Nghị định 30/2017/NĐ-CP quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
Số hiệu: | 30/2017/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Xuân Phúc |
Ngày ban hành: | 21/03/2017 | Ngày hiệu lực: | 05/05/2017 |
Ngày công báo: | 01/04/2017 | Số công báo: | Từ số 221 đến số 222 |
Lĩnh vực: | Tài nguyên - Môi trường | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Nghị định 30/2017/NĐ-CP quy định về ứng phó với sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.
1. Hoạt động ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
Nghị định 30/2017 của Chính phủ quy định chi tiết cho từng giai đoạn ứng phó với sự cố thiên tai:
Khi có tình huống xảy ra phải chủ động ứng phó với sự cố, nếu vượt quá khả năng tự ứng phó thì phải báo cáo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn cấp trên trực tiếp.
Sau đó xây dựng kế hoạch ứng phó với tình huống thiên tai xảy ra, khẩn trương báo động đến cho người dân biết để chuẩn bị ứng phó.
Cơ quan quân sự và cơ quan phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tham mưu cho UBND cùng cấp thành lập Sở chỉ huy tùy từng trường hợp.
Nghị định 30/CP năm 2017 quy định thẩm quyền huy động lực lượng, cụ thể như sau: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tùy thuộc vào phạm vi quản lý.
2. Chế độ dành cho người thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, khắc phục thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
Nghị định 30/2017/CP quy định rõ ràng về đối với từng chính sách dành cho từng đối tượng cụ thể:
- Người trực;
- Người được huy động thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, khắc phục thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
- Người bị ốm đau, tai nạn, chết khi đang thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn;
- Người bị thương, hy sinh trong lúc đang làm nhiệm vụ cứu người, cứu tài sản.
Nghị định 30/2017/NĐ-CP về ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn có hiệu lực từ ngày 5/5/2017 và bãi bỏ Quyết định số 76/2009/QĐ-TTg
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 30/2017/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 21 tháng 03 năm 2017 |
QUY ĐỊNH TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG ỨNG PHÓ SỰ CỐ, THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật phòng chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Nghị định này quy định về tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, bao gồm: Hệ thống tổ chức, hoạt động ứng phó; giáo dục, huấn luyện, diễn tập; nguồn ngân sách, phân cấp nhiệm vụ chi ngân sách; trang thiết bị, trang phục; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế trong ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân) Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến hoạt động ứng phó, diễn tập ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại Việt Nam và vùng trách nhiệm tìm kiếm cứu nạn do Việt Nam đảm nhiệm.
Trong Nghị định này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Tình huống sự cố, thiên tai cơ bản là các tình huống do thiên tai hoặc con người gây ra dẫn đến sự cố, tai nạn có nguy cơ đe dọa hoặc gây hậu quả tổn thất về người, phương tiện, tài sản, vật chất và gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường cần thiết phải có các biện pháp kịp thời, thích hợp ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại tới mức thấp nhất. Bao gồm:
a) Tai nạn tàu, thuyền trên biển;
b) Sự cố tràn dầu;
c) Sự cố cháy nổ giàn khoan, đường ống dẫn dầu, khí;
d) Sự cố cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư;
đ) Sự cố sập đổ công trình, nhà cao tầng, hầm lò khai thác khoáng sản;
e) Sự cố rò rỉ phóng xạ, bức xạ hạt nhân, tán phát hóa chất độc và môi trường;
g) Sự cố động đất, sóng thần;
h) Tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa đặc biệt nghiêm trọng;
i) Tai nạn máy bay xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam;
k) Sự cố vỡ đê, hồ đập và xả lũ;
l) Sự cố cháy rừng;
m) Bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, ngập lụt; lũ quét, lũ ống, sạt, lở đất đá và các sự cố khác do thiên tai gây ra.
2. Hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là các biện pháp cần thiết, kịp thời, thích hợp để tìm kiếm, cứu người, cứu phương tiện, tài sản, vật chất, bảo vệ môi trường trong khu vực xảy ra sự cố nhằm giảm tới mức thấp nhất hậu quả do sự cố gây ra.
3. Tìm kiếm là việc sử dụng nhân lực; trang, thiết bị để xác định vị trí của người, phương tiện bị nạn.
4. Cứu nạn là các hoạt động cứu người bị nạn thoát khỏi nguy hiểm đang đe dọa đến tính mạng của họ, bao gồm cả tư vấn biện pháp y tế ban đầu, các biện pháp khác để đưa người bị nạn đến vị trí an toàn.
5. Cứu hộ là hoạt động cứu phương tiện, tài sản thoát khỏi nguy hiểm hoặc hoạt động cứu trợ (bao gồm cả việc kéo, đẩy) phương tiện đang bị nguy hiểm, được thực hiện bằng giao kết hợp đồng khi tổ chức, cá nhân đề nghị.
6. Cơ sở là từ gọi chung cho nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, trụ sở làm việc, bệnh viện, trường học, rạp hát, khách sạn, chợ, trung tâm thương mại, doanh trại lực lượng vũ trang và các công trình khác thuộc địa bàn xã, phường, thị trấn.
1. Thông tin về sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phải được thông báo nhanh chóng, kịp thời cho chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và cơ quan chủ trì.
2. Chủ động, sẵn sàng nhân lực, phương tiện, thiết bị cho hoạt động ứng phó theo từng khu vực và tính chất vụ việc; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân và các lực lượng tham gia công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn. Từng bước nâng cao năng lực dân sự trong hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; trong đó lực lượng vũ trang làm nòng cốt.
3. Thực hiện phương châm 4 tại chỗ để sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả. Ưu tiên hoạt động cứu người trước, cứu tài sản sau và bảo vệ môi trường khi có tình huống xảy ra.
4. Chỉ huy thống nhất, phối hợp chặt chẽ các lực lượng được huy động tham gia ứng phó, tìm kiếm cứu nạn trong suốt quá trình tổ chức thực hiện công tác ứng phó, tìm kiếm cứu nạn.
5. Bảo đảm an toàn cho người, phương tiện tham gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; các công trình, phương tiện hoạt động trên phạm vi khu vực được ứng phó, tìm kiếm cứu nạn và bảo vệ môi trường; hạn chế mức thấp nhất sự cố, tai nạn do chính hoạt động ứng phó, tìm kiếm cứu nạn gây ra.
1. Cấp quốc gia: Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn.
2. Cấp bộ, ngành: Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn.
3. Cấp địa phương: Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn các cấp (cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cấp huyện, quận trực thuộc tỉnh, thành phố; cấp xã, phường, thị trấn trực thuộc huyện, quận).
4. Các đơn vị chuyên trách
a) Bộ Quốc phòng:
Cục Cứu hộ - Cứu nạn;
Trung tâm Quốc gia huấn luyện tìm kiếm cứu nạn đường không;
Trung tâm Quốc gia huấn luyện tìm kiếm cứu nạn đường biển;
Trung tâm Quốc gia đào tạo, huấn luyện ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc;
Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Trung;
Trung tâm huấn luyện chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn.
b) Bộ Công an:
Các đơn vị của lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
c) Bộ Giao thông vận tải:
Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam thuộc Cục Hàng hải Việt Nam và các Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực;
Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng không trực thuộc Tổng công ty quản lý bay Việt Nam;
Các Trung tâm Hiệp đồng khẩn nguy các Cảng Hàng không Việt Nam.
d) Bộ Công Thương:
Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Nam/Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam;
Trung tâm Cấp cứu mỏ/Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
5. Các đơn vị kiêm nhiệm
a) Bộ Quốc phòng:
Các Trạm phối hợp tìm kiếm cứu nạn: Cô Tô (Quảng Ninh), Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Trường Sa (Khánh Hòa), Phú Quý (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Thổ Chu (Kiên Giang), Hòn Khoai (Cà Mau), Song Tử Tây (Khánh Hòa);
Các Trung tâm Ứng phó sự cố hóa học, sinh học, bức xạ và hạt nhân khu vực miền Bắc, miền Trung, miền Nam;
Các Đội tham gia hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai: Đội Cứu sập; Đội khắc phục hậu quả về môi trường; Đội Quân y cứu trợ thảm họa; Đội sử dụng chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn; Đội tàu tìm kiếm cứu nạn trên biển;
Các Tiểu đoàn Công binh tìm kiếm cứu nạn, cứu sập đổ công trình;
Các Đội ứng phó sự cố hóa học, sinh học, bức xạ và hạt nhân;
Các Đội bay tìm kiếm cứu nạn đường không;
Các Đội thông tin liên lạc cơ động ứng phó thiên tai, thảm họa;
Các đơn vị của các Quân khu, Quân đoàn, Quân chủng, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Binh chủng, Binh đoàn, Học viện, nhà trường và các Tổng cục.
b) Bộ Công an:
Các đơn vị của lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động;
Trung tâm huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ.
c) Bộ Y tế:
Trung tâm cấp cứu 115 và khoa cấp cứu của các bệnh viện.
6. Các cơ quan, đơn vị phối hợp, tình nguyện
a) Hội Chữ thập đỏ;
b) Các tổ chức phi Chính phủ, các tổ chức xã hội, tình nguyện.
1. Cơ cấu tổ chức
a) Chủ tịch: Phó Thủ tướng Chính phủ.
b) Các phó Chủ tịch:
01 lãnh đạo Bộ Quốc phòng hoặc Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực;
01 Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ;
01 lãnh đạo Bộ Công an;
01 lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải;
01 lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
c) Các Ủy viên của Ủy ban gồm đại diện là lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao, Lao động - Thương binh và Xã hội, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, Ủy viên thường trực;
d) Các thành viên Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn làm việc theo chế độ kiêm nhiệm;
đ) Chủ tịch và Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn do Thủ tướng Chính phủ quyết định;
e) Thủ trưởng các cơ quan quy định tại Điều 6 Nghị định này phân công cán bộ tham gia thành viên Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn để Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn quyết định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Vị trí và chức năng
a) Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn là cơ quan phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tổ chức phối hợp thực hiện công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong phạm vi cả nước và hợp tác khu vực, quốc tế; trực tiếp chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị chuyên trách, kiêm nhiệm thực hiện công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
b) Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn có tư cách pháp nhân, con dấu có hình Quốc huy; được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng theo quy định của pháp luật.
3. Nhiệm vụ và quyền hạn
a) Giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, 5 năm, hàng năm và các dự án, đề án quan trọng về lĩnh vực Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn. Chỉ đạo thực hiện, kiểm tra chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án, đề án sau khi được phê duyệt;
b) Chỉ đạo việc tổ chức, xây dựng lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong phạm vi cả nước;
c) Chỉ đạo các đơn vị chuyên trách, kiêm nhiệm của các bộ, ngành, địa phương tổ chức thu thập, nghiên cứu, đánh giá tình hình trong nước và quốc tế liên quan để thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn duy trì hệ thống trực từ Trung tâm Quốc gia điều hành tìm kiếm cứu nạn đến Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, bảo đảm chỉ huy thông suốt, kịp thời;
d) Chỉ đạo, huy động và điều phối lực lượng, phương tiện của các bộ, ngành, địa phương tham gia thực hiện ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên phạm vi cả nước trong trường hợp sự cố, thiên tai lớn, xảy ra trên diện rộng. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc tham gia và điều phối hoạt động hợp tác khu vực, quốc tế về ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền. Khi xảy ra các tình huống cơ bản:
- Chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan ứng cứu tai nạn tàu, thuyền trên biển;
- Chỉ đạo các Bộ: Quốc phòng, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan ứng phó sự cố tràn dầu;
- Chỉ đạo các Bộ: Công Thương, Quốc phòng, Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan ứng phó sự cố cháy nổ giàn khoan, đường ống dẫn dầu, khí;
- Chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan ứng phó sự cố cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư;
- Chỉ đạo các Bộ: Xây dựng, Công Thương, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan ứng phó sự cố sập đổ công trình, nhà cao tầng, hầm lò khai thác khoáng sản;
- Chỉ đạo các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Quốc phòng, Công an, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan ứng phó sự cố rò rỉ phóng xạ, bức xạ hạt nhân và tán phát hóa chất độc và môi trường;
- Chỉ đạo các Bộ: Quốc phòng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Công an, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan ứng phó sự cố động đất, sóng thần;
- Chủ trì phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia chỉ đạo các Bộ Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng, Y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan ứng phó sự cố tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa đặc biệt nghiêm trọng;
- Chủ trì phối hợp với Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia chỉ đạo các Bộ: Giao thông vận tải, Quốc phòng, Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan xử lý sự cố tai nạn máy bay;
- Phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai chỉ đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan xử lý sự cố vỡ đê, hồ đập và xả lũ;
- Phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng chỉ đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan xử lý sự cố cháy rừng;
- Phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai chỉ đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan xử lý sự cố bão, áp thấp, lũ, lụt lớn; lũ quét, lũ ống, sạt, lở đất đá và các sự cố khác do thiên tai gây ra.
đ) Tổng hợp dự toán ngân sách hàng năm của lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập, tổng hợp dự toán thu, chi ngân sách thuộc phạm vi quản lý để Chính phủ trình Quốc hội; quản lý tổ chức thực hiện và quyết toán ngân sách nhà nước chi cho các nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; thực hiện các nhiệm vụ khác về ngân sách nhà nước, tài chính theo quy định của pháp luật;
e) Phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ có liên quan lập kế hoạch mua hàng ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn dự trữ quốc gia để báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch mua hàng dự trữ quốc gia theo quy định của Luật dự trữ quốc gia;
g) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định các quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị của các bộ, ngành, địa phương có liên quan đến ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Quản lý mua sắm trang thiết bị thiết yếu thông dụng, chuyên dụng và các dự án đầu tư xây dựng thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
h) Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương:
- Nghiên cứu, quy hoạch tổng thể bố trí lực lượng, kế hoạch, phương án ứng phó các sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn cả nước, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
- Tập huấn, huấn luyện, hội thao, diễn tập, đào tạo cho lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm sử dụng các phương tiện, xử lý các phương án, kế hoạch ứng phó với các sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; chỉ đạo xây dựng nội dung chương trình giáo dục, bồi dưỡng kiến thức ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cho cán bộ, công chức theo quy định của Chính phủ;
- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức quản lý nội dung nghiên cứu khoa học, huy động tiềm lực khoa học công nghệ của Nhà nước và Nhân dân phục vụ công tác ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn;
- Quản lý hoạt động đối ngoại trong phạm vi ứng phó, sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nội dung ký kết các điều ước quốc tế, phê duyệt các chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài về lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, chỉ đạo tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt. Tham gia đàm phán, ký kết, tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế về phối hợp ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn theo quy định của pháp luật;
- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thông tin phục vụ hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn;
- Cấp phép, quản lý, kiểm soát hoạt động và phối hợp với lực lượng tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của pháp luật;
- Cấp phát, quản lý, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng và thanh lý, xử lý trang thiết bị, phương tiện ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn theo quy định;
- Hướng dẫn, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, khen thưởng việc thực hiện công tác ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn ở các bộ, ngành, địa phương theo quy định.
i) Đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các chế độ, chính sách, bảo hiểm xã hội đối với lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm tham gia thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật;
k) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác có liên quan đến hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn theo quy định của pháp luật và yêu cầu của cấp có thẩm quyền.
4. Cơ quan thường trực, giúp việc của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn
a) Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn; có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hoạt động của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và sử dụng bộ máy của mình để tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn;
b) Cơ quan chuyên trách giúp việc Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn là Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng để hoạt động; chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và biên chế do Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn quyết định. Khi cần thiết Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn báo cáo, đề xuất Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tăng cường chuyên gia biệt phái của một số bộ, ngành có liên quan.
1. Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập cơ quan thường trực làm việc theo chế độ chuyên trách để tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn và Bộ trưởng các bộ về công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành quản lý.
2. Tổ chức, nhiệm vụ của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống thiên tai và các quy định của Nghị định này.
1. Cơ quan quân sự các cấp chủ trì tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp về công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được biên chế cán bộ chuyên trách thực hiện công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
2. Cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ các cấp chủ trì tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp về công tác ứng phó sự cố cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư.
3. Tổ chức, nhiệm vụ của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã thực hiện theo quy định tại các Điều 20, 21 và 22 Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống thiên tai và các quy định của Nghị định này.
Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ trưởng quyết định việc thành lập các đơn vị chuyên trách, kiêm nhiệm thuộc phạm vi quản lý của bộ.
1. Phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó các sự cố và tìm kiếm cứu nạn.
a) Tình huống sự cố và tìm kiếm, cứu nạn xảy ra tại cơ sở (xã, phường, thị trấn) phải chủ động tổ chức ứng phó và khắc phục hậu quả. Trường hợp tình huống xảy ra vượt quá khả năng tự ứng phó của cơ sở phải báo cáo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn cấp trên trực tiếp để kịp thời huy động lực lượng đến hỗ trợ ứng cứu.
b) Tình huống xảy ra trong phạm vi rộng bao gồm nhiều địa phương thì các Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tại các địa phương nơi xảy ra tình huống cùng phối hợp ứng phó.
c) Khi tình huống xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của các bộ, ngành, địa phương phải báo cáo ngay Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn (qua Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn) để chỉ đạo ứng phó.
Trường hợp cần thiết, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn sẽ thành lập Ban Chỉ đạo ứng phó bao gồm đại diện các bộ, ngành, địa phương liên quan thống nhất huy động lực lượng của các bộ, ngành, địa phương khác đến hỗ trợ ứng cứu. Trong trường hợp vượt quá thẩm quyền Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định các biện pháp ứng phó.
2. Phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó các tình huống về thiên tai được thực hiện theo quy định tại các Điều 7, 8, 9, 10 và Điều 11 Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật phòng, chống thiên tai.
3. Trong các trường hợp cần phối hợp với lực lượng tìm kiếm, cứu nạn nước ngoài trong việc ứng phó, tìm kiếm cứu nạn trên lãnh thổ của Việt Nam hoặc do Việt Nam quản lý, thực hiện theo quy định pháp luật về cấp phép và phối hợp hoạt động với lực lượng tìm kiếm cứu nạn nước ngoài tại Việt Nam.
1. Các cơ quan, tổ chức và địa phương chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn; định kỳ hàng năm, từng thời kỳ có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.
2. Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn hướng dẫn cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn thuộc lĩnh vực được phân công.
1. Thông tin liên quan đến sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được báo cáo về cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn cùng cấp để kiểm tra và xử lý.
2. Sau khi nhận được thông tin liên quan đến sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xảy ra; các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cùng cấp có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan, tổ chức thuộc quyền và nhân dân, đồng thời báo cáo cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn cấp trên theo quy định.
3. Các phương tiện thông tin đại chúng từ trung ương đến địa phương có trách nhiệm thông tin kịp thời đến tổ chức, cá nhân và nhân dân biết những tin tức liên quan đến sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
1. Khi có dự báo, cảnh báo, thông báo, báo động nguy cơ hoặc xảy ra sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; người đứng đầu các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức và duy trì hoạt động của cơ quan thường trực Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn ở các cấp theo quyết định của cấp có thẩm quyền quy định tại Nghị định này.
2. Khi sự cố xảy ra, căn cứ mức độ sự cố, vụ việc cần thiết phải thành lập ngay sở chỉ huy hiện trường với đầy đủ các trang thiết bị phục vụ làm việc 24/24 giờ; hệ thống thông tin chỉ huy hiện trường và kết nối về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn cấp trên trực tiếp, với Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn để chỉ đạo.
a) Cơ quan quân sự tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp thành lập sở chỉ huy đối với các tình huống sự cố, thiên tai quy định tại các điểm a, b, c, đ, e, g, h, i, k, l, m khoản 1 Điều 3 Nghị định này;
b) Cơ quan phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp thành lập sở chỉ huy đối với tình huống sự cố cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư.
3. Chỉ đạo việc triển khai các biện pháp khẩn cấp bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, nhà nước, kiểm tra các công trình, phương tiện và lực lượng có thể huy động sử dụng ứng phó khi cần thiết; điều hành, chỉ huy các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư chuyên dùng để ứng phó, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả xảy ra. Thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc xử lý sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thực hiện theo quy định tại các Điều 7, 8, 9 và Điều 10 Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống thiên tai và quy định tại các Điều 14, 15 của Nghị định này.
1. Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn chỉ đạo ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi có vụ việc nghiêm trọng trong phạm vi cả nước.
2. Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chỉ đạo, điều hành ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đối với các cơ quan, đơn vị thuộc quyền và hướng dẫn triển khai thực hiện ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên lĩnh vực ngành trong phạm vi cả nước theo sự phân công của Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chỉ đạo, tổ chức thực hiện ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định của pháp luật.
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có thẩm quyền huy động nhân lực, vật tư, phương tiện, máy móc, trang thiết bị của tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý để ứng phó tình huống sự cố và tìm kiếm cứu nạn tại địa phương. Trường hợp vượt quá khả năng, thẩm quyền phải báo cáo kịp thời với Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn cấp trên trực tiếp.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền huy động nhân lực, vật tư, phương tiện, máy móc, trang thiết bị của tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý để ứng phó tình huống sự cố và tìm kiếm cứu nạn. Trường hợp vượt quá khả năng, thẩm quyền phải báo cáo kịp thời với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn.
3. Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn của bộ cơ quan ngang bộ có thẩm quyền huy động nhân lực, vật tư, phương tiện, máy móc, trang thiết bị của tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý để ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn.
4. Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn quyết định huy động hoặc báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định huy động nguồn lực và biện pháp ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn trong trường hợp vượt quá khả năng của địa phương, bộ.
5. Người có thẩm quyền quyết định huy động nhân lực, vật tư, phương tiện, máy móc, trang thiết bị của tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý có trách nhiệm quyết định việc thanh toán kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn hoặc hoàn trả, bồi thường thiệt hại cho tổ chức, cá nhân được huy động theo quy định của Bộ Tài chính.
1. Các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức khác theo chức năng, nhiệm vụ để tuyên truyền nâng cao nhận thức, giáo dục ý thức, trách nhiệm và phổ cập kiến thức cơ bản cho toàn dân về ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
2. Việc bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện, diễn tập, phổ cập kiến thức và các biện pháp ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho các lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm được tổ chức hàng năm theo hướng dẫn của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp.
3. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, các bộ, ngành chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn xác định nội dung, tổ chức và phương pháp huấn luyện ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong chương trình huấn luyện, đào tạo hàng năm.
4. Diễn tập ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở từng địa phương, cơ quan, tổ chức do Chủ tịch Ủy ban nhân dân địa phương, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm tổ chức, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn và cấp trên trực tiếp.
1. Thời gian huấn luyện ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hàng năm cho các lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm tối thiểu là 3% trong tổng thời gian huấn luyện chuyên môn theo chương trình huấn luyện của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định thời gian huấn luyện ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong chương trình đào tạo của từng năm học đối với sinh viên, học viên đào tạo trong các học viện, nhà trường.
3. Đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được lồng ghép, tích hợp trong các môn học của chương trình giáo dục phổ thông.
1. Mức hưởng
Người trực tại Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn; người trực tại Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn các cấp thuộc các bộ, ngành, địa phương được hưởng chế độ trực ban đêm (bắt đầu từ 22 giờ) như sau:
- Mức 1: Trực có thời gian từ 04 giờ/01 ngày trở lên được hưởng mức tiền ăn thêm/01 ngày bằng 4% nhân với lương cơ sở theo quy định hiện hành;
- Mức 2: Trực có thời gian từ 02 giờ đến dưới 04 giờ được hưởng mức tiền ăn thêm bằng 2% nhân với lương cơ sở theo quy định hiện hành.
2. Số lượng người trực
a) Tại Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn do Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn quy định;
b) Tại Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn các cấp do Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn các bộ, ngành, địa phương cấp tỉnh quy định.
3. Chi phí cho trực được tính vào ngân sách chi hoạt động thường xuyên thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các bộ, ngành, địa phương.
1. Người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong thời gian được huy động thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quyết định của cấp có thẩm quyền được hưởng chế độ như sau:
a) Được trợ cấp ngày công lao động từng ngành nghề theo mức do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định. Đối với lao động phổ thông, mức trợ cấp ngày công thấp nhất bằng 0,1 lần mức lương cơ sở, đối với lao động có liên quan trực tiếp đến chất phóng xạ, tác nhân sinh học, hóa chất độc hại mức trợ cấp thấp nhất bằng 0,1 lần mức lương cơ sở; nếu làm nhiệm vụ từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau được tính gấp đôi; làm nhiệm vụ trong điều kiện có yếu tố độc hại, nguy hiểm thì được bồi dưỡng tại chỗ theo quy định của pháp luật;
b) Khi làm nhiệm vụ cách xa nơi cư trú, không có điều kiện đi, về hàng ngày thì được cấp huy động bố trí nơi ăn, nghỉ, hỗ trợ phương tiện, chi phí đi lại hoặc thanh toán tiền tàu xe một lần đi và về theo quy định chế độ công tác của Bộ Tài chính; được hỗ trợ tiền ăn theo mức do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định;
c) Cấp nào huy động thì cấp đó bảo đảm chi trả.
2. Người được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong thời gian được huy động thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quyết định của cấp có thẩm quyền được cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc trả nguyên lương và các khoản phụ cấp, được thanh toán phụ cấp đi đường và tiền tàu xe, khi làm việc trong môi trường độc hại và nơi có phụ cấp khu vực, được hưởng theo chế độ hiện hành.
Chi phí cho các khoản nói trên được tính vào ngân sách chi hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị.
3. Cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ, dự bị động viên được huy động thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quyết định của cấp có thẩm quyền được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật.
1. Người tham gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn bị ốm đau, tai nạn trong các trường hợp sau đây thì được hưởng chế độ về ốm đau, tai nạn lao động theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội và an toàn, vệ sinh lao động (từ khi được huy động, bắt đầu đi thực hiện nhiệm vụ đến khi hoàn thành, về đến nơi cư trú):
a) Bị ốm đau, tai nạn trong thực hiện nhiệm vụ tại nơi làm việc kể cả trong và ngoài giờ hành chính theo quyết định của cấp có thẩm quyền;
b) Bị ốm đau, tai nạn trên đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm nhiệm vụ khi có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú;
c) Không giải quyết chế độ ốm đau đối với trường hợp do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ ban hành các danh mục chất ma túy và tiền chất và Nghị định số 126/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ ban hành các danh mục chất ma túy và tiền chất ma túy.
2. Chế độ, chính sách đối với người bị ốm đau, tai nạn
a) Đối với người đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà ốm đau, bị tai nạn, bị thương hoặc chết thì được giải quyết chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; an toàn vệ sinh lao động và pháp luật về bảo hiểm y tế;
b) Đối với người không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc:
- Bị ốm đau: Người tham gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn bị ốm đau trong khi làm nhiệm vụ nếu chưa tham gia đóng bảo hiểm y tế thì được thanh toán tiền khám chữa bệnh như tiêu chuẩn của người tham gia đóng bảo hiểm y tế;
- Bị tai nạn:
+ Được thanh toán chi phí y tế trong quá trình sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định thương tật, xuất viện;
+ Sau khi điều trị được cơ quan chức năng giới thiệu đi giám định khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa theo quy định của pháp luật;
+ Trường hợp người chưa tham gia đóng bảo hiểm xã hội bị suy giảm khả năng lao động 5% thì được hưởng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;
+ Người bị tai nạn bị mất một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng, biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng hoạt động, khiến cho việc lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn được hưởng các chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật đối với người tàn tật;
- Trường hợp bị chết, kể cả chết trong thời gian điều trị lần đầu, nếu người bị chết chưa tham gia đóng bảo hiểm xã hội, thì người trực tiếp mai táng được nhận tiền mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở và gia đình của người đó được trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở.
3. Kinh phí chi trả các chế độ khi bị ốm đau, tai nạn do ngân sách nhà nước bảo đảm. Đối với người tham gia bảo hiểm y tế thì tiền khám chữa bệnh do quỹ bảo hiểm y tế chi trả; đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc do quỹ bảo hiểm xã hội chi trả các chế độ.
4. Đối với người tham gia bảo hiểm y tế, tiền khám chữa bệnh do quỹ bảo hiểm y tế chi trả; đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc do quỹ bảo hiểm xã hội chi trả các chế độ.
Người tham gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi làm nhiệm vụ cứu người, cứu tài sản của nhà nước, của nhân dân, nếu bị thương, hy sinh thì được xem xét để hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.
1. Nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
2. Các khoản hỗ trợ, viện trợ của Chính phủ các nước, các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước cho hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
3. Các khoản thu thông qua các hợp đồng dịch vụ, đóng góp, đền bù của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
4. Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập.
1. Chi đầu tư phát triển
a) Chi đầu tư xây dựng các công trình phục vụ hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn do các bộ, cơ quan trung ương quản lý;
b) Chi thực hiện các dự án sản xuất, mua sắm phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn do các bộ cơ quan trung ương quản lý.
2. Chi sự nghiệp
a) Chi cho hoạt động thường xuyên của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thường trực Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của trung ương:
- Chi tiền lương, tiền công, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo tiền lương, tiền công;
- Chi duy trì hoạt động của các phương tiện thường trực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
- Chi tập huấn, huấn luyện, diễn tập, kiểm tra thường trực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
- Chi đào tạo, nghiên cứu khoa học;
- Chi sản xuất, mua sắm vật tư, trang thiết bị thường xuyên và dự trữ phục vụ nhiệm vụ chuyên môn của hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
- Chi sửa chữa thường xuyên, bảo quản, vận chuyển trang thiết bị, phương tiện ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
- Chi bảo quản, sửa chữa các công trình ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
- Chi bảo quản, sửa chữa thường xuyên trụ sở, cầu cảng, kho tàng, thao trường huấn luyện, công trình kết cấu hạ tầng, phương tiện làm việc;
- Chi đăng ký, đăng kiểm và bảo hiểm phương tiện, trang thiết bị phục vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
- Chi cho công tác đối ngoại; thông tin, tuyên truyền, liên lạc; công tác phí; hội nghị; tổng kết, khen thưởng các đơn vị, cá nhân có thành tích trong hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
b) Chi thực hiện nhiệm vụ đột xuất phát sinh trong năm liên quan trực tiếp đến hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các lực lượng thuộc Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thường trực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thuộc các bộ, cơ quan trung ương; của các lực lượng khác do các cơ quan, đơn vị này trực tiếp huy động theo thẩm quyền:
- Chi phí nguyên nhiên vật liệu; phương tiện cứu sinh cung cấp cho nhiệm vụ đột xuất ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
- Chi phí tiền ăn thêm, bồi dưỡng cho các lực lượng tham gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
- Chi phí cấp cứu người bị nạn, đảm bảo y tế cho các lực lượng tham gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
- Chi phí thuê phương tiện, chi phí sửa chữa các phương tiện (nếu bị hư hỏng do nguyên nhân khách quan) được huy động tham gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo lệnh điều động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Chi trả cho các tổ chức, cá nhân, chủ phương tiện tham gia cứu hộ nhưng bị rủi ro do thiên tai;
- Chi phí khác có liên quan trực tiếp đến ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
1. Chi đầu tư phát triển
a) Chi đầu tư xây dựng các công trình phục vụ hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn do các cơ quan, đơn vị địa phương quản lý;
b) Chi thực hiện các dự án sản xuất, mua sắm phương tiện, trang bị phục vụ công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn do các cơ quan, đơn vị địa phương quản lý.
2. Chi sự nghiệp
a) Chi cho hoạt động và duy trì hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thường trực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở địa phương, bao gồm:
- Chi tiền lương, tiền công, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo tiền lương, tiền công;
- Chi đăng ký, đăng kiểm, bảo hiểm và duy trì hoạt động của các phương tiện phục vụ công tác sẵn sàng ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và thường trực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
- Chi tập huấn, huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và thường trực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các cơ quan, đơn vị, lực lượng được giao nhiệm vụ thường trực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các tổ chức đoàn thể, chính quyền và nhân dân ở địa phương;
- Chi đào tạo, nghiên cứu khoa học;
- Chi sản xuất, mua sắm vật tư, trang thiết bị thường xuyên phục vụ nhiệm vụ chuyên môn của hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
- Chi vận chuyển, bảo quản, sửa chữa thường xuyên trang thiết bị, phương tiện ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
- Chi bảo quản, sửa chữa lớn trang thiết bị, công trình kết cấu hạ tầng, cầu cảng, kho tàng, thao trường huấn luyện, phương tiện ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
- Chi tuyên truyền, giáo dục pháp luật, phổ biến kiến thức ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho cán bộ, nhân dân địa phương;
- Chi diễn tập ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khu vực tỉnh, thành phố theo kế hoạch hàng năm;
- Chi thông tin, tuyên truyền, liên lạc; công tác phí;
- Chi tổng kết, khen thưởng các đơn vị, cá nhân có thành tích trong hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương.
b) Chi thực hiện nhiệm vụ đột xuất phát sinh trong năm liên quan trực tiếp đến hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các lực lượng thuộc các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thường trực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở địa phương; của các lực lượng khác do các cơ quan, đơn vị này trực tiếp huy động theo thẩm quyền:
- Chi phí nguyên nhiên vật liệu; phương tiện cứu sinh cung cấp cho nhiệm vụ đột xuất ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
- Chi phí tiền ăn thêm, bồi dưỡng cho các lực lượng tham gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
- Chi phí cấp cứu người bị nạn, đảm bảo y tế cho các lực lượng tham gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
- Chi phí thuê phương tiện, chi phí sửa chữa các phương tiện (nếu bị hư hỏng do nguyên nhân khách quan) được huy động tham gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo lệnh điều động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Chi trả cho các tổ chức, cá nhân, chủ phương tiện tham gia cứu hộ nhưng bị rủi ro do thiên tai;
- Chi phí khác có liên quan trực tiếp đến ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
1. Trang thiết bị ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn gồm các nhóm sau:
a) Trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn đường không;
b) Trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn đường biển, đường thủy nội địa;
c) Trang thiết bị ứng phó sự cố tràn dầu;
d) Trang thiết bị chữa cháy và cứu nạn cứu hộ;
đ) Trang thiết bị cứu sập đổ công trình;
e) Trang thiết bị ứng phó sự cố hóa chất độc, phóng xạ, sinh học hạt nhân;
g) Trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn đường bộ, đường sắt;
h) Trang thiết bị thông tin tìm kiếm cứu nạn;
i) Trang thiết bị y tế tìm kiếm cứu nạn;
k) Trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn khác.
2. Hàng năm, định kỳ, các bộ, ngành, địa phương căn cứ Đề án quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn quyết định điều chỉnh số lượng chủng loại trang thiết bị ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho phù hợp với thực tế.
1. Xe làm nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng được quyền ưu tiên, gồm:
a) Xe chỉ huy của các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
b) Xe chuyên dụng ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đang vận chuyển, thực hiện nhiệm vụ;
c) Xe ưu tiên khác theo quy định của pháp luật.
2. Tín hiệu của xe
Xe chỉ huy, xe chuyên dụng làm nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn có cờ hiệu ưu tiên "TÌM KIẾM CỨU NẠN" cắm ở đầu xe phía bên trái người lái: Cờ hình chữ nhật, khung có nét viền màu đỏ kích thước rộng 20 cm x dài 30 cm, nền cờ màu trắng, phía trái có logo của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, giữa nền cờ có hàng chữ "TÌM KIẾM CỨU NẠN" màu đỏ.
3. Thẩm quyền cấp tín hiệu xe làm nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được quyền ưu tiên do Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn quy định.
1. Lực lượng trực tiếp tham gia hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các đơn vị chuyên trách được cấp trang phục công tác bảo đảm thống nhất, thuận tiện cho thực hiện nhiệm vụ. Màu sắc, chất liệu quy cách và niên hạn sử dụng do Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn quy định.
2. Kinh phí bảo đảm trang phục cho các cơ quan, đơn vị được chi trong nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị.
1. Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn; Quy định cơ chế phối hợp điều hành, chế độ thông tin, báo cáo, mối quan hệ giữa Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn các bộ, ngành, địa phương để bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ và sự chỉ đạo thống nhất từ trung ương đến địa phương.
2. Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án hệ thống cơ cấu tổ chức ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
3. Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành liên quan xây dựng chương trình, nội dung tuyên truyền giáo dục, huấn luyện, diễn tập ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm, cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên, học viên và toàn dân.
4. Chỉ đạo cơ quan thường trực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, địa phương tham mưu cho Thủ trưởng các bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng làm nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo kế hoạch được phê duyệt.
5. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo xây dựng các công trình ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo Đề án quy hoạch ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
6. Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động, tiếp nhận và khai thác, sử dụng đầu số 112 của hệ thống thông tin liên lạc khẩn cấp phục vụ công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
7. Cập nhật, cung cấp thông tin thực tế về diễn biến tình huống sự cố, thiên tai cho cơ quan dự báo, cảnh báo để tăng cường dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ công tác ứng phó, tìm kiếm cứu nạn.
8. Giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết, khen thưởng công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
1. Bộ Quốc phòng
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án Hệ thống cơ cấu tổ chức Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn đến năm 2030 và những năm tiếp theo trình Chính phủ xem xét, quyết định;
b) Phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 28, Điều 29 Nghị định này;
c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan xây dựng Kế hoạch cấp quốc gia; ứng phó thảm họa động đất, sóng thần; sự cố tràn dầu;
d) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, hướng dẫn chế độ, chính sách đối với lực lượng ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
đ) Chỉ đạo các Quân khu, cơ quan quân sự địa phương các cấp tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo lĩnh vực được phân công;
e) Chỉ đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị thuộc quyền tổ chức lực lượng, phương tiện ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định.
2. Bộ Công an
a) Phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 29 Nghị định này;
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng Kế hoạch cấp quốc gia ứng phó sự cố cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư; quản lý và sử dụng lực lượng Công an chuyên trách lầm nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định;
c) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và chính quyền địa phương bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng khu vực xảy ra sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
d) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức lực lượng, phương tiện ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định.
3. Bộ Giao thông vận tải
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế, các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch cấp quốc gia: Ứng phó tai nạn tàu, thuyền trên biển; tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa đặc biệt nghiêm trọng; tai nạn máy bay xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam. Triển khai kế hoạch, phương án sử dụng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; điều hành các đội tìm kiếm cứu nạn thuộc ngành Giao thông vận tải; khi xảy ra sự cố chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức các đội vận tải để sơ tán nhân dân, phương tiện đến khu vực an toàn, tiếp tế hậu cần, chuyển thương;
b) Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao chỉ đạo chuyên ngành Hàng hải, Hàng không trong việc cấp phép và phối hợp với lực lượng, phương tiện của nước ngoài thực hiện tìm kiếm cứu nạn theo quy định của pháp luật;
c) Chủ trì tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng cho các đối tượng có liên quan đến hoạt động trên biển về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
d) Chủ trì thực hiện các Hiệp định, Thỏa thuận, Công ước quốc tế về tìm kiếm cứu nạn hàng hải, hàng không và an toàn sinh mạng con người trên biển mà Việt Nam đã tham gia;
đ) Huy động phương tiện, nhân lực của các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý bảo trì tuyến, luồng để điều tiết, khống chế đảm bảo giao thông và chống va trôi, va đập các cầu tại các vị trí trọng yếu trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia nhằm bảo đảm giao thông luôn thông suốt cho hệ thống đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.
4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Phối hợp với Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn và các bộ, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 29 Nghị định này;
b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an, Công Thương, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao và các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch cấp quốc gia: ứng phó sự cố vỡ đê, hồ, đập; sự cố cháy rừng; bão, áp thấp, lũ, lụt; lũ quét, lũ ống, sạt, lở đất đá và các loại hình thiên tai khác;
c) Phối hợp xây dựng kế hoạch và thực hiện việc bảo đảm lương thực, thực phẩm đáp ứng yêu cầu ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong mọi tình huống.
5. Bộ Công Thương
a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo và hướng dẫn việc xử lý các vụ nổ, sập hầm lò ở các cơ sở sản xuất, khai thác điện nguyên tử, than, dầu mỏ, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp;
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan xây dựng Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố cháy nổ giàn khoan, đường ống dẫn dầu, khí, sự cố sập đổ hầm lò khai thác khoáng sản, ứng phó sự cố hóa chất độc; hướng dẫn các địa phương liên quan xây dựng kế hoạch và chuẩn bị lực lượng, phương tiện thực hiện ứng phó sự cố tràn dầu, sự cố hóa chất độc theo quy định.
6. Bộ Tài nguyên và Môi trường
a) Tổ chức thực hiện các hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát thu thập thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn;
b) Chỉ đạo thực hiện dự báo, cảnh báo, cung cấp đầy đủ, kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo sự cố, thiên tai liên quan đến khí tượng, thủy văn, hải văn cho Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương và phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.
7. Bộ Y tế
a) Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở y tế, bệnh viện, viện nghiên cứu, trung tâm y tế dự phòng chuẩn bị thuốc, trang bị y tế và lực lượng sẵn sàng cơ động cấp cứu, vận chuyển, điều trị người bị nạn; điều trị dự phòng;
b) Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc chuẩn bị thuốc, trang bị y tế, lực lượng sẵn sàng cơ động cấp cứu, vận chuyển, điều trị người bị nạn; điều trị dự phòng, vệ sinh môi trường, dập dịch bệnh nguy hiểm.
8. Bộ Xây dựng
a) Rà soát, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành, hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về đảm bảo an toàn cho công trình phù hợp với Luật phòng, chống thiên tai và các quy định tại Nghị định này; chủ trì phối hợp và hướng dẫn địa phương thực hiện quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị bền vững, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu;
b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an, Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế và các bộ, ngành, địa phương có liên quan xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố sập đổ công trình xây dựng.
9. Bộ Khoa học và Công nghệ
Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố rò rỉ phóng xạ, bức xạ hạt nhân.
10. Bộ Thông tin và Truyền thông
a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thống nhất quy định các tần số trực canh, cấp cứu khẩn cấp, xây dựng kế hoạch bảo đảm ưu tiên sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, điều hành ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
b) Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng mạng thông tin liên lạc, thông báo, báo động giữa các đài quan sát, trạm quan sát, trung tâm nghiên cứu với cơ quan thường trực Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn các cấp;
c) Chỉ đạo Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam xây dựng hệ thống thông tin liên lạc khẩn cấp dùng chung phục vụ công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sử dụng số điện thoại 112; hướng dẫn các doanh nghiệp Viễn thông kết nối hệ thống thông tin liên lạc phục vụ công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sử dụng số điện thoại 112 và đảm bảo khả năng truy cập đến số điện thoại 112 thông suốt trong mọi tình huống;
d) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc bộ, doanh nghiệp bưu chính, viễn thông huy động lực lượng, phương tiện của ngành tham gia bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền, giáo dục kiến thức ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho toàn dân theo quy định.
11. Bộ Giáo dục và Đào tạo
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục về giáo dục ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
b) Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố và Tìm kiếm Cứu nạn và các bộ, ngành liên quan xây dựng chương trình, nội dung, giáo trình và tài liệu giáo dục ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; hướng dẫn cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc bộ quản lý tổ chức thực hiện và bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ giáo dục ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
12. Bộ Nội vụ
Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành có liên quan xây dựng Đề án hệ thống tổ chức ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ trung ương đến địa phương đến năm 2030 và những năm tiếp theo trình Chính phủ xem xét, quyết định.
13. Bộ Tài chính
a) Chủ trì bố trí ngân sách chi thường xuyên cho các bộ, cơ quan trung ương thực hiện hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn;
b) Xuất, cấp kịp thời, đầy đủ trang thiết bị dự trữ quốc gia cho công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh của cấp có thẩm quyền.
14. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, các bộ, ngành có liên quan tổng hợp kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm, hàng năm về lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các bộ, ngành, địa phương vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, hàng năm của nhà nước; bảo đảm sự kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn củng cố quốc phòng, an ninh;
b) Thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn các dự án đầu tư xây dựng cơ sở, sản xuất, mua sắm trang thiết bị phục vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định của Luật đầu tư công. Tổng hợp trình Chính phủ, Quốc hội phê duyệt thực hiện.
15. Bộ Ngoại giao
a) Chỉ đạo các cơ quan thuộc bộ, các cơ quan đại diện ngoại giao và cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng của các nước, các tổ chức quốc tế để thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn đối với người, phương tiện tài sản của Việt Nam ở nước ngoài hoặc khu vực tuyên bố vùng tìm kiếm cứu nạn bị chồng lấn;
b) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành chức năng thông qua đường ngoại giao, đề nghị các cơ quan chức năng nước ngoài giúp đỡ tổ chức tìm kiếm cứu nạn người, phương tiện của Việt Nam bị nạn; làm các thủ tục cần thiết và giải quyết các vấn đề phát sinh để đưa người, phương tiện về nước;
c) Phối hợp, hướng dẫn cứu nạn, cứu hộ người, phương tiện của nước ngoài gặp sự cố, thảm họa trên lãnh thổ Việt Nam.
16. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát, tổng hợp số hộ gia đình, nhân khẩu có nguy cơ thiếu đói do sự cố, thiên tai gây ra để cứu trợ xã hội đột xuất, thực hiện các chính sách với người tham gia làm nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi bị ốm đau, tai nạn, bị thương hoặc bị chết theo quy định của pháp luật.
17. Các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức khác ở trung ương
a) Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, các bộ, ngành, cơ quan liên quan ban hành và trình cấp có thẩm quyền các văn bản pháp luật về ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thuộc lĩnh vực được phân công;
b) Tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc quyền về nội dung, biện pháp ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
c) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc bộ, ngành tổ chức thực hiện kế hoạch, biện pháp ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên lĩnh vực được phân công phụ trách. Đồng thời chỉ đạo kịp thời việc tổ chức lực lượng, phương tiện của mình làm nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo lệnh điều động của cấp có thẩm quyền;
d) Phối hợp với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
1. Ban hành các văn bản hướng dẫn về ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở địa phương theo thẩm quyền; chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; kiện toàn, điều chỉnh, bổ sung, quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn các cấp phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương.
2. Tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhân dân tham gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
3. Xây dựng, phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp địa phương; thực hiện kế hoạch, phương án huy động lực lượng, phương tiện, vật tư của địa phương, của các cơ quan, tổ chức trung ương hoạt động tại địa phương thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo sự chỉ đạo của cơ quan thường trực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp trên.
4. Chỉ đạo tổ chức xây dựng lực lượng, huấn luyện và diễn tập về ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho các lực lượng thuộc quyền. Chú trọng lực lượng tại cơ sở, cộng đồng theo phương châm 4 tại chỗ.
5. Tổ chức các lực lượng thuộc quyền thực hiện các biện pháp ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân.
6. Kiến nghị với các cơ quan thường trực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp trên để huy động lực lượng, phương tiện của các bộ, ngành, địa phương khác phối hợp thực hiện các biện pháp ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong trường hợp vượt quá khả năng của cấp mình.
7. Bố trí ngân sách chi thường xuyên cho các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; huy động các nguồn lực hợp pháp bảo đảm cho công tác ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai tại địa phương.
8. Chỉ đạo và thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, khen thưởng về ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở địa phương.
Tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được khen thưởng theo quy định của Nhà nước.
Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tùy theo mức độ, tính chất vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 5 năm 2017; bãi bỏ Quyết định số 76/2009/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về kiện toàn Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn và Hệ thống tổ chức tìm kiếm cứu nạn của các bộ, ngành trung ương và địa phương và các quy định trước đây trái với Nghị định này.
Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ |
GOVERNMENT |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
No. 30/2017/ND-CP |
Hanoi, March 21, 2017 |
REGULATION ON RESPONSE TO EMERGENCY, ACTS OF GOD AND SEARCH AND RESCUE
Pursuant to the Law on Government organization dated June 19, 2015;
Pursuant to the Law on Acts of God Prevention and Control dated June 19, 2013;
Upon request of the Minister of National Defense;
The Government hereby issues this Decree stipulating the regulation on response to emergency, acts of god and search and rescue.
This Decree stipulates the regulation on response to emergency, acts of god and search and rescue, including: Emergency response organizations; emergency response education, training and rehearsal; budget and budget allocation for emergency response; accoutrements and clothing, responsibilities for emergency response, search and rescue of Ministries, ministerial-level agencies, governmental agencies, People’s Committees of all levels, social-political organizations and economic organizations.
Article 2.Subjects of application
This Decree applies to Vietnamese and foreign entities engaging in emergency response, search and rescue (SAR) in Vietnam and within SAR regions.
For the purpose of this Decree, terms herein shall be construed as follows:
1. Basic emergency event and Act of God is any event caused by the nature or human beings which may threaten life and property and cause pollution to which an appropriate mitigation measure should be promptly taken (hereinafter referred to as “emergency event”). Including:
a) Maritime accidents;
b) Oil spill;
c) Explosion of oil and gas pipelines and drilling rigs;
d) Conflagration that destroys high-rise building, urban complexes, industrial zones and residential areas;
dd) Collapse of construction works, high-rise building and mineral mines;
e) Nuclear and radiation accidents, toxic chemical release and dispersion;
g) Earthquake and tsunami;
h) Severe traffic accidents on roads, railways and inland waterways
i) Aviation accidents within Vietnam’s territory;
k) Breakdown of dykes and dams and flood discharge;
l) Forest conflagration; and
m) Storms, tropical depression, floods, inundation, land slide and other natural disasters.
2. Emergency response and search and rescue (SAR) refers to appropriate and necessary measures for searching and rescuing victims and property, and protecting the environment in the vicinity of the area where emergency events occur to minimize the damage.<0}
3. Search is positioning of victims or damaged property by using human resources and necessary accoutrements.
4. Rescue is an act of saving victims from any danger by providing primary healthcare and evacuating victims to safe places.
5. Salvage is an act of saving property from danger or any provision of aids to save assets under an agreement.
6. Establishment is any factory, plants, working office, hospital, school, theater, hotel, market, shopping mall, garrison and other construction works within a commune and/or town.
Article 4. Principles for emergency response and SAR
1. Promptly notify the emergency event and SAR information to the local government where such emergency event and SAR occur and its governing body.
2. Be active and have human resources and facilities available for emergency response; mobilize citizens, emergency response teams and SAR teams. Enhance the civil capacity in emergency response and SAR whereby the armed forces play an essential role.
3. Effectively apply “4 tại chỗ (on the spot response)” guidelines. The order of priority for rescue and salvage is as follows: life, property and environment protection.
4. Provide synchronous instructions and closely cooperate with emergency response and SAR teams during the process of emergency response and SAR.
5. Ensure the safety of emergency response and SAR teams, facilities, and safety of establishments operating within the emergency response and SAR regions; minimize the incidents caused by emergency response and SAR activities.
SYSTEMATIZATION OF EMERGENCY RESPONSE AND SAR ORGANIZATIONS AT ALL LEVELS
Article 5. Emergency response and SAR organizations
1. The national level: the National Search and Rescue Committee.
2. The ministerial level: the Steering Committee for Search and Rescue
3. the local level: Steering Committees for Search and Rescue at all levels (provincial, district, communal levels)
4. Specialized authorities:
The Ministry of National Defense:
The Department of Rescue and Salvage
The National Center for Aeronautical Search and Rescue;
The National Center for Maritime Search and Rescue;
The National emergency response and SAR training center;
Northern Oil Spill Response Centers;
Central Oil Spill Response Centers;
Search and rescue dog training centers.
b) The Ministry of Public Security:
Agencies of the Vietnam Fire and Rescue Department.
c) The Ministry of Transport:
Vietnam Maritime Search and Rescue Coordination Center affiliated to the Vietnam Maritime Administration and Maritime Search and Rescue Coordination Centers;
Aeronautical Search and Rescue Coordination Centers affiliated to the Vietnam Air Traffic Management Corporation;
Vietnam Airport Emergency Coordination Centers;
d) The Ministry of Industry and Trade:
Southern oil spill response center/Petro Vietnam;
Mine Emergency Response Command Centers/ Vinacomin
5. Cooperating agencies
a) The Ministry of National Defense:
Search and Response Coordination stations in Co To (Quang Ninh province), Bach Long Vi (Hai Phong province), Con Co (Quang Tri province), Ly Son (Quang Ngai province), Truong Sa (Khanh Hoa), Phu Quy (Binh Thuan), Con Dao (Ba Ria – Vung tau), Tho Chu (Kien Giang), Hon Khoai (Ca Mau) and Song Tu Tay (Khanh Hoa province);
Centers for emergency response to chemical, biological. radiation and nuclear incidents in the North, South and Central Vietnam;
Units providing humanitarian aids and disaster relief; Rescue teams, environmental remediation teams; Army medical forces, search and rescue dog training teams and maritime search and rescue teams;
Engineer battalions participating in search and rescue;
Teams in charge of emergency response to chemical, biological, radiation and nuclear incidents;
Aeronautical search and rescue flight crews;
Mobile communication teams;
b) The Ministry of Public Security:
Traffic polices and mobile polices;
Search and rescue dog training centers.
c) The Ministry of Health:
Emergency center 115 and emergency rooms in hospitals.
6. Voluntary and cooperating agencies
a) The Red Cross;
b) Non-governmental organizations, social and voluntary organizations.
Article 6. Organizational structures, the authority, functions, rights and obligations of the National Search and Rescue Committee
1. Organizational structure:
a) The Deputy Minister as the Chairman of the National Search and Rescue Committee.
b) A head of the Ministry of National Defense or Deputy Advisor of Vietnam People's Army and a Deputy Standing president as the Deputy Chairman;
01 Deputy Director of the Office of the Government;
01 head of the Ministry of Public Security;
A head of the Ministry of Transport;
A head of the Ministry of Agriculture and Rural; and.
c) The heads of the Ministry of Industry and Trade, the Ministry of Natural Resources and Environment, the Ministry of Health, the Ministry of Construction, the Ministry of Science and Technology, Ministry of Information and Communications, Ministry of Education and Training, the Ministry of Home Affairs, the Ministry of Finance, Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Foreign Affairs, the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs, Vietnam Television and the Voice of Vietnam as member
d) Members of the National Search and Rescue Committee shall concurrently hold multiple positions;
dd) The Chairman and Deputy Chairman of the National Search and Rescue Committee shall be appointed by the Prime Minister;
e) The heads of authorities specified in Article 6 hereof shall appoint officials as member of the National Search and Rescue Committee and inform the Chairman of the National Search and Rescue Committee to approve and report to the Prime Minister.
2. Position and functions
a) The National Search and Rescue Committee is an intersectoral cooperating authority which assists the Prime Minister in emergency response and SAR nationwide, and regional and international cooperation, and directly instruct the Search and Rescue Committees at all levels and specialized authorities to take measures for emergency response and SAR;
b) The National Search and Rescue Committee has its legal status and its own seal with a national emblem and shall be entitled to register accounts at the State Treasuries and banks under provisions of laws.
3. Rights and obligations
a) Assist the Government and the Prime Minister in provisions of instructions on development of annual and 5-year emergency response plans, strategies, planning and relevant projects. Provide instructions on implementation of approved strategies, plans and projects;
b) Provide instructions on organization and development emergency response and SAR teams nationwide;
c) Direct specialized authorities at all levels to collect data, study and assess domestic and international situation related to emergency response and rescue, ensure watchkeeping by Search and Rescue Committees at all levels;
d) Provide instructions, mobilize and coordinate resources for emergency response and SAR nationwide in case conflagration, serious Acts of God and incidents occur on a large scale. Request the Prime Minister to review and approve to participate in and coordinate regional and international cooperation in emergency response and SAR where it is beyond the authority. In case an emergency event occurs, the National Search and Rescue Committee shall:
- Direct the Ministry of Transport, Ministry of National Defense, People’s Committee of provinces and relevant authorities to take measures for salvage of maritime accidents;
- Direct the Ministry of National Defense, Ministry of Industry and Trade, Ministry of Natural Resources and Environment, People's Committees of provinces and relevant authorities to take measures against oil spill;
- Direct the Ministry of Industry and Trade, Ministry of National Defense, Ministry of Public Security, People's Committees of provinces and relevant authorities to take measures against explosion of oil and gas pipelines and drilling rigs;
- Direct the Ministry of Public Security, Ministry of National Defense, People’s Committees of provinces and relevant authorities to take measures against conflagration of high-rise buildings, urban complexes, industrial zones and residential areas;
- Direct the Ministry of Construction, Ministry of Industry and Trade, Ministry of Transport, Ministry of Public Security, People’s Committees of provinces and relevant authorities to respond to collapse of high-rise buildings, construction works and mines;
- Direct the Ministry of Science and Technology, Ministry of National Defense, Ministry of Industry and Trade, Ministry of Public Security , Ministry of Natural Resources and Environment, People’s Committees of provinces and relevant authorities to take measure against radiation leakage, nuclear radiation and dispersion of toxic chemicals;
- Direct the Ministry of National Defense, Ministry of Transport, Ministry of Natural Resources and Environment, Ministry of Science and Technology, Ministry of Public Security , Vietnam Academy of Science and Technology, People’s Committees of provinces and relevant authorities to take measures against tsunami and earthquake;
- Take charge of and cooperate with the National Traffic Safety Committee in provision of instructions on response to severe traffic accidents on roads, railways and inland waterways for the Ministry of Transport, Ministry of Public Security, Ministry of National Defense, Ministry of Health, People’s Committees of provinces and relevant authorities;
- Take charge of and cooperate with the National Civil Aviation Security Committee in provision of instructions on response to aeronautical incidents for the Ministry of Transport, Ministry of National Defense , Ministry of Public Security, People’s Committees of provinces and relevant authorities;
- Cooperate with the National Steering Committee for National Disaster Prevention and Control in provision of instructions on response to breach of dykes, dams and flood discharge for the Ministry of Agriculture and Rural Development, Ministry of National Defense, Ministry of Public Security, Ministry of Industry and Trade , Ministry of Natural Resources and Environment, People's Committees of provinces and relevant authorities.
- Cooperate with the Central Steering Committee for forest protection and firefighting in provision of instructions on the Ministry of Agriculture and Rural Development, Ministry of National Defense, Ministry of Public Security, People’s Committees of provinces and relevant authorities in response to forest conflagration;
- Cooperate with the Central Steering Committee for Natural Disaster Prevention and Control in provision of instructions on response to storms, flood, landslide and other Acts of God for the Ministry of Agriculture and Rural Development, Ministry of National Defense, Ministry of Public Security, the Ministry of Transport , Ministry of Natural Resources and Environment , the Ministry of Foreign Affairs , People’s Committees of provinces and relevant authorities.
dd) Consolidate the annual estimated budget for emergency response and SAR; cooperate with the Ministry of Finance and Ministry of Planning and Investment in preparation and consolidation of spending and revenues within the management; manage implementation organizations and finalize the State budget for emergency response and SAR; perform other duties related to the State budget and finance in accordance with provisions of laws;
e) Cooperate with the Ministry of Finance and relevant Ministries in preparation of the plan for procurement of goods for emergency response and SAR and submit such plan to the competent authority for approval under the Law on National Reserve;
g) Cooperate with the Ministry of Planning and Investment in assessment of fundamental construction projects and procurement plans related to emergency response and SAR. Manage the procurement of essential and specialized equipment and construction projects within the authority;
h) Cooperate with regulatory authorities to:
- Study and prepare nationwide emergency response and SAR master plans and submit such plans to the Government and Prime Minister;
- Provide training, education and rehearsal for operation of emergency response equipment, emergency response and SAR plans for specialized teams; direct officials to develop education and training programs under the Government’s regulations;
- Develop and implement plans for technology research and application to emergency response and SAR; cooperate with relevant authorities in management of scientific research and mobilize scientific resources for the purposes of emergency response and SAR;
- Manage foreign affairs in emergency response and SAR; request the Government and Prime Minister to join international agreements and ratify projects in the field of emergency response and SAR, provide instructions on implementation of approved projects. Negotiate, sign and implement international agreements on cooperation in emergency response and SAR under provisions of laws;
- Disseminate laws and information related emergency response and SAR;
- License, manage and supervise related activities and cooperate with foreign search and rescue teams in Vietnam in accordance with provisions of laws;
- Dispense, manage, use and maintain emergency response and SAR accoutrements;
- Provide instructions, examine, summarize and give compliments on emergency response and SAR to regulatory authorities under laws’ provisions.
i) Propose preferential policies and social insurance policies applicable to emergency response and SAR teams and implement such policies in accordance with regulations of laws;
k) Fulfill other obligations and exercise other rights related to emergency response and SAR as stipulated by laws and upon request of the competent authorities.
4. Standing and supporting authorities of the National Search and Rescue Committee:
a) The Ministry of National Defense shall play a role as the standing authority of the National Search and Rescue Committee and is responsible for ensuring the operation of the National Search and Rescue Committee and manage to perform the National Search and Rescue Committee’s duties.
b) The Office of the National Search and Rescue Committee shall play a role as the assisting authority which has its own seal, and accounts at the State Treasuries and banks, and has its judicial status. The functions, rights, responsibilities, organizational structure and payroll of this authority are defined by the Chairman of the National Search and Rescue Committee. The Office of the National Search and Rescue Committee may request the Minister of National Defense and/or the Chairman of the National Search and Rescue Committee to designate specialists from relevant authorities to participate in emergency response and SAR, where necessary.
Article 7. Organizational structure and duties of the Steering Committees for Search and Rescue of Ministries, ministerial-level agencies and Governmental agencies
1. The Ministry of National Defense, Ministry of Public Security, the Ministry of Transport and Ministry of Agriculture and Rural Development shall set up a standing agency to assist the Steering Committee for Search and Rescue and Ministers in State management of emergency response and SAR within the assigned responsibility.
2. The organizational structure and duties of the Steering Committees for Search and Rescue shall be conformable to Article 19 of the Government's Decree No.66/2014/ND-CP dated July 04, 2014 detailing and guiding a number of Articles of the Law on Natural Disaster Prevention and Control and provisions hereof.
Article 8.Organizational structure and duties of the Steering Committees for Search and Rescue of provinces, districts and communes
1. Military authorities at all levels shall give advices about emergency response and SAR the People’s Committees at the same level under the directives of the Ministry of National Defense. The emergency response officers and rescuers of the military commands of provinces will be on the payroll.
2. The Fire and Rescue Police Departments at all levels shall provide the People’s Committees at the same level with advices about emergency response to conflagration of high-rise building, urban complexes, industrial zones and residential areas.
3. The organizational structure and duties of the Steering Committees for Search and Rescue of provinces, districts and communes shall be conformable to Article 20, 21 and 22 of the Government's Decree No.66/2014/ND-CP dated July 04, 2014 detailing and guiding a number of Articles of the Law on Natural Disaster Prevention and Control and provisions hereof.
Article 9. Organizational structure and duties of Ministerial specialized agencies
Upon request and emergency response and SAR duties, the Minister shall decide to establish a specialized agency within the management.
RESPONSE TO EMERGENCY EVENTS, ACTS OF GOD AND SEARCH AND RESCUE
Article 10. Emergency response classifications
1. Responsibilities and cooperation in emergency response and SAR
a) The establishment (commune or town) where the emergency event occurs shall actively take mitigation measures and recover the damage. Where it is beyond the competence of the establishment, that establishment shall request the superior Steering Committee for Search and Rescue to punctually mobilize resources for emergency response.
b) Where an emergency event occurs in multiple provinces, the Steering Committees for Search and Rescue of such provinces shall cooperate in emergency response.
c) Where it is beyond the competence of a regulatory authority, that regulatory authority shall promptly report to the National Search and Rescue Committee (via The Office of the National Committee for Search and Rescue).
Where it is necessary, a Steering Committee shall be established under the directive of the National Committee for Search and Rescue. The Steering Committee consists of representatives of relevant regulatory authorities. Where it is beyond the competence, the National Search and Rescue Committee shall request the Prime Minister to decide emergency response measures.
2. Duties and responsibilities shall be assigned in accordance with Article 7, 8, 9, 10 and 11 of the Government’s Decree No.66/2014/ND-CP dated July 04, 2014 detailing and guiding a number of Articles of the Law on Natural Disaster Prevention and Control.
3. Cooperation with foreign search and rescue teams within the Vietnam’s territory or within the management of Vietnam shall be conformable to regulations of laws on permission and cooperation with foreign search and rescue teams in Vietnam.
Article 11. Preparation of emergency response and SAR plans
1. Every regulatory authority shall actively prepare an emergency response and SAR plan, and annually adjust to suit the reality.
2. The National Search and Rescue Committee shall instruct the standing Search and Rescue Committee of the regulatory authority to prepare an emergency response and SAR plan in assigned fields.
Article 12. Receipt and processing information and alerts
1. Information related to emergency events and SAR shall be informed to the standing agency of the Steering Committee for Search and Rescue to check and resolve.
2. After receipt of emergency event and SAR-related information, the regulatory authority and the People’s Committee at the same level shall inform residents and affiliated authorities of such information, and report to the standing agency of the superior Steering Committee for Search and Rescue.
3. Emergency event and SAR-related information shall be punctually notified to relevant entities by means of mass media.
Article 13. Emergency response and SAR
1. After receipt of a relevant alert, announcement and/or warning, the heads of the regulatory authority and the People’s Committees at all levels shall run the standing agencies of the Steering Committees for Search and Rescue at all levels under the competent authority’s decision as stipulated herein.
2. According to the severity of an emergency event, a site command may be established with sufficient equipment for working around the clock and communication networks connected to the superior Steering Committee for Search and Rescue and the National Search and Rescue Committee.
a) The military authority that provides advices for the people’s Committee at the same level shall establish a command station to respond to emergency events specified in point a, b, c, dd, e, g, h, i, k, l and m clause 1 Article 3 hereof.
b) The Fire and Rescue Police Department that provides advices for the People’s Committees at the same level shall establish a command station to respond to conflagration of high-rise building, urban complexes, industrial zones and residential areas.
3. Provide instructions on measures for protecting life and property; inspect construction works and facilities, check resources which may be mobilized where necessary; execute and coordinate sources, facilities, equipment and specialized materials for emergency response and recovery from damage. The organizational structure and duties of emergency response and SAR organizations shall be conformable to Article 7, 8 and 9 of the Government's Decree No.66/2014/ND-CP dated July 04, 2014 detailing and guiding a number of Articles of the Law on Natural Disaster Prevention and Control and Article 14 and 15 hereof.
1. The Deputy Minister and Chairman of the National search and Rescue Committee will give directives on emergency response and SAR in case any severe emergency event occurs nationwide.
2. Ministers, heads of ministerial-level agencies and governmental agencies shall direct their affiliated agencies to respond to emergency events , conduct SAR and provide instructions on emergency events and SAR as assigned by the Deputy Minister and Chairman of the National Search and Rescue Committee.
3. The Presidents of the People’s Committees at all levels shall provide instruction and conduct emergency response and SAR within their rights and responsibilities under provisions of laws.
Article 15. The authority to mobilize human resources, facilities, equipment and materials
1. The Presidents of the People’s Committees of district and communes have the authority to mobilize human resources, facilities, accoutrements and materials from entities within their management for the purpose of emergency response and SAR in the district and/or commune. Where it is beyond the authority, the Presidents of the People’s Committees of districts and communes shall punctually report to the superior People’s Committees and Steering Committees for Search and Rescue.
2. The Presidents of the People’s Committees of provinces have the authority to mobilize human resources, facilities, accoutrements and materials from entities within their management for the purpose of emergency response and SAR. Where it is beyond the authority, the Presidents of the People’s Committees of provinces shall punctually report to the National Search and Rescue Committee.
3. The Chairman of the Steering Committee for Search and Rescue of a ministerial-level agency has the authority to mobilize human resources, accoutrements, equipment and materials from entities within their management for the purpose of emergency response and SAR
4. The Chairman of the National Search and Rescue Committee shall mobilize or request the Prime Minister to mobilize resources and take measure for emergency response and SAR where it is beyond the capability of the regulatory authority.
5. The competent person who has the authority to mobilize resources from entities within his/her management shall be liable for payment to entities participating in emergency response and SAR by using the State budget or shall compensate for damage of such mobilized entities under the Ministry of Finance's regulations.
EDUCATION, TRAINING AND REHEARSAL FOR EMERGENCY RESPONSE AND SAR
Article 16. Education, training and rehearsal
1. Regulatory authorities at all levels shall raise the public awareness of emergency response and SAR via means of mass media or other appropriate means.
2. The specialized teams shall annually provide advanced training, education and rehearsal for emergency response and SAR under the directives of the National Search and Rescue Committee, regulatory authorities and People's Committees at all levels.
3. Regulatory authorities shall, according to their functions and responsibilities, cooperate with the National Search and Rescue Committee in definition of the content, method of organization and training in emergency response and SAR in the annual training program.
4. The President of the People’s Committee and heads of specialized authority shall be responsible for emergency response and SAR rehearsals under the directive of the National Search and Rescue Committee and superior authority.
Article 17. Duration for education and training
1. The minimum duration for an annual training in emergency response and SAR shall account for 3% of the total training duration as stipulated in the training program released by The Ministry of Education and Training.
2. The Ministry of Education and Training shall stipulate the duration for emergency response and SAR training provided for students.
3. Emergency response and SAR training provided for general education students shall be incorporated in the curricula.
PREFERENTIAL POLICIES APPLICABLE TO INDIVIDUALS ENGAGING IN EMERGENCY EVENTS AND SAR
Article 18. Preferential policies applicable to individuals who are on watch
1. Benefits
Every watcher in the National Search and Rescue Committee and in the Steering Committees for Search and Rescue at all levels shall receive night watch benefits (from 22 pm) as follows:
- Level 1:A night watch of 04 hour per day or more shall be granted a meal allowance which equals (=) 4% of the basic salary under current regulations;
- Level 2 :A night watch of between 02 hours 04 hour shall be granted a meal allowance which equals (=) 2% of the basic salary under current regulations;
2. The quantity of watchers
a) The number of watchers at the National Search and Rescue Committee shall be decided by the Chairman;
b) The number of watchers at the Steering Committee for Search and Rescue shall be decided by the Head of that Steering Committee.
3. Costs of watching shall be included in the operating expenses for emergency response and SAR.
Article 19. Preferential policies applicable to individuals mobilized to participate in emergency response and SAR
1. Any individual who is mobilized to participate in emergency response and SAR under the competent authority’s decision but is not on the State budget’s payroll shall:
a) Be granted benefits as stipulated by the People’s Committee of the province. The minimum benefits per working day of an unskilled worker shall account for 10% his/her basic salary, and the minimum benefits per working day of a worker directly contacting with radioactive substances, biological substances and toxic chemicals shall account for 10% his/her basic salary. In case the work shift is from 22 o’clock to 6 o’clock of the following day, the minimum benefit shall be doubled. Any one working in a dangerous environment shall receive on-the-spot benefits under provisions of laws;
b) Any worker working far from his/her residence shall be provided with the accommodation, travel allowances or means of transport under the Ministry of Finance’s regulation and shall be granted meal allowances as stipulated by the People’s Committee of the province;
c) The authority mobilizing human resources for emergency response and SAR shall incur these above-mentioned expenses.
2. Any individual under the State budget’s payroll mobilized to participate in emergency response and SAR under the competent authority’s decision shall have his/her whole salary and allowances, allowances for traveling , regional and working conditions paid by his/her employer under current policies.
These above-mentioned expenses shall be included in the operating budget.
3. Officials, people’s defense forces and backup militia participating in emergency response and SAR under the competent authority’s decision shall benefit from preferential policies as stipulated by laws.
Article 20. Benefits and preferential policies applicable to emergency response and SAR individuals who are sick, injured and dead
1. The preferential policies shall apply to participants in emergency response and SAR who is sick and injured (from the time of participation in emergency response and SAR until completion and back to the residence) in the following circumstances:
a) (s) he is sick and injured when (s) he is on duty in the workplace in or after the working time under the competent authority’s decision; and
b) (s) he is sick and/or injured on the way to the workplace and to the residence from work verified by the local government where (s) resides;
c) Do not compensate for any worker who damages his/herself by using drugs, alcohol and drug precursors on the List enclosed with the Government’s Decree No.82/2013/ND-CP on introduction of the List of narcotics and drug precursors dated July 19, 2013 and the Government’s Decree No.126/2015/ND-CP dated December 09, 2015 on amendment and supplement to the Decree No.82/2013/ND-CP on introduction of the List of narcotics and drug precursors dated July 19, 2013.
2. Preferential policies applicable to the sick and injured
a) In case any worker who has the compulsory social insurance is sick, injured or dead, the regulations on social insurance, occupational hygiene and safety, and laws on health insurance shall apply.
b) For those without compulsory social insurances:
- In case of illness: Any individual without the health insurance is sick when (s)he on duty shall have his/her medical expenses covered as applied to the one who has the health insurance;
- In case of accidents:
+ (s) he shall have his/her medical expenses for first-aid administration, emergency and treatment covered;
+ (s) he will be recommended to take a work capacity assessment at Medical Examination Council as stipulated by laws;
+ Where 5% of the work capacity is lost, a compensation of 05 times of the basic salary shall be granted. 5% of the basic salary shall be added to every 1% of additional loss if the work capacity;
+In case of loss of one or more body parts or functions which causes loss of work capacity, the disabled preferential policies shall apply.
- In case of death, including persons who die in their first treatment, if the dead has yet to buy the social insurance, the person responsible for the funeral and the dead person’s family shall receive a compensation of ten times and 36 times of the basic salary, respectively.
3. Reimbursements for individuals who are sick and injured due to accidents shall be funded from the State budget. For those having the health insurance, their medical expenses shall be covered by the health fund. For those who having the compulsory social insurance, the social fund shall incur.
4. For those having the health insurance, their medical expenses shall be covered by the health fund. For those who having the compulsory social insurance, the social fund shall incur.
Article 21. Benefits and policies applicable to injured or dead persons
In case an individual participating in emergency response and SAR is injured or dead, preferential policies stipulated by laws may be applied.
FUNDDING AND ALLOCATION OF FUNDDING FOR EMERGENCY RESPONSE AND SAR
1. The funding from the State budget under the current State budget index.
2. Financial aids for emergency response and SAR from foreign countries, overseas and domestic entities.
3. Earnings under service agreements, contributions and compensations as stipulated by laws.
4. The disaster prevention funds established by the Presidents of the People's Committees of provinces.
Article 23. Central government budget’s spending
1. Development investment expenditures
a) Investments in constructions of facilities for the purpose of emergency response and SAR managed by the central authorities;
b) Expenditures on projects for production and procurement of accoutrements and facilities for the purposes of emergency response and SAR under the management of the central authorities.
2. Operating expenses
a) Expenditures on regular activities by the National Search and Rescue Committee and Standing authorities in charge of emergency response and SAR assigned by the central authorities
- Salaries , wages, benefits and contributions;
- Expenditures on maintenance of facilities for emergency response and SAR;
- Expenditures on training, rehearsal and examination of emergency response and SAR;
- Expenditures on scientific research and education;
- Expenditures on production and procurement of reserve and regular material and accoutrements for the purpose of emergency response and SAR;
- Expenditures on maintenance and transport of accoutrements and facilities for emergency response and SAR;
- Expenditures on maintenance and repair of construction works for emergency response and SAR;
- Expenditures on maintenance and repair offices, wharves, warehouses , training fields and infrastructures;
- Expenditures on registration and insurance of emergency response and SAR vehicles;
- Expenditures on foreign affairs, communication and information, expenses for business trips, conferences, summary and awards .
b) Expenditures on occasional duties directly related to emergency response and SAR conducted by entities of the National Search and Rescue Committee, standing authorities and other forces mobilized by competent authorities:
- Expenditures on materials and facilities for occasional emergency response and SAR duties;
- Expenditures on extra meal allowances and benefits for emergency response and SAR teams;
- Expenditures on treatment given to victims and emergency response and SAR teams;
- Rents for emergency response and SAR facilities and expenses for repair of such facilities ( in case of damage due to objective reasons) mobilized by the State competent authority.
- Pay to entities participating in emergency response and SAR, and owner of emergency response and SAR facilities;
- Other expenditures directly related to emergency response and SAR.
Article 24. Local government budget’s spending
1. Development investment expenditures
a) Investments in constructions of facilities for the purpose of emergency response and SAR managed by the local authorities;
b) Expenditures on projects for production and procurement of accoutrements and facilities for the purposes of emergency response and SAR under the management of the local authorities.
2. Operating expenses
a) Operating expenses of standing authorities in charge of emergency response and SAR in the locality, including:
- Salaries , wages, benefits and contributions;
- Expenditure on registration, insurance and operation of emergency response and SAR facilities;
- Expenditure for training, rehearsal and examination of readiness for emergency response and SAR by standing authorities and local authorities;
- Expenditures on scientific research and education;
- Expenditures on production and procurement of reserve and regular material and accoutrements for the purpose of emergency response and SAR;
- Expenditures on maintenance and transport of accoutrements and facilities for emergency response and SAR;
- Expenditures on maintenance and overhaul of accoutrements, infrastructures, wharves, warehouses, training fields and facilities for emergency response and SAR;
- Expenditures on education and dissemination of laws and knowledge of emergency response and SAR to locals and officials;
- Expenditures on rehearsals for emergency response and SAR in provinces according to annual plans;
- Expenditures on communication, information and business trips;
- Expenditures on summary and awards to entities having achievements in emergency response and SAR in the locality.
b) Expenditures on occasional duties directly related to emergency response and SAR conducted by entities of standing authorities and other forces mobilized by competent authorities:
- Expenditures on materials and facilities for occasional emergency response and SAR duties;
- Expenditures on extra meals and allowances for emergency response and SAR teams;
- Expenditures on treatment given to victims and emergency response and SAR teams;
- Rents for emergency response and SAR facilities and expenses for repair of such facilities ( in case of damage due to objective reasons) mobilized by the State competent authority.
- Pay to entities participating in emergency response and SAR, and owner of emergency response and SAR facilities;
- Other expenditures directly related to emergency response and SAR.
ACCOUTREMENTS FOR EMERGENCY RESPONSE AND SAR
Article 25.Types of accoutrements
1. Accoutrements used for emergency response and SAR consists of:
a) Accoutrements for aeronautical search and rescue;
b) Accoutrements for maritime and inland waterway search and rescue;
c) Accoutrements for oil spill response;
d) Fire and rescue equipment;
dd) Collapse rescue equipment;
e) Accoutrements for response to toxic chemical incidents, radiation and biological nuclear;
g) Accoutrements for search and rescue in roads and railways;
h) Search and Rescue accoutrements;
i) Medical accoutrements for search and rescue;
k) Other search and rescue accoutrements.
2. Every regulatory authority shall submit the periodical and annual SAR and emergency response master plans to the Chairman of the National Search and Rescue Committee as the basis for adjustment to the quantity and type of emergency response and SAR accoutrements.
Article 26. Emergency vehicles
1. The propriety shall be given to the fowling vehicles on emergency response and SAR duty shall be given priority:
a) Command vehicles of entities that are on emergency response and SAR duties;
b) emergency response and SAR vehicles which are on duty.
e) Other emergency vehicles stipulated by laws.
2. Signs of emergency vehicles
Every command vehicle and emergency response and SAR vehicle shall have a "TÌM KIẾM CỨU NẠN" flag sign put up on the front left of the driver. The flag sign is in the shape of rectangle, bordered in red, background in white with the size of 20 cm x 30 cm and has the logo of the National Search and Rescue Committee on the left and the phrase "TÌM KIẾM CỨU NẠN" wrote in red on the right.
3. The authority to issue the flag signs such emergency vehicles shall be decided by the Chairman of the National Search and Rescue Committee.
1. The specialized authority shall provide emergency response and SAR teams shall be provided with work uniforms which are convenient and conformable for their jobs. The color, materials and useful life of such work uniform shall be stipulated by the Chairman of the National Search and Rescue Committee.
2. Costs of work uniforms shall be funded from the operating budgets of the specialized authority.
Article 28. Responsibilities of the National Search and Rescue Committee
1. Compile its work regulations and request the Prime Minister to approve; stipulate regimes for cooperation, communication, reporting and liaison between the National Search and Rescue Committee with the Search and Rescue Steering Committees of regulatory authorities to ensure the cooperation and harmony in action.
2. Cooperate with the Ministry of National Defense, the Ministry of Home Affairs and relevant authorities in development of the scheme for emergency response and SAR to 2030 onwards.
3. Cooperate with the Ministry of National Defense, the Board of Directors, the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs and relevant authorities in development of emergency response and SAR training and rehearsal programs for the use of functional forces, officials, students and citizens.
4. Direct standing SAR agencies to give advices about emergency response and SAR to the Heads of regulatory authorities and the Presidents of the People’s Committees at the same level ; direct functional forces to comply with the approved emergency response and SAR plan.
5. Cooperate with regulatory authorities in provision of instructions on development of emergency response and SAR works under the emergency response and SAR planning approved by the Prime Minister.
6. Develop the Operation Regulation and request the Prime Minister to issue this Regulation; use the hotline 112 as contact number for emergency response and SAR.
7. Update and provide information of Acts of God and emergency events to the forecast agencies; give meteohydrological forecasts for the purpose of emergency response and SAR.
8. Assist the Prime Minister in inspection, summary and commendation for emergency response and SAR.
Article 29. Responsibilities of central regulatory authorities
1. The Ministry of National Defense shall:
a) Cooperate with the Ministry of Home Affairs and relevant authorities in development of the scheme for emergency response and SAR to 2030 onwards, and request the Government to review for approval for the scheme.
b) Cooperate with relevant authorities in implementation duties prescribed in Article 28 and Article 29 of this Decree;
c) Take charge of and cooperate with the Ministry of Transport, Ministry of Natural Resources and Environment, Ministry of Science and Technology, the Ministry of Industry , the Ministry of Agriculture and Rural Development , People’s Committees of provinces and relevant authorities in development national plans for response to earthquake, tsunami and oil spill;
d) Take charge of and cooperate with relevant authorities in development and provision of instruction on emergency response teams;
dd) Direct the military zones and local military organizations at all levels to give advices about emergency response and SAR to the People’s Committee of the province;
e) Direct affiliates to organize emergency response teams and mobilize facilities for emergency response and SAR.
2. The Ministry of Public Security shall:
a) Cooperate with relevant authorities in implementation duties prescribed in Article 29 of this Decree;
b) Take charge of and cooperate with the Ministry of National Defense, People’s Committees of provinces and relevant authorities in develop the national plan for response to conflagration of high-rise building, urban complexes, industrial zones and residential areas; manage and mobilize specialized public security forces to do fire fighting search and rescue;
c) Take charge of and cooperate with local governments and relevant authorities in security in regions where emergency events occur.
d) Direct authorities to mobilize emergency response teams and facilities under regulations of laws.
3. The Ministry of Transport shall:
a) Take charge of and cooperate with the Ministry of National Defense, Ministry of Public Security, Ministry of Health, and People’s Committees of provinces in development of national plans for response to maritime incidents and extremely-severe traffic accidents in roads, railways and inland waterways, aviation accidents and incidents in Vietnam’s territory.
Take actions and mobilize emergency response teams and facilities for search and rescue; direct emergency response teams to evacuate residents and property to safe areas, take charge of logistics activities;
b) Cooperate with the Ministry of National Defense and the Ministry of Foreign Affairs in provision of instructions on licensing in maritime and aviation fields and cooperate with foreigners in search and rescue under provisions of laws;
c) Take charge of and disseminate laws and raise people's awareness of maritime security and safety, search and rescue and prevention and control of Acts of Gods;
d) Take charge of and implement International Convention, Treaties and Agreements on maritime and aviation search and rescue and safety of life at sea to which Vietnam is a signatory;
dd) Mobilize human resources and facilities from entities assigned to take charge of traffic channel management and maintenance to regulate and coordinate traffic flow, prevent crashes at vital points on national inland waterways.
4. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall:
a) Cooperate with the National Search and Rescue Committee and relevant authorities in implementation duties prescribed in Article 29 of this Decree;
b) Take charge of and cooperate with the Ministry of National Defense, Ministry of Public Security, Ministry of Industry and Trade, Ministry of Transport, Ministry of Natural Resources and Environment, Ministry of Agriculture and Rural Development and local authorities in development of national plans; take actions against breaches of dykes, reservoirs and dams, forest conflagration, storms, tropical depression, flood, subsidence and other Acts of God;
c) Cooperate in development of plans and provision of food for emergency events, Acts of God and search and rescue under any circumstance.
5. The Ministry of Industry and Trade shall
a) Take charge of and cooperate with relevant authorities in provision of instructions on dealing with explosion and collapse of mines, extraction of coal, petroleum, chemicals, industrial materials and nuclear power;
b) Take charge of and cooperate with the Ministry of National Defense, Ministry of Public Security, People’s Committees at all levels and relevant regulatory authorities in development of emergency response national plans for gas and oil pipeline and drilling rig explosion, collapse of mineral mines, and toxic chemical dispersion; provide instructions related to development of plans and mobilization resources for responding to oil spill and toxic dispersion under regulations of laws.
6. The Ministry of Natural Resources and Environment shall:
a) Carry out meteohydrological monitoring, survey and investigation to collect meteohydrological information and data;
b) Provide instructions on forecast, warnings and provision of information about emergency events related to meteorology, hydrography and oceanography to the National Search and Rescue Committee, regulatory authorities and means of mass media.
7. The Ministry of Health shall:
a) Direct medical facilities, hospitals, research Institutes and preventive healthcare centers to prepare medicines, medical equipment and mobilize human resources for transport victims and administer first aid and preventive healthcare.
b) Direct affiliates to prepare medical equipment, medicines and mobile teams for first aid administration, victim transport and treatment ; provision of preventive healthcare, environmental hygiene and control of epidemics.
8. The Ministry of Construction shall:
a) Review and issue legislative documents within the authority or request the competent authorities to issue such legislative documents, provide guidelines for implementation of legislative documents on safety of construction works in accordance with the Law on prevent and control of acts of God and provisions hereof; take charge of and cooperate with local government in implementation of planning for construction, urban development and response to climate change and Acts of God;
b) Take charge of and cooperate with the Ministry of National Defense, the Ministry of Public Security, the Ministry of Industry and Trade, the Ministry of Transport, the Ministry of Agriculture and Rural Development, the Ministry of Health and regulatory authorities in development of plans for response to collapse of construction works.
9. The Ministry of Science and Technology shall:
Take charge of and cooperate with the Ministry of National Defense, the Ministry of Public Security, the Ministry of Industry and Trade, the Ministry of Natural Resources and Environment and relevant authorities in response to radiation leakage and nuclear radiation.
10. The Ministry of Information and Communications shall:
a) Take charge of and cooperate with relevant authorities in synchronization of regulations on the frequencies of watching, emergencies and development of plans for use of means of communication for the purpose of response to emergency events, Acts of God and SAR;
b) Cooperate with the Ministry of National Defense and the Ministry of Natural Resources and Environment in development of communication and warning networks between observation stations, research centers and the standing SAR agencies at all levels;
c) Direct the Vietnam Posts and Telecommunications Group to develop an emergency communication networks for emergency responses and SAR (hotline:112); instruct telecommunications enterprises to connect their communication networks and use the hotline 112 for the purpose of emergency response and SAR and ensure the connection of this hotline;
d) Direct ministerial agencies and telecommunication enterprises to mobilize resources to ensure communication; disseminate information about emergency response and SAR via means of media.
11. The Ministry of Education and Training shall|:
a) Take charge of and cooperate with the Ministry of National Defense and relevant authorities in organization, education and training in emergency response and SAR;
b) Cooperate with the National Search and Rescue Committee and relevant authorities in development training documents; instruction education and training facilities to prepare facilities and funding for education in emergency response and SAR.
12. The Ministry of Home Affairs shall:
Cooperate with the National Search and Response Committee, the Ministry of National Defense and relevant authorities in development of the plan for emergency response and SAR organizations at all levels to 2030 onwards and submit such plan to the Government to review for approval.
13. The Ministry of Finance shall:
a) Take charge of allocating current budgets for emergency response and SAR to central authorities under the Law on the State budget and other guidance documents;
b) Completely and punctually provide national spare equipment for emergency response and SAR upon request of the competent authorities.
14. The Ministry of Planning and Investment shall:
a) Take charge of and cooperate with the Ministry of Finance, National Search and Rescue and relevant authorities in aggregation annual and 5-year development investment plans for emergency response and SAR prepared by regulatory authorities and annual and 5-year socio-economic development plans prepared by the State; ensure socio-economic development and national defense and security;
b) Verify sources of finance and investment in projects for construction of facilities and production and purchase of equipment for emergency response and SAR under the Law on public investment.
15. The Ministry of Foreign Affairs shall:
a) Direct ministerial agencies, diplomatic missions and Vietnam’s consular offices in foreign countries to cooperate with competent authorities of other countries and international organizations in SAR of Vietnamese victims and properties in those countries or in announcement of intruded SAR regions;
b) Take charge of and cooperate with functional authorities in SAR via diplomatic means; fulfill necessary procedures to solve arising problems and take victims and properties back to Vietnam;
c) Cooperate and provide instruction on search and rescue of foreign victims and properties encountering emergency events in Vietnam’s territory.
16. The Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs shall:
Take charge of and cooperate with relevant authorities and People’s Committees of provinces in review and consolidation of demographics which may suffer from starvation as a consequence of emergency events; implement preferential policies applicable to emergency response teams and those engaging in search and rescue when they are ill, injure or dead under regulations of laws.
17. Every central regulatory authority shall:
a) Cooperate with the National Search and Rescue Committee and relevant authorities in issue and request the competent authorities to issue legislative documents in emergency response and SAR within the assigned fields;
b) Disseminate and educate emergency response and SAR to officers and citizens within the authority;
c) Direct affiliates to implement SAR and emergency response within the authority; Punctually direct their work forces to perform their emergency response and SAR duties upon request of the competent authority;
d) Cooperate with the National Search and Rescue Committee in summary of emergency response and SAR.
Article 30. Responsibilities of People’s Committees at all levels
1. Issue guidance documents on emergency response and SAR within the authority; provide instructions on emergency response and SAR; complete, adjust, supplement and define the functions, rights and responsibilities of the search and rescue committees at all level according to the reality.
2. Mobilize officers and citizens to participate in emergency response and SAR.
3. Develop and approve emergency response and SAR plans, implement such plans and mobilize resources from local organizations and authorities for the purpose of emergency response and SAR upon request of the superior standing SAR authorities.
4. Provide instruction on mobilization of emergency response teams, training and rehearsals.
5. Direct affiliated forces to apply emergency response and SAR measures in order to protect people and their property.
6. Request the superior SAR authorities to mobilize resources from other localities and cooperate with other localities in implementation of emergency response and SAR measures in case of beyond their ability.
7. Allocate current budgets for emergency response and SAR to regulatory authorities; mobilize legal resources for the purposes of emergency response, SAR and recovery of consequences of such events in their locality.
8. Provide instruction and conduct inspection, examination, summary and commendation for emergency response and SAR in the locality.
COMMENDATION AND ACTIONS AGAINST VIOLATIONS
Entities having achievements in emergency response and SAR will be commended and rewarded under the State’s regulations.
Article 32. Actions against violations
Any entity committing any violation against the regulations on emergency response and SAR shall serve a discipline, administrative penalty or face a criminal prosecution, according to the nature and severity of the violation, under regulations of laws.
This Decree enters into force from May 05, 2017 and annuls the Prime Minister’s Decision No.76/2009/QD-TTg dated May 11, 2009 on structure of the National Search and Rescue Committee and SAR systems in regulatory authorities and other regulations which contravenes this Decree.
The Presidents of the National Search and Rescue Committee, Ministers, heads of Ministerial-level agencies, heads of governmental agencies, presidents of People’s Committees of provinces and heads of relevant agencies shall be responsible for implementing this Decree ./.
|
ON BEHALF OF THE GOVERNMENT |
Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực