Lịch sử và Địa lí lớp 5 Bài 3 (Cánh diều): Biển, đảo Việt Nam

Với lời giải bài tập Lịch sử và Địa lí lớp 5 Bài 3: Biển, đảo Việt Nam sách Cánh diều hay nhất, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi và làm bài tập Lịch sử và Địa lí lớp 5.

1 52 lượt xem


Giải Lịch sử và Địa lí lớp 5 Bài 3: Biển, đảo Việt Nam

Khởi động (trang 16)

Câu hỏi trang 16 Lịch Sử và Địa Lí lớp 5: Hình ảnh bên cho em biết điều gì? Chia sẻ những hiểu biết của em về biển, đảo Việt Nam.

Lịch Sử và Địa Lí lớp 5 Cánh diều Bài 3: Biển, đảo Việt Nam

Lời giải:

- Hình ảnh trên cho em biết về: tên đảo; vị trí địa lí của hòn đảo đó…

- Những hiểu biết của em về biển, đảo Việt Nam:

+ Vùng biển Việt Nam thuộc Biển Đông.

+ Biển Việt Nam nằm ở phía đông, nam và tây nam của phần đất liền.

+ Vùng biển Việt Nam có hàng nghìn đảo, quần đảo; trong đó có hai quần đảo lớn là quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Khám phá (trang 16, 17, 18)

Câu hỏi trang 16 Lịch Sử và Địa Lí lớp 5: Đọc thông tin và quan sát hình 1, em hãy:

• Xác định vị trí địa lí của vùng biển Việt Nam.

• Kể tên và chỉ trên lược đồ một số đảo, quần đảo của Việt Nam.

Lời giải:

♦ Yêu cầu số 1:

- Vùng biển Việt Nam thuộc Biển Đông.

- Biển Việt Nam nằm ở phía đông, nam và tây nam của phần đất liền.

- Vùng biển Việt Nam có hàng nghìn đảo, quần đảo; trong đó có hai quần đảo lớn là quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

♦ Yêu cầu số 2:

- Tên một số đảo của Việt Nam: Cát Bà, Phú Quốc, Phú Quý, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Bạch Long Vỹ,…

- Tên một số quần đảo của Việt Nam: Hoàng Sa; Trường Sa; Thổ Chu,…

Khám phá trang 17 Lịch Sử và Địa Lí lớp 5: Hãy giới thiệu về một địa điểm phát triển du lịch biển, đảo ở Việt Nam mà em đã tìm hiểu hoặc trải nghiệm.

Lời giải:

(*) Tham khảo: Giới thiệu đảo Phú Quốc

- Diện tích đảo Phú Quốc 573km², chiều dài 50km, nơi rộng nhất ở phía bắc đảo 25km, có nhiều bãi biển đẹp trải dài từ phía Bắc đến phía Nam và mang trên mình 99 ngọn núi trập trùng, với dãy rừng nguyên sinh trùng điệp một màu xanh ngút ngát ẩn chứa bao điều kỳ thú, bí ẩn khó mà chinh phục, khám phá hết được. Chính vì thế đã tạo cho hòn đảo ngọc này bức tranh “sơn thủy hữu tình,” tiềm năng du lịch dồi dào, phong phú hấp dẫn du khách thập phương.

Câu hỏi trang 17 Lịch Sử và Địa Lí lớp 5: Đọc thông tin và quan sát các hình 2, 3, 4, em hãy trình bày công cuộc bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông trong lịch sử.

Lịch Sử và Địa Lí lớp 5 Cánh diều Bài 3: Biển, đảo Việt Nam

Lời giải:

- Biển, đảo là một bộ phận quan trọng của lãnh thổ quốc gia. Từ nhiều thế kỉ qua, người Việt không ngừng khai phá, thực thi và bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

- Từ thế kỉ XVII, chúa Nguyễn đã cho lập Đội Hoàng Sa, sau đó lập thêm Đội Bắc Hải để khai thác sản vật và thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

- Sang thế kỉ XIX, hoạt động xác lập và thực thi chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa tiếp tục được Triều Nguyễn thực hiện với các hoạt động như: cứu nạn tàu thuyền, thu thuế, trồng cây, lập bia chủ quyền,...

- Dưới thời Pháp thuộc, người Pháp cho dựng bia chủ quyền, lập đơn vị hành chính ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa,...

- Hiện nay, Nhà nước Việt Nam tiếp tục thực thi các biện pháp toàn diện nhằm bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông,....

Giải Lịch Sử và Địa Lí lớp 5 trang 19

Luyện tập (trang 19)

Luyện tập 1 trang 19 Lịch Sử và Địa Lí lớp 5: Trò chơi “Tiếp sức”: Viết lên bảng tên các đảo và quần đảo của Việt Nam.

Lời giải:

- Tên một số đảo của Việt Nam: Cát Bà, Phú Quốc, Phú Quý, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Bạch Long Vỹ,…

- Tên một số quần đảo của Việt Nam: Hoàng Sa; Trường Sa; Thổ Chu,…

Luyện tập 2 trang 19 Lịch Sử và Địa Lí lớp 5: Đọc một số bài thơ hoặc kể lại một câu chuyện về biển, đảo Việt Nam mà em sưu tầm được.

Lời giải:

(*) Tham khảo: bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của nhà thơ Huy Cận

Mặt trời xuống biển như hòn lửa,

Sóng đã cài then, đêm sập cửa.

Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,

Câu hát căng buồm cùng gió khơi.

Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng,

Cá thu biển Đông như đoàn thoi

Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.

Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!

Thuyền ta lái gió với buồm trăng

Lướt giữa mây cao với biển bằng,

Ra đậu dặm xa dò bụng biển,

Dàn đan thế trận lưới vây giăng.

Cá nhụ cá chim cùng cá đé,

Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,

Cái đuôi em quẫy trăng vàng choé.

Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.

Ta hát bài ca gọi cá vào,

Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao.

Biển cho ta cá như lòng mẹ

Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.

Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng

Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng.

Vảy bạc đuôi vàng loé rạng đông,

Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.

Câu hát căng buồm với gió khơi,

Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.

Mặt trời đội biển nhô màu mới,

Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.

Vận dụng (trang 19)

Vận dụng trang 19 Lịch Sử và Địa Lí lớp 5: Tìm hiểu và giới thiệu một hoạt động của quân và dân Việt Nam góp phần thực thi và bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông. Nêu suy nghĩ của em về việc làm đó.

Lời giải:

(*) Tham khảo:

- Giới thiệu: Một trong những hoạt động của nhân dân Việt Nam góp phần thực thi và bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông là: duy trì Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.

+ Nguồn gốc Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa: Tương truyền xưa kia, mỗi cuộc đi biển vô cùng khó khăn, người lính trong Đội Hoàng Sa khi đi thực hiện nhiệm vụ phải chuẩn bị cho mình một đôi chiếu, 7 nẹp tre và 7 sợi dây mây. Nếu không may xấu số bỏ mạng trên biển thì sẽ dùng đề bó xác thả xuống biển. Nghi lễ “cúng thế lính” được tổ chức theo quan niệm của người dân, dùng những hình nộm bằng giấy hoặc bột gạo đặt lên thuyền làm bằng thân cây chuối để giả những đội binh thuyền Hoàng Sa ... Nghi lễ thể hiện mong muốn đội thuyền kia sẽ chịu rủi ro thay cho những người lính của Đội Hoàng Sa, đồng thời tạo niềm tin cho người lính hoàn thành nhiệm vụ.

+ Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa thường được tổ chức trên đảo Lý Sơn vào tháng 2, tháng 3 (âm lịch) hằng năm.

- Ý nghĩa: duy trì Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa nhằm tri ân những người đi thực hiện nhiệm vụ và giáo dục thế hệ trẻ có ý thức, trách nhiệm giữ gìn biển, đảo Việt Nam.

1 52 lượt xem