Nghị định 59/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 08/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan
Số hiệu: | 59/2018/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Xuân Phúc |
Ngày ban hành: | 20/04/2018 | Ngày hiệu lực: | 05/06/2018 |
Ngày công báo: | 12/05/2018 | Số công báo: | Từ số 555 đến số 556 |
Lĩnh vực: | Xuất nhập khẩu | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Thêm nhiều hàng hoá được khai hải quan điện tử
Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định 59/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 08/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.
Theo đó, một số loại hàng hóa hiện nay khai trên tờ khai hải quan giấy thì từ ngày Nghị định 59 có hiệu lực, người khai hải quan có thể áp dụng phương thức khai điện tử nếu muốn, cụ thể trong các trường hợp sau đây:
- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu vượt định mức miễn thuế của người xuất cảnh, nhập cảnh;
- Hàng cứu trợ khẩn cấp, hàng viện trợ nhân đạo;
- Hàng quà biếu, quà tặng, tài sản di chuyển của cá nhân;
- Hàng hóa là phương tiện chứa hàng hóa quay vòng theo phương thức tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập theo quy định;
- Hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập để phục vụ công việc trong thời hạn nhất định trong trường hợp mang theo khách xuất cảnh, nhập cảnh;
- Và một số hàng hoá khác theo quy định của Bộ Tài chính.
Nghị định 59/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 5/6/2018.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 59/2018/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 20 tháng 04 năm 2018 |
NGHỊ ĐỊNH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 08/2015/NĐ-CP NGÀY 21 THÁNG 01 NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH LUẬT HẢI QUAN VỀ THỦ TỤC HẢI QUAN, KIỂM TRA, GIÁM SÁT, KIỂM SOÁT HẢI QUAN
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật hải quan ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ngày 06 tháng 4 năm 2016;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan
1. Bổ sung Khoản 6, Khoản 7 Điều 3 như sau:
“6. “Kiểm tra chuyên ngành” là việc cơ quan kiểm tra chuyên ngành căn cứ các quy định về kiểm dịch thực vật, kiểm dịch động vật, tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng hàng hóa do các cơ quan quản lý nhà nước ban hành hoặc tiêu chuẩn quốc tế hoặc các quy định pháp luật có liên quan để kiểm tra, xác định hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật có liên quan.
Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu kiểm tra chuyên ngành về văn hóa thực hiện theo quy định của pháp luật quản lý chuyên ngành văn hóa.
7. “Cổng thông tin một cửa quốc gia” là một hệ thống thông tin tích hợp để thực hiện thủ tục hải quan và thủ tục hành chính của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.”
2. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Khoản 3 Điều 4 như sau:
“1. Địa điểm làm thủ tục hải quan được thực hiện theo quy định tại Điều 22 Luật hải quan.
Thư, gói, kiện hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh bao gồm hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập do Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định tại Khoản 2 Điều này được làm thủ tục hải quan tại Chi cục quản lý địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng bưu chính, địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng chuyển phát nhanh.
Đối với hàng hóa quá cảnh gửi qua dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh, địa điểm làm thủ tục hải quan thực hiện theo quy định tại Điều 43 Nghị định này.
Đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất gửi qua dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh, địa điểm làm thủ tục hải quan thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
3. Căn cứ vào quy hoạch và công bố hệ thống cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu đường bộ, cảng cạn (ICD), ga đường sắt liên vận quốc tế, mạng bưu chính công cộng cung ứng dịch vụ quốc tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định việc tổ chức bộ máy, bố trí lực lượng làm thủ tục hải quan; Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan công nhận kho, bãi, địa điểm trong khu vực cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không quốc tế, ga đường sắt liên vận quốc tế đủ điều kiện tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan trước khi cho phép hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tập kết để làm thủ tục hải quan. điều kiện, trình tự thủ tục công nhận, mở rộng, thu hẹp, di chuyển, chuyển quyền sở hữu, tạm dừng, chấm dứt hoạt động địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tập trung như quy định tại Mục 2 Chương III Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan”.
3. Sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Khoản 4 Điều 5 như sau:
“3. Người được chủ hàng hóa ủy quyền trong trường hợp hàng hóa là quà biếu, quà tặng của cá nhân; hành lý gửi trước, gửi sau chuyến đi của người xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa nhập khẩu để thực hiện dự án đầu tư miễn thuế.
4. Người thực hiện dịch vụ quá cảnh hàng hóa, trung chuyển hàng hóa”
4. Điều 6 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 6. Đối tượng phải làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan
1. Đối tượng phải làm thủ tục hải quan:
a) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt, công cụ chuyển nhượng, vàng, kim loại quý, đá quý, sản phẩm văn hóa, di vật, cổ vật, bảo vật, bưu phẩm, bưu kiện xuất khẩu, nhập khẩu; hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh; các vật phẩm khác xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, trong địa bàn hoạt động của cơ quan hải quan;
b) Phương tiện vận tải đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển, đường thủy nội địa, đường sông xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
2. Đối tượng chịu sự kiểm tra hải quan:
a) Đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này;
b) Vật dụng trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh;
c) Hồ sơ hải quan và các chứng từ liên quan đến đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này.
3. Đối tượng chịu sự giám sát hải quan:
a) Đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này;
b) Vật dụng trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh;
c) Hàng hóa, phương tiện vận tải trong địa bàn hoạt động hải quan; hàng hóa là máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu đang lưu giữ tại các cơ sở sản xuất của tổ chức, cá nhân;
d) Hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành được đưa về bảo quản chờ thông quan;
đ) Hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan.”
5. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Khoản 3 Điều 7 như sau:
“1. Người khai hải quan khai thông tin, nộp chứng từ điện tử để thực hiện thủ tục hải quan và thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Thời điểm khai thông tin, nộp chứng từ điện tử thực hiện theo quy định của Luật hải quan, pháp luật quản lý chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn.
3. Người khai hải quan tiếp nhận kết quả xử lý từ các cơ quan nhà nước thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia để thực hiện thủ tục hải quan và thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quá cảnh, người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh. Người khai hải quan không phải nộp, xuất trình chứng từ giấy đối với các chứng từ đã được tiếp nhận, xử lý thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, trừ các chứng từ phải nộp bản giấy theo quy định của pháp luật”.
6. Bổ sung Khoản 4 Điều 9 như sau:
“4. Được miễn kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan hải quan trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 78 Luật hải quan”.
7. Bổ sung Khoản 5 Điều 11 như sau:
“5. Địa điểm nộp hồ sơ: Tổng cục Hải quan”.
8. Sửa đổi Khoản 1, bổ sung Khoản 1a và sửa đổi Khoản 2 Điều 20 như sau:
“1. Trị giá hải quan hàng xuất khẩu là giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất, không bao gồm phí bảo hiểm quốc tế và phí vận tải quốc tế, được xác định theo trình tự các phương pháp sau:
a) Giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất bao gồm giá bán ghi trên hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc hóa đơn thương mại và các khoản chi phí liên quan đến hàng hóa xuất khẩu phù hợp với chứng từ có liên quan nếu các khoản chi phí này chưa bao gồm trong giá bán của hàng hóa;
b) Giá bán của hàng hóa xuất khẩu giống hệt, tương tự trên cơ sở dữ liệu trị giá hải quan sau khi quy đổi về giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất tại thời điểm gần nhất so với ngày đăng ký tờ khai xuất khẩu của lô hàng đang xác định trị giá;
c) Giá bán của hàng hóa xuất khẩu giống hệt, tương tự tại thị trường Việt Nam sau khi quy đổi về giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất tại thời điểm gần nhất so với ngày đăng ký tờ khai xuất khẩu của lô hàng đang xác định trị giá;
d) Giá bán của hàng hóa xuất khẩu do cơ quan hải quan thu thập, tổng hợp, phân loại theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định này sau khi quy đổi về giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất.
1a. Cửa khẩu xuất được xác định như sau:
a) Đối với phương thức vận tải đường biển, đường hàng không, cửa khẩu xuất là cảng xếp hàng, nơi hàng hóa được xếp lên phương tiện vận tải ghi trên tờ khai hải quan.
b) Đối với phương thức vận tải đường sắt, cửa khẩu xuất là địa điểm xếp hàng tại cửa khẩu đường sắt liên vận quốc tế ghi trên tờ khai hải quan.
c) Đối với phương thức vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, cửa khẩu xuất là cửa khẩu biên giới nơi xuất khẩu hàng hóa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam ghi trên hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc các chứng từ khác có liên quan.
2. Trị giá hải quan hàng nhập khẩu là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên trên cơ sở áp dụng Hiệp định chung về thuế quan và thương mại hoặc theo các cam kết quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết. Cửa khẩu nhập đầu tiên được xác định như sau:
a) Đối với phương thức vận tải đường biển, đường hàng không, cửa khẩu nhập đầu tiên là cảng dỡ hàng ghi trên vận đơn;
b) Đối với phương thức vận tải đường sắt, cửa khẩu nhập đầu tiên là ga đường sắt liên vận quốc tế ghi trên tờ khai hải quan;
c) Đối với phương thức vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, cửa khẩu nhập đầu tiên là cửa khẩu biên giới nơi hàng hóa nhập khẩu đi vào lãnh thổ Việt Nam ghi trên tờ khai hải quan”
9. Điều 21 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 21. Kiểm tra, xác định trị giá hải quan
1. Việc kiểm tra, xác định trị giá hải quan căn cứ trên hồ sơ hải quan, các chứng từ tài liệu có liên quan, thực tế hàng hóa.
2. Trường hợp đủ cơ sở bác bỏ trị giá khai báo, cơ quan hải quan thông báo, đề nghị người khai hải quan thực hiện khai bổ sung trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày thông báo và giải phóng hàng theo quy định. Nếu người khai hải quan khai bổ sung trong thời hạn nêu trên thì cơ quan hải quan thông quan hàng hóa theo quy định. Quá thời hạn mà người khai hải quan không khai bổ sung thì cơ quan hải quan thực hiện xác định trị giá, ấn định thuế theo quy định của Luật quản lý thuế để thông quan hàng hóa theo quy định.
3. Trường hợp nghi vấn về trị giá khai báo, cơ quan hải quan thông báo cơ sở nghi vấn, mức giá, phương pháp do cơ quan hải quan dự kiến xác định và giải phóng hàng hóa theo quy định, người khai hải quan thực hiện tham vấn với cơ quan hải quan nhằm làm rõ về tính chính xác của trị giá khai báo.
a) Trường hợp người khai hải quan đồng ý với mức giá, phương pháp do cơ quan hải quan dự kiến xác định thì thực hiện khai bổ sung theo quy định trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày đến cơ quan hải quan thực hiện tham vấn, cơ quan hải quan thông quan hàng hóa theo quy định. Trường hợp người khai hải quan không khai bổ sung trong thời hạn nêu trên thì cơ quan hải quan thực hiện xác định trị giá, ấn định thuế theo quy định của Luật quản lý thuế để thông quan hàng hóa theo quy định.
b) Trường hợp bác bỏ trị giá khai báo, cơ quan hải quan đề nghị người khai hải quan khai bổ sung trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc tham vấn. Nếu người khai hải quan khai bổ sung trong thời hạn nêu trên thì cơ quan hải quan thông quan hàng hóa theo quy định. Quá thời hạn mà người khai hải quan không khai bổ sung thì cơ quan hải quan thực hiện xác định trị giá, ấn định thuế theo quy định của Luật quản lý thuế để thông quan hàng hóa theo quy định.
c) Trường hợp chưa đủ cơ sở bác bỏ trị giá khai báo, cơ quan hải quan thông quan hàng hóa theo trị giá khai báo.
4. Trường hợp không thuộc Khoản 2, Khoản 3 Điều này, cơ quan hải quan chấp nhận trị giá khai báo để thông quan hàng hóa theo quy định.
5. Tỷ giá giữa đồng Việt Nam với đồng tiền nước ngoài dùng để xác định trị giá tính thuế là tỷ giá ngoại tệ mua vào theo hình thức chuyển khoản của Hội sở chính Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam tại thời điểm cuối ngày của ngày thứ năm tuần trước liền kề hoặc là tỷ giá cuối ngày của ngày làm việc liền trước ngày thứ năm trong trường hợp ngày thứ năm là ngày lễ, ngày nghỉ. Tỷ giá này được sử dụng để xác định tỷ giá tính thuế cho các tờ khai hải quan đăng ký trong tuần.
Đối với các ngoại tệ không được Hội sở chính Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam công bố tỷ giá thì xác định theo tỷ giá tính chéo giữa đồng Việt Nam với một số ngoại tệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố. Đối với các ngoại tệ chưa được công bố tỷ giá tính chéo thì xác định theo nguyên tắc tính chéo giữa tỷ giá đô la Mỹ (USD) với đồng Việt Nam và tỷ giá giữa đồng đô la Mỹ với các ngoại tệ đó do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố. Tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố là tỷ giá được đưa tin mới nhất trên trang điện tử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
6. Bộ Tài chính quy định chi tiết Điều này.”
10. Bổ sung Điều 22a như sau:
“Điều 22a. Trị giá hải quan sử dụng cho Mục đích thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
1. Trị giá hải quan sử dụng cho mục đích thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do cơ quan Hải quan xây dựng trên cơ sở thông tin khai hải quan và các nguồn thông tin liên quan khác.
2. Trị giá hải quan sử dụng cho mục đích thống kê được xây dựng theo nguyên tắc và phương pháp quy định tại Điều 20 Nghị định này, trừ các trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều này.
3. Đối với các trường hợp sau, trị giá hải quan sử dụng cho mục đích thống kê dựa trên cơ sở khai báo của người khai hải quan theo nguyên tắc:
a) Hàng hóa sau khi thuê gia công ở nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam: là trị giá hàng hóa tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên (theo điều kiện giao hàng CIF hoặc tương đương). Trường hợp không xác định được trị giá theo điều kiện giao hàng CIF hoặc tương đương thì khai trị giá hải quan là toàn bộ trị giá cấu thành của sản phẩm bao gồm trị giá nguyên vật liệu cấu thành nên sản phẩm, giá gia công sản phẩm và các chi phí khác (nếu có);
b) Hàng hóa xuất khẩu là sản phẩm gia công cho nước ngoài: là trị giá hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất (theo điều kiện giao hàng FOB hoặc tương đương). Trường hợp không xác định được trị giá theo điều kiện giao hàng FOB hoặc tương đương thì khai trị giá hải quan là toàn bộ trị giá cấu thành của sản phẩm bao gồm trị giá nguyên vật liệu cấu thành nên sản phẩm, giá gia công sản phẩm và các chi phí khác (nếu có);
c) Hàng hóa theo hợp đồng thuê tài chính: là toàn bộ trị giá của hàng hóa, loại trừ các dịch vụ cung cấp kèm theo hợp đồng thuê tài chính.
4. Bộ Tài chính quy định cụ thể việc thu thập, xử lý, sử dụng và lưu trữ thông tin về trị giá hải quan sử dụng cho mục đích thống kê.”
11. Sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Khoản 3, Khoản 7 Điều 24 như sau:
“2. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đề nghị xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan:
a) Nộp đủ hồ sơ đề nghị xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đến Tổng cục Hải quan trong thời hạn ít nhất 60 ngày trước khi xuất khẩu, nhập khẩu lô hàng;
b) Tham gia đối thoại với cơ quan hải quan nhằm làm rõ nội dung đề nghị xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan theo đề nghị của cơ quan hải quan;
c) Thông báo bằng văn bản cho Tổng cục Hải quan trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có sự thay đổi nào liên quan đến hàng hóa đã đề nghị xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan, trong đó nêu rõ nội dung, lý do, ngày, tháng, năm có sự thay đổi.
3. Trách nhiệm của Tổng cục Hải quan:
a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, Tổng cục Hải quan có văn bản từ chối xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan gửi tổ chức, cá nhân đối với trường hợp không đủ điều kiện, hồ sơ xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan hoặc hàng hóa nêu tại đơn đề nghị xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá đang chờ kết quả xử lý của cơ quan quản lý nhà nước hoặc hàng hóa nêu tại đơn đề nghị xác định trước mã số đã có văn bản hướng dẫn về mã số của cơ quan quản lý nhà nước;
b) Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành văn bản thông báo kết quả xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ (đối với trường hợp thông thường) hoặc 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ (đối với trường hợp phức tạp cần xác minh, làm rõ). Văn bản thông báo kết quả xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan được gửi cho tổ chức, cá nhân, đồng thời cập nhật vào cơ sở dữ liệu của cơ quan hải quan và công khai trên trang điện tử của Tổng cục Hải quan.
7. Bộ Tài chính quy định hồ sơ xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan và các trường hợp đang chờ kết quả xử lý của cơ quan quản lý nhà nước”.
12. Sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Khoản 3, Khoản 5, Khoản 10 Điều 25 như sau:
“2. Các trường hợp sau đây người khai hải quan được lựa chọn khai theo phương thức điện tử hoặc khai trên tờ khai hải quan giấy:
a) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của cư dân biên giới;
b) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu vượt định mức miễn thuế của người xuất cảnh, nhập cảnh;
c) Hàng cứu trợ khẩn cấp, hàng viện trợ nhân đạo; hàng xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ an ninh quốc phòng;
d) Hàng quà biếu, quà tặng, tài sản di chuyển của cá nhân;
đ) Hàng hóa là phương tiện chứa hàng hóa quay vòng theo phương thức tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập quy định tại điểm a, điểm b Khoản 1 Điều 49 Nghị định này;
e) Hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập để phục vụ công việc trong thời hạn nhất định trong trường hợp mang theo khách xuất cảnh, nhập cảnh;
g) Trường hợp hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, hệ thống khai hải quan điện tử không thực hiện được các giao dịch điện tử với nhau mà nguyên nhân có thể do một hoặc cả hai hệ thống hoặc do nguyên nhân khác.
Trường hợp hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan không thực hiện được thủ tục hải quan điện tử, cơ quan hải quan có trách nhiệm thông báo trên trang thông tin điện tử hải quan chậm nhất 01 giờ kể từ thời điểm không thực hiện được các giao dịch điện tử;
Trường hợp hệ thống khai hải quan điện tử của người khai hải quan không thực hiện được thủ tục hải quan điện tử, người khai hải quan có văn bản thông báo cho Chi cục hải quan nơi dự kiến làm thủ tục hải quan, trong đó nêu rõ tên và nguyên nhân sự cố, thời hạn dự kiến khắc phục sự cố và phương thức thực hiện thủ tục khai hải quan trong thời gian hệ thống khai hải quan điện tử của người khai hải quan gặp sự cố theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
h) Hàng hóa khác theo quy định của Bộ Tài chính.
3. Người khai hải quan phải khai đầy đủ, chính xác, trung thực, rõ ràng các tiêu chí trên tờ khai hải quan, tự tính để xác định số thuế, các khoản thu khác phải nộp ngân sách nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung đã khai.
Trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện phải có giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành thì phải có giấy phép trước khi đăng ký tờ khai hải quan và phải khai đầy đủ thông tin giấy phép trên tờ khai hải quan theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Khi kiểm tra hồ sơ cơ quan hải quan đủ cơ sở xác định hàng hóa thuộc diện phải có giấy phép mà không có giấy phép tại thời điểm đăng ký tờ khai thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và tờ khai hải quan đã đăng ký không có giá trị thực hiện thủ tục hải quan.
5. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường hoặc miễn thuế hoặc áp dụng thuế suất, mức thuế tuyệt đối theo hạn ngạch thuế quan và đã được giải phóng hàng hoặc thông quan nhưng sau đó có thay đổi về đối tượng không chịu thuế hoặc mục đích được miễn thuế; áp dụng thuế suất, mức thuế tuyệt đối theo hạn ngạch thuế quan; hàng hóa là nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu và hàng hóa tạm nhập - tái xuất đã giải phóng hàng hoặc thông quan nhưng sau đó thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa thì phải khai tờ khai hải quan mới. Chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mới trừ trường hợp đã thực hiện đầy đủ chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai ban đầu.
10. Bộ Tài chính quy định chi tiết việc khai bổ sung, hủy tờ khai hải quan, đăng ký tờ khai hải quan một lần; khai tờ khai hải quan mới đối với hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa và xử lý trong trường hợp hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan hoặc hệ thống khai hải quan điện tử gặp sự cố.”
13. Sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 26 như sau:
“4. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan căn cứ tiêu chí phân loại mức độ rủi ro do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định để quyết định kiểm tra hải quan và thông báo trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan theo một trong những hình thức dưới đây:
a) Chấp nhận thông tin khai Tờ khai hải quan để quyết định thông quan hàng hóa;
b) Kiểm tra các chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan do người khai hải quan nộp, xuất trình hoặc các chứng từ có liên quan trên cổng thông tin một cửa quốc gia để quyết định việc thông quan hàng hóa hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa để quyết định thông quan.
Bộ Tài chính quy định cụ thể thời điểm thông báo việc kiểm tra hải quan trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.”
14. Sửa đổi, bổ sung Khoản 5 Điều 29 như sau:
“5. Trường hợp bằng các máy móc, thiết bị kỹ thuật hiện có tại Chi cục Hải quan, địa điểm kiểm tra hải quan, công chức hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa không đủ cơ sở để xác định tính chính xác đối với nội dung khai của người khai hải quan về tên hàng, mã số, chủng loại, chất lượng, khối lượng, trọng lượng thì yêu cầu cơ quan kiểm định hải quan thực hiện việc phân tích phân loại hoặc giám định để xác định các nội dung trên.
Trường hợp cơ quan hải quan không đủ điều kiện để xác định tính chính xác đối với nội dung khai của người khai hải quan thì cơ quan hải quan trưng cầu giám định của tổ chức giám định theo quy định của pháp luật và căn cứ kết quả giám định để quyết định việc thông quan hàng hóa.”
15. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 32 như sau:
“1. Giải phóng hàng hóa được thực hiện theo quy định tại Điều 36 Luật hải quan. Các trường hợp được giải phóng hàng bao gồm:
a) Phải thực hiện việc phân tích, phân loại hoặc giám định để xác định mã số hàng hóa, số lượng, trọng lượng, khối lượng của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và người khai hải quan đã nộp thuế hoặc được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế trên cơ sở tự kê khai, tính thuế của người khai hải quan;
b) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chưa có giá chính thức tại thời điểm đăng ký tờ khai và người khai hải quan đã nộp thuế hoặc được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế trên cơ sở giá do người khai hải quan tạm tính;
c) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 21 Nghị định này và người khai hải quan đã nộp thuế hoặc được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế trên cơ sở tự kê khai, tính thuế của người khai hải quan;
d) Người khai hải quan chưa có đủ thông tin, tài liệu để xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thì được giải phóng hàng hóa nếu được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế trên cơ sở trị giá hải quan do cơ quan hải quan xác định.
16. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Khoản 2 Điều 33 như sau:
“1. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thuộc đối tượng phải kiểm dịch thì phải thực hiện việc kiểm dịch tại cửa khẩu trước khi hoàn thành thủ tục hải quan trừ trường hợp pháp luật về kiểm dịch cho phép đưa hàng hóa về các địa điểm để kiểm dịch trong nội địa. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thuộc đối tượng kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm thì cơ quan hải quan căn cứ vào điều kiện, tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do các cơ quan quản lý nhà nước ban hành để thực hiện việc kiểm tra theo quy định của pháp luật hoặc cơ quan hải quan căn cứ vào kết luận của cơ quan quản lý chuyên ngành, cơ quan, tổ chức kiểm tra chuyên ngành hoặc căn cứ vào chứng từ khác theo quy định của pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành để quyết định việc thông quan theo quy định của pháp luật về kiểm tra chuyên ngành.
Các cơ quan quản lý chuyên ngành, cơ quan, tổ chức kiểm tra chuyên ngành có trách nhiệm phối hợp thực hiện kiểm tra đồng thời đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh tại cửa khẩu hoặc các địa điểm kiểm tra hàng hóa, trừ trường hợp vì yêu cầu kỹ thuật, chuyên môn phải đưa về các địa điểm kiểm tra chuyên ngành.
Cơ quan hải quan chủ trì, điều phối hoạt động kiểm tra đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của các cơ quan quản lý chuyên ngành, cơ quan, tổ chức kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu. Hoạt động phối hợp giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành, cơ quan, tổ chức kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu thực hiện theo Quy chế hoạt động kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
2. Phối hợp lấy mẫu, kiểm tra chuyên ngành:
a) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành, việc lấy mẫu thực hiện theo quy định của pháp luật về kiểm tra chuyên ngành.
b) Cơ quan kiểm tra chuyên ngành trực tiếp thực hiện việc lấy mẫu hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại địa điểm do người khai hải quan thông báo; trường hợp lấy mẫu trong địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan thực hiện giám sát việc lấy mẫu trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro;
c) Trước khi lấy mẫu, người khai hải quan phải thông báo cho cơ quan hải quan và cơ quan kiểm tra chuyên ngành thời gian, địa điểm lấy mẫu.
Việc thông báo được thực hiện thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia khi đăng ký kiểm tra chuyên ngành hoặc thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.
Người khai hải quan phải xuất trình hàng hóa để cơ quan, tổ chức kiểm tra chuyên ngành hoặc cơ quan hải quan thực hiện việc lấy mẫu;
d) Khi lấy mẫu phải có đại diện của người khai hải quan. Mẫu phải được niêm phong và lập Biên bản chứng nhận việc lấy mẫu có xác nhận của người khai hải quan và cơ quan, tổ chức kiểm tra chuyên ngành;
đ) Trong thời hạn tối đa 10 ngày kể từ ngày cấp giấy đăng ký kiểm tra chuyên ngành hoặc ngày lấy mẫu kiểm tra chuyên ngành trừ trường hợp pháp luật về kiểm tra chuyên ngành có quy định khác, cơ quan quản lý chuyên ngành, cơ quan, tổ chức kiểm tra chuyên ngành có thẩm quyền phải có kết luận kiểm tra và gửi cơ quan hải quan theo quy định tại Điều 35 Luật hải quan hoặc gửi tới Cổng thông tin một cửa quốc gia trong trường hợp cơ quan kiểm tra có hệ thống công nghệ thông tin kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia để cơ quan hải quan quyết định việc thông quan hàng hóa. Trường hợp quá thời hạn quy định mà cơ quan quản lý chuyên ngành, cơ quan, tổ chức kiểm tra chuyên ngành chưa có kết luận kiểm tra chuyên ngành thì phải có văn bản nêu rõ lý do và ngày ra kết luận kiểm tra gửi cơ quan hải quan.”
17. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Khoản 3 Điều 39 như sau:
“1. Các trường hợp kiểm tra:
a) Tổ chức, cá nhân lần đầu tiên nhập khẩu hàng hóa để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu;
b) Khi phát hiện có dấu hiệu xác định tổ chức, cá nhân thay đổi thông tin về địa chỉ, ngành hàng, quy mô, năng lực sản xuất nhưng không thông báo với cơ quan hải quan;
c) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa để gia công cho thương nhân nước ngoài nhưng thuê tổ chức, cá nhân khác thực hiện gia công lại toàn bộ hợp đồng gia công;
d) Khi phát hiện dấu hiệu xác định tổ chức, cá nhân lưu giữ nguyên liệu vật tư, linh kiện nhập khẩu và sản phẩm xuất khẩu ngoài các địa điểm đã thông báo với cơ quan hải quan;
đ) Các trường hợp khác kiểm tra trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro.
3. Xử lý kết quả kiểm tra cơ sở gia công, sản xuất, năng lực gia công, sản xuất:
a) Trường hợp không có cơ sở gia công, sản xuất thì tổ chức, cá nhân phải nộp đủ các loại thuế, tiền chậm nộp kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu đến ngày thực nộp thuế và bị xử phạt vi phạm theo quy định đối với số lượng nguyên liệu, vật tư đã nhập khẩu không được ưu đãi thuế theo quy định;
b) Trường hợp có đủ căn cứ xác định tổ chức, cá nhân nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị vượt quá năng lực sản xuất hoặc thuộc ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật mà tổ chức, cá nhân không xuất trình được giấy phép hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoặc nhập khẩu nguyên liệu vật tư, máy móc, thiết bị không phù hợp với ngành nghề sản xuất đã thông báo với cơ quan hải quan thì cho phép tổ chức, cá nhân được giải trình, chứng minh; trường hợp tổ chức, cá nhân không giải trình hoặc giải trình, chứng minh không hợp lý thì xử lý theo quy định và thực hiện kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành.”
18. Sửa đổi Khoản 1 Điều 40 như sau:
“1. Các trường hợp kiểm tra:
a) Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng có dấu hiệu rủi ro đã nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật tư mà quá chu kỳ nhưng không có sản phẩm xuất khẩu;
b) Khi có dấu hiệu xác định tổ chức, cá nhân nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị hoặc xuất khẩu sản phẩm tăng, giảm bất thường so với năng lực sản xuất;
c) Khi có dấu hiệu xác định tổ chức, cá nhân bán nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, sản phẩm vào nội địa nhưng không khai hải quan;
d) Khi phát hiện tổ chức, cá nhân kê khai sản phẩm xuất khẩu không đúng quy định và không đúng thực tế;
Đối với các trường hợp nêu tại điểm a, điểm b Khoản 1 Điều này, tổ chức cá nhân có văn bản giải trình theo yêu cầu của cơ quan hải quan. Việc kiểm tra chỉ được thực hiện sau khi tổ chức, cá nhân không có giải trình hoặc cơ quan hải quan có căn cứ giải trình của tổ chức, cá nhân là không hợp lý”.
19. Điều 43 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 43. Thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh
1. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh phải được thực hiện tại trụ sở hải quan cửa khẩu nhập đầu tiên và cửa khẩu xuất cuối cùng, trừ trường hợp hàng hóa quá cảnh đóng chung container, toa xe chở hàng với hàng nhập khẩu, xuất khẩu, đóng chung với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh quy định tại Khoản 9 Điều này.
Hàng hóa quá cảnh theo các Hiệp định đa phương về quá cảnh hàng hóa được Việt Nam ký kết tham gia, thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ.
2. Hồ sơ hải quan:
a) Tờ khai vận chuyển hoặc chứng từ thay thế tờ khai vận chuyển theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành;
b) Bản kê chi tiết hàng hóa quá cảnh theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành;
c) Chứng từ vận tải trong trường hợp hàng hóa quá cảnh vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không, đường sắt, hàng hóa quá cảnh vận chuyển bằng đường bộ đóng chung với hàng nhập khẩu: 01 bản chụp;
d) Giấy phép quá cảnh theo quy định của pháp luật; giấy thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật có liên quan: 01 bản chính.
3. Trách nhiệm của người khai hải quan:
a) Thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 25 Nghị định này;
b) Vận chuyển hàng hóa theo đúng tuyến đường, cửa khẩu, thời hạn quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 65 Luật hải quan;
c) Đảm bảo nguyên trạng hàng hóa, đảm bảo niêm phong hải quan, đảm bảo nguyên niêm phong của hãng vận chuyển;
d) Trong trường hợp hàng hóa quá cảnh có thực hiện chuyển tải, lưu kho, chia tách, thay đổi phương thức vận chuyển, phương tiện vận tải, đóng chung container, người khai hải quan gửi Chi cục hải quan nơi quản lý địa điểm thực hiện chuyển tải, lưu kho, chia tách, thay đổi phương thức vận chuyển, phương tiện vận tải, đóng chung container 01 bản chính văn bản đề nghị theo Mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp được chấp nhận, thực hiện khai hải quan trên từng tờ khai vận chuyển hoặc chứng từ vận chuyển theo từng chặng vận chuyển, từng loại hình tương ứng;
đ) Xuất trình hàng hóa để kiểm tra thực tế hàng hóa theo yêu cầu của cơ quan hải quan.
4. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập:
a) Tiếp nhận và xử lý hồ sơ hải quan quy định tại Khoản 2 Điều này;
b) Thực hiện niêm phong hải quan đối với phương tiện chứa hàng quá cảnh trong trường hợp hàng hóa quá cảnh vận chuyển bằng đường bộ;
c) Đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không, đường sắt thực hiện niêm phong hải quan trong trường hợp không còn nguyên niêm phong của hãng vận chuyển.
Trường hợp hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy nội địa vào Việt Nam không thể kiểm tra tình trạng niêm phong của hãng vận chuyển và không thực hiện được việc niêm phong hải quan, giao người khai hải quan chịu trách nhiệm bảo quản nguyên trạng hàng hóa.
d) Đối với hàng hóa quá cảnh vận chuyển bằng đường bộ, đường thủy nội địa ngoài việc thực hiện quy định tại điểm b, điểm c Khoản này, thực hiện giám sát hàng hóa quá cảnh bằng phương tiện kỹ thuật quy định tại điểm a Khoản 7 Điều này;
đ) Bố trí công chức hải quan giám sát trực tiếp hàng hóa quá cảnh tại điểm c Khoản 7 Điều này;
g) Kiểm tra thực tế hàng hóa trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm.
5. Trách nhiệm của Chi cục hải quan nơi quản lý địa điểm hàng quá cảnh thực hiện chuyển tải, lưu kho, chia tách, thay đổi phương thức vận chuyển, phương tiện vận tải, đóng chung container
a) Tiếp nhận văn bản đề nghị theo quy định tại điểm d Khoản 3 Điều này và kiểm tra các điều kiện quy định tại Khoản 9 Điều này. Trường hợp không đủ điều kiện quy định, có văn bản thông báo việc không chấp nhận, nêu rõ lý do;
Trường hợp đủ điều kiện quy định, phê duyệt văn bản đề nghị; trả lại 01 bản chính cho người khai hải quan, lưu 01 bản sao;
b) Kiểm tra tình trạng niêm phong hải quan, niêm phong hãng vận chuyển;
c) Giám sát hoạt động chuyển tải, lưu kho, chia tách, thay đổi phương thức vận chuyển, phương tiện vận tải, đóng chung container và thực hiện niêm phong hải quan;
d) Thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa vận chuyển theo từng loại hình tương ứng.
6. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất:
a) Kiểm tra các thông tin về tờ khai vận chuyển hoặc chứng từ thay thế tờ khai trên hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan;
b) Kiểm tra tình trạng niêm phong hoặc nguyên trạng hàng hóa.
Trường hợp hàng hóa quá cảnh vận chuyển bằng đường thủy nội địa ra nước ngoài, Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất căn cứ thông tin về lộ trình, thời gian vận chuyển, các cảnh báo (nếu có) để quyết định việc kiểm tra niêm phong hải quan hoặc niêm phong của hãng vận chuyển;
c) Kiểm tra thực tế hàng hóa trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm.
7. Giám sát hải quan
a) Hàng hóa quá cảnh phải được niêm phong hải quan hoặc niêm phong của hãng vận chuyển. Trường hợp hàng hóa không thể niêm phong được thì giao người khai hải quan chịu trách nhiệm bảo quản nguyên trạng hàng hóa.
Đối với hàng hóa quá cảnh vận chuyển bằng đường thủy nội địa, đường bộ, ngoài niêm phong hải quan hoặc niêm phong của hãng vận chuyển, hoặc hàng hóa quá cảnh không thể niêm phong, cơ quan hải quan sử dụng các phương tiện kỹ thuật khác để giám sát hàng hóa trong quá trình vận chuyển trên cơ sở kết quả phân tích, đánh giá rủi ro;
b) Hàng hóa quá cảnh thuộc Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt phải được giám sát bằng phương tiện kỹ thuật;
c) Hàng hóa quá cảnh là vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ và hàng hóa có độ nguy hiểm cao phải được giám sát bằng phương tiện kỹ thuật hoặc được giám sát trực tiếp bằng công chức hải quan.
8. Trong trường hợp bất khả kháng mà không bảo đảm được nguyên trạng hàng hóa, niêm phong hải quan, niêm phong của hãng vận chuyển hoặc không vận chuyển hàng hóa theo đúng tuyến đường, thời gian thì người khai hải quan, sau khi áp dụng các biện pháp cần thiết để hạn chế và ngăn ngừa tổn thất xảy ra phải thông báo ngay với cơ quan hải quan để xử lý; trường hợp không thể thông báo ngay với cơ quan hải quan thì tùy theo địa bàn thích hợp thông báo với cơ quan công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển để xác nhận và xử lý theo quy định của pháp luật.
9. Việc chuyển tải, lưu kho, thay đổi phương thức vận chuyển, phương tiện vận tải; chia tách, đóng chung container, toa xe chở hàng giữa hàng quá cảnh với hàng hóa dự kiến nhập khẩu hoặc với hàng xuất khẩu đã làm xong thủ tục hải quan, hàng quá cảnh khác để xuất khẩu hoặc hàng quá cảnh đóng chung với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh được thực hiện tại khu vực cửa khẩu nhập, cửa khẩu xuất, kho ngoại quan, địa điểm thu gom hàng lẻ (kho CFS), địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng xuất khẩu, nhập khẩu được thành lập trong nội địa (cảng cạn), địa điểm tập kết kiểm tra giám sát tập trung đối với hàng bưu chính, địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng chuyển phát nhanh.
Vị trí kho ngoại quan, kho CFS, cảng cạn, địa điểm tập kết kiểm tra giám sát tập trung đối với hàng bưu chính, địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng chuyển phát nhanh quy định tại khoản này phù hợp với tuyến đường quá cảnh theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.
10. Hàng hóa quá cảnh đóng chung container, toa xe chở hàng với hàng xuất khẩu đã làm xong thủ tục hải quan, hàng hóa dự kiến nhập khẩu, hàng hóa quá cảnh đóng chung hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Hàng hóa phải được đóng gói riêng biệt (kiện, thùng, bao bì...) để phân biệt hàng hóa quá cảnh đóng chung với hàng nhập khẩu, xuất khẩu;
b) Hàng hóa quá cảnh không thuộc trường hợp phải có giấy phép quá cảnh theo quy định của pháp luật hoặc không thuộc mặt hàng là rượu, bia, thuốc lá;
c) Hàng hóa dự kiến nhập khẩu khi đóng chung container, toa xe chở hàng với hàng quá cảnh khi chia tách tại các địa điểm (trừ cửa khẩu nhập) quy định tại Khoản 9 Điều này không thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;
d) Hàng xuất khẩu khi đóng chung container, toa xe chở hàng với hàng hóa quá cảnh, hàng hóa xuất khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh đóng chung với hàng hóa quá cảnh phải có cùng cửa khẩu xuất với hàng quá cảnh; cửa khẩu xuất phải là cửa khẩu quốc tế theo quy định hiện hành.
e) Container, toa xe chở hàng, phương tiện chứa hàng gửi qua dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh phải đảm bảo đáp ứng yêu cầu niêm phong hải quan.
Bộ Tài chính quy định cụ thể Điều này.”
20. Điều 44 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 44. Thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa trung chuyển tại cảng biển
1. Hàng hóa trung chuyển được vận chuyển bằng đường biển từ nước ngoài vào khu vực trung chuyển tại cảng biển, sau đó được đưa ra nước ngoài từ chính khu vực trung chuyển này hoặc đưa đến khu vực trung chuyển tại bến cảng, cảng biển khác để đưa ra nước ngoài. Hàng hóa trung chuyển vận chuyển giữa các cảng biển phải được vận chuyển bằng đường thủy nội địa, đường biển. Hàng hóa trung chuyển được đưa toàn bộ ra nước ngoài một lần hoặc nhiều lần.
2. Hoạt động trung chuyển hàng hóa quy định tại Điều này bao gồm việc xếp dỡ, vận chuyển, lưu giữ hàng hóa theo yêu cầu của người vận chuyển tại khu vực trung chuyển của cửa khẩu nhập hoặc khu vực trung chuyển của cửa khẩu xuất.
Thời hạn lưu giữ hàng hóa trung chuyển không quá 30 ngày kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập.
Trường hợp hàng hóa trung chuyển trong thời gian được lưu giữ tại cảng biển Việt Nam bị hư hỏng, tổn thất cần phải có thêm thời gian để khắc phục thì thời gian trung chuyển được gia hạn tương ứng với thời gian cần thiết để thực hiện các công việc đó và phải được cơ quan hải quan nơi làm thủ tục trung chuyển chấp thuận; trường hợp hàng hóa trung chuyển được trung chuyển theo văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền thì phải được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận việc gia hạn.
3. Khu vực trung chuyển khi lưu giữ hàng trung chuyển phải đảm bảo tách biệt với khu vực lưu giữ hàng hóa khác của cảng, có lắp đặt hệ thống ca-mê-ra giám sát và chịu sự giám sát của cơ quan hải quan. Hàng hóa ra, vào khu vực trung chuyển phải được theo dõi, quản lý bằng phần mềm ứng dụng và được kết nối với cơ quan hải quan.
4. Khu vực thực hiện trung chuyển hàng hóa tại cảng biển Việt Nam thuộc cảng biển loại IA theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cảng biển thành phố Hồ Chí Minh và có đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo quy định tại Khoản 3 Điều này.
5. Chậm nhất là 5 ngày trước ngày đầu tiên thực hiện dịch vụ trung chuyển, doanh nghiệp kinh doanh cảng biển gửi thông báo bằng văn bản về vị trí khu vực trung chuyển đến Chi cục Hải quan nơi quản lý khu vực trung chuyển để thực hiện giám sát. Trường hợp thay đổi vị trí, diện tích khu vực trung chuyển, doanh nghiệp kinh doanh cảng biển gửi thông báo bằng văn bản trước khi đưa hàng trung chuyển vào lưu giữ.
6. Hàng hóa trung chuyển chịu sự giám sát hải quan từ khi đến cảng biển Việt Nam, trong suốt quá trình lưu giữ tại cảng và quá trình vận chuyển cho đến khi hàng hóa được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Việc kiểm tra thực tế hàng hóa trung chuyển chỉ áp dụng trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
7. Hồ sơ hải quan đối với hàng hóa trung chuyển:
a) Tờ khai vận chuyển hoặc chứng từ thay thế tờ khai theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành;
b) Bản kê chi tiết hàng hóa đưa vào khu vực trung chuyển theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành;
c) Chứng từ vận tải: 01 bản chụp;
d) Văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền, thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật: 01 bản chính.
8. Trách nhiệm của người khai hải quan
a) Thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 25 Nghị định này;
b) Chịu trách nhiệm đảm bảo nguyên trạng hàng hóa, nguyên niêm phong hải quan hoặc nguyên niêm phong của hãng tàu trong suốt quá trình vận chuyển hàng hóa, lưu giữ tại cảng;
c) Xuất trình hàng hóa để kiểm tra thực tế hàng hóa theo yêu cầu của cơ quan hải quan;
d) Đưa toàn bộ hàng hóa trung chuyển ra nước ngoài trong thời hạn quy định tại Khoản 2 Điều này.
9. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập:
a) Tiếp nhận và xử lý hồ sơ hải quan quy định tại Khoản 7 Điều này;
b) Thực hiện giám sát hàng hóa trung chuyển;
c) Niêm phong hải quan đối với phương tiện chứa hàng trong trường hợp hàng hóa trung chuyển được vận chuyển giữa các bến cảng trong cùng một cảng biển và trong trường hợp phương tiện chứa hàng không còn nguyên niêm phong của hãng vận chuyển;
d) Kiểm tra thực tế hàng hóa trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm.
10. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất:
a) Kiểm tra các thông tin trên Tờ khai vận chuyển hoặc chứng từ thay thế tờ khai trên hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan;
b) Kiểm tra tình trạng niêm phong hải quan hoặc niêm phong của hãng vận chuyển hoặc nguyên trạng hàng hóa trong trường hợp hàng hóa không thể niêm phong;
c) Thực hiện việc giám sát hàng hóa trung chuyển xếp lên phương tiện vận tải để xuất ra nước ngoài;
d) Kiểm tra thực tế hàng hóa trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm.
Bộ Tài chính quy định cụ thể Điều này.”
21. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Khoản 4 Điều 48 như sau:
“1. Các hình thức tái xuất hàng hóa nhập khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan bao gồm:
a) Tái xuất để trả cho khách hàng;
b) Tái xuất sang nước thứ ba hoặc tái xuất vào khu phi thuế quan.
4. Trường hợp hàng hóa (trừ ma túy, vũ khí, tài liệu phản động, hóa chất độc bảng I theo công ước cấm vũ khí hóa học) chưa làm thủ tục nhập khẩu hoặc đã đăng ký tờ khai hải quan nhưng chưa hoàn thành thủ tục hải quan, đang nằm trong khu vực giám sát hải quan nhưng do gửi nhầm lẫn, thất lạc, không có người nhận hoặc bị từ chối nhận, nếu người vận tải hoặc chủ hàng có văn bản đề nghị được tái xuất (trong đó nêu rõ lý do nhầm lẫn, thất lạc hoặc từ chối nhận) hoặc hàng hóa buộc tái xuất theo Quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi hàng hóa đang được lưu giữ tổ chức giám sát hàng hóa cho đến khi thực xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam ngay tại cửa khẩu nhập.”
22. Điều 49 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“1. Phương tiện quay vòng theo phương thức tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập để chứa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bao gồm:
a) Container rỗng có hoặc không có móc treo;
b) Bồn mềm lót trong container để chứa hàng lỏng;
c) Phương tiện (bồn) chứa khí, chất lỏng có kết cấu ổn định, bền chắc, được sử dụng chuyên dùng chứa và vận chuyển khí, có số ký hiệu in cố định trên vỏ mặt bồn, và chuyên chở bằng xe ô tô chuyên dùng;
d) Các phương tiện khác có thể sử dụng nhiều lần để chứa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
2. Thời hạn tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập thực hiện theo thỏa thuận của thương nhân với bên đối tác và đăng ký với Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục. Trường hợp thương nhân với bên đối tác thỏa thuận kéo dài thời hạn tạm nhập, tạm xuất thì trước khi hết thời hạn đã đăng ký, người khai hải quan có văn bản thông báo và nộp kèm văn bản thỏa thuận gia hạn tạm nhập, tạm xuất cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục. Quá thời hạn tạm nhập, tạm xuất đã đăng ký, nếu thương nhân chưa tái xuất, tái nhập hàng hóa thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Hồ sơ hải quan:
a) Tờ khai hải quan theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành đối với phương tiện quay vòng quy định tại điểm d Khoản 1 Điều này;
b) Bảng kê tạm nhập hoặc tạm xuất theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành đối với phương tiện quay vòng quy định tại điểm a, điểm b, điểm c Khoản 1 Điều này;
c) Chứng từ vận tải đối với hàng hóa tạm nhập vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không, đường sắt: 01 bản chụp;
d) Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu; văn bản thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật có liên quan: 01 bản chính.
4. Thủ tục hải quan
a) Đối với phương tiện quay vòng quy định tại điểm a, điểm b, điểm c Khoản 1 Điều này:
Khi nhập khẩu, xuất khẩu người khai hải quan khai trên Bảng kê tạm nhập hoặc tạm xuất và nộp các chứng từ quy định tại điểm c, điểm d Khoản 3 Điều này.
Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập hoặc tạm xuất theo dõi, đối chiếu, xác nhận về số lượng phương tiện tạm nhập, tạm xuất; kiểm tra thực tế khi có nghi vấn.
b) Đối với phương tiện quay vòng quy định tại điểm d Khoản 1 Điều này thủ tục hải quan thực hiện theo quy định tại Mục 5 Chương này.
5. Địa điểm làm thủ tục hải quan:
a) Đối với phương tiện quay vòng quy định tại điểm a, điểm b, điểm c Khoản 1 Điều này: Thực hiện tại Chi cục Hải quan cửa khẩu;
b) Đối với phương tiện quay vòng quy định tại điểm d Khoản 1 Điều này: Thực hiện tại Chi cục Hải quan cửa khẩu hoặc Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa phục vụ gia công, sản xuất hàng xuất khẩu.
6. Trong thời hạn tạm nhập tái xuất mà người khai hải quan đã đăng ký với cơ quan hải quan, phương tiện quay vòng chưa phải nộp thuế. Trường hợp thay đổi mục đích sử dụng phương tiện quay vòng, thủ tục hải quan thực hiện như sau:
a) Người khai hải quan có văn bản gửi Chi cục Hải quan nơi đăng ký bảng kê tạm nhập và làm thủ tục tạm nhập giải trình rõ lý do thay đổi mục đích sử dụng phương tiện quay vòng;
b) Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi đăng ký bảng kê, làm thủ tục tạm nhập có trách nhiệm xem xét lý do, giải trình của người khai hải quan; nếu không phát hiện dấu hiệu gian lận thương mại thì chấp nhận đề nghị của người khai hải quan;
c) Người khai hải quan phải làm thủ tục nhập khẩu theo quy định tại Mục 5 Chương này tại Chi cục Hải quan tạm nhập. Trường hợp tạm nhập tại nhiều Chi cục Hải quan thì lựa chọn một Chi cục Hải quan tạm nhập để làm thủ tục hải quan nhập khẩu.”
23. Điều 50 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 50. Thủ tục hải quan đối với thiết bị, máy móc, phương tiện thi công, phương tiện vận chuyển, khuôn, mẫu tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập để sản xuất, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, thực hiện dự án, thử nghiệm
1. Hồ sơ hải quan đối với thiết bị, máy móc, phương tiện thi công, phương tiện vận chuyển, khuôn, mẫu tạm nhập - tái xuất:
a) Tờ khai hải quan theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành;
b) Chứng từ vận tải trong trường hợp hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không, đường sắt: 01 bản chụp;
c) Giấy phép nhập khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật có liên quan: 01 bản chính.
2. Hồ sơ hải quan đối với thiết bị, máy móc, phương tiện thi công, phương tiện vận chuyển, khuôn, mẫu tạm xuất - tái nhập:
a) Tờ khai hải quan theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành;
b) Giấy phép xuất khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật có liên quan: 01 bản chính.
3. Địa điểm làm thủ tục hải quan: Thực hiện tại Chi cục Hải quan cửa khẩu, Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh hoặc Chi cục Hải quan nơi có cơ sở sản xuất, dự án. Đối với máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập để phục vụ hợp đồng gia công, sản xuất xuất khẩu, hoạt động của doanh nghiệp chế xuất thì thực hiện thủ tục tại Chi cục Hải quan thuận tiện.
4. Thủ tục hải quan thực hiện theo quy định tại Mục 5 Chương này.
5. Thời hạn tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập thực hiện theo thỏa thuận của thương nhân với bên đối tác và đăng ký với cơ quan hải quan. Trường hợp cần kéo dài thời hạn tạm nhập, tạm xuất để sản xuất, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, thực hiện dự án, thử nghiệm theo thỏa thuận với bên đối tác thì người khai hải quan có văn bản thông báo cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập, tạm xuất.
Trường hợp quá thời hạn tạm nhập, tạm xuất mà người khai hải quan chưa tái xuất, tái nhập thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
6. Trường hợp doanh nghiệp tạm nhập, tạm xuất có văn bản đề nghị bán, cho, tặng máy móc, thiết bị, phương tiện thi công, phương tiện vận chuyển, khuôn, mẫu tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập để sản xuất, thi công công trình, thi công xây dựng, lắp đặt công trình thực hiện dự án, thử nghiệm thì phải làm thủ tục hải quan theo quy định tại Mục 5 Chương này.”
24. Sửa đổi, bổ sung tên Điều 51 và Khoản 3 Điều 51 như sau:
“Điều 51. Thủ tục hải quan đối với tàu biển, tàu bay tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập để sửa chữa, bảo dưỡng
3. Thời hạn tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập thực hiện theo hợp đồng cung ứng dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng tàu biển, tàu bay và đăng ký với Chi cục Hải quan cửa khẩu.”
25. Điều 52 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 52. Thủ tục hải quan đối với máy móc, thiết bị, linh kiện, phụ tùng, vật dụng tạm nhập để phục vụ thay thế, sửa chữa tàu biển, tàu bay nước ngoài hoặc tạm xuất để thay thế, sửa chữa tàu biển, tàu bay Việt Nam ở nước ngoài
1. Đối với máy móc, thiết bị, linh kiện, phụ tùng, vật dụng tạm nhập, tạm xuất do chính tàu bay, tàu biển mang theo khi nhập cảnh, xuất cảnh hoặc gửi trước hoặc gửi sau thời điểm nhập cảnh, xuất cảnh của tàu bay, tàu biển:
a) Người khai hải quan là người điều khiển tàu bay, tàu biển hoặc đại lý của chủ tàu bay, tàu biển;
b) Thủ tục hải quan thực hiện theo quy định tại Mục 5 Chương này.
2. Hồ sơ hải quan:
a) Tờ khai hải quan theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành;
b) Chứng từ vận tải trong trường hợp hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không, đường sắt (trừ trường hợp mang theo tàu nhập cảnh): 01 bản chụp;
c) Giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật có liên quan: 01 bản chính.
3. Địa điểm làm thủ tục hải quan: Chi cục Hải quan cửa khẩu hoặc Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh.
4. Máy móc, thiết bị, linh kiện, phụ tùng tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập để sửa chữa hoặc sử dụng cho hoạt động của tàu biển, tàu bay theo hợp đồng cung ứng dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế tàu biển, tàu bay ký với đối tác nước ngoài thì địa điểm làm thủ tục hải quan thực hiện tại Chi cục Hải quan thuận tiện. Thủ tục hải quan thực hiện theo quy định đối với loại hình gia công theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.”
26. Điều 53 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 53. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập để tổ chức hoặc tham dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm
1. Hồ sơ hải quan đối với hàng hóa tạm nhập - tái xuất:
a) Tờ khai hải quan theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành;
b) Chứng từ vận tải trong trường hợp hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không, đường sắt: 01 bản chụp;
c) Văn bản có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về tổ chức hoặc tham dự hội chợ, triển lãm (trừ tạm nhập - tái xuất để giới thiệu sản phẩm): 01 bản chụp;
d) Giấy phép nhập khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật có liên quan: 01 bản chính.
2. Hồ sơ hải quan đối với hàng hóa tạm xuất - tái nhập:
a) Tờ khai hải quan theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành;
b) Văn bản có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về tổ chức hoặc tham dự hội chợ, triển lãm (trừ tạm xuất - tái nhập để giới thiệu sản phẩm): 01 bản chụp;
c) Giấy phép xuất khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật có liên quan: 01 bản chính.
3. Địa điểm làm thủ tục hải quan: Thực hiện tại Chi cục Hải quan nơi có hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm hoặc Chi cục Hải quan cửa khẩu hoặc Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh hoặc Chi cục quản lý doanh nghiệp chế xuất đối với trường hợp doanh nghiệp chế xuất đưa hàng hóa vào nội địa hoặc ra nước ngoài để tổ chức hoặc tham dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm.
4. Thời hạn tái xuất, tái nhập:
a) Hàng hóa tạm nhập khẩu để tổ chức hoặc tham dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm tại Việt Nam phải được tái xuất khẩu trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm đã đăng ký với cơ quan hải quan;
b) Thời hạn tạm xuất khẩu hàng hóa để tham gia hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm ở nước ngoài là một năm, kể từ ngày hàng hóa được tạm xuất khẩu; nếu quá thời hạn nêu trên mà chưa được tái nhập khẩu thì hàng hóa đó phải chịu thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật Việt Nam”.
27. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Khoản 4 Điều 54 như sau:
“1. Hàng hóa tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập để phục vụ công việc trong thời hạn nhất định bao gồm: Hội nghị, hội thảo, nghiên cứu khoa học, giáo dục, thi đấu thể thao, sự kiện văn hóa, nghệ thuật hoặc các sự kiện khác, khám chữa bệnh, nghiên cứu và phát triển sản phẩm; máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp phục vụ công việc trong thời hạn nhất định.
4. Địa điểm làm thủ tục hải quan: Thực hiện tại Chi cục Hải quan cửa khẩu hoặc Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh.”
28. Sửa đổi, bổ sung tên Điều 55 và Khoản 3 Điều 55 như sau:
“Điều 55. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập để bảo hành, sửa chữa, thay thế
3. Địa điểm làm thủ tục hải quan: Thực hiện tại Chi cục Hải quan cửa khẩu, Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh hoặc Chi cục Hải quan nơi có cơ sở sản xuất, dự án. Đối với hàng hóa tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập để bảo hành, sửa chữa, thay thế của doanh nghiệp chế xuất, gia công, sản xuất hàng xuất khẩu thì thực hiện thủ tục tại Chi cục Hải quan thuận tiện.”
29. Bổ sung Điều 55a như sau:
“Điều 55a. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập khác
1. Hồ sơ hải quan đối với hàng hóa tạm nhập - tái xuất:
a) Tờ khai hải quan theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành;
b) Chứng từ vận tải trong trường hợp hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không, đường sắt (nếu có): 01 bản chụp;
c) Giấy phép nhập khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật có liên quan: 01 bản chính.
2. Hồ sơ hải quan đối với hàng hóa tạm xuất - tái nhập:
a) Tờ khai hải quan theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành;
b) Giấy phép xuất khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật: 01 bản chính.
3. Địa điểm làm thủ tục hải quan: Thực hiện tại Chi cục hải quan cửa khẩu hoặc Chi cục hải quan nơi có cơ sở sản xuất, dự án.
4. Thủ tục hải quan thực hiện theo quy định tại Mục 5 Chương này.
5. Thời hạn tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập thực hiện thỏa thuận của thương nhân với bên đối tác và đăng ký với cơ quan hải quan. Trường hợp cần kéo dài thời hạn tạm nhập, tái xuất theo thỏa thuận với bên đối tác thì người khai hải quan có văn bản thông báo cho Chi cục hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập, tái xuất. Trường hợp quá thời hạn tạm nhập, tái xuất mà người khai hải quan chưa tái xuất, tái nhập thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.”
30. Sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 59 như sau:
“2. Người xuất cảnh, nhập cảnh không phải khai hải quan nếu không có hành lý vượt định mức miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế, không có hành lý gửi trước hoặc gửi sau chuyến đi.
Người xuất cảnh, nhập cảnh mang hàng hóa vượt định mức hành lý miễn thuế qua khu vực kiểm tra hải quan mà không khai hải quan đều coi là hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bất hợp pháp và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Khi khai hải quan, người khai hải quan không gộp chung định mức miễn thuế của nhiều người nhập cảnh để khai báo miễn thuế cho một người nhập cảnh, trừ hành lý của các cá nhân trong một gia đình mang theo trong cùng chuyến đi. Việc khai báo định mức miễn thuế tính theo từng lần nhập cảnh.”
31. Bổ sung Khoản 5, Khoản 6, Khoản 7 Điều 60 như sau:
“5. Hành lý của người nhập cảnh có tổng trị giá hải quan vượt định mức miễn thuế quy định tại điểm d, Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều và biện pháp thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và thuộc danh mục mặt hàng phải có giấy phép nhập khẩu hoặc thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật, có tổng trị giá hải quan không quá 20.000.000 đồng Việt Nam hoặc hành lý là vật nguyên chiếc, nguyên đơn vị sản phẩm có tổng trị giá hải quan vượt quá 20.000.000 đồng khi làm thủ tục nhập khẩu không phải có giấy phép nhập khẩu hoặc văn bản thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành.
6. Hành lý của người nhập cảnh thuộc danh mục mặt hàng phải có giấy phép nhập khẩu hoặc thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật có tổng trị giá vượt mức quy định tại Khoản 5 Điều này, tại thời điểm làm thủ tục nhập khẩu, người nhập cảnh phải có giấy phép nhập khẩu hàng hóa hoặc văn bản thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành. Trường hợp không có giấy phép nhập khẩu hoặc văn bản thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành, cơ quan hải quan thực hiện xử lý theo quy định.
7. Khi làm thủ tục nhập khẩu hành lý quy định tại Khoản 1 Điều này, người nhập cảnh không có tờ khai hải quan dùng cho người xuất cảnh, nhập cảnh quy định tại điểm c Khoản 2 Điều này thì không được áp dụng tiêu chuẩn hành lý miễn thuế theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều và biện pháp thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và thực hiện chính sách quản lý đối với hàng nhập khẩu theo quy định tại Khoản 5 Điều này.”
32. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Khoản 2 Điều 61 như sau:
“1. Hồ sơ hải quan đối với tàu bay nhập cảnh:
a) Bản khai hàng hóa nhập khẩu bằng đường hàng không trong trường hợp tàu bay vận chuyển hàng hóa nhập khẩu;
b) Thông tin về vận đơn: vận đơn chủ (master bill of lading), vận đơn thứ cấp (house bill of lading) trong trường hợp tàu bay vận chuyển hàng hóa nhập khẩu;
c) Danh sách hành khách trong trường hợp tàu bay vận chuyển hành khách;
d) Danh sách tổ lái và nhân viên làm việc trên tàu bay;
đ) Bản lược khai hành lý ký gửi trong trường hợp tàu bay vận chuyển hành khách;
e) Thông tin đặt chỗ của hành khách (PNR);
g) Thông tin về chuyến bay bao gồm: đường bay, số hiệu chuyến bay, tên hãng hàng không, cửa khẩu, số lượng hành khách và thời gian nhập cảnh.
2. Hồ sơ hải quan đối với tàu bay xuất cảnh:
a) Bản khai hàng hóa xuất khẩu bằng đường hàng không trong trường hợp tàu bay vận chuyển hàng hóa xuất khẩu;
b) Danh sách hành khách trong trường hợp tàu bay vận chuyển hành khách;
c) Danh sách tổ lái, nhân viên làm việc trên tàu bay;
d) Bản lược khai hành lý ký gửi trong trường hợp tàu bay vận chuyển hành khách;
đ) Thông tin đặt chỗ của hành khách (PNR);
e) Thông tin về chuyến bay bao gồm: đường bay, số hiệu chuyến bay, tên hãng hàng không, cửa khẩu, số lượng hành khách và thời gian xuất cảnh.”.
33. Điều 62 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 62. Thời hạn cung cấp thông tin hồ sơ hải quan
1. Đối với tàu bay nhập cảnh:
a) Chậm nhất 03 giờ trước khi tàu bay nhập cảnh tại sân bay đầu tiên của Việt Nam đối với các chuyến bay có thời gian dài hơn 03 giờ bay;
b) Chậm nhất 30 phút trước khi tàu bay nhập cảnh tại sân bay đầu tiên của Việt Nam đối với các chuyến bay có thời gian bay ngắn hơn 03 giờ bay;
c) Thời hạn cung cấp thông tin đặt chỗ của hành khách (PNR) chậm nhất 24 giờ trước thời điểm tàu bay dự kiến nhập cảnh.
2. Đối với tàu bay xuất cảnh:
a) Ngay sau khi hãng vận chuyển hoàn thành thủ tục đối với hàng hóa xuất khẩu, hành khách xuất cảnh đến trước thời điểm tàu bay xuất cảnh, riêng bản khai hàng hóa xuất khẩu và vận đơn chủ phải nộp trong thời hạn 01 giờ sau khi tàu bay đã xuất cảnh;
b) Thời hạn cung cấp thông tin đặt chỗ của hành khách (PNR) chậm nhất 24 giờ trước thời điểm tàu bay dự kiến xuất cảnh.
3. Đối với tàu bay quá cảnh
Khi nhập cảnh, thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều này; khi xuất cảnh, nếu phải khai hải quan thì thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều này.
4. Thời hạn nộp hồ sơ giấy
a) Đối với tàu bay nhập cảnh, người khai hải quan nộp cho cơ quan Hải quan, ngay sau khi và chậm nhất 30 phút kể từ khi tàu bay dừng đỗ tại vị trí quy định;
b) Đối với tàu bay xuất cảnh, người khai hải quan nộp cho cơ quan hải quan ngay sau khi và chậm nhất 30 phút kể từ khi hãng vận chuyển hoàn thành thủ tục hàng hóa xuất khẩu, hành khách xuất cảnh;
c) Đối với tàu bay quá cảnh, người khai hải quan thực hiện theo quy định tại điểm a hoặc điểm b Khoản này.
5. Người khai hải quan nộp hồ sơ quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 61 Nghị định này theo định dạng điện tử gửi đến cơ quan Hải quan thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia; chỉ tiêu thông tin của các chứng từ khai báo nêu trên được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính; trường hợp người khai hải quan không có đầy đủ thông tin về vận đơn thứ cấp thì người phát hành vận đơn thứ cấp gửi thông tin của vận đơn thứ cấp thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia trong thời hạn quy định tại Khoản 1 Điều này.
Trường hợp gặp sự cố không thực hiện được các giao dịch điện tử thì người khai hải quan nộp cho cơ quan hải quan hồ sơ giấy theo mẫu chứng từ do Bộ Tài chính quy định, ngay sau khi hệ thống được phục hồi, người khai hải quan tạo lập và gửi thông tin điện tử lên Cổng thông tin một cửa quốc gia.
6. Thông tin, hồ sơ hải quan đối với tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh khi có thay đổi phải được người khai hải quan gửi bổ sung, sửa đổi thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Thời hạn gửi thông tin sửa đổi bổ sung:
a) Trước hoặc ngay sau khi tàu bay nhập cảnh dừng đỗ tại vị trí quy định đối với chứng từ quy định Khoản 1 Điều 61 Nghị định này, trừ thông tin tại điểm b Khoản 1 Điều 61 Nghị định này phải gửi trước hoặc sau khi tàu bay nhập cảnh và thông tin tại điểm e Khoản 1 Điều 61 Nghị định này phải gửi chậm nhất 08 giờ trước thời điểm tàu bay nhập cảnh;
Người khai hải quan nộp cho cơ quan hải quan các giấy tờ giải trình, chứng minh việc sửa đổi, bổ sung chứng từ tại điểm b Khoản 1 Điều 61 Nghị định này;
b) Trước thời điểm tàu bay xuất cảnh đối với chứng từ quy định tại Khoản 2 Điều 61 Nghị định này, trừ thông tin tại điểm a Khoản 2 Điều 61 Nghị định này phải được gửi trong 24 giờ kể từ khi tàu bay xuất cảnh và thông tin tại điểm đ Khoản 2 Điều 61 Nghị định này phải gửi chậm nhất 08 giờ trước thời điểm chuyến bay xuất cảnh;
Người khai hải quan nộp cho cơ quan hải quan các giấy tờ giải trình, chứng minh việc sửa đổi, bổ sung chứng từ tại điểm a Khoản 2 Điều 61 Nghị định này;
c) Đối với tàu bay quá cảnh thực hiện theo quy định tại điểm a Khoản này khi nhập cảnh, thực hiện theo điểm b Khoản này khi xuất cảnh.
7. Xử lý thông tin khai sửa đổi, bổ sung đối với hồ sơ tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh
a) Cổng thông tin một cửa quốc gia tiếp nhận thông tin khai sửa đổi, bổ sung và phản hồi tự động cho người khai hải quan đối với các chứng từ quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 61 Nghị định này;
b) Cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục tàu bay nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh khai thác các thông tin được sửa đổi, bổ sung trên Cổng thông tin một cửa quốc gia để áp dụng các biện pháp quản lý, giám sát, kiểm tra đối với phương tiện, hàng hóa theo quy định và cung cấp thông tin cho các đơn vị, cơ quan chức năng để thực hiện nghiệp vụ có liên quan”.
34. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Khoản 2 Điều 63 như sau:
“1. Tiếp nhận xử lý hồ sơ đối với tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh
a) Cổng thông tin một cửa quốc gia tiếp nhận thông tin khai và phản hồi tự động thông báo chấp nhận nội dung khai hải quan trong trường hợp thông tin khai hải quan đầy đủ hoặc yêu cầu người khai hải quan bổ sung hồ sơ trong trường hợp thông tin khai chưa đầy đủ.
Trường hợp người khai không bổ sung hồ sơ, thông tin theo yêu cầu, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quản lý sân bay xử lý theo quy định tại điểm b Khoản này;
b) Chi cục Hải quan quản lý sân bay khai thác thông tin khai hải quan trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, hoặc thông tin từ hồ sơ giấy, các thông tin khác để kiểm tra, tổng hợp, phân tích.
Trường hợp người khai hải quan không bổ sung hồ sơ thông tin đầy đủ theo quy định hoặc có cơ sở xác định trên tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh có hàng hóa buôn lậu, vận chuyển trái phép, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quản lý sân bay quyết định hình thức, biện pháp giám sát đối với tàu bay, kiểm tra thực tế tàu bay, quyết định mức độ kiểm tra hàng hóa, hành lý hoặc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ khác theo quy định của pháp luật;
c) Trường hợp Cảng vụ hàng không, Tòa án, cơ quan Công an và cơ quan có thẩm quyền khác có văn bản yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quản lý sân bay phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật;
d) Thời hạn làm thủ tục hải quan đối với tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh: không quá 01 giờ kể từ khi người khai hải quan nộp, xuất trình đủ hồ sơ hải quan theo quy định tại Điều 61 Nghị định này.
2. Giám sát hải quan đối với tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh
a) Căn cứ thông tin do doanh nghiệp kinh doanh cảng hàng không thông báo theo quy định tại Điều 64 Nghị định này, cơ quan hải quan thực hiện giám sát đối với tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh trong suốt quá trình tàu bay dừng đỗ tại sân bay;
b) Trong quá trình giám sát, trường hợp xác định có dấu hiệu buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, cơ quan hải quan thực hiện các biện pháp kiểm tra, ngăn chặn, tạm giữ theo quy định của pháp luật.”
35. Sửa đổi Khoản 1, bổ sung các Khoản 3 và 4 Điều 64 như sau:
“1. Chậm nhất 24 giờ đối với chuyến bay thường lệ hoặc chậm nhất 01 giờ đối với chuyến bay không thường lệ trước khi tàu bay nhập cảnh và trước khi hãng vận chuyển hoàn thành thủ tục hàng không cho hành khách xuất cảnh và hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp kinh doanh cảng hàng không có trách nhiệm cung cấp cho Chi cục Hải quan quản lý sân bay các thông tin sau đây:
a) Quốc tịch tàu bay;
b) Loại tàu bay;
c) Hành trình bay;
d) Thời gian đến, thời gian đi của tàu bay;
đ) Vị trí đỗ của tàu bay;
e) Cửa vào của hành khách;
g) Thời gian xếp, dỡ hàng hóa lên, xuống tàu bay.
2. Doanh nghiệp kinh doanh cảng hàng không có trách nhiệm thông báo chậm nhất 01 giờ trước khi tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh cho cơ quan hải quan khi có thay đổi về các thông tin quy định tại Khoản 1 Điều này.
3. Cơ quan kinh doanh cảng hàng không có trách nhiệm chia sẻ dữ liệu thông tin từ hệ thống ca-mê-ra với cơ quan Hải quan để phục vụ việc giám sát hải quan đối với tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh.
4. Trách nhiệm của hãng hàng không hoặc người được hãng hàng không ủy quyền:
a) Khai báo hồ sơ hải quan đối với tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh đầy đủ, chính xác, rõ ràng các tiêu chí thông tin và đúng thời hạn theo quy định.
b) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của nội dung thông tin đã khai và các chứng từ đã nộp, xuất trình hoặc gửi đến Cổng thông tin một cửa quốc gia; về sự thống nhất nội dung thông tin giữa hồ sơ lưu tại doanh nghiệp với hồ sơ lưu tại cơ quan hải quan.”
36. Điều 65 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 65. Hồ sơ hải quan đối với tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh
1. Đối với tàu biển nhập cảnh:
a) Bản khai chung;
b) Bản khai hàng hóa trường hợp tàu biển vận chuyển hàng hóa;
c) Thông tin về vận đơn: vận đơn chủ (master bill of lading), vận đơn thứ cấp (house bill of lading) trong trường hợp tàu biển vận chuyển hàng hóa;
d) Danh sách thuyền viên;
đ) Bản khai hành lý thuyền viên, nhân viên làm việc trên tàu biển;
e) Bản khai dự trữ của tàu;
g) Danh sách hành khách trong trường hợp tàu biển vận chuyển hành khách;
h) Bản khai hàng hóa nguy hiểm trong trường hợp tàu biển vận chuyển hàng hóa nguy hiểm.
2. Đối với tàu biển xuất cảnh:
a) Bản khai chung;
b) Bản khai hàng hóa trong trường hợp tàu biển vận chuyển hàng hóa;
c) Danh sách thuyền viên;
d) Bản khai hành lý thuyền viên, nhân viên làm việc trên tàu biển;
đ) Bản khai dự trữ của tàu;
e) Danh sách hành khách trong trường hợp tàu biển vận chuyển hành khách;
g) Bản khai hàng hóa nguy hiểm trong trường hợp tàu biển vận chuyển hàng hóa nguy hiểm.
Khi tàu biển xuất cảnh, nếu không có nội dung thay đổi so với nội dung đã khai báo khi tàu nhập cảnh thì người khai hải quan chỉ phải nộp bản khai chung quy định tại điểm a Khoản này.
3. Đối với tàu biển quá cảnh
Khi làm thủ tục nhập cảnh đối với tàu biển quá cảnh, người khai hải quan nộp hồ sơ hải quan theo quy định tại Khoản 1 Điều này; khi làm thủ tục xuất cảnh, nếu có sự thay đổi về các chứng từ khi nhập cảnh, người khai hải quan nộp hồ sơ hải quan gồm các chứng từ đã có sự thay đổi so với lúc nhập cảnh.
4. Hồ sơ tàu chuyển cảng
Người khai hải quan gửi hồ sơ, chứng từ theo quy định tại Điều 95, Điều 97 Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.”
37. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Khoản 4 Điều 66 như sau:
“1. Đối với tàu biển nhập cảnh:
a) Bản khai hàng hóa, thông tin về vận đơn: Chậm nhất là 12 giờ trước khi dự kiến cập cảng đối với tàu biển có hành trình dưới 5 ngày; chậm nhất 24 giờ trước khi dự kiến cập cảng đối với tàu biển có hành trình khác;
b) Các chứng từ nêu tại các điểm a, d, đ, e, g, h Khoản 1 Điều 65 Nghị định này: Chậm nhất 08 giờ trước khi dự kiến cập cảng.
4. Người khai hải quan nộp các chứng từ quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 65 Nghị định này thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia theo các chỉ tiêu thông tin do Bộ Tài chính quy định. Trường hợp người khai hải quan không có đầy đủ thông tin về vận đơn thứ cấp thì người phát hành vận đơn thứ cấp gửi thông tin của vận đơn thứ cấp thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia trong thời hạn quy định tại Khoản 1 Điều này.
Trường hợp hệ thống gặp sự cố không thực hiện được các giao dịch điện tử và trường hợp nộp hồ sơ giấy thì người khai hải quan nộp cho cơ quan hải quan các chứng từ giấy tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 65 Nghị định này theo quy định của Bộ Tài chính trong thời hạn chậm nhất 02 giờ kể từ khi tàu biển đã vào neo đậu tại cầu cảng hoặc 04 giờ kể từ khi tàu đã vào neo đậu tại các vị trí khác trong vùng nước cảng theo kế hoạch Điều động.
Ngay sau khi hệ thống được phục hồi, người khai hải quan tạo lập và gửi thông tin điện tử lên Cổng thông tin một cửa quốc gia.”
38. Điều 67 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 67. Tiếp nhận và xử lý hồ sơ hải quan
1. Tiếp nhận và xử lý hồ sơ hải quan đối với tàu biển nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh
a) Cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục tàu biển nhập cảnh, xuất cảnh tiếp nhận, khai thác thông tin khai hải quan trên Cổng thông tin một cửa quốc gia 24 giờ trong ngày và 07 ngày trong tuần.
Trường hợp thông tin khai đầy đủ các chỉ tiêu theo quy định thì cơ quan Hải quan gửi thông báo chấp nhận nội dung khai hải quan thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Trường hợp thông tin khai hải quan chưa đầy đủ thì cơ quan Hải quan thông báo lý do chưa tiếp nhận và yêu cầu người khai hải quan khai bổ sung thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia;
b) Trường hợp có cơ sở xác định trên tàu biển có hàng hóa buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quyết định kiểm tra thực tế tàu biển hoặc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ khác theo quy định của pháp luật;
c) Trường hợp người khai hải quan nộp hồ sơ giấy: Cơ quan hải quan tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra các chứng từ thuộc bộ hồ sơ quy định tại Điều 65 Nghị định này, thông báo cho cơ quan cảng vụ để làm thủ tục cho phương tiện nhập cảnh, xuất cảnh. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì yêu cầu người khai hải quan bổ sung theo quy định;
d) Trường hợp có yêu cầu bằng văn bản tạm dừng làm thủ tục hải quan từ các cơ quan chức năng khác như Cảng vụ hàng hải, Tòa án, cơ quan Công an, Biên phòng, cơ quan kiểm dịch, cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục tàu biển nhập cảnh, xuất cảnh phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý theo quy định.
2. Tiếp nhận và xử lý hồ sơ hải quan đối với tàu biển quá cảnh, chuyển cảng
a) Tại nơi tàu biển nhập cảnh, cơ quan Hải quan thực hiện các công việc theo quy định tại Khoản 1 Điều này; kiểm tra trên Cổng thông tin một cửa quốc gia để nắm thông tin tàu biển đến cảng, rời cảng.
Trường hợp tàu biển có kế hoạch chuyển cảng đến một cảng biển khác tại Việt Nam, Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập cảnh hoặc Chi cục Hải quan nơi tàu rời đi tiếp nhận thông tin tàu chuyển cảng do cảng vụ hàng hải, hãng tàu hoặc đại lý hãng tàu chuyển đến, lập phiếu chuyển hồ sơ tàu chuyển cảng theo chỉ tiêu thông tin quy định của Bộ Tài chính gửi đến Chi cục hải quan nơi tàu dự kiến đến.
b) Tại nơi tàu đến hoặc nơi tàu biển xuất cảnh:
Tiếp nhận phiếu chuyển hồ sơ tàu chuyển cảng, phản hồi thông tin cho Chi cục hải quan nơi lập phiếu và thực hiện thủ tục hải quan tàu biển xuất cảnh theo quy định tại Khoản 1 Điều này.
c) Trong trường hợp tàu biển tiếp tục có kế hoạch chuyển cảng đến một cảng khác tiếp theo tại Việt Nam thì thực hiện theo điểm a Khoản này.
d) Trường hợp hệ thống gặp sự cố không thực hiện được các giao dịch điện tử và trường hợp người khai hải quan nộp hồ sơ giấy:
Cơ quan Hải quan nơi tàu nhập cảnh hoặc nơi tàu rời đi thực hiện lập Phiếu chuyển hồ sơ tàu chuyển cảng theo mẫu quy định của Bộ Tài chính; niêm phong cùng bộ hồ sơ theo quy định tại Khoản 3 Điều 65 Nghị định này giao người khai hải quan chuyển cho cơ quan Hải quan nơi tàu đến hoặc nơi tàu xuất cảnh.
Cơ quan Hải quan nơi tàu xuất cảnh hoặc nơi tàu đến tiếp nhận từ người khai hải quan bộ hồ sơ đã niêm phong do Cơ quan Hải quan nơi tàu nhập cảnh/nơi tàu rời đi chuyển đến, phản hồi thông tin cho cơ quan hải quan nơi lập phiếu chuyển hồ sơ và thực hiện thủ tục hải quan đối với tàu biển xuất cảnh theo quy định.
3. Trách nhiệm của người khai hải quan:
Khai báo thông tin theo quy định Khoản 1, Khoản 2 Điều 65, Điều 66 Nghị định này khi tàu biển nhập cảnh, xuất cảnh.
Khi tàu biển chuyển cảng nộp cho cơ quan hải quan các chỉ tiêu thông tin thuộc chứng từ theo quy định tại Điều 95, Điều 97 Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.
4. Thông tin, hồ sơ hải quan đối với tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh khi có thay đổi phải được người khai hải quan gửi sửa đổi, bổ sung thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Thời hạn gửi thông tin sửa đổi, bổ sung:
a) Trước hoặc ngay sau khi tàu biển nhập cảnh vào vị trí neo đậu đối với các thông tin quy định tại Khoản 1 Điều 65 Nghị định này trừ thông tin quy định tại điểm b, điểm c Khoản 1 Điều 65 phải gửi trước hoặc sau khi tàu biển nhập cảnh và nộp cho cơ quan hải quan các giấy tờ giải trình, chứng minh việc sửa đổi, bổ sung.
b) Trước thời điểm tàu biển xuất cảnh đối với thông tin quy định tại Khoản 2 Điều 65 Nghị định này trừ thông tin tại điểm b Khoản 2 Điều 65 phải gửi trong thời hạn 24 giờ kể từ khi tàu xuất cảnh và nộp cho cơ quan hải quan các giấy tờ giải trình, chứng minh việc sửa đổi, bổ sung.
c) Đối với tàu biển quá cảnh hoặc chuyển cảng thực hiện theo quy định tại điểm a Khoản này khi nhập cảnh và thực hiện theo điểm b Khoản này khi xuất cảnh.
d) Trường hợp người khai hải quan sửa đổi bổ sung hồ sơ giấy đã nộp cho cơ quan hải quan thì thời điểm khai báo sửa đổi bổ sung thực hiện theo quy định tại điểm a, điểm b, điểm c Khoản này.
5. Xử lý thông tin khai sửa đổi, bổ sung thông tin hồ sơ hải quan đối với tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh hoặc chuyển cảng
Cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục tàu nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, nơi tàu đến cảng hoặc tàu rời cảng căn cứ giấy tờ giải trình, chứng minh do người khai hải quan nộp để kiểm tra thông tin khai sửa đổi, bổ sung và thực hiện:
a) Cập nhật vào hệ thống, hoặc nêu rõ lý do trong trường hợp không chấp nhận;
b) Áp dụng các biện pháp quản lý, giám sát theo quy định và cung cấp thông tin cho các đơn vị, cơ quan chức năng để thực hiện nghiệp vụ có liên quan.
6. Thời hạn cơ quan hải quan làm thủ tục hải quan đối với tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, chuyển cảng: Không quá 01 giờ kể từ khi người khai hải quan nộp, xuất trình đủ hồ sơ hải quan theo quy định tại Điều 65 Nghị định này.”
39. Điều 68 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 68. Trách nhiệm của Cảng vụ hàng hải, doanh nghiệp kinh doanh cảng biển, Thuyền trưởng và Hãng tàu hoặc người được Hãng tàu ủy quyền
1. Trách nhiệm của Cảng vụ hàng hải
a) Ngay sau khi nhận được xác báo về thời gian tàu đến cảng hoặc thời gian dự kiến tàu rời cảng, Cảng vụ hàng hải phải thông báo ngay cho cơ quan hải quan và các cơ quan quản lý tại cảng biển biết để phối hợp;
b) Ngay sau khi quyết định điều động tàu xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh vào cảng, thay đổi vị trí neo đậu của tàu, thuyền (nếu có), Cảng vụ hàng hải phải thông báo cho cơ quan hải quan và các cơ quan quản lý khác tại cảng biển về thời gian và địa điểm được chỉ định cho tàu, thuyền vào neo đậu tại cảng biển;
c) Cảng vụ hàng hải nơi làm thủ tục cho tàu vào hoặc rời cảng gửi giấy phép rời cảng hoặc lệnh điều động cho cơ quan Hải quan tại cảng đó qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Trường hợp cảng vụ hàng hải chưa kết nối qua Cổng thông tin một cửa quốc gia thì ngay khi cấp giấy phép rời cảng hoặc lệnh điều động tại cảng đó thì cảng vụ hàng hải gửi 01 bản sao cho cơ quan Hải quan.
2. Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh cảng biển:
a) Chia sẻ thông tin ca-mê-ra với cơ quan Hải quan để phục vụ việc giám sát hải quan đối với tàu biển và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được lưu giữ tại khu vực cảng biển;
b) Trước khi dỡ hàng xuống cảng, doanh nghiệp kinh doanh cảng phải thông báo cho cơ quan hải quan vị trí kho, bãi dự kiến lưu giữ hàng hóa nhập khẩu;
c) Phối hợp thực hiện theo dõi, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đưa vào, lưu giữ, đưa ra tại khu vực cảng biển theo quy định của Luật hải quan và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
3. Trách nhiệm của Thuyền trưởng
a) Điều khiển phương tiện vận tải nhập cảnh từ khi đến lãnh thổ Việt Nam cho đến khi tới địa bàn hoạt động hải quan, điều khiển phương tiện vận tải xuất cảnh từ địa bàn hoạt động hải quan cho đến khi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đi đúng tuyến đường, neo đậu tại vị trí do cơ quan có thẩm quyền quy định. Trường hợp phải thay đổi tuyến đường, vị trí neo đậu phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép;
b) Chỉ được phép chuyển tải, sang mạn hàng hóa, vật dụng trên phương tiện vận tải khi có sự đồng ý của cơ quan hải quan tại vị trí được phép neo đậu do cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
4. Trách nhiệm của Hãng tàu hoặc người được Hãng tàu ủy quyền
a) Khai báo hồ sơ hải quan đối với tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, chuyển cảng đầy đủ, chính xác, rõ ràng các tiêu chí thông tin và đúng thời hạn theo quy định;
b) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của nội dung thông tin đã khai và các chứng từ đã nộp, xuất trình hoặc gửi đến Cổng thông tin một cửa quốc gia; về sự thống nhất nội dung thông tin giữa hồ sơ lưu tại doanh nghiệp với hồ sơ lưu tại cơ quan hải quan.”
40. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Khoản 2 Điều 70 như sau:
“1. Tại ga liên vận quốc tế trong nội địa:
a) Bản xác báo thứ tự lập tàu đối với tàu khách làm thủ tục hải quan tại ga liên vận quốc tế trong nội địa: 01 bản chính;
b) Vận đơn (nếu có): 01 bản chụp;
c) Bản trích lược khai hàng hóa tại ga liên vận quốc tế trong nội địa theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành: 01 bản chính;
d) Danh sách hành khách đối với tàu khách và hành khách làm thủ tục hải quan tại ga liên vận quốc tế trong nội địa (nếu có): 01 bản chính.
2. Tại ga đường sắt liên vận quốc tế ở biên giới:
a) Chứng từ nêu tại điểm b, điểm c Khoản 1 Điều này;
b) Giấy giao tiếp hàng hóa: 01 bản chính;
c) Vận đơn (nếu có): 01 bản chụp;
d) Bản xác báo thứ tự lập tàu: 01 bản chính;
đ) Danh sách hành khách đối với tàu khách và hành khách làm thủ tục hải quan tại ga đường sắt liên vận quốc tế ở biên giới (nếu có): 01 bản chính.”
41. Bổ sung Khoản 4 Điều 71 như sau:
“4. Trưởng ga hoặc trưởng tàu hoặc người đại diện hợp pháp nộp các chứng từ quy định tại Điều 69, Điều 70 Nghị định này theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành.”
42. Bổ sung điểm e Khoản 1 Điều 72 như sau:
“e) Trường hợp có dấu hiệu vận chuyển hàng hóa vi phạm pháp luật hải quan, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quyết định kiểm tra thực tế phương tiện hoặc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ khác theo quy định của pháp luật.”
43. Điều 74 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 74. Hồ sơ hải quan đối với ô tô, mô tô, xe gắn máy nhập cảnh
1. Đối với ô tô, mô tô, xe gắn máy nhập cảnh (ô tô, mô tô, xe gắn máy nước ngoài tạm nhập; ô tô, mô tô, xe gắn máy Việt Nam tái nhập) người khai hải quan nộp hoặc xuất trình:
a) Giấy phép liên vận của cơ quan có thẩm quyền cấp: Xuất trình bản chính;
b) Giấy đăng ký phương tiện đối với ô tô, mô tô, xe gắn máy nước ngoài tạm nhập: Xuất trình bản chính;
c) Danh sách hành khách đối với ô tô vận chuyển hành khách: Nộp 01 bản chính;
d) Tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm nhập - tái xuất theo mẫu quy định của Bộ Tài chính: Nộp 01 bản chính; hoặc Tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm xuất - tái nhập có xác nhận tạm xuất của Chi cục Hải quan cửa khẩu làm thủ tục tạm xuất: Nộp 01 bản chính.
đ) Đối với ô tô, mô tô, xe gắn máy của tổ chức, cá nhân nước thứ 3 không thuộc đối tượng điều chỉnh của Điều ước quốc tế mà Chính phủ Việt Nam tham gia ký kết khi nhập cảnh, ngoài các chứng từ quy định tại các điểm a, b, c, d Khoản này phải có văn bản cho phép hoặc chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
2. Đối với ô tô nhập cảnh theo Hiệp định tạo thuận lợi vận tải người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước tiểu vùng Mê Kông mở rộng (Hiệp định GMS), thì thực hiện theo quy định tại Hiệp định và các văn bản hướng dẫn.
3. Đối với ô tô nước ngoài có tay lái ở bên phải quy định tại Nghị định số 80/2009/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ quy định xe ô tô của người nước ngoài đăng ký tại nước ngoài có tay lái ở bên phải tham gia giao thông tại Việt Nam và phương tiện cơ giới do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch quy định tại Nghị định số 152/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về quản lý phương tiện cơ giới do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch:
a) Văn bản chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải: Xuất trình bản chính;
b) Giấy đăng ký phương tiện: Xuất trình bản chính;
c) Tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm nhập - tái xuất: Nộp 01 bản chính”.
44. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Khoản 3 Điều 75 như sau:
“1. Đối với ô tô, mô tô, xe gắn máy xuất cảnh (ô tô, mô tô, xe gắn máy Việt Nam tạm xuất; ô tô, mô tô, xe gắn máy nước ngoài tái xuất) người khai hải quan nộp hoặc xuất trình:
a) Giấy phép liên vận hoặc văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền cấp: Xuất trình bản chính;
b) Giấy đăng ký phương tiện đối với ô tô, mô tô, xe gắn máy Việt Nam tạm xuất: Xuất trình bản chính;
c) Danh sách hành khách đối với ô tô vận chuyển hành khách: Nộp 01 bản chính;
d) Tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm xuất - tái nhập theo mẫu quy định của Bộ Tài chính: Nộp 01 bản chính; hoặc Tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm nhập - tái xuất có xác nhận tạm nhập của Chi cục Hải quan cửa khẩu làm thủ tục tạm nhập: Nộp bản chính.
3. Đối với ô tô nước ngoài có tay lái ở bên phải quy định tại Nghị định số 80/2009/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ quy định xe ô tô của người nước ngoài đăng ký tại nước ngoài có tay lái ở bên phải tham gia giao thông tại Việt Nam và phương tiện cơ giới do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch quy định tại Nghị định số 152/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về quản lý phương tiện cơ giới do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch:
a) Văn bản chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải: Xuất trình bản chính;
b) Giấy đăng ký phương tiện: Xuất trình bản chính;
c) Tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm nhập - tái xuất có xác nhận tạm nhập của Chi cục Hải quan cửa khẩu nơi làm thủ tục tạm nhập: Nộp 01 bản chính.”
45. Điều 76 được sửa đổi, bổ sung bổ sung như sau:
“Điều 76. Thời hạn nộp hồ sơ hải quan
1. Đối với ô tô, mô tô, xe gắn máy nhập cảnh: Khi ô tô, mô tô, xe gắn máy đến cửa khẩu biên giới, người Điều khiển hoặc người đại diện hợp pháp nộp hoặc xuất trình cho Chi cục Hải quan cửa khẩu những giấy tờ nêu tại Điều 74 Nghị định này.
2. Đối với ô tô, mô tô, xe gắn máy xuất cảnh: Khi ô tô, mô tô, xe gắn máy đến cửa khẩu biên giới, người điều khiển hoặc người đại diện hợp pháp nộp hoặc xuất trình cho Chi cục Hải quan cửa khẩu những giấy tờ nêu tại Điều 75 Nghị định này.”
46. Điều 77 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 77. Thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với ô tô, mô tô, xe gắn máy xuất cảnh, nhập cảnh
1. Trách nhiệm người khai hải quan:
a) Khai và ký tên vào tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập theo mẫu quy định của Bộ Tài chính; nộp và xuất trình bộ hồ sơ hải quan theo quy định tại Điều 74, Điều 75, Điều 76 Nghị định này. Đưa phương tiện vào vị trí kiểm tra theo yêu cầu của cơ quan hải quan;
b) Trường hợp khi tái xuất hoặc tái nhập mà người khai hải quan không xuất trình được tờ khai tạm nhập - tái xuất, tờ khai tạm xuất - tái nhập có xác nhận của Chi cục Hải quan cửa khẩu thì phải giải trình và khai báo lại trên tờ khai tạm nhập - tái xuất, tờ khai tạm xuất - tái nhập.
2. Trách nhiệm cơ quan hải quan:
a) Tiếp nhận hồ sơ hải quan do người khai hải quan nộp, xuất trình, nhập thông tin vào hệ thống phần mềm quản lý phương tiện vận tải đường bộ;
b) Kiểm tra hồ sơ; kiểm tra nội dung các chứng từ trong bộ hồ sơ hải quan theo quy định tại Điều 74, Điều 75 Nghị định này và theo quy định của Chính phủ về quản lý xe cơ giới nước ngoài đưa vào Việt Nam;
c) Trường hợp hồ sơ, giấy tờ chưa đầy đủ, hợp lệ thì từ chối tiếp nhận đăng ký hồ sơ, thông báo rõ lý do không tiếp nhận và những thiếu sót cần bổ sung cho người khai hải quan;
d) Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì in tờ khai phương tiện tạm nhập - tái xuất, tờ khai phương tiện tạm xuất - tái nhập từ hệ thống, đóng dấu công chức hải quan tiếp nhận và dấu “VIET NAM CUSTOMS” theo mẫu do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành lên tờ khai, giao cho người khai hải quan để làm thủ tục khi tái nhập hoặc tái xuất; lưu hồ sơ tờ khai do người khai hải quan nộp khi làm thủ tục tái nhập hoặc tái xuất;
đ) Trường hợp không sử dụng được phần mềm quản lý phương tiện vận tải đường bộ, cơ quan hải quan cấp phát miễn phí tờ khai phương tiện vận tải cho người khai hải quan; hướng dẫn người khai hải quan khai thông tin vào tờ khai phương tiện vận tải;
e) Cơ quan hải quan thực hiện quản lý rủi ro để kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế, xác nhận tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập đối với ô tô, mô tô, xe gắn máy nhập cảnh, xuất cảnh.
3. Kiểm tra hải quan đối với phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh
Trên cơ sở thực hiện quản lý rủi ro, hoặc trường hợp có cơ sở xác định trên phương tiện có hàng hóa buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quyết định kiểm tra thực tế phương tiện hoặc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ khác theo quy định của pháp luật.
4. Giám sát hải quan đối với ô tô, mô tô, xe gắn máy xuất cảnh, nhập cảnh
a) Trong địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan chủ trì và sử dụng phương tiện kỹ thuật để giám sát ô tô, mô tô, xe gắn máy nhập cảnh, xuất cảnh;
b) Ngoài địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan công an chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát ô tô, mô tô, xe gắn máy nhập cảnh, xuất cảnh.
5. Trường hợp thực hiện kiểm tra một cửa, một lần dừng thực hiện theo quy định thủ tục hải quan một cửa, một điểm dừng; hoặc cơ chế một cửa quốc gia”.
47. Bổ sung Điều 77a như sau:
“Điều 77a. Thủ tục hải quan đối với một số trường hợp đặc thù
1. Phương tiện vận tải vận chuyển hành khách tuyến cố định, thường xuyên xuất cảnh, nhập cảnh qua cùng một cửa khẩu theo giấy phép liên vận thì người điều khiển phương tiện chỉ phải khai hải quan phương tiện vận tải 01 lần trong thời hạn 30 ngày. Các lần xuất cảnh, nhập cảnh tiếp theo được cơ quan Hải quan cập nhật theo dõi bằng sổ hoặc bằng máy tính và thanh Khoản tờ khai vào lần tái xuất hoặc tái nhập cuối cùng.
2. Đối với các trường hợp phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh là xe cứu thương, cứu hỏa, cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ nhân đạo, làm nhiệm vụ khẩn cấp không có giấy phép thì thủ tục như sau:
a) Người điều khiển phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh khai vào tờ khai phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, xuất trình các giấy tờ liên quan đến phương tiện vận tải và giấy tờ tùy thân của người điều khiển phương tiện vận tải;
b) Cơ quan hải quan tiếp nhận hồ sơ do người khai hải quan nộp, xuất trình, kiểm tra thực tế phương tiện vận tải, nhập thông tin vào hệ thống phần mềm quản lý phương tiện vận tải đường bộ và thông báo cho các đơn vị, cơ quan có liên quan để phối hợp, theo dõi, xử lý.
3. Đối với ô tô mang biển kiểm soát riêng của khu kinh tế cửa khẩu:
a) Ô tô biển kiểm soát riêng của khu kinh tế cửa khẩu vào nội địa phải làm thủ tục hải quan tạm nhập - tái xuất theo quy định;
b) Ô tô biển kiểm soát riêng của khu kinh tế cửa khẩu nếu được cấp giấy phép liên vận ra nước ngoài phải làm thủ tục tạm xuất - tái nhập theo quy định.
4. Đối với phương tiện vận tải gồm ôtô, mô tô, xe gắn máy của tổ chức, cá nhân nước thứ 3 không thuộc đối tượng điều chỉnh của điều ước quốc tế mà Chính phủ Việt Nam tham gia ký kết khi xuất cảnh hay nhập cảnh phải có văn bản cho phép hoặc chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam mới được giải quyết thủ tục hải quan.
5. Phương tiện vận tải quá cảnh khi nhập cảnh, xuất cảnh thực hiện thủ tục hải quan theo quy định tại Điều 74, Điều 75, Điều 76 và Điều 77 Nghị định này.
6. Phương tiện vận tải của tổ chức, cá nhân của một nước láng giềng ký kết Hiệp định vận tải song phương với Việt Nam đã làm thủ tục tạm nhập vào lãnh thổ Việt Nam, khi tái xuất sang lãnh thổ của một nước láng giềng khác có ký kết Hiệp định vận tải song phương với Việt Nam phải có văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.”
48. Điều 79 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 79. Thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải đường thủy xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu biên giới đường sông
1. Hồ sơ hải quan đối với phương tiện vận tải đường thủy nhập cảnh (thuyền xuồng, ca nô nước ngoài tạm nhập; thuyền xuồng, ca nô Việt Nam tái nhập), người khai hải quan nộp hoặc xuất trình các giấy tờ sau:
a) Giấy phép vận tải đường thủy qua biên giới của cơ quan có thẩm quyền: Xuất trình bản chính;
b) Giấy đăng ký phương tiện đối với phương tiện vận tải đường thủy nước ngoài tạm nhập: Xuất trình bản chính;
c) Tờ khai phương tiện vận tải đường thủy tạm nhập - tái xuất: Nộp 01 bản chính hoặc Tờ khai phương tiện vận tải đường sông tạm xuất - tái nhập có xác nhận tạm nhập của Chi cục Hải quan cửa khẩu làm thủ tục tạm xuất: Nộp 01 bản chính;
d) Danh sách người trên phương tiện vận tải đường thủy (nếu có): Nộp 01 bản chính;
đ) Bản kê nguyên liệu, vật dụng dự trữ trên phương tiện vận tải đường thủy: Nộp 01 bản chính;
e) Bản khai hành lý thuyền viên, nhân viên làm việc trên phương tiện vận tải đường thủy: Nộp 01 bản chính;
g) Bản khai hàng hóa trong trường hợp phương tiện vận tải đường thủy vận chuyển hàng hóa: Nộp 01 bản chính;
h) Danh sách hành khách trong trường hợp phương tiện vận tải đường thủy vận chuyển hành khách: Nộp 01 bản chính.
2. Hồ sơ hải quan đối với phương tiện vận tải đường thủy xuất cảnh (thuyền xuồng, ca nô nước ngoài tái xuất; thuyền xuồng, ca nô Việt Nam tạm xuất), người khai hải quan nộp hoặc xuất trình các giấy tờ sau:
a) Giấy phép vận tải đường thủy qua biên giới của cơ quan có thẩm quyền: Xuất trình bản chính;
b) Giấy đăng ký phương tiện đối với phương tiện vận tải đường thủy Việt Nam tạm xuất: Xuất trình bản chính;
c) Tờ khai phương tiện vận tải đường thủy tạm xuất - tái nhập: Nộp 01 bản chính hoặc Tờ khai phương tiện vận tải đường thủy tạm nhập - tái xuất có xác nhận tạm nhập của Chi cục Hải quan cửa khẩu làm thủ tục tạm nhập: Nộp 01 bản chính;
d) Danh sách người trên phương tiện vận tải đường thủy (nếu có): Nộp 01 bản chính;
đ) Bản kê nguyên liệu, vật dụng dự trữ trên tầu theo mẫu quy định của Bộ Tài chính: Nộp bản chính.
e) Bản khai hành lý thuyền viên, nhân viên làm việc trên phương tiện vận tải đường thủy: Nộp 01 bản chính;
g) Bản khai hàng hóa trong trường hợp phương tiện vận tải đường thủy vận chuyển hàng hóa: Nộp 01 bản chính;
h) Danh sách hành khách trong trường hợp phương tiện vận tải đường thủy vận chuyển hành khách: Nộp 01 bản chính.
3. Trách nhiệm của người khai hải quan: Khai và ký tên vào tờ khai phương tiện vận tải đường thủy tạm nhập - tái xuất, tờ khai phương tiện tạm xuất - tái nhập theo mẫu quy định của Bộ Tài chính; xuất trình hồ sơ phương tiện vận tải đường thủy (thuyền xuồng, ca nô) xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này; chịu trách nhiệm về tính xác thực đối với thông tin đã cung cấp cho cơ quan Hải quan.
Trường hợp khi tái xuất hoặc tái nhập mà người khai hải quan không xuất trình được tờ khai tạm nhập - tái xuất, tờ khai tạm xuất - tái nhập có xác nhận của Chi cục Hải quan cửa khẩu thì phải giải trình và khai báo lại trên tờ khai tạm nhập - tái xuất, tờ khai tạm xuất - tái nhập.
Khi hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng việc khai báo bằng phương thức điện tử thì người khai hải quan thực hiện khai báo trên hệ thống theo quy định.
4. Tiếp nhận và xử lý hồ sơ:
a) Cơ quan hải quan tiếp nhận hồ sơ hải quan; thực hiện quản lý rủi ro để kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế, xác nhận tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập đối với phương tiện vận tải đường thủy nhập cảnh, xuất cảnh.
Trường hợp hồ sơ, giấy tờ chưa đầy đủ, hợp lệ thì từ chối tiếp nhận đăng ký hồ sơ, thông báo rõ lý do không tiếp nhận và những thiếu sót cần bổ sung cho người khai hải quan.
Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì in tờ khai phương tiện vận tải đường thủy tạm nhập - tái xuất, tờ khai phương tiện tạm xuất - tái nhập từ hệ thống, đóng dấu công chức hải quan tiếp nhận và dấu “VIET NAM CUSTOMS” theo mẫu do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành lên tờ khai, giao cho người khai hải quan để làm thủ tục khi tái nhập hoặc tái xuất; lưu hồ sơ tờ khai do người khai hải quan nộp khi làm thủ tục tái nhập hoặc tái xuất;
b) Trong quá trình giám sát, trường hợp xác định có dấu hiệu buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, cơ quan hải quan thực hiện các biện pháp kiểm tra, ngăn chặn, tạm giữ, khám xét theo quy định của pháp luật.
5. Tàu thuyền nước ngoài quá cảnh Việt Nam đến Campuchia, tàu thuyền nước ngoài từ Campuchia quá cảnh Việt Nam ra nước ngoài; tàu thuyền Việt Nam, tàu thuyền Campuchia có hô hiệu (IMO) xuất cảnh, nhập cảnh qua đường sông Tiền, sông Hậu thực hiện theo quy định tại Điều 65, Điều 66, Điều 67 và Điều 68 Nghị định này.
6. Giám sát hải quan phương tiện vận tải đường thủy:
a) Trong địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan sử dụng phương tiện kỹ thuật để giám sát phương tiện vận tải đường thủy nhập cảnh, xuất cảnh;
b) Ngoài địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan công an chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát phương tiện vận tải đường thủy nhập cảnh, xuất cảnh.”
49. Sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Khoản 3, Khoản 5, Khoản 6 Điều 81 như sau:
“2. Phương tiện vận tải của cá nhân, tổ chức vào khu vực biên giới để giao nhận hàng gồm:
a) Xe ô tô tải của nước ngoài vào khu vực cửa khẩu, địa điểm tập kết kiểm tra giám sát hàng hóa ở biên giới thuộc khu kinh tế cửa khẩu để giao hàng nhập khẩu hoặc nhận hàng xuất khẩu;
b) Xe ô tô tải của Việt Nam đi qua biên giới để giao hàng xuất khẩu hoặc nhận hàng nhập khẩu sau đó quay trở lại Việt Nam;
c) Thuyền, xuồng của nước ngoài vào khu vực cửa khẩu địa điểm tập kết kiểm tra giám sát hàng hóa ở biên giới thuộc khu kinh tế cửa khẩu để giao hàng nhập khẩu hoặc nhận hàng xuất khẩu;
d) Thuyền, xuồng của Việt Nam đi qua biên giới để giao hàng xuất khẩu hoặc nhận hàng nhập khẩu sau đó quay trở lại Việt Nam.
Thời gian cho phép phương tiện vận tải quy định tại điểm a, điểm b Khoản 2 Điều này giao nhận hàng hóa không vượt quá 48 giờ và thời gian cho phép phương tiện vận tải quy định tại điểm c, điểm d Khoản 2 Điều này giao nhận hàng hóa không vượt quá 72 giờ.
Đối với các phương tiện thuộc khoản này, người điều khiển xuất trình giấy tờ tùy thân (giấy phép lái xe hoặc chứng minh thư nhân dân (căn cước công dân) hoặc hộ chiếu hoặc giấy thông hành, ngày cấp của giấy tờ này), giấy tờ phương tiện cho cơ quan hải quan để kiểm tra, giám sát theo quy định.
3. Phương tiện vận tải thô sơ là phương tiện di chuyển bằng sức người (xe kéo, xe lôi). Phương tiện vận tải thô sơ hoạt động trong khu vực cửa khẩu, khu vực biên giới. Người khai hải quan phương tiện vận tải thô sơ nộp cho cơ quan hải quan tờ khai hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (hoặc chứng từ chứng minh là hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu) trường hợp vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Cơ quan hải quan chịu trách nhiệm giám sát phương tiện vận tải thô sơ trong thời gian hoạt động tại khu vực cửa khẩu.
5. Phương tiện của cá nhân, cơ quan, tổ chức ở khu vực biên giới thường xuyên qua lại cửa khẩu biên giới do nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phải đăng ký với cơ quan hải quan (01 năm một lần) để kiểm tra, giám sát theo quy định. Trong thời gian đăng ký khi qua lại cửa khẩu biên giới, cá nhân, cơ quan, tổ chức không phải thực hiện thủ tục hải quan đối với phương tiện.
6. Các loại phương tiện quy định tại Điều này chỉ được tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập qua cùng một cửa khẩu. Cơ quan hải quan cửa khẩu có trách nhiệm giám sát phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp có dấu hiệu vận chuyển hàng hóa buôn lậu hoặc vận chuyển hàng hóa trái phép, cơ quan hải quan kiểm tra thực tế phương tiện và xử lý theo quy định.”
50. Sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Khoản 6 Điều 98 như sau:
“3. Thẩm quyền quyết định kiểm tra sau thông quan đối với các trường hợp quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 78 Luật hải quan:
a) Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định kiểm tra đối với người khai hải quan có trụ sở chính hoặc doanh nghiệp có mã số thuế thuộc địa bàn quản lý của Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố;
b) Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan quyết định kiểm tra trong phạm vi toàn quốc.
6. Đối với trường hợp kết luận kiểm tra cần có ý kiến về chuyên môn của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan hải quan chưa đủ cơ sở kết luận thì thời hạn ký ban hành kết luận kiểm tra là 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản ý kiến của cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan chuyên môn có thẩm quyền phải có ý kiến trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan hải quan.
Trường hợp hết thời hạn 30 ngày cơ quan chuyên môn có thẩm quyền không có ý kiến bằng văn bản thì cơ quan hải quan ban hành kết luận kiểm tra trên cơ sở hồ sơ hiện có.”
51. Sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 101 như sau:
“3. Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan và quy định chế độ đảm bảo thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan quy định tại Điều này.”
52. Bổ sung Điều 104a như sau:
“Điều 104a. Trang bị phương tiện phục vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới
1. Để thực hiện nhiệm vụ phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên các tuyến đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa, cơ quan hải quan được trang bị xe ô tô, xe mô tô, tàu cao tốc, xuồng máy, canô và các phương tiện chuyên dùng khác có lắp đặt đèn hiệu, cờ hiệu hải quan, biểu tượng hải quan, pháo hiệu, loa, còi.
2. Các phương tiện của cơ quan hải quan làm nhiệm vụ trên tuyến đường bộ được quyền ưu tiên khi thực hiện truy đuổi, bắt giữ, khám xét phương tiện vận tải, hàng hóa buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới, dẫn giải đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và các nhiệm vụ khẩn cấp khác theo quy định của pháp luật.
Việc cấp phép, quản lý, sử dụng các thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên của cơ quan hải quan đi làm nhiệm vụ trên tuyến đường bộ thực hiện theo quy định của pháp luật về tín hiệu của xe được quyền ưu tiên.”
53. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 106 như sau:
“1. Cơ quan hải quan có trách nhiệm tổ chức thu thập thông tin hải quan, bao gồm:
a) Tiếp nhận, xử lý thông tin hải quan thông qua hoạt động cung cấp, trao đổi, kết nối, chia sẻ thông tin với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân liên quan đến lĩnh vực hải quan;
b) Cử công chức hải quan ra nước ngoài để thực hiện nghiệp vụ thu thập thông tin phục vụ quản lý nhà nước về hải quan theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 và Điều 96 Luật hải quan.
Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc thu thập thông tin nghiệp vụ hải quan quy định tại điểm này.
c) Tiến hành các biện pháp nghiệp vụ cần thiết khác để thu thập thông tin liên quan về hàng hóa, phương tiện vận tải, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.”
Nơi nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ |
THE GOVERNMENT |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
No. 59/2018/ND-CP |
Hanoi, April 20, 2018 |
ON AMENDMENTS TO SOME ARTICLES OF THE DECREE NO. 08/2015/ND-CP DATED JANUARY 21, 2015 OF THE GOVERNMNENT PROVIDING SPECIFIC PROVISIONS AND GUIDANCE ON ENFORCEMENT OF THE CUSTOMS LAW ON CUSTOMS PROCEDURES, INSPECTION, SUPERVISION AND CONTROL PROCEDURES.
Pursuant to the Law on Government Organization dated June 19, 2015
Pursuant to the Law on Customs dated June 23, 2014
Pursuant to the Law on Export and Import Duties.
At the request of Minister of Finance
The government promulgates the Decree on amendments to some Articles of the Decree No. 08/2015/ND-CP dated January 21, 2015 of the government.
Article 1. Amendments to some Articles of the Decree No. 08/2015/ND-CP dated January 21, 2015 of the Government.
1. Clause 6, Clause 7 are added to Article 3 as follows:
“6. “Specialized inspection" refers to the process where the specialized inspection authority depends on animal quarantine and plant quarantine regulations, national standards, national technical regulation on quality of goods which is promulgated by the regulatory agency, or international standards or regulations of the relevant laws to examine and verify whether the goods fully satisfy the export or import requirements according to the relevant laws.
Exported or imported goods which are subject to specialized inspection by media regulation authorities carried out in accordance with the law on media regulation.
7. "National single-window portal” refers to an integrated information system processing customs and administrative procedures of regulatory agencies related to exported, imported and transited goods, and inbound, outbound and in-transit persons and vehicles.”
2. Clause 1, Clause 3, Article 4 are amended as follows:
“1. Venues for completing customs procedures shall be provided in accordance with Article 22 of the Law on customs:
The following goods shall be completed customs procedures at the Customs Sub-department within the venues where inspection and supervision for goods shipped through postal service or express delivery services are carried out: Exported or imported letters or parcels which are shipped through postal service; imported or exported goods which are shipped through express delivery services and are on the list, which is promulgated in Clause 2 of this Article, of imported goods required to follow customs procedures at the port of entry.
For the in-transit goods shipped through postal service or express delivery services, the venues for completing customs procedures are those specified in Article 43 hereof.
As for the goods temporarily imported through postal service or express delivery services, the venues for completing customs procedures for them are those specified by regulations of relevant laws.
3. After considering the projects and announcement of the zoning for seaports, zoning for inland ports, international airports, land border checkpoints, inland container depot, international intermodal rail terminal, public postal networks providing international mail services, the Minister of Finance shall decide the organization structure to deal with customs procedures; The Director of the General Department of Customs shall decide recognition of warehouses and locations, which are inside the seaports, zoning for inland ports, international airports, international intermodal rail terminal, if they satisfy the conditions for providing venues and processing customs inspection and supervision before allowing imported or exported goods to go through customs procedures. Conditions and procedures for: recognition, expansion, narrowing, relocation, transfer of ownership, suspension, termination of the operation of venues, termination of inspection and supervision of imported or exported goods, are to be carried out in accordance with Section 2, Chapter III of the Government’s Decree No. 68/2016/ND-CP dated July 01, 2016.”
3. Clause 3, Clause 4, Article 5 are amended as follows:
“3. The person authorized by the consignor for completing customs procedures for goods which are gifts from individuals; for the luggage which is shipped before or after the trip of the inbound or outbound persons; for cargos which are imported for executing an investment project exempted from tax.
4. The person in charge of rendering the in-transit cargo services.”
4. Article 6 is amended as follows:
“Article 6. Entities that are required to follow customs procedures and subjected to customs inspection and supervision.
1. Entities that are required to follow customs procedures:
a. Exports, imports and in-transit goods: foreign cash, Vietnam-dong cash, negotiable instruments, gold, precious metal, jewels, cultural products, relics, antiques, valuable items, post and packages and parcels used as imports or exports; luggage carried by inbound or outbound persons; other exported, imported or in-transit articles within the customs controlled area;
b. Inbound, outbound and in-transit air, road, rail, inland waterway vehicles.
2. Entities subject to customs inspection:
a. Entities stipulated in Clause 1 of this Article.
b. Items on the outbound, inbound and in-transit vehicles.
c. Customs documents and relevant attached documents relating to the entities stipulated in Clause 1 of this Article.
3. Entities subject to customs supervision:
a. Entities stipulated in Clause 1 of this Article.
b. Items on the outbound, inbound and in-transit vehicles.
c. Cargos and transports within the customs controlled area; machinery, equipment and raw material commodities which are imported for export processing and manufacturing and are warehoused at the production workshop of an organization or individual.
d. Cargos which are subjected to specialized inspection and are stored while waiting for customs clearance.
dd. Cargos which are subjected to customs supervision.
5. Clause 1, Clause 3, Article 7 are amended as follows:
“1. The customs declarant shall submit declaration and electrical documents through the National single-window portal for completing customs and administrative procedures required by the regulatory agency for the exported, imported and transited cargos, outbound, inbound and in-transit persons and vehicles. Time for submitting customs declaration and electronic documents shall be in accordance with the regulations of the Law on Customs, the Law on specialized management and other guiding documents.
3. The customs declarant shall receive the result from the regulatory agency through the National single-window portal in order to complete the customs and administrative procedures required by the regulatory agency for the exported, imported and transited cargos, outbound, inbound and in-transit persons and vehicles The customs declarant shall not submit and present written documents in cases where the documents shall be received and processed through the National single-window portal, except other cases where some documents must be written and submitted in accordance with the law.”
6. Clause 4 is added to Article 9 as follows:
“ 4. Enterprises shall be exempted from inspection after completing customs clearance at the customs authorities’ offices, except the case stipulated in Clause 1, Article 78 of the Law on Customs.”
7. Clause 5 is added to Article 11 as follows:
“5. Documents submission place: General Department of Customs”
8. Clause 1, Clause 2 are amended, Clause 1a is added to Article 20 as follows:
“1.Customs value of exported goods is the selling price of such goods when they arrive at the port of exit, exclusive of international insurance and transportation costs and is determined according to the following methods:
a. The selling price calculated at the customs port of exit is determined according to the price agreed in the sales contracts or other relevant commercial invoices and also according to the product-related costs specified in the relevant documents if these costs are not included in the selling price of such goods.
b. The selling price of the identical or similar exported goods is contained in the value database after being converted to the selling price at the port of exit at the nearest time from the date on which the customs declaration of the goods receiving customs valuation is registered.
c. The selling price of identical or similar exported goods, which are sold in the market of Vietnam, after being converted to the selling price at the port of exit at the nearest time from the day on which the customs declaration of the goods receiving customs valuation is registered.
d. The selling price of the exported goods, which are collected, aggregated and classified by the customs authority in accordance with Clause 1, Article 22 hereof, is calculated after being converted to the selling price at the port of exit.”
1a. The ports of exit shall be identified as follows:
a. As for the air and sea transportation modes, the ports of exit are locations where goods are loaded onto transportation means, which are specified in the customs declaration.
b. As for the rail transportation mode, the ports of exit are the locations where goods are loaded at the international intermodal rail terminals, which are specified in the customs declaration.
c. As for the land and inland waterway transportation, the ports of exit are locations where goods are transported out of Vietnam as specified in the sales contract or other relevant documents.
2. The customs value of imported goods is the actual buying price calculated at the first port of entry on the basis of applying the General Agreement on Tariffs and Trade or in accordance with the international commitment to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory. The first port of entry shall be identified as follows:
a. As for the air and sea transportation, the first port of entry is where goods are unloaded as specified in the bill of lading.
b. As for the rail transportation, the first port of entry is the international intermodal rail terminal as specified in the bill of lading.
b. As for the land and inland waterway transportation, the first port of entry is the location where goods are transported into Vietnam as specified in the customs declaration.”
9. Article 21 is amended as follows:
“Article 21. Customs inspection and valuation
1. The customs inspection and valuation shall be based on the customs documents, relevant documents and current commodities status.
2. In case where the customs authority has reasonable grounds for rejecting the declared customs value, the customs authority shall notify and request the customs declarant to make an additional declaration within a maximum duration of 05 working days from the date on which the notification is sent and shall carry out customs release in accordance with the regulations. If the customs declarant makes additional declaration within the aforesaid duration, the customs authority shall clear goods according to the regulations. If the duration is exceeded but the declarant still does not supplement his/her declaration, the customs authority shall determine the customs value and impose taxes in accordance with the Law on Tax Administration to carry out customs clearance for the goods.
3. In case where the customs authority has doubt about the declared customs value, it shall notify the declarant about the reasons for doubting, the price and methods determined by it, and shall release the goods in accordance with the regulations; the customs declarant shall discuss with the customs authority to determine the accuracy of the customs value.
a. In case where the customs declarant agrees with the price and method determined by the customs authority, he/she shall makes additional declaration in accordance with the regulations within a maximum duration of 05 workings days from the day he/she comes to the customs authority to ask for advice. The customs authority shall clear the goods according to the regulations. In case where the declarant discloses the additional declaration within the aforesaid duration, the customs authority shall carry out customs valuation and impose taxes according to the regulations of the Law on tax administration to clear the goods.
b. In case where the customs authority rejects the declared customs value, it shall request the declarant to make additional declaration within a maximum duration of 05 working days from the date on which it finishes giving advice. If the customs declarant makes additional declaration within the aforesaid duration, the customs authority shall clear the goods in accordance with the regulations. If the duration is exceeded but the declarant still does not make additional declaration, the customs authority shall carry out the customs valuation and impose tax in accordance with the Law on tax administration to clear the goods.
c. In case where the customs authority does not have reasonable grounds to reject the declared customs value, it shall clear the goods based on the aforesaid value.
4. For cases which are not stipulated in Clause 2, Clause 3 of this Article, the customs authority shall accept the customs value to clear the goods according to the regulations.
5. The exchange rate between Vietnamese dong and a foreign currency, used for customs valuation, is the rate of such foreign currency to be bought in the form of money transfer that takes place at the head office of the Joint stock Commercial Bank for Foreign Trade of Vietnam, which is identified at the end of the fifth working day of the preceding week, or the exchange rate identified at the end of the working day immediately preceding that fifth day in case such fifth day is the holiday or day-off. The rate of this kind shall be used for determining the rate of customs duty for customs declaration submitted within a week.
As for the foreign currencies of which the exchange rate is not published by the Joint stock Commercial Bank for Foreign Trade of Vietnam, the exchange rate of these currencies shall be determined in the form of cross rate between Vietnamese dong and several foreign currencies that the State bank of Vietnam has published. As for the foreign currencies of which the cross rate is not published, the exchange rate of such foreign currencies shall be determined according to the principle of calculating the cross rate between USD – VND and USD – such foreign currencies published by the State bank of Vietnam. The exchange rate published by the State bank of Vietnam is the exchange rate updated in the latest post on its website.
6. Ministry of Finance provides guidance on this Article.”
10. Article 22a is added as follows:
“Article 22a. Customs value used for stocktaking of imported and exported goods.
1. Customs value, used for stocktaking of imported and exported goods, shall be determined based on the information provided in the customs declaration and other relevant information sources.
2. Customs value, used for stocktaking, shall be determined according to the rules and methods stipulated in Article 20 hereof, except the cases stipulated in Clause 3 hereof.
3. The customs value used for stocktaking based on the information provided by the customs declarant shall be in accordance with the following rules:
a. The customs value of a commodity manufactured in a foreign country and imported into Vietnam shall be calculated at the first port of entry (CIF delivery or equivalent delivery) In case where the customs value of the commodity delivered through CIF model or equivalent model cannot be determined, the customs declarant shall include the total value of components of commodity including the value of raw materials used for manufacturing such commodity, its pricing cost and other costs (if any)
b. The customs value of exports under outward processing contracts shall be calculated at the port of exit (if using FOB or equivalent model) In case where the declarant cannot determine the value of the commodity exported through FOB or equivalent model, its customs value shall be calculated using the total value of components of commodity including the value of raw materials used for manufacturing such commodity, its pricing cost and other expenditures (if any)
c. The customs value of commodities specified in the financial leasing contract is the total value of the commodities, except the value of services provided in the contract.
4. The Ministry of Finance shall provide detailed regulations on collecting, processing, using and storing information regarding the customs value used for stocktaking.”
11. Clause 2, Clause 3 and Clause 7, Article 24 are amended as follows:
“ 2. Responsibilities of the organizations and individuals that request the pre-determination of code, origin and customs value:
a. Submit full application documents for requesting pre-determination of code, origin and customs value to the General Department of Customs within at least 60 days before exporting or importing the cargos.
b. Discuss with the customs authority as required to clarify the information regarding the request for pre-determination of code, origin and customs value.
c. Notify the General Department of Customs in writing within 10 working days since the date on which changes are made to the cargos of which the application for the pre-determination of code, origin and customs value has been filed. The notification shall state clearly the modified contents, reasons for such changes and the date on which the changes are made.
3. Responsibilities of the General Department of Customs
Within 05 working days since the date receiving the application, the General Department of Customs shall respond with a written refusal of the pre-determination of code, origin and customs value to applicants who fail to meet the requirements or who are waiting for the result from the regulatory agency, or who already receive the guiding documents for the code from the regulatory agency. b. The Director of the General Department of Customs shall issue the written document of the results of pre-determination of code, origin and customs value within 30 days from the date on which the complete set of application documents is fully received (for ordinary cases) or within 60 date from the date on which the complete set of documents is received (for complicated cases that require verification) The written announcement of pre-determination of code, origin and customs value shall be sent to the applicants, updated to the database of the customs authority and posted on the website of the General Department of Customs.
7. Ministry of Finance shall stipulate the application that must be submitted to apply for pre-determination of code, origin and customs value, and cases where applicants are waiting for the result from the regulatory agency.”
12. Clause 2, Clause 3 and Clause 5, Clause 10, Article 25 are amended as follows:
“2. The customs declarant shall be able to choose between electronic customs declaration and paper customs declaration if:
a. The cargos required to complete customs declaration before being exported or imported belong to border residents.
b. Exported and imported cargos exceed the limits on tax exemption applied to the inbound and outbound person.
c. Cargos used for emergency purpose and humanitarian aid; exported and imported cargos used for military and national defense.
d. Cargos as personal gifts, presents and belongings.
dd. Cargos are equipment used for containing cargo according to the rotation method of temporary importation - re-exportation, or temporary exportation – re-importation as stipulated in point a, point b, Clause 1, Article 49 hereof.
e. Cargos temporarily imported and re-exported, or temporary exported and re-imported which are carried by inbound and outbound persons for working purposes within a specified period.
g. Cases where the customs electronic data processing system or the electronic customs declaration system fails to carry out mutual electronic transactions which maybe caused by the operational failure of one or both systems or from other reasons.
In case where the customs electronic data processing system fails to carry out the electronic customs procedures, the customs authority shall announce this problem on its website no later than 01 hour from the time such failure occurs.
In case where the electronic customs declaration system of the customs declarant fails to carry out procedures, the declarant shall notify in writing to the Customs Sub-department where he/she is expected to carry out customs procedures. In the notification, he/she shall include his/her full name, the reasons of failure, the expected duration for fixing them and the methods for carrying out customs procedures, as guided by the Minister of Finance.
h. Other commodities stipulated by the Ministry of Finance.
3. The customs declarant shall provide sufficient, accurate and clear information as required in the customs declaration. He/she shall decide his/her self-assessed taxes and other payments to the State Budget and shall take full responsibility before the law for the declared information.
In case where the declarant must obtain a permit to export and import commodities, he/she must receive the aforesaid permit before submitting the customs declaration and must provide sufficient information regarding the permit as guided by the Ministry of Finance.
If the customs authority examine the application documents and has reasonable grounds for determining that the applicant must have a permit for transporting his/her commodities but he/she does not have it by the time submitting the declaration, this action shall be treated in accordance with the law due to administrative offences, and the customs declaration shall be no longer valid.
5. If exports or imports are classified as regulated entities required to pay export and import taxes, excise duties, value-added taxes, environmental taxes, or of which export and import taxes are exempted or the tax rate and flat-rate duty are imposed according to the tariff quota, and the cargos are customs released or cleared but then subject to changes in entities that are not required to pay taxes or in purposes for which exports and imports are exempted from paying taxes; exports and imports are taxed for flat-rate duty or at the rate that conforms to the tariff quota; imports are raw materials used for processing or manufacturing exports and temporarily imported—re-exported products that have been released or cleared but then their use purpose has changed for domestic consumption, new customs declarations shall be submitted instead. Policies on management of exports and imports; and policies on taxes levied on exports and imports shall be implemented at the time when new customs declarations are registered, except cases where all of polices on management of exports and imports have been fully implemented at the time when the initial customs declaration is registered.
10. The Ministry of Finance shall provide guidelines on addition or cancellation of customs declaration or register one-time the customs declaration; or completion of a new customs declaration of commodities of which the use purpose is changed or the consumption market is changed to domestic one; or on handling of situations where the customs electronic data processing system or the electronic customs declaration system fails to work.”
13. Clause 4, Article 26 is amended as follows:
“4. Director of the General Department of Customs shall adhere to criteria for classifying risk levels set out by Minister of Finance to make a decision on customs declaration and make an announcement through the customs electronic data processing system according to the following forms:
a. Approve the information declared in the customs declaration to make a decision on customs clearance.
b. Examine relevant documents included in the customs application submitted or presented by the customs declarant, or any other relevant documents stored on the national single-window portal to decide customs clearance or conduct physical verification of commodities before permitting customs clearance.
The Ministry of Finance stipulates specifically the time for announcing the customs inspection which is carried out by using the customs electronic data processing system.”
14. Clause 5, Article 29 is amended as follows:
“5. In case, upon using equipment and devices available at the Customs sub-departments or customs inspection areas, customs officers who are assigned the physical verification task fail to verify the provided information of customs declarant about commodity name, code, type, quality, quantity and weight, then the customs authority shall be advised to carry out classification and/or assessment activities to verify such information.
In case where the customs authority is incapable of verifying the information provided by the customs declarant, it shall request the assessment carried out by assessment service organizations in accordance with the laws, and shall use the result of such assessment as the basis for determining customs clearance.”
15. Clause 1, Article 32 is amended as follows:
“1. Customs release shall be carried out in accordance with Article 36 of the Law on Customs. Customs release shall be carried out in the following cases:
a. Analysis, classification and/or assessment must be conducted with the intention of identifying the commodity code, quantity and weight of exports or imports, and the customs declarants who already pay for their taxes or credit institutions that provide their guarantee for self-assessed taxes imposed on customs declarants.
b. Exports and imports do not have official price at the time the customs declarations are registered, and customs declarants pay for the taxes or have their taxes guaranteed by credit institutions based on the price they temporarily calculate.
c. Exports and imports stipulated in Clause 2, Clause 3, Article 21 hereof and the customs declarants pay for the taxes or have their taxes guaranteed by credit institutions based on the self-assessed taxes that they decide.
d. The customs declarant does not have sufficient information and/or documents required to support the customs valuation of his/her exported or imported commodities, customs release shall be permitted in this case if there is a credit institution that provides guarantees for the declarant's taxes based on the customs value determined by the customs authority.”
16. Clause 1, Clause 2, Article 33 are amended as follows:
1. Exports or imports, in-transit commodities, inbound, outbound or in-transit vehicles that are classified as entities subject to quarantine inspection, must undergo such inspection at the border checkpoint before completing other customs procedures, unless otherwise permitted by the legislation on quarantine to ship back to areas intended for quarantine inspection across the nation. In respect of exports or imports, in-transit commodities, inbound, outbound or in-transit vehicles that are classified as entities subject to quality inspection or food safety control process, customs authorities shall adhere to requirements, national standards and/or national technical regulation promulgated by regulatory agencies in order to carry out inspection as designated by Ministries and ministerial-level agencies charged with specialized management, or take the conclusion drawn by specialized management agencies into account to make a decision on customs clearance.
The regulatory agencies shall collaborate in inspecting exports, imports and in-transit commodities, outbound, inbound or in-transit vehicles at the border checkpoints or at commodity inspection places, except when the commodities are required to ship back to specialized inspection areas to meet technical or professional requirements.
Customs authority shall preside over or collaborate in customs inspection of exports, imports, and in-transit commodities, or outbound, inbound and in-transit vehicles which is conducted by regulatory agencies and specialized inspection authorities at border checkpoints. Collaboration between regulatory agencies in carrying out customs inspection activities at border checkpoints must conform to the regulations promulgated by the Prime Minister on specialized inspection operations to take place at border checkpoints.
2. Collaboration in taking samples for specialized inspection.
a. If the exported or imported commodities are required to undergo specialized inspection, the taking samples activities shall be carried out in accordance with the law on specialized inspection.
b. The specialized inspection authority shall take samples of the exported or imported commodities at the venue notified by the customs declarant; In case where it takes samples of commodities within the customs controlled area, the aforesaid authority shall supervise the activities in the basis of fully applying risk management method.
c. Before taking the samples, the customs declarant shall notify the customs authority and specialized inspection authority about the time and place for taking the aforesaid samples.
The notification shall be sent through the National single-window portal when applying for the inspection or shall be sent through the Customs electronic data processing system.
The customs declarant shall present the commodities for the specialized inspection authority or customs authority to take sample.
d. During the taking samples process, the representative of the customs declarant shall be present at the venue. The samples shall be sealed. And the specialized inspection authority shall make a record on such activity with confirmation from the customs declarant and the aforesaid authority.
dd. Within a maximum of 10 days from the date on which the inspection registration is granted or the commodity samples are taken, except when the law on specialized inspection is changed, the regulatory agency and the specialized inspection authority shall submit the inspection result to the customs authority according to the regulation in Article 35 of the Law on customs, or to the National single-window portal if the inspection authority has the information technology system connected to the aforesaid portal in order for either of them to make a decision on customs clearance. In case where the regulatory agency and the specialized inspection authority can’t meet the deadline of concluding the inspection result, they shall provide explanation in writing and the date to conclude the aforesaid result for the customs authority.”
17. Clause 1, Clause 3, Article 39 are amended as follows:
“1. Inspection shall be applicable to the following:
a. Organizations and individuals who import the commodities for manufacturing exported products.
b. Organizations or individuals who change their address, scale, and manufacturing capability without notifying customs authority.
c. Organizations and individuals who import commodities for manufacturing products for foreign businesses but hire other manufacturing organizations and individuals to do the entire job specified in the contract; or:
d. Organizations and individuals that store raw materials, imported items and exported commodities in different places aside from the places that they declare to the customs authority.
dd. Other cases being examined on the basis of applying risk management method.
3. Handling of the inspection result regarding the manufacturing and production facilities and their capability:
a. In case where the organizations and individuals have no manufacturing or production facilities, they shall pay for their taxes fully. The late payment fees shall be charged from the date on which their customs declarations for import are registered to the date on which the taxes are paid. They shall face penalties for their violations of legal regulations for the number of imported raw materials, machinery or equipment that are not offered tax incentives according to the legal regulations.
b. In case where there are sufficient grounds for verifying that organizations or individuals import raw materials, machinery or equipment beyond their manufacturing capabilities or unconformable to their scope of operation described in the business license, these organizations or individuals shall be permitted to present their demonstration or explanation; In case where they refuse to do that, or their demonstration or explanation is proved to be unacceptable, the customs post-clearance inspection or specialized inspection stipulated in the regulations is required to be carried out.”
18. Clause 1, Article 40 is amended as follows:
“1. Inspection shall be applicable to the following:
a. Organizations or individuals considered as entities who may pose the risk of importing machinery, equipment, raw materials and inputs of which the life cycle is ended but the entities still produce no commodity for export.
b. There are reasonable grounds for demonstrating that organizations or individuals report a sudden increase or reduction in importing raw materials, machinery, equipment or exporting products.
c. There are reasonable grounds for demonstrating that organizations or individuals have sold their raw materials, machinery, equipment or products at the domestic market without declaring in the customs declaration.
d. Declaration of exported products carried out by organizations or individuals is found to be in breach of legal regulations or contrast to the actual condition.
As for the cases stipulated in point a, point b, Clause 1 of this Article, the organizations or individuals shall provide explanation in writing as required by the customs authority. The inspection shall only be carried out after the organizations or individuals provide explanation in writing or after the customs authority demonstrating that their explanation is unacceptable with reasonable grounds.”
19. Article 43 is amended as follows:
“Article 43. Customs procedures, customs supervision and inspection procedures for in-transit cargos.
1. The customs procedures for in-transit cargos shall be carried out at the customs office located at the first port of entry and the last port of exit, except some cases where the in-transit cargos are packed in one container or in carriages where imported and exported cargos are packed together with imported and exported cargos transported through postal or express delivery services in accordance with Clause 9 of this Article.
The in-transit cargos, specified in the international multilateral agreements on the transit of cargos to which Vietnam is a signatory, shall follow the special regulations of the Government's laws.
2. Customs documents:
a. A transportation declaration or documents that replace the aforesaid declaration written in the form promulgated by the Ministry of Finance.
b. A manifest of in-transit cargos written in the form promulgated by the Ministry of Finance.
c. Transportation documents if in-transit cargos are conveyed by means of sea, air or rail transport; in-transit cargos which are conveyed by means of land transport and are packed together with imported cargos: 01 copy.
d. Transit permit according to the regulations of law; written announcement of the specialized inspection according to the regulations of the relevant law: 01 original.
3. Responsibilities of the customs declarant:
a. Carry out the customs procedures in accordance with the regulations in Clause 4, Article 25 hereof.
b. Ship cargos along the routes, to the ports and within the period which is stipulated in Clause 1, Clause 2, Article 65 of the Law on Customs.
c. Keep cargos intact during transportation and ensure that the cargos are protected by customs seal and the seal of transportation companies.
d. In case where the in-transit cargos go through the process of transloading, warehousing, deconsolidation, changing of transportation models or means of transport, or packing in one container, the customs declarant shall require the Customs sub-department to carry out the aforesaid process. Submit 01 original of application document using the form in Appendix thereto. In case the application is approved, the customs declarant shall provide information on each transportation declaration or transportation document regarding each trip of transport.
dd. Show cargos for physical verification as required by the customs authority.
4. Responsibilities of the Customs sub-department operating at the port of entry:
a. Receive and handle the customs documents stipulated in Clause 2 of this Article.
b. Carry out customs sealing for transports used for conveying in-transit cargos if the cargos are transported by road.
c. As for the cargos shipped by sea, inland waterway, air, or rail transport, the customs sub-department shall carry out customs sealing if the seal of the transportation company is no longer intact.
In case where the customs sub-department can't check the seal of the transportation company for cargos shipped to Vietnam by inland waterway transport and can’t carry out customs sealing, the customs declarant shall take full responsibility for keeping the cargos intact.
d. As for the in-transit cargos shipped by land or inland waterway transport, aside from implementing the regulations in point b, c, of this Clause, the customs sub-department shall carry out customs supervision by using means of technical equipment stipulated in point a, Clause 7 of this Article.
dd. Assign customs officers to carry out direct supervision for in-transit cargos stipulated in point c Clause 7 of this Article.
g. Carry out physical verification for cargos of declarant who violates the customs regulations.
5. Responsibilities of the Customs sub-department within the territory where cargos are undergo the process of transloading, warehousing, deconsolidation, changing of transportation models, deconsolidation, changing of means of transport and packing together in one container:
a. Receive the application document stipulated in point d, Clause 3 of this Article and examine the conditions stipulated in Clause 9 of this Article. In case where the application does not meet the requirements, the Customs sub-department shall make an announcement of the reasons for rejecting it and provide explanation in writing.
In case where the application meets the stipulated requirements, the customs sub-department shall approve the application, return 01 original to the declarant and keep 01 copy.
b. Check whether the customs seals and the transportation company seals are broken or not.
c. Supervise the process of transloading, warehousing, deconsolidation, changing of transportation models, changing of means of transport, packing together in one container and carrying out customs sealing.
d. Carry out customs procedures for cargos transported in different manners.
6. Responsibilities of the Customs sub-department at the port of exit:
a. Verify the information provided in the transportation declaration or in the documents that replace the aforesaid declaration available on the customs electronic data processing system.
b. Examine whether the seals are broken or not, or whether the cargos are intact or not.
In case where the in-transit cargos are shipped by inland waterway transport to foreign countries, the Customs sub-department at the port of exit shall rely on the information provided in the declaration about the route, transportation duration and warnings (if any) to make a decision on inspection of the customs seals or the seals of the transportation company.
c. Carry out physical verification for cargos of declarant who violates the customs regulations.
7. Customs Supervision:
a. In-transit cargos shall have customs or transportation company seals. In case where the cargos can’t be sealed, the customs declarant shall take full responsibility for keeping the cargos intact.
As for the in-transit cargos shipped by inland waterway and land transport, aside from having customs or transportation company seals, they also fall into the case where they can't be sealed, the customs authority therefore will use other means of technical equipment to supervise the process of transporting the aforesaid cargos based on the result of risk analysis and evaluation.
b. In-transit cargos on the list of Commodities subject to a ban on trading, export, or a temporary cessation of export, or a ban on import or a temporary cessation of import; cargos on the list of exports or imports under permits, cargos on which special tax is imposed shall be supervised by using means of technical equipment.
c. In-transit cargos which are weapons, bullets, explosive materials and highly dangerous commodities shall be supervised by means of technical equipment or supervised directly by customs officers.
8. In case force majeure is likely to damage the intactness of shipments, customs sealing, sealing by transportation company, or causes cargo fail to be shipped along the predetermined route or on schedule, customs declarants, after applying necessary measures to control and mitigate any possible loss or damage, must promptly inform customs authorities to seek any solution; in case it is impossible to give such notification, the nearest police authority, border guard or coastguard must be informed to give their confirmation or find any solution in accordance with the laws.
9. The following transit activities shall be carried out at the ports of entry, ports of exit, bonded warehouses, container freight stations (CFS), venues for completing customs procedures at the inland ports of entry or exit (depot), inspection and supervision areas for cargos shipped through postal service or express delivery services: transshipment, warehousing, changing in transportation models, changing in means of transport; deconsolidation, packing together in one container, carriages carrying in-transit and to be imported cargos, or exported cargos for which customs procedures have been completed, in-transit cargos waiting to be exported, or in-transit cargos packed together with cargos which are exported and imported through postal service or express delivery services. <0
Locations of bonded warehouses, container freight stations, depot, venues for completing customs inspection and supervision for cargos shipped through postal service or express delivery services stipulated in this clause, shall conform to the in-transit routes stipulated by the Ministry of Transport.
10. In-transit cargos packed together in one container, or in carriages carrying exported cargos for which customs procedures have been completed, to be imported cargos, in-transit cargos packed together with cargos exported and imported through postal service or express delivery services, shall satisfy the following requirements:
a. Each commodity shall be packed separately (packages, containers, packing, etc) in order to classify the in-transit cargos that are packed together with exported or imported cargos.
b. In-transit commodities shall belong to the cases where they do not need a transit permit as required by the laws or shall not be wine, beer or cigarettes.
c. To be imported cargos which are packed into one container, in-transit cargos carried in carriages and deconsolidated at the venues (except port of entry) stipulated in Clause 9 of this Article do not appear on the list of imported cargos required to follow customs procedures at the port of entry.
d. Exported cargos which are packed together in one container, cargos and in-transit cargos carried in carriages, exported cargos shipped through postal service or express delivery services and packed together with in-transit cargos shall together go through the same port of exit; the aforesaid port of exit shall be international port of exit according to the current regulations
e. Containers, carriages and equipment used for containing cargos that are shipped through postal service or express delivery services shall satisfy the customs sealing requirements.
Ministry of Finance provides detailed regulations in this Article.”
20. Article 44 is amended as follows:
“Article 44. Customs procedures, customs supervision and inspection procedures for cargos that are transshipped at seaport.
1. Transshipped cargos moving from a foreign country by sea transport to intermediate destination, and then transited directly from the aforesaid destination to another foreign country or to intermediate station at the harbor or other seaport to be shipped to a foreign country. Cargos transshipped or shipped between seaports shall be done by inland waterway or sea transport. Cargos are transshipped to foreign countries for only one time or multiple times.
2. Transshipment activity stipulated in this Article shall include loading and unloading, shipping and warehousing cargos as required by the transporter at the transshipping venue at the port of entry or the port of exit.
The duration of warehousing transshipped cargos shall be no longer than 30 days from the date on which the declarant completes the customs procedures at the port of entry.
In case where the cargos while being warehoused at Vietnam are taken for transshipment and later become damaged, if they require more time to be fixed, then the transshipment deadline shall be extended to correspond with the time required for carrying out the fixing activity. The extended deadline shall be approved by the customs authority. In case where the cargos are transshipped with a permit from the competent authority, the aforesaid authority shall also extend the transshipment deadline written on the permit.
3. The areas used for transshipping cargos shall be separated from the warehousing areas at the seaport. The aforesaid areas shall be equipped with surveillance cameras to serve the need for customs supervision of the customs authority. The cargos enter or exit the transshipment areas shall be supervised and managed by a software and shall be in connection with the customs authority.
4. The transshipment areas at the Vietnam's seaports shall be upgraded to a special seaport IA grade as decided by the Prime Minister and the Ho Chi Minh City seaport, and shall have sufficient technical facilities for carrying out the transshipment in accordance with Clause 3 of this Article.
5. At least 5 days before the first day carrying out the transshipment, the seaport operation enterprise shall notify the Customs sub-department in writing about the location for transshipment so the aforesaid department can carry out customs supervision. In case where there is any change to the total area of transshipment location, the seaport operation enterprise shall notify the Customs sub-department in writing before warehousing the transshipped cargos.
6. Transshipped cargos shall be under customs supervision since they arrive at the seaports of Vietnam, throughout the warehousing and transporting process, until they are shipped out of Vietnam. Physical verification shall only be carried out in cases where the entities violate the regulations of laws.
7. Customs documents required for transshipped cargos:
a. A transportation declaration or documents that replace the aforesaid declaration written in the form promulgated by the Ministry of Finance.
b. A manifest of cargos moving into the transshipment areas written in the form promulgated by the Ministry of Finance.
c. Transportation document: 01 copy.
d. Transit permit issued by the competent authority or written announcement of the result of specialized inspection according to the laws: 01 original.
8. Responsibilities of the customs declarant:
a. Carry out the customs procedures in accordance with the regulations in Clause 4, Article 25 hereof.
b. Be responsible for keeping the cargos intact, ensure the cargos are protected by customs seals or the transportation company seals throughout the shipping and warehousing process at the ports.
c. Show the cargos for physical verification as required by the customs authority.
d. Ship all the transshipped cargos to foreign countries within the time-limit stipulated in Clause 2 of this Article.
9. Responsibilities of the Customs sub-department operating at the port of entry:
a. Receive and handle the customs documents stipulated in Clause 7 of this Article.
b. Carry out customs supervision for transshipped cargos.
c. Carry out customs sealing for equipment used for containing cargos if the transshipped cargos are transported between the posts within the same seaport, and if the equipment no longer has the customs or transportation company seals.
d. Carry out physical verification for transshipped cargos that violate the regulations.
10. Responsibilities of the Customs sub-department at the port of exit:
a. Verify the information provided in the transportation declaration or in the documents that replace the aforesaid declaration available on the customs electronic data processing system.
b. Check the customs seals or the seals of the transportation companies or the intactness of the cargos that can't be sealed.
c. Carry out customs supervision for transshipped cargos that are loaded onto the means of transport and shipped out of the country.
d. Carry out physical verification for transshipped cargos that violate the regulations.
Ministry of Finance provides detailed regulations in this Article.”
21. Clause 1, Clause 4, Article 48 are amended as follows:
1. The procedures for re-exporting the imported cargos that have already completed their customs procedures, include:
a. Re-export cargos in order to return them to the customers.
b. Re-export to a third country or to a free trade zone.
4. In case where the commodities (exclusive of narcotics, weapons, reactionary documents, toxic chemicals defined in Schedule 1 of the Chemical Weapons Convention), for which the customs procedures have not yet been completed and are kept in the customs supervision area by reason of being lost or misdirected, or left unclaimed, or due to someone refuses to accept them, and if the carrier or consignor files a request for re-export (in which reasons for such events are clearly stated), the Director of the Customs Sub-department where shipments are stored shall supervise such commodities until they are actually shipped out of the territory of Vietnam at the port of entry.
22. Article 49 is amended as follows:
1. Types of equipment used for containing cargos according to the rotation method of temporary importation – re-exportation or temporary exportation – re-importation, include:
a. Empty container with or without suspension hooks;
b. Flexible tanks inside containers for liquid storage;
c. Gas and liquid storage equipment (tanks), which have strong and stable structure, used for containing and transporting gas and have numerical symbols printed on the surface, also carried by trucks.
d. Other types of equipment which can be used multiple times for containing exported and imported cargos.
2. The deadline for applying temporary rotation method shall be agreed under the contract between a merchant and his/her partner, and registered with the Customs sub-department where customs procedures are completed. In case the merchant and his/her partner enter into an agreement on extending the deadline for temporary importation, temporary exportation, the customs declarants shall send written notification enclosed with the aforesaid agreement to the Customs Sub-department where customs procedures are completed. If the aforesaid merchant fails to temporarily export, import commodities by the registered deadline, this violation shall be handled in compliance with legal regulations.
3. Customs documents:
a. A customs declaration issued by the Ministry of Finance for types of equipment stipulated in point d, Clause 1 of this Article.
b. A manifest of cargos temporary imported or temporary exported, written in the form promulgated by the Ministry of Finance for types of equipment stipulated in point a, b, c, Clause 1 of this Article.
c. Transportation documents if cargos are conveyed by means of sea, air or rail transports; cargos which are conveyed by means of land transport and which are packed together with imported cargos: 01 copy.
d. Export or import permit; a written announcement of the result of specialized inspection according to the relevant laws: 01 original.
4. Customs procedures:
a. As for the types of equipments stipulated in point a, b, c, Clause 1 of this Article:
When exporting or importing cargos, the customs declarant shall declare on the manifest of temporary import and export, and submit the documents stipulated in point c, d, Clause 3 of this Article.
The Customs Sub-department where customs procedures for temporary importation and exportation are completed shall monitor, compare and verify the number of temporarily imported and exported equipment; carry out physical verification whenever suspicion is detected.
b. As for the types of equipment stipulated in point d, Clause 1 of this Article, the customs procedures shall be carried out in accordance with Section 5 of this Chapter.
5. Venues for completing customs procedures:
a. As for the types of equipment stipulated in point a, b, c, Clause 1 of this Article, the customs procedures shall be completed at the Customs Sub-department located at border checkpoints.
b. As for the types of equipment stipulated in point d, Clause 1 of this Article, the customs procedures shall be completed at the Customs Sub-department at border checkpoints, or Customs Sub-departments where customs procedures for importing goods used for manufacturing purpose and for production of commodities used for export are completed.
6. Within the permitted period of temporary importation, re-exportation that the customs declarant registers with the customs authority, the equipment used for containing cargos according to the rotation method shall not be taxed. In case there is any change to the use purpose of equipment, the customs procedures shall be adopted as follows:
a. Customs declarant shall submit a written explanation for such change to the Customs sub-department where the manifest of re-imported cargos is registered or the customs procedures for such re-importation are completed.
b. The Director of the Customs Sub-department, where the manifest of re-imported cargos is registered or where the customs procedures for such re-imports are completed, shall take responsibility to consider the reasons or explanations of the customs declarant; if there is no sign of trade frauds, the request made by the customs declarant shall be accepted.
c. The customs declarant shall follow the customs procedures for importing cargos according to Section 5 of this Chapter, at the Customs sub-department where temporary importation is carried out. In case where the customs declarant temporally imports cargos at different Customs Sub-departments, the aforesaid declarant shall choose only one Customs Sub-department to complete the customs procedures.”
23. Article 50 is amended as follows:
“Article 50. Customs procedures for temporary import – re-export, temporary export – re-import of equipment, machinery, heavy equipment, means of transportation, moulds or models for production, construction, installation, project execution or experimentation.
1. Customs Documents for temporary importation - re-exportation of equipment, machinery, heavy equipment, means of transportation, moulds or models.
a. A customs declaration issued by the Ministry of Finance.
b. Transportation document, if cargos are conveyed by means of sea, air or rail transport: 01 copy.
c. Import permit; a written announcement of the result of specialized inspection according to the relevant laws: 01 original.
2. Customs Documents regarding the temporary exportation - re-exportation of equipment, machinery, heavy equipment, means of transportation, moulds or models:
a. A customs declaration issued by the Ministry of Finance
b. Export permit, a written announcement of the result of specialized inspection according to the relevant laws: 01 original.
3. The venue for completing customs procedures shall be at the Customs Sub-department located at border checkpoints, or at the Express delivery customs sub-department, or Customs Sub-department within the area where manufacturing facilities or projects are located.
As for the equipment, machinery, means of transport that are temporarily imported – re-exported, temporarily exported - re-imported for contract manufacturing purpose, or for production of commodities for export, or for operation of export processing enterprise, the procedures shall be completed at the convenient Customs Sub-department.
4.The customs procedures shall be carried out in accordance with Section 5 of this Chapter.
5. The deadline for applying temporary rotation method shall be agreed under the contract between a merchant and his/her partner, and registered with the customs authority, In case the deadline for temporary importation and exportation needs to be extended to serve the purpose of production, construction, installation for construction, project execution or experimentation as agreed between the merchant and his/her partner, the customs declarant shall notify in writing to the Customs Sub-department, where customs procedures for temporary importation and exportation are carried out.
If the customs declarant fails to carry out temporary importation or re-exportation by the agreed deadline, this violation shall be handled in compliance with legal regulations.
6. In case where the temporary import and export enterprise submits the deed of gifts of temporarily imported - re-exported, temporarily exported - re-imported machinery, equipment, moulds or models used for production, construction, installation, project execution or experimentation, they shall follow customs procedures in compliance with Section 5 of this Article.”
24. Clause 3, Article 51 is amended as follows:
“Article 51. Customs procedures for temporary import – re-export of cargo ships or aircraft for the purpose of repairing or maintaining that takes place in Vietnam.
3. The deadline for applying temporary rotation method shall be agreed under the contract to supply repair and maintenance services for ship and aircraft, and shall be registered with the Customs Sub-department at the checkpoints.”
25. Article 52 is amended as follows:
“Article 52. Customs procedures for temporary import or export of machinery, equipment, components, spare parts or items used for replacing or repairing foreign cargo ships or aircraft, or Vietnamese cargo ships or aircraft in foreign countries.
1. Temporarily imported and exported machinery, equipment, components, spare parts or items that are conveyed by cargo ships and aircraft when these transports enter or exit the country, or are shipped after or before these transports enter and exit the country:
a. The customs declarant must be the operator of ships or aircraft or the agent of the ship or aircraft owner.
b. The customs procedures shall be carried in accordance with Section 5 of this Chapter.
2. Customs documents:
a. A customs declaration issued by the Ministry of Finance.
b. Transportation documents if the cargos are shipped by means of sea, air, rail transport. (except when cargos are carried on the incoming transports): 01 copy.
c. Export or import permit; a written announcement of the result of specialized inspection according to the relevant laws: 01 original.
3. The venue for completing the customs procedures shall be at the Customs Sub-department at the checkpoint, or at the Express delivery customs sub-department.
4. As for the machinery, equipment, components, spare parts that are temporarily imported – re-exported, temporarily exported - re-imported to be repaired or to be used for operation of cargo ships and aircraft under the contract signed with foreign partners to provide repair, maintenance and replacement services for the aforesaid ships and aircraft, the venue for completing customs procedures shall be carried out at the convenient Customs Sub-department. b. The customs procedures shall be carried out in accordance with the guidance on regulations on manufacturing of the Ministry of Finance.
26. Article 53 is amended as follows:
“Article 53. Customs procedures for temporary import – re-export, temporary export – re-import of commodities used for fair, exhibition or product launch events.
1. Customs documents required for temporarily imported – re-exported commodities:
a. A customs declaration issued by the Ministry of Finance
b. Transportation documents, if commodities are conveyed by means of sea, air or rail transport: 01 copy.
c. A written permission which is granted by the competent authority for the declarant to organize and/or participate in the fair and exhibition events. (Except for the commodities which are temporarily imported – re-exported for product launch events): 01 copy.
d. Import permit; a written announcement of the result of specialized inspection according to the relevant laws: 01 original.
2. Customs documents required for temporarily exported – re-imported commodities:
a. A customs declaration issued by the Ministry of Finance
b. A written permission which is granted by the competent authority for the declarant to organize and/or participate in the fair and exhibition events. (Except for the commodities which are temporarily exported – re-imported for product launch events): 01 copy.
c. Export permit, a written announcement of the result of specialized inspection according to the relevant laws: 01 original.
3. Venue for completing customs procedures shall be at the Customs Sub-department in the area where the fair, exhibition, or product launch events are organized, or at the Customs Sub-department at the checkpoint, express delivery customs sub-department, or at the Customs sub-department which manages the export processing enterprises if these enterprises import to Vietnam or export to foreign countries the commodities used for fair, exhibition, or product launch events.
4. Permitted period of re-export, re-import
a. Commodities used for fair, exhibition, product launch events in Vietnam shall be re-exported within 30 days from the date on which the fair, exhibition and product launch events end
b. Permitted period of temporary exportation of commodities used for fair, exhibition or product launch events that take place in foreign countries shall be one year from the date on which such commodities are temporarily exported; if the aforesaid commodities are not imported within this period, they shall be imposed tax and other financial obligations in accordance with the laws of Vietnam.
27. Clause 1, Clause 4, Article 54 are amended as follows:
“1. Temporarily imported – re-exported, temporarily exported – re-imported commodities used for work activities such as: Conferences, seminars, scientific researches, education, sports competitions, cultural and arts performances, healthcare services, product research and development; machinery, equipment, professional tools which are used for work activities within the specified period.
4. Venue for completing the customs procedures shall be at the Customs Sub-department at the checkpoint, or at the Express delivery customs sub-department.”
28. Clause 3, Article 55 is amended as follows:
“Article 55. Customs procedures for commodities which are temporarily imported - re-exported, temporarily exported – re-imported for warranty, repair and replacement services.
3. Venue for completing customs procedures shall be at the Customs Sub-department located at the checkpoint, Express delivery customs-sub department, or customs sub-department within the area where manufacturing facilities or projects are located. The customs procedures for commodities, which belong to the export processing enterprises and are temporarily imported – re-exported, temporarily exported – re-imported for warranty, repair and replacement services, shall be carried out at the convenient Customs Sub-department.”
29. Article 55a is added as follows:
“Article 55a. Customs procedures for other commodities which are temporarily imported – re-exported, temporarily exported – re-imported.
1. Customs documents required for temporarily imported – re-exported commodities:
a. A customs declaration issued by the Ministry of Finance
b. Transportation documents, if commodities are conveyed by means of sea, air or rail transport: 01 copy.
c. Import permit; a written announcement of the result of specialized inspection according to the relevant laws: 01 original.
2. Customs documents required for temporarily exported – re-imported commodities:
a. A customs declaration issued by the Ministry of Finance
b. Export permit, a written announcement of the result of specialized inspection according to the relevant laws: 01 original.
3. Venue for completing the customs procedures shall be at the Customs Sub-department located at the checkpoint, or at the Customs Sub-department within the area where the manufacturing facilities and projects are located.
4. The customs procedures shall be carried out in accordance with Section 5 of this Chapter.
5. The deadline for applying temporary rotation method shall be agreed under the contract between a merchant and his/her partner, and registered with the customs authority, In case the deadline for temporary importation, re-exportation needs to be extended as agreed between the merchant and his/her partner, the customs declarant shall notify in writing to the Customs Sub-department, where customs procedures for temporary importation and exportation are carried out. If the customs declarant fails to carry out temporary importation, re-exportation by the agreed deadline, this violation shall be handled in compliance with legal regulations.”
30. Clause 2, Article 59 is amended as follows:
“2. The outbound, inbound persons are not required to complete customs declaration if they do not keep luggage that exceeds the duty-free limit according to the law on taxation, or do not have luggage that is shipped before or after their trips.
Any commodity carried by inbound, outbound persons which exceeds the duty-free limit but still go through the customs checkpoint without completing the customs declaration shall be considered as illegal imports or exports and shall be handled in accordance with the laws.
While completing customs declaration, the customs declarant shall not combine the duty-free limits of different inbound persons to declare the duty-free limit of one inbound person only, except the case where he/she declares for luggage of different persons within his/her family who are on the same trip. The customs declaration for duty-free limit shall be completed for each entry.”
31. Clause 5, Clause 6 and Clause 7 are added to Article 60 as follows:
“5. The luggage of the inbound person which has total customs value exceeds the duty-free limit stipulated in point d, Clause 1, Article 6 of the Government’s Decree No. 134/2016/ND-CP dated September 01, 2016, and which appears in the list of commodities that require an import permit or commodities that are subject to specialized inspection according to the laws, if its total customs value does not exceed 20 millions Vietnam-dong or if it is a completed product that has the total customs value exceeds 20 millions Vietnam-dong, then it does not require an import permit or a written announcement of the result of the specialized inspection in order to be imported.
6. The luggage of the inbound person which appears on the list of commodities that require an import permit or are subject to specialized inspection according to the laws, if its total customs value exceeds the limit stipulated in Clause 5 of this Article, then the customs declarant shall obtain an import permit or a written announcement of the result of the specialized inspection in order to import the aforesaid luggage. In case where the customs declarant does not have an import permit or a written announcement of the result of the specialized inspection, the luggage shall be handled in accordance with the laws.
7. While completing the customs procedures for importing the luggage which are stipulated in Clause 1 of this Article, if the inbound person does not have a customs declaration which is used for outbound persons and stipulated in point c, Clause 2 of this Article, then the aforesaid person’s luggage shall not be duty-free according to Clause 1, Article 6 of the Government’s Decree No. 134/2016/ND-CP dated September 01, 2016, and the inbound person shall carry out policies on management of imports in accordance with Clause 5 of this Article.”
32. Clause 1, Clause 2, Article 61 are amended as follows:
“1. Customs documents required for incoming aircraft:
a. A customs declaration of the cargos imported by air transport which is applicable to cargo aircraft.
b. Information about the master bill of lading and house bill of lading for imported cargos which is applicable to cargo aircraft.
c. A list of passengers on board which is applicable to passenger aircraft.
d. List of pilot team members on board.
dd. Manifest of checked luggage which is applicable to passenger aircraft.
e. Booking status of passengers (PNR)
g. The information about the flight shall include air route, flight number, name of the airlines, checkpoint, number of passengers and their arrival time.
2. Customs documents required for outgoing aircraft:
a. A customs declaration of the cargos exported by air transport which is applicable to cargo aircraft.
b. A list of passengers on board which is applicable to passenger aircraft.
c. List of pilot team members on board.
d. Manifest of checked luggage which is applicable to passenger aircraft.
dd. Booking status of passengers (PNR)
e. The information about the flight shall include the air route, flight number, name of the airline, checkpoint, number of passengers and their departure time.”
33. Article 62 is amended as follows:
“Article 62. Duration for providing customs documents.
1. As for incoming aircraft:
a. For 3 hour-flights, the duration shall be no later than 03 hours prior to the landing of the aircraft at Vietnam’s first airport.
b. For less than 3 hour-flights, the duration shall be no later than 30 minutes prior to the landing of aircraft at Vietnam’s first airport.
c. The duration for providing information regarding the booking status of the passengers (PNR) shall be no later than 24 hours prior to the expected landing time of the aircraft.
2. As for outgoing aircraft:
a. Duration for providing customs documents shall be right after the airline completes necessary procedures for the exported commodities or for the passengers who comes to the airport before the aircraft takes off. But the declaration of exported cargos and the bill of lading shall be submitted within 01 hour after the aircraft takes off.
b. The duration for providing information regarding the booking status of passengers (PNR) shall be no later than 24 hours prior to the expected landing time of the aircraft.
3. As for in-transit aircraft:
When landing, the duration shall be in accordance with Clause 1 of this Article; when departing and having to complete customs declaration, the duration shall be in accordance with Clause 2 of this Article.
4. Duration for submitting written documents.
a. As for the incoming aircraft, the customs declarant shall submit the written documents to the customs authority right after and no later than 30 minutes from the moment the aircraft lands and stops at the specified location.
b. As for the outgoing aircraft, the customs declarant shall submit the written documents to the customs authority right after and no later than 30 minutes from the moment the airline completes the necessary procedures for the exported commodities and for outbound passengers.
c. As for the in-transit aircraft, the customs declarant shall submit the documents in accordance with point a or b of this Clause.
5. The customs declarant shall submit the documents stipulated in Clause 1, Clause 2, Article 61 hereof in the form of electronic documents to the customs authority through the National single-window portal; the standards of information provided in the above customs documents shall be in accordance with the regulations of the Ministry of Finance; if the customs declarant does not have information about the secondary airway bill of lading, then the issuers of secondary airway bill of lading shall send the above information through the National single-window portal within the duration stipulated in Clause 1 of this Article.
In case where the customs declarant fails to complete the electronic transactions, he/she shall submit to the customs authority the written documents using the form issued by the Ministry of Finance. The customs declarant shall submit the electronic documents through the National single-window portal right after the system is fixed.
6. Any changes made by the customs declarant to the customs documents or declared information regarding the incoming, outgoing and in-transit aircraft shall be sent through the National single-window portal. Duration for submitting the amended information:
a. As for the documents stipulated in Clause 1, Article 61 hereof, the changes shall be submitted before or right after the aircraft lands at the specified location, except the changes made to the information stipulated in point b, Clause 1, Article 61, hereof shall be submitted before or after the aircraft lands, and changes to the information stipulated in point e, Clause 1, Article 61 hereof shall be submitted no later than 08 hours prior to the landing time of the aircraft.
The customs declarant shall submit to the customs authority the written explanation and proofs of changes to the documents stipulated in point b, Clause 1, Article 61 hereof.
b. The changes made to the documents stipulated in Clause 2, Article 61 hereof shall be submitted before the aircraft takes off, except the changes to information in point a, Clause 2, Article 61 hereof shall be submitted within 24 hours from the moment the aircraft takes off, and the changes to the information stipulated in point dd, Clause 2, Article 61 hereof shall be submitted no later than 08 hours prior to the departure of the aircraft.
The customs declarant shall submit to the customs authority the written explanation and proofs of amendments to the documents stipulated in point a, Clause 2, Article 61 hereof.
c. When the in-transit aircraft lands, the changes shall be submitted in accordance with point a of this Clause, and when the aircraft takes off, the changes shall be submitted in accordance with point b of this Clause.
7. Handling changes of customs documents of outcoming, incoming and in-transit aircraft.
a. The National single-window portal shall receive the changed information and automatically reply to the customs declarant about information regarding the customs documents stipulated in Clause 1and Clause 2, Article 61 hereof.
b. The Customs authority where the customs procedures for incoming, outgoing and in-transit aircraft are completed, shall access the changed information submitted through the National single-window portal in order to carry out the process of managing, supervising, examining the equipment and commodities stipulated in the regulations, and shall provide information to the units and authorities to carry out the professional approaches.”
34. Clause 1, Clause 2, Article 63 are amended as follows:
“1. Receiving and handling customs documents for outgoing, incoming and in-transit aircraft:
a. The National single-window portal shall receive the declaration and reply automatically to the customs declarant about the approval if the declaration is completed fully, if not, the system shall request the declarant to submit additional documents.
If the customs declarant fails to submit additional documents as requested by the system, the Director of the customs sub-department managing the airport shall handle this situation in accordance with point b of this Clause.
b. The customs sub-department managing the airport shall access the information from the National single-window portal, or rely on the information from the written documents or other information to examine, summarize and analyze the customs documents.
If the customs declarant does not provide additional documents sufficiently as required by the customs authority, or the aforesaid authority has reasonable grounds to verify that there are commodities smuggled and carried illegally on the aircraft, then the Director of the Customs Sub-department shall make a decision on supervision and levels of physical verification for the aforesaid aircraft, or carry out other professional approaches in accordance with the laws.
c. If the Airport Authority, Law Court, Police Office and other competent authorities submit a written document requesting the customs sub-department to cancel the customs procedures for the outgoing, incoming aircraft, then the Director of the customs sub-department shall collaborate with the authorities to handle the situation in accordance with the laws.
d. The duration for completing the customs procedures for the outgoing, incoming and in-transit aircraft shall be no later than 01 hour from the time the customs declarant submits or presents the sufficient customs documents stipulated in Article 61 hereof.
2. Customs supervision for outgoing, incoming and in-transit aircraft:
a. The customs authority shall rely on the information announced by the airport operation enterprise as stipulated in Article 64 hereof to carry out supervision for outgoing, incoming and in-transit aircraft throughout the time the aforesaid aircraft landing at the airports.
b. During the supervision time, if the customs authority verifies that there are commodities smuggled and carried illegally on the aircraft, it shall carry out inspection, prevention and impoundment for the aforesaid commodities according to the laws.”
35. Clause 1 is amended; Clause 3 and Clause 4 are added to Article 64 as follows:
1. No later than 24 hours for regular flights or 01 hour for irregular flights, before the arrival of incoming aircraft and before the airlines complete the airway procedures for outbound passengers and exported freight, the airport operation enterprise shall not be responsible for providing the following information for the Customs sub-department:
a. Aircraft nationality.
b. Type of aircraft.
c. Flight itinerary
d. Arrival and departure schedule.
Dd. Locations where aircraft park.
e. Passenger entrance gates.
g. Duration of loading and unloading cargos onto or off aircraft.
2. The airport operation enterprise shall notify the customs authority about the amendments made to the regulations stipulated in Clause 1 of this Article no later than 01 hour before the arrival and departure time of the aircraft.
3. The airport operation enterprise shall not be responsible for sharing the information data from the cameras with the customs authority to serve the purpose of carrying out customs supervision for outgoing, incoming and in-transit aircrafts and exported imported and transited commodities.
4. The responsibilities of the airline or its representative:
a. Provide sufficient, accurate and clear customs documents regarding the outgoing, incoming and in-transit aircraft as required and shall meet the stipulated deadline.
b. Take full responsibility before the laws about the authenticity of the declaration and the documents submitted to the National single-window portal; and about the information consistency between the documents kept at the enterprise and the documents kept at the customs authority.”
36. Article 65 is amended as follows:
“Article 65. Customs documents regarding the outgoing, incoming and in-transit ships.
1. As for incoming ships:
a. General declaration.
b. Manifest of cargos which is applicable to the cargo ships.
c. Information about the master bill of lading and house bill of lading for imported cargos which is applicable to cargo ships.
d. List of ship crew.
dd. Manifest of personal luggage carried by ship crew or ship employees.
e. Declaration of ship’s stores.
g. List of passengers on board which is applicable to passenger ships.
h. Manifest of dangerous cargos which is applicable to dangerous cargo ships
2. As for outgoing ship:
a. General declaration.
b. Manifest of cargos which is applicable to the cargo ships.
c. List of ship crew.
d. Manifest of personal luggage carried by ship crew or ship employees.
dd. Declaration of ship’s stores.
e. List of passengers on board which is applicable to passenger ships.
g. Manifest of dangerous cargos which is applicable to dangerous cargo ships
When completing customs procedures for outgoing ship, if there is any change made to the declared information, the customs declarant shall only submit the general declaration stipulated in point a of this Clause.
3. As for in-transit ship:
When the in-transit ship entering the customs territory, the customs declarant shall submit the entry customs documents stipulated in Clause 1 of this Article; when the aforesaid ship exiting the territory, if there is any change made by the customs declarant to the customs documents, he/she shall submit the changed documents instead.
4. Customs documents for ships change destinations:
The customs declarant shall submit customs documents stipulated in Article 95, Article 97, Decree No. 58/2017ND-CP dated May 10, 2017 of the Government.”
37. Clause 1, Clause 4, Article 66 are amended as follows:
“1. As for incoming ship:
a. Manifest of the cargos and information about the secondary seaway bills of lading shall be submitted no later than 12 hours before the estimated arrival time of the ships regarding ships with itineraries of less than 5 days; as for the ships with other itineraries, the manifest and information shall be submitted no later than 24 hours before the estimated arrival time of the ships.
b. Customs documents stipulated in point a, d, dd, e, g, h, Clause 1, Article 65 hereof shall be submitted no later than 08 hours before the estimated time of arrival of the ship.
4. The customs declarant shall submit the customs documents stipulated in Clause 1, Clause 2 and Clause 3, Article 65 hereof, through the National single-window portal and satisfy the information standards promulgated by the Ministry of Finance. If the customs declarant does not have sufficient information about the secondary seaway bill of lading, then issuer shall submit the information about the above bill through the National single-window portal within the time stipulated in Clause 1 of this Article.
If the system fails to perform the electronic transactions or if the customs declarant submits written documents, then the aforesaid declarant shall submit the written documents stipulated in Clause 1, Clause 2, Clause 3, Article 65 hereof in accordance with the regulations of the Ministry of Finance, no later than 02 hours from the moment the ship lay at anchor at the port, or no later than 04 hours from the moment the ship lay at anchor at a different place within the port according to the plan.
The customs declarant shall submit the electronic information through the National single-window portal right after the system gets fixed.”
38. Article 67 is amended as follows:
“Article 67. Receive and handle customs documents.
1. Receiving and handling customs documents for incoming, outgoing and in-transit ships:
a. The customs authority shall access customs information through the National single-window portal for 24 hours per day and 07 days per week.
If the customs declarant submits sufficient declaration that satisfies the information standards, then the customs authority shall send the approval of such declaration through the National single-window portal.
The customs authority shall provide explanation in writing to the customs declarant if the declaration is not sufficient and require the aforesaid declarant to provide additional documents through the National single-window portal.
b. The Director of the Customs Sub-department shall make a decision on physical verification for the ship that has commodities which are smuggled and illegally carried, or shall carry out other professional approaches in accordance with the laws.
c. If the customs declarant submits customs documents in writing, the customs authority shall receive and examine the documents stipulated in Article 25 hereof, and notify the port authority to complete the customs procedures for the incoming or outgoing ship. If the customs documents are insufficient, the customs authority shall request the declarant to submit additional documents.
d. If the following authorities request the customs authority to postpone the custom procedures: Maritime Administration, Law Court, police office, border post, quarantine authority; then the customs authority shall cooperate with other authorities to handle this situation in accordance with the laws.
2. Receiving and handling customs documents for in-transit ships and ships that change destinations:
a. At the port where the ship arrives, the customs authority shall carry out the activities stipulated in Clause 1 of this Article and also examine the documents submitted through the National single-window portal to access the information regarding the incoming or outgoing ship.
If the ship has any plan to change to a different destination in Vietnam, the Customs Sub-department within the area where the ship arrives, or the Customs Sub-department within the area where the ship exits, shall receive the documents submitted by the Maritime Administration, transportation company or shipping agent regarding the changing destination of the ship, and shall send the shipping report stipulated in the regulations of the Ministry of Finance to the Customs Sub-department within the area where the ship is expected to arrive at the next arrival port.
b. At the arrival port or exiting port:
The customs sub-department at the next port of arrival shall receive the shipping report and notify the customs sub-department that sent the aforesaid report and also complete customs procedures for the outgoing ship in accordance with Clause 1 of this Article.
c. If the ship has any plan to arrive at another port in Vietnam, the customs sub-department shall implement the regulations stipulated in point a of this Clause.
If the customs fails to carry out the electronic transactions and if the customs declarant submits documents in writing:
The cutsoms authority within the area where the ship arrives or exits shall make a shipping report issued by the Ministry of Finance, seal it and attach together with the customs documents stipulated in Clause 3, Article 65 hereof and give them to the declarant to submit to the customs authority where the ship arrives or exits at the next port.
The customs authority at the next arrival or exit port shall receive the sealed customs documents from the aforesaid declarant, notify the previous customs authority and complete customs procedures for the outgoing ship in accordance with the laws.
3. Responsibilities of the customs declarant:
Declare the information stipulated in Clause1, Clause 2, Article 65, Article 66 hereof when the ship enters or exits the port.
Submit the customs documents stipulated in Article 95, Article 97, of the Government’s Decree No. 58/2017/ND-CP dated May 10, 2017 through the National single-window portal when the ship change destination.
4. If there is any change to the customs documents regarding the incoming, outgoing and in-transit ship, the customs declarant shall submit additional documents through the National single-window portal to the customs authority. Deadline for submitting additional information:
a. For the customs documents stipulated in point b, point c, Clause 1, Article 65, the deadline for submitting additional documents shall be before or immediately after the ship arrives at the port; and the customs declarant shall also submit the explanation about the changes in writing to the customs authority.
b. For the customs documents stipulated in Clause 2, Article 65 hereof except documents stipulated in point b, Clause 2, Article 65, the deadline for submitting additional documents shall be within 24 hours from the moment the ship exits the port, and the customs declarant shall submit the explanation about the changes in writing to the customs authority.
c. For the in-transit ships or ships that change destinations, the deadline is stipulated in point a of this Clause when the ships enter the port or in point b when the ships exit the port.
d. If the customs declarant submits additional documents in writing to the customs authority, the deadline is stipulated in point a, point b, point c of this Clause.
5. Handling additional documents for the outgoing, incoming, in-transit ships or ships that change destinations:
The customs authority within the area where the customs procedures are completed shall rely on the written explanation submitted by the customs declarant to examine the additional documents and shall:
a. Update information to the system or provide explanation in writing if it rejects the additional documents.
b. Carry out management and/or supervision procedures according to the laws and provide information for the units or authorities to carry out other relevant professional approaches.
6. The duration for customs authority to complete customs procedures for outgoing, incoming, in-transit ships or ships that change destinations shall be no longer than 01 hour from the moment the declarant submits the documents stipulated in Article 65 hereof.”
39. Article 68 is amended as follows:
“Article 68. Responsibilities of the Maritime Administration, seaport operation enterprises, captains and transportation companies or transportation company representatives.
1. Responsibilities of the Maritime Administration:
a. Promptly notify the customs authority or other regulatory agencies at the seaport for collaboration purpose right after receiving the confirmation of the arrival time or expected exiting time of the ship.
b. Promptly notify the customs authority and other regulatory agencies at the seaport about the time and location for the ship to lay anchor right after deciding to allow the incoming, outgoing and in-transit ships to move into the seaport or change locations for laying anchor (if any).
c. Send the exit permit or maneuvering decision to the customs authority at the same seaport through the National single-window portal. If the maritime administration does not have access to the National single-window portal, then right after issuing the exit permit or maneuvering decision, it shall send 01 copy of the aforesaid document to the customs authority.
2. Responsibilities of the seaport operation enterprise:
a. Share camera datas with the customs authority to serve the purpose of carrying out customs supervision for the ships and the exported and imported cargos which are stored at the seaport.
b. Notify the customs authority about the location of the expected warehouse that stores imported cargos before unloading the cargos at the seaport.
c. Collaborate in customs supervision and inspection for the exported or imported cargos that are stored at the seaport according to the Law on customs and guidance of the Ministry of Finance.
3. Responsibilities of the Captain:
a. Operate the ship towards the right shipping line and lay anchor at the right port as guided by the competent authority from the moment it arrives at Vietnam's port of entry until it arrives at the customs territory, and from the time it exits the customs territory until it exits Vietnam. If the shipping line is changed, the location for laying anchor shall be permitted by the competent authority.
b. Can only transport cargos and items from the ship at the location for laying anchor when permitted by the customs authority.
4. The responsibilities of the transportation company and its representative:
a. Provide sufficient, accurate and clear customs documents for outgoing, incoming, in-transit ships and ships that change destinations by the deadline stipulated in the regulations.
b. Take full responsibility before the laws about the authenticity of the declaration and the documents submitted to the National single-window portal; and about the information consistency between the documents kept at the enterprise and the documents kept at the customs authority.”
40. Clause 1, Clause 2, Article 70 are amended as follows:
“1. At inland intermodal rail terminals:
a. Written confirmation of the order of trains which is applicable to those that complete the customs procedures at international intermodal rail terminals located in inland areas: 01 original.
b. Bill of lading (if any): 02 copy.
c. Manifest of the cargos transported at the above terminals. The manifest shall be written in the form issued by the Ministry of Finance: 01 original.
d. A list of passengers on board and passengers who complete the customs procedures at the international intermodal rail terminals located in inland areas (if any): 01 original.
2. At the international intermodal rail terminal at borders:
a. Documents stipulated in point b, point c, Clause 1 of this Article.
b. Intermodal freight transfer document.
c. Bill of lading (if any): 01 copy.
d. Written confirmation of train order: 01 original.
dd. A list of passengers on board and passengers who complete the customs procedures at the international intermodal rail terminals located at borders (if any): 01 original.”
41. Clause 4 is added to Article 71 as follows:
“4. The Head of the terminal and the train or the legal representative shall submit the documents stipulated in Article 69, Article 70 hereof using the form promulgated by the Ministry of Finance.”
42. Point e, Clause 1, is added to Article 72 as follows:
“e. If there is any sign of cargos being illegally transported, the Director of the sub-department shall carry out physical verification for these cargos or other professional approaches according to the laws.”
43. Article 74 is amended as follows:
“Article 74. Customs documents for incoming cars, motorbikes.
1. As for incoming cars, motorbikes (temporarily imported foreign cars, and motorbikes; re-imported Vietnamese cars, and motorbikes) the customs declarant shall submit:
a. The original of intermodal transportation permit granted by the competent agency.
b. The original of vehicle registration certificate for temporarily imported foreign cars, and motorbikes.
c. 01 original of the list of passengers which is applicable to passenger cars.
d. The original of customs declaration of temporarily imported - re-exported road transport; or the original of the customs declaration of temporarily exported - re-imported road transport which is certified by the Customs sub-department at the border gate where customs procedures for temporarily export are completed.
dd. As for cars and motorbikes belong the organizations or individuals of a third country that are not subject to entities of the international agreement to which the Government of Vietnam is a signatory, when enter the port of entry, the customs declarants shall submit the documents stipulated in point a, b, c, d of this Clause and the permit or approval from the competent authority of Vietnam.
2. As for the cars allowed to move into Vietnam under the Convention on facilitation of passenger and commodity transportation across borders between Greater Mekong Subregion countries, provisions enshrined in such Convention and guiding documents shall prevail.
3. As for the cars designed with right-handed drive system as stipulated in the Government’s Decree No. 80/2009/ND-CP dated October 10, 2009 and vehicles moved into Vietnam by foreigners for the purpose of tourism as stipulated in the Government's Decree No. 152/2013/ND-CP dated November 04, 2013, the customs documents shall include:
a. The original of the written permit granted by the Ministry of Transport.
b. The original of vehicle registration certificate.
c. The original of the customs declaration of temporarily imported – re-exported road transport.
44. Clause 1, Clause 3, Article 75 are amended as follows:
“1. As for outgoing cars, motorbikes (temporarily exported Vietnamese cars, motorbikes; re-exported foreign cars, motorbikes), the customs declarant shall submit or present the following:
a. The original of intermodal transportation permit granted by the competent agency.
b. The original of vehicle registration certificate for temporarily exported Vietnamese cars, motors and motorbikes.
c. 01 original of the list of passengers which is applicable to passenger cars.
d. The original of customs declaration of temporarily exported - re-imported road transports issued by the Ministry of Finance; or the original of the customs declaration of temporarily imported - re-exported road transports which is certified by the Customs sub-department at the border gate where customs procedures for temporarily import are completed.
3. As for the cars designed with right-handed drive system as stipulated in the Government’s Decree No. 80/2009/ND-CP dated October 10, 2009 and vehicles moved into Vietnam by foreigners for the purpose of tourism as stipulated in the Government's Decree No. 152/2013/ND-CP dated November 04, 2013, the customs documents shall include:
a. The original of the written permit granted by the Ministry of Transport.
b. The original of vehicle registration certificate.
c. The original of customs declaration of temporarily imported - re-exported road transports which is certified by the Customs sub-department at the border gate where customs procedures for temporarily imports are completed.”
45. Article 76 is amended as follows:
“Article 76. Deadline for providing customs documents.
1. As incoming cars and motorbikes: When the cars and motorbikes arrive at the border gates, the drivers or the legal representatives shall submit or present to the border gate Customs Sub-department the documents stipulated in Article 74 hereof.
2. As for outgoing cars and motorbikes: When the cars and motorbikes arrive at the border gates, the drivers or the legal representatives shall submit or present to the Customs Sub-department the documents stipulated in Article 75 hereof.”
46. Article 77 is amended as follows:
“Article 77. Customs procedures, customs supervision and inspection procedures for outgoing and incoming cars and motorbikes.
1. Responsibilities of the customs declarant:
a. Write and sign the customs declaration for temporarily imported – re-exported, temporarily exported – re-imported road transport, using the form issued by the Ministry of Finance; submit and present the customs documents stipulated in Article 74, 75, 76 hereof. Take the vehicles to the scanning area as required by the customs authority.
b. If the customs declarant can't submit the customs declaration of temporarily imported - re-exported or the customs declaration of temporarily exported - re-imported of road transport which is certified by the Customs Sub-department, then the aforesaid declarant shall provide explanation in writing and rewrite the customs declaration of temporarily imported – re-exported or the customs declaration of temporarily exported - re-imported road transport.
2. Responsibilities of the customs authority:
a. Receive the customs documents submitted by the customs declarant and put this information into the management software for road transports.
b. Examine the information provided in the customs documents according to the Article 74, 75 hereof and according to the Government’s regulations on managing foreign vehicles which are moved into Vietnam.
c. Reject receiving application which is insufficient and invalid, and provide explanation about this decision and information regarding the additional documents required to submit.
d. Print out the customs declaration of temporarily imported – re-exported vehicles or the declaration of temporarily exported—re-imported vehicles from the system when the application is sufficient and valid. Append the customs authority’s seal and the "VIETNAM CUSTOMS" seal promulgated by the Director of the General Department of Customs on the declaration; give the aforesaid declaration to the customs declarant to complete the customs procedures for re-imported or re-exported vehicles; and keep the aforesaid declaration.
dd. Provide free customs declaration of means of transport for the declarant when the management software does not work; and provide guidance on declaring information for the declarant.
e. Apply risk management method to inspection of customs documents, physical verification and confirmation of temporary import - re-export or temporary export – re-import of incoming or outgoing cars and motorbikes.
3. Customs inspection for incoming and outgoing vehicles:
The Director of the Customs sub-department, when relying on the risk management method or having reasonable grounds to verify that there are commodities which are smuggled or illegally carried on the vehicles, shall make a decision on physical inspection for the aforesaid vehicles or carry out other professional approaches according to the laws.
4. Customs supervision for the incoming and outgoing cars and motorbikes.
a. Within the customs controlled area, the customs authority shall take charge and use technical equipment to carry out supervision for incoming and outgoing cars and motorbikes..
b. Outside the customs controlled area, the police office shall take charge and cooperate with related departments to carry out inspection and supervision for the incoming and outgoing cars and motorbikes.
5. Complete procedures for Single Windows Inspection/ Single Stop Inspection (abbreviated as SWI/SSI) or National single-window system.”
47. Article 77a is added as follows:
“Article 77a. Customs procedures for special cases:
1. If the transports conveying passengers have a fixed schedule or regularly exit or enter the same port according to the intermodal transportation permit, then the drivers are required to submit customs declaration only once (01) within 30 days. Other outgoing and incoming period shall be updated to the book or the system by the customs authority and this authority shall also liquidate the customs declaration for the last re-export or re-import.
2. If the outgoing or incoming means of transport are heavy rescue vehicles without a permit, then the customs procedures shall be carried out as follows:
a. The drivers of the incoming or outgoing heavy rescue vehicles shall provide information in the customs declaration and present the documents related to the vehicles and also their identity documents.
b. The customs authority shall receive the documents submitted by the declarant, carry out physical verification for the vehicles, update information to the management software of road transport and notify the related units or organizations for the purpose of collaborating with each other to keep track and handle customs documents.
3. If the cars have personalized license plates of border area’s economic zone:
a. The cars with the personalized license plates when entering the port shall complete the customs procedures for temporary import - re-export according to the laws;
b. If the cars with personalized license plates have an intermodal transportation permit, then they shall complete the customs procedures for temporary export - re-import according to the laws.
4. If the vehicles including cars and motorbikes of the organizations or individuals of a third country that are not subject to entities of the international agreement to which the Government of Vietnam is a signatory, then during the process of exiting or entering Vietnam, the declarants of the aforesaid vehicles shall submit a permit granted by a Vietnam's competent authority in order to complete the their customs procedures.
5. The in-transit vehicles while entering or exiting the port shall complete customs procedures stipulated in Article 74, 75, 76, and 77 hereof.
6. When completing the customs procedures for temporary importation, the declarants of vehicles of organizations or individuals of a neighboring country signing the bilateral transport agreement with Vietnam shall submit a permit granted by the Vietnam’s competent authority in order to export the aforesaid vehicles to another neighboring country which signs the aforesaid agreement with Vietnam.”
48. Article 79 is amended as follows:
“Article 79. Customs procedures for waterway transports which enter or exit through waterway border checkpoints.
1. As for the customs documents for the incoming waterway transports (temporarily imported foreign boats or canoes; re-imported Vietnamese boats or canoes), the customs declarant is required to submit or present the following documents:
a. The original of the waterway transport permit across borders granted by a competent authority.
b. The original of transport registration certificate for temporarily imported foreign waterway means of transport.
c. 01 original of customs declaration of temporarily imported – re-exported waterway transports, or 01 original of customs declaration of temporarily exported – re-imported waterway transports, certified by the bordergate Customs Sub-department where customs procedures for temporary export are completed.
d. 01 original of the list of passengers on board (if any).
dd. The original of manifest of materials and articles stored on board
e. The original of manifest of personal luggage carried by boat crew or boat employees.
g. 01 original of manifest of cargos which is applicable to cargo boats.
h. 01 original of the list of passengers which is applicable to passenger boats.
2. Customs documents for outgoing waterway transports (re-exported foreign boats or canoes, temporarily exported Vietnamese boats or canoes), the customs declarant is required to submit or present the following documents:
a. The original of the waterway transport permit across borders granted by a competent authority.
b. The original of transport registration certificate for temporarily exported Vietnamese waterway transports.
c. 01 original of customs declaration of temporarily exported – re-imported waterway transports, or 01 original of customs declaration of temporarily imported – re-exported waterway transports, certified by the border gate Customs Sub-department where customs procedures for temporary import are completed.
d. 01 original of the list of passengers on board (if any).
dd. The original of manifest of materials and articles stored on board; use the form issued by the Ministry of Finance.
e. 01 original of the manifest of personal luggage carried by boat crew or boat employees.
g. 01 original of manifest of cargos which is applicable to cargo boats.
h. 01 original of the list of passengers which is applicable to passenger boats.
3. Responsibilities of the customs declarant: Write and sign the customs declaration of temporarily imported – re-exported waterway transports or the customs declaration of temporarily exported -re-imported waterway transports using the form issued by the Ministry of Finance; submit customs documents of outgoing or incoming waterway transports (boats, canoes) according to Clause 1, Clause 2 of this Article; take full responsibility about the authenticity of the information provided for the customs authority.
If the customs declarant can’t submit or present the customs declaration of temporarily imported – re-exported waterway transports or the customs declaration of temporarily exported - re-imported waterway transports which is certified by the border gate Customs Sub-department, then the aforesaid declarant shall provide explanation in writing and rewrite either of the above customs declaration.
If the electronic system works well, the customs declarant shall provide information through this system according to the regulations.
4. Receiving and handling customs documents:
a. The customs authority shall receive the customs documents and apply risk management method to inspection of the aforesaid documents, physical verification and confirmation of temporary import – re-export or temporary export – re-import for incoming and outgoing waterway transports.
If the customs documents are insufficient and invalid, the customs authority shall reject receiving the aforesaid documents, and provide explanation about this rejection and information regarding the additional documents required to submit for the customs declarant.
When the application is sufficient and valid, the customs authority shall print out the customs declaration of temporarily imported – re-exported waterway transports or the declaration of temporarily exported—re-imported waterway transports from the system; append the customs authority’s seal and the "VIETNAM CUSTOMS" seal promulgated by the Director of the General Department of Customs on the declaration; give the aforesaid declaration to the customs declarant to complete the customs procedures for re-imported or re-exported waterway transports; and keep the aforesaid declaration.
b. During the supervision time, if the customs authority verifies that there are commodities smuggled and carried illegally, the customs authority shall carry out inspection, prevention and impoundment for the aforesaid commodities according to the laws.
5. As for foreign boats transit via Vietnam to Cambodia or foreign boats from Cambodia transit via Vietnam to go broad; or Vietnamese boats or Cambodian boats with (IMO) number that enter or exit Vietnam through the Tien and Hau rivers, the customs procedures for the aforesaid boats shall be carried out in accordance with Article 65, 66, 67, 68 hereof.
6. Customs supervision for the waterway transports.
a. Within the customs controlled area, the customs authority shall use technical equipment to carry out supervision for incoming and outgoing waterway transports.
b. Outside the customs controlled area, the police office shall take charge and cooperate with related departments to carry out inspection and supervision for the incoming and outgoing waterway transports.”
49. Clause 2, Clause 3, Clause 5, Clause 6, Article 81 are amended as follows:
“2. Transports of individuals or organizations that move into border areas for the purpose of delivering or taking delivery of commodities shall include:
a. Light trucks moved from foreign countries into border areas or venues within the border area’s economic zone for the purpose of delivering imports or taking delivery of exports.
b. Light trucks move out of Vietnam’s border areas for the purpose of delivering exports or taking delivery of imports, and later come back to Vietnam.
c. Foreign boats or ships that move into the border areas or venues within the border area's economic zone for the purpose of delivering imports or taking delivery of exports.
d. Boats or ships move out of Vietnam’s border areas for the purpose of delivering exports or taking delivery of imports, and later come back to Vietnam.
The permitted duration for the transports stipulated in point a, b, Clause 2 of this Article to deliver and take delivery of commodities shall not be longer than 48 hours, and the permitted duration for the transports stipulated in point c, d, Clause 2 of this Article shall be no longer than 72 hours.
As for the transports stipulated in this Clause, the driver shall present the identity documents (driver license, ID card or passport, the date of issue of these documents) and/or the transports registration documents to the customs authority in order for them to examine and supervise the aforesaid documents in accordance with the laws.
3. Simple transports are human-powered transports (including rickshaw or pedicab). Simple transports operating at ports of entry or border areas. The customs declarant who complete customs procedures for his/her simple transports shall submit customs declaration of exports or imports (or documents proving they are imports or exports) to the customs authority if they transport exports or imports.
The customs authority shall be responsible for supervising the simple transports during their operational time at the border areas.
5. Transports of individuals, agencies or organizations commute at border areas for daily needs shall be registered with the customs authority (once (01) a year) in order to be examined or supervised in accordance with the laws. During the period of completing the registration, if the individuals, agencies or organizations commute at the border areas, they shall not be required to complete customs procedures for their transports.
6. The transports stipulated in this Article shall only be temporarily imported – re-exported or temporarily exported - re-imported through the same border gate. The customs authority shall be responsible for supervising the outgoing or incoming transports in accordance with the laws. If there are reasonable grounds to verify that there are commodities which are smuggled or carried illegally on the transports, the customs authority shall carry out physical verification for the aforesaid transports and handle the situation in accordance with the laws.”
50. Clause 3, Clause 6, Article 98 are amended as follows:
“3. The power to decide to carry out customs inspection after performing customs clearance shall be exercised in the cases stipulated in Clause 1, Clause 2, Article 78 of the Law on Customs:
a. Directors of Customs departments of provinces or central-affiliated cities shall make a decision to carry out customs inspection for the declarants who have enterprises with the tax codes belonging to the areas within the control of the aforesaid departments.
b. The Directors of the Customs Post-clearance Inspection Departments shall make a decision to carry out customs inspection nationwide.
6. As for the cases where inspection conclusion needs professional advice from the competent authority, and the customs authority does not have reasonable grounds to arrive at the conclusion, then the permitted period for signing document to promulgate the aforesaid conclusion shall be 15 days from the date on which the advice from the competent authority is obtained. The competent authority shall give their advice within 30 days from the date on which the request from the customs authority is received.
If the competent authority fails to give advice in writing regarding the inspection conclusion, then the customs authority shall promulgate the conclusion based on the current customs documents.”
51. Clause 3, Article 101 is amended as follows:
“3. Ministry of Finance provides guidance on professional customs control methods and stipulates supportive policies to ensure that the aforesaid methods are applied.”
52. Article 104a is added as follows:
“Article 104a. Technical means for preventing smuggling and illegal transport across borders.
1. In order to prevent commodities being smuggled or illegally carried across borders by road, sea and inland waterway transport, the customs authority shall be equipped with cars, motorbikes, high-speed crafts, motorboats, canoes, and other technical means that have warning lights, flags, icons, flares, loudspeakers and whistles.
2. The customs officials while on duty shall have priority to chase, carry out physical verification for the transports and commodities which are smuggled and illegally carried across borders, arrest the smugglers and carry out other emergency tasks according to the laws.”
53. Clause 1, Article 106 is amended as follows:
“1. The customs authority shall be responsible for collecting customs information including:
a, Receive and handle customs information through the supply, exchange, connection and sharing of information with regulatory agencies, organizations or individuals pertaining to customs sector.
b. Assign customs officials to go abroad to collect information regarding customs sector in order to serve the management needs of the government according to Clause 1, Article 6, Article 96 of the Law on Customs.
The Ministry of Finance provides guidance on collecting customs information stipulated in this point.
c. Apply other professional customs methods to collect information regarding commodities, transports, organizations and individuals involved in export, import, entry, exit and transit activities.”
1. This Decree shall come into force from June, 05, 2018.
2. Take out the phrase “post-clearance” in Clause 2 Article 40, Clause 4 Article 61, Clause 5 Article 66, Article 58, 78, 80 of the Government’s Decree No. 08/2015/ND-CP dated January 21, 2015.
Article 3. Guidance on implementation.
1. The Ministry of Finance shall provide guidance on implementing this Decree.
2. The Ministers, Head of ministerial-level agencies, Heads of Governmental agencies, Presidents of the People's Committees of provinces or central-affiliated cities shall take responsibility to implement this Decree.
|
PP. THE GOVERNMENT |
------------------------------------------------------------------------------------------------------