Chương II Bộ luật Dân sự 1995: Thừa kế theo di chúc
Số hiệu: | 44-L/CTN | Loại văn bản: | Luật |
Nơi ban hành: | Quốc hội | Người ký: | Lê Đức Anh |
Ngày ban hành: | 28/10/1995 | Ngày hiệu lực: | 01/07/1996 |
Ngày công báo: | *** | Số công báo: | Dữ liệu đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Quyền dân sự | Tình trạng: |
Hết hiệu lực
01/01/2006 |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Pháp luật dân sự Việt Nam là công cụ pháp lý thúc đẩy giao lưu dân sự, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Kế thừa và phát triển pháp luật dân sự Việt Nam từ trước đến nay, cụ thể hoá Hiến pháp năm 1992, Bộ luật dân sự có vị trí quan trọng trong hệ thống pháp luật nước nhà, tạo cơ sở pháp lý nhằm tiếp tục giải phóng mọi năng lực sản xuất, phát huy dân chủ, bảo đảm công bằng xã hội, quyền con người về dân sự.
Bộ luật dân sự góp phần bảo đảm cuộc sống cộng đồng ổn định, lành mạnh, giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hoá dân tộc hình thành trong lịch sử lâu dài xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, góp phần xây dựng nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
1- Người đã thành niên có quyền lập di chúc, trừ trường hợp người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.
2- Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.
Người lập di chúc có các quyền sau đây:
1- Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;
2- Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;
3- Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;
4- Giao nghĩa vụ cho người thừa kế trong phạm vi di sản;
5- Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản, thì có thể di chúc miệng.
Người thuộc dân tộc thiểu số có quyền lập di chúc bằng chữ viết hoặc tiếng nói của dân tộc mình.
Di chúc bằng văn bản bao gồm:
1- Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;
2- Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;
3- Di chúc bằng văn bản có chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn;
4- Di chúc bằng văn bản có chứng nhận của Công chứng nhà nước.
1- Trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe doạ do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản, thì có thể di chúc miệng. Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ.
2- Sau ba tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt, thì di chúc miệng bị huỷ bỏ.
1- Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;
b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.
2- Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.
3- Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có chứng nhận của Công chứng nhà nước hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
4- Di chúc bằng văn bản không có chứng nhận, chứng thực như quy định tại Điều 660 của Bộ luật này chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.
1- Di chúc phải ghi rõ:
a) Ngày, tháng, năm lập di chúc;
b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
d) Di sản để lại và nơi có di sản;
đ) Việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ.
2- Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang, thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.
Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:
1- Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;
2- Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;
3- Người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự.
Trong trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc, thì có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.
Việc lập di chúc phải tuân theo quy định tại Điều 656 và Điều 657 của Bộ luật này.
Người lập di chúc có thể yêu cầu Công chứng nhà nước chứng nhận hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn chứng thực bản di chúc.
Việc lập di chúc tại Công chứng nhà nước hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn phải tuân theo thủ tục sau đây:
1- Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn ký vào bản di chúc.
2- Trong trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được, thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Công chứng viên, người có thẩm quyền chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng.
Công chứng viên, người có thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn không được chứng nhận, chứng thực đối với di chúc, nếu họ là:
1- Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;
2- Người có cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật;
3- Người có quyền, nghĩa vụ về tài sản liên quan tới nội dung di chúc.
Di chúc bằng văn bản có giá trị như di chúc được Công chứng nhà nước chứng nhận hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn chứng thực bao gồm:
1- Di chúc của quân nhân tại ngũ có xác nhận của thủ trưởng đơn vị từ cấp đại đội trở lên, nếu quân nhân không thể yêu cầu Công chứng nhà nước chứng nhận hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn chứng thực;
2- Di chúc của người đang đi trên tàu biển, máy bay có xác nhận của người chỉ huy phương tiện đó;
3- Di chúc của người đang điều trị tại bệnh viện, cơ sở chữa bệnh, điều dưỡng khác có xác nhận của người phụ trách bệnh viện, cơ sở đó;
4- Di chúc của người đang làm công việc khảo sát, thăm dò, nghiên cứu ở vùng rừng núi, hải đảo có xác nhận của người phụ trách đơn vị;
5- Di chúc của công dân Việt Nam đang ở nước ngoài có chứng nhận của cơ quan lãnh sự, đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước đó;
6- Di chúc của người đang bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh có xác nhận của người phụ trách cơ sở đó.
1- Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc vào bất cứ lúc nào.
2- Nếu người lập di chúc bổ sung di chúc, thì di chúc đã lập và phần bổ sung đều có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu phần di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau, thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.
3- Trong trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới, thì di chúc trước bị huỷ bỏ.
Vợ, chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung.
1- Vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào.
2- Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung, thì phải được sự đồng ý của người kia; nếu một người đã chết, thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình.
1- Người lập di chúc có thể yêu cầu Công chứng nhà nước lưu giữ hoặc gửi người khác giữ bản di chúc.
2- Trong trường hợp Công chứng nhà nước lưu giữ bản di chúc, thì phải bảo quản, giữ gìn theo quy định của pháp luật về Công chứng nhà nước.
3- Cá nhân giữ bản di chúc có các nghĩa vụ sau đây:
a) Giữ bí mật nội dung di chúc;
b) Giữ gìn, bảo quản bản di chúc; nếu bản di chúc bị thất lạc, hư hại, thì phải báo ngay cho người lập di chúc;
c) Giao lại bản di chúc cho người thừa kế hoặc người có thẩm quyền công bố di chúc, khi người lập di chúc chết. Việc giao lại bản di chúc phải được lập thành văn bản, có chữ ký của người giao, người nhận và trước sự có mặt của hai người làm chứng.
1- Kể từ thời điểm mở thừa kế, nếu di chúc bị thất lạc hoặc bị hư hại đến mức không thể hiện được đầy đủ ý chí của người lập di chúc và cũng không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc, thì coi như không có di chúc và áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật.
2- Trong trường hợp di sản chưa chia mà tìm thấy di chúc, thì di sản được chia theo di chúc.
1- Di chúc có hiệu lực pháp luật từ thời điểm mở thừa kế.
2- Di chúc không có hiệu lực pháp luật toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp sau đây:
a) Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
b) Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế.
Trong trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế, thì chỉ phần di chúc có liên quan đến người chết trước hoặc cùng thời điểm, đến cơ quan, tổ chức không còn đó là không có hiệu lực pháp luật.
3- Di chúc không có hiệu lực pháp luật, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần, thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.
4- Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại, thì chỉ phần đó không có hiệu lực pháp luật.
5- Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản, thì chỉ bản di chúc sau cùng mới có hiệu lực pháp luật.
Trong trường hợp vợ, chồng lập di chúc chung mà có một người chết trước, thì chỉ phần di chúc liên quan đến phần di sản của người chết trong tài sản chung có hiệu lực pháp luật; nếu vợ, chồng có thoả thuận trong di chúc về thời điểm có hiệu lực của di chúc là thời điểm người sau cùng chết, thì di sản của vợ, chồng theo di chúc chung chỉ được phân chia từ thời điểm đó.
Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu như di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối hưởng di sản hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại Điều 645 hoặc khoản 1 Điều 646 của Bộ luật này:
1- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
2- Con đã thành niên mà không có khả năng lao động.
1- Trong trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng, thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thoả thuận của những người thừa kế, thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
Trong trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng, thì những người thừa kế cử một người quản lý di sản thờ cúng.
Trong trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết, thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
2- Trong trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó, thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.
1- Di tặng là việc người lập di chúc dành một phần di sản để tặng cho người khác. Việc di tặng phải được ghi rõ trong di chúc.
2- Người được di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được di tặng, trừ trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người di tặng, thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này.
1- Trong trường hợp di chúc bằng văn bản được lưu giữ tại Công chứng nhà nước, thì công chứng viên là người công bố di chúc.
2- Trong trường hợp người để lại di chúc chỉ định người công bố di chúc, thì người này có nghĩa vụ công bố di chúc; nếu người để lại di chúc không chỉ định hoặc có chỉ định nhưng người được chỉ định từ chối công bố di chúc, thì những người thừa kế còn lại thoả thuận cử người công bố di chúc.
3- Sau thời điểm mở thừa kế, người công bố di chúc phải sao gửi di chúc tới tất cả những người có liên quan đến nội dung di chúc. Bản sao di chúc phải có chứng nhận của Công chứng nhà nước hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi mở thừa kế.
4- Người nhận được bản sao di chúc có quyền yêu cầu đối chiếu với bản gốc của di chúc.
5- Trong trường hợp di chúc được lập bằng tiếng nước ngoài, thì bản di chúc đó phải được dịch ra tiếng Việt và phải có chứng nhận của Công chứng nhà nước.
Trong trường hợp nội dung di chúc không rõ ràng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, thì người công bố di chúc và những người thừa kế phải cùng nhau giải thích nội dung di chúc dựa trên ý nguyện đích thực trước đây của người chết, có xem xét đến mối quan hệ của người chết với người thừa kế theo di chúc. Khi những người này không nhất trí về cách hiểu nội dung di chúc, thì coi như không có di chúc và di sản được thừa kế theo pháp luật.
Trong trường hợp có một phần nội dung di chúc không giải thích được nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của di chúc, thì chỉ phần không giải thích được không có hiệu lực.
Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực