Nghị định số 126/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử
Số hiệu: | 126/2021/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Vũ Đức Đam |
Ngày ban hành: | 31/12/2021 | Ngày hiệu lực: | 01/01/2022 |
Ngày công báo: | 14/01/2022 | Số công báo: | Từ số 53 đến số 54 |
Lĩnh vực: | Vi phạm hành chính | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Số: 126/2021/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2021 |
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA CÁC NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP; TIÊU CHUẨN, ĐO LƯỜNG VÀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA; HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ; NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ
Căn cứ Luật Tổ chức chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19 tháng 6 năm 2009;Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Luật Đo lường ngày 11 tháng 11 năm 2011;
Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Luật Chuyển giao công nghệ ngày 19 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Luật Năng lượng nguyên tử ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ;
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 1 như sau:
“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định về các hành vi vi phạm hành chính; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả; thủ tục nộp đơn yêu cầu xử lý vi phạm; đối tượng bị xử phạt; thẩm quyền, thủ tục giải quyết đơn yêu cầu xử lý vi phạm; thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh; việc thi hành các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, các biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
2. Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khác trực tiếp liên quan đến lĩnh vực sở hữu công nghiệp không quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan để xử phạt.”.
2. Bổ sung Điều 1a vào sau Điều 1 như sau:
“Điều 1a. Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính
1. Cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này trên lãnh thổ Việt Nam.
2. Hộ kinh doanh; hộ gia đình thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm.
3. Tổ chức là đối tượng bị xử phạt theo quy định tại Nghị định này, bao gồm:
a) Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định tại Luật Doanh nghiệp gồm: doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh;
b) Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định tại Luật Hợp tác xã gồm: hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
c) Tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp;
d) Tổ chức giám định sở hữu công nghiệp;
đ) Các tổ chức khác được thành lập theo quy định pháp luật.
4. Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp được xác định theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.”.
3. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 3 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 3 như sau:
“b) Buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý; nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý sau khi đã loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa và với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, không gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường;”;
b) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 3 như sau:
“d) Buộc tiêu hủy hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý; nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý; tang vật, phương tiện vi phạm nếu không loại bỏ được yếu tố vi phạm gắn trên tang vật, phương tiện vi phạm đó; hàng hóa vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường; tem, nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo; tem, nhãn, bao bì, vật phẩm khác mang yếu tố vi phạm;”;
c) Sửa đổi, bổ sung điểm h khoản 3 như sau:
“h) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong trường hợp có căn cứ xác định số lợi bất hợp pháp hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán hoặc tiêu hủy trái quy định của pháp luật;”;
d) Bổ sung điểm i khoản 3 như sau:
“i) Buộc nộp lại giấy tờ, tài liệu bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp các loại giấy tờ, tài liệu đó.”.
4. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau:
“Điều 4. Xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm
1. Việc xác định giá trị tang vật vi phạm là hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định tại khoản 2 Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt tuân thủ một trong các căn cứ theo thứ tự ưu tiên quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính như sau:
a) Giá niêm yết hoặc giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu;
b) Giá theo thông báo của cơ quan tài chính địa phương; trường hợp không có thông báo giá thì giá theo giá thị trường tại thời điểm xảy ra vi phạm hành chính;
c) Giá thành của hàng hóa vi phạm nếu là hàng hóa chưa xuất bán.
2. Trường hợp không thể áp dụng các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này để xác định giá trị tang vật vi phạm làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc có thể ra quyết định tạm giữ tang vật vi phạm và thành lập Hội đồng định giá theo quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
3. Việc xác định giá trị phương tiện vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt được áp dụng theo quy định tại Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính.”.
5. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 5 như sau:
“4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại văn bằng bảo hộ, tài liệu chứng minh quyền sở hữu công nghiệp bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp giấy tờ, tài liệu đó đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.”.
6. Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 1 Điều 6 như sau:
“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:”.
7. Sửa đổi, bổ sung một số khoản Điều 7 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 1 như sau:
“1. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:”;
b) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 2 như sau:
“2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:”;
c) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:
“3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp khi không đáp ứng điều kiện hành nghề theo quy định pháp luật;
b) Cung cấp thông tin không trung thực cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình đăng ký kiểm tra nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp, yêu cầu cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, yêu cầu ghi nhận tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.”;
d) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 4 như sau:
“4. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:”;
đ) Sửa đổi, bổ sung khoản 6 như sau:
“6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp chứng chỉ đó đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm e khoản 2 Điều này.”.
8. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 8 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 1 như sau:
“1. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:”;
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:
“2. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sửa chữa, làm sai lệch nội dung thẻ giám định viên, giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp.”;
c) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 3 như sau:
“3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:”;
d) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:
“4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Lợi dụng tư cách giám định và hoạt động giám định để trục lợi;
b) Cố ý đưa ra kết luận giám định sai sự thật;
c) Tự ý sửa chữa, tẩy xóa hoặc có hành vi khác làm sai lệch văn bản giám định;
d) Cung cấp thông tin không trung thực cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình đăng ký kiểm tra nghiệp vụ giám định sở hữu công nghiệp, yêu cầu cấp thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp, yêu cầu ghi nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp;
đ) Thực hiện giám định trong trường hợp phải từ chối giám định theo quy định pháp luật.”;
đ) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 6 như sau:
“a) Buộc nộp lại thẻ giám định viên, giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám định, văn bản giám định sở hữu công nghiệp bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp giấy tờ, tài liệu đó đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, điểm c khoản 4 Điều này;”.
9. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 10 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 như sau:
“a) Buôn bán; chào hàng; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán sản phẩm xâm phạm quyền đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí hoặc sản phẩm được sản xuất từ quy trình xâm phạm quyền đối với sáng chế, giải pháp hữu ích;”;
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 14 như sau:
“14. Hình thức xử phạt bổ sung:
Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa vi phạm tù 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định từ khoản 8 đến khoản 13 Điều này.”;
c) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 15 như sau:
“d) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định từ khoản 1 đến khoản 13 Điều này.”.
10. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 11 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 như sau:
“a) Buôn bán; chào hàng; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp;”;
b) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 13 như sau:
“a) Sản xuất bao gồm: Thiết kế, chế tạo, gia công, lắp ráp, chế biến, đóng gói hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp;”;
c) Sửa đổi, bổ sung khoản 16 như sau:
“16. Hình thức xử phạt bổ sung:
Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định từ khoản 8 đến khoản 13 Điều này.”;
d) Sửa đổi, bổ sung khoản 17 như sau:
“17. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm và tiêu hủy yếu tố vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định từ khoản 1 đến khoản 15 Điều này;
b) Buộc tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm nếu không loại bỏ được yếu tố vi phạm; hàng hóa vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường; tem, nhãn, bao bì, vật phẩm vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định từ khoản 1 đến khoản 15 Điều này;
c) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hàng hóa quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định từ khoản 1 đến khoản 12 Điều này;
d) Buộc thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 15 Điều này;
đ) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định từ khoản 1 đến khoản 13 Điều này.”.
11. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 12 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 như sau:
“a) Buôn bán; chào hàng; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý;”;
b) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 10 như sau:
“a) Sản xuất bao gồm: Thiết kế, chế tạo, gia công, lắp ráp, chế biến, đóng gói hàng hóa mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo;”;
c) Sửa đổi, bổ sung khoản 12 như sau:
“12. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định từ khoản 1 đến khoản 11 Điều này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a, điểm b hoặc điểm c khoản 13 Điều này;
b) Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định từ khoản 7 đến khoản 10 Điều này.”;
d) Sửa đổi, bổ sung khoản 13 như sau:
“13. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tiêu hủy đối với hàng hóa giả mạo nhân hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý; nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhân hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, môi trường đối với hành vi vi phạm quy định từ khoản 1 đến khoản 11 Điều này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm c khoản này;
b) Buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý; nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý sau khi đã loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp và không gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, môi trường đối với hành vi vi phạm quy định từ khoản 1 đến khoản 11 Điều này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a hoặc điểm c khoản này;
c) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với hàng hóa quá cảnh hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý, phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý sau khi đã loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa đối với hành vi vi phạm quy định từ khoản 1 đến khoản 10 Điều này;
d) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định từ khoản 1 đến khoản 10 Điều này.”.
12. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 13 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 như sau:
“a) Buôn bán; vận chuyển, kể cả quá cảnh; cung cấp; tàng trữ; trưng bày để bán tem, nhãn, bao bì, vật phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo;”.
b) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 8 như sau:
“b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định từ khoản 1 đến khoản 7 Điều này.”.
13. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 14 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 như sau:
“a) Buôn bán; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ để bán hàng hóa, dịch vụ có gắn chỉ dẫn thương mại lên hàng hóa, dịch vụ gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ hoặc xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hóa, dịch vụ hoặc về điều kiện cung cấp hàng hóa, dịch vụ;”;
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 17 như sau:
“17. Hình thức xử phạt bổ sung:
Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định từ khoản 8 đến khoản 13 Điều này.”;
c) Sửa đổi, bổ sung khoản 18 như sau:
“a) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm và tiêu hủy yếu tố vi phạm; buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm nếu không loại bỏ được yếu tố vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định từ khoản 1 đến khoản 15 và điểm b khoản 16 Điều này;
b) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, trang tin điện tử đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 15 và điểm b khoản 16 Điều này;
c) Buộc thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 13 và điểm b khoản 15 Điều này; buộc thay đổi thông tin tên miền hoặc trả lại tên miền đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 16 Điều này;
d) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định từ khoản 1 đến khoản 13 và điểm a khoản 15 Điều này.”.
14. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 16 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 như sau:
“c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 1.000.000 đồng;”;
b) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 như sau:
“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 100.000.000 đồng;”;
c) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 4 như sau:
“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 350.000.000 đồng;”.
15. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 17 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 như sau:
“c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 1.000.000 đồng;”;
b) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 như sau:
“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 100.000.000 đồng;”;
c) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 4 như sau:
“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 350.000.000 đồng;”.
16. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 18 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:
"1. Đội trưởng Đội quản lý thị trường, Trưởng phòng Nghiệp vụ thuộc Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 50.000.000 đồng;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g và h khoản 3 Điều 3 Nghị định này.”;
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:
“2. Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh và Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định này.”;
c) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 3 như sau:
“3. Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường có quyền:”.
17. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 19 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 1 như sau:
“1. Đội trưởng, Tổ trưởng thuộc Chi cục Hải quan; Tổ trưởng thuộc Đội Kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Đội trưởng thuộc Chi cục Kiểm tra sau thông quan có quyền:”;
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:
“2. Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan, Đội trưởng Đội Kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Đội trưởng Đội điều tra hình sự, Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu, Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển và Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra thông quan thuộc Cục Kiểm tra sau thông quan có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 50.000.000 đồng;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g và h khoản 3 Điều 3 Nghị định này.”;
c) Sửa đổi điểm d khoản 3 như sau:
“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;”.
18. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 20 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:
“1. Trưởng trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 2.500.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 5.000.000 đồng;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm d khoản 3 Điều 3 Nghị định này.”;
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:
“2. Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu thuộc Công an cấp tỉnh có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 50.000.000 đồng;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm b, d, đ và g khoản 3 Điều 3 Nghị định này.”;
c) Sửa đổi điểm d, khoản 3 như sau:
“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;”;
d) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 4 như sau:
“4. Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu có quyền:”.
19. Sửa đổi điểm d khoản 1 Điều 21 như sau:
“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;”.
20. Bổ sung Điều 21a vào sau Điều 21 như sau:
“Điều 21a. Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính
Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp gồm:
1. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp được quy định từ Điều 16 đến Điều 21 Nghị định này;
2. Người thuộc lực lượng Công an nhân dân, công chức, viên chức trong các cơ quan quy định từ Điều 16 đến Điều 21 Nghị định này đang thi hành công vụ, nhiệm vụ.”.
21. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 27 như sau:
“2. Trong quá trình giải quyết vụ việc, nếu chủ thể quyền sở hữu công nghiệp có yêu cầu hoặc các bên trong vụ việc thỏa thuận được với nhau và đề xuất biện pháp giải quyết phù hợp với quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bên thứ ba, người tiêu dùng và xã hội thì cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm ghi nhận yêu cầu, biện pháp giải quyết đó và dừng xử lý vụ việc.”.
22. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 28 như sau:
“b) Chưa có đủ căn cứ xác định hành vi vi phạm sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu xử lý vi phạm;”.
23. Sửa đổi, bổ sung Điều 31 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu Điều 31 như sau:
“Điều 31. Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thi hành biện pháp khắc phục hậu quả và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính”;
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:
“1. Việc thi hành quyết định xử phạt, thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này được thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành.”;
c) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:
“2. Trong trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thay đổi, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp thì tổ chức, cá nhân vi phạm có trách nhiệm tiến hành thủ tục thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành.
Sau thời hạn nêu trên, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm không tiến hành thủ tục thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp thì cơ quan ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính yêu cầu cơ quan đăng ký kinh doanh thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp có trách nhiệm cung cấp đầy đủ các hồ sơ, tài liệu theo quy định và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xử lý tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.”;
d) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:
“3. Trong trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thay đổi thông tin tên miền hoặc trả lại tên miền thì tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tiến hành thủ tục thay đổi thông tin tên miền hoặc trả lại tên miền tại cơ quan quản lý tên miền trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành.
Sau thời hạn nêu trên nếu tổ chức, cá nhân vi phạm không tiến hành thủ tục thay đổi thông tin tên miền hoặc trả lại tên miền thì cơ quan ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính yêu cầu cơ quan quản lý tên miền thu hồi tên miền.
Cơ quan quản lý tên miền có trách nhiệm thu hồi tên miền theo yêu cầu của cơ quan ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Nhà đăng ký tên miền đang quản lý tên miền có trách nhiệm thông báo thu hồi tên miền cho chủ thể sử dụng tên miền, thực hiện nghiệp vụ thu hồi tên miền và gửi văn bản báo cáo cho cơ quan quản lý tên miền sau khi hoàn tất việc thu hồi tên miền.”;
24. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 32 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu Điều 32 như sau:
“Điều 32. Sửa đổi, bổ sung, đính chính, hủy bỏ, ban hành quyết định mới về xử lý vi phạm hành chính”.
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:
“1. Trường hợp quyết định giải quyết tranh chấp về sở hữu công nghiệp của cơ quan có thẩm quyền được ban hành trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính dẫn đến việc thay đổi căn cứ, nội dung quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định sửa đổi, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ hiệu lực quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã ban hành, ban hành quyết định mới về xử lý vi phạm hành chính cho phù hợp với quyết định giải quyết tranh chấp.”;
c) Sửa đổi, bổ sung các điểm a, b khoản 2 như sau:
“a) Đề nghị Kho bạc Nhà nước nơi đã thu tiền phạt hoàn trả một phần hoặc toàn bộ tiền phạt đã nộp theo quyết định sửa đổi, hủy bỏ, ban hành mới quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân đã nộp tiền phạt. Yêu cầu hoàn trả tiền phạt được người có thẩm quyền xử phạt chấp nhận trong thời hạn không quá 90 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định sửa đổi, hủy bỏ, ban hành mới;
b) Trả lại hàng hóa, vật phẩm, phương tiện kinh doanh tạm giữ, tịch thu nhưng chưa bị xử lý. Trường hợp hàng hóa, vật phẩm, phương tiện kinh doanh bị tạm giữ, tịch thu đã bị xử lý thì tổ chức, cá nhân yêu cầu xử lý vi phạm có trách nhiệm bồi thường cho tổ chức, cá nhân bị xử lý theo cam kết đã thực hiện khi yêu cầu xử lý vi phạm, nếu có.”;
d) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:
“3. Trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, việc sửa đổi, bổ sung, đính chính, hủy bỏ, ban hành quyết định mới về xử lý vi phạm hành chính trong các trường hợp khác thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.”.
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa
1. Sửa đổi khoản 2 Điều 1 như sau:
“2. Các hành vi vi phạm hành chính khác trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa không được quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại các nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan để xử phạt.”.
2. Sửa đổi điểm a khoản 2 Điều 2 như sau:
“a) Tước quyền sử dụng có thời hạn từ 01 tháng đến 12 tháng: Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp (giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận, thử nghiệm, giám định, kiểm định); quyết định chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp (chứng nhận, thử nghiệm, giám định, kiểm định); giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; quyết định chỉ định tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; quyết định chứng nhận chuẩn đo lường để kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo; quyết định phê duyệt mẫu phương tiện đo; giấy chứng nhận đủ điều kiện sử dụng dấu định lượng trên nhãn hàng đóng gói sẵn; giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch; giấy chứng nhận đăng ký hoạt động công nhận; giấy đăng ký hoạt động xét tặng giải thưởng, giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm; giấy chứng nhận đăng ký cơ sở pha chế xăng dầu; giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.”.
3. Sửa đổi, bổ sung các điểm b, đ và bổ sung điểm d1 khoản 3 Điều 2 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm b như sau:
“b) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hóa, phương tiện nhập khẩu vi phạm.”;
b) Bổ sung điểm d1 vào sau điểm d như sau:
“d1) Buộc kiểm định lại phương tiện đo; buộc thể hiện đơn vị đo lường của phương tiện đo; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của phương tiện đo; buộc đóng gói lại hàng đóng gói sẵn; buộc ghi lượng của hàng đóng gói sẵn, buộc thể hiện đơn vị đo lường của hàng đóng gói sẵn;”;
c) Sửa đổi, bổ sung điểm đ như sau:
“đ) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong trường hợp có căn cứ xác định số lợi bất hợp pháp hoặc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định pháp luật.”.
4. Bổ sung Điều 2a vào sau Điều 2 như sau:
“Điều 2a. Thi hành quyết định xử phạt, thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt:
Việc thi hành quyết định xử phạt, thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này được thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành.”.
5. Sửa đổi điểm d khoản 3 Điều 3 như sau:
“d) Các đơn vị sự nghiệp và các tổ chức khác theo quy định pháp luật.”.
“Điều 5. Vi phạm trong hoạt động sản xuất, nhập khẩu, buôn bán và sử dụng chất chuẩn, chuẩn đo lường
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu, buôn bán và sử dụng chất chuẩn, chuẩn đo lường không thể hiện đơn vị đo theo đơn vị đo pháp định.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện hiệu chuẩn hoặc so sánh chuẩn đo lường với chuẩn quốc gia hoặc với chuẩn đo lường có độ chính xác cao hơn theo quy định trước khi đưa chuẩn đo lường vào sử dụng;
b) Không thực hiện thử nghiệm hoặc so sánh chất chuẩn theo quy định trước khi đưa chất chuẩn vào sử dụng.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu, buôn bán và sử dụng chất chuẩn, chuẩn đo lường không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường đã được tổ chức, cá nhân công bố hoặc cơ quan quản lý về đo lường có thẩm quyền quy định áp dụng.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều này được thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau đây:
a) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc thu hồi và buộc tái xuất chất chuẩn, chuẩn đo lường nhập khẩu;
b) Buộc thu hồi và chuyển đổi mục đích sử dụng chất chuẩn, chuẩn đo lường;
c) Buộc tiêu hủy chất chuẩn, chuẩn đo lường gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, thủy sản nuôi và môi trường.”.
7. Sửa đổi khoản 1 Điều 6 như sau:
“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không thể hiện đơn vị đo theo đơn vị đo pháp định.”.
8. Bổ sung điểm c khoản 3 Điều 6 như sau:
“c) Sản xuất phương tiện đo nhóm 1 không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường đã được tổ chức, cá nhân công bố;”.
9. Sửa đổi khoản 6 Điều 6 như sau:
“6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thể hiện đơn vị đo đúng quy định trước khi đưa vào lưu thông đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Buộc kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo nhóm 2 trước khi đưa vào sử dụng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;
c) Đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a và c khoản 3, khoản 4 Điều này được thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau đây: buộc thu hồi phương tiện đo đã lưu thông; buộc thu hồi và chuyển đổi mục đích sử dụng phương tiện đo; buộc tiêu hủy phương tiện đo vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, thủy sản nuôi và môi trường.”.
10. Sửa đổi khoản 1 Điều 7 như sau:
“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu phương tiện đo nhóm 2 không thể hiện đơn vị đo theo đơn vị đo pháp định.”.
11. Bổ sung điểm c khoản 3 Điều 7 như sau:
“c) Nhập khẩu phương tiện đo nhóm 1 không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường đã được tổ chức, cá nhân công bố;”.
12. Sửa đổi khoản 6 Điều 7 như sau:
“6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thu hồi quyết định phê duyệt mẫu phương tiện đo đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;
b) Đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, điểm c khoản 3, khoản 4 Điều này được thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau đây: buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc thu hồi và tái xuất phương tiện đo nhập khẩu; buộc thu hồi và chuyển đổi mục đích sử dụng phương tiện đo; buộc tiêu hủy phương tiện đo gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, thủy sản nuôi, cây trồng và môi trường.”.
13. Sửa đổi khoản 5 Điều 8 như sau:
“5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo nhóm 2 đã sửa chữa trước khi đưa vào sử dụng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của phương tiện đo; trường hợp không khôi phục được thì buộc tiêu hủy phương tiện đo đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 3 và 4 Điều này;
c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.”.
14. Sửa đổi khoản 1 Điều 9 như sau:
“1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán phương tiện đo nhóm 2 không thể hiện đơn vị đo theo đơn vị đo pháp định.”.
15. Sửa đổi khoản 2 Điều 9 như sau:
“2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Buôn bán phương tiện đo nhóm 2 chưa được phê duyệt mẫu;
b) Buôn bán phương tiện đo nhóm 2 không đúng mẫu phương tiện đo được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
c) Buôn bán phương tiện đo nhóm 1 không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường đã được tổ chức, cá nhân công bố.”.
16. Sửa đổi khoản 3 Điều 9 như sau:
“3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thu hồi phương tiện đo đã lưu thông đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều này được thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau đây: buộc thu hồi và chuyển đổi mục đích sử dụng phương tiện đo vi phạm; buộc tiêu hủy phương tiện đo vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, thủy sản nuôi, cây trồng và môi trường;
c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm quy định tại điểm b khoản 1, các điểm b và c khoản 2 Điều này.”.
17. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 6 Điều 10 như sau:
“b) Đình chỉ hoạt động kinh doanh từ 01 tháng đến 03 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.”.
18. Sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 10 như sau:
“7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc kiểm định lại phương tiện đo trước khi tiếp tục sử dụng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b và c khoản 1, khoản 2 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 3, các điểm b và c khoản 4 Điều này.”.
19. Sửa đổi điểm a, điểm c khoản 6 Điều 11 như sau:
“a) Đình chỉ hoạt động kiểm định của kiểm định viên đo lường từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1, khoản 5 Điều này;”.
“c) Đình chỉ hoạt động của tổ chức kiểm định từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này.”.
20. Sửa đổi khoản 7 Điều 11 như sau:
“7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thu hồi chứng chỉ kiểm định đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm c, d khoản 1, điểm a, b khoản 2, các khoản 3, 4 và 5 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này.”.
21. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 14 như sau:
“2. Mức phạt tiền đối với vi phạm về phép do trong mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ mà lượng của hàng hóa, dịch vụ đó có sai lệch quá phạm vi sai số cho phép theo yêu cầu kỹ thuật đo lường đối với phép do do tổ chức, cá nhân công bố hoặc do cơ quan có thẩm quyền quy định để thu lợi bất chính được quy định như sau:
a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp số tiền thu lợi bất chính có được đến 10.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp số tiền thu lợi bất chính có được từ trên 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp số tiền thu lợi bất chính có được từ trên 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng trong trường hợp số tiền thu lợi bất chính có được từ trên 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 01 lần đến 02 lần số tiền thu lợi bất chính có được trong trường hợp số tiền thu lợi bất chính có được từ trên 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 02 lần đến 03 lần số tiền thu lợi bất chính có được trong trường hợp số tiền thu lợi bất chính có được từ trên 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng;
g) Phạt tiền từ 03 lần đến 04 lần số tiền thu lợi bất chính có được trong trường hợp số tiền thu lợi bất chính có được từ trên 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
h) Phạt tiền từ 04 lần đến 05 lần số tiền thu lợi bất chính có được trong trường hợp số tiền thu lợi bất chính có được trên 500.000.000 đồng.”.
22. Bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 Điều 14 như sau:
“2a. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu số tiền thu lợi bất chính có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.”.
23. Bổ sung điểm đ khoản 1 Điều 15 như sau:
“đ) Số đơn vị hàng đóng gói sẵn không phù hợp vượt quá quy định;”.
24. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 15 như sau:
“2. Mức phạt tiền đối với hành vi sản xuất hoặc nhập khẩu hàng đóng gói sẵn trong trường hợp lượng của hàng đóng gói sẵn đó có giá trị trung bình nhỏ hơn giá trị trung bình cho phép theo yêu cầu kỹ thuật đo lường do tổ chức, cá nhân công bố hoặc cơ quan có thẩm quyền quy định để thu lợi bất chính được quy định như sau:
a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp số tiền thu lợi bất chính có được đến 10.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp số tiền thu lợi bất chính có được từ trên 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp số tiền thu lợi bất chính có được từ trên 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng trong trường hợp số tiền thu lợi bất chính có được từ trên 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 01 lần đến 02 lần số tiền thu lợi bất chính có được trong trường hợp số tiền thu lợi bất chính có được từ trên 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 02 lần đến 03 lần số tiền thu lợi bất chính có được trong trường hợp số tiền thu lợi bất chính có được từ trên 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng;
g) Phạt tiền từ 03 lần đến 04 lần số tiền thu lợi bất chính có được trong trường hợp số tiền thu lợi bất chính có được từ trên 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
h) Phạt tiền từ 04 lần đến 05 lần số tiền thu lợi bất chính có được trong trường hợp số tiền thu lợi bất chính có được trên 500.000.000 đồng.”.
25. Bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 Điều 15 như sau:
“2a. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu số tiền thu lợi bất chính có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.”.
26. Sửa đổi khoản 3 Điều 15 như sau:
“3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc ghi lượng của hàng đóng gói sẵn, buộc thể hiện đơn vị đo lường, buộc thể hiện dấu định lượng của hàng đóng gói sẵn sản xuất theo quy định trước khi tiếp tục đưa vào lưu thông đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Buộc đóng gói lại hàng đóng gói sẵn sản xuất theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b khoản 1, khoản 2 Điều này;
c) Buộc tái xuất hàng đóng gói sẵn nhập khẩu theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b khoản 1, khoản 2 Điều này.”.
27. Bổ sung điểm d khoản 1 Điều 16 như sau:
“d) Buôn bán hàng đóng gói sẵn có số đơn vị hàng đóng gói sẵn không phù hợp vượt quá quy định;”.
28. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 16 được như sau:
“2. Mức phạt tiền đối với hành vi buôn bán hàng đóng gói sẵn trong trường hợp lượng của hàng đóng gói sẵn đó có giá trị trung bình nhỏ hơn giá trị trung bình cho phép theo yêu cầu kỹ thuật đo lường do tổ chức, cá nhân công bố hoặc do cơ quan có thẩm quyền quy định để thu lợi bất chính được quy định như sau:
a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp số tiền thu lợi bất chính có được đến 10.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp số tiền thu lợi bất chính có được từ trên 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 trong trường hợp số tiền thu lợi bất chính có được từ trên 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp số tiền thu lợi bất chính có được từ trên 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 01 lần đến 02 lần số tiền thu lợi bất chính có được trong trường hợp số tiền thu lợi bất chính có được từ trên 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 02 lần đến 03 lần số tiền thu lợi bất chính có được trong trường hợp số tiền thu lợi bất chính có được từ trên 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng;
g) Phạt tiền từ 03 lần đến 04 lần số tiền thu lợi bất chính có được trong trường hợp số tiền thu lợi bất chính có được từ trên 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
h) Phạt tiền từ 04 lần đến 05 lần số tiền thu lợi bất chính có được trong trường hợp số tiền thu lợi bất chính có được trên 500.000.000 đồng.”.
29. Bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 Điều 16 như sau:
“2a. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu số tiền thu lợi bất chính có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.”.
30. Sửa đổi khoản 3 Điều 16 như sau:
“3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thu hồi hàng đóng gói sẵn đã lưu thông theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.”.
31. Sửa đổi, bổ sung Điều 17 như sau:
“Điều 17. Vi phạm quy định về công bố tiêu chuẩn áp dụng, trừ trường hợp vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định trong sản xuất hoặc nhập khẩu.
2. Mức phạt tiền đối với hành vi sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng được quy định như sau:
a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị đến 10.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 80.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 150.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng;
g) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 300.000.000 đồng.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi nội dung tiêu chuẩn công bố áp dụng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc không phù hợp với quy định của cơ quan có thẩm quyền.
4. Phạt tiền từ 01 lần đến 02 lần giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ đối với hành vi sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng.
5. Phạt tiền từ 02 lần đến 03 lần giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ đối với hành vi sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa đã công bố tiêu chuẩn áp dụng, những tiêu chuẩn công bố áp dụng có nội dung trái với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc không phù hợp với quy định của cơ quan có thẩm quyền.
6. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện đúng theo tiêu chuẩn về hệ thống quản lý đã công bố áp dụng;
b) Không xây dựng, áp dụng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo quy định pháp luật;
c) Không áp dụng tiêu chuẩn về hệ thống quản lý nhưng công bố áp dụng.
7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này được thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau đây: buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hóa nhập khẩu; buộc thu hồi và tái chế hoặc thay đổi mục đích sử dụng; buộc thu hồi và tiêu hủy sản phẩm, hàng hóa vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, thủy sản nuôi, cây trồng và môi trường;
b) Buộc sửa đổi tiêu chuẩn công bố áp dụng và thực hiện lại việc công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này;
c) Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc buộc áp dụng đúng tiêu chuẩn đã công bố đối với vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này.”.
32. Sửa đổi, bổ sung khoản 2, khoản 5; bổ sung điểm e khoản 2 Điều 18 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 2 Điều 18 như sau:
“2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa vi phạm về công bố hợp chuẩn:”;
b) Bổ sung điểm e khoản 2 Điều 18 như sau:
“e) Không nộp cho cơ quan kiểm tra bản sao y bản chính chứng chỉ chất lượng hoặc chứng thư giám định trong thời hạn quy định đối với hàng hóa nhập khẩu mà tại văn bản quy phạm pháp luật quy định biện pháp quản lý theo kết quả chứng nhận, giám định của tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định đã đăng ký hoặc được thừa nhận theo quy định pháp luật.”;
c) Sửa đổi khoản 5 Điều 18 như sau:
“5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, điểm đ khoản 2, điểm c khoản 3, khoản 4 Điều này được thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau đây:
a) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu;
b) Buộc thu hồi và tái chế hoặc thay đổi mục đích sử dụng;
c) Buộc thu hồi và tiêu hủy sản phẩm, hàng hóa vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, thủy sản nuôi, cây trồng và môi trường.”.
33. Bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 19; sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 3, điểm e khoản 3 và khoản 6 Điều 19; bổ sung khoản 3a vào sau khoản 3 Điều 19 như sau:
a) Bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 19 như sau:
“1a. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không nộp cho cơ quan kiểm tra kết quả tự đánh giá sự phù hợp trong thời hạn quy định đối với hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu trong trường hợp tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định biện pháp công bố hợp quy theo kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân;
b) Không nộp cho cơ quan kiểm tra bản sao y bản chính chứng chỉ chất lượng hoặc chứng thư giám định trong thời hạn quy định đối với hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu mà tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định biện pháp công bố hợp quy theo kết quả chứng nhận, giám định của tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định đã đăng ký hoặc được thừa nhận theo quy định pháp luật.”;
b) Sửa đổi đoạn mở đầu khoản 3 Điều 19 như sau:
“3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong sản xuất sản phẩm, hàng hóa là đối tượng phải công bố hợp quy theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật tương ứng:”;
c) Sửa đổi, bổ sung điểm e khoản 3 Điều 19 như sau:
“e) Sử dụng chất phụ gia, hóa chất, kháng sinh bị cấm sử dụng hoặc chưa được phép sử dụng trong sản xuất sản phẩm, hàng hóa, trừ trường hợp trong sản xuất, pha chế thực phẩm;”;
d) Bổ sung khoản 3a Điều 19 như sau:
“3a. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa là đối tượng phải công bố hợp quy theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật tương ứng:
a) Không thực hiện đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng phải áp dụng một trong các biện pháp sau: Chứng nhận hoặc giám định của tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định đã đăng ký hoặc thừa nhận theo quy định pháp luật; tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân;
b) Không thực hiện chứng nhận hợp quy trong sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa là đối tượng phải chứng nhận hợp quy bởi tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định được chỉ định theo quy định pháp luật hoặc sử dụng giấy chứng nhận hợp quy, dấu hợp quy đã hết hiệu lực.”;
đ) Sửa đổi khoản 6 Điều 19 như sau:
“6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 3a và 4 Điều này được thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau đây:
a) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu;
b) Buộc thu hồi và tái chế hoặc thay đổi mục đích sử dụng;
c) Buộc thu hồi và tiêu hủy sản phẩm, hàng hóa vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, thủy sản nuôi, cây trồng và môi trường.”.
34. Sửa đổi, bổ sung tên Điều 20 như sau:
“Điều 20. Vi phạm về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, trừ trường hợp vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm”.
35. Sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 20 như sau:
“6. Phạt tiền từ 02 lần đến 03 lần giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Thay thế, đánh tráo, thêm, bớt thành phần hoặc chất phụ gia, pha trộn tạp chất làm chất lượng sản phẩm, hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng;
b) Bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc quy định của cơ quan có thẩm quyền;
c) Bán hàng hóa khi hàng hóa chưa được thực hiện các biện pháp quản lý theo quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng hoặc chưa được thực hiện chứng nhận hợp quy hoặc giám định phù hợp quy chuẩn kỹ thuật trong thời hạn quy định đối với hàng hóa nhóm 2.”.
36. Sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 20 như sau:
“7. Phạt tiền từ 03 lần đến 05 lần giá trị hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ đối với hành vi thay thế, đánh tráo, thêm, bớt thành phần hoặc chất phụ gia, pha trộn tạp chất hoặc có chất mất an toàn cho người, động vật, thủy sản nuôi, tài sản, cây trồng và môi trường làm chất lượng sản phẩm, hàng hóa không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc quy định của cơ quan có thẩm quyền.”.
37. Sửa đổi, bổ sung khoản 9 Điều 20 như sau:
“9. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 5, 6 và 7 Điều này được thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau đây:
a) Buộc thu hồi và thay đổi mục đích sử dụng;
b) Buộc thu hồi và tiêu hủy hàng hóa vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, động vật, thủy sản nuôi, tài sản, cây trồng và môi trường.”.
38. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 21 như sau:
a) Bổ sung điểm c, điểm d khoản 3 Điều 21 như sau:
“c) Thực hiện hoạt động đánh giá sự phù hợp khi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp đã hết hiệu lực;
d) Thực hiện đánh giá sự phù hợp ngoài lĩnh vực đã đăng ký.”;
b) Sửa đổi đoạn mở đầu khoản 2 Điều 21 như sau:
“2. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:”;
c) Sửa đổi điểm a khoản 2 Điều 21 như sau:
“a) Thực hiện đánh giá sự phù hợp phục vụ quản lý nhà nước khi quyết định chỉ định đã hết hiệu lực;”;
d) Bổ sung điểm d, đ khoản 4 Điều 21 quy định sau:
“d) Thực hiện hoạt động đánh giá sự phù hợp khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp đăng ký hoạt động theo quy định;
đ) Thực hiện đánh giá sự phù hợp phục vụ quản lý nhà nước khi chưa được chỉ định;”;
d) Sửa đổi đoạn mở đầu khoản 3 Điều 21 như sau:
“3. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:”;
e) Sửa đổi đoạn mở đầu khoản 4 Điều 21 như sau:
“4. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:”;
g) Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 21 như sau:
“5. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1, các điểm c, đ, e và g khoản 2 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp từ 06 tháng đến 09 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 và điểm a, b, c khoản 4 Điều này;
c) Tước quyền sử dụng quyết định chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2, điểm a, b khoản 3 và điểm a, b, c khoản 4 Điều này;
d) Đình chỉ hoạt động đánh giá sự phù hợp từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.”;
h) Sửa đổi khoản 6 Điều 21 như sau:
"6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thu hồi kết quả đánh giá sự phù hợp đã cấp đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1, các điểm a, b, c, d, e và g khoản 2, các khoản 3 và 4 Điều này;
b) Buộc nộp lại số thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1, các điểm a, b, c, d, e và g khoản 2, các khoản 3 và 4 Điều này.”.
39. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 23 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:
"1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc báo cáo định kỳ hoặc đột xuất khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về kết quả hoạt động công nhận đã đăng ký;”;
b) Sửa đổi đoạn mở đầu khoản 2 như sau:
“2. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:”;
c) Bổ sung điểm đ, e khoản 2 như sau:
“đ) Thực hiện hoạt động công nhận khi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động công nhận đã hết hiệu lực;
e) Thực hiện hoạt động công nhận ngoài lĩnh vực đã đăng ký;”;
d) Sửa đổi đoạn mở đầu khoản 3 như sau:
“3. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:”;
đ) Bổ sung điểm c khoản 4 quy định sau:
“c) Thực hiện hoạt động công nhận khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp đăng ký hoạt động theo quy định.”;
e) Sửa đổi đoạn mở đầu khoản 4 như sau:
“Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:”;
“5. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng giấy đăng ký hoạt động công nhận từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng giấy đăng ký hoạt động công nhận từ 06 tháng đến 09 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm đ, e khoản 2, khoản 3 Điều này;
c) Tước quyền sử dụng giấy đăng ký hoạt động công nhận từ 09 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b khoản 4 Điều này;
d) Đình chỉ hoạt động công nhận từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.”;
“6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thu hồi các chứng chỉ công nhận đã cấp đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b, đ, e khoản 2; các điểm b, c khoản 3 và 4 Điều này;
b) Buộc nộp lại số thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b, đ, e khoản 2; các điểm b, c khoản 3 và 4 Điều này.”.
40. Sửa đổi điểm d, điểm đ khoản 2 Điều 24 như sau:
“d) Sử dụng hồ sơ, tài liệu sai sự thật để đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường hoặc đề nghị chỉ định cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; đăng ký hoạt động chứng nhận, thử nghiệm, giám định, kiểm định, công nhận, đào tạo, tư vấn, xét tặng giải thưởng hoặc đề nghị chỉ định hoạt động chứng nhận, thử nghiệm, giám định, kiểm định; đề nghị cấp chứng nhận chuẩn đo lường, chứng nhận kiểm định viên đo lường; đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký cơ sở pha chế xăng dầu, đăng ký kiểm tra nhà nước chất lượng hàng hóa nhập khẩu, giấy chứng nhận đủ điều kiện sử dụng dấu định lượng trên nhãn hàng đóng gói sẵn, giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm, giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch;
đ) Tẩy xóa, sửa chữa nội dung giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; quyết định chỉ định tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận, thử nghiệm, giám định, kiểm định, công nhận, đào tạo, tư vấn, xét tặng giải thưởng; quyết định chỉ định tổ chức chứng nhận, thử nghiệm, giám định, kiểm định; quyết định chứng nhận chuẩn đo lường, quyết định chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường; giấy chứng nhận đăng ký cơ sở pha chế xăng dầu, giấy đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu, giấy chứng nhận đủ điều kiện sử dụng dấu định lượng trên nhãn hàng đóng gói sẵn; giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm, giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch.”.
41. Bổ sung điểm c khoản 4 Điều 24 như sau:
“c) Buộc nộp lại giấy chứng nhận hợp chuẩn, dấu hợp chuẩn; giấy chứng nhận hợp quy, dấu hợp quy, dấu định lượng hàng đóng gói sẵn; chứng chỉ chứng nhận, thử nghiệm, giám định, kiểm định, công nhận, kết quả thử nghiệm, kiểm tra, giám định, kiểm định chất lượng; tem, dấu, giấy chứng nhận kiểm định, hiệu chuẩn; giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; quyết định chỉ định kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận, thử nghiệm, giám định, kiểm định, công nhận, đào tạo, tư vấn, xét tặng giải thưởng; quyết định chỉ định tổ chức chứng nhận, thử nghiệm, giám định, kiểm định; quyết định chứng nhận chuẩn đo lường, quyết định chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường; giấy chứng nhận đăng ký cơ sở pha chế xăng dầu; giấy chứng nhận đủ điều kiện sử dụng dấu định lượng trên nhãn hàng đóng gói sẵn; giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm, giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.”.
42. Sửa đổi, bổ sung một số khoản Điều 25 như sau:
“1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi xét tặng giải thưởng chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngoài giải thưởng đã đăng ký.”;
“3. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với các hành vi sau đây:
a) Xét tặng giải thưởng chất lượng sản phẩm, hàng hóa khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp đăng ký hoạt động theo quy định;
b) Không báo cáo thực hiện hành động khắc phục vi phạm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.”;
“4. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng giấy đăng ký hoạt động xét tặng giải thưởng từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1; các điểm a, b, c khoản 2 Điều này.”;
“5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thu hồi, hủy bỏ quyết định tặng giải thưởng; buộc cải chính thông tin sai sự thật trên trang thông tin điện tử đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1; các điểm a, b, c khoản 2 và khoản 3 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1; các điểm a, b, c khoản 2 và khoản 3 Điều này.”.
“Điều 27. Vi phạm quy định về hoạt động vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất ô xy hóa, các hợp chất ô xít hữu cơ, các chất ăn mòn
1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Vận chuyển hàng nguy hiểm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép;
b) Sử dụng giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm đã hết hiệu lực;
c) Vận chuyển hàng nguy hiểm ngoài nội dung giấy phép đã được cấp;
d) Sử dụng các loại vật liệu dùng để làm bao bì, thùng chứa hàng hóa nguy hiểm trên phương tiện vận chuyển không đúng quy định hoặc không phù hợp tiêu chuẩn công bố, quy chuẩn kỹ thuật của bao bì, thùng chứa tương ứng với mỗi loại chất, mỗi nhóm hàng hóa nguy hiểm thuộc thẩm quyền cấp giấy phép;
đ) Người điều khiển phương tiện, người thủ kho, người áp tải, người xếp, dỡ hàng hóa khi tham gia vận chuyển hàng hóa nguy hiểm loại 5, loại 7, loại 8 không có giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa tập huấn kiến thức vận chuyển hàng nguy hiểm theo quy định hoặc sử dụng giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa tập huấn đã hết thời hạn hiệu lực;
e) Không có người áp tải theo quy định đối với loại hàng hóa nguy hiểm khi vận chuyển bắt buộc phải có người áp tải;
g) Không có tờ khai gửi hàng nguy hiểm theo quy định của người thuê giao cho người vận tải trước khi xếp hàng lên phương tiện; không mua bảo hiểm hàng nguy hiểm khi vận tải trên đường sắt theo quy định;
h) Người vận tải không thực hiện niêm yết biểu trưng nguy hiểm của loại, nhóm hàng hóa nguy hiểm đang vận chuyển theo quy định; không chấp hành đầy đủ thông báo của người thuê vận tải và những quy định ghi trong giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm; không mua bảo hiểm theo quy định pháp luật khi vận tải trên đường sắt;
i) Người điều khiển phương tiện không mang theo hồ sơ vận chuyển hàng hóa nguy hiểm do người thuê vận tải cung cấp theo quy định; không chấp hành các quy định ghi trong giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm; không lập biên bản, báo cáo Ủy ban nhân dân địa phương cấp xã nơi gần nhất và các cơ quan liên quan để xử lý kịp thời khi phát hiện hàng hóa nguy hiểm có sự cố, đe dọa đến an toàn của người, phương tiện, môi trường và hàng hóa khác hoặc khi xảy ra tai nạn giao thông trong quá trình vận chuyển; không báo cáo cấp trên và người thuê vận tải hàng nguy hiểm để giải quyết kịp thời trong trường hợp vượt quá khả năng xử lý;
k) Không thực hiện hành động khắc phục vi phạm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Tước quyền sử dụng giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm từ 01 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm c, đ, e, h, i và k khoản 1 Điều này.”.
“Điều 29. Vi phạm quy định trong pha chế xăng dầu
1. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Pha chế xăng dầu nhưng không đăng ký cơ sở pha chế;
b) Pha chế xăng dầu khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận;
c) Sử dụng giấy chứng nhận đăng ký cơ sở pha chế xăng dầu đã hết hiệu lực;
d) Sử dụng phụ gia không thông dụng và các chế phẩm để pha chế xăng dầu khi chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền;
đ) Pha chế xăng dầu tại địa điểm không phải là nơi sản xuất, xưởng pha chế được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký cơ sở pha chế xăng dầu;
a) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký cơ sở pha chế xăng dầu từ 01 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;
b) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm b và đ khoản 1 Điều này.”.
45. Bổ sung Điều 29a vào sau Điều 29 như sau:
"Điều 29a. Vi phạm quy định trong sản xuất, pha chế khí
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Thực hiện pha chế khí nhưng không nộp Bản tự công bố phù hợp điều kiện pha chế khí theo quy định;
b) Không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền về tiêu chuẩn của phụ gia được sử dụng để pha chế khí theo quy định.
2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không có phòng thử nghiệm chất lượng khí hoặc không có hợp đồng thuê tối thiểu 01 năm với thương nhân, tổ chức có phòng thử nghiệm đã đăng ký hoạt động thử nghiệm theo quy định pháp luật, có đủ năng lực thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng khí theo tiêu chuẩn công bố áp dụng và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
b) Pha chế khí tại địa điểm không phải nơi được ghi trong Bản tự công bố phù hợp điều kiện pha chế khí đã gửi cho cơ quan quản lý có thẩm quyền.
a) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1, điểm b khoản 2 Điều này.”.
46. Sửa đổi, bổ sung đoạn đầu khoản 1 Điều 30 như sau:
“1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị đến 5.000.000 đồng, trừ trường hợp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đã có nhãn gốc nhưng không đọc được các nội dung trên nhãn theo quy định pháp luật mà các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa không khắc phục được, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đã có nhãn gốc nhưng chưa có nhãn phụ khi làm thủ tục thông quan.”.
47. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 30 như sau:
“3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi đưa vào lưu thông; buộc tiêu hủy nhãn hàng hóa vi phạm; buộc tiêu hủy hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng hàng hóa có nhãn vi phạm trong trường hợp không thể tách rời nhãn hàng hóa vi phạm ra khỏi hàng hóa đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này;
b) Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.”.
48. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 31 như sau:
“1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 5.000.000 đồng, trừ trường hợp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đã có nhãn gốc nhưng không đọc được các nội dung trên nhãn theo quy định pháp luật mà các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa không khắc phục được, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đã có nhãn gốc nhưng chưa có nhãn phụ khi làm thủ tục thông quan:
a) Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán hàng hóa có nhãn (kể cả nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa;
b) Nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán hàng hóa hàng nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.”.
49. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 31 như sau:
“2. Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng trở lên được quy định như sau:
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
g) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên;
h) Phạt tiền gấp 02 lần mức tiền phạt quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và g khoản này trong trường hợp hàng hóa vi phạm là: lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thực phẩm chức năng.”.
50. Sửa đổi, bổ sung đoạn đầu khoản 3 Điều 31 như sau:
"3. Mức phạt tiền đối với hành vi kinh doanh hàng hóa trên nhãn có hình ảnh, hình vẽ, chữ viết, dấu hiệu, biểu tượng, huy chương, giải thưởng và các thông tin khác không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó; nhãn hàng hóa thể hiện những hình ảnh, nội dung liên quan đến tranh chấp chủ quyền và các nội dung nhạy cảm khác có thể gây ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội, quan hệ ngoại giao và thuần phong mỹ tục Việt Nam; kinh doanh hàng hóa có nhãn, kể cả nhãn gốc hoặc nhãn phụ đối với hàng hóa nhập khẩu bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch thông tin về hàng hóa; kinh doanh hàng hóa gian lận về thời hạn sử dụng hàng hóa trên nhãn hàng hóa; kinh doanh hàng hóa đã quá hạn sử dụng, trừ trường hợp hàng hóa nhập khẩu chưa được thông quan, được quy định như sau:".
51. Sửa đổi, bổ sung điểm n khoản 3 Điều 31 như sau:
“n) Phạt tiền gấp 02 lần mức tiền phạt quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h, i, k, l, và m khoản này trong trường hợp hàng hóa vi phạm là: lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc chữa bệnh cho người, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm; chất tẩy rửa, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, thuốc thú y, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản và các hàng hóa khác thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.”.
52. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 31 như sau:
“4. Mức phạt tiền đối với hành vi kinh doanh hàng hóa theo quy định phải có nhãn hàng hóa mà không có nhãn hàng hóa; không có nhãn gốc hoặc có nhãn gốc nhưng ghi không đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa, hoặc bị thay đổi được quy định như sau:
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị đến dưới 5.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;
g) Phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
h) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị 100.000.000 đồng trở lên;
i) Phạt tiền gấp 02 lần mức tiền phạt quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g và h khoản này trong trường hợp hàng hóa vi phạm là: lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thực phẩm chức năng.”.
53. Sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 31 như sau:
“7. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật vi phạm là hàng hóa có nhãn hàng hóa thể hiện những hình ảnh, nội dung liên quan đến tranh chấp chủ quyền quốc gia hoặc các nội dung nhạy cảm khác có thể gây ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội, quan hệ ngoại giao và thuần phong mỹ tục Việt Nam đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 khoản 4 Điều này.”.
54. Sửa đổi khoản 8 Điều 31 như sau:
“8. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều này được thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau: buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu; buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông; buộc thu hồi và tiêu hủy nhãn hàng hóa vi phạm, buộc tiêu hủy hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng hàng hóa có nhãn vi phạm trong trường hợp không thể tách rời nhãn hàng hóa vi phạm ra khỏi hàng hóa;
b) Buộc thu hồi hàng hóa và buộc loại bỏ hình ảnh, chữ viết, dấu hiệu, biểu tượng, huy chương, giải thưởng và các thông tin không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó; buộc thu hồi và tiêu hủy hàng hóa quá hạn sử dụng, hàng hóa gian lận về thời hạn sử dụng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;
c) Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.”.
55. Sửa đổi điểm b, điểm e khoản 1 Điều 32 như sau:
“b) Sử dụng mã số mã vạch khi giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch hết hiệu lực;
e) Khai báo thông tin về mã số mã vạch trên cơ sở dữ liệu mã số mã vạch quốc gia không đúng với thông tin thực tế thương phẩm sử dụng mã GTIN hoặc địa điểm sử dụng mã GLN thể hiện hoặc sử dụng mã truy vết, thẻ, tem, nhãn hoặc định dạng bằng một phương thức thích hợp để cung cấp thông tin nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa nhưng không có dữ liệu hoặc có dữ liệu nhưng nội dung, dữ liệu không đúng quy định, hoặc thực hiện gắn thẻ, tem, nhãn hoặc định dạng bằng một phương thức thích hợp để thể hiện cung cấp thông tin nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa nhưng không khai báo, cập nhật thông tin đúng quy định về việc thể hiện hình thức, nội dung thẻ, tem, nhãn, định dạng bằng một phương thức thích hợp.”.
56. Bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 32 như sau:
“1a. Không thực hiện đóng phí duy trì sử dụng mã số mã vạch đúng quy định.
a) Phạt tiền từ 1 đến 3 lần số tiền phí duy trì sử dụng mã số mã vạch. Mức phạt tối đa là 50.000.000 đồng.
b) Biện pháp khắc phục hậu quả
Buộc nộp phí duy trì sử dụng mã số mã vạch đúng quy định.”.
57. Sửa đổi điểm a khoản 3 Điều 32 như sau:
“a) Sử dụng mã số mã vạch nước ngoài để in trên sản phẩm, hàng hóa sản xuất, gia công, bao gói, sang chiết tại Việt Nam mà không được chủ sở hữu mã nước ngoài cho phép quyền sử dụng tại Việt Nam.”.
58. Sửa đổi điểm b, điểm c khoản 4 Điều 32 như sau:
“b) Cung cấp thông tin sai lệch về chủ sở hữu hoặc đối tượng sử dụng mã số mã vạch hợp pháp đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tại Việt Nam cấp;”;
“c) Phát triển và cung cấp các dịch vụ, giải pháp, ứng dụng dựa trên nền tảng mã số mã vạch của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam khi chưa được phép.”.
59. Sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 32 như sau:
“6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa, loại bỏ và tiêu hủy mã số mã vạch vi phạm; buộc tiêu hủy hàng hóa trong trường hợp không thể tách rời mã số mã vạch vi phạm ra khỏi sản phẩm, hàng hóa đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.”.
60. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 34 như sau:
“c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 1.000.000 đồng đối với cá nhân, 2.000.000 đồng đối với tổ chức;”.
61. Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 2 Điều 34 như sau:
“2. Chánh Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Sở Khoa học và Công nghệ; Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa miền Trung, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa miền Nam thuộc Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có quyền:”.
62. Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 34 như sau:
“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 100.000.000 đồng đối với cá nhân, 200.000.000 đồng đối với tổ chức;”.
63. Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 3 Điều 34 như sau:
“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường có giá trị không vượt quá 140.000.000 đồng đối với cá nhân, 280.000.000 đồng đối với tổ chức; trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa có giá trị không vượt quá 210.000.000 đồng đối với cá nhân, 420.000.000 đồng đối với tổ chức;”.
64. Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 3 Điều 34 như sau:
“3. Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Bộ, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có quyền:”.
65. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 35 như sau:
“c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 10.000.000 đồng đối với cá nhân, 20.000.000 đồng đối với tổ chức;”.
66. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 35 như sau:
“b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức trong lĩnh vực đo lường; phạt tiền đến 75.000.000 đồng đối với cá nhân và 150.000.000 đồng đối với tổ chức trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa.”.
67. Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 35 như sau:
“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;”.
68. Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 2 Điều 36 như sau:
“2. Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát cơ động cấp đại đội, Trạm trưởng, Đội trưởng của người được quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:”.
69. Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 3 Điều 36 như sau:
“3. Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trưởng trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất, Trưởng Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động, Thủy đội trưởng có quyền:”.
70. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 3 Điều 36 như sau:
“c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 5.000.000 đồng đối với cá nhân, 10.000.000 đồng đối với tổ chức;”.
71. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 36 như sau:
“4. Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh gồm: Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Trưởng phòng An ninh kinh tế có quyền:”.
72. Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 4 Điều 36 như sau:
“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 50.000.000 đồng đối với cá nhân, 100.000.000 đồng đối với tổ chức;”.
73. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 5 Điều 36 như sau:
“b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức trong lĩnh vực đo lường; phạt tiền đến 75.000.000 đồng đối với cá nhân và 150.000.000 đồng đối với tổ chức trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa.”.
74. Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 5 Điều 36 như sau:
“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;”.
75. Sửa đổi, bổ sung đoạn đầu khoản 6 Điều 36 như sau:
“6. Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh có quyền:”.
76. Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 6 Điều 36 như sau:
“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;”.
77. Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 2 Điều 37 như sau:
“Đội trưởng, Tổ trưởng thuộc Chi cục Hải quan; Tổ trưởng thuộc Đội Kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Đội trưởng thuộc Chi cục, Kiểm tra sau thông quan có quyền:”.
78. Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 3, điểm c khoản 3 Điều 37 như sau:
“3. Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan; Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan, Đội trưởng Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Đội trưởng Đội Điều tra hình sự, Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu, Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển và Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu; Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan thuộc Cục Kiểm tra sau thông quan có quyền:”;
“c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 50.000.000 đồng đối với cá nhân, 100.000.000 đồng đối với tổ chức;”.
79. Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 4 Điều 37 như sau:
“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;”.
80. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 Điều 38 như sau:
“c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 50.000.000 đồng đối với cá nhân, 100.000.000 đồng đối với tổ chức;”.
81. Sửa đổi, bổ sung đoạn đầu khoản 3 Điều 38 như sau:
“3. Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh, Cục trưởng Cục nghiệp vụ quản lý thị trường trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường có quyền:”.
82. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 3 Điều 38 như sau:
“c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;”.
83. Sửa đổi, bổ sung đoạn đầu khoản 4 Điều 38 như sau:
“4. Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường có quyền:”.
84. Bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 Điều 39 như sau:
“2a. Đội trưởng Đội đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Đoàn đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân và 20.000.000 đồng đối với tổ chức;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 20.000.000 đồng đối với cá nhân, 40.000.000 đồng đối với tổ chức;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, g, h, i khoản 3 Điều 2 Nghị định này.”.
85. Sửa đổi, bổ sung đoạn đầu khoản 3 Điều 39 như sau:
“3. Đồn trưởng Đồn biên phòng, Hải Đội trưởng Hải đội biên phòng, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng có quyền:”.
86. Sửa đổi, bổ sung điểm c, điểm d khoản 3 Điều 39 như sau:
“c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường có giá trị không vượt quá 40.000.000 đồng đối với cá nhân, 80.000.000 đồng đối với tổ chức; trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa có giá trị không vượt quá 210.000.000 đồng đối với cá nhân, 420.000.000 đồng đối với tổ chức;”
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, g, h và i khoản 3 Điều 2 Nghị định này.”.
87. Bổ sung khoản 3a vào sau khoản 3 Điều 39 như sau:
“3a. Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Cục Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức trong lĩnh vực đo lường; phạt tiền đến 75.000.000 đồng đối với cá nhân và 150.000.000 đồng đối với tổ chức trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường có giá trị không vượt quá 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức; phạt tiền tối đa trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa đến 150.000.000 đồng đối với cá nhân và 300.000.000 đồng đối với tổ chức;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, đ, g, h và i khoản 3 Điều 2 Nghị định này.”.
88. Sửa đổi, bổ sung đoạn đầu khoản 4 Điều 39 như sau:
“4. Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng cấp tỉnh, Hải đoàn trưởng Hải đoàn Biên phòng, Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng có quyền:”.
89. Sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 4 Điều 39 như sau:
“đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, đ, g, h và i khoản 3 Điều 2 Nghị định này.”.
90. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 4; đoạn mở đầu và điểm c khoản 5; khoản 6 Điều 40 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 4 như sau:
“c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường có giá trị không vượt quá 40.000.000 đồng đối với cá nhân, 80.000.000 đồng đối với tổ chức; trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa có giá trị không vượt quá 50.000.000 đồng đối với cá nhân, 100.000.000 đồng đối với tổ chức.”;
b) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 5 như sau:
“5. Hải đoàn trưởng Hải đoàn Cảnh sát biển, Đoàn trưởng Đoàn Trinh sát, Đoàn trưởng Đoàn Đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam có quyền:”;
c) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 5 như sau:
“c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường có giá trị không vượt quá 60.000.000 đồng đối với cá nhân, 120.000.000 đồng đối với tổ chức; trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa có giá trị không vượt quá 90.000.000 đồng đối với cá nhân, 180.000.000 đồng đối với tổ chức.”;
d) Sửa đổi, bổ sung khoản 6 như sau:
“6. Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức trong lĩnh vực đo lường; phạt tiền đến 75.000.000 đồng đối với cá nhân và 150.000.000 đồng đối với tổ chức trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, g, h và i khoản 3 Điều 2 Nghị định này.”.
91. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 41 như sau:
“c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 1.000.000 đồng đối với cá nhân, 2.000.000 đồng đối với tổ chức;”.
92. Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 2 Điều 41 như sau:
“2. Chánh Thanh tra sở, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y vùng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch động vật vùng thuộc Cục Thú y, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vùng thuộc Cục Bảo vệ thực vật, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Trung Bộ, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nam Bộ thuộc Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Chi Cục trưởng Chi cục về trồng trọt và bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y, thủy sản, Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực có quyền:”.
93. Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 41 như sau:
“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 100.000.000 đồng đối với cá nhân, 200.000.000 đồng đối với tổ chức;”.
94. Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 4 Điều 41 như sau:
“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường có giá trị không vượt quá 140.000.000 đồng đối với cá nhân, 280.000.000 đồng đối với tổ chức; trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa có giá trị không vượt quá 210.000.000 đồng đối với cá nhân, 420.000.000 đồng đối với tổ chức;”.
95. Sửa đổi, bổ sung đoạn đầu khoản 5 Điều 41 như sau:
“5. Chánh Thanh tra Bộ, cơ quan ngang bộ, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Cục trưởng Cục An toàn lao động, Cục trưởng Cục Hóa chất, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, Cục trưởng Cục Công nghiệp, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Cục trưởng Cục Thú y, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, Cục trưởng Cục Viễn thông, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục trưởng Cục Báo chí, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Cục trưởng Cục Quản lý dược, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm có quyền:”.
96. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 43 như sau:
“1. Các chức danh nêu tại Điều 34, Điều 35, Điều 36, Điều 37, Điều 38, Điều 39, Điều 40, Điều 41 Nghị định này và người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, lực lượng Công an nhân dân, công chức, viên chức đang thi hành công vụ khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì được quyền lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định.”.
Điều 3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ
1. Bổ sung khoản 11, khoản 12 và khoản 13 vào Điều 4 như sau:
“11. Buộc công khai thông tin nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
12. Buộc báo cáo đúng quy định tình hình hoạt động khoa học và công nghệ.
13. Buộc đăng ký thay đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ.”.
2. Bổ sung Điều 4a vào sau Điều 4 như sau:
“Điều 4a. Thi hành quyết định xử phạt, thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt
Việc thi hành quyết định xử phạt, thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này được thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành.”.
3. Sửa đổi, bổ sung một số khoản Điều 6 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:
“2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện hoặc thực hiện công khai thông tin nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước không đúng quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Không đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”;
b) Bổ sung khoản 3 vào sau khoản 2 như sau:
“3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc công khai thông tin nhiệm vụ khoa học và công nghệ đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.”.
4. Sửa đổi, bổ sung một số khoản Điều 8 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:
“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo hoặc báo cáo tình hình hoạt động không đúng quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”;
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 10 như sau:
“10. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc báo cáo đúng quy định tình hình hoạt động khoa học và công nghệ đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Buộc đăng ký thay đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ đối với hành vi quy định tại điểm b, khoản 3 Điều này;
c) Buộc hủy bỏ hồ sơ, tài liệu có nội dung sai sự thật đối với hành vi quy định tại khoản 7 Điều này.”.
5. Sửa đổi, bổ sung một số khoản Điều 20 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:
“Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không hoàn trả đúng hạn các khoản hỗ trợ đã nhận được của Nhà nước theo quy định khi bị hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ; Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao.”;
b) Bổ sung điểm l khoản 4 như sau:
“l) Ưu đãi đầu tư từ việc được cấp Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao.”.
6. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 27 như sau:
“2. Người thuộc lực lượng Công an nhân dân, công chức, viên chức trong các cơ quan quy định từ Điều 28 đến Điều 34 Nghị định này đang thi hành công vụ, nhiệm vụ.”.
7. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 28 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 như sau:
“c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 1.000.000 đồng.”;
b) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 như sau:
“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 50.000.000 đồng;”;
c) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 4 như sau:
“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 70.000.000 đồng”.
8. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 29 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 như sau:
“c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 10.000.000 đồng.”;
b) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 như sau:
“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.”.
9. Sửa đổi, bổ sung một số khoản Điều 30 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 2 như sau:
“2. Trưởng trạm, Đội trưởng của người được quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:”;
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:
“3. Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trưởng trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất, Trưởng công an cửa khẩu cảng hàng không quốc tế, Thủy đội trưởng có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 2.500.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 5.000.000 đồng.”;
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:
“4. Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh chính trị nội bộ; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh gồm: Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Trưởng phòng An ninh kinh tế có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng có thời hạn: Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, Giấy chứng nhận hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 20.000.000 đồng.”;
c) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 5 như sau:
“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.”.
10. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 31 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu khoản 2 như sau:
“2. “Đội trưởng, Tổ trưởng thuộc Chi cục Hải quan; Tổ trưởng thuộc Đội Kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Đội trưởng thuộc Chi cục, Kiểm tra sau thông quan” có quyền:”;
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:
“3. Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Chi Cục trưởng Chi cục kiểm tra sau thông quan, Đội trưởng Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Đội trưởng Đội Điều tra hình sự, Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu, Hải Đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển và Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan thuộc Cục Kiểm tra sau thông quan có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 50.000.000 đồng;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 8 Điều 4 Nghị định này.”;
c) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 4 như sau:
“c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;”.
11. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 32 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:
“1. Đội trưởng Đội quản lý thị trường, Trưởng phòng Nghiệp vụ thuộc Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 50.000.000 đồng.”;
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:
“2. Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường thuộc Tổng cục Quản lý thị trường có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
d) Tước quyền sử dụng có thời hạn: Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá, giám định công nghệ.”.
12. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 33 như sau:
“c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;”.
13. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 34 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 như sau:
“c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 1.000.000 đồng.”;
b) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 như sau:
“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 50.000.000 đồng;”;
c) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 4 như sau:
“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 70.000.000 đồng;”.
Điều 4. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử
1. Bổ sung khoản 3 Điều 1 như sau:
“3. Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đưa thông tin không đúng sự thật về sự cố hạt nhân được thực hiện theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.”.
2. Bổ sung Điều 1a vào sau Điều 1 như sau:
“Điều 1a. Đối tượng bị xử phạt hành chính
1. Cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này trên lãnh thổ Việt Nam.
2. Hộ kinh doanh; hộ gia đình thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm.
3. Tổ chức là đối tượng bị xử phạt theo quy định tại Nghị định này, bao gồm:
a) Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định tại Luật Doanh nghiệp gồm: doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh;
b) Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định tại Luật Hợp tác xã gồm: hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
c) Các tổ chức khác được thành lập theo quy định pháp luật.
4. Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp được xác định theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.”.
3. Bổ sung khoản 7 Điều 2 như sau:
“7. Đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7, điểm a, c, d và d khoản 2 Điều 8, Điều 10, Điều 13, Điều 15 Nghị định này, trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần được xác định là tình tiết tăng nặng.
Đối với những hành vi vi phạm khác được quy định tại Nghị định này, trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần bị xử lý theo từng hành vi.”.
4. Bổ sung khoản 12 vào sau khoản 11 Điều 3 như sau:
“12. Buộc thu hồi hàng hóa để tiêu hủy.”.
5. Bổ sung Điều 3a vào sau Điều 3 như sau:
“Điều 3a. Thi hành quyết định xử phạt, thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt
Việc thi hành quyết định xử phạt, thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này được thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành.”.
6. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 như sau:
“2. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của những người được quy định tại Điều 43, Điều 44, Điều 45, Điều 45a, Điều 45b và Điều 45c Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt đối với tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân.”.
7. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 6 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:
“1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Tiến hành công việc bức xạ khi giấy phép hết hạn sử dụng không quá 30 ngày làm việc;
b) Không thực hiện thủ tục sửa đổi giấy phép tiến hành công việc bức xạ theo quy định.”;
b) Bổ sung tên khoản 4 như sau:
“4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây mà không có giấy phép trong trường hợp hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự:”;
c) Bổ sung điểm e vào sau điểm đ khoản 4 như sau:
d) Bổ sung tiêu đề khoản 5 như sau:
“5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây mà không có giấy phép trong trường hợp hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự:”;
đ) Bổ sung tiêu đề khoản 6 như sau:
“6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây mà không có giấy phép trong trường hợp hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự:”;
e) Bổ sung tiêu đề khoản 7 như sau:
“7. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây mà không có giấy phép trong trường hợp hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự:”;
g) Bổ sung tiêu đề khoản 8 như sau:
“8. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây mà không có giấy phép trong trường hợp hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự:”.
8. Sửa đổi, bổ sung một số điểm khoản 2 Điều 8 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm c như sau:
“c) Không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ liều kế cá nhân cho nhân viên bức xạ;”;
b) Bổ sung điểm e vào sau điểm đ khoản 2 như sau:
“e) Không thiết lập mức điều tra theo quy định.”.
9. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 12 như sau:
“c) Không kiểm định định kỳ thiết bị xạ trị theo quy định.”.
10. Bổ sung điểm c khoản 4 Điều 13 như sau:
“c) Không trang bị thiết bị đo suất liều xách tay, thiết bị đo suất liều lắp cố định phù hợp với loại hình công việc bức xạ theo quy định.”.
11. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 19 như sau:
“a) Không xây dựng, tổ chức thực hiện hoặc không có quyết định phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ cấp cơ sở theo quy định, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều 17 Nghị định này;”.
12. Sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 2 Điều 27 như sau:
“g) Không bố trí người phụ trách an toàn, người phụ trách tẩy xạ, không có nhân viên được đào tạo về vật lý y khoa theo quy định;”.
13. Sửa đổi, bổ sung điểm c và điểm đ khoản 2 Điều 28 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 như sau:
“c) Không lắp khóa cho các cửa ra vào khu vực kiểm soát an ninh; không lắp khóa cho các cửa ra vào phòng đặt nguồn phóng xạ, phòng điều khiển nguồn, phòng điều khiển hệ thống an ninh; không lắp khóa cho bể xử lý nước bảo quản nguồn phóng xạ trong chiếu xạ công nghiệp;”;
b) Sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 2 như sau:
“đ) Không có văn bản cho phép của người đứng đầu cơ sở hoặc người được ủy quyền, không có biên bản bàn giao khi chuyển giao nguồn phóng xạ trong nội bộ cơ sở; không có văn bản quy định trách nhiệm, quyền hạn của lực lượng bảo vệ và của từng tổ chức, cá nhân liên quan đến việc bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ theo quy định;”.
14. Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 29 như sau:
“d) Không có văn bản cho phép của người đứng đầu cơ sở hoặc người được ủy quyền, không có biên bản bàn giao khi chuyển giao nguồn phóng xạ trong nội bộ cơ sở; không có văn bản quy định trách nhiệm, quyền hạn của từng tổ chức, cá nhân liên quan đến việc bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ theo quy định;”.
15. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 30 như sau:
“b) Vi phạm quy định tại điểm d khoản 2 Điều 29 Nghị định này;”.
16. Sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 2 Điều 31 như sau:
“đ) Vi phạm quy định tại điểm d khoản 2 Điều 29 Nghị định này;”.
17. Sửa đổi, bổ sung một số điểm khoản Điều 32 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm e khoản 1 như sau:
“e) Vi phạm quy định tại điểm d khoản 2 Điều 29 Nghị định này.”;
b) Bổ sung điểm e vào sau điểm đ khoản 3 như sau:
“e) Không kiểm đếm nguồn phóng xạ sau mỗi ca làm việc và định kỳ hàng tháng; không có văn bản quy định trách nhiệm, quyền hạn của từng đơn vị, cá nhân liên quan đến việc bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ theo quy định.”;
c) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 5 như sau:
“c) Vi phạm điểm d khoản 2 Điều 29 Nghị định này;”.
18. Sửa đổi, bổ sung Điều 33 như sau:
“Điều 33. Vi phạm quy định về an ninh nguồn phóng xạ khi sử dụng, lưu giữ nguồn phóng xạ thuộc mức an ninh D
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
1. Không kiểm đếm nguồn phóng xạ định kỳ hằng quý, không kiểm đếm hàng tuần trong trường hợp bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, tạm dừng dây chuyền sản xuất đối với thiết bị sử dụng nguồn phóng xạ lắp trên dây chuyền sản xuất.
2. Không có văn bản quy định trách nhiệm, quyền hạn của từng đơn vị, cá nhân liên quan đến việc bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ theo quy định.”.
19. Bổ sung khoản 4 vào sau khoản 3 Điều 39 như sau:
“4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thu hồi kết quả dịch vụ đã cung cấp đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.”.
20. Sửa đổi, bổ sung một số khoản Điều 40 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:
“2. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với tổ chức hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử có một trong các hành vi sau:
a) Thực hiện hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử mà không có đủ số lượng người có chứng chỉ hành nghề theo quy định;
b) Sử dụng người không có chứng chỉ hành nghề dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử thực hiện hoạt động dịch vụ theo quy định phải có chứng chỉ hành nghề.”;
b) Bổ sung khoản 3 và khoản 4 vào sau khoản 2 như sau:
“3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng giấy đăng ký hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử từ 01 tháng đến 03 tháng đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thu hồi kết quả dịch vụ đã cung cấp đối với vi phạm quy định tại khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều này.”.
21. Sửa đổi, bổ sung một số khoản Điều 41 như sau:
a) Bổ sung điểm đ vào sau điểm d khoản 2 như sau:
“đ) Không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ liều kế cá nhân, trang thiết bị bảo hộ, không tổ chức đánh giá liều chiếu xạ cá nhân đúng tần suất quy định cho nhân viên thực hiện dịch vụ làm việc trực tiếp với bức xạ theo quy định.”;
b) Bổ sung điểm đ vào sau điểm d khoản 3 như sau:
“đ) Không bảo đảm việc duy trì cơ sở vật chất - kỹ thuật theo điều kiện cấp giấy đăng ký hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử, trừ hành vi vi phạm bị xử phạt theo quy định tại Nghị định này;”;
c) Bổ sung điểm e vào sau điểm đ khoản 3 như sau:
“e) Tái phạm một trong các hành vi quy định tại điểm a, b, d và đ khoản 3 Điều này.”;
d) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:
“4. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng giấy đăng ký hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử từ 06 tháng đến 12 tháng đối với vi phạm quy định tại điểm c và e khoản 3 Điều này.”.
22. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 43 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 như sau:
“c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 1.000.000 đồng.”;
b) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 như sau:
“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 100.000.000 đồng;”;
c) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 3 như sau:
“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 500.000.000 đồng;”.
23. Sửa đổi, bổ sung một số điểm khoản 1 Điều 44 như sau:
a) Sửa đổi điểm b khoản 1 như sau:
“b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;”;
b) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 như sau:
“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;”.
24. Sửa đổi, bổ sung Điều 45 như sau:
“Điều 45. Thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân
1. Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ; Trưởng Công an cấp xã có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 500.000 đồng.
2. Trưởng Công an cấp xã có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 2.500.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 5.000.000 đồng;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 3 Nghị định này.
3. Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh gồm: Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Trưởng phòng An ninh kinh tế, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 50.000.000 đồng;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm 2, 4 và 5 Điều 3 Nghị định này.
4. Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 3 Nghị định này.
5. Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 3 Nghị định này.”.
25. Bổ sung Điều 45a vào sau Điều 45 như sau:
“Điều 45a. Thẩm quyền xử phạt của Hải quan
1. Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan; Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan, Đội trưởng Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Đội trưởng Đội Điều tra hình sự, Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu, Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển và Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan thuộc Cục Kiểm tra sau thông quan có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 50.000.000 đồng;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 2 và 4 Điều 3 Nghị định này.
2. Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan thuộc Tổng cục Hải quan có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 2 và 4 Điều 3 Nghị định này.
3. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 2 và 4 Điều 3 Nghị định này.”.
26. Bổ sung Điều 45b vào sau Điều 45a như sau:
“Điều 45b. Thẩm quyền xử phạt của Cảnh sát biển Việt Nam
1. Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 2 và 4 Điều 3 Nghị định này.
2. Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 2 và 4 Điều 3 Nghị định này.”.
27. Bổ sung Điều 45c vào sau Điều 45b như sau:
“Điều 45c. Thẩm quyền xử phạt của Bộ đội biên phòng
1. Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Cục Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 200.000.000 đồng;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 2 và 4 Điều 3 Nghị định này.
2. Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng cấp tỉnh; Hải đoàn trưởng Hải đoàn biên phòng, Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 2 và 4 Điều 3 Nghị định này.”.
28. Bổ sung Điều 45d vào sau Điều 45c như sau:
“Điều 45d. Phân định thẩm quyền xử phạt
1. Thanh tra chuyên ngành Khoa học và Công nghệ:
a) Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành Khoa học và Công nghệ đang thi hành công vụ có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều 5, khoản 1 Điều 8, khoản 1 Điều 13, khoản 1 Điều 27 và khoản 1 Điều 42 Nghị định này;
b) Chánh Thanh tra Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Chánh Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Sở Khoa học và Công nghệ có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 5, khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13, khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 14, Điều 15, Điều 16, Điều 17, khoản 1, 2, 3, 4 và 6 Điều 18, Điều 1, 2, 3, và 5 Điều 19, Điều 20, Điều 21, khoản 1 và 3 Điều 22, khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 23, Điều 24, Điều 27, Điều 28, Điều 29, Điều 30, Điều 31, Điều 32, Điều 33, Điều 34, khoản 1, 2 và 3 Điều 35, khoản 1 Điều 36, khoản 3 Điều 37, khoản 1 Điều 38, Điều 39, Điều 40, Điều 41 và Điều 42 Nghị định này;
c) Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Bộ Khoa học và Công nghệ có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 5, khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 18, khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 23, Điều 24, Điều 25, khoản 1 Điều 26, Điều 27, Điều 28, Điều 29, Điều 30, Điều 31, Điều 32, Điều 33, Điều 34, khoản 1, 2 và 3 Điều 35, Điều 36, khoản 1, 3 và 4 Điều 37, khoản 1 Điều 38, Điều 39, Điều 40, Điều 41 và Điều 42 Nghị định này;
d) Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân có thẩm quyền xử phạt đối với những hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II Nghị định này.
2. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp:
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xử phạt đối với những hành vi vi phạm hành chính tại điểm b khoản 2 Điều 5, khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 6, Điều 7, Điều 9, Điều 34 và Điều 42 Nghị định này;
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xử phạt đối với những hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II Nghị định này.
3. Thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân:
a) Chiến sĩ công an nhân dân đang thi hành công vụ có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều 5, khoản 1 Điều 8 và khoản 1 Điều 42 Nghị định này;
b) Trưởng Công an cấp xã có quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 và 2 Điều 5, khoản 1 Điều 8, khoản 1 Điều 20 và khoản 1 Điều 42 Nghị định này;
c) Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh gồm: Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Trưởng phòng An ninh kinh tế, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 và 2 Điều 5, khoản 3, 4, 5 và 11 Điều 6, Điều 8, Điều 9, khoản 1, 2 và 3 Điều 17, khoản 1 và 6 Điều 18, khoản 1 Điều 19, khoản 1 và 2 Điều 20, Điều 30, Điều 31, Điều 32, Điều 33, khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 34 và Điều 42 Nghị định này;
d) Giám đốc Công an cấp tỉnh xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử quy định tại Điều 5, khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 17, khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 18, khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 23, Điều 28, Điều 29, Điều 30, Điều 31, Điều 32, Điều 33, Điều 34, khoản 1, 2 và 3 Điều 35, khoản 1 và 2 Điều 36, khoản 1 Điều 38 và Điều 42 Nghị định này;
đ) Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 17, Điều 18, Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 23, Điều 28, Điều 29, Điều 30, Điều 31, Điều 32, Điều 33, Điều 34, Điều 35, Điều 36, Điều 38 và Điều 42 Nghị định này.
4. Thẩm quyền xử phạt của Hải quan:
a) Chi cục trưởng Chi cục Hải quan; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan, Đội trưởng Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Đội trưởng Đội Điều tra hình sự, Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu, Hải Đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển và Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu; Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan thuộc Cục Kiểm tra sau thông quan xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử liên quan đến hoạt động hải quan đối với những hành vi vi phạm hành chính tại điểm c khoản 4 và điểm a khoản 11 Điều 6, khoản 2 và 3 Điều 9, khoản 1, điểm a khoản 2, khoản 3 và khoản 6 Điều 18 và Điều 42 Nghị định này;
b) Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử liên quan đến hoạt động hải quan đối với những hành vi vi phạm hành chính tại điểm c khoản 4, điểm a khoản 7 và khoản 11 Điều 6, khoản 2 và 3 Điều 9, khoản 1, 2, 3, 4 và 6 Điều 18 và Điều 42 Nghị định này;
c) Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử liên quan đến hoạt động hải quan đối với những hành vi vi phạm hành chính tại điểm c khoản 4, điểm a khoản 7 và khoản 11 Điều 6, khoản 2 và 3 Điều 9, khoản 1, điểm a khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều 18 và Điều 42 Nghị định này.
5. Thẩm quyền xử phạt của Cảnh sát biển Việt Nam:
a) Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử xảy ra trên vùng biển thuộc chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam được quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 6, Điều 17, khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 18, Điều 34, khoản 1, 2 và 3 Điều 35, khoản 1 Điều 38 và Điều 42 Nghị định này;
b) Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử xảy ra trên vùng biển thuộc chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam được quy định tại Điều 6, Điều 17, Điều 18, Điều 34, Điều 35, Điều 38 và Điều 42 Nghị định này.
6. Thẩm quyền xử phạt của Bộ đội biên phòng:
a) Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Cục Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử xảy ra tại khu vực biên giới, cửa khẩu được quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 6, Điều 17, khoản 1, 2, 3, 4 và 6 Điều 18, Điều 34, khoản 1, 2 và 3 Điều 35, khoản 1 Điều 38 và Điều 42 Nghị định này;
b) Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng cấp tỉnh; Hải đoàn trưởng Hải đoàn biên phòng, Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử xảy ra tại khu vực biên giới, cửa khẩu được quy định tại Điều 6, Điều 17, Điều 18, Điều 34, Điều 35, Điều 38 và Điều 42 Nghị định này.”.
29. Sửa đổi, bổ sung Điều 46 như sau:
“Điều 46. Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính
Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử gồm:
1. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử quy định từ Điều 43, Điều 44, Điều 45, Điều 45a, Điều 45b và Điều 45c Nghị định này.
2. Người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, lực lượng Công an nhân dân, công chức viên chức trong các cơ quan quy định tại các Điều 43, Điều 44 và Điều 45a của Nghị định này đang thi hành công vụ, nhiệm vụ.”.
Điều 5. Bãi bỏ một số quy định tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Nghị định số 107/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử
1. Bãi bỏ khoản 3 Điều 5; điểm b khoản 1 Điều 7; điểm c khoản 2 Điều 32 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP.
2. Bãi bỏ điểm c khoản 3 Điều 3; điểm g, điểm h khoản 3, khoản 5 Điều 19; khoản 3 Điều 20; điểm a, điểm b khoản 1 Điều 21; điểm b khoản 3 Điều 24; Điều 28; khoản 5, khoản 6 Điều 31; điểm đ, điểm g khoản 1 Điều 32 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP.
3. Bãi bỏ khoản 3 Điều 2 và điểm d khoản 4 Điều 6 Nghị định số 107/2013/NĐ-CP.
Điều 6. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
1. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hướng dẫn, tổ chức thực hiện Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
1. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.
2. Điều khoản chuyển tiếp:
a) Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực, sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết mà Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn thì áp dụng các quy định tại Nghị định này;
b) Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành hoặc đã được thi hành xong trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại thì áp dụng quy định của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Nghị định số 51/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ, Nghị định số 107/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
|
TM. CHÍNH PHỦ |
THE GOVERNMENT OF VIETNAM |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM |
No. 126/2021/ND-CP |
Hanoi, December 30, 2021 |
DECREE
ON AMENDMENTS TO CERTAIN ARTICLES OF DECREES ON ADMINISTRATIVE PENALTIES IN INDUSTRIAL PROPERTY; STANDARDS, MEASUREMENT AND QUALITY OF GOODS; SCIENCE AND TECHNOLOGY ACTIVITIES, TECHNOLOGY TRANSFERS; ATOMIC ENERGY
Pursuant to the Law on organization of Government of Vietnam dated June 19, 2015; Law on amendments to the Law on organization of Government of Vietnam and the Law
Pursuant to the Law on handling of administrative violations of Vietnam dated June 20, 2012; Law on amendments to the Law on handling of administrative violations of Vietnam dated November 13, 2020;
Pursuant to the Law on intellectual property of Vietnam dated November 29, 2005; Law on amendments to the Law on intellectual property of Vietnam dated June 19, 2009; Law on amendments to the Law on Insurance Business of Vietnam, the Law on Intellectual Property of Vietnam dated June 14, 2019;
Pursuant to the Law on Technical regulations and standards of Vietnam dated June 29, 2006;
Pursuant to the Law on Product and goods quality of Vietnam dated November 21, 2007;
Pursuant to the Law on measurement of Vietnam dated November 11, 2011;
Pursuant to the Law on science and technology of Vietnam dated June 18, 2013;
Pursuant to the Law on technology transfer of Vietnam dated June 19, 2017;
Pursuant to the Law on Atomic Energy of Vietnam dated June 3, 2008;
At the proposal of Minister of Science and Technology of Vietnam;
The Government of Vietnam promulgates a Decree on amendments to certain articles of Decrees on administrative penalties in industrial property; standards, measurement and quality of goods; science and technology activities, technology transfers; atomic energy.
Article 1. Amendments to Decree No. 99/2013/ND-CP dated August 29, 2013 of the Government on administrative penalties in industrial property
1. Article 1 shall be amended as follows:
“Article 1. Scope
1. This Decree specifies acts of administrative violation, sanctioning forms and levels, remedies; procedures for filing written requests for handling of violations; entities subject to sanctions; competence and procedures for settling written requests for handling of violations; powers to make reports against administrative violations, sanctioning competence and fines to be imposed by given positions and enforcement of decisions on sanctioning administrative violations in industrial property.
2. Other administrative violations against regulations on industrial property not specified herein shall apply regulations stated in other Government's Decrees on penalties for administrative violations against regulations on state management.”.
2. Article 1a shall be added to Article 1 as follows:
“Article 1a. Entities subject to administrative sanctions
1. Vietnamese or foreign individuals and organizations that commit administrative violations as prescribed in this Decree within Vietnam’s territory.
2. Household businesses or households that commit administrative violations as prescribed in this Decree shall face the sanctions as similarly as offending persons.
3. Organizations subject to sanctions as per this Decree include:
a) Business entities established in accordance with provisions of the Law on Enterprises including: sole proprietorships, joint-stock companies, limited liability companies and partnerships;
b) Business entities established in compliance with provisions of the Law on Cooperatives including cooperatives and cooperative unions;
c) Industrial property representation;
d) Industrial property assessment organizations;
dd) Other organizations established in accordance with law.
4. Entities subject to administrative sanctions being branches, representative offices, places of business of enterprises which have been determined in accordance with law on handling of administrative violations.”.
3. Clause 3 Article 3 shall be amended as follows:
a) Point b Clause 3 shall be amended as follows:
b) Compulsory distribution or use for noncommercial purposes of goods bearing counterfeit marks or geographical indications; raw materials, materials and means used mainly for producing or trading in these goods, after infringing elements on these goods are removed, provided such act does not affect the exercise of the industrial property rights by their holders, does not cause harms to the health of humans, domestic animals, plants and environment;”;
b) Point d Clause 3 shall be amended as follows:
“d) Compulsory destruction of goods bearing counterfeit marks or geographical indications, means, raw materials and materials used mainly for producing or trading in these goods, evidence and means involved in violations on which infringing elements cannot be removed; infringing goods which may cause harms to the health of humans, domestic animals, plants and the environment; stamps, labels, and articles bearing counterfeit marks or geographical indications; stamps, labels, packages and other articles bearing infringing elements;”;
c) Point h Clause 3 shall be amended as follows:
“h) Compulsory remittance of illicit earnings from the commission of administrative violations if such illicit earnings are justifiably determined or Compulsory remittance of an amount equal to value of material evidence or means of administrative violation which have been sold, dispersed or destroyed in contrary to provisions of law;”;
d) Point i Clause 3 shall be added as follows:
“i) Compulsory submission of falsified documents to the competent authorities or persons that issued such documents.”.
4. Article 4 shall be amended as follows:
“Article 4. Valuation of material evidences and means of violations
1. The valuation of material evidences and means of violations being goods or services infringing the industrial property rights and intellectual property counterfeit goods as prescribed in clause 2 Article 213 of the Intellecual Property Law of Vietnam for use as a basis for determining the fine bracket and sanctioning competence shall be applied basing on one of grounds according to the priority order specified in Clause 2 Article 60 of the Law on Handling of Administrative Violations of Vietnam as follows:
a) The price listed or stated in the contract or purchase invoices or import declaration;
b) The price according to the notice of local financial agencies; in case of without price notice, the price shall be based on the market price in the localities at the time of happening administrative violations;
c) The cost price of infringing goods if they are goods not yet been brought out for sale.
2. In case the grounds mentioned in Clause 1 of this Article cannot be applied for valuating material evidences to serve as a basis for determining the fine bracket or sanctioning competence, the competent persons settling case may issue a decision to temporarily seizure the infringing material evidences and establish a Council of valuation as prescribed in Clause 3 Article 60 of the Law on Handling of Administrative Violations.
3. The valuation of means of administrative violations to serve as a basis for determining the fine bracket or sanctioning competence shall comply with Article 60 of the Law on Handling of administrative violations.”.
5. Clause 4 Article 5 shall be amended as follows:
“4. Remedial measures:
Compulsory submission of falsified protection titles, certificates or other documents to the competent authorities or persons that issued such documents in relation to the violations as specified in clause 1 of this Article.”.
6. The first paragraph of clause 1 Article 6 shall be amended as follows:
“1. A fine of between VND 10.000.000 and 20.000.000 for any of the following acts:
7. Certain clauses of Article 7 shall be amended as follows:
a) The first paragraph of clause 1 shall be amended as follows:
“1. A fine of between VND 6.000.000 and 15.000.000 for any of the following acts:”;
b) The first paragraph of clause 2 shall be amended as follows:
“2. A fine of between VND 15.000.000 and 30.000.000 for any of the following acts:”;
c) Clause 3 shall be amended as follows:
“3. A fine of between VND 30.000.000 and 60.000.000 for any of the following acts:
a) Providing industrial property representation services without satisfying the practice conditions specified by law;
b) Providing untruthful information to competent state agencies in the process of registration and inspection of industrial property representation operations, application for industrial property representation practice certificates or request for recognition of industrial property representation service providers.
d) The first paragraph of clause 4 shall be amended as follows:
“4. A fine of between VND 60.000.000 and 120.000.000 for any of the following acts:”;
dd) Clause 6 shall be amended as follows:
“6. Remedial measures:
Compulsory submission of falsified practicing certificates of industrial property representation to the competent authorities or persons that issued such certificates in relation to the violations as specified in point e clause 2 of this Article.”.
8. Certain points and clauses of Article 8 shall be amended as follows:
a) The first paragraph of clause 1 shall be amended as follows:
“1. A fine of between VND 1.500.000 and 3.000.000 for any of the following acts:”;
b) Clause 2 shall be amended as follows:
“2. A fine of between VND 6.000.000 and VND 15.000.000 for acts of modifying, falsifying content of assessor cards or certificates of eligibility for industrial property assessment.”;
c) The first paragraph of clause 3 shall be amended as follows:
“3. A fine of between VND 15.000.000 and 30.000.000 for any of the following acts:”;
d) Clause 4 shall be amended as follows:
“4. A fine of between VND 30.000.000 and 60.000.000 for any of the following acts:
a) Taking advantage of the assessor status and assessment activities for self-seeking purposes;
b) Deliberately making untruthful assessment conclusions;
c) Modifying, erasing or otherwise falsifying assessment documents without permission;
d) Supplying untruthful information to competent state agencies in the process of registration and inspection of industrial property assessment operations, application for industrial property assessor cards or request for recognition of industrial property assessment organizations.
dd) Conducting assessment in cases in which assessment must be refused as prescribed by law.”;
dd) Point a Clause 6 shall be amended as follows:
“a) Compulsory submission of falsified assessor cards or certificates of eligibility for industrial property assessment, industrial property assessment reports to the competent authorities or persons that issued such documents in relation to the violations as specified in clause 2, point c clause 4 of this Article;”.
9. Certain points and clauses of Article 10 shall be amended as follows:
a) Point a Clause 1 shall be amended as follows:
“a) Selling, offering for sale; transporting, included transiting; storing; displaying for sale of products infringing upon rights to inventions, utility solutions or layout designs, or products produced from a process infringing upon rights to inventions or utility solutions;
b) Clause 14 shall be amended as follows:
“14. Additional sanctions:
Partial or whole suspension of the production, trading of infringing goods, for between 01 and 03 months, for violations specified in Clauses 8 thru 13 of this Article.”;
c) Point d Clause 15 shall be amended as follows:
“d) Compulsory remittance of illicit earnings from the commission of administrative violations specified in Clauses 1 thru 13 of this Article.”.
10. Certain points and clauses of Article 11 shall be amended as follows:
a) Point a Clause 1 shall be amended as follows:
“a) Selling, offering for sale; transporting, included transiting; storing; displaying for sale of products or services infringing upon rights to marks, geographical indications, trade names or industrial designs;”;
b) Point a Clause 13 shall be amended as follows:
“a) Production includes: designing, manufacture, processing, assembling and packaging goods bearing signs infringing upon rights to marks, trade names, geographical indications or industrial designs;”;
c) Clause 16 shall be amended as follows:
“16. Additional sanctions:
Partial or whole suspension of the production, trading of infringing goods, for between 01 and 03 months, for violations specified in Clauses 8 thru 13 of this Article.”;
d) Clause 17 shall be amended as follows:
“17. Remedial measures:
a) Compulsory removal and destruction of infringing elements for violations specified in Clauses 1 thru 15 of this Article;
b) Compulsory destruction of material evidence and means used in the commission of violations which infringing elements cannot be removed; goods that cause harms to the health of humans, plants and environment; infringing stamps, labels, packages and articles, for violations specified in Clauses 1 thru 15 of this Article;
c) Compulsory removal from the Vietnamese territory of transit goods infringing industrial property rights for violations specified in Clauses 1 thru 12 of this Article;
d) Compulsory change of enterprise name or removal of infringing elements in enterprise name, for violations specified in Clause 15 of this Article;
dd) Compulsory remittance of illicit earnings from the commission of administrative violations specified in Clauses 1 thru 13 of this Article.”.
11. Certain points and clauses of Article 12 shall be amended as follows:
a) Point a Clause 1 shall be amended as follows:
“a) Selling, offering for sale; transporting, included transiting; storing; displaying for sale of goods bearing counterfeit marks or geographical indications;”;
b) Point a Clause 10 shall be amended as follows:
“a) Production includes: Designing, manufacturing, processing, assembling and packaging goods bearing counterfeit marks or geographical indications;”;
c) Clause 12 shall be amended as follows:
“12. Additional sanctions:
a) Confiscation of material evidence and means used in the commission of violations, for violations specified in Clauses 1 thru 11 of this Article; except for remedial measures specified in points a, b or c clause 13 of this Articles;
b) Partial or whole suspension of the production, trading of infringing goods, for between 01 and 03 months, for violations specified in Clauses 7 thru 10 of this Article.”;
d) Clause 13 shall be amended as follows:
“13. Remedial measures:
a) Compulsory destruction of goods bearing counterfeit marks or geographical indications; raw materials, materials and means used mainly for producing or trading in counterfeit goods or geographical indications that cause harms to the health of humans, domestic animals, plants or environment, for violations specified in Clauses 1 thru 11 of this Article, except for remedial measures specified in point c of this clause;
b) Compulsory distribution or use for noncommercial purposes of goods bearing counterfeit marks or geographical indications; raw materials, materials and means used mainly for producing or trading in these goods, after infringing elements on these goods are removed, provided such act does not affect the exercise of the industrial property rights by their holders, does not harm the health of humans, domestic animals, plants and environment, for violations specified in Clauses 1 thru 11 of this Article, except for remedial measures specified in point a or c of this clause;
c) Compulsory removal from the Vietnamese territory of transit goods or Compulsory re-export of goods bearing counterfeit marks or geographical indications, or imported means, raw materials and materials used mainly for producing or trading in these goods after infringing elements on these goods are removed, for violations specified in Clauses 1 thru 10 of this Article;
d) Compulsory remittance of illicit earnings from the commission of administrative violations specified in Clauses thru 10 of this Article.”.
12. Certain points and clauses of Article 13 shall be amended as follows:
a) Point a Clause 1 shall be amended as follows:
“a) Selling; transporting, included transiting; supplying: storing; displaying for sale of stamps, labels, packages or articles bearing counterfeit marks or geographical indications;”;
b) Point b Clause 8 shall be amended as follows:
“b) Compulsory remittance of illicit earnings from the commission of administrative violations specified in Clauses 1 thru 7 of this Article.”.
13. Certain points and clauses of Article 14 shall be amended as follows:
a) Point a Clause 1 shall be amended as follows:
“a) Selling; transporting, included transiting; storing for sale of goods or services affixed with trade indications, thereby misleading as to business entities or activities, trade origin of goods or services or origin, method of production, utilities, quality, quantity or other features of goods or services or conditions for provision of goods or services;”;
b) Clause 17 shall be amended as follows:
“17. Additional sanctions:
Partial or whole suspension of the production, trading of infringing goods, for between 01 and 03 months, for violations specified in Clauses 8 thru 13 of this Article.”;
c) Clause 18 shall be amended as follows:
“a) Compulsory removal or Compulsory destruction of infringing elements, Compulsory destruction of infringing goods from which infringing elements cannot be removed, for violations specified in Clauses 1 thru 15 and point b clause 16 of this Article;
b) Compulsory removal of infringing means of business, services, or websites, for violations specified in Clause 15 and point b clause 16 of this Article;
c) Compulsory change of enterprise name or removal of infringing elements in enterprise name, for violations specified in point a clause 13 and point b clause 15 of this Article; Compulsory change or withdrawal of domain names, for violation specified in point a Clause 16 of this Article;
d) Compulsory remittance of illicit earnings from the commission of administrative violations specified in Clauses 1 thru 13 and point a clause 15 of this Article.”.
14. Certain points and clauses of Article 16 shall be amended as follows:
a) Point c Clause 1 shall be amended as follows:
“c) Confiscate any exhibit or means used for commission of administrative violation which is worth up to 1.000.000 dong;”;
b) Point d Clause 2 shall be amended as follows:
“d) Confiscate any exhibit or means used for commission of administrative violation which is worth up to 100.000.000 dong;”;
c) Point d Clause 4 shall be amended as follows:
“d) Confiscate any exhibit or means used for commission of administrative violation which is worth up to 350.000.000 dong;”.
15. Certain points and clauses of Article 17 shall be amended as follows:
a) Point c Clause 1 shall be amended as follows:
“c) Confiscate any exhibit or means used for commission of administrative violation which is worth up to 1.000.000 dong;”;
b) Point d Clause 2 shall be amended as follows:
“d) Confiscate any exhibit or means used for commission of administrative violation which is worth up to 100.000.000 dong;”;
c) Point d Clause 4 shall be amended as follows:
“d) Confiscate any exhibit or means used for commission of administrative violation which is worth up to 350.000.000 dong;”.
16. Certain points and clauses of Article 18 shall be amended as follows:
a) Clause 1 shall be amended as follows:
“1. Heads of market management teams, heads of market management division affiliated to Market Management Department of Vietnam may:
a) Impose warning;
b) Fine up to VND 25.000.000;
c) Confiscate material evidence or means used in the commission of administrative violations which is worth up to VND 50.000.000;
d) Apply remedies specified at Points a, b, d, dd, e, g and h Clause 3 Article 3 of this Decree.”;
b) Clause 2 shall be amended as follows:
“2. Directors of the Market Surveillance Operation Departments and Directors of the Market Surveillance Departments at the provincial level affiliated to the Vietnam Directorate of Market Surveillance of Vietnam shall be vested with the following powers:
a) Impose warning;
b) Fine up to VND 50.000.000;
c) Deprive of the right to use practice permits or certificates for a definite period or suspend the business in infringing goods or services for a definite period;
d) Confiscate material evidence or means used in the commission of administrative violations;
dd) Apply remedies specified at Clause 3 Article 3 of this Decree.”;
c) The first paragraph of clause 3 shall be amended as follows:
“3. General Director of the Vietnam Directorate of Market Surveillance of Vietnam shall be accorded the following powers:”.
17. Certain points and clauses of Article 19 shall be amended as follows:
a) The first paragraph of clause 1 shall be amended as follows:
“1. Heads, leaders of Sub-departments of Customs; Leaders of Control Teams affiliated to Departments of Customs of provinces, inter-provinces, central-affiliated cities; Heads of Post-Customs Clearance Inspection Sub-Departments may:”;
b) Clause 2 shall be amended as follows:
“2. Directors of Sub-departments of Customs, Sub-departments of Post-clearance Inspection, team leaders of provincial Customs Departments, criminal investigation team leaders, smuggling prevention team leaders, leaders of customs control teams at sea and leaders of counterfeit smuggling control teams and leaders of intellectual property right protection teams affiliated to Anti-Smuggling and Investigation Department of Vietnam; Heads of Post-Customs Clearance Inspection Sub-Departments affiliated to Post-Customs Clearance Inspection Department of Vietnam may:
a) Impose warning;
b) Fine up to VND 25.000.000;
c) Confiscate material evidence or means used in the commission of administrative violations which is worth up to VND 50.000.000;
d) Apply remedies specified at Points a, b, c, d, dd, g and h Clause 3 Article 3 of this Decree.”;
c) Point d Clause 3 shall be amended as follows:
“d) Seize any exhibit or means used in commission of administrative violation;”.
18. Certain points and clauses of Article 20 shall be amended as follows:
a) Clause 1 shall be amended as follows:
“1. Heads of border-gate and processing and exporting zone police stations may:
a) Impose warning;
b) Fine up to VND 2.500.000;
c) Confiscate material evidence or means used in the commission of administrative violations which is worth up to VND 5.000.000;
d) Apply remedies specified at Point d Clause 3 Article 3 of this Decree.”;
b) Clause 2 shall be amended as follows:
“2. District-level police chiefs, heads of police sections for investigation of crimes related to corruption, economics, smuggling affiliated to provincial police department may:
a) Impose warning;
b) Fine up to VND 25.000.000;
c) Deprive of the right to use practice permits or certificates for a definite period or suspend the business in infringing goods or services for a definite period;
d) Confiscate any exhibit or means used for commission of administrative violation which is worth up to 50.000.000 dong;
dd) Apply remedies specified at Points b, d, dd, and g Clause 3 Article 3 of this Decree.”;
c) Point d Clause 3 shall be amended as follows:
“d) Seize any exhibit or means used in commission of administrative violation;”;
d) The first paragraph of clause 4 shall be amended as follows:
“4. Directors of the Police Departments for Investigation of Crimes related to corruption, economics, smuggling may:”.
19. Point d Clause 1 Article 21 shall be amended as follows:
“d) Seize any exhibit or means used in commission of administrative violation;”.
20. Article 21a shall be added to Article 21 as follows:
“Article 21a. Power to make an administrative offense report
Persons authorized to make an administrative offense report in industrial property include:
1. Persons authorized to impose administrative penalties in industrial property shall be regulated in Article 16 through Article 21 of this Decree;
2. Persons in police forces, officials and public employees in the agencies from Article 16 through 21 of this Decree who are on duty.”.
21. Clause 2 Article 27 shall be amended as follows:
“2. During the settlement of the case, if the holder of industrial property rights proposes a handling measure or the parties to the case reach an agreement on a handling measure in compliance with the law on intellectual property which does not affect the rights and interests of a third party, consumers and the society, the agency competent to handle the violation shall recognize such handling measure and terminate the handling of the case.”.
22. Point b Clause 2 Article 28 shall be amended as follows:
“b) Lack of grounds to identify the violation after having accepted the written request for handling of the violation;”.
23. Article 31 shall be amended as follows:
a) The first paragraph of clause 31 shall be amended as follows:
“Article 31. Execution of administrative sanctioning decisions, execution of remedial measures and enforcement of administrative sanctioning decisions”;
b) Clause 1 shall be amended as follows:
“1. Execution of administrative sanctioning decisions, execution of remedial measures and enforcement of administrative sanctioning decisions prescribed in this Decree shall comply with Law on Handling of Administrative Violations and guiding documents.”;
c) Clause 2 shall be amended as follows:
“2. For decisions which apply remedial measure of Compulsory change or removal of infringing elements from enterprise name, infringing organizations and individuals shall conduct procedures for changing enterprise name, removing infringing elements from enterprise name at business registration agencies within 60 days after the effective day of decisions on sanctioning administrative violations.
After the time limit mentioned above, if infringing organizations and individuals fail to carry out procedures for changing enterprise name, removing infringing elements from enterprise name, agencies issuing decisions on sanctioning administrative violations shall request the business register agencies to withdraw certificate of business register.
The business register agencies shall withdraw certificates of business register as prescribed by law.
The holder of industrial property rights shall provide adequate documents as required and cooperate with competent authorities during the handling of the infringing enterprise name.”;
d) Clause 3 shall be amended as follows:
“3. For decisions on sanctioning administrative violations which apply remedial measure of Compulsory change of information about domain names or return of domain names, organizations and individuals shall conduct procedures for changing information of domain names or returning domain names at agencies managing domain names, within 30 days after the effective day of decisions on sanctioning administrative violations.
After the time limit mentioned above, if infringing organizations and individuals fail to carry out procedures for changing information about domain names, or returning domain names, agencies issuing decisions on sanctioning administrative violations shall request the agencies managing domain names to revoke such domain names.
The agency which manages the domain name shall revoke the domain name at the request of the agency that makes the administrative sanctioning decision as prescribed by law.
The domain name registrar shall send a notice of domain name revocation to the domain name user, revoke the domain name and send a report to the agency that manages the domain name upon completion of the revocation.”;
24. Certain points and clauses of Article 32 shall be amended as follows:
a) The first paragraph of clause 32 shall be amended as follows:
“Article 32. Modification, rectification, cancellation of administrative sanctioning decisions or issuance of new sanctioning decisions”
b) Clause 1 shall be amended as follows:
“1. In case a decision on the settlement of a dispute on industrial property is issued by a competent agency within 90 days from the date of issuance of an administrative sanctioning decision, leading to a change in grounds and contents of the administrative sanctioning decision, a person with sanctioning competence shall issue a decision to modify or cancel partially or wholly the validity of the issued administrative sanctioning decision or issue a new sanctioning decision to make it consistent with the dispute settlement decision.”;
c) Points a, b Clause 2 shall be amended as follows:
“a) Requesting the State Treasury that has collected the fine to refund partially or wholly the fine amount remitted under the decision on modification, cancellation of the sanctioning decision or issuance of new sanctioning decision at the request of the organization or individual that has paid the fine. The request for fine refund may be accepted within 90 days after the date of issuance of the decision on modification, cancellation of the sanctioning decision or issuance of new sanctioning decision;
b) Returning the goods, article or means of business which has been seized or confiscated but not yet handled. In case such goods, article or means of business has been handled, the organization or individual that has requested the violation handling shall pay a compensation to the handled organization or individual according to the commitment realized upon requesting the violation handling, if any.”;
d) Clause 3 shall be amended as follows:
“3. Except as provided in clause 1 of this Article, the modification, rectification, cancellation of sanctioning decision or issuance of new sanctioning decision in other cases shall comply with the law on handling of administrative violations.”.
Article 2. Amendments to Decree No. 119/2017/ND-CP dated November 1, 2017 of the Government on penalties for administrative violations against regulations on standards, measurement and quality of goods
1. Clause 2 Article 1 shall be amended as follows:
“2. Other administrative violations against regulations on standards, measurement and quality of goods not specified herein shall apply regulations stated in other Government's decrees on penalties for administrative violations against regulations on state management.”.
2. Point a Clause 2 Article 2 shall be amended as follows:
“a) Suspension of the certificate of conformity assessment registration (certificate of certification/testing/assessment/inspection registration); decision on appointment of conformity assessment body (certification/testing/assessment/inspection); certificate of registration of providing inspection/calibration/testing of measuring instrument/measurement standard services; decision on appointment of measurement standard for inspection/calibration of measuring instruments; decision on appointment of conformity assessment organization; decision on approval for measuring instrument samples; certificate of eligibility for use of quantity marking on pre-packaged goods labels; certificate of identification number and/or barcode use rights; certificate of accreditation registration; certificate of registration of award consideration, certificate of transportation of dangerous goods; certificate of petrol and oil/gas preparation registration; certificate of eligibility for business for 1 – 12 months.”.
3. Points b, dd clause 3 Article 2 shall be amended and point d1 Clause 3 shall be added to Article 2 as follows:
a) Point b shall be amended as follows:
‘b) Compulsory bringing out of the Socialist Republic of Vietnam or compulsory re-export of infringing goods, objects, equipment and means.”;
b) Point d1 shall be added to point d as follows:
“d1) Enforced inspection of measurement instruments; compulsory presentation of units of measurement instruments; compulsory restoration of original state of measurement instruments; compulsory repacking of pre-packed goods; compulsory statement of quantity of pre-packed goods, compulsory representation of measurement units of pre-packed goods;”;
c) Point dd shall be amended as follows:
“dd) Compulsory remittance of illicit earnings from the commission of administrative violations if such illicit earnings are justifiably determined or Compulsory remittance of an amount equal to value of material evidence or means of administrative violation which have been sold, dispersed or destroyed in contrary to provisions of law.”.
4. Article 2a shall be added to Article 2 as follows:
“Article 2a. Execution of sanctioning decisions, execution of remedial measures and enforcement of sanctioning decisions:
Execution of administrative sanctioning decisions, execution of remedial measures and enforcement of administrative sanctioning decisions prescribed in this Decree shall comply with Law on Handling of Administrative Violations of Vietnam and guiding documents.”.
5. Point d Clause 3 Article 3 shall be amended as follows:
“d) Public service providers and other organizations as per the law.”.
6. Article 5 shall be amended as follows:
“Article 5. Violations against regulations on production, import, sale and use of reference substances or measurement standards
1. A fine of between VND 5.000.000 and 10.000.000 for production, import, sale and use of reference substances or measurement standards that do not show statutory measurement units.
2. A fine of between VND 10.000.000 and 20.000.000 for any of the following acts:
a) Failure to calibrate or compare measurement standards to national standards or measurement standards having higher accuracy before being put into use;
b) Failure to carry out tests or comparison of reference substances before putting them into use.
3. A fine of between VND 20.000.000 and 40.000.000 for production, import or sale of reference substances/measurement standards not satisfying technical measurement requirements declared by the entity or imposed by a competent measuring authority.
4. The following remedial measures for the violations specified in clause 1, clause 3 of this Article shall apply based on the following order of priority:
a) Compulsory bringing out of the Socialist Republic of Vietnam or enforced revocation of and enforced re-export of reference substances/measurement standards;
b) Enforced revocation and change of intended use of reference substances/measurement standards;
c) Enforced destruction of reference substances/measurement standards that cause harm to human’s health, livestock, plants, fishery and environment.”.
7. Clause 1 Article 6 shall be amended as follows:
“1. A fine of between VND 5.000.000 and 10.000.000 for non-specification of statutory measurement units.”.
8. Point c Clause 3 Article 6 shall be added as follows:
“c) Production of group 1 measuring instruments not satisfying technical measurement requirements declared by the entity,”.
9. Clause 6 Article 6 shall be amended as follows:
“6. Remedial measures:
a) Compulsory specification of statutory measurement units before being put into use as to the violation specified in clause 1 of this Article;
b) Compulsory inspection, calibration of group 1 measuring instruments before being put into use as to the violation specified in clause 2 of this Article;
c) As for the violations specified in points a and c clause 3, clause 4 of this Article, the remedial measures shall apply in the following order of priority: Enforced confiscation of sold measuring instruments; enforced revocation and change of intended use of measurement instruments; enforced revocation of measuring instruments that cause harm to human’s health, livestock, plants, fishery and environment.”.
10. Clause 1 Article 7 shall be amended as follows:
“1. A fine of between VND 5.000.000 and 10.000.000 for import of group 2 measuring instruments without specification of statutory measurement units.”.
11. Point c Clause 3 Article 7 shall be amended as follows:
“c) Import of group 1 measuring instruments not satisfying technical measurement requirements declared by the entity;”.
12. Clause 6 Article 7 shall be amended as follows:
“6. Remedial measures:
a) Enforced suspension of the decision on approval for measuring instrument samples in case of the violation specified in Point b Clause 3 this Article;
b) As for the violations as prescribed in clause 1, point c clause 3, clause 4 of this Article, apply remedial measures in the following order of priority: compulsory bringing out of the Socialist Republic of Vietnam or enforced revocation of and enforced re-export of measurement instruments; enforced revocation and change of intended use of measurement instruments; enforced revocation of measuring instruments that cause harm to human’s health, livestock, plants, fishery and environment.”.
13. Clause 5 of Article 8 shall be amended as follows:
“5. Remedial measures:
a) Enforced inspection and calibration of the group 2 measuring instrument repaired before being put into use for violations specified in Clause 2 of this Article;
b) Enforced restoration of the original condition of the measuring instruments; in case of failure to restore, the means of measurement shall be forcibly destroyed for violations specified in Clauses 1, 3 and 4 of this Article;
c) Enforced transfer of the illegal profit earned from committing the violation specified in Clause 4 of this Article to state budget.”.
14. Clause 1 of Article 9 shall be amended as follows:
A fine of between VND 2.000.000 and 4.000.000 for non-specification of statutory measurement units on group 2 measuring instruments.”.
15. Clause 2 of Article 9 shall be amended as follows:
“2. A fine of between VND 5.000.000 and 10.000.000 for any of the following acts:
a) Sale of group 2 measuring instruments whose samples have not been approved;
b) Sale of group 2 measuring instruments whose samples are not satisfactory to those approved by a competent authority;
c) Sale of group 1 measuring instruments not satisfying technical measurement requirements declared by the seller.”.
16. Clause 3 of Article 9 shall be amended as follows:
“3. Remedial measures:
a) Enforced revocation of measurement instruments in circulation for the violations in clause 1 hereof;
b) As for the violations as prescribed in points a, b and c clause 2 of this Article, apply remedial measures in the following order of priority: enforced revocation and change of intended use of measurement instruments; enforced revocation of measuring instruments that cause harm to human’s health, livestock, plants, fishery and environment;
c) Enforced transfer of the illegal profit earned from committing the violation specified in point b clause 1, points b and c clause 2 of this Article to state budget.”.
17. Point b clause 6 Article 10 shall be amended as follows:
“b) Operation of the inspecting authority shall be suspended for 1 - 3 months in case of the violations specified in clause 4 of this Article.”.
18. Clause 7 of Article 10 shall be amended as follows:
“7. Remedial measures:
a) Enforced re-inspection of measuring instruments before being put into use for violations specified in points a, b and c Clause 1, Clause 2 of this Article;
b) Enforced transfer of the illegal profit earned from committing the violation specified in clause 3, points b and c clause 4 of this Article to state budget.”.
19. Points a and c clause 6 Article 11 shall be amended as follows:
“a) Operation of the inspector shall be suspended for 1 - 3 months in case of the violations specified in Points a, c and d Clause 1, Clause 5 of this Article;”.
“c) Operation of the inspecting authority shall be suspended for 1 - 3 months in case of the violations specified in Clauses 2, Clauses 3, 4 and 5 of this Article.”.
20. Clause 7 of Article 11 shall be amended as follows:
“7. Remedial measures:
a) Enforced revocation of the certificate of inspection in case of the violations specified in points c, d clause 1, points a, b clause 2, clauses 3, 4 and 5 of this Article;
b) Enforced transfer of the illegal profit earned from committing the violation specified in clause 2, 3, 4 and 5 of this Article to state budget.”.
21. Clause 2 of Article 14 shall be amended as follows:
“2. The fines for the violation against regulations on measurement process during sale and purchase of goods or provision of services that the quantity of such goods or services having errors exceeding the prescribed errors according to technical measurement requirements for measurement process declared by the entity or regulated by a competent authority for illegal profit:
a) A fine of from VND 5.000.000 to VND 10.000.000 if the illegal profit is not exceeding VND 10.000.000;
b) A fine of from VND 10.000.000 to VND 20.000.000 if the illegal profit is exceeding VND 10.000.000 but not exceeding VND 50.000.000;
c) A fine of from VND 20.000.000 to VND 40.000.000 if the illegal profit is exceeding VND 50.000.000 but not exceeding VND 100.000.000;
d) A fine of from VND 40.000.000 to VND 60.000.000 if the illegal profit is exceeding VND 100.000.000 but not exceeding VND 200.000.000;
dd) A fine equal to 1 - 2 times the illegal profit if it is exceeding VND 200.000.000 but not exceeding VND 300.000.000;
e) A fine equal to 2 - 3 times the illegal profit if it is exceeding VND 300.000.000 but not exceeding VND 400.000.000;
g) A fine equal to 3 - 4 times the illegal profit if it is exceeding VND 400.000.000 but not exceeding VND 500.000.000;
h) A fine equal to 4 - 5 times the illegal profit if it is exceeding VND 500.000.000.”.
22. Clause 2a shall be added to clause 2 Article 14 as follows:
“2a. Additional sanctions:
Confiscation of the amount of illicit profits obtained by committing violations specified in Clause 2 of this Article."
23. Point dd Clause 1 shall be added to Article 15 as follows:
"dd) The non-suitable number of units of prepackaged goods exceeds the regulations; ".
24. Clause 2 Article 15 shall be amended as follows:
“2. The fines for the violation against regulations on production or import of pre-packaged goods whose quantity has average value lower than that prescribed in technical measurement requirements declared by the product owner or regulated by a competent authority for illegal profit:
a) A fine of from VND 5.000.000 to VND 10.000.000 if the illegal profit is not exceeding VND 10.000.000;
b) A fine of from VND 10.000.000 to VND 20.000.000 if the illegal profit is exceeding VND 10.000.000 but not exceeding VND 50.000.000;
c) A fine of from VND 20.000.000 to VND 40.000.000 if the illegal profit is exceeding VND 50.000.000 but not exceeding VND 100.000.000;
d) A fine of from VND 40.000.000 to VND 60.000.000 if the illegal profit is exceeding VND 100.000.000 but not exceeding VND 200.000.000;
dd) A fine equal to 1 - 2 times the illegal profit if it is exceeding VND 200.000.000 but not exceeding VND 300.000.000;
e) A fine equal to 2 - 3 times the illegal profit if it is exceeding VND 300.000.000 but not exceeding VND 400.000.000;
g) A fine equal to 3 - 4 times the illegal profit if it is exceeding VND 400.000.000 but not exceeding VND 500.000.000;
h) A fine equal to 4 - 5 times the illegal profit if it is exceeding VND 500.000.000.”.
25. Clause 2a shall be added to clause 2 Article 15 as follows:
“2a. Additional sanctions:
Confiscation of the amount of illicit profits obtained by committing violations specified in Clause 2 of this Article."
26. Clause 3 Article 15 shall be amended as follows:
“3. Remedial measures:
a) Enforced specification of the quantity of pre-packed goods, forcing the expression of the measuring unit, enforced specification of the quantitative mark of prepackaged goods produced as prescribed before continuing to put into circulation for violations specified in Point a Clause 1 of this Article;
b) Enforced repackage of pre-packed goods manufactured as prescribed for violations specified in Point b Clause 1, Clause 2 of this Article;
c) Enforced export of pre-packed imported goods as prescribed for violations specified in Points a, b Clause 1, Clause 2 of this Article.”.
27. Point d shall be added to Clause 1 of Article 16 as follows:
"d) Sale of pre-packed goods with the number of units exceeding the regulations; ".
28. Clause 2 Article 16 shall be amended as follows:
“2. The fine for the violation against regulations on production or import of pre-packaged goods whose quantity has average value lower than that prescribed in technical measurement requirements declared by the product owner or regulated by a competent authority for illegal profit:
a) A fine of from VND 2.000.000 to VND 5.000.000 if the illegal profit is not exceeding VND 10.000.000;
b) A fine of from VND 5.000.000 to VND 10.000.000 if the illegal profit is exceeding VND 10.000.000 but not exceeding VND 50.000.000;
c) A fine of from VND 10.000.000 to VND 20.000.000 if the illegal profit is exceeding VND 50.000.000 but not exceeding VND 100.000.000;
d) A fine of from VND 20.000.000 to VND 40.000.000 if the illegal profit is exceeding VND 100.000.000 but not exceeding VND 200.000.000;
dd) A fine equal to 1 - 2 times the illegal profit if it is exceeding VND 200.000.000 but not exceeding VND 300.000.000;
e) A fine equal to 2 - 3 times the illegal profit if it is exceeding VND 300.000.000 but not exceeding VND 400.000.000;
g) A fine equal to 3 - 4 times the illegal profit if it is exceeding VND 400.000.000 but not exceeding VND 500.000.000;
h) A fine equal to 4 - 5 times the illegal profit if it is exceeding VND 500.000.000.”.
29. Clause 2a shall be added to clause 2 Article 16 as follows:
“2a. Additional sanctions:
Confiscation of the amount of illicit profits obtained by committing violations specified in Clause 2 of this Article."
30. Clause 3 Article 16 shall be amended as follows:
“3. Remedial measures:
Enforced revocation of pre-packed goods in circulation as prescribed for violations specified in Clause 1, Clause 2 of this Article.”.
31. Article 17 shall be amended as follows:
“Article 17. Violations against regulations on declaration of applicable standards except for violations in the field of food safety
1. A fine of from VND 10.000.000 to VND 20.000.000 shall be imposed for failure to make a declaration about applicable standards in production or import of goods.
2. The fines for the act of production or import of products, goods having quality not satisfying the corresponding technical regulations:
a) A fine of from VND 500.000 to VND 1.000.000 if the illegal goods are not exceeding VND 10.000.000;
b) A fine of from VND 1.000.000 to VND 2.000.000 if the illegal goods are exceeding VND 10.000.000 but not exceeding VND 20.000.000;
c) A fine of from VND 2.000.000 to VND 4.000.000 if the illegal goods are exceeding VND 20.000.000 but not exceeding VND 40.000.000;
d) A fine of from VND 4.000.000 to VND 8.000.000 if the illegal goods are exceeding VND 40.000.000 but not exceeding VND 80.000.000;
dd) A fine of from VND 8.000.000 to VND 15.000.000 if the illegal goods are exceeding VND 80.000.000 but not exceeding VND 150.000.000;
e) A fine of from VND 15.000.000 to VND 30.000.000 if the illegal goods are exceeding VND 150.000.000 but not exceeding VND 300.000.000;
g) A fine of from VND 30.000.000 to VND 100.000.000 if the illegal goods are exceeding VND 300.000.000.
3. A fine of from VND 20.000.000 to VND 40.000.000 if contents of declared standards are not satisfactory to corresponding technical regulations or regulations of a competent authority.
4. A fine equal to 1 – 2 times the total value of illegal goods consumed shall be imposed if the produced/imported goods have quality not reaching the declared standards.
5. A fine equal to 2 – 3 times the total value of illegal goods consumed shall be imposed if the declared standards of produced/imported goods are against corresponding technical regulations or regulations of the competent authority.
6. A fine of between VND 10.000.000 and 20.000.000 for any of the following acts:
a) Failure to fulfill requirements for declared management system standards;
b) Failure to develop, apply and maintain the quality management system;
c) Failure to apply management system standards but declare the application.
7. Remedial measures:
a) As for the violations specified in clauses 1, 2, 3, and 4 of this Article, the remedial measures shall apply in the following order of priority: compulsory bringing out of the Socialist Republic of Vietnam or enforced revocation of and enforced re-export of imports; enforced revocation and change of intended use of imports; enforced revocation of goods that cause harm to human’s health, livestock, plants, fishery and environment;
b) Enforced revision of declared standards and re-compliance with declaration of applicable standards in case of the violation specified in Clause 5 this Article;
c) Enforced correction of false or misunderstanding information through the mass media or enforced compliance with declared standards in case of the violation specified in Clause 5 of this Article.”.
32. Clause 2, 5 shall be amended; point e shall be added to clause 2 Article 18 as follows:
a) The first paragraph of clause 2 Article 18 shall be amended as follows:
“2. A fine of from VND 10.000.000 to VND 20.000.000 shall be imposed for any of the following violations:
b) Point e shall be added to Clause 2 Article 18 as follows:
"e) Failing to submit a certified true copy of certificate of quality or certificate of assessment to the inspecting agency within the prescribed time limit for imports and the legal document prescribes measures for management according to the results of certification and assessment of the certification authority or assessment authority that has been registered or acknowledged by regulations of law.”;
c) Clause 5 Article 18 is amended as follows:
“5. Remedial measures:
In case of commission of any of the violations in Clause 1, Point dd Clause 2, Point c Clause 3 and Clause 4 of this Article, the remedial measures shall apply in the following order of priority:
a) Compulsory bringing out of the Socialist Republic of Vietnam or enforced re-export of imports
b) Enforced revocation and recycling or change of intended use;
c) Enforced revocation of goods that cause harm to human’s health, livestock, plants, fishery and environment
33. Clause 1a shall be added to clause 1 Article 19; the first paragraph of clause 3, point e clause 3 and clause 6 Article 19 shall be amended; clause 3a shall be added to clause 3 Article 19 as follows:
a) Clause 1a shall be added to Clause 1 Article 19 as follows:
“1a. A fine of from VND 10.000.000 to VND 20.000.000 shall be imposed for the commission of one of the following violations:
a) Failing to submit the result of conformity self-assessment to the inspecting agency within the prescribed time limit for group 2 imports in case the national technical regulation prescribes measures for declaration of regulation conformity according to the result of conformity self-assessment of organizations and individuals;
b) Failing to submit a certified true copy of certificate of quality or certificate of assessment to the inspecting agency within the prescribed time limit for group 2 imports in case the national technical regulation prescribes measures for declaration of regulation conformity according to the result of certification and assessment of the certification authority or assessment authority that has been registered or acknowledged by regulations of law.”;
b) The first paragraph of clause 3 Article 19 shall be amended as follows:
“3. A fine of from VND 30.000.000 to VND 40.000.000 shall be imposed for the commission of one of the following violations in production of goods that are subject to declaration of regulation conformity according to regulations of the national technical regulation.
c) Point e Clause 3 Article 19 shall be amended as follows:
“e) Using banned additives, chemicals or antibiotics in production of goods, except for production or preparation for food;";
d) Clause 3a Article 19 shall be amended as follows:
“3a. A fine of from VND 50.000.000 to VND 100.000.000 shall be imposed for the commission of one of the following violations in production or import of goods that are subject to declaration of regulation conformity according to regulations of the national technical regulation:
a) Failing to assess the compliance of technical regulations with imported goods subject to one of the following measures: certification or assessment carried out by a certification authority or assessment authority that has been registered or acknowledged by regulations of law; self-assessment of compliance carried out by the importer;
b) Failing to carry out certification of regulation conformity in production or import of goods that are subject to certification of regulation conformity carried out by a certification authority or assessment authority that has been appointed according to regulations of the Law or using the expired certificate of regulation conformity or conformity marking;
dd) Clause 6 Article 19 shall be amended as follows:
“6. Remedial measures:
The following remedial measures for the violations specified in clauses 1,2,3,3a and 4 of this Article shall apply according to the following order of priority:
a) Compulsory bringing out of the Socialist Republic of Vietnam or enforced re-export of imports
b) Enforced revocation and recycling or change of intended use;
c) Enforced revocation of goods that cause harm to human’s health, livestock, plants, fishery and environment
34. Name of Article 20 shall be amended as follows:
“Article 20. Violations against regulations on quality of goods for sale, except for violations in in the field of food safety”.
35. Clause 6 Article 20 shall be amended as follows:
“6. A fine equal to 2 – 3 times the value of illegal goods consumed shall be imposed for commission of one of the following violations:
a) The goods are replaced, have ingredients or additives added or removed, impurities mixed or contain substances that reduce the quality of goods or fail to satisfy the declared standards.
b) The sold goods have quality not satisfying corresponding technical regulations or regulations of a competent authority;
c) The sold goods have not been carried out measures for management according to regulations of corresponding national technical regulations or have not been carried out certification of regulation conformity or assessment in conformity with technical regulation within the prescribed time limit for group 2 goods”.
36. Clause 7 Article 20 shall be amended as follows:
“7. A fine equal to 3– 5 times the value of illegal goods consumed shall be imposed if replacing, adding or removing ingredients or additives, mixing impurities or containing substances that affect safety of human, animals, fishery, property, plants and the environment; reduce the quality of goods or fail to satisfy corresponding technical regulations or regulations of the competent authority.
37. Clause 9 Article 20 shall be amended as follows:
“9. Remedial measures:
The following remedial measures for the violations specified in clauses 5,6 and 7 of this Article shall apply in the following order of priority:
a) Enforced revocation and change of intended use;
b) Enforced revocation of goods that cause harm to human’s health, livestock, plants, fishery and environment
38. Some Points, Clauses of Article 21 shall be amended as follows:
a) Points c, d Clause 3, Article 21 shall be added as follows:
“c) Carrying out assessment of conformity when the certificate of conformity assessment registration has expired.
d) Carrying out assessment of conformity beyond the registered scope;
b) The first paragraph of clause 2 Article 21 shall be amended as follows:
“2. A fine of from VND 50.000.000 to VND 100.000.000 shall be imposed for the commission of one of the following violations:
c) Point a Clause 2 Article 21 shall amended as follows:
“a) Carrying out assessment of conformity serving state management when the decision on appointment has expired;
d) Points d, dd Clause 4 Article 21 shall be added as follows:
“d) Carrying out assessment of conformity without registration thereof granted by a competent authority;
dd) Carrying out assessment of conformity serving state management without appointment;
d) The first paragraph of clause 3 Article 21 shall be amended as follows:
“3. A fine of from VND 100.000.000 to VND 150.000.000 shall be imposed for the commission of one of the following violations:
e) The first paragraph of clause 4 Article 21 shall be amended as follows:
“4. A fine of from VND 150.000.000 to VND 300.000.000 shall be imposed for commission of one of the following violations:
g) Clause 5 Article 21 shall be amended as follows:
“5. Additional penalties:
a) The certificate of conformity assessment registration shall be suspended for 3 – 6 months in case of the violations specified in Point b Clause 1, Points c, dd, e and g Clause 2 of this Article;
b) The certificate of conformity assessment registration shall be suspended for 6 – 9 months in case of the violations specified in Clause 3, Points a,b,c Clause 4 of this Article;
c) The decision on appointment for assessment of conformity shall be suspended for 6 – 12 months in case of the violations specified in Point b Clause 2, Points a,b, Clause 3 and Points a,b,c Clause 4 of this Article
d) The assessment of conformity shall be suspended for 1 – 3 months in case of the violations specified in Point a Clause 1 of this Article.”;
h) Clause 6 Article 21 shall be amended as follows:
“6. Remedial measures:
a) Enforced revocation of assessment results of conformity in case of the violations specified in Point a Clause 1, Points a, b, c, d, e and g Clause 2, Clauses 3 and 4 this Article;
b) Enforced return of benefits illegally obtained from the commission of the violation in Point b, Clause 1 or Points a,b,c,d,e and g Clause 2, Clauses 3 and 4 of this Article;”.
39. Some Points, Clauses of Article 23 shall be amended as follows:
a) Clause 1 shall be amended as follows:
“1. A fine ranging from VND 30.000.000 to VND 40.000.000 shall be imposed for failure to make regular or ad hoc reports at the request of a competent authority on accreditation results registered.
b) The first paragraph of clause 2 shall be amended as follows:
“2. A fine of from VND 50.000.000 to VND 100.000.000 shall be imposed for the commission of one of the following violations:
c) Point dd, e Clause 2 shall be amended as follows:
“dd) Carrying out accreditation when the certificate of accreditation registration has expired.
e) Carrying out accreditation beyond the registered scope;
d) The first paragraph of clause 3 shall be amended as follows:
“3. A fine of from VND 100.000.000 to VND 150.000.000 shall be imposed for the commission of one of the following violations:
dd) Point c Clause 4 shall be amended as follows:
“c) Carrying out accreditation without registration thereof granted by a competent authority;
e) The first paragraph of clause 4 shall be amended as follows:
A fine of from VND 150.000.000 to VND 300.000.000 shall be imposed for the commission of one of the following violations:
g) Clause 5 shall be amended as follows:
“5. Additional penalties:
a) The certificate of eligibility for accreditation shall be suspended for 3 – 6 months in case of the violations specified in Points a,b,c Clause 2 of this Article;
b) The certificate of eligibility for accreditation shall be suspended for 6 – 9 months in case of the violations specified in Points dd,e Clauses 2,3 of this Article;
c) The certificate of eligibility for accreditation shall be suspended for 9 – 12 months in case of the violations specified in Points a,b Clause 4 of this Article;
d) The accreditation shall be suspended for 01 - 03 months in case of commission of the violation specified in Clause 1 of this Article;
h) Clause 6 shall be amended as follows:
“6. Remedial measures:
a) Enforced revocation of the certificate of accreditation in case of the violations specified in Points a,b,dd,e Clause 2; Points b,c Clauses 3 and Clause 4 this Article;
b) Enforced return of benefits illegally obtained from the commission of the violation in Points a,b,dd,e clause 2; points b,c Clauses 3 and 4 of this Article;”.
40. Point d,dd Clause 2 Article 24 shall be amended as follows:
“d) Using false documents to register provision of inspection/calibration/testing of measuring instrument or measurement standard services or apply for provision thereof; register certification/ testing/ assessment/ inspection/ accreditation/ training/consulting/prize consideration or apply for certification/testing/assessment/inspection; apply for the certificate of measurement standards or certificate of measurement inspector; apply for the certificate of petrol and oil/gas preparation registration; register for state inspection of the quality of imports, certificate of eligibility for use of quantity marking on pre-packaged goods labels, license for transportation of dangerous goods or certificate of barcode use rights;
dd) Falsifying contents of the certificate of registration of providing inspection/calibration/testing of measuring instrument or measurement standard services; decision on appointment of inspection/calibration/testing of measuring instruments/measurement standards; certificate of certification/ testing/ assessment/ inspection/ accreditation/ training/ consulting/prize consideration registration; decision on appointment of certification/testing/assessment/inspection organization; decision on certification of measurement standards, decision on certification of, issue of card of measurement inspector; certificate of petrol and oil/gas preparation registration; registration of state inspection of the quality of imports, certificate of eligibility for use of quantity marking on pre-packaged goods labels; license for transportation of dangerous goods or certificate of barcode use rights.
41. Point c Clause 4 Article 24 shall be added as follows:
“c) Enforced return of the certificate of standard conformity; certificate of regulation conformity; conformity marking; quantity marking on pre-packaged goods; certificate of certification/ testing/assessment/inspection/accreditation, test/inspection/assessment results of quality; stamp, marking or certificate of inspection/calibration; certificate of registration of providing inspection/calibration/testing of measuring instrument or measurement standard services; decision on appointment of inspection/calibration/testing of measuring instruments/ measurement standards; certificate of certification/ testing/ assessment/ inspection/ accreditation/training/consulting/prize consideration registration; decision on appointment of certification/testing/assessment/inspection organization; decision on certification of measurement standards, decision on certification of, issue of card of measurement inspector; certificate of petrol and oil/gas preparation registration; certificate of eligibility for use of quantity marking on pre-packaged goods labels; license for transportation of dangerous goods or certificate of barcode use rights in case of the violation specified in Clause 2 this Article.
42. Some Clauses of Article 25 shall be amended as follows:
a) Clause 1 shall be amended as follows:
“1. A fine of from VND 30.000.000 to VND 40.000.000 shall be imposed for consideration in rewards for quality of goods not included in the registered rewards.
b) Clause 3 shall be amended as follows:
“3. A fine of from VND 70.000.000 to VND 100.000.000 shall be imposed for the commission of one of the following violations:
a) Considering rewards for quality of goods when registration thereof has not been granted by a competent authority;
b) Failing to failure to make reports on remedial measures for violations required by a competent authority.”;
c) Clause 4 shall be amended as follows:
“4. Additional penalties:
The certificate of registration of award consideration shall be suspended for 3 – 6 months in case of the violations specified in Clause 1, Points a, b and c Clause 2 this Article.”;
d) Clause 5 shall be amended as follows:
“5. Remedial measures:
a) Enforced revocation or removal of the decision on giving rewards; correction of false information on website in case of the violations specified in Clause 1, Points a, b and c Clause 2 and Clause 3 this Article;
b) Enforced return of benefits illegally obtained from the commission of the violation in Clause 1; Points a,b and c Clause 2 and Clauses 3 of this Article;”.
43. Clause Article 27 shall be amended as follows:
“Article 27. Violations against regulations on transportation of dangerous goods that are oxidizing agents, organic oxide compounds and corrosives
1. A fine of from VND 30.000.000 to VND 70.000.000 shall be imposed for the commission of one of the following violations:
a) Transportation of dangerous goods without a license granted by a competent authority;
b) Using the expired license for transportation of dangerous goods;
c) Transportation of dangerous goods not included in the license;
d) Failing to use materials used to make packages and containers of dangerous goods on the vehicles in accordance with regulations, declared standards, technical regulations of packages and containers corresponding to each type of substances, each group of dangerous goods under the licensing competence;
dd) A vehicle driver, storekeeper, escort or person loading and unloading goods in case of transportation of class 5, 7 or 8 - dangerous goods without certificate of completion of training course on transportation of dangerous goods according to regulations or with the expired certificate of completion of training course;
e) Failing to have escorts according to regulations in case of transportation of dangerous goods that require escorts;
g) Failing to have a declaration of dangerous goods sent by the hirer who hires transportation of dangerous goods (hereinafter referred to as “the hire”) to the carrier before loading the goods on the vehicle; failing to buy insurance for dangerous goods when transporting them on the railway according to regulations;
h) Carrier not displaying the dangerous logo of the type or group of dangerous goods that are being transported according to regulations; failing to fully comply with the notification of the hirer and regulations in the license for transport dangerous goods; failing to buy insurance in accordance with regulations of the Law in case of transportation on railways;
i) Vehicle driver not bringing documents on transportation of dangerous goods provided by the hirer according to regulations; failing to comply with regulations in the license for transport dangerous goods; failing to make records, report to the nearest People's Committees of communes and relevant agencies in order to promptly handling in case of detection of incidents that threaten the safety of people, vehicles, the environment and other goods or traffic accidents throughout transportation; failing to report to superior bodies and hirers for prompt handling in case of excess of capacity for handling;
k) Failing to take remedial measures for violations required by a competent authority.
2. Additional penalty:
The license for transportation of dangerous goods shall be suspended for 1 - 6 months in case of the violations specified in Points c, dd, e, h, i and k Clause 1 this Article.
44. Article 29 shall be amended as follows:
“Article 29. Violations against regulations on production and preparation of petrol and oil
1. A fine of from VND 40.000.000 to VND 60.000.000 shall be imposed for the commission of one of the following violations:
a) Production and preparation of petrol and oil without registration
b) Production or preparation of petrol and oil without a certificate granted by a competent authority;
c) Using the expired certificate of petrol and oil preparation registration;
d) Using uncommon additives and preparations to prepare petrol and oil without the consent of the competent authority;
dd) Production or preparation of petrol and oil at a location that is not the location for production or preparation according to the certificate of petrol and oil preparation registration
2. Additional penalties:
a) The certificate of petrol and oil preparation registration shall be suspended for 1 - 6 months in case of the violations specified in Point d Clause 1 this Article;
b) Exhibits used for administrative violation commission mentioned in points b and dd Clause 1 of this Article shall be confiscated;
45. Article 29a shall be added to Article 29 as follows:
“Article 29a. Violations against regulations on production and preparation of gas
1. A fine of from VND 10.000.000 to VND 20.000.000 shall be imposed for the commission of one of the following violations:
a) Production or preparation of gas without submission of the Self-Declaration of conformity with conditions for preparation according to regulations;
b) Failing to notify the competent authority of the standard of the additives used to prepare the gas according to regulations.
2. A fine of from VND 40.000.000 to VND 60.000.000 shall be imposed for the commission of one of the following violations:
a) Failing to have a laboratory to check the quality of gas or have a minimum one-year lease contract with a trader or organization with the laboratory that has registered in accordance with regulations of the Law, with a trader or organization that is fully capable for checking the criteria on the quality of gas according to declared standards and national technical regulations;
b) Production or preparation of gas at a location that is not the location for preparation according to the Self-Declaration of conformity with conditions for preparation sent to the competent management authority.
3. Additional penalties:
b) Exhibits used for administrative violation commission mentioned in points b Clause 1, point b Clause 2 of this Article shall be confiscated;
46. The first paragraph of Clause 1 Article 30 shall be amended as follows:
“1. A fine of from VND 500.000 to VND 1.000.000 shall be imposed for any of the following violations if the illegal goods are not exceeding VND 5.000.000, except for goods imported into Vietnam having the original labels with the contents that are illegible according to regulations of the Law without being remedied by the importers; goods imported into Vietnam having the original labels without auxiliary labels in case of customs clearance procedure.”.
47. Clause 3 Article 30 shall be amended as follows:
“3. Remedial measures:
a) Enforced recall of goods and labelling in accordance with regulations before circulation; enforced destruction of illegal labels; enforced destruction or change of intended use of goods having illegal labels if it is impossible to remove the illegal labels from the goods in case of violations specified in Clauses 1 and 2 of this Article;
b) Enforce remittance of an amount equal to value of material evidence or means of administrative violation which have been sold, dispersed or destroyed in contrary to regulations of law in case of violations specified in this Article.
48. Clause 1 Article 31 shall be amended as follows:
“1. A fine of from VND 500.000 to VND 1.000.000 shall be imposed for any of the following violations if the illegal goods are not exceeding VND 5.000.000, except for goods imported into Vietnam having the original labels with the contents that are illegible according to regulations of the Law without being remedied by the importers; goods imported into Vietnam having the original labels without auxiliary labels in case of carrying out the customs clearance procedure:
a) Produce, import, transport, store and trade in goods that have labels (including stamps or auxiliary labels) or enclosed documents without specifying compulsory contents on the goods labels in accordance with regulations of law on goods labeling;
b) Import, transport, store and trade in goods that have original labels in a foreign language without auxiliary labels in Vietnamese.
49. Clause 2 Article 31 shall be amended as follows:
"2. The fines for the violation specified in Clause 1 this Article if the illegal goods are exceeding VND 3.000.000:
a) A fine of from VND 1.000.000 to VND 3.000.000 if the illegal goods are exceeding VND 5.000.000 but not exceeding VND 10.000.000;
b) A fine of from VND 3.000.000 to VND 7.000.000 if the illegal goods are exceeding VND 10.000.000 but not exceeding VND 20.000.000;
c) A fine of from VND 7.000.000 to VND 10.000.000 if the illegal goods are exceeding VND 20.000.000 but not exceeding VND 30.000.000;
d) A fine of from VND 10.000.000 to VND 15.000.000 if the illegal goods are exceeding VND 30.000.000 but not exceeding VND 50.000.000;
dd) A fine of from VND 15.000.000 to VND 20.000.000 if the illegal goods are exceeding VND 50.000.000 but not exceeding VND 70.000.000;
e) A fine of from VND 20.000.000 to VND 25.000.000 if the illegal goods are exceeding VND 70.000.000 but not exceeding VND 100.000.000;
g) A fine of from VND 25.000.000 to VND 30.000.000 if the illegal goods are exceeding VND 100.000.000;
h) A fine of twice as much as the fine prescribed in Points a, b, c, d, dd, e and g in this Clause shall be imposed for the following illegal goods: food, food additives, food processing aids, food preservatives and functional foods.”.50. The first paragraph of Clause 3 Article 31 shall be amended as follows:
"3. The fines for trade in goods whose labels display images, drawings, writings, signs, symbols, medals, prizes and other information that are not true to nature or fact of such goods; labels displaying images or contents related to the sovereignty disputes and other sensitive contents that may affect security, politics, economy, society, diplomatic relations and Vietnamese custom; trade in labeled goods including original labels or auxiliary ones of imported goods that are falsified; trade in goods having fraudulent use duration on goods labels; or trade in expired goods, except for imports that have not been cleared.“.
51. Point n Clause 3 Article 31 shall be amended as follows:
“n) A fine of twice as much as the fine prescribed in Points a, b, c, d, dd, e and g in this Clause shall be imposed for the following illegal goods: food, food additives, food processing aids, food preservatives, preventive and curative medicines for humans, functional foods and cosmetics; detergents, insecticides, disinfectant used in household and medical , veterinary drugs, fertilizers, cement, feedstuff, aquatic feed, treatment products for aquaculture environment, pesticides, growth promoters, crop varieties and breeds of livestock, aquatic breeds and conditional goods.
52. Clause 4 Article 31 shall be amended as follows:
“4. The fines for trading in goods without compulsory labels; without original labels or with original labels not specifying compulsory contents on the goods or with falsified original labels:
a) A fine of from VND 1.000.000 to VND 3.000.000 if the illegal goods are not exceeding VND 5.000.000;
b) A fine of from VND 3.000.000 to VND 5.000.000 if the illegal goods are exceeding VND 5.000.000 but not exceeding VND 10.000.000;
c) A fine of from VND 5.000.000 to VND 10.000.000 if the illegal goods are exceeding VND 10.000.000 but not exceeding VND 20.000.000;
d) A fine of from VND 10.000.000 to VND 15.000.000 if the illegal goods are exceeding VND 20.000.000 but not exceeding VND 30.000.000;
dd) A fine of from VND 15.000.000 to VND 25.000.000 if the illegal goods are exceeding VND 30.000.000 but not exceeding VND 50.000.000;
e) A fine of from VND 25.000.000 to VND 35.000.000 if the illegal goods are exceeding VND 50.000.000 but not exceeding VND 70.000.000;
g) A fine of from VND 35.000.000 to VND 50.000.000 if the illegal goods are exceeding VND 70.000.000 but not exceeding VND 100.000.000;
h) A fine of from VND 50.000.000 to VND 60.000.000 if the illegal goods are exceeding VND 100.000.000;
i) A fine of twice as much as the fine prescribed in Points a, b, c, d, dd, e, g and h in this Clause shall be imposed for the following illegal goods: food, food additives, food processing aids, food preservatives and functional foods.”.
53. Clause 7 Article 31 shall be amended as follows:
“7. Additional penalties:
a) Confiscate exhibits used for commission of administrative violation which are labels displaying images or contents related to the sovereignty disputes and other sensitive contents that may affect security, politics, economy, society, diplomatic relations and Vietnamese custom, for violations specified in Clause 3 of this Article;
b) The license or certificate to operate shall be suspended for 1 - 3 months in case of the violations specified in this Clauses 3,4 of this Article.
54. Clause 8 Article 31 shall be amended as follows:
“8. Remedial measures:
a) As for the violations specified in clauses 1,2 and 4 of this Article, the remedial measures shall apply in the following order of priority: compulsory bringing out of the Socialist Republic of Vietnam or enforced re-export of imports; enforced recall of goods and labelling in accordance with regulations before circulation; enforced recall and destruction of illegal labels; enforced destruction or change of intended use of goods having illegal labels in case it is impossible to remove the illegal labels from the goods;
b) Enforced recall of goods and destruction of images, drawings, writings, signs, symbols, medals, prizes and other information that are not true to nature or fact of such goods; enforced recall and destruction of goods having fraudulent use duration on goods labels; or expired goods in case of commission of violations specified in Clause 3 of this Article;
c) Enforce remittance of an amount equal to value of material evidence or means of administrative violation which have been sold, dispersed or destroyed in contrary to regulations of law in case of violations specified in this Article.
55. Points b,e Clause 1 Article 32 shall be amended as follows:
“b) Using codes and barcodes in case of the expired certificate of barcode use rights;
e) Declaring information about codes and barcodes on the national identification number database not in line with real information about the trade item using the GTIN or location using the GLN; using trace codes, tags, stamps, labels or formats according to an appropriate method to provide information on the original of products and goods without data or with data having the contents and data in contrary to regulations; attaching tags, stamps, labels or formats according to an appropriate method to provide information about the original of products and goods without declaring or updating information in accordance with regulations on the forms, contents of tags, stamps, labels or formats according to an appropriate method”.
56. Clause 1a shall be added to Clause 1 Article 32 as follows:
“1a. Failing to pay for the maintenance cost of using barcodes in accordance with regulations.
a) A fine equal to 1 to 3 times the amount of the maintenance cost of using barcode The maximum fine is VND 50.000.000.
b) Remedial measures:
Enforced payment for the maintenance cost of using barcodes in accordance with regulations.
57. Point a Clause 3 Article 32 shall be amended as follows:
“a) Use of foreign barcodes to print on produced/processed/packaged/extracted goods in Vietnam without permission given by the foreign organization possessing such barcodes to use in Vietnam
58. Points b,c Clause 4 Article 32 shall be amended as follows:
“b) Provide false information about the owner or user of legal GS1 barcodes that are granted by the competent state authority in Vietnam.
“c) Developing and providing services, solutions and applications based on barcodes of the competent state authority of Vietnam without permission.
59. Clause 6 Article 32 shall be amended as follows:
“6. Remedial measures:
a) Enforced recall of products, goods and destruction of illegal barcodes; enforced destruction of goods having illegal labels if it is impossible to remove the illegal barcodes from the products, goods in case of violations specified in Clauses 2 and 3 of this Article;
b) Enforced return of benefits illegally obtained from the commission of the violation in Clause 4 of this Article;”.
60. Point c Clause 1 Article 34 shall be amended as follows:
“c) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations, with value of not over VND 1.000.000 upon an individual, VND 2.000.000 upon an organization;”;
61. The first paragraph of Clause 2 Article 34 shall be amended as follows:
“2. Chief inspectors of provincial Departments of Science and Technology; Chiefs of inspectorates of provincial Departments of Science and Technology; Directors of Departments of Standards, Metrology and Quality of districts/cities; Directors of Central Departments of Management of Goods and Product Quality and Directors of Southern Departments of Management of Goods and Product Quality affiliated to Departments of Management of Goods and Product Quality; Chiefs of inspectorates of Departments of Standards, Metrology and Quality of districts/cities and Chiefs of inspectorates of the Directorate for Standards, Metrology and Quality shall have the power to:62. Point d Clause 2 Article 34 shall be amended as follows:
“d) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations, with value of not over VND 100.000.000 upon an individual, VND 200.000.000 upon an organization;”;
63. Point d Clause 3 Article 34 shall be amended as follows:
“d) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations in the metrology, with value of not over VND 140.000.000 upon an individual, VND 280.000.000 upon an organization; standards and quality of products and goods, with value of not over 210.000.000 upon an individual, VND 420.000.000 upon an organization;”
64. The first paragraph of Clause 3 Article 34 shall be amended as follows:
“3. Chief of inspectorate of the Ministry, Director of Department of Management of Goods and Product Quality affiliated to Directorate for Standards, Metrology and Quality according to their functions, powers and tasks that are assigned shall have the power to:
65. Point c Clause 1 Article 35 shall be amended as follows:
“c) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations, with value of not over VND 10.000.000 upon an individual, VND 20.000.000 upon an organization;”;
66. Point b Clause 2 Article 35 shall be amended as follows:
“b) Impose a fine of VND 50,000,000 upon an individual and VND 100,000,000 upon an organization in the metrology, a fine of VND 75.000.000 upon an individual and VND 150.000.000 upon an organization in the standards and quality of products and goods.
67. Point d Clause 2 Article 35 shall be amended as follows:
“d) Confiscate exhibits and/or means used for administrative violations;”.
68. The first paragraph of Clause 2 Article 36 shall be amended as follows:
“2. Heads of company-level Mobile Police Units, Captains of police stations of the police officers specified in Clause 1 this Article shall have the power to:
69. The first paragraph of Clause 3 Article 36 shall be amended as follows:
“3. Heads of Communal-level Police Authorities, Police Stations of Border Checkpoints and Export-Processing Zones, Chiefs of International Airport Border Gate Police, Commanders of Mobile Police Battalions, Squadron Leaders shall have the power to:
70. Point c Clause 3 Article 36 shall be amended as follows:
“c) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations, with value of not over VND 5.000.000 upon an individual, VND 10.000.000 upon an organization;”;
71. Clause 4 Article 36 shall be amended as follows:
“4. Heads of District-level Police Authorities, Managers of Specialized Departments of Traffic Police Departments and Heads of Provincial-level Police Departments, including Heads of Police Departments for Waterway Navigation, Heads of Traffic Police Departments, Heads of Police Departments for Investigation into Social Order-related Crimes, Heads of Police Departments for Administrative Management of Social Order, Heads of Police Departments for Investigation into Corruption, Economy and Smuggling-related Crimes, Heads of Environment Police Departments, Heads of Police Departments for Investigation into Drug-related Crimes, Heads of Road-Rail Traffic Divisions, Heads of Road Traffic Divisions, Heads of Internal Political Security Departments, Heads of Economic Security Departments shall have power to:
72. Point d Clause 4 Article 36 shall be amended as follows:
“d) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations, with value of not over VND 50.000.000 upon an individual, VND 100.000.000 upon an organization;”;
73. Point b Clause 5 Article 36 shall be amended as follows:
“b) Impose a fine of VND 50.000.000 upon an individual and VND 100.000.000 upon an organization in the metrology, a fine of VND 75.000.000 upon an individual and VND 150.000.000 upon an organization in the standards and quality of products and goods.
74. Point d Clause 5 Article 36 shall be amended as follows:
“d) Confiscate exhibits and/or means used for administrative violations;”.
75. The first paragraph of Clause 6 Article 36 shall be amended as follows:
"6. Director of Department of Cybersecurity and Hi-tech Crime Prevention and Control, Director of Police Department for Investigation into Social Order-related Crimes, Director of Police Department for Investigation into Corruption, Economy and Smuggling-related Crimes, Director of Police Department for Administrative Management of Social Order, Director of Police Department for Investigation into Drug-related Crimes, Director of Internal Political Security Department, Director of Economic Security Department, Director of Environment Police Department, Director of Police Traffic Department, Director of Immigration Department shall have the power to:
76. Point d Clause 6 Article 36 shall be amended as follows:
“d) Confiscate exhibits and/or means used for administrative violations;”.
77. The first paragraph of Clause 2 Article 37 shall be amended as follows:
“Team leaders and squad leaders of Sub-departments of Customs; squad leaders of Control Teams of Customs Departments of provinces and inter-provinces; team leaders of Post Clearance Audit Sub-Departments shall have the power to:
78. The first paragraph of Clause 3, Point c Clause 3 Article 37 shall be amended as follows:
“3. Directors of Sub-departments of Customs; Directors of Post Clearance Audit Sub-Departments; team leaders of Control Teams of Customs Departments of provinces and inter-provinces; team leaders of Criminal Investigation Teams; team leaders of Anti-smuggling Control Teams; Commanders of Sea Patrol Squadrons and Team leaders of Anti-smuggling, Counterfeit Product Control and Intellectual Property Teams affiliated to the Anti-Smuggling and Investigation Department; Directors of Post Clearance Audit Sub-Departments affiliated to Post Clearance Audit Department shall have the power to:
“c) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations, with value of not over VND 50.000.000 upon an individual, VND 100.000.000 upon an organization;”;
79. Point d Clause 4 Article 37 shall be amended as follows:
“d) Confiscate exhibits and/or means used for administrative violations;”.
80. Point c Clause 2 Article 38 shall be amended as follows:
“c) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations, with value of not over VND 50.000.000 upon an individual, VND 100.000.000 upon an organization;”;
81. The first paragraph of Clause 3 Article 38 shall be amended as follows:
"3. Director of Provincial Market Surveillance Department and Director of Market Surveillance Operations Department affiliated to Vietnam Directorate of Market shall have the power to:
82. Point c Clause 3 Article 38 shall be amended as follows:
“c) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations;
83. The first paragraph of Clause 4 Article 38 shall be amended as follows:
"4. Director General of Vietnam Directorate of Market Surveillance shall have the power to:
84. Clause 2a shall be added to Clause 2 Article 39 as follows:
“2a. Team leaders of Crime and Drug Prevention and Control Task Forces affiliated to Crime and Drug Prevention and Control Brigades shall have the power to:
a) Issue warnings;
b) Impose a maximum fine of VND 10.000.000 upon an individual and VND 20.000.000 upon an organization;
c) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations, with value of not over VND 20.000.000 upon an individual, VND 40.000.000 upon an organization;”;
d) Enforce remedial measures mentioned in Points a, g, h, i Clause 3 Article 2 of this Decree.
85. The first paragraph of Clause 3 Article 39 shall be amended as follows:
“3. Heads of Border-guard posts, Commanders of Border-guard Flotillas and Commanders of Port Border Guards shall have the power to:
86. Points c, d Clause 3 Article 39 shall be amended as follows:
“c) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations in the metrology, with value of not over VND 40.000.000 upon an individual, VND 80.000.000 upon an organization; the standards and quality of products and goods, with value of not over 210.000.000 upon an individual, VND 420.000.000 upon an organization;”
d) Enforce remedial measures mentioned in Points a, b, g, h and i Clause 3 Article 2 of this Decree.
87. Clause 3a shall be added to Clause 3 Article 39 as follows:
“3a. Commanders of Crime and Drug Prevention and Control Brigades affiliated to Crime and Drug Prevention and Control Department of Border Guard High Command shall have the power to:
a) Issue warnings;
b) Impose a fine of VND 50.000.000 upon an individual and VND 100.000.000 upon an organization in the metrology, a fine of VND 75.000.000 upon an individual and VND 150.000.000 upon an organization in the standards and quality of products and goods.
c) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations in the metrology, with value of not over VND 100.000.000 upon an individual, VND 200.000.000 upon an organization. Impose a fine of VND 150.000.000 upon an individual and VND 300.000.000 upon an organization in the standards and quality of products and goods;”
d) Enforce remedial measures mentioned in Points a, b, dd, g, h and i Clause 3 Article 2 of this Decree.
88. The first paragraph of Clause 4 Article 39 shall be amended as follows:
“4. Commanders of provincial-level Border Guard Forces, Commanders of Coastguard Squadrons, Director of Crime and Drug Prevention and Control Department of Border Guard High Command shall have the power to:
89. Point dd Clause 4 Article 39 shall be amended as follows:
“dd) Enforce remedial measures mentioned in Points a, b, dd, g, h and i Clause 3 Article 2 of this Decree.”
90. Point c Clause 4; the first paragraph and point c Clauses 5 and 6 Article 40 shall be amended as follows:
a) Point c Clause 4 shall be amended as follows:
“c) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations in the metrology, with value of not over VND 40.000.000 upon an individual, VND 80.000.000 upon an organization; the standards and quality of products and goods, with value of not over 50.000.000 upon an individual, VND 100.000.000 upon an organization;”
b) The first paragraph of Clause 5 shall be amended as follows:
“5. Commanders in chief of Coastguard Squadrons, Commanders of Reconnaissance Brigades, Commanders of Crime and Drug Prevention and Control Brigades affiliated to Vietnam Coast Guard shall have the power to:
c) Point c, Clause 5 shall be amended as follows:
“c) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations in the metrology, with value of not over VND 60.000.000 upon an individual, VND 120.000.000 upon an organization; the standards and quality of products and goods, with value of not over 90.000.000 upon an individual, VND 180.000.000 upon an organization;”
d) Clause 6 shall be amended as follows:
“6. Commanders of Regional Coast Guards, Director of Operation and Law Department affiliated to Vietnam Coast Guard shall have the power to:
a) Issue warnings;
b) Impose a fine of VND 50.000.000 upon an individual and VND 100.000.000 upon an organization in the metrology, a fine of VND 75.000.000 upon an individual and VND 150.000.000 upon an organization in the standards and quality of products and goods.
c) Suspend licenses/practicing certificates for fixed periods;
d) Confiscate exhibits and/or means used for administrative violations;
d) Enforce remedial measures mentioned in Points a, b, g, h and i Clause 3 Article 2 of this Decree.”.
91. Point c Clause 1 Article 41 shall be amended as follows:
“c) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations, with value of not over VND 1.000.000 upon an individual, VND 2.000.000 upon an organization;”;
92. The first paragraph of Clause 2 Article 41 shall be amended as follows:
“2. Chief Inspectors of Provincial Departments, Directors of Provincial Food Safety and Hygiene Authorities affiliated to Department of Health, Directors of Regional Animal Health Offices, Directors of Area Animal Quarantine Branches affiliated to Department of Animal Health, Directors of Regional Plant Quarantine Sub-Departments affiliated to Plant Protection Department, Directors of Agro-Forestry-Fisheries Quality Assurance Sub- Departments in Central and Southern Vietnam affiliated to National Agro-Forestry-Fisheries Quality Assurance Department, Directors of Provincial Crop Production and Plant Protection Authorities, Directors of Provincial Departments of Livestock Production and Veterinary Medicine, Directors of Provincial Departments of Fisheries, Directors of Agro-Forestry-Fisheries Quality Assurance Sub-Departments affiliated to Department of Agriculture and Rural Development, Directors of Regional Radio Frequency Centers shall have the power to:
93. Point d Clause 2 Article 41 shall be amended as follows:
“d) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations, with value of not over VND 100.000.000 upon an individual, VND 200.000.000 upon an organization;”.
94. Point d Clause 4 Article 41 shall be amended as follows:
“d) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations in the metrology, with value of not over VND 140.000.000 upon an individual, VND 280.000.000 upon an organization; the standards and quality of products and goods, with value of not over 210.000.000 upon an individual, VND 420.000.000 upon an organization;”
95. The first paragraph of Clause 5 Article 41 shall be amended as follows:
“5. Chief Inspectors of Ministries, ministerial authorities, Director General of Vietnam Administration of Forestry, Director General of Directorate of Fisheries , Director General of General Department of Geology and Minerals of Vietnam, Director General of Vietnam Environment Administration, Directors of Department of Work Safety, Vietnam Chemicals Agency, Industrial Safety Techniques and Environment Agency, Industry Agency, Viet Nam Competition and Consumer Authority, Department of Animal Health, Plant Protection Department, Department of Crop Production, Department of Livestock production, National Agro - Forestry - Fisheries Quality Assurance Department, Agrotrade Vietnam, Authority of Radio Frequency Management, Authority of Broadcasting and Electronic Information, Authority of Press, Department of Publication, Printing and Distribution of Viet Nam, Drug Administration of Vietnam, Department of Medical Service Administration, Health Environment Management Agency, General Department of Preventive Medicine and Vietnam Food Safety Authority shall have the power to:
96. Clause 1 Article 43 shall be amended as follows:
“1. Holders of the positions mentioned in Article 34, Article 35, Article 36, Article 37, Article 38, Article 39, Article 40 and Article 41 herein, persons in the People's Army of Vietnam and the People's Public Security Forces, officials and public employees in the performance of their duties when detecting administrative violations against regulations on standards, measurement and quality of goods shall have the power to make reports on such administrative violations according to regulations.
Article 3. Amendments to some articles of the Government’s Decree No 51/2019/ND-CP dated June 13, 2019 on prescribing administrative fines for violations arising from scientific and technological activities and technology transfer
1. Clause 11, 12 and 13 shall be added to Article 4 as follows:
“11. Enforced disclosure of science and technology tasks
12. Enforced making of performance review reports in accordance with regulations.
13. Enforced registration of change and amendments to certificates of registration of scientific and technological operations.”.
2. Clause 4a shall be added to Clause 4 as follows:
“Article 4a. Execution of administrative sanctioning decisions, execution of remedial measures and enforcement of administrative sanctioning decisions
Execution of administrative sanctioning decisions, execution of remedial measures and enforcement of administrative sanctioning decisions prescribed in this Decree shall comply with Law on Handling of Administrative Violations and guiding documents.’.
3. Some Clauses of Article 6 shall be amended as follows:
a) Clause 2 shall be amended as follows:
“2. A fine of from VND 2.000.000 to VND 4.000.000 shall be imposed for the commission of one of the following violations:
a) Failing to carry out or carry out disclosure of science and technology tasks performed by using state budget allocations assigned to competent regulatory authorities;
b) Failing to register achievements in scientific and technological tasks performed by using state budget allocations assigned to competent regulatory authorities.";
b) Clause 3 shall be added to Clause 2 as follows:
“3. Remedial measures:
Enforced disclosure of science and technology tasks in relation to the violations as specified in Point a, Clause 1 of this Article.".
4. Some Clauses of Article 8 shall be amended as follows:
a) Clause 1 shall be amended as follows:
“1. A fine ranging from VND 1.000.000 to VND 2.000.000 shall be imposed for failure to make performance review reports or make performance review reports as required by competent regulatory authorities.”;
b) Clause 10 shall be amended as follows:
“10. Remedial measures:
a) Enforced making of performance review reports in accordance with regulations in relation to the violations as specified in Clause 1 of this Article;
b) Enforced registration of change and amendments to certificates of registration of scientific and technological operations in relation to the violations specified in point b, Clause 3 of this Article.”.
c) Enforced revocation of dossiers and documents containing false information in relation to violations specified in Clause 7 of this Article.".
5. Some Clauses of Article 20 shall be amended as follows:
a) Clause 2 shall be amended as follows:
“A fine ranging from VND 10.000.000 to VND 20.000.000 shall be imposed for failure to repay subsidies from the State by due dates in accordance with regulations when the certificate of registration of technology transfer or the certificate of transfer of technology encouraged for transfer is revoked.
b) Point l Clause 4 shall be amended as follows:
“l) Investment incentives from being granted the certificate of transfer of technology encouraged for transfer.”.
6. Clause 2 Article 27 shall be amended as follows:
“2. Persons in the People's Public Security forces, officials and public employees working for entities specified in from Article 28 through Article 34 who are on duty.”.
7. Some Points, Clauses of Article 28 shall be amended as follows:
a) Point c Clause 1 shall be amended as follows:
“c) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations which is worth up to VND 1.000.000.”;
b) Point d Clause 2 shall be amended as follows:
“d) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations which is worth up to VND 50.000.000.”;
c) Point d Clause 4 shall be amended as follows:
“d) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations which is worth up to VND 70.000.000.”;
8. Some Points, Clauses of Article 29 shall be amended as follows:
a) Point c Clause 1 shall be amended as follows:
“c) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations which is worth up to VND 10.000.000.”;
b) Point d Clause 2 shall be amended as follows:
“d) Confiscate exhibits and/or means used for administrative violations;”.
9. Some Clauses of Article 30 shall be amended as follows:
a) The first paragraph of Clause 2 shall be amended as follows:
"2. Heads of Police Stations and Leaders of the soldiers mentioned in Clause 1 of this Article shall have the power to:
b) Clause 3 shall be amended as follows:
“3. Heads of Communal-level Police Authorities, Police Stations of Border Checkpoints and Export-Processing Zones, Chiefs of International Airport Border Gate Police, Squadron Leaders shall have the power to:
a) Issue warnings;
b) Impose a fine of up to VND 2.500.000;
c) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations which is worth up to VND 5.000.000.”;
b) Clause 4 shall be amended as follows:
“4. Heads of District-level Police Authorities, Managers of Specialized Departments of Internal Political Security Departments, Managers of Specialized Departments of Police Departments for Administrative Management of Social Order, Managers of Specialized Departments of Cybersecurity and Hi-tech Crime Prevention and Control Divisions and Heads of Provincial-level Police Departments, including Heads of Police Departments for Investigation into Corruption, Economy and Smuggling-related Crimes, Heads of Police Departments for Investigation into Social Order-related Crimes, Heads of Police Departments for Administrative Management of Social Order, Heads of Economic Security Departments, Heads of Internal Political Security Departments, Heads of Cybersecurity and Hi-tech Crime Prevention and Control Divisions and Chiefs of Environment Police Departments shall have power to:
a) Issue warnings;
b) Impose a fine of up to VND 10.000.000;
c) Deprive of the right to use the followings within the definite term: the certificate of registration of scientific and technological activities and the certificate of operation of representative office or branch;
d) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations which is worth up to VND 20.000.000.”;
c) Point d Clause 5 shall be amended as follows:
“d) Confiscate exhibits and/or means used for administrative violations;”.
10. Some Points, Clauses of Article 31 shall be amended as follows:
a) The first paragraph of Clause 2 shall be amended as follows:
“2. “Team leaders and squad leaders of Sub-departments of Customs; squad leaders of Control Teams of Customs Departments of provinces and inter-provinces; team leaders of Post Clearance Audit Sub-Departments shall have the power to:
b) Clause 3 shall be amended as follows:
"3. Directors of Sub-departments of Customs; Directors of Post Clearance Audit Sub-Departments; team leaders of Control Teams of Customs Departments of provinces and inter-provinces; team leaders of criminal Investigation teams; team leaders of Anti-smuggling Control Teams; Commanders of Sea Patrol Squadrons and Team leaders of Anti-smuggling, Counterfeit Product Control and Intellectual Property Teams affiliated to the Anti-Smuggling and Investigation Department; Directors of Post Clearance Audit Sub-Departments affiliated to Post Clearance Audit Department shall have the power to:
a) Issue warnings;
b) Impose a fine of up to VND 25.000.000;
c) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations which is worth up to VND 50.000.000.”;
d) Enforce remedial measures mentioned in Clause 8 Article 4 of this Decree.”;
c) Point c, Clause 4 shall be amended as follows:
“c) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations;
11. Some Points, Clauses of Article 32 shall be amended as follows:
a) Clause 1 shall be amended as follows:
“1. Team leaders of Market Surveillance Teams and Heads of Specialized Departments affiliated to Department of Market Surveillance Operations shall have the power to:
a) Issue warnings;
b) Impose a fine of up to VND 25.000.000;
c) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations which is worth up to VND 50.000.000.”;
b) Clause 2 shall be amended as follows:
"2. Director of Provincial Market Surveillance Department and Director of Market Surveillance Operations Department affiliated to Vietnam Directorate of Market shall have the power to:
a) Issue warnings;
b) Impose a fine of up to VND 50.000.000;
c) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations;
d) Deprive of the right to use the followings within the definite term: Certificate of fulfillment of requirements for provision of technology assessment and testing.”.
12. Point c Clause 1 Article 33 shall be amended as follows:
“c) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations;
13. Some Points, Clauses of Article 34 shall be amended as follows:
a) Point c Clause 1 shall be amended as follows:
“c) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations which is worth up to VND 1.000.000.”;
b) Point d Clause 2 shall be amended as follows:
“d) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations which is worth up to VND 50.000.000.”;
c) Point d Clause 4 shall be amended as follows:
“d) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations which is worth up to VND 70.000.000;”.
Article 4. Amendments to some articles of the Government’s Decree No 107/2013/ND-CP dated September 20, 2013 providing on sanctioning of administrative violations in atomic energy
1. Clause 3 Article 1 shall be amended as follows:
“3. Sanctioning of administrative violation that fails to provide correct information about nuclear accidents shall comply with regulations on penalties for administrative violations in journalistic and publishing activities
2. Article 1a shall be added to Article 1 as follows:
“Article 1a. Entities subject to administrative sanctions
1. Vietnamese organizations and individuals or foreign organizations and individuals committing administrative violations against regulations in this Decree within Vietnam’s territory.
2. Household businesses and households committing administrative violations specified in this Decree shall be sanctioned similar to individual offenders.
3. The entities that are subjects to administrative penalties according to this Decree include:
a) Business entities established under Law on Enterprises including: Sole proprietorships, joint-stock companies, limited liability companies and partnerships;
b) Business entities established under Cooperative Law including: Cooperatives and unions of cooperatives;
c) Other organizations established in accordance with law.
4. Entities subject to administrative sanctions being branches, representative offices, places of business of enterprises which have been determined in accordance with law on handling of administrative violations.”.
3. Clause 7 Article 2 shall be amended as follows:
“7. In case the administrative violations specified in Article 5, Article 6, Article 7, points a, c, d and dd Clause 2 Article 8, Article 10, Article 13, Article 15 of this Decree are committed many times, it shall be considered as aggravating circumstances.
“7. In case, other administrative violations specified in this Decree are committed many times, it shall be sanctioned for each violation.
4. Clause 12 shall be added to Clause 11 Article 3 as follows:
“12. Enforced recall of goods for destruction.".
5. Article 3a shall be added to Article 3 as follows:
“Article 3a. Execution of administrative sanctioning decisions, execution of remedial measures and enforcement of administrative sanctioning decisions
Execution of administrative sanctioning decisions, execution of remedial measures and enforcement of administrative sanctioning decisions prescribed in this Decree shall comply with Law on Handling of Administrative Violations and guiding documents.”.
6. Clause 2 Article 4 shall be amended as follows:
“2. The authority to impose sanctions against administrative violations of persons defined in Articles 43, 44, 45, 45a, 45b and 45c of this Decree is the authority applied to an administrative violation of individual. In case of fine, the authority to impose sanctions for organizations shall be more than twice of the authority to impose sanctions for individuals.
7. Some Points, Clauses of Article 6 shall be amended as follows:
a) Clause 1 shall be amended as follows:
“1. A fine of from VND 2.000.000 to VND 5.000.000 shall be imposed for the commission of one of the following violations:
a) Carrying out the radiation jobs when the licenses have been expired for no more than 30 working days;
b) Failing to carry out procedure for adjustment of the license for carrying out radiation jobs in accordance with regulations.”;
b) Name of clause 4 shall be amended as follows:
“4. A fine of from VND 5.000.000 to VND 10.000.000 shall be imposed for the commission of one of the following violations without licenses, in case of violations not to the extent of being examined for criminal liability:”;
c) Point e shall be added to Point dd Clause 4 as follows:
“e) Building the radiation facility,”;
d) Title of Clause 5 shall be amended as follows:
“5. A fine of from VND 10.000.000 to VND 20.000.000 shall be imposed for the commission of one of the following violations without licenses, in case of violations not to the extent of being examined for criminal liability:”;
dd) Title of Clause 6 shall be added as follows:
“6. A fine of from VND 20.000.000 to VND 35.000.000 shall be imposed for the commission of one of the following violations without licenses, in case of violations not to the extent of being examined for criminal liability:”;
e) Title of Clause 7 shall be added as follows:
“7. A fine of from VND 30.000.000 to VND 50.000.000 shall be imposed for the commission of one of the following violations without licenses, in case of violations not to the extent of being examined for criminal liability:”;
g) Title of Clause 8 shall be added as follows:
“8. A fine of from VND 40.000.000 to VND 70.000.000 shall be imposed for the commission of one of the following violations without licenses, in case of violations not to the extent of being examined for criminal liability:”;
8. Some Points of Clause 2 of Article 8 shall be amended as follows:
a) Point c shall be amended as follows:
“c) Failing to equip or adequately equip the personal dosimeters for radiological workers;”;
b) Point e shall be added to Point dd Clause 2 as follows:
“e) Failing to set the level of investigation according to regulations.’.
9. Point c Clause 1 Article 12 shall be amended as follows:
“c) Failing to periodically inspect radiotherapy equipment according to regulations.”.
10. Point c Clause 4 Article 13 shall be amended as follows:
“c) Failing to equip portable dose rate meters, fixed dose rate meters in conformity with the type of radiological jobs according to regulations.”.
11. Point a Clause 1 Article 19 shall be amended as follows:
“a) Failing to formulate, organize implementation or have decision on approval for plan to response radiation accidents at grassroots, except for violation specified in point b Clause 2 Article 17 of this Decree;
12. Point g Clause 2 Article 27 shall be amended as follows:
“g) Failing to appoint a person in charge of safety or decontamination; have staff trained in medical physics according to regulations;”.
13. Points c and dd Clause 2 Article 28 shall be amended as follows:
a) Point c Clause 2 shall be amended as follows:
“c) Failing to install locks for gates of the area for security control; failing to install locks for gates of rooms where radioactive sources are laid, source control rooms, security control rooms; failing to install locks for water treatment tanks to preserve radioactive sources in industrial irradiation;”;
b) Point dd Clause 2 shall be amended as follows:
“dd) Failing to have written permission of heads of facilities or the authorized persons, failing to have the minutes of handing over when transferring radioactive sources in internal scope of facilities; failing to have documents on regulations the responsibilities and powers of the security forces and of each organization and individual regarding assurance about the security of radioactive sources according to regulations;”.
14. Point d Clause 2 Article 29 shall be amended as follows:
“dd) Failing to have written permission of heads of facilities or the authorized persons, failing to have the minutes of handing over when transferring radioactive sources in internal scope of facilities; failing to have documents on regulations on the responsibilities and powers of each organization and individual regarding assurance about the security of radioactive sources according to regulations;”.
15. Point b Clause 2 Article 30 shall be amended as follows:
“b) Committing violations mentioned in Point d Clause 2 Article 29 of this Decree;”.
16. Point dd Clause 2 Article 31 shall be amended as follows:
“dd) Committing violations mentioned in Point d Clause 2 Article 29 of this Decree;”.
17. Some Points, Clauses of Article 32 shall be amended as follows:
a) Point e Clause 1 shall be amended as follows:
“e) Committing violations mentioned in Point d Clause 2 Article 29 of this Decree.”;
b) Point e shall be added to Point dd Clause 3 as follows:
“e) Failing to tally radioactive sources after every working shift or every month; failing to have documents on regulations on the responsibilities and powers of each organization and individual regarding assurance about the security of radioactive sources according to regulations.”;
c) Point c, Clause 5 shall be amended as follows:
“c) Committing violations mentioned in Point d Clause 2 Article 29 of this Decree.”;
18. Article 33 shall be amended as follows:
“Article 33. Violating the provisions on security of radioactive sources when using, storing radioactive sources at the security level D
A fine of from VND 3.000.000 to VND 6.000.000 shall be imposed for the commission of one of the following violations:
1. Failing to tally radioactive sources every three months, every week in case of maintenance, repair and suspension of production line for equipment using radioactive sources and installed on the production line.
2. Failing to have documents on regulations on the responsibilities and powers of each organization and individual regarding assurance about the security of radioactive sources according to regulations.”;
19. Clause 4 shall be added to Clause 3 Article 39 as follows:
“4. Remedial measures:
Enforced withdrawal of the provided service results in relation to violations specified in Clause 1 and Clause 2 of this Article.”.
20. Some Clauses of Article 40 shall be amended as follows:
a) Clause 2 shall be amended as follows:
“2. A fine of from VND 8.000.000 to VND 15.000.000 shall be imposed for organizations providing support service for the application of atomic energy with one of the following violations:
a) Providing support service for the application of atomic energy without sufficiency of person quantity possessing the practice certificates according to regulations;
b) Employing person not possessing a practice certificate of support service for the application of atomic energy to perform service activities that require the practicing certificate.”;
b) Clauses 3 and 4 shall be added to Clause 2 as follows:
“3. Additional penalties:
Depriving the right to use the registration license for providing support service for the application of atomic energy from 01 – 03 months in relation to violations specified in Point a Clause 2 of this Article;
4. Remedial measures:
Enforced withdrawal of the provided service results in relation to violations specified in Clause 1 and Point b Clause 2 of this Article.”.
21. Some Clauses of Article 41 shall be amended as follows:
a) Point dd shall be added to Point d Clause 2 as follows:
“dd) Failing to equip or adequately equip the personal dosimeters for radiological workers, equipment for protection; failing to assess personal dose at the prescribed frequency for workers performing services and directly working with radiation according to regulations.”;
b) Point dd shall be added to Point d Clause 3 as follows:
“dd) Failing to ensure maintenance of material - technical facilities according to the conditions for granting the registration license for providing support service for the application of atomic energy, except for violations that are sanctioned according to regulations of this Decree;” ;
c) Point e shall be added to Point dd Clause 3 as follows:
“e) Repeating one of violations specified in Points a, b, d and dd Clause 3 of this Article;
e) Clause 4 shall be amended as follows:
“4. Additional penalties:
Depriving the right to use the registration license for providing support service for the application of atomic energy from 06 – 12 months in relation to violations specified in Points c and e Clause 3 of this Article;
22. Some Points, Clauses of Article 43 shall be amended as follows:
a) Point c Clause 1 shall be amended as follows:
“c) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations, with value of not over VND 1.000.000;”;
b) Point d Clause 2 shall be amended as follows:
“d) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations, with value of not over VND 100.000.000;”;
c) Point d Clause 3 shall be amended as follows:
“d) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations, with value of not over VND 500.000.000;”;
23. Some Points of Clause 1 of Article 44 shall be amended as follows:
a) Point b Clause 1 shall be amended as follows:
“b) Impose a fine of up to VND 100.000.000;
b) Point d Clause 1 shall be amended as follows:
“d) Confiscate exhibits and/or means used for administrative violations;”.
24. Article 45 shall be amended as follows:
“Article 45. Power to impose penalties of the People’s Public Security:
1. On-duty soldiers of the People’s Police forces; Heads of Communal-level Police Authorities shall have the power to:
a) Issue warnings;
b) Impose fines of up to VND 500.000;
2. Heads of Communal-level Police Authorities shall have the power to:
a) Issue warnings;
b) Impose fines of up to VND 2.500.000;
c) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations, with value of not over VND 5.000.000;
d) Enforce remedial measures mentioned in Article 3 of this Decree
3. Heads of District-level Police Authorities, Managers of Specialized Departments of Immigration Departments, Managers of Specialized Departments of Police Departments for Administrative Management of Social Order, Managers of Specialized Departments of Cybersecurity and Hi-tech Crime Prevention and Control Divisions and Heads of Provincial-level Police Departments, including Heads of Police Departments for Investigation into Social Order-related Crimes, Heads of Police Departments for Administrative Management of Social Order, Heads of Economic Security Departments, Heads of Cybersecurity and Hi-tech Crime Prevention and Control Divisions and Chiefs of Environment Police Departments, Heads of Immigration Departments shall have power to:
a) Issue warnings;
b) Impose a fine of up to VND 25.000.000;
c) Suspend licenses/practicing certificates or suspend operations for fixed periods;
d) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations, with value of not over VND 50.000.000;
dd) Enforce remedial measures mentioned in Points 2,4 and 5 Article 3 of this Decree
4. Directors of provincial-level Public Security Departments shall have the power to:
a) Issue warnings;
b) Impose a fine of up to VND 100.000.000;
c) Suspend licenses/practicing certificates or suspend operations for fixed periods;
d) Confiscate exhibits and/or means used for administrative violations;
dd) Enforce remedial measures mentioned in Clauses 2, 3, 4, 5, 6, 7 and 8 Article 3 of this Decree
5. Director of Department of Cybersecurity and Hi-tech Crime Prevention and Control, Director of Police Department for Investigation into Social Order-related Crimes, Director of Police Department for Investigation into Corruption, Economy and Smuggling-related Crimes, Director of Police Department for Administrative Management of Social Order, Director of Internal Political Security Department, Director of Economic Security Department, Director of Environment Police Department shall have the power to:
a) Issue warnings;
b) Impose a fine of up to VND 1.000.000.000;
c) Suspend licenses/practicing certificates or suspend operations for fixed periods;
d) Confiscate exhibits and/or means used for administrative violations;
dd) Enforce remedial measures mentioned in Clauses 2, 3, 4, 5, 6, 7 and 8 Article 3 of this Decree.”.
25. Article 45a shall be added to Article 45 as follows:
“Article 45a. Power to impose administrative penalties of the Customs
1. Directors of Sub-departments of Customs; Directors of Post Clearance Audit Sub-Departments; team leaders of Control Teams of Customs Departments of provinces and inter-provinces; Team Leaders of Criminal Investigation Teams; Team Leaders of Anti-smuggling Control Teams; Commanders of Sea Patrol Squadrons and Team leaders of Anti-smuggling, Counterfeit Product Control and Intellectual Property Teams affiliated to the Anti-Smuggling and Investigation Department; Directors of Post Clearance Audit Sub-Departments affiliated to Post Clearance Audit Department shall have the power to:
a) Issue warnings;
b) Impose a fine of up to VND 25.000.000;
c) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations, with value of not over VND 50.000.000;
d) Enforce remedial measures mentioned in Clauses 2 and 4 Article 3 of this Decree.”;
2. Director of Smuggling Investigation and Prevention Department, Director of Post Clearance Audit Department affiliated to General Department of Customs, Directors of Customs Departments of provinces and inter-provinces shall have the power to:
a) Issue warnings;
b) Impose a fine of up to VND 50.000.000;
c) Suspend licenses/practicing certificates or suspend operations for fixed periods;
d) Confiscate exhibits and/or means used for administrative violations;
dd) Enforce remedial measures mentioned in Clauses 2 and 4 Article 3 of this Decree.
3. Director General of General Department of Vietnam Customs shall have power to:
a) Issue warnings;
b) Impose a fine of up to VND 1.000.000.000;
c) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations;
d) Enforce remedial measures mentioned in Clauses 2 and 4 Article 3 of this Decree.”;
26. Article 45b shall be added to Article 45a as follows:
“Article 45b. Power to impose penalties of Coast Guard forces
1. Commanders of Regional Coast Guards, Director of Operation and Law Department affiliated to Vietnam Coast Guard shall have the power to:
a) Issue warnings;
b) Impose a fine of up to VND 100.000.000;
c) Suspend licenses/practicing certificates for fixed periods;
d) Confiscate exhibits and/or means used for administrative violations;
dd) Enforce remedial measures mentioned in Clauses 2 and 4 Article 3 of this Decree.
2. Commanders of Vietnam Coast Guard shall have the power to:
a) Issue warnings;
b) Impose a fine of up to VND 1.000.000.000;
c) Suspend licenses/practicing certificates or suspend operations for fixed periods;
d) Confiscate exhibits and/or means used for administrative violations;
dd) Enforce remedial measures mentioned in Clauses 2 and 4 Article 3 of this Decree.
27. Article 45c shall be added to Article 45b as follows:
“Article 45c. Power to impose penalties of Border Guard forces:
1. Commanders of Crime and Drug Prevention and Control Brigades affiliated to Crime and Drug Prevention and Control Department of Border Guard High Command shall have the power to:
a) Issue warnings;
b) Impose a fine of up to VND 100.000.000;
c) Confiscate material evidences and/or means used for administrative violations, with value of not over VND 200.000.000;
d) Enforce remedial measures mentioned in Clauses 2 and 4 Article 3 of this Decree.”;
2. Commanders of Provincial-level Border Guard forces, Commanders of Coastguard Squadrons, Director of Crime and Drug Prevention and Control Department of Border Guard High Command shall have the power to:
a) Issue warnings;
b) Impose a fine of up to VND 1.000.000.000;
c) Suspend licenses/practicing certificates or suspend operations for fixed periods;
d) Confiscate exhibits and/or means used for administrative violations;
dd) Enforce remedial measures mentioned in Clauses 2 and 4 Article 3 of this Decree.
28. Article 45d shall be added to Article 45c as follows:
“Article 45d. Determination of power to impose penalties
1. Science and technology inspectors:
a) On-duty inspectors and persons assigned to carry out specialized inspections in Science and Technology shall have the power to impose penalties for the administrative violations in Clause 1 Article 5, Clause 1 Article 8, Clause 1 Article 13, Clause 1 Article 27 and Clause 1 Article 42 of this Decree;
b) Chief inspectors of Services of Science and Technology, Chief inspectors of the Department of Radiation Safety and Nuclear, Heads of specialized inspection delegations of Services of Science and Technology, Heads of specialized inspection delegations of the Departments of Radiation Safety and Nuclear shall have the power to impose penalties for the administrative violations in Article 5, Clauses 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 and 11 Article 6, Article 7, Article 8, Article 9, Article 10, Article 11, Article 12, Article 13, Clauses 1, 2, 3, 4, 5 and 6 Article 14, Article 15, Article 16, Article 17, Clauses 1, 2, 3, 4 and 6 Article 18, Articles 1, 2, 3, and 5 Article 19, Article 20, Article 21, Clauses 1 and 3 Article 22, Clauses 1, 2, 3 and 5 Article 23, Article 24, Article 27, Article 28, Article 29, Article 30, Article 31, Article 32, Article 33, Article 34, Clauses 1, 2 and 3 Article 35, Clause 1 Article 36, Clause 3 Article 37, Clause 1 Article 38, Article 39, Article 40, Article 41 and Article 42 of this Decree;
c) Heads of specialized delegations of the Ministry of Science and Technology shall have the power to impose penalties for the administrative violations in Article 5, Clauses 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 and 11 Article 6, Article 7, Article 8, Article 9, Article 10, Article 11, Article 12, Article 13, Article 14, Article 15, Article 16, Article 17, Article 18, Clauses 1, 2, 3 and 5 Article 19, Article 20, Article 21, Article 22, Article 23, Article 24, Article 25, Clause 1 Article 26, Article 27, Article 28, Article 29, Article 30, Article 31, Article 32, Article 33, Article 34, Clauses 1, 2 and 3 Article 35, Article 36, Clauses 1, 3 and 4 Article 37, Clause 1 Article 38, Article 39, Article 40, Article 41 and Article 42 of this Decree;
d) The Chief Inspector of Ministry of Science and Technology, Director of the Department of Radiation Safety and Nuclear shall have the power to impose penalties for the administrative violations in Chapter II of this Decree;
2. Power to impose penalties of the Presidents of the People’s Committees at all levels:
a) The Presidents of the People’s Committees of districts have the power to impose penalties for administrative violations in Point b, Clause 2 Article 5, Clauses 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 and 11 Article 6, Article 7, Article 9, Article 34 and Article 42 of this Decree;
b) Chairpersons of the People’s Committees of provinces shall have the power to impose penalties for administrative violations in Chapter II of this Decree.
3. Power to impose penalties of the People’s Public Security forces:
a) On-duty soldiers of the people’s police security forces shall have the power to impose penalties for administrative violations in Clause 1 Article 5, Clause 1 Article 8 and Clause 1 Article 42 of this Decree;
b) Heads of Communal-level Police Authorities shall have the power to impose penalties for administrative violations in Clauses 1 and 2 Article 5, Clause 1 Article 8, Clause 1 Article 20 and Clause 1 Article 42 of this Decree;
c) Heads of District-level Police Authorities, Managers of Specialized Departments of Immigration Departments, Managers of Specialized Departments of Police Departments for Administrative Management of Social Order, Managers of Specialized Departments of Cybersecurity and Hi-tech Crime Prevention and Control Divisions and Heads of Provincial-level Police Departments, including Heads of Police Departments for Investigation into Social Order-related Crimes, Heads of Police Departments for Administrative Management of Social Order, Heads of Economic Security Departments, Heads of Cybersecurity and Hi-tech Crime Prevention and Control Divisions and Chiefs of Environment Police Departments, Heads of Immigration Departments shall have power to impose penalties for administrative violations in Clauses 1 and 2 Article 5, Clauses 3, 4, 5 and 11 Article 6, Article 8, Article 9, Clauses 1, 2 and 3 Article 17, Clauses 1 and 6 Article 18, Clause 1 Article 19, Clauses 1 and 2 Articles 20, Article 30, Article 31, Article 32, Article 33, Clauses 1, 2, 3 and 4 Article 34 and Article 42 of this Decree;
d) Directors of provincial-level Public Security Departments shall have power to impose penalties for administrative violations in atomic energy specified in Article 5, Clauses 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 and 11 Article 6, Article 7, Article 8, Article 9, Article 17, Clauses 1, 2, 3 and 4 Article 18, Clauses 1, 2, 3 and 5 Article 19, Article 20, Article 21, Article 23, Article 28, Article 29, Article 30, Article 31, Article 32, Article 33, Article 34, Clauses 1, 2 and 3 Article 35, Clauses 1 and 2 Article 36, Clause 1 Article 38 and Article 42 of this Decree according to their competence, sector and management.
dd) Director of Department of Cybersecurity and Hi-tech Crime Prevention and Control, Director of Police Department for Investigation into Social Order-related Crimes, Director of Police Department for Investigation into Corruption, Economy and Smuggling-related Crimes, Director of Police Department for Administrative Management of Social Order, Director of Internal Political Security Department, Director of Economic Security Department, Director of Environment Police Department shall have the power to impose penalties for administrative violations in atomic energy specified in Article 5, Article 6, Article 7, Article 8, Article 9, Article 17, Article 18, Article 19, Article 20, Article 21, Article 23, Article 28, Article 29, Article 30, Article 31, Article 32, Article 33 , Article 34, Article 35, Article 36, Article 38 and Article 42 of this Decree according to their competence, sector and management.
4. Power to impose administrative penalties of the Customs
a) Directors of Sub-departments of Customs; Directors of Post Clearance Audit Sub-Departments; team leaders of Control Teams of Customs Departments of provinces and inter-provinces; team leaders of Criminal Investigation Teams; team leaders of Anti-smuggling Control Teams; Commanders of Sea Patrol Squadrons and Team leaders of Anti-smuggling, Counterfeit Product Control and Intellectual Property Teams affiliated to Anti-Smuggling and Investigation Department; Directors of Post Clearance Audit Sub-Departments affiliated to Post Clearance Audit Department shall have the power to impose penalties for administrative violations in atomic energy regarding Customs specified in Point c Clause 4 and Point a Clause 11 Article 6, Clauses 2 and 3 Article 9, Clause 1, Point a Clause 2, Clause 3 and Clause 6 Article 18 and Article 42 of this Decree according to their competence, sector and management.
b) Directors of Anti-Smuggling and Investigation Departments, Directors of Customs Departments of provinces and inter-provinces shall have the power to impose penalties for administrative violations in atomic energy regarding Customs specified in Point c Clause 4, Point a Clause 7 and Clause 11 Article 6, Clauses 2 and 3 Article 9, Clauses 1, 2, 3, 4 and 6 Article 18 and Article 42 of this Decree according to their competence, sector and management.
c) General Director of General Department of Vietnam Customs shall have the power to impose penalties for administrative violations in atomic energy regarding Customs specified in Point c Clause 4, Point a Clause 7 and Clause 11 Article 6, Clauses 2 and 3 Article 9, Clause 1, Point a Clause 2, Clause 3, Clause 4, Clause 5 and Clause 6 Article 18 and Article 42 of this Decree according to their competence, sector and management.
5. Power to impose penalties of Coast Guard forces
a) Commanders of Regional Coast Guards, Director of Operation and Law Department affiliated to Vietnam Coast Guard shall have the power to impose penalties for administrative violations in atomic energy occurring at sea areas under the sovereignty and jurisdiction of Vietnam and specified in Clauses 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 and 11 Article 6, Article 17, Clauses 1, 2, 3 and 4 Article 18, Article 34, Clauses 1, 2 and 3 Article 35, Clause 1 Article 38 and Article 42 of this Decree according to their competence, sector and management.
b) Commanders of Regional Coast Guards shall have the power to impose penalties for administrative violations in atomic energy occurring at sea areas under the sovereignty and jurisdiction of Vietnam and specified in Article 6, Article 17, Article 18, Article 34, Article 35, Article 38 and Article 42 of this Decree according to their competence, sector and management.
6. Power to impose penalties of Border Guard forces:
a) Commanders of Crime and Drug Prevention and Control Brigades affiliated to Crime and Drug Prevention and Control Department of Border Guard High Command shall have the power to impose penalties for administrative violations in atomic energy occurring at border areas, border gates and specified in Clauses 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 and 11 Article 6, Article 17, Clauses 1, 2, 3, 4 and 6 Article 18, Article 34, Clauses 1, 2 and 3 Article 35 , Clause 1 Article 38 and Article 42 of this Decree according to their competence, sector and management.
b) Commanders of provincial-level Border Guard forces; Commanders of Coastguard Squadrons, Director of Crime and Drug Prevention and Control Department of Border Guard High Command shall have the power to impose penalties for administrative violations in atomic energy occurring at border areas, border gates and specified in Article 6, Article 17, Article 18, Article 34, Article 35, Article 38 and Article 42 of this Decree according to their competence, sector and management.
29. Article 46 shall be amended as follows:
“Article 46. Power to make an administrative offense report
Persons authorized to make an administrative offense report in atomic energy include:
1. b) Persons authorized to impose administrative penalties in atomic energy shall be regulated in Article 43, Article 44, Article 45, Article 45a, Article 45b and Article 45c of this Decree
2. Persons in the People's Army of Vietnam, People's Public Security Forces of Vietnam, officials and public employees in the agencies in Vietnam in Articles 43, 44 and 45a of this Decree who are on duty.”.
Article 5. Annulment of some regulations of the Government’s Decree No. 99/2013/ND-CP dated August 29, 2013 on administrative penalties in industrial property, the Government’s Decree No. 119/2017/ND-CP dated November 01, 2017 on penalties for administrative violations against regulations on standards, measurement and quality of goods and the Government’s Decree No. 107/2013/ND-CP dated September 20, 2013 providing on sanctioning of administrative violations in atomic energy.
1. This Decree annuls Clause 3 Article 5; Point b Clause 1 Article 7; Point c Clause 2 Article 32 of Decree No. 99/2013/ND-CP.
2. This Decree annuls Point c, Clause 3, Article 3; Point g, Point h Clause 3, Clause 5 Article 19; Clause 3, Article 20; point a, point b clause 1 Article 21; Point b, Clause 3, Article 24; Article 28; Clause 5, Clause 6 Article 31; Points dd, g, Clause 1, Article 32 of Decree No. 119/2017/ND-CP.
3. This Decree annuls Clause 3, Article 2 and Point d, Clause 4, Article 6 of Decree No. 107/2013/ND-CP.
Article 6. Responsibilities for implementation
1. The Ministry of Science and Technology of Vietnam shall take charge and cooperate with relevant central and local authorities in implementation of this Decree.
2. The Ministers, heads of the ministerial-level agencies, heads of the governmental agencies, the Presidents of the People's Committees of provinces of Vietnam shall be responsible for the implementation of this Decree
1. This Decree comes into force from January 01, 2022
2. Transitional provisions:
a) With respect to any administrative violation in industrial property; standards, measurement and quality of goods; science and technology activities, technology transfers and atomic energy that occurs prior to the entry into force of this Decree, if it is detected or under consideration for actions and this Decree does not provide for legal liability or impose less serious legal liability, regulations of this Decree shall be applied.
b) If sanctioned persons or entities continue to appeal against administrative sanction decisions already issued or executed completely before the entry into force of this Decree, regulations of the the Government’s Decree No. 99/2013/ND-CP dated August 29, 2013 on administrative penalties in industrial property, the Government’s Decree No. 119/2017/ND-CP dated November 01, 2017 on penalties for administrative violations against regulations on standards, measurement and quality of goods, the Government’s Decree No 51/2019/ND-CP dated June 13, 2019 on prescribing administrative fines for violations arising from scientific and technological activities and technology transfer and the Government’s Decree No. 107/2013/ND-CP dated September 20, 2013 providing on sanctioning of administrative violations in atomic energy shall be applied.
|
ON BEHALF OF THE GOVERNMENT OF VIETNAM |