SBT Ngữ văn 10 Đại cáo bình Ngô (Bình Ngô đại cáo) - Cánh diều

Với giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 10 Đại cáo bình Ngô (Bình Ngô đại cáo) sách Cánh diều hay nhất, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 10.

1 614 11/08/2022
Tải về


Giải SBT Ngữ văn 10 Đại cáo bình Ngô (Bình Ngô đại cáo) - Cánh diều

 (Nguyễn Trãi)

Câu 1 trang 7 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Trình bày hoàn cảnh ra đời của đại cáo bình Ngô và cho biết tư cách phát ngôn của Nguyên Trãi khi viết tác phẩm này.

Trả lời:

Hoàn cảnh ra đời của Đại cáo bình Ngô và tư cách phát ngôn của Nguyễn Trãi khi viết tác phẩm này:

- Bài Đại cáo ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt. Cuối tháng 12 năm Đinh Mùi (1427), sau khi chiến tranh kết thúc, Lê Lợi giao cho Nguyễn Trãi viết Đại cáo bình

Ngô, trịnh trọng tuyên bố về chiến thắng của Đại Việt trước quân Minh xâm lược, tổng kết toàn diện cuộc kháng chiến, lên án tội ác của kẻ thù, kể lại quá trình khởi nghĩa đầy gian khổ, hi sinh nhưng cuối cùng đã thắng lợi vẻ vang; ca ngợi lòng yêu nước, tinh thần nhân nghĩa, tài trí thao lược của quân dân ta trong cuộc kháng chiến trường kì giành lại độc lập tự do cho dân tộc; mở ra một kỉ nguyên mới: xây dựng một nhà nước Đại Việt tự chủ và thịnh Vượng.

- Tư cách phát ngôn của Nguyễn Trãi khi viết Đại cáo bình Ngô: Trong bộ chỉ huy cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, vai trò của Nguyễn Trãi là vô cùng quan trọng, ông giúp Lê Lợi trong việc thảo ra tư tưởng, chiến lược cho cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, được uỷ quyền trực tiếp soạn thảo các văn bản, giấy tờ trong mọi công việc đối nội, đối ngoại, góp phần quan trọng vào thắng lợi của toàn dân tộc. Ông cũng được Lê Lợi uỷ quyền viết văn bản cực kì quan trọng: Đại cáo bình Ngô. Với tài năng xuất chúng của mình, Nguyễn Trãi đã viết lên một áng hùng văn, trong đó thể hiện những tư tưởng lớn lao của dấn tộc và chủ tướng Lê Lợi. Nhưng trước hết, đây chính là tư tưởng của Nguyễn Trãi đã được ông hun đúc từ lịch sử truyền thống của dân tộc và thời đại. Do vậy, ngày nay chúng ta đều coi Nguyễn Trãi là tác giả của Đại cáo bình Ngô, tư tưởng của ông được thể hiện trong bài Đại cáo là đại diện cho tư tưởng của dân tộc và thời đại.

Câu 2 trang 7 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Tìm hiểu luận đề và các luận điểm của bài Đại cáo, qua đó cho biết mục đích viết Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi.

Trả lời:

Luận đề và các luận điểm của bài Đại cáo; mục đích viết Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi.

- Luận đề (quan điểm) được nêu lên ở ngay hai câu đầu tiên của bài Đại cáo. Ở mỗi phần của văn bản đều có các luận điểm nhằm triển khai các ý tưởng của luận đề.

Nguyễn Trãi thay mặt Lê Lợi viết Đại cáo bình Ngô nhằm mục đích:

- Bố cáo trước bàn dân thiên hạ về chiến thắng của quân dân Đại Việt trước quân Minh xâm lược.

- Khẳng định chủ quyền độc lập của nước Đại Việt.

- Lên án tội ác của kẻ thù.

- Kể lại quá trình khởi nghĩa đầy gian khổ, hi sinh nhưng cuối cùng đã thắng lợi vẻ vang.

- Ca ngợi lòng yêu nước, tinh thần nhân nghĩa, tài trí thao lược của quân dân ta trong cuộc kháng chiến trường kì giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

- Thể hiện khát vọng về một kỉ nguyên mới: xây dựng một nhà nước Đại Việt tự chủ và thịnh vượng trong hoà bình, độc lập.

Câu 3 trang 7 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Phân tích hình tượng lãnh tụ Lê Lợi được Nguyễn Trãi thể hiện trong Đại cáo bình Ngô.

Trả lời:

a. Sơ lược về thân thế Lê Lợi:

- Lê Lợi (1385-1433), quê gốc tại Lam Sơn (nay là Thọ Xuân, Thanh Hóa), vốn sinh ra trong một gia đình giàu có, nối nghiệp cha làm chúa trại tại Lam Sơn.

- Đầu năm 1416, ông cùng với 18 người bạn thân thiết, chung chí hướng đã lập hội thề Lũng Nhai, quyết chí lập nên nghĩa quân Lam Sơn, chống giặc Minh xâm lược, cứu nước.

b. Vẻ đẹp từ đức độ, tấm lòng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc:

- Cách xưng hô thân tình "ta" thể hiện sự khiêm nhường, gần gũi, nhưng cũng thể hiện ý thức của nhân vật về vị trí và tầm vóc của mình trong nghĩa quân, thể hiện dáng vẻ của một vị lãnh tụ có đủ đức, đủ tài.

- Chọn "núi Lam Sơn dấy nghĩa", làm điểm khởi đầu của nghĩa quân, đây là một lựa chọn chính xác, bởi hơn ai hết với vai trò là một chúa trại (Lê Lợi hiểu rất rõ địa hình quê hương, gần với gia đình ông, có thể dễ dàng tiếp tế lương thực và nhu yếu phẩm).

- Có tấm lòng vì nghĩa lớn sẵn sàng từ bỏ cuộc sống giàu sang, an nhàn của một chúa trại, từ chối lời dụ dỗ quan tước của nhà Minh để vào "chốn hoang dã nương mình".

- Tất cả những hành động, ý chí cao đẹp ấy của Lê Lợi đều xuất phát từ một lý do duy nhất là lòng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc "Ngẫm thù lớn há đội trời chung/Căm giặc nước thề không cùng sống".

c. Tâm huyết và những nỗi lòng sâu kín của chủ soái Lê Lợi trong những ngày nghĩa quân mới được thành lập:

- Mang vẻ đẹp của một con người mưu cao chí rộng, đức độ vô cùng với những tâm trạng "đau lòng, nhức óc, nếm mật nằm gai, quên ăn vì giận, những trằn trọc trong cơn mộng mị...".

- Lê Lợi thấu hiểu đạo lý, phàm là làm việc lớn ắt không thể nóng vội, thế nên ông một lòng nuôi quân, trăn trở "đau lòng nhức óc, chốc đà mười mấy năm trời". Có lòng kiên nhẫn "Nếm mật nằm gai há phải một hai sớm tối"

- Chính vì sứ mệnh nặng nề, trách nhiệm to lớn của mình mà Lê Lợi luôn "trằn trọc trong cơn mộng mị/chỉ băn khoăn một nỗi đồ hồi".

d. Những khó khăn của nghĩa quân và vẻ đẹp ý chí, sự thông thái của chủ soái Lê Lợi:

- Lực lượng còn non yếu, "nhân tài như lá mùa thu/tuấn kiệt như sao buổi sớm".

- Thiếu thốn cả quân đội, thiếu cả lương thực, Lê Lợi vẫn không hề nao núng "Tự ta, ta phải dốc lòng, vội vã hơn cứu người chết đuối".

-"Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới/Tướng sĩ một lòng phụ tử, hoà nước sông chén rượu ngọt ngào", bộc lộ khả năng hiệu triệu sức mạnh toàn dân của Lê Lợi, thu phục được nhân tâm, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

- Bộc lộ vẻ đẹp của sự tài trí, thao lược trong lĩnh vực quân sự khi "Thế trận xuất kỳ, lấy yếu chống mạnh/Dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều", vận dụng rất tốt điểm mạnh của nghĩa quân vào chiến đấu, thực hiện chiến tranh du kích vừa hay hiệu quả lại khắc phục được nhược điểm quân lực mỏng manh của ta.

Câu 4 trang 7 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Hãy phân tích một số dẫn chứng để thấy được sự đa dạng và sinh động của hình tượng kẻ thù qua cách miêu tả của Nguyễn Trãi.

Trả lời:

- Hình tượng kẻ thù hung ác, bất nhân, bất nghĩa, “dối trên, lừa dưới” được khắc hoạ trong sự đối lập với hình tượng của nghĩa quân và lãnh tụ Lê Lợi như thế nào?

- Tội ác có tính chất huỷ diệt “trời không dung, đất không tha” của chúng đối với nhân dân ta được thể hiện trong bài cáo trên những phương diện nào?

- Hình ảnh kẻ thù xâm lược được miêu tả mỗi tên một vẻ nhưng đều giống nhau ở chỗ tham sống, sợ chết đến hèn nhát, cuối cùng đã thất bại thảm hại trước sức mạnh của quân dân Đại Việt.

Câu 5 trang 7 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Hãy tìm hiểu, phân tích một số đoạn văn biền ngẫu tiêu biểu trong Đại cáo bình Ngô để qua đó thấy được tác dụng nghệ thuật của thể văn được Nguyễn Trãi sử dụng.

Trả lời:

- Biền là ngựa đi sóng đôi; ngẫu là từng cặp đôi. Trong văn biền ngẫu các câu đối nhau từng đôi, từng cặp một; đối theo bằng trắc, từ loại. Câu 4 chữ đối với câu 4 chữ; câu 6 chữ đối với câu 6 chữ (ví dụ: “Tuấn kiệt như sao buổi sớm / Nhân tài như lá mùa thu”) tạo nên vần điệu.

Vần điệu, câu từ của câu văn biền ngẫu góp phần quan trọng trong việc thể hiện thái độ, tình cảm của tác giả, không khí, bối cảnh được diễn tả. Đây là một trong những cơ sở để tạo nên âm hưởng từ căm phẫn đến hùng tráng, đầy tự hào của Đại cáo bình Ngô.

Câu 6 trang 7 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: (Câu hỏi 2, SGK) Tư tưởng nổi bật được thể hiện xuyên suốôt trong Đại cáo bình Ngô là gì? Hãy làm sáng tỏ tư tưởng ấy.

Trả lời:

- Tư tưởng nổi bật được thể hiện xuyên suốt Bình Ngô đại cáo là: Tư tưởng nhân nghĩa, được thể hiện ở lòng tự hào về ý thức dân tộc, về nền văn hiến dân tộc. Nhân nghĩa là yêu nước thương dân, căm thù giặc, diệt bạo tàn mang lại cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân.

Câu 7 trang 7 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: (Câu hỏi 4, SGK) Hãy phân tích vai trò của yếu tố biểu cảm trong bài Đại cáo qua các dẫn chứng cụ thể.

Trả lời:

- Vai trò của các yếu tố biểu cảm trong bài Đại cáo: giúp cho bài Đại cáo có hiệu quả thuyết phục hơn, vì nó tác động mạnh mẽ, trực tiếp đến tình cảm, cảm xúc của người nghe, người đọc.

- Dưới đây là một số dân chứng tiêu biểu, các em có thể lựa chọn phân tích:

+ “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

….. Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương”

→ Yếu tố biểu cảm giúp khẳng định lí tưởng nhân nghĩa và khẳng định chủ quyền của nước Đại Việt ta.

+ “Núi Lam Sơn dấy nghĩa

Chốn hoang dã nương mình

Ngẫm thù lớn há đội trời chung

Căm giặc nước thề không cùng sống”

→ Yếu tố biểu cảm giúp thể hiện hoài bão, lí tưởng của Lê Lợi.

+ “Lấy chí nhân để thay cường bạo

Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật

Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay”

→ Yếu tố biểu cảm giúp thể hiện chí khí, tinh thần đánh giặc của quân dân ta.

Câu 8 trang 7 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: (Câu hỏi 5, SGK) Quan niệm về quốc gia, dân tộc được Nguyễn Trãi thể hiện trong bài Đại cáo như thế nào? Phân tích ý thức độc lập và tinh thần tự hào dân tộc được thể hiện trong quan niệm ấy.

Trả lời:

- Quan niệm về quốc gia, dân tộc được Nguyễn Trãi thể hiện trong bài Đại cáo là:

+ Nguyễn Trãi khẳng định mỗi dân tộc có quyền bình đẳng vì mỗi dân tộc đều có: nền văn hiến riêng, có phong tục tập quán, có các triều đại làm chủ, có các anh hùng hào kiệt. Điều này thể hiện ý thức cao độ về độc lập chủ quyền của tác giả.

- Ý thức độc lập và tinh thần tự hào dân tộc được thể hiện trong quan niệm ấy: khẳng định chủ quyền dân tộc qua 5 yếu tố: văn hiến, bờ cõi, phong tục, lịch sử, con người hào kiệt và niềm vui sướng trước những chiến thắng oai hùng của dân tộc.

Xem thêm các bài giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 10 sách Cánh diều hay, chi tiết khác:

Nguyễn Trãi - Cuộc đời và Sự nghiệp

Gương báu khuyên răn (bài 43) (Báo kính cảnh giới)

Bài tập tiếng Việt trang 8,9

Bài tập viết trang 9, 10

1 614 11/08/2022
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: