Chương IV Nghị định 16/2024/NĐ-CP: Đình chỉ hành nghề; đình chỉ hoạt động chuyên môn; thu hồi giấy phép hành nghề và xử lý sau thu hồi giấy phép hành nghề; thu hồi giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh
Số hiệu: | 16/2024/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Trần Hồng Hà |
Ngày ban hành: | 16/02/2024 | Ngày hiệu lực: | 16/02/2024 |
Ngày công báo: | 12/03/2024 | Số công báo: | Từ số 403 đến số 404 |
Lĩnh vực: | Y tế | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Ngày 16/02/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 16/2024/NĐ-CP quy định về người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.
Người hành nghề khám chữa bệnh trong lực lượng vũ trang nhân dân từ 16/02/2024
Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc lực lượng vũ trang nhân dân bao gồm:
- Đối tượng phải có giấy phép hành nghề quy định tại khoản 1 Điều 26 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, bao gồm:
+ Bác sỹ;
+ Y sỹ;
+ Điều dưỡng;
+ Hộ sinh;
+ Kỹ thuật y;
+ Dinh dưỡng lâm sàng;
+ Cấp cứu viên ngoại viện;
+ Tâm lý lâm sàng;
+ Lương y;
+ Người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
- Y tá thuộc đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân được tham gia vào hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhưng không cần giấy phép hành nghề theo quy định tại khoản 2 Điều 19 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023.
Hình thức tổ chức cơ sở khám chữa bệnh thuộc lực lượng vũ trang nhân dân
Hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, bao gồm:
- Bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, phân viện, viện nghiên cứu có giường bệnh (sau đây gọi chung là bệnh viện);
- Bệnh xá, đội điều trị, tàu vận tải kiêm quân y, tàu quân y, trung tâm nghiên cứu có giường bệnh, trung tâm an điều dưỡng có giường bệnh, trung tâm y tế có giường bệnh (sau đây gọi chung là bệnh xá);
- Phòng khám đa khoa của cơ quan, đơn vị từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên, phòng khám quân - dân y (sau đây gọi chung là phòng khám đa khoa);
- Phòng khám chuyên khoa, phòng khám bác sỹ y khoa, phòng khám y học cổ truyền, phòng khám, tư vấn và điều trị dự phòng, phòng khám, điều trị bệnh nghề nghiệp của cơ quan, đơn vị từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên (sau đây gọi chung là phòng khám chuyên khoa);
- Tổ quân y, tổ y tế của cơ quan, đơn vị;
- Quân y, y tế cơ quan, đơn vị; phòng khám có người chịu trách nhiệm chuyên môn với phạm vi hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đa khoa.
Nghị định 16/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 16/02/2024 và thay thế Nghị định 50/2019/NĐ-CP ngày 07/6/2019.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
1. Đối với trường hợp người hành nghề bị đình chỉ theo kết luận của Hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 101 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh:
a) Trường hợp Hội đồng chuyên môn do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thành lập theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 101 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận, Hội đồng chuyên môn gửi văn bản kết luận về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kết luận của Hội đồng chuyên môn, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm báo cáo Cơ quan được giao quản lý về y tế bằng văn bản, trong đó phải nêu rõ lý do đề nghị đình chỉ hành nghề;
b) Trường hợp Hội đồng chuyên môn do Cơ quan được giao quản lý về y tế thành lập theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 101 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh: Hội đồng chuyên môn gửi văn bản kết luận về Cơ quan được giao quản lý về y tế, trong đó phải nêu rõ lý do đề nghị đình chỉ hành nghề theo thời gian quy định tại điểm a khoản này;
c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Hội đồng chuyên môn các cấp, Cơ quan được giao quản lý về y tế báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành quyết định đình chỉ hành nghề;
d) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tờ trình của Cơ quan được giao quản lý về y tế, cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định đình chỉ hành nghề theo Mẫu số 04a hoặc Mẫu số 04b Phụ lục V kèm theo Nghị định này. Nội dung quyết định đình chỉ hành nghề phải căn cứ vào văn bản kết luận.
2. Đối với trường hợp người hành nghề bị đình chỉ theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc vi phạm đạo đức nghề nghiệp nhưng chưa đến mức phải thu hồi giấy phép hành nghề:
a) Trường hợp cơ quan ban hành kết luận không có thẩm quyền đình chỉ, thu hồi giấy phép hành nghề, gửi văn bản kết luận về Cơ quan được giao quản lý về y tế. Trong đó nêu rõ lý do đề nghị đình chỉ hành nghề.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kết luận, Cơ quan được giao quản lý về y tế báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành quyết định đình chỉ hành nghề.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tờ trình của Cơ quan được giao quản lý về y tế, cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định đình chỉ hành nghề theo Mẫu số 04a hoặc Mẫu số 04b Phụ lục V kèm theo Nghị định này. Nội dung quyết định đình chỉ hành nghề phải căn cứ vào văn bản kết luận;
b) Trường hợp cơ quan ban hành kết luận có thẩm quyền đình chỉ, thu hồi giấy phép hành nghề: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có văn bản kết luận, cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định đình chỉ hành nghề theo Mẫu số 04a hoặc Mẫu số 04b Phụ lục V kèm theo Nghị định này. Nội dung quyết định đình chỉ hành nghề phải căn cứ vào văn bản kết luận.
3. Đối với trường hợp người hành nghề bị đình chỉ do không đủ sức khỏe để hành nghề:
a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kết luận của cơ quan có thẩm quyền (bao gồm: Tòa án, cơ quan giám định, cơ sở khám sức khỏe) về việc người hành nghề không đủ sức khỏe để hành nghề, Cơ quan được giao quản lý về y tế báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành quyết định đình chỉ hành nghề;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tờ trình của Cơ quan được giao quản lý về y tế, cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định đình chỉ hành nghề theo Mẫu số 04a hoặc Mẫu số 04b Phụ lục V kèm theo Nghị định này. Nội dung quyết định đình chỉ hành nghề phải căn cứ vào văn bản kết luận.
4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định đình chỉ hành nghề của cấp có thẩm quyền, Cơ quan được giao quản lý về y tế có trách nhiệm:
a) Thông báo tới các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an quyết định đình chỉ hoạt động chuyên môn của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;
b) Gửi quyết định đình chỉ cho người hành nghề hoặc thực hiện việc giới hạn phạm vi hành nghề của người bị đình chỉ trên hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh;
c) Gửi quyết định đình chỉ cho cơ quan đã cấp giấy phép hành nghề cho người hành nghề đó đối với trường hợp cơ quan ra quyết định đình chỉ không phải là cơ quan đã cấp giấy phép hành nghề cho người hành nghề.
1. Trường hợp quyết định đình chỉ không bắt buộc người hành nghề bị đình chỉ hoạt động phải cập nhật kiến thức y khoa liên tục thì người hành nghề được tiếp tục hành nghề khi hết thời hạn đình chỉ.
2. Trường hợp quyết định đình chỉ bắt buộc người hành nghề bị đình chỉ hoạt động phải cập nhật kiến thức y khoa liên tục, trong thời hạn 12 tháng kể từ khi có quyết định đình chỉ có hiệu lực, người hành nghề có trách nhiệm thực hiện và gửi kết quả cập nhật kiến thức y khoa liên tục theo quy định của Bộ Y tế về Cơ quan được giao quản lý về y tế.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả cập nhật kiến thức y khoa liên tục, Cơ quan được giao quản lý về y tế báo cáo cơ quan đã cấp giấy phép hành nghề cho người hành nghề quyết định việc cho phép tiếp tục hành nghề.
4. Trường hợp người hành nghề không hoàn thành việc cập nhật kiến thức y khoa liên tục theo quy định tại Điều này, cơ quan cấp giấy phép hành nghề có trách nhiệm ban hành quyết định đình chỉ. Người hành nghề có trách nhiệm thực hiện các quy định tại khoản 2 Điều này.
Trường hợp tổng thời gian đình chỉ quá 24 tháng, cơ quan cấp giấy phép hành nghề có trách nhiệm thu hồi giấy phép hành nghề trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày quá thời gian đình chỉ và người hành nghề phải thực hiện thủ tục cấp mới giấy phép hành nghề.
5. Thời hạn đình chỉ không quá 24 tháng.
1. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bị đình chỉ hoạt động:
a) Xảy ra sự cố y khoa đến mức phải đình chỉ hoạt động chuyên môn;
b) Không bảo đảm một trong các điều kiện quy định tại Điều 49 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh;
c) Không bảo đảm một trong các điều kiện quy định tại các Điều 18, 19, 20, 21, 22, 23 và 24 Nghị định này.
2. Nguyên nhân, tính chất, mức độ, hậu quả của sự cố y khoa hoặc phần điều kiện hoạt động không đảm bảo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này là căn cứ để quyết định đình chỉ một phần hoặc toàn bộ giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vi phạm hành chính thì thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 101 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh hoặc kết luận kiểm tra, thanh tra xác định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có vi phạm phải đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động chuyên môn, cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 51 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh ban hành quyết định đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động chuyên môn của cơ sở đó theo Mẫu số 05a hoặc Mẫu số 05b Phụ lục V kèm theo Nghị định này.
4. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Cơ quan được giao quản lý về y tế có trách nhiệm:
a) Thông báo tới các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an quyết định đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
b) Đăng tải thông tin về việc đình chỉ hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đồng thời thực hiện việc giới hạn phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bị đình chỉ trên hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
1. Sau khi hoàn thành việc khắc phục, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bị đình chỉ có trách nhiệm gửi báo cáo khắc phục về Cơ quan được giao quản lý về y tế.
2. Trường hợp không có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ, Cơ quan được quản lý về y tế báo cáo cấp có thẩm quyền thực hiện một trong các quy định sau đây:
a) Ban hành quyết định chấm dứt đình chỉ trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu báo cáo khắc phục đã đáp ứng yêu cầu;
b) Tổ chức đánh giá thực tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đề nghị trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu cần thiết.
3. Trường hợp có yêu cầu sửa đổi, bổ sung báo cáo khắc phục, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan được giao quản lý về y tế phải có văn bản gửi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đề nghị, trong đó phải nêu cụ thể các tài liệu, nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
Trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày Cơ quan được giao quản lý về y tế có văn bản thông báo sửa đổi, bổ sung, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải nộp báo cáo sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu. Sau thời hạn trên, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không sửa đổi, bổ sung thì báo cáo đã nộp không còn giá trị.
4. Sau khi nhận báo cáo sửa đổi, bổ sung, Cơ quan được giao quản lý về y tế thực hiện một trong các quy định sau đây:
a) Trường hợp báo cáo sửa đổi, bổ sung không đáp ứng yêu cầu, Cơ quan được giao quản lý về y tế phải có văn bản thông báo cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại khoản 3 Điều này.
Trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày Cơ quan được giao quản lý về y tế có văn bản thông báo sửa đổi, bổ sung, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải nộp báo cáo sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu. Sau thời hạn trên, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không sửa đổi, bổ sung hoặc sau 12 tháng, kể từ ngày nộp báo cáo lần đầu mà báo cáo bổ sung không đáp ứng yêu cầu thì hồ sơ đã nộp không còn giá trị;
b) Trường hợp không có yêu cầu sửa đổi, bổ sung đối với báo cáo sửa đổi, bổ sung, Cơ quan được quản lý về y tế thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này.
5. Sau khi đánh giá thực tế cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm thực hiện một trong các quy định sau đây:
a) Ban hành quyết định chấm dứt đình chỉ trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hoàn thành việc đánh giá thực tế, nếu việc khắc phục đã đáp ứng yêu cầu;
b) Ban hành văn bản thông báo về các nội dung cần khắc phục, sửa chữa trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành việc đánh giá thực tế đối với trường hợp có yêu cầu khắc phục, sửa chữa.
Trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có văn bản thông báo về các nội dung cần khắc phục, sửa chữa, mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không hoàn thành việc khắc phục, sửa chữa thì hồ sơ đã nộp không còn giá trị.
6. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo và tài liệu chứng minh đã hoàn thành việc khắc phục, sửa chữa của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ quan cấp giấy phép hoạt động có trách nhiệm thực hiện trình tự theo quy định tại khoản 2 Điều này.
1. Hồ sơ đề nghị cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục hoạt động chuyên môn bao gồm:
a) Đơn đề nghị được tiếp tục hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo Mẫu số 05 Phụ lục II kèm theo Nghị định này;
b) Báo cáo về việc khắc phục sai sót chuyên môn hoặc các biện pháp đã thực hiện để bảo đảm các điều kiện quy định tại các Điều 18, 19, 20, 21, 22, 23 và 24 Nghị định này (tùy theo hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh) có xác nhận của đơn vị cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; các tài liệu liên quan.
2. Thủ tục cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục hoạt động chuyên môn:
a) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gửi 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này trực tiếp hoặc qua đường bưu chính hoặc trên môi trường điện tử về đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng hoặc cơ sở y tế trực thuộc Công an đơn vị, địa phương thuộc Bộ Công an.
Trường hợp hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng hoặc cơ sở y tế trực thuộc Công an đơn vị, địa phương thuộc Bộ Công an tổng hợp, lập danh sách gửi Cơ quan được giao quản lý về y tế kèm theo hồ sơ đề nghị của cơ sở và công văn đề nghị của thủ trưởng đơn vị từ cấp trung đoàn trở lên.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng hoặc cơ sở y tế trực thuộc Công an đơn vị, địa phương thuộc Bộ Công an hoặc Cơ quan được giao quản lý về y tế phải có văn bản trả lời đơn vị gửi hồ sơ, trong đó nêu cụ thể lý do không hợp lệ, yêu cầu sửa đổi hoặc bổ sung tài liệu có trong hồ sơ đề nghị;
b) Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan được giao quản lý về y tế tiến hành xét duyệt hồ sơ báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục hoạt động chuyên môn; nếu không cho phép tiếp tục hoạt động chuyên môn thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;
c) Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được tờ trình của Cơ quan được giao quản lý về y tế, cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục hoạt động chuyên môn; nếu không cho phép tiếp tục hoạt động chuyên môn thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
1. Đối với trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 35 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh:
a) Cơ quan, đơn vị, cá nhân khi phát hiện người hành nghề thuộc trường hợp phải thu hồi giấy phép hành nghề phải thông báo cho Cơ quan được giao quản lý về y tế;
b) Cơ quan được giao quản lý về y tế có trách nhiệm xác minh hồ sơ, tài liệu và thông tin do cơ quan, đơn vị, cá nhân cung cấp, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định;
c) Quyết định thu hồi giấy phép hành nghề theo Mẫu số 02a hoặc Mẫu số 02b Phụ lục V kèm theo Nghị định này.
2. Đối với trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 35 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm ban hành quyết định thu hồi giấy phép hành nghề của người hành nghề trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận được thông báo, tống đạt của cơ quan có thẩm quyền về việc người hành nghề thuộc trường hợp bị cấm hành nghề theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 6 Điều 20 Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
3. Đối với trường hợp quy định tại điểm e, điểm g khoản 1 Điều 35 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh do Hội đồng chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự thành lập theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 101 Luật Khám bệnh, chữa bệnh
a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn có trách nhiệm ký văn bản gửi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Chủ tịch Hội đồng, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm báo cáo Phòng/Ban quân y cấp trên trực tiếp cho tới đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng hoặc cơ sở y tế trực thuộc Công an đơn vị, địa phương thuộc Bộ Công an bằng văn bản, trong đó phải nêu rõ lý do đề nghị thu hồi giấy phép hành nghề;
c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng hoặc cơ sở y tế trực thuộc Công an đơn vị, địa phương thuộc Bộ Công an báo cáo bằng văn bản về Cơ quan được giao quản lý về y tế;
d) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản, Cơ quan được giao quản lý về y tế báo cáo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an ban hành quyết định thu hồi giấy phép hành nghề;
đ) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của Cơ quan được giao quản lý về y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an ban hành quyết định thu hồi giấy phép hành nghề. Nội dung quyết định thu hồi phải căn cứ vào kết luận của Hội đồng chuyên môn.
4. Đối với trường hợp quy định tại điểm e, điểm g khoản 1 Điều 35 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh do Hội đồng chuyên môn của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về y tế quản lý trực tiếp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thành lập theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 101 Luật Khám bệnh, chữa bệnh
a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn có trách nhiệm ký văn bản gửi Cơ quan được giao quản lý về y tế, trong đó phải nêu rõ lý do đề nghị thu hồi giấy phép hành nghề.
Trường hợp Hội đồng chuyên môn do Bộ Y tế thành lập, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn ký văn bản báo cáo Bộ Y tế ban hành quyết định thu hồi giấy phép hành nghề và thông báo đến Cơ quan được giao quản lý về y tế;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Chủ tịch Hội đồng chuyên môn quy định tại điểm a khoản này, Cơ quan được giao quản lý về y tế có trách nhiệm báo cáo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an ban hành quyết định thu hồi giấy phép hành nghề;
c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của Cơ quan được giao quản lý về y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an ban hành quyết định thu hồi giấy phép hành nghề. Nội dung quyết định thu hồi phải căn cứ vào kết luận của Hội đồng chuyên môn.
5. Đối với trường hợp quy định tại điểm h khoản 1 Điều 35 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh:
a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kết luận người hành nghề lần thứ hai trong thời hạn của giấy phép hành nghề có vi phạm đạo đức nghề nghiệp đến mức phải đình chỉ hành nghề của cơ quan có thẩm quyền, Cơ quan được giao quản lý về y tế có trách nhiệm báo cáo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an ban hành quyết định thu hồi giấy phép hành nghề;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của Cơ quan được giao quản lý về y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an ban hành quyết định thu hồi giấy phép hành nghề. Nội dung quyết định thu hồi phải căn cứ vào kết luận của Hội đồng chuyên môn.
6. Đối với trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 35 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh:
Cơ quan được giao quản lý về y tế có trách nhiệm tiếp nhận đơn đề nghị và giấy phép hành nghề do cá nhân cung cấp; báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi giấy phép hành nghề và văn bản xác nhận đã được cơ quan cấp phép thuộc lực lượng vũ trang nhân dân cấp giấy phép hành nghề trong đó nêu rõ số giấy phép hành nghề, ngày cấp, nơi cấp, thông tin cá nhân, chức danh chuyên môn, phạm vi hành nghề.
7. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định thu hồi, Cơ quan được giao quản lý về y tế có trách nhiệm:
a) Gửi quyết định cho người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quản lý người hành nghề;
b) Thực hiện việc hủy bỏ đăng ký hành nghề của người hành nghề đó trên hệ thống thông tin quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh;
c) Thông báo tới các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an quyết định thu hồi giấy phép hành nghề của người hành nghề.
1. Đối với trường hợp giấy phép hành nghề bị thu hồi do hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề không đúng quy định theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh: Người có giấy phép bị thu hồi phải hoàn chỉnh lại hồ sơ và nộp lại hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề.
a) Trường hợp người bị thu hồi giấy phép hành nghề nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày có quyết định thu hồi thì được cấp lại giấy phép hành nghề mà không phải thực hành lại;
b) Trường hợp người bị thu hồi giấy phép hành nghề nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề trong thời hạn từ 24 tháng đến 60 tháng, kể từ ngày có quyết định thu hồi thì phải hoàn thành việc thực hành trước khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp lại giấy phép hành nghề theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Nghị định này;
c) Trường hợp người bị thu hồi giấy phép hành nghề nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề trong thời hạn vượt quá 60 tháng, kể từ ngày có quyết định thu hồi thì phải hoàn thành việc thực hành và phải được kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp mới giấy phép hành nghề theo quy định tại khoản 5 Điều 8 Nghị định này.
2. Đối với trường hợp giấy phép hành nghề bị thu hồi do giả mạo tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 35 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm cả trường hợp giả mạo văn bằng tốt nghiệp, giấy xác nhận hoàn thành quá trình thực hành đã nộp để tham dự kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề):
a) Trường hợp giả mạo văn bằng hoặc văn bản xác nhận đạt kết quả tại kỳ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề chỉ được nộp hồ sơ đề nghị cấp mới giấy phép hành nghề sau tối thiểu 05 năm, kể từ ngày có quyết định thu hồi giấy phép hành nghề;
b) Trường hợp giả mạo các giấy tờ khác trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề chỉ được nộp hồ sơ đề nghị cấp mới giấy phép hành nghề sau 03 năm, kể từ ngày có quyết định thu hồi giấy phép hành nghề.
3. Đối với trường hợp giấy phép hành nghề bị thu hồi do cấp sai chức danh chuyên môn hoặc phạm vi hành nghề trong giấy phép hành nghề so với hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh: Người có giấy phép hành nghề bị thu hồi thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép hành nghề.
a) Trường hợp người bị thu hồi giấy phép hành nghề nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày có quyết định thu hồi thì được cấp lại giấy phép hành nghề mà không phải thực hành lại;
b) Trường hợp người bị thu hồi giấy phép hành nghề nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề trong thời hạn từ 24 tháng đến 60 tháng, kể từ ngày có quyết định thu hồi thì phải hoàn thành việc thực hành trước khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp lại giấy phép hành nghề;
c) Trường hợp người bị thu hồi giấy phép hành nghề nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề trong thời hạn vượt quá 60 tháng, kể từ ngày có quyết định thu hồi thì phải hoàn thành việc thực hành và phải được kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp mới giấy phép hành nghề.
4. Đối với trường hợp giấy phép hành nghề bị thu hồi theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 35 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh:
a) Trong thời hạn 36 tháng, kể từ ngày quyết định thu hồi giấy phép hành nghề có hiệu lực thi hành, nếu người có giấy phép hành nghề bị thu hồi hoàn thành thực hành theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định này thì được thực hiện thủ tục cấp lại giấy phép hành nghề theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Nghị định này;
b) Trường hợp sau 36 tháng, kể từ ngày quyết định thu hồi giấy phép hành nghề có hiệu lực thi hành, nếu người có giấy phép hành nghề bị thu hồi không hoàn thành thực hành theo quy định tại điểm a khoản này thì phải thực hiện quy trình cấp mới giấy phép hành nghề theo quy định tại khoản 5 Điều 8 Nghị định này.
5. Đối với trường hợp giấy phép hành nghề bị thu hồi theo quy định tại một trong các điểm e, điểm h khoản 1 Điều 35 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh phải hoàn thành thực hành và được đánh giá đủ năng lực hành nghề qua kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trước khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp mới giấy phép hành nghề theo quy định tại khoản 5 Điều 8 Nghị định này.
6. Đối với trường hợp giấy phép hành nghề bị thu hồi theo quy định tại một trong các điểm g khoản 1 Điều 35 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh chỉ được nộp hồ sơ đề nghị cấp mới giấy phép hành nghề sau 12 tháng, kể từ ngày có quyết định thu hồi giấy phép hành nghề.
7. Đối với trường hợp giấy phép hành nghề bị thu hồi theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 35 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh:
a) Trường hợp người bị thu hồi giấy phép hành nghề nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép hành nghề trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày có quyết định thu hồi thì được cấp lại giấy phép hành nghề mà không phải thực hành;
b) Trường hợp người bị thu hồi giấy phép hành nghề nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề trong thời hạn từ 24 tháng đến 60 tháng, kể từ ngày có quyết định thu hồi thì phải hoàn thành thực hành trước khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp lại giấy phép hành nghề;
c) Trường hợp người bị thu hồi giấy phép hành nghề nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề trong thời hạn vượt quá 60 tháng, kể từ ngày có quyết định thu hồi thì phải hoàn thành thực hành và được đánh giá đủ năng lực hành nghề qua kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa trước khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp mới giấy phép hành nghề.
1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 101 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh hoặc kết luận kiểm tra, thanh tra trong đó xác định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có vi phạm đến mức phải bị thu hồi giấy phép hoạt động quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi giấy phép hoạt động theo Mẫu số 03a hoặc Mẫu số 03b Phụ lục V kèm theo Nghị định này.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi giấy phép hoạt động, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải nộp bản chính giấy phép hoạt động về Cơ quan được giao quản lý về y tế.
3. Cơ quan ban hành quyết định thu hồi giấy phép hoạt động thông báo bằng văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Sở Y tế nơi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đặt trụ sở trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định thu hồi giấy phép hoạt động có hiệu lực thi hành; đăng tải thông tin về việc thu hồi giấy phép hoạt động trên cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
4. Cơ sở bị thu hồi giấy phép hoạt động phải thực hiện lại thủ tục đề nghị cấp mới giấy phép hoạt động theo quy định tại Điều 27 Nghị định này.
Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực