SBT Ngữ văn 7 Bài tập viết trang 15 - Cánh diều

Với giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 7 Bài tập viết trang 15 sách Cánh diều hay nhất, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 7.

1 649 08/08/2022
Tải về


Giải SBT Ngữ văn 7 Bài tập viết trang 15 - Cánh diều

Câu 1 trang 15 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Thế nào là bài văn kể về một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử? Để viết được bài văn theo yêu cầu này, cần chú ý những gì?

Trả lời:

- Bài văn kể về một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử là: kể về sự việc đã xảy ra trong đời thực, không hư cấu, tưởng tượng; được nhiều người biết hoặc chứng kiến, có sử sách ghi lại…

- Bài văn kể về một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử cần bảo đảm các yêu cầu sau:

+ Sự việc kể lại phải có thật, liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử.

+ Nhân vật và sự kiện lịch sử không chỉ là những nhân vật và sự kiện trong lĩnh vực đấu tranh dựng nước và giữ nước mà còn là những nhân vật và sự kiện trong các lĩnh vực văn hóa, khoa học.

+ Các câu chuyện thường được kể lại bởi người chứng kiến hoặc được sưu tầm, nghiên cứu và thể hiện lại qua sách, báo, phim ảnh, …

- Để viết được bài văn theo yêu cầu này, các em cần chú ý đọc sách, báo, sưu tầm một số câu chuyện lịch sử, ví dụ:

+ Những anh hùng dân tộc từ xưa đến nay.

+ Những tấm gương về lòng yêu nước, dũng cảm trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

+ Chuyện về cuộc đời hoạt động cách mạng và sinh hoạt đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các chiến sĩ cách mạng hoặc các nhà hoạt động xã hội nổi tiếng.

+ Những hoạt động khoa học, sáng tạo trong nhiều lĩnh vực cuộc sống.

Câu 2 trang 15 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Viết bài văn kể về một câu chuyện có thật của người thân trong gia đình hoặc một người nổi tiếng ở địa phương em.

Trả lời:

Tham khảo bài viết sau:

“BỐ TÔI

          Nếu ai đó hỏi tôi rằng người tôi yêu quý nhất là ai thì tôi sẽ không ngần ngại mà trả lời: Người đó là bố của tôi. Bố tôi là một người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn như bao người nông dân khác. Thế nhưng trong mắt tôi, bố luôn là người vĩ đại nhất. Năm tôi lên mười, mẹ tôi ra đi sau một cơn đau tim đột ngột. Kể từ đó, bố sống cảnh gà trống nuôi con lo cho hai chị em tôi từng bữa ăn, giấc ngủ đến chuyện học hành.

          Kể từ ngày mẹ mất, bố gầy rộc và già đi trông thấy. Nhiều đêm, tôi thấy bố đứng trước bàn thờ mẹ, bàn tay run run mân mê tấm di ảnh của mẹ, lẩm nhẩm những câu nói mà tôi nghe không rõ, những giọt nước mắt đục ngầu từ trong hố mắt bắt đầu tràn ra trên gương mặt hốc hác, khắc khổ. Rồi bố quỳ xuống trước bàn thờ mẹ, hai tay ôm chặt tấm di ảnh vào lòng và bắt đầu nấc lên từng tiếng một, ngắt quãng như có một cái gì đó nghẹn ứ nơi cổ họng. Tôi đứng nấp sau cánh tủ, cứ thế nước mắt cũng trào ra, nỗi nhớ mẹ ùa về quay quắt. Suốt đêm ấy, tôi thấy bố không ngủ. Ông ra ngoài sân, vớ chiếc điếu cày và rít từng hơi sòng sọc. Đây là điều mà khi mẹ tôi còn sống, bố chưa bao giờ làm. Từ ngày mẹ mất, chiếc điếu cày trở thành người bạn tâm giao mỗi đêm của bố. Và tôi hiểu, đó là lúc tâm hồn bố cô đơn, trống trải nhất. Mẹ ra đi không những là mất mát to lớn với hai chị em tôi mà còn để lại một khoảng trống vô hạn trong tâm hồn bố tôi.

          Để có thể trang trải cho cuộc sống, sau những ngày đồng áng, bố tranh thủ làm thêm nghề phụ. Nói là nghề phụ nhưng đó lại là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi. Bố tôi làm thợ nề. Sau một ngày lao động vất vả, quần áo bố lúc nào cũng ướt sũng mồ hôi và lấm lem vôi vữa. Bàn tay bố ngày một thô ráp hơn, chai sạn hơn, làn da cũng trở nên cháy nắng. Những ngày đông, nhiều hôm hai bàn tay, bàn chân của bố ứa máu, nứt nẻ. Những hôm đó, tôi thương bố vô cùng! Tôi bảo bố nghỉ làm nhưng những lúc đó bố đều gạt đi, chỉ xoa đầu tôi rồi cười, nụ cười thật hiền: “Bố không sao đâu, con gái đừng lo!”. Rồi một hôm, khi bố xây nhà cho bác Hải trong xóm, tôi mới thật sự tận mắt chứng kiến sự vất vả, khó nhọc của bố. Dưới cái nắng bỏng rát khi người ta đang ngồi trong điều hòa máy lạnh thì bố tôi vắt vẻo treo mình trên cái giàn giáo chênh vênh. Cái giàn giáo được kê bằng những thân tre nhỏ bế, cong vênh và mấy tấm ván mỏng khập khiễng. Lo cho sự an toàn của bố, tôi đứng dưới mặt đất, cứ thế ngẩng đầu lên mà thét lớn: “Bố ơi, bố nhớ cẩn thận, bố nhé!”. Trả lời tôi là một nụ cười và cái gật đầu của bố: “Bố biết rồi, con gái yên tâm đi!”.

          Bẵng đi mấy năm sau ngày mẹ tôi mất, có đôi lúc tôi thấy các cô tôi khuyên bố đi bước nữa. Những lần như thế, bố thường không trả lời, chỉ lặng lẽ đưa mắt nhìn hai chị em tôi. Tôi biết bố đnag muốn dò xét thái độ của chúng tôi. Tôi rất ghét khi có ai đó nhắc đến việc bố tôi lấy vợ, vì thế, mỗi lần nghe đến đó, tôi thường chạy vụt đi. Có lúc tôi ra vườn ngồi dưới gốc cây mít ôm mặt khóc, có lúc tôi bỏ chạy một mạch ra rìa sông. Những lúc đó, tôi nhớ mẹ vô cùng. Tôi không cho phép bất cứ người phụ nữ nào bước vào nhà thay thế vị trí của mẹ tôi. Và lúc đó, không hiểu sao tôi lại ghét bố, sau những yêu thương, hi sinh của bố, tôi vẫn giữ khoảng cách với ông. Tôi trở nên trơ lì hơn, ít gần gũi với bố hơn, mặc cho ông hết sức quan tâm. Tôi nhớ có lần bố chạy đi tìm tôi, lúc thấy tôi, ông ôm lấy tôi vào lòng an ủi nhưng tôi ra sức khóc, đấm thùm thụp vào ngực ông, tôi thét lên: “Con ghét bố!” rồi vùng chạy, để lại một mình ông đứng tần ngần bên bến sông.

          Thời gian cứ thế trôi đi, chẳng mấy chốc, hai chị em tôi đều đã yên bề gia thất. Cuộc sống với bao bộn bề cuốn chúng tôi đi. Có khi dăm bữa, nửa tháng không về thăm bố. Mỗi lần về, thấy bố ngày một già đi, vẫn thui thủi một mình bên mâm cơm nguoij lạnh trong ngôi nhà lẻ bóng, chợt thấy lòng quặn thắt một nỗi đau. Chính sự ích kỉ, nhỏ nhen của bậc làm con đã để đấng sinh thành chịu quá nhiều thua thiệt. Tôi muốn chạy thật nhanh sà vào lòng bố nói lời xin lỗi nhưng không hiểu sao chân tôi cứ thế khựng lại, nước mắt trào ra. Phải đến lúc này, tôi mới thực sự hiểu hết những mất mát và hi sinh của bố. Tôi muốn thét lên thật to cho cả thế giới biết rằng tôi yêu bố - người đàn ông vĩ đại nhất cuộc đời tôi.”.

(Theo Nguyễn Thị Liên, vanhocnghethuathatinh.org.vn)

Câu 3 trang 15 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 1: Hãy kể chuyện về một nhân vật lịch sử mà em yêu thích

Trả lời:

Tham khảo bài viết sau:

“TRẦN QUỐC TOẢN

          Mới 15 tuổi, tính theo “tuổi ta” là 16, nhưng chàng thiếu niên này đã hừng hực chí lớn muốn diệt giặc bạo tàn, bảo vệ sự toàn vẹn cho non sông nước Việt. Chàng thiếu niên dũng mãnh ấy đã từng bóp nát quả cam vua ban vì không được dự bàn việc nước, dốc lòng xông pha trận mạc với là cờ thêu sáu chữ vàng “Phá cường địch, báo hoàng ân”, nổi danh sử sách. Có lẽ, nói đến đây ai cũng biết, chàng thiếu niên ấy chính là Hoài Văn vương Trần Quốc Toản.

Trần Quốc Toản sinh năm 1267, là con trai của Trung Thành vương (sử liệu không ghi rõ Trung Thành vương có tên thật là gì), nên được phong là Hoài Văn hầu.

Trước khi Hoài Văn hầu chào đời 10 năm, quân, dân Đại Việt đã khiến giặc Nguyên Mông thua tan tác trong trận quyết chiến Đông Bộ Đầu, giành thắng lợi tưng bừng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất. Biết rằng giặc Nguyên Mông không bao giờ từ bỏ giấc mộng thôn tính Đại Việt, triều đình nhà Trần một mặt giảng hòa với nhà Nguyên, một mặt tích cực chuẩn bị lực lượng sẵn sàng ứng phó. Suốt từ năm 1258 trở đi, trong khoảng 1/4 thế kỷ, nhà Trần áp dụng phương sách đối ngoại mềm dẻo, linh hoạt nhưng cũng không kém phần cương quyết, không ít lần vua Trần khéo léo từ chối những yêu sách quá quắt của Hốt Tất Liệt, hoàng đế Nguyên Mông. Điều này càng khiến Hốt Tất Liệt nung nấu quyết tâm thôn tính Đại Việt và càng ngày càng đưa ra những yêu sách quá quắt để “nắn gân” và “dọn đường” cho cuộc tấn công xuống Đại Việt. Đó là lý do vua Trần triệu tập hội nghị Bình Than vào tháng 10 năm 1282, khởi đầu cho câu chuyện “bóp nát quả cam” hy hữu trong lịch sử của Trần Quốc Toản.

Trước nguy cơ giặc Nguyên Mông đánh chiếm Đại Việt hiện hữu, tháng 10 năm 1282, vua Trần Nhân Tông triệu tập Hội nghị Bình Than để bàn phương hướng kháng chiến, tiến cử và quyết định nhân sự cho cuộc kháng chiến khi Nguyên Mông xua quân đánh chiếm nước ta. Hội nghị này bao gồm quan lại, vương hầu và được đích thân vua Trần chủ trì. Do mới 16 tuổi (theo cách tính tuổi như bây giờ thì khi ấy, Trần Quốc Toản mới 15 tuổi), nên Hoài Vương hầu không được mời dự Hội nghị. Tuy vậy, Hoài Vương hầu vẫn tới bến Bình Than, đòi được vào dự Hội nghị. Bị lính canh chặn cửa, Hoài Văn hầu vặn hỏi:

– Ta là Hoài Văn hầu, quan gia truyền gọi tất cả vương, hầu tới họp. Ta là hầu, cớ sao không cho vào?

Thấy chuyện ầm ĩ bên ngoài, Trần Nhân Tông hỏi ra mới biết chuyện, bèn cho người mang ban cho Hoài Văn hầu một quả cam và khuyên Hoài Văn hầu lui bước vì chưa đến tuổi bàn việc nước. Về chuyện này, Đại Việt sử ký toàn thư chép lại như sau: “Vua thấy Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, Hoài Nhân Vương Kiện đều còn trẻ tuổi, không cho dự bàn. Quốc Toản trong lòng hổ thẹn, phẫn kích, tay cầm quả cam, bóp nát lúc nào không biết.”

Trở về từ Hội nghị Bình Than, Hoài Văn hầu vẫn quyết tâm tìm cách đánh giặc cứu nước. Chàng thiếu niên có vóc dáng vạm vỡ hơn người do sớm thao luyện võ nghệ bèn quy tập gia nhân, trai tráng trong vùng được hơn 1000 người, rèn luyện binh khí, tích trữ lương thảo, ngày đêm luyện võ, tập trận. Trần Quốc Toản còn cho thêu trên một lá cờ lớn 6 chữ vàng: “Phá cường địch, báo hoàng ân”.

Cuối tháng 2 năm 1285, quân Nguyên Mông ồ ạt tấn công Đại Việt. Trong các trận chiến chống giặc ngoại xâm, Trần Quốc Toản thường dẫn quân xông lên trước lính triều đình, tả xung hữu đột đương đầu trực tiếp với thế giặc đang mạnh. Lá cờ thêu 6 chữ vàng của Trần Quốc Toản xuất hiện trên nhiều mặt trận, góp phần quan trọng làm chậm bước tiến của quân Nguyên. Về chuyện này, sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “khi đối trận với giặc, (Hoài Văn hầu) tự mình xông lên trước quân sĩ, giặc trông thấy phải lui tránh, không dám đối địch”.

Cảm kích trước tấm lòng trung chinh và tinh thần dũng cảm của chàng thiếu niên Hoài Văn hầu, khi Trần Nhân Tông chuẩn y mưu kế lập vườn không nhà trống, rút toàn bộ khỏi thành Thăng Long, nhà vua đã cho Hoài Văn hầu đi theo hộ giá vào Thanh Hóa.

Do không chiếm được lương thảo, chỉ sau đó vài tháng, quân Nguyên Mông bắt đầu rơi vào tình cảnh khốn cùng. Kế vườn không nhà trống của nhà Trần đã mang lại cơ hội không thể tốt hơn cho việc tổng phản công giặc. Trong khoảng từ đầu tháng 5 tới đầu tháng 6 năm 1285, Hoài Văn hầu cùng các tướng lĩnh theo Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải và Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật đốc quân ngược ra Bắc để phản công giặc.

Dọc theo phòng tuyến sông Hồng, quân triều đình chia làm 3 mũi tấn công, Hoài Văn hầu theo mũi tấn công do Chiêu Thành vương và tướng quân Nguyễn Khoái chỉ huy đánh thẳng vào bến Tây Kết (gần bãi Đà Mạc-Thiên Mạc, nay thuộc địa phận huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), khiến quân giặc thua chạy táo tác. Những chiến thắng liên tiếp có công sức không nhỏ của Trần Quốc Toản khiến quân giặc liên tục vỡ trận phải tháo chạy, trong đó có chiến thắng lịch sử ở Chương Dương Độ. Trần Quốc Toản cùng đội quân thiện chiến và lá cờ theo 6 chữ vàng hòa cùng đại quân triều đình vây khốn quân Nguyên ở thành Thăng Long, khiến Thoát Hoan phải mở đường máu qua sông Hồng để tháo chạy. Trần Quốc Toản lại dẫn quân truy đuổi, tới bờ sông Như Nguyệt thì đón đầu được quân Nguyên. Không địch nổi với Trần Quốc Toản, không vượt sông Như Nguyệt được, quân Nguyên phải tháo chạy lên Vạn Kiếp. Chàng thiếu niên dũng mãnh Trần Quốc Toản quyết truy đuổi tới cùng. Tuy nhiên, trong lúc truy đuổi, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản không may hy sinh. Tuy tử trận, nhưng Trần Quốc Toản đã góp công không nhỏ trong sự thành công của cuộc tổng phản công của quân đội triều đình, quét sạch bóng xâm lăng chỉ trong vòng khoảng 2 chục ngày đêm.

Nhận được tin Hoài Văn hầu tử trận, Trần Nhân Tông rất đỗi thương tiếc. Khi đất nước sạch bóng giặc, nhà vua cử hành tang lễ rất trọng thể, đích thân làm văn tế và truy tặng Trần Quốc Toản tước Hoài Văn vương.

(Theo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội, hoangthanhthanglong.vn)

Xem thêm các bài giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 7 sách Cánh diều hay, chi tiết khác:

Người đàn ông cô độc giữa rừng

Buổi học cuối cùng

Dọc đường xứ Nghệ

Bài tập tiếng Việt trang 14,15

1 649 08/08/2022
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: