Đề thi vào 10 môn Ngữ văn TP. Đà Nẵng chính thức (2022) có đáp án

Đề thi vào 10 môn Ngữ văn TP. Đà Nẵng chính thức (2022) có đáp án chi tiết giúp học sinh ôn luyện để đạt điểm cao trong kì thi vào 10 môn Ngữ văn. Mời các bạn cùng đón xem:

1 993 05/05/2023
Mua tài liệu


Chỉ 100k mua trọn bộ Đề thi vào 10 môn Ngữ Văn bản word có lời giải chi tiết:

B1: Gửi phí vào tài khoản 0711000255837 - NGUYEN THANH TUYEN - Ngân hàng Vietcombank (QR)

B2: Nhắn tin tới zalo Vietjack Official - nhấn vào đây để thông báo và nhận giáo án.

Xem thử tài liệu tại đây: Link tài liệu

Đề thi vào 10 môn Ngữ văn TP. Đà Nẵng chính thức (2022) có đáp án

Đề thi vào 10 môn Ngữ văn TP. Đà Nẵng - 2022

Câu 1. (2,0 điểm) Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

TÌNH YÊU PHẢI CẢM NHẬN BẰNG TRÁI TIM 

Có một cô bé giận dỗi mẹ đã chạy ra ngoài. Cô bé lang thang trên đường rất lâu, vừa đói vừa khát.

Đúng lúc ấy, cô nhìn thấy có một quán mì ven đường, mùi thơm của mì nóng thật là hấp dẫn! Cô bé đứng ở bên cạnh quán mì, thèm nhỏ nước dãi. Cô chủ quán liền nói: “Cô bé, Có ăn mì không?".

“Nhưng... cháu không có tiền!”.

“Không sao, trông cháu có vẻ đói lắm rồi, mau ăn đi!” Cô chủ quán nhanh tay làm cho cô bé một bát. Ăn bát mì nóng hổi mà cô bé không kìm được nước mắt. Ăn xong, cô bé luôn miệng cảm ơn cô bán hàng.

"Không cần cảm ơn cô, chỉ là một bát mì thôi mà! Ngày nào cháu cũng ăn cơm nóng canh ngọt của mẹ, cháu có nhớ cảm ơn mẹ không?"

Cô bé không biết nói gì.

- Cô bé, cô đoán là cháu đang giận bố mẹ chuyện gì nên mới bỏ nhà chạy ra đây. Cháu biết nói cảm ơn với một người xa lạ cho cháu một bát mì, tại sao lại không coi trọng những việc bố mẹ đã làm cho mình? Cháu mau về nhà đi, người nhà chắc đang lo lắm đấy!”

Cô bé vội vàng chạy về nhà, mẹ cô bé đang đứng ở cửa, lo lắng nhìn ra ngoài, vừa nhìn thấy cô bé về liền ôm chầm lấy. Cô bé ôm lấy mẹ thật chặt, vừa khóc vừa nói: “Mẹ ơi, con xin lỗi, mẹ hãy tha thứ cho con nhé!" .

Người mẹ vô cùng kinh ngạc, sau đó hôn lên má con gái và nói: “Con ngoan của mẹ, con lớn thật rồi!".

(Ngọc Linh biên soạn, 168 câu chuyện hay nhất, Phẩm chất - thói quen tốt, NXB Thế giới, 2016, tr. 135-136) 

a) Hãy cho biết từ in đậm thực hiện phép liên kết nào? (0,5 điểm)

b) Xác định một thành phần biệt lập và gọi tên thành phần biệt lập đó trong câu văn được gạch chân. (0,5 điểm)

c) Theo em, vì sao cô bé vội vàng chạy về nhà và xin lỗi mẹ? (0,5 điểm)

d) Qua câu chuyện, em rút ra được bài học gì cho bản thân? (0,5 điểm)

Câu 2. (3,0 điểm)

Viết một đoạn văn hoặc bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của việc biết trân trọng những điều bình dị quanh ta.

Câu 3. (5,0 điểm) Phân tích một trong hai đoạn trích sau để thấy được vẻ đẹp của tình đồng chí, đồng đội:

Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh

Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi.

Áo anh rách vai

Quần tôi có vài mảnh vá

Miệng cười buốt giá

Chân không giày

Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.

Đêm nay rừng hoang sương muối"

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo.

(Chính Hữu, Đồng chí, Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr. 129) 

Chị Thao lại gần khi Nho đã nằm tinh tươm, sạch sẽ trên chiếc giường ghép bằng những thanh gỗ to.

- Không chết đâu. Đơn vị đang làm đường kia mà. Việc gì phải khiến cho nhiều người lo lắng. Ở, cái bà này ! Sao bà cứ cuống quýt lên vậy ?

- Thường thế, người ngoài cảm thấy đau hơn người bị thương mà.

Chị Thao quay mặt ra cửa hang, lại uống nước trong bị động. Nho gác một cánh tay lên mặt. Nó cũng biết bây giờ không nên uống nước. Tôi pha sữa cho nó trong cái ca sắt.

- Cho nhiều đường vào. Pha đặc - Chị Thảo bảo.

Uống sữa xong. Nho ngủ. Máy bay trinh sát vẫn nạo vét sự yên lặng của núi rừng. Chị Thảo dựa vào tường, hai tay quàng sau gáy, không nhìn tôi,

- Hát đi, Phường Định, mày thích bài gì nhất, hát đi ! . [...] Nhưng tôi không muốn hát lúc này. Tôi đâm cáu với chị Thao, mặc dù, tôi hiểu, những tình cảm gì đang quay cuồng trong chị. Chị cứ đưa mắt nhìn Nho, lấy tay sửa cái cổ áo, cái ve áo và tóc nó. Chị không khóc đó thôi, chị không ưa cả nước mắt. Nước mắt đứa nào chảy trong khi cần cái cứng cỏi của nhau này là bị xem như bằng chứng của một sự tự nhục mạ. Không ai nói với ai, nhưng nhìn nhau, chúng tôi đọc thấy trong mắt nhau điều đó.

(Lê Minh Khuê, Những ngôi sao xa xôi, Ngữ văn 9, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr. 119)

ĐÁP ÁN

Câu 1.

a. Từ “cô bể thực hiện phép liên kết là: phép lặp.

b. Thành phần biệt lập: Mẹ ơi (ơi) - thành phần gọi đáp.

c. Cô bé vội chạy về nhà và xin lỗi mẹ vì:

- Cô bé cảm thấy ân hận vì hành động đã bỏ nhà ra đi của mình.

- Quan trọng hơn, cô bé nhận ra rằng từ trước đến nay mình chưa biết trân trọng những điều mẹ đã làm cho mình, coi những việc làm của mẹ cho mình là đương nhiên và cô chỉ biết giận dỗi vô cớ. Bởi vậy, cô bé đã chạy về nhà và xin lỗi mẹ.

d. HS từ câu chuyện rút ra bài học cho mình sao cho phù hợp với bài đọc hiểu.

Gợi ý: Chúng ta phải biết ơn cha mẹ.

Câu 2.

a. Yêu cầu về mặt hình thức: Viết đoạn văn hoặc bài văn ngắn. (chú ý nếu viết bài văn cần có đầy đủ bố cục 3 phần).

b. Yêu cầu về mặt nội dung:

* Xác định vấn đề nghị luận: Ý nghĩa của việc biết trân trọng những giá trị bình dị quanh ta.

- Giải thích:

+ Những điều bình dị quanh ta: Là những điều nhỏ bé, xuất hiện hàng ngày trong cuộc sống mà đôi khi con người quên mất những giá trị của nó.

=> Trân trọng những điều bình dị là điều cần thiết để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

- Ý nghĩa của việc trân trọng những điều bình dị trong cuộc sống:

+ Trân trọng những điều bình dị khiến con người cảm nhận được hạnh phúc quanh mình từ đó biết yêu thương và trân trọng cuộc sống hơn.

+ Trân trọng những điều bình dị con người sẽ biết yêu thương từ những điều nhỏ nhặt nhất hình thành trái tim nhân ái, lòng trắc ẩn.

+ Trân trọng những điều bình dị là bước đệm để con người đi tới và trân trọng những điều lớn lao hơn trong cuộc sống.

+ Người biết trân trọng những điều bình dị đôi khi nhận lại được rất nhiều giá trị.

- Liên hệ:

+ Con người nên học cách sống chậm lại, quan sát và cảm nhận thiên nhiên con người, biết yêu thương quý trọng tất cả từ những điều nhỏ nhặt nhất.

+ Tránh thói quen sống vội mà quên đi mất những điều ý nghĩa luôn tồn tại quanh mình.

Câu 3.

Đoạn trích 1.

1. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về tác giả Chính Hữu và bài thơ Đồng chí.

- Dẫn dắt vấn đề nghị luận: vẻ đẹp tình đồng chí thắm thiết sâu nặng của những người lính thời kháng chiến chống Pháp.

2. Thân bài

2.1 Khái quát chung về bài thơ

- Hoàn cảnh ra đời của bài thơ: Bài thơ được sáng tác vào mùa xuân năm 1948, thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp, sau khi tác giả cùng đồng đội tham gia chiến đấu trong chiến dịch Việt Bắc (Thu - Đông năm 1947) đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn của Pháp lên chiến khu Việt Bắc.

2.2 Phân tích vẻ đẹp tình đồng chí

a) Vẻ đẹp của sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc những tâm tư thầm kín

- Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình của nhau, thấu hiểu nỗi lòng riêng tư của người bạn lính, chia sẻ niềm thương nhớ, nặng lòng với quê hương bạn:

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày

Gian nhà không mặc kệ gió lung lay

- Hiểu được sự hy sinh thầm lặng, sự nhớ thương mong ngóng của những người ở hậu phương

+ Hình ảnh hoán dụ giếng nước, gốc đa gợi lên hình ảnh về quê hương, người thân nơi hậu phương của người lính

+ Họ cùng sống với nhau trong kỉ niệm, nỗi nhớ nhà, cùng nhau vượt lên nỗi nhớ đó để chiến đấu

b) Vẻ đẹp của việc đồng cam cộng khổ với hoàn cảnh chiến đấu ác liệt, đau thương

- Họ chia sẻ những gian lao, khổ cực, thiếu thốn trong cuộc đời người lính “Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi”, “áo rách vai”, “chân không giày”

- Họ cùng nhau trải qua khó khăn, khắc nghiệt trong chiến đấu

+ Tác giả xây dựng những câu thơ sóng đôi, đối ứng nhau, bao giờ người lính cũng nhìn bạn nói về bạn trước khi nói tới mình

+ Cách nói thể hiện nét đẹp thương người như thể thương thân, trọng người hơn mình

+ Tình đồng chí, tri kỉ đã giúp họ vượt lên trên buốt giá

- Họ quên mình để động viên nhau, cùng nhau vượt lên trên buốt giá và những bàn tay động viên, truyền cho nhau hơi ấm

“Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”

- Yêu thương nhau bằng cả tấm lòng chân thành sâu nặng với những cử chỉ nghĩa tình

- Họ cùng nhau vượt qua mọi gian khổ với tinh thần lạc quan, sức mạnh của tình đồng đội “miệng cười buốt giá”

→ Sức mạnh của tình đồng chí được thể hiện trong khó khăn gian khổ

c) Biểu tượng cao đẹp về tình đồng chí

- Tình đồng chí được tôi luyện khi họ cùng nhau sát cánh thực hiện nhiệm vụ đánh giặc

- Chính ở nơi thử thách, ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết gần kề, tình đồng chí thực sự thiêng liêng cao đẹp.

Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo

- Trên nền khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ nhưng cũng khắc nghiệt, những người lính với tư thế chủ động “chờ” giặc thật hào hùng.

- Hai câu thơ cuối đối nhau thật chỉnh khi ca ngợi tình đồng chí giúp người lính vượt lên tất cả khó khăn, khắc nghiệt của thời tiết.

- Hình ảnh "đầu súng trăng treo" bất ngờ là điểm nhấn làm sáng bừng bài thơ: đây là sự kết hợp giữa chất hiện thực và lãng mạn.

+ Nghĩa tả thực: người lính cầm súng hướng lên trời, người lính như thấy trăng treo lơ lửng nơi họng súng

+ Ý nghĩa biểu tượng: "súng" biểu tượng cho đấu tranh khó khăn nguy hiểm, là hiện thực khốc liệt của chiến tranh; "trăng" là biểu tượng thanh mát, yên bình.

=> Hình ảnh này kết hợp, cô đọng vẻ đẹp tâm hồn người lính với sự tỏa sáng vẻ đẹp của tình đồng chí, khiến người lính ngay cả trong hiểm nguy vẫn bình thản, lãng mạn.

2.3 Giá trị nghệ thuật

- Ngôn ngữ thơ cô đọng hình ảnh chân thực gợi tả có sức khái quát cao, nhằm diễn tả cụ thể tình cảm thiêng liêng cao đẹp - tình đồng chí.

- Giọng thơ sâu lắng, xúc động như lời tâm tình tha thiết.

3. Kết bài

- Nêu cảm nhận, đánh giá chung của em về tình đồng chí thể hiện trong đoạn trích

Đề thi vào 10 môn Ngữ văn TP. Đà Nẵng - 2021

Đề thi vào 10 môn Ngữ văn TP. Đà Nẵng chính thức (2022) có đáp án (ảnh 1)

ĐÁP ÁN 

Câu 1

a) Là lời dẫn trực tiếp

b) Thành phần khởi ngữ:: "Đối với tôi"

c) Theo em, lý do cậu bé vui sướng tột độ khi mua được món quà tặng anh trai là vì:

- Cậu bé nghèo không nghĩ mình có khả năng mua một món quà tặng cho anh trai

- Hơn hết cả là vì tình yêu thương mà cậu bé dành cho anh.

- Cũng có thể cậu bé cảm nhận được sự giúp đỡ của chủ cửa hàng và nâng niu, trân trọng, biết ơn sự giúp đỡ ấy.

d) Nhân vật người cha trong đoạn trích là:

- Một người giàu lòng yêu thương, biết quan tâm giúp đỡ người khác.

- Tinh tế trong cách giúp đỡ những người gặp khó khăn.

Câu 2. (Các em có thể lựa chọn viết thành đoạn văn hoặc bài văn)

I. Mở bài:

- Giới thiệu về ý nghĩa của sự tế nhị khi giúp đỡ người khác.

II. Thân bài:

a. Giải thích:

- Tế nhị là tránh nói thẳng vào những điều khó nói, nhạy cảm, dung tục hay điều có thể gây đau buồn hoặc kinh sợ ở người khác.

- Giúp đỡ:

+ Là sự đồng cảm, luôn thấu hiểu và quan tâm đến người khác

+ Là san sẻ những gì mình có với người khác

+ Cùng vui cùng buồn với người khác, khi họ gặp khó khăn, gian khổ

=> Khẳng định ý nghĩa của sự tế nhị khi giúp đỡ người khác là đức tính tốt, cần phát huy.

b. Bàn luận

- Biểu hiện của sự tế nhị khi giúp đỡ người khác.

+ Luôn sẵn sàng mở lòng giúp đỡ những người xung quanh. Cho đi mà không yêu cầu đền đáp.

+ Sống trung thực, không gian dối, vụ lợi.

+ Sống đúng lương tâm, suy nghĩ, cảm xúc của bản thân....

- Dẫn chứng: HS lấy dẫn chứng phù hợp

- Ý nghĩa của sự tế nhị khi giúp đỡ người khác.

+ Luôn được mọi người kính trọng, nể phục.

+ Bản thân có được sự thanh thản trong tâm hồn.

- Tại sao cần phải tế nhị khi giúp đỡ người khác?

+ Sự tế nhị khi giúp đỡ người khác chính là biểu hiện của niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp.

+ Khi bạn biết đối xử giúp đỡ với mọi người cũng là lúc bạn nhận được sự giúp đỡ từ xã hội. Như vậy tử tế sẽ khiến cho các mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn.

+ Sự tế nhị khi giúp đỡ người khác là biểu hiện của sự thiện tâm, đức độ. Khi con người biết làm đẹp tâm của mình, khi đó họ mới trở thành người thực sự có giá trị.

+ Giảm bớt tệ nạn xã hội, cải thiện bộ mặt xã hội

+ Mang lại mái ấm, hạnh phúc và cơ hội mới cho các em

c. Phản đề: - Phê phán những con người sống ích kỉ, giả dối.

- Những người sống vô cảm, không biết yêu thương con người, đối xử tệ bạc với nhau.

d. Liên hệ, rút ra bài học:

- Sự tế nhị khi giúp đỡ người khác là rất quan trọng trong cuộc sống.

- Em đã thể hiện lối sống của mình trong cuộc sống như thế nào?

3. Kết bài

Mở rộng, kết luận lại vấn đề: Đó là một truyền thống quý báu của dân tộc, cần giữ gìn và phát huy.

Câu 3.

Dàn ý đoạn 1

1. Mở bài

– Huy Cận (1919-2005), tên đầy đủ là Cù Huy Cận,quê: tỉnh Hà Tĩnh, là nhà thơ tiêu biểu cho nền thơ hiện đại Việt Nam từ sau năm 1945:

+ Trước Cách mạng tháng Tám,thơ ông giàu chất triết lí, thấm thía bao nỗi buồn, tràn ngập cái sầu nhân thế.

+ Sau Cách mạng, thơ Huy Cận dạt dào niềm vui, là bài ca vui về cuộc đời, là bài thơ yêu thiên nhiên, con người và cuộc sống.

– Bài thơ được viết vào giữa năm 1958, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đã kết thúc thắng lợi, miền Bắc được giải phóng và bắt tay vào công cuộc xây dựng cuộc sống mới. Niềm vui dạt dào tin yêu trước cuộc sống mới đang hình thành, đang thay da đổi thịt đã trở thành nguồn cảm hứng lớn của thơ ca lúc bấy giờ. Đặc biệt nó thể hiện

2. Thân bài

– Bút pháp lãng mạn, trí tưởng tượng phong phú của tác giả đã sáng tạo nên những hình ảnh đẹp khiến công việc lao động nặng nhọc của người đánh cá trở thành bài ca đầy niềm vui, nhịp nhàng cùng thiên nhiên:

Ta hát bài ca gọi cá vào

Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao

Biển cho ta cá nhưl òng mẹ

Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.

+ “Gõ thuyền” là công việc thực của người đánh cá, nhưng cái độc đáo ở đây là vầng trăng được nhân hóa, tham gia lao động cùng con người.

+ Người dân chài hát bài ca gọi cá, bài ca về lòng biết ơn mẹ biển giàu có, nhân hậu.

– Sao mờ, đêm tàn cũng là lúc người dân chài kéo lưới kịp trời sáng. Cảnh kéo lưới, bắt cá được miêu tả vừa chân thực, vừa đầy chất thơ với không khí khẩn trương, gấp gáp:

Sao mờ kéo lưới kịp trời sáng

Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng

Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông

Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.

Có thể nói, cảnh lao động đánh cá trên biển như bức tranh sơn mài rực rỡ. Người kéo lưới là trung tâm của cảnh được khắc họa rất độc đáo với thân hình gân guốc, chắc khỏe cùng thành quả thu về “vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông”. Màu hồng của bình minh làm ấm sáng bức tranh lao động. Thiên nhiên và con người cùng nhịp nhàng trong sự vận hành của vũ trụ.

– Đoàn thuyền đánh cá thắng lợi trở về trong bình minh rực rỡ, tráng lệ.

– Câu đầu của khổ thơ lặp lại gần như nguyên vẹn câu cuối của khổ thứ nhất, chỉ thay có một từ ( từ “với”) đem đến kết cấu đầu – cuối tương ứng, tạo sự hài hòa cân đối. Cấu trúc lặp lại ấy trở thành điệp khúc ngân nga, nhấn mạnh niềm vui lao động làm giàu đẹp quê hương và khắc họa đậm nét vẻ đẹp khỏe khoắn cùng niềm vui phấn khởi của người ngư dân.

– Phép tu từ nhân hóa: “Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời”cho thấy tư thế chủ động chinh phục biển trời, vũ trụ của người ngư dân. Đúng như lời bình của chính tác giả: “Bài thơ là cuộc chạy đua giữa con người với thiên nhiên và con người đã chiến thắng”.

– Nếu khổ thơ đầu, mặt trời xuống biển báo hiệu hoàng hôn thì ở khổ cuối lại là mặt trời đội biển – là ngày mới bắt đầu – ngày mới với thành quả lao động bội thu và niềm tin yêu phấn chấn.

– Câu thơ kết bài vừa mang ý nghĩa tả thực, vừa khiến người đọc liên tưởng tới một tương lai tươi sáng, huy hoàng: “Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi”. Ngày mới bắt đầu – thành quả lao động trải dài muôn dặm phơi – một cuộc đời mới đang sinh sôi, phát triển…

Kết bài: Khắc họa nhiều hình ảnh đẹp tráng lệ thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người lao động, bộc lộ niềm vui, niềm tự hào của nhà thơ trước đất nước và cuộc sống.

Dàn ý đoạn 2

1, Mở bài:

- Giới thiệu tác giả: Phạm Tiến Duật là nhà thơ lớn, có nhiều sáng tác, trưởng thành trong đội ngũ các nhà thơ thời kháng chiến chống Mĩ.

- Giới thiệu tác phẩm: “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” được sáng tác năm 1969 và được in trong tập Vầng trăng quầng lửa năm 1970.

- Dẫn dắt đoạn trích: khoảnh khắc đẹp đẽ thể hiện tình đồng chí đồng đội của những người lính lái xe không kính; đó là lòng yêu nước, ý chí chiến đấu giải phòng miền Nam.

2. Thân bài

*Sâu sắc hơn,bằng ống kính điện ảnh của người nghệ sĩ, nhà thơ đã ghi lại những khoảnh khắc đẹp đẽ thể hiện tình đồng chí đồng đội của những người lính lái xe không kính:

Những chiếc xe từ trong bom rơi

Đã về đây họp thành tiểu đội

Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới

Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.

Chính sự khốc liệt của chiến tranh đã tạo nên tiểu đội xe không kính. Những chiếc xe từ khắp mọi miền Tổ quốc về đây họp thành tiểu đội.Cái “bắt tay” thật đặc biệt “Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi”. Xe không kính lại trở thành điều kiện thuận lợi để các anh thể hiện tình cảm. Cái bắt tay thể hiện niềm tin, truyền cho nhau sức mạnh, bù đắp tinh thần cho những thiếu thốn về vật chất mà họ phải chịu đựng. Có sự gặp gỡ với ý thơ của Chính Hữu trong bài thơ “Đồng chí” : “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay” nhưng hồn nhiên hơn, trẻ trung hơn. Đó là quá trình trưởng thành của thơ ca, của quân đội Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc. Tình đồng chí, đồng đội còn được thể hiện một cách ấm áp, giản dị qua những giờ phút sinh hoạt của họ:

Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời

Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy

Võng mắc chông chênh đường xe chạy

Lại đi lại đi trời xanh thêm.

+ Gắn bó trong chiến đấu, họ càng gắn bó trong đời thường.Sau những phút nghỉ ngơi thoáng chốc và bữa cơm hội ngộ, những người lính lái xe đã xích lại thành gia đình: “Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy”. Cách định nghĩa về gia đình thật lính, thật tếu hóm mà thật chân tình sâu sắc. Đó là gia đình của những người lính cùng chung nhiệm vụ, lí tưởng chiến đấu.

+ Điệp ngữ “lại đi” và hình ảnh “trời xanh thêm” tạo âm hưởng thanh thản, nhẹ nhàng, thể hiện niềm lạc quan, tin tưởng của người lính về sự tất thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Câu thơ trong vắt như tâm hồn người chiến sĩ, như khát vọng, tình yêu họ gửi lại cho cuộc đời.

=> Chính tình đồng chí, đồng đội đã biến thành động lực giúp các anh vượt qua khó khăn, nguy hiểm, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thân yêu.Sức mạnh của người lính thời đại Hồ Chí Minh là vẻ đẹp kết hợp truyền thống và hiện đại. Họ là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là hình tượng đẹp nhất của thế kỷ “Như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi” (Tố Hữu).

*Khổ thơ cuối đã hoàn thiện vẻ đẹp của người lính, đó là lòng yêu nước, ý chí chiến đấu giải phòng miền Nam:

Không có kính rồi xe không có đèn

Không có mui xe, thùng xe có xước

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:

Chủ cần trong xe có một trái tim.

– Giờ đây những chiếc xe không chỉ mất kính mà lại không đèn, không mui, thùng xe có xước. Chiếc xe đã biến dạng hoàn toàn. Người lính xế lại chất chồng khó khăn. Sự gian khổ nơi chiến trường ngày càng nâng lên gấp bội lần nhưng không thể làm chùn bước những đoàn xe nối đuôi nhau ngày đêm tiến về phía trước.

– Nguyên nhân nào mà những chiếc xe tàn dạng ấy vẫn băng băng chạy như vũ bào? Nhà thơ đã lí giải: “Chỉ cần trong xe có một trái tim”.

+ Câu thơ dồn dập cứng cáp hẳn lên như nhịp chạy của những chiếc xe không kính. Từ hàng loạt những cái “không có” ở trên, nhà thơ khẳng định một cái có, đó là “một trái tim”.

+ “Trái tim” là một hoán dụ nghệ thuật tu từ chỉ người chiến sĩ lái xe Trường Sơn năm xưa. Trái tim của họ đau xót trước cảnh nhân dân miền Nam sống trong khói bom thuốc súng, đất nước bị chia cắt thành hai miền.

+ Trái tim ấy dào dạt tình yêu Tổ quốc như máu thịt, như mẹcha, như vợ như chồng… Trái tim ấy luôn luôn sục sôi căm thù giặc Mỹ bạo tàn.

=> Yêu thương, căm thù chính là động lực thôi thúc những người chiến sĩ lái xe khát khao giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Để ước mơ này trở thành hiện thực,chỉ có một cách duy nhất: vững vàng tay lái, cầm chắc vô lăng. Vì thế thử thách ngày càng tăng nhưng tốc độ và hướng đi không hề thay đổi.

=> Đằng sau những ý nghĩa ấy, câu thơ còn muốn hướng con người về chân lý thời đại của chúng ta: sức mạnh quyết định chiến thắng không phải là vũ khí mà là con người giàu ý chí, anh hùng, lạc quan, quyết thắng.

=> Có thể coi câu thơ cuối là câu thơ hay nhất của bài thơ. Nó là nhãn tự, là con mắt thơ, bật sáng chủ đề, tỏa sáng vẻ đẹp hình tượng người lính lái xe thời chống Mỹ.

Kết bài: Cảm xúc của em về hình ảnh người chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn.

Dàn ý đoạn 3

1. Mở bài

- Y Phương là nhà thơ dân tộc Tày, thơ ông thể hiện tâm hồn chân thật, mạnh mẽ và trong sáng, cách tư duy giàu hình ảnh của người miền núi.

- Bài thơ ra đời vào năm 1980 – khi đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân cả nước nói chung, nhân dân các dân tộc thiểu số ở miền núi nói riêng vô cùng khó khăn, thiếu thốn.

- Dẫn dắt đoạn trích: Đức tính tốt đẹp của người đồng mình.

2. Thân bài

a. Người đồng mình biết lo toan và giàu mơ ước ( Giàu ý chí, nghị lực )

– Người đồng mình không chỉ là những con người giản dị, tài hoa trong cuộc sống lao động mà còn là những con người biết lo toan và giàu mơ ước:

Người đồng mình thươnglắm con ơi!

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chi lớn.

+ Nếu trên kia “ yêu lắm con ơi”– yêu cuộc sống vui tươi bình dị, yêu bản làng thơ mộng, yêu những tấm lòng chân thật nghĩa tình, thì đến đây người cha nói “thương lắm con ơi”– bởi sau từ “thương” đó là những những nỗi vất vả, gian khó của con người quê hương -> Người cha biểu lộ tình cảm yêu thương chân thành về gian truân, thửthách cùng ý chí mà người đồng mình đã trải qua.

+ Bằng cách tư duy độc đáo của người miền núi, Y Phương đã lấy cái cao vời vợi của trời để đo nỗi buồn, lấy cái xa của đất để đo ý chí con người.

+ Sắp xếp tính từ “cao”, “xa” trong sự tăng tiến, nhà thơ cho thấy khó khăn, thử thách càng lớn thì ý chí con người càng mạnh mẽ.

=> Có thể nói, cuộc sống của người đồng mình còn nhiều nỗi buồn, còn nhiều bộn bề thiếu thốn song họ sẽ vượt qua tất cả, bởi họ có ý chí và nghị lực, họ luôn tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của dân tộc.

b. Người đồng mình dù sống trong nghèo khổ, gian nan vẫn thủy chung gắn bó với quê hương, cội nguồn.

Sống trên đá không chê đá gập gềnh

Sống trong thung không chê thung nghèo đói

Sống như sông như suối

Lên thác xuống ghềnh

Không lo cực nhọc

+ Phép liệt kê với những hỉnh ảnh ẩn dụ “đá gập gềnh”, “thung nghèo đói” -> gợi cuộc sống đói nghèo, khó khăn, cực nhọc.

+ Vận dụng thành ngữ dân gian “Lên thác xuống ghềnh”, ý thơ gợi bao nỗi vất vả, lam lũ.

-> Những câu thơ dài ngắn, cùng những thanh trắc tạo ấntượng về cuộc sống trắc trở, gian nan, đói nghèo của quê hương.

+ Điệp ngữ “sống”, “không chê” và điệp cấu trúc câu cùng hình ảnh đối xứng đã nhấn mạnh: người đồng mình có thể nghèo nàn, thiếu thốn về vật chất nhưng họ không thiếu ý chí và quyết tâm. Người đồng mình chấp nhận và thủy chung gắn bó cùng quê hương, dẫu quê hương có đói nghèo, vất vả. Và phải chăng, chính cuộc sống nhọc nhằn, đầy vất vả khổ đau ấy đã tôi luyện cho chí lớn để rồi tình yêu quê hương sẽ tạo nên sức mạnh giúp họ vượt qua tất cả.

+ Phép so sánh “Sống như sông như suối” gợi vẻ đẹp tâm hồn và ý chí của người đồng mình. Gian khó là thế, họ vẫn tràn đầy sinh lực, tâm hồn lãng mạn, khoáng đạt như hình ảnh đại ngàn của sông núi. Tình cảm của họ trong trẻo, dạt dào như dòng suối, con sống trước niềm tin yêu cuộc sống, tin yêu con người.

c. Người đồng mình có ý thức tự lập, tự cường và tinh thần tự tôn dân tộc:

– Phẩm chất của người của con người quê hương còn được người cha  ca ngợi qua cách nói đối lập tương phản giữa hình thức bên ngoài và giá trị tinh thần bên trong, nhưng rất đúng với người miền núi:

Người đồng mình thô sơ da thịt

Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con

+ Lời thơ mộc mạc, giản dị nhưng chứa bao tâm tình.

+ Cụm từ “thô sơ da thịt” là cách nói bằng hình ảnh cụ thể của bà con dân tộc Tày, ngợi ca  những con người mộc mạc, giản dị, chất phác, thật thà, chịu thương, chịu khó.

+ Cụm từ “chẳng nhỏ bé” khẳng định sự lớn lao của ý chí, của nghị lực, cốt cách và niềm tin.

-> Sự tương phản này đã tôn lên tầm vóc của người đồng mình. Họ mộc mạc nhưng giàu chí khí, niềm tin. Họ có thể “thô sơ da thịt” nhưng không hề nhỏ bé về tâm hồn, về ý chí, về mong ước xây dựng quê hương:

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

Còn quê hương thì làm phong tục.

+ Lối nói đậm ngôn ngữ dân tộc – độc đáo mà vẫn chứa đựng ý vị sâu xa.

+ Hình ảnh “Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương” vừa mang tính tả thực (chỉ truyền thống làm nhà kê đá cho cao của người miền núi), vừa mang ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc.

+ Người đồng mình bằng chính bàn tay và khối óc, bằng sức lao động đã xây dựng và làm đẹp giàu cho quê hương, xây dựng để nâng tầm quê hương.

+ Còn quê hương là điểm tựa tinh thần với phong tục tập quán nâng đỡ những con người có chí khí và niềm tin.

-> Câu thơ đã khái quát về tinh thần tự tôn dân tộc, về ý thức bảo vệ nguồn cội, bảo tồn những truyền thống quê hương tốt đẹp của người đồng mình.

=> Ca ngợi những đức tính tốt đẹp của người đồng mình, cha mong con sống có tình nghĩa với quê hương, phải giữ đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” của cha ông từ bao đời để lại. Hơn nữa, con phải biết chấp nhận gian khó và vươn lên bằng ý chí của mình.

3. Kết bài.

Đề thi vào 10 môn Ngữ văn TP. Đà Nẵng - 2020

Sở GD&ĐT Đà Nẵng

ĐỀ CHÍNH THỨC

KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10

NĂM HỌC: 2020 - 2021

Môn: Văn

Câu 1. (2,0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời cho câu hỏi.

Maiconln Dalkoff là một cậu bé nhút nhát, dễ bị tổn thương. Cậu có rất ít bạn và luôn phải lủi thủi một mình.

Một lần, cô giáo đọc cho cả lớp một đoạn truyện ngắn "Loài vật là bạn thân của con người", sau đó phân công một học sinh tự viết đoạn kết cho câu chuyện.Dalkoff thích lắm, ngay chieeufhoom ấy cậu đã hoàn thành bài viết của mình. Nhưng mãi cậu mới củ đủ tự tin đem nộp truyện của mình cho cô giáo vào học tuần sau.

[...]

Nhiều năm trôi qua, Malcolm Dalkof đã trở thành một nhà văn nổi tiếng thay cho cậu bé Malcolm Dalkoff tự ti ngày nào. Cậu trở về thăm trườnng cũ và thăm lại cô giáo ngày xưa của mình. Điều cậu phải cảm ơn cô không phải vì cô đã trở thành một người bạn của cậu mà chính là bốn chữ đầu tiên cô đã từng phê: “Em viết hay lắm", bởi những chữ ấy đã có thể thay đổi cả một cuộc đời.

(Nhiều tác giả, Trái tim có điều kỳ diệu, Nhà xuất bản Trẻ, 2002)

a) Hãy cho biết các từ ngữ được gạch chân thực hiện phép liên kết nào? (0,5 điểm)

b) Tìm khởi ngữ trong câu: Đối với Dalkoff, điều quan trọng nhất mà cũng là điều cậu nhỏ nhất lại chính là bốn chữ cô giáo đã phê: “Em viết hay lắm!”. (0,5 điểm)

c) Vì sao lời phê của Cô giáo: “Em viết hay lắm!" đã làm thay đổi toàn bộ cuộc đời Malcolm Dalkoff? (0,5 điểm)

d) Em Có đồng tình với điều mà Malcolm Dalkoff nghĩ về cô giáo của mình: “Cô ấy đúng là một cô giáo tuyệt vời!” không? Vì sao? (0,5 điểm)

Câu 2. (3,0 điểm).

Viết một đoạn văn hoặc bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của lời khen trong cuộc sống.

Câu 3. (5,0 điểm)

Cảm nhận của em về tình bà cháu trong hai đoạn thơ sau:

Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi,
Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy,
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay!

(...)

Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm,
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi,
Nhóm niềm xôi gạo mới, sẻ chung vui,
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ...
Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa!

(Bằng Việt, Bếp lửa, Ngữ văn 9, Tập một, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2020)

ĐÁP ÁN 

Câu 1

a) Các từ ngữ được gạch chân thực hiện phép liên kết: phép thế.

b) Khởi ngữ: Đối với Dalkoff

c) Lời phê của cô giáo: “Em viết hay lắm!” đã làm thay đổi toàn bộ cuộc đời của Malcolm Dalkoff vì:

- Thể hiện sự công nhận đối với những việc làm tốt của Malcolm Dalkoff.

- Lời động viên, khích lệ, truyền cho Malcolm Dalkoff niềm tin vào khả năng của chính mình.

d) Học sinh đưa ra quan điểm riêng của mình.

Gợi ý: Đồng tình.

Vì:

- Cô giáo đã truyền cho Malcolm Dalkoff cảm hứng để cậu bé tiếp tục làm những điều mình thích, tin tưởng vào năng lực của mình.

- Cô dành tình yêu thương và sự quan tâm tới một học trò đặc biệt.

Câu 2.

Giới thiệu vấn đề: ý nghĩa lời khen trong cuộc sống.

Giải thích vấn đề: 

- Lời khen là những ngôn ngữ thể hiện sự đánh giá tốt, vừa lòng về một người, sự vật hay hành động nào đó.

=> Lời khen có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống con người.

Bàn luận vấn đề 

- Ý nghĩa của lời khen trong cuộc sống:

+ Lời khen thể hiện sự công nhận của ai đó về một việc làm có ảnh hưởng tích cực của người nào đó. Việc biết công nhận thành quả của người khác thể hiện người khen ngợi là một người hiểu biết và biết chia sẻ.

+ Lời khen là lời động viên, truyền cảm hứng cho người được khen ngợi.

+ Lời khen chân thành giúp cho người được khen ngợi có động lực để cống hiến, tin tưởng vào khả năng của mình.

- Những trường hợp xứng đáng được khen ngợi:

+ Trẻ con có thành tích học tập tốt, vâng lời cha mẹ, giúp đỡ người già,...

+ Ai đó hoàn thành công việc xuất sắc so với khả năng của họ tin tưởng

- Phân biệt khen ngợi chân thành với nịnh hót.

- Phê phán những người không bao giờ biết khen ngợi người khác.

Liên hệ bản thân và tổng kết

Câu 3

Mở bài

- Tác giả: Nhà thơ Bằng Việt tên khai sinh là Nguyễn Việt Bằng, sinh năm 1941, quê ở huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Bằng Việt làm thơ từ đầu những năm 60 của thế kỷ XX và thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

+ Phong cách sáng tác: Thơ Bằng Việt thường nghiêng về một lời tâm sự, một sự trao đổi suy nghĩ, gây được cảm giác gần gũi, thân thiết đối với người đọc. Thơ ông thường sâu lắng, trầm tư thích hợp với người đọc thơ trong sự trầm tĩnh, vắng lặng.

+ Giải thưởng: Tác giả đã được nhận giải nhất văn học – nghệ thuật Hà Nội năm 1967 với bài thơ “Trở lại trái tim mình”; giải thưởng chính thức về dịch thuật văn học quốc tế và phát triển giao lưu văn hóa quốc tế do Quỹ Hòa Bình (Liên Xô) trao tặng năm 1982.

- Tác phẩm:

+ Bài thơ được sáng tác năm 1963, khi tác giả đang là sinh viên học ngành luật ở nước ngoài.

+ Bài thơ được đưa vào tập “Hương cây – Bếp lửa” (1968), tập thơ đầu tay của Bằng Việt in chung với Lưu Quang Vũ.

+ Đoạn thơ nói lên những suy nghĩ của cháu về bà.

Thân bài. Phân tích, cảm nhận Những kỉ niệm tuổi thơ sống bên bà và bếp lửa: 

- Lên 4 tuổi: là những kỉ niệm đầu tiên khi cháu bắt đầu biết nhớ.

- Đó là một tuổi thơ: Có bóng đen ghê rợn của nạn đói: “đói mòn đói mỏi”, “khô rạc ngựa gầy”, “khói hun nhèm mắt”

=> khung cảnh ảm đạm, nỗi ám ảnh đã từng đè nặng nhiều cuộc đời trong quá khứ.

- > Đó cũng là hoàn cảnh chung của biết bao trẻ em sinh ra trong những năm tháng kháng chiến nhiều gian khổ, hi sinh.

- Khi ấy, cháu cùng bà nhóm lửa, khói hun nhèm mắt, chính cái mùi khói ấy đã xua đi cái mùi tử khí trên khắp các ngõ ngách làng quê và cũng chính cái mùi khói ấy đã in sâu, quyện chặt tâm hồn người cháu để rồi dù năm tháng có trôi qua, dấu ấn tuổi thơ ấy vẫn chẳng thể phai nhòa “nghĩ lại bây giờ sống mũi còn cay” là mùi khó hay chính tại bởi sự xúc động nghẹn ngào khiến tác giả cay nơi đầu sống mũi. Hoài niệm ấy đã xóa nhòa khoảng cách thời gian khiến quá khứ như đồng hiện trong hiện tại

Suy ngẫm về cuộc đời bà và bếp lửa:

- Suốt một đời lận đận, vất vả, bà đã và vẫn đang làm công việc nhóm lửa:

“Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa

Mấy chục năm rồi đến tận bây giờ

Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm”

+ Từ láy “lận đận” với điệp từ “nắng mưa” nhấn mạnh cháu chưa từng và chẳng thể nào quên cuộc đời bà, một cuộc đời đầy lo toan, vất vả.

+ Khôn lớn trưởng thành, cháu càng thấu hiểu những ý nghĩa cao cả, thiêng liêng từ một công việc rất đỗi bình dị của bà: nhóm lửa. Điệp từ nhóm điệp lại 4 lần với hai lớp nghĩa. Bà đã làm công việc khởi đầu của một ngày: nhóm bếp lửa mỗi sớm mai và làm công việc khởi đầu của một đời, đó là bồi đắp tâm hồn, thắp lên những tình cảm cao quý. Từ “nhóm” thứ nhất hiểu theo nghĩa thực: thắp lên ngọn lửa trong gian bếp để sưởi ấm, để nấu chín thức ăn.... Ba từ “nhóm” sau được hiểu theo nghĩa ẩn dụ: bà truyền cho cháu tình yêu thương ruột thịt, tình đoàn kết chia sẻ xóm làng và đặc biệt hơn bà đã khơi dậy những tâm tình tuổi nhỏ, thức tỉnh trong tâm hồn cháu biết bao ước mơ và tình cảm tốt đẹp

= > Như vậy đến đây ta thấy bà không chỉ là người nhóm lửa, giữ lửa mà còn là người truyền lửa. Ngọn lửa của tình yêu, của niềm tin, đức hi sinh không chỉ bà truyền cho cháu mà còn là của những thế hệ đi trước tiếp lửa cho thế hệ sau.

- Khám phá ra những ý nghĩa kì diệu, cao cả, thiêng liêng từ bếp lửa của bà, cháu sung sướng thốt lên:

“Ôi kì lạ và thiêng liêng bếp lửa”

Phép đảo ngữ, câu cảm thán với từ “ôi” đặt ở đầu câu bộc lộ sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng, và vui sướng của cháu. Bếp lửa ấy luôn hiện diện cùng bà, tỏa sáng vẻ đẹp của bà. Đứa cháu nhỏ cảm thấy thật bất ngờ khi phát hiện được những điều kì diệu thiêng liêng từ những thứ bình thường, giản dị. Cháu nhớ về bà, nhớ về Bếp lửa cũng chính là nhớ về quê hương, cội nguồn với tấm lòng tri ân sâu nặng.

Kết bài

- Giá trị nội dung: Qua hồi tưởng và suy ngẫm của người cháu đã trưởng thành, bài thơ “Bếp lửa” gợi lại những kỉ niệm đầy xúc động về người bà và tình bà cháu, đồng thời thể hiện lòng kính yêu, trân trọng và biết ơn của cháu đối với bà, cũng là đối với gia đình, quê hương, đất nước.

- Giá trị nghệ thuật: Bài thơ là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa biểu cảm với miêu tả, tự sự và bình luận. Thành công của bài thơ còn ở sự sáng tạo hình ảnh “bếp lửa” gắn liền với hình ảnh người bà, làm điểm tựa, khơi gợi một kỉ niệm, cảm xúc, suy nghĩ về bà và tình bà cháu.

1 993 05/05/2023
Mua tài liệu