Nghị định 53/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật An ninh mạng
Số hiệu: | 53/2022/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Vũ Đức Đam |
Ngày ban hành: | 15/08/2022 | Ngày hiệu lực: | 01/10/2022 |
Ngày công báo: | 08/05/2023 | Số công báo: | Từ số 691 đến số 692 |
Lĩnh vực: | Công nghệ thông tin, Văn hóa - Xã hội | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Ngày 15/8/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 53/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng.
Theo đó, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải thực hiện lưu trữ những dữ liệu sau tại Việt Nam (hình thức lưu trữ sẽ do doanh nghiệp quyết định):
- Dữ liệu về thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam;
- Dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra: tên tài khoản, thời gian sử dụng dịch vụ, thông tin thẻ tín dụng, địa chỉ thư điện tử, địa chỉ mạng (IP) đăng nhập, đăng xuất gần nhất, số điện thoại đăng ký được gắn với tài khoản hoặc dữ liệu;
- Dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam: bạn bè, nhóm mà người sử dụng dịch vụ kết nối hoặc tương tác.
Thời gian lưu trữ dữ liệu bắt đầu từ khi doanh nghiệp nhận được yêu cầu lưu trữ dữ liệu đến khi kết thúc yêu cầu; thời gian lưu trữ tối thiểu là 24 tháng.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Luật An ninh mạng 2018 thì các doanh nghiệp nêu trên khi có các hoạt động sau phải thực hiện lưu trữ dữ liệu theo quy định:
- Thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân;
- Dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ;
- Dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra.
Nghị định 53/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2022.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
Nghị định này quy định chi tiết điểm a, b, c, d, đ, g, i, k, l khoản 1 Điều 5, khoản 4 Điều 10, khoản 5 Điều 12, khoản 1 Điều 23, khoản 7 Điều 24, khoản 2, 4 Điều 26, khoản 5 Điều 36 Luật An ninh mạng, gồm các nội dung sau:
1. Các biện pháp bảo vệ an ninh mạng: thẩm định an ninh mạng; đánh giá điều kiện an ninh mạng; kiểm tra an ninh mạng; giám sát an ninh mạng; ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng; sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin mạng; yêu cầu xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; thu thập dữ liệu điện tử liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên không gian mạng; đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, thu hồi tên miền.
2. Căn cứ, trình tự, thủ tục xác lập và công tác phối hợp giữa các bộ, ngành chức năng có liên quan trong thẩm định, đánh giá, kiểm tra, giám sát, ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
3. Điều kiện an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
4. Nội dung triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị ở trung ương và địa phương.
5. Trình tự, thủ tục kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân không thuộc Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia theo các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 24.
6. Việc lưu trữ dữ liệu và đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam đối với các doanh nghiệp được quy định tại khoản 3 Điều 26.
7. Việc phân công, phối hợp thực hiện các biện pháp bảo vệ an ninh mạng, phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng trong trường hợp nội dung quản lý nhà nước liên quan đến phạm vi quản lý của nhiều bộ, ngành.
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Dữ liệu về thông tin cá nhân là dữ liệu về thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự để xác định danh tính một cá nhân.
2. Người sử dụng dịch vụ là tổ chức, cá nhân tham gia sử dụng dịch vụ trên không gian mạng.
3. Người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam là tổ chức, cá nhân sử dụng không gian mạng trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
4. Dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ là dữ liệu về thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự phản ánh, xác định mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ với người khác trên không gian mạng.
5. Dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra là dữ liệu về thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự phản ánh quá trình tham gia, hoạt động, sử dụng không gian mạng của người sử dụng dịch vụ và các thông tin về thiết bị, dịch vụ mạng sử dụng để kết nối với không gian mạng trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
6. Dịch vụ trên mạng viễn thông là dịch vụ viễn thông, dịch vụ ứng dụng viễn thông theo quy định của pháp luật.
7. Dịch vụ trên mạng Internet là dịch vụ Internet và dịch vụ cung cấp nội dung trên nền internet theo quy định của pháp luật.
8. Dịch vụ gia tăng trên không gian mạng là dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật.
9. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng bao gồm:
a) Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an;
b) Cục Bảo vệ an ninh Quân đội, Tổng cục Chính trị và Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng thuộc Bộ Quốc phòng.
10. Chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý trực tiếp đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, gồm những trường hợp sau:
a) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
b) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
c) Các tổ chức chính trị ở Trung ương;
d) Cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án xây dựng, thiết lập, nâng cấp, mở rộng hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
11. Doanh nghiệp trong nước là doanh nghiệp được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo pháp luật Việt Nam và có trụ sở chính tại Việt Nam.
12. Doanh nghiệp nước ngoài là doanh nghiệp được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo pháp luật nước ngoài.
Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia là hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước và tổ chức chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm:
1. Hệ thống thông tin quan trọng quốc gia theo quy định của Luật An toàn thông tin mạng.
2. Hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của các công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia theo quy định của pháp luật.
3. Hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành, điều khiển hoạt động của công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia theo quy định của pháp luật.
4. Hệ thống thông tin thuộc các lĩnh vực được quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật An ninh mạng khi bị sự cố, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt, tấn công hoặc phá hoại sẽ gây ra một trong các hậu quả sau đây:
a) Trực tiếp tác động đến độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, sự tồn tại của chế độ và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b) Gây hậu quả nghiêm trọng đến quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại làm suy yếu khả năng phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng đến nền kinh tế quốc dân;
d) Gây thảm họa đối với đời sống con người, môi trường sinh thái;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng đến hoạt động của công trình xây dựng cấp đặc biệt theo phân cấp của pháp luật về xây dựng;
e) Gây hậu quả nghiêm trọng đến hoạt động hoạch định chủ trương, chính sách thuộc phạm vi bí mật nhà nước;
g) Ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự chỉ đạo điều hành trực tiếp của các cơ quan Đảng, Nhà nước ở trung ương.
1. Chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm rà soát, đối chiếu với quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định này, lập hồ sơ đề nghị đưa hệ thống thông tin thuộc thẩm quyền quản lý của mình vào Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
2. Đối với hệ thống thông tin thuộc Danh mục hệ thống thông tin quan trọng quốc gia:
a) Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm gửi Bộ Công an hồ sơ hệ thống thông tin quan trọng quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để xác lập Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia;
b) Trong trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều này, chủ quản hệ thống thông tin quan trọng quốc gia không phải lập hồ sơ đề nghị đưa hệ thống vào Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia;
c) Bộ Công an có trách nhiệm đưa những hệ thống thông tin quan trọng quốc gia vào Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia theo trình tự, thủ tục quy định; thông báo cho chủ quản các hệ thống thông tin này về việc hệ thống thông tin được đưa vào Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia và thực hiện các trách nhiệm tương ứng.
3. Trường hợp hệ thống thông tin trong quá trình thẩm định về cấp độ an toàn thông tin mà xét thấy có đủ căn cứ để đưa vào Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chuyển hồ sơ cho Bộ Công an để thẩm định hồ sơ đề nghị đưa hệ thống thông tin vào Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
4. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát các hệ thống thông tin có căn cứ phù hợp với quy định tại Điều 3 Nghị định này và yêu cầu chủ quản hệ thống thông tin lập hồ sơ đề nghị đưa hệ thống thông tin thuộc thẩm quyền quản lý của mình vào Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
5. Hồ sơ đề nghị đưa hệ thống thông tin vào Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia:
a) Văn bản đề nghị đưa hệ thống thông tin vào Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia (Mẫu số 01 Phụ lục);
b) Văn bản cung cấp danh mục toàn bộ hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức (Mẫu số 02 Phụ lục);
c) Tài liệu chứng minh kèm theo, gồm: Tài liệu mô tả, thuyết minh tổng quan về hệ thống thông tin; tài liệu thiết kế thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc tài liệu có giá trị tương đương; tài liệu chứng minh sự phù hợp với căn cứ đề xuất đưa hệ thống thông tin vào Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; tài liệu thuyết minh phương án bảo vệ hệ thống thông tin (phương án bảo đảm an toàn hạ tầng mạng; an toàn máy chủ; an toàn ứng dụng; an toàn cơ sở dữ liệu; chính sách quản lý; tổ chức, nhân sự; quản lý thiết kế, xây dựng; quản lý vận hành; kiểm tra, đánh giá và quản lý rủi ro).
6. Hồ sơ đề nghị đưa hệ thống thông tin vào Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia được lập thành 01 bản chính, gửi về:
a) Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an, trừ quy định tại điểm b và điểm c khoản này;
b) Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng thuộc Bộ Quốc phòng đối với các hệ thống thông tin quân sự.
c) Ban Cơ yếu Chính phủ đối với các hệ thống thông tin cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ.
7. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ tại khoản 6 Điều này có trách nhiệm phản hồi ý kiến bằng văn bản về hồ sơ đã tiếp nhận (Mẫu số 03 Phụ lục).
1. Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an thẩm định hồ sơ đề nghị đưa hệ thống thông tin vào Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia theo quy định, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
2. Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng thuộc Bộ Quốc phòng hướng dẫn lập hồ sơ, tiếp nhận và thẩm định hồ sơ đề nghị đưa hệ thống thông tin quân sự vào Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
3. Ban Cơ yếu Chính phủ thẩm định hồ sơ đề nghị đưa hệ thống thông tin cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ vào Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
4. Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị đưa hệ thống thông tin vào Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia:
a) Đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia có liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực hoặc việc thẩm định cần có ý kiến của nhiều bộ, ngành chức năng;
b) Hội đồng thẩm định làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, tự giải thể khi hoàn thành nhiệm vụ. Căn cứ tính chất, vai trò của hệ thống thông tin, thành viên Hội đồng thẩm định có thể bao gồm Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ và các cơ quan, đơn vị có liên quan. Tùy từng trường hợp cụ thể, Hội đồng thẩm định mời chủ quản hệ thống thông tin tham dự họp thẩm định;
c) Hội đồng thẩm định có trách nhiệm thẩm định cấp độ an toàn hệ thống thông tin và hồ sơ đề nghị đưa hệ thống thông tin vào Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
5. Kết quả họp Hội đồng thẩm định được sử dụng chung phục vụ công tác an ninh mạng, an toàn thông tin mạng.
6. Trường hợp cần xác thực thông tin trong hồ sơ và hiện trạng thực tế của hệ thống thông tin được nêu trong hồ sơ, cơ quan thẩm định quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này tổ chức khảo sát, kiểm tra thực tế để thẩm định đề nghị đưa hệ thống thông tin vào Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Thời gian khảo sát, kiểm tra thực tế không quá 20 ngày.
Kết quả khảo sát được lập thành biên bản có xác nhận của cơ quan thẩm định và chủ quản hệ thống thông tin.
7. Chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện cho công tác thẩm định, khảo sát, kiểm tra và bổ sung hồ sơ theo đề nghị của cơ quan thẩm định.
8. Thời gian, trình tự thẩm định hồ sơ:
a) Thời gian thẩm định hồ sơ là 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ đề nghị đưa hệ thống thông tin vào Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia hoặc kết thúc quá trình khảo sát theo quy định tại khoản 6 Điều này;
b) Thời gian xác nhận hồ sơ hợp lệ là 03 ngày làm việc sau khi nhận đủ hồ sơ đề nghị đưa hệ thống thông tin vào Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia;
c) Kết thúc thời gian thẩm định, cơ quan thẩm định hoàn tất hồ sơ đề xuất Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, cập nhật quyết định theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, có văn bản thông báo kết quả thẩm định cho chủ quản hệ thống thông tin (Mẫu số 04 Phụ lục);
d) Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định gia hạn thời gian thẩm định. Thời gian gia hạn không quá 20 ngày.
9. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ thống nhất cơ chế trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định xác lập, cập nhật Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
1. Khi xét thấy hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia do mình quản lý không còn đáp ứng căn cứ quy định tại Điều 3 Nghị định này, chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia lập hồ sơ đề nghị đưa hệ thống thông tin ra khỏi Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
2. Hằng năm, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng căn cứ chức năng, nhiệm vụ rà soát các hệ thống thông tin không còn tiêu chí phù hợp với quy định tại Điều 3 Nghị định này và yêu cầu chủ quản hệ thống thông tin lập hồ sơ đề nghị đưa hệ thống thông tin thuộc thẩm quyền quản lý ra khỏi Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
3. Hồ sơ đề nghị đưa hệ thống thông tin ra khỏi Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, bao gồm:
a) Văn bản đề nghị đưa hệ thống thông tin ra khỏi Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia (Mẫu số 05 Phụ lục);
b) Văn bản, tài liệu cần thiết khác có liên quan trực tiếp đến việc đề nghị đưa hệ thống thông tin ra khỏi Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
4. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền xem xét, quyết định đưa hệ thống thông tin ra khỏi Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia được áp dụng theo quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền xem xét, quyết định đưa hệ thống thông tin vào Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
1. Việc bảo vệ an ninh mạng, an toàn thông tin mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia được thực hiện theo quy định của pháp luật về an ninh mạng, an toàn thông tin mạng.
2. Nguyên tắc phối hợp
a) Áp dụng quy định của pháp luật về an ninh mạng, an toàn thông tin mạng đối với thẩm định, đánh giá, kiểm tra, giám sát, ứng phó, khắc phục sự cố đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia;
b) Trường hợp cần có sự phối hợp của nhiều bên liên quan, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ căn cứ Luật An ninh mạng chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành có liên quan tổ chức thẩm định, đánh giá, kiểm tra, giám sát, ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia theo chức năng, nhiệm vụ được giao;
c) Quá trình phối hợp bảo đảm tuân thủ quy định của các điều ước quốc tế và các quy định của tổ chức quốc tế mà Việt Nam tham gia, Luật An ninh mạng và pháp luật có liên quan, chủ động, thường xuyên, kịp thời và đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
3. Phương thức phối hợp
a) Bộ Công an gửi văn bản đề nghị các bộ, ngành có liên quan cử thành viên tham gia thẩm định, đánh giá, kiểm tra, giám sát, ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia;
b) Các bộ, ngành có liên quan có trách nhiệm cử thành viên tham gia đầy đủ các hoạt động trong quá trình thẩm định, đánh giá, kiểm tra, giám sát, ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia theo nội dung đề nghị;
c) Hồ sơ, văn bản tài liệu phục vụ thẩm định, đánh giá, kiểm tra, giám sát, ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia được Bộ Công an sao gửi tới thành viên tham gia theo quy định.
4. Việc phối hợp giám sát đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia phục vụ công tác bảo vệ an ninh mạng, an toàn thông tin mạng:
a) Các lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng có trách nhiệm chia sẻ với nhau và với Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông về dữ liệu giám sát an ninh mạng, an toàn thông tin mạng phục vụ thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao;
b) Trường hợp đã thực hiện giám sát an toàn thông tin mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, dữ liệu giám sát được chia sẻ, dùng chung phục vụ công tác bảo vệ an ninh mạng, an toàn thông tin mạng;
c) Chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia có trách nhiệm bố trí mặt bằng, điều kiện kỹ thuật, thiết lập, kết nối hệ thống, thiết bị giám sát của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng vào hệ thống thông tin do mình quản lý nhằm phát hiện, cảnh báo sớm nguy cơ an ninh mạng.
1. Căn cứ vào các quy định bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật công tác, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn thông tin mạng và các tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành khác có liên quan, chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia xây dựng các quy định, quy trình, phương án bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia do mình quản lý.
2. Nội dung các quy định, quy trình, phương án về bảo vệ an ninh mạng phải quy định rõ hệ thống thông tin và thông tin quan trọng cần ưu tiên bảo vệ; quy trình quản lý, kỹ thuật, nghiệp vụ trong sử dụng, bảo vệ an ninh mạng đối với dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật; điều kiện về nhân sự làm công tác quản trị mạng, vận hành hệ thống, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng và hoạt động soạn thảo, lưu trữ, truyền đưa bí mật nhà nước qua hệ thống thông tin; trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân trong quản lý, vận hành, sử dụng; chế tài xử lý những hành vi vi phạm.
1. Có bộ phận phụ trách về vận hành, quản trị hệ thống và bảo vệ an ninh mạng.
2. Nhân sự phụ trách về vận hành, quản trị hệ thống và bảo vệ an ninh mạng phải có trình độ chuyên môn về an ninh mạng, an toàn thông tin mạng, công nghệ thông tin; có cam kết bảo mật thông tin liên quan đến hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia trong quá trình làm việc và sau khi nghỉ việc.
3. Có cơ chế hoạt động độc lập về chuyên môn giữa các bộ phận vận hành, quản trị, bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
1. Các thiết bị phần cứng là thành phần hệ thống phải được kiểm tra an ninh mạng để phát hiện điểm yếu, lỗ hổng bảo mật, mã độc, thiết bị thu phát, phần cứng độc hại bảo đảm sự tương thích với các thành phần khác trong hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Các thiết bị quản trị phải được cài đặt hệ điều hành, phần mềm sạch, có các lớp tường lửa bảo vệ. Hệ thống thông tin xử lý bí mật nhà nước không được kết nối với mạng Internet.
2. Sản phẩm đã được lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng, an toàn thông tin mạng cảnh báo, thông báo nguy cơ gây mất an ninh mạng không được đưa vào sử dụng hoặc phải có biện pháp xử lý, khắc phục điểm yếu, lỗ hổng bảo mật, mã độc, phần cứng độc hại trước khi đưa vào sử dụng.
3. Dữ liệu, thông tin ở dạng số được xử lý, lưu trữ thông qua hệ thống thông tin thuộc bí mật nhà nước phải được mã hóa hoặc có biện pháp bảo vệ trong quá trình tạo lập, trao đổi, lưu trữ trên mạng Internet theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
4. Thiết bị công nghệ thông tin, phương tiện truyền thông, vật mang tin và các thiết bị phục vụ cho hoạt động của hệ thống thông tin phải được quản lý, tiêu hủy, sửa chữa theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, quy định công tác của chủ quản hệ thống thông tin.
5. Phần mềm hệ thống, phần mềm tiện ích, phần mềm lớp giữa, cơ sở dữ liệu, chương trình ứng dụng, mã nguồn và công cụ phát triển định kỳ được rà soát và cập nhật các bản vá lỗi.
6. Thiết bị di động và các thiết bị có tính năng lưu trữ thông tin khi kết nối vào hệ thống mạng nội bộ của hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia phải được kiểm tra, kiểm soát bảo đảm an toàn và chỉ được phép sử dụng tại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
7. Thiết bị, phương tiện lưu trữ thông tin khi kết nối, vận chuyển, lưu trữ phải:
a) Kiểm tra bảo mật trước khi kết nối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia;
b) Kiểm soát việc đấu nối, gỡ bỏ đấu nối thiết bị thuộc hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia;
c) Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn khi vận chuyển, lưu trữ và biện pháp bảo vệ đối với thông tin thuộc bí mật nhà nước được lưu trữ trong đó.
1. Môi trường vận hành của hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia phải đáp ứng yêu cầu:
a) Tách biệt với các môi trường phát triển, kiểm tra và thử nghiệm;
b) Áp dụng các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin;
c) Không cài đặt các công cụ, phương tiện phát triển ứng dụng;
d) Loại bỏ hoặc tắt các tính năng, phần mềm tiện ích không sử dụng, không cần thiết trên hệ thống thông tin.
2. Dữ liệu của hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia phải có phương án tự động sao lưu dự phòng phù hợp ra phương tiện lưu trữ ngoài với tần suất thay đổi của dữ liệu và bảo đảm nguyên tắc dữ liệu phát sinh phải được sao lưu trong vòng 24 giờ. Dữ liệu sao lưu dự phòng phải được kiểm tra, bảo đảm khả năng khôi phục định kỳ 6 tháng một lần.
3. Hệ thống mạng phải đáp ứng yêu cầu sau:
a) Chia tách thành các vùng mạng khác nhau theo đối tượng sử dụng, mục đích sử dụng, tối thiểu: có phân vùng mạng riêng cho máy chủ của hệ thống thông tin; có phân vùng mạng trung gian (DMZ) để cung cấp dịch vụ trên mạng Internet; có phân vùng mạng riêng để cung cấp dịch vụ mạng không dây; có phân vùng mạng riêng đối với máy chủ cơ sở dữ liệu;
b) Có thiết bị, phần mềm thực hiện chức năng kiểm soát các kết nối, truy cập vào ra các vùng mạng quan trọng;
c) Có giải pháp kiểm soát, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các kết nối, truy cập không tin cậy, xâm nhập trái phép;
d) Có phương án ứng phó tấn công từ chối dịch vụ và các hình thức tấn công khác phù hợp với quy mô, tính chất của hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
4. Có biện pháp, giải pháp để dò tìm và phát hiện kịp thời các điểm yếu, lỗ hổng về mặt kỹ thuật của hệ thống mạng và những kết nối, thiết bị, phần mềm cài đặt bất hợp pháp vào mạng.
5. Ghi và lưu trữ nhật ký về hoạt động của hệ thống thông tin và người sử dụng, các lỗi phát sinh, các sự cố an toàn thông tin tối thiểu 3 tháng theo hình thức tập trung và sao lưu tối thiểu một năm một lần.
6. Kiểm soát truy cập đối với người sử dụng, nhóm người sử dụng thiết bị công cụ sử dụng:
a) Đăng ký, cấp phát, gia hạn và thu hồi quyền truy cập của thiết bị, người sử dụng;
b) Mỗi tài khoản truy cập hệ thống phải được gán cho một người sử dụng duy nhất; trường hợp chia sẻ tài khoản dùng chung để truy cập hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia thì phải được phê duyệt bởi cấp có thẩm quyền và xác định được trách nhiệm cá nhân tại mỗi thời điểm sử dụng;
c) Giới hạn và kiểm soát các truy cập sử dụng tài khoản có quyền quản trị: (i) Thiết lập cơ chế kiểm soát việc tạo tài khoản có quyền quản trị để bảo đảm không một tài khoản nào sử dụng được khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt; (ii) Phải có biện pháp giám sát việc sử dụng tài khoản có quyền quản trị; (iii) Việc sử dụng tài khoản có quyền quản trị phải được giới hạn đảm bảo chỉ có 1 truy cập quyền quản trị duy nhất, tự động thoát khỏi phiên đăng nhập khi không có hoạt động trong khoảng thời gian nhất định;
d) Quản lý, cấp phát mã khóa bí mật truy cập hệ thống thông tin;
đ) Rà soát, kiểm tra, xét duyệt lại quyền truy cập của người sử dụng;
e) Yêu cầu, điều kiện an toàn thông tin đối với các thiết bị, công cụ sử dụng để truy cập.
1. Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia được bố trí, lắp đặt tại các địa điểm an toàn và được bảo vệ để giảm thiểu những rủi ro trước các mối đe dọa, hiểm họa từ môi trường và xâm nhập trái phép.
2. Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia được bảo đảm về nguồn điện và các hệ thống hỗ trợ khi nguồn điện chính bị gián đoạn; có biện pháp chống quá tải hay sụt giảm điện áp, chống sét lan truyền; có hệ thống tiếp địa; có hệ thống máy phát điện dự phòng và hệ thống lưu điện bảo đảm thiết bị hoạt động liên tục.
3. Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia có phương án, biện pháp bảo vệ, chống sự xâm nhập thu thập thông tin của các thiết bị bay không người lái.
4. Trung tâm dữ liệu của hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia được kiểm soát ra vào 24/7.
1. Thẩm định an ninh mạng đối với hệ thống thông tin thuộc Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia do lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thực hiện theo quy định.
2. Trình tự thực hiện thẩm định an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia
a) Chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia nộp hồ sơ đề nghị thẩm định an ninh mạng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng có thẩm quyền;
b) Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng tiếp nhận, kiểm tra, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đề nghị thẩm định an ninh mạng và cấp giấy tiếp nhận ngay sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ trong thời gian 03 ngày làm việc;
c) Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng tiến hành thẩm định an ninh mạng theo nội dung quy định tại khoản 3 Điều 11 Luật An ninh mạng và thông báo kết quả trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cấp giấy tiếp nhận hồ sơ cho chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
3. Hồ sơ đề nghị thẩm định đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, bao gồm:
a) Văn bản đề nghị thẩm định an ninh mạng (Mẫu số 06 Phụ lục);
b) Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, hồ sơ thiết kế thi công dự án đầu tư xây dựng hệ thống thông tin trước khi phê duyệt;
c) Đề án nâng cấp hệ thống thông tin trước khi phê duyệt trong trường hợp nâng cấp hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
4. Trường hợp cần xác định sự phù hợp giữa hiện trạng của hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia và hồ sơ đề nghị thẩm định, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng thực tế của hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia để đối chiếu với hồ sơ đề nghị thẩm định. Việc khảo sát, đánh giá thực tế bảo đảm không gây ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của chủ quản cũng như hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Thời gian khảo sát, đánh giá thực tế không quá 07 ngày làm việc.
5. Kết quả thẩm định an ninh mạng được bảo vệ theo quy định của pháp luật.
1. Đánh giá điều kiện an ninh mạng đối với hệ thống thông tin thuộc Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia do lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thực hiện theo quy định.
2. Trình tự đánh giá điều kiện an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia:
a) Chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia nộp hồ sơ đề nghị đánh giá điều kiện an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng có thẩm quyền đánh giá điều kiện an ninh mạng theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật An ninh mạng;
b) Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng tiếp nhận, kiểm tra, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đề nghị đánh giá điều kiện an ninh mạng và cấp giấy tiếp nhận ngay sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ;
c) Sau khi tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng tiến hành đánh giá điều kiện an ninh mạng và thông báo kết quả trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cấp giấy tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ của chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia;
d) Trường hợp đủ điều kiện an ninh mạng, Thủ trưởng cơ quan đánh giá điều kiện an ninh mạng cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia trong vòng 03 ngày làm việc kể từ khi kết thúc đánh giá điều kiện an ninh mạng.
3. Hồ sơ đề nghị chứng nhận đủ điều kiện an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia bao gồm:
a) Văn bản đề nghị chứng nhận điều kiện an ninh mạng (Mẫu số 07 Phụ lục);
b) Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, hồ sơ thiết kế thi công dự án đầu tư xây dựng hệ thống thông tin trước khi phê duyệt;
c) Hồ sơ giải pháp bảo đảm an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
4. Trường hợp không bảo đảm điều kiện an ninh mạng, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng yêu cầu chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia bổ sung, nâng cấp hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia đê bảo đảm đủ điều kiện.
1. Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Tác chiến Không gian mạng thuộc Bộ Quốc phòng có trách nhiệm thực hiện giám sát an ninh mạng đối với không gian mạng quốc gia, hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện giám sát an ninh mạng đối với hệ thống thông tin cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
2. Trình tự giám sát an ninh mạng của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng:
a) Gửi thông báo bằng văn bản yêu cầu triển khai biện pháp giám sát an ninh mạng tới chủ quản hệ thống thông tin; trong văn bản nêu rõ lý do, thời gian, nội dung và phạm vi tiến hành giám sát an ninh mạng;
b) Triển khai biện pháp giám sát an ninh mạng;
c) Định kỳ thống kê, báo cáo kết quả giám sát an ninh mạng.
3. Trách nhiệm của chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia:
a) Xây dựng, triển khai hệ thống giám sát an ninh mạng, phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thực hiện hoạt động giám sát an ninh mạng đối với hệ thống thông tin thuộc thẩm quyền quản lý;
b) Bố trí mặt bằng, điều kiện kỹ thuật, thiết lập, kết nối hệ thống, thiết bị giám sát của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng vào hệ thống thông tin do mình quản lý để phục vụ giám sát an ninh mạng;
c) Cung cấp và cập nhật thông tin về hệ thống thông tin thuộc thẩm quyền quản lý, phương án kỹ thuật triển khai hệ thống giám sát cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng theo định kỳ hoặc đột xuất khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng có thẩm quyền;
d) Thông báo với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng về hoạt động giám sát của chủ quản hệ thống thông tin định kỳ 03 tháng một lần;
đ) Bảo mật các thông tin liên quan trong quá trình phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng.
4. Doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, viễn thông, internet có trách nhiệm phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng trong giám sát an ninh mạng theo thẩm quyền nhằm bảo vệ an ninh mạng.
5. Kết quả giám sát an ninh mạng được bảo mật theo quy định của pháp luật.
1. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng tiến hành kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin theo quy định tại khoản 5 Điều 13, khoản 1 Điều 24 Luật An ninh mạng. Nội dung kiểm tra an ninh mạng, bao gồm: kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh mạng, bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng; kiểm tra, đánh giá hiệu quả các phương án, biện pháp bảo đảm an ninh mạng, phương án, kế hoạch ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng; kiểm tra, đánh giá phát hiện lỗ hổng, điểm yếu bảo mật, mã độc và tấn công thử nghiệm xâm nhập hệ thống; kiểm tra, đánh giá khác do chủ quản hệ thống thông tin quy định.
2. Trình tự, thủ tục kiểm tra an ninh mạng của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng:
a) Thông báo về kế hoạch kiểm tra an ninh mạng theo quy định;
b) Thành lập Đoàn kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ được giao;
c) Tiến hành kiểm tra an ninh mạng, phối hợp chặt chẽ với chủ quản hệ thống thông tin trong quá trình kiểm tra;
d) Lập biên bản về quá trình, kết quả kiểm tra an ninh mạng và bảo quản theo quy định của pháp luật;
đ) Thông báo kết quả kiểm tra an ninh mạng trong 03 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành kiểm tra.
3. Trường hợp cần giữ nguyên hiện trạng hệ thống thông tin, phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, phát hiện điểm yếu, lỗ hổng bảo mật; hướng dẫn hoặc tham gia khắc phục khi có đề nghị của chủ quản hệ thống thông tin, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng gửi văn bản đề nghị chủ quản hệ thống thông tin tạm ngừng tiến hành kiểm tra an ninh mạng. Nội dung văn bản phải ghi rõ lý do, mục đích, thời gian tạm ngừng hoạt động kiểm tra an ninh mạng.
1. Đối với các hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia khi gặp sự cố an ninh mạng thì thực hiện trình tự, thủ tục ứng phó, khắc phục sự cố như sau:
a) Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thông báo bằng văn bản và hướng dẫn biện pháp tạm thời để ngăn chặn, xử lý hoạt động tấn công mạng, khắc phục hậu quả do tấn công mạng, sự cố an ninh mạng cho chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
Trường hợp khẩn cấp, thông báo bằng điện thoại hoặc các hình thức khác trước khi thông báo bằng văn bản;
b) Chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia có trách nhiệm thực hiện các biện pháp theo hướng dẫn và các biện pháp phù hợp khác để ngăn chặn, xử lý, khắc phục hậu quả ngay sau khi nhận được thông báo, trừ quy định tại điểm c khoản này.
Trường hợp vượt quá khả năng xử lý, kịp thời thông báo cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng để điều phối, ứng phó khắc phục sự cố an ninh mạng;
c) Trường hợp cần ứng phó ngay để ngăn chặn hậu quả xảy ra có khả năng gây nguy hại cho an ninh quốc gia, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng quyết định trực tiếp điều phối, ứng phó khắc phục sự cố an ninh mạng.
2. Điều phối, ứng phó khắc phục sự cố an ninh mạng của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng:
a) Đánh giá, quyết định phương án ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng;
b) Điều hành công tác ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng;
c) Chủ trì tiếp nhận, thu thập, xử lý, trao đổi thông tin về ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng;
d) Huy động, phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan tham gia ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng trong trường hợp cần thiết;
đ) Chỉ định đơn vị đầu mối phối hợp với các đơn vị chức năng của các quốc gia khác hoặc các tổ chức quốc tế trong hoạt động ứng phó, xử lý các sự cố liên quốc gia trên cơ sở thỏa thuận quốc tế hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
e) Kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện của các đơn vị liên quan ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng;
g) Lập biên bản quá trình ứng cứu sự cố an ninh mạng.
3. Tổ chức, cá nhân tham gia ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng có trách nhiệm thực hiện các biện pháp, hoạt động ứng phó, khắc phục sự cố theo sự điều phối của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng.
4. Trường hợp bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet bố trí mặt bằng, cổng kết nối và các biện pháp kỹ thuật cần thiết để Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh mạng. Thủ tục, quy trình cụ thể, doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an thực hiện.
1. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng sử dụng các biện pháp mã hóa bằng mật mã của cơ yếu để bảo vệ thông tin mạng khi truyền đưa thông tin, tài liệu có nội dung thuộc bí mật nhà nước trên không gian mạng. Các biện pháp mã hóa phải bảo đảm các yêu cầu theo quy định của pháp luật về cơ yếu, bảo vệ bí mật nhà nước, an ninh mạng.
2. Trường hợp cần thiết vì lý do an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng gửi văn bản yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện mã hóa các thông tin không nằm trong phạm vi bí mật nhà nước trước khi tiến hành lưu trữ, truyền đưa trên mạng Internet. Nội dung văn bản phải nêu rõ lý do yêu cầu, nội dung cần mã hóa.
1. Trường hợp áp dụng biện pháp:
a) Khi thông tin trên không gian mạng được cơ quan có thẩm quyền xác định là có nội dung xâm phạm an ninh quốc gia, tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng theo quy định của pháp luật;
b) Khi có căn cứ pháp luật xác định thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại nghiêm trọng cho hoạt động kinh tế - xã hội đến mức phải yêu cầu xóa bỏ thông tin;
c) Các thông tin trên không gian mạng khác có nội dung được quy định tại điểm c, điểm đ, điểm e khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng theo quy định của pháp luật.
2. Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an, Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông:
a) Quyết định áp dụng biện pháp yêu cầu xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Gửi văn bản yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, dịch vụ trên mạng Internet, dịch vụ gia tăng trên không gian mạng, chủ quản hệ thống thông tin xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều này;
c) Kiểm tra việc chấp hành thực hiện biện pháp của các chủ thể có liên quan được yêu cầu;
d) Trao đổi, chia sẻ thông tin về việc thực hiện biện pháp này, trừ trường hợp nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước hoặc yêu cầu nghiệp vụ của Bộ Công an.
3. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Quốc phòng quyết định áp dụng biện pháp yêu cầu xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, an ninh quân đội theo quy định tại khoản 1 Điều này đối với hệ thống thông tin quân sự.
1. Dữ liệu điện tử là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự.
2. Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an quyết định tiến hành biện pháp thu thập dữ liệu điện tử để phục vụ điều tra, xử lý các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên không gian mạng.
3. Việc thu thập dữ liệu điện tử liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên không gian mạng được thực hiện theo quy định của pháp luật; đồng thời bảo đảm các yêu cầu sau:
a) Giữ nguyên hiện trạng của thiết bị số, dữ liệu điện tử;
b) Việc sao ghi dữ liệu điện tử phải được thực hiện đúng quy trình bằng các thiết bị, phần mềm được công nhận, có thể kiểm chứng được, phải bảo vệ được tính nguyên vẹn của dữ liệu điện tử lưu trong thiết bị;
c) Quá trình khôi phục dữ liệu, tìm kiếm dữ liệu điện tử phải được ghi nhận lại bằng biên bản, hình ảnh, video, khi cần thiết có thể lặp lại quá trình đi tới kết quả tương tự để trình bày tại tòa án;
d) Người thực hiện thu thập dữ liệu điện tử phải là cán bộ chuyên trách được giao thực hiện nhiệm vụ thu thập dữ liệu điện tử.
4. Nguyên tắc sao chép, phục hồi dữ liệu điện tử liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên không gian mạng:
a) Trường hợp dữ liệu điện tử được cho là có giá trị chứng minh tội phạm mà cần phải sao chép, phục hồi hoặc nếu muốn sao chép, phục hồi dữ liệu điện tử, người thực hiện sao chép, phục hồi phải có thẩm quyền để sao chép, phục hồi và phải quyết định của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
b) Lập biên bản cho các hoạt động sao chép, phục hồi chứng cứ điện tử, trường hợp cần thiết có thể mời một bên thứ ba độc lập tham gia, chứng kiến, xác nhận quy trình này.
5. Thu giữ phương tiện lưu trữ, truyền đưa, xử lý dữ liệu điện tử liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên không gian mạng được thực hiện theo quy định pháp luật.
6. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Quốc phòng quyết định áp dụng biện pháp thu thập dữ liệu điện tử để phục vụ điều tra các vụ việc vi phạm, tội phạm gây mất an ninh, an toàn thông tin, xâm phạm an ninh quốc gia, an ninh quân đội trên không gian mạng.
1. Trường hợp áp dụng:
a) Có tài liệu chứng minh hoạt động của hệ thống thông tin là vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, an ninh mạng;
b) Hệ thống thông tin đang được sử dụng vào mục đích xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
2. Bộ trưởng Bộ Công an trực tiếp quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, tạm ngừng, thu hồi tên miền có hoạt động vi phạm pháp luật về an ninh mạng.
3. Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an có trách nhiệm thực hiện quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, tạm ngừng, thu hồi tên miền.
4. Trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp:
a) Báo cáo về việc áp dụng biện pháp đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, tạm ngừng, thu hồi tên miền;
b) Quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, tạm ngừng, thu hồi tên miền;
c) Gửi văn bản yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin hoặc gửi Trung tâm Internet Việt Nam đề nghị tạm ngừng, thu hồi tên miền theo trình tự, thủ tục được pháp luật quy định; văn bản yêu cầu nêu rõ lý do, thời gian, nội dung và kiến nghị;
d) Trong trường hợp cấp bách, cần ngăn chặn kịp thời hoạt động của hệ thống thông tin tránh gây nguy hại cho an ninh quốc gia hoặc cần ngăn chặn hậu quả tác hại có thể xảy ra, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản qua fax, email để yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin;
Trong thời gian chậm nhất là 24 giờ kể từ khi có yêu cầu, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an phải gửi văn bản yêu cầu đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin. Trường hợp quá thời hạn trên mà không có quyết định bằng văn bản thì hệ thống thông tin được tiếp tục hoạt động. Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả xảy ra do việc chậm trễ gửi văn bản yêu cầu, cán bộ thực hiện và những người có liên quan phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật;
đ) Việc đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin phải được lập thành biên bản. Biên bản phải ghi rõ thời gian, địa điểm, căn cứ và được lập thành 02 bản. Cơ quan chức năng có thẩm quyền giữ một bản, cơ quan, tổ chức, cá nhân sở hữu, quản lý hệ thống thông tin giữ một bản;
e) Việc tạm ngừng, thu hồi tên miền quốc gia trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan chức năng có thẩm quyền gửi văn bản đề nghị Trung tâm Internet Việt Nam tạm ngừng, thu hồi tên miền theo trình tự, thủ tục được pháp luật quy định.
5. Việc đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin mà không có căn cứ được quy định tại khoản 2 Điều này thì Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan chức năng có thẩm quyền và cán bộ có liên quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nếu gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
1. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện các quy định về trình tự, thủ tục áp dụng một số biện pháp bảo vệ an ninh mạng.
2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình, kịp thời phối hợp, hỗ trợ lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thực hiện các quy định về trình tự, thủ tục áp dụng một số biện pháp bảo vệ an ninh mạng.
3. Trường hợp doanh nghiệp cung cấp dịch vụ qua biên giới bị cơ quan có thẩm quyền công bố vi phạm pháp luật Việt Nam, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng có thẩm quyền trong ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý hành vi vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ qua biên giới.
4. Mọi hành vi lợi dụng hoặc lạm dụng các biện pháp bảo vệ an ninh mạng để vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật; trường hợp gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
5. Đối với các hệ thống thông tin không nằm trong Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp đồng bộ bảo vệ an ninh mạng, bảo đảm an toàn thông tin mạng theo chức năng, nhiệm vụ được giao:
a) Bộ Thông tin và Truyền thông là đầu mối chủ trì đối với các hoạt động dân sự, trừ trường hợp quy định tại điểm b, c khoản này;
b) Bộ Công an là đầu mối chủ trì đối với các hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ an ninh mạng, phòng, chống tội phạm mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng;
c) Bộ Quốc phòng là đầu mối chủ trì đối với các hoạt động bảo vệ tổ quốc trên không gian mạng.
1. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị ở trung ương và địa phương phải xây dựng quy định sử dụng, quản lý và bảo đảm an ninh mạng máy tính nội bộ, mạng máy tính có kết nối mạng Internet do cơ quan, tổ chức mình quản lý. Nội dung các quy định về bảo đảm an toàn, an ninh mạng căn cứ vào những quy định về bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ bí mật nhà nước, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn thông tin mạng và các tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành khác có liên quan.
2. Quy định sử dụng, bảo đảm an ninh mạng máy tính của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị ở trung ương và địa phương phải bao gồm các nội dung cơ bản sau:
a) Xác định rõ hệ thống mạng thông tin và thông tin quan trọng cần ưu tiên bảo đảm an ninh mạng;
b) Quy định rõ các điều cấm và các nguyên tắc quản lý, sử dụng và bảo đảm an ninh mạng, mạng máy tính nội bộ có lưu trữ, truyền đưa bí mật nhà nước phải được tách biệt vật lý hoàn toàn với mạng máy tính, các thiết bị, phương tiện điện tử có kết nối mạng Internet, trường hợp khác phải bảo đảm quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước;
c) Quy trình quản lý, nghiệp vụ, kỹ thuật trong vận hành, sử dụng và bảo đảm an ninh mạng đối với dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật, trong đó phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản bảo đảm an toàn hệ thống thông tin;
d) Điều kiện về nhân sự làm công tác quản trị mạng, vận hành hệ thống, bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin và liên quan đến hoạt động soạn thảo, lưu trữ, truyền đưa bí mật nhà nước qua hệ thống mạng máy tính;
đ) Quy định rõ trách nhiệm của từng bộ phận, cán bộ, nhân viên trong quản lý, sử dụng, bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin;
e) Chế tài xử lý những vi phạm quy định về đảm bảo an ninh mạng.
1. Người đứng đầu cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị ở trung ương và địa phương có trách nhiệm ban hành phương án bảo đảm an ninh mạng đối với hệ thống thông tin do mình quản lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tập trung, có sự chia sẻ tài nguyên để tối ưu hiệu năng, tránh đầu tư trùng lặp.
2. Phương án bảo đảm an ninh mạng đối với hệ thống thông tin bao gồm:
a) Quy định bảo đảm an ninh mạng trong thiết kế, xây dựng hệ thống thông tin, đáp ứng yêu cầu cơ bản như yêu cầu quản lý, kỹ thuật, nghiệp vụ;
b) Thẩm định an ninh mạng;
c) Kiểm tra, đánh giá an ninh mạng;
d) Giám sát an ninh mạng;
đ) Dự phòng, ứng phó, khắc phục sự cố, tình huống nguy hiểm về an ninh mạng;
e) Quản lý rủi ro;
g) Kết thúc vận hành, khai thác, sửa chữa, thanh lý, hủy bỏ.
1. Phương án ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng bao gồm:
a) Phương án phòng ngừa, xử lý thông tin có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế bị đăng tải trên hệ thống thông tin;
b) Phương án phòng, chống gián điệp mạng; bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên hệ thống thông tin;
c) Phương án phòng, chống hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội;
d) Phương án phòng, chống tấn công mạng;
đ) Phương án phòng, chống khủng bố mạng;
e) Phương án phòng ngừa, xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng.
2. Nội dung phương án ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng
a) Các quy định chung;
b) Đánh giá các nguy cơ, sự cố an ninh mạng;
c) Phương án ứng phó, khắc phục đối với một số tình huống cụ thể;
d) Nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan trong tổ chức, điều phối, xử lý, ứng phó, khắc phục sự cố;
đ) Huấn luyện, diễn tập, phòng ngừa sự cố, giám sát phát hiện, bảo đảm các điều kiện sẵn sàng đối phó, khắc phục sự cố;
e) Các giải pháp đảm bảo, tổ chức triển khai phương án, kế hoạch và kinh phí thực hiện.
1. Dữ liệu phải lưu trữ tại Việt Nam:
a) Dữ liệu về thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam;
b) Dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra: Tên tài khoản sử dụng dịch vụ, thời gian sử dụng dịch vụ, thông tin thẻ tín dụng, địa chỉ thư điện tử, địa chỉ mạng (IP) đăng nhập, đăng xuất gần nhất, số điện thoại đăng ký được gắn với tài khoản hoặc dữ liệu;
c) Dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam: bạn bè, nhóm mà người sử dụng kết nối hoặc tương tác.
2. Doanh nghiệp trong nước lưu trữ dữ liệu quy định tại khoản 1 Điều này tại Việt Nam.
3. Việc lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp nước ngoài:
a) Doanh nghiệp nước ngoài có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thuộc một trong những lĩnh vực sau: Dịch vụ viễn thông; lưu trữ, chia sẻ dữ liệu trên không gian mạng; cung cấp tên miền quốc gia hoặc quốc tế cho người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam; thương mại điện tử; thanh toán trực tuyến; trung gian thanh toán; dịch vụ kết nối vận chuyển qua không gian mạng; mạng xã hội và truyền thông xã hội; trò chơi điện tử trên mạng; dịch vụ cung cấp, quản lý hoặc vận hành thông tin khác trên không gian mạng dưới dạng tin nhắn, cuộc gọi thoại, cuộc gọi video, thư điện tử, trò chuyện trực tuyến phải lưu trữ dữ liệu quy định tại khoản 1 Điều này và đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam trong trường hợp dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp bị sử dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng đã được Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an thông báo và có yêu cầu phối hợp, ngăn chặn, điều tra, xử lý bằng văn bản nhưng không chấp hành, chấp hành không đầy đủ hoặc ngăn chặn, cản trở, vô hiệu hóa, làm mất tác dụng của biện pháp bảo vệ an ninh mạng do lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thực hiện;
b) Trường hợp bất khả kháng mà việc chấp hành yêu cầu của pháp luật về an ninh mạng của doanh nghiệp nước ngoài không thể thực hiện, doanh nghiệp nước ngoài thông báo cho Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an trong vòng 03 ngày làm việc để kiểm tra tính xác thực của việc bất khả kháng. Trong trường hợp này, doanh nghiệp có thời gian 30 ngày làm việc để tìm phương án khắc phục.
4. Trường hợp dữ liệu do doanh nghiệp thu thập, khai thác, phân tích, xử lý không đầy đủ theo quy định tại khoản 1 Điều này, doanh nghiệp phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an để xác nhận và tiến hành lưu trữ các loại dữ liệu hiện đang thu thập, khai thác, phân tích, xử lý.
Trường hợp doanh nghiệp tiến hành thu thập, khai thác, phân tích, xử lý bổ sung các loại dữ liệu theo quy định tại khoản 1 Điều này, doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an để bổ sung vào danh sách dữ liệu phải lưu trữ tại Việt Nam.
5. Hình thức lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam do doanh nghiệp quyết định.
6. Trình tự, thủ tục yêu cầu lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam:
a) Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định yêu cầu lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam;
b) Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an thông báo, hướng dẫn, theo dõi, giám sát, đôn đốc doanh nghiệp thực hiện yêu cầu lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam; đồng thời, thông báo cho các cơ quan liên quan để thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo thẩm quyền;
c) Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định, các doanh nghiệp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 26 của Nghị định này phải hoàn thành lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.
7. Trình tự, thủ tục đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam được thực hiện theo các quy định của pháp luật về kinh doanh, thương mại, doanh nghiệp và các quy định khác có liên quan.
8. Các doanh nghiệp không chấp hành quy định tại Điều này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.
1. Thời gian lưu trữ dữ liệu theo quy định tại Điều 26 Nghị định này bắt đầu từ khi doanh nghiệp nhận được yêu cầu lưu trữ dữ liệu đến khi kết thúc yêu cầu. Thời gian lưu trữ tối thiểu là 24 tháng.
2. Thời gian đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam theo quy định tại Điều 26 Nghị định này bắt đầu từ khi doanh nghiệp nhận được yêu cầu đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam đến khi doanh nghiệp không còn hoạt động tại Việt Nam hoặc dịch vụ được quy định không còn cung cấp tại Việt Nam.
3. Nhật ký hệ thống để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 26 của Luật An ninh mạng được lưu trữ tối thiểu là 12 tháng.
1. Kinh phí thực hiện bảo đảm an ninh mạng trong hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị ở trung ương và địa phương do ngân sách nhà nước bảo đảm.
2. Kinh phí đầu tư cho an ninh mạng sử dụng vốn đầu tư công thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công. Đối với dự án đầu tư công để xây dựng mới hoặc mở rộng, nâng cấp hệ thống thông tin, kinh phí đầu tư được bố trí trong vốn đầu tư của dự án tương ứng.
3. Kinh phí thực hiện thẩm định, giám sát, kiểm tra, đánh giá điều kiện an ninh mạng; thực hiện các phương án bảo đảm an ninh mạng của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị ở trung ương và địa phương được cân đối, bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, tổ chức đó theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước.
4. Bộ Tài chính hướng dẫn chi kinh phí phục vụ công tác bảo vệ an ninh mạng trong dự toán ngân sách, hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí chi thường xuyên cho công tác bảo đảm an ninh mạng của cơ quan, tổ chức nhà nước.
5. Căn cứ nhiệm vụ được giao, cơ quan, tổ chức nhà nước thực hiện lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh mạng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 10 năm 2022.
1. Bộ trưởng Bộ Công an đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện Nghị định này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các bộ, ngành, địa phương trao đổi Bộ Công an để tập hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định, điều chỉnh.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
|
TM. CHÍNH PHỦ |
(Kèm theo Nghị định số 53/2022/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ)
Mẫu số 01 |
Văn bản đề nghị đưa hệ thống thông tin vào Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia |
Mẫu số 02 |
Văn bản cung cấp danh mục toàn bộ hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức |
Mẫu số 03 |
Văn bản phản hồi tiếp nhận Hồ sơ đề nghị đưa hệ thống thông tin vào Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia |
Mẫu số 04 |
Văn bản thông báo ý kiến của Hội đồng thẩm định đối với hồ sơ đề nghị đưa hệ thống thông tin vào Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia |
Mẫu số 05 |
Văn bản đề nghị đưa hệ thống thông tin ra khỏi Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia |
Mẫu số 06 |
Văn bản thẩm định an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia |
Mẫu số 07 |
Văn bản đề nghị chứng nhận điều kiện an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia |
CƠ QUAN, TỔ CHỨC |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: … |
……, ngày … tháng … năm … |
Kính gửi: ………………………………………1.
Căn cứ Luật An ninh mạng ngày 12 tháng 6 năm 2018;
Căn cứ Nghị định số …/2022/NĐ-CP ngày ... tháng ... năm ... của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng;
……………2 đề nghị đưa hệ thống thông tin sau vào Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia:
1. Hệ thống thông tin đề nghị đưa vào Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia
a) Thông tin chung
- Tên hệ thống thông tin:
- Địa chỉ (nơi đặt hệ thông tin):
- Người phụ trách (họ tên, chức vụ, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử):
b) Phạm vi, quy mô của hệ thống thông tin
- Tầm quan trọng:
- Mục đích sử dụng:
- Đối tượng phục vụ của hệ thống thông tin:
- Yêu cầu bảo vệ an ninh mạng:
2. Đơn vị chủ quản hệ thống thông tin
- Tên đơn vị:
- Văn bản quyết định thành lập/quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn:
- Người đại diện:
- Địa chỉ:
- Thông tin liên hệ (số điện thoại, địa chỉ thư điện tử):
3. Đơn vị vận hành hệ thống thông tin
- Tên đơn vị:
- Văn bản quyết định thành lập/quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn:
- Người đại diện:
- Địa chỉ:
- Thông tin liên hệ (số điện thoại, địa chỉ thư điện tử):
4. Thuyết minh chi tiết sự phù hợp với căn cứ xác lập hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia
a) Sự phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật An ninh mạng (nêu rõ căn cứ, lập luận chứng minh và các văn bản có liên quan)
b) Sự phù hợp với quy định về hệ thống thông tin quan trọng quốc gia, công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, công trình viễn thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia (nêu rõ căn cứ, lập luận chứng minh và các văn bản có liên quan):
c) Đánh giá phạm vi, mức độ ảnh hưởng và xác định hậu quả của hệ thống thông tin khi bị sự cố, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt, tấn công hoặc phá hoại (nêu rõ căn cứ, lập luận chứng minh và các văn bản có liên quan).
5. Thuyết minh cấu trúc của hệ thống thông tin
a) Cấu trúc vật lý mô tả các thiết bị mạng, các thiết bị đầu cuối có trong hệ thống và kết nối vật lý giữa các thiết bị (sơ đồ kết nối vật lý).
b) Cấu trúc logic mô tả thiết kế các vùng mạng chức năng có trong hệ thống; hướng hết nối mạng; các thiết bị đầu cuối; các thiết bị mạng (sơ đồ kết nối logic).
c) Danh mục thiết bị sử dụng trong hệ thống (thông tin tên thiết bị/chủng loại; vị trí triển khai, trường hợp thiết bị vật lý được chia thành các thiết bị logic thì vị trí triển khai là các vị trí của thiết bị logic; mục đích sử dụng).
d) Danh mục các ứng dụng, dịch vụ trên hệ thống (tên ứng dụng, dịch vụ; tên và cấu hình máy chủ/vị trí triển khai/hệ điều hành; mục đích sử dụng).
đ) Danh mục đề xuất các thành phần, thiết bị mạng và mức độ quan trọng cần ưu tiên bảo vệ (tên thiết bị, thông tin xử lý, chức năng/mức độ quan trọng).
6. Thuyết minh phương án bảo đảm an ninh mạng về quản lý và kỹ thuật
a) Phương án bảo đảm an ninh mạng về quản lý (nêu rõ phương án đã ban hành hoặc dự kiến ban hành, nội dung cơ bản, mục tiêu bảo vệ).
b) Phương án bảo đảm an ninh mạng về kỹ thuật (nêu rõ phương án đã ban hành hoặc dự kiến ban hành, nội dung cơ bản, mục tiêu bảo vệ)
c) Phương án bảo đảm an ninh mạng về ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng (nêu rõ phương án đã ban hành hoặc dự kiến ban hành, nội dung cơ bản, mục tiêu bảo vệ).
7. Tài liệu kèm theo
a) Danh mục thống kê toàn bộ hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức (tên hệ thống thông tin, chức năng của hệ thống thông tin, mục đích sử dụng).
b) Tài liệu thiết kế thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc tài liệu có giá trị tương đương (trường hợp không có tài liệu thiết kế thi công, cần nêu rõ lý do).
c) Các tài liệu khác là căn cứ được trích dẫn, nêu trong công văn này.
|
ĐẠI DIỆN CƠ QUAN, TỔ CHỨC |
___________________
1 Cơ quan thẩm định theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 5 của Nghị định này.
2 Tên cơ quan, tổ chức.
CƠ QUAN, TỔ CHỨC |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
……, ngày … tháng … năm … |
Kính gửi: ………………………………………1
Căn cứ Luật An ninh mạng ngày 12 tháng 6 năm 2018;
Căn cứ Nghị định số …/2022/NĐ-CP ngày ... tháng ... năm ... của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng;
……2 cung cấp danh mục toàn bộ hệ thống thông tin hiện có như sau:
STT |
Tên hệ thống thông tin |
Đơn vị chủ quản |
Địa chỉ |
Thông tin liên hệ |
1 |
Hệ thống thông tin A |
- Tên đơn vị: |
|
Người phụ trách (họ tên, chức vụ, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử) |
|
ĐẠI DIỆN CƠ QUAN, TỔ CHỨC |
___________________
1 Cơ quan thẩm định theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 5 của Nghị định này.
2 Tên cơ quan, đơn vị.
CƠ QUAN, TỔ CHỨC1 |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …………… |
……, ngày … tháng … năm … |
Kính gửi: ………………………………………2
....3 nhận được công văn số……………… ngày…… tháng…… năm…… của ....4 về việc đề nghị đưa hệ thống thông tin vào Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, như sau:
1. Thời gian nhận Hồ sơ đề nghị (ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm):
…………………………………………………………………………………………………………
2. Hồ sơ đề nghị đưa hệ thống thông tin vào Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, gồm: …
…………………………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………………………
Đề nghị bổ sung (trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ):
…………………………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………………………
Thời hạn bổ sung (ghi ngày, tháng, năm):
…………………………………………………………………………………………………………
3. Thời gian phản hồi ý kiến: dự kiến ... giờ... ngày... tháng... năm...
|
ĐẠI DIỆN CƠ QUAN, TỔ CHỨC |
___________________
1 Cơ quan thẩm định theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 5 của Nghị định này.
2 Cơ quan, đơn vị gửi hồ sơ đề nghị.
3 Cơ quan tiếp nhận hồ sơ (cơ quan thẩm định theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 5 của Nghị định này).
4 Cơ quan, đơn vị gửi hồ sơ đề nghị.
CƠ QUAN, TỔ CHỨC1 |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …………… |
……, ngày … tháng … năm … |
Kính gửi: ………………………………………2
Ngày ... tháng ... năm ..Hội đồng thẩm định đã họp, cho ý kiến đối với Hồ sơ đề nghị đưa hệ thống thông tin vào Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia của ....3, như sau:
1. Kết quả phiếu lấy ý kiến
STT |
Tên hệ thống thông tin |
Kết quả |
|
Đạt |
Chưa đạt |
||
1 |
|
/ |
/ |
2. Kết luận
…………………………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………………………
3. Đề nghị:
…………………………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………………………
|
ĐẠI DIỆN CƠ QUAN, TỔ CHỨC |
___________________
1 Cơ quan thẩm định theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 5 của Nghị định này.
2 Cơ quan, đơn vị gửi hồ sơ đề nghị.
3 Cơ quan, đơn vị gửi hồ sơ đề nghị.
CƠ QUAN, TỔ CHỨC |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …………… |
……, ngày … tháng … năm … |
Kính gửi: ………………………………………1
Căn cứ Luật An ninh mạng ngày 12 tháng 6 năm 2018;
Căn cứ Nghị định số .../2022/NĐ-CP ngày ... tháng ... năm ... của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng;
....2 đề nghị đưa hệ thống thông tin sau ra khỏi Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia:
1. Thông tin chung
- Tên hệ thống thông tin: ...
- Đơn vị chủ quản hệ thống thông tin: ...
- Địa chỉ: ...
- Quyết định đưa hệ thống thông tin vào Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia (nêu rõ số, ngày tháng, trích yếu văn bản):
2. Lý do
…………………………………………………………………………………………………………
3. Tài liệu kèm theo (tài liệu chứng minh hệ thống thông tin không còn phù hợp là hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia)
…………………………………………………………………………………………………………
|
ĐẠI DIỆN CƠ QUAN, TỔ CHỨC |
___________________
1 Cơ quan thẩm định theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 5 của Nghị định này.
2 Tên cơ quan, đơn vị.
CƠ QUAN, TỔ CHỨC |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …………… |
……, ngày … tháng … năm … |
Kính gửi: ………………………………………1
Căn cứ Luật An ninh mạng ngày 12 tháng 6 năm 2018;
Căn cứ Nghị định số .../2022/NĐ-CP ngày ... tháng ... năm ... của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng;
……………2 đề nghị thẩm định an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia:
1. Thông tin chung:
- Tên hệ thống thông tin: ...
- Đơn vị chủ quản hệ thống thông tin: ...
- Địa chỉ: ...
- Quyết định đưa hệ thống thông tin vào Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia (nêu rõ số, ngày tháng, trích yếu văn bản):
2. Tài liệu kèm theo:
a) Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, hồ sơ thiết kế thi công dự án đầu tư xây dựng hệ thống thông tin trước khi phê duyệt;
b) Đề án nâng cấp hệ thống thông tin trước khi phê duyệt trong trường hợp nâng cấp hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
|
ĐẠI DIỆN CƠ QUAN, TỔ CHỨC |
___________________
1 Cơ quan thẩm định theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 5 của Nghị định này.
2 Tên cơ quan, đơn vị.
CƠ QUAN, TỔ CHỨC |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …………… |
……, ngày … tháng … năm … |
Kính gửi: ………………………………………1
Căn cứ Luật An ninh mạng ngày 12 tháng 6 năm 2018;
Căn cứ Nghị định số .../2022/NĐ-CP ngày ... tháng ... năm ... của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng;
……………2 đề nghị chứng nhận điều kiện an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia:
1. Thông tin chung:
- Tên hệ thống thông tin: ...
- Đơn vị chủ quản hệ thống thông tin: ...
- Địa chỉ: ...
- Quyết định đưa hệ thống thông tin vào Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia (nêu rõ số, ngày tháng, trích yếu văn bản):
2. Tài liệu kèm theo:
a) Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, hồ sơ thiết kế thi công dự án đầu tư xây dựng hệ thống thông tin trước khi phê duyệt;
b) Hồ sơ giải pháp bảo đảm an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
|
ĐẠI DIỆN CƠ QUAN, TỔ CHỨC |
___________________
1 Cơ quan thẩm định theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 5 của Nghị định này.
2 Tên cơ quan, đơn vị.
THE GOVERNMENT OF VIETNAM |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
No. 53/2022/ND-CP |
Hanoi, August 15, 2022 |
ELABORATING A NUMBER OF ARTICLES OF THE LAW ON CYBERSECURITY OF VIETNAM
Pursuant to the Law on Organization of the Government of Vietnam dated June 19, 2015; the Law on Amendments to the Law on Organization of the Government of Vietnam and the Law on Organization of the Local Government of Vietnam dated November 22, 2019;
Pursuant to the Law on National Cybersecurity of Vietnam dated December 3, 2004;
Pursuant to the Law on National Cybersecurity of Vietnam dated June 12, 2018;
Pursuant to the Law on Cybersecurity of Vietnam dated November 19, 2015;
At the request of the Minister of Public Security of Vietnam;
The Government of Vietnam hereby promulgates the Decree on elaborating a number of Articles of the Law on Cybersecurity of Vietnam.
This Decree elaborates on Points a, b, c, d, dd, g, i, k, l Clause 1 Article 5, Clause 4 Article 10, Clause 5 Article 12, Clause 1 Article 23, Clause 7 Article 24, Clauses 2, 4 Article 26, and Clause 5 Article 36 of the Law on Cybersecurity of Vietnam, including:
1. Measures to protect cybersecurity; appraise cybersecurity; assess cybersecurity criteria; test cybersecurity; supervise cybersecurity; respond to and remedy cybersecurity incidents; use codes to protect cyber information security; request the removal of illegal information or false information in cyberspace infringing on national security, social order and safety, and legitimate rights and benefits of agencies, organizations, and individuals; collect data related to acts of infringing on national security, social order and safety, and legitimate rights and benefits of agencies, organizations, and individuals in cyberspace; suspense, temporarily suspense, or request the termination of operations of information systems and revoke domain names.
2. Bases and procedures for establishment and cooperation between Ministries and central authorities with functions related to the appraisal, assessment, inspection, supervision, response, and remedy to cybersecurity incidents regarding major national security information systems.
3. Cybersecurity criteria for major national security information systems.
4. Contents of the implementation of cybersecurity protection activities in state agencies and political agencies at the central or local level.
5. Procedures for cybersecurity testing regarding information systems of agencies, organizations, and individuals that are not included in the list of major national security information systems according to cases prescribed in Clause 1 of Article 24.
6. The storage of data and establishment of branches or representative offices in Vietnam for enterprises is prescribed in Clause 3 of Article 26.
7. The assignment and cooperation in implementing measures to protect cybersecurity, and prevent and handle acts of infringing on cybersecurity in case of state management contents are related to the management scope of many Ministries and central authorities.
Article 2. Interpretation of terms
For the purpose of this Decree, the following terms shall be construed as follows:
1. “Data on personal information” is data on information in the form of symbols, letters, numbers, images, sounds, or equivalences to identify an individual.
2. "Service users" are organizations and individuals using services in cyberspace.
3. "Service users in Vietnam" are organizations and individuals using cyberspace in the territory of the Socialist Republic of Vietnam.
4. “Data on relationships of service users" is data on information in the form of symbols, letters, numbers, images, sounds, or equivalences reflecting and identifying relationships of service users with other people in cyberspace.
5. "Data created by service users in Vietnam" is data on information in the form of symbols, letters, numbers, images, sounds, or equivalences reflecting the process of participating, operating, and using cyberspace of service users and information on devices and network services used for connection with cyberspace in the territory of the Socialist Republic of Vietnam.
6. “Services on the telecommunications network” are telecommunications services and services that apply telecommunications according to the law.
7. “Services on the Internet” are internet services and services that provide content via the Internet according to the law.
8. “Value-added services in cyberspace" are value-added telecommunications services according to the law.
9. Cybersecurity protection forces include:
a) Department of Cyber Security and Hi-tech Crime Prevention of the Ministry of Public Security of Vietnam;
b) The Department of Military Security Protection, General Political Department, and Cyber Command of the Ministry of National Defense of Vietnam.
10. Governing bodies of major national security information systems are agencies and organizations competent directly manage such major national security information systems, including:
a) Ministries, ministerial agencies, and governmental agencies;
b) People’s Committee of provinces and centrally affiliated cities;
c) Central political organizations;
d) Authorities competent to decide on the investment in projects on construction, establishment, upgrade, and extension of major national security information systems.
11. Domestic enterprises that are established or registered for establishment according to laws of Vietnam with their headquarters located in Vietnam.
12. Foreign enterprises that are established or registered for establishment according to laws of foreign countries.
ESTABLISHMENT OF LISTS, COOPERATIVE MECHANISMS, AND CYBERSECURITY CRITERIA FOR THE PROTECTION OF MAJOR NATIONAL SECURITY INFORMATION SYSTEMS
Section 1. ESTABLISHMENT OF THE LIST OF MAJOR NATIONAL SECURITY INFORMATION SYSTEMS
Article 3. Bases for establishment of major national security information systems
Major national security information systems are information systems of state agencies and political organizations of the Socialist Republic of Vietnam, including:
1. Major national information systems according to regulations of the Law on Cybersecurity of Vietnam.
2. Information systems that serve the direction and operation of major works related to national security according to the law.
3. Information systems that serve the direction, operation, and control of activities of major telecommunications works related to national security according to the law.
4. Information systems of fields prescribed in Clause 2 Article 10 of the Law on Cybersecurity of Vietnam, when there is a breakdown, intrusion, hijacking, falsification, interruption, disruption, paralysis, attack, or sabotage, will cause one of the following consequences:
a) Direct impacts on the independence, sovereignty, unity, territorial integrity of the Vietnam Fatherland, and the existence of the regime and the State of the Socialist Republic of Vietnam;
b) Severe consequences to the national defense, security, and foreign affairs, weakening the capacity to defend and protect the Vietnam Fatherland;
c) Severe consequences to the national economy;
d) Severe disasters to the human life and ecological environment;
dd) Severe consequences to activities of construction works at special levels according to the decentralization of laws on construction;
e) Severe consequences to activities of the planning of guidelines and policies within the scope of state confidentiality;
g) Serious influence on the directive and direct operation of CPV agencies and agencies of the State at central levels.
Article 4. Application for inclusion of information systems in the List of major national security information systems
1. The governing body of an information system shall conduct the review and comparison with regulations prescribed in Clause 4 Article 3 of this Decree and apply for the inclusion of the information system under its management in the List of major national security information systems.
2. Regarding information systems included in the List of major national security information systems:
a) The Ministry of Information and Communications of Vietnam shall send the Ministry of Public Security of Vietnam documents on major national security information systems approved by the Prime Minister of Vietnam for the establishment of the List of major national security information systems;
b) In cases prescribed in Point a Clause 2 of this Article, the governing body of a major national security information system is not required to apply for the inclusion of such system in the List of major national security information systems;
c) The Ministry of Public Security of Vietnam shall include major national security information systems in the List of major national security information systems according to the prescribed order and procedures; notify governing bodies of such information systems of the information systems eligible for inclusion in the List of major national security information systems, and perform other equivalent responsibilities.
3. During the appraisal of information systems on their level of information safety, if such information systems are eligible for inclusion in the List of major national security information systems, the Ministry of Information and Communications of Vietnam shall transfer applications of such information systems for inclusion in the List of major national security information systems to the Ministry of Public Security for appraisal.
4. Cybersecurity protection forces shall, based on their functions and assigned tasks, review information systems with qualifications in accordance with regulations prescribed in Article 3 of this Decree and request governing bodies of such information systems to apply for inclusion of their information systems in the List of major national security information systems.
5. An application for inclusion of an information system in the List of major national security information systems includes:
a) A written request for inclusion of the information system in the List of major national security information systems (Form No. 1 of the Appendix);
b) A document on the provision of the list of the whole information system of the agency or organization (Form No. 2 of the Appendix);
c) Enclosed proving documents, including: documents describing and explaining the overview of the information system; construction design documents approved by competent authorities or equivalences; documents proving the suitability with the criteria for inclusion in the List of major national security information systems; documents explaining solutions to protect information systems (plans for assurance of network infrastructure safety; server security; application security; database security; management policies; organization, personnel; management of design, construction; management of operation; inspection, assessment, and management of risks).
6. The application for inclusion of the information system in the List of major national security information systems shall be made into 1 original copy and sent to:
a) The Department of Cyber Security and Hi-tech Crime Prevention of the Ministry of Public Security of Vietnam, excluding cases prescribed in Point b and Point c of this Clause;
b) The Cyber Command of the Ministry of National Defense of Vietnam regarding military information systems.
c) The Cipher Department of the Government of Vietnam regarding cipher information systems of the Cipher Department of the Government of Vietnam.
7. Agencies that receive applications prescribed in Clause 6 of this Article shall respond to suggestions on the received applications in writing (Form No. 3 of the Appendix).
Article 5. Appraisal of applications for inclusion of information systems in the List of major national security information systems
1. The Department of Cyber Security and Hi-tech Crime Prevention of the Ministry of Public Security of Vietnam shall appraise applications for inclusion of information systems in the List of major national security information systems as prescribed by regulations, excluding cases prescribed in Clause 2 and Clause 3 of this Article.
2. The Cyber Command of the Ministry of National Defense of Vietnam shall provide guidelines on the making, receipt, and appraisal of applications for inclusion of military information systems in the List of major national security information systems.
3. The Cipher Department of the Government of Vietnam shall appraise applications for inclusion of information systems of the Cipher Department of the Government of Vietnam in the List of major national security information systems.
4. An Appraisal Council of applications for inclusion of information systems in the List of major national security information systems:
a) The Appraisal Council is required for major national security information systems related to many fields or when the appraisal process needs suggestions from many Ministries and relevant authorities;
b) Members of an Appraisal Council shall work on a part-time basis and self-dissolve upon completion of tasks. According to the nature and role of the information system, members of the Appraisal Council may include the Ministry of Public Security of Vietnam, the Ministry of National Defense of Vietnam, the Ministry of Information and Communications of Vietnam, the Cipher Department of the Government of Vietnam, and relevant agencies and units. Depending on each specific case, the Appraisal Council shall invite the governing body of the corresponding information system to participate in the appraisal meeting;
c) The Appraisal Council shall appraise the safety level of an information system and the application for inclusion of such information system in the List of major national security information systems.
5. Meeting results of the Appraisal Council shall be generally used for work of cybersecurity and cyber information security.
6. In case of requirement for verification of information in applications and the actual state of the information systems mentioned in such applications, appraisal agencies prescribed in Clauses 1, 2, and 3 of this Article shall organize actual surveys and testing to appraise applications for inclusion of information systems in the List of major national security information systems. The actual survey and testing time shall not exceed 20 days.
Survey results shall be recorded in writing and certified by appraisal agencies and governing bodies of such information systems.
7. Governing bodies shall cooperate and facilitate the appraisal, survey, testing, and supplement of applications at the request of appraisal agencies.
8. Time and procedures for appraisal of applications:
a) The appraisal time of applications is 30 days from the receipt date of valid applications for inclusion of information systems in the List of major national security information systems or from the end date of the survey process prescribed in Clause 6 of this Article;
b) The time for confirmation of valid applications is 3 working days after receiving the adequate applications for inclusion of information system in the List of major national security information systems;
c) At the end of the appraisal time, appraisal agencies shall finalize documents and send them to the Minister of Public Security of Vietnam, Minister of National Defense of Vietnam for suggestions for presentation of such documents to the Prime Minister of Vietnam to request the promulgation and update of decisions according to their functions and assigned tasks. At the same time, notify the governing bodies of information systems of the appraisal results in writing (Form No. 4 of the Appendix);
d) The Minister of the Ministry of Public Security of Vietnam and the Minister of National Defense of Vietnam shall decide on the extension of appraisal time. The extended time shall not exceed 20 days.
9. The Ministry of Public Security of Vietnam shall take charge and cooperate with the Ministry of National Defense of Vietnam and the Cipher Department of the Government of Vietnam in agreeing on the mechanism for requesting the Prime Minister of Vietnam to promulgate Decisions on the establishment and update of the List of major national security information systems.
Article 6. Exclusion of information systems from the List of major national security information systems
1. The governing body of a major national security information system shall apply for exclusion of such information system from the List of major national security information systems if the governing body detects that such information system fails to satisfy the bases prescribed in Article 3 of this Decree.
2. Annually, cybersecurity protection forces shall, based on their functions and tasks, review and detect information systems that fail to comply with regulations prescribed in Article 3 of this Decree and request the related governing bodies to apply for exclusion of such information systems from the List of major national security information systems.
3. An application for exclusion of an information system from the List of major national security information systems includes:
a) A written request for exclusion of the information system from the List of major national security information systems (Form No. 5 of the Appendix);
b) Other necessary documents directly related to the application for exclusion of the information system from the List of major national security information systems.
4. Order, procedures, and competency to consider and decide on the exclusion of information systems from the List of major national security information systems shall comply with regulations on the order, procedures, and competency to consider and decide on the inclusion of information systems in the List of major national security information systems.
Article 7. Cooperation in appraising, assessing, inspecting, supervising, responding to, and remedying incidents of major national security information system
1. The protection of cybersecurity and cyber information security of major national security information systems shall be performed according to regulations of laws on cybersecurity and cyber information security.
2. Principles of cooperation
a) Application of regulations of laws on cybersecurity and cyber information security to the appraisal, assessment, inspection, supervision, response, and remedy for incidents of major national information systems;
b) In case cooperation between many relevant parties is required, the Ministry of Public Security of Vietnam, the Ministry of National Defense of Vietnam, and the Cipher Department of the Government of Vietnam shall, based on the Law on Cybersecurity, take charge and cooperate with the Ministry of Information and Communications and Ministries and central authorities related to the organization of the appraisal, assessment, inspection, supervision, response, and remedy for incidents of major national security information systems according to their functions and assigned tasks;
c) The cooperation process shall ensure compliance with treaties and regulations of international organizations to which Vietnam is a signatory, the Law on Cybersecurity, and relevant laws in a proactive, regular, and timely manner that is in line with assigned functions, tasks, and entitlements.
3. Methods of cooperation
a) The Ministry of Public Security shall request relevant Ministries and central authorities to appoint their members to participate in the appraisal, assessment, inspection, supervision, response, and remedy for incidents of major national security information systems in writing;
b) Relevant Ministries and central authorities shall appoint their members to adequately participate in activities during the process of the appraisal, assessment, inspection, supervision, response, and remedy for incidents of major national security information systems according to the content of the request;
c) Records and documents that serve the appraisal, assessment, inspection, supervision, response, and remedy for incidents of major national security information systems shall be sent to participants by the Ministry of Public Security according to regulations.
4. Regarding the cooperation in supervising major national security information systems for cybersecurity and cyber information security:
a) Cybersecurity protection forces shall share the data on the testing of cybersecurity and cyber information security serving functions and assigned tasks with the Authority of Information Security and the Ministry of Information and Communications of Vietnam;
b) In case the supervision of cyber information security for major national security information systems has been performed, the supervision data shall be shared and generally used for cybersecurity and cyber information security;
c) Governing bodies of major national security information systems shall arrange premises, technical conditions and establish and connect systems and supervision devices of cybersecurity protection forces to information systems under their management for early detection and warning of cybersecurity risks.
Section 2. CYBERSECURITY CRITERIA FOR MAJOR NATIONAL SECURITY INFORMATION SYSTEMS
Article 8. Criteria for regulations, procedures, and methods of ensuring cybersecurity for major national security information systems
1. Governing bodies of major national security information systems shall, based on regulations on cybersecurity, state confidentiality protection, confidential work, technical standards and regulations on cyber information security, and other relevant professional technical standards, develop regulations, procedures, and plans for the protection of cybersecurity of major national security information systems under their management.
2. Contents of regulations, procedures, and plans for the protection of cybersecurity shall elaborate on the major information system and major information prioritized for protection; management procedures, technical procedures, and professional procedures in using and protecting cybersecurity of the database and technical infrastructure; the criteria for personnel of cyber administration, system operation, assurance of cyber information security and safety, and activities of drafting, storing, and transmitting state confidentiality via information systems; responsibilities of each division and individual in managing, operating, and using; sanctions for violations.
Article 9. Criteria for personnel of system operation, administration, and cybersecurity protection
1. Divisions in charge of system operation and administration and cybersecurity protection are required.
2. Personnel in charge of system operation and administration and cybersecurity protection shall have professional qualifications in cybersecurity, cyber information security, and information technology; have commitments to protect the confidentiality of information on major national security information systems during the process of working and after leaving the job position.
3. Mechanisms of independent professional operations between divisions of operation, administration, and protection of cybersecurity for major national security information systems are required.
Article 10. Criteria for assurance of cybersecurity for devices, hardware, and software that are components of the system
1. Hardware devices that are components of the system shall be tested for cybersecurity to detect weaknesses and confidential vulnerabilities, malicious codes, transceivers, and malicious hardware for the assurance of compatibility with other components in the major national security information system. Administrative devices must be installed with operating systems and clean applications and have layers of firewall protection. Information systems that handle state confidentialities shall not be connected to the Internet.
2. Products that are warned or notified to have risks of cybersecurity disorder by cybersecurity protection forces shall not be put into use, or they shall have measures to handle and remedy weaknesses, confidential vulnerabilities, malicious codes, and malicious hardware before being put into use.
3. Digital data and information shall be handled and stored via information systems of state confidentiality shall be encrypted or have protection measures during the process of establishment, trade, and storage on the Internet according to regulations of laws on state confidentiality protection.
4. Information technology devices, communication means, data containers, and devices serving activities of information systems shall be managed, destroyed, or fixed according to laws on state confidentiality protection and working regulations of governing bodies of such information systems.
5. System software, feature software, middleware, database, application programs, source codes, and development tools shall be periodically reviewed and updated with patches.
6. Mobile devices and devices with information storage features when connecting to the internal network of a major national security information system shall be tested and controlled for safety assurance and may only be used in such information systems.
7. Devices and means that store information when connecting, transporting, and storing shall:
a) Test the confidentiality before connecting to major national security information systems;
b) Control the connection and disconnection of devices of major national security information systems;
c) Implement measures to ensure safety during transport and storage and protection measures regarding the stored information of state confidentiality.
Article 11. Criteria for technical measures to supervise and protect cybersecurity
1. The operational environment of a major national security information system shall:
a) Be separated from environments of development, testing, and experiment;
b) Apply measures to ensure information safety;
c) Not install tools and means for application development;
d) Eliminate or turn off unused or unnecessary features and feature software on the information system.
2. Data of the major national security information system shall have automatic backup plans suitable for external storage with data change frequency and ensure that arising data must be backed up within 24 hours. Backup data must be tested to ensure the restoration ability every 6 months.
3. A network system shall:
a) Be divided into different network zones according to users and using purposes and must at least have a separate network zone for the server of the information system; have a demilitarized zone (DMZ) to provide services on the Internet; have a separate network zone to provide wireless network services; have a separate network zone for the database server;
b) Have devices and software to control connections and access to major network zones;
c) Have measures to timely control, detect, and prevent unauthorized connections, access, and intrusion;
d) Have plans to respond to distributed denial-of-service attacks (DDoS) and other forms of attacks suitable with the scale and nature of the major national security information system.
4. Adoption of measures and solutions to find and timely detect technical weaknesses and vulnerabilities of the network system, illegal connections, and devices and software illegally installed in the network.
5. Logs of the information system and users’ activities, arising errors, and information safety incidents must be recorded and stored for at least 3 months in a centralized form and backed up at least once a year.
6. Regarding the control of access of users and groups of users using devices and tools:
a) Register, allocate, renew, and revoke access rights of devices and users;
b) Ensure that each account with access to the system is only associated with one user; in case of sharing the account for general access to the major national security information system, there must be approval from competent authorities and identification of the responsibility of each individual at each time of use;
c) Limit and control access to accounts with administrative rights: (i) establish mechanisms to control the creation of accounts with administrative rights to ensure that such accounts may only be used with the approval of competent authorities; (ii) adopt measures to supervise the use of accounts with administrative rights; (iii) ensure that there is only 1 access at a time to an account with administrative rights, and such account shall automatically log out if it is idle for a certain time;
d) Manage and allocate confidential passwords to access the information system;
dd) Review, inspect, and re-consider the approval of access rights of users;
e) Impose requirements and criteria for information safety for devices and tools used for access.
Article 12. Criteria for physical security
1. Major national security information systems shall be arranged and installed at safe locations and protected to reduce risks of threats and hazards from the environment and intrusion.
2. Major national security information systems shall be ensured regarding power sources and support systems when the main power source is disrupted; have measures to prevent overload, voltage drop, and lightning transmission; have grounding systems; have backup power generators and uninterruptible power supply systems (USP) to ensure the continuous operation of devices.
3. Major national security information systems shall have plans and measures to protect and combat intrusion for information collection of unmanned aerial devices.
4. Data centers of major national security information systems shall have their access controlled 24/7.
ORDER AND PROCEDURES FOR APPLYING CERTAIN CYBERSECURITY PROTECTION MEASURES
Article 13. Order and procedures for cybersecurity appraisals of major national security information systems
1. Cybersecurity protection forces shall conduct cybersecurity appraisals of information systems in the List of major national security information systems as per regulation.
2. Order of the implementation of cybersecurity appraisals of major national security information systems
a) Governing bodies of major national security information systems shall submit applications for cybersecurity appraisals to competent cybersecurity protection forces;
b) Cybersecurity protection forces shall receive, inspect, and provide guidelines on the completion of applications for cybersecurity appraisals and issue receipt documents after adequately receiving the valid applications within 3 working days;
c) Cybersecurity protection forces shall conduct cybersecurity appraisals according to the contents prescribed in Clause 3 Article 11 of the Law on Cybersecurity and provide notifications on the results within 30 days from the receipt date of applications for governing bodies of major national security information systems.
3. An application for cybersecurity appraisal of a major national security information system includes:
a) A written request for cybersecurity appraisal (Form No. 6 of the Appendix);
b) A pre-feasibility research report and a document on the design and construction of the project on investment in the development of the information system before its approval;
c) The scheme for the upgrade of the information system before its approval in case of upgrading the major national security information system.
4. In case of identifying the conformity between the current state of the major national security information and the application for appraisal, cybersecurity protection forces shall conduct surveys and assessments of the actual state of the major national security information system for comparison with the application for appraisal. The actual surveys and assessments shall not affect the normal operation of the governing body as well as the major national security information system. The actual survey and assessment time shall not exceed 7 working days.
5. Cybersecurity appraisal results shall be protected as prescribed by law.
Article 14. Order and procedures for assessing the criteria for cybersecurity of major national security information systems
1. Cybersecurity protection forces shall assess the criteria for cybersecurity of information systems in the List of major national security information systems as per regulation.
2. Order of the assessment of the criteria for cybersecurity of major national security information systems:
a) Governing bodies of major national security information systems shall submit applications for assessment of the criteria for cybersecurity of major national security information systems to cybersecurity protection forces competent to assess the criteria for cybersecurity according to regulations prescribed in Clause 3 Article 12 of the Law on Cybersecurity;
b) Cybersecurity protection forces shall receive, inspect, and provide guidelines on the completion of applications for assessment of the criteria for cybersecurity and issue receipt documents after receiving the valid applications;
c) After receiving the adequate and valid applications, cybersecurity protection forces shall assess the criteria for cybersecurity and provide notifications on the results within 30 days from the receipt date of such applications for governing bodies of major national security information systems;
d) In case of eligibility for cybersecurity, the Director of the cybersecurity criteria assessment agency shall issue certificates of eligibility for cybersecurity to major national security information systems within 3 working days from the end date of the cybersecurity criteria assessment.
3. An application for the certificate of eligibility for cybersecurity of a major national security information system includes:
a) A written request for certification of the criteria for cybersecurity (Form No. 7 of the Appendix);
b) A pre-feasibility research report and a document on the design and construction of the project on investment in the development of the information system before its approval;
c) Documents on solutions to ensure cybersecurity of the major national security information system.
4. In case of failure to achieve cybersecurity eligibility, cybersecurity protection forces shall request the governing body of the major national security information system to supplement and upgrade its major national security information system to ensure eligibility.
Article 15. Order and procedures for cybersecurity supervision
1. The Department of Cyber Security and Hi-tech Crime Prevention of the Ministry of Public Security of Vietnam and the Cyber Command of the Ministry of National Defense of Vietnam shall conduct the supervision of cybersecurity of the national cyberspace and national major security information systems according to their functions and assigned tasks. The Cipher Department of the Government of Vietnam shall conduct the supervision of cybersecurity of cipher information systems of the Cipher Department of the Government of Vietnam according to its functions and assigned tasks.
2. Order of the supervision of cybersecurity of cybersecurity protection forces:
a) Send written notifications to governing bodies of information systems to request the implementation of cybersecurity supervision measures which specify the reason, time, content, and the implementation scope of cybersecurity supervision;
b) Implement cybersecurity supervision measures;
c) Make periodic statistics and reports on cybersecurity supervision results.
3. Governing bodies of major national security information systems shall:
a) Develop and implement cybersecurity supervision systems and cooperate with cybersecurity protection forces in implementing cybersecurity supervision activities for information systems under their management;
b) Arrange premises and technical conditions and establish and connect systems and supervision devices of cybersecurity protection forces to information systems under their management for cybersecurity supervision;
c) Provide and update information on information systems under their management, technical plans for the implementation of supervision systems for cybersecurity protection forces periodically or irregularly at the request of competent cybersecurity protection forces;
d) Notify cybersecurity protection forces of their supervision activities once every 3 months;
dd) Protect the confidentiality of relevant information in the process of cooperating with cybersecurity protection forces.
4. Telecommunications enterprises and enterprises that provide services of information technology, telecommunications, and the internet shall cooperate with cybersecurity protection forces in conducting cybersecurity supervision according to their entitlements for cybersecurity protection.
5. Cybersecurity supervision results shall be protected as prescribed by law.
Article 16. Order and procedures for cybersecurity testing
1. Cybersecurity protection forces shall conduct cybersecurity testing for information systems according to regulations prescribed in Clause 5 Article 13 and Clause 1 Article 24 of the Law on Cybersecurity. Cybersecurity testing contents include the inspection of compliance with regulations of laws on cybersecurity assurance and protection of state confidentiality in cyberspace; inspection and assessment of the efficiency of plans and measures to ensure cybersecurity and plans for responding to and remedying cybersecurity incidents; inspection and assessment of detection of vulnerabilities, security weaknesses, and malicious codes and system intrusion test attacks; other testing and assessments prescribed by governing bodies.
2. Order and procedures for cybersecurity testing of cybersecurity protection forces:
a) Notify cybersecurity testing plans as per regulation;
b) Establish Testing Teams according to functions and assigned tasks;
c) Conduct cybersecurity testing and strictly cooperate with governing bodies of information systems during the testing process;
d) Make records of cybersecurity testing processes and results and preserve them as prescribed by law;
dd) Notify cybersecurity testing results within 3 working days from the completion date of the testing.
3. In case it is necessary to keep the current state of information systems to investigate and handle law violations, detect security weaknesses and vulnerabilities, provide guidelines, or participate in remedial activities as requested by governing bodies of information systems, cybersecurity protection forces shall request governing bodies of information systems to suspend cybersecurity testing in writing. The mentioned documents shall specify the reason, purpose, and time of the temporary suspension of cybersecurity testing.
Article 17. Order and procedures for responding to and remedying cybersecurity incidents of major national security information systems
1. Regarding major national security information systems, when facing cybersecurity incidents, shall comply with the following order and procedures for response and remedy as follows:
a) Cybersecurity protection forces shall provide written notifications and guidelines on temporary measures to prevent and handle cyber-attacks and remedy consequences of cyber-attacks and cybersecurity incidents for governing bodies of major national security information systems.
In case of emergencies, provide notifications by phone or other forms before providing written notifications;
b) Governing bodies of major national security information systems shall implement measures according to guidelines and implement other suitable measures to prevent, handle, and remedy consequences right after receiving notifications, excluding cases prescribed in Point c of this Clause.
In case of inability to handle, timely notify cybersecurity protection forces for coordination and response to cybersecurity incidents;
c) In case it is necessary to immediately respond to and prevent consequences that threaten national security, cybersecurity protection forces shall decide on the direct coordination and remedial response to cybersecurity incidents.
2. Coordination and remedial response to cybersecurity incidents of cybersecurity protection forces:
a) Assess and decide on schemes for response and remedy for cybersecurity incidents;
b) Operate the response and remedy for cybersecurity incidents;
c) Preside over the receipt, collection, handling, and sharing of information on response and remedy for cybersecurity incidents;
d) Mobilize and cooperate with organizations and individuals inside and outside of Vietnam related to the participation in responding to and remedying cybersecurity incidents in necessary cases;
dd) Appoint focal agencies to cooperate with relevant agencies of other countries or international organizations in responding to and handling international incidents based on international agreements or treaties that Vietnam is a signatory;
e) Inspect, supervise, and urge the implementation of units related to the response and remedy for cybersecurity incidents;
g) Make records of the process of responding to cybersecurity incidents.
3. Organizations and individuals participating in responding to and remedying cybersecurity incidents shall implement measures, responses, and remedies for incidents according to the coordination of cybersecurity protection forces.
4. In case of the protection of national security and social order and safety, telecommunications enterprises and enterprises that provide Internet services shall arrange premises, connectors, and necessary technical measures for the Department of Cyber Security and Hi-tech Crime Prevention of the Ministry of Public Security of Vietnam to carry out their tasks and ensure cybersecurity. Telecommunications enterprises and enterprises that provide Internet services shall cooperate with the Department of Cyber Security and Hi-tech Crime Prevention of the Ministry of Public Security of Vietnam in implementing the specific order and procedures.
Article 18. Order and procedures for implementing measures to use passcodes to protect cyber information
1. Cybersecurity protection forces shall use cryptographic measures of the cipher to protect cyber information when transmitting information and documents subject to state confidentiality in cyberspace. Cryptographic measures shall comply with regulations of laws on the cipher, state confidentiality protection, and cybersecurity.
2. In necessary cases, due to reasons of national security, social order and safety, and protection of legitimate rights and benefits of agencies, organizations, and individuals, cybersecurity protection forces shall request relevant agencies, organizations, and individuals to encrypt information not included in the scope of state confidentiality before storing or transmitting on the Internet in writing. The mentioned requesting documents shall specify the reason and content subject to encryption.
Article 19. Order and procedures for implementing measures to request the removal of illegal information or false information in cyberspace that infringes upon national security, social order and safety, and legitimate rights and benefits of agencies, organizations, and individuals
1. The above-mentioned measures shall be applicable:
a) When information in cyberspace is identified by competent agencies to have contents that infringe upon national security, disseminate information that sabotages the Socialist Republic of Vietnam, incite riots, and disrupt public security and order according to regulations of the law;
b) When there are legal bases to determine that information in cyberspace has humiliating and slanderous contents; infringes upon the order of the economic management; fabricates and falsifies information, causing confusion among the people and severe damage to socio-economic activities to the extent that such information must be removed;
c) When other information in cyberspace has contents prescribed in Points c, dd, e Clause 1 Article 8 of the Law on Cybersecurity.
2. The Director of the Department of Cyber Security and Hi-tech Crime Prevention of the Ministry of Public Security of Vietnam and Directors of competent agencies of the Ministry of Information and Communications shall:
a) Decide on the application of measures to request the removal of illegal information or false information in cyberspace that infringes upon national security, social order and safety, and legitimate rights and benefits of agencies, organizations, and individuals as prescribed in Clause 1 of this Article;
b) Send written requests to enterprises that provide services on the telecommunications network, services on the Internet, and value-added services in cyberspace and governing bodies of information systems for removal of illegal information or false information in cyberspace that infringes upon national security, social order and safety, and legitimate rights and benefits of agencies, organizations, and individuals as prescribed in Clause 1 of this Article;
c) Inspect the implementation of measures of relevant entities when requested;
d) Trade and share information on the implementation of the mentioned measures, excluding cases included in the scope of state confidentiality or professional requests of the Ministry of Public Security of Vietnam.
3. Cybersecurity protection forces of the Ministry of National Defense of Vietnam shall apply measures to request the removal of illegal information or false information in cyberspace that infringes upon national security and military security according to regulations prescribed in Clause 1 of this Clause to military information systems.
Article 20. Order and procedures for implementing measures to collect data related to acts of infringing upon national security, social order and safety, and legitimate rights and benefits of agencies, organizations, and individuals in cyberspace
1. Data is information in the form of symbols, letters, numbers, images, sounds, or equivalences.
2. The Director of the Department of Cyber Security and Hi-tech Crime Prevention of the Ministry of Public Security of Vietnam shall decide on the implementation of measures to collect data to investigate and handle acts of infringing upon national security, social order and safety, and legitimate rights and benefits of agencies, organizations, and individuals in cyberspace.
3. The collection of data related to acts of infringing upon national security, social order and safety, and legitimate rights and benefits of agencies, organizations, and individuals in cyberspace shall be implemented according to regulations of the law while satisfying the following requirements:
a) Maintenance of the status of digital devices and data;
b) The copying and recording of data shall be done according to correct procedures via recognized devices and software that are verifiable and can protect the integrity of data stored in such devices;
c) The process of restoring data or search data shall be recorded via minutes, images, and videos. The process may be repeated if it is necessary for presentation at a court;
d) Data collectors shall be specialized officials assigned to collect data.
4. Principles of copying and restoring data related to acts of infringing upon national security, social order and safety, and legitimate rights and benefits of organizations, organizations, and individuals in cyberspace:
a) If the data is considered necessary to be copied or restored or there is a request to copy and restore the data for the purpose of proving the commission of a crime, the assigned person shall be authorized to copy and restore such data and acquire a decision on approval of competent authority according to regulations of the law;
b) Compilation of records of activities of copying and restoring electronic evidence, and when it is necessary, an independent third party may be invited to witness and confirm such progress.
5. The confiscation of means that store, transmit, and process data related to acts of infringing upon national security, social order and safety, and legitimate rights and benefits of agencies, organizations, and individuals in cyberspace shall be implemented according to regulations of the law.
6. Cybersecurity protection forces of the Ministry of National Defense of Vietnam shall decide on the application of measures to collect data to investigate cases of violations, criminals that cause insecurity, information insecurity, infringement upon national security and military security in cyberspace.
Article 21. Order and procedures for implementing measures to suspend, temporarily suspend, or request the termination of operations of information systems and revoke domain names
1. The above-mentioned measures shall be applicable when:
a) There are documents proving the operation of the information system is violating laws on national security and cybersecurity;
b) The information system is currently used for purposes of infringing upon national security and social order and safety.
2. The Minister of Public Security of Vietnam shall directly decide on the suspension, temporary suspension, or termination of operations of information systems and the suspension or revocation of domain names that have activities that violate laws on cybersecurity.
3. The Director of the Department of Cyber Security and Hi-tech Crime Prevention of the Ministry of Public Security of Vietnam shall implement decisions on the suspension, temporary suspension, or request for termination of operations information systems, and suspension or revocation of domain names.
4. Order and procedures for implementing the above-mention measures:
a) Report on the application of measures to suspend, temporarily suspend, or request the termination of operations of information systems and suspend or revoke domain names;
b) Decide on the suspension, temporary suspension, or request for termination of operations of information systems and suspension or revocation of domain names;
c) Send written requests to relevant agencies, organizations, and individuals for the implementation of the suspension, temporary suspension, or request for termination of operations of information systems or send written requests to the Vietnam Internet Network Information Center (VNNIC) for the suspension or revocation of domain names according to the order and procedures prescribed by law; requesting documents shall specify the reason, time, content, and complaints;
d) In case of emergencies, timely prevent operations of information systems to avoid endangering national security or prevent potentially harmful consequences. The Department of Cyber Security and Hi-tech Crime Prevention of the Ministry of Public Security of Vietnam shall directly request or send written requests via fax or email to agencies, organizations, and individuals for the suspension, temporary suspension, or request for termination of operations of information systems;
Within 24 hours after receiving requests, the Department of Cyber Security and Hi-tech Crime Prevention of the Ministry of Public Security of Vietnam shall send documents on request for suspension, temporary suspension, or request for termination of operation of information systems. In case there are no documents on decisions when the mentioned time limit is overdue, information systems may continue their operations. According to the nature, level, and consequences due to the delay in sending requesting documents, the assigned officials and relevant persons shall take responsibility according to regulations of the law;
dd) The suspension, temporary suspension, or request for termination of operations of information systems shall be made into records. The records shall specify the time, location, and bases and be made into 2 copies. Relevant competent agencies shall keep one copy, and agencies, organizations, and individuals that own and manage information systems shall keep the other one;
e) Regarding the suspension and revocation of national domain names in cases prescribed in Clause 1 of this Article, relevant competent authorities shall send written requests to the VNNIC for the suspension and revocation of domain names according to the order and procedures prescribed by law.
5. If the suspension, temporary suspension, or request for termination of operations of information systems does not comply with the bases prescribed in Clause 2 of this Article, Directors and Deputy Directors of relevant competent agencies and relevant officials shall take legal liability. If such suspension, temporary suspension, or request for termination of operations of information systems cause damage to relevant agencies, organizations, and individuals, compensate as prescribed by law.
Article 22. Responsibilities of agencies, organizations, and units in implementing cybersecurity protection measures
1. Cybersecurity protection forces shall provide specific guidelines to relevant agencies, organizations, and individuals in implementing regulations on order and procedures for applying certain cybersecurity protection measures.
2. Agencies, organizations, and individuals shall, within their scope of responsibilities and entitlements, timely support and cooperate with cybersecurity protection forces in implementing regulations on order and procedures for implementing certain cybersecurity protection measures.
3. In case cross-border supply enterprises are declared to violate Vietnamese laws by competent authorities, Vietnamese organizations and enterprises shall cooperate with relevant competent agencies in preventing and handling acts of violating laws of cross-border supply enterprises.
4. Any acts of exploiting or taking advantage of cybersecurity protection measures to violate laws shall be handled based on their nature and level of violation according to regulations of the law; In case of damage to legitimate rights and benefits of organizations and individuals, compensate as prescribed by law.
5. Regarding information systems not included in the List of major national security information systems, the Ministry of Public Security of Vietnam, the Ministry of National Defense of Vietnam, and the Ministry of Information and Communications of Vietnam shall synchronously cooperate in protecting cybersecurity and cyber information security according to their functions and assigned tasks:
a) The Ministry of Information and Communications of Vietnam shall act as the focal point in charge of civil activities, excluding regulations prescribed in Points b and c of this Clause;
b) The Ministry of Public Security of Vietnam shall be the focal point in charge of activities of protecting national security, social order and safety, and cybersecurity and preventing and combating cybercriminals, cyber-terrorists, and cyber-spies;
c) The Ministry of National Defense of Vietnam shall be the focal point in charge of activities of protecting the Fatherland in cyberspace.
IMPLEMENTATION OF CERTAIN ACTIVITIES OF PROTECTING CYBERSECURITY IN STATE AGENCIES AND POLITICAL ORGANIZATIONS AT CENTRAL AND LOCAL LEVELS
Article 23. Development and completion of regulations on the use of computer networks of state agencies and political organizations at central and local levels
1. State agencies and political organizations at central and local levels shall develop regulations on the use, management, and assurance of the internal computer network security and computer networks with Internet connection under their management. Contents of regulations on assurance of cybersecurity and cyber-safety shall be in accordance with regulations on cybersecurity protection, state confidentiality protection, technical standards and regulations on cyber information security, and other relevant professional technical standards.
2. Regulations on the use and assurance of computer network security of state agencies and political organizations at central and local levels shall:
a) Identify major information and information network systems to be prioritized for cybersecurity assurance;
b) Elaborate on prohibitions and principles of management and use and ensure cybersecurity and internal computer networks that store or transmit state confidentiality shall have a complete physical separation from computer networks, devices, and electronic means with Internet connection, other cases shall ensure compliance with regulations of laws on state confidentiality protection;
c) Have procedures for professional and technical management in operating, using, and ensuring cybersecurity of data and technical infrastructure. Such procedures shall satisfy basic requirements for information system safety assurance;
d) Have criteria for personnel in charge of network administration, system operation, cybersecurity assurance, information safety, and work related to the compilation, storage, and transmission of state confidentiality via computer system networks;
dd) Specifically stipulate responsibilities of each division, official, and staff member in managing, using, and ensuring cybersecurity and information safety;
e) Stipulate sanctions for violations of regulations on cybersecurity assurance.
Article 24. Development and completion of schemes for cybersecurity assurance for information systems of state agencies and political organizations at central and local levels
1. Heads of state agencies and political organizations at central and local levels shall issue schemes for cybersecurity assurance for information systems under their management, ensuring synchronicity, unity, focus, and sharing of natural resources to optimize efficiency and avoid duplicate investment.
2. Schemes for cybersecurity assurance for information systems include:
a) Regulations on cybersecurity assurance in designing and developing information systems, satisfying basic requirements for technical and professional management;
b) Cybersecurity appraisal;
c) Cybersecurity assessment and testing;
d) Cybersecurity supervision;
dd) Prevention, response, and remedy incidents and dangerous situations of cybersecurity;
e) Risk management;
g) Ending of operation, utilization, repair, liquidation, and cancellation.
Article 25. Schemes for response and remedy to cybersecurity incidents of state agencies and political organizations at central and local levels
1. Schemes for response and remedy to cybersecurity incidents include:
a) Schemes for prevention and handling of information sabotaging the Socialist Republic of Vietnam, inciting riots, disrupting public order, slandering, and infringing upon the order of economic management uploaded on information systems;
b) Schemes for prevention and combat against cyber-spies and protection of information of state confidentiality, work confidentiality, business confidentiality, personal confidentiality, family confidentiality, and personal life on information systems;
c) Schemes for prevention and control of acts of using cyberspace, information technology, and electronic means to violate laws on national security and social order and safety;
d) Schemes for prevention and combat against cyber-attacks;
dd) Schemes for prevention and combat against cyber-terrorists;
e) Schemes for prevention and control of dangerous situations of cybersecurity.
2. Contents of schemes for response and remedy to cybersecurity incidents
a) General provisions;
b) Assessments of risks and cybersecurity incidents;
c) Schemes for response and remedy to specific situations;
d) Tasks and responsibilities of agencies in organizing, coordinating, handling, responding to, and remedying incidents;
dd) Training, drills, incident prevention, detection supervision, and assurance of conditions for readiness for response and remedy to incidents;
e) Measures to ensure and organize the implementation of schemes, plans, and implementation budget.
STORAGE OF DATA AND ESTABLISHMENT OF BRANCHES AND REPRESENTATIVE OFFICES IN VIETNAM
Article 26. Storage of data and establishment of branches and representative offices in Vietnam
1. Data subject to storage in Vietnam:
a) Data on personal information of service users in Vietnam;
b) Data created by service users in Vietnam: account names, service use time, information on credit cards, emails, IP addresses of the last login or logout session, and registered phone numbers in association with accounts or data;
c) Data on relationships of service users in Vietnam: friends and groups such users have connected or interacted with.
2. Domestic enterprises shall store the data prescribed in Clause 1 of this Article in Vietnam.
3. Regarding the data storage and establishment of branches or representative offices in Vietnam of foreign enterprises:
a) Foreign enterprises conducting business in Vietnam in one of the following fields: telecommunications services; storage and sharing of data in cyberspace; provision of national or international domain names for service users in Vietnam; e-commerce; online payment; payment intermediaries; services of connection and transportation in cyberspace; social media and social communication; online games; services of provision, management, or operation other information in cyberspace in forms of messages, calls, video calls, emails, online chatting, shall store data prescribed in Clause 1 of this Article and establish branches or representative offices in Vietnam in case services provided by such foreign enterprises are used for violations of laws on cybersecurity, notified and requested for cooperation, prevention, investigation, and handling in writing by the Department of Cyber Security and Hi-tech Crime Prevention of the Ministry of Public Security of Vietnam but they fail to comply or incompletely comply with such documents or prevent, obstruct, disable, or nullify the effect of cybersecurity protection measures performed by cybersecurity protection forces;
b) In case of inability to comply with regulations of laws on cybersecurity due to force majeure, foreign enterprises shall notify send notifications to the Department of Cyber Security and Hi-tech Crime Prevention of the Ministry of Public Security of Vietnam within 3 working days for inspection of the verification of such force majeure. In such cases, enterprises will have 30 days to adopt remedial methods.
4. If enterprises inadequately collect, utilize, analyze, and handle data according to regulations prescribed in Clause 1 of this Article, enterprises shall cooperate with the Department of Cyber Security and Hi-tech Crime Prevention of the Ministry of Public Security of Vietnam in confirming and storing types of data that is currently being collected, utilized, analyzed, and handled.
If enterprises conduct the additional collection, utilization, analysis, and handling of types of data prescribed in Clause 1 of this Article, they shall cooperate with the Department of Cyber Security and Hi-tech Crime Prevention of the Ministry of Public Security of Vietnam in including such data in the list of data subject to storage in Vietnam.
5. The form of data storage in Vietnam shall be decided by enterprises.
6. Order and procedures for requesting data storage and establishment of branches or representative offices of foreign enterprises in Vietnam:
a) The Minister of Public Security of Vietnam shall promulgate decisions on the request for data storage and establishment of branches or representative offices in Vietnam;
b) The Department of Cyber Security and Hi-tech Crime Prevention of the Ministry of Public Security of Vietnam shall provide notifications and guidelines, monitor, supervise, and urge enterprises to implement requests for data storage and establishment of branches or representative offices in Vietnam while notifying relevant agencies of the implementation of state management functions according to entitlements;
c) Within 12 months from the promulgation date of decisions of the Minister of Public Security of Vietnam, enterprises prescribed in Point a Clause 3 Article 26 of this Decree shall complete the data storage and establishment of branches or representative offices in Vietnam.
7. Order and procedures for the establishment of branches or representative offices in Vietnam shall comply with regulations of laws on business, commerce, enterprises, and other relevant regulations.
8. Enterprises that fail to comply with regulations prescribed in this Article shall be handled according to regulations of laws based on the nature and level of the violation.
Article 27. Time for data storage and establishment of branches or representative offices in Vietnam
1. The time for data storage, according to regulations prescribed in Article 26 of this Decree, shall start when enterprises receive the request for data storage until the end of the time prescribed in such request. The mandatory storage time is 24 months.
2. The time for the establishment of branches or representative offices in Vietnam according to regulations prescribed in Article 26 of this decree shall start when enterprises receive the request for the establishment of branches or representative offices in Vietnam until such business terminate their operation in Vietnam or the prescribed service is no longer available in Vietnam.
3. The system log for investigation and handling of acts of violating laws on cybersecurity prescribed in Point b Clause 2 Article 26 of the Law on Cybersecurity shall be stored for at least 12 months.
1. The budget for the implementation of cybersecurity assurance in the operations of state agencies and political organizations at central and local levels shall be guaranteed by the state budget.
2. The investment budget for public investment cybersecurity shall comply with regulations of the Law on Public Investment. Regarding public investment projects on the development of new information systems or the extension and upgrade of existing information systems, the investment budget shall be included in the investment capital of the corresponding project.
3. The budget for appraisal, supervision, testing, and assessment of cybersecurity criteria; implementation of schemes for cybersecurity assurance of state agencies and political organizations at central and local levels shall be balanced and included in annual budget estimates of such agencies and organizations according to the decentralization of the Law on State Budget.
4. The Ministry of Finance of Vietnam shall provide guidelines on the expenditure on the budget for cybersecurity protection in the budget estimate and guidelines on the management and use of recurrent expenditures on cybersecurity assurance of state agencies and organizations.
5. State agencies and organizations shall, based on their assigned tasks, form estimates, manage, use, and conduct the final settlement of the budget for the implementation of cybersecurity assurance tasks according to the Law on State Budget.
This Decree comes into force as of October 1, 2022.
Article 30. Implementation responsibilities
1. The Minister of Public Security of Vietnam shall urge, inspect, and provide guidelines on the implementation of this Decree. Difficulties that arise during the implementation of this Decree shall be consulted with the Ministry of Public Security for summary and submission of reports to the Government of Vietnam for consideration, decisions, and adjustment.
2. Ministers, Directors of ministerial agencies, Directors of Government’s affiliates, Chairmen of the People’s Committees of provinces, and centrally affiliated cities shall implement this Decree.
|
ON BEHALF OF THE GOVERNMENT |