Lý thuyết Địa lí 10 Bài 21 (Chân trời sáng tạo): Phân bố dân cư và đô thị hóa

Tóm tắt lý thuyết Địa Lí lớp 10 Bài 21: Phân bố dân cư và đô thị hóa ngắn gọn, chi tiết sách Chân trời sáng tạo sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt Địa Lí 10.

1 3,376 06/01/2023
Tải về


Lý thuyết Địa Lí 10 Bài 21: Phân bố dân cư và đô thị hóa

I. PHÂN BỐ DÂN CƯ

1. Tình hình phân bố dân cư trên thế giới

- Sự phân bố dân cư trên thế giới không đều trong không gian và biến động theo thời gian.

- Mật độ dân số trung bình thế giới là 60 người/km2 (năm 2020), mật độ dân số đông dân nhất là Mô-na-cô (26338 người/km2), thưa dân nhất là đảo Grơn-len (<1 người/km2).

- Trong một lục địa, một khu vực, một quốc gia, một vùng lãnh thổ của từng quốc gia, phân bố dân cư cũng không đều.

Lý thuyết Bài 21: Phân bố dân cư và đô thị hóa - Chân trời sáng tạo (ảnh 1)

2. Các nhân tố ảnh hưởng đến phân bố dân cư trên thế giới

- Phân bố dân cư là một hiện tượng xã hội có tính quy luật, chịu tác động tổng hợp của nhiều nhân tố, bao gồm:

a. Các nhân tố kinh tế – xã hội

- Trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và tính chất của nền kinh tế: có vai trò quyết định trong sự phân bố dân cư.

- Lịch sử khai thác lãnh thổ và chuyển cư

- Việc chuyển cư với quy mô lớn có tác động nhiều tới sự phân bố dân cư trên thế giới.

b. Các nhân tố tự nhiên

- Vị trí địa lí, các điều kiện tự nhiên (khí hậu, nước, địa hình, đất đai,…) tạo thuận lợi hoặc gây khó khăn đến đời sống con người qua đó tác động đến sự phân bố dân cư.

II. ĐÔ THỊ HOÁ

1. Khái niệm

- Là quá trình kinh tế – xã hội, biểu hiện là sự tăng nhanh về số lượng và quy mô của các điểm dân cư đô thị, sự tập trung dân cư trong các thành phố, nhất là các thành phố lớn và phổ biến rộng rãi lối sống thành thị.

- Tỉ lệ dân thành thị là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ đô thị hoá của các quốc gia, khu vực. Tỉ lệ dân thành thị thế giới ngày càng tăng, các nước phát triển có tỉ lệ dân thành thị cao hơn các nước đang phát triển nhưng tốc độ tăng tỉ lệ dân thành thị các nước đang phát triển lại nhanh hơn các nước phát triển.

Lý thuyết Bài 21: Phân bố dân cư và đô thị hóa - Chân trời sáng tạo (ảnh 1)

2. Các nhân tố tác động đến đô thị hoá

a. Nhân tố kinh tế – xã hội

- Trình độ phát triển kinh tế tác động mạnh đến quá trình đô thị hoá, mang tính chất quyết định trong quá trình đô thị hoá.

- Quá trình công nghiệp hoá trong khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản sẽ hình thành các đô thị ở nông thôn và các vùng ven biển.

-  Đường lối và hệ thống chính sách của Nhà nước về quy hoạch đô thị là cơ sở pháp lí tạo điều kiện thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước để phát triển mạng lưới đô thị.

- Lối sống nông thôn ngày càng tiếp cận với lối sống đô thị nên quá trình đô thị hoá phát triển mạnh ở nông thôn.

b. Nhân tố tự nhiên

- Vị trí địa lí có ảnh hưởng đến lịch sử hình thành và phát triển đô thị, tính chất đô thị và lối sống đô thị.

- Những vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi sẽ thu hút dân cư, do đó quá trình đô thị hoá diễn ra sớm hơn, quy mô lớn hơn.

3. Ảnh hưởng của đô thị hoá đến sự phát triển kinh tế, xã hội và môi trường

a. Tác động tích cực

- Đối với kinh tế – xã hội: góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản sang khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ; tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư,...

- Đối với môi trường: mở rộng không gian đô thị và cải thiện cơ sở hạ tầng, hình thành môi trường đô thị hiện đại, giúp người dân có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ tiện nghi và ứng xử văn minh, thực hiện quy định về vệ sinh môi trường tại đô thị,...

b. Tác động tiêu cực

- Đối với kinh tế – xã hội: đô thị hoá tự phát không gắn với công nghiệp hoá sẽ đẩy nhanh quá trình tập trung dân cư tại các đô thị, gây quá tải cơ sở hạ tầng, dẫn đến sự phân hoá giàu nghèo giữa các vùng và tạo sức ép lên vấn đề giải quyết việc làm, quản lí hành chính và trật tự an ninh đô thị. Trong khi đó, ở nông thôn sẽ thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế và bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hoá truyền thống tại địa phương.

- Đối với môi trường: đô thị hoá làm suy giảm đa dạng sinh học, thay đổi địa hình bề mặt, mực nước ngầm,... Môi trường bị ô nhiễm từ các chất thải trong sản xuất và sinh hoạt ở các đô thị.

Lý thuyết Bài 21: Phân bố dân cư và đô thị hóa - Chân trời sáng tạo (ảnh 1)

Ô nhiễm môi trường tại đô thị

Xem thêm lý thuyết Địa lí lớp 10 sách Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Lý thuyết Bài 23: Nguồn lực phát triển kinh tế

Lý thuyết Bài 24: Cơ cấu nền kinh tế, một số tiêu chí đánh giá sự phát triển kinh tế

Lý thuyết Bài 25: Vai trò, đặc điểm, các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản

Lý thuyết Bài 26: Địa lí ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản

Lý thuyết Bài 27: Tổ chức lãnh thổ nông nghiệp, vấn đề và định hướng phát triển nông nghiệp

1 3,376 06/01/2023
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: