5 trường đại học Việt Nam thu nghìn tỷ mỗi năm

5 trường đại học Việt Nam thu nghìn tỷ mỗi năm, mời các bạn đón xem:

1 113 lượt xem


5 trường đại học Việt Nam thu nghìn tỷ mỗi năm

Cả nước có năm đại học đạt doanh thu trên một nghìn tỷ đồng mỗi năm, tỷ lệ giảng viên có thu nhập trên 300 triệu/năm tăng, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Báo cáo tại hội nghị Tự chủ đại học năm 2022 diễn ra ngày 4/8, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết hiện cả nước có 141/232 trường đại học đủ điều kiện tự chủ theo quy định của Luật Giáo dục đại học. Với việc tự chủ, hiện có năm trường đạt doanh thu trên một nghìn tỷ đồng một năm.

Hai trong số năm trường này là cơ sở giáo dục công lập gồm Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Kinh tế TP HCM. Ba trường còn lại thuộc nhóm tư thục gồm Đại học FPT, Văn Lang và Công nghệ TP HCM.

Ngoài năm trường trên, top 10 đại học có tổng thu cao nhất theo khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo còn có Đại học Kinh tế quốc dân, Công nghiệp TP HCM, Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, Bách khoa TP HCM, Nguyễn Tất Thành.

Hiện có 32,76% trường đại học đã tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, 13,79% trường tự bảo đảm chi thường xuyên. Đánh giá chung về nâng cao năng lực tài chính của các trường tự chủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết tổng thu của các trường đa phần tăng lên trong giai đoạn 2018-2021.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn báo cáo về tự chủ đại học tại hội nghị Tự chủ đại học năm 2022, sáng 4/8 ở Đại học Kinh tế quốc dân

Cùng với tăng doanh thu, thu nhập của giảng viên cũng tăng trong ba năm qua, trong đó thu nhập bình quân của giảng viên tăng 20,8% và cán bộ quản lý tăng 18,7%.

Năm 2018, tỷ lệ giảng viên thu nhập dưới 100 triệu đồng một năm chiếm 26,2%, nhưng đến năm 2021 chỉ còn 12,7%. Tỷ lệ giảng viên thu nhập dưới 150 triệu đồng một năm cũng giảm từ 57,5% xuống còn 46,3%.

Trong khi đó, giảng viên có thu nhập trên 200 triệu đồng một năm tăng từ 19,4% lên 31,34%, thu nhập trên 300 triệu trở lên tăng từ 0,75% lên 5,97% sau ba năm thực hiện tự chủ.

Số lượng trường đại học có thu nhập trung bình của giảng viên mỗi năm từ trên 50 đến trên 400 triệu mỗi năm (tương quan năm 2018 và 2021).

Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá kết quả trên đạt được là nhờ việc đa phần các trường tích cực triển khai tự chủ tài chính toàn diện và sâu rộng. Khoảng 90% trường tham gia khảo sát nhận định các chính sách về tự chủ, quy chế tài chính và chi tiêu nội bộ thuận lợi trong triển khai và chính sách mang lại tác động tích cực cho các trường.

Ngoài những tác động liên quan đến doanh thu, thu nhập của giáo viên, tự chủ đại học cũng tạo ra nhiều kết quả tích cực khác như số lượng bài báo quốc tế trong danh mục Web of Science (WoS) tăng 3,5 lần sau bốn năm. Số bài báo trong danh mục SCOPUS tăng thêm hơn 4 lần. Sản phẩm của các đề tài, dự án, chương trình khoa học và công nghệ cấp Bộ của các đơn vị trực thuộc Bộ đã tăng đáng kể trong các năm qua, trung bình 25%/năm.

85% trường tham gia khảo sát khẳng định việc tự chủ toàn diện, sâu rộng về tuyển sinh và đào tạo dẫn đến các kết quả đạt được tích cực.

Nguồn thu của các trường đại học công lập chủ yếu đến từ ngân sách nhà nước, học phí và các nguồn thu khác (thu từ chuyển giao công nghệ, các hoạt động dịch vụ, hiến tặng, hợp tác công tư...). Dù đang ngày càng đa dạng hoá nguồn thu, học phí vẫn là nguồn thu lớn và quan trọng nhất. Mức thu học phí của các trường hiện rất đa dạng. Với các chương trình hệ đại trà, học phí dao động từ 15 đến 40 triệu đồng, nhóm ngành sức khoẻ có thể có mức thu cao hơn. Các chương trình tiên tiến, chất lượng cao hay chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, liên kết quốc tế có mức học phí cao hơn rất nhiều, có thể lên tới 100-200 triệu mỗi năm.

1 113 lượt xem