Thông tư 110/2015/TT-BTC hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Số hiệu: | 110/2015/TT-BTC | Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Bộ Tài chính | Người ký: | Đỗ Hoàng Anh Tuấn |
Ngày ban hành: | 28/07/2015 | Ngày hiệu lực: | 10/09/2015 |
Ngày công báo: | 20/08/2015 | Số công báo: | Từ số 937 đến số 938 |
Lĩnh vực: | Thuế - Phí - Lệ Phí, Công nghệ thông tin | Tình trạng: |
Hết hiệu lực
03/05/2021 |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Hướng dẫn cách thức giao dịch điện tử về thuế
Từ ngày 10/9/2015, các đối tượng là người nộp thuế theo quy định tại Điều 2 Luật Quản lý thuế 2006 sẽ thực hiên các thủ tục hành chính về thuế bằng phương thức điện tử theo hướng dẫn tại Thông tư 110/2015/TT-BTC .
Theo đó, người nộp thuế phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Có chứng thư số đang còn hiệu lực do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cấp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hay công nhận.
- Có khả năng truy cập và sử dụng mạng Internet; có địa chỉ thư điện tử, có số điện thoại di động (đối với cá nhân chưa được cấp chứng thư số) đã đăng ký sử dụng để giao dịch với cơ quan thuế.
Người nộp thuế được thực hiện các giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ và ngày Tết.
Ngoài ra, Thông tư 110/2015/TT-BTC cũng hướng dẫn cách thức thực hiện giao dịch điện tử trong việc đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế…
Văn bản tiếng việt
BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 110/2015/TT-BTC |
Hà Nội, ngày 28 tháng 07 năm 2015 |
HƯỚNG DẪN GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ TRONG LĨNH VỰC THUẾ
Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 06 năm 2006;
Căn cứ Luật Quản lý thuế ngày 29/11/2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 20/11/2012; Luật số 71/2014/QH13 Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế ngày 26/11/2014 và các văn bản hướng dẫn;
Căn cứ Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23/02/2007 của Chính phủ quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính;
Căn cứ Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15/2/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số; Nghị định số 106/2011/NĐ-CP ngày 23/11/ 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 26/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/02/2007; Nghị định số 170/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15/02/2007 của Chính phủ và Nghị định số 106/2011/NĐ-CP ngày 23/11/2011 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23/12/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế như sau:
1. Thông tư này hướng dẫn về:
a) Thực hiện các thủ tục hành chính thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế bằng phương thức giao dịch điện tử bao gồm: đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế và tiếp nhận các hồ sơ, văn bản khác của người nộp thuế gửi đến cơ quan thuế bằng phương thức điện tử.
b) Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế bằng phương thức điện tử bao gồm: tra cứu thông tin của người nộp thuế, gửi các thông báo của cơ quan thuế đối với người nộp thuế.
c)Tiêu chí lựa chọn, thủ tục, trình tự ký thỏa thuận với tổ chức cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế; thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế qua tổ chức cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.
2. Thông tư này không điều chỉnh việc thực hiện giao dịch điện tử về thuế đối với hàng hóa ở khâu xuất khẩu, nhập khẩu tại cơ quan Hải quan.
1. Người nộp thuế theo quy định tại Điều 2 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006.
2. Tổ chức cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.
3.Tổng cục Thuế, Cục Thuế, Chi cục Thuế.
4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc người nộp thuế thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương thức điện tử.
1. Giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế là việc thực hiện các thủ tục hành chính thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế bằng phương thức điện tử theo quy định tại khoản 1, Điều 1 Thông tư này.
2. Chứng từ điện tử trong lĩnh vực thuế là thông tin được tạo ra, gửi đi, nhận và lưu trữ bằng phương thức điện tử để thực hiện các thủ tục đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế và tra cứu thông tin của người nộp thuế, thông báo của cơ quan thuế đối với người nộp thuế. Chứng từ điện tử có giá trị pháp lý như chứng từ giấy.
3. Mã giao dịch điện tử là một dãy các ký tự được tạo theo một nguyên tắc thống nhất để ghi nhận chứng từ điện tử trong lĩnh vực thuế trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.Mã giao dịch điện tử là duy nhất để nhận biết, xác định, tra cứu theo từng chứng từ điện tử trong lĩnh vực thuế,được Tổng cục Thuế quản lý thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
4. Tài khoản giao dịch thuế điện tử là tên và mật khẩu được cấp cho người nộp thuế để đăng nhập vào Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuếkhi thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế và tra cứu các hồ sơ, chứng từ, thông báo đã nhận/gửi giữa cơ quan thuế và người nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
5. Mã xác thực giao dịch điện tử là mật khẩu dùng một lần được sử dụng khi người nộp thuế là cá nhân (trường hợp chưa được cấp chứng thư số) thực hiện giao dịch điện tử. Mật khẩu này được gửi từ Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuếqua “tin nhắn”đến số điện thoại hoặc địa chỉ thư điện tử của người nộp thuế đã đăng ký với cơ quan thuế.
6. Dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế (sau đây gọi là dịch vụ T-VAN) là dịch vụ truyền, nhận, lưu trữ, phục hồi thông điệp dữ liệu điện tử về thuế giữa người nộp thuế và cơ quan thuế để thực hiện giao dịch bằng phương thức điện tử.
7. Tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN: là tổ chức hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin được Tổng cục Thuế ký thỏa thuận cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.
8. Ngân hàng bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức tín dụng khác thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng.
9. Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế: là điểm truy cập tập trung, tích hợp các thông tin theo quy định tại khoản 1, Điều 1 Thông tư này bằng phương thức giao dịch điện tử với cơ quan thuế trên nền tảng Web.
1. Việc thực hiện các giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế phải tuân theo nguyên tắc rõ ràng, công bằng, trung thực, an toàn, hiệu quả và phù hợp với quy định của Luật Giao dịch điện tử.
2. Người nộp thuế đã thực hiện khai thuế điện tử thì phải thực hiện các giao dịch khác với cơ quan thuế theo phạm vi quy định tại khoản 1, Điều 1 Thông tư này bằng phương thức điện tử, trừ trường hợp quy định tại Điều 9 Thông tư này.
3. Người nộp thuế, cơ quan thuế, các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đã hoàn thành việc thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế theo quy định tại Thông tư này thì không phải thực hiện các phương thức giao dịch khác và được công nhận đã hoàn thành thủ tục thuế tương ứng theo quy định của Luật Quản lý thuế.
4. Mọi thông báo của cơ quan thuế từ Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế được gửi đến địa chỉ thư điện tử hoặc số điện thoại của người nộp thuế đã đăng ký với cơ quan thuế, đồng thời được lưu trữ trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Người nộp thuế có thể tra cứu các thông báo qua tài khoản giao dịch thuế điện tử hoặc mã giao dịch điện tử do Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế cấp cho người nộp thuế.
Người nộp thuế thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế phải đảm bảo các điều kiện sau:
1. Có chứng thư số đang còn hiệu lực do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cấp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận, trừ một số trường hợp sau:
a) Người nộp thuế là cá nhân được sử dụng mã xác thực giao dịch điện tử trong trường hợp chưa được cấp chứng thư số.
b) Người nộp thuế thực hiện đăng ký thuế và cấp mã số thuế theo quy định tại Điều 19 Thông tư này.
c) Người nộp thuế khi thực hiện thủ tục nộp thuế điện tử bằng giao dịch với ngân hàng thông qua các hình thức thanh toán điện tử (Internet, Mobile, ATM, POS và các hình thức thanh toán điện tử khác) mà ngân hàng có quy định khác.
2. Có khả năng truy cập và sử dụng mạng Internet; có địa chỉ thư điện tử, có số điện thoại di động(đối với cá nhân chưa được cấp chứng thư số) đã đăng ký sử dụng để giao dịch với cơ quan thuế (trừ trường hợp người nộp thuế thực hiện thủ tục nộp thuế điện tử qua hình thức nộp thuế điện tử với ngân hàng mà ngân hàng có quy định khác).
3. Người nộp thuế được đăng ký nhiều chứng thư số cho một hoặc nhiều thủ tục hành chính thuế; đăng ký nhiều tài khoản ngân hàng để thực hiện nộp thuế điện tử; đăng ký một số điện thoại di động để nhận mã xác thực giao dịch điện tử qua “tin nhắn”; đăng ký một địa chỉ thư điện tử chính thức để nhận tất cả các thông báo trong quá trình thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan thuế. Ngoài ra, với mỗi thủ tục hành chính thuế người nộp thuế được đăng ký thêm một địa chỉ thư điện tử.
1. Người nộp thuế thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế với cơ quan thuế phải sử dụng chữ ký số được ký bằng chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cấp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.
Người nộp thuế ký hợp đồng dịch vụ làm thủ tục về thuế với đại lý thuế thì đại lý thuế sử dụng chứng thư số của đại lý thuế để ký trên các chứng từ điện tử của người nộp thuế khi giao dịch với cơ quan thuế bằng phương thức điện tử.
Người nộp thuế là cá nhân thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế với cơ quan thuế nhưng chưa được cấp chứng thư số thì được sử dụng mã xác thực giao dịch điện tử do hệ thống của cơ quan thuế hoặc hệ thống của các cơ quan có liên quan đến giao dịch điện tử cấp.
2. Cơ quan thuế, tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN, ngân hàng khi thực hiện giao dịch điện tử theo quy định tại Thông tư này phải sử dụng chữ ký số được ký bằng chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cấp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp,cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.
3. Việc sử dụng chữ ký số và mã xác thực giao dịch điện tử trên đây được gọi chung là ký điện tử.
1. Chứng từ điện tử gồm:
a) Hồ sơ thuế điện tử: hồ sơ đăng ký thuế, hồ sơ khai thuế, hồ sơ hoàn thuế và các hồ sơ, báo cáo khác về thuế dưới dạng điện tử được quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn Luật Quản lý thuế.
b) Chứng từ nộp thuế điện tử: giấy nộp tiền hoặc chứng từ nộp tiền vào ngân sách nhà nước theo quy định của Bộ Tài chính dưới dạng điện tử, trừ trường hợp nộp thuế qua hình thức nộp thuế điện tử của ngân hàng.
c) Các văn bản, thông báo khác của cơ quan thuế, người nộp thuế dưới dạng điện tử.
Các chứng từ điện tử theo quy định tại khoản này phải được ký điện tử theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.
2. Trường hợp hồ sơ thuế điện tử có các tài liệu kèm theo ở dạng chứng từ giấy phải được chuyển đổi sang dạng điện tử theo quy định tại Luật Giao dịch điện tử và được gửi đến Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
3. Chứng từ điện tử theo quy định tại Thông tư này có giá trị như hồ sơ, chứng từ, thông báo và các văn bản bằng giấy. Khi cần thiết phải chuyển đổi chứng từ điện tử sang chứng từ giấy theo quy định tại Luật Giao dịch điện tử và được thực hiện qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, trừ trường hợp nộp thuế điện tử được thực hiện theo quy định liên quan đến thu nộp ngân sách nhà nước.
4. Trường hợp các cơ quan, tổ chức đã kết nối thông tin với cơ quan thuế thì phải sử dụng chứng từ điện tử trong quá trình thực hiện giao dịch với cơ quan thuế; sử dụng chứng từ điện tử do cơ quan thuế cung cấp để giải quyết các thủ tục hành chính cho người nộp thuế, không được yêu cầu người nộp thuế nộp chứng từ giấy.
1. Người nộp thuế được thực hiện các giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ và ngày Tết.
2. Thời gian nộp hồ sơ thuế điện tử là thời điểm được ghi trên thông báo xác nhận nộp hồ sơ thuế điện tử (theo mẫu số 01/TB-TĐT ban hành kèm theo Thông tư này) của cơ quan thuế hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN (trường hợp sử dụng dịch vụ T-VAN). Thông báo xác nhận nộp hồ sơ thuế điện tử là căn cứ để cơ quan thuế tính thời gian nộp hồ sơ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và xử lý hành vi chậm nộp, không nộp hồ sơ thuế của người nộp thuế.
Cơ quan thuế hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN gửi thông báo xác nhận nộp hồ sơ thuế điện tử hoặc lý do không nhận hồ sơ thuế điện tử đến người nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế chậm nhất 15 phút sau khi nhận được hồ sơ thuế điện tử của người nộp thuế.
3. Ngày nộp thuế điện tử là ngày người nộp thuế hoặc người nộp thay thực hiện giao dịch trích tiền từ tài khoản của mình tại ngân hàng để nộp thuế và được ngân hàng phục vụ người nộp thuế hoặc ngân hàng phục vụ người nộp thay xác nhận giao dịch nộp thuế đã thành công.
Cơ quan thuế hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN gửi thông báo xác nhận nộp thuế điện tử (theo mẫu số 05/TB-TĐT ban hành kèm theo Thông tư này) đến người nộp thuế chậm nhất 15 phút sau khi nhận được thông báo từ ngân hàng xác nhận nộp thuế thành công hoặc lý do nộp thuế điện tử không thành công, trừ trường hợp nộp thuế điện tử qua hình thức thanh toán điện tử của ngân hàng.
4. Cơ quan thuế căn cứ thời gian nộp hồ sơ thuế điện tử ghi trên thông báo gửi qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc của tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN để lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chậm nộp hồ sơ thuế của người nộp thuế (đối với trường hợp phải lập biên bản theo quy định) và gửi cho người nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Trường hợp trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, người nộp thuế không có phản hồi, cơ quan thuế thực hiện ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Trường hợp người nộp thuế không nộp hồ sơ khai thuế, cơ quan thuế căn cứ thông tin tiếp nhận nộp hồ sơ thuế điện tử và các thông báo đôn đốc nộp hồ sơ khai thuế đã gửi cho người nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không nộp hồ sơ khai thuế của người nộp thuế, gửi cho người nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, đồng thời, gửi qua đường bưu chính để thực hiện thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không nộp hồ sơ khai thuế theo quy định.
5. Căn cứ vào thời gian xác nhận nộp thuế điện tử ghi trên thông báo gửi quaCổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc xác nhận đã nộp thuế của ngân hàng ghi trên Chứng từ nộp thuế điện tử, cơ quan thuế thực hiện tính tiền chậm nộp theo quy định.
1. Trường hợp gặp sự cố trong quá trình thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế do lỗi hệ thống hạ tầng kỹ thuật của người nộp thuế thì người nộp thuế phải tự khắc phục sự cố. Trường hợp không khắc phục được thì liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời.
Trường hợp đến hạn nộp hồ sơ thuế, nộp thuế mà hệ thống hạ tầng kỹ thuật của người nộp thuế chưa khắc phục được sự cố, người nộp thuế thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương thức nộp hồ sơ giấy trực tiếp tại cơ quan thuế hoặc qua đường bưu chính, nộp thuế trực tiếp tại ngân hàng. Cơ quan thuế quản lý trực tiếp có trách nhiệm hỗ trợ, hướng dẫn người nộp thuế tiếp tục thực hiện giao dịch điện tử trong các kỳ tiếp theo.
2.Trường hợp do lỗi hệ thống hạ tầng kỹ thuật của tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN, ngân hàng phục vụ người nộp thuế thì tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN, ngân hàng phục vụ người nộp thuế có trách nhiệm thông báo cho người nộp thuế được biết, phối hợp với Tổng cục Thuế để được hỗ trợ kịp thời. Tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN, ngân hàng phục vụ người nộp thuế phải chịu trách nhiệm về việc hồ sơ thuế, chứng từ nộp thuế của người nộp thuế gửi đến cơ quan thuế không đúng thời hạn (trong trường hợp người nộp thuế nộp đúng thời hạn theo quy định) và khắc phục nhanh nhất sự cố, có biện pháp hỗ trợ người nộp thuế gửi hồ sơ thuế, chứng từ nộp thuế đến cơ quan thuế trong thời gian ngắn nhất.
3.Trường hợp lỗi do Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế trong ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ thuế, nộp thuế thì Tổng cục Thuế chịu trách nhiệm thông báo (theo mẫu 02/TB-TĐT ban hành kèm theo Thông tư này) trên Trang thông tin điện tử (www.gdt.gov.vn) và Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế cho người nộp thuế biết về sự cố của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, thời gian hệ thống tiếp tục vận hành.
Người nộp thuế nộp hồ sơ thuế, chứng từ nộp thuế điện tử trong ngày tiếp theo sau khi Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế tiếp tục hoạt động thì người nộp thuế không bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chậm nộp hồ sơ thuế điện tử, được miễn tiền chậm nộp cho khoản nộp có hạn nộp nằm trong khoảng thời gian hệ thống có sự cố theo thông báo của Tổng cục Thuế. Việc miễn tiền chậm nộp được hệ thống quản lý thuế của Tổng cục Thuế thực hiện.
Việc gửi, truyền, nhận, trao đổi thông tin về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế phải được bảo mật theo Luật Công nghệ thông tin, Luật Giao dịch điện tử và các quy định khác của pháp luật. Các tổ chức, cá nhân, cơ quan tham gia hệ thống trao đổi thông tin, dữ liệu điện tử về thuế có trách nhiệm đảm bảo tính an toàn, bảo mật, chính xác và toàn vẹn của dữ liệu điện tử, sử dụng dữ liệu điện tử trong phạm vi nhiệm vụ của mình; có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện các biện pháp kỹ thuật cần thiết để đảm bảo tính bảo mật, an toàn của hệ thống.
Việc lưu trữ chứng từ điện tử trong lĩnh vực thuế được thực hiện theo thời hạn do pháp luật quy định như đối với chứng từ giấy. Trường hợp chứng từ điện tử hết thời hạn lưu trữ theo quy định nhưng có liên quan đến tính toàn vẹn về thông tin của hệ thống và các chứng từ điện tử đang lưu hành, thì tiếp tục được lưu trữ, cho đến khi việc hủy chứng từ điện tử hoàn toàn không ảnh hưởng đến các giao dịch điện tử khác thì mới được tiêu hủy.
1. Thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn.
2. Được hướng dẫn, hỗ trợ trong quá trình thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.
3. Được tra cứu để xem, in toàn bộ chứng từ điện tử người nộp thuế đã gửi đến Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế, Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn.
4. Được công nhận hoàn thành các thủ tục về thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và sử dụng chứng từ điện tử trong các giao dịch với cơ quan thuế và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
5. Được sử dụng tài khoản giao dịch thuế điện tử do cơ quan thuế cấp để thực hiện các thủ tục hành chính thuế bằng phương thức điện tử, trừ trường hợp nộp thuế qua các hình thức nộp thuế điện tử khác của ngân hàng.
6. Có trách nhiệm chuẩn bị, xây dựng, quản lý vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật của mình phục vụ việc giao dịch điện tử với cơ quan thuế được thuận lợi và đúng quy định.
7. Có trách nhiệm cung cấp, cập nhật thông tin đăng ký giao dịch điện tử một cách kịp thời, chính xác và quản lý, sử dụng tài khoản giao dịch thuế điện tử của mình với cơ quan thuế đảm bảo an toàn, bảo mật, đúng mục đích.
8. Có trách nhiệm quản lý chứng thư số và đảm bảo tính chính xác của chữ ký số trên chứng từ điện tử của mình.
9. Có trách nhiệm theo dõi, cập nhật, phản hồi các thông tin liên quan đến giao dịch điện tử với cơ quan thuế và thực hiện theo các hướng dẫn, thông báo của cơ quan thuế đã gửi đến địa chỉ thư điện tử của người nộp thuế và trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
1. Thực hiện trách nhiệm và quyền hạn theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Luật Giao dịch điện tử, các văn bản hướng dẫn và các quy định tại Thông tư này.
2. Hướng dẫn, hỗ trợ để người nộp thuế, tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN, ngân hàng và các tổ chức liên quan thực hiện các giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.
3. Xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống tiếp nhận và xử lý dữ liệu thuế điện tử đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật và liên tục. Thời gian dừng hệ thống để bảo trì không được quá 2% tổng số giờ cung cấp dịch vụ và chỉ thực hiện ngoài giờ làm việc. Trường hợp dừng hệ thống để bảo trì phải thông báo trên Trang thông tin điện tử (www.gdt.gov.vn) và Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
4. Cung cấp thông tin về người nộp thuế đăng ký thay đổi, bổ sung, ngừng giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, thông tin phối hợp thu ngân sách nhà nước cho các ngân hàng để thực hiện nộp thuế điện tử.
5. Xây dựng hệ thống kết nối thông tin, cung cấp thông tin về số tiền thuế đã nộp ngân sách nhà nước cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan bằng điện tử để thực hiện các thủ tục hành chính cho người nộp thuế theo quy định.
6. Cập nhật các thông tin đăng ký giao dịch thuế điện tử của người nộp thuế một cách kịp thời, đầy đủ, chính xác.
7. Gửi các thông tin phản hồi cho người nộp thuế theo các thông tin người nộp thuế đã đăng ký thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan thuế.
8. Trường hợp chứng từ điện tử của người nộp thuế đã được lưu trong cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế thì cơ quan thuế, công chức thuế phải thực hiện khai thác, sử dụng dữ liệu trên hệ thống, không được yêu cầu người nộp thuế cung cấp hồ sơ thuế, chứng từ nộp thuế bằng giấy.
1. Kho bạc Nhà nước
a) Phối hợp với cơ quan thuế, ngân hàng trong việc truyền, nhận, xác nhận thông tin nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử của người nộp thuế.
b) Cung cấp đầy đủ thông tin danh mục tài khoản thu ngân sách của Kho bạc Nhà nước mở tại các ngân hàng theo phương thức điện tử cho cơ quan thuế.
c) Xử lý, đối soát dữ liệu về nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử với các ngân hàng và cơ quan thuế.
2. Ngân hàng
a) Phối hợp với cơ quan thuế, Kho bạc Nhà nước trong việc thực hiện nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử cho người nộp thuế.
b) Phối hợp với cơ quan thuế, Kho bạc Nhà nước thực hiện xử lý, đối soát dữ liệu về nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử.
c) Truyền, nhận thông tin tài khoản của người nộp thuế đăng ký nộp thuế điện tử, thông tin chứng từ nộp thuế điện tử với cơ quan thuế một cách kịp thời, đầy đủ, chính xác.
d) Hỗ trợ người nộp thuế trong quá trình thực hiện nộp thuế điện tử.
3. Các cơ quan, đơn vị khác có liên quan
a) Phối hợp với cơ quan thuế trong việc tiếp nhận, giải quyết, quản lý, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương thức điện tử.
b) Phối hợp với cơ quan thuế trong việc kết nối, trao đổi,truyền, nhận thông tin về chứng từ điện tử để thực hiện các thủ tục hành chính cho người nộp thuế theo quy định.
c) Sử dụng chứng từ điện tử do cơ quan thuế cung cấp để giải quyết các thủ tục hành chính cho người nộp thuế, không được yêu cầu người nộp thuế nộp chứng từ giấy.
1. Người nộp thuế truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế thực hiện đăng ký giao dịch với cơ quan thuế bằng phương thức điện tử(theo mẫu số 01/ĐK-TĐT ban hành kèm theo Thông tư này), ký điện tử và gửi đến Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Sau khi nhận được hồ sơ đăng ký giao dịch bằng phương thức điện tử của người nộp thuế, Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuếgửi thông báo(theo mẫu số 03/TB-TĐT ban hành kèm theo Thông tư này) về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận đăng ký giao dịch thuế điện tử cho người nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế chậm nhất 15 phút sau khi nhận được hồ sơ đăng ký giao dịch bằng phương thức điện tử của người nộp thuế.
Trường hợp chấp nhận,Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế gửi kèm thông tin về tài khoản giao dịch thuế điện tử cho người nộp thuế. Người nộp thuế có trách nhiệm đổi mật khẩu tài khoản giao dịch thuế điện tử với cơ quan thuế đã được cấp lần đầu và thay đổi mật khẩu ít nhất 06 (sáu) tháng một lần để đảm bảo an toàn, bảo mật.
Trường hợp không chấp nhận, người nộp thuế căn cứ thông báo không chấp nhận đăng ký giao dịch điện tử của cơ quan thuế để hoàn chỉnh thông tin đăng ký hoặc liên hệ với cơ quan thuế quản lý để được hướng dẫn, hỗ trợ.
Mỗi người nộp thuế được cấp một tài khoản giao dịch thuế điện tử để thực hiện đầy đủ các giao dịch điện tử với cơ quan thuế theo quy định tại khoản 1, Điều 1 Thông tư này, trừ quy định tại khoản 2Điều này.
2. Đối với thủ tục đăng ký nộp thuế điện tử,người nộp thuế sau khi hoàn thành việc thực hiện đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan thuế theo quy định tại khoản 1 Điều này phải thực hiện đăng ký với ngân hàng nơi mở tài khoản theo quy định của ngân hàng.
Ngân hàng nơi người nộp thuế mở tài khoản gửi thông báo (theo mẫu số 04/TB-TĐT ban hành kèm theo Thông tư này) về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận đăng ký nộp thuế điện tử cho người nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế trong thời hạn chậm nhất là 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được bản đăng ký của người nộp thuế.
Trường hợp không chấp nhận, người nộp thuế căn cứ thông báo không chấp nhận nộp thuế điện tử của ngân hàng để hoàn chỉnh thông tin đăng ký hoặc liên hệ với cơ quan thuế quản lý, ngân hàng nơi mở tài khoản để được hướng dẫn, hỗ trợ.
3. Đối với cá nhân thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan thuế bằng mã xác thực giao dịch điện tử theo quy định tại khoản 1, Điều 6Thông tư này, thực hiện đăng ký giao dịch với cơ quan thuế bằng phương thức điện tử như sau:
a) Trường hợp cá nhân phát sinh nghĩa vụ khai thuế, nộp thuế theo từng lần phát sinh thì không phải thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan thuế theo quy định tại khoản 1 Điều này.
b) Trường hợp cá nhân phát sinh nghĩa vụ khai thuế, nộp thuế định kỳ thực hiện truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan thuế theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này để được cấp tài khoản giao dịch thuế điện tử.
1. Người nộp thuế truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuếđể cập nhật thay đổi, bổ sung thông tin đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan thuế(theo mẫu số 02/ĐK-TĐT ban hành kèm theo Thông tư này), ký điện tử và gửi đến Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Sau khi nhận được thông tin thay đổi, bổ sung của người nộp thuế, Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế gửi thông báo (theo mẫu 03/TB-TĐT ban hành kèm theo Thông tư này) về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận thông tin đăng ký thay đổi, bổ sung cho người nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
2. Đối với thông tin thay đổi, bổ sung về tài khoản ngân hàng để nộp thuế điện tử thì người nộp thuế thực hiện đăng ký với ngân hàng nơi người nộp thuế mở tài khoản theo quy định tại khoản 2, Điều 15 Thông tư này.
1. Trường hợp người nộp thuế ngừng giao dịch với cơ quan thuế bằng phương thức điện tử, người nộp thuế thực hiện truy cập Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để khai báo (theo mẫu số 03/ĐK-TĐT ban hành kèm theo Thông tư này), ký điện tử và gửi đến Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Sau khi nhận được đăng ký ngừng giao dịch của người nộp thuế, cơ quan thuế kiểm tra, xác định người nộp thuế đủ điều kiện ngừng giao dịch với cơ quan thuế bằng phương thức điện tử, gửi thông báo(theo mẫu 03/TB-TĐT ban hành kèm theo Thông tư này)về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận đăng ký ngừng giao dịch cho người nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
2. Trường hợp người nộp thuế chấm dứt hoạt động, tạm ngừng hoạt động hoặc có thông báo của cơ quan thuế về việc bỏ địa chỉ kinh doanh, Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế ngừng việc thực hiện các thủ tục hành chính thuế bằng phương thức điện tử, đồng thời gửi thông báo(theo mẫu 03/TB-TĐT ban hành kèm theo Thông tư này) về việc ngừng giao dịch điện tử của người nộp thuế với cơ quan thuế cho người nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, kể từ thời điểm thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký thuế, thông báo người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, thông báo người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh.
3. Kể từ thời điểm ngừng giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, người nộp thuế không được thực hiện các thủ tục hành chính thuế điện tử theo quy định tại khoản 1, Điều 1 Thông tư này nhưng vẫn được tra cứu các thông tin của giao dịch điện tử trước đó trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế bằng cách sử dụng tài khoản hoặc mã giao dịch thuế điện tử đã được cấp cho đến khi cơ quan thuế thông báo tài khoản đó hết hiệu lực sử dụng.
Trường hợp người nộp thuế tiếp tục giao dịch với cơ quan thuế bằng phương thức điện tử (trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này) thì thực hiện thủ tục đăng ký như đăng ký lần đầu theo quy định tại Điều 15 Thông tư này.
1. Đăng ký thuế điện tử bao gồm việc cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả đăng ký thuế của người nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế bằng phương thức điện tử (trừ trường hợp doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp).
Người nộp thuế thực hiện đăng ký thuế điện tử phải được cơ quan thuế thông báo chấp nhận đăng ký giao dịch thuế điện tử theo quy định tại Điều 15 hoặc Điều 32 Thông tư này, trừ trường hợp đăng ký thuế và cấp mã số thuế theo quy định tại Điều 19 Thông tư này.
2. Hồ sơ, trình tự, thủ tục về đăng ký thuế điện tử thực hiện theo các quy định hiện hành về đăng ký thuế.
1. Người nộp thuế (trừ trường hợp doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp)thực hiện thủ tục đăng ký thuế và cấp mã số thuế với cơ quan thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
2. Người nộp thuế thực hiện truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để khai Tờ khai đăng ký thuế đối với từng trường hợp và gửi kèm các hồ sơ theo quy định dưới dạng điện tử đến Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
3. Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế thực hiện tiếp nhận và gửi thông báo (theo mẫu 01/TB-TĐT ban hành kèm theo Thông tư này) cho người nộp thuế qua địa chỉ thư điện tử đã được khai trên hồ sơ đăng ký thuế để ghi nhận hồ sơ đã được gửi đến cơ quan thuế hoặc thông báo lý do không nhận hồ sơ cho người nộp thuế.
4. Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuế của người nộp thuế, cơ quan thuế thực hiện kiểm tra và xử lý hồ sơ đăng ký thuế của người nộp thuế như sau:
a) Trường hợp đủ điều kiện cấp mã số thuế, cơ quan thuế gửi thông báo (theo mẫu số 06/TB-TĐT ban hành kèm theo Thông tư này) về việc chấp nhận hồ sơ đăng ký cấp mã số thuế đến địa chỉ thư điện tử của người nộp thuế, trong thông báo nêu rõ thời hạn trả kết quả theo quy định của pháp luật về đăng ký thuế. Người nộp thuế có trách nhiệm nộp hồ sơ đăng ký thuế bản giấy cho cơ quan thuế khi đến nhận Giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc Thông báo mã số thuế.
Trường hợp hồ sơ đăng ký thuế bản giấy khớp đúng với hồ sơ người nộp thuế đã gửi qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, cơ quan thuế trả Giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc Thông báo mã số thuế cho người nộp thuế.
Trường hợp hồ sơ đăng ký thuế bản giấy không khớp đúng với hồ sơ người nộp thuế đã gửi qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, người nộp thuế phải thực hiện giải trình, bổ sung hồ sơ đăng ký thuế theo đúng quy định qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Sau khi được cấp mã số thuế, người nộp thuế phải thực hiện đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan thuế theo quy định tại Điều 15 hoặc Điều 32 Thông tư này.
b) Trường hợp hồ sơ đăng ký thuế không đủ điều kiện cấp mã số thuế, cơ quan thuế gửi thông báo (theo mẫu số 06/TB-TĐT ban hành kèm theo Thông tư này) về việc không chấp nhận hồ sơ hoặc thông báo yêu cầu giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuếđến địa chỉ thư điện tử của người nộp thuế. Sau khi cơ quan thuế nhận được giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu của người nộp thuế thì thực hiện theo quy định tại điểm a, khoản 4 Điều này.
1. Người nộp thuế thay đổi thông tin đăng ký thuế, tạm ngừng hoạt động, chấm dứt hiệu lực mã số thuế và các thủ tục đăng ký thuế khác(trừ trường hợp doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp)thực hiện truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc qua tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN để khai, gửi các hồ sơ về đăng ký thuế theo quy định dưới dạng điện tử, ký điện tử và gửi đến Cổng thông điện tử của Tổng cục Thuế.
2. Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế thực hiện tiếp nhận và gửi thông báo (theo mẫu 01/TB-TĐT ban hành kèm theo Thông tư này) cho người nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc của tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN để ghi nhận hồ sơ đã được gửi đến cơ quan thuế hoặc thông báo lý do không tiếp nhận hồ sơ cho người nộp thuế.
3. Cơ quan thuế thực hiện kiểm tra, xử lý hồ sơ của người nộp thuế theo quy định của pháp luật về đăng ký thuế và trả kết quả giải quyết qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc của tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN.
Trường hợp hồ sơ đầy đủ, đúng thủ tục và phải trả kết quả cho người nộp thuế, trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày cơ quan thuế xác nhận việc nộp hồ sơ đăng ký thuế điện tử, cơ quan thuế gửi thông báo (theo mẫu số 06/TB-TĐT ban hành kèm theo Thông tư này) cho người nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc của tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN, trong thông báo nêu rõ thời hạn trả kết quả theo quy định của pháp luật về đăng ký thuế.
Trường hợp kết quả trả cho người nộp thuế là Giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc Thông báo mã số thuế, người nộp thuế có trách nhiệm đến cơ quan thuế để nhận Giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc Thông báo mã số thuế bằng văn bản.Trường hợp người nộp thuế đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc Thông báo mã số thuế thì bản đã cấp không còn giá trị sử dụng kể từ ngày được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc Thông báo mã số thuế.
4. Đối với các hồ sơ chưa đầy đủ, chưa đúng thủ tục theo quy định, trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày cơ quan thuế xác nhận việc nộp hồ sơ đăng ký thuế điện tử, cơ quan thuế gửi thông báo yêu cầu giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu hoặc thông báo về việc không chấp nhận hồ sơ (theo mẫu số 06/TB-TĐT ban hành kèm theo Thông tư này) cho người nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc của tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN.
Cơ quan thuế nhận được giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu của người nộp thuế thì thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này.
Người nộp thuế thực hiện khai thuế điện tử phải được cơ quan thuế thông báo chấp nhận đăng ký giao dịch thuế điện tử theo quy định tại Điều 15 hoặc Điều 32 Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện khai thuế điện tử, người nộp thuế có thay đổi, bổ sung về nghĩa vụ khai thuế (loại thuế, phương pháp tính thuế, mẫu hồ sơ khai thuế, kỳ tính thuế, ngày bắt đầu, ngày kết thúc phải nộp hồ sơ khai thuế, năm tài chính) thì người nộp thuế thực hiện đăng ký thay đổi trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc của tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN (trường hợp sử dụng dịch vụ T-VAN).
Cơ quan thuế thực hiện cập nhật nghĩa vụ khai thuế của người nộp thuế, đồng thời gửi thông tin xác nhận nghĩa vụ khai thuế cho người nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuếhoặc của tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN.Đối với trường hợp thay đổi nghĩa vụ khai thuế liên quan đến thay đổi phương pháp tính thuế, kỳ tính thuế thì trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin đề nghị thay đổi của người nộp thuế, cơ quan thuế gửi thông báo về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận cho người nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc của tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN.
1. Người nộp thuế thực hiện khai thuế điện tử theo một trong các cách sau:
a) Khai thuế điện tử trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế: người nộp thuế truy cập Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế; thực hiện khai thuế trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, ký điện tử và gửi hồ sơ khai thuế điện tử cho cơ quan thuế.
b) Khai thuế điện tử bằng các phần mềm, công cụ hỗ trợ khai thuế: người nộp thuế lập hồ sơ khai thuế điện tử bằng phần mềm, công cụ hỗ trợ đáp ứng chuẩn định dạng dữ liệu của cơ quan thuế; sau đó truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, ký điện tử và gửi hồ sơ khai thuế điện tử cho cơ quan thuế.
c) Khai thuế thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN.
2. Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc của tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN tiếp nhận hồ sơ khai thuế điện tử của người nộp thuế, gửi thông báo (theo mẫu 01/TB-TĐT ban hành kèm theo Thông tư này)để xác nhận nộp hồ sơ thuế điện tử hoặc lý do không nhận hồ sơ cho người nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Trường hợp khai thuế thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN thì tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN thực hiện gửi thông báo về việc xác nhận nộp hồ sơ khai thuế điện tử cho người nộp thuế.
3. Sau khi nhận được hồ sơ khai thuế điện tử của người nộp thuế, chậm nhất 1giờ/1lần, tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN (trường hợp sử dụng dịch vụ T-VAN) phải gửi hồ sơ khai thuế điện tử của người nộp thuế cho cơ quan thuế.
4. Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ khai thuế điện tử của người nộp thuế, cơ quan thuế gửi thông báo về việc điều chỉnh, bổ sung hồ sơ khai thuế điện tử cho người nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc của tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN, đồng thời thực hiện tiếp nhận thông tin bổ sung hồ sơ khai thuế của người nộp thuế bằng phương thức điện tử.
5. Người nộp thuế thực hiện giải trình, bổ sung hồ sơ khai thuế, phản hồi các thông báo của cơ quan thuế bằng phương thức điện tử.
1. Các ngân hàng được tham gia thủ tục nộp thuế bằng phương thức điện tử của người nộp thuế nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Đã triển khai hệ thống CoreBanking.
b) Có hệ thống hỗ trợ thu ngân sách nhà nước và có khả năng kết nối, trao đổi thông tin với Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
c) Có giải pháp kỹ thuật về an toàn, bảo mật,ghi nhận và truyền tải được đầy đủ thông tin nộp thuế của người nộp thuế theo quy định.
d) Đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và có sử dụng hình thức thanh toán điện tử theo quy định của ngân hàng nhà nước.
2. Người nộp thuế thực hiện nộp thuế điện tử phải được cơ quan thuế, ngân hàng chấp nhận đăng ký giao dịch thuế điện tử theo quy định tại Điều 15 hoặc Điều 32 Thông tư này, trừ trường hợp người nộp thuế thực hiện nộp thuế điện tử bằng các hình thức nộp thuế điện tử khác theo quy định của ngân hàng.
Người nộp thuế có thể lựa chọn các hình thức sau đây để thực hiện nộp thuế điện tử:
1. Thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
2. Giao dịch với ngân hàng nơi người nộp thuế mở tài khoản thông qua hình thức thanh toán điện tử (Internet, Mobile, ATM, POS và các hình thức thanh toán điện tử khác) của ngân hàng để thực hiện thủ tục nộp thuế.
1. Trường hợp đăng ký nộp thuế điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, người nộp thuế thực hiện đăng ký nộp thuế điện tử, thay đổi thông tin, ngừng giao dịch nộp thuế điện tử theo quy định tại Điều 15, Điều 16, Điều 17 hoặc Điều 32, Điều 33, Điều 34 (trường hợp sử dụng dịch vụ T-VAN) Thông tư này.
2. Trường hợp đăng ký nộp thuế qua hình thức thanh toán điện tử của ngân hàng (Internet, Mobile, ATM, POS và các hình thức thanh toán điện tử khác), người nộp thuế thực hiện theo quy định của ngân hàng.
1. Lập chứng từ nộp thuế điện tử
a) Trường hợp nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế
Người nộp thuế truy cập Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc của tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN, lập chứng từ nộp thuế điện tử, ký điện tử và gửi đến Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Trường hợp người nộp thuế thực hiện nộp thuế điện tử qua tổ chức T-VAN, ngay khi người nộp thuế ký điện tử và gửi chứng từ nộp thuế điện tử, tổ chức T-VAN phải ký điện tử và chuyển chứng từ nộp thuế điện tử đến Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
b) Trường hợp nộp thuế qua hình thức thanh toán điện tử của ngân hàng, người nộp thuế thực hiện theo hướng dẫn của ngân hàng nơi người nộp thuế mở tài khoản.
2. Tiếp nhận và xử lý chứng từ nộp thuế điện tử
a) Trường hợp nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế
- Tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế:
Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế tiếp nhận, kiểm tra và gửi thông báo (theo mẫu 01/TB-TĐT ban hành kèm theo Thông tư này) để xác nhận đã nhận chứng từ nộp thuế điện tử của người nộp thuế hoặc thông báo lý do không nhận chứng từ nộp thuế điện tử gửi cho người nộp thuế.
Trường hợp người nộp thuế sử dụng dịch vụ T-VAN, Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế gửi thông báo xác nhận đã nhận chứng từ nộp thuế điện tử qua tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN để gửi cho người nộp thuế.
Nếu chứng từ nộp thuế điện tử hợp lệ, Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế thực hiện ký điện tử bằng chữ ký số của Tổng cục Thuế lên chứng từ nộp thuế điện tử và gửi đến ngân hàng.
- Tạingân hàng nơi người nộp thuế mở tài khoản
Ngân hàng thực hiện kiểm tra thông tin trên chứng từ nộp thuế điện tử và điều kiện trích nợ tài khoản của người nộp thuế:
+Trường hợp thông tin trên chứng từ nộp thuế điện tử không hợp lệ hoặc hợp lệ nhưng không đủ điều kiện trích nợ, ngân hàng thông báo (theo mẫu số 05/TB-TĐT ban hành kèm theo Thông tư này) về việc nộp thuế của người nộp thuế chưa thành công, gửi cho người nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
+ Trường hợp thông tin trên chứng từ nộp thuế điện tử hợp lệ, đủ điều kiện trích nợ, ngân hàng thực hiện trích nợ tài khoản của người nộp thuế theo thông tin trên chứng từ nộp thuế điện tử và thông báo (theo mẫu số 05/TB-TĐT ban hành kèm theo Thông tư này) về việc nộp thuế thành công, đồng gửi kèm chứng từ nộp thuế điện tử (có chữ ký số của ngân hàng) cho người nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
b) Trường hợp nộp thuế qua hình thức thanh toán điện tử của ngân hàng, ngân hàng thực hiện xử lý chứng từ nộp thuế điện tử theo quy định của ngân hàng nơi người nộp thuế mở tài khoản và truyền thông tin về chứng từ nộp thuế điện tử của người nộp thuế cho cơ quan thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để lưu trữ và tra cứu.
3. Ngân hàng nơi người nộp thuế mở tài khoản, ngân hàng nơi Kho bạc Nhà nước có tài khoản thu ngân sách nhà nước, Kho bạc Nhà nước, cơ quan thuế có trách nhiệm đối chiếu, xử lý sai sót (nếu có) đảm bảo quyền lợi cho người nộp thuế trong việc thực hiện nộp thuế điện tử.
1.Người nộp thuế thực hiện hoàn thuế điện tử phải được cơ quan thuế thông báo chấp nhận đăng ký giao dịch thuế điện tử theo quy định tại Điều 15 hoặc Điều 32 Thông tư này.
2. Người nộp thuế lập và gửi hồ sơ đề nghị hoàn đến cơ quan thuế thông qua một trong các hình thức sau:
a) Đối với hồ sơ khai thuế đã có nội dung khai đề nghị hoàn thuế: thực hiện đồng thời với việc lập và gửi hồ sơ khai thuế điện tử.
b) Đối với hồ sơ đề nghị hoàn thuế là Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước và các tài liệu kèm theo:
- Gửi hồ sơ đề nghị hoàn thuế trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế: người nộp thuế truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế; thực hiện lập hồ sơ đề nghị hoàn thuế, ký điện tử và gửi hồ sơ đề nghị hoàn thuế điện tử đến Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
- Gửi hồ sơ đề nghị hoàn thuế thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN. Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị hoàn thuế của người nộp thuế, tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN có trách nhiệm gửi ngay hồ sơ đề nghị hoàn thuế của người nộp thuế đến Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
3. Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế tiếp nhận hồ sơ đề nghị hoàn thuế của người nộp thuế, thông báo (theo mẫu số 01/TB-TĐT ban hành kèm theo Thông tư này) để xác nhận hồ sơ đề nghị hoàn thuế đã được gửi đến cơ quan Thuế hoặc lý do không nhận hồ sơ cho người nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Trường hợp người nộp thuế thực hiện gửi hồ sơ đề nghị hoàn thuế qua tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN, Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế gửi thông báo đến tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN để tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN gửi cho người nộp thuế.
1. Cơ quan thuế có trách nhiệm giải quyết hồ sơ đề nghị hoàn thuế của người nộp thuế đã tiếp nhận bằng phương thức điện tử theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn. Kết quả giải quyết hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế được cơ quan thuế gửi cho người nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế (là các thông báo, quyết định liên quan đến quá trình giải quyết hoàn thuế, kết quả giải quyết hoàn thuế của cơ quan thuế đối với hồ sơ đề nghị hoàn thuế của người nộp thuế).
2. Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc của tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN tiếp nhận văn bản giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu của người nộp thuế.
3. Cơ quan thuế gửi quyết định hoàn thuế hoặc quyết định hoàn thuế kiêm bù trừ thu ngân sách nhà nước cho người nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc của tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN; đồng thời gửi quyết định hoàn thuế và lệnh hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước hoặc quyết định hoàn thuế và lệnh hoàn trả kiêm bù trừ khoản thu ngân sách nhà nước cho Kho bạc Nhà nước bằng phương thức điện tử.
4. Kho bạc Nhà nước thực hiện hạch toán hoàn trả, hạch toán bù trừ thu ngân sách nhà nước và chuyển tiền hoàn thuế vào tài khoản của người nộp thuế tại ngân hàng theo thông tin cơ quan thuế cung cấp theo quy định hiện hành.
Việc truyền, nhận thông tin hạch toán hoàn trả, hạch toán bù trừ khoản thu ngân sách nhà nước giữa cơ quan thuế và Kho bạc Nhà nước được thực hiện theo quy định về trao đổi thông tin giữa Kho bạc Nhà nước và cơ quan thuế hiện hành.
5. Trường hợp Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuếvà hệ thống của Kho bạc Nhà nước không thực hiện được việc trao đổi thông tin bằng phương thức điện tử thì cơ quan thuế gửi quyết định hoàn thuế và lệnh hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước hoặc quyết định hoàn thuế và lệnh hoàn trả kiêm bù trừ khoản thu ngân sách nhà nước bằng văn bản đến Kho bạc Nhà nước.
1. Người nộp thuế sử dụng tài khoản giao dịch thuế điện tử đã được cấp để tra cứu, xem, in toàn bộ thông tin về hồ sơ, chứng từ, thông báo đã nhận/gửi giữa cơ quan thuế và người nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và có giá trị như xác nhận bằng văn bản của cơ quan thuế.
2. Người nộp thuế chưa đăng ký và chưa được cơ quan thuế chấp nhận giao dịch thuế điện tử với cơ quan thuế nhưng đã thực hiện một trong các giao dịch điện tử theo quy định tại mục 2,3,4 Chương II Thông tư này (bao gồm: người nộp thuế đăng ký thuế và cấp mã số thuế; nộp thuế điện tử qua hình thức thanh toán điện tử của ngân hàng...) được tra cứu thông tin đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế theo mã giao dịch điện tử đã được cấp cho từng lần giao dịch điện tử.
1. Các loại thông báo, văn bản của cơ quan thuế:
a) Thông báo của Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế: là tất cả các thông báo phản hồi do Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuếtạo lập và gửi cho người nộp thuế, thông báo xác nhận về việc đã nhận các hồ sơ thuế, chứng từ nộp thuế điện tử của người nộp thuế.
b) Thông báo của cơ quan thuế: bao gồm tất cả các thông báo của cơ quan thuế gửi cho người nộp thuế để thông báo về quá trình, kết quả xử lý hồ sơ thuế của người nộp thuế, hướng dẫn, yêu cầu người nộp thuế thực hiện giải trình, bổ sung thông tin tài liệu có liên quan đến hồ sơ thuế của người nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
c) Biên bản, Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về chậm nộp, không nộp hồ sơ khai thuế, hồ sơ đăng ký thuế của người nộp thuế được cơ quan thuế lập và gửi đến người nộp thuế.
d) Thông báo của cơ quan thuế về các quy định, chính sách thuế và các thông báo khác về thuế.
2. Nguyên tắc, hình thức lập và gửi thông báo, văn bản của cơ quan thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế
a) Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế tự động tạo lập và gửi các thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ thuế, chứng từ nộp thuế điện tử của người nộp thuế theo mẫu quy định tại Thông tư này.
b) Thông báo được tự động tạo lập từ hệ thống quản lý thuế của ngành thuế được chuyển qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để gửi cho người nộp thuế. Việc tạo lập các thông báo này được thực hiện theo quy định nghiệp vụ về quản lý thuế trên hệ thống quản lý thuế của ngành thuế.
c) Thông báo, văn bản bằng giấy của cơ quan thuế được chuyển thành chứng từ điện tử và gửi cho người nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Việc tạo lập, ban hành các thông báo này theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
d) Tất cả các thông báo, văn bản đều được gửi đến địa chỉ thư điện tử của người nộp thuế đã đăng ký với cơ quan thuế và được tra cứu, xem, in trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế theo quy định tại Điều 29 Thông tư này.
3. Người nộp thuế có trách nhiệm tiếp nhận, thực hiện theo các nội dung, yêu cầu ghi trên thông báo, văn bản của cơ quan thuế theo thời hạn quy định, thường xuyên kiểm tra thư điện tử theo địa chỉ thư điện tử đã đăng ký với cơ quan thuế, đăng nhập tài khoản giao dịch thuế điện tử trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để tra cứu, xem, in thông báo, văn bản cơ quan thuế đã gửi cho người nộp thuế. Cơ quan thuế không chịu trách nhiệm đối với trường hợp người nộp thuế không kiểm tra, không đọc thông báo, văn bản của cơ quan thuế tại tài khoản giao dịch thuế điện tử và qua địa chỉ thư điện tử, kể cả trong trường hợp người nộp thuế không truy cập được Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế do lỗi kỹ thuật thuộc về hệ thống hạ tầng, thiết bị của người nộp thuế hoặc do địa chỉ thư điện tử của người nộp thuế đã đăng ký với cơ quan thuế không chính xác.
1. Tiêu chí lựa chọn tổ chức hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin để ký thỏa thuận cung cấp dịch vụ T-VAN.
a) Về chủ thể
- Là doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy phép đầu tư của doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
- Có kinh nghiệm trong việc xây dựng giải pháp công nghệ thông tin và giải pháp trao đổi dữ liệu điện tử giữa các tổ chức, cụ thể:
+ Có tối thiểu 03 năm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
+ Đã triển khai hệ thống, ứng dụng công nghệ thông tin cho tối thiểu 10 tổ chức.
+ Đã triển khai hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử để phục vụ trao đổi dữ liệu điện tử giữa các chi nhánh của doanh nghiệp với nhau hoặc giữa các tổ chức với nhau.
+ Có chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cấp và đang còn hiệu lực.
b) Về tài chính
- Có đủ năng lực tài chính để thiết lập hệ thống trang thiết bị kỹ thuật, tổ chức và duy trì hoạt động phù hợp với quy mô cung cấp dịch vụ.
- Có ký quỹ tại một ngân hàng hoạt động tại Việt Nam hoặc có giấy bảo lãnh của một ngân hàng hoạt động tại Việt Nam không dưới 5 tỷ đồng, hoặc mua bảo hiểm để giải quyết các rủi ro và các khoản đền bù có thể xảy ra trong quá trình cung cấp dịch vụ và thanh toán chi phí tiếp nhận và duy trì cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp trong quá trình cung cấp dịch vụ T-VAN.
- Có trụ sở làm việc, địa điểm đặt trang thiết bị phải đảm bảo an toàn phù hợp với loại hình dịch vụ cung cấp.
c) Về nhân sự
- Đội ngũ cán bộ kỹ thuật tối thiểu có 5 cán bộ trình độ đại học chuyên ngành công nghệ thông tin, có kinh nghiệm thực tiễn về quản trị mạng, bảo mật về hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử, quản trị cơ sở dữ liệu, am hiểu pháp luật thuế.
- Có đội ngũ nhân viên kỹ thuật, thường xuyên trực 24 giờ trong ngày để duy trì hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử và hỗ trợ người sử dụng dịch vụ T-VAN.
d) Về kỹ thuật
- Thiết lập hệ thống thiết bị, kỹ thuật đảm bảo các yêu cầu sau:
+ Đảm bảo cung cấp dịch vụ cho người nộp thuế và kết nối với Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế trực tuyến 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, bao gồm cả ngày nghỉ (thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, Tết). Thời gian dừng hệ thống để bảo trì không quá 2% tổng số giờ cung cấp dịch vụ.
+ Có khả năng phát hiện, cảnh báo và ngăn chặn các truy cập bất hợp pháp, các hình thức tấn công trên môi trường mạng để đảm bảo tính bảo mật, toàn vẹn của dữ liệu trao đổi giữa các bên tham gia; có biện pháp kiểm soát giao dịch với người nộp thuế và với cơ quan thuế.
+ Có các quy trình và thực hiện sao lưu dữ liệu, sao lưu trực tuyến dữ liệu, khôi phục dữ liệu; thời gian phục hồi dữ liệu tối đa 08 giờ kể từ thời điểm hệ thống gặp sự cố.
- Có giải pháp lưu trữ kết quả các lần truyền nhận giữa các bên tham gia giao dịch; lưu trữ chứng từ điện tử trong thời gian giao dịch chưa hoàn thành với yêu cầu thông điệp dữ liệu điện tử gốc phải được lưu giữ trên hệ thống và được truy cập trực tuyến.
- Nhật ký giao dịch điện tử trên hệ thống phải được lưu trữ trong thời gian tối thiểu 10 năm kể từ thời điểm thực hiện thành công giao dịch. Các thông tin này có thể được tra cứu trực tuyến trong thời gian lưu trữ nêu trên.
- Có các phương án và hệ thống dự phòng đảm bảo duy trì hoạt động an toàn, liên tục và có các phương án xử lý tình huống bất thường, khắc phục sự cố.
- Đáp ứng các yêu cầu chuẩn kết nối dữ liệu theo yêu cầu của Tổng cục thuế.
2. Giao Tổng cục Thuế xem xét đề nghị ký thỏa thuận, thực hiện kiểm tra tổ chức hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin đáp ứng đầy đủ các tiêu chí tại khoản 1 Điều này và ký thỏa thuận cung cấp dịch vụ T-VAN theo trình tự quy định tại khoản 3 Điều này.
3. Trình tự ký thỏa thuận cung cấp dịch vụ T-VAN
a) Tổ chức hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin đáp ứng đầy đủ các tiêu chí tại khoản 1 Điều này gửi văn bản đề nghị ký thỏa thuận cung cấp dịch vụ T-VAN, các tài liệu chứng minh đáp ứng tiêu chí yêu cầu và đề án cung cấp dịch vụ T-VAN đến Tổng cục Thuế.
b) Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị ký thỏa thuận cung cấp dịch vụ T-VAN, Tổng cục Thuế có văn bản thông báo về việc chấp thuận hoặc không chấp thuận đề nghị ký thỏa thuận cung cấp dịch vụ T-VAN, trường hợp không chấp thuận nêu rõ lý do.
c) Kể từ ngày Tổng cục Thuế thông báo về việc chấp nhận đề nghị ký thoả thuận cung cấp dịch vụ T-VAN, tổ chức thực hiện kết nối với Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Tổng cục Thuế thực hiện kiểm tra và ký văn bản thoả thuận nếu kết quả kiểm tra đáp ứng cung cấp dịch vụ T-VAN. Trường hợp kết quả kiểm tra không đáp ứng việc cung cấp dịch vụ T-VAN, Tổng cục Thuế có văn bản thông báo từ chối ký thoả thuận và nêu rõ lý do.
d) Chậm nhất 10 ngày sau khi ký thỏa thuận, Tổng cục Thuế công bố công khai trên Trang thông tin điện tử (www.gdt.gov.vn), Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế về danh sách tổ chức đã ký thỏa thuận cung cấp dịch vụ T-VAN.
e) Trường hợp sau khi ký thỏa thuận cung cấp dịch vụ T-VAN, tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN có thay đổi, bổ sung thông tin liên quan đến thỏa thuận đã ký với Tổng cục Thuế, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh thay đổi, tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN phải trao đổi và thống nhất với Tổng cục Thuế bằng văn bản.
f) Trường hợp tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN ngừng cung cấp dịch vụ T-VAN thì trước thời hạn đề nghị ngừng 30 ngày, tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN phải trao đổi và thống nhất với Tổng cục Thuế bằng văn bản để Tổng cục Thuế thông báo công khai trên Trang thông tin điện tử (www.gdt.gov.vn), Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
4. Tổng cục Thuế được chấm dứt thỏa thuận cung cấp dịch vụ T-VAN với tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN trong các trường hợp sau:
- Vi phạm các tiêu chí theo quy định tại khoản 1 Điều này; hoặc vi phạm các điều khoản đã ký thỏa thuận; hoặc vi phạm các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
- Bị giải thể; bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép thành lập hoặc giấy phép khác liên quan đến hoạt động của tổ chức; bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật.
Tổng cục Thuế có văn bản gửi cho tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN vi phạm được biết và ngừng kết nối với tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN; đồng thời công bố công khai trên Trang thông tin điện tử (www.gdt.gov.vn), Cổng thông tin điện tử của Tổng cục thuế về tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN vi phạm, đã ngừng thỏa thuận cung cấp dịch vụ T-VAN.
Người nộp thuế đang thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương thức điện tử qua tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN nêu trên được chuyển sang giao dịch qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc được Tổng cục Thuế hỗ trợ để đăng ký giao dịch qua tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN khác.
5. Tổ chức đã cung cấp dịch vụ T-VAN trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành được tiếp tục cung cấp dịch vụ T-VAN theo quy định tại Thông tư này.
1. Người nộp thuế được sử dụng dịch vụ T-VAN trong việc thực hiện các thủ tục hành chính thuế bằng phương thức điện tử.
2. Người nộp thuế lập tờ khai đăng ký sử dụng dịch vụ T-VAN (theo mẫu số 01/ĐK-T-VAN ban hành kèm theo Thông tư này) và gửi đến Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế qua tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN.
3.Ngay sau khi nhận được tờ khai đăng ký sử dụng dịch vụ T-VAN, cơ quan thuế gửi thông báo (theo mẫu 03/TB-TĐT ban hành kèm theo Thông tư này) qua tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN để gửi cho người nộp thuế.
Trường hợp chấp nhận cơ quan thuế gửi thông báo cấp tài khoản tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế cho người nộp thuế. Trường hợp không chấp thuận, Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuếthông báo lý do cho tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN để gửi cho người nộp thuế.
Đối với trường hợp đăng ký nộp thuế điện tử, người nộp thuế sau khi hoàn thành đăng ký tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế qua tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN thực hiện đăng ký nộp thuế điện tử với ngân hàng theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Thông tư này.
4. Người nộp thuế thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan thuế qua tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN được phép tra cứu toàn bộ thông tin liên quan trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
5. Chứng từ điện tử của người nộp thuế gửi qua tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN đến cơ quan thuế phải có chữ ký số của người nộp thuế và tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN.
1. Trường hợp thay đổi, bổ sung thông tin trên Tờ khai đăng ký sử dụng dịch vụ T-VAN, người nộp thuế thực hiện khai các thông tin thay đổi, bổ sung (theo mẫu số 02/ĐK-T-VAN ban hành kèm theo Thông tư này) và gửi đến Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế qua tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN.
Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế gửi thông báo (theo mẫu 03/TB-TĐT ban hành kèm theo Thông tư này) về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận thông tin đăng ký thay đổi, bổ sung cho người nộp thuế qua tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN.
Trường hợp thay đổi, bổ sung thông tin tài khoản nộp thuế điện tử thì người nộp thuế thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 16 Thông tư này.
2. Trường hợp thay đổi tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN, người nộp thuế phải thực hiện đăng ký ngừng theo quy định tại Điều 34 và thực hiện thủ tục đăng ký lại theo quy định tại Điều 32 Thông tư này.
1. Trường hợp ngừng sử dụng dịch vụ T-VAN, người nộp thuế thực hiện đăng ký (theo mẫu số 03/ĐK-T-VAN ban hành kèm theo Thông tư này) và gửi đến Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế qua tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN.
2. Cơ quan Thuế gửi thông báo (theo mẫu 03/TB-TĐT ban hành kèm theo Thông tư này) xác nhận ngừng sử dụng dịch vụ T-VAN đến người nộp thuế qua tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN.
3. Kể từ thời điểm đăng ký ngừng sử dụng dịch vụ T-VAN, người nộp thuế thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc đăng ký qua tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN khác. Các thông tin đã đăng ký được Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hỗ trợ cập nhật tự động.
Mối quan hệ giữa tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN với người nộp thuế được xác định trên cơ sở hợp đồng về việc cung cấp dịch vụ T-VAN.
1. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN
a) Quyền của tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN
- Ký hợp đồng bằng văn bản với người nộp thuế về cung cấp và sử dụng dịch vụ T-VAN, trong đó phải quy định rõ về trách nhiệm của các bên liên quan đến nội dung chứng từ điện tử.
- Được quyền từ chối cung cấp dịch vụ T-VAN đối với cá nhân, tổ chức không đủ điều kiện tham gia giao dịch hoặc vi phạm hợp đồng.
- Được thu tiền sử dụng dịch vụ T-VAN từ người nộp thuế để đảm bảo duy trì hoạt động theo thỏa thuận tại Hợp đồng giữa hai bên.
b) Nghĩa vụ của tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN
- Tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN công khai thông báo phương thức hoạt động, chất lượng dịch vụ trên Website giới thiệu dịch vụ của tổ chức.
- Cung cấp dịch vụ truyền nhận và hoàn thiện hình thức thể hiện chứng từ điện tử phục vụ việc trao đổi thông tin giữa người nộp thuế với cơ quan thuế.
- Thực hiện việc gửi, nhận đúng hạn, toàn vẹn chứng từ điện tử theo thỏa thuận với các bên tham gia giao dịch.
- Lưu giữ kết quả của các lần truyền, nhận; lưu giữ chứng từ điện tử trong thời gian giao dịch chưa hoàn thành.
- Bảo đảm kết nối, bảo mật, toàn vẹn thông tin và cung cấp các tiện ích khác cho các bên tham gia trao đổi chứng từ điện tử.
- Thông báo cho người nộp thuế và cơ quan thuế trước 10 ngày kể từ ngày dừng hệ thống để bảo trì và biện pháp xử lý để bảo đảm quyền lợi của người nộp thuế.
- Thông báo xác nhận nộp hồ sơ khai thuế điện tử cho người nộp thuế sử dụng dịch vụ T-VAN.
- Chịu trách nhiệm về việc hồ sơ thuế điện tử của người nộp thuế đến cơ quan thuế không đúng thời hạn theo quy định trong trường hợp người nộp thuế nộp hồ sơ thuế điện tử đúng thời hạn quy định.
2. Quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế.
a) Quyền của người nộp thuế
- Lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN để ký hợp đồng cung cấp dịch vụ T-VAN.
- Được tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN bảo đảm giữ bí mật về dữ liệu các thông tin giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, trừ khi có thỏa thuận khác.
b) Nghĩa vụ của người nộp thuế
- Chấp hành nghiêm chỉnh các điều khoản ký kết trong hợp đồng với tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh hệ thống.
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hồ sơ thuế điện tử của mình.
Tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN phải thực hiện theo đúng các điều kiện tại thỏa thuận ký kết với cơ quan thuế trong hoạt động cung cấp dịch vụ T-VAN.
1. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN
a) Quyền của tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN
- Được phép kết nối với Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để thực hiện cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng trong lĩnh vực thuế.
- Được cơ quan thuế hỗ trợ về nghiệp vụ thuế để thực hiện các giao dịch truyền nhận giữa người nộp thuế với cơ quan thuế.
- Được phối hợp với cơ quan thuế thực hiện đào tạo cho người nộp thuế để thực hiện cung cấp dịch vụ T-VAN.
- Được cơ quan thuế hỗ trợ để giải quyết các vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện cung cấp dịch vụ T-VAN.
- Được cơ quan thuế cung cấp các mẫu, khuôn dạng chuẩn để thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ T-VAN.
- Được cung cấp các dịch vụ thuế điện tử cho người nộp thuế theo ủy quyền của cơ quan Thuế .
b) Nghĩa vụ của tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN
- Tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN chỉ được cung cấp dịch vụ T-VAN cho người nộp thuế căn cứ theo ngày nêu tại thoả thuận đã ký với Tổng cục Thuế.
- Có trách nhiệm chuyển hồ sơ khai thuế điện tử đến Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế chậm nhất là 1giờ/1lần kể từ khi nhận được hồ sơ khai thuế điện tử của người nộp thuế; đối với các hồ sơ thuế điện tử, chứng từ điện tử khác (đăng ký thuế, nộp thuế, hoàn thuế) thì phải thực hiện chuyển ngay đến cơ quan thuế.
- Cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu cho cơ quan quản lý thuế khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật.
- Tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật về viễn thông, Internet và các quy định kỹ thuật, nghiệp vụ do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
- Có trách nhiệm thiết lập kênh kết nối với Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế đảm bảo liên tục, an ninh, an toàn. Trường hợp có vướng mắc trong quá trình thực hiện dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, chủ động giải quyết và thông báo với cơ quan thuế để phối hợp nếu vướng mắc có liên quan tới Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Trường hợp có lỗi của cổng thông tin điện tử của tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN thì tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN phải thực hiện thông báo ngay cho người nộp thuế, cơ quan quản lý thuế để thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 9 Thông tư này.
- Thực hiện chế độ báo cáo về hoạt động cung cấp dịch vụ T-VAN với Tổng cục Thuế.
2. Trách nhiệm của cơ quan thuế.
a) Thiết lập, duy trì, đảm bảo kết nối Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế với tổ chức cung cấp T-VAN.
b) Kiểm tra hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN đảm bảo chất lượng dịch vụ và hoạt động đúng theo quy định.
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 09 năm 2015, thay thế Thông tư số 180/2010/TT-BTC ngày 10/11/2010, Thông tư số 35/2013/TT-BTC ngày 01/04/2013 của Bộ Tài chính. Các quy định về quản lý thuế không hướng dẫn tại Thông tư này thực hiện theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
2. Người nộp thuế có thể nộp hồ sơ, tài liệu khác liên quan đến các thủ tục hành chính thuế bằng phương thức điện tử theo lộ trình cải cách thủ tục hành chính của cơ quan thuế.
3. Trường hợp người nộp thuế đã thực hiện khai thuế bằng phương thức điện tử trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành thì được chuyển tiếp để thực hiện các thủ tục hành chính khác bằng phương thức điện tử và khai bổ sung thông tin theo quy định tại Điều 16 Thông tư này. Người nộp thuế không phải đăng ký lại với cơ quan thuế theo quy định tại Điều 15 Thông tư này.
1. Người nộp thuế, cơ quan Thuế, Kho bạc Nhà nước, ngân hàng, tổ chức T-VAN và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.
2. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế có trách nhiệm ban hành các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế đảm bảo phù hợp quy định của Luật quản lý thuế và quy định tại Thông tư này.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |
DANH MỤC MẪU BIỂU
(Kèm theo Thông tư số 110/2015/TT-BTC ngày 28/7/ 2015 của Bộ Tài chính)
Số TT |
Mẫu số |
Tên mẫu biểu |
Điều |
|
1. Đăng kí sử dụng giao dịch thuế điện tử |
|
|
1 |
01/ĐK-TĐT |
Tờ khai đăng ký giao dịch với cơ quan thuế bằng phương thức điện tử |
|
2 |
02/ĐK-TĐT |
Tờ khai đăng ký thay đổi, bổ sung thông tin giao dịch thuế điện tử |
|
3 |
03/ĐK-TĐT |
Tờ khai đăng ký ngừng giao dịch thuế điện tử |
|
|
2. Đăng kí sử dụng dịch vụ thuế điện tử qua T-VAN |
|
|
4 |
01/ĐK-T-VAN |
Tờ khai đăng ký sử dụng dịch vụ T-VAN |
|
5 |
02/ĐK-T-VAN |
Tờ khai thay đổi, bổ sung thông tin đăng ký sử dụng dịch vụ T-VAN |
|
6 |
03/ĐK-T-VAN |
Tờ khai đăng ký ngừng sử dụng dịch vụ T-VAN |
|
|
3. Thông báo thuế điện tử |
|
|
7 |
01/TB-TĐT |
Thông báo v/v: Xác nhận nộp hồ sơ thuế điện tử/ chứng từ nộp thuế điện tử |
|
8 |
02/TB-TĐT |
Thông báo v/v: Sự cố kỹ thuật của Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thuế |
|
9 |
03/TB-TĐT |
Thông báo v/v: Tài khoản giao dịch thuế điện tử |
|
10 |
04/TB-TĐT |
Thông báo v/v: Đăng ký thực hiện thủ tục nộp thuế điện tử qua NHTM |
|
11 |
05/TB-TĐT |
Thông báo v/v: Xác nhận nộp thuế điện tử |
|
12 |
06/TB-TĐT |
Thông báo v/v: Thực hiện thủ tục đăng ký thuế bằng phương thức điện tử |
MINISTRY OF FINANCE |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
Hanoi, July 28, 2015 |
CIRCULAR
E-TRANSACTIONS IN TAXATION
Pursuant to the Law on Electronic transaction dated November 29, 2005;
Pursuant to the Law on Information technology dated June 29, 2006;
Pursuant to the Law on Tax administration dated November 29, 2006; the Law on the amendments to the Law on Tax administration dated November 20, 2012; Law No. 71/2014/QH13 on amendments to tax laws dated November 26, 2014, and instructional documents;
Pursuant to the Government's Decree No. 27/2007/ND-CP dated February 23, 2007 on electronic transactions in financial activities;
Pursuant to the Government's Decree No. 26/2007/ND-CP dated February 15, 2007, specifying the implementation of the Law on Electronic transaction applicable to digital signatures and the authentication of digital signatures; the Government's Decree No. 106/2011/ND-CP dated November 23, 2011 on amendments to Decree No. 26/2007/ND-CP; the Government's Decree No. 170/2013/ND-CP dated November 13, 2013 on amendments to Decree No. 26/2007/ND-CP and Decree No. 106/2011/ND-CP;
Pursuant to the Government's Decree No. 215/2013/ND-CP dated December 23, 2013 defining the functions, tasks, entitlements and organizational structure of the Ministry of Finance;
The Minister of Finance promulgates a Circular on e-transactions in taxation:
GENERAL PROVISIONS
1. This Circular deals with:
a) Electronic tax procedures according to the Law on Tax administration including: taxpayer registration, tax filing, tax payment, tax refund, receipt of electronic documents sent by taxpayers to competent agencies.
b) Provision of supportive services for electronic taxpayers including: access to information about taxpayer, sending notifications of tax authorities to taxpayers.
c) Criteria for selection, procedures for concluding agreements with providers of T-VAN services; making e-transactions in taxation via providers of value-added services.
2. This Circular does not regulate e-transactions in taxation for goods during export and import stage at customs authorities.
1. Taxpayers mentioned in Article 2 of the Law on Tax administration No. 78/2006/QH11 dated November 29, 2006.
2. Providers of T-VAN services
3. General Department of Taxation, Departments of Taxation of provinces, and Sub-departments of taxation of districts.
4. Organizations and individuals (hereinafter referred to as entities) involved in the electronic transaction between taxpayers and tax authorities.
Article 3. Interpretation of terms
1. E-transaction in taxation means following tax procedures prescribed by the Law on Tax administration, provision of supportive services for electronic taxpayers according to Clause 1 Article 1 of this Circular.
2. Electronic tax documents are information created, sent, received, and stored electronically to follow procedures for taxpayer registration, tax filing, tax payment, tax refund, access to information about taxpayers and notifications of tax authorities to taxpayers. Electronic documents have the same value as paper documents.
3. Transaction code is a series of characters created under uniform rules to identify electronic tax documents on the web portal of General Department of Taxation. The transaction code of each electronic tax document shall be unique in order to identify it.
4. Electronic tax transaction account is the username and password given to a taxpayer to log in on the web portal of General Department of Taxation when making e-transactions in taxation and read documents, notifications received/sent between the tax authority and the taxpayer through the web portal of General Department of Taxation.
5. Verification code means the one-time password used when a taxpayer being an individual who has not obtained a digital certificate makes an electronic transaction. This password is sent from the web portal of General Department of Taxation to the phone number or email address registered by the taxpayer to the tax authority.
6. T-VAN services are services that involve transmission, receipt, storage, recovery of electronic tax data between taxpayers and tax authorities serving electronic transactions.
7. Providers of T-VAN services are IT organizations that have agreements with General Department of Taxation to provide T-VAN services.
8. Banks include commercial banks, wholly foreign banks, branches of foreign banks, and other credit institutions established and operating under the Law on credit institutions.
9. Web portal of General Department of Taxation is the website where the information mentioned in Clause 1 Article 1 of this Circular is posted.
Article 4. Rules for e-transactions in taxation
1. The e-transactions in taxation must be transparent, fair, truthful, safe, effective and conformable with the Law on Electronic transaction.
2. The taxpayer who has declared tax electronically must also make other transactions mentioned in Clause 1 Article 1 of this Circular electronically, except for the case in Article 9 of this Circular.
3. Taxpayers and relevant entities who have finished making e-transactions in taxation are not required to apply other methods and the tax procedures are considered completed.
4. All notifications of tax authorities from the web portal of General Department of Taxation sent to the email address or phone number registered by the taxpayer shall also be stored on the web portal of General Department of Taxation. Taxpayers may access the notifications through the electronic tax transaction account or transaction code provided for taxpayers.
Article 5. Rules for e-transactions in taxation
A taxpayer must satisfy the following conditions to make e-transactions in taxation:
1. The taxpayer has an effective digital certificate issued by a certificate authority (CA) or a competent authority and recognized by a competent authority, unless:
a) The taxpayer is an individual permitted to use verification codes in case the digital certificate is yet to be issued.
b) The taxpayer applies for taxpayer registration and taxpayer ID number (TIN) according to Article 19 of this Circular.
c) The taxpayer pays tax electronically through a bank services (Internet, mobile, ATM, POS services, and other electronic payment services) under regulations of the bank.
2. The taxpayer is able to connect and use the Internet; has registered an email address, mobile phone number (if the person has not obtained a digital certificate) with the tax authority (unless the taxpayer pays tax electronically through a bank under regulations of that bank).
3. A taxpayer may apply for multiple digital certificates for one or multiple tax procedures; open multiple bank accounts to pay tax electronically; register a phone number or receive verification codes via messages; register an email address to receive notifications during the process of tax transactions with tax authorities. In addition, the taxpayer may register an additional email address for each tax procedure.
Article 6. Use of digital signatures and verification codes
1. Taxpayers making e-transactions in taxation must use digital signatures created by the digital certificate issued by a CA or a competent authority and recognized by a competent authority.
In case a taxpayer signs a tax service contract with a tax agent, the tax agent must use the digital certificate to sign electronic documents of the taxpayer when making electronic transactions tax authorities.
Taxpayers being individuals who make e-transactions in taxation without digital certificates may use verification codes generated by the system of tax authorities or relevant agencies.
2. Tax authorities, providers of T-VAN services, and banks who make e-transactions in taxation prescribed in this Circular must use digital signatures created by digital certificates issued by CAs or competent authorities and recognized by a competent authorities.
3. Digital signatures and verification codes are hereinafter referred to as digital signatures.
Article 7. Electronic documents
1. Electronic documents include:
a) Electronic tax documents include: taxpayer registration documents, tax declaration documents, tax refund documents, other electronic tax documents and tax reports prescribed by the Law on Tax administration and its instructional documents.
b) Electronic tax invoices: electronic receipts or invoices for payment to state budget prescribed by state budget, unless tax is paid electronically through banks.
c) Other electronic documents and notifications of tax authorities and taxpayers.
Electronic documents mentioned in this Clause must bear the digital signature as prescribed in Article 6 of this Circular.
2. Papers documents enclosed with electronic tax documents must be converted into electronic documents as prescribed by the Law on Electronic transaction and sent to the web portal of General Department of Taxation.
3. Electronic documents mentioned in this Circular have the same value of paper documents. Where necessary, electronic documents shall be converted into paper documents in accordance with the Law on Electronic transaction via the web portal of General Department of Taxation, except for the case in which tax is paid electronically under regulations on state budget revenues and expenditures.
4. Every organization that has connected with tax authorities must use electronic documents when making transactions with tax authorities, use electronic documents provided by tax authorities to complete administrative procedures for taxpayers, and must not request taxpayers to submit paper documents.
Article 8. Time for submitting electronic documents and paying tax electronically
1. Taxpayers may make e-transactions in taxation 24 hours a day and 7 days a week, including weekends and public holidays.
2. Time of submission of electronic tax documents is the time written on confirmation note of the tax authority (form 01/TB-TDT enclosed herewith) or the form of a T-VAN service provider (in case T-VAN services are used). The confirmation note is the basis for the tax authority to determine submission time according to the Law on Tax administration and take actions against late submission or failure to submit tax documents.
The tax authority or provider of T-VAN services must send the confirmation note or the reasons for rejecting electronic tax documents to the taxpayer via the web portal of General Department of Taxation within 15 minutes after receiving the electronic tax documents.
3. Tax payment date is the day the taxpayer or his/her representative pays tax from the taxpayer’s account at a bank and the tax payment is confirmed by the bank which serves the taxpayer or his/her representative.
The tax authority or provider of T-VAN services must send the confirmation note (form 05/TB-TDT enclosed herewith) to the taxpayer within 15 minutes from the receipt of the confirmation of successful tax payment from the bank or inform the taxpayer of the reasons for failure of the electronic tax payment, unless tax is paid electronically via the bank’s electronic payment system.
4. Depending on the time of submission of electronic tax documents on the notification sent via the web portal of General Department of Taxation or the provider of T-VAN services, the tax authority shall impose a fine for late submission of tax documents and send a fine notice to the taxpayer via the web portal of General Department of Taxation. If the taxpayer does not respond within 03 working days, the tax authority shall issue a decision on penalties for administrative violations.
If the taxpayer does not submit tax declaration documents, the tax authority shall check the tax notices sent to the taxpayer via the web portal of General Department of Taxation and send a fine notice to the taxpayer via the web portal of General Department of Taxation. The fine notice shall also be sent by post.
5. Depending on the confirmed time of electronic tax payment on the notification sent via the web portal of General Department of Taxation or confirmation of tax payment issued by the bank on the electronic tax invoice, the tax authority shall calculate late payment interest.
Article 9. Dealing with errors during e-transactions in taxation
1. If the error is caused by the taxpayer’s system, the taxpayer must deal with it or contact the supervisory tax authority for instructions and support.
If the taxpayer has not resolved the error by the deadline for submitting tax documents or deadline for paying tax, the taxpayer shall submit paper documents to the tax authority whether directly or by post and pay tax at a bank. The taxpayer’s supervisory tax authority has the responsibility to support and instruct the taxpayer to make electronic transactions in the next periods.
2. If the error is caused by the system of provider of T-VAN services or the bank serving the taxpayer, the provider of T-VAN services or the bank must notify the taxpayer and cooperate with General Department of Taxation for support. The provider of T-VAN services or bank is responsible for late submission of tax documents (in case the taxpayer submits them punctually) and quickly takes measures to assist the taxpayer to send tax documents to the tax authority as soon as possible.
3. If the error is caused by the web portal of General Department of Taxation on the deadline for submitting tax documents or for paying tax, General Department of Taxation shall post a notification (form 02/TB-TDT enclosed herewith) on www.gdt.gov.vn and the web portal of General Department of Taxation which specifies the errors and time of resumption.
If the taxpayer submits electronic tax documents on the next day when the website of the General Department of Taxation if functional again, the taxpayer will not incur administrative penalties for late submission of electronic tax documents and is exempt from pay late payment interest for the period during which the system is suspended according to the notification of General Department of Taxation. Exemption of late payment interest shall be managed by the system of General Department of Taxation.
Article 10. Information security
The transmission and exchange of information about e-transactions in taxation must be secured in accordance with the Law on Information technology, the Law on Electronic transaction, and other regulations of law. Participants in the exchange of electronic tax information and data have the responsibility to protect the safety, confidentiality, accuracy, and integrity of data, use the data within the scope of their duties; cooperate with relevant entities in taking necessary technical measures to ensure the security and safety of the system.
Article 11. Retention of electronic documents
Electronic tax documents shall be retained for the same period as paper documents. Electronic tax documents may be retained after expiration of the retention period if they affect the integrity of the system and circulating documents until their deletion does not affect other electronic transactions
Article 12. Rights and obligations of taxpayers
1. Perform the duties and exercise the rights prescribed in the Law on Tax administration, the Law on Electronic transaction, and their instructional documents.
2. Receive instructions during e-transactions in taxation.
3. Access and print electronic documents sent to the web portal of General Department of Taxation according to the Law on Tax administration, the Law on Electronic transaction, and their instructional documents.
4. Have tax procedures recognized as completed according to the Law on Tax administration; use electronic documents in transactions with tax authorities and relevant organizations.
5. Use electronic tax transaction accounts provided by tax authorities to follow electronic tax procedures; tax is paid through banks electronically.
6. Prepare, develop, and operate their system to serve e-transactions in taxation in a convenient and conformable way.
7. Provide, update information about electronic transactions promptly and accurately; manage, use electronic tax transaction accounts in a way that ensure safety, security, and conformity.
8. Manage digital certificates and ensure accuracy of digital signatures on their electronic documents.
9. Monitor, update, respond to information about e-transactions in taxation; follow instructions and notifications sent by tax authorities to taxpayers’ email addresses and on the web portal of General Department of Taxation.
Article 13. Duties and entitlements of tax authorities and tax officials
1. Perform the duties and exercise the rights prescribed in the Law on Tax administration, the Law on Electronic transaction, their instructional documents, and regulations of this Circular.
2. Provide instructions and support for taxpayers, providers of T-VAN services, banks, and relevant organizations to make e-transactions in taxation.
3. Develop, operate the system for receiving and processing electronic tax data in a way that ensure security, safety, and continuity. The suspension period for maintenance must not exceed 2% of functional hours. The system may only be suspended outside working hours. The suspension of the system for maintenance must be announced on www.gdt.gov.vn and the web portal of General Department of Taxation.
4. Provide information about taxpayers who change, add, suspend e-transactions in taxation and information about cooperation in collection of state budget revenues for banks to serve electronic tax collection.
5. Develop a system for connection and provision of information about tax paid electronically to relevant entities to complete tax procedures for taxpayers as prescribed.
6. Promptly, sufficiently, and accurately update information about e-transactions in taxation of taxpayers.
7. Send feedbacks to taxpayers according to information registered with tax authorities during electronic transactions.
8. If the taxpayer’s electronic documents have been stored in the database of tax authorities, tax authorities and tax officials must use the data on the system and must not request the taxpayer to provide paper documents.
Article 14. Responsibility for managing and assisting taxpayers in making e-transactions in taxation
1. State Treasuries shall:
a) Cooperate with tax authorities and banks in transmitting, receiving, verifying information about electronic tax payment and tax refund.
b) Provide information about accounts of State Treasuries at banks.
c) Process and compare data about electronic tax payment and tax refund with banks and tax authorities.
2. Banks shall:
a) Cooperate with tax authorities and State Treasuries in electronic receipt and refund of tax.
b) Cooperate with tax authorities and State Treasuries in processing and comparing tax payment and tax refund data.
c) Promptly, sufficiently, and accurately exchange information about taxpayers’ accounts for electronic tax payment, information about electronic tax documents with tax authorities.
d) Assist taxpayers during the process of electronic tax payment.
3. Relevant organizations and units
a) Cooperate with tax authorities in assisting taxpayers to in making e-transactions in taxation.
b) Cooperate with tax authorities in connecting, exchanging information about electronic documents serving completion of tax procedures for taxpayers as prescribed.
c) User electronic documents provided by tax authorities to complete tax procedures for taxpayer; Do not request taxpayers to submit paper documents.
E-TRANSACTIONS IN TAXATION
Section 1. REGISTRATION OF E-TRANSACTIONS IN TAXATION
Article 15. Registration of e-transactions in taxation
1. The taxpayer shall enter the web portal of General Department of Taxation and register for e-transactions in taxation (form 01/DK-TDT enclosed herewith), append the digital signature, and send the application form to the web portal of General Department of Taxation.
Within 15 minutes from the receipt of the taxpayer’s application, the web portal of General Department of Taxation shall send a notification (form 03/TB-TDT enclosed herewith) of whether or not the application is granted.
If the application is granted, the web portal of General Department of Taxation shall send information about the electronic tax transaction account to the taxpayer. The taxpayer must change the default password and keep changing it every 06 months to ensure security.
If the application is rejected, the taxpayer shall complete the application according to the notice of rejection or contact the supervisory tax authority for instructions.
Each taxpayer is provided with an electronic tax transaction account which can be used to make all e-transactions in taxation as prescribed in Clause 1 Article 1 of this Circular, except for the case in Clause 2 of this Article.
2. The taxpayer must register for electronic tax payment with the bank where his/her account is opened after completing the registration of electronic transaction with the tax authority.
The bank shall send a notification (form No. 04/TB-TDT enclosed herewith) to the taxpayer of whether the taxpayer’s registration for electronic tax payment is granted or rejected via the web portal of General Department of Taxation within 03 working days from the receipt of the taxpayer’s registration form.
If the registration is rejected, the taxpayer shall complete the information according to the notice of rejection, or contact the supervisory tax authority or the bank for instructions.
3. Persons who make e-transactions in taxation using verification codes prescribed in Clause 1 Article 6 of this Circular shall register e-transactions in taxation as follows:
a) Persons who pay tax irregularly are not required to register for e-transactions in taxation as prescribed in Clause 1 of this Article.
b) Persons who pay tax periodically shall enter the web portal of General Department of Taxation and register for e-transactions in taxation as prescribed in Clause 1 and Clause 2 of this Article in order to obtain electronic tax transaction accounts.
Article 16. Changing information about e-transactions in taxation
1. The taxpayer shall enter the web portal of General Department of Taxation to update information about e-transactions in taxation (form 02/DK-TDT enclosed herewith), append the digital signature, and send the form to the web portal of General Department of Taxation.
After receiving information about the changes, the web portal of General Department of Taxation shall send a notification (form 03/TB-TDT enclosed herewith) of whether or not the changes are granted via the web portal of General Department of Taxation.
2. Information about changes of the bank account serving electronic tax payment shall be registered with the bank where the account is opened as prescribed in Clause 2 Article 15 of this Circular.
Article 17. Procedures for registration of suspension of e-transactions in taxation
1. In case a taxpayer suspends e-transactions in taxation, the taxpayer shall enters the web portal of General Department of Taxation, complete notice form 03/DK-TDT, append the digital signature, and send it to the web portal of General Department of Taxation.
After receiving the notice of suspension, the tax authority shall verify whether the taxpayer satisfies all conditions for suspending e-transactions in taxation, then send a notification (form 03/TB-TDT enclosed herewith) of whether the taxpayer’s request is granted via the web portal of General Department of Taxation.
2. In case a taxpayer shuts down or suspends his//her business, a tax authority sends a notification of a taxpayer’s abandonment of a business location, the web portal of General Department of Taxation shall suspend electronic tax procedures and send a notification of suspension of electronic transactions between the taxpayer and tax authorities (form 03/TB-TDT) from the time of withdrawal of the Certificate of Enterprise registration, taxpayer registration certificate, or from the issuance of the notification of business shutdown or abandonment of business location.
3. From the time of suspension of e-transactions in taxation, the taxpayer must not follow electronic tax procedures prescribed in Clause 1 Article 1 of this Circular, but is still permitted to access information about previous electronic transactions on the web portal of General Department of Taxation using the provided account or verification code until the account expires as notified by the tax authority.
In case the taxpayer wishes to make e-transactions in taxation (except for the case in Clause 2 of this Article), the taxpayer shall follow the registration procedures prescribed in Article 15 of this Circular as if the first registration.
Section 2. ELECTRONIC TAXPAYER REGISTRATION
Article 18. Electronic taxpayer registration
1. Electronic taxpayer registration means the tax authority receiving applications for taxpayer registration and returning results to taxpayers electronically in accordance with the Law on Tax administration (except for enterprises established and operating under the Law on Enterprises).
Taxpayers applying for electronic taxpayer registration must obtain a notice of permission for electronic taxpayer registration as prescribed in Article 15 or Article 32 of this Circular, except for taxpayer registration and issuance of TIN prescribed in Article 19 of this Circular.
2. Documents and procedures for electronic taxpayer registration shall comply with applicable regulations on taxpayer registration.
Article 19. Taxpayer registration and issuance of TIN
1. Taxpayers (except for enterprises established and operating under the Law on Enterprises) shall follow procedures for taxpayer registration and issuance of TIN via the web portal of General Department of Taxation.
2. The taxpayer shall enter the web portal of General Department of Taxation to complete the taxpayer registration form, enclose documents, and send the application to the web portal of General Department of Taxation.
3. The web portal of General Department of Taxation shall receive the application and send a confirmation of receipt of documents (form 01/TB-TDT enclosed herewith) to the email address provided on the taxpayer registration form, or send a notice of rejection.
4. Within 03 working days from the day on which the taxpayer’s application is received by the web portal of General Department of Taxation, tax authorities shall process it as follows:
a) If conditions for issuance of a TIN are satisfied, the tax authority shall send a notification that the application is granted to the taxpayer’s email address. The notification must specify the deadline for giving result according to regulations of law on taxpayer registration. The taxpayer has the responsibility to submit a paper application to the tax authority when receiving the taxpayer registration certificate or notice of TIN.
If the paper application matches the application sent via the web portal of General Department of Taxation, the tax authority shall give the taxpayer registration certificate or notice of TIN to the taxpayer.
If the paper application does not match the application sent via the web portal of General Department of Taxation, the taxpayer must send an explanation and complete the application via the web portal of General Department of Taxation.
After obtaining the TIN, the taxpayer must register for e-transactions in taxation as prescribed in Article 15 of Article 32 of this Circular.
b) If the application for taxpayer registration is not satisfactory, the tax authority shall send a notification (form 06/TB-TDT enclosed herewith) of rejection of the application or a request for explanation, addition of information/documents to the taxpayer’s email address via the web portal of General Department of Taxation. After receiving the explanation and/or additional information/documents from the taxpayer, the tax authority shall follow the instructions in Point a Clause 4 of this Article.
Article 20. Changing taxpayer registration information, suspension of business, invalidation of TIN, and other taxpayer registration procedures
1. The taxpayer who wishes to change their taxpayer registration information, suspend the business, have the TIN invalidated, or follow other tax procedures (except for enterprises established and operating under the Law on Enterprises) shall enter the web portal of General Department of Taxation to complete electronic taxpayer registration documents, append digital signatures, and send them to the web portal of General Department of Taxation. The taxpayer may also request a provider of T-VAN services perform these tasks.
2. The web portal of General Department of Taxation shall receive the documents and send a confirmation of receipt of documents (form 01/TB-TDT enclosed herewith) to taxpayers or providers of T-VAN services, or send a notice of rejection.
3. The tax authority shall examine and process documents sent by the taxpayer and send the result via the web portal of General Department of Taxation or via the provider of T-VAN services.
If the documents are satisfactory, the tax authority shall send a notification of result (form No. 06/TB-TDT enclosed herewith) to the taxpayer within 03 working days from the day on which the tax authority confirms the submission of electronic tax documents via the web portal of General Department of Taxation or via the provider of T-VAN services. The notification must specify the deadline for giving result as prescribed by regulations of law on taxpayer registration.
If the result to be given to the taxpayer is the taxpayer registration certificate or notice of TIN, the taxpayer has to receive them at the tax authority. If the taxpayer already has the taxpayer registration certificate or the notice of TIN, it will expire from the date of reissuance of the taxpayer registration certificate or notice of TIN.
4. If the documents are not satisfactory, the tax authority shall send a request for explanation and/or additional information/documents or a notice of rejection (form No. 06/TB-TDT enclosed herewith) to the taxpayer within 03 working days from the day on which the tax authority confirms the submission of electronic tax documents via the web portal of General Department of Taxation or via the provider of T-VAN services.
After receiving the explanation and/or additional information/documents from the taxpayer, the tax authority shall follow the instructions in Clause 3 of this Article.
Section 3. ELECTRONIC TAX DECLARATION
Article 21. Change of responsibility to declare tax
The taxpayer must obtain a permission for e-transactions in taxation prescribed in Article 15 or Article 32 of this Circular in order to declare tax electronically.
During the process of electronic tax declaration, if the taxpayer’s responsibility to declare tax is changed (type of tax, tax accounting method, tax forms, tax period, tax declaration deadline, fiscal year), he/she must register the changes on the web portal of General Department of Taxation or the provider of T-VAN services (if T-VAN services are used).
The tax authority shall update the taxpayer’s responsibility to declare tax and send information to the taxpayer for verification via the web portal of General Department of Taxation or the provider of T-VAN services. If the tax accounting method or tax period is changed, the tax authority must send a notification of whether the change is accepted or not within 05 working days from the receipt of information about the change via the web portal of General Department of Taxation or the provider of T-VAN services.
Article 22. Electronic tax declaration
1. A taxpayer shall declare tax electronically using one of the following methods:
a) Declare tax online on the web portal of General Department of Taxation Monitor: enter the web portal of General Department of Taxation, complete the form, append the digital signature, and send electronic declaration to the tax authority.
b) Declare tax with software and other tools: create the tax declaration with software or other tools in the standard format required by the tax authority; enter the web portal of General Department of Taxation, append the digital signature, and send electronic declaration to the tax authority.
c) Declare tax via a provider of T-VAN services.
2. The web portal of General Department of Taxation or provider of T-VAN services shall receive the electronic declaration and send a confirmation of receipt of documents (form 01/TB-TDT enclosed herewith) or send a notice of rejection to the taxpayer via the web portal of General Department of Taxation.
If tax is declared via a provider of T-VAN services, the provider of T-VAN services shall send the confirmation of receipt of documents to the taxpayer.
3. After receiving the electronic declaration, at least once every hour, the provider of T-VAN services (if hired) must send the electronic declaration to the tax authority.
4. Within 03 working days from the receipt of the electronic declaration from the taxpayer, the tax authority shall send the request for completion of the tax declaration to the taxpayer via the web portal of General Department of Taxation or a provider of T-VAN services, and receive additional information from the taxpayer which is provided electronically.
5. The taxpayer shall provide explanation, complete the tax declaration, and respond to notifications of the tax authority electronically.
Section 4. ELECTRONIC TAX PAYMENT
Article 23. Conditions for electronic tax payment
1. A bank may provide electronic tax payment services for taxpayer if all of the following conditions are satisfied:
a) The bank has established CoreBanking system.
b) The bank has a state budget collection system which can connect and exchange information with the web portal of General Department of Taxation.
c) The bank hank safety and security solution which can record and transmit information about tax payment of taxpayers as prescribed.
d) Conditions for electronic transactions are satisfied and electronic payment is supported as prescribed by the State bank.
2. Taxpayers paying tax electronically must be permitted by tax authorities and the bank to make e-transactions in taxation as prescribed in Article 15 or Article 32 of this Circular, unless the taxpayer pays tax electronically using other methods according to regulations of the bank.
Article 24. Methods of electronic tax payment
A taxpayer may pay tax electronically using one of the following methods:
1. Through the web portal of General Department of Taxation.
2. Through the bank where the taxpayer’s account is open using Internet, mobile, ATM, POS services, and other electronic payment services of the bank.
Article 25. Registration for electronic tax payment
1. Taxpayers that register for electronic tax payment on the web portal of General Department of Taxation, taxpayers that register for electronic tax payment, change of information, suspension of electronic tax payment shall comply with regulations in Article 15, Article 16, Article 17 or Article 32, Article 33, and Article 34 (in case of T-VAN services) of this Circular.
2. Taxpayers that register for electronic tax payment via bank services (Internet, mobile, ATM, POS services, and other electronic payment services) shall comply with regulations of the bank.
Article 26. Electronic tax payment
1. Making electronic tax payment documents
a) In case of tax payment through the web portal of General Department of Taxation
The taxpayer shall enter the web portal of General Department of Taxation or provider of T-VAN services, make electronic tax payment documents, append digital signatures, and send them to the web portal of General Department of Taxation.
If the taxpayer pays tax electronically via a provider of T-VAN services, the provider of T-VAN services must append the digital signature and send electronic documents to the web portal of General Department of Taxation right after the taxpayer appends the signature and send the electronic documents.
b) Taxpayers that pay tax electronically using bank services shall follow instructions of the banks where their accounts are opened.
2. Receiving and processing electronic tax payment documents
a) In case of tax payment through the web portal of General Department of Taxation
- On the web portal of General Department of Taxation:
The web portal of General Department of Taxation shall receive, check the documents, and send a confirmation of receipt of documents (form 01/TB-TDT enclosed herewith) or a notice of rejection to the taxpayer.
If the taxpayer uses T-VAN services, the web portal of General Department of Taxation send the confirmation of receipt of documents to the provider of T-VAN services.
If the electronic tax payment documents are satisfactory, the web portal of General Department of Taxation shall append the digital signature of General Department of Taxation on them and send them to the bank.
- At the bank where the taxpayer’s account is opened:
The bank shall check information on electronic tax payment documents and the taxpayer’s account balance:
+ If information on the documents are not satisfactory or satisfactory but the account is not sufficient, the bank shall send a notice of unsuccessful transaction (form 05/TB-TDT enclosed herewith) to the taxpayer via the web portal of General Department of Taxation.
+ If information on the documents are satisfactory and the account is sufficient, the bank shall draw on the taxpayer’s account according to information on the documents and send a notice of successful transaction (form 05/TB-TDT enclosed herewith) together with electronic tax payment documents (bearing the digital signature of the bank) to the taxpayer via the web portal of General Department of Taxation.
b) If the taxpayer pays tax electronically using bank services, the bank shall process electronic tax payment documents in accordance with the regulations of the bank where the taxpayer’s account is opened and send information about electronic tax payment documents to the tax authority via the web portal of General Department of Taxation.
3. The bank where the taxpayer’s account is opened and the bank where the State Treasury’s account is opened, State Treasury, and tax authority shall compare information and correct errors (if any) to ensure the interest of taxpayer during the process of electronic tax payment.
Section 5. Electronic tax refund
Article 27. Making and sending electronic claim for tax refund
1. The taxpayer must obtain a permission for e-transactions in taxation prescribed in Article 15 or Article 32 of this Circular in order to claim tax refund tax electronically.
2. The taxpayer shall make and send the claim documents using one of the following methods:
a) If the tax declaration already includes the claim for tax refund: claim documents shall be made and send together with the electronic tax declaration.
b) If claim documents consist of the claim for refund and enclosed documents:
- If claim documents are submitted on the web portal of General Department of Taxation: the taxpayer shall enter the web portal of General Department of Taxation, make claim documents, append digital signatures, and send the documents to the web portal of General Department of Taxation.
- If claim documents are submitted via a provider of T-VAN services: After receiving claim documents from the taxpayer, the provider of T-VAN services must immediately send them to the web portal of General Department of Taxation.
3. The web portal of General Department of Taxation or provider of T-VAN services shall receive the claim documents and send a confirmation of receipt of documents (form 01/TB-TDT enclosed herewith) or a notice of rejection to the taxpayer via the web portal of General Department of Taxation.
If the taxpayer send claim documents via a provider of T-VAN services, the web portal of General Department of Taxation send the confirmation of receipt of documents to the provider of T-VAN services.
Article 28. Making and sending electronic claim for tax refund
1. The tax authority has the responsibility to process claim documents received electronically in accordance with the Law on Tax administration and its instructional documents. The result (notifications and decisions related to the process of claim investigation) shall be sent by the tax authority to the taxpayer via the web portal of General Department of Taxation.
2. The web portal of General Department of Taxation or provider of T-VAN services shall receive explanation, additional information and documents from the taxpayer.
3. The tax authority shall send the decision on tax refund to the taxpayer via the web portal of General Department of Taxation or a provider of T-VAN services, and receive additional information from the taxpayer which is provided electronically; send the electronic decision on tax refund and refund order to the State Treasury.
4. The State Treasury shall transfer the refunded tax to the taxpayer’s account at the bank according to information provided by the tax authority.
The transmission and receive of information about tax refund between the tax authority and State Treasury shall comply with applicable regulations on exchange of information between State Treasuries and tax authorities.
5. In case the web portal of General Department of Taxation and the system of State Treasury do not permit electronic information exchange, the tax authority shall send the paper decision on tax refund and refund order to the State Treasury.
Section 6. ELECTRONIC TRANSACTIONS DURING PROVISION OF ANCILLARY SERVICES FOR ELECTRONIC TAXPAYERS
Article 29. Taxpayer’s access to information
1. Taxpayers may use electronic tax transaction accounts to access and print information about documents, notifications between taxpayers and tax authorities via the web portal of General Department of Taxation. They have the same value as written confirmations of tax authorities.
2. Taxpayers who have not registered and permitted by tax authorities to make e-transactions in taxation but have made one of the electronic transactions mentioned in Section 2, 3, 4 of Chapter II of this Circular (taxpayer registration and issuance of TIN; tax payment using bank services, etc.) may access information about taxpayer registration, tax declaration, tax payment on the web portal of General Department of Taxation according to the verifications codes corresponding to each transaction.
Article 30. Sending notifications and documents of tax authorities
1. Types of notifications and documents of tax authorities:
a) Notifications of the web portal of General Department of Taxation include all feedbacks sent by the website to taxpayer, confirmations of receipt of electronic tax documents from taxpayers.
b) Notifications of tax authorities include all notifications to taxpayers of the progress and result of processing tax documents of taxpayers, instructions, requests for explanation and additional information/documents sent to taxpayers according to regulations of law on tax administration.
c) Notices of fines for late submission or failure to submit tax declaration, taxpayer registration documents made and sent by tax authorities to taxpayers.
d) Tax authorities’ notifications of tax policies, regulations, and other tax notifications.
2. Rules for making, sending notifications and documents of tax authorities via the web portal of General Department of Taxation
a) The web portal of General Department of Taxation shall automatically create and send confirmations of receipt of electronic tax documents from taxpayers using the forms enclosed with this Circular.
b) Notifications automatically created by the tax administration system shall be sent to taxpayers via the web portal of General Department of Taxation. Such notifications shall be created in accordance with regulations on tax administration on the tax administration system.
c) Paper notifications and documents shall be converted into electronic documents and sent to taxpayers via the web portal of General Department of Taxation. The creation and issuance of such notifications shall comply with regulations of law on tax administration.
d) All notifications and documents shall be sent to the email addresses registered by taxpayers and shall be accessed, printed from the web portal of General Department of Taxation according to Article 29 of this Circular.
3. Taxpayers have the responsibility to receive and comply with notifications and documents of tax authorities by the imposed deadlines; regularly check their email and log in their electronic tax transaction accounts on the web portal of General Department of Taxation to read, print notifications and documents sent to them by tax authorities. Tax authorities are not responsible if taxpayers do not carefully check, read notifications and documents of tax authorities, even if they cannot enter the web portal of General Department of Taxation because of technical errors of the taxpayers’ system or because the emails registered with tax authorities are not accurate.
VALUE-ADDED ELECTRONIC TAX TRANSACTION SERVICES (T-VAN)
Section 1. SELECTION OF PROVIDERS OF T-VAN SERVICES
Article 31. Selection of IT organizations to sign T-VAN service contracts
1. Criteria for selection of IT organizations to sign T-VAN service contracts
a) The IT organization must
- Be an enterprise operating in Vietnam, has Certificate of Enterprise registration or certificate of investment or license for investment in IT in Vietnam.
- Has experience of IT solutions and electronic data exchange solutions between organizations, to be specific:
+ have at least 03 years’ experience of the IT field.
+ Have established IT systems and applications for at least 10 other organizations.
+ Have established electronic data exchange systems between branches of enterprises or organizations.
+ Have an effective digital certificate issued by a CA.
b) The IT organization must:
- Have sufficient financial capacity to establish a system of equipment, organize and maintain its operation which matches the scale of service provision.
- Have paid a deposit at a bank in Vietnam or obtain a guarantee of not lower than VND 5 billion by a bank in Vietnam, or have bought insurance against risks and possible compensations during provision of services and payment of cost of database maintenance during the provision of T-VAN services.
- Have business premises and locations for equipment placement which ensure safety.
c) Personnel
- There are at least 05 employees who have bachelor’s degrees in IT, practical experience of networking, security of electronic data exchange system, database management, and good knowledge about tax.
- There are technicians who work in turn 24 hours a day to maintain the electronic data exchange system and support users of T-VAN services.
d) Technology
- The system of technological equipment must satisfy the following requirements:
+ Services are provided for taxpayers and connection to the web portal of General Department of Taxation are available 24 hours a day and 7 days a week, including weekends and public holidays. The suspension period for maintenance does not exceed 2% of functional hours.
+ The system is able to detect, warn, and block illegal access, new methods of network attack in order to ensure the security and integrity of data exchanged between participants; measures are taken to control transactions between taxpayers and tax authorities.
+ There are procedures for data backup and restoration; Data backup is made within 08 hours from the occurrence of breakdown.
- There are solutions to store result of transmissions between participants and electronic documents before transactions are successful; original electronic data must be stored on the system and can be accessed online.
- The log of every electronic transaction on the system is retained for at least 10 years from the time of transaction is successful. Such information can be accessed online during the retention period.
- There are plans and backup systems to maintain the safe and continuous operation, respond to unexpected situations, and overcome breakdowns.
- Data connection standards established by General Department of Taxation are complied with.
2. General Department of Taxation shall consider signing agreements, carry out inspections of fulfillment of the conditions mentioned in Clause 1 of this Article, and sign T-VAN service agreements under the procedures in Clause 3 of this Article.
3. Procedures for signing T-VAN service agreement:
a) The IT organization which satisfies all criteria mentioned in Clause 1 of this Article shall send a proposal for T-VAN service contract an, supporting documents, and the T-VAN service provision plan to General Department of Taxation.
b) Within 20 days from the receipt of the proposal, General Department of Taxation shall notify the IT organization of the result (provide explanation if the proposal rejected)
c) The IT organization shall connect to the web portal of General Department of Taxation from the day on which the General Department of Taxation agrees to sign the T-VAN service contract. The General Department of Taxation shall carry out an inspection and sign the agreement if the inspection result is satisfactory. If the inspection result is not satisfactory, General Department of Taxation shall issue a rejection and provide explanation.
d) Within 10 days after signing the contract, General Department of Taxation shall post the list of organizations that have signed T-VAN service agreements (hereinafter referred to as service provider) on www.gdt.gov.vn and the web portal of General Department of Taxation.
e) If the service provider changes or add information related to the agreement after it is signed, the service provider must discuss and reach a consensus with General Department of Taxation within 10 working days from the occurrence of such changes.
f) In case the service provider wishes to stop providing services, the service provider must discuss and reach a consensus with General Department of Taxation 30 days before the intended termination date in order for the General Department of Taxation to make a notification on www.gdt.gov.vn and the web portal of General Department of Taxation.
4. General Department of Taxation is entitled to terminate the agreement with a service provider in the following cases:
- The service provider violates the criteria mentioned in Clause 1 of this Article, terms and conditions of the agreement, or regulations of law on electronic transactions.
- The service provider is dissolved or has its Certificate of Enterprise registration or operating license or another license related to its operation revoked; the service provider is declared bankrupt.
The General Department of Taxation shall send a notification to the service provider, cut the connection with the service provider, make an announcement of the termination on www.gdt.gov.vn and the web portal of General Department of Taxation.
Taxpayers making e-transactions in taxation via such service provider may switch over to making transactions via the web portal of General Department of Taxation or be assisted by General Department of Taxation in registering with another service provider.
5. Organizations that have been providing T-VAN services before the effective date of this Circular may keep providing T-VAN services in accordance with regulations of this Circular.
Section 2. REGISTRATION OF E-TRANSACTIONS IN TAXATION VIA T-VAN SERVICE PROVIDERS
Article 32. Procedures for registering T-VAN services
1. Taxpayers may use T-VAN services while following electronic tax procedures.
2. Taxpayers shall make a T-VAN service registration form (form 01/DK-T-VAN enclosed herewith) and send it to the web portal of General Department of Taxation via the T-VAN service provider.
3. Right after the registration form is received, the tax authority shall send a notification (form 03/TB-TDT enclosed herewith) to the T-VAN service provider to send it to the taxpayer.
If the registration is granted, the tax authority shall send the taxpayer a notification of user account on the web portal of General Department of Taxation. If rejected, the web portal of General Department of Taxation shall send the T-VAN service provider an explanation to be sent to the taxpayer.
In case of registration of electronic tax payment, after finishing registration on the web portal of General Department of Taxation via the T-VAN service, the taxpayer shall register for electronic tax payment with a bank as prescribed in Clause 2 Article 15 of this Circular.
4. Taxpayers who make e-transactions in taxation via T-VAN service providers may access relevant information on the web portal of General Department of Taxation.
5. Electronic documents sent by taxpayers to tax authorities via T-VAN service providers must bear digital signatures of the taxpayers and the T-VAN service providers.
Article 33. Registration of changes of information about T-VAN services
1. In case information on the T-VAN service registration form is changed, the taxpayer shall complete form 02/DK-T-VAN enclosed herewith and send it to the web portal of General Department of Taxation via the T-VAN service provider.
The web portal of General Department of Taxation shall send a notification (form 03/TB-TDT enclosed herewith) of whether or not the changes are granted via the T-VAN service provider.
Information about changes of the bank account serving electronic tax payment shall be registered prescribed in Clause 2 Article 16 of this Circular.
2. The taxpayer that wishes to change the T-VAN service provider shall follow the unsubscribing procedures in Article 34 and apply again in accordance with Article 32 of this Circular.
Article 34. Procedures unsubscribing T-VAN services
1. In case of unsubscribing T-VAN services, the taxpayer shall complete form 03/DK-T-VAN and send it to the web portal of General Department of Taxation via the T-VAN service provider.
2. The tax authority shall send a confirmation (form 03/TB-TDT enclosed herewith) to the taxpayer via the T-VAN service provider.
3. From the time of unsubscribing T-VAN services, the taxpayer shall make e-transactions in taxation via the web portal of General Department of Taxation or another T-VAN service provider. Registered information shall be automatically updated by the web portal of General Department of Taxation.
Section 3. RELATIONSHIP BETWEEN OF T-VAN SERVICE PROVIDERS, TAXPAYERS AND TAX AUTHORITIES
Article 35. Relationship between T-VAN service providers and taxpayers
The relationship between a T-VAN service provider and a taxpayer is determined according to the T-VAN service contract.
1. Rights and obligations of providers of T-VAN services
a) A provider of T-VAN services has the right to:
- Sign contracts with taxpayers to provide T-VAN services, which specify responsibility of both parties for contents of electronic documents.
- Refuse to provide T-VAN services for entities that are unqualified or violate the contracts.
- Collect payment for T-VAN services from taxpayers to sustain its operation according to the contract.
b) A provider of T-VAN services has the obligation to:
- Publish the operating method and service quality on its website.
- Provide transmission services and complete the format of electronic documents to facilitate exchange of information between taxpayers and tax authorities.
- Transmit and receive electronic documents punctually and completely under agreements with other parties.
- Retain result of every transmission; retain electronic documents before transactions are successfully done.
- Ensure connection, security, integration of information, and provide other utilities for other participants in the exchange of electronic documents.
- Inform taxpayers and tax authorities of 10 days before maintenance days and take measures for ensuring taxpayers’ interest.
- Confirm submission of electronic tax declarations by taxpayers using T-VAN services.
- Take responsibility if electronic tax documents of taxpayers are not received by tax authorities punctually even though the taxpayers submitted them on schedule.
2. Rights and obligations of taxpayers
a) Every taxpayer has the right to:
- Select a T-VAN service provider to enter into a T-VAN service contract.
- Have information about e-transactions in taxation kept confidential by the T-VAN service provider, unless otherwise agreed by all parties.
b) Every taxpayer has the obligation to:
- Adhere to terms and conditions of the contract with the T-VAN service provider.
- Enable the T-VAN service provider to implement security measures.
- Take responsibility for their electronic tax documents.
Article 36. Relationship between providers of T-VAN services and tax authorities
Providers of T-VAN services must comply with the terms and conditions on the agreements with tax authorities while in the course of T-VAN service provision.
1. Rights and obligations of providers of T-VAN services
a) A provider of T-VAN services has the right to:
- Connect to the web portal of General Department of Taxation to provide T-VAN services.
- Receive instructions from tax authorities to process transactions between taxpayers and tax authorities.
- Cooperate with tax authorities in providing training for taxpayers to provide T-VAN services.
- Be assisted by tax authorities in resolving difficulties that arise during the provision of T-VAN services.
- Receive forms and templates from tax authorities to provide T-VAN services.
- Provide electronic tax services for taxpayers as authorized by tax authorities.
b) A provider of T-VAN services has the obligation to:
- Only provide T-VAN services for taxpayers during the periods mentioned in the agreement with General Department of Taxation.
- Send electronic tax declaration documents to the web portal of General Department of Taxation at least once every hour from the receipt of electronic tax declaration documents from taxpayers; other electronic tax documents and other electronic documents (taxpayer registration, tax payment, tax refund) must be immediately sent to tax authorities.
- Provide sufficient information and data for tax authorities at their request.
- Comply with applicable regulations of law on telecommunications, Internet, and technical regulations imposed by competent authorities.
- Establish a channel to connect with the web portal of General Department of Taxation to ensure continuity and security. Resolve difficulties that arise during the provision of T-VAN services and report those related to the web portal of General Department of Taxation to tax authorities for resolving in cooperation.
Notify taxpayers and tax authorities of errors of the website of the T-VAN service provider as prescribed in Article 9 of this Circular.
- Submit reports on provision of T-VAN services to General Department of Taxation.
2. Tax authorities have the responsibility to:
a) Establish and maintain connection between the web portal of General Department of Taxation and providers of T-VAN.
b) Inspect the operation of every provider of T-VAN services to ensure service quality and conformable operation.
IMPLEMENTATION
1. This Circular comes into force from September 10, 2015 and replaces Circular No. 180/2010/TT-BTC and Circular No. 35/2013/TT-BTC of the Ministry of Finance. The Law on Tax administration and its instructional documents shall apply to tax administration issues that are not dealt with in this Circular.
2. Taxpayers may submit other electronic documents related to tax procedures according to the administrative procedure simplification roadmap of tax authorities.
3. Taxpayers who have declared tax electronically before the effective date of this Circular may switch over to other electronic methods and provide additional information according to Article 16 of this Circular. Such taxpayers are not required to apply for another registration with tax authorities as prescribed in Article 15 of this Circular.
Article 38. Responsibility for implementation
1. Taxpayers, tax authorities, State Treasuries, banks, T-VAN service providers, and relevant entities are responsible for the implementation of this Circular.
2. The Director of the General Department of Taxation shall establish tax administration procedures in accordance with the Law on Tax administration and this Circular.
3. Difficulties that arise during the implementation of this Circular should be reported to the Ministry of Finance for consideration.
|
PP MINISTER |
Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực