Chương VI Nghị định 151/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật quản lý, sử dụng tài sản công: Mua sắm tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị theo phương thức tập trung
Số hiệu: | 151/2017/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Xuân Phúc |
Ngày ban hành: | 26/12/2017 | Ngày hiệu lực: | 01/01/2018 |
Ngày công báo: | 15/01/2018 | Số công báo: | Từ số 41 đến số 42 |
Lĩnh vực: | Bộ máy hành chính, Tài chính nhà nước | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Khoán kinh phí sử dụng nhà ở và xe công vụ
Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định 151/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được ban hành ngày 26/12/2017. Theo đó:
- Đối với việc khoán kinh phí sử dụng nhà ở công vụ được áp dụng với đối tượng có tiêu chuẩn sử dụng nhà ở công vụ mà Nhà nước không có nhà ở công vụ để bố trí.
- Mức khoán được xác định trên cơ sở giá thuê nhà ở phổ biến tại nơi người nhận khoán đến công tác phù hợp với loại và diện tích nhà ở theo tiêu chuẩn, định mức áp dụng với người nhận khoán.
- Với xe ô tô, đối tượng, phương pháp xác định mức khoán kinh phí thực hiện theo Nghị định của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô.
Đồng thời, kinh phí khoán khi sử dụng 2 tài sản trên đều được thanh toán cho người nhận khoán cùng với việc chi trả tiền lương hằng tháng.
Riêng trường hợp sử dụng xe công vụ đi công tác kinh phí khoán sẽ được thanh toán cùng thanh toán công tác phí.
Nghị định 151/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/01/2018.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
1. Tài sản được đưa vào danh mục tài sản mua sắm tập trung là tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, yêu cầu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, năng lực của đơn vị mua sắm tập trung, điều kiện phát triển của thị trường cung cấp tài sản.
2. Việc ban hành danh mục tài sản mua sắm tập trung được thực hiện như sau:
a) Bộ Tài chính ban hành danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia (trừ thuốc) theo lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
b) Bộ Y tế ban hành danh mục thuốc mua sắm tập trung (bao gồm danh mục thuốc mua sắm tập trung cấp quốc gia và danh mục thuốc mua sắm tập trung cấp địa phương);
c) Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành danh mục tài sản mua sắm tập trung cấp bộ, cơ quan trung ương, địa phương (trừ thuốc).
3. Nguyên tắc xây dựng và áp dụng danh mục tài sản mua sắm tập trung:
a) Danh mục tài sản mua sắm tập trung cấp quốc gia áp dụng cho tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương và địa phương;
b) Danh mục tài sản mua sắm tập trung cấp bộ, cơ quan trung ương, địa phương áp dụng cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương và địa phương;
c) Tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp bộ, cơ quan trung ương, địa phương không được trùng lắp với danh mục tài sản mua sắm tập trung quốc gia.
4. Việc mua sắm các loại tài sản sau đây không thực hiện theo quy định tại Chương này:
a) Tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng tại đơn vị vũ trang nhân dân. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an căn cứ quy định của pháp luật về đấu thầu và các quy định tại Nghị định này ban hành Quy chế và tổ chức thực hiện việc mua sắm tập trung tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng tại đơn vị vũ trang nhân dân thuộc phạm vi quản lý;
b) Tài sản của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài;
c) Tài sản mua sắm từ nguồn vốn viện trợ, tài trợ, nguồn vốn thuộc các chương trình, dự án sử dụng vốn nước ngoài mà nhà tài trợ có yêu cầu về mua sắm khác với quy định tại Chương này;
d) Tài sản mua sắm thuộc dự án đầu tư xây dựng mà việc tách thành gói thầu riêng làm ảnh hưởng tới tính đồng bộ của dự án hoặc làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
5. Danh mục tài sản mua sắm tập trung phải được công khai theo quy định của pháp luật.
1. Đơn vị mua sắm tập trung quốc gia: Là đơn vị mua sắm tập trung thuộc Bộ Tài chính để thực hiện nhiệm vụ mua sắm tài sản thuộc danh mục mua sắm tài sản tập trung cấp quốc gia (trừ thuốc).
2. Đơn vị mua sắm tập trung thuốc quốc gia: Là đơn vị thuộc Bộ Y tế hoặc đơn vị khác được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện nhiệm vụ mua sắm tập trung thuốc thuộc danh mục thuốc mua sắm tập trung cấp quốc gia.
3. Đơn vị mua sắm tập trung của các bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh: Là đơn vị thuộc các bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh được giao nhiệm vụ thực hiện mua sắm tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp bộ, cơ quan trung ương, địa phương.
4. Bộ Tài chính, Bộ Y tế, các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo thẩm quyền đơn vị mua sắm tập trung để thực hiện mua sắm đối với tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia, cấp Bộ, cơ quan trung ương, địa phương trên cơ sở tổ chức sắp xếp lại, giao bổ sung nhiệm vụ cho một cơ quan, tổ chức, đơn vị hiện có (không thành lập mới, không bổ sung biên chế của bộ, cơ quan trung ương, địa phương).
1. Tập hợp nhu cầu, lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản.
2. Tiến hành lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
3. Ký thỏa thuận khung với nhà thầu được lựa chọn cung cấp tài sản, phát hành tài liệu mô tả chi tiết các tài sản được lựa chọn; quy định mẫu hợp đồng mua sắm làm cơ sở cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản ký hợp đồng mua sắm với nhà cung cấp trong trường hợp áp dụng mua sắm tập trung theo cách thức ký thỏa thuận khung; trực tiếp ký hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn cung cấp tài sản trong trường hợp áp dụng mua sắm tập trung theo cách thức ký hợp đồng trực tiếp.
4. Tổ chức thực hiện hoặc tham gia bàn giao, tiếp nhận tài sản mua sắm tập trung.
5. Công khai việc mua sắm tài sản theo quy định tại Mục 2 Chương XIV Nghị định này.
6. Tổ chức ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện mua sắm điện tử theo quy định.
7. Cung cấp dịch vụ mua sắm tập trung cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, các doanh nghiệp nhà nước chưa hình thành đơn vị mua sắm tập trung hoặc cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ mua sắm tài sản cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp có nhu cầu.
8. Giám sát việc thực hiện thỏa thuận khung, hợp đồng của các nhà thầu được lựa chọn; tiếp nhận, xử lý thông tin phản hồi từ các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản.
9. Thực hiện trách nhiệm của chủ đầu tư, trách nhiệm của bên mời thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
1. Nguồn kinh phí mua sắm tập trung:
a) Kinh phí được cơ quan, người có thẩm quyền giao trong dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
b) Nguồn công trái quốc gia, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương;
c) Nguồn vốn thuộc các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA; nguồn viện trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thuộc nguồn ngân sách nhà nước mà nhà tài trợ không có yêu cầu mua sắm khác với quy định tại Nghị định này;
d) Nguồn kinh phí từ quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và văn bản hướng dẫn về quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách;
đ) Nguồn kinh phí từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên;
e) Nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và nguồn thu hợp pháp khác của cơ sở y tế công lập trong trường hợp mua thuốc tập trung.
2. Ngoài các nguồn kinh phí mua sắm tập trung quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sử dụng các nguồn kinh phí sau đây để bảo đảm hiệu quả mua sắm tài sản theo phương thức tập trung:
a) Nguồn kinh phí từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên;
b) Nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và nguồn thu hợp pháp khác của cơ sở y tế công lập trong trường hợp mua sắm trang thiết bị y tế.
1. Việc mua sắm tập trung được thực hiện theo một trong hai cách thức sau đây:
a) Mua sắm tập trung theo cách thức ký thỏa thuận khung: Đơn vị mua sắm tập trung tổng hợp nhu cầu mua sắm, tiến hành lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp lựa chọn nhà thầu, ký thỏa thuận khung với nhà thầu được lựa chọn. Cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tài sản trực tiếp ký hợp đồng mua sắm với nhà thầu được lựa chọn, trực tiếp thanh toán cho nhà thầu được lựa chọn (trừ trường hợp giao dự toán cho đơn vị mua sắm tập trung), tiếp nhận tài sản, hồ sơ về tài sản và thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, chế độ bảo hành, bảo trì từ nhà thầu được lựa chọn;
b) Mua sắm tập trung theo cách thức ký hợp đồng trực tiếp: Đơn vị mua sắm tập trung tổng hợp nhu cầu mua sắm, tiến hành lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp lựa chọn nhà thầu, trực tiếp ký hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn và trực tiếp thanh toán cho nhà thầu. Cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tài sản tiếp nhận tài sản, hồ sơ về tài sản và thực hiện chế độ bảo hành, bảo trì từ nhà thầu được lựa chọn.
2. Việc mua sắm tập trung được thực hiện theo cách thức ký thỏa thuận khung, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
3. Mua sắm tập trung theo cách thức ký hợp đồng trực tiếp được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
a) Mua tài sản thuộc các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, nguồn viện trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thuộc nguồn ngân sách nhà nước mà nhà tài trợ có yêu cầu áp dụng theo cách thức ký hợp đồng trực tiếp;
b) Mua vắc xin phục vụ công tác tiêm chủng.
1. Quy trình thực hiện mua sắm tập trung (ngoài thuốc):
a) Lập, phê duyệt dự toán mua sắm tài sản;
b) Tổng hợp nhu cầu mua sắm tập trung;
c) Lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu;
d) Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu;
đ) Tổ chức lựa chọn nhà thầu;
e) Đánh giá hồ sơ dự thầu và thương thảo thỏa thuận khung, hợp đồng mua sắm tài sản;
g) Thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu;
h) Ký kết thỏa thuận khung về mua sắm tập trung trong trường hợp áp dụng theo cách thức ký thỏa thuận khung;
i) Ký kết hợp đồng mua sắm tài sản;
k) Thanh toán, bàn giao, tiếp nhận tài sản, quyết toán, thanh lý hợp đồng mua sắm tài sản;
l) Bảo hành, bảo trì tài sản.
2. Quy trình thực hiện mua sắm thuốc tập trung: Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn chi tiết quy trình thực hiện mua sắm thuốc tập trung.
1. Căn cứ tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng tài sản do cơ quan, người có thẩm quyền quy định, nhu cầu và hiện trạng sử dụng tài sản, cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản đề xuất nhu cầu mua sắm tài sản cùng với việc lập dự toán ngân sách hàng năm, trình cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; trong đó, xác định cụ thể chủng loại, số lượng, dự toán kinh phí mua sắm tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung.
Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn về tiêu chuẩn kỹ thuật và mức giá dự toán của tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung của bộ, cơ quan trung ương, địa phương phù hợp với tiêu chuẩn, định mức sử dụng và nhu cầu sử dụng của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
2. Cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước quyết định giao dự toán cho cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu và đủ điều kiện được mua sắm tài sản.
1. Căn cứ văn bản phân bổ dự toán của cơ quan, người có thẩm quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm lập văn bản đăng ký mua sắm tập trung, gửi cơ quan quản lý cấp trên (sau đây gọi là đầu mối đăng ký mua sắm tập trung) để tổng hợp gửi đơn vị mua sắm tập trung của bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh trước ngày 31 tháng 01 hàng năm.
Nội dung chủ yếu của văn bản đăng ký mua sắm tập trung gồm:
a) Cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản sau khi hoàn thành việc mua sắm;
b) Chủng loại, số lượng tài sản mua sắm tập trung;
c) Dự toán, nguồn vốn thực hiện mua sắm tập trung và phương thức thanh toán;
d) Dự kiến thời gian, địa điểm giao, nhận tài sản sau khi hoàn thành mua sắm và các đề xuất khác (nếu có).
2. Đơn vị mua sắm tập trung của bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh có trách nhiệm:
a) Tổng hợp nhu cầu mua sắm tập trung của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo Mẫu số 03/TSC-MSTT ban hành kèm theo Nghị định này để lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu và hồ sơ mời thầu đối với tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp bộ, cơ quan trung ương và địa phương;
b) Tổng hợp nhu cầu mua sắm tập trung của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo Mẫu số 03/TSC-MSTT ban hành kèm theo Nghị định này, báo cáo bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, gửi Bộ Tài chính đối với tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia trước ngày 28 tháng 02 của năm thực hiện mua sắm tập trung cấp quốc gia.
3. Đơn vị mua sắm tập trung quốc gia tổng hợp nhu cầu mua sắm tập trung cấp quốc gia theo Mẫu số 03/TSC-MSTT ban hành kèm theo Nghị định này để lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu và hồ sơ mời thầu đối với tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung quốc gia.
4. Trường hợp quá thời hạn quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này mà cơ quan, tổ chức, đơn vị và các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không gửi nhu cầu mua sắp tập trung đối với tài sản đã được giao dự toán mua sắm thuộc danh mục tài sản mua sắm tập trung thì không được phép mua sắm tài sản đó.
Trường hợp phát sinh nhu cầu mua sắm tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung ngoài dự toán được giao đầu năm và đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt bổ sung dự toán mua sắm, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao đơn vị mua sắm tập trung căn cứ thỏa thuận khung đã được ký kết (nếu có), quy định của pháp luật về đấu thầu để áp dụng hình thức mua sắm phù hợp hoặc giao cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu về tài sản tổ chức thực hiện mua sắm.
1. Đơn vị mua sắm tập trung lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm tập trung theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Việc thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm tập trung thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
2. Thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm tập trung được quy định như sau:
a) Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm tập trung quốc gia;
b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm tập trung của bộ, cơ quan trung ương;
c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm tập trung của địa phương.
3. Việc phân chia tài sản mua sắm thành các gói thầu phải căn cứ theo tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện, bảo đảm đồng bộ trong việc mua sắm, quy mô gói thầu hợp lý, bảo đảm khả năng bảo hành và các dịch vụ sau bán hàng của nhà cung cấp. Nghiêm cấm việc chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu trái với quy định của pháp luật nhằm mục đích hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.
1. Việc chuẩn bị lựa chọn nhà thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu; đánh giá hồ sơ dự thầu và thương thảo hợp đồng; thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
2. Đơn vị mua sắm tập trung thực hiện lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Đơn vị mua sắm tập trung không đủ năng lực tổ chức lựa chọn nhà thầu được phép thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp để tiến hành lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản theo Hợp đồng thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp được ký kết giữa đơn vị mua sắm tập trung và tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp. Việc lựa chọn tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Nội dung chủ yếu của Hợp đồng thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp gồm:
a) Thông tin của đơn vị mua sắm tập trung;
b) Thông tin của tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp;
c) Chủng loại, số lượng tài sản kèm theo mô tả chi tiết các yêu cầu về tài sản cần mua sắm;
d) Dự toán mua sắm dự kiến;
đ) Hình thức lựa chọn nhà thầu;
e) Thời hạn hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản;
g) Chi phí thuê tiến hành lựa chọn nhà thầu trong mua sắm tập trung;
h) Quyền, nghĩa vụ của các bên;
i) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
k) Các nội dung khác do các bên thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật.
3. Đơn vị mua sắm tập trung hoặc tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp được thuê cung cấp dịch vụ đấu thầu phải thực hiện đăng tải thông tin về đấu thầu mua sắm tập trung trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Báo đấu thầu, Trang thông tin điện tử về tài sản công hoặc Hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công (đối với tất cả các gói thầu mua sắm tập trung) và Cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan trung ương và của tỉnh (đối với các gói thầu mua sắm tập trung của bộ, cơ quan trung ương, địa phương).
1. Thỏa thuận khung về mua sắm tập trung được ký kết giữa đơn vị mua sắm tập trung và nhà thầu cung cấp tài sản được lựa chọn trong trường hợp mua sắm tập trung theo cách thức thỏa thuận khung.
2. Thỏa thuận khung về mua sắm tập trung được lập thành văn bản theo Mẫu số 04/TSC-MSTT ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Đơn vị mua sắm tập trung có trách nhiệm:
a) Đăng tải danh sách các nhà thầu được lựa chọn, thỏa thuận khung ký kết giữa nhà thầu và đơn vị mua sắm tập trung, tài liệu mô tả tài sản, mẫu hợp đồng mua sắm trên Trang thông tin điện tử về tài sản công hoặc Hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công (đối với tất cả các gói thầu mua sắm tập trung) và Cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan trung ương và tỉnh (đối với các gói thầu mua sắm tập trung của bộ, cơ quan trung ương và tỉnh);
b) Thông báo bằng hình thức văn bản đến các cơ quan, đơn vị gửi nhu cầu mua sắm tập trung về đơn vị mua sắm tập trung, cụ thể:
- Đơn vị mua sắm tập trung quốc gia gửi thông báo đến các bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh;
- Đơn vị mua sắm tập trung của bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh gửi thông báo đến các đơn vị đầu mối đăng ký mua sắm tập trung.
4. Trên cơ sở thông báo bằng văn bản của đơn vị mua sắm tập trung theo các nội dung nêu trên, các bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh, các đơn vị đầu mối đăng ký mua sắm tập trung thông báo cho cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản biết để ký hợp đồng mua sắm tài sản.
1. Trường hợp mua sắm tập trung theo cách thức ký thỏa thuận khung, cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản ký Hợp đồng mua sắm tài sản với nhà thầu đã được đơn vị mua sắm tập trung ký thỏa thuận khung trong thời hạn do đơn vị mua sắm tập trung thông báo. Quá thời hạn do đơn vị mua sắm tập trung thông báo, cơ quan, tổ chức, đơn vị không ký Hợp đồng mua sắm tài sản thì không được phép mua sắm tài sản đó và bị thu hồi dự toán.
Trường hợp tại thời điểm ký hợp đồng mua sắm tài sản, giá thị trường của tài sản thấp hơn giá trúng thầu mua sắm tập trung, cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản đàm phán với nhà thầu để giảm giá cho phù hợp với giá thị trường.
Hợp đồng mua sắm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản được gửi 01 bản cho đơn vị mua sắm tập trung hoặc đăng nhập thông tin về Hợp đồng mua sắm tài sản vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công theo Tài liệu hướng dẫn sử dụng của Bộ Tài chính.
2. Trường hợp mua sắm tập trung theo cách thức ký hợp đồng trực tiếp, đơn vị mua sắm tập trung đàm phán, ký hợp đồng mua sắm tài sản với nhà thầu được lựa chọn.
3. Hợp đồng mua sắm tài sản được lập thành văn bản theo Mẫu số 05a/TSC-MSTT, Mẫu số 05b/TSC-MSTT ban hành kèm theo Nghị định này.
1. Trường hợp mua sắm tập trung theo cách thức thỏa thuận khung, cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản có trách nhiệm thanh toán tiền mua tài sản cho nhà thầu được lựa chọn; đơn vị mua sắm tập trung có trách nhiệm thanh toán tiền mua tài sản cho nhà thầu được lựa chọn trong trường hợp cơ quan, người có thẩm quyền giao dự toán mua sắm cho đơn vị mua sắm tập trung.
2. Trường hợp mua sắm tập trung theo cách thức ký hợp đồng trực tiếp, việc thanh toán cho nhà thầu cung cấp tài sản thông qua một trong hai hình thức:
a) Đơn vị mua sắm tập trung đề nghị cơ quan quản lý chương trình, dự án chuyển tiền thanh toán cho nhà thầu cung cấp tài sản;
b) Đơn vị mua sắm tập trung đề nghị cơ quan quản lý chương trình, dự án chuyển tiền cho đơn vị mua sắm tập trung để thanh toán cho nhà thầu.
3. Việc thanh toán tiền mua sắm tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật, theo thỏa thuận khung và hợp đồng mua sắm tài sản đã ký với nhà thầu được lựa chọn.
4. Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm kiểm soát chi theo quy định của pháp luật. Hồ sơ kiểm soát chi bao gồm:
a) Dự toán năm hoặc kế hoạch vốn đầu tư năm của chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền giao;
b) Hợp đồng mua sắm tài sản theo quy định tại Điều 78 Nghị định này;
c) Bảo lãnh tạm ứng (nếu có);
d) Biên bản bàn giao, tiếp nhận tài sản theo quy định tại Điều 80 Nghị định này;
đ) Giấy rút dự toán/Giấy rút vốn đầu tư; Giấy đề nghị thanh toán (nếu có); Ủy nhiệm chi chuyển khoản, chuyển tiền điện tử hoặc giấy rút tiền mặt từ tài khoản tiền gửi (trong trường hợp chi từ tài khoản tiền gửi);
e) Văn bản của đơn vị mua sắm tập trung đề nghị cơ quan quản lý chương trình, dự án chuyển tiền cho nhà thầu cung cấp tài sản được lựa chọn theo hợp đồng đã ký (trong trường hợp đơn vị mua sắm tập trung đề nghị Cơ quan quản lý chương trình, dự án chuyển tiền thanh toán cho nhà thầu cung cấp tài sản);
g) Văn bản của đơn vị mua sắm tập trung đề nghị cơ quan quản lý chương trình, dự án chuyển tiền vào tài khoản tiền gửi của đơn vị mua sắm tập trung; Ủy nhiệm chi chuyển khoản, chuyển tiền điện tử (trong trường hợp đơn vị mua sắm tập trung đề nghị Cơ quan quản lý chương trình, dự án chuyển tiền cho đơn vị mua sắm tập trung để thanh toán cho nhà thầu cung cấp tài sản). Đối với văn bản đề nghị chuyển tiền này, ngoài các thông tin liên quan đến việc mua sắm tài sản, cần ghi rõ số tiền đề nghị chuyển, số tài khoản tiền gửi của đơn vị mua sắm tập trung và Kho bạc Nhà nước nơi đơn vị mở tài khoản tiền gửi.
1. Trường hợp mua sắm tập trung theo cách thức thỏa thuận khung, việc bàn giao, tiếp nhận tài sản được thực hiện giữa nhà thầu cung cấp tài sản và cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản theo hợp đồng mua sắm tài sản đã ký kết.
2. Trường hợp mua sắm tập trung theo cách thức ký hợp đồng trực tiếp, căn cứ hợp đồng mua sắm tài sản đã ký kết, đơn vị mua sắm tập trung thông báo kế hoạch và thời gian bàn giao tài sản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản chậm nhất là 15 ngày trước ngày bàn giao.
Việc bàn giao, tiếp nhận tài sản được thực hiện giữa ba bên (nhà thầu cung cấp tài sản, đơn vị mua sắm tập trung và cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản). Địa điểm bàn giao, tiếp nhận tài sản cần phải thuận lợi cho cơ quan, đơn vị, tổ chức sử dụng tài sản và thực hiện tiết kiệm chi phí khi bàn giao, tiếp nhận tài sản.
3. Việc bàn giao, tiếp nhận tài sản phải lập thành Biên bản nghiệm thu, bàn giao, tiếp nhận tài sản theo quy định tại Mẫu số 06/TSC-MSTT ban hành kèm theo Nghị định này, kèm theo các hồ sơ, tài liệu có liên quan, gồm:
a) Hợp đồng mua sắm tài sản: 01 bản chính;
b) Hóa đơn bán hàng: 01 bản chính hoặc bản sao theo quy định;
c) Phiếu bảo hành: 01 bản chính;
d) Hồ sơ kỹ thuật, tài liệu hướng dẫn sử dụng: 01 bản chính;
đ) Các tài liệu khác có liên quan (nếu có): 01 bản sao.
4. Cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản có trách nhiệm tiếp nhận, kế toán, quản lý, sử dụng tài sản được trang bị theo quy định của pháp luật về kế toán, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định này.
1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị ký hợp đồng mua sắm tài sản có trách nhiệm thanh lý hợp đồng mua sắm tài sản với nhà thầu được lựa chọn.
2. Quyết toán kinh phí mua sắm tài sản:
a) Đơn vị mua sắm tập trung có trách nhiệm quyết toán với cơ quan quản lý chương trình, dự án trong trường hợp mua sắm tập trung theo cách thức ký hợp đồng trực tiếp mà cơ quan quản lý chương trình, dự án chuyển tiền cho đơn vị mua sắm tập trung để thanh toán cho nhà thầu;
b) Cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản có trách nhiệm quyết toán kinh phí mua sắm tài sản trong trường hợp không thuộc phạm vi quy định tại điểm a khoản này.
3. Việc quyết toán, thanh lý hợp đồng mua sắm tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật và hợp đồng mua sắm tài sản đã ký với nhà thầu được lựa chọn.
1. Nhà thầu được lựa chọn cung cấp tài sản có trách nhiệm bảo hành, bảo trì đối với tài sản đã cung cấp.
2. Nội dung công việc bảo hành, thời hạn bảo hành, chi phí liên quan và trách nhiệm của các bên (cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản, đơn vị mua sắm tập trung và nhà thầu trúng thầu) phải được thể hiện trong hồ sơ mời thầu, thỏa thuận khung và hợp đồng mua sắm tài sản.
1. Các khoản thu liên quan đến mua sắm tập trung:
a) Thu từ việc bán hồ sơ mời thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
b) Thu từ nhà thầu trong trường hợp giải quyết kiến nghị theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
c) Thu về bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng trong trường hợp nhà thầu không được nhận lại các khoản chi phí này theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
d) Thu từ cung cấp dịch vụ trong trường hợp cung cấp dịch vụ tiến hành lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản cho đơn vị mua sắm tập trung khác (đối với đơn vị mua sắm tập trung chuyên nghiệp);
đ) Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.
2. Các khoản chi liên quan đến mua sắm tập trung:
a) Chi phí lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản;
b) Chi thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp và chi phí thuê tư vấn (nếu có) để lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản trong mua sắm tập trung theo quy định;
c) Chi phí bàn giao, tiếp nhận tài sản;
d) Chi giải quyết các kiến nghị của nhà thầu (nếu có);
đ) Chi hoạt động liên quan trực tiếp thực hiện mua sắm tập trung;
e) Các khoản chi khác có liên quan theo quy định của pháp luật.
3. Mức chi đối với các khoản chi quy định tại khoản 2 Điều này thực hiện theo tiêu chuẩn, định mức và chế độ do cơ quan, người có thẩm quyền quy định; trường hợp chưa có tiêu chuẩn, định mức và chế độ do cơ quan, người có thẩm quyền quy định thì người đứng đầu đơn vị mua sắm tập trung quyết định mức chi, đảm bảo phù hợp với chế độ quản lý tài chính hiện hành của Nhà nước và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
4. Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ mua sắm tập trung:
a) Đối với đơn vị mua sắm tập trung chuyên nghiệp:
- Đối với gói thầu thực hiện theo nhiệm vụ do cơ quan, người có thẩm quyền giao: Trường hợp các khoản thu không đủ để bù đắp các khoản chi thì phần chênh lệch được sử dụng từ nguồn kinh phí được phép sử dụng của đơn vị mua sắm tập trung; trường hợp các khoản thu lớn hơn các khoản chi, đơn vị mua sắm tập trung được bổ sung số tiền chênh lệch vào kinh phí hoạt động của đơn vị để sử dụng theo quy định của pháp luật;
- Đối với các gói thầu thực hiện theo hợp đồng cung cấp dịch vụ tiến hành lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản, đơn vị mua sắm tập trung quản lý, sử dụng số tiền thu được từ mua sắm tập trung theo quy định của pháp luật.
b) Đối với đơn vị mua sắm tập trung kiêm nhiệm: Trường hợp các khoản thu không đủ để bù đắp các khoản chi thì phần chênh lệch được sử dụng từ nguồn kinh phí được phép sử dụng của đơn vị mua sắm tập trung; trường hợp các khoản thu lớn hơn các khoản chi, đơn vị mua sắm tập trung có trách nhiệm nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
5. Việc quản lý, sử dụng kinh phí tiết kiệm được thông qua mua sắm tập trung (số tiền chênh lệch giữa dự toán được giao và số tiền mua sắm tài sản thực tế) thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực