Nghị định 32/2015/NĐ-CP về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng
Số hiệu: | 32/2015/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 25/03/2015 | Ngày hiệu lực: | 10/05/2015 |
Ngày công báo: | 08/04/2015 | Số công báo: | Từ số 467 đến số 468 |
Lĩnh vực: | Đầu tư, Xây dựng - Đô thị | Tình trạng: |
Hết hiệu lực
01/10/2019 |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Nghị định mới về quản lý chi phí đầu tư xây dựng
Hôm qua (25/03), Chính phủ ban hành Nghị định 32/2015/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Theo đó, có một số quy định đáng chú ý như:
- Chi phí đầu tư xây dựng phải được tính đúng, tính đủ cho từng dự án, công trình, gói thầu, phù hợp với yêu cầu thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật, điều kiện xây dựng, mặt bằng giá thị trường tại thời điểm xác định chi phí và khu vực xây dựng công trình.
- Chủ đầu tư được thuê tổ chức, cá nhân tư vấn quản lý chi phí đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng để lập, thẩm tra, kiểm soát và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
- Trường hợp đã sử dụng hết chi phí dự phòng, chủ đầu tư tổ chức xác định bổ sung khoản chi phí dự phòng do yếu tố trượt giá khi chỉ số giá xây dựng do cơ quan có thẩm quyền công bố từ khi thực hiện dự án đến thời điểm điều chỉnh lớn hơn chỉ số giá sử dụng trong tổng mức đầu tư đã phê duyệt.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/05/2015 và thay thế Nghị định 112/2009/NĐ-CP .
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 32/2015/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 25 tháng 03 năm 2015 |
NGHỊ ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ CHI PHÍ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng;
Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
1. Nghị định này quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng gồm tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng, dự toán gói thầu xây dựng, định mức xây dựng, giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng, chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng, thanh toán và quyết toán hợp đồng xây dựng; thanh toán và quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình; quyền và nghĩa vụ của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng và nhà thầu tư vấn trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
2. Đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (gọi tắt là ODA), nếu điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
1. Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý chi phí đầu tư xây dựng các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn nhà nước ngoài ngân sách quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 60 Luật Xây dựng.
2. Các tổ chức, cá nhân có thể áp dụng các quy định của Nghị định này để thực hiện quản lý chi phí đầu tư xây dựng của các dự án sử dụng vốn khác.
1. Quản lý chi phí đầu tư xây dựng phải bảo đảm mục tiêu đầu tư, hiệu quả dự án đã được phê duyệt, phù hợp với trình tự đầu tư xây dựng theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Xây dựng và nguồn vốn sử dụng. Chi phí đầu tư xây dựng phải được tính đúng, tính đủ cho từng dự án, công trình, gói thầu xây dựng, phù hợp với yêu cầu thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật, điều kiện xây dựng, mặt bằng giá thị trường tại thời điểm xác định chi phí và khu vực xây dựng công trình.
2. Nhà nước thực hiện quản lý chi phí đầu tư xây dựng thông qua việc ban hành, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật; hướng dẫn phương pháp lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
3. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm quản lý chi phí đầu tư xây dựng từ giai đoạn chuẩn bị dự án đến khi kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng trong phạm vi tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt gồm cả trường hợp tổng mức đầu tư được điều chỉnh theo quy định tại Điều 7 Nghị định này. Chủ đầu tư được thuê tổ chức, cá nhân tư vấn quản lý chi phí đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng để lập, thẩm tra, kiểm soát và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
4. Việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chi phí đầu tư xây dựng phải được thực hiện theo các căn cứ, nội dung, cách thức, thời điểm xác định tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng, dự toán gói thầu xây dựng, định mức xây dựng, giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng của công trình đã được người quyết định đầu tư, chủ đầu tư thống nhất sử dụng phù hợp với các giai đoạn của quá trình hình thành chi phí theo quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng tại Nghị định này.
1. Sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng là ước tính chi phí đầu tư xây dựng của dự án được xác định phù hợp với phương án thiết kế sơ bộ và các nội dung khác của Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng. Nội dung sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng gồm các khoản mục chi phí quy định tại Khoản 2 Điều này.
2. Tổng mức đầu tư xây dựng là toàn bộ chi phí đầu tư xây dựng của dự án được xác định phù hợp với thiết kế cơ sở và các nội dung khác của Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng. Nội dung tổng mức đầu tư xây dựng gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (nếu có); chi phí xây dựng; chi phí thiết bị; chi phí quản lý dự án; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng; chi phí khác và chi phí dự phòng cho khối lượng phát sinh và trượt giá.
3. Đối với dự án chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, tổng mức đầu tư xây dựng là dự toán xây dựng công trình theo quy định tại Điều 8 của Nghị định này và chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (nếu có).
4. Các chi phí của tổng mức đầu tư xây dựng được quy định cụ thể như sau:
a) Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư gồm chi phí bồi thường về đất, nhà, công trình trên đất, các tài sản gắn liền với đất, trên mặt nước và chi phí bồi thường khác theo quy định; các khoản hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất; chi phí tái định cư; chi phí tổ chức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; chi phí sử dụng đất trong thời gian xây dựng (nếu có); chi phí chi trả cho phần hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư xây dựng (nếu có) và các chi phí có liên quan khác;
b) Chi phí xây dựng gồm chi phí phá dỡ các công trình xây dựng, chi phí san lấp mặt bằng xây dựng, chi phí xây dựng các công trình, hạng mục công trình, xây dựng công trình tạm, công trình phụ trợ phục vụ thi công;
c) Chi phí thiết bị gồm chi phí mua sắm thiết bị công trình và thiết bị công nghệ; chi phí đào tạo và chuyển giao công nghệ (nếu có); chi phí lắp đặt, thí nghiệm, hiệu chỉnh; chi phí vận chuyển, bảo hiểm; thuế và các loại phí, chi phí liên quan khác;
d) Chi phí quản lý dự án gồm các chi phí để tổ chức thực hiện các công việc quản lý dự án từ giai đoạn chuẩn bị dự án, thực hiện dự án và kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng;
đ) Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng gồm chi phí tư vấn khảo sát, lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (nếu có), lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật, chi phí thiết kế, chi phí tư vấn giám sát xây dựng công trình và các chi phí tư vấn khác liên quan;
e) Chi phí khác gồm chi phí hạng mục chung như quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 8 Nghị định này và các chi phí không thuộc các nội dung quy định tại các Điểm a, b, c, d và đ Khoản này;
g) Chi phí dự phòng gồm chi phí dự phòng cho khối lượng công việc phát sinh và chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá trong thời gian thực hiện dự án.
1. Sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng của dự án được ước tính trên cơ sở quy mô, công suất hoặc năng lực phục vụ theo phương án thiết kế sơ bộ của dự án và suất vốn đầu tư hoặc dữ liệu chi phí của các dự án tương tự về loại, quy mô, tính chất dự án đã hoặc đang thực hiện có điều chỉnh, bổ sung những chi phí cần thiết khác.
2. Tổng mức đầu tư xây dựng được xác định theo một trong các phương pháp sau:
a) Xác định từ khối lượng xây dựng tính theo thiết kế cơ sở và các yêu cầu cần thiết khác của dự án, trong đó:
- Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được xác định trên cơ sở khối lượng phải bồi thường hỗ trợ, tái định cư của dự án và các chế độ, chính sách của nhà nước có liên quan;
- Chi phí xây dựng được xác định trên cơ sở khối lượng nhóm, loại công tác xây dựng, đơn vị kết cấu hoặc bộ phận công trình và giá xây dựng tổng hợp tương ứng với nhóm, loại công tác xây dựng, đơn vị kết cấu hoặc bộ phận công trình được đo bóc, tính toán và một số chi phí có liên quan dự tính khác;
- Chi phí thiết bị được xác định trên cơ sở số lượng, loại thiết bị hoặc hệ thống thiết bị theo phương án công nghệ, kỹ thuật và thiết bị được lựa chọn, giá mua sắm phù hợp giá thị trường và các chi phí khác có liên quan;
- Chi phí quản lý dự án và chi phí tư vấn đầu tư xây dựng gồm các nội dung và được xác định theo quy định tại Điều 23 và 25 Nghị định này;
- Chi phí khác được xác định bằng định mức tỷ lệ phần trăm (%) hoặc bằng dự toán hoặc ước tính hoặc sử dụng cơ sở dữ liệu các dự án tương tự đã thực hiện;
- Chi phí dự phòng cho công việc phát sinh được xác định bằng tỷ lệ phần trăm (%) của tổng các thành phần chi phí đã xác định nêu trên. Chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá được xác định trên cơ sở độ dài thời gian thực hiện dự án, kế hoạch bố trí vốn và chỉ số giá xây dựng hàng năm phù hợp với loại công trình xây dựng có tính đến các khả năng biến động giá trong nước và quốc tế;
b) Xác định theo suất vốn đầu tư xây dựng công trình:
Tổng mức đầu tư xây dựng xác định trên cơ sở khối lượng, diện tích, công suất hoặc năng lực phục vụ theo thiết kế cơ sở và suất vốn đầu tư tương ứng được công bố phù hợp với loại và cấp công trình, thời điểm lập tổng mức đầu tư, khu vực đầu tư xây dựng công trình và các chi phí khác phù hợp yêu cầu cụ thể của dự án;
c) Xác định từ dữ liệu về chi phí các công trình tương tự đã hoặc đang thực hiện:
Tổng mức đầu tư xây dựng được xác định trên cơ sở quy mô diện tích sàn xây dựng, công suất hoặc năng lực phục vụ theo thiết kế của công trình, bộ phận kết cấu công trình và dữ liệu về chi phí của các công trình tương tự đã hoặc đang thực hiện có cùng loại, cấp công trình, quy mô, công suất hoặc năng lực phục vụ. Các dữ liệu về chi phí sử dụng cần thực hiện quy đổi, tính toán về thời điểm lập tổng mức đầu tư, khu vực đầu tư xây dựng công trình và điều chỉnh, bổ sung các chi phí khác phù hợp với điều kiện cụ thể của dự án, công trình;
d) Kết hợp các phương pháp quy định tại Điểm a, b và c Khoản 2 Điều này.
3. Đối với dự án chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng thì phần dự toán xây dựng công trình thuộc tổng mức đầu tư xây dựng được xác định theo quy định tại Điều 9 Nghị định này.
1. Thẩm định tổng mức đầu tư xây dựng được thực hiện cùng với việc thẩm định dự án đầu tư xây dựng. Nội dung thẩm định tổng mức đầu tư xây dựng gồm:
a) Sự phù hợp của phương pháp xác định tổng mức đầu tư xây dựng với đặc điểm, tính chất, yêu cầu kỹ thuật, công nghệ của dự án;
b) Kiểm tra sự đầy đủ của các khối lượng sử dụng để xác định tổng mức đầu tư xây dựng; sự hợp lý, phù hợp với quy định, hướng dẫn của nhà nước đối với các chi phí sử dụng để tính toán, xác định các chi phí trong tổng mức đầu tư xây dựng;
c) Xác định giá trị tổng mức đầu tư xây dựng sau khi thực hiện thẩm định. Phân tích nguyên nhân tăng, giảm và đánh giá việc bảo đảm hiệu quả đầu tư của dự án theo giá trị tổng mức đầu tư xây dựng xác định sau thẩm định;
2. Đối với dự án chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, nội dung thẩm định thực hiện như quy định tại Khoản 2 Điều 10 Nghị định này.
3. Thẩm quyền thẩm định tổng mức đầu tư xây dựng:
a) Dự án quan trọng quốc gia thì Hội đồng thẩm định nhà nước do Thủ tướng Chính phủ thành lập chủ trì tổ chức thẩm định;
b) Dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước do cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp chủ trì tổ chức thẩm định;
c) Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách do cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư chủ trì tổ chức thẩm định;
d) Đối với dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng dự án, hợp đồng đối tác công tư có phần góp vốn của nhà nước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thẩm định.
4. Thẩm quyền thẩm định tổng mức đầu tư xây dựng đối với dự án chỉ cần lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng:
a) Dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước do cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp chủ trì tổ chức thẩm định;
b) Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách do cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư chủ trì tổ chức thẩm định.
5. Cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp, người quyết định đầu tư được mời các tổ chức, cá nhân có chuyên môn, kinh nghiệm tham gia thẩm định tổng mức đầu tư xây dựng hoặc yêu cầu chủ đầu tư lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo quy định tại Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng thực hiện thẩm tra tổng mức đầu tư xây dựng làm cơ sở cho việc thẩm định, phê duyệt. Đối với các dự án nhóm A hoặc các dự án thuộc nhóm B, C có kỹ thuật phức tạp hoặc áp dụng công nghệ cao, chủ đầu tư tổ chức thực hiện thẩm tra tổng mức đầu tư xây dựng làm cơ sở cho việc thẩm định, phê duyệt.
6. Người quyết định đầu tư phê duyệt tổng mức đầu tư xây dựng cùng với việc phê duyệt dự án. Tổng mức đầu tư xây dựng được phê duyệt là chi phí tối đa chủ đầu tư được phép sử dụng để thực hiện dự án đầu tư xây dựng.
7. Hồ sơ trình thẩm định tổng mức đầu tư xây dựng thuộc nội dung hồ sơ trình thẩm định dự án đầu tư xây dựng theo quy định tại Khoản 2 Điều 56 Luật Xây dựng và Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng đối với các dự án chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật. Kết quả thẩm định, thẩm tra tổng mức đầu tư được lập theo mẫu quy định của Bộ Xây dựng.
1. Tổng mức đầu tư xây dựng đã được phê duyệt được điều chỉnh theo quy định tại Khoản 5 Điều 134 Luật Xây dựng. Người quyết định đầu tư phê duyệt tổng mức đầu tư xây dựng điều chỉnh.
2. Tổng mức đầu tư xây dựng điều chỉnh gồm tổng mức đầu tư xây dựng đã phê duyệt cộng (hoặc trừ) phần giá trị tăng (hoặc giảm). Phần giá trị tăng (hoặc giảm) phải được thẩm tra, thẩm định làm cơ sở để phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh.
3. Trường hợp chỉ điều chỉnh cơ cấu các khoản mục chi phí gồm cả chi phí dự phòng nhưng không làm thay đổi giá trị tổng mức đầu tư xây dựng đã phê duyệt thì chủ đầu tư tổ chức điều chỉnh, báo cáo người quyết định đầu tư và chịu trách nhiệm về việc điều chỉnh của mình.
4. Trường hợp đã sử dụng hết chi phí dự phòng trong tổng mức đầu tư xây dựng đã phê duyệt gồm cả chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá, chủ đầu tư tổ chức xác định bổ sung khoản chi phí dự phòng do yếu tố trượt giá khi chỉ số giá xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố từ khi thực hiện dự án đến thời điểm điều chỉnh lớn hơn chỉ số giá xây dựng sử dụng trong tổng mức đầu tư đã phê duyệt.
5. Trường hợp tổng mức đầu tư xây dựng điều chỉnh theo quy định tại Khoản 1 Điều này làm tăng, giảm quy mô (nhóm) dự án thì việc quản lý dự án vẫn thực hiện theo quy mô (nhóm) dự án đã được phê duyệt trước khi điều chỉnh.
1. Dự toán xây dựng công trình là toàn bộ chi phí cần thiết để xây dựng công trình được xác định ở giai đoạn thực hiện dự án phù hợp với thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và các yêu cầu công việc phải thực hiện của công trình.
2. Nội dung dự toán xây dựng công trình gồm chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác và chi phí dự phòng được quy định cụ thể như sau:
a) Chi phí xây dựng gồm chi phí trực tiếp, chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước, thuế giá trị gia tăng;
b) Chi phí thiết bị gồm chi phí mua sắm thiết bị công trình và thiết bị công nghệ, chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ, chi phí lắp đặt, thí nghiệm, hiệu chỉnh và các chi phí khác có liên quan;
c) Chi phí quản lý dự án gồm các chi phí quy định tại Khoản 2 Điều 23 Nghị định này để tổ chức thực hiện quản lý dự án đối với công trình kể từ giai đoạn chuẩn bị dự án, thực hiện dự án và kết thúc xây dựng đưa công trình vào khai thác sử dụng;
d) Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng của công trình gồm chi phí khảo sát, thiết kế, giám sát xây dựng và các chi phí tư vấn khác liên quan;
đ) Chi phí khác của công trình gồm chi phí hạng mục chung và các chi phí không thuộc các nội dung quy định tại các Điểm a, b, c, và d Khoản này. Chi phí hạng mục chung gồm chi phí xây dựng nhà tạm để ở và điều hành thi công tại hiện trường, chi phí di chuyển thiết bị thi công và lực lượng lao động đến và ra khỏi công trường, chi phí an toàn lao động, chi phí bảo đảm an toàn giao thông phục vụ thi công (nếu có), chi phí bảo vệ môi trường cho người lao động trên công trường và môi trường xung quanh, chi phí hoàn trả mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật do bị ảnh hưởng khi thi công công trình (nếu có), chi phí thí nghiệm vật liệu của nhà thầu và một số chi phí có liên quan khác liên quan đến công trình;
e) Chi phí dự phòng của công trình gồm chi phí dự phòng cho khối lượng công việc phát sinh và chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá trong thời gian xây dựng công trình.
3. Đối với dự án có nhiều công trình xây dựng, chủ đầu tư có thể xác định tổng dự toán xây dựng công trình để quản lý chi phí. Tổng dự toán xây dựng công trình được xác định bằng cách cộng các dự toán xây dựng công trình và các chi phí khác có liên quan của dự án.
1. Dự toán xây dựng công trình được xác định trên cơ sở khối lượng tính toán từ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, chỉ dẫn kỹ thuật, các yêu cầu công việc phải thực hiện của công trình và định mức xây dựng, giá xây dựng của công trình.
2. Các chi phí trong dự toán xây dựng công trình được xác định như sau:
a) Chi phí xây dựng gồm chi phí trực tiếp về vật liệu, nhân công, máy thi công được xác định trên cơ sở khối lượng các công tác, công việc xây dựng được đo bóc, tính toán từ bản vẽ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, chỉ dẫn kỹ thuật, yêu cầu công việc phải thực hiện của công trình, giá xây dựng của công trình và chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước, thuế giá trị gia tăng được xác định căn cứ định mức chi phí do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc công bố;
b) Chi phí thiết bị được xác định trên cơ sở khối lượng, số lượng, chủng loại thiết bị từ thiết kế công nghệ, xây dựng và giá mua thiết bị tương ứng. Chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ, chi phí lắp đặt, thí nghiệm, hiệu chỉnh và các chi phí khác có liên quan được xác định bằng dự toán hoặc ước tính chi phí;
c) Chi phí quản lý dự án được xác định theo quy định tại Khoản 3 Điều 23 Nghị định này;
d) Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng được xác định theo quy định tại Khoản 3 Điều 25 Nghị định này;
đ) Chi phí khác được xác định trên cơ sở định mức tỷ lệ phần trăm (%) hoặc ước tính hoặc bằng dự toán hoặc giá trị hợp đồng đã ký kết;
e) Chi phí dự phòng cho khối lượng công việc phát sinh được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên tổng các chi phí quy định tại các Điểm a, b, c, d và đ Khoản này. Chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá được tính trên cơ sở độ dài thời gian xây dựng công trình, kế hoạch bố trí vốn và chỉ số giá xây dựng phù hợp với loại công trình xây dựng có tính đến các khả năng biến động giá trong nước và quốc tế.
1. Thẩm định dự toán xây dựng công trình được thực hiện đồng thời với việc thẩm định thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công.
2. Nội dung thẩm định dự toán xây dựng công trình gồm:
a) Kiểm tra sự phù hợp khối lượng công tác xây dựng, chủng loại và số lượng thiết bị trong dự toán so với khối lượng, chủng loại và số lượng thiết bị tính toán từ thiết kế xây dựng, công nghệ;
b) Kiểm tra tính đúng đắn, hợp lý của việc áp dụng, vận dụng định mức dự toán, giá xây dựng của công trình và quy định khác có liên quan trong việc xác định các khoản mục chi phí của dự toán xây dựng công trình;
c) Xác định giá trị dự toán xây dựng công trình sau thẩm định và kiến nghị giá trị dự toán xây dựng để cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Đánh giá mức độ tăng, giảm của các khoản mục chi phí, phân tích nguyên nhân tăng, giảm so với giá trị dự toán xây dựng công trình đề nghị thẩm định.
3. Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự toán xây dựng công trình thực hiện theo quy định tại Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
4. Đối với các công trình thuộc dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B và C có kỹ thuật phức tạp hoặc áp dụng công nghệ cao, cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp, người quyết định đầu tư yêu cầu chủ đầu tư lựa chọn tổ chức tư vấn quản lý chi phí đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng thực hiện thẩm tra dự toán xây dựng công trình làm cơ sở cho việc thẩm định trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
5. Dự toán xây dựng công trình được phê duyệt là cơ sở xác định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu và đàm phán, ký kết hợp đồng xây dựng trong trường hợp chỉ định thầu, nếu có. Trường hợp giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu xác định trên cơ sở tổng mức đầu tư thì giá gói thầu được cập nhật theo dự toán xây dựng công trình đã phê duyệt.
6. Hồ sơ thẩm định dự toán thuộc nội dung hồ sơ thẩm định thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng quy định tại Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Kết quả thẩm định, thẩm tra dự toán xây dựng công trình được lập theo mẫu quy định của Bộ Xây dựng.
1. Dự toán xây dựng công trình đã phê duyệt chỉ được điều chỉnh trong các trường hợp:
a) Điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng theo quy định tại Điều 7 Nghị định này;
b) Thay đổi, bổ sung thiết kế nhưng không trái với thiết kế cơ sở hoặc thay đổi cơ cấu chi phí trong dự toán kể cả chi phí dự phòng nhưng không vượt tổng mức đầu tư xây dựng đã được phê duyệt;
2. Dự toán xây dựng công trình điều chỉnh gồm dự toán xây dựng công trình đã được phê duyệt cộng (hoặc trừ) phần giá trị tăng (hoặc giảm). Phần giá trị tăng (hoặc giảm) phải được thẩm tra, thẩm định làm cơ sở để phê duyệt dự toán xây dựng công trình điều chỉnh.
3. Chủ đầu tư tổ chức xác định dự toán xây dựng công trình điều chỉnh làm cơ sở để điều chỉnh giá hợp đồng, giá gói thầu và điều chỉnh tổng mức đầu tư.
4. Trường hợp chỉ điều chỉnh cơ cấu các khoản mục chi phí nhưng không làm thay đổi giá trị dự toán xây dựng đã được phê duyệt bao gồm cả chi phí dự phòng thì chủ đầu tư tổ chức điều chỉnh.
5. Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự toán xây dựng công trình điều chỉnh thực hiện theo quy định tại Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
1. Dự toán gói thầu xây dựng xác định theo từng gói thầu, phù hợp với kế hoạch lựa chọn nhà thầu, dự toán xây dựng công trình đã được phê duyệt và được thực hiện trước khi tổ chức lựa chọn nhà thầu xây dựng.
2. Dự toán gói thầu xây dựng gồm dự toán gói thầu thi công xây dựng; dự toán gói thầu mua sắm vật tư, thiết bị lắp đặt vào công trình; dự toán gói thầu tư vấn đầu tư xây dựng và dự toán gói thầu hỗn hợp.
3. Chủ đầu tư tổ chức xác định, cập nhật dự toán gói thầu xây dựng, thực hiện thẩm định, phê duyệt để thay thế giá gói thầu xây dựng ghi trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã phê duyệt, làm cơ sở để lập Hồ sơ mời thầu hoặc Hồ sơ yêu cầu và đánh giá lựa chọn nhà thầu xây dựng.
4. Chủ đầu tư được thuê các tổ chức, cá nhân tư vấn quản lý chi phí đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng thực hiện xác định, cập nhật, thẩm tra dự toán gói thầu xây dựng trước khi phê duyệt.
1. Dự toán gói thầu thi công xây dựng là toàn bộ chi phí cần thiết để thực hiện thi công xây dựng các công tác, công việc, hạng mục, công trình xây dựng phù hợp với phạm vi thực hiện của gói thầu thi công xây dựng. Nội dung dự toán gói thầu thi công xây dựng gồm chi phí xây dựng, chi phí hạng mục chung và chi phí dự phòng.
2. Chi phí xây dựng được xác định trên cơ sở khối lượng cần thực hiện của gói thầu và đơn giá xây dựng được quy định như sau:
a) Khối lượng cần thực hiện của gói thầu gồm khối lượng các công tác xây dựng đã được đo bóc, tính toán khi xác định chi phí xây dựng trong dự toán xây dựng công trình và các khối lượng cập nhật, bổ sung khác (nếu có) được xác định từ bản vẽ thiết kế, biện pháp thi công đối với những công trình, công tác riêng biệt phải lập thiết kế biện pháp thi công, các chỉ dẫn kỹ thuật, yêu cầu kỹ thuật liên quan của gói thầu.
b) Đơn giá xây dựng là toàn bộ chi phí cần thiết (gồm chi phí trực tiếp, chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước, thuế giá trị gia tăng) để thực hiện một đơn vị khối lượng công tác xây dựng tương ứng của khối lượng cần thực hiện của gói thầu. Đơn giá xây dựng được cập nhật trên cơ sở đơn giá trong dự toán xây dựng, phù hợp với mặt bằng giá thị trường khu vực xây dựng công trình, các chế độ chính sách của nhà nước có liên quan tại thời điểm xác định dự toán gói thầu, các chỉ dẫn kỹ thuật và yêu cầu kỹ thuật liên quan của gói thầu.
3. Chi phí hạng mục chung được xác định căn cứ định mức chi phí do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố hoặc ước tính chi phí hoặc bằng dự toán.
4. Chi phí dự phòng trong dự toán gói thầu thi công xây dựng được xác định theo tỷ lệ % của các chi phí đã xác định trong dự toán gói thầu và thời gian thực hiện gói thầu nhưng không vượt mức tỷ lệ phần trăm (%) chi phí dự phòng của dự toán xây dựng công trình đã được phê duyệt.
1. Dự toán gói thầu mua sắm vật tư, thiết bị lắp đặt vào công trình gồm chi phí mua sắm thiết bị công trình và thiết bị công nghệ; chi phí đào tạo và chuyển giao công nghệ (nếu có); chi phí lắp đặt, thí nghiệm, hiệu chỉnh; chi phí vận chuyển, bảo hiểm; thuế và các loại phí, chi phí liên quan khác và chi phí dự phòng.
2. Chi phí mua sắm vật tư, thiết bị được xác định trên cơ sở các khối lượng, số lượng vật tư, thiết bị của gói thầu cần mua sắm và đơn giá của vật tư, thiết bị được quy định như sau:
a) Khối lượng, số lượng vật tư, thiết bị của gói thầu cần mua sắm gồm khối lượng, số lượng vật tư, thiết bị cần mua sắm đã được đo bóc, tính toán khi xác định chi phí thiết bị trong dự toán xây dựng công trình và khối lượng, số lượng vật tư, thiết bị được cập nhật, bổ sung (nếu có) từ thiết kế xây dựng, công nghệ, các chỉ dẫn kỹ thuật và yêu cầu kỹ thuật liên quan của gói thầu;
b) Đơn giá vật tư, thiết bị gồm giá mua vật tư, thiết bị, chi phí vận chuyển, chi phí bảo hiểm và các loại thuế, phí có liên quan. Đơn giá mua vật tư, thiết bị xác định trên cơ sở đơn giá trong dự toán xây dựng, phù hợp với mặt bằng giá thị trường khu vực xây dựng công trình, các chế độ chính sách của nhà nước có liên quan tại thời điểm xác định dự toán gói thầu, các chỉ dẫn kỹ thuật và yêu cầu kỹ thuật liên quan của gói thầu.
3. Chi phí lắp đặt, thí nghiệm, hiệu chỉnh thiết bị gồm các khoản mục chi phí xác định như dự toán gói thầu thi công xây dựng.
4. Chi phí dự phòng trong dự toán gói thầu được xác định theo tỷ lệ phần trăm (%) của các chi phí đã xác định trong dự toán gói thầu và thời gian thực hiện gói thầu nhưng không vượt mức tỷ lệ phần trăm (%) chi phí dự phòng của dự toán xây dựng công trình đã được phê duyệt.
1. Dự toán gói thầu tư vấn đầu tư xây dựng là các chi phí để thực hiện một hoặc một số công việc tư vấn đầu tư xây dựng phù hợp với phạm vi công việc cần thực hiện của gói thầu.
2. Nội dung dự toán gói thầu tư vấn đầu tư xây dựng gồm chi phí chuyên gia, chi phí quản lý, chi phí khác, thu nhập chịu thuế tính trước, thuế và chi phí dự phòng. Đối với các gói thầu tư vấn khảo sát xây dựng; thí nghiệm chuyên ngành xây dựng thì nội dung dự toán gói thầu gồm các khoản mục chi phí như dự toán gói thầu thi công xây dựng.
3. Dự toán gói thầu tư vấn đầu tư xây dựng được xác định trên cơ sở chi phí tư vấn trong dự toán xây dựng công trình và cập nhật, bổ sung các khối lượng, các chế độ chính sách của nhà nước có liên quan đến chi phí (nếu có) tại thời điểm lập dự toán gói thầu.
4. Chi phí dự phòng của dự toán gói thầu xác định trên cơ sở đặc điểm, tính chất của loại công việc tư vấn, tiến độ thực hiện nhưng không vượt quá mức tỷ lệ phần trăm (%) chi phí dự phòng đã xác định trong dự toán xây dựng công trình.
5. Đối với các gói thầu khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng của công trình xây dựng từ cấp II trở lên, dự toán gói thầu còn gồm chi phí mua bảo hiểm nghề nghiệp trách nhiệm tư vấn đầu tư xây dựng.
6. Đối với các gói thầu tư vấn phải thực hiện trước khi phê duyệt tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng công trình thì xác định dự toán gói thầu trên cơ sở phạm vi công việc thực hiện.
1. Dự toán gói thầu thiết kế và thi công xây dựng (gọi tắt là EC) gồm dự toán các công việc theo quy định tại Điều 15 và Điều 13 Nghị định này.
2. Dự toán gói thầu mua sắm vật tư, thiết bị và thi công xây dựng (gọi tắt là PC) gồm dự toán các công việc theo quy định tại Điều 14 và Điều 13 Nghị định này.
3. Dự toán gói thầu thiết kế - mua sắm vật tư, thiết bị - thi công xây dựng (gọi tắt là EPC) gồm các khoản mục chi phí thiết kế, mua sắm vật tư, thiết bị và thi công xây dựng trong tổng mức đầu tư xây dựng của dự án đầu tư xây dựng đã được phê duyệt.
4. Dự toán gói thầu lập dự án - thiết kế - mua sắm vật tư, thiết bị - thi công xây dựng (chìa khóa trao tay) gồm các khoản mục chi phí trong tổng mức đầu tư xây dựng của dự án đầu tư xây dựng quy định tại mục b, c, d, đ, e và g Khoản 4 Điều 4 Nghị định này.
1. Định mức kinh tế - kỹ thuật gồm định mức cơ sở và định mức dự toán xây dựng công trình.
2. Định mức cơ sở gồm định mức sử dụng vật liệu, định mức lao động, định mức năng suất máy và thiết bị thi công. Định mức cơ sở để xác định định mức dự toán xây dựng công trình.
3. Định mức dự toán xây dựng công trình là mức hao phí cần thiết về vật liệu, nhân công, máy và thiết bị thi công được xác định phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, điều kiện thi công và biện pháp thi công cụ thể để hoàn thành một đơn vị khối lượng công tác xây dựng công trình.
4. Định mức kinh tế - kỹ thuật là cơ sở để quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
1. Định mức chi phí gồm định mức tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) và định mức tính bằng giá trị.
2. Định mức chi phí là cơ sở để xác định giá xây dựng, dự toán chi phí của một số loại công việc, chi phí trong đầu tư xây dựng gồm chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước, chi phí hạng mục chung và một số công việc, chi phí khác.
1. Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp lập định mức dự toán xây dựng và công bố định mức xây dựng.
2. Trên cơ sở phương pháp lập định mức dự toán xây dựng theo quy định tại Khoản 1 Điều này, các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập và công bố định mức xây dựng cho các công việc đặc thù chuyên ngành của ngành và địa phương sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng. Định kỳ hàng năm gửi những định mức xây dựng đã công bố về Bộ Xây dựng để theo dõi, quản lý.
3. Định mức xây dựng được công bố quy định tại Khoản 1, 2 Điều này là cơ sở để chủ đầu tư sử dụng, vận dụng, tham khảo khi xác định tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
4. Đối với các công việc xây dựng chưa có trong hệ thống định mức dự toán xây dựng được công bố hoặc đã có trong hệ thống định mức dự toán xây dựng được công bố nhưng chưa phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, điều kiện thi công, biện pháp thi công cụ thể của công trình được thực hiện như sau:
a) Chủ đầu tư tổ chức xác định các định mức dự toán xây dựng mới, định mức dự toán xây dựng điều chỉnh hoặc vận dụng định mức dự toán tương tự ở các công trình đã và đang thực hiện, làm cơ sở quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;
b) Đối với các gói thầu xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước thực hiện hình thức chỉ định thầu thì chủ đầu tư phải báo cáo người quyết định đầu tư xem xét quyết định trước khi áp dụng. Riêng đối với công trình xây dựng thuộc dự án đầu tư do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư thì Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
5. Chủ đầu tư được thuê tổ chức tư vấn quản lý chi phí đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng để lập, điều chỉnh, thẩm tra các định mức dự toán xây dựng tại Khoản 4 Điều này.
1. Giá xây dựng công trình gồm:
a) Đơn giá xây dựng chi tiết của công trình được xác định cho các công tác xây dựng cụ thể của công trình, làm cơ sở để xác định dự toán xây dựng;
b) Giá xây dựng tổng hợp được xác định cho nhóm, loại công tác xây dựng, đơn vị kết cấu hoặc bộ phận công trình, công trình làm cơ sở để xác định dự toán xây dựng, tổng mức đầu tư xây dựng.
2. Đơn giá xây dựng chi tiết của công trình được xác định từ định mức xây dựng của công trình, giá vật tư, vật liệu, cấu kiện xây dựng, giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công và các yếu tố chi phí cần thiết khác phù hợp với mặt bằng giá thị trường khu vực xây dựng công trình tại thời điểm xác định và các quy định khác có liên quan hoặc được xác định trên cơ sở giá thị trường.
3. Giá xây dựng tổng hợp được xác định trên cơ sở tổng hợp từ các đơn giá xây dựng chi tiết của công trình.
1. Chủ đầu tư căn cứ phương pháp xác định giá xây dựng công trình theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, yêu cầu kỹ thuật, điều kiện và biện pháp thi công cụ thể của công trình tổ chức xác định đơn giá xây dựng chi tiết của công trình, giá xây dựng tổng hợp của công trình làm cơ sở xác định dự toán xây dựng, tổng mức đầu tư và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
2. Chủ đầu tư được thuê các tổ chức, cá nhân tư vấn quản lý chi phí đầu tư xây dựng có đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng thực hiện các công việc hoặc phần công việc liên quan tới việc xác định, thẩm tra giá xây dựng công trình.
1. Chỉ số giá xây dựng là chỉ tiêu phản ánh mức độ biến động của giá xây dựng công trình theo thời gian, làm cơ sở xác định, điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng, giá xây dựng công trình, dự toán xây dựng công trình, dự toán gói thầu xây dựng, giá hợp đồng xây dựng, quy đổi vốn đầu tư xây dựng công trình và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
2. Chỉ số giá xây dựng gồm chỉ số giá xây dựng theo loại công trình, theo cơ cấu chi phí (gồm chỉ số giá phần xây dựng, chỉ số giá phần thiết bị, chỉ số giá phần chi phí khác), yếu tố chi phí (gồm chỉ số giá vật liệu xây dựng công trình, chỉ số giá nhân công xây dựng, chỉ số giá máy và thiết bị thi công xây dựng).
3. Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định chỉ số giá xây dựng và công bố chỉ số giá xây dựng quốc gia. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao Sở Xây dựng căn cứ vào phương pháp xác định chỉ số giá xây dựng do Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định các loại chỉ số giá xây dựng quy định tại Khoản 2 Điều này, định kỳ công bố theo tháng, quý, năm và gửi về Bộ Xây dựng để theo dõi, quản lý. Kinh phí cho việc thu thập số liệu, tính toán và công bố các chỉ số giá xây dựng trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được bố trí từ nguồn ngân sách hàng năm của địa phương.
4. Đối với các công trình chưa có trong danh mục chỉ số giá xây dựng do Sở Xây dựng công bố và công trình xây dựng theo tuyến đi qua địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì chủ đầu tư căn cứ phương pháp xác định chỉ số giá xây dựng do Bộ Xây dựng hướng dẫn để tổ chức xác định các chỉ số giá xây dựng và quyết định việc áp dụng cho công trình.
5. Chủ đầu tư được thuê tổ chức tư vấn quản lý chi phí đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng để thu thập số liệu, tính toán chỉ số giá xây dựng tại Khoản 4 Điều này làm cơ sở xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
1. Chi phí quản lý dự án là chi phí cần thiết để tổ chức thực hiện các công việc quản lý dự án từ giai đoạn chuẩn bị dự án, thực hiện dự án và kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng.
2. Nội dung chi phí quản lý dự án gồm tiền lương của cán bộ quản lý dự án; tiền công trả cho người lao động theo hợp đồng; các khoản phụ cấp lương; tiền thưởng; phúc lợi tập thể; các khoản đóng góp (bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo hiểm thất nghiệp; kinh phí công đoàn, trích nộp khác theo quy định của pháp luật đối với cá nhân được hưởng lương từ dự án); ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý hệ thống thông tin công trình, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ quản lý dự án; thanh toán các dịch vụ công cộng; vật tư văn phòng phẩm; thông tin, tuyên truyền, liên lạc; tổ chức hội nghị có liên quan đến dự án; công tác phí; thuê mướn; sửa chữa, mua sắm tài sản phục vụ quản lý dự án; chi phí khác và chi phí dự phòng.
3. Chi phí quản lý dự án xác định trên cơ sở định mức tỷ lệ phần trăm (%) do Bộ Xây dựng công bố hoặc bằng dự toán hoặc sử dụng cơ sở dữ liệu các dự án tương tự đã thực hiện phù hợp với hình thức tổ chức quản lý dự án, thời gian thực hiện dự án, quy mô và đặc điểm công việc quản lý dự án.
4. Trường hợp chủ đầu tư thuê tư vấn quản lý dự án đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách và dự án có tính chất đặc thù, riêng lẻ thì chi phí tư vấn quản lý dự án xác định bằng dự toán trên cơ sở nội dung, khối lượng công việc quản lý dự án được chủ đầu tư và tổ chức tư vấn thỏa thuận trong hợp đồng quản lý dự án.
5. Đối với các dự án cải tạo, sửa chữa quy mô nhỏ theo quy định tại Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng, dự án có sự tham gia của cộng đồng thì chủ đầu tư được sử dụng bộ máy chuyên môn trực thuộc để quản lý thì chi phí quản lý dự án xác định bằng dự toán theo quy định tại Khoản 3 Điều này.
1. Đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước, chi phí quản lý dự án xác định theo Khoản 3 Điều 23 Nghị định này là chi phí tối đa để quản lý dự án. Chi phí quản lý dự án được quản lý trên cơ sở dự toán được xác định hàng năm phù hợp với nhiệm vụ, công việc quản lý dự án thực hiện và các chế độ chính sách có liên quan.
2. Trường hợp thực hiện trước một số công việc ở giai đoạn chuẩn bị dự án thì chi phí quản lý các công việc này xác định bằng dự toán và được bổ sung vào chi phí quản lý dự án.
3. Chi phí quản lý dự án được điều chỉnh trong các trường hợp được phép điều chỉnh dự án theo quy định tại Khoản 1 Điều 61 Luật Xây dựng.
1. Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng là chi phí cần thiết để thực hiện các công việc tư vấn đầu tư xây dựng từ giai đoạn chuẩn bị dự án, thực hiện dự án và kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng.
2. Nội dung chi phí công việc tư vấn đầu tư xây dựng gồm chi phí chuyên gia, chi phí quản lý của tổ chức tư vấn, chi phí khác gồm cả chi phí sử dụng hệ thống thông tin công trình, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với công việc khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình từ cấp II trở lên, lợi nhuận chịu thuế tính trước, thuế và chi phí dự phòng. Riêng các công việc tư vấn khảo sát xây dựng, thí nghiệm chuyên ngành xây dựng thì chi phí tư vấn gồm các khoản mục chi phí như chi phí xây dựng trong dự toán xây dựng công trình.
3. Chi phí công việc tư vấn đầu tư xây dựng được xác định trên cơ sở định mức tỷ lệ phần trăm (%) do Bộ Xây dựng công bố hoặc ước tính chi phí theo công việc tư vấn của dự án, công trình tương tự đã thực hiện hoặc xác định bằng dự toán.
4. Chi phí thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài thực hiện một số loại công việc tư vấn xác định bằng dự toán phù hợp với các quy định của cấp có thẩm quyền và thông lệ quốc tế.
1. Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng xác định theo Khoản 3 Điều 25 Nghị định này là cơ sở để xác định chi phí tư vấn đầu tư xây dựng trong tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng công trình, xác định giá gói thầu và quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Trước khi tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện công việc tư vấn đầu tư xây dựng chủ đầu tư phải tổ chức xác định dự toán gói thầu tư vấn đầu tư xây dựng theo quy định tại Điều 15 Nghị định này làm cơ sở để lựa chọn nhà thầu.
2. Dự toán chi phí tư vấn đầu tư xây dựng đã phê duyệt là chi phí tối đa để thực hiện công tác tư vấn đầu tư xây dựng và chỉ được điều chỉnh khi thay đổi về phạm vi công việc và tiến độ thực hiện công tác tư vấn đầu tư xây dựng. Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng được quản lý thông qua hợp đồng tư vấn xây dựng.
3. Trường hợp chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng có đủ điều kiện năng lực theo quy định thực hiện một số công việc tư vấn đầu tư xây dựng thì được bổ sung chi phí thực hiện các công việc tư vấn vào chi phí quản lý dự án.
Việc tạm ứng, thanh toán, hồ sơ thanh toán hợp đồng xây dựng thực hiện theo các quy định tại Nghị định quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng.
1. Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ thanh toán theo quy định, cơ quan thanh toán vốn đầu tư có trách nhiệm thanh toán vốn đầu tư theo đề nghị thanh toán của chủ đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của chủ đầu tư trên cơ sở kế hoạch vốn được giao.
2. Chủ đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của chủ đầu tư chịu trách nhiệm về đơn giá, khối lượng và giá trị đề nghị thanh toán trong hồ sơ đề nghị thanh toán; cơ quan thanh toán vốn đầu tư không chịu trách nhiệm về đơn giá, khối lượng và giá trị đề nghị thanh toán trong hồ sơ đề nghị thanh toán của chủ đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của chủ đầu tư. Trong quá trình thanh toán, trường hợp phát hiện những sai sót trong hồ sơ đề nghị thanh toán, cơ quan thanh toán vốn đầu tư thông báo bằng văn bản để chủ đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của chủ đầu tư bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.
3. Nghiêm cấm các cơ quan thanh toán vốn đầu tư và chủ đầu tư tự đặt ra các quy định trái pháp luật trong việc thanh toán vốn đầu tư xây dựng.
1. Các công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn nhà nước ngoài ngân sách sau khi hoàn thành đều phải thực hiện quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình.
2. Chi phí đầu tư được quyết toán là toàn bộ chi phí hợp pháp thực hiện trong quá trình đầu tư xây dựng để đưa công trình của dự án vào khai thác, sử dụng. Chi phí hợp pháp là toàn bộ các khoản chi phí thực hiện trong phạm vi dự án, thiết kế, dự toán được phê duyệt; hợp đồng đã ký kết; kể cả phần điều chỉnh, bổ sung được duyệt theo quy định và đúng thẩm quyền. Đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, chi phí đầu tư được quyết toán phải nằm trong giới hạn tổng mức đầu tư được duyệt hoặc được điều chỉnh theo quy định của pháp luật.
3. Chủ đầu tư có trách nhiệm lập Hồ sơ quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình và quy đổi vốn đầu tư công trình xây dựng sau khi hoàn thành được nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng để trình người quyết định đầu tư phê duyệt chậm nhất là 9 tháng đối với các dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A, 6 tháng đối với dự án nhóm B và 3 tháng đối với dự án nhóm C kể từ ngày công trình hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng. Sau 6 tháng kể từ khi có quyết định phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành, chủ đầu tư có trách nhiệm giải quyết công nợ, tất toán tài khoản dự án tại cơ quan thanh toán vốn đầu tư.
Đối với công trình, hạng mục công trình độc lập hoàn thành đưa vào sử dụng thuộc dự án đầu tư xây dựng, trường hợp cần thiết phải quyết toán ngay thì chủ đầu tư báo cáo người quyết định đầu tư xem xét, quyết định.
4. Đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước, sau khi kết thúc niên độ ngân sách, chủ đầu tư thực hiện việc quyết toán, sử dụng vốn đầu tư theo niên độ theo quy định của Bộ Tài chính.
5. Chủ đầu tư chậm thực hiện quyết toán theo quy định tại Khoản 3 Điều này bị xử lý theo quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; sản xuất, khai khác, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.
6. Thẩm quyền phê duyệt quyết toán vốn đầu tư:
a) Đối với các dự án quan trọng quốc gia và các dự án quan trọng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư:
- Giao cơ quan quản lý cấp trên của Chủ đầu tư phê duyệt quyết toán các dự án thành phần sử dụng vốn ngân sách nhà nước;
- Chủ đầu tư phê duyệt quyết toán các dự án thành phần không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
b) Đối với các dự án còn lại, người quyết định đầu tư là người có thẩm quyền phê duyệt quyết toán vốn đầu tư.
1. Người quyết định đầu tư có các quyền sau đây:
a) Phê duyệt hoặc ủy quyền phê duyệt tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình, tổng mức đầu tư điều chỉnh và dự toán xây dựng công trình điều chỉnh;
b) Quyết định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu, loại hợp đồng, hình thức hợp đồng;
c) Chấp thuận thực hiện lựa chọn tổ chức tư vấn quản lý chi phí đầu tư xây dựng đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng để thực hiện thẩm tra tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình làm cơ sở cho việc thẩm định, phê duyệt;
d) Các quyền khác liên quan đến quản lý chi phí theo quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Người quyết định đầu tư có nghĩa vụ sau đây:
a) Đảm bảo đủ nguồn vốn đầu tư để thanh toán cho dự án, công trình theo thời gian, tiến độ đã được phê duyệt;
b) Phê duyệt quyết toán vốn đầu tư theo đúng thời hạn quy định;
c) Các nghĩa vụ khác liên quan đến quản lý chi phí theo quy định khác của pháp luật có liên quan.
1. Chủ đầu tư có các quyền sau đây:
a) Quyết định phương pháp xác định tổng mức đầu tư. Điều chỉnh cơ cấu các khoản mục chi phí trong tổng mức đầu tư nhưng không làm vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt;
b) Điều chỉnh và phê duyệt dự toán xây dựng công trình điều chỉnh không làm vượt dự toán xây dựng công trình đã phê duyệt;
c) Tổ chức thẩm định hoặc thẩm tra, phê duyệt dự toán gói thầu xây dựng làm cơ sở lập Hồ sơ mời thầu hoặc Hồ sơ yêu cầu để lựa chọn nhà thầu;
d) Quyết định việc áp dụng, sử dụng định mức xây dựng, giá xây dựng công trình khi xác định dự toán xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho công trình, gói thầu xây dựng;
đ) Thuê các tổ chức tư vấn quản lý chi phí đầu tư xây dựng đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng để thực hiện lập, thẩm tra, kiểm soát, quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
e) Được quyền đòi bồi thường hoặc khởi kiện ra tòa án theo quy định của pháp luật đòi bồi thường các thiệt hại do việc chậm trễ của cơ quan thanh toán vốn đầu tư;
g) Chấp thuận các thay đổi biện pháp thi công, yêu cầu kỹ thuật do nhà thầu đề xuất nhưng phải đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn, bảo vệ môi trường và không làm thay đổi giá trị hợp đồng đã ký kết. Kiểm soát các thay đổi trong quá trình thi công xây dựng công trình có liên quan đến thay đổi chi phí đầu tư xây dựng công trình hoặc đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình;
h) Chấp thuận các đề xuất về thay đổi vật tư, vật liệu xây dựng theo đề xuất của tư vấn thiết kế hoặc nhà thầu thi công xây dựng nhưng phải đảm bảo về mặt kỹ thuật, mỹ thuật, chất lượng, tiến độ xây dựng trên cơ sở giá trị trong hợp đồng đã ký kết;
i) Được thực hiện một số công việc tư vấn đầu tư xây dựng khi có đủ điều kiện năng lực theo quy định;
k) Các quyền khác liên quan đến quản lý chi phí theo quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Chủ đầu tư có các nghĩa vụ sau đây:
a) Tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng công trình; trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư, tổng mức đầu tư điều chỉnh;
b) Tổ chức lập dự toán xây dựng công trình, dự toán xây dựng công trình điều chỉnh trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt;
c) Tổ chức xác định các định mức dự toán xây dựng mới hoặc điều chỉnh của công trình làm cơ sở quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
d) Tổ chức xác định giá xây dựng công trình; chỉ số giá xây dựng cho công trình, gói thầu xây dựng;
đ) Tạm ứng, thanh toán và quyết toán hợp đồng theo các quy định trong hợp đồng đã ký kết với nhà thầu;
e) Tổ chức kiểm soát chi phí đầu tư xây dựng công trình theo quy định;
g) Quyết định và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp lý của giá trị đề nghị cơ quan thanh toán vốn đầu tư thanh toán vốn cho nhà thầu;
h) Tổ chức lập Báo cáo quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình hoàn thành theo đúng quy định tại Điều 29 Nghị định này;
i) Mua bảo hiểm công trình đối với các công trình có quy định phải mua bảo hiểm;
k) Các nghĩa vụ khác liên quan đến quản lý chi phí theo quy định khác của pháp luật có liên quan.
1. Nhà thầu tư vấn quản lý chi phí đầu tư xây dựng có các quyền sau đây:
a) Thực hiện tư vấn các công việc quản lý chi phí phù hợp với điều kiện năng lực và phạm vi hoạt động theo quy định tại Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
b) Yêu cầu chủ đầu tư và các bên liên quan cung cấp các thông tin, tài liệu phục vụ cho công việc tư vấn quản lý chi phí;
c) Từ chối thực hiện các yêu cầu ngoài nhiệm vụ tư vấn quản lý chi phí theo hợp đồng đã ký kết;
d) Yêu cầu chủ đầu tư thanh toán các khoản chi phí theo hợp đồng đã ký kết; được thanh toán các khoản lãi vay do chậm thanh toán;
đ) Các quyền khác theo quy định hợp đồng tư vấn quản lý chi phí và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Nhà thầu tư vấn quản lý chi phí đầu tư xây dựng có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện các công việc tư vấn quản lý chi phí theo hợp đồng đã ký kết;
b) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư về kết quả thực hiện tư vấn quản lý chi phí và bồi thường thiệt hại gây ra cho chủ đầu tư (nếu có) theo quy định của pháp luật về hợp đồng và pháp luật có liên quan;
c) Không được tiết lộ các thông tin, tài liệu có liên quan đến hoạt động quản lý chi phí do mình thực hiện khi chưa được phép của chủ đầu tư hoặc cấp có thẩm quyền;
d) Các nghĩa vụ khác theo quy định hợp đồng và quy định khác của pháp luật có liên quan.
1. Nhà thầu thi công xây dựng có các quyền sau đây:
a) Quyết định định mức xây dựng, giá xây dựng và các chi phí khác có liên quan khi xác định giá dự thầu để tham gia đấu thầu;
b) Trong giai đoạn thi công xây dựng được thay đổi biện pháp thi công nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn, bảo vệ môi trường sau khi được chủ đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của chủ đầu tư chấp thuận và không thay đổi giá trị hợp đồng đã ký kết;
c) Chủ động sử dụng các khoản tạm ứng, thanh toán khối lượng xây dựng phục vụ thi công xây dựng công trình;
d) Được đề xuất và thỏa thuận với chủ đầu tư về định mức xây dựng, đơn giá xây dựng cho các công việc phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng;
đ) Yêu cầu thanh toán các khoản lãi vay do chậm thanh toán; được bồi thường về những thiệt hại do việc chậm bàn giao mặt bằng và các thiệt hại khác không do lỗi của nhà thầu;
e) Các quyền khác theo quy định của hợp đồng và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Nhà thầu thi công xây dựng có các nghĩa vụ sau đây:
a) Mua bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường;
b) Bồi thường cho chủ đầu tư và các bên có liên quan những thiệt hại gây ra do lỗi của nhà thầu (nếu có) theo quy định của pháp luật về hợp đồng và pháp luật có liên quan;
c) Các nghĩa vụ khác theo quy định của hợp đồng và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Bộ Xây dựng là cơ quan chịu trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về chi phí đầu tư xây dựng và có trách nhiệm:
1. Hướng dẫn chi tiết về nội dung, phương pháp xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng gồm sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng, tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng, định mức xây dựng, giá xây dựng công trình, chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng, chỉ số giá xây dựng, đo bóc khối lượng xây dựng công trình, giá ca máy và thiết bị thi công, điều chỉnh tổng mức đầu tư, điều chỉnh dự toán xây dựng, xác định đơn giá nhân công xây dựng, quy đổi vốn đầu tư xây dựng và kiểm soát chi phí trong đầu tư xây dựng.
2. Công bố định mức xây dựng, định mức các hao phí tính giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng, định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng, giá xây dựng, suất vốn đầu tư xây dựng công trình, chỉ số giá xây dựng quốc gia và các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật khác.
3. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
1. Hướng dẫn việc thanh toán, quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình. Quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
2. Quy định mức thu phí và hướng dẫn việc quản lý sử dụng phí thẩm định dự án đầu tư, thiết kế, dự toán xây dựng và các phí khác (nếu có).
3. Thanh tra, kiểm tra việc thanh toán, quyết toán vốn đầu tư xây dựng các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn nhà nước ngoài ngân sách.
1. Các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ phương pháp lập định mức dự toán xây dựng do Bộ Xây dựng hướng dẫn, tổ chức xây dựng và công bố các định mức dự toán xây dựng cho các công việc chuyên ngành, đặc thù của Bộ, địa phương sau khi thống nhất với Bộ Xây dựng.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng; công bố giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công, chỉ số giá xây dựng và đơn giá xây dựng công trình phù hợp với mặt bằng giá thị trường tại địa phương và kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng trên địa bàn.
1. Dự án đầu tư xây dựng phê duyệt trước ngày Nghị định này có hiệu lực nhưng chưa triển khai hoặc đang triển khai thì các công việc về quản lý chi phí thực hiện theo các quy định của Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.
2. Dự án đầu tư xây dựng đã lập, thẩm định nhưng chưa được phê duyệt trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì các công việc về quản lý chi phí đầu tư xây dựng thực hiện điều chỉnh, bổ sung phù hợp với quy định tại Nghị định này.
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 5 năm 2015 và thay thế Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
3. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Nghị định này./.
Nơi nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ |
THE GOVERNMENT |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
No. 32/2015/ND-CP |
Hanoi, March 25, 2015 |
DECREE
Pursuant to the Law on Government organization dated December 25, 2001;
Pursuant to the Law on Construction dated June 18, 2014;
At the request of the Minister of Construction;
The Government promulgates a Decree on construction cost management.
GENERAL PROVISIONS
1. This Decree deals with management of construction costs including total construction investment, construction estimate, construction contract estimate, construction norms, construction prices, construction price indexes, project management and construction consultancy cost, payment for and finalization of construction contracts; reimbursement and statement of construction costs; rights and obligations of investment deciders, investors, building contractors, advisory contracts for construction cost management.
2. With regard to construction projects funded by official development assistance (ODA), if an international agreement to which Socialist Republic of Vietnam is a signatory is in contravention of this Decree, regulations of such international agreement shall apply.
1. This Decree applies to every organization and individual (hereinafter referred to as entity) related to construction cost management of projects funded by state budget and external-source state capital prescribed in Clause 1 and Clause 2 Article 60 of the Law on Construction.
2. Regulations of this Decree may be applied to management of construction costs of projects funded by other sources.
Article 3. Construction cost management principles
1. Construction cost management must ensure achievement of investment targets and project proficiency which have been approved, appropriate for construction investment procedures prescribed in Clause 1 Article 50 of the Law on Construction and capital sources. Construction costs must be calculated correctly and sufficiently for each project, construction, contract, conformable with design requirements, technical instructions, construction conditions, market prices at that time, and the construction site.
2. The State shall manage construction costs by promulgating legal documents, providing instructions, and inspect the implementation thereof; providing instructions on method for estimating and managing construction costs.
3. Investors are responsible for construction cost management from the project preparation stage to the completion and inauguration of the project up to the approved total investment, including the case in which the total investment is adjusted prescribed in Article 7 of this Decree. Investors may hire cost management advisors that are qualified as prescribed in the Decree on construction project management to estimate, examine, control, and manage construction costs.
4. Construction costs shall be managed according to the basis, contents, methods, and time of determination of total investment, construction estimate, construction contract estimate, construction norms, construction prices, construction price indexes that are unanimously used by investment deciders and investors during corresponding stages of cost estimation according to regulations on construction cost management of this Decree.
TOTAL CONSTRUCTION INVESTMENT
Article 4. Preliminary total investment and total construction investment
1. Preliminary total construction investment is the initial estimation of construction cost of the project which is conformable with the preliminary design and other contents of the pre-feasibility study report. Preliminary total construction investment includes the expenditure items mentioned in Clause 2 of this Article.
2. Total construction investment is the total construction cost of the project which has been determined and is conformable with the fundamental design and other contents of the pre-feasibility study report. Total construction investment is inclusive of compensation, support, and relocation cost (if any); construction cost; equipment cost; project management cost; construction consultancy cost; other costs, and cost contingency for additional quantity of works and cost escalation.
3. If only an economic-technical report is required, total construction investment is the construction estimate prescribed in Article 8 of this Decree inclusive of compensation, support, and relocation cost (if any).
4. Costs of total construction investment:
a) Compensation, support, and relocation costs include cost of compensation for land, houses and constructions on land, and property attached to land, on water surfaces, and other compensation costs as prescribed; support upon land withdrawal by the State; relocation cost; cost of organization of compensation, support, and relocation; opportunity cost of land use during construction period (if any); payment for built infrastructure (if any), and relevant costs;
b) Construction costs includes costs of dismantlement of constructions, leveling, construction costs of works and work items, construction of temporary works and ancillary works serving the construction process;
c) Equipment costs include cost of purchase of building equipment and technological equipment; cost of training and technology transfers (if any); cost of installation, testing, calibration; cost of transport, insurance; taxes and relevant charges;
d) Project management costs include costs of performance of project management tasks from project preparation, project execution, construction completion and project inauguration;
dd) Construction Consultancy costs include costs of consultancy on survey, making of pre-feasibility study report (if any), making of feasibility study report, making of economic-technical reports, costs of designing and construction supervision, and relevant advisory costs;
e) Other costs include costs of general items prescribed in Point dd Clause 2 Article 8 of this Decree and costs other than those prescribed in Points a, b, c, d, and dd of this Clause;
g) Cost contingency includes provision for additional quantity of works and contingency for cost escalation during the project execution.
Article 5. Determination of preliminary total construction investment and total construction investment
1. The preliminary total construction investment of the project shall be estimated according to the scale, capacity in the preliminary design of the project, investment rate or information about costs of projects of similar types, scale, characteristics, whether they are completed or in progress, with account taken of other necessary costs.
2. Total construction investment is determined using one of the following methods:
a) Determination according to construction quantity based on fundamental design and other requirements of the project, including:
- Costs of compensation, support, and relocation determined according to the quantity of compensation, support, relocation of the project, and relevant policies of the State;
- Construction costs are determined according to the quantity of group, type of construction works, structure units, or construction parts, and the overall prices corresponding to the group, type of construction works, structure unit, or construction part that is measured and calculated; and some other relevant costs estimated;
- Equipment costs are determined according to the quantity, types of equipment of equipment system according to the technical, technological plan and the selected equipment, purchase prices that are conformable with market prices, and relevant costs;
- Project management costs and construction consultancy shall be determined in accordance with Article 23 and Article 25 of this Decree;
- Other costs shall be determined by the percentage (%) or estimate or use of database about similar projects that are already completed;
- Cost contingency for additional works is expressed as a percentage (%) of total of aforementioned costs Contingency for cost escalation is determined according to the duration of project execution, capital allocation plan, and annual construction price indexes that suit the type of the construction with due account taken of domestic and international price fluctuation;
b) Determination according to investment rate:
Total construction investment is determined according to the quantity, area, capacity according to the fundamental design and corresponding investment rate that suit the type and class of the construction, time of estimating total investment, the construction site, and other costs that satisfy project requirements;
c) Determination from data about costs of similar completed or in-progress constructions:
Total construction investment is determined according to the floor area, capacity according to the construction design, structures of the construction, and data about similar completed or in-progress constructions of the same type, class, scale, or capacity. Data about costs must be converted and calculated at the time of estimating total investment, the construction area; other costs shall be adjusted or added to satisfy requirements of the project;
d) Combining the methods prescribed in Points a, b, and c Clause 2 of this Article.
3. If only an economic-technical report is required, the construction estimate, which is part of total construction investment, shall be determined in accordance with Article 9 of this Decree.
Article 6. Appraising, approving total construction investment
1. Total construction investment shall be appraised together with appraisal of the construction project. Appraisal contents:
a) Suitability of the method for determination of total construction investment with characteristics, technical and technological requirements of the project;
b) The sufficiency of quantities of used for determination of total construction investment; suitability, conformity with regulations, instructions of the State with regard to the costs used for calculation of costs in total construction investment;
c) Determination of total construction investment after appraisal. Analyze the reasons for increase, decrease, and assess the assurance of investment efficiency according to the total construction investment determined after appraisal;
2. If the project only requires the economic-technical reports, the appraisal shall comply with Clause 2 Article 10 of this Decree.
3. The power to appraise total construction investment:
a) The State Appraisal Council established by the Prime Minister shall appraise projects of national importance;
b) Construction authorities shall appraise projects funded by state budget capital;
c) Specialized agencies affiliated to the investment decider shall appraise projects funded by external-source state capital;
d) With regard to projects executed in the form of project contracts, PPP contracts having state investment shall be appraised by competent authorities.
4. With regard to projects that require only the economic-technical reports:
a) Projects funded by state budget shall be appraised by construction authorities;
b) Projects funded by external-source state capital shall be appraised by specialized agencies affiliated to the investment decider.
5. The construction authorities and investment deciders shall only invite experienced and qualified organizations or individuals to appraise total construction investment or request the investor to select a qualified construction cost manager according to the Decree on construction project management to appraise total construction investment, which is the basis for approval. With regard to projects of group A or projects of Group B or C that involve complicated techniques or high technologies, the investor shall appraise the total construction investment.
6. The investment decider shall approve the total construction investment together with the project. The approved total construction investment is the maximum permissible cost of project execution.
7. The application for appraisal of the total construction investment is part of the application for appraisal of the construction project according to Clause 2 Article 56 of the Law on Construction and the Decree on construction project management if the project only requires the economic-technical reports. The result of total investment appraisal shall be given using the form provided by the Ministry of Construction.
Article 7. Adjustment to total construction investment
1. Approved total construction investment shall be adjusted according to Clause 5 Article 134 of the Law on Construction. The investment decider shall approve adjustment to total construction investment.
2. The approved total construction investment is the approved total construction investment plus (+) or minus (-) the increase or decrease. The increase or decrease must be verified as the basis for granting approval for the adjusted total investment.
3. If the adjustment does not change the total value of approved total construction investment, the investor shall make the adjustment, notify the investment decider, and take responsibility for such adjustment.
4. If the cost contingency is overrun, the investor shall determine replenishment of cost contingency according to cost escalation rate when the construction price index announced by a competent authority at the time of commencement of the project execution is higher than the price index of the approved total investment.
5. If the adjustment to total construction investment causes an increase or decrease to the scale of the project or group of projects, it is still managed according to the scale approved before adjustment.
CONSTRUCTION ESTIMATE
Section 1. CONSTRUCTION ESTIMATE
Article 8. Contents of construction estimate
1. The construction estimate is the expenditure necessary for construction that is determined during the project execution and conformable with the engineering design, construction drawing, and tasks of the construction.
2. Construction estimate consists of: construction costs, equipment costs, project management costs, construction consultancy, other costs, and cost contingency. Particularly:
a) Construction costs include direct costs, general costs, preliminary taxable income, VAT;
b) Equipment costs include cost of purchase of building equipment and technological equipment; cost of training and technology transfers; cost of installation, testing, calibration and relevant costs;
c) Project management costs include the costs prescribed in Clause 2 Article 23 of this Decree to serve project management from project preparation, project execution, construction completion and project inauguration;
d) Construction consultancy costs include costs of survey, engineering, construction supervision, and relevant consultancy costs;
dd) Other costs include costs of general and costs other than those prescribed in Points a, b, c, d of this Clause. Costs of general items include costs of construction temporary houses serving construction management at the site; cost of transporting building equipment and workers to and from the construction site; Occupational safety costs, cost of assurance of traffic safety during the construction process (if any), environmental safety costs for workers at the site and the surroundings, costs of recovery of areas and infrastructure affected by the construction (if any), cost of material testing of contractors and relevant costs related to the construction.
e) Cost contingency includes provision for additional quantity of works and contingency for cost escalation during the project execution.
3. The investor of a project that consists of multiple constructions may make a general construction estimate to serve cost management. The total construction estimate is the sum of construction estimate of each construction and relevant costs of the project.
Article 9. Determination of construction estimate
1. The construction estimate shall be determined on the basis of the quantity of works derived from the engineering design, construction drawing, technical instructions, required tasks of the construction, construction norms, and construction prices of the construction.
2. Costs in a construction estimate are determined as follows:
a) Construction costs include direct costs of materials, manpower, building equipment according to the quantity of construction works measured and calculated according to the engineering design, construction drawing, technical instructions, tasks of the construction, construction prices, general costs, preliminary taxable income, VAT determined according to the cost norms imposed or announced by competent authorities;
b) Equipment costs are determined according to the quantity, types of equipment of equipment system derived from the construction and technology design, and corresponding purchase prices. c) Costs of training, technology transfers, installation, testing, calibration, and relevant costs shall be determined according to a cost estimate;
c) Project management costs are determined in accordance with Clause 3 Article 23 of this Decree;
d) Construction consultancy costs are determined in accordance with Clause 3 Article 25 of this Decree;
dd) Other costs shall be determined by the percentage (%) or estimate or values of concluded contracts;
e) Cost contingency for additional quantity works is expressed as a percentage (%) of total amount of the costs mentioned in Points a, b, c, d, dd of this Clause. Contingency for cost escalation is determined according to the duration of project execution, capital allocation plan, and construction price indexes with due account taken of domestic and international price fluctuation.
Article 10. Appraisal and approval of construction estimate
1. Construction estimate shall be appraised concurrently with appraisal of engineering design and construction drawing.
2. Contents of construction estimate appraisal:
a) Inspect the consistency of the quantity of construction works, quantity and types of equipment in the estimate with those derived from the construction and technology design;
b) Inspect the legitimacy of the application of estimate norms, construction prices, and relevant regulations to determination of cost items of the construction estimate;
c) Determine the value of construction estimate after appraisal and propose a value of construction estimate for the competent authority to consider. Evaluate the increase, decrease of cost items; analyze the cause of such increase or decrease compared to the value of construction estimate that need approving.
3. The power to appraise, approve construction estimate is specified in the Decree on construction project management.
4. With regard to projects of national importance, projects of Group A, B, and C that apply complicated technologies or high technologies, construction authorities and the investment decider shall request the investor to select a advisory organization specialized in cost management consultancy that is qualified as prescribed in the Decree on construction project management to verify the construction estimate before it is submitted to a competent authority for approval.
5. The approved construction estimate is the basis for determining the contract value in the process of contractor selection, negotiation and conclusion of construction contracts in case of direct contracting. If the contract value in the contractor selection plan is determined according to the total investment, it shall be updated according to the construction estimate that is approved.
6. The application for estimate approval is part of the application for approval for engineering design, construction drawing, and construction estimate prescribed in the Decree on construction project management. The result of construction estimate appraisal shall be given using the form provided by the Ministry of Construction.
Article 11. Adjustment to construction estimate
1. An approved construction estimate shall be adjusted in the following cases:
a) The total construction investment is adjusted as prescribed in Article 7 of this Decree;
b) The design is changed in a way that is conformable with the fundamental design; the costs, including cost contingency, are adjusted without exceeding the total construction investment that was approved;
2. The adjusted construction estimate is the approved construction estimate plus (+) or minus (-) the increase or decrease. The increase or decrease must be verified as the basis for granting approval.
3. The investor shall determine adjustment to the construction estimate as the basis for adjusting contractual prices, contract value, and the total investment.
4. If the adjustment does not change the total value of construction estimate that was approved, including cost contingency, the investor shall make the adjustment.
5. The power to appraise, approve adjusted construction estimate is specified in the Decree on construction project management.
Article 12. General regulations on contract estimates
1. The contract estimates shall be determined for each contract, suitable for the contractor selection plan, approved construction estimate, and done before selection of building contractors.
2. Contract estimates include: estimate of construction contract, estimate of procurement contract, estimate of construction consultancy contract, and estimate of mixed contract.
3. The investor shall determine, update, appraise, and approve contract estimates to replace construction contract value in the approved contractor selection plan, which is the basis for making bidding documents or request for proposals and for evaluation of building contractors.
4. Investors may hire cost management advisors that are qualified as prescribed in the Decree on construction project management to estimate, examine, control, and manage construction costs.
Article 13. Construction contract estimate
1. Construction contract estimate consists of necessary expenditures on construction, including the works, items, and constructions suitable for the scope of the construction contract. Contents of the construction contract estimate consist of building costs, cost of general items, and cost contingency.
2. The building costs shall be determined according to the quantity of works to be done and construction unit costs as follows:
a) The quantity of works include the quantity of construction works that are measured and calculated when determining building costs in the construction estimate and other updates determined according to the drawing or construction solution (if the construction or work requires a design or construction solution), technical instructions, and relevant technical requirements of the contract.
b) Construction unit costs are all the costs (including direct costs, general costs, preliminary taxable income, VAT) necessary for completing a corresponding unit of construction work of the contract. The construction unit costs are updated according to the unit prices of the construction estimate, suitable for market prices around the construction site, relevant policies of the State at the time of making the contract estimate, relevant technical requirements and technical instructions of the contract.
3. Costs of general items are determined according to the cost norms announced by competent authorities or according to cost estimates.
4. Cost contingency in the construction contract estimate is determined according to the ratios of costs in the contract estimate and the duration of contract execution. Nevertheless, the cost contingency shall not exceed the ratio of cost contingency in the approved construction estimate.
Article 14. Procurement contract estimate
1. Procurement contract estimate includes cost of purchase of building equipment and technological equipment; cost of training and technology transfers (if any); cost of installation, testing, calibration; cost of transport, insurance; taxes, relevant charges, and cost contingency.
2. Costs of equipment purchase are determined prescribed the quantity of equipment to be purchased and their unit prices as follows:
a) The quantity of equipment to be purchased in includes the quantity of equipment calculated in the construction estimate and additional quantity according to the construction and technology design, relevant technical requirements and technical instructions of the contract.
b) Unit prices of equipment include purchase prices of equipment, costs of transport, insurance, taxes, and relevant charges. Unit prices of equipment are determined according to the unit prices in the construction estimate, suitable for market prices around the construction site, relevant policies of the State at the time of making the contract estimate, relevant technical requirements and technical instructions of the contract.
3. Costs of installation, testing, calibration of equipment including the costs determined similarly to the construction contract estimate.
4. Cost contingency in the contract estimate is determined according to the ratios of costs in the contract estimate and the duration of contract execution. Nevertheless, the cost contingency shall not exceed the ratio of cost contingency in the approved construction estimate.
Article 15. Consultancy contract estimate
1. Consultancy contract estimate is the costs of one or some advisory works that suit the scope of the contract.
2. The contents of the consultancy contract estimate includes the costs of hiring experts, management costs, other costs, preliminary taxable income, taxes, and cost contingency. With regard to construction survey consultancy contracts and construction testing contracts, the contents of the contract estimate shall include the same costs as the construction contract estimate.
3. The consultancy contract estimate is made according to the consultancy costs in the construction estimate and update of additional quantities, policies of the State related to such costs (if any) at the time of making the estimate.
4. Cost contingency in the contract estimate is determined according to characteristics of the advisory works and the progress. Nevertheless, the cost contingency shall not exceed the ratio (%) of cost contingency in the construction estimate.
5. With regard to construction survey and engineering contracts of constructions of class II or above, the contract estimate also includes the cost of professional liability insurance for the consultants.
6. With regard to the consultancy contracts that must be done before the total construction investment and construction estimate is approved, the contract estimate shall be determined according to the amount of work to be done.
Article 16. Mixed contract estimate
1. The estimates of an engineering and construction contract (hereinafter referred to as EC contract) include the works prescribed in Article 15 and Article 13 of this Decree.
2. The estimate of a procurement and construction contract (hereinafter referred to as PC contract) includes the works prescribed in Article 14 and Article 13 of this Decree.
3. The estimate of an engineering, procurement, and construction contract (hereinafter referred to as EPC contract) includes the costs of engineering, procurement, and construction in the approved total construction investment of the project.
4. The estimate of a lump sum turnkey project (project planning, engineering, procurement, and construction) includes the costs in the total construction investment of the project prescribed in Points b, c, d, dd, e, g Clause 4 Article 4 of this Decree.
CONSTRUCTION NORMS, CONSTRUCTION PRICES, AND CONSTRUCTION PRICE INDEXES
Article 17. Economic – technical norms
1. Economic – technical norms include the basic norms and construction estimate norms.
2. Basic norms include norms on use of materials, labour, capacity of building equipment. Basic norms are used for determining construction estimate norms.
3. Construction estimate norms are the norms for consumption of materials, manpower, and building equipment which are suitable for technical requirements, construction conditions, and building solutions to complete a unit of construction quantity.
4. The economic – technical norms are the basis for construction cost management.
1. Cost norms include norms expressed as percentage (%) and norms expressed as a value.
2. Cost norms are the basis for determination of construction prices, estimated costs of some works, cost of construction investment including project management costs, consultancy costs, general costs, preliminary taxable income, cost of general items, other tasks, and other costs.
Article 19. Management of construction norms
1. The Ministry of Construction shall provide instructions on establishing norms of construction estimate and announcing construction norms.
2. According to the method of establishing construction estimate norms prescribed in Clause 1 of this Article, related Ministries and the People’s Committees of provinces shall establish and announce construction norms for distinct works of their sectors or provinces after reaching an agreement with the Ministry of Construction. Announced construction norms shall be annually sent to the Ministry of Construction.
3. Construction norms announced as prescribed in Clause 1 and Clause 2 of this Article are the basis for investors to determine total construction investment, construction estimate, and manage construction costs.
4. With regard to building tasks that are not regulated by the announced construction estimation norms or are regulated but not conformable with technical requirements, construction conditions, or construction solution:
a) The investor shall determine new construction estimate norms, adjust construction estimate norms, or apply the norms of similar constructions as the basis for construction cost management;
b) Investors in construction contracts that are funded by state budget and awarded in the form of direct contracting shall request the investment decider to consider before application. With regard to constructions of the projects decided by the Prime Minister, related Ministers and Presidents of the People’s Committees of provinces shall make decisions.
5. Investors may hire cost management advisors that are qualified as prescribed in the Decree on construction project management to establish, adjust, and examine the construction estimate norms mentioned in Clause 4 of this Article.
Section 2. CONSTRUCTION PRICES AND CONSTRUCTION PRICE INDEXES
Article 20. Construction prices
1. Construction prices include:
a) Specific construction unit costs that are the basis for determining the construction estimate;
b) Overall construction prices of groups, types of works, structure units, or construction parts that are Unit the basis for determining the construction estimate and total construction investment.
2. Specific construction unit prices are determined according to construction norms, prices for materials, structures, labour costs, equipment cost per shift, and other costs that are suitable with market prices in the same area as the construction site at that time and conformable with relevant regulations; or determined according to market prices.
3. Overall construction prices are determined according to specific construction unit.
Article 21. Management of construction prices
1. According to the method for determination of construction prices provided by the Ministry of Construction, technical requirements, construction conditions and solutions of the construction, the investor shall determine specific construction unit prices and overall price of the construction, which are the basis for the construction estimate, total investment, and construction cost management.
2. Investors may hire cost management advisors that are qualified as prescribed in the Decree on construction project management to perform the tasks or part of the tasks related to determination and verification of construction costs.
Article 22. Construction price indexes
1. The construction price index is a figure that reflects the fluctuation of construction prices by time, and is the basis for determination, adjustment of the total construction investment, construction prices, construction estimate, contract estimates, contract value, conversion of capital investment in construction, and construction cost management.
2. Construction price indexes include construction price indexes by type of construction, cost structure (including the price index of building works, price index of equipment, and price index of other costs), cost factors (including price index of building materials, price index of labour, price index of building equipment).
3. The Ministry of Construction shall provide the method for determination of construction price indexes and announce the national construction price index. The People’s Committees of provinces shall request Departments of Construction to determine construction price indexes prescribed in Clause 2 of this Article according to the method provided by the Ministry of Construction, make monthly, quarterly, and annual announcements, and send reports to the Ministry of Construction for monitoring. The fund for collecting information, calculating and announcing construction price indexes of provinces shall be covered by annual provincial budgets.
4. Investors in constructions that are not on the list of construction price indexes announced by Departments of Construction and the linear constructions that go through multiple provinces shall determine construction price indexes according to the method provided by the Ministry of Construction and decide the application of such price indexes to their constructions.
5. Investors may hire cost management advisors that are qualified as prescribed in the Decree on construction project management to collect information and calculate construction price indexes as prescribed in Clause 4 of this Article, which are the basis for determination and management of construction costs.
COSTS OF PROJECT MANAGEMENT AND CONSULTANCY
Article 23. Project management costs
1. Project management costs are necessary expenditures on performance of project management tasks from project preparation, project execution, construction completion and project inauguration.
2. Project management costs include salaries of project managers; wages of employees under contracts; allowances, bonuses, collective benefits; contributions (social insurance, health insurance, unemployment insurance, trade union fees, and other payments made by individuals receiving salaries from the project); application of science and technology, construction information system management, provision of advanced training for project managers; payment for public services; office supplies; communications, propagation; organization of relevant conventions; business trip allowances; lease, repair, purchase of assets serving project management; other costs, and cost contingency.
3. Project management costs are determined according to a rate (%) announced by the Ministry of Construction or according to an estimate or database of similar projects that suit the project management manner, duration, scale of the project, and characteristics of the project management tasks.
4. With regard to projects funded by external-source state capital and special projects, if the investor hires a project management consultant, then the project management consultancy costs shall be determined according to the contents, quantity of project management tasks, and agreement between the investor and the advisory organization in the project management contract.
5. With regard to small-scale renovation or repair projects that are defined in the Decree on construction project management and participated by the community, and the investor may make use of the whole apparatus to manage the project, the project management costs shall be determined according to estimate as prescribed in Clause 3 of this Article.
Article 24. Managing of project management costs
1. With regard to projects funded by state capital, the project management cost determined according to Clause 3 Article 23 of this Decree is the maximum project management cost. Project management costs shall be managed according to annual estimates that suit the project management tasks and relevant policies.
2. If certain tasks of the project preparation stage are performed ahead of time, the costs of managing such tasks shall be estimated and included in the project management costs.
3. Project management costs shall be adjusted in the cases permitted in Clause 1 Article 61 of the Law on Construction.
Article 25. Construction consultancy costs
1. Construction consultancy costs are necessary expenditure on performance of construction consultancy tasks from project preparation, project execution, construction completion and project inauguration.
2. Construction consultancy costs include expenditures on hiring experts and administrative cost of the advisory organization, other costs including the cost of using construction information system, professional liability insurance for construction survey and engineering of constructions of class II or above, preliminary taxable profit, taxes, and cost contingency. With regard to construction survey consultancy contracts and construction testing contracts, the contents of the contract estimate shall include the same costs as the construction contract estimate.
3. Construction consultancy costs are determined according to a rate (%) announced by the Ministry of Construction or according to a consultancy cost estimate of similar projects or the cost estimate of that project itself.
4. The expenditure on hiring foreign consultants for certain tasks shall be estimated in accordance with regulations of competent authorities and international practice.
Article 26. Management of construction consultancy costs
1. Construction consultancy costs determined according to Clause 3 Article 25 of this Decree is the basis for determination of construction consultancy costs in the total construction investment, construction estimate, determination of contract value, and construction cost management. Before selecting the advisory contractor, the investor shall make the consultancy contract estimate in accordance with Article 15 of this Decree, which is the basis for contractor selection.
2. The approved estimate of construction consultancy cost is the maximum cost of construction consultancy and may only be adjusted if the scope of works and progress of consultancy tasks are changed. Construction consultancy costs shall be managed via the construction consultancy contract.
3. Investors and project management boards that are capable of construction consultancy may include the cost of consultancy tasks in the project management costs.
PROVISION AND ACCOUNTING OF CONSTRUCTION CAPITAL
Article 27. Payment for construction contract
The Decree on construction contracts shall apply to advances, payments for construction contracts, and payment documents.
Article 28. Reimbursement of construction costs
1. Within 07 working days from the day on which the application for reimbursement is fully received, the reimbursing body shall reimburse the construction costs at the investor’s request of the investor legal representative according to the investment plan.
2. The investor or the investor’s legal representative shall be responsible for the unit prices, quantity of works, and the amount of investment to be reimbursed in the application for reimbursement; the reimbursing body is not responsible for such information provided by the investor or the investor’s legal representative in the documents. During the payment process, if mistakes in the documents are found, the reimbursing body shall send a written request for completion of documents to the investor or the investor’s representative to complete the application.
3. Capital-providing bodies and investors are prohibited to impose illegal regulations on reimbursement of construction costs.
Article 29. Statement of construction costs
1. Capital investment in constructions funded by state budget and external-source state capital must be stated after the constructions are completed.
2. The investment stated is every legitimate cost incurred during the investment process to put the project into operation. Legitimate cost is every cost within the scope of the project, design, and estimate that are approved; concluded contracts including revisions thereto that are approved intra vires. With regard to projects funded by state budget capital, the costs stated must not exceed the total investment that is approved or adjusted in accordance with law.
3. The investor shall prepare the cost statement and convert capital investment after the construction is completed, transferred, and put into operation, submit them to the investment decider for approval within 09 months (for projects of national importance and projects of group A) or 6 months (for projects of group B) or 3 months (for projects of group c) from the day on which the construction is completed and put into operation. Within 06 months from the issuance of the decision to approve the cost statement, the investor shall settle the debts and project accounts at the reimbursing body.
With regard to independent works and work items of the project that are completed, put into operation, and need immediate settlement, the investor shall request the investment decider to consider.
4. With regard to projects funded by state budget, after the end of the fiscal year, the investor shall make an annual cost statement as prescribed by the Ministry of Finance.
5. The investor that fails to make the statement on schedule as prescribed in Clause 3 of this Article shall be dealt with in accordance with the Decree on penalties for administrative violations against regulations on construction; real estate trading; manufacture, extraction, and trading of building materials; management of infrastructure, management, development of houses and office buildings.
6. The power to approve cost statements:
a) With regard to projects of national importance and other important projects in which investment is decided by the Prime Minister:
- The superior authority of the investor shall consider approving cost statements of subprojects funded by state budget;
- The investor shall consider approving cost statements of subprojects that are not funded by state budget.
b) With regard to other projects, the investment decider shall approve cost statements thereof.
RIGHTS AND OBLIGATIONS TO CONSTRUCTION COST MANAGEMENT OF THE INVESTMENT DECIDER, INVESTORS, BUILDING CONTRACTORS
Article 30. Rights and obligations of the investment decider
1. The investment decider is entitled to:
a) Approve or authorized another person to approve the total investment, construction estimate, adjusted total investment, and adjusted construction estimate;
b) Decide the contract value in the contractor selection plan, type and format of the contract;
c) Accept the selection of a qualified cost management organization as prescribed in the Decree on construction project management to verify the total investment and construction estimate, which are the basis for appraising and granting approval;
d) Exercise other rights to cost management prescribed by relevant regulations of law.
2. The investment decider is obliged to:
a) Ensure sufficient capital sources to pay for the project and works according to the approved schedule;
b) Approve cost statements on schedule;
c) Fulfill other obligations related to cost management prescribed relevant regulations of law.
Article 31. Rights and obligations of investors
1. The investor is entitled to:
a) Decide the method of determining the total investment. Adjust the expenditures in the total investment without exceeding the approved total investment;
a) Adjust and approve construction estimate without exceeding the approved construction estimate;
c) Appraise, verify, and approve the construction contract estimate, which is the basis for making bidding documents or request for proposals serving contractor selection;
d) Decide the use of construction norms, construction prices when making the construction estimate, construction price indexes of the construction and the construction contract;
dd) Hire a qualified construction cost management organization as prescribed in the Decree on construction project management to make, verify, control, and manage construction cost;
e) Claim damages or file lawsuits as prescribed by law in case of against lateness of the reimbursing body;
g) Approve changes to construction solutions and technical requirements proposed by contractors as long as quality, progress, safety, and environmental protection are ensured and values of concluded contracts are not changed. Control the changes during the construction process related to changes in construction costs or construction progress acceleration;
h) Approve changes in building materials proposed by the engineering consultant or building contractor as long as the technical value, aesthetic value, quality, and construction progress are ensured according to the concluded contract;
i) Perform some construction consultancy tasks if qualified;
k) Exercise other rights to cost management prescribed by relevant regulations of law.
2. The investor is obliged to:
a) Organize the project planning, request competent authorities to appraise and approve the total investment or adjusted total investment;
b) Organize the making of and adjustment to construction estimate, and then submit it to a competent authority for appraisal and approval;
c) Organize the determination of new or adjusted construction estimate norms of the construction, which are the basis for construction cost management;
d) Organize the determination of construction prices, construction price indexes of the construction or the contract;
dd) Give advances, make payments, and finalize contracts in accordance with regulations in the contracts with contractors;
e) Organize the control of construction costs as prescribed;
g) Decide and take responsibility for the accuracy and rationality of the amounts payable to contractors by the reimbursing body;
h) Organize the making of the cost statement of the completed construction in accordance with Article 29 of this Decree;
i) Buy mandatory construction insurance;
k) Fulfill other obligations related to cost management prescribed relevant regulations of law.
Article 32. Rights and obligations of advisory contractor
1. The advisory contractor is entitled to:
a) Provide consultancy on cost management within their competence as prescribed in the Decree on construction project management;
b) Request the investor and relevant parties to provide information and documents serving the cost management;
c) Refuse to perform the tasks that are not related to cost management consultancy under the concluded contract;
d) Request the investor to pay for the costs under the concluded contract; have the late payment interest covered;
dd) Exercise other rights under the cost management consultancy contract and relevant regulations of law.
2. The advisory contractor is obliged to:
a) Perform the consultancy tasks under the concluded contract;
b) Take legal responsibility to the investor for result of cost management consultancy and pay compensation for any damage to the investor (if any) under regulations of law on contracts and relevant regulations of law;
c) Do not reveal information and documents about the cost management consultancy provided by the consultant without the consent of the investor or a competent authority;
d) Fulfill other obligations under the contract and relevant regulations of law.
Article 33. Rights and obligations of the building contractor
1. The building contractor is entitled to:
a) Decide the construction norms, construction prices, and relevant costs when making bids;
b) Change the construction solution during the construction process as long as the quality, progress, safety, and environmental protection is ensured, the investor or the investor’s legal representative approves, and the value of the concluded contract is not changed;
c) Actively use the advances and payment for quantity of construction to serve the construction;
d) Make proposals and negotiate with the investor about construction norms and construction unit costs for additional works that arise during the contract execution;
dd) Request payment for late payment interest; claim compensation for damage caused by delay in transferring the construction site and other damage that is not caused by the building contractor;
e) Exercise other rights under the contract and relevant regulations of law.
2. The building contractor is obliged to:
a) Buy insurance for works at the construction site;
b) Pay compensation for damage to the investor and relevant parties (if any) on account of the building contractor according to regulations of law on contracts and relevant regulations of law;
c) Fulfill other obligations under the contract and relevant regulations of law.
STATE MANAGEMENT OF CONSTRUCTION COSTS
Article 34. The Ministry of Construction
The Ministry of Construction is responsible for uniform state management of construction cost and is obliged to:
1. Provide specific instructions on determination and management of construction costs, including preliminary total construction investment, total construction investment, construction estimate, construction norms, construction prices, project management costs, consultancy costs, construction price indexes, construction quantity measurement, equipment cost per shift, adjustment to total investment and construction estimate, determination of labor cost, conversion of construction capital, and control of construction costs.
2. Announce construction norms, norms of degradation of construction equipment, project management cost norms, consultancy costs, construction prices, investment rate, national construction price index, and other economic - technical criteria.
3. Inspect the adherence to regulations of law on construction cost management.
Article 35. The Ministry of Finance
1. Provide instruction on payment and statement of construction costs. Promulgate regulations on management, use of revenues from project management of investors and management boards of the projects funded by state budget.
2. Impose fees and provide instructions on management and use of fees for appraising projects of investment, designs, construction estimates, and other fees (if any).
3. Inspect the payment and statement of construction costs of the projects funded by state budget and external-source state capital.
Article 36. Other Ministries and the People’s Committees of provinces
1. According to the method of making construction estimate norms provided by the Ministry of Construction, other Ministries and the People’s Committees of provinces shall establish and announce construction estimate norms for professional tasks under their management after reaching an agreement with the Ministry of Construction.
2. The People’s Committees of provinces shall provide instruction on estimating and managing construction costs; announce prices of building materials, labor cost, equipment cost per shift, construction price indexes and construction unit costs that suit local market prices; inspect the adherence to regulations on construction cost management.
IMPLEMENTATION
1. The Government's Decree No. 112/2009/ND-CP dated December 14, 2009 on construction cost management shall apply to projects of investment that are approved before the effective date of this Circular and are yet to be commenced or still in progress.
2. Regulations of this Decree shall apply to construction cost management of the projects that have been formulated, appraised, but not approved before the effective date of this Circular.
1. This Decree takes effect on May 10, 2015 and replaces the Government's Decree No. 112/2009/ND-CP dated December 14, 2009 on construction cost management.
2. Ministers, Heads of ministerial agencies, Heads of Governmental agencies, Presidents of the People’s Committees of provinces, heads of political organizations, socio-political organizations, socio-political-professional organizations, relevant organizations and individuals are responsible for the implementation of this Decree.
3. The Ministry of Construction shall take charge, cooperate with relevant Ministries and regulatory bodies in providing guidelines for this Decree./.
|
FOR THE GOVERNMENT |
Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực