Giải Địa lí 9 Bài 20 (Chân trời sáng tạo): Thực hành: Viết báo cáo về vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Với giải bài tập Địa lí 9 Bài 20: Thực hành: Viết báo cáo về vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sách Chân trời sáng tạo hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Địa lí 9 Bài 20.

1 272 30/04/2024


Giải Địa lí 9 Bài 20: Thực hành: Viết báo cáo về vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

1. Yêu cầu: Hãy tìm kiếm thông tin và viết báo cáo ngắn về sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

2. Tìm kiếm thông tin

a) Lựa chọn nội dung

Em hãy lựa chọn các nội dung liên quan về sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

b) Tìm kiếm thông tin

Thực hiện tìm kiếm thông tin qua sách, báo, tạp chí, internet,…

c) Xử lí thông tin

- Chọn lọc tư liệu từ những thông tin tìm kiếm được.

- Sắp xếp, xử lí các thông tin vừa tìm kiếm được cho phù hợp với bài báo cáo.

3. Gợi ý thực hiện

Viết báo cáo về sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam theo gợi ý dưới đây.

Địa Lí 9 Chân trời sáng tạo Bài 20: Thực hành: Viết báo cáo về vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Trả lời:

VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM PHÍA NAM

1. Khái quát chung

- Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm các tỉnh TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Tiền Giang.

- Năm 2021, diện tích vùng khoảng 30,6 nghìn km2, số dân 21,8 triệu người (chiếm 22,3% dân số cả nước).

2. Thế mạnh nổi bật để phát triển kinh tế

- Vị trí địa lí: vị trí cầu nối giữa Đồng bằng sông cửu Long, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ, là đầu mối giao thương của các tỉnh phía nam với các vùng trong cả nước và quốc tế thông qua mạng lưới giao thông đường bộ, đường biển, đường sông và đường hàng không. Phía đông và đông nam là vùng biển rộng lớn, giàu tiềm năng => lợi thế vị trí địa lí tạo cho vùng khả năng thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, có tiềm lực phát triển kinh tế vượt trội so với các vùng khác.

- Điều kiện tự nhiên: địa hình tương đối bằng phẳng, ¾ là đồng bằng và bán bình nguyên. Đất xám và đất feralit chiếm diện tích lớn, đất phù sa sông màu mỡ; khí hậu cận xích đạo gió mùa nóng ẩm là điều kiện hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả, cây lương thực. Có trữ lượng dầu khí lớn là nguồn khoáng sản quan trọng phục vụ cho các ngành kinh tế. Vùng biển giàu hải sản và diện tích mặt nước phục vụ khai thác và nuôi trồng thủy sản.

- Nguồn lao động: dân số đông, nguồn lao động dồi dào, trình độ chuyên môn cao là nguồn lực quan trọng.

- Cơ sở hạ tầng: mạng lưới giao thông vận tải ngày càng hoàn thiện với các tuyến đường bộ (quốc lộ 1, 13, 22, cao tốc Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết,…), cảng biển lớn (TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu), cảng hàng không quốc tế (Tân Sơn Nhất).

- Có các đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng trong nước và quốc tế, tiêu biểu là TP Hồ Chí Minh; mạng lưới đô thị phát triển với hạt nhân là TP Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Vũng Tàu,… Hệ thống cơ sở đào tạo và nghiên cứu ngành càng phát triển mạnh theo hướng hiện đại.

3. Sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

a) Sự thay đổi về lãnh thổ của vùng

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được thành lập năm 1998, gồm 4 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai. Năm 2003, lãnh thổ của vùng được mở rộng thêm 3 tỉnh là Ninh, Bình Phước, Long An. Năm 2009 bổ sung thêm tỉnh Tiền Giang.

b) Sự thay đổi về dân số

Dân số năm 2002 có khoảng 9,2 triệu người, năm 2005, dân số của vùng là 12,35 triệu người, năm 2007 dân số của vùng là 14,7 triệu người. Đến năm 2009, sau khi bổ sung thêm tỉnh Tiền Giang, Vùng KTTĐ phía Nam gồm 8 tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Bà rịa - Vũng tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang với dân số khoảng 17,2 triệu người. Năm 2021 vùng có số dân là 21,8 triệu người

c) Sự phát triển về kinh tế

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đóng góp hơn 33% GDP cả nước (2021).

- Công nghiệp xây dựng chiếm tỉ trọng lớn, tốc độ tăng giá trị sản xuất cao hơn mức trung bình cả nước. Cơ cấu ngành đa dạng, trình độ phát triển cao, nổi bật là các ngành mũi nhọn như sản xuất, chế biến thực phẩm; sản xuất hóa chất; dệt, may; giày, dép; cơ khí; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính. Khoảng ½ số khu công nghiệp của cả nước phân bố tập trung trong vùng này.

- Có hoạt động thương mại sôi động bậc nhất nước ta. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng liên tục tăng; trị giá xuất khẩu tăng nhanh chóng. Du lịch diễn ra sôi nổi, hoạt động giao thông vận tải có tốc độ tăng trưởng nhanh.

4. Vai trò của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Khu vực này cũng là trung tâm công nghiệp, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tài chính, ngân hàng, logistics, văn hóa, y tế và giáo dục của Việt Nam. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng là khu vực thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước từ các dự án FDI, khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động.

Vùng hội tụ đủ điều kiện, lợi thế để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tập trung nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học; là trung tâm đầu mối dịch vụ, thương mại tầm cỡ khu vực và quốc tế…

1 272 30/04/2024