Chương VII Nghị định 151/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật quản lý, sử dụng tài sản công: Quản lý, sử dụng tài sản công phục vụ hoạt động của cơ quan dự trữ nhà nước
Số hiệu: | 151/2017/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Xuân Phúc |
Ngày ban hành: | 26/12/2017 | Ngày hiệu lực: | 01/01/2018 |
Ngày công báo: | 15/01/2018 | Số công báo: | Từ số 41 đến số 42 |
Lĩnh vực: | Bộ máy hành chính, Tài chính nhà nước | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Khoán kinh phí sử dụng nhà ở và xe công vụ
Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định 151/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được ban hành ngày 26/12/2017. Theo đó:
- Đối với việc khoán kinh phí sử dụng nhà ở công vụ được áp dụng với đối tượng có tiêu chuẩn sử dụng nhà ở công vụ mà Nhà nước không có nhà ở công vụ để bố trí.
- Mức khoán được xác định trên cơ sở giá thuê nhà ở phổ biến tại nơi người nhận khoán đến công tác phù hợp với loại và diện tích nhà ở theo tiêu chuẩn, định mức áp dụng với người nhận khoán.
- Với xe ô tô, đối tượng, phương pháp xác định mức khoán kinh phí thực hiện theo Nghị định của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô.
Đồng thời, kinh phí khoán khi sử dụng 2 tài sản trên đều được thanh toán cho người nhận khoán cùng với việc chi trả tiền lương hằng tháng.
Riêng trường hợp sử dụng xe công vụ đi công tác kinh phí khoán sẽ được thanh toán cùng thanh toán công tác phí.
Nghị định 151/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/01/2018.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
1. Việc sử dụng kho dự trữ quốc gia để bảo quản tài sản công có quyết định thu hồi hoặc tài sản có quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân trong thời gian chờ xử lý theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 72 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công phải đảm bảo các yêu cầu sau:
a) Không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ bảo quản hàng dự trữ quốc gia của cơ quan dự trữ nhà nước theo kế hoạch được giao;
b) Không làm ảnh hưởng tới bí mật, an toàn dự trữ quốc gia và phải được cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này cho phép;
c) Không sử dụng chung kho để đồng thời bảo quản hàng dự trữ quốc gia và tài sản công có quyết định thu hồi hoặc tài sản có quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân trong thời gian chờ xử lý;
d) Không sử dụng kho dự trữ quốc gia để bảo quản tài sản dễ bị hư hỏng, dễ cháy nổ, ảnh hưởng đến môi trường.
2. Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ nhà nước, người đứng đầu cơ quan quản lý hàng dự trữ quốc gia của các bộ, ngành quyết định việc sử dụng kho để bảo quản tài sản công trong thời gian chờ xử lý theo đề nghị của cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm bảo quản tài sản có quyết định thu hồi hoặc quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân.
3. Việc sử dụng kho để bảo quản tài sản công có quyết định thu hồi hoặc tài sản có quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân trong thời gian chờ xử lý phải được lập thành Hợp đồng ủy quyền bảo quản tài sản ký giữa cơ quan quản lý hàng dự trữ quốc gia và cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý tài sản có quyết định thu hồi hoặc quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân.
4. Cơ quan có tài sản bảo quản tại kho dự trữ quốc gia phải trả cho cơ quan dự trữ nhà nước một khoản kinh phí để bù đắp chi phí điện, nước, xăng dầu, bảo vệ, sửa chữa kho và các chi phí khác có liên quan trực tiếp đến việc bảo quản tài sản (gọi chung là chi phí bảo quản).
Cơ quan dự trữ nhà nước xác định chi phí bảo quản trên cơ sở định mức tiêu hao, thời gian bảo quản và thông báo cho cơ quan có tài sản bảo quản để thanh toán theo quy định; chi phí bảo quản được quy định tại Hợp đồng ủy quyền bảo quản tài sản.
5. Khoản thu từ việc sử dụng kho dự trữ quốc gia để bảo quản tài sản công có quyết định thu hồi hoặc tài sản có quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân được sử dụng để bù đắp các chi phí cần thiết phục vụ việc bảo quản tài sản; phần còn lại (nếu có), cơ quan dự trữ nhà nước được sử dụng để bảo dưỡng, sửa chữa kho dự trữ hoặc để chi cho hoạt động của cơ quan và được giảm chi ngân sách tương ứng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
1. Cơ quan dự trữ nhà nước được khai thác kho, bãi chưa sử dụng hết công suất theo hình thức cho thuê để bảo quản tài sản. Việc khai thác kho, bãi chưa sử dụng hết công suất được thực hiện khi đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Được cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này cho phép;
b) Không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ bảo quản hàng dự trữ quốc gia của cơ quan dự trữ nhà nước theo kế hoạch được giao và nhiệm vụ bảo quản tài sản công có quyết định thu hồi hoặc tài sản có quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân;
c) Không sử dụng chung kho để đồng thời bảo quản hàng dự trữ quốc gia và tài sản thuê bảo quản;
d) Không cho thuê kho dự trữ quốc gia để bảo quản hàng cấm, hàng dễ bị hư hỏng, dễ cháy nổ, ảnh hưởng đến môi trường;
đ) Phát huy công suất và hiệu quả sử dụng kho, bãi;
e) Thực hiện theo cơ chế thị trường và tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định việc khai thác kho dự trữ quốc gia của cơ quan quản lý hàng dự trữ quốc gia thuộc phạm vi quản lý.
3. Người đứng đầu cơ quan quản lý hàng dự trữ quốc gia xác định giá cho thuê kho dự trữ phù hợp với giá thị trường và thông báo cho cơ quan quản lý cấp trên để theo dõi.
4. Toàn bộ số tiền thu được từ việc khai thác kho dự trữ quốc gia phải được nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định này trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày phát sinh khoản thu.
Cơ quan quản lý hàng dự trữ quốc gia có trách nhiệm lập dự toán đối với các khoản chi phí liên quan đến việc khai thác kho dự trữ trình người đứng đầu cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp phê duyệt. Các chi phí liên quan đến việc khai thác kho dự trữ gồm:
a) Chi phí điện, nước;
b) Chi phí nhân viên bảo quản, bảo vệ;
c) Chi phí bảo quản tài sản;
d) Chi phí khác liên quan trực tiếp đến việc khai thác kho dự trữ quốc gia.
Căn cứ quyết toán được người đứng đầu cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp phê duyệt, đề nghị của cơ quan quản lý hàng dự trữ quốc gia, chủ tài khoản tạm giữ có trách nhiệm cấp tiền cho cơ quan quản lý hàng dự trữ quốc gia để thực hiện chi trả các khoản chi phí có liên quan đến việc khai thác kho, bãi. Hồ sơ, thủ tục cấp tiền từ tài khoản tạm giữ được thực hiện theo quy định tại Điều 36 Nghị định này.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc năm tài chính, chủ tài khoản tạm giữ thực hiện nộp số tiền thu được từ khai thác kho dự trữ của năm trước, sau khi trừ đi chi phí có liên quan đến việc khai thác kho dự trữ vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực