Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại
Số hiệu: | 22/2017/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Xuân Phúc |
Ngày ban hành: | 24/02/2017 | Ngày hiệu lực: | 15/04/2017 |
Ngày công báo: | 16/03/2016 | Số công báo: | Từ số 189 đến số 190 |
Lĩnh vực: | Thương mại, Thủ tục Tố tụng | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Nghị định 22/2017/NĐ-CP quy định phạm vi, nguyên tắc hòa giải thương mại, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại, hòa giải viên thương mại, tổ chức hòa giải thương mại, tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam và quản lý nhà nước về hoạt động hòa giải thương mại.
1. Hòa giải viên thương mại
- Theo Nghị định số 22/2017, một hòa giải viên thương mại phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, độc lập, vô tư, khách quan; tốt nghiệp đại học trở lên và kinh nghiệm 02 năm trở lên trong lĩnh vực được đào tạo; có kỹ năng hòa giải, hiểu biết pháp luật, tập quán kinh doanh, thương mại.
Nghị định 22/NĐ-CP cho phép các tổ chức hòa giải thương mại được quy định tiêu chuẩn cao hơn quy định trên đối với hòa giải viên thương mại của tổ chức mình.
- Các đối tượng đang là người đang chấp hành án hình sự, bị can, bị cáo hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích; người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc thì không được làm hòa giải viên thương mại.
- Hòa giải viên thương mại thực hiện hòa giải với tư cách là hòa giải viên thương mại vụ việc hoặc hòa giải viên thương mại của tổ chức hòa giải thương mại.
Người muốn trở thành hòa giải viên thương mại vụ việc nếu đủ điều kiện thì đăng ký hòa giải viên thương mại vụ việc tại Sở Tư pháp nơi cư trú.
2. Trình tự, thủ tục hòa giải thương mại
Nghị định 22/2017 quy định việc hòa giải thương mại được tiến hành theo trình tự sau:
+ Thỏa thuận hòa giải: Các bên thỏa thuận hòa giải bằng văn bản dưới hình thức điều khoản hòa giải trong hợp đồng hoặc bằng thỏa thuận riêng.
+ Lựa chọn, chỉ định hòa giải viên thương mại: Nghị định số 22 cho phép các bên thỏa thuận lựa chọn hòa giải viên thương mại từ danh sách hòa giải viên thương mại của tổ chức hòa giải thương mại hoặc hòa giải viên vụ việc do Sở Tư pháp công bố. Việc chỉ định hòa giải viên thương mại thực hiện theo Quy tắc hòa giải của tổ chức hòa giải thương mại.
+ Tiến hành hòa giải: Theo Nghị định 22/2017/CP, các bên được lựa chọn trình tự, thủ tục hòa giải và nếu không lựa chọn được thì hòa giải viên thương mại tiến hành hòa giải theo trình tự, thủ tục phù hợp nhất. Địa điểm, thời gian hòa giải do các bên thỏa thuận hoặc theo hòa giải viên thương mại nếu không có thỏa thuận.
+ Kết quả hòa giải: Nếu hòa giải thành thì các bên lập biên bản về kết quả hòa giải thành. Kết quả hòa giải thành có hiệu lực thi hành đối với các bên theo pháp luật dân sự. Trường hợp không thành thì có thể tiếp tục hòa giải hoặc yêu cầu Trọng tài hoặc Tòa án giải quyết tranh chấp.
+ Công nhận kết quả hòa giải thành.
+ Chấm dứt thủ tục hòa giải trong trường hợp các bên hòa giải thành; một hoặc hai bên đề nghị hoặc hòa giải viên thương mại xét thấy không cần tiếp tục nữa.
Ngoài ra, Nghị định 22/CP còn quy định về hoạt động của tổ chức hòa giải thương mại và tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam.
Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại có hiệu lực ngày 15/4/2017.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
1. Nghị định này quy định về phạm vi, nguyên tắc, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại, hòa giải viên thương mại, tổ chức hòa giải thương mại, tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam và quản lý nhà nước về hoạt động hòa giải thương mại.
Việc các bên tranh chấp tự hòa giải hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không phải là hòa giải viên thương mại, tổ chức hòa giải thương mại, tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam quy định tại Nghị định này làm trung gian hòa giải được thực hiện theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định pháp luật, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.
2. Nghị định này áp dụng đối với hòa giải viên thương mại, tổ chức hòa giải thương mại, tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước về hòa giải thương mại và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động hòa giải thương mại.
1. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.
2. Tranh chấp giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
3. Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng hòa giải thương mại.
1. Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định của Nghị định này.
2. Thỏa thuận hòa giải là thỏa thuận giữa các bên về việc giải quyết tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh bằng phương thức hòa giải.
3. Hòa giải viên thương mại bao gồm hòa giải viên thương mại vụ việc và hòa giải viên thương mại của tổ chức hòa giải thương mại được các bên lựa chọn hoặc được tổ chức hòa giải thương mại chỉ định theo đề nghị của các bên để hỗ trợ các bên giải quyết tranh chấp theo quy định của Nghị định này.
4. Kết quả hòa giải thành là thỏa thuận giữa các bên tranh chấp về việc giải quyết một phần hoặc toàn bộ tranh chấp phát sinh.
5. Hòa giải thương mại quy chế là hình thức giải quyết tranh chấp tại một tổ chức hòa giải thương mại theo quy định của Nghị định này và Quy tắc hòa giải của tổ chức đó.
6. Hòa giải thương mại vụ việc là hình thức giải quyết tranh chấp do hòa giải viên thương mại vụ việc được các bên lựa chọn tiến hành theo quy định của Nghị định này và thỏa thuận của các bên.
1. Các bên tranh chấp tham gia hòa giải hoàn toàn tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ.
2. Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải phải được giữ bí mật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.
3. Nội dung thỏa thuận hòa giải không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, không xâm phạm quyền của bên thứ ba.
1. Khuyến khích các bên tranh chấp sử dụng hòa giải thương mại để giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực thương mại và các tranh chấp khác mà pháp luật quy định được giải quyết bằng hòa giải thương mại.
2. Khuyến khích huy động các nguồn lực tham gia hoạt động hòa giải thương mại, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực hòa giải viên thương mại tổ chức hòa giải thương mại.
Tranh chấp được giải quyết bằng hòa giải thương mại nếu các bên có thỏa thuận hòa giải. Các bên có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng hòa giải trước, sau khi xảy ra tranh chấp hoặc tại bất cứ thời điểm nào của quá trình giải quyết tranh chấp.
1. Người có đủ tiêu chuẩn sau đây thi được làm hòa giải viên thương mại:
a) Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự; có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, độc lập, vô tư, khách quan;
b) Có trình độ đại học trở lên và đã qua thời gian công tác trong lĩnh vực được đào tạo từ 02 năm trở lên;
c) Có kỹ năng hòa giải, hiểu biết pháp luật, tập quán kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực liên quan.
2. Hòa giải viên thương mại được thực hiện hòa giải thương mại với tư cách là hòa giải viên thương mại vụ việc hoặc hòa giải viên thương mại của tổ chức hòa giải thương mại theo quy định tại Nghị định này.
3. Tổ chức hòa giải thương mại có thể quy định tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại của tổ chức mình cao hơn các tiêu chuẩn quy định tại Khoản 1 Điều này.
4. Người đang là bị can, bị cáo, người đang chấp hành án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích; người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc thì không được làm hòa giải viên thương mại.
1. Người có đủ tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định này muốn trở thành hòa giải viên thương mại vụ việc đăng ký tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người đó thường trú. Trường hợp người đề nghị đăng ký là người nước ngoài thì đăng ký tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người đó tạm trú.
2. Người đề nghị đăng ký làm hòa giải viên thương mại vụ việc gửi 01 bộ hồ sơ đến Sở Tư pháp. Hồ sơ bao gồm:
a) Giấy đề nghị đăng ký làm hòa giải viên thương mại vụ việc theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành;
b) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu bằng tốt nghiệp đại học hoặc bằng sau đại học;
c) Giấy tờ chứng minh đã qua thời gian công tác trong lĩnh vực được đào tạo từ 02 năm trở lên có xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc.
Giấy tờ do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp hoặc công chứng, chứng thực ở nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp ghi tên người đề nghị đăng ký vào danh sách hòa giải viên thương mại vụ việc và công bố danh sách hòa giải viên thương mại vụ việc trên Cổng thông tin điện tử của Sở; trường hợp từ chối thì phải thông báo lý do bằng văn bản. Người bị từ chối có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.
4. Trường hợp hòa giải viên thương mại vụ việc thôi làm hòa giải thương mại vụ việc thì gửi văn bản thông báo cho Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đăng ký hòa giải viên thương mại vụ việc. Sở Tư pháp xóa tên hòa giải viên thương mại đó khỏi danh sách hòa giải viên thương mại vụ việc của Sở.
5. Trường hợp tổ chức, cá nhân phát hiện hòa giải viên thương mại vụ việc không còn đủ tiêu chuẩn quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định này hoặc vi phạm quy định tại Điều 10 Nghị định này thì thông báo cho Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi hòa giải viên thương mại vụ việc đăng ký. Sở Tư pháp tiến hành xem xét, xóa tên hòa giải viên thương mại vụ việc đó khỏi danh sách của Sở.
1. Hòa giải viên thương mại có các quyền sau đây:
a) Chấp nhận hoặc từ chối thực hiện hoạt động hòa giải thương mại;
b) Từ chối cung cấp thông tin liên quan đến vụ tranh chấp, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc theo quy định của pháp luật;
c) Được hưởng thù lao từ việc thực hiện hoạt động hòa giải thương mại theo thỏa thuận với các bên tranh chấp;
d) Các quyền khác theo quy định của Nghị định này và của pháp luật có liên quan.
2. Hòa giải viên thương mại có các nghĩa vụ sau đây:
a) Tuân thủ pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử của hòa giải viên thương mại; độc lập, vô tư, khách quan, trung thực;
b) Tôn trọng thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm pháp luật và không trái đạo đức xã hội;
c) Bảo vệ bí mật thông tin về vụ tranh chấp mà mình tham gia hòa giải, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc theo quy định của pháp luật;
d) Thông báo cho các bên về thẩm quyền, thù lao và chi phí trước khi tiến hành hòa giải;
đ) Không được đồng thời đảm nhiệm vai trò đại diện hay tư vấn cho một trong các bên, không được đồng thời là trọng tài viên đối với cùng vụ tranh chấp đang hoặc đã tiến hành hòa giải, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
e) Các nghĩa vụ khác theo quy định của Nghị định này và của pháp luật có liên quan.
1. Tiết lộ thông tin về vụ việc, khách hàng mà mình biết được trong quá trình hòa giải, trừ trường hợp được các bên tranh chấp đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.
2. Vi phạm quy tắc đạo đức hòa giải viên thương mại.
3. Nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ các bên ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận.
4. Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật.
1. Thỏa thuận hòa giải có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản hòa giải trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng.
2. Thỏa thuận hòa giải được xác lập bằng văn bản.
1. Hòa giải viên thương mại do các bên thỏa thuận lựa chọn từ danh sách hòa giải viên thương mại của tổ chức hòa giải thương mại hoặc từ danh sách hòa giải viên thương mại vụ việc do Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố.
2. Việc chỉ định hòa giải viên thương mại thông qua tổ chức hòa giải thương mại được thực hiện theo Quy tắc hòa giải của tổ chức hòa giải thương mại.
1. Các bên tranh chấp có các quyền sau đây:
a) Lựa chọn trình tự, thủ tục hòa giải, hòa giải viên thương mại, địa điểm, thời gian để tiến hành hòa giải;
b) Đồng ý hoặc từ chối hòa giải; yêu cầu tạm dừng hoặc chấm dứt hòa giải;
c) Yêu cầu việc hòa giải được tiến hành công khai hoặc không công khai;
d) Được bày tỏ ý chí và quyết định về nội dung hòa giải;
đ) Các quyền khác theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.
2. Các bên tranh chấp có các nghĩa vụ sau đây:
a) Trình bày đúng sự thật, các tình tiết của tranh chấp, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ tranh chấp theo đề nghị của hòa giải viên thương mại;
b) Thi hành kết quả hòa giải thành;
c) Trả thù lao và chi phí dịch vụ hòa giải thương mại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
d) Các nghĩa vụ khác theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.
1. Các bên có quyền lựa chọn Quy tắc hòa giải của tổ chức hòa giải thương mại để tiến hành hòa giải hoặc tự thỏa thuận trình tự, thủ tục hòa giải. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về trình tự, thủ tục hòa giải thì hòa giải viên thương mại tiến hành hòa giải theo trình tự, thủ tục mà hòa giải viên thương mại thấy phù hợp với tình tiết vụ việc, nguyện vọng của các bên và được các bên chấp thuận.
2. Tranh chấp có thể do một hoặc nhiều hòa giải viên thương mại tiến hành theo thỏa thuận của các bên.
3. Tại bất kỳ thời điểm nào trong quá trình hòa giải, hòa giải viên thương mại đều có quyền đưa ra đề xuất nhằm giải quyết tranh chấp.
4. Địa điểm, thời gian hòa giải được thực hiện theo thỏa thuận của các bên hoặc theo lựa chọn của hòa giải viên thương mại trong trường hợp các bên không có thỏa thuận.
1. Khi đạt được kết quả hòa giải thành các bên lập văn bản về kết quả hòa giải thành. Văn bản về kết quả hòa giải thành có hiệu lực thi hành đối với các bên theo quy định của pháp luật dân sự.
2. Văn bản về kết quả hòa giải thành gồm các nội dung chính sau đây:
a) Căn cứ tiến hành hòa giải;
b) Thông tin cơ bản về các bên;
c) Nội dung chủ yếu của vụ việc;
d) Thỏa thuận đạt được và giải pháp thực hiện;
đ) Các nội dung khác theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định của pháp luật.
3. Văn bản về kết quả hòa giải thành có chữ ký của các bên và hòa giải viên thương mại.
4. Trường hợp không đạt được kết quả hòa giải thành, các bên có quyền tiếp tục hòa giải hoặc yêu cầu Trọng tài hoặc Tòa án giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.
Văn bản về kết quả hòa giải thành được xem xét công nhận theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Thủ tục hòa giải chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
1. Khi các bên đạt được kết quả hòa giải thành.
2. Khi hòa giải viên thương mại xét thấy không cần thiết tiếp tục thực hiện hòa giải, sau khi tham khảo ý kiến của các bên.
3. Theo đề nghị của một hoặc các bên tranh chấp.
Tổ chức hòa giải thương mại bao gồm:
1. Trung tâm hòa giải thương mại được thành lập và hoạt động theo quy định tại Nghị định này.
2. Trung tâm trọng tài được thành lập và hoạt động theo pháp luật về trọng tài thương mại thực hiện hoạt động hòa giải thương mại theo quy định tại Điều 23 Nghị định này.
1. Trung tâm hòa giải thương mại được thành lập theo quy định của Nghị định này, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.
2. Trung tâm hòa giải thương mại hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.
3. Trung tâm hòa giải thương mại được lập chi nhánh, văn phòng đại diện ở trong nước và nước ngoài.
4. Cơ cấu tổ chức của Trung tâm hòa giải thương mại do điều lệ của Trung tâm quy định. Chủ tịch Trung tâm hòa giải thương mại là hòa giải viên thương mại.
1. Tên của Trung tâm hòa giải thương mại được đặt bằng tiếng Việt bao gồm cụm từ “Trung tâm hòa giải thương mại”, không trùng lặp, không gây nhầm lẫn với tên của các tổ chức hòa giải thương mại khác đã được cấp Giấy phép thành lập; không vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Trung tâm hòa giải thương mại có thể dùng tên viết tắt, tên giao dịch bằng tiếng nước ngoài.
2. Tên của chi nhánh Trung tâm hòa giải thương mại bao gồm cụm từ “chi nhánh” và tên của Trung tâm hòa giải thương mại.
3. Tên của văn phòng đại diện Trung tâm hòa giải thương mại bao gồm cụm từ “văn phòng đại diện” và tên của Trung tâm hòa giải thương mại.
1. Công dân Việt Nam có đủ tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định này muốn thành lập Trung tâm hòa giải thương mại gửi 01 bộ hồ sơ đến Bộ Tư pháp. Hồ sơ bao gồm:
a) Giấy đề nghị thành lập Trung tâm hòa giải thương mại theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành;
b) Danh sách sáng lập viên;
c) Giấy tờ chứng minh sáng lập viên đủ tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định này;
d) Dự thảo Quy tắc hòa giải của Trung tâm.
Nội dung của Quy tắc hòa giải của Trung tâm không được trái quy định của pháp luật.
2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Tư pháp cấp Giấy phép thành lập cho Trung tâm hòa giải thương mại; trường hợp từ chối thì phải thông báo lý do bằng văn bản. Người bị từ chối có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.
1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày quyết định cấp Giấy phép thành lập của Trung tâm hòa giải thương mại có hiệu lực, Trung tâm gửi hồ sơ đăng ký hoạt động đến Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Trung tâm đặt trụ sở. Hết thời hạn này, nếu Trung tâm hòa giải thương mại không đăng ký hoạt động thì Giấy phép thành lập không còn giá trị, trừ trường hợp có lý do chính đáng.
2. Hồ sơ đăng ký hoạt động Trung tâm hòa giải thương mại bao gồm:
a) Giấy đề nghị đăng ký hoạt động theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành;
b) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu Giấy phép thành lập Trung tâm;
c) Giấy tờ chứng minh về trụ sở của Trung tâm.
3. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Trung tâm hòa giải thương mại; trường hợp từ chối thì phải thông báo lý do bằng văn bản. Sở Tư pháp gửi bản sao Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm hòa giải thương mại cho Bộ Tư pháp.
4. Trung tâm hòa giải thương mại được hoạt động kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động. Trung tâm hòa giải thương mại được sử dụng con dấu theo quy định của pháp luật.
5. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động, Trung tâm hòa giải thương mại phải đăng báo hằng ngày của Trung ương hoặc báo địa phương nơi đăng ký hoạt động trong ba số liên tiếp về những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ trụ sở của Trung tâm hòa giải thương mại;
b) Lĩnh vực hoạt động của Trung tâm hòa giải thương mại;
c) Số Giấy đăng ký hoạt động, cơ quan cấp, ngày, tháng, năm cấp;
d) Thời điểm bắt đầu hoạt động của Trung tâm hòa giải thương mại.
1. Trung tâm trọng tài đã được cấp Giấy phép thành lập và đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật trọng tài thương mại muốn thực hiện hoạt động hòa giải thương mại gửi 01 bộ hồ sơ đến Bộ Tư pháp. Hồ sơ bao gồm:
a) Giấy đề nghị bổ sung hoạt động hòa giải thương mại theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành;
b) Dự thảo Quy tắc hòa giải của Trung tâm.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Tư pháp ra quyết định bổ sung hoạt động hòa giải thương mại cho Trung tâm trọng tài; trường hợp từ chối thì phải thông báo lý do bằng văn bản. Trung tâm trọng tài thực hiện đăng ký thay đổi nội dung Giấy đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Trung tâm đăng ký hoạt động.
2. Các sáng lập viên nộp hồ sơ đề nghị thành lập Trung tâm trọng tài muốn Trung tâm trọng tài được đồng thời thực hiện hoạt động hòa giải thương mại thì trong hồ sơ thành lập Trung tâm trọng tài gửi kèm theo Dự thảo Quy tắc hòa giải.
3. Nội dung Quy tắc hòa giải của Trung tâm trọng tài không được trái quy định, của pháp luật.
4. Trình tự, thủ tục thành lập Trung tâm trọng tài, đăng ký hoạt động Trung tâm trọng tài, thay đổi nội dung Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động Trung tâm trọng tài được thực hiện theo quy định của pháp luật trọng tài thương mại.
1. Tổ chức hòa giải thương mại có các quyền sau đây:
a) Thực hiện hoạt động hòa giải thương mại;
b) Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên thương mại;
c) Thu thù lao và các khoản thu hợp pháp khác có liên quan đến hoạt động hòa giải thương mại;
d) Xây dựng tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại và quy trình xét chọn, lập danh sách, xóa tên hòa giải viên thương mại trong danh sách hòa giải viên thương mại của tổ chức mình;
đ) Chỉ định hòa giải viên thương mại theo yêu cầu của các bên;
e) Các quyền khác theo quy định Nghị định này và pháp luật có liên quan.
2. Tổ chức hòa giải thương mại có các nghĩa vụ sau đây:
a) Lập, công bố danh sách hòa giải viên thương mại, gửi danh sách hòa giải viên thương mại của tổ chức mình cho Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức hòa giải thương mại đăng ký hoạt động trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động hoặc kể từ ngày quyết định bổ sung hoạt động hòa giải thương mại cho Trung tâm trọng tài có hiệu lực hoặc kể từ ngày có thay đổi về danh sách hòa giải viên thương mại.
b) Trả thù lao và các chi phí khác cho hòa giải viên thương mại;
c) Ban hành quy tắc đạo đức và ứng xử của hòa giải viên thương mại;
d) Xây dựng, ban hành và công bố công khai Quy tắc hòa giải, mức thù lao hòa giải;
đ) Báo cáo Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đăng ký hoạt động về tổ chức, hoạt động định kỳ hằng năm và khi có yêu cầu;
e) Lưu trữ hồ sơ, cung cấp thông tin về kết quả hòa giải theo yêu cầu của các bên tranh chấp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
g) Các nghĩa vụ khác theo quy định Nghị định này và pháp luật có liên quan.
1. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của Trung tâm hòa giải thương mại, hoạt động phù hợp với lĩnh vực hoạt động ghi trong Giấy phép thành lập của Trung tâm hòa giải thương mại.
2. Trung tâm hòa giải thương mại chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của chi nhánh. Trung tâm hòa giải thương mại cử một hòa giải viên thương mại làm Trưởng chi nhánh.
3. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày quyết định lập chi nhánh, Trung tâm hòa giải thương mại gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký hoạt động của chi nhánh đến Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt chi nhánh. Hồ sơ bao gồm:
a) Giấy đề nghị đăng ký hoạt động của chi nhánh theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành;
b) Quyết định thành lập chi nhánh của Trung tâm hòa giải thương mại.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho chi nhánh. Sở Tư pháp gửi bản sao Giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh cho Bộ Tư pháp.
4. Trường hợp Trung tâm hòa giải thương mại thành lập chi nhánh ở ngoài phạm vi tính, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi Trung tâm đăng ký hoạt động, thì trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chi nhánh được cấp Giấy đăng ký hoạt động, Trung tâm hòa giải thương mại thông báo bằng văn bản về việc thành lập chi nhánh cho Sở Tư pháp nơi Trung tâm hòa giải thương mại đăng ký hoạt động.
5. Chi nhánh của Trung tâm hòa giải thương mại được sử dụng con dấu theo quy định của pháp luật.
1. Trường hợp có nhu cầu thay đổi về tên gọi, địa chỉ trụ sở từ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương này sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác, Trung tâm hòa giải thương mại gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị thay đổi đến Bộ Tư pháp. Hồ sơ bao gồm:
a) Giấy đề nghị thay đổi theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành;
b) Giấy tờ liên quan đến việc thay đổi.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị thay đổi, Bộ Tư pháp có văn bản chấp thuận nội dung thay đổi; trường hợp từ chối phải thông báo lý do bằng văn bản.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày văn bản chấp thuận của Bộ Tư pháp về việc thay đổi tên gọi có hiệu lực, Trung tâm hòa giải thương mại có văn bản đề nghị thay đổi tên gọi trong Giấy đăng ký hoạt động gửi Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Trung tâm đăng ký hoạt động. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Trung tâm, Sở Tư pháp ra quyết định thay đổi tên gọi trong Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm.
3. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày văn bản chấp thuận của Bộ Tư pháp về việc thay đổi địa chỉ trụ sở từ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương này sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác có hiệu lực, Trung tâm hòa giải thương mại thực hiện đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt địa chỉ trụ sở mới. Trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động thực hiện theo quy định tại Khoản 2 và 3 Điều 22 Nghị định này.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động mới, Trung tâm hòa giải thương mại có văn bản thông báo cho Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Trung tâm đăng ký hoạt động trước khi thay đổi địa chỉ trụ sở. Sở Tư pháp ra quyết định thu hồi Giấy đăng ký hoạt động đã cấp cho Trung tâm.
4. Trường hợp Trung tâm hòa giải thương mại thay đổi địa điểm đặt trụ sở trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thay đổi địa điểm đặt trụ sở, Trung tâm thông báo bằng văn bản cho Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Trung tâm đăng ký hoạt động.
1. Trường hợp Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm hòa giải thương mại, Giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh Trung tâm hòa giải thương mại bị mất, cháy, rách, nát hoặc bị tiêu hủy dưới hình thức khác, Trung tâm hòa giải thương mại, chi nhánh Trung tâm hòa giải thương mại gửi giấy đề nghị cấp lại đến cơ quan có thẩm quyền nơi đã cấp Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động để được cấp lại.
2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được giấy đề nghị, Bộ Tư pháp cấp lại Giấy phép thành lập cho Trung tâm hòa giải thương mại. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy đề nghị, Sở Tư pháp cấp lại Giấy đăng ký hoạt động cho Trung tâm hòa giải thương mại, Giấy đăng ký hoạt động cho chi nhánh Trung tâm hòa giải thương mại.
1. Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của Trung tâm hòa giải thương mại, được thành lập nhằm tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội hoạt động hòa giải thương mại. Văn phòng đại diện được sử dụng con dấu theo quy định của pháp luật.
2. Trung tâm hòa giải thương mại chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của văn phòng đại diện.
3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày lập văn phòng đại diện, thay đổi địa điểm, thay đổi Trưởng văn phòng đại diện, Trung tâm hòa giải thương mại gửi thông báo cho Sở Tư pháp tính, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Trung tâm đăng ký hoạt động.
Trường hợp lập văn phòng đại diện ở ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Trung tâm hòa giải thương mại đăng ký hoạt động thì Trung tâm gửi thông báo cho Sở Tư pháp nơi thành lập văn phòng đại diện và Sở Tư pháp nơi Trung tâm đăng ký hoạt động.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện Trung tâm hòa giải thương mại ở nước ngoài hoặc kể từ ngày chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài, Trung tâm hòa giải thương mại thông báo bằng văn bản cho Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Trung tâm đăng ký hoạt động.
1. Trung tâm hòa giải thương mại bị thu hồi Giấy phép thành lập trong các trường hợp sau đây:
a) Trung tâm hòa giải thương mại có hành vi vi phạm đã bị xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động hòa giải thương mại theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà tái phạm;
b) Trung tâm hòa giải thương mại không tiến hành bất kỳ hoạt động hòa giải thương mại nào trong vòng 05 năm liên tục kể từ ngày được cấp Giấy phép thành lập;
c) Trung tâm hòa giải thương mại không đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Trung tâm đặt trụ sở trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định cấp Giấy phép thành lập có hiệu lực, trừ trường hợp có lý do chính đáng.
2. Trường hợp tổ chức, cá nhân phát hiện Trung tâm hòa giải thương mại thuộc trường hợp bị thu hồi Giấy phép thành lập thì thông báo cho Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Trung tâm đăng ký hoạt động. Sở Tư pháp tiến hành xem xét, xác minh. Trường hợp phát hiện Trung tâm hòa giải thương mại thuộc trường hợp bị thu hồi Giấy phép thành lập theo Khoản 1 Điều này thì Sở Tư pháp có văn bản đề nghị Bộ Tư pháp thu hồi Giấy phép thành lập, trong đó nêu rõ lý do kèm theo các giấy tờ chứng minh (nếu có).
3. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Sở Tư pháp, Bộ Tư pháp xem xét, quyết định thu hồi Giấy phép thành lập của Trung tâm hòa giải thương mại.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định thu hồi Giấy phép thành lập của Bộ Tư pháp có hiệu lực, Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cấp Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm hòa giải thương mại ra quyết định thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm.
4. Chi nhánh Trung tâm hòa giải thương mại có hành vi vi phạm đã bị xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động hòa giải thương mại theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà tái phạm thì bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động. Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cấp Giấy đăng ký hoạt động cho chi nhánh thực hiện việc thu hồi Giấy đăng ký hoạt động.
1. Trung tâm hòa giải thương mại chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau đây:
a) Tự chấm dứt hoạt động;
b) Bị thu hồi Giấy phép thành lập theo quy định tại Khoản 1 Điều 30 Nghị định này.
2. Trường hợp chấm dứt hoạt động theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này thì chậm nhất 30 ngày trước ngày chấm dứt hoạt động, Trung tâm hòa giải thương mại thông báo bằng văn bản về việc chấm dứt hoạt động cho Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Trung tâm đăng ký hoạt động.
Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày quyết định chấm dứt hoạt động, Trung tâm hòa giải thương mại thanh toán xong các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác, thanh lý các hợp đồng, hoàn tất các vụ việc đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
3. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn tất các thủ tục nêu tại Khoản 2 Điều này, Trung tâm hòa giải thương mại báo cáo bằng văn bản cho Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Trung tâm đăng ký hoạt động. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của Trung tâm hòa giải thương mại, Bộ Tư pháp ra quyết định thu hồi Giấy phép thành lập. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày Quyết định thu hồi Giấy phép thành lập của Bộ Tư pháp có hiệu lực, Sở Tư pháp ra quyết định thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm.
4. Trường hợp chấm dứt hoạt động theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này, thì trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày quyết định của Bộ Tư pháp về việc thu hồi Giấy phép thành lập của Trung tâm hòa giải thương mại có hiệu lực, Trung tâm thanh toán xong các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác, thanh lý các hợp đồng, hoàn tất các vụ việc đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
5. Trung tâm trọng tài chấm dứt việc thực hiện hoạt động hòa giải thương mại trong các trường hợp sau đây:
a) Trung tâm trọng tài chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật trọng tài thương mại;
b) Trung tâm trọng tài chấm dứt việc thực hiện hoạt động hòa giải thương mại theo Điều lệ của Trung tâm;
c) Trung tâm trọng tài không tiến hành bất kỳ hoạt động hòa giải thương mại nào trong vòng 05 năm, kể từ ngày quyết định bổ sung hoạt động hòa giải thương mại của Bộ Tư pháp có hiệu lực;
d) Trung tâm trọng tài có hành vi vi phạm đã bị xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động hòa giải thương mại theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà tái phạm.
6. Việc chấm dứt hoạt động của Trung tâm trọng tài theo quy định tại Điểm a và b Khoản 5 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật trọng tài thương mại. Việc thanh toán các nghĩa vụ của Trung tâm được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều này.
7. Trường hợp Trung tâm trọng tài chấm dứt hoạt động theo quy định tại Điểm c và d Khoản 5 Điều này, Bộ Tư pháp có văn bản thu hồi quyết định bổ sung hoạt động hòa giải thương mại của Trung tâm trọng tài. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày văn bản thu hồi quyết định bổ sung hoạt động hòa giải thương mại có hiệu lực, Trung tâm trọng tài thực hiện việc thay đổi nội dung Giấy đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Trung tâm trọng tài đăng ký hoạt động. Trình tự, thủ tục thay đổi nội dung Giấy đăng ký hoạt động thực hiện theo pháp luật về trọng tài thương mại. Việc thanh toán các nghĩa vụ của Trung tâm được thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều này.
1. Chi nhánh Trung tâm hòa giải thương mại chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau:
a) Theo quyết định của Trung tâm hòa giải thương mại;
b) Trung tâm hòa giải thương mại chấm dứt hoạt động theo quy định tại Khoản 1 Điều 31 Nghị định này;
c) Giấy đăng ký hoạt động của Chi nhánh bị thu hồi theo quy định tại Khoản 4 Điều 30 Nghị định này.
2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Chi nhánh chấm dứt hoạt động, Trung tâm hòa giải thương mại thông báo bằng văn bản cho Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Trung tâm đăng ký hoạt động và Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi chi nhánh đăng ký hoạt động về việc chấm dứt hoạt động của Chi nhánh.
3. Văn phòng đại diện của Trung tâm hòa giải thương mại chấm dứt hoạt động theo quyết định của Trung tâm hòa giải thương mại hoặc khi Trung tâm hòa giải thương mại chấm dứt hoạt động theo quy định tại Khoản 1 Điều 31 Nghị định này. Chậm nhất 10 ngày trước ngày chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện, Trung tâm hòa giải thương mại thông báo về việc chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện cho Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Trung tâm đăng ký hoạt động và Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trụ sở văn phòng đại diện.
1. Tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại nước ngoài, tôn trọng Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì được phép hoạt động tại Việt Nam theo quy định của Nghị định này.
2. Tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài hoạt động tại Việt Nam dưới các hình thức sau đây:
a) Chi nhánh của tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài (sau đây gọi là chi nhánh);
b) Văn phòng đại diện của tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài (sau đây gọi là văn phòng đại diện).
1. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài, được thành lập và thực hiện hoạt động hòa giải thương mại tại Việt Nam theo quy định của Nghị định này. Tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài chịu trách nhiệm về hoạt động của chi nhánh trước pháp luật Việt Nam. Tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài cử một hòa giải viên thương mại làm Trưởng chi nhánh. Trưởng chi nhánh là người đại diện theo ủy quyền của tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam.
2. Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài được thành lập để tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội hoạt động hòa giải tại Việt Nam theo quy định của Nghị định này. Tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài chịu trách nhiệm về hoạt động của văn phòng đại diện trước pháp luật Việt Nam.
3. Tên chi nhánh của tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài phải bao gồm cụm từ “Chi nhánh” và tên của tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài.
Tên của văn phòng đại diện của tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài phải bao gồm cụm từ “Văn phòng đại diện” và tên của tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài.
Tên chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài phải đảm bảo phù hợp với quy định tại Khoản 1 Điều 20 Nghị định này.
1. Quyền và nghĩa vụ của chi nhánh
a) Thuê trụ sở phục vụ cho hoạt động của chi nhánh;
b) Tuyển dụng lao động là người Việt Nam, người nước ngoài để làm việc tại chi nhánh theo quy định của pháp luật;
c) Mở tài khoản bằng đồng Việt Nam, bằng ngoại tệ tại ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam để phục vụ cho hoạt động của chi nhánh;
d) Chuyển thu nhập của chi nhánh ra nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam;
đ) Có con dấu theo quy định của pháp luật;
e) Hoạt động đúng mục đích, phạm vi và thời hạn được quy định trong Giấy phép thành lập chi nhánh;
g) Chỉ định hòa giải viên thực hiện hòa giải theo ủy quyền của tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài;
h) Cung cấp dịch vụ hòa giải thương mại;
i) Lưu trữ hồ sơ, cung cấp các bản sao kết quả hòa giải theo yêu cầu của các bên tranh chấp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
k) Báo cáo về tổ chức và hoạt động hòa giải thương mại với Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi chi nhánh đăng ký hoạt động định kỳ hàng năm và khi có yêu cầu;
l) Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
2. Quyền và nghĩa vụ của văn phòng đại diện
a) Các quyền, nghĩa vụ quy định tại các Điểm a, b, c, đ, e và l Khoản 1 Điều này;
b) Tìm kiếm, thúc đẩy các cơ hội hoạt động hòa giải thương mại tại Việt Nam;
c) Không được thực hiện hoạt động hòa giải thương mại tại Việt Nam; chỉ được thực hiện các hoạt động xúc tiến, quảng bá hoạt động hòa giải thương mại theo quy định của pháp luật Việt Nam.
d) Báo cáo về tổ chức và hoạt động hòa giải thương mại với Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi văn phòng đại diện đặt trụ sở định kỳ hàng năm và khi có yêu cầu.
1. Tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài muốn thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam gửi 01 bộ hồ sơ đến Bộ Tư pháp. Hồ sơ bao gồm:
a) Giấy đề nghị thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành;
b) Bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh việc thành lập hợp pháp của tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp;
c) Bản giới thiệu về hoạt động của tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài;
d) Quyết định cử hòa giải viên thương mại làm Trưởng chi nhánh, Trưởng văn phòng đại diện;
đ) Danh sách hòa giải viên thương mại, nhân viên dự kiến làm việc tại chi nhánh; danh sách nhân viên dự kiến làm việc tại văn phòng đại diện.
3. Các giấy tờ kèm theo Giấy đề nghị thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện nếu bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và bản dịch phải được chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Giấy tờ do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp hoặc công chứng, chứng thực ở nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
4. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Tư pháp cấp Giấy phép thành lập cho chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài; trường hợp từ chối phải thông báo lý do bằng văn bản.
1. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày quyết định cấp Giấy phép thành lập có hiệu lực, chi nhánh gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký hoạt động đến Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trụ sở chi nhánh. Hết thời hạn này, nếu chi nhánh không đăng ký hoạt động thì Giấy phép thành lập không còn giá trị, trừ trường hợp có lý do chính đáng.
2. Hồ sơ đăng ký hoạt động bao gồm:
a) Giấy đề nghị đăng ký hoạt động theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành;
b) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu Giấy phép thành lập chi nhánh;
c) Giấy tờ chứng minh về trụ sở của chi nhánh.
3. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho chi nhánh. Chi nhánh được hoạt động kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày cấp Giấy đăng ký hoạt động cho chi nhánh, Sở Tư pháp gửi bản sao Giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh cho Bộ Tư pháp.
4. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định cấp Giấy phép thành lập có hiệu lực, văn phòng đại diện gửi 01 bộ hồ sơ thông báo về việc thành lập văn phòng đại diện đến Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trụ sở của văn phòng đại diện. Hồ sơ bao gồm:
a) Thông báo về việc lập văn phòng đại diện;
b) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu Giấy phép thành lập văn phòng đại diện.
1. Chi nhánh có nhu cầu thay đổi về tên gọi, Trưởng chi nhánh, địa chỉ trụ sở từ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương này sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị thay đổi đến Bộ Tư pháp. Hồ sơ bao gồm:
a) Giấy đề nghị thay đổi theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành;
b) Giấy tờ liên quan đến việc thay đổi.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Tư pháp có văn bản chấp thuận nội dung thay đổi; trường hợp từ chối phải thông báo lý do bằng văn bản.
2. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày văn bản chấp thuận của Bộ Tư pháp về việc thay đổi tên gọi, Trưởng chi nhánh có hiệu lực, chi nhánh có văn bản đề nghị thay đổi tên gọi, Trưởng chi nhánh trong Giấy đăng ký hoạt động gửi Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của chi nhánh, Sở Tư pháp ra quyết định thay đổi tên gọi, Trưởng chi nhánh trong Giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh.
3. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày văn bản chấp thuận của Bộ Tư pháp về việc thay đổi địa chỉ trụ sở từ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương này sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác có hiệu lực, chi nhánh thực hiện đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt địa chỉ trụ sở mới. Trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động thực hiện theo quy định tại Khoản 2 và 3 Điều 37 Nghị định này.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động mới, chi nhánh có văn bản thông báo cho Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi chi nhánh đăng ký hoạt động trước khi thay đổi địa chỉ trụ sở. Sở Tư pháp ra quyết định thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh.
4. Văn phòng đại diện thay đổi tên gọi, Trưởng văn phòng đại diện, địa điểm đặt trụ sở từ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương này sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác thì trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định thay đổi phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi văn phòng đại diện đặt trụ sở.
1. Trường hợp Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh, Giấy phép thành lập văn phòng đại diện của tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam bị mất, cháy, rách, nát hoặc bị tiêu hủy dưới hình thức khác, chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam gửi giấy đề nghị cấp lại đến cơ quan có thẩm quyền nơi đã cấp Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động để được cấp lại.
2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được giấy đề nghị, Bộ Tư pháp cấp lại Giấy phép thành lập cho chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy đề nghị, Sở Tư pháp cấp lại Giấy đăng ký hoạt động cho chi nhánh của tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam.
1. Chi nhánh của tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam bị thu hồi Giấy phép thành lập trong trường hợp sau đây:
a) Chi nhánh có hành vi vi phạm đã bị xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động hòa giải thương mại theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà tái phạm;
b) Chi nhánh không tiến hành bất kỳ hoạt động nào ghi trong Giấy phép thành lập trong vòng 05 năm liên tục kể từ ngày được cấp Giấy phép thành lập;
c) Chi nhánh không đăng ký hoạt động trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày quyết định cấp Giấy phép thành lập có hiệu lực, trừ trường hợp có lý do chính đáng.
2. Văn phòng đại diện của tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam bị thu hồi Giấy phép thành lập trong trường hợp có hành vi vi phạm đã bị xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động hòa giải thương mại theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà tái phạm.
3. Trường hợp tổ chức, cá nhân phát hiện chi nhánh, văn phòng đại diện thuộc trường hợp bị thu hồi Giấy phép thành lập thì thông báo cho Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi chi nhánh, văn phòng đại diện đặt trụ sở. Sở Tư pháp tiến hành xem xét, xác minh.
Trường hợp có căn cứ khẳng định chi nhánh, văn phòng đại diện thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 và 2 Điều này thì Sở Tư pháp có văn bản đề nghị Bộ Tư pháp thu hồi Giấy phép thành lập, trong đó nêu rõ lý do kèm theo các giấy tờ chứng minh (nếu có).
4. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Sở Tư pháp, Bộ Tư pháp xem xét, quyết định thu hồi Giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện.
5. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày quyết định của Bộ Tư pháp về việc thu hồi Giấy phép thành lập chi nhánh của tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực, Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi chi nhánh đăng ký hoạt động ra quyết định thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh.
1. Chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau đây:
a) Chi nhánh, văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động theo quyết định của tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài;
b) Tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam chấm dứt hoạt động ở nước ngoài;
c) Chi nhánh, văn phòng đại diện bị thu hồi Giấy phép thành lập theo quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 40 Nghị định này.
2. Trường hợp chấm dứt hoạt động theo quy định tại Điểm a và b Khoản 1 Điều này thì chậm nhất là 30 ngày trước ngày chấm dứt hoạt động, chi nhánh, văn phòng đại diện thông báo bằng văn bản về việc chấm dứt hoạt động cho Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương nơi chi nhánh, văn phòng đại diện đặt trụ sở.
Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày chấm dứt hoạt động, chi nhánh, văn phòng đại diện thanh toán xong các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác; thanh lý các hợp đồng lao động; hoàn tất các vụ việc đã nhận đối với chi nhánh, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
3. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hoàn tất các thủ tục tại Khoản 2 Điều này, chi nhánh, văn phòng đại diện báo cáo bằng văn bản cho Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi chi nhánh đăng ký hoạt động, văn phòng đại diện đặt trụ sở. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của chi nhánh, văn phòng đại diện, Bộ Tư pháp ra quyết định thu hồi Giấy phép thành lập của chi nhánh, văn phòng đại diện; Sở Tư pháp ra quyết định thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh.
4. Trường hợp chấm dứt hoạt động theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này, thì trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày quyết định của Bộ Tư pháp về việc thu hồi Giấy phép thành lập của chi nhánh, văn phòng đại diện có hiệu lực, chi nhánh, văn phòng đại diện thanh toán xong các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác, thanh lý các hợp đồng lao động, hoàn tất các vụ việc đã nhận đối với chi nhánh, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
1. Bộ Tư pháp là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về hòa giải thương mại trong phạm vi cả nước, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Soạn thảo, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành pháp luật về hòa giải thương mại;
b) Cấp, thu hồi Giấy phép thành lập của Trung tâm hòa giải thương mại; cấp, thu hồi Giấy phép thành lập của chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam; chấp thuận việc thay đổi nội dung Giấy phép thành lập của Trung tâm hòa giải thương mại; chấp thuận việc thay đổi nội dung Giấy phép thành lập của chi nhánh của tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam; bổ sung hoạt động hòa giải thương mại cho Trung tâm trọng tài;
c) Công bố danh sách hòa giải viên thương mại, danh sách tổ chức hòa giải thương mại trên toàn quốc;
d) Ban hành và hướng dẫn sử dụng thống nhất các mẫu văn bản, giấy tờ trong lĩnh vực hòa giải thương mại;
đ) Thực hiện các biện pháp hỗ trợ phát triển hoạt động hòa giải thương mại; quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hòa giải thương mại trong cả nước; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn nghiệp vụ về hòa giải thương mại;
e) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về hòa giải thương mại;
g) Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hòa giải thương mại;
h) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi thẩm quyền của mình thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động hòa giải thương mại tại địa phương.
Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động hòa giải thương mại tại địa phương, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Đăng ký hoạt động, đăng ký thay đổi nội dung Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm hòa giải thương mại; đăng ký thay đổi nội dung Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm trọng tài; đăng ký hoạt động, đăng ký thay đổi nội dung Giấy đăng ký hoạt động chi nhánh Trung tâm hòa giải thương mại, chi nhánh của tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam; thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm hòa giải thương mại, chi nhánh Trung tâm hòa giải thương mại; thu hồi Giấy đăng ký hoạt động chi nhánh của tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam;
b) Đăng ký, lập và xóa tên hòa giải viên thương mại vụ việc khỏi danh sách hòa giải viên thương mại vụ việc của Sở;
c) Cập nhật, công bố danh sách hòa giải viên thương mại vụ việc, tổ chức hòa giải thương mại trên Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp; rà soát, thống kê, báo cáo số liệu về hòa giải viên thương mại hàng năm tại địa phương;
d) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn nghiệp vụ về hòa giải thương mại;
đ) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về hoạt động hòa giải thương mại tại địa phương theo thẩm quyền;
e) Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tư pháp về hoạt động hòa giải thương mại tại địa phương định kỳ hàng năm và khi có yêu cầu;
g) Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc theo ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.
3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về hòa giải thương mại.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2017.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ |
THE GOVERNMENT |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
No. 22/2017/ND-CP |
Hanoi, February 24, 2017 |
ON COMMERCIAL MEDIATION[1]
Pursuant to the June 19, 2015 Law on Organization of the Government;
Pursuant to the June 14, 2005 Commercial Law;
At the proposal of the Minister of Justice;
The Government promulgates the Decree on commercial mediation.
Article 1. Scope of regulation and subjects of application
1. This Decree prescribes the scope, principles, order and procedures for dispute resolution by commercial mediation, commercial mediators, commercial mediation institutions, Vietnam-based foreign commercial mediation institutions, and state management of commercial mediation activities.
Disputing parties’ self-mediation or request for mediation by other agencies, organizations or individuals other than commercial mediators, commercial mediation institutions or Vietnam-based foreign commercial mediation institutions defined in this Decree may be carried out under the agreements of the parties in accordance with law, and are not regulated by this Decree.
2. This Decree applies to commercial mediators, commercial mediation institutions, Vietnam-based foreign commercial mediation institutions, the state management agency in charge of commercial mediation, and other organizations and individuals involved in commercial mediation activities.
Article 2. Disputes to be resolved through commercial mediation
1. Disputes arising from commercial activities.
2. Disputes between parties at least one of them is engaged in commercial activities.
3. Other disputes which are prescribed by law to be resolved through commercial mediation.
Article 3. Interpretation of terms
1. Commercial mediation means a method of resolving commercial disputes agreed upon by involved parties with the assistance of a commercial mediator acting as an intermediary in accordance with this Decree.
2. Mediation agreement means an agreement between involved parties on the resolution through mediation of disputes which are likely to arise or have arisen.
3. Commercial mediator may be an ad hoc commercial mediator or a commercial mediator of a commercial mediation institution who is selected by involved parties or appointed by a commercial mediation institution at the request of involved parties to assist them in dispute resolution in accordance with this Decree.
4. Successful mediation result means an agreement reached by disputing parties on the resolution of part or the whole of an arising dispute.
5. Institutional commercial mediation means a form of dispute resolution at a commercial mediation institution in accordance with this Decree and the Mediation Rule of such institution.
6. Ad hoc commercial mediation means a form of dispute resolution conducted by an ad hoc commercial mediator selected by involved parties in accordance with this Decree and the agreement of the parties.
Article 4. Principles of dispute resolution through commercial mediation
1. Disputing parties shall participate in mediation on an entirely voluntary basis and are equal in terms of rights and obligations.
2. Information relating to a mediation case shall be kept confidential, unless otherwise agreed upon in writing by involved parties or otherwise prescribed by law.
3. Mediation agreement contents must neither violate prohibitory provisions of law nor contravene social morality, nor aim at shirking obligations nor infringe upon rights of a third party.
Article 5. State policies on commercial mediation
1. Disputing parties are encouraged to use commercial mediation to resolve their disputes in commercial activities and other disputes which are prescribed by law to be resolved through commercial mediation.
2. It is encouraged to mobilize all resources for commercial mediation activities and training to build capacity for commercial mediators and commercial mediation institutions.
Article 6. Conditions for dispute resolution through commercial mediation
A dispute shall be resolved through commercial mediation if involved parties so agree. The parties may reach agreement on dispute resolution through mediation before or after a dispute arises or at any time in the process of dispute resolution.
Article 7. Criteria for a commercial mediator
1. A person who fully satisfies the following criteria may act as a commercial mediator:
a/ Having full civil act capacity as prescribed by the Civil Code; having good moral qualities and prestige, and working in an independent, impartial and objective manner;
b/ Possessing a university or higher degree and having at least 2 years’ working experience in the discipline he/she has studied;
c/ Having mediation skills and knowledge about law, business and commercial practices and relevant issues.
2. A commercial mediator may conduct commercial mediation in the capacity as an ad hoc commercial mediator or a commercial mediator of a commercial mediation institution in accordance with this Decree.
3. A commercial mediation institution may set criteria for its commercial mediators which are higher than those prescribed in Clause 1 of this Article.
4. The accused or defendants or those who are serving criminal sentences or have not had their criminal records expunged or are serving the administrative measure of consignment to a compulsory education institution or compulsory detoxification establishment may not act as commercial mediators.
Article 8. Registration of ad hoc commercial mediators
1. A person who fully satisfies the criteria for a commercial mediator specified in Clause 1, Article 7 of this Decree and wishes to become an ad hoc commercial mediator shall register with the provincial-level Department of Justice of the locality where he/she permanently resides. A foreigner shall register with the provincial-level Department of Justice of the locality where he/she temporarily resides.
2. A requester for registration to be an ad hoc commercial mediator shall send 1 set of dossier to the provincial-level Department of Justice, comprising:
a/ A written request for registration to be an ad hoc commercial mediator, made according to a form issued by the Ministry of Justice;
b/ A certified copy, or a copy enclosed with the original for comparison, of his/her university or higher degree;
c/ Papers proving his/her working experience of at least 2 years in the discipline he/she has studied, certified by his/her employer.
Papers issued by foreign agencies or organizations or notarized or certified in foreign countries must be consularly legalized in accordance with Vietnamese law, unless they are exempted from consular legalization under a treaty to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party.
3. Within 7 working days after receiving a complete and valid dossier, the provincial-level Department of Justice shall add the name of the registration requester in the list of ad hoc commercial mediators and post the list on its e-portal; in case of refusal, it shall notify the reason in writing. The person whose request is rejected may lodge a complaint or initiate a lawsuit in accordance with law.
4. A person who no longer acts as an ad hoc commercial mediator shall send a written notice thereof to the provincial-level Department of Justice of the locality where he/she has registered to act as an ad hoc commercial mediator, which shall remove his/her name from the list of ad hoc commercial mediators.
5. An organization or individual that detects an ad hoc commercial mediator who no longer satisfies the criteria specified in Clause 1, Article 7 of this Decree or violates Article 10 of this Decree shall notify such to the provincial-level Department of Justice of the locality where he/she has registered, which shall consider and remove his/her name from the list of ad hoc commercial mediators.
Article 9. Rights and obligations of commercial mediators
1. A commercial mediator has the following rights:
a/ To accept or refuse to carry out commercial mediation activities;
b/ To refuse to provide information relating to a dispute, unless the information provision is agreed upon in writing by involved parties or required by law;
c/ To enjoy remuneration for commercial mediation activities as agreed upon with disputing parties;
d/ Other rights as prescribed in this Decree and relevant laws.
2. A commercial mediator has the following obligations:
a/ To comply with law and the codes of ethics and conduct applicable to commercial mediators; to work in an independent, impartial, objective and honest manner;
b/ To respect the agreement reached by involved parties if such agreement neither violates law nor contravenes social morality;
c/ To keep confidential information about the disputes of which he/she mediates the resolution, unless otherwise agreed upon in writing by involved parties or prescribed by law;
d/ To notify involved parties of his/her competence and mediation remuneration and costs before conducting mediation;
dd/ To refrain from acting as a representative of or an advisor for any of involved parties or concurrently acting as an arbitrator for the same dispute of which he/she is mediating or has mediated the resolution, unless otherwise agreed upon by the parties;
e/ Other obligations as prescribed in this Decree and relevant laws.
Article 10. Prohibited acts of commercial mediators
1. Disclosing information about disputes or clients they know in the mediation process, unless otherwise agreed upon by disputing parties in writing or prescribed by law.
2. Violating the code of ethics applicable to commercial mediators.
3. Receiving or demanding any sum of money or benefit from involved parties in addition to remuneration and costs already agreed upon.
4. Other prohibited acts as prescribed by law.
ORDER AND PROCEDURES FOR COMMERCIAL MEDIATION
Article 11. Mediation agreement
1. Mediation agreement may be established in the form of a mediation clause in a contract or of a separate agreement.
2. Mediation agreement shall be established in writing.
Article 12. Selection and appointment of commercial mediators
1. Involved parties shall reach agreement on selecting a commercial mediator from the list of commercial mediators of a commercial mediation institution or from the list of ad hoc commercial mediators publicized by the provincial-level Department of Justice.
2. The appointment of a commercial mediator via a commercial mediation institution must comply with the Mediation Rule of this institution.
Article 13. Rights and obligation of disputing parties in the mediation process
1. Disputing parties have the following rights:
a/ To select the mediation order and procedures, commercial mediators, and venue and time for mediation;
b/ To accept or refuse mediation; to request suspension or termination of mediation;
c/ To request mediation to be conducted publicly or behind closed doors;
d/ To express their wills and decisions on mediation contents;
dd/ Other rights as prescribed in this Decree and relevant laws.
2. Disputing parties have the following obligations:
a/ To truthfully present circumstances of their dispute, and provide information and documents relating to the dispute at the request of the commercial mediator;
b/ To comply with the successful mediation result;
c/ To pay remuneration and costs for commercial mediation, unless otherwise agreed upon;
d/ Other obligations as prescribed in this Decree and relevant laws.
Article 14. Mediation order and procedures
1. Involved parties may select to apply the Mediation Rule of a commercial mediation institution for conducting mediation or reach agreement on the mediation order and procedures. If the parties do not reach such agreement, the commercial mediator may conduct mediation according to the order and procedures he/she finds suitable to the circumstances of the dispute and the aspirations of the parties, which are accepted by the parties.
2. The resolution of a dispute may be mediated by one or more than one commercial mediator as agreed upon by involved parties.
3. At any time in the mediation process, a commercial mediator may put forth proposals for dispute resolution.
4. The venue and time of mediation may be agreed upon by involved parties or selected by the commercial mediator in case the parties reach no agreement thereon.
Article 15. Successful mediation result
1. When attaining a successful mediation result, involved parties shall make a written record thereof. This record is binding on the parties in accordance with the civil law.
2. A written record of successful mediation result must contain the following principal contents:
a/ Grounds for conducting mediation;
b/ Basic information of involved parties;
c/ Major circumstances of the dispute;
d/ Agreement reached and solution;
dd/ Other contents as agreed upon by the parties in accordance with law.
3. A written record of successful mediation result must bear the signatures of the involved parties and the commercial mediator.
4. If unable to attain a successful mediation result, involved parties may either continue the mediation or request an arbitration or a court to resolve their dispute in accordance with law.
Article 16. Recognition of successful mediation results
A written record of successful mediation result shall be recognized in accordance with the civil procedure law.
Article 17. Termination of mediation proceedings
A mediation proceeding shall terminate in the following cases:
1. Involved parties have attained a successful mediation result.
2. The commercial mediator finds it unnecessary to continue the mediation after consulting involved parties.
3. At the request of one or more than one disputing party.
COMMERCIAL MEDIATION INSTITUTIONS
Article 18. Commercial mediation institutions
Commercial mediation institutions include:
1. Commercial mediation centers that are established and operate in accordance with this Decree.
2. Arbitration centers that are established and operate in accordance with the law on commercial arbitration and carry out commercial mediation activities under Article 23 of this Decree.
Article 19. Commercial mediation centers
1. Commercial mediation centers shall be established in accordance with this Decree and have the legal person status and own seals and bank accounts.
2. Commercial mediation centers shall operate not for profit.
3. Commercial mediation centers may establish branches and representative offices at home and abroad.
4. The organizational structure of a commercial mediation center shall be stated in the Charter of the center. The chairperson of a commercial mediation center must be a commercial mediator.
Article 20. Names of commercial mediation centers and their branches and representative offices
1. The name of a commercial mediation center must be in Vietnamese, containing the words “Trung tam hoa giai thuong mai” (commercial mediation center), which must be neither identical to nor confused with the name of another licensed commercial mediation institution; and must not violate historical, cultural and ethical traditions or fine customs and practices of the nation.
A commercial mediation center may use an abbreviated name or a transaction name in foreign language.
2. The name of a branch of a commercial mediation center must contain the word “Chi nhanh” (branch) and the name of the center.
3. The name of a representative office of a commercial mediation center must contain the words “Van phong dai dien” (representative office) and the name of the center.
Article 21. Procedures for establishment of commercial mediation centers
1. A Vietnamese citizen who fully satisfies the criteria for a commercial mediator specified in Clause 1, Article 7 of this Decree and wishes to establish a commercial mediation center shall send 1 set of dossier to the Ministry of Justice, comprising:
a/ A written request for establishment of a commercial mediation center, made according to a form issued by the Ministry of Justice;
b/ A list of the center’s founders;
c/ Papers proving the founders’ full satisfaction of the criteria for a commercial mediator specified in Clause 1, Article 7 of this Decree;
d/ The draft Mediation Rule of the center.
The contents of the center’s Mediation Rule must not contravene law.
2. Within 30 days after receiving a valid dossier, the Ministry of Justice shall grant an establishment license to the commercial mediation center; in case of refusal, it shall notify the reason in writing. The person having his/her request for establishment of a commercial mediation center rejected may lodge a complaint or initiate a lawsuit in accordance with law.
Article 22. Registration of operation of commercial mediation centers
1. Within 30 days from the effective date of the decision on grant of its establishment license, a commercial mediation center shall send a dossier for operation registration to the provincial-level Department of Justice of the locality where its head office is located. Past this time limit, if the center fails to register its operation, its establishment license shall be invalidated, unless it has a plausible reason.
2. A dossier for operation registration of a commercial mediation center must comprise:
a/ A written request for operation registration, made according to a form issued by the Ministry of Justice;
b/ A certified copy, or a copy enclosed with the original for comparison, of the center establishment license;
c/ Papers proving the center’s head office.
3. Within 15 days after receiving a valid dossier, the provincial-level Department of Justice shall grant an operation registration certificate to the commercial mediation center; in case of refusal, it shall notify the reason in writing. The provincial-level Department of Justice shall send a copy of such operation registration certificate to the Ministry of Justice.
4. A commercial mediation center may start to operate on the date it is granted an operation registration certificate and use its seal in accordance with law.
5. Within 30 days after being granted an operation registration certificate, a commercial mediation center shall publish in 3 consecutive issues of a central daily or a newspaper of the locality where it registers its operation the following basic information:
a/ Name and head-office address of the center;
b/ Operation areas of the center;
c/ Serial number, issuer and date of issuance of the operation registration certificate;
d/ Starting time of the center’s operation.
Article 23. Commercial mediation activities of arbitration centers
1. An arbitration center which has been licensed and registered under the law on commercial arbitration that wishes to carry out commercial mediation activities shall send 1 set of dossier to the Ministry of Justice, comprising:
a/ A written request for addition of commercial mediation activities, made according to a form issued by the Ministry of Justice;
b/ The draft Mediation Rule of the center.
Within 15 days after receiving a valid dossier, the Ministry of Justice shall issue a decision on addition of commercial mediation activities for the arbitration center; in case of refusal, it shall notify the reason in writing. The arbitration center shall register the change of contents of its operation registration certificate with the provincial-level Department of Justice of the locality where it has registered its operation.
2. Founders who submit a dossier for establishment of an arbitration center and want the arbitration center to concurrently carry out commercial mediation activities shall enclose the dossier with a draft Mediation Rule.
3. The contents of the Mediation Rule of an arbitration center must not contravene law.
4. The order and procedures for establishment of an arbitration center, registration of operation of an arbitration center, and change of contents of the establishment license or operation registration certificate of an arbitration center must comply with the law on commercial arbitration.
Article 24. Rights and obligations of commercial mediation institutions
1. A commercial mediation institution has the following rights:
a/ To carry out commercial mediation activities;
b/ To provide training in mediation skills for commercial mediators;
c/ To collect remuneration and other lawful fees related to commercial mediation activities;
d/ To develop criteria for commercial mediators and a process of selecting commercial mediators, making a list of commercial mediators, and removing names of commercial mediators from the list;
dd/ To appoint commercial mediators at the request of involved parties;
e/ Other rights as prescribed in this Decree and relevant laws.
2. A commercial mediation institution has the following obligations:
a/ To make and publicize a list of its commercial mediators and send it to the Ministry of Justice and provincial-level Department of Justice of the locality where it has registered its operation within 7 working days from the date it is granted the operation registration certificate, or from the effective date of the decision on addition of commercial mediation activities for the arbitration center, or from the date the list of commercial mediators is changed;
b/ To pay remuneration and other costs to commercial mediators;
c/ To issue its own codes of ethics and conduct applicable to commercial mediators;
d/ To formulate, issue and publicize the Mediation Rule and mediation remuneration rates;
dd/ To report on its organization and operation to the provincial-level Department of Justice of the locality where it has registered its operation on an annual basis and upon request;
e/ To archives files and provide information on mediation results at the request of disputing parties or competent state agencies;
g/ Other obligations as prescribed in this Decree and relevant laws.
Article 25. Branches of commercial mediation centers
1. Branch is a dependent unit of a commercial mediation center and shall operate in the operation areas stated in the center establishment license.
2. A commercial mediation center shall take responsibility before law for the operation of its branch, and appoint a commercial mediator to act as the branch’s head.
3. Within 15 days after deciding to establish a branch, a commercial mediation center shall send 1 set of dossier for registration of the branch’s operation to the provincial-level Department of Justice of the locality where such branch will be located, comprising:
a/ A written request for registration of a branch’s operation, made according to a form issued by the Ministry of Justice;
b/ The branch’s establishment decision issued by the center.
Within 10 days after receiving a valid dossier, the provincial-level Department of Justice shall grant an operation registration certificate to the branch and send a copy of this certificate to the Ministry of Justice.
4. In case a commercial mediation center establishes its branch outside a province or centrally run city where it has registered its operation, within 7 working days after its branch is granted an operation registration certificate, the center shall send a written notice of the branch’s establishment to the provincial-level Department of Justice of the locality where it has registered its operation.
5. The branch of a commercial mediation center may use a seal in accordance with law.
Article 26. Change of names or head-office addresses of commercial mediation centers
1. If wishing to change its name or head-office address from a province or centrally run city to another, a commercial mediation center shall send 1 set of dossier of request for the change to the Ministry of Justice, comprising:
a/ A written request for the change, made according to a form issued by the Ministry of Justice;
b/ Papers relevant to the change.
Within 15 days after receiving a dossier of request for the change, the Ministry of Justice shall issue a written approval of the change; in case of refusal, it shall notify the reason in writing.
2. Within 15 days from the effective date of the Ministry of Justice’s written approval of the change of the name of a commercial mediation center, the center shall send a written request for change of its name in its operation registration certificate to the provincial-level Department of Justice of the locality where it has registered its operation. Within 7 working days after receiving the center’s written request, the provincial-level Department of Justice shall issue a decision to change the name of the center in its operation registration certificate.
3. Within 20 days from the effective date of the Ministry of Justice’s written approval of the change of the head-office address of a commercial mediation center from a province or centrally run city to another, the center shall register operation with the provincial-level Department of Justice of the locality where its new head office is located. The order and procedures for operation registration must comply with Clauses 2 and 3, Article 22 of this Decree.
Within 7 working days after being granted a new operation registration certificate, the commercial mediation center shall send a written notice thereof to the provincial-level Department of Justice of the locality where it has registered its operation before the change of its head-office address. The provincial-level Department of Justice shall issue a decision to revoke the operation registration certificate already granted to the center.
4. In case a commercial mediation center changes its head-office address within a province or centrally run city, within 7 working days from the date of the change, the center shall send a written notice thereof to the Ministry of Justice and provincial-level Department of Justice of the locality where it has registered its operation.
Article 27. Re-grant of establishment licenses or operation registration certificates of commercial mediation centers or operation registration certificates of branches of commercial mediation centers
1. In case the establishment license or operation registration certificate of a commercial mediation center or the operation registration certificate of the branch of a commercial mediation center is lost, burnt, torn or rumpled or otherwise destroyed, the center or branch shall send a written request for re-grant to the competent agency that has granted such license or certificate.
2. Within 10 days after receiving the written request, the Ministry of Justice shall re-grant an establishment license to the commercial mediation center. Within 5 working days after receiving the written request, the provincial-level Department of Justice shall re-grant an operation registration certificate to the commercial mediation center or branch.
Article 28. Representative offices of commercial mediation centers
1. Representative office is a dependent unit of a commercial mediation center, which is established to seek and promote opportunities of commercial mediation activities. A representative office may use a seal in accordance with law.
2. A commercial mediation center shall take responsibility before law for the operation of its representative office.
3. Within 7 working days after establishing its representative office or changing the address or head of its representative office, a commercial mediation center shall send a notice thereof to the provincial-level Department of Justice of the locality where it registers operation.
If establishing its representative office outside a province or centrally run city where it has registered its operation, the commercial mediation center shall send a notice thereof to the provincial-level Department of Justice of the locality where its representative office is established and provincial-level Department of Justice of the locality where it has registered its operation.
Article 29. Overseas branches and representative offices of commercial mediation centers
Within 30 days after obtaining a competent foreign authority’s permission for establishment of an overseas branch or representative office or terminating the operation of an overseas branch or representative office, a commercial mediation center shall send a written notice thereof to the Ministry of Justice and provincial-level Department of Justice of the locality where it has registered its operation.
Article 30. Revocation of establishment licenses or operation registration certificates of commercial mediation centers or operation registration certificates of branches of commercial mediation centers
1. A commercial mediation center may have its establishment license revoked in the following cases:
a/ It repeats a violation related to commercial mediation for which it has been administratively sanctioned under the law on handling of administrative violations;
b/ It does not carry out any commercial mediation activity within 5 consecutive years after being granted an establishment license;
c/ It fails to register operation with the provincial-level Department of Justice of the locality where its head office is located within 30 days from the effective date of the decision on grant of its establishment license, unless it has a plausible reason.
2. An organization or individual that detects a commercial mediation center falling into any of the cases subject to revocation of establishment license shall notify such to the provincial-level Department of Justice of the locality where the center registers its operation for the latter to verify. If finding that the center falls into any of the cases subject to revocation of establishment license specified in Clause 1 of this Article, the provincial-level Department of Justice shall send a written request enclosed with relevant papers (if any) to the Ministry of Justice for revocation of the establishment license, stating the reason.
3. Within 15 days after receiving the written request from the provincial-level Department of Justice, the Ministry of Justice shall consider and revoke the establishment license of the commercial mediation center.
Within 7 working days from the effective date of the Ministry of Justice’s decision on revocation of the establishment license, the provincial-level Department of Justice that has granted the operation registration certificate to the commercial mediation center shall issue a decision to revoke such certificate.
4. The branch of a commercial mediation center that repeats a violation related to commercial mediation for which it has been administratively sanctioned under the law on handling of administrative violations shall have its operation registration certificate revoked. The provincial-level Department of Justice that has granted the operation registration certificate to the branch shall revoke such certificate.
Article 31. Termination of operation of commercial mediation centers or commercial mediation activities of arbitration centers
1. A commercial mediation center shall terminate operation in the following cases:
a/ It terminates operation at its own discretion;
b/ Its establishment license is revoked under Clause 1, Article 30 of this Decree.
2. In case of operation termination under Point a, Clause 1 of this Article, at least 30 days before the date of operation termination, a commercial mediation center shall send a written notice thereof to the Ministry of Justice and provincial-level Department of Justice of the locality where it has registered its operation.
Within 60 days after deciding to terminate operation, the commercial mediation center shall pay off all debts and other asset liabilities, liquidate contracts and fulfill the cases it has accepted, unless otherwise agreed upon.
3. Within 10 days after completing the activities specified in Clause 2 of this Article, the commercial mediation center shall send a written report thereon to the Ministry of Justice and provincial-level Department of Justice of the locality where it has registered its operation. Within 7 working days after receiving the center’s report, the Ministry of Justice shall issue a decision to revoke the establishment license. Within 5 working days from the effective date of the Ministry of Justice’s decision on revocation of the establishment license, the provincial-level Department of Justice shall issue a decision to revoke the operation registration certificate of the center.
4. In case of operation termination under Point b, Clause 1 of this Article, within 60 days from the effective date of the Ministry of Justice’s decision on revocation of the establishment license of a commercial mediation center, the center shall pay off all debts and other asset liabilities, liquidate contracts and fulfill all the cases it has accepted, unless otherwise agreed upon.
5. An arbitration center shall terminate commercial mediation activities in the following cases:
a/ It terminates operation under the law on commercial arbitration;
b/ It terminates commercial mediation activities under its Charter;
c/ It does not carry out any commercial mediation activity within 5 years from the effective date of the Ministry of Justice’s decision on addition of commercial mediation activities;
d/ It repeats a violation related to commercial mediation for which it has been administratively sanctioned under the law on handling of administrative violations.
6. The termination of operation of an arbitration center under Point a or b, Clause 5 of this Article must comply with the law on commercial arbitration. The payment of the center’s obligations must comply with Clause 2 of this Article.
7. In case an arbitration center terminates operation under Point c or d, Clause 5 of this Article, the Ministry of Justice shall issue a written document to revoke the decision on addition of commercial mediation activities for the center. Within 10 days from the effective date of such document, the arbitration center shall register the change of contents of its operation registration certificate with the provincial-level Department of Justice of the locality where it has registered its operation. The order and procedures for the change of contents of operation registration certificates must comply with the law on commercial arbitration. The payment of the center’s obligations must comply with Clause 4 of this Article.
Article 32. Termination of operation of branches or representative offices of commercial mediation centers
1. The branch of a commercial mediation center shall terminate operation in the following cases:
a/ Under the center’s decision;
b/ The center terminates operation under Clause 1, Article 31 of this Decree;
c/ Its operation registration certificate is revoked under Clause 4, Article 30 of this Decree.
2. Within 30 days from the date of termination of operation of its branch, a commercial mediation center shall send a written notice thereof to the Ministry of Justice, provincial-level Department of Justice of the locality where the center has registered its operation and provincial-level Department of Justice of the locality where the branch has registered its operation.
3. The representative office of a commercial mediation center shall terminate operation under the center’s decision or when the center terminates operation under Clause 1, Article 31 of this Decree. At least 10 days before the date of termination of operation of its representative office, the commercial mediation center shall notify such to the provincial-level Department of Justice of the locality where it has registered its operation and provincial-level Department of Justice of the locality where its representative office is located.
OPERATION OF VIETNAM-BASED FOREIGN COMMERCIAL MEDIATION INSTITUTIONS
Article 33. Conditions for and forms of operation of Vietnam-based foreign commercial mediation institutions
1. Foreign commercial mediation institutions that are lawfully established and operate in foreign countries and respect the Constitution and laws of the Socialist Republic of Vietnam may operate in Vietnam in accordance with this Decree.
2. Foreign commercial mediation institutions may operate in Vietnam in the following forms:
a/ Branches of foreign commercial mediation institutions (below referred to as branches);
b/ Representative offices of foreign commercial mediation institutions (below referred to as representative offices).
Article 34. Branches and representative offices of Vietnam-based foreign commercial mediation institutions
1. Branch is a dependent unit of a foreign commercial mediation institution, which is established to carry out commercial mediation activities in Vietnam in accordance with this Decree. A foreign commercial mediation institution shall take responsibility before Vietnamese law for the operation of its branch. The foreign commercial mediation institution shall appoint a commercial mediator to be head of its branch. The head of a branch shall act as the authorized representative of a Vietnam-based foreign commercial mediation institution.
2. Representative office is a dependent unit of a foreign commercial mediation institution, which is established to seek and promote opportunities of mediation activities in Vietnam in accordance with this Decree. The foreign commercial mediation institution shall take responsibility before Vietnamese law for the operation of its representative office.
3. The name of a branch of a foreign commercial mediation institution must contain the word “Chi nhanh” (branch) and the name of the institution.
The name of the representative office of a foreign commercial mediation institution must contain the words “Van phong dai dien” (representative office) and the name of the institution.
Names of branches or representative offices of foreign commercial mediation institutions must comply with Clause 1, Article 20 of this Decree.
Article 35. Rights and obligations of branches and representative offices of Vietnam-based foreign commercial mediation institutions
1. Rights and obligations of a branch
a/ To rent a working office to serve its operation;
b/ To recruit Vietnamese and foreign employees in accordance with law;
c/ To open Vietnam dong and foreign currency accounts at banks licensed to operate in Vietnam to serve its operation;
d/ To transfer its incomes abroad in accordance with Vietnamese law;
dd/ To have a seal as prescribed by law;
e/ To operate for proper purposes and within the scope and period stated in its establishment license;
g/ To appoint mediators to conduct mediation as authorized by the foreign commercial mediation institution;
h/ To provide commercial mediation services;
i/ To archive files and provide copies of written records of mediation results at the request of disputing parties or competent state agencies;
k/ To report on the organization of commercial mediation activities to the provincial-level Department of Justice of the locality where it has registered its operation on an annual basis and upon request;
l/ Other rights and obligations as prescribed by law.
2. Rights and obligations of a representative office
a/ The rights and obligations specified at Points a, b, c, dd, e and l, Clause 1 of this Article;
b/ To seek and promote opportunities of commercial mediation activities in Vietnam;
c/ To refrain from carrying out commercial mediation activities in Vietnam; to carry out only activities to promote and advertise commercial mediation activities in accordance with Vietnamese law;
d/ To report on its organization and activities to the provincial-level Department of Justice of the locality where it is located on an annual basis and upon request.
Article 36. Grant of licenses for establishment of branches or representative offices of Vietnam-based foreign commercial mediation institutions
1. A foreign commercial mediation institution that wishes to establish a branch or representative office in Vietnam shall send 1 set of dossier to the Ministry of Justice, comprising:
a/ A written request for establishment of a branch or representative office, made according to a form issued by the Ministry of Justice;
b/ A certified copy of the paper proving the lawful establishment of the institution, issued by a competent foreign authority;
c/ A written introduction of the institution’s operation;
d/ The decision appointing a commercial mediator to be the head of the branch or representative office;
dd/ A list of commercial mediators and staff members expected to work at the branch; or a list of staff members expected to work at the representative office.
3. Foreign-language papers accompanying the written request for establishment of a branch or representative office must have Vietnamese translations which are certified in accordance with Vietnamese law.
Papers issued by foreign agencies or organizations or notarized or certified in foreign countries must be consularly legalized in accordance with Vietnamese law, unless they are exempted from consular legalization under a treaty to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party.
4. Within 30 days after receiving a valid dossier, the Ministry of Justice shall grant an establishment license to the branch or representative office of a foreign commercial mediation institution; in case of refusal, it shall notify the reason in writing.
Article 37. Registration of operation of branches or announcement of establishment of representative offices of Vietnam-based foreign commercial mediation institutions
1. Within 60 days from the effective date of the decision on grant of its establishment license, a branch shall send 1 set of dossier for operation registration to the provincial-level Department of Justice of the locality where it is located. Past this time limit, if the branch fails to register operation, its establishment license shall be invalidated, unless it has a plausible reason.
2. A dossier for operation registration must comprise:
a/ A written request for operation registration, made according to a form issued by the Ministry of Justice;
b/ A certified copy, or a copy enclosed with the original for comparison, of the branch’s establishment license;
c/ Papers proving the branch’s office.
3. Within 10 days after receiving a complete and valid dossier, the provincial-level Department of Justice shall grant an operation registration certificate to the branch. The branch may start operation on the date it is granted the operation registration certificate.
Within 7 working days after granting the operation registration certificate to the branch, the provincial-level Department of Justice shall send a copy of this certificate to the Ministry of Justice.
4. Within 7 working days from the effective date of the decision on grant of its establishment license, a representative office shall send 1 set of dossier notifying its establishment to the provincial-level Department of Justice of the locality where it is located, comprising:
a/ A notice of the establishment of the representative office;
b/ A certified copy, or a copy enclosed with the original for comparison, of the representative office establishment license.
Article 38. Change of names, heads or addresses of branches or representative offices of Vietnam-based foreign commercial mediation institutions
1. A branch that wishes to change its name or head or change its address from a province or centrally run city to another shall send 1 set of dossier of request for the change to the Ministry of Justice, comprising:
a/ A written request for the change, made according to a form issued by the Ministry of Justice;
b/ Papers relevant to the change.
Within 15 days after receiving a valid dossier, the Ministry of Justice shall issue a written approval of the change; in case of refusal, it shall notify the reason in writing.
2. Within 15 days from the effective date of the Ministry of Justice’s written approval of the change of its name or head, a branch shall send a written request for the change of its name or head in its operation registration certificate to the provincial-level Department of Justice of the locality where it has registered its operation. Within 7 working days after receiving the branch’s written request, the provincial-level Department of Justice shall issue a decision to change the name or head of the branch in its operation registration certificate.
3. Within 20 days from the effective date of the Ministry of Justice’s written approval of the change of its address from a province or centrally run city to another, a branch shall register operation with the provincial-level Department of Justice of the locality where it moves to. The order and procedures for operation registration must comply with Clauses 2 and 3, Article 37 of this Decree.
Within 7 working days after being granted a new operation registration certificate, the branch shall send a written notice thereof to the provincial-level Department of Justice of the locality where it has registered its operation before the change of its address. The provincial-level Department of Justice shall issue a decision to revoke the branch’s operation registration certificate.
4. A representative office that wishes to change its name or head or change its address from a province or centrally run city to another shall, within 7 working days after deciding on the change, send a written notice thereof to the Ministry of Justice and provincial-level Department of Justice of the locality where it is located.
Article 39. Re-grant of establishment licenses or operation registration certificates of branches or licenses for establishment of representative offices of Vietnam-based foreign commercial mediation institutions
1. In case its establishment license or operation registration certificate is lost, burnt, torn or rumpled or otherwise destroyed, a branch or representative office of a Vietnam-based foreign commercial mediation institution shall send a written request for re-grant to the competent agency that has granted such license or certificate.
2. Within 10 days after receiving the written request, the Ministry of justice shall re-grant an establishment license to the branch or representative office of a Vietnam-based foreign commercial mediation institution. Within 5 working days after receiving the written request, the provincial-level Department of Justice shall re-grant an operation registration certificate to the branch of a Vietnam-based foreign commercial mediation institution.
Article 40. Revocation of establishment licenses or operation registration certificates of branches or establishment licenses of representative offices of Vietnam-based foreign commercial mediation institutions
1. The branch of a Vietnam-based foreign commercial mediation institution may have its establishment license revoked in the following cases:
a/ It repeats a violation related to commercial mediation for which it has been administratively sanctioned under the law on handling of administrative violations;
b/ It does not carry out any activity stated in its establishment license within 5 consecutive years from the date it is granted this license;
c/ It fails to register operation within 60 days from the effective date of the decision on grant of its establishment license, unless it has a plausible reason.
2. The representative office of a Vietnam-based foreign commercial mediation institution shall have its establishment license revoked in case it repeats a violation related to commercial mediation for which it has been administratively sanctioned under the law on handling of administrative violations.
3. An organization or individual that detects a branch or representative office falling into any of the cases subject to revocation of establishment license shall notify such to the provincial-level Department of Justice of the locality where such branch or representative office is located for the latter to verify.
If having grounds to believe that the branch or representative office falls into the case specified in Clause 1 or 2 of this Article, the provincial-level Department of Justice shall send a written request enclosed with relevant papers (if any) to the Ministry of Justice for revocation of its establishment license, stating the reason.
4. Within 15 days after receiving the written request from the provincial-level Department of Justice, the Ministry of Justice shall consider and decide to revoke the branch’s or representative office’s establishment license.
5. Within 15 days from the effective date of the Ministry of Justice’s decision on revocation of the establishment license of the branch of a Vietnam-based foreign commercial mediation institution, the provincial-level Department of Justice of the locality where such branch has registered its operation shall issue a decision to revoke its operation registration certificate.
Article 41. Termination of operation of branches or representative offices of Vietnam-based foreign commercial mediation institutions
1. A branch or the representative office of a Vietnam-based foreign commercial mediation institution shall terminate operation in the following cases:
a/ Under the institution’s decision;
b/ The institution terminates operation overseas;
c/ It has its establishment license revoked under Clause 1 or 2, Article 40 of this Decree.
2. In case of operation termination under Point a or b, Clause 1 of this Article, at least 30 days before the date of operation termination, the branch or representative office shall send a written notice thereof to the Ministry of Justice and provincial-level Department of Justice of the locality where it is located.
Within 60 days from the date of operation termination, the branch or representative office shall pay off all debts and asset liabilities; liquidate labor contracts; and fulfill all cases it has accepted, unless otherwise agreed upon.
3. Within 10 days after completing the activities specified in Clause 2 of this Article, the branch or representative office shall send a written report thereon to the Ministry of Justice and provincial-level Department of Justice of the locality where the branch has registered its operation or the representative office is located. Within 7 working days after receiving such report, the Ministry of Justice shall issue a decision to revoke the establishment license of the branch or representative office; or the provincial-level Department of Justice shall issue a decision to revoke the operation registration certificate of the branch.
4. In case of operation termination under Point c, Clause 1 of this Article, within 60 days from the effective date of the Ministry of Justice’s decision on revocation of its establishment license, the branch or representative shall pay off all debts and asset liabilities, liquidate labor contracts, and fulfill all cases it has accepted, unless otherwise agreed upon.
Article 42. State management of commercial mediation
1. The Ministry of Justice shall assist the Government in performing the unified state management of commercial mediation nationwide, and has the following tasks and powers:
a/ To draft and submit to competent state agencies for promulgation or promulgate according to its competence documents detailing and guiding the law on commercial mediation;
b/ To grant and revoke establishment licenses of commercial mediation centers; to grant and revoke establishment licenses of branches or representative offices of Vietnam-based foreign commercial mediation institutions; to approve the change of contents of establishment licenses of commercial mediation centers; to approve the change of contents of establishment licenses of branches of Vietnam-based foreign commercial mediation institutions; to add commercial mediation activities for arbitration centers;
c/ To publicize the list of commercial mediators and the list of commercial mediation institutions nationwide;
d/ To promulgate, and guide the uniform use of, forms of documents and papers relating to commercial mediation;
dd/ To take measures to support development of commercial mediation activities; to formulate a master plan on development of commercial mediation institutions nationwide; to propagate and disseminate laws and provide professional guidance on commercial mediation;
e/ To examine and inspect, settle complaints and denunciations, and handle violations of the law on commercial mediation;
g/ To perform international cooperation in the field of commercial mediation;
h/ To perform other tasks and exercise other powers as prescribed in this Decree and relevant laws.
2. Provincial-level People’s Committees shall, within the ambit of their competence, perform the state management of commercial mediation activities in localities.
Provincial-level Departments of Justice shall assist provincial-level People’s Committees in performing the state management of commercial mediation organization and operation in localities, and have the following tasks and powers:
a/ To register operation of commercial mediation centers and register the change of contents of their operation registration certificates; to register the change of contents of operation registration certificates of arbitration centers; to register operation of branches of commercial mediation centers or branches of Vietnam-based foreign commercial mediation institutions and register the change of contents of their operation registration certificates; to revoke operation registration certificates of commercial mediation centers or their branches; to revoke operation registration certificates of branches of Vietnam-based foreign commercial mediation institutions;
b/ To register and make lists of ad hoc commercial mediators, and remove names of ad hoc commercial mediators from such lists;
c/ To update and publicize lists of ad hoc commercial mediators and commercial mediation institutions on their e-portals; to review, compile statistics of, and report on annual data on commercial mediators in localities;
d/ To propagate and disseminate laws and provide professional guidance on commercial mediation;
dd/ To examine and inspect, settle complaints and denunciations, and handle violations related to commercial mediation activities in localities according to their competence;
e/ To report on commercial mediation activities in localities to provincial-level People’s Committees and the Ministry of Justice on an annual basis and upon request;
g/ To perform other tasks and exercise other powers under decisions of provincial-level People’s Committee chairpersons or as authorized by the Minister of Justice in accordance with this Decree and relevant laws.
3. Ministries and ministerial-level agencies shall, within the ambit of their tasks and powers, coordinate with the Ministry of Justice in performing the state management of commercial mediation.
This Decree takes effect on April 15, 2017.
Article 44. Implementation responsibility
Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of government-attached agencies, and chairpersons of provincial-level People’s Committees shall implement this Decree.-
|
ON BEHALF OF THE GOVERNMENT |
[1] Công Báo Nos 189-190 (16/3/2017)