Đề thi vào 10 môn Văn chính thức Tỉnh Bình Dương (2024 - 2025) mới nhất kèm đáp án

Đề thi vào 10 môn Văn chính thức Tỉnh Bình Dương (2024 - 2025) mới nhất kèm đáp án chi tiết giúp học sinh ôn luyện để đạt điểm cao trong kì thi tuyển sinh vào lớp 10. Mời các bạn cùng đón xem:

1 3,417 31/05/2024


Đề thi vào 10 môn Văn chính thức Tỉnh Bình Dương (2024 - 2025) mới nhất kèm đáp án

Đề thi vào 10 môn Văn chính thức Tỉnh Bình Dương (2024 - 2025) mới nhất kèm đáp án (ảnh 1)

Đề thi vào 10 môn Văn chính thức Tỉnh Bình Dương (2024 - 2025) mới nhất kèm đáp án (ảnh 1)

ĐÁP ÁN THAM KHẢO

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1.

Phương thức biểu đạt chính: miêu tả.

Câu 2.

Từ ngữ miêu tả cảnh thiên nhiên trong khổ 3 là: lúa trổ đòng tơ, cốm non, lá dài vươn sắc, cây hồng chín, tiếng chim.

Câu 3.

- Biện pháp tu từ nổi bật là nhân hóa: gió đuổi nhau, trái na mở mắt, nhìn ngơ ngác, đàn kiến trường chỉnh.

- Tác dụng:

+ Giúp câu thơ trở nên sinh động, các sự vật được nhân hóa gần gũi với con người, có hồn hơn.

+ Làm nổi bật khung cảnh thiên nhiên mùa thu.

+ Qua đó thể sự quan sát, trường liên tưởng tinh tế của tác giả.

(Các em cũng có thể nêu thêm : Đảo ngữ: Góc vườn rụng vội chiếc mo cau.)

Câu 4.

- Điểm giống nhau: Cả bài thơ đều lấy thiên nhiên để làm nổi bật lên khung cảnh mùa thu.

- Điểm khác nhau:

+ Trong bài thơ Chiều thu của Nguyễn Bính thì khung cảnh mùa thu hiện lên trong trẻo của bầu trời xanh, điểm vào đó là vài chấm đỏ của quả hồng chín. Các sự vật được nhân hóa khiến bức tranh tràn đầy sức sống.

+ Trong bài thơ Đây mùa thu tới của Xuân Diệu thì bức tranh mùa thu hiện lên buồn bã: “đìu hiu” “đứng chịu tang”, “buồn” “lệ ngàn hàng”, ...

II. Làm văn

Câu 1.

1. Bắt đầu đoạn:

- Đưa ra sự ra mắt và giới thiệu vấn đề cơ bản cần thảo luận: vai trò của thiên nhiên đối với cuộc sống con người.

2. Nội dung chính:

* Diễn giải:

- Thiên nhiên bao gồm các hiện tượng và sự vật tự nhiên tồn tại xung quanh con người như nước, đất, cây cối, hệ sinh thái,...

* Phân tích chi tiết:

- Thiên nhiên cung cấp đủ những nhu cầu cơ bản cho cuộc sống của con người:

+ Đất: cung cấp nguồn sống, nơi trồng trọt, xây dựng nhà cửa,...

+ Nước: duy trì sự sống cho mọi sinh vật.

+ Đem lại nguồn thực phẩm phong phú như thịt, cá, rau,...

+ Rừng: là nguồn gỗ quý giá dùng để xây dựng nhà cửa, và giúp ngăn chặn thiên tai,...

- Thiên nhiên cung cấp cho con người những nguồn tài nguyên quan trọng giúp phát triển cuộc sống:

+ Cung cấp nguồn tài nguyên thiên nhiên như than, khí đốt, dầu mỏ,...

+ Đem lại các loại đá quý quý giá như vàng, bạc, kim cương, đá quý,...

+ Đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng cuộc sống của con người.

- Thiên nhiên góp phần vào việc phát triển tinh thần của con người:

+ Phát triển du lịch tại những vùng đất có phong cảnh tuyệt vời.

+ Dựa vào thiên nhiên, con người hình thành nên nền tảng của cộng đồng, xã hội.

* Liên kết với thực tế:

- Con người gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với thiên nhiên:

+ Khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách vô trách nhiệm.

+ Tiến hành chặt phá, đốt rừng mà không suy nghĩ.

+ Xả rác không đúng chỗ gây ô nhiễm đất, nước, không khí,...

- Thiên nhiên cũng phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực đó, dẫn đến:

+ Thiên tai ngày càng gia tăng.

+ Nhiều loài động - thực vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

- Gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho cuộc sống của con người.

* Bài học và hành động cần được rút ra:

- Con người cần hiểu và hòa nhập hơn với tự nhiên.

- Hành động bảo vệ và phát triển môi trường cần được thực hiện một cách cụ thể và tích cực.

- Phải quyết liệt chỉ trích những hành vi phá hủy thiên nhiên một cách cố ý.

3. Kết luận:

- Đề cao vai trò quan trọng của thiên nhiên đối với cuộc sống con người.

Câu 2.

1. Giới thiệu chung

Tác giả:

- Nhà thơ Bằng Việt tên khai sinh là Nguyễn Việt Bằng.

- Sinh năm 1941, quê ở huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Bằng Việt làm thơ từ đầu những năm 60 của thế kỷ XX và thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

- Phong cách sáng tác: Thơ Bằng Việt thường nghiêng về một lời tâm sự, một sự trao đổi suy nghĩ, gây được cảm giác gần gũi, thân thiết đối với người đọc. Thơ ông thường sâu lắng, trầm tư thích hợp với người đọc thơ trong sự trầm tĩnh, vắng lặng.

- Giải thưởng: Tác giả đã được nhận giải nhất văn học – nghệ thuật Hà Nội năm 1967 với bài thơ “Trở lại trái tim mình”; giải thưởng chính thức về dịch thuật văn học quốc tế và phát triển giao lưu văn hóa quốc tế do Quỹ Hòa Bình (Liên Xô) trao tặng năm 1982.

Tác phẩm:

- Bài thơ được sáng tác năm 1963, khi tác giả đang là sinh viên học ngành luật ở nước ngoài.

- Bài thơ được đưa vào tập “Hương cây – Bếp lửa” (1968), tập thơ đầu tay của Bằng Việt in chung với Lưu Quang Vũ.

- Khổ thơ nói lên những suy nghĩ về cuộc đời bà và bếp lửa.

2. Phân tích, cảm nhận

*Khổ 1. Suy ngẫm về cuộc đời bà và bếp lửa:

- Suốt một đời lận đận, vất vả, bà đã và vẫn đang làm công việc nhóm lửa:

“Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa

Mấy chục năm rồi đến tận bây giờ

Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm”

+ Từ láy “lận đận” với điệp từ “nắng mưa” nhấn mạnh cháu chưa từng và chẳng thể nào quên cuộc đời bà, một cuộc đời đầy lo toan, vất vả.

+ Khôn lớn trưởng thành, cháu càng thấu hiểu những ý nghĩa cao cả, thiêng liêng từ một công việc rất đỗi bình dị của bà: nhóm lửa. Điệp từ nhóm điệp lại 4 lần với hai lớp nghĩa. Bà đã làm công việc khởi đầu của một ngày: nhóm bếp lửa mỗi sớm mai và làm công việc khởi đầu của một đời, đó là bồi đắp tâm hồn, thắp lên những tình cảm cao quý. Từ “nhóm” thứ nhất hiểu theo nghĩa thực: thắp lên ngọn lửa trong gian bếp để sưởi ấm, để nấu chín thức ăn.... Ba từ “nhóm” sau được hiểu theo nghĩa ẩn dụ: bà truyền cho cháu tình yêu thương ruột thịt, tình đoàn kết chia sẻ xóm làng và đặc biệt hơn bà đã khơi dậy những tâm tình tuổi nhỏ, thức tỉnh trong tâm hồn cháu biết bao ước mơ và tình cảm tốt đẹp

=> Như vậy đến đây ta thấy bà không chỉ là người nhóm lửa, giữ lửa mà còn là người truyền lửa. Ngọn lửa của tình yêu, của niềm tin, đức hi sinh không chỉ bà truyền cho cháu mà còn là của những thế hệ đi trước tiếp lửa cho thế hệ sau

- Khám phá ra những ý nghĩa kì diệu, cao cả, thiêng liêng từ bếp lửa của bà, cháu sung sướng thốt lên:

“Ôi kì lạ và thiêng liêng bếp lửa”

Phép đảo ngữ, câu cảm thán với từ “ôi” đặt ở đầu câu bôc lộ sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng, và vui sướng của cháu. Bếp lửa ấy luôn hiện diện cùng bà, tỏa sáng vẻ đẹp của bà. Đứa cháu nhỏ cảm thấy thật bất ngờ khi phát hện được những điều kì diệu thiêng liêng từ những thứ bình thường, giản dị. Cháu nhớ về bà, nhớ về Bếp lửa cũng chính là nhớ về quê hương, cội nguồn với tấm lòng tri ân sâu nặng.

*Khổ cuối:

Khi đi xa, nỗi nhớ về bà và bếp lửa vẫn khôn nguôi trong lòng người cháu

+ Khổ thơ cuối là lời tự bạch của cháu khi trưởng thành, tác giả làm nổi bật sức mạnh mang tính nguồn cội

+ Người cháu dù đi xa nhưng vẫn khôn nguôi nhớ về bà, nhớ về bếp lửa, quê hương… đó cũng chính là đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

+ Bài thơ khép lại bằng câu hỏi tu từ có ý nghĩa mở ra những khắc khoải, thường trực trong lòng người cháu về tình cảm, nỗi nhớ bà và quê hương.

3. Tổng kết vấn đề

- Giá trị nội dung: Qua hồi tưởng và suy ngẫm của người cháu đã trưởng thành, bài thơ “Bếp lửa” gợi lại những kỉ niệm đầy xúc động về người bà và tình bà cháu, đồng thời thể hiện lòng kính yêu, trân trọng và biết ơn của cháu đối với bà, cũng là đối với gia đình, quê hương, đất nước.

- Giá trị nghệ thuật: Bài thơ là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa biểu cảm với miêu tả, tự sự và bình luận. Thành công của bài thơ còn ở sự sáng tạo hình ảnh “bếp lửa” gắn liền với hình ảnh người bà, làm điểm tựa, khơi gợi một kỉ niệm, cảm xúc, suy nghĩ về bà và tình bà cháu.

Bài văn tham khảo

Bằng Việt là một trong những gương mặt tiêu biểu thuộc thế hệ những nhà thơ trẻ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Thơ Bằng Việt trong trẻo, thường khai thác những kỉ niệm trong sáng thủa thiếu thời và khơi gợi ước mơ tuổi trẻ. Bài thơ “Bếp lửa”là một trong những tác phẩm đầu tay của Bằng Việt. Bài thơ đã thể hiện sâu sắc và cảm động tình cảm của nhà thơ dành cho người bà và bếp lửa. Trong đó, hai đoạn thơ cuối của bài là những suy ngẫm về bà và bếp lửa của nhà thơ:
Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
…………………………..
– Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?…

Bài thơ “Bếp lửa” được sáng tác năm 1963, khi tác giả 19 tuổi và đang học ngành Luật ở Liên Xô. Tác phẩm viết theo thể thơ tự do và được đưa vào tập thơ “Hương cây – Bếp lửa”, tập thơ đầu tay của Bằng Việt và Lưu Quang Vũ. Bằng sự kết hợp hài hòa giữa biểu cảm với tự sự, miêu tả và nghị luận, bài thơ đã xây dựng hình ảnh bếp lửa gắn liền với hình ảnh người bà và là điểm tựa khơi gợi mọi cảm xúc và suy nghĩ về tình bà cháu.

Ở những khổ thơ đầu, Bằng Việt đã đưa người đọc đến với những kỉ niệm của ông trong những năm tháng sống bên bà để từ đó bộc lộ tình cảm yêu thương, thấu hiểu cho những vất vả nhọc nhằn mà bà phải trải qua đồng thời bộc lộ lòng biết ơn bởi những gì mà bà đã làm cho cháu. Và tình cảm ấy tiếp tục được bộc lộ ở hai khổ thơ cuối khi nhà thơ bộc bạch những suy ngẫm về cuộc đời của bà.

Bà cần mẫn lo toan, chịu thương chịu khó, thức khuya dậy sớm vì bát cơm, manh áo của con cháu trong gia đình. Để rồi mỗi khi nhớ lại, cháu vô cùng cảm phục và biết ơn bà:Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm

Nghệ thuật đảo ngữ: đưa từ láy “ lận đận” lên đầu câu, kết hợp với cụm từ “ đời bà”, “ mấy chục năm rồi”, hình ảnh ẩn dụ “ nắng mưa” đã diễn tả một cách sâu sắc và trọn vẹn về cuộc đời đầy những lận đận, gian nan, vất vả của bà. Đồng thời thể hiện sự thấu hiểu một cách sâu sắc trong tình cảm của cháu.

Phó từ “ vẫn” khẳng định thói quen không bao giờ thay đổi cảu bà “ thói quen dậy sớm’ để làm công việc nhóm lửa, nhóm lên niềm tin, tình yêu thương cho cháu.Có thể nói, tình thương yêu tác giả dành cho bà được thể hiện trong từng câu chữ. Tình cảm ấy giản dị, chân thành mà sâu nặng, thiết tha.

Bà không chỉ nhóm lửa bằng đôi tay khẳng khiu, gầy guộc mà còn bằng tất cả tấm lòng đôn hậu đối với con cháu:
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ
Điệp ngữ “nhóm”được nhắc lại 4 lần mang đến nhiều liên tưởng: “Nhóm bếp lửa”, “nhóm nồi xôi gạo” là hình ảnh tả thực công việc nhóm bếp, nhóm lửa của bà. “ Nhóm niềm yêu thương”, “nhóm dậy cả những tâm tình” là hình ảnh ẩn dụ về công việc thiêng liêng và cao quý: bà đã khơi dậy trong tâm hồn cháu và những người xung quanh niềm yêu thương, chia sẻ.

Chính từ đó mà, theo mạch suy ngẫm, nhà thơ đi lên khái quát rất tự nhiên và hợp lý: “Ôi kỳ diệu và thiêng liêng – bếp lửa”. Đúng vậy, vì bếp lửa thật giản dị , bình thường và phổ biến trong mọi gia đình Việt Nam, nhưng bếp lửa cũng thật cao quý, kỳ diệu và thiêng liêng vì nó luôn gắn liền với bà – người giữ lửa, nhóm lửa, truyền lửa, người tạo nên tuổi thơ của cháu. Bếp lửa trở thành một mảnh tâm hồn, một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cháu.

Có thể nói, cảm xúc của nhà thơ như dâng trào khi suy ngẫm về bà và bếp lửa. Khổ thơ như một sự tổng kết để ngợi ca, khẳng định về bà: bà là người phụ nữ tần tảo, giàu đức hi sinh, luôn chăm lo cho mọi người.

Bốn câu kết thể hiện một cách đằm thắm tình thương nhớ, lòng kính yêu và biết ơn của đứa cháu bé bỏng nay đã đi xa:
Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà , niềm vui trăm ngả
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở
– Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?

Dấu chấm giữa dòng thơ ngắt câu thơ thành hai câu tự sự để gợi sự chảy trôi của thời gian, sự biến đổi của không gian và vẽ lên một thực tại: người cháu năm xưa giờ đã lớn khôn, trưởng thành, đã được chắp cánh bay xa, được làm quen với những chân trời rộng mở.

Điệp ngữ “ trăm” mở ra một thế giới rộng lớn với bao điều mới mẻ. Điệp ngữ “ có” kết hợp với thủ pháp liệt lê và câu hỏi tu từ cuối câu cho thấy người cháu có những thay đổi lớn trong cuộc đời, đã tìm được bao niềm vui mới, khẳng định đứa cháu không thể quên được ngọn lửa của bà, ngọn lửa ấy đã thành kỉ niệm, niềm tin nâng bước người cháu trên suốt chặng đường dài.

Niềm kính yêu và trân trọng đối với bà đã trở thành sự gắn bó với gia đình, tình yêu và nỗi nhớ quê hương, đất nước cũng như lòng biết ơn của Bằng Việt đối với cội nguồn che chở nơi ấy. “Bếp lửa” đã thực sự trở thành kỉ niệm ấm lòng, thành niềm tin thiêng liêng kì diệu theo nhà thơ suốt cả cuộc đời.

Như vậy, bằng biện pháp tu từ ẩn dụ, điệp ngữ và các từ ngữ, hình ảnh chọn lọc, hai khổ thơ cuối của bài thơ “Bếp lửa” đã giúp người đọc cảm nhận được trọn vẹn những suy nghĩ của cháu về cuộc đời bà để từ đó bộc lộ nỗi nhớ thương bà da diết. Đọc những vẫn thơ ấy, ta nhận ra ở nhà thơ Bằng Việt là tình yêu thương, sự thấu hiểu và lòng biết ơn vô tận của nhà thơ đối với bà và cũng là đối với quê hương đất nước. Tình cảm ấy thật đáng trân trọng biết bao.

Qua dòng hồi tưởng của người cháu đã trưởng thành, nhớ lại những kỉ niệm đầy xúc động về người bà và bếp lửa, nhà thơ đã bộc lộ những tình cảm thiêng liêng, sâu nặng đối với gia đình, quê hương, đất nước. Khổ thơ chứa đựng đạo lí thủy chung, cao đẹp bao đời của người Việt: “ uống nước nhớ nguồn”. Đạo lí ấy được nuôi dưỡng ở mỗi tâm hồn con người từ ấu thơ, để rồi như chắp cánh cho mỗi người bay cao, bay xa trên hành trình cuộc đời.

Xem đề thi 2023 - 2024:

Đề thi vào 10 môn Văn Tỉnh Bình Dương (2023 - 2024) mới nhất kèm đáp án

1 3,417 31/05/2024