Bỏ đại học theo cao đẳng có lãng phí chất xám?

Bỏ đại học theo cao đẳng có lãng phí chất xám?, mời các bạn đón xem:

1 149 lượt xem


Bỏ đại học theo cao đẳng có lãng phí chất xám?

Theo chuyên gia, hệ đào tạo nào cũng đòi hỏi người học phải có kỹ năng nhất định, không nên cho rằng điểm cao đi học nghề là lãng phí.

Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, Nguyễn Huy Hoàng (quê Hải Dương) đạt 23,7 điểm tổ hợp C04 với 8,2 điểm môn Toán, Văn 7 và Địa 8,5. Cộng cả điểm ưu tiên, em có thể đỗ ngành kinh tế, xã hội tại một số trường đại học. Tuy nhiên, Hoàng không cân nhắc lựa chọn này mà sẽ theo học nghề Ôtô, trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội.

Bà Trần Thị Như Trang, Trưởng Phòng Đào tạo và Quản lý sinh viên, trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội, cho biết nghề Ôtô và Lập trình có sức hút lớn. Hơn 60% thí sinh nộp hồ sơ vào hai ngành này có điểm trung bình thi tốt nghiệp hoặc ba năm THPT từ 7 trở lên.

Trước ý kiến cho rằng học sinh giỏi THPT, đạt điểm xét tuyển đại học cao vẫn chọn cao đẳng là "lãng phí chất xám", TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), nhấn mạnh yếu tố phù hợp khi đưa ra lựa chọn đại học hay cao đẳng.

"Học khá, giỏi ở trường THPT chưa phải là điều kiện cần và đủ để thành công ở đại học, bởi còn nhiều yếu tố khác tác động. Điểm cao cũng không hoàn toàn phản ánh năng khiếu hoặc lĩnh vực thế mạnh của thí sinh. Vì thế, hiệu quả từ việc chọn đại học hay học nghề sẽ phụ thuộc học sinh sở hữu kỹ năng, năng khiếu nào cũng như điều kiện, định hướng gia đình", ông Vinh nói.

Học viên hệ trung cấp "9+3" trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TP HCM trong giờ học tháng 2/2022.

Ông Đỗ Văn Giảng, chuyên gia tư vấn tâm lý học đường và định hướng nghề nghiệp, dẫn chứng khi còn làm ở trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), ông gặp không ít sinh viên sư phạm nhưng lúng túng vì không đủ khả năng tiếp cận học trò, có em phải bỏ cả kỳ thực tập. Theo ông, đây là ví dụ cho thấy học giỏi ở bậc THPT nhưng lên đại học chưa chắc đã giỏi, mỗi ngành, nghề hay hệ đào tạo đều cần các kỹ năng nhất định.

Ngoài ra, theo TS Hoàng Ngọc Vinh, nhiều ngành, nghề hiện nay đòi hỏi người học có trình độ đầu vào "khá cao" về ngoại ngữ, Toán, Lý như Bảo trì ôtô, Vận hành các thiết bị gia dụng thông minh... "Sự lựa chọn và cố gắng là ở mỗi người, để có được kỹ năng lao động thành thạo, học nghề cũng có cái khó chứ không dễ như nhiều người tưởng", ông Vinh nói và cho rằng không nên quan niệm cao đẳng chỉ dành cho học sinh kém.

 
Theo báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2020 của Tổng cục Thống kê, số người thất nghiệp có bằng đại học trở lên chiếm 20,7% - cao nhất trong tổng số lao động không có việc làm. Tỷ lệ này với người tốt nghiệp cao đẳng là 10,1% và trung cấp 7,6%. "Có thể người có trình độ từ đại học trở lên cố gắng tìm một công việc phù hợp với trình độ đào tạo", Tổng cục Thống kê phỏng đoán.

Về thu nhập, người có bằng đại học trở lên (gồm cả thạc sĩ, tiến sĩ...) kiếm bình quân 8,75 triệu đồng một tháng (năm 2020), sơ cấp 7,55, cao đẳng 7,02 và trung cấp 6,86 triệu đồng. Dù nhóm tốt nghiệp đại học thu nhập cao hơn, nhưng theo chuyên gia, chênh lệch này không đáng kể so với chi phí đào tạo đắt đỏ, thời gian dài đào tạo của hệ đại học, sau đại học so với các hệ còn lại.

 
Thí sinh chọn học cao đẳng cũng không cho rằng bỏ đại học là lãng phí.

Dự thi tốt nghiệp THPT 2022, Phạm Trung Hiếu (Phú Thọ) có 5/6 môn đạt từ 8 điểm trở lên. Nam sinh đạt 27 điểm tổ hợp C00 (Văn - Sử - Địa), 23,4 điểm tổ hợp D01 (Toán - Văn - Anh) và có thể đỗ nhiều đại học lớn ở Hà Nội.

Tuy nhiên, Hiếu đã trúng tuyển và sẽ theo học ngành Điều dưỡng, trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ, theo điểm học bạ tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh), đạt 23,2. Hiếu cho biết nếu đỗ đại học và ở trọ tại Hà Nội, học phí và sinh hoạt phí một năm có thể từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Còn học cao đẳng ở quê, nam sinh chỉ mất ba năm, học phí cũng "dễ thở" với 5,7 triệu đồng một học kỳ.

Cách đây 3 năm, Trương Thế Diệu (25 tuổi, quê Nghệ An), sinh viên trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội từng gây bất ngờ khi mang về tấm huy chương bạc ở môn Phay CNC - thành tích cao nhất của Việt Nam trong 20 năm qua tại cuộc thi Kỹ năng nghề thế giới.

"Học nghề có vẻ nghe không sang, nhưng với mình việc có một tấm bằng đại học không quan trọng bằng học được gì và có kỹ năng gì sau ba năm", chàng trai xứ Nghệ nói về quyết định đi học cao đẳng hồi năm 2015 dù có lực học khá.

Đến hết tháng 8/2022, các trường cao đẳng, trung cấp tuyển được 162.343 sinh viên, trong đó có 75.362 sinh viên hệ cao đẳng - theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Ông Đỗ Văn Giảng đánh giá đây là "tín hiệu tốt", nhiều em đã nhận ra bản thân phù hợp với cái gì và cần gì chứ không còn mơ mộng phải vào đại học để trở thành kỹ sư, bác sĩ, ông nọ bà kia như trước.

Những nghề, vị trí việc làm không cần đến kiến thức ở bậc đại học, thì việc thí sinh lựa chọn học cao đẳng không thể coi là "lãng phí" hay vô lý. "'Lùa' hết học sinh vào học đại học, biến đại học thành giáo dục đại trà mới là vô lý", ông Giảng nêu quan điểm và cho rằng sau khi tốt nghiệp, những sinh viên có năng lực, cảm thấy việc học đại học, sau đại học là cần thiết thì có thể học liên thông hoặc chính quy.

Nguyễn Huy Hoàng đang chuẩn bị đồ đạc để lên Hà Nội nhập học vào tháng 10 tới. "Em xác định học tập nghiêm túc, tranh thủ nâng cao kỹ năng để ra trường đạt mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng", Hoàng nói và tin con số này khả quan với lao động lành nghề, khi ôtô đang ngày càng phổ biến.

1 149 lượt xem