Soạn bài Cách đọc một tập thơ, một tập truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết (trang 75) Chuyên đề Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo

Với soạn bài Cách đọc một tập thơ, một tập truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết (trang 75) Chuyên đề Ngữ văn lớp 10 Chân trời sáng tạo sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn Chuyên đề Văn 10.

1 2,846 07/07/2023


Soạn bài Cách đọc một tập thơ, một tập truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết (trang 75)

I. Đọc sách: Hình thành thói quen và kĩ năng

Đọc văn bản và trả lời các câu hỏi bên dưới:

THÓI QUEN VÀ KĨ NĂNG ĐỌC SÁCH

Mortimer J Adler (Mo-tơ-mơ A-đơ-lo),

Charles Van Doren (Cha-xơ Ven Đo-rần)

Thói quen và kĩ năng

Không có cách nào hình thành thói quen ngoài chính sự vận hành. Nói cách khác là “học” bằng cách “thực hành”. Sự khác biệt trong hành động của bạn trước và sau khi hình thành thói quen là sự khác biệt giữa khả năng và sự sẵn sàng. Sau khi luyện tập, vẫn công việc như trước, nhưng bạn có thể làm tốt hơn nhiều so với lần đầu. Đây chính là điều mà ta thường gọi là “có công mài sắt có ngày nên kim”. Những gì ban đầu bạn làm còn rất lúng túng thì sau khi luyện tập, bạn có thể làm một cách tự động, hay làm theo bản năng, như thể bạn sinh ra để làm việc đó, tự nhiên như việc đi lại hay ăn uống. Vì thế, nhiều người cho rằng thói quen là khả năng thiên bẩm thứ hai.

Tuy nhiên, hình thành một thói quen khác với việc biết những quy tắc của một môn nghệ thuật. Khi nói một người có kĩ năng làm một việc gì đó không có nghĩa là khẳng định anh ta biết các quy tắc, mà đơn giản là anh ta có thói quen làm việc đó. Dĩ nhiên, biết quy tắc dù ít dù nhiều là một điều kiện để đạt được kĩ năng. Bạn không thể làm theo các quy tắc mà bạn không biết. Bạn cũng không thể học được bất cứ một thói quen hay kĩ năng nào nếu bạn không làm theo các quy tắc.

Trên thực tế, không phải ai cũng hiểu rằng, để trở thành một nghệ sĩ, người ta phải thực hiện theo các quy tắc. Khi nói về một họa sĩ, hay một nhà điêu khắc tài ba, nhiều người cho rằng: “Ông ta chẳng theo quy tắc nào cả. Ông ta làm một việc rất độc đáo - việc trước đây chưa ai làm và cũng chẳng theo quy tắc nào”. Nhưng họ không thấy được những quy tắc mà họa sĩ đã thực hiện. Nhìn nhận một cách nghiêm túc, ta sẽ thấy không có quy tắc cuối cùng và cũng không có quy tắc không bị phá vỡ khi vẽ một bức tranh, hay sáng tạo một tác phẩm điêu khắc. Nhưng lại có những quy tắc về chuẩn bị giấy vẽ, pha màu và dùng màu, nặn đất sét và hàn thép,… Họa sĩ và nhà điêu khắc chắc hẳn phải tuân theo các quy tắc này, nếu không họ đã không thể sáng tác được. Dù sản phẩm cuối cùng của người nghệ sĩ có thế nào, dù chúng có vẻ như không tuân theo quy tắc nào, thì nghệ sĩ đó cũng phải rất khéo léo để làm ra sản phẩm ấy. Đây chính là nghệ thuật - kĩ năng hay kĩ xảo - mà chúng tôi nói đến.

Từ nhiều quy tắc đến một thói quen

Đọc sách cũng giống như trượt tuyết. Khi giỏi như một chuyên gia thì cả hai việc đều rất thú vị, hài hòa. Khi mới bắt đầu thường rất lúng túng, chậm chạp và dễ chán nản. Mọi người, nhất là người trưởng thành, thường xấu hổ khi học trượt tuyết. Vì mặc dù đã biết đi từ lâu, biết chân mình, nhưng khi đi giày trượt tuyết vào, họ phải học đi lại từ đầu. Họ bị trượt ngã nhiều lần, ngồi dậy một cách khó nhọc, giày bị lệch, họ có cảm giác mình là một thằng ngốc,…

Thậm chị, một huấn luyện viên giỏi cũng không giúp được gì nhiều cho người mới học trượt tuyết. Làm sao để nhớ mọi điều mà huấn luyện viên nói, và vừa nhớ vừa trượt tuyết? Điều quan trọng khi trượt tuyết là bạn không nên nghĩ về từng động tác riêng lẻ, mà phải phối hợp chúng với nhau, xoay trở khéo léo thì mới trượt được nhẹ nhàng. Nhưng để làm được điều đó, bạn lại phải học riêng rẽ từng động tác ngay từ lúc đầu. Chỉ có như vậy, bạn mới có thể phối hợp chúng nhuần nhuyễn để trở thành một người trượt tuyết giỏi.

Việc đọc sách cũng tương tự. Có thể bạn đã đọc sách lâu rồi, và việc phải học lại từ đầu khiến bạn thấy ngại. Nhưng cũng như việc trượt tuyết, khi đọc sách, bạn không thể phối hợp nhiều hành động khác nhau thành một hành động phức tạp nhưng hài hòa nếu bạn chưa trở thành chuyên gia trong từng động tác riêng lẻ. Bạn không thể rút ngắn các phần khác nhau của công việc, khiến chúng chồng chéo lên nhau. Mỗi động tác đều đòi hỏi sự chú ý cao độ khi thực hiện. Sau khi đã luyện tập từng động tác một, bạn có thể làm dễ dàng từng động tác mà không cần tập trung nhiều, hơn nữa còn có thể thực hiện chúng cùng một lúc rất thành thạo.

Người có kinh nghiệm học một kĩ năng phức tạp biết rằng, họ không nên lo sợ khi thất một loạt các quy tắc xuất hiện lúc họ bắt đầu học một điều gì đó. Họ biết phải học cách phối hợp các quy tắc với nhau thành thạo như thế nào.

Nếu có nhiều quy tắc, nghĩa là thói quen cần hình thành cũng phức tạp. Các phần được kết hợp và lồng ghép với nhau khi trình độ thực hiện đã lên đến mức tự động hóa. Khi đó, nghĩa là bạn đã tạo nên thói quen thực hiện toàn bộ thao tác. Lúc này, bạn có thể thực hiện một cú trượt thật thành thạo mà trước đây bạn chưa từng làm được, hay đọc một cuốn sách mà bạn từng cho là khó…

(Trích trong Đọc sách như một nghệ thuật, Hải Nhi dịch, alphabooks –

NXB Lao động - Xã hội, 2008)

Trả lời câu hỏi:

Câu hỏi 1 (trang 77 Chuyên đề Ngữ văn 10)Mối quan hệ giữa thói quen, quy tắc và kĩ năng là gì?

Trả lời:

- Thói quen có được nhờ sự lặp đi lặp lại của hoạt động; qua đó sẽ hình thành kĩ năng.

- Kĩ năng không đồng nhất với quy tắc nhưng để hình thành thói quen, kĩ năng cần hiểu quy tắc.

- Biết quy tắc chưa chắc đã hình thành thói quen hay kĩ năng nhưng hiểu quy tắc sẽ hình thành thói quen hiệu quả hơn.

Giữa thói quen, kĩ năng và quy tắc có mối quan hệ chặt chẽ, không đồng nhất nhưng yếu tố này là điều kiện cần của yếu tố kia.

Câu hỏi 2 (trang 77 Chuyên đề Ngữ văn 10)Vì sao cần hình thành thói quen và kĩ năng đọc sách?

Trả lời:

- Cần hình thành thói quen và kĩ năng đọc sách để thường xuyên mở rộng nhận thức, bồi dưỡng tâm hồn, trở thành người có văn hóa.

- Hình thành thói quen đọc sách để học cách giao tiếp: viết và nói tốt hơn.

Câu hỏi 3 (trang 77 Chuyên đề Ngữ văn 10)Qua văn bản trên, bạn rút ra được bài học gì về việc đọc sách?

Trả lời:

- Đọc sách cũng là một nghệ thuật, cần quá trình rèn luyện nghiêm túc.

- Muốn trở thành một người đọc sách có văn hóa, có kĩ năng cần hình thành thói quen đọc sách. Nhưng thói quen chưa đủ, cần phải có những hiểu biết, những quy tắc nhất định.

- …

II. Cách đọc một tập thơ, một tập truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết

1. Một số đặc trưng của thơ, tập thơ và cách đọc thơ, tập thơ

1.1. Đặc trưng của thơ, tập thơ

Thơ là tiếng nói trữ tình phát ra từ trái tim của nhà thơ qua ngôn từ có tính nhạc điệu. Tiếng nói trữ tình trong thơ có thể bộc lộ trực tiếp (tôi buồn, tôi vui, tôi yêu thương, tôi hờn giận,…), có thể gián tiếp (gửi gắm niềm vui, nỗi buồn,… qua cảnh vật, qua nhân vật khác). Cảm xúc trữ tình vận động xuyên suốt trong mỗi bài thơ, tập thơ.

Trữ tình là trạng thái cảm xúc được dồn nén và thăng hoa. Cho nên ngôn từ thơ thường cô đọng, hàm súc, tự nó ngân vang lên và đánh thức tiềm năng cảm xúc ở người đọc, người nghe.

Thơ khác văn xuôi ở nhạc điệu. Nhạc điệu thơ thể hiện qua nhịp, bằng trắc, vần, điệp, đối,… Nguồn gốc sâu xa của nhạc điệu thơ là do sự tương thông giữa nhịp điệu của con tim và nhịp điệu của vũ trụ. Thơ cũng như âm nhạc dễ kết nối trái tim con người với tự nhiên, giữa con người với con người.

Bài thơ là tác phẩm văn học hoàn chỉnh về hình thức, thống nhất về nội dung; được tạo nên bởi các dòng thơ, khổ thơ (hay đoạn thơ) và mang đầy đủ các đặc trưng của thơ.

Tập thơ bao gồm nhiều bài thơ được tuyển chọn, in thành sách theo các tiêu chí khác nhau như: theo tác giả, theo đề tài, chủ đề, thể loại, theo giai đoạn sáng tác, theo trào lưu, khuynh hướng sáng tác, theo các đặc điểm khác như ngôn ngữ,… do chính tác giả hoặc người khác thực hiện. Tập thơ có thể của một tác giả hoặc của nhiều tác giả.

Soạn bài Cách đọc một tập thơ, một tập truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết | Chuyên đề học tập Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo

1.2. Cách đọc thơ, tập thơ

Việc đọc hiểu tập thơ phải được bắt đầu từ việc đọc từng bài thơ trong tập thơ và phải được thực hiện qua từng bước.

Bước 1: Đọc lướt bìa và mục lục tập thơ

- Đọc lướt, quan sát các thông tin trên bìa tập thơ gồm: nhan đề, hình vẽ, tên tác giả/ các tác giả,… để có thể có những dự đoán ban đầu về nội dung chính của tập thơ. Tìm tên nhà xuất bản để dự đoán nội dung tập thơ, người đọc, mà các ấn phẩm của nhà xuất bản này thường hướng đến.

- Đọc lướt Lời giới thiệu tập thơ, nhan đề của các bài thơ trong mục lục của tập thơ để tiếp tục dự đoán về nội dung chính của tập thơ.

Bước 2: Đọc kĩ từng bài thơ

- Đọc lướt, quan sát nhan đề để dự đoán về nội dung, giọng điệu và thể loại của bài thơ dựa trên kiến thức nền (nếu có) về bối cảnh khi bài thơ ra đời, về phong cách sáng tác của nhà thơ bằng cách trả lời các câu hỏi: Bài thơ này nói về điều gì? Tôi đã biết gì về tác giả này? Nhân vật trữ tình trong bài thơ này có thể là ai? Bài thơ này được sáng tác trong hoàn cảnh nào?,.. Tuy nhiên, cần lưu ý là ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, người đọc có thể đem đến cho bài thơ những ý nghĩa mới do bối cảnh văn hóa, xã hội đặc thù.

- Đọc cả bài thơ, đọc từng khổ thơ, đọc thầm, đọc diễn cảm để cảm nhận được nhạc điệu, cảm xúc chung của cả bài thơ, tập thơ; xác định cách gieo vần, ngắt nhịp trong từng dòng thơ, khổ/đoạn thơ và cả bài thơ; đồng thời xác định thể loại của bài thơ.

- Xác định các từ ngữ, hình ảnh tiêu biểu, mang tính chất biểu tượng trong từng khổ thơ và bài thơ vì đó là những từ có tính gợi cảm, hàm súc, chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa và thường được tạo ra bằng các biện pháp tu từ như: so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, hoán dụ,… Sau đó, dựa vào ngữ cảnh của câu thơ, bài thơ, kết hợp với tri thức nền của bản thân để suy luận ý nghĩa của những từ ngữ, hình ảnh.

- Sau khi hiểu được các từ ngữ, hình ảnh của từng khổ thơ/ đoạn thơ, bạn cần xác định sự vận động của mạch cảm xúc qua từng khổ thơ để có cái nhìn tổng thể về bài thơ (tham khảo sơ đồ dưới đây):Soạn bài Cách đọc một tập thơ, một tập truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết | Chuyên đề học tập Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo

- Tìm những nét đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ: cách dùng từ ngữ, hình ảnh, bố cục, biện pháp tu từ, cách gieo vần, ngắt nhịp, giọng điệu,…

- Từ đó, xác định chủ đề, cảm hứng chủ đạo, thông điệp của văn bản, đồng thời tìm ý nghĩa của văn bản đối với bản thân bằng cách trả lời các câu hỏi: Chủ đề bài thơ là gì? Tác giả muốn nói gì với ta? Ta học được điều gì từ cách nhìn, cách cảm, cách lí giải về cuộc sống của tác giả?

Lưu ý: Đọc văn bản văn học là quá trình trải nghiệm, suy ngẫm, vì thế, cần đọc chậm, đọc đi đọc lại, vừa đọc vừa ghi chép những suy ngẫm của mình về văn bản (tham khảo mẫu phiếu sau):Soạn bài Cách đọc một tập thơ, một tập truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết | Chuyên đề học tập Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo

Bước 3: Đọc hiểu tập thơ

- Đọc từng bài thơ (như đã hướng dẫn ở bước một).

- Xác định các đề tài và chủ đề trọng tâm được thể hiện qua các bài thơ, sau đó dùng mẫu phiếu ghi chép dưới đây để phân loại các bài thơ có cùng đề tài, chủ đề:

Soạn bài Cách đọc một tập thơ, một tập truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết | Chuyên đề học tập Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo

- Đọc lại các bài thơ cùng đề tài, chủ đề và các phiếu ghi chép về từng bài thơ, từ đó, rút ra những điểm tương đồng và khác biệt trong cách sử dụng hình ảnh, thể thơ, biện pháp nghệ thuật,… giữa các bài.

- Sau đó, ghi lại suy ngẫm, cảm xúc về thiên nhiên, cuộc sống, con người,… mà tập thơ gợi lên cho bạn.

- Rút ra những nhận xét, đánh giá chung về tập thơ trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật.

2. Đặc trưng của truyện ngắn, tập truyện ngắn, tiểu thuyết và cách đọc truyện ngắn, tập truyện ngắn, tiểu thuyết

2.1. Đặc trưng của truyện ngắn, tập truyện ngắn, tiểu thuyết

Truyện là khái niệm chỉ các thể loại tự sự hư cấu, bao gồm cả truyện ngắn và tiểu thuyết hiện đại. Truyện ngắn và tiểu thuyết đều mang những đặc điểm chung của các thể loại tự sự hư cấu hiện đại, nhưng truyện ngắn là tác phẩm “cỡ nhỏ”, tiểu thuyết là tác phẩm “cỡ lớn”.

Truyện ngắn có cốt truyện ngắn gọn, đơn giản nhưng hấp dẫn, nổi bật. Tác giả truyện ngắn thường dụng công xây dựng các chi tiết có sức mạnh như “bàn tay siết lại thành nắm đấm” (Hemingway), như “nhãn tự” ở trong thơ, hành văn mang ẩn ý.

Tập truyện ngắn: là một tập hợp các truyện ngắn được in chung. Các truyện ngắn cùng tập có thể được tuyển in theo một số tiêu chí nhất định. Chẳng hạn: tiêu chí gần gũi về thời gian, đề tài, kiểu nhân vật, sự kiện, cùng tác giả, nhóm tác giả, nhóm giới tính của tác giả, đối tượng người đọc,…

Soạn bài Cách đọc một tập thơ, một tập truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết | Chuyên đề học tập Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo

Tiểu thuyết (một tập hay nhiều tập) khác với tập truyện ngắn ở chỗ nó là một tác phẩm độc lập và hoàn chỉnh, có dung lượng lớn, cấu trúc phức tạp. Với đặc điểm đó, tác phẩm tiểu thuyết có khả năng phản ánh đời sống hiện thực khách quan rộng lớn với chiều kích không gian, thời gian khác nhau; đan xen, đồng hiện; nhiều bức tranh phong tục, đạo đức, văn hóa xã hội,… tái hiện nhiều nhân vật, tính cách đa dạng.

Như vậy, khác biệt cơ bản của truyện ngắn và tiểu thuyết không chỉ là dung lượng độ dài, mà chủ yếu là ở phạm vi phản ánh đời sống, ở tính đa dạng về chủ đề, nhân vật và độ phức tạp trong cách tổ chức tác phẩm.

Soạn bài Cách đọc một tập thơ, một tập truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết | Chuyên đề học tập Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo

2.2. Cách đọc tập truyện ngắn và tiểu thuyết

a. Cách đọc tập truyện ngắn

Bước 1: Đọc lướt nhan đề, mục lục

Buớc đầu tiên trong quá trình đọc hiểu cả tập truyện ngắn là:

- Đọc lướt, quan sát bìa tập truyện gồm: nhan đề, hình vẽ, tên tác giả/các tác giả,… để có thể có những dự đoán ban đầu về nội dung chính của tập truyện. Tìm tên nhà xuất bản để dự đoán nội dung tập truyện, người đọc mà các ấn phẩm của nhà xuất bản này thường hướng đến.

- Đọc lướt Lời giới thiệu, nhan đề của từng truyện trong mục lục để tiếp tục dự đoán về nội dung chính của cả tập truyện ngắn.

Bước 2: Đọc hiểu từng truyện ngắn

- Đọc lướt, quan sát nhan đề truyện để dự đoán về nội dung, giọng điệu và thể loại dựa trên kiến thức nền (nếu có) về bối cảnh khi câu chuyện ra đời, về phong cách sáng tác của nhà văn bằng cách trả lời các câu hỏi: Câu chuyện này viết về cái gì? Tôi đã biết gì về tác giả này? Truyện được sáng tác trong hoàn cảnh nào?... Tuy nhiên, bạn cần lưu ý là ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, người đọc có thể đem đến cho truyện những ý nghĩa mới do bối cảnh văn hóa, xã hội đặc thù.

- Đọc thầm, đọc diễn cảm để cảm nhận giọng điệu của các nhân vật trong truyện; giọng điệu, thái độ của người kể chuyện đối với các sự kiện được kể.

- Tìm các chi tiết, sự kiện tiêu biểu trong truyện (tham khảo sơ đồ sau):

Soạn bài Cách đọc một tập thơ, một tập truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết | Chuyên đề học tập Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo

- Điền vào phiếu sau để hiểu về nghệ thuật kể chuyện của tác giả.

Soạn bài Cách đọc một tập thơ, một tập truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết | Chuyên đề học tập Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo

- Tìm hiểu tính cách của nhân vật chính trong câu chuyện biểu hiện qua ngoại hình, ngôn ngữ, ý nghĩ, hành động (tham khảo sơ đồ sau):

Soạn bài Cách đọc một tập thơ, một tập truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết | Chuyên đề học tập Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo

- Tìm những nét đặc sắc về nghệ thuật của truyện: cách dùng từ ngữ, hình ảnh, chi tiết, cách kể chuyện, cách xây dựng tình huống, cách miêu tả nhân vật, giọng điệu,…

- Dựa trên những ghi chép về từ ngữ, nhân vật, cốt truyện, bối cảnh,… hãy xác định chủ đề và thông điệp của văn bản mà tác giả muốn gửi đến người đọc bằng cách trả lời các câu hỏi: Vấn đề chính mà tác giả muốn thể hiện thông qua câu chuyện này là gì? Tác giả muốn nói gì với người đọc, muốn gửi gắm điều gì về cách nhìn cuộc sống, con người?

- Cuối cùng, hãy ghi lại những suy ngẫm, cảm xúc về cuộc sống, con người mà câu chuyện đã gợi lên trong bạn, những bài học về cách ứng xử mà bạn học được từ các nhân vật trong truyện.

Bước 3: Đọc hiểu tập truyện ngắn

Thực hiện bước này sau khi đã đọc từng truyện (như hướng dẫn ở bước 1). Về cách thức, cần lưu ý:

- Tìm hiểu, so sánh các truyện ngắn trong tập về nội dung (đề tài, chủ đề, câu chuyện,..) và hình thức nghệ thuật (cách xây dựng nhân vật, sử dụng người kể chuyện, vai kể, điểm nhìn, lời văn,…)

- Lập phiếu ghi chép, kết quả tìm hiểu. Tham khảo mẫu phiếu dưới đây:

Soạn bài Cách đọc một tập thơ, một tập truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết | Chuyên đề học tập Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo

b. Cách đọc tiểu thuyết

Thể loại tiểu thuyết có những đặc điểm giống như truyện ngắn nên việc đọc tiểu thuyết có thể thực hiện một số nội dung và sử dụng một số phiếu ghi chép về nhân vật, tính cách, chi tiết, ngôn ngữ,… như khi đọc truyện ngắn/tập truyện ngắn.

Các bước đọc tiểu thuyết có thể được thực hiện như sau:

- Đọc lướt và quan sát bìa cuốn tiểu thuyết gồm: nhan đề, hình vẽ, tên tác giả; tên nhà xuất bản để dự đoán nội dung, người đọc mà các ấn phẩm của nhà xuất bản này thường hướng đến; quan sát màu bìa, ảnh bìa, cách sắp xếp, bố trí các phần/chương,…; đọc lướt mục lục để có cái nhìn tổng quan toàn bộ nội dung của tiểu thuyết, bước đầu hình dung mối quan hệ giữa các phần/chương của cuốn tiểu thuyết.

Bạn có thể tự nêu và trả lời các câu hỏi sau:

+ Nhan đề được đặt dựa theo tên gọi (nhân vật, địa danh,…) hay nội dung/đề tài? Nhan đề gợi cho bạn những suy nghĩ/cảm xúc gì? (về nội dung, về tác giả,…)

+ Màu bìa, ảnh bìa, cách sắp xếp, bố trí các phần/chương,… có gì ấn tượng? Điều này tạo cảm xúc, ấn tượng ban đầu như thế nào?

+ Tiểu thuyết có bao nhiêu phần/chương? Nhan đề mỗi phần/chương có gì đặc biệt? Tên mỗi phần chương (nếu có) liên quan thế nào đến nhan đề của cuốn tiểu thuyết? Những phần/chương (nếu có tên) nào ấn tượng?

- Đọc lướt Lời giới thiệu để nắm bắt nội dung chính của tiểu thuyết, ý kiến đánh giá của người viết lời giới thiệu về cuốn tiểu thuyết và tự trả lời các câu hỏi: Lời giới thiệu cung cấp những thông tin gì? Bên cạnh kí tự, Lời giới thiệu có kèm các yếu tố đa phương thức nào? Nếu có, ý nghĩa của các yếu tố đó?

Trên cơ sở những thông tin chung về cuốn tiểu thuyết, người đọc huy động những hiểu biết và trải nghiệm của bản thân có liên quan để dự đoán về nội dung văn bản, cũng như xác định những cảm xúc, ấn tượng ban đầu và xác định mục đích đọc, định hướng cách đọc. Mục đích đọc nói chung có thể là giải trí, lấy thông tin hay để cảm thụ, thưởng thức,..; đọc để viết bài giới thiệu hay để thuyết trình trước lớp,…

Nội dung đọc hiểu trên có thể ghi chép vào phiếu như sau:

Soạn bài Cách đọc một tập thơ, một tập truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết | Chuyên đề học tập Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo

- Đọc kĩ lần lượt từng phần/chương cuốn tiểu thuyết để tìm hiểu các tuyến nhân vật, nhân vật, sự kiện chính, diễn biến sự kiện trong mỗi phần/chương,… Khi tìm hiểu về nhân vật, các tuyến nhân vật, bạn cần trả lời các câu hỏi như: Tiểu thuyết có những tuyến nhân vật nào? Mỗi tuyến nhân vật có những ai? Mối quan hệ giữa các tuyến nhân vật? Phạm vi đời sống được phản ánh trong từng chương/phần và trong toàn bộ tiểu thuyết là gì? Bạn cũng có thể dùng sơ đồ để tóm tắt các mạch truyện, các tuyến nhân vật; đánh dấu và ghi lại những gì bạn đọc dựa vào một số mẫu ghi chép đã hướng dẫn trong phần cách đọc truyện ngắn.

- So sánh, kết nối các chương/phần về nội dung (chủ đề, tư tưởng, cảm hứng, thông điệp,…) hình thức nghệ thuật (khắc họa nhân vật, sử dụng người kể chuyện, điểm nhìn, chi tiết nghệ thuật,…) và lập phiếu ghi chép tổng hợp (tham khảo mẫu phiếu ghi chép dưới đây):

Soạn bài Cách đọc một tập thơ, một tập truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết | Chuyên đề học tập Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo

Rút ra những nhận định khái quát về tiểu thuyết, liên hệ nội dung tiểu thuyết với bản thân, với đời sống. Bạn có thể nêu và trả lời các câu hỏi như sau:

+ Câu chuyện trong cuốn tiểu thuyết gợi cho tôi nhớ đến câu chuyện, sự việc nào đã từng tham gia hoặc chứng kiến? Cảm xúc của tôi lúc đó thế nào?

+ Nhân vật/chi tiết trong tiểu thuyết giống nhân vật/chi tiết nào tôi đã từng đọc? Nét riêng của mỗi nhân vật/chi tiết?

+ Câu chuyện/nhân vật có làm thay đổi suy nghĩ/tình cảm của tôi?

+ Tôi đồng ý hay không đồng ý với tác giả ở điểm nào?

III. Thực hành đọc

1. Thực hành đọc tập thơ

Lựa chọn một tập thơ mà bạn yêu thích và thực hành đọc theo một số phiếu đọc sách gợi ý ở phần trên; tổng hợp kết quả đọc theo phiếu sau:

Soạn bài Cách đọc một tập thơ, một tập truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết | Chuyên đề học tập Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo

Soạn bài Cách đọc một tập thơ, một tập truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết | Chuyên đề học tập Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo

2. Thực hành đọc tập truyện ngắn hoặc tiểu thuyết

Lựa chọn một tập truyện ngắn hoặc cuốn tiểu thuyết mà bạn yêu thích và thực hành đọc theo một số phiếu đọc sách gợi ý ở phần trên; tổng hợp kết quả đọc theo phiếu sau:

Soạn bài Cách đọc một tập thơ, một tập truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết | Chuyên đề học tập Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo

3. Gợi ý văn bản đọc

- Tập thơ: Quốc âm thi tập (Nguyễn Trãi), Mây đầu ô (Quang Dũng), Xuân Quỳnh-Thơ tình (Xuân Quỳnh), Bài thơ của một người yêu nước mình (Trần Vàng Sao),…

- Tập truyện ngắn: Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam), Tiếng gọi nơi hoang dã (Jack London), Khó mà tìm được một người tốt (Flannery O’Connor),…

- Tiểu thuyết: Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (Nguyễn Nhật Ánh), Biển xanh màu lá (Nguyễn Xuân Thúy), Nhà giả kim (Paulo Coelho), Harry Porter (J.K.Rowling),…

Xem thêm các bài Soạn Chuyên đề học tập Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Soạn bài Viết bài giới thiệu một tập thơ, một tập truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết (trang 90)

Soạn bài Trình bày, giới thiệu một tập thơ, một tập truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết (trang 97)

Soạn bài Tri thức tổng quát (trang 6)

Soạn bài Tập nghiên cứu một vấn đề văn học dân gian (trang 11)

Soạn bài Viết báo cáo và thuyết trình kết quả nghiên cứu về một vấn đề văn học dân gian (trang 34)

1 2,846 07/07/2023


Xem thêm các chương trình khác: