Chương VII Luật Bảo hiểm xã hội 2024: Quỹ bảo hiểm xã hội
Số hiệu: | 41/2024/QH15 | Loại văn bản: | Luật |
Nơi ban hành: | Quốc hội | Người ký: | Trần Thanh Mẫn |
Ngày ban hành: | 29/06/2024 | Ngày hiệu lực: | 01/07/2025 |
Ngày công báo: | *** | Số công báo: | |
Lĩnh vực: | Bảo hiểm, Lao động - Tiền lương | Tình trạng: | Chưa có hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Người từ đủ 75 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 01/7/2025
Ngày 29/6/2024, Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội.
Luật Bảo hiểm xã hội quy định về quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với bảo hiểm xã hội và tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội; trợ cấp hưu trí xã hội; đăng ký tham gia và quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội; các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện; quỹ bảo hiểm xã hội; bảo hiểm hưu trí bổ sung; khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội; quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội.
Người từ đủ 75 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 01/7/2025
Theo đó, công dân Việt Nam được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Từ đủ 75 tuổi trở lên;
- Không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ;
- Có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Đối với công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng và có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội trên cơ sở đề nghị của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.
Theo đó, mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ. Định kỳ 03 năm, Chính phủ thực hiện rà soát, xem xét việc điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội.
Tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, huy động các nguồn lực xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Trường hợp đối tượng nêu trên đồng thời thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng thì được hưởng chế độ trợ cấp cao hơn.
Xem thêm nội dung tại Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
1. Quỹ bảo hiểm xã hội là quỹ tài chính độc lập với ngân sách nhà nước; được hạch toán, kế toán, lập báo cáo tài chính, kiểm toán nội bộ theo quy định của pháp luật về kế toán và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Định kỳ 03 năm, Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán quỹ bảo hiểm xã hội, hoạt động đầu tư quỹ và báo cáo kết quả với Quốc hội. Theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, quỹ bảo hiểm xã hội được kiểm toán đột xuất.
Trường hợp tiến hành hoạt động thanh tra, hoạt động kiểm toán nhà nước về bảo hiểm xã hội, nếu phát hiện chồng chéo, trùng lặp, cơ quan thanh tra phối hợp với cơ quan kiểm toán nhà nước xử lý theo quy định của Luật Thanh tra và Luật Kiểm toán nhà nước, bảo đảm một nội dung hoạt động của tổ chức, cá nhân chỉ là đối tượng của một cơ quan thanh tra hoặc một cơ quan kiểm toán nhà nước; bảo đảm phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội.
1. Người sử dụng lao động đóng theo quy định.
2. Người lao động đóng theo quy định.
3. Tiền sinh lời của hoạt động đầu tư quỹ.
4. Ngân sách nhà nước.
5. Các nguồn thu hợp pháp khác.
1. Quỹ bảo hiểm xã hội bao gồm các quỹ thành phần sau đây:
a) Quỹ ốm đau và thai sản;
b) Quỹ hưu trí và tử tuất;
c) Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động.
2. Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm.
1. Chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đối tượng theo quy định tại Chương V, Chương VI của Luật này và trợ cấp hằng tháng quy định tại Điều 23 của Luật này.
2. Chi đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng sau đây:
a) Người đang hưởng lương hưu;
b) Người nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng;
c) Người nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng;
d) Nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động bị mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;
đ) Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng.
3. Chi trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với trường hợp không do người sử dụng lao động giới thiệu đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động mà kết quả giám định đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
4. Chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 120 của Luật này.
5. Đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng quỹ theo quy định tại Mục 2 Chương này.
1. Chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
a) Tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, tư vấn chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về bảo hiểm xã hội;
b) Cải cách hành chính bảo hiểm xã hội; phát triển, quản lý người tham gia, người thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội;
c) Đầu tư, nâng cấp, cải tạo, mở rộng, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản, thuê, mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ liên quan đến quản lý và hoạt động bảo hiểm xã hội;
d) Tổ chức thu, chi trả bảo hiểm xã hội và hoạt động bộ máy của cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp, Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội.
2. Mức chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở số phần trăm của dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội, không bao gồm số chi đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội và được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội.
3. Định kỳ 03 năm, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định về mức chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội.
4. Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán hằng năm đối với báo cáo quyết toán chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội.
5. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 và khoản 2 Điều này.
1. Hoạt động đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội phải bảo đảm an toàn, bền vững và hiệu quả.
2. Đa dạng hóa danh mục đầu tư, cơ cấu và phương thức đầu tư phù hợp với năng lực và cơ sở vật chất của tổ chức đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội; ưu tiên đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, nhất là trái phiếu Chính phủ dài hạn.
3. Hoạt động đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội thực hiện theo chiến lược đầu tư dài hạn và phương án đầu tư hằng năm.
1. Danh mục đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội tại thị trường trong nước bao gồm:
a) Công cụ nợ của Chính phủ, bao gồm trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Kho bạc Nhà nước, công trái xây dựng Tổ quốc;
b) Trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh;
c) Tiền gửi tại các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước trên 50% vốn điều lệ; không thực hiện đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội tại các ngân hàng thương mại đang được kiểm soát đặc biệt;
d) Trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi của các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước trên 50% vốn điều lệ; không thực hiện đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội tại các ngân hàng thương mại đang được kiểm soát đặc biệt.
2. Đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội tại thị trường quốc tế là trái phiếu Chính phủ.
3. Phương thức đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bao gồm tự đầu tư, ủy thác đầu tư tại thị trường trong nước, thị trường quốc tế.
4. Chính phủ quy định lộ trình đa dạng hóa, tiêu chí danh mục đầu tư, cơ cấu đầu tư và phương thức đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội, bảo đảm nguyên tắc quy định tại Điều 121 của Luật này.
1. Quỹ bảo hiểm xã hội được đầu tư và hạch toán độc lập theo từng quỹ thành phần.
2. Hoạt động đầu tư quỹ phải được kiểm soát, quản lý rủi ro và trích lập dự phòng rủi ro.
3. Chính phủ quy định quy trình kiểm soát, quản lý rủi ro đầu tư, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro.