ; hỗ trợ về công nghệ; phát triển thương hiệu giữa các doanh nghiệp thành viên với nhau.
2. Thỏa thuận về cơ chế tín dụng nội bộ tập đoàn kinh tế, tổng công ty; cơ chế bảo lãnh tín dụng; hình thành quỹ tập trung không trái với quy định pháp luật.
3. Tổ chức hội nghị hoặc các cuộc họp tham vấn:
a) Giữa người quản lý, điều hành tại công ty mẹ và người đại diện theo ủy quyền tại doanh nghiệp thành viên để định hướng, điều hòa, phối hợp các hoạt động quy định tại Khoản 3 Điều 14 Nghị định này và triển khai các nội dung của chiến lược, định hướng phát triển quan trọng của tập đoàn kinh tế, tổng công ty;
b) Giữa các bộ phận chức năng của công ty mẹ và của doanh nghiệp thành viên để triển khai các vấn đề chuyên môn.
4. Điều chuyển người đại diện theo ủy quyền là cán bộ lãnh đạo giữa các công ty con.
1. Doanh nghiệp bị chi phối không được góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp giữ quyền chi phối trong cùng một tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Các doanh nghiệp bị chi phối trong cùng một tập đoàn kinh tế, tổng công ty không được góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau.
2. Việc đầu tư vốn ra ngoài của công ty mẹ hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu thực hiện theo quy định của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
3. Công ty mẹ, doanh nghiệp thành viên của tập đoàn kinh tế, tổng công ty đăng ký ngành nghề kinh doanh chính và ngành nghề có liên quan theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan chịu sự giám sát của chủ sở hữu về việc đầu tư, tỷ lệ vốn đầu tư và hiệu quả đầu tư vào ngành nghề kinh doanh chính và ngành nghề có liên quan. Công ty mẹ, doanh nghiệp thành viên trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty không được kinh doanh những ngành nghề không liên quan.
Đại diện chủ sở hữu nhà nước phê duyệt hoặc giao cho người đại diện theo ủy quyền tại doanh nghiệp thực hiện quyền của cổ đông, thành viên chi phối để:
- Biểu quyết thông qua quyết định việc kinh doanh ngành nghề kinh doanh chính;
- Quyết định việc điều chỉnh hoặc thay đổi đối với ngành nghề kinh doanh chính;
- Giám sát việc kinh doanh các ngành nghề có liên quan.
1. Công ty mẹ thực hiện chức năng trực tiếp sản xuất kinh doanh và đầu tư tài chính vào doanh nghiệp khác hoặc chỉ thực hiện chức năng đầu tư tài chính vào doanh nghiệp khác.
2. Tổ chức quản lý, hoạt động của công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế và tổng công ty quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 99/2012/NĐ-CP thực hiện theo: Điều lệ do Chính phủ ban hành; Quy chế quản lý tài chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và pháp luật có liên quan.
3. Tổ chức quản lý, hoạt động của công ty mẹ trong các tổng công ty không được quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 99/2012/NĐ-CP thực hiện theo: Điều lệ do Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt; Quy chế quản lý tài chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và pháp luật có liên quan.
1. Công ty mẹ thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Luật Doanh nghiệp.
2. Công ty mẹ có cơ cấu tổ chức quản lý gồm Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Kiểm soát viên và bộ máy giúp việc. Nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế làm việc của Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc, các Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng và bộ máy giúp việc theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các Điều 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26 và 27 của Nghị định này.
Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ cấu tổ chức quản lý đối với công ty mẹ hoạt động trong các lĩnh vực đặc thù.
Thù lao, tiền lương và các lợi ích khác của thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc và Kiểm soát viên theo quy định của pháp luật về lao động, tiền lương.
1. Thành viên Hội đồng thành viên công ty mẹ bao gồm Chủ tịch, thành viên chuyên trách và không chuyên trách. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng thành viên không quá năm (05) năm, Thành viên Hội đồng thành viên có thể được bổ nhiệm lại.
2. Đối với công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế và tổng công ty quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 99/2012/NĐ-CP, số lượng thành viên Hội đồng thành viên không quá bảy (07) người; trong đó có tối đa một (01) thành viên tham gia điều hành công ty mẹ. Trường hợp đặc biệt cần nhiều hơn bảy (07) thành viên Hội đồng thành viên thì Bộ trưởng Bộ quản lý ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
3. Đối với công ty mẹ trong các tổng công ty không được quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 99/2012/NĐ-CP, số lượng thành viên Hội đồng thành viên không quá năm (05) người; trong đó có tối đa một (01) thành viên tham gia điều hành công ty mẹ. Trường hợp đặc biệt cần nhiều hơn năm (05) thành viên Hội đồng thành viên thì Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận.
4. Thành viên Hội đồng thành viên công ty mẹ phải đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản sau đây:
a) Thường trú tại Việt Nam. Chủ tịch Hội đồng thành viên phải là công dân Việt Nam;
b) Tốt nghiệp đại học và có năng lực kinh doanh và quản lý doanh nghiệp. Chủ tịch Hội đồng thành viên phải có ít nhất ba (03) năm kinh nghiệm về quản lý, điều hành doanh nghiệp thuộc ngành nghề kinh doanh chính của công ty mẹ;
c) Có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, liêm khiết, hiểu biết pháp luật và có ý thức chấp hành pháp luật;
d) Không là cán bộ lãnh đạo trong bộ máy nhà nước hoặc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hoặc các chức vụ quản lý, điều hành tại doanh nghiệp thành viên;
đ) Không thuộc đối tượng bị cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp theo quy định tại các Điểm b, c, đ, e, g Khoản 2 Điều 13 Luật Doanh nghiệp;
e) Tiêu chuẩn khác quy định tại Điều lệ công ty mẹ.
5. Thành viên Hội đồng thành viên bị miễn nhiệm và được thay thế trong những trường hợp sau:
a) Vi phạm pháp luật đến mức bị truy tố hoặc các trường hợp bị miễn nhiệm, thay thế do Điều lệ công ty mẹ quy định; trong trường hợp này, Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên có quyền đề nghị cơ quan đại diện chủ sở hữu bổ sung, thay thế thành viên Hội đồng thành viên;
b) Không đủ năng lực, trình độ đảm nhận công việc được giao; bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
c) Xin từ chức;
d) Khi có quyết định điều chuyển hoặc bố trí công việc khác;
đ) Không trung thực trong thực thi các quyền hạn hoặc lạm dụng địa vị, quyền hạn để thu lợi cho bản thân hoặc cho người khác;
e) Khi công ty không hoàn thành các nhiệm vụ hoặc chỉ tiêu do chủ sở hữu giao mà không giải trình được nguyên nhân khách quan và được chủ sở hữu chấp nhận;
g) Các trường hợp khác theo quyết định của chủ sở hữu phù hợp với quy định tại Điều lệ công ty mẹ.
1. Chủ tịch Hội đồng thành viên không kiêm Tổng Giám đốc công ty mẹ. Điều lệ công ty mẹ quy định Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Tổng Giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty mẹ.
2. Chủ tịch Hội đồng thành viên thực hiện các quyền, nhiệm vụ quy định tại Khoản 2 Điều 49 Luật Doanh nghiệp và các quyền và nhiệm vụ khác quy định tại Điều lệ công ty mẹ; có trách nhiệm giải trình và chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu về việc chậm trễ hoặc không ký các quyết định của Hội đồng thành viên.
3. Căn cứ vào yêu cầu, đặc thù của công ty mẹ và sau khi được sự chấp thuận của Bộ quản lý ngành, Hội đồng thành viên của công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế có thể thành lập tổ tư vấn hoặc một số ban tư vấn sau do các thành viên Hội đồng thành viên làm Trưởng ban:
a) Ban Tài chính có nhiệm vụ giúp Hội đồng thành viên xác định các mục tiêu, chỉ tiêu tài chính dài hạn và trung hạn; các nguyên tắc, cơ chế quản lý tài chính thực hiện trong toàn tập đoàn kinh tế; thực hiện thẩm định các hợp đồng, dự án đầu tư và những vấn đề về tài chính khác thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng thành viên;
b) Ban Nhân sự, tiền lương, tiền thưởng có nhiệm vụ xây dựng các quy chế, tiêu chuẩn về tuyển chọn, sử dụng, quản lý nhân sự, lao động thực hiện trong toàn tập đoàn kinh tế; lựa chọn, đề cử nhân sự cao cấp; tiền công, thù lao, tiền thưởng của các cán bộ chủ chốt trong tập đoàn kinh tế và những vấn đề về nhân sự, tiền lương, tiền thưởng khác thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng thành viên;
c) Ban Kiểm toán, giám sát có nhiệm vụ thực hiện kiểm tra, giám sát các hoạt động huy động, sử dụng và phân phối các nguồn lực trong tập đoàn kinh tế; giám sát việc thực hiện trình tự kế toán và việc thực hiện các quyết định của Hội đồng thành viên về kế toán, kiểm toán, tài chính;
d) Một số ban khác (nếu có).
Nguồn kinh phí hoạt động của các Ban quy định tại Khoản 3 Điều này được lấy từ doanh nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Tiêu chuẩn, điều kiện, chế độ hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của Kiểm soát viên theo quy định tại Quy chế hoạt động của kiểm soát viên công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
1. Tổng Giám đốc là người điều hành hoạt động hàng ngày của công ty theo mục tiêu, kế hoạch và các nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên phù hợp với Điều lệ công ty mẹ; chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao;
2. Tổng Giám đốc được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng, khen thưởng, kỷ luật theo quy định tại Nghị định số 99/2012/NĐ-CP và pháp luật có liên quan. Điều lệ công ty mẹ quy định cụ thể tiêu chuẩn và điều kiện đối với Tổng Giám đốc. Nhiệm kỳ của Tổng Giám đốc không quá năm (05) năm.
3. Tổng Giám đốc có nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 70 Luật Doanh nghiệp và các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây đối với doanh nghiệp thành viên:
a) Xây dựng phương án phối hợp kinh doanh giữa các doanh nghiệp thành viên trình Hội đồng thành viên; tổ chức thực hiện kế hoạch phối hợp kinh doanh chung, kế hoạch đầu tư giữa các doanh nghiệp thành viên;
b) Kiểm tra các đơn vị thành viên thực hiện định mức, tiêu chuẩn, đơn giá quy định trong nội bộ tập đoàn kinh tế, tổng công ty;
c) Đề nghị Hội đồng thành viên quyết định cử người đại diện theo ủy quyền của công ty mẹ tại doanh nghiệp khác.
4. Tổng Giám đốc thực hiện các nghĩa vụ quy định tại Điều 72 Luật Doanh nghiệp, các nghĩa vụ khác quy định tại Điều lệ công ty mẹ và hợp đồng đã ký.
5. Tổng Giám đốc được thay thế trong các trường hợp:
a) Tự nguyện xin từ chức và được cấp có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản theo đúng trình tự pháp luật;
b) Khi có quyết định điều chuyển, nghỉ hưu hoặc được bố trí công việc khác;
c) Các trường hợp khác theo quy định tại Khoản 6 Điều này.
6. Tổng Giám đốc bị miễn nhiệm, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn trong các trường hợp sau:
a) Để công ty mẹ không đạt chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu giao trong hai (02) năm liên tiếp hoặc ở trong tình trạng lỗ, lãi đan xen nhau nhưng không khắc phục được, trừ các trường hợp lỗ hoặc giảm tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; lỗ theo kế hoạch do đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ theo nghị quyết hoặc quyết định của Hội đồng thành viên; lỗ hoặc giảm tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu có lý do khách quan được giải trình và đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận;
b) Để công ty mẹ kinh doanh thua lỗ, có số lỗ phát sinh đến mức quy định tại Điều lệ công ty mẹ;
c) Công ty mẹ lâm vào tình trạng phá sản nhưng không nộp đơn yêu cầu phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản;
d) Không hoàn thành các nhiệm vụ hoặc chỉ tiêu do Hội đồng thành viên giao; vi phạm nhiều lần và có hệ thống nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên, quy chế hoạt động của công ty mẹ;
đ) Không trung thực trong thực thi các quyền hạn hoặc lạm dụng địa vị, quyền hạn để thu lợi cho bản thân hoặc cho người khác; báo cáo không trung thực tình hình tài chính của công ty mẹ;
e) Bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
g) Bị Tòa án kết án bằng bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
1. Phó Tổng Giám đốc giúp Tổng Giám đốc điều hành công ty theo phân công và ủy quyền của Tổng Giám đốc; chịu trách nhiệm trước Tổng Giám đốc và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công hoặc ủy quyền.
2. Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng do Hội đồng thành viên bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng, mức lương và các lợi ích khác theo đề nghị của Tổng Giám đốc với nhiệm kỳ không quá năm (05) năm và có thể được bổ nhiệm lại hoặc ký tiếp hợp đồng.
3. Số lượng Phó Tổng Giám đốc không quá năm (05) người. Hội đồng thành viên quyết định cơ cấu, số lượng Phó Tổng Giám đốc theo quy mô và đặc điểm sản xuất, kinh doanh của công ty mẹ trong quá trình hoạt động. Trường hợp cần nhiều hơn năm (05) Phó Tổng Giám đốc, Hội đồng thành viên đề nghị Bộ quản lý ngành (đối với công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 99/2012/NĐ-CP và tổng công ty thuộc Bộ), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với công ty mẹ trong tổng công ty thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận.
4. Kế toán trưởng có nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác kế toán của công ty; giúp Tổng Giám đốc giám sát tài chính và phát huy các nguồn lực tài chính tại công ty theo pháp luật về tài chính, kế toán; có quyền hạn, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về tài chính, kế toán; chịu trách nhiệm trước Tổng Giám đốc và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công hoặc ủy quyền. Tiêu chuẩn đối với Kế toán trưởng theo quy định tại Luật Kế toán và các quy định của pháp luật.
5. Bộ máy giúp việc gồm Văn phòng và các phòng, ban chuyên môn, nghiệp vụ có chức năng tham mưu, giúp việc Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc trong quản lý, điều hành công việc.
1. Khi tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên, nếu phát hiện thấy vấn đề không có lợi cho công ty mẹ và toàn tập đoàn kinh tế, tổng công ty thì Tổng Giám đốc báo cáo với Hội đồng thành viên xem xét, điều chỉnh lại nghị quyết, quyết định. Hội đồng thành viên phải xem xét đề nghị của Tổng Giám đốc. Trường hợp Hội đồng thành viên không điều chỉnh lại nghị quyết, quyết định thì Tổng Giám đốc vẫn phải thực hiện nhưng được quyền kiến nghị lên chủ sở hữu.
2. Trong thời hạn mười lăm (15) ngày, kể từ ngày kết thúc tháng, quý, năm, Tổng Giám đốc phải gửi báo cáo bằng văn bản về tình hình hoạt động và dự kiến phương hướng thực hiện trong kỳ tới của công ty mẹ cho Hội đồng thành viên.
3. Chủ tịch Hội đồng thành viên có quyền tham dự hoặc cử đại diện Hội đồng thành viên tham dự các cuộc họp giao ban, cuộc họp chuẩn bị các đề án trình Hội đồng thành viên do Tổng Giám đốc chủ trì. Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc người đại diện Hội đồng thành viên có quyền phát biểu ý kiến nhưng không có quyền kết luận cuộc họp.
4. Tổng Giám đốc được mời tham dự cuộc họp của Hội đồng thành viên và được quyền phát biểu ý kiến nhưng không có quyền biểu quyết trừ trường hợp Tổng Giám đốc là thành viên Hội đồng thành viên.
Mối quan hệ giữa Kiểm soát viên với Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc theo quy định tại Quy chế hoạt động của kiểm soát viên công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Công ty mẹ, công ty con và công ty liên kết tham gia tập đoàn kinh tế, tổng công ty thực hiện quan hệ phối hợp chung theo các cách như sau:
1. Xây dựng quy chế hoạt động chung trên cơ sở thỏa thuận của công ty mẹ và các doanh nghiệp tham gia tập đoàn kinh tế, tổng công ty.
2. Công ty mẹ căn cứ quyền hạn, trách nhiệm do pháp luật quy định làm đầu mối thực hiện một phần hoặc toàn bộ các nội dung phối hợp hoạt động chung dưới đây giữa các doanh nghiệp trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty:
a) Phối hợp trong công tác kế hoạch và điều hành kế hoạch phối hợp kinh doanh;
b) Định hướng phân công lĩnh vực hoạt động và ngành nghề sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty;
c) Tổ chức công tác tài chính, kế toán, thống kê;
d) Hình thành, quản lý và sử dụng các quỹ tập trung của tập đoàn kinh tế, tổng công ty;
đ) Quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản;
e) Công tác lao động, tiền lương, y tế, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực;
g) Công tác an toàn lao động, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường;
h) Công tác ứng dụng khoa học, công nghệ;
i) Đặt tên các đơn vị trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty; sử dụng tên, thương hiệu của tập đoàn kinh tế, tổng công ty;
k) Thực hiện công tác hành chính, công tác đối ngoại của tập đoàn kinh tế, tổng công ty;
l) Quản lý công tác thi đua khen thưởng, văn hóa, thể thao và các công tác xã hội;
m) Các nội dung khác theo thỏa thuận của các doanh nghiệp thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty.
1. Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị công ty mẹ thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu của công ty mẹ đối với doanh nghiệp cấp II do công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ theo quy định của pháp luật có liên quan và Điều lệ của doanh nghiệp đó.
2. Trong quan hệ với doanh nghiệp cấp II do công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ, Tổng Giám đốc công ty mẹ có trách nhiệm:
a) Tiếp nhận, kiểm tra, thẩm định các hồ sơ do Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty cấp II báo cáo công ty mẹ để trình Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị xem xét, thông qua hoặc quyết định;
b) Tổ chức thực hiện việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, giám sát Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty cấp II thực hiện các quyết định của Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị công ty mẹ đối với doanh nghiệp cấp II, bao gồm cả việc thực hiện kế hoạch phối hợp sản xuất kinh doanh.
3. Doanh nghiệp cấp II do công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ:
a) Được công ty mẹ giao thực hiện các hợp đồng sản xuất, kinh doanh trên cơ sở hợp đồng kinh tế; cung cấp thông tin và hưởng các dịch vụ và lợi ích từ hoạt động chung của tập đoàn kinh tế, tổng công ty theo quy định của Nghị định này, theo thỏa thuận với các doanh nghiệp thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty và quy định pháp luật có liên quan;
b) Có nghĩa vụ thực hiện thỏa thuận chung của tập đoàn kinh tế, tổng công ty; các cam kết hợp đồng kinh tế với công ty mẹ và doanh nghiệp thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty; triển khai thực hiện các quyết định hợp pháp thuộc thẩm quyền chủ sở hữu của công ty mẹ đối với doanh nghiệp; có trách nhiệm tham gia kế hoạch phối hợp kinh doanh với công ty mẹ và các doanh nghiệp thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty.
1. Công ty mẹ có các quyền và nghĩa vụ của cổ đông, thành viên góp vốn, bên liên doanh của doanh nghiệp cấp II theo quy định pháp luật và điều lệ của doanh nghiệp đó. Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị công ty mẹ trực tiếp thực hiện các quyền và nghĩa vụ sau:
a) Thực hiện quyền, nghĩa vụ của cổ đông, thành viên góp vốn, bên liên doanh thông qua người đại diện theo ủy quyền tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và Điều lệ doanh nghiệp đó;
b) Cử, thay đổi, bãi miễn, khen thưởng, kỷ luật, quyết định phụ cấp và lợi ích của người đại diện theo ủy quyền tại doanh nghiệp;
c) Yêu cầu người đại diện theo ủy quyền báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình tài chính, kết quả kinh doanh và các nội dung khác của doanh nghiệp;
d) Giao nhiệm vụ và yêu cầu người đại diện theo ủy quyền xin ý kiến về những vấn đề quan trọng trước khi biểu quyết tại doanh nghiệp; báo cáo việc sử dụng quyền của cổ đông, thành viên góp vốn chi phối để phục vụ định hướng phát triển và mục tiêu của công ty mẹ và của toàn tập đoàn kinh tế, tổng công ty;
đ) Thu lợi tức và chịu rủi ro từ phần vốn góp của công ty mẹ ở doanh nghiệp;
e) Giám sát, kiểm tra việc sử dụng phần vốn đã góp vào doanh nghiệp;
g) Chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng, bảo toàn và phát triển phần vốn đã góp vào doanh nghiệp.
2. Trong quan hệ với doanh nghiệp cấp II do công ty mẹ nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối, Tổng Giám đốc công ty mẹ có trách nhiệm:
a) Tiếp nhận, kiểm tra, thẩm định các hồ sơ do người đại diện theo ủy quyền báo cáo Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị xem xét, thông qua hoặc quyết định;
b) Tổ chức thực hiện việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, giám sát người đại diện theo ủy quyền thực hiện các quyết định của Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị công ty mẹ đối với doanh nghiệp cấp II;
c) Kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện kế hoạch phối hợp sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
3. Doanh nghiệp cấp II do công ty mẹ giữ cổ phần, vốn góp chi phối có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật và các quy định sau:
a) Có quyền tham gia kế hoạch phối hợp kinh doanh trên cơ sở hợp đồng kinh tế với công ty mẹ và các doanh nghiệp thành viên; được công ty mẹ giao thực hiện các hợp đồng sản xuất, kinh doanh trên cơ sở hợp đồng kinh tế với công ty mẹ; được công ty mẹ cung cấp thông tin và hưởng các dịch vụ và lợi ích từ hoạt động chung của tập đoàn kinh tế, tổng công ty theo quy định của Nghị định này, thỏa thuận với các doanh nghiệp thành viên và quy định pháp luật có liên quan;
b) Có nghĩa vụ thực hiện thỏa thuận chung của tập đoàn kinh tế, tổng công ty; các cam kết hợp đồng kinh tế với công ty mẹ và doanh nghiệp thành viên; triển khai thực hiện các quyết định hợp pháp của công ty mẹ với tư cách thực hiện quyền chi phối đối với doanh nghiệp.
1. Công ty mẹ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình đối với công ty liên kết theo quy định của pháp luật, theo Điều lệ công ty liên kết và thỏa thuận liên kết.
2. Công ty mẹ quan hệ với công ty liên kết thông qua các hợp đồng thỏa thuận về thương hiệu, thị trường, công nghệ, nghiên cứu, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực và các thỏa thuận khác.
Đơn vị trực thuộc của công ty mẹ (bao gồm đơn vị hạch toán phụ thuộc và đơn vị sự nghiệp) thực hiện chế độ phân cấp hoạt động kinh doanh, hạch toán, tổ chức và nhân sự của công ty mẹ theo quy định tại Quy chế tổ chức hoạt động của đơn vị trực thuộc do Tổng Giám đốc công ty mẹ xây dựng và trình Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị phê duyệt. Công ty mẹ chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài chính phát sinh đối với các cam kết của đơn vị trực thuộc.
1. Công ty mẹ thực hiện chức năng trực tiếp sản xuất kinh doanh và đầu tư tài chính vào doanh nghiệp khác hoặc chỉ thực hiện đầu tư tài chính vào doanh nghiệp khác.
2. Tổ chức quản lý, hoạt động của công ty mẹ theo Điều lệ công ty do Đại hội đồng cổ đông thông qua (đối với công ty mẹ là công ty cổ phần có cổ phần chi phối của Nhà nước) hoặc do Hội đồng thành viên thông qua (đối với công ty mẹ là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn góp chi phối của Nhà nước).
1. Công ty mẹ có quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.
2. Cơ cấu tổ chức quản lý của công ty mẹ theo quy định của Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan tương ứng với hình thức công ty mẹ là công ty cổ phần hoặc công ty mẹ là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
3. Việc quản lý, điều hành của tập đoàn kinh tế, tổng công ty theo quy định tại Mục 1 Chương III Nghị định này. Quan hệ giữa công ty mẹ và các doanh nghiệp tham gia tập đoàn kinh tế, tổng công ty theo quy định tại Mục 3 Chương III Nghị định này.
1. Chính phủ thống nhất thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước tại công ty mẹ hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và phần vốn nhà nước tại công ty mẹ hoạt động dưới hình thức là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước.
Việc phân công, phân cấp thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước tại công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty theo quy định tại Nghị định số 99/2012/NĐ-CP.
2. Những cơ quan, tổ chức và cá nhân sau được cử làm đại diện chủ sở hữu nhà nước tại công ty mẹ:
a) Đối với công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu: Thủ tướng Chính phủ, Bộ quản lý ngành và người được cử làm thành viên Hội đồng thành viên công ty mẹ;
b) Đối với công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên mà Nhà nước nắm quyền chi phối: Thủ tướng Chính phủ, Bộ quản lý ngành và người được ủy quyền thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cổ đông, thành viên góp vốn tại công ty mẹ;
c) Đối với công ty mẹ trong tổng công ty hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu: Bộ quản lý ngành hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và người được ủy quyền thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước tại công ty mẹ;
d) Đối với công ty mẹ trong tổng công ty hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do Nhà nước nắm quyền chi phối: Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước và người ủy quyền thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cổ đông, thành viên góp vốn tại công ty mẹ.
1. Chủ sở hữu nhà nước thực hiện quản lý đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty thông qua công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty.
2. Quản lý của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty thông qua việc ban hành các quyết định, phân công, phân cấp, ủy quyền ban hành các quyết định và kiểm tra, thực hiện các quyết định của chủ sở hữu tại công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty theo quy định tại Nghị định số 99/2012/NĐ-CP.
1. Nguyên tắc giám sát của chủ sở hữu đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty là thông qua giám sát công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty.
2. Nội dung giám sát gồm:
a) Giám sát hoạt động kinh doanh, bao gồm: Mục tiêu, phương hướng, chiến lược kinh doanh của tập đoàn kinh tế, tổng công ty; Danh mục đầu tư, các ngành nghề kinh doanh chính, những ngành nghề có liên quan; đầu tư vào lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, dự án có nguy cơ rủi ro; nhiệm vụ hoạt động công ích, hỗ trợ điều tiết vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; Chiến lược phát triển, kế hoạch đầu tư, kế hoạch tài chính, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của công ty mẹ; kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ do chủ sở hữu giao;
b) Giám sát công tác tổ chức và cán bộ, bao gồm: Việc thực hiện các quyết định của chủ sở hữu về thành lập, tổ chức lại, chấm dứt hoạt động dưới hình thức tập đoàn kinh tế, tổng công ty; quá trình thay đổi cơ cấu sở hữu của công ty con làm mất quyền chi phối của công ty mẹ; việc thực hiện Điều lệ công ty mẹ; việc đánh giá kết quả hoạt động và thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng đối với Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc công ty mẹ; việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm của Hội đồng thành viên đối với các chức danh Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng công ty mẹ; việc thực hiện chế độ, chính sách với người lao động; việc chấp hành các quyết định khác của chủ sở hữu và các quy định có liên quan tại Điều lệ;
c) Giám sát về tài chính: Việc bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu tại công ty mẹ; tình hình và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh; tình hình huy động và sử dụng vốn huy động; tình hình phát hành trái phiếu, cổ phiếu (nếu có); tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước; tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu; tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản; lợi nhuận hay cổ tức được chia cho Nhà nước; tình hình đầu tư tại doanh nghiệp và đầu tư ra ngoài doanh nghiệp; tình hình công nợ và khả năng thanh toán nợ; hiệu quả đầu tư và kinh doanh; chi phí tiền lương; vốn điều lệ, điều chỉnh vốn điều lệ, thay đổi cơ cấu vốn điều lệ; các dự án đầu tư vượt mức phân cấp cho Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị công ty mẹ và các chỉ tiêu tài chính cần thiết khác.
3. Phân công, phân cấp thực hiện nội dung giám sát quy định tại Khoản 2 Điều này đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty có công ty mẹ hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu:
a) Bộ quản lý ngành thực hiện giám sát đối với công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 99/2012/NĐ-CP và tổng công ty thuộc Bộ về các nội dung: Ngành nghề kinh doanh chính và ngành nghề có liên quan; đánh giá về cơ cấu ngành nghề chính và ngành nghề có liên quan; việc quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn; giám sát, kiểm tra, đánh giá các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác; việc thực hiện chiến lược, kế hoạch; việc thực hiện chế độ tuyển dụng, tiền lương, tiền thưởng; đánh giá việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, ngành, nghề kinh doanh được giao và kết quả hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh; đánh giá đối với Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng trong quản lý, điều hành;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện giám sát đối với các tổng công ty thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về các nội dung: Ngành nghề kinh doanh chính và ngành nghề có liên quan; đánh giá về cơ cấu ngành nghề chính và ngành nghề có liên quan; việc quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn; giám sát, kiểm tra, đánh giá các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác; việc thực hiện chiến lược, kế hoạch; việc thực hiện chế độ tuyển dụng, tiền lương, tiền thưởng; đánh giá việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh được giao và kết quả hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh; đánh giá đối với Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng trong quản lý, điều hành;
c) Bộ Tài chính thực hiện giám sát, đánh giá hoạt động tài chính; giám sát việc phát hành cổ phiếu, điều chỉnh vốn điều lệ của công ty mẹ và các doanh nghiệp thành viên; chi phí tiền lương; giám sát việc vay vốn đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản, chứng khoán; giám sát việc chuyển dịch vốn, đầu tư và các nguồn lực bên trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty và giữa trong và ngoài tập đoàn kinh tế, tổng công ty; theo dõi báo cáo tài chính hợp nhất của tập đoàn kinh tế, tổng công ty; định kỳ hằng năm, tổng hợp, báo cáo Chính phủ về hiệu quả sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ công ích được giao, tình hình tài chính; tình hình công nợ và nghĩa vụ tài sản khác của tập đoàn kinh tế, tổng công ty trên phạm vi toàn quốc; chủ trì, phối hợp với Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện giám sát, kiểm tra thường xuyên và thanh tra theo quy định về quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn;
d) Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, giám sát việc triển khai đề án thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty; giám sát và đánh giá việc thực hiện chiến lược phát triển của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty; định kỳ tổng hợp, báo cáo Chính phủ việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và ngành, nghề kinh doanh của tất cả tập đoàn kinh tế, tổng công ty trên phạm vi toàn quốc; chủ trì, phối hợp với Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện giám sát, kiểm tra định kỳ hằng năm việc thực hiện chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm (năm); có ý kiến với Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc tiếp nhận công ty con, công ty liên kết của tập đoàn kinh tế, tổng công ty;
đ) Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện giám sát, kiểm tra việc chấp hành quy định của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ tại tập đoàn kinh tế, tổng công ty;
e) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện giám sát, kiểm tra định kỳ việc thực hiện chế độ tuyển dụng, tiền lương, tiền thưởng của tập đoàn kinh tế, tổng công ty.
4. Phân công, phân cấp thực hiện nội dung giám sát quy định tại Khoản 2 Điều này đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty có công ty mẹ hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước:
a) Bộ quản lý ngành yêu cầu người đại diện theo ủy quyền báo cáo tình hình thực hiện việc chấp hành pháp luật; việc quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước; việc thực hiện chiến lược, kế hoạch; đánh giá việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh được giao và kết quả, hiệu quả hoạt động của công ty mẹ và toàn bộ tập đoàn kinh tế có ngành, lĩnh vực kinh doanh chính thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý, công ty mẹ và toàn tổng công ty thuộc Bộ;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh yêu cầu người đại diện theo ủy quyền báo cáo tình hình thực hiện việc chấp hành pháp luật; việc quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước; việc thực hiện chiến lược, kế hoạch; đánh giá việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, ngành, nghề kinh doanh được giao và kết quả, hiệu quả hoạt động của công ty mẹ và toàn tổng công ty thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
c) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh yêu cầu người đại diện theo ủy quyền báo cáo tình hình thực hiện quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp trong phạm vi cả nước;
d) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh yêu cầu người đại diện theo ủy quyền báo cáo tình hình thực hiện chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển năm (05) năm;
đ) Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh yêu cầu người đại diện theo ủy quyền báo cáo tình hình thực hiện việc chấp hành quy định của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ tại tập đoàn kinh tế, tổng công ty;
e) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh yêu cầu người đại diện theo ủy quyền báo cáo việc thực hiện chế độ tuyển dụng, tiền lương, tiền thưởng của tập đoàn kinh tế, tổng công ty.
5. Định kỳ hằng năm, các Bộ, cơ quan, tổ chức quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này báo cáo và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về thực trạng và kết quả giám sát, đánh giá; đồng thời sao gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện tổng hợp chung và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả giám sát của chủ sở hữu quy định tại Điều này trên phạm vi toàn quốc.
1. Việc giám sát đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty được thực hiện theo các phương thức sau:
a) Phương thức trực tiếp:
- Thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát và đánh giá của các cơ quan quy định tại Khoản 3 Điều 37 Nghị định này.
- Thông qua đánh giá của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với kết quả hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty và chức danh do các cơ quan này bổ nhiệm, ký hợp đồng.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu thành lập Hội đồng Tư vấn đánh giá hoạt động doanh nghiệp nhà nước, bao gồm các chuyên gia thuộc các cơ quan nhà nước, viện, trường đại học có kiến thức sâu rộng về ngành, lĩnh vực hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty để tư vấn đánh giá trước khi ra quyết định nhằm bảo đảm tính khách quan trong đánh giá các tập đoàn kinh tế, tổng công ty và các chức danh thuộc diện quản lý. Cơ quan đại diện chủ sở hữu quy định quy chế làm việc của Hội đồng Tư vấn đánh giá hoạt động doanh nghiệp nhà nước.
- Thông qua thực hiện kiểm toán tại công ty mẹ và các công ty con, công ty liên kết.
- Thông qua việc cơ quan đại diện chủ sở hữu yêu cầu Hội đồng thành viên hoặc người đại diện theo ủy quyền báo cáo trực tiếp.
b) Phương thức gián tiếp:
- Thông qua chế độ báo cáo của Hội đồng thành viên hoặc người đại diện theo ủy quyền tại công ty mẹ.
- Thông qua thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất của công ty mẹ.
2. Căn cứ giám sát đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty:
a) Các quy định của chủ sở hữu và cơ quan quản lý nhà nước có liên quan;
b) Điều lệ tổ chức và hoạt động và Quy chế quản lý tài chính của công ty mẹ;
c) Kế hoạch và kết quả sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển; hệ thống các chỉ tiêu đánh giá, xếp hạng hằng năm đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty; hệ thống các chỉ tiêu đánh giá hoạt động của Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, các Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng của công ty mẹ theo quy định của Chính phủ;
d) Báo cáo tài chính năm của công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất toàn tập đoàn kinh tế, tổng công ty đã được kiểm toán và được Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị thông qua; báo cáo tài chính quý, báo cáo nghiệp vụ định kỳ và các báo cáo đột xuất khác theo yêu cầu của chủ sở hữu;
đ) Kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán tại doanh nghiệp của các cơ quan chức năng;
e) Các thông tin, tài liệu có liên quan khác theo quy định của pháp luật.
3. Kết quả giám sát, đánh giá là cơ sở để quyết định mức lương, thưởng, bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, ký tiếp hợp đồng, chấm dứt hợp đồng, khen thưởng, kỷ luật, xử lý trách nhiệm đối với Chủ tịch, thành viên Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, các Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng công ty mẹ.
Chủ tịch, thành viên Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, các Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng công ty mẹ có hành vi vi phạm hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của công ty mẹ hoặc toàn tập đoàn kinh tế, tổng công ty, chủ sở hữu, thành viên, cổ đông, chủ nợ của doanh nghiệp hoặc người khác thì tùy theo mức độ và tính chất mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường (nếu có) theo quy định của pháp luật.
1. Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty phải thực hiện việc công khai, minh bạch các thông tin chủ yếu liên quan đến hoạt động của mình theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp liên quan đến công khai, minh bạch thông tin. Các nội dung thông tin cần công khai, minh bạch bao gồm:
a) Đối với công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty: Thực hiện công khai thông tin theo quy định tại Chương IV Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 61/2013/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ và các thông tin sau:
- Các nhiệm vụ chủ sở hữu nhà nước giao dưới các hình thức khác nhau.
- Thông tin chi tiết về cơ cấu sở hữu và tài sản.
- Danh mục các dự án đầu tư, hình thức đầu tư, tổng ngân sách đầu tư và tiến độ thực hiện các dự án đầu tư hiện hành.
- Các giao dịch, khoản vay, cho vay quy mô lớn.
b) Đối với toàn tập đoàn kinh tế, tổng công ty:
- Báo cáo tài chính sáu (06) tháng hợp nhất. Báo cáo tài chính năm hợp nhất của toàn tập đoàn kinh tế, tổng công ty đã được kiểm toán.
- Cơ cấu, hoạt động, thay đổi vốn sở hữu tại các công ty; về bộ máy quản lý của công ty mẹ và các công ty con.
- Báo cáo thường niên của toàn tập đoàn kinh tế, tổng công ty.
- Báo cáo tình hình quản trị toàn tập đoàn kinh tế, tổng công ty sáu (06) tháng và năm.
2. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty thực hiện báo cáo theo định kỳ và báo cáo đột xuất cho cơ quan đại diện chủ sở hữu, bao gồm:
- Quá trình sử dụng vốn, đất đai, tài nguyên và các nguồn lực khác tại công ty mẹ và toàn tập đoàn kinh tế, tổng công ty.
- Quá trình tổ chức thực hiện và kết quả thực hiện chiến lược, kế hoạch dài hạn của công ty mẹ; quyết định kế hoạch hằng năm của công ty mẹ mà chủ sở hữu đã thông qua; quyết định chiến lược, kế hoạch dài hạn, ngành, nghề kinh doanh của các công ty con do công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ.
- Quá trình và kết quả thực hiện các dự án đầu tư nằm trong quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn của tập đoàn kinh tế, tổng công ty đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Quá trình và kết quả thực hiện phương án tổ chức quản lý, tổ chức kinh doanh, biên chế và sử dụng bộ máy quản lý, quy chế quản lý nội bộ của công ty, quy hoạch, đào tạo lao động, thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của công ty mẹ.
- Quá trình thực hiện bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với Tổng Giám đốc sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận; quyết định mức lương của Tổng Giám đốc.
- Kết quả sau khi sử dụng lợi nhuận sau thuế hoặc xử lý các khoản lỗ trong quá trình kinh doanh.
- Quá trình và kết quả các hoạt động kiểm tra, giám sát Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ.
- Các nội dung báo cáo khác mà một doanh nghiệp phải báo cáo cho chủ sở hữu quy định tại Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.
3. Phương tiện và hình thức công bố thông tin gồm: Báo cáo thường niên, Báo cáo quản trị công ty, công khai trên Trang tin điện tử của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Các nội dung thông tin công khai, minh bạch tại Khoản 1 Điều này sau khi được chủ sở hữu phê duyệt phải được đăng trên Trang thông tin điện tử doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (www.business.gov.vn) trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày được phê duyệt. Mẫu báo cáo thông tin công khai theo quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
4. Loại thông tin công bố và thời gian công bố thông tin:
a) Báo cáo tài chính năm, bao gồm Báo cáo tài chính năm của công ty mẹ và Báo cáo tài chính hợp nhất toàn tập đoàn kinh tế, tổng công ty.
Thời hạn công bố thông tin Báo cáo tài chính năm không quá chín mươi (90) ngày sau khi kết thúc năm tài chính;
b) Báo cáo thường niên: Thời hạn công bố thông tin Báo cáo thường niên không quá hai mươi (20) ngày kể từ ngày công bố thông tin Báo cáo tài chính năm;
c) Báo cáo tình hình quản trị công ty: Định kỳ sáu (06) tháng và năm, công ty mẹ thực hiện công bố thông tin về tình hình quản trị công ty mẹ và toàn tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Thời hạn báo cáo và công bố thông tin Báo cáo tình hình quản trị doanh nghiệp sáu (06) tháng và năm chậm nhất là ba mươi (30) ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ báo cáo;
d) Các thông tin đột xuất và các thông tin khác theo quy định của pháp luật.
5. Đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty có công ty mẹ hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, ngoài thực hiện quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4 Điều này, thực hiện công bố thông tin theo hướng dẫn về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
6. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực và nhất quán của thông tin công bố.
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2014 và thay thế Nghị định số 101/2009/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế nhà nước; Nghị định số 111/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức, quản lý tổng công ty nhà nước và chuyển đổi tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước độc lập, công ty mẹ là công ty nhà nước theo hình thức công ty mẹ - công ty con hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
2. Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty thành lập trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành:
a) Đáp ứng các tiêu chí thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty trừ tiêu chí về vốn điều lệ quy định tại Điều 9 Nghị định này, trong thời hạn ba (03) năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành phải bổ sung đủ số vốn điều lệ theo quy định của Nghị định này. Trường hợp không được bổ sung vốn điều lệ, sau thời hạn trên sẽ phải thực hiện ngay việc chuyển đổi thành tổng công ty hoặc nhóm công ty tương ứng với các điều kiện thực tế của doanh nghiệp;
b) Không đáp ứng các điều kiện thành lập quy định tại Nghị định này, sẽ phải tiến hành chuyển đổi thành tổng công ty hoặc nhóm công ty tương ứng với các điều kiện thực tế của doanh nghiệp trong thời hạn hai (02) năm kể từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành;
c) Có nhiều hơn ba (03) cấp doanh nghiệp thì trong thời hạn hai (02) năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành phải tổ chức lại, sắp xếp các công ty con của doanh nghiệp cấp III hiện có. Cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm theo dõi, giám sát quá trình tổ chức lại, sắp xếp của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty này.
3. Các công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty có số lượng Kiểm soát viên, thành viên Hội đồng thành viên, Phó Tổng Giám đốc chưa phù hợp với quy định tại Nghị định này thì phải tiến hành bổ sung hoặc điều chuyển trong thời hạn một (01) năm kể từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành.
4. Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định này có thể vận dụng các quy định có liên quan của Nghị định này để tổ chức và hoạt động.
1. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Nghị định này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm theo dõi thi hành Nghị định này.
2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong các lĩnh vực được pháp luật quy định.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc tập đoàn kinh tế, tổng công ty chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ |
THE GOVERNMENT |
THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
No. 69/2014/ND-CP |
Hanoi, July 15, 2014 |
ON STATE ECONOMIC GROUPS AND STATE CORPORATIONS
Pursuant to the December 25, 2001 Law on Organization of the Government;
Pursuant to the November 29, 2005 Enterprise Law;
At the proposal of the Minister of Planning and Investment,
The Government promulgates the Decree on state economic groups and state corporations.
Article 1. Scope of regulation
This Decree provides:
1. The establishment and re-organization of state economic groups and state corporations and termination of operation in the form of state economic group or state corporation (below referred to as economic groups or corporations).
2. The organization, operation, management and administration in economic groups and corporations.
3. The management and supervision by the state owner of economic groups and corporations.
Article 2. Subjects of application
1. This Decree applies to:
2. Economic groups and corporations with parent companies organized in the form of state-owned single-member limited liability company or with parent companies being joint- stock companies or limited liability companies with two or more members with controlling shares or capital contributions of the State.
3. Organizations and individuals related to the establishment and re-organization of economic groups and corporations, termination of operation in the form of economic group or corporation, and management and supervision by the state owner of economic groups and corporations.
Article 3. Interpretation of terms
In this Law, the terms below shall be construed as follows:
1. Main business lines of an enterprise means the business lines which are determined by the enterprise’s owner on the basis of the enterprise’s investment objectives and development
Strategy and assigned to the enterprise to conduct upon its establishment and throughout its operation.
2. Business lines related to the main business lines of an enterprise (below referred to as related business lines) means the business lines supporting, or deriving from, the main business lines on the basis of the conditions and advantages of the main business lines or utilizing the advantages and strengths of the main business lines and directly serving the main business lines.
3. Business lines unrelated to the main business lines of an enterprises (below referred to as unrelated business lines) means the business lines neither deriving nor developed from the main business line or related business lines.
4. Related subjects of a parent company means organizations and individuals that have direct or indirect relations with the parent company as prescribed in Clause 17, Article 4 of the Enterprise Law.
5. Controlling rights of an enterprise over another enterprise include at least one of the following rights:
a/ Right of the sole owner of the other enterprise;
b/ Right of shareholders that own controlling shares or capital contributors that own controlling capital contributions at the other enterprise;
c/ Right to directly or indirectly appoint a majority or all members of the Board of Directors or Control Board and general director (director) of the other enterprise;
d/ Right to directly or indirectly decide on the approval, amendment and supplementation of the charter of the other enterprise;
dd/ Right to directly or indirectly decide on business strategies and plans of the other enterprise;
e/ Other cases of control as agreed between the controlling enterprise and controlled enterprise and specified in the charter of the controlled enterprise.
6. Member enterprises of an economic group or a corporation (below referred to as member enterprises) means enterprises in which the parent company or level-II enterprises own 100% of charter capital or hold controlling rights.
Article 4. Economic groups, corporations
1. An economic group is a group of companies, including the parent company, member enterprises and affiliate companies, which meets the conditions prescribed in Clause 3, Article 9 of this Decree.
2. A corporation is a group of companies, including the parent company, member enterprises and affiliate companies, which meets the conditions prescribed in Clause 4, Article 9 of this Decree.
3. An economic group or a corporation has at most 3 levels of enterprises and is structured as follows:
a/ The parent company (below referred to as level-I enterprise) is an enterprise in which the State owns 100% of charter capital or holds controlling rights. The parent company shall be organized in the form of state-owned single-member limited liability company or joint-stock company or limited liability company with two or more members with controlling shares or capital contributions of the State; play as the core, direct and control member enterprises of the economic group or corporation;
b/ Subsidiary companies of the level-I enterprise (below referred to as level-II enterprises) are enterprises in which the parent company holds the controlling rights. A level-II enterprise shall be organized in the form of single-member limited liability company, in case the parent company owns 100% of its charter capital, or joint-stock company or limited liability company with two or more members, in case the parent company holds the controlling rights over it;
c/ Subsidiary companies of level-II enterprises (below referred to as level-III enterprises) means enterprises in which level-II enterprises hold the controlling rights. A level-III enterprise shall be organized in the form of single-member limited liability company, in case the level-II enterprise owns 100% of its charter capital, or joint-stock company or limited liability company with two or more members, in case the level-II enterprise holds the controlling rights over it;
d/ Affiliate companies are companies in which the parent company’s or subsidiary companies’ shares or capital contributions are below the controlling level or companies with no capital contributions of the parent company or subsidiary companies, and which voluntarily enter into the affiliation through affiliation contracts and have long-term relations in terms of economic benefits, technology, market and other services with the parent company or subsidiary companies of the economic group or corporation. Affiliate companies shall be organized in the form of limited liability company or joint-stock company.
4. The parent company and member enterprises have the legal person status; have their own capital and assets; and have the right to own, use and dispose of their assets in accordance with law and the common agreement of the economic group or corporation. The State is the owner of state capital directly invested in the parent company. The parent company is the owner of capital amounts it invests in their subsidiary companies and affiliate companies.
Article 5. Names and business registration
1. Economic groups or corporations have their own names and brands. Persons who decide on the establishment of economic groups or corporations shall decide on the names of such economic groups or corporations and their parent companies established under this Decree.
2. Parent companies and member enterprises shall make business registration in accordance with law. The naming of member enterprises organized in the form of joint-stock company or limited liability company must comply with the Enterprise Law and relevant laws.
Economic groups and corporations do not have the legal person status and are not required to make business registration but shall notify business registration agencies of their establishment and re-organization, change in the number of their member enterprises or rates of their capital contributions at member enterprises, and termination of operation in the form of economic group or corporation; and notify the competition administration agency of their economic concentration as prescribed in Sections 3 and 4, Chapter II of the Competition Law.
The order and procedures for notification of the establishment and re-organization, change in the number of member enterprises or rates of capital contributions at member enterprises, and termination of operation in the form of economic group or corporation must comply with the guidance of the Ministry of Planning and Investment.
Article 6. Party organizations and socio-political organizations in economic groups and corporations
1. The Communist Party of Vietnam’s organizations in economic groups and corporations shall operate under the Constitution, law and the Statute of the Communist Party of Vietnam.
2. Socio-political organizations in economic groups and corporations shall operate under the Constitution, law and their statutes in accordance with law.
3. Economic groups and corporations shall create conditions and provide .support for Party organizations, trade union organizations and other socio-political organizations to operate under law and their statutes.
Article 7. Application of relevant laws and treaties
1. The establishment, organization, operation, management and supervision of economic groups and corporations must comply with this Decree, the Enterprise Law, the Competition Law and other relevant laws. In case of inconsistencies between this Decree and specialized laws, the provisions of such specialized laws prevail.
2. In case a treaty to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party contains provisions different from those of this Decree, the provisions of such treaty prevail.
ESTABLISHMENT AND RE-ORGANIZATION OF ECONOMIC GROUPS AND CORPORATIONS AND TERMINATION OF OPERATION IN THE FORM OF ECONOMIC GROUP OR CORPORATION
Article 8. Establishment of economic groups and corporations
1. Economic groups and corporations shall be established on the basis of state corporations or groups of companies which satisfy the conditions prescribed in Article 9 of this Decree.
2. Economic groups and corporations shall be established in the following forms:
a/ Merger or consolidation of enterprises;
b/ Redemption of shares or capital contributions;
c/ Investment or contribution as capital of tangible or intangible assets;
d/ Other lawful forms of affiliation as agreed by enterprises themselves.
Article 9. Conditions for establishment of economic groups and corporations
1. The Government shall only consider selecting corporations to act as the core in forming economic groups when the conditions prescribed in Clause 2 of this Article are fully met and consider establishing new economic groups or corporations when the conditions prescribed in Clause 3 or 4 of this Article are fully met.
2. A state corporation selected to act as the core in forming an economic group must fully satisfy the following conditions:
a/ Having conducted business at a profit for three (3) consecutive years preceding the year when it is selected;
b/ Having its financial status assessed by its owner as being at a safe level;
c/ Having human resources with qualifications and a productivity higher than the average levels of other enterprises operating in the same sector or field;
d/ Possessing advanced equipment and technologies; modem management;
dd/ Effectively managing its shares and capital contributions at other enterprises;
e/ Operating nationwide and overseas.
3. A to-be-established economic group must satisfy the following conditions:
a/ Its main business lines fall into the sectors and fields which produce products or provide services of special importance to national economic security; create the foundation for national economic infrastructure; and create a driving force for increasing the competitiveness of enterprises and the whole economy. The Prime Minister shall determine business sectors and fields eligible for consideration for establishment of economic groups in each period;
b/ The economic group’s parent company must meet the following conditions:
- Having a charter capital of at least VND 10 trillion. In case the parent company is organized in the form of joint-stock company or limited liability company with two or more members, state capital must account for at least 75% of its charter capital. The Prime Minister shall consider and decide on the case in which a parent company’s charter capital or the ratio of state capital to its charter capital is lower than the prescribed level.
- Having human resources with sufficient qualifications, experiences and capabilities to operate its main and related business lines and manage capital invested in, govern, administer and coordinate operations of, subsidiary and affiliate companies.
- Being capable of using technological know-how and making use of its brand name and markets to control subsidiary companies and enter into affiliation with other affiliate companies.
- Possessing financial resources or having feasible plans to mobilize financial resources to ensure sufficient capital for investment in subsidiary and affiliate companies.
c/ The economic group must have at least 50% of its subsidiary companies operating in key stages or steps of its main business lines and fields and the total value of the parent company’s shares and capital contributions at these companies must account for at least 60% of the parent company’s total investment capital at subsidiary and affiliate companies.
Subsidiary companies with charter capital wholly owned by the parent company must be companies which are established to develop and hold technological know-how directly serving the performance of main tasks and business lines of the parent company.
4. A to-be-established corporation must meet the following conditions:
a/ Its main business lines fall into the sectors and fields which produce or provide important products or services; create the foundation for the development of a sector or region; and create a driving force for raising the competitiveness of enterprises, a sector or a region. The Prime Minister shall determine business sectors and fields eligible for consideration for establishment of corporations in each period;
b/ The parent company must meet the following conditions:
- Having a charter capital of at least VND 1,800 billion. In case the parent company is organized in the form of joint-stock company or limited liability company with two or more members, state capital must account for at least 65% of its charter capital. The Prime Minister shall consider and decide on the case in which the parent company’s charter capital or the ratio of state capital to its charter capital is lower than the prescribed level.
- Having human resources with sufficient qualifications, experiences and capabilities to operate its main and related business lines; manage capital invested in, govern, administer and coordinate operations of, subsidiary and affiliate companies.
- Possessing financial resources or having feasible plans to mobilize financial resources so as to ensure sufficient capital for investment in subsidiary and affiliate companies.
c/ The corporation must have at least 50% of its subsidiary companies operating in key steps or stages of its main business lines and the total value of the parent company’s shares and capital contributions at these companies must account for at least 60% of the parent company’s total investment capital in subsidiary and affiliate companies.
Subsidiary companies with charter capital wholly owned by the parent company must be companies established to develop and hold technological know-how directly serving the performance of main tasks and business lines of the parent company.
Article 10. Order and procedures for establishment of economic groups and corporations
1. Based on the conditions prescribed in Article 9 of this Decree, the Prime Minister shall decide on parent companies in corporations and groups of companies permitted to elaborate schemes on establishment of economic groups or corporations in each period at the proposal of line ministries or People’s Committees of provinces and centrally run cities (below referred to as provincial-level People’s Committees) and opinions of the Ministry of Planning and Investment.
2. The Members’ Councils or representatives who are authorized to perform the rights of shareholders and the state member (below referred to as authorized representatives) at the parent companies shall elaborate schemes on establishment of economic groups or corporations and submit them to line ministries or provincial-level People’s Committees for opinion and then finalize the draft schemes.
3. A dossier of establishment of an economic group or a corporation must comprise:
a/ A submission paper on the scheme on establishment of the economic group or corporation;
b/ The scheme on establishment of the economic group or corporation.
The scheme must have the following principal details: the necessity for and purpose of the establishment of the economic group or corporation; the actual situation of organization, management and operation of the corporation or group of companies; method of forming, and structure of, the economic group or corporation; methods of establishing, maintaining and developing forms of affiliation between the parent company and member enterprises and among member enterprises; mode of establishing the parent company, including also a plan on equitization of the parent company, in case of establishing the economic group concurrently with equitizing the parent company; the legal form, name, organizational and managerial structure of the parent company; names, legal forms and organizational structures of member enterprises; main business lines and related business lines; structure of investment in the business lines of the economic group or corporation; plan on use and development of leading and managerial personnel in the parent company; personnel to perform the function of representing the parent company as the owner at member enterprises; business plan of the economic group or corporation; analysis of effectiveness indicators of the establishment of the economic group or corporation compered to the period before establishment; assessment of socio-economic impacts and the conformity of the establishment of the economic group or corporation with sectoral and regional development master plans and strategies; report on the completion of procedures for economic concentration in accordance with the competition law; organization, operation, management and administration in the economic group or corporation; information system and mechanisms to ensure smooth communication within the economic group or corporation; and scheme implementation roadmap and plan.
c/ The draft charter of the parent company.
4. Appraisal of schemes:
a/ In case of establishing an economic group:
- The line ministry shall make at least eight (8) original sets of the dossier of request for establishment of an economic group and send them to the Ministry of Planning and Investment.
- The Ministry of Planning and Investment shall consult the Ministries of Finance; Labor, War Invalids and Social Affairs; and Home Affairs, the provincial-level People’s Committee of the locality where the parent company is located, and at least three (3) independent economic experts.
Within thirty (30) working days after receiving a set of the dossier of request for establishment of the economic group, related agencies and persons shall send to the Ministry of Planning and Investment their written opinions on the contents falling within the scope of their functions and task.
- Within fifteen (15) working days after receiving written opinions of related agencies, the Ministry of Planning and Investment shall submit the dossier and appraisal report to the Prime Minister for consideration and decision.
b/ In case of establishing a corporation:
- The line ministry or provincial-level People’s Committee shall make five (5) original sets of the dossier of request for establishment of a corporation and consult the Ministries of Planning and Investment; Finance; Labor, War Invalids and Social Affairs; Home Affairs; and the line ministry (in case the to-be-established corporation will be attached to a provincial-level People’s Committee) or the provincial-level People’s Committee (in case the to-be-established corporation will be attached to a line ministry).
- Within fifteen (15) working days after receiving a set of the dossier of request for establishment of the corporation, related agencies shall send to the line ministry (in case the to-be-established corporation will be attached to a line ministry) or the provincial-level People’s Committee (in case the to-be-established corporation will be attached to a provincial-level People’s Committee) their written opinions on the contents falling within the scope of their functions and tasks.
- Within fifteen (15) working days receiving written opinions of related agencies, the line ministry or provincial-level People’s Committee shall elaborate an appraisal report explaining the assimilation of opinions of related agencies, finalize the dossier and submit it to the Prime Minister for consideration and decision.
5. Approval of schemes:
Based on the conditions prescribed in this Decree and appraisal reports, the Prime Minister shall approve schemes on establishment of economic groups and the policy on establishment of corporations under ministries or provincial-level People’s Committees.
6. Implementation of schemes on establishment of economic groups and corporations:
a/ For economic groups:
- In case of establishing an economic group with the parent company operating in the form of state-owned single-member limited liability company: The Prime Minister shall decide on the establishment of the parent company; appoint the chairman of the Members’ Council of the parent company at the proposal of the line ministry after obtaining the appraisal opinion of the Ministry of Home Affairs. The line minister shall appoint members of the Members’ Council, general director, and specialized controllers of the parent company. The Minister of Finance shall appoint financial controllers of the parent company.
- In case of establishing an economic group with the parent company operating in the form of joint-stock company or limited liability company with two or more member with controlling shares or capital contributions of the State and case of establishing an economic group concurrently with transforming the parent company into a joint-stock company or limited liability company with two or more members with controlling shares or capital contributions of the State: The line minister shall appoint a person to act as the authorized representative at the parent company; and nominate candidates for the posts of chairman and member of the Board of Directors or Members’ Council of the parent company.
- The Members’ Council or authorized representative and persons appointed to join the Board of Directors of the parent company shall exercise the controlling rights so as to set orientations for the parent company’s Shareholders’ General Meeting and Members’ Council or Board of Directors to further implement the scheme; develop forms of affiliation between the parent company and subsidiary companies and among member enterprises in the course of implementation of the scheme, and throughout the operation of the economic group. The Members’ Council or authorized representative at the parent company shall report on the implementation of the scheme and arising difficulties and problems to the owner and coordinate with related agencies in implementing the scheme.
b/ For corporations:
- In case of establishing a corporation with the parent company operating in the form of state-owned single-member limited liability company: The line minister or provincial-level People’s Committee chairperson shall decide on the establishment of the parent company; and appoint the chairman and members of the Members’ Council, general director and controllers of the parent company.
- In case of establishing a corporation with the parent company operating in the form of joint-stock company or limited liability company with two or more members with controlling shares or capital contributions of the State and in case of establishing a corporation concurrently with transforming the parent company into a joint-stock company or limited liability company with two or more members with controlling shares or capital contributions of the State: The line minister or the provincial-level People’s Committee chairperson shall appoint the authorized representative at the parent company; and nominate candidates for the posts of chairman and members of the Board of Directors or Members’ Council of the parent company.
- The Members’ Council or authorized representative and persons appointed to join the Board of Directors of the parent company shall exercise the controlling rights so as to set orientations for the parent company’s Shareholders’ General Meeting and Members’ Council or Board of Directors to further implement the scheme; develop forms of affiliation between the parent company and subsidiary companies and among member enterprises in the course of implementing the scheme, and throughout operation of the corporation. The Members’ Council and authorized representative shall report on the implementation of the scheme and arising difficulties and problems to the owner and coordinate with related agencies in implementing the scheme.
7. For self-developed corporations and groups of companies which fully meet the conditions prescribed in Article 9 of this Decree, the order and procedures for establishing economic groups or corporations are as follow:
a/ For a self-developed corporation which meets the conditions for establishment of an economic group:
- The Members’ Council or authorized representative at the parent company shall make a report proposing the establishment of an economic group and send it to the line ministry.
- The line ministry shall make a report proposing the establishment of the economic group and send it to the Ministry of Planning and Investment. The Ministry of Planning and Investment shall consult the Ministries of Finance; Planning and Investment; Labor, War Invalids and Social Affairs; and Home Affairs, and the provincial-level People’s Committee of the locality where the parent company is located. The Ministry of Planning and Investment shall submit to the Prime Minister a report summarizing opinions of related agencies for consideration and decision.
b/ For a self-developed group of companies which fully meets the conditions for establishment of a corporation:
- The Members’ Council or authorized representative at the parent company shall make a report proposing the establishment of a corporation and send it to the line ministry or provincial-level People’s Committee.
- The line ministry or provincial-level People’s Committee shall make a report proposing the establishment of the corporation and consult the Ministries of Planning and Investment; Finance; Labor, War Invalids and Social Affairs; and Home Affairs and the line ministry (in case the to-be-established corporation will be attached to a provincial-level People’s Committee) or the provincial-level People’s Committee where the parent company is located (in case the to-be-established corporation will be attached to a line ministry). The line ministry or provincial-level People’s Committee shall make a report summarizing opinions of related agencies to the Prime Minister for consideration and decision.
Article 11. Re-organization of economic groups and corporations
1. An economic group or a corporation shall be re-organized by the following methods:
a/ Consolidating the parent company with one or more than one company of the same type but, after the consolidation, the State remains the owner or still owns controlling shares or capital contributions;
b/ Merging the parent company with one or more than one company of the same type but, after the merger, the State remains the owner or still owns controlling shares or capital contributions;
c/ Dividing the parent company into several companies of the same type and, after the division, the State remains the owner or still owns controlling shares or capital contributions;
d/ Splitting the parent company into several companies of the same type and, after the splitting, the State remains the owner or still owns controlling shares or capital contributions;
dd/ Transforming the parent company which is currently operating in the form of state- owned limited liability company into a limited liability company with two or more members or joint-stock company where the State still holds controlling rights;
e/ Increasing or decreasing the numbers of level-II and -III enterprises.
2. Conditions for re-organization:
An economic group or a corporation shall be re-organized when fully meeting the following conditions:
a/ The re-organization is consistent with the Prime Minister-approved overall scheme on re-organization and renewal of wholly state-owned enterprises. In case the re-organization of an economic group or a corporation is not yet mentioned in this scheme, the line ministry (for the economic groups or corporations prescribed in Clause 2, Article 7 of the Government’s Decree No. 99/2012/ND-CP of November 15, 2012, on assignment and delegation of rights, responsibilities and obligations of the state owner toward state-owned enterprises and state capital invested in enterprises (below referred to as Decree No. 99/2012/ND-CP) and corporations under ministries) or provincial-level People’s Committee (for corporations under provincial-level People’s Committees) shall report the case to the Prime Minister for decision;
b/ After being re-organized, the economic group or corporation still fully meets the conditions prescribed in Article 9 of this Decree.
3. Order and procedures for re-organizing an economic group or a corporation:
a/ The re-organization of an economic group or a corporation in the form of consolidation, merger, division or splitting of the parent company must comply with the law on re-organization of companies and the Prime Minister-approved overall scheme on re-organization and renewal of wholly state-owned enterprises;
b/ The re-organization of an economic group or a corporation by increasing or decreasing the number of level-II and -III enterprises must comply with the Prime Minister-approved overall scheme on re-organization and renewal of wholly state-owned enterprises.
Article 12. Termination of operation in the form of economic group or corporation
1. An economic group or a corporation shall terminate its operation in the form of economic group or corporation in the following cases:
a/ The parent company is dissolved or goes bankrupt;
b/ The economic group or corporation no longer satisfies the conditions prescribed in Article 9 of this Decree;
c/ The parent company is merged or consolidated with another enterprise and, after the merger or consolidation, the State no longer owns controlling shares or capital contributions;
d/ Other cases as prescribed by the Government or the Prime Minister.
2. Order and procedures:
a/ Cases in which the parent company is dissolved or goes bankrupt must comply with the laws on dissolution and bankruptcy. The Ministry of Finance shall guide the settlement of debts; the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs shall guide regimes and policies toward employees upon dissolution of parent companies of economic groups or corporations;
b/ Cases in which the economic group or corporation no longer satisfies the conditions prescribed in Article 9 of this Decree must comply with the Prime Minister-approved overall scheme on re-organization and renewal of wholly state-owned enterprises.
Annually, line ministries and provincial-level People’s Committees shall review and propose:
- The Ministry of Planning and Investment to verify and report cases in which economic groups no longer satisfy the conditions prescribed in Article 9 of this Decree to the Prime Minister for the latter to decide on the termination of operation in the form of economic group.
- The Prime Minister to approve the policy on termination of operation in the form of corporation, for corporations that no longer satisfy the conditions prescribed in Article 9 of this Decree.
MANAGEMENT AND ADMINISTRATION WITHIN ECONOMIC GROUPS AND CORPORATIONS
Section 1. MANAGEMENT AND ADMINISTRATION OF ECONOMIC GROUPS AND CORPORATIONS
Article 13. Principles of management and administration of economic groups and corporations
1. The management and administration of economic groups and corporations shall be performed by one or some of the following methods:
a/ Management and administration via the parent company;
b/ Management and administration through investment and affiliation; agreements and contracts on common use of services within the economic group or corporation; implementation of common regulations, standards and norms within the economic group or corporation in accordance with law; and use of each other’s products and services according to market rules.
2. Other methods in accordance with law and charters of member enterprises.
Article 14. Management and administration of economic groups and corporation via parent companies
1. Parent companies shall represent economic groups or corporations to conduct general activities of the economic groups or corporation in the relations with third parties at home and abroad or in other activities as agreed with member enterprises and prescribed by relevant laws.
2. A parent company may use its rights and obligations as the owner, shareholder or member at member enterprises to coordinate and set orientations for the following activities of the economic group or corporation:
a/ To use its managerial and executive apparatus or establish a separate section to study and work out strategies and propose solutions for coordination and orientation of the activities prescribed in Clause 3 of this Article and submit them to its Members’ Council or Board of Directors of the parent company for approval; to implement coordination and orientation activities prescribed in Clause 3 of this Article through its authorized representatives at subsidiary and affiliate companies;
b/ To coordinate and orientate activities of the economic group or corporation through the performance of economic contracts and affiliation contracts with subsidiary and affiliate companies;
c/ To elaborate uniform regulations applicable in the economic group or corporation.
3. The parent company shall coordinate and orient the following contents:
a/ Formulation and implementation of the general development strategy and business coordination plan of the economic group or corporation; orientations for business strategies of subsidiary companies under the general development strategy and business coordination plan of the economic group or corporation; formulation and implementation of regulations on management and administration and standards and criteria to be uniformly applied within the economic group or corporation;
b/ Classification of member enterprises based on their status and significance in the general development strategy of the economic group or corporation; listing of main business lines and key member enterprises; orientations for member enterprises based on main business lines; management of and orientations for authorized representatives to ensure the controlling rights of the parent company at key member enterprises;
c/ Orientation for medium- and long-term production and business plans of member enterprises;
d/ Orientation for operation and investment objectives and production and business targets; assignment, specialization and cooperation; market access, expansion and sharing, export, use of brands, information services, science and technology research and application, training and other activities of member enterprises under general policies of the economic group or corporation;
dd/ Elaboration and implementation of the regulation on brand management of the economic group or corporation; orientations for common constituents of names of subsidiary and affiliate companies;
e/ Orientation for organization and personnel of subsidiary companies;
g/ Orientation for contents of charters, and control of charter capital structures, of subsidiary companies;
h/ Authorization of its representatives to participate in the management and administration of subsidiary companies. Issuance and implementation of the regulation on designation, replacement, supervision and evaluation of operations of its authorized representatives; definition of matters to be approved by the parent company before its authorized representatives make decision or participate in the decision making at subsidiary companies and affiliate companies;
i/ Acting as the focal point for pooling resources of member enterprises and affiliate enterprises to bid for and implement common projects agreed and implemented by subsidiary companies and affiliate companies;
k/ Implementation and provision of research, technology transfer, marketing and trade promotion services and other services for subsidiary companies and affiliate companies;
l/ Coordination of the formation, management and effective use of common funds; financial supervision and risk control; support for financial activities (capital arrangement and funding support and other forms) for member enterprises in the economic group or corporation when so requested by these enterprises;
m/ Coordination of administrative work and transactions with partners for member enterprises of the economic group or corporation when so requested by these enterprises; performance of public-utility tasks and jobs assigned or ordered by the State to the economic group or corporation;
n/ Establishment and connection of an information network for all subsidiary companies and affiliate companies in the economic group or corporation;
o/ Making of consolidated financial statements of the parent company and subsidiary companies;
p/ Consultation of subsidiary companies and affiliate companies in carrying out general activities;
q/ Supervision of the orientation, harmonization and coordination among sections of the parent company;
r/ Other activities as appropriate with characteristics of each economic group or corporation and in accordance with relevant laws and charters of the parent company, subsidiary companies and affiliate companies in the economic group or corporation.
4. The parent company, subsidiary companies and affiliate companies have the rights and obligations of enterprises as prescribed by law; and shall take responsibility before law for their production and business activities; and be binding in terms of rights and obligations under affiliation contracts or agreements between them.
5. Coordination and orientation in an economic group or a corporation must comply with law; charters of subsidiary and affiliate companies; the owner’s rights at the parent company or agreements between the parent company and subsidiary companies and affiliate companies; and conform with the parent company’s position in each activity of coordination with subsidiary or affiliate companies.
When the parent company takes advantage of its position to make interventions beyond the competence of the owner, member or shareholder, or in contravention of affiliation contracts and agreements among member enterprises of the economic group or corporation, harming the interests of member enterprises and stakeholders, it shall take responsibility in accordance with Clauses 3, 4, 5 and 6, Article 147 of the Enterprise Law and other relevant laws.
Article 15. Responsibilities of parent companies in management and administration of economic groups or corporations
1. To take responsibility before the owner for ensuring objectives of main business lines and other objectives set by the owner. To submit to the owner’s supervision of investment portfolio and investment projects in finance, banking, insurance, securities and real estate (except economic groups and corporations operating in these fields).
2. To manage the investment portfolio at the parent company in order to ensure the investment conditions and business line structure prescribed in Article 17 of this Decree; to monitor and supervise the parent company’s investment portfolio at subsidiary companies; to monitor and supervise business lines of subsidiary companies.
3. To provide information and report on the contents prescribed in Articles 37, 38 and 39 of this Decree.
4. To establish an organization to provide services for member enterprises in the economic group or corporation.
5. To report to and submit to supervision of economic centralization in the economic group or corporation by the competition authority.
6. To perform obligations of enterprises in conformity with its registered form and other obligations as prescribed by law.
7. To develop and apply a performance evaluation system to its authorized representatives at member enterprises in accordance with law.
8. To elaborate and implement managerial personnel policies at the parent company and for authorized representatives at member enterprises. These policies must cover:
a/ Criteria of managerial experience and qualifications;
b/ Methods and processes of recruitment (including examination-based recruitment) and appointment of leading and managerial personnel under the parent company’s competence; selection and nomination for competent authorities to select and appoint leading and managerial personnel of the parent company; selection and nomination of candidates for enterprises with capital of the parent company to elect them to the Board of Directors or the Members’ Council of these enterprises; recruitment (including examination-based recruitment) and appointment of persons to represent capital of the parent company in other enterprises;
c/ Management evaluation system applicable to key leaders and managers of the parent company, subsidiary companies and authorized representatives at member enterprises of the economic group or corporation;
d/ Principles and methods of competitive payment of salaries and bonus;
dd/ Sanctions on violations.
9. To guide subsidiary companies in forming a system for uniform administration and accounting of centralized funds.
Article 16. Management and administration in economic groups and corporations through investment or affiliation
Member enterprises of an economic group or a corporation may apply the following forms to ensure their connection in the management and administration within the economic group or corporation:
1. Investment, purchase and sale of products and services; technology support; and brand development among member enterprises.
2. Agreement on the internal credit mechanism within the economic group or corporation; credit guarantee mechanism; and lawful formation of centralized funds.
3. Organization of consultation conferences or meetings:
a/ Between managers and executives of the parent company and authorized representatives at member enterprises for orientation, harmonization and coordination of the activities prescribed in Clause 3, Article 14 of this Decree and for implementation of important development strategies and orientations of the economic group or corporation;
b/ Between professional sections of the parent company and of member enterprises for implementation of professional matters.
4. Transfer of authorized representatives being leaders among subsidiary companies.
Article 17. Provisions on restriction of investment and on business lines in economic groups and corporations
1. A controlled enterprise may neither contribute capital to nor purchase shares of an enterprise holding the controlling right within an economic group or a corporation. Controlled enterprises within an economic group or a corporation may neither contribute capital to nor purchase shares from one another for cross ownership.
2. Outside capital investment by a parent company operating as a state-owned single-member limited liability company must comply with the Government’s regulations on investment of state capital in enterprises and financial management of enterprises with wholly state-owned charter capital.
3. The parent company and member enterprises of an economic group or a corporation that register main business lines and related business lines in accordance with this Decree and relevant laws shall submit to the owner’s supervision of their investment, investment capital ratios and efficiency of investment in main and related business lines. The parent company and member enterprises of an economic group or a corporation may not conduct unrelated business lines.
Representatives of the state owner shall approve or assign authorized representatives at enterprises to exercise the rights of controlling shareholders or members to:
- Vote for decisions on main business lines;
- Decide on the adjustment or change of main business lines;
- Supervise operations of related business lines.
Section 2. FUNCTIONS, RIGHTS, OBLIGATIONS AND ORGANIZATION OF MANAGEMENT OF PARENT COMPANIES BEING STATE-OWNED SINGLE-MEMBER LIMITED LIABILITY COMPANIES
Article 18. Functions, organization of management and operations of parent companies
1. The parent company shall directly conduct production and business and make financial investment in other enterprises or only make financial investment in other enterprises.
The organization of management and operations of the parent company in an economic group or a corporation prescribed in Clause 2, Article 7 of Decree No. 99/2012/ND-CP must comply with the charter promulgated by the Government; the regulation on financial management approved by a competent state agency and relevant laws.
2. The organization of management and operations of the parent company in a corporation not prescribed in Clause 2, Article 7 of Decree No. 99/2012/ND-CP must comply with the charter approved by the line ministry or provincial-level People’s Committee; the regulation on financial management approved by a competent state agency and relevant laws.
Article 19. Rights, obligations and organizational and managerial structure of parent companies
1. A parent company shall exercise the rights and perform the obligations prescribed in the Enterprise Law.
2. The organizational and managerial structure of a parent company is composed of the Members’ Council, director general, controllers and assisting apparatus. The tasks, powers and working mechanisms of the Members’ Council, controllers, director general, deputy directors general, chief accountant and assisting apparatus must comply with the Enterprise Law and Articles 20 thru 27 of this Decree.
The Prime Minister shall decide on the organizational and managerial structures of parent companies operating in particular fields.
Remunerations, salaries and other benefits of Members’ Council members, director general and controllers must comply with the laws on labor and salaries.
Article 20. Rights and responsibilities of the Members’ Council
The Members’ Council shall directly represent the owner at the parent company and have the rights and obligations prescribed in Article 14 of Decree No. 99/2012/ND-CP.
Article 21. Members of the Members’ Council
1. Members of the Members’ Council of the parent company include the chairperson and full-time and part-time members. The term of office of members of the Members’ Council must not exceed five (5) years. Members of the Members’ Council may be re-appointed.
2. For parent companies in economic groups or corporations prescribed in Clause 2, Article 7 of Decree No. 99/2012/ND-CP, the number of members of the Members’ Council must not exceed seven (7) with no more than one (1) member participating in administering the parent company. In special cases where more than seven (7) members of the Members’ Council are needed, the line minister shall report such to the Prime Minister for consideration and decision.
3. For parent companies of corporations not prescribed in Clause 2, Article 7 of Decree No. 99/2012/ND-CP, the number of members of the Members’ Council must not exceed five (5) with no more than one (1) member participating in administering the parent company. In special cases where more than five (5) members of the Members’ Council are needed, the line minister or the provincial-level People’s Committee chairperson shall report such to the Prime Minister for consideration and approval.
A member of the Members’ Council of the parent company must satisfy the following basic criteria:
a/ Permanently residing in Vietnam. Being a Vietnamese citizen, for the Members’ Council chairperson;
b/ Being a university graduate and having business and corporate management capabilities. Having at least three (3) years’ experience in management and administration of enterprises operating in the main business lines of the parent company, for the Members’ Council chairperson;
c/ Having good health and moral qualities, being honest, upright and knowledgeable about law, having a sense of law observance;
d/ Being neither a leading official in the state apparatus or a political organization or socio-political organization nor a manager or an executive at a member enterprise;
dd/ Not being prohibited from holding managerial and executive posts at enterprises as prescribed at Points b, c, dd, e and g, Clause 2, Article 13 of the Enterprise Law;
e/ Other criteria prescribed at the charter of the parent company.
4. A member of the Members’ Council shall be relieved from duty and replaced in the following cases:
a/ He/she violates law and is subject to prosecution or falls into the cases subject to relief from duty and replacement under the charter of the parent company. In this case, the Members’ Council and controllers may request the agency representing the owner to add and replace members of the Members’ Council;
b/ He/she is incapable and unqualified to perform the assigned jobs; or loses his/her civil act capacity or has his/her civil act capacity restricted;
c/ He/she voluntarily resigns;
d/ He/she receives a decision on transfer or assignment to another job;
dd/ He/she dishonestly exercises his/her powers or takes advantage of his/her position and powers to earn profits for him/herself or for another person;
e/ The company fails to fulfill its tasks or targets assigned by the owner without any objective reasons approved by the owner;
g/ Other cases under the owner’s decision in accordance with the charter of the parent company.
Article 22. Chairman and assisting apparatus of the Members’ Council
1. The Members’ Council chairman may not concurrently work as the director general of the parent company. The parent company’s charter must prescribe the Members’ Council chairperson or the director general as the at-law representative of the parent company.
2. The Members’ Council chairperson shall exercise the rights and perform the tasks prescribed in Clause 2, Article 49 of the Enterprise Law and other rights and tasks prescribed in the parent company’s charter; and shall explain to and take responsibility before the owner for his/her delay or failure to sign decisions of the Members’ Council.
3. Based on requirements and specific characteristics of the parent company and after obtaining the line ministry’s approval, the Members’ Council of the parent company in an economic group may form a consultancy team or several consultancy boards whose heads are members of the Members’ Council as follows:
a/ The Finance Board, which shall assist the Members’ Council in identifying long- and medium-term financial objectives and targets; working out financial management principles and mechanisms to be applied in the entire economic group; and appraising contracts, investment projects and other financial matters to be decided by the Members’ Council;
b/ The Personnel, Wage and Bonus Board, which shall formulate regulations and criteria for recruitment, employment and management of personnel and labor to be applied in the entire economic group; selection and nomination of high-ranking personnel; salaries, remunerations and bonuses for key personnel in the economic group and other personnel, salary and bonus matters to be decided by the Members’ Council;
c/ The Audit and Supervision Board, which shall examine and supervise activities of mobilizing, using and distributing resources in the economic group; and supervise the implementation of the accounting process and accounting, audit and finance decisions of the Members’ Council;
d/ Some other boards (if any).
Operation funds of the boards prescribed in Clause 3 of this Article shall be taken from enterprises under the Ministry of Finance’s guidance.
Criteria, working conditions and regime, tasks, powers and obligations of controllers must comply with the Prime Minister’s Regulation on operations of controllers of single-member limited liability companies with wholly state-owned charter capital.
1. The director general is the person who administers the company’s day-to-day operations according to its objectives and plans and resolutions and decisions of the Members’ Council in conformity with the parent company’s charter; and who shall take responsibility before the Members’ Council and law for the exercise of his/her vested powers and performance of his/ her assigned tasks.
2. The director general shall be appointed, re-appointed, dismissed, commended and disciplined, and have his/her contract signed or terminated in accordance with Decree No. 99/2012/ND-CP and relevant laws. The parent company’s charter must specify criteria of and conditions for the director general. The term of office of the director general must not exceed five (5) years.
3. The director general has the tasks and powers prescribed in Article 70 of the Enterprise Law and the following tasks and powers toward member enterprises:
a/ To elaborate plans on business coordination among member enterprises for submission to the Members’ Council; to organize the implementation of plans on joint business and investment of member enterprises;
b/ To inspect member units in observing norms, standards and unit prices issued within the economic group or corporation;
c/ To propose the Members’ Council to designate the parent company’s authorized representatives at other enterprises.
4. The director general shall perform the obligations prescribed in Article 72 of the Enterprise Law and other obligations provided in the parent company’s charter and signed contract.
5. The director general shall be replaced in the following cases:
a/ He/she voluntarily resigns and his/her resignation is approved in writing by a competent authority in accordance with law;
b/ There is a decision on his/her transfer, retirement or assignment to another job;
c/ Other cases prescribed in Clause 6 of this Article.
6. The director general shall be dismissed or have his/her contract terminated ahead of schedule in the following cases:
a/ The parent company fails to achieve the assigned return-on-equity ratio for two (2) consecutive years or falls into an intermingled loss and profit-making state without remedy, except for cases of a loss or lower return-on-equity ratio approved by a competent authority; a loss planned due to production and business expansion or technology renewal investment under a resolution or decision of the Members’ Council; a loss or lower return-on-equity ratio for an objective reason which has been explained to and approved by a competent authority;
b/ The parent company operates at a loss to the limit set by the parent company’s charter;
c/ The parent company falls into bankruptcy but fails to file a petition for bankruptcy under the law on bankruptcy;
d/ He/she fails to fulfill the tasks or targets assigned by the Members’ Council; repeatedly and systematically violates resolutions and decisions of the Members’ Council and the operation regulation of the parent company;
dd/ He/she dishonestly exercises his/her powers or takes advantage of his/her position and powers to earn profits for him/herself or for another person; or makes untruthful reports on the parent company’s financial status;
e/ He/she loses his/her civil act capacity or has his/her civil act capacity restricted;
g/ He/she has been convicted under a legally effective court judgment or decision.
Article 25. Deputy directors general, chief accountant and assisting apparatus
1. Deputy directors general shall assist the director general in administering the company as assigned and authorized by the latter; and take responsibility before the director general and law for their assigned or authorized tasks.
2. Deputy directors general and the chief accountant shall be appointed, relieved from duty and dismissed, have their contracts signed and terminated by the Members’ Council and enjoy salary levels and other benefits at the proposal of the director general. The term of office of deputy directors general and the chief accountant must not exceed five (5) years and they may be re-appointed or have their contracts renewed.
The number of deputy directors general must not exceed five (5). The Members’ Council shall decide on the structure and number of deputy directors general suitable to the size and production and business characteristics of the parent company in the course of operation. In case more than five (5) deputy directors general are needed, the Members’ Council shall propose the line ministry (for parent companies in economic groups or corporations prescribed in Clause 2, Article 7 of Decree No. 99/2012/ND-CP and corporations under ministries) or the provincial-level People’s Committee (for parent companies in corporations under provincial-level People’s Committees) to report such to the Prime Minister for consideration and approval.
3. The chief accountant shall organize accounting work of the company; and assist the director general in supervising finance and utilizing financial resources at the company in accordance with the law on finance and accounting; have the powers and obligations as prescribed by the law on finance and accounting; and take responsibility before the director general and law for his/her assigned or authorized tasks. The criteria of chief accountant must comply with the Accounting Law and relevant laws.
4. The assisting apparatus consists of the office and professional sections which function to advise and assist the Members’ Council and the director general in management and administration work.
Article 26. Relationship between the Members’ Council and the director general in management and administration
1. When organizing the implementation of a resolution or decision of the Members’ Council, if detecting a matter unfavorable to the parent company and the entire economic group, the director general shall report it to the Members’ Council for consideration and modification of that resolution or decision. The Members’ Council shall consider the director general’s proposal. In case the Members’ Council does not modify the resolution or decision, the director general shall still implement it but may make a proposal to the owner.
2. Within fifteen (15) days after the end of a month, quarter or year, the director general shall send to the Members’ Council a report on the parent company’s operations and orientations in the next period.
3. The Members’ Council chairperson may attend or send a representative of the Members’ Council to attend briefing meetings and meetings to prepare plans for submission to the Members’ Council, which are chaired by the director general. The Members’ Council chairperson or the Members’ Council representative may give his/her opinions but may not make meeting conclusions.
4. The director general shall be invited to meetings of the Members’ Council and may give his/her opinions but may not vote unless he/she is a member of the Members’ Council.
Article 27. Relationship between controllers and the Members’ Council and director general
The relationship between controllers and the Members’ Council and director general must comply with the Prime Minister’s Regulation on operations of controllers of single-member limited liability companies with wholly state-owned charter capital.
Section 3. RELATIONSHIP BETWEEN PARENT COMPANIES AND ENTERPRISES JOINING ECONOMIC GROUPS OR CORPORATIONS
Article 28. Relationship of general coordination within economic groups or corporations
The parent company, subsidiary companies and affiliate companies joining an economic group or a corporation have the relationship of general coordination established by the following modes:
1. Elaborating a common operation regulation on the basis of agreement between the parent company and enterprises joining the economic group or corporation.
2. Based on its powers and responsibilities prescribed by law, the parent company shall act as the focal point for performing some or all of the following jobs to coordinate general operation among enterprises in the economic group or corporation:
a/ Coordinating planning work and administering business coordination plans;
b/ Directing the assignment of operational areas and production and business lines of member enterprises of the economic group or corporation;
c/ Organizing financial, accounting and statistical operations;
d/ Setting up, managing and using centralized funds of the economic group or corporation;
dd/ Managing and using land and mineral resources;
e/ Labor, salaries, health care, training and human resource development;
g/ Labor safety, natural disaster prevention and control and environmental protection;
h/ Science and technology application;
i/ Naming units of the economic group or corporation; using the name and brand of the economic group or corporation;
k/ Performing administrative and external relation work of the economic group or corporation;
l/ Managing emulation, commendation, cultural, sports and social affairs;
m/ Other jobs as agreed upon by member enterprises of the economic group or corporation.
Article 29. Relationship between the parent company and level-II enterprises with charter capital wholly owned by the parent company
1. The Members’ Council or the Board of Directors of the parent company shall perform the parent company’s rights and obligations of the owner toward level-II enterprises with charter capital wholly owned by the parent company in accordance with relevant laws and charters of those enterprises.
2. In the relationship with level-II enterprises with charter capital wholly owned by the parent company, the director general of the parent company shall:
a/ Receive, examine and appraise dossiers submitted by the Members’ Council chairpersons or presidents of level-II enterprises to the parent company for subsequent submission to the Members’ Council or the Board of Directors for consideration and approval or decision;
b/ Organize the monitoring, examination, urging and supervision of the Members’ Councils or presidents of level-II enterprises in implementing resolutions and decisions of the Members’ Council or the Board of Directors of the parent company toward level-II enterprises, including also the implementation of production and business coordination plans.
3. Level-II enterprises with charter capital wholly owned by the parent company shall: a/ Be assigned by the parent company to perform production and business contracts on
the basis of economic contracts; be provided with information and enjoy services and benefits from general operations of the economic group or corporation in accordance with this Decree, the agreements between them and member enterprises of the economic group or corporation and relevant laws;
b/ Implement the general agreements of the economic group or corporation and commitments under economic contracts with the parent company and member enterprises of the economic group or corporation; implement lawful decisions falling under the owner’s competence of the parent company over the enterprises; and participate in the implementation of the plan on business coordination with the parent company and member enterprises of the economic group or corporation.
Article 30. Relationship between the parent company and level-II enterprises with controlling shareholdings or capital contributions of the parent company
1. The parent company has the rights and obligations of a shareholder, capital contributor or joint-venture party of level-II enterprises in accordance with law and charters of those enterprises. The Members’ Council or the Board of Directors of the parent company shall directly exercise the following rights and perform the following obligations:
a/ The rights and obligations of a shareholder, capital contributor or joint-venture party through authorized representatives at the enterprises as prescribed by law and charters of these enterprises;
b/ To appoint, replace, dismiss, commend and discipline, and decide on allowances and benefits of, authorized representatives at the enterprises;
c/ To request authorized representatives to make periodical or extraordinary reports on the financial status, business results and other issues of the enterprises;
d/ To assign tasks and request authorized representatives to consult on important issues before voting at the enterprises; to report on the exercise of the rights of a controlling shareholder or capital contributor for orientating development and objectives of the parent company and the entire economic group or corporation;
dd/ To earn profits and bear risks from the parent company’s capital amounts contributed to the enterprises;
e/ To supervise and inspect the use of capital amounts contributed to the enterprises;
g/ To take responsibility for the efficiency of the use, preservation and development of capital amounts contributed to the enterprises.
2. In the relationship with level-II enterprises with controlling shares or capital contributions of the parent company, the director general of the parent company has the following responsibilities:
a/ To receive, examine and appraise dossiers submitted by authorized representatives to the Members’ Council or the Board of Directors for consideration and approval or decision;
b/ To monitor, examine, urge and supervise authorized representatives in implementing decisions of the Members’ Council or the Board of Directors of the parent company toward level-II enterprises;
c/ To examine, urge and supervise the enterprises in implementing production and business coordination plans.
3. Level-II enterprises with controlling shares or capital contributions of the parent company have the rights and obligations in accordance with law and also the following:
a/ To participate in business coordination plans on the basis of economic contracts with the parent company and member enterprises; to be assigned by the parent company to perform production and business contracts on the basis of economic contracts with the parent company; to be provided with information by the parent company and enjoy services and benefits from general operations of the economic group or corporation in accordance with this Decree, the agreements between them and member enterprises and relevant laws;
b/ To implement the general agreements of the economic group or corporation and commitments under economic contracts with the parent company and member enterprises; to implement lawful decisions of the parent company with the controlling right toward the enterprises.
Article 31. Relationship between the parent company and affiliate companies
1. The parent company shall exercise its rights and perform its obligations toward affiliate companies in accordance with law, the latter’s charters and affiliation agreements.
2. The parent company shall be related to affiliate companies under contractual agreements on brands, markets, technologies, research, human resource training and development and other agreements.
Article 32. Attached units of parent companies
The attached units of a parent company (comprising dependent cost-accounting units and non-business units) shall implement the parent company’s regime on decentralization of business operations, cost accounting, organization and personnel provided in the Regulation on organization and operation of attached units elaborated by the director general of the parent company and approved by the Members’ Council or the Board of Directors. The parent company shall take responsibility for financial obligations arising from commitments of its attached units.
Section 4. FUNCTIONS, RIGHTS, OBLIGATIONS AND ORGANIZATION OF MANAGEMENT OF PARENT COMPANIES BEING ENTERPRISES WITH CONTROLLING SHARES OR CAPITAL CONTRIBUTIONS OF THE STATE
Article 33. Functions and organization of management and operations of the parent company
1. The parent company has the function of directly conducting production and business and making financial investment in other enterprises or only making financial investment in other enterprises.
2. The organization of management and operation of the parent company must comply with its charter approved by the General Meeting of Shareholders (for parent companies being joint stock companies with controlling shares of the State) or by the Members’ Council (for parent companies being limited liability companies with two or more members with controlling capital contributions of the State).
Article 34. Rights, obligations and organizational and managerial structure of parent companies, management, administration and relations in economic groups and corporations
1. The parent company has the rights and obligations prescribed by the Enterprise Law and relevant laws.
2. The organizational and managerial structure of the parent company must comply with the Enterprise Law and relevant laws corresponding to its form of joint stock company or limited liability company with two or more members.
3. The management and administration of an economic group or a corporation must comply with Section 1, Chapter III of this Decree. The relationship between the parent company and enterprises joining an economic group or a corporation must comply with Section 3, Chapter III of this Decree.
MANAGEMENT AND SUPERVISION OF ECONOMIC GROUPS AND CORPORATIONS
Article 35. The state owner and its representative at the parent company
1. The Government shall uniformly perform the function of the state owner at parent companies operating as state-owned single-member limited liability companies and of state capital at parent companies operating as joint stock companies or limited liability companies with two or more members with controlling shares or capital contributions of the State.
The assignment and decentralization for the performance of the function of the state owner at parent companies in economic groups and corporations must comply with Decree No. 99/2012/ND-CP.
2. The following agencies, organizations and persons may be appointed as representatives of the state owner at parent companies:
a/ For parent companies in economic groups operating as state-owned single-member limited liability companies: the Prime Minister, the Government, the line ministry and persons appointed as members of the Members’ Council of the parent company;
b/ For parent companies in economic groups operating as joint stock companies or limited liability companies with two or more members in which the State holds the controlling right: the Prime Minister, the line ministry and persons authorized to exercise the rights and perform the responsibilities and obligations of the shareholder or capital contributor at the parent company;
c/ For parent companies in corporations operating as state-owned single-member limited liability companies: the line ministry or the provincial-level People’s Committee and persons authorized to exercise the rights and perform responsibilities and obligations of the state owner at the parent company;
d/ For parent companies in corporations operating as joint stock companies or limited liability companies with two or more members in which the State holds the controlling right: the line ministry, provincial-level People’s Committee or the State Capital Investment Corporation and persons authorized to perform the rights, responsibilities and obligations of the shareholder or capital contributor at the parent company.
Article 36. Management of economic groups and corporations by the state owner
1. The state owner shall manage economic groups and corporations through parent companies in those groups and corporations.
2. The state owner shall manage parent companies in economic groups and corporations by issuing decisions, assigning, decentralizing and authorizing the issuance of decisions, and examining the implementation of decisions of the owner at parent companies in economic groups and corporations in accordance with Decree No. 99/2012/ND-CP.
Article 37. Supervision of economic groups and corporations by the state owner
1. Supervision of an economic group or a corporation by the owner shall be conducted through supervision of the parent company in that group or corporation.
2. Contents subject to supervision include:
a/ Business operations, covering business objectives, orientations and strategies of the group or corporation; investment portfolio, main business lines and related business lines; investment in risky sectors, industries, geographical areas and projects; performance of public- utility tasks; support for macro-regulation and social security assurance; the parent company’s development strategy and investment, finance and production and business plans; results of fulfillment of objectives and tasks assigned by the owner;
b/ Organization and personnel work, covering the implementation of the owner’s decisions on establishment, reorganization and termination of operation as an economic group or a corporation; process of changing the ownership structure of affiliate companies which lead to loss of the parent company’s controlling right; implementation of the parent company’s charter; evaluation of operation results of, and implementation of the salary and bonus regime applicable to, the Members’ Council, controllers and the director general of the parent company; appointment, re-appointment, dismissal of deputy directors general and the chief accountant of the parent company by the Members’ Council; implementation of regimes and policies for employees; observance of the owner’s other decisions and relevant provisions of the charter;
c/ Finance, covering equity preservation and development at the parent company; production and business situation and results; capital raising and use situation; issuance of bonds and stocks (if any); return on state equity ratio; return on sales ratio; return on assets ratio; profits or dividends divided to the State; situation of investment inside and outside enterprises; loans, debts and solvency status; investment and business efficiency; expenses for salary payment; charter capital, adjustment of charter capital and its structure; investment projects beyond the powers decentralized to the Members’ Council or the Board of Directors of the parent company and other necessary financial indicators.
3. Assignment and decentralization of supervision jobs prescribed in Clause 2 of this Article toward economic groups and corporations with parent companies operating as state- owned single-member limited liability companies:
a/ Line ministries shall supervise parent companies in economic groups and corporations prescribed in Clause 2, Article 7 of Decree No. 99/2012/ND-CP and their attached corporations, regarding main and related business lines; assessment of the structure of main and related business lines; capital management, use, preservation and development; supervision, examination and assessment of debts and other asset liabilities; implementation of strategies and plans; implementation of recruitment, salary and bonus regimes; evaluation of the fulfillment of assigned business objectives, tasks, sectors and lines and operation results and production and business efficiency; evaluation of management and administration work of the chairperson and members of the Members’ Council, controllers, the director general, deputy directors general and the chief accountant;
b/ Provincial-level People’s Committees shall supervise their attached corporations regarding main and related business lines; assessment of the structure of main and related business lines; capital management, use, preservation and development; supervision, examination and assessment of debts and other asset liabilities; implementation of strategies and plans; implementation of recruitment, salary and bonus regimes; evaluation of the fulfillment of assigned business objectives, tasks, sectors and lines and operation results and production and business efficiency; evaluation of management and administration work of the chairperson and members of the Members’ Council, controllers, the director general, deputy directors general and the chief accountant;
c/ The Ministry of Finance shall supervise and assess financial operations; supervise the issuance of stocks, adjustment of charter capital of parent companies and member enterprises; expenses for salary payment; borrowing of loans for investment in finance, banking, real estate and securities; and transfer of capital, investment and resources within economic groups or corporations and from economic groups or corporations to the outside and vice versa; monitor consolidated financial statements of economic groups and corporations; annually summarize and report to the Government on production and business efficiency, performance of assigned public-utility tasks; financial status, debts and other asset liabilities of economic groups and corporations nationwide; and assume the prime responsibility for, and coordinate with line ministries and provincial-level People’s Committees in, conducting supervision and regular examination and inspection according to regulations on capital management, use, preservation and development;
d/ The Ministry of Planning and Investment shall monitor and supervise the implementation of plans on establishment of economic groups or corporations; supervise and evaluate the implementation of development strategies of economic groups and corporations; periodically summarize and report to the Government on the fulfillment of business objectives, tasks, sectors and lines of all economic groups and corporations nationwide; assume the prime responsibility for, and coordinate with line ministries and provincial-level People’s Committees in, supervising and annually examining the implementation of production and business strategies and plans and five-year development investment plans; and give opinions about receipt of subsidiary and affiliate companies of economic groups and corporations;
dd/ The Ministry of Home Affairs shall assume the prime responsibility for, and coordinate with line ministries and provincial-level People’s Committees in, supervising and examining the observance of the Party’s and the State’s regulations on personnel work at economic groups and corporations;
e/ The Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs shall assume the prime responsibility for, and coordinate with line ministries and provincial-level People’s Committees in, supervising and periodically examining economic groups and corporations in implementing recruitment and salary and bonus regimes.
4. Assignment and decentralization of supervision jobs prescribed in Clause 2 of this Article toward economic groups and corporations with parent companies operating as joint stock companies or limited liability companies with two or more members with controlling shares or capital contributions of the State:
a/ Line ministries shall request authorized representatives to report on the implementation of law; management, use, preservation and development of state capital; implementation of strategies and plans; evaluation of fulfillment of assigned business objectives, tasks, sector and lines and operation results and efficiency of parent companies and the entire economic groups with main business lines under the ministries’ management, and of parent companies and the entire corporations under the ministries;
b/ Provincial-level People’s Committees shall request authorized representatives to report on the implementation of law; management, use, preservation and development of state capital; implementation of strategies and plans; evaluation of fulfillment of assigned business objectives, tasks, sector and lines and operation results and efficiency of parent companies and the entire corporations under provincial-level People’s Committees;
c/ The Ministry of Finance shall assume the prime responsibility for, and coordinate with line ministries and provincial-level People’s Committees in, requesting authorized representatives to report on management, use, preservation and development of state capital invested in enterprises nationwide;
d/ The Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with line ministries and provincial-level People’s Committees in, requesting authorized representatives to report on the implementation of production and business strategies and plans and five-year development investment plans;
dd/ The Ministry of Home Affairs shall assume the prime responsibility for, and coordinate with line ministries and provincial-level People’s Committees in, requesting authorized representatives to report on the implementation of the Party’s and the State’s regulations on personnel work at economic groups and corporations;
e/ The Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs shall assume the prime responsibility for, and coordinate with line ministries and provincial-level People’s Committees in, requesting authorized representatives to report on the implementation of recruitment, salary and bonus regimes of economic groups and corporations.
5. Ministries, agencies and organizations prescribed in Clauses 3 and 4 of this Article shall annually report to and take responsibility before the Prime Minister for the state and results of supervision and assessment and concurrently send a copy of the report to the Ministry of Planning and Investment.
The Ministry of Planning and Investment shall summarize results of owner supervision nationwide under this Article and report them to the Prime Minister.
Article 38. Methods of and bases for management and supervision of economic groups and corporations
1. Economic groups and corporations shall be supervised by the following methods:
a/ Direct methods: Through examination, supervision and evaluation activities of the agencies prescribed in Clause 3, Article 37 of this Decree.
- Through evaluation by agencies representing the owner of operation results of economic groups and corporations and holders of titles appointed and signed contracts by these agencies.
An agency representing the owner shall establish an advisory council for ^valuation of operations of state enterprises, comprising specialists from state agencies, institutes and universities who have deep knowledge about industries and fields of operation of economic groups and corporations. This council shall provide advice and assessment before decisions are made to ensure objective evaluation of economic groups and corporations and title holders under the agency’s management. The agency representing the owner shall issue the operation regulation of the advisory council.
- Through the audit of parent companies and subsidiary and affiliate companies.
- Through direct reporting by the Members’ Council or authorized representative to the agency representing the owner at the latter’s request.
b/ Indirect methods:
- Through the reports of the Members’ Council or authorized representative at the parent company.
- Through the periodical and extraordinary reports of the parent company.
2. Bases for supervision of economic groups and corporations:
a/ Regulations of the owner and related state management agencies;
b/ Organization and operation charter and finance management regulation of the parent company;
c/ Production and business and development investment plans and results; annual evaluation and ranking criteria applicable to economic groups and corporations; criteria for performance evaluation of the Members’ Council or the Board of Directors, director general, deputy directors general and chief accountant of the parent company as prescribed by the Government;
d/ Annual financial statements of the parent company and audited consolidated financial statements of the entire economic group or corporation approved by the Members’ Council or the Board of Directors; quarterly financial statements, periodical operational reports and other extraordinary reports as requested by the owner;
dd/ Results of inspection, examination and audit at enterprises by professional agencies;
e/ Other related information and documents as prescribed by law.
3. Supervision and evaluation results shall serve as the basis for deciding on salary and bonus levels, appointment, re-appointment, dismissal, contract renewal or termination, commendation, disciplining and responsibility handling of the chairperson and members of the Members’ Council or the Board of Directors, the director general, deputy directors general and the chief accountant of the parent company.
The chairperson and members of the Members’ Council or the Board of Directors, the director general, deputy directors general and the chief accountant of the parent company who commit acts of infringing upon or harming the interests of the parent company or the entire economic group or corporation, the owner, members, shareholders and creditors of enterprises or others shall, depending on the severity and nature of their acts, be disciplined or examined for penal liability and shall pay damages (if any) in accordance with law.
Article 39. Information disclosure and transparency mechanism for economic groups and corporations
1. Economic groups and corporations shall make public and transparent major information relating to their operations in accordance with the enterprise law regarding information disclosure and transparency. Information to be made public and transparent includes:
a/ For the parent company in an economic group or a corporation: Information prescribed in Chapter IV of the Regulation on financial supervision, evaluation of operation efficiency and disclosure of financial information for state-owned enterprises and state-invested enterprises promulgated together with the Government’s Decree No. 61/2013/ND-CP of June 25, 2013, and the following information:
- Tasks assigned by the state owner in different forms.
- Detailed information on ownership and asset structures.
- Investment portfolio, forms of investment, total investment budget and implementation progress of current investment projects.
- Large transactions, loans and debts.
b/ For an economic group or a corporation:
- Six-month consolidated financial statements. Audited annual consolidated financial statements of the economic group or corporation.
- Structures, operations and changes in equity of companies; managerial apparatuses of the parent company and subsidiary companies.
- Annual reports of the economic group or corporation.
- Biannual and annual reports on administration of the entire economic group or corporation.
2. An economic group or a corporation shall send to the agency representing the owner periodical and extraordinary reports on:
- The use of capital, land, natural resources and other resources at the parent company and the entire economic group or corporation.
- The organization and results of implementation of long-term strategies and plans of the parent company; decision on annual plans of the parent company already approved by the owner; decision on long-term strategies and plans and business sectors and lines of subsidiary companies with charter capital wholly owned by the parent company.
- The process and results of implementation of investment projects under long-term development master plans and plans of the economic group or corporation already approved by the Prime Minister.
- The process and results of implementation of plans on organization of management, organization of business operations, payroll and use of the managerial apparatus, internal management rules of the company, labor planning and training, establishment of branches and representative offices of the parent company.
- The appointment, re-appointment, relief from duty, dismissal, commendation and disciplining of, and contract signing and termination for, the director general after being approved by the Prime Minister; decision on salary level of the director general.
- Results after use of after-tax profits or handling of losses in the course of business operation.
- The process and results of examination and supervision of the Members’ Council, the Board of Directors and controllers of single-member limited liability companies with charter capital wholly owned by the parent company.
- Other contents to be reported by an enterprise to the owner as prescribed by the Enterprise Law and its guiding documents.
3. Means and forms of information disclosure include annual reports, corporate administration reports and publication on websites of economic groups or corporations. The information made public and transparent under Clause 1 of this Article shall be published on the business website of the Ministry of Planning and Investment (www.business.gov.vn) for thirty (30) days after being approved by the owner. The form of the information disclosure report must comply with regulations of the Ministry of Planning and Investment.
4. Types of information to be disclosed and time of disclosure:
a/ Annual financial statements, including annual financial statements of the parent company and consolidated financial statements of the entire economic group or corporation.
The time limit for disclosure of annual financial statements is ninety (90) days after the end of a fiscal year;
b/ Annual reports: The time limit for disclosure of annual reports is twenty (20) days after disclosure of annual financial statements;
c/ Corporate administration reports: Biannually and annually, the parent company shall disclose information on administration of the parent company and the entire economic group or corporation. The time limit for reporting and disclosing biannual and annual corporate administration reports is thirty (30) days after the end of the reporting period;
d/ Irregular information and other information as prescribed by law.
5. In addition to complying with Clauses 1, 2, 3 and 4 of this Article, economic groups and corporations with parent companies operating as joint-stock companies shall disclose information under the guidance on information disclosure on the stock exchange.
6. Economic groups and corporations shall take responsibility for the accuracy, truthfulness and consistency of disclosed information.
1. This Decree takes effect on September 1, 2014, and replaces the Government’s Decree No. 101/2009/ND-CP of November 5, 2009, on pilot establishment of state economic groups; the Government’s Decree No. 111/2007/ND-CP of June 26, 2007, on organization and management of state corporations and transformation of state corporations, independent state companies and parent companies being state companies after the parent company-subsidiary company model operating under the Enterprise Law.
2. For economic groups and corporations established before the effective date of this Decree:
a/ Those that meet the criteria of establishment of economic groups or corporations, except that of charter capital prescribed in Article 9 of this Decree, shall, within three (3) years after the effective date of this Decree, increase their charter capital to the level prescribed by this Decree. In case of failing to increase their charter capital, after the above time limit, they shall be promptly transformed into corporations or company groups relevant to their actual conditions;
b/ Those that fail to meet the establishment criteria prescribed in this Decree shall be transformed into corporations or company groups relevant to their actual conditions within two (2) years after the effective date of this Decree;
c/ Those that have more than three (3) levels of enterprises shall, within two (2) years after the effective date of this Decree, reorganize and arrange subsidiary companies of existing level- ill enterprises. Agencies representing the owner shall monitor and supervise the reorganization and arrangement of these economic groups and corporations.
3. Parent companies in economic groups or corporations that have a number of controllers, Members’ Council members or deputy directors general unconformable with provisions of this Decree shall increase or transfer them within one (1) year after the effective date of this Decree.
4. Economic groups and corporations not governed by this Decree may apply relevant provisions of this Decree to their organization and operations.
Article 41. Implementation responsibilities
1. The Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance, the Ministry of Justice, the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs and the Ministry of Home Affairs shall guide the implementation of this Decree.
The Ministry of Planning and Investment shall monitor the implementation of this Decree.
2. Ministries, ministerial-level agencies, government-attached agencies and People’s Committees at all levels shall perform the state management of economic groups and corporations in the sectors prescribed by law.
3. Ministers, heads of ministerial-level agencies and government-attached agencies, chairpersons of provincial-level People’s Committees, chairpersons of Members’ Councils or Boards of Directors, and directors general of economic groups and corporations shall implement this Decree.-
|
ON BEHALF OF THE GOVERNMENT |