Chương XVII Thông tư 19/2017/TT-BGTVT: Hoạt động bay trong khu vực bay phục vụ hàng không chung
Số hiệu: | 19/2017/TT-BGTVT | Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Bộ Giao thông vận tải | Người ký: | Trương Quang Nghĩa |
Ngày ban hành: | 06/06/2017 | Ngày hiệu lực: | 01/08/2017 |
Ngày công báo: | 24/06/2017 | Số công báo: | Từ số 461 đến số 462 |
Lĩnh vực: | Giao thông - Vận tải | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
1. Vùng trời cho hoạt động hàng không chung bao gồm khu vực bay, đường bay phục vụ hoạt động hàng không chung; đường bay ATS và vùng trời sân bay.
2. Khu vực bay phục vụ hoạt động hàng không chung có giới hạn ngang, giới hạn cao và giới hạn thấp; các điểm ra, vào khu vực và các điều kiện khai thác (nếu cần); có giới hạn cao không quá mực bay 200 (6100 m) trừ trường hợp được Cục Hàng không Việt Nam ấn định khác do yêu cầu hoạt động bay, giới hạn thấp không nhỏ hơn 300 m so với chướng ngại vật cao nhất trong khu vực bán kính 600 m có tâm là vị trí ước tính của tàu bay trừ phần vùng trời quy định thực hiện vòng lượn, cất cánh, hạ cánh.
3. Khu vực bay phục vụ hàng không chung chỉ khai thác trong điều kiện bay bằng mắt, vào ban ngày hoặc thời gian cụ thể khác theo quy định của Cục Hàng không Việt Nam và được ghi rõ trong phép bay liên quan.
1. Cục Hàng không Việt Nam chủ trì tổ chức xây dựng phương án thiết lập đường bay phục vụ hoạt động hàng không chung và đề nghị Cục Tác chiến trình Tổng Tham mưu trưởng quyết định thiết lập.
2. Đường bay phục vụ hàng không chung chỉ khai thác trong điều kiện bay theo VFR, vào ban ngày hoặc thời gian cụ thể khác theo quy định của Cục Hàng không Việt Nam và được ghi rõ trong phép bay liên quan.
3. Đường bay phục vụ hàng không chung được thiết lập trên cơ sở được xem xét, đánh giá không ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động bay theo IFR trên các đường bay ATS, các phương thức đi, đến sân bay và các khu vực bay chờ.
4. Đường bay phục vụ hàng không chung bao gồm: chi tiết về tên gọi; điểm báo cáo (tọa độ hệ WGS-84 hoặc điểm báo cáo theo đường hàng không liên quan nếu có), cự ly, hướng bay, độ cao giới hạn cao và giới hạn thấp, độ cao an toàn tối thiểu của từng chặng bay, các giới hạn khai thác bay khác (nếu có).
1. Cục Hàng không Việt Nam chủ trì tổ chức xây dựng phương án thiết lập khu vực bay phục vụ hoạt động hàng không chung và đề nghị Cục Tác chiến chủ trì trình Tổng Tham mưu trưởng quyết định thiết lập khu vực bay này.
2. Khu vực bay phục vụ hoạt động hàng không chung được nghiên cứu, thiết lập hạn chế tối đa ảnh hưởng đến các hoạt động bay IFR hoạt động trên các đường bay, các phương thức đi, đến sân bay và các khu vực bay chờ.
1. Vùng trời phục vụ cho hoạt động hàng không chung (bao gồm khu vực bay, đường bay phục vụ hàng không chung) là vùng trời không lưu loại G, khai thác vào ban ngày hoặc thời gian cụ thể khác theo quy định của Cục Hàng không Việt Nam cho từng trường hợp.
2. Không yêu cầu bắt buộc liên lạc vô tuyến hai chiều liên tục giữa chuyến bay hoạt động trong vùng trời phục vụ hoạt động hàng không chung với cơ sở ATS. Tổ lái phải thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tại các điểm vào, điểm ra khỏi đường bay phục vụ hàng không chung và khu vực bay phục vụ đường hàng không, độ cao bay do cơ sở ATS chỉ định.
3. Hoạt động bay trong vùng trời phục vụ hoạt động hàng không chung được cung cấp dịch vụ thông báo bay theo yêu cầu.
1. Đường bay tiến nhập, rời khỏi khu vực bay phục vụ hàng không chung là phần đường bay phục vụ hàng không chung kết nối với khu vực bay phục vụ hàng không chung.
2. Trừ trường hợp được phép của cơ sở ATS, tổ lái phải thực hiện đúng đường bay tiến nhập, rời khởi khu vực bay phục vụ hàng không chung.
1. Điểm ra, vào khu vực bay phục vụ hàng không chung là điểm giao cắt giữa trục đường bay tiến nhập, rời khỏi khu vực bay phục vụ hàng không chung với ranh giới khu vực bay phục vụ hàng không chung.
2. Trừ trường hợp được phép của cơ sở ATS, tổ lái phải thực hiện tiến nhập, rời khỏi khu vực bay phục vụ hàng không chung tại đúng điểm ra, vào khu vực bay phục vụ hàng không chung.
1. Liên lạc không địa cho hoạt động bay và quản lý, điều hành bay trong khu vực bay phục vụ hàng không chung sử dụng VHF (gồm 01 tần số chính và 01 tần số dự phòng), liên lạc HF phù hợp với khu vực hoạt động cụ thể. Cục Hàng không Việt Nam ấn định chi tiết các tần số liên lạc này.
2. Cơ sở, bộ phận điều hành khu vực bay phục vụ hàng không chung phải có kênh liên lạc với các cơ sở điều hành bay có liên quan trong khu vực.
3. Khi được thiết lập, bộ phận khai thác bay của người khai thác bay hàng không chung trong khu vực bay phục vụ hàng không chung phải có kênh liên lạc thoại trực tiếp với cơ sở điều hành bay trong khu vực bay phục vụ Hàng không chung.
4. Việc thiết lập mạng thông tin liên lạc; thiết bị chính, dự phòng; ghi, lưu trữ tham số thông tin, liên lạc; nguồn điện chính, dự phòng; khai thác và bảo dưỡng hệ thống thiết bị thực hiện theo quy định tại Mục 1 Chương V của Thông tư này.
Cục Hàng không Việt Nam chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay công bố thông tin về đường bay, khu vực bay, phương thức bay phục vụ hàng không chung; các thông tin về bãi cất cánh, hạ cánh trên mặt nước trong khu vực bay hàng không chung; cơ sở ATS liên quan và tần số liên lạc, phương thức liên lạc trong khu vực hàng không chung; các cơ sở ANS khác, các hạn chế khai thác bay nếu có trong Tập thông tin phục vụ hoạt động hàng không chung.
1. Đối với chuyến bay khởi hành từ cảng hàng không, sân bay đến bãi đáp:
a) Các giai đoạn trước khi cất cánh, cất cánh và bay trong khu vực vùng trời kiểm soát thực hiện theo quy định hiện hành đối với các chuyến bay trong vùng trời có kiểm soát;
b) 05 phút trước khi đến ranh giới hoặc điểm chuyển giao (nếu có) giữa vùng trời kiểm soát với đường bay, khu vực bay hàng không chung, tổ lái thông báo cho cơ sở điều hành bay liên quan, xin chuyển qua thực hiện theo VFR hoặc chế độ bay VFR đặc biệt, đồng thời thông báo giờ dự kiến hạ cánh tại bãi đáp;
c) Sau khi tàu bay hạ cánh tại bãi đáp, tổ lái (hoặc người đại diện được ủy quyền của người khai thác tàu bay) thông báo giờ thực tế tàu bay hạ cánh cho cơ sở điều hành bay liên quan;
d) Cơ sở điều hành bay nhận được thông tin tàu bay hạ cánh phải thông báo ngay cho cơ sở điều hành bay liên quan khác (trung tâm kiểm soát đường dài, cơ sở kiểm soát tiếp cận, đài kiểm soát tại sân bay). Trung tâm kiểm soát đường dài có trách nhiệm thông báo cho trung tâm quản lý điều hành bay khu vực liên quan.
2. Đối với chuyến bay khởi hành từ bãi đáp đến cảng hàng không, sân bay liên quan:
a) Trước khi tàu bay nổ máy, tổ lái (hoặc người đại diện được ủy quyền của người khai thác tàu bay) liên lạc với cơ sở điều hành bay liên quan, thông báo giờ dự kiến khởi hành và xin huấn lệnh đường dài;
b) Sau khi tàu bay cất cánh, người đại diện được ủy quyền nêu trên thông báo cho cơ sở điều hành bay liên quan giờ thực tế tàu bay cất cánh và giờ dự kiến đến điểm tiến nhập vào vùng trời kiểm soát;
c) Cơ sở điều hành bay nhận thông tin tàu bay cất cánh phải thông báo ngay cho cơ sở điều hành bay liên quan khác; trung tâm kiểm soát đường dài có trách nhiệm thông báo cho trung tâm quản lý điều hành bay khu vực liên quan;
d) 05 phút trước khi tiến nhập vào vùng trời có kiểm soát, tổ lái có trách nhiệm liên lạc với cơ sở điều hành bay liên quan và xin phép bay vào vùng trời có kiểm soát;
đ) Sau khi vào vùng trời có kiểm soát, chuyến bay được cung cấp ATS như đối với các chuyến bay IFR khác.
3. Đối với chuyến bay khởi hành từ bãi đáp và hạ cánh tại bãi đáp khác:
a) Trước khi tàu bay nổ máy, tổ lái (hoặc người đại diện được ủy quyền của người khai thác tàu bay) liên lạc với trung tâm kiểm soát đường dài liên quan, thông báo giờ dự kiến khởi hành;
b) Sau khi tàu bay cất cánh, người đại diện được ủy quyền nêu trên thông báo cho trung tâm kiểm soát đường dài liên quan giờ tàu bay cất cánh và giờ dự kiến tàu bay hạ cánh;
c) Sau khi tàu bay hạ cánh tại bãi đáp, tổ lái (hoặc người đại diện được ủy quyền nêu trên) thông báo ngay giờ hạ cánh thực tế cho trung tâm kiểm soát đường dài liên quan;
d) Trung tâm kiểm soát đường dài có trách nhiệm thông báo giờ tàu bay cất, hạ cánh cho trung tâm quản lý điều hành bay khu vực liên quan.
Cục Hàng không Việt Nam chủ trì, phối hợp với Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu thiết lập và công bố phương thức bay tiến nhập, phương thức rời từng khu vực bay phục vụ hàng không chung cụ thể.
1. Cục Hàng không Việt Nam quyết định và công bố phương thức bay, bài bay trong khu vực bay phục vụ hàng không chung.
2. Quy tắc bay:
a) Thực hiện bay theo IFR trong vùng trời có kiểm soát;
b) Thực hiện bay theo VFR trong vùng trời loại G;
c) Ranh giới xác định tàu bay thực hiện VFR hoặc IFR là vị trí tại đó tàu bay rời hoặc tiến nhập vào vùng trời có kiểm soát.
1. Hoạt động bay hàng không chung được cơ quan quản lý vùng trời và quản lý điều hành bay quân sự giám sát theo quy định tại Nghị định số 125/2015/NĐ-CP ngày 04 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết về quản lý hoạt động bay.
2. Hoạt động bay hàng không chung trong vùng trời kiểm soát được cung cấp dịch vụ điều hành bay; ngoài vùng trời kiểm soát được cung cấp dịch vụ thông báo bay trước khi tàu bay cất cánh.
Các cơ sở ATS có trách nhiệm theo dõi, nắm chắc và thông báo kịp thời cho nhau về thời gian cất cánh, hạ cánh của tàu bay, thời gian dự kiến bay qua, bay đến và những thay đổi, tình huống bất thường xảy ra trong quá trình bay, những trường hợp vi phạm quy tắc, chế độ bay, nguyên nhân và việc xử lý các tình huống bất trắc.
Các tàu bay hoạt động trên đường bay, trong khu vực bay phục vụ hàng không chung tự đảm bảo phân cách với nhau cũng như đảm bảo phân cách với địa hình và chướng ngại vật.
Cơ sở điều hành bay thực hiện:
1. Trước chuyến bay: cung cấp tin tức về kế hoạch của hoạt động bay trong khu vực (nếu có) có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động bay hàng không chung.
2. Trong chuyến bay: cung cấp dịch vụ báo động khi nhận được thông tin từ người khai thác tàu bay hoặc nhận biết được từ nguồn khác phù hợp với quy định hiện hành.
1. Cơ sở điều hành bay cung cấp các thông tin thời tiết hiện có cho tổ lái (hoặc người đại diện được ủy quyền của người khai thác tàu bay và được Cục Hàng không Việt Nam chấp thuận) thực hiện hoạt động hàng không chung trước chuyến bay.
2. Đối với hoạt động bay hàng không chung trong vùng trời không có kiểm soát, cơ sở điều hành bay cung cấp các thông tin thời tiết tại khu vực hoạt động theo điều kiện thực tế và khi có yêu cầu của tổ lái hoặc người đại diện được ủy quyền nêu trên.
Khi một tàu bay ở trong tình huống bất thường, khẩn cấp, cơ sở ATS phối hợp với trung tâm quản lý điều hành bay khu vực, người khai thác tàu bay để trợ giúp kịp thời khi có yêu cầu theo khả năng thực tế; cung cấp các thông tin chính xác để hỗ trợ cho việc điều khiển tàu bay hoạt động hàng không chung một cách an toàn.