Nghị định 109/2008/NĐ-CP về bán, giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước
Số hiệu: | 109/2008/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 10/10/2008 | Ngày hiệu lực: | 07/11/2008 |
Ngày công báo: | 23/10/2008 | Số công báo: | Từ số 581 đến số 582 |
Lĩnh vực: | Doanh nghiệp | Tình trạng: |
Hết hiệu lực
01/03/2015 |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 109/2008/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2008 |
NGHỊ ĐỊNH
VỀ BÁN, GIAO DOANH NGHIỆP 100% VỐN NHÀ NƯỚC
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp nhà nước ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
NGHỊ ĐỊNH:
Nghị định này quy định về bán, giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, công ty thành viên hạch toán độc lập và bán đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, công ty thành viên hạch toán độc lập.
1. Bán doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, công ty thành viên hạch toán độc lập không phụ thuộc vào quy mô vốn nhà nước trong các trường hợp sau:
a) Thuộc diện bán doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Đề án tổng thể sắp xếp doanh nghiệp 100% vốn nhà nước;
b) Thuộc diện cổ phần hóa trong Đề án tổng thể sắp xếp doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nhưng không thực hiện cổ phần hóa được.
2. Bán đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, áp dụng đối với các đơn vị hạch toán phụ thuộc của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, công ty thành viên hạch toán độc lập thuộc các trường hợp sau:
a) Thuộc diện bán bộ phận doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Đề án tổng thể sắp xếp doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động và khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ của bộ phận doanh nghiệp còn lại;
b) Thuộc diện cổ phần hóa bộ phận doanh nghiệp trong Đề án tổng thể sắp xếp doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nhưng không thực hiện cổ phần hóa được.
3. Giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, công ty thành viên hạch toán độc lập (sau đây gọi chung là giao doanh nghiệp) khi đáp ứng các điều kiện sau:
a) Giá trị tổng tài sản ghi trên sổ kế toán dưới 15 tỷ đồng;
b) Không có lợi thế về đất đai;
c) Thuộc diện giao doanh nghiệp trong Đề án tổng thể sắp xếp doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc đã tiến hành bán nhưng không bán được.
Trong Nghị định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. “Bán doanh nghiệp”, bao gồm: bán toàn bộ hoặc bộ phận doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, công ty thành viên hạch toán độc lập quy định tại khoản 1 và bán đơn vị phụ thuộc quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định này là việc chuyển sở hữu có thu tiền toàn bộ doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp sang sở hữu tập thể, cá nhân hoặc pháp nhân khác.
2. “Giao doanh nghiệp” là việc chuyển sở hữu không thu tiền đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, công ty thành viên hạch toán độc lập thành sở hữu của tập thể người lao động trong doanh nghiệp có phân định rõ sở hữu của từng người.
3. “Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước” bao gồm: công ty nhà nước độc lập, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước do Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là Bộ), Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) là đại diện chủ sở hữu.
4. “Công ty thành viên hạch toán độc lập” bao gồm: công ty thành viên hạch toán độc lập, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổng công ty nhà nước, công ty mẹ thuộc tổng công ty nhà nước, tập đoàn kinh tế, công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ - công ty con là chủ sở hữu.
5. “Công ty mẹ” bao gồm: công ty mẹ thuộc tổng công ty nhà nước, tập đoàn kinh tế, công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ - công ty con.
6. “Người mua doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp” là tập thể người lao động trong doanh nghiệp, pháp nhân, nhóm người hoặc cá nhân mua doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp.
7. “Người nhận giao doanh nghiệp” là tập thể người lao động trong doanh nghiệp nhận giao doanh nghiệp.
8. “Người giao, người bán doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp” là cơ quan, tổ chức đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp.
9. “Bán theo phương thức trực tiếp” là phương thức đàm phán, thỏa thuận và ký hợp đồng trực tiếp giữa người bán doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp với người mua doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp trong trường hợp chỉ có một tổ chức hoặc tập thể người lao động trong doanh nghiệp hoặc một nhóm người hoặc một cá nhân đăng ký mua (sau đây gọi tắt là người đăng ký mua).
10. “Bán theo phương thức đấu giá” là phương thức lựa chọn người mua doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp khi có từ hai người đăng ký mua trở lên thông qua trả giá cạnh tranh công khai tại phiên đấu giá.
11. “Tập thể người lao động trong doanh nghiệp” là những người lao động hiện có trong danh sách làm việc thường xuyên của doanh nghiệp tự nguyện thực hiện nghị quyết Đại hội công nhân viên chức doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp về nhận giao, mua doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp tại thời điểm có hiệu lực của quyết định phê duyệt phương án sắp xếp lao động. Tập thể người lao động trong doanh nghiệp do Ban Chấp hành Công đoàn doanh nghiệp hoặc Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời làm đại diện hoặc người được Đại hội công nhân, viên chức doanh nghiệp bầu làm đại diện để thực hiện việc nhận giao, mua doanh nghiệp hoặc mua bộ phận doanh nghiệp.
12. “Ban Đổi mới tại doanh nghiệp” là tổ chức được thành lập tại doanh nghiệp thực hiện bán, giao doanh nghiệp do Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ quyết định thành lập.
13. “Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp” là tổ chức thuộc Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ thuộc tập đoàn kinh tế hoặc tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn quy định tại Nghị định này khi bán doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp hoặc giao doanh nghiệp.
14. “Doanh nghiệp không cổ phần hóa được” là doanh nghiệp mà theo Đề án tổng thể sắp xếp doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thuộc danh mục cổ phần hóa, sau khi đã áp dụng tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa nhưng vẫn không cổ phần hóa được hoặc không đáp ứng đủ điều kiện để cổ phần hóa.
15. “Doanh nghiệp không có lợi thế về đất đai” là doanh nghiệp:
a) Có quyền sử dụng đất đối với diện tích dưới 200 m2;
b) Giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc giá thuê đất trên thị trường trong điều kiện bình thường không vượt quá 20% so với giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định. Trường hợp không xác định được giá thì sử dụng giá chuyển nhượng hoặc giá thuê đất của khu đất có vị trí và điều kiện tương đương để xác định.
1. Đối tượng có quyền mua doanh nghiệp, bao gồm:
a) Tập thể người lao động trong doanh nghiệp;
b) Cá nhân người lao động trong doanh nghiệp;
c) Các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế kể cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, trừ tổ chức tài chính trung gian thực hiện tư vấn định giá, đấu giá bán doanh nghiệp;
d) Công dân Việt Nam có đủ năng lực hành vi dân sự, trừ những người không được thành lập và quản lý doanh nghiệp quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g khoản 2 và điểm b khoản 4 Điều 13 Luật Doanh nghiệp, thành viên Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, các cá nhân thuộc tổ chức tài chính trung gian thực hiện tư vấn định giá, đấu giá bán doanh nghiệp;
đ) Tổ chức kinh tế tài chính được thành lập theo pháp luật nước ngoài hoạt động kinh doanh tại nước ngoài hoặc tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài, trừ tổ chức kinh tế tài chính trung gian và cá nhân thuộc tổ chức kinh tế tài chính trung gian thực hiện tư vấn định giá, đấu giá bán doanh nghiệp.
2. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài quy định tại điểm c và các đối tượng quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này theo quy định pháp luật được xác định là nhà đầu tư nước ngoài được tham gia cùng với các doanh nghiệp, công dân Việt Nam khác mua một phần của doanh nghiệp theo tỷ lệ không vượt quá mức cam kết quốc tế của Việt Nam về quyền kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài trong các ngành nghề, lĩnh vực mà Việt Nam có cam kết; đối với các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề, lĩnh vực khác, nhà đầu tư nước ngoài được mua toàn bộ doanh nghiệp.
3. Đối tượng được giao doanh nghiệp là tập thể người lao động trong doanh nghiệp đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 21 Nghị định này.
1. Người mua, người nhận giao không được bán lại doanh nghiệp trong thời gian quy định của hợp đồng.
2. Tài sản của doanh nghiệp khi thực hiện bán, giao được tính bằng giá trị. Giá trị của doanh nghiệp thực hiện bán được tính theo giá thực tế trên thị trường. Giá trị doanh nghiệp thực hiện giao được tính theo giá trị trên sổ kế toán đã được kiểm toán.
3. Thứ tự ưu tiên trong lựa chọn phương thức bán doanh nghiệp:
a) Bán đấu giá có kế thừa công nợ;
b) Bán đấu giá không kế thừa công nợ;
c) Bán thỏa thuận trực tiếp có kế thừa công nợ;
d) Bán thỏa thuận trực tiếp không kế thừa công nợ;
Ưu tiên cho tập thể người lao động trong doanh nghiệp mua nếu trả giá bằng người mua khác trong lần đấu giá cuối cùng.
4. Thực hiện việc công bố công khai theo quy định tại Điều 15 và Điều 23 Nghị định này.
5. Phương tiện thanh toán khi mua doanh nghiệp là tiền đồng Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu mua doanh nghiệp phải mở tài khoản tiền gửi tại một tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam và thực hiện thanh toán trong việc mua doanh nghiệp thông qua tài khoản này.
6. Các khoản chi phí thực tế, hợp lý và cần thiết cho việc bán, giao doanh nghiệp được trừ vào vốn nhà nước hoặc nguồn thu từ bán doanh nghiệp, nếu không đủ thì được hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp. Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung và mức chi phí bán, giao doanh nghiệp.
Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của người mua, người nhận giao doanh nghiệp; quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và các bên liên quan theo quy định của pháp luật.
1. Người đăng ký mua:
a) Có quyền khảo sát thực trạng doanh nghiệp; nghiên cứu hồ sơ, báo cáo tài chính, bảng kê tài sản, các Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, đất đai, các hợp đồng liên quan đến doanh nghiệp;
b) Có trách nhiệm giữ bí mật các thông tin thu được từ việc khảo sát thực trạng và các tài liệu của doanh nghiệp; không được tiết lộ hoặc sử dụng thông tin trên gây phương hại cho doanh nghiệp; bộ phận doanh nghiệp.
2. Người đã mua doanh nghiệp:
a) Được quyền lựa chọn hình thức pháp lý của doanh nghiệp sau khi mua; được tiếp tục thuê đất hoặc nhận giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
b) Được kế thừa các quyền, lợi ích hợp pháp, nghĩa vụ của doanh nghiệp nhà nước đã ghi trong hợp đồng mua bán doanh nghiệp và các hợp đồng đã ký kết;
c) Thanh toán tiền mua doanh nghiệp theo hợp đồng đã ký.
1. Việc chuẩn bị bán doanh nghiệp, gồm: thông báo về việc bán doanh nghiệp; chuẩn bị các hồ sơ, giấy tờ pháp lý của doanh nghiệp.
2. Xây dựng, phê duyệt phương án bán doanh nghiệp, gồm: kiểm kê, đối chiếu, phân loại tài sản và nợ; lập báo cáo tài chính và phương án xử lý tài sản, tài chính và nợ; xây dựng phương án sắp xếp lao động; xác định giá trị doanh nghiệp; xây dựng phương án bán, xác định giá bán tối thiểu và phương thức bán, dự kiến chi phí tổ chức thực hiện bán doanh nghiệp; phê duyệt phương án bán, xử lý tài sản, tài chính, công nợ, lao động. Trường hợp dự kiến số thu từ việc bán doanh nghiệp không đủ bù đắp chi phí thực hiện bán doanh nghiệp (trường hợp người mua kế thừa nợ) hoặc không đủ chi phí và trả các khoản nợ (trường hợp người mua không kế thừa nợ) thì phải chuyển sang hình thức giao hoặc giải thể, phá sản.
3. Xử lý tài sản, tài chính, công nợ, lao động.
4. Tổ chức bán doanh nghiệp.
5. Phê duyệt kết quả bán; lập báo cáo tài chính doanh nghiệp tại thời điểm bàn giao cho người mua; ký kết hợp đồng; thanh toán; bàn giao tài sản, sổ sách và các hồ sơ liên quan cho người mua; thông báo về việc hoàn thành bán doanh nghiệp.
6. Đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp sau khi bán.
Căn cứ vào Đề án tổng thể sắp xếp doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cơ quan, tổ chức quyết định bán doanh nghiệp thông báo cho doanh nghiệp về việc bán doanh nghiệp.
1. Việc xử lý tài sản, số dư bằng tiền của Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi, chi phí xây dựng dở dang, các khoản dự phòng, lỗ hoặc lãi thực hiện theo quy định tại Chương II Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần (sau đây gọi tắt là Nghị định số 109/2007/NĐ-CP).
2. Chênh lệch tài sản kiểm kê:
a) Đối với tài sản dôi thừa nếu không xác định được nguyên nhân và chủ sở hữu thì doanh nghiệp được hạch toán tăng vốn nhà nước tương ứng với giá trị thực tế của tài sản dôi thừa;
b) Đối với tài sản hao hụt, mất mát, tổn thất, doanh nghiệp phải xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân và yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật. Khoản chênh lệch giữa giá trị bồi thường của cá nhân, tập thể liên quan, tổ chức bảo hiểm (nếu có) với giá trị tổn thất thực tế được bù đắp bằng Quỹ dự phòng tài chính; nếu thiếu thì hạch toán vào kết quả kinh doanh; nếu doanh nghiệp vẫn bị lỗ thì được ghi giảm vốn nhà nước.
1. Doanh nghiệp được bán hoặc có bộ phận được bán có trách nhiệm đối chiếu, xác nhận, thu hồi các khoản nợ phải thu đến hạn trước khi bán; huy động các nguồn để thanh toán các khoản nợ đến hạn trả hoặc thỏa thuận với các chủ nợ để xử lý trước khi bán.
2. Đối với các khoản nợ phải thu còn lại và nợ phải trả thì tùy theo điều kiện mua bán có kế thừa nợ hoặc không kế thừa nợ để xử lý theo nguyên tắc sau:
a) Trường hợp người mua cam kết kế thừa nợ, người mua có trách nhiệm thanh toán các khoản nợ phải trả và thu hồi các khoản nợ phải thu theo cam kết; việc cam kết kế thừa các khoản nợ phải thu, phải trả phải được ghi trong hợp đồng mua bán doanh nghiệp và thông báo bằng văn bản cho chủ nợ, khách nợ và các bên liên quan biết;
b) Trường hợp người mua không cam kết kế thừa nợ, doanh nghiệp được bán có trách nhiệm xử lý các khoản nợ này theo quy định hiện hành của Nhà nước về xử lý nợ tồn đọng. Trường hợp các khoản nợ chưa được xử lý hết theo quy định hiện hành của Nhà nước về xử lý nợ tồn đọng thì được xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 109/2007/NĐ-CP tại thời điểm quyết định công bố giá trị doanh nghiệp.
3. Đối với các khoản đã trả trước cho người cung cấp hàng hóa dịch vụ như: tiền thuê nhà, tiền thuê đất, tiền mua hàng, tiền công thì phải đối chiếu với hợp đồng và khối lượng hàng hóa dịch vụ cung cấp để tính vào giá trị doanh nghiệp.
4. Việc xác định và điều chỉnh giá trị doanh nghiệp được áp dụng theo những nguyên tắc quy định tại Chương III Nghị định số 109/2007/NĐ-CP. Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp có trách nhiệm thẩm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về xác định giá trị doanh nghiệp, trình cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quyết định giá trị doanh nghiệp. Trường hợp kết quả xác định giá trị doanh nghiệp không bảo đảm đúng quy định của Nhà nước thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quyết định bán doanh nghiệp có thể từ chối không thanh toán phí dịch vụ tư vấn định giá; nếu gây thiệt hại cho Nhà nước, doanh nghiệp thì tổ chức tư vấn định giá phải bồi thường.
5. Đối với doanh nghiệp không cổ phần hóa được phải chuyển sang phương thức bán thì được kế thừa kết quả xác định giá trị doanh nghiệp đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong quá trình cổ phần hóa.
1. Giá khởi điểm bán doanh nghiệp được xác định theo nguyên tắc sau:
a) Không thấp hơn tổng giá trị phần vốn nhà nước đã được xác định theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Nghị định này và giá trị quyền sử dụng đất (nếu có) theo giá công bố của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nếu người mua kế thừa các khoản nợ.
b) Không thấp hơn tổng giá trị doanh nghiệp đã được xác định theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Nghị định này và giá trị quyền sử dụng đất (nếu có) theo giá công bố của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nếu người mua không kế thừa các khoản nợ.
2. Giá bán doanh nghiệp:
Căn cứ vào phương thức bán (bán đấu giá hoặc bán trực tiếp), phương thức thanh toán (một lần hoặc nhiều lần), mức giá đặt mua, số lao động mà người mua tiếp tục sử dụng để quyết định giá bán nhưng không thấp hơn giá khởi điểm quy định tại khoản 1 Điều này.
1. Trường hợp bán doanh nghiệp mà có từ hai người đăng ký mua trở lên thì phải bán theo một trong hai phương thức đấu giá sau:
a) Đấu giá kế thừa toàn bộ số lao động còn lại, áp dụng trong trường hợp đã giải quyết một phần số lao động theo quy định của pháp luật về lao động và chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty nhà nước;
b) Đấu giá không kế thừa lao động, áp dụng trong trường hợp đã giải quyết hết số lao động hoặc đã phê duyệt phương án giải quyết hết số lao động theo quy định của pháp luật về lao động và chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty nhà nước.
2. Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp có các quyền hạn và nhiệm vụ sau trong việc chỉ đạo và giám sát việc đấu giá:
a) Xây dựng quy chế bán đấu giá trình cơ quan, tổ chức quyết định bán doanh nghiệp phê duyệt;
b) Lựa chọn và trình cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quyết định bán doanh nghiệp quyết định việc ký hợp đồng thuê tổ chức tư vấn định giá, tổ chức thực hiện đấu giá doanh nghiệp.
c) Trình cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quyết định bán doanh nghiệp quyết định phương thức đấu giá và công bố giá khởi điểm;
d) Giám sát việc đấu giá.
3. Xác định giá trị doanh nghiệp:
a) Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày có quyết định bán doanh nghiệp, Ban Đổi mới tại doanh nghiệp phải hoàn thành các công việc quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 18 Nghị định này và gửi kết quả cho Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp.
b) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được kết quả theo quy định tại điểm a khoản này, Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp phải thực hiện việc tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp theo nguyên tắc quy định tại khoản 4 Điều 11 Nghị định này.
c) Căn cứ kết quả xác định giá trị doanh nghiệp, Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp trình cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công bố giá khởi điểm.
4. Lựa chọn tổ chức thực hiện đấu giá:
Các doanh nghiệp có tổng giá trị tài sản sau khi xác định lại dưới 30 tỷ đồng được đấu giá công khai tại các tổ chức tài chính trung gian. Trường hợp không có tổ chức tài chính trung gian nhận bán đấu giá doanh nghiệp thì tổ chức bán đấu giá tại doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp còn lại được đấu giá công khai tại Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán.
5. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quyết định bán doanh nghiệp công bố giá khởi điểm, tổ chức thực hiện đấu giá doanh nghiệp phải thông báo công khai tại doanh nghiệp và trên một tờ báo viết hoặc báo điện tử trong 3 số liên tiếp chậm nhất là 45 ngày trước ngày thực hiện bán đấu giá về các thông tin sau đây:
a) Tên, địa chỉ và ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp được bán đấu giá;
b) Các thông tin cơ bản về tài sản, lao động, tài chính, đất đai, bao gồm cả thời hạn thuê đất còn lại (nếu doanh nghiệp đang thuê đất);
c) Giá khởi điểm;
d) Mức tiền đặt cọc;
đ) Các điều kiện bán;
e) Thời gian và địa điểm nhận hồ sơ mời đấu giá;
g) Thời gian và địa điểm nộp đơn đăng ký mua doanh nghiệp, tiền đặt cọc;
h) Thời gian và địa điểm tổ chức phiên bán đấu giá.
6. Hồ sơ mời đấu giá gồm: các thông tin quy định tại khoản 5 Điều này, mẫu đơn đăng ký mua doanh nghiệp, nội quy phiên bán đấu giá.
7. Người mua doanh nghiệp phải nộp đơn đăng ký mua doanh nghiệp và tiền đặt cọc cho tổ chức thực hiện bán đấu giá theo những quy định sau:
a) Đơn đăng ký mua doanh nghiệp và tiền đặt cọc phải nộp chậm nhất 5 ngày làm việc trước ngày thực hiện bán đấu giá;
b) Đơn đăng ký mua phải ghi cụ thể giá tối thiểu đặt mua doanh nghiệp, giá tối thiểu đặt mua không được thấp hơn giá khởi điểm.
c) Mức tiền đặt cọc bằng 10% giá khởi điểm;
d) Khi nộp đơn đăng ký mua doanh nghiệp, người nộp phải xuất trình chứng minh nhân dân (đối với cá nhân là người Việt Nam), hộ chiếu (đối với cá nhân là người nước ngoài), giấy giới thiệu (đối với tổ chức) và ký cam kết thực hiện nội quy bán đấu giá;
khi nhận đơn đăng ký và tiền đặt cọc, tổ chức bán đấu giá cấp cho người nộp hồ sơ giấy chứng nhận đã nộp đơn đăng ký mua và biên lai thu tiền đặt cọc. Tổ chức bán đấu giá có trách nhiệm giữ bí mật giá đặt mua của người đăng ký mua doanh nghiệp.
đ) Trong thời hạn nhận đơn đăng ký mua doanh nghiệp, người đã đăng ký có thể rút lại đơn đăng ký mua và được hoàn trả ngay khoản tiền đặt cọc.
8. Phiên bán đấu giá được thực hiện khi có ít nhất hai người nộp đơn đăng ký mua doanh nghiệp hợp lệ và đã nộp tiền đặt cọc. Trường hợp chỉ có một đơn đăng ký mua doanh nghiệp hợp lệ được chấp thuận, người bán áp dụng phương thức trực tiếp theo quy định tại Điều 14 Nghị định này.
Trường hợp không có đơn đăng ký mua doanh nghiệp hợp lệ, tổ chức bán đấu giá doanh nghiệp báo cáo Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp để giảm mức giá khởi điểm nhưng không thấp hơn mức giá quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định này hoặc áp dụng các hình thức chuyển đổi khác.
9. Phiên bán đấu giá được thực hiện như sau:
a) Tổ chức thực hiện bán đấu giá doanh nghiệp quyết định cử người đại diện có thẩm quyền để điều hành phiên đấu giá và mời một công chứng viên tham gia chứng kiến phiên đấu giá.
Việc điều hành trả giá và các quy tắc ứng xử trong phiên bán đấu giá được thực hiện theo nội quy phiên bán đấu giá.
b) Tổ chức thực hiện đấu giá doanh nghiệp quyết định lựa chọn một trong hai hình thức đấu giá là đấu giá trực tiếp bằng lời nói hoặc đấu giá bằng bỏ phiếu kín để tiến hành bán đấu giá doanh nghiệp;
c) Việc đấu giá trực tiếp bằng lời nói được thực hiện thông qua việc từng người tham gia đấu giá trả giá trực tiếp bằng lời nói. Sau mỗi lần người tham gia đấu giá trả giá, người điều hành phiên bán đấu giá nhắc lại ba lần một cách rõ ràng, chính xác bằng lời nói giá đã trả cao nhất, mỗi lần cách nhau ba mươi giây. Việc đấu giá được tiến hành cho đến khi không còn người yêu cầu trả giá tiếp thì người có mức giá trả cao nhất là người trúng đấu giá và được quyền mua doanh nghiệp;
d) Việc đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu kín trực tiếp được thực hiện theo từng vòng, liên tục. Người điều hành phiên bán đấu giá công bố giá cao nhất ghi trong phiếu bỏ giá của người mua. Giá công bố cao nhất được trả của vòng trước là giá khởi điểm của vòng đấu tiếp theo cho đến khi không còn người yêu cầu trả giá tiếp thì người có mức giá trả cao nhất là người trúng đấu giá và được quyền mua doanh nghiệp;
đ) Trường hợp người trúng đấu giá từ chối (không ký biên bản đấu giá hoặc ký biên bản đấu giá nhưng không ký hợp đồng mua bán doanh nghiệp) thì tổ chức thực hiện đấu giá lựa chọn và thông báo cho người có giá thấp hơn liền kề là người trúng giá bổ sung nếu giá trả của người này không thấp hơn giá khởi điểm của vòng đấu giá cuối cùng. Nếu người trúng giá bổ sung từ chối thì tổ chức thực hiện đấu giá ra văn bản hủy bỏ kết quả đấu giá và báo cáo người bán tổ chức đấu giá lại vào một thời điểm khác.
10. Biên bản bán đấu giá:
a) Khi kết thúc phiên bán đấu giá, tổ chức thực hiện đấu giá lập biên bản bán đấu giá gửi Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp. Biên bản bán đấu giá phải có chữ ký của người điều hành bán đấu giá, người làm chứng và người mua;
b) Trường hợp phiên bán đấu giá không thành thì tổ chức thực hiện đấu giá phải lập biên bản bán đấu giá không thành. Biên bản này phải có chữ ký của người điều hành phiên bán đấu giá và người làm chứng.
1. Trường hợp chỉ có một đơn đăng ký mua doanh nghiệp hợp lệ được chấp thuận, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quyết định bán doanh nghiệp áp dụng phương thức bán thỏa thuận trực tiếp.
2. Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cùng Giám đốc doanh nghiệp trao đổi trực tiếp với người mua về giá bán, phương án sử dụng lao động và thỏa thuận về các nội dung trong hợp đồng mua bán. Tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp (đối với trường hợp mua không kế thừa công nợ) hoặc tổng giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp (đối với trường hợp mua kế thừa công nợ) được xác định theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Nghị định này là cơ sở để thỏa thuận với người mua về giá bán doanh nghiệp.
Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp gửi hồ sơ và biên bản đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quyết định bán doanh nghiệp.
1. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ khi nhận được đề nghị của Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quyết định bán doanh nghiệp phải xem xét để phê duyệt kết quả bán doanh nghiệp.
2. Trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày phê duyệt kết quả bán doanh nghiệp, tổ chức thực hiện đấu giá phải hoàn trả tiền đặt cọc cho những người tham gia đấu giá hợp lệ nhưng không trúng đấu giá. Tiền đặt cọc của người trúng đấu giá được trừ vào tiền mua doanh nghiệp. Tiền đặt cọc không được hoàn trả cho người vi phạm nội quy phiên bán đấu giá, người trúng đấu giá nhưng không thực hiện ký hợp đồng theo quy định. Khoản tiền đặt cọc không được hoàn trả phải hạch toán tăng khoản thu do bán doanh nghiệp và được quản lý và sử dụng theo quy định tại Điều 16 Nghị định này.
3. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ khi có quyết định phê duyệt kết quả bán doanh nghiệp, đại diện người bán và người mua phải ký kết hợp đồng mua bán doanh nghiệp. Hợp đồng mua bán doanh nghiệp bao gồm các nội dung chính sau:
a) Tên, địa chỉ, số tài khoản của doanh nghiệp được bán;
b) Tên, địa chỉ, số tài khoản (nếu có) của người mua doanh nghiệp;
c) Giá bán doanh nghiệp;
d) Các cam kết của người mua và người bán doanh nghiệp;
đ) Phương thức chuyển giao tài sản, thanh toán tiền mua doanh nghiệp, thời hạn bàn giao doanh nghiệp;
e) Xử lý các vấn đề phát sinh, tranh chấp hợp đồng.
Kèm theo hợp đồng là bản kê tài sản, công nợ (nếu có) mà người mua và người bán đã thỏa thuận.
4. Người mua doanh nghiệp thanh toán trong thời hạn quy định tại hợp đồng mua bán, nhưng tối đa không quá 1 năm kể từ thời điểm hợp đồng mua bán doanh nghiệp được ký, trong đó lần đầu phải thực hiện trong thời hạn 1 tháng và thanh toán không dưới 70% giá bán.
Khi người mua đã thanh toán ít nhất 70% giá bán và có đủ tài sản thế chấp hoặc bảo lãnh theo đúng quy định của pháp luật cho phần còn lại, Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp phải tổ chức việc bàn giao doanh nghiệp cho người mua. Người bán doanh nghiệp tiếp tục điều hành doanh nghiệp cho đến khi bàn giao. Trường hợp gây thất thoát tài sản, người bán có trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.
5. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ký biên bản bàn giao, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quyết định bán doanh nghiệp thông báo việc bán doanh nghiệp với các nội dung sau:
a) Tên, địa chỉ của doanh nghiệp được bán;
b) Tên, địa chỉ của người mua.
c) Giá bán, phương thức bán, thời hạn thanh toán;
d) Trách nhiệm của người mua, người bán doanh nghiệp và các cơ quan liên quan trong việc xử lý những vấn đề tồn tại và phát sinh khác.
Thông báo việc hoàn thành bán doanh nghiệp được đăng trên phương tiện thông tin đại chúng và gửi đến các cơ quan: Tài chính doanh nghiệp, Thuế, Đăng ký kinh doanh, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động – Thương binh và Xã hội, Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính, Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp.
Số tiền bán doanh nghiệp sau khi nộp vào ngân sách nhà nước phần giá trị quyền sử dụng đất (nếu có), được sử dụng vào các mục đích sau: thanh toán các chi phí phục vụ cho việc bán doanh nghiệp; thanh toán các khoản nợ mà người mua không kế thừa; thực hiện chính sách đối với người lao động khi bán doanh nghiệp; số tiền còn lại được nộp về:
1. Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp của tổng công ty, công ty mẹ trong trường hợp bán công ty thành viên hạch toán độc lập, bộ phận doanh nghiệp thuộc tổng công ty, công ty mẹ.
2. Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, công ty thành viên hạch toán độc lập trong trường hợp bán bộ phận doanh nghiệp của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, công ty thành viên hạch toán độc lập.
3. Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước trong trường hợp bán doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
1. Chế độ đối với người lao động:
a) Người lao động đủ điều kiện hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội thì được thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người tiếp tục chuyển sang doanh nghiệp mới được tiếp tục ký hợp đồng lao động và được hưởng các chế độ theo quy định hiện hành;
c) Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động được hưởng chế độ, chính sách theo pháp luật về lao động hoặc chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty nhà nước;
d) Giám đốc, Phó Giám đốc và Kế toán trưởng doanh nghiệp được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quyết định bán doanh nghiệp xét từng trường hợp cụ thể để bố trí công việc hoặc giải quyết theo chính sách tinh giản biên chế của Chính phủ.
2. Trách nhiệm của người mua, người bán:
a) Giám đốc doanh nghiệp được bán có trách nhiệm:
- Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết quyền lợi cho người lao động thuộc diện hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo chế độ hiện hành;
- Giải quyết quyền lợi cho người lao động chấm dứt hợp đồng lao động theo pháp luật về lao động hoặc chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty nhà nước;
- Làm thủ tục để cơ quan bảo hiểm xã hội cấp sổ bảo hiểm theo quy định đối với người lao động tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp mới và chuyển danh sách, hồ sơ của số lao động này cho doanh nghiệp mới.
b) Người mua doanh nghiệp có trách nhiệm tiếp nhận, sử dụng số lao động ghi trong hợp đồng mua bán doanh nghiệp; kế thừa các nghĩa vụ đối với người lao động đã tiếp nhận và thực hiện các chính sách đối với người lao động theo quy định của pháp luật.
Khi nhận được thông báo về việc bán doanh nghiệp, doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức thực hiện các công việc sau:
1. Chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ, giấy tờ pháp lý, hợp đồng chưa thanh lý, các Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản và đất đai của doanh nghiệp.
2. Kiểm kê, xác định số lượng tài sản hiện có tại doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp, đánh giá thực trạng và phân loại tài sản có thể tiếp tục sử dụng, tài sản thanh lý, nhượng bán.
3. Đối chiếu và phân loại công nợ phải thu, phải trả; lập danh sách chủ nợ và số nợ phải trả, số nợ phải thu, trong đó chia ra nợ có khả năng thu hồi và nợ không có khả năng thu hồi và kiến nghị biện pháp xử lý.
4. Lập báo cáo tổ chức quý gần nhất; lập phương án xử lý tài sản, tài chính, công nợ theo các nguyên tắc quy định tại Điều 10 và Điều 11 Nghị định này.
5. Xây dựng phương án sắp xếp số lao động hiện có của doanh nghiệp với các nội dung sau:
a) Lập danh sách toàn bộ số lao động của doanh nghiệp tại thời điểm công bố giá khởi điểm bán doanh nghiệp, có chia ra số lao động đang làm việc có hưởng lương và có đóng bảo hiểm xã hội hoặc không đóng bảo hiểm xã hội; số lao động đã nghỉ việc nhưng có tên trong danh sách của doanh nghiệp có đóng bảo hiểm xã hội hoặc không đóng bảo hiểm xã hội;
b) Dự kiến số lao động mà người mua phải kế thừa sử dụng, số lao động phải giải quyết theo quy định của pháp luật về lao động hoặc chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty nhà nước.
6. Tạo điều kiện cho người đăng ký mua doanh nghiệp khảo sát, tiếp cận tài liệu quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này.
7. Xử lý tài sản, tài chính, công nợ, lao động theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo hợp đồng mua bán doanh nghiệp.
8. Ký hợp đồng thuê tư vấn định giá và thuê tổ chức thực hiện đấu giá doanh nghiệp.
9. Lập báo cáo tài chính doanh nghiệp tại thời điểm bàn giao cho người mua và xử lý những vấn đề về tài chính phát sinh từ thời điểm định giá doanh nghiệp đến thời điểm bàn giao.
10. Bàn giao tài sản, sổ sách và các hồ sơ liên quan cho người mua doanh nghiệp theo thỏa thuận ghi trong hợp đồng mua bán doanh nghiệp.
Sau khi nhận bàn giao doanh nghiệp, người mua doanh nghiệp thực hiện đăng ký kinh doanh theo loại hình tương ứng mà doanh nghiệp sẽ hoạt động theo quy định của pháp luật.
Hồ sơ đăng ký kinh doanh phải kèm theo hợp đồng mua, bán doanh nghiệp và biên bản bàn giao doanh nghiệp.
Người quyết định bán doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các cam kết trong hợp đồng mua, bán doanh nghiệp; xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với những trường hợp vi phạm cam kết hợp đồng.
Tập thể người lao động trong doanh nghiệp được xem xét giao doanh nghiệp khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
1. Tự nguyện đăng ký nhận giao doanh nghiệp.
2. Cam kết duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm tối thiểu từ 3 năm trở lên kể từ ngày nhận giao doanh nghiệp, đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội cho người lao động tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
3. Kế thừa công nợ và các nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp sau khi đã xử lý theo các quy định của Nghị định này. Kế thừa quyền và nghĩa vụ đối với người lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
4. Không được bán, cho thuê, tự giải thể doanh nghiệp trong thời hạn tối thiểu là 3 năm sau khi nhận giao, trừ trường hợp doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản.
1. Ban Đổi mới tại doanh nghiệp tiến hành kiểm kê, xác định số lượng và thực trạng toàn bộ tài sản; các khoản đầu tư dài hạn, ngắn hạn; tài sản thuê, mượn, giữ hộ, bán bộ, ký gửi, chiếm dụng, cho thuê, cho mượn; đối chiếu và phân loại các loại công nợ; lập danh sách chủ nợ và số nợ phải trả, danh sách người mắc nợ và số nợ phải thu, trong đó phân định rõ nợ có khả năng thu hồi và nợ không có khả năng thu hồi; tiến hành phân loại tài sản, xử lý tài sản và các khoản nợ.
2. Nguyên tắc xử lý tài sản:
a) Đối với tài sản mang đi góp vốn liên doanh hoặc nhận góp vốn liên doanh; tài sản thuê ngoài, thuê tài chính; tài sản mượn, giữ hộ và các tài sản khác không phải của doanh nghiệp thì các bên giao, nhận giao doanh nghiệp và chủ sở hữu tài sản thỏa thuận việc kế thừa và ký lại hợp đồng mới hoặc thanh lý hợp đồng;
b) Đối với tài sản chiếm dụng, doanh nghiệp xác định chủ sở hữu để hoàn trả hoặc ký hợp đồng thuê mượn lại tài sản. Trường hợp không xác định được chủ sở hữu, doanh nghiệp hạch toán tăng vốn nhà nước tương ứng với giá trị thực tế của tài sản;
c) Đối với tài sản thuộc công trình phúc lợi, gồm: nhà trẻ, nhà mẫu giáo, bệnh xá và các tài sản phúc lợi khác hình thành từ Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi được chuyển giao cho doanh nghiệp mới quản lý, sử dụng để phục vụ tập thể người lao động trong doanh nghiệp. Đối với nhà ở của cán bộ, công nhân viên, kể cả nhà ở được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước cấp thì chuyển giao cho cơ quan quản lý nhà đất của địa phương để quản lý hoặc bán cho người đang sử dụng theo quy định hiện hành.
d) Đối với tài sản dùng trong sản xuất kinh doanh được đầu tư bằng nguồn Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi của doanh nghiệp thì chuyển giao cho doanh nghiệp tiếp tục sử dụng trong sản xuất kinh doanh;
đ) Số dư bằng tiền của Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi được chia cho người lao động đang làm việc theo số năm thực tế làm việc tại doanh nghiệp trước khi giao doanh nghiệp.
3. Nguyên tắc xử lý các khoản nợ:
a) Đối với các khoản nợ thuế, các khoản phải nộp ngân sách nhà nước khác; khoản vay Ngân hàng Thương mại nhà nước, Ngân hàng Phát triển Việt Nam mà doanh nghiệp đã huy động các nguồn vốn để trả nợ nhưng không đủ thì được xử lý theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
b) Đối với khoản nợ bảo hiểm xã hội thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp và của người lao động mà doanh nghiệp đã thu thì trước khi giao doanh nghiệp được trừ vào giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp để thanh toán. Trường hợp không còn vốn nhà nước thì được hỗ trợ thanh toán từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;
c) Người nhận giao doanh nghiệp có trách nhiệm kế thừa các khoản nợ phải thu, phải trả của doanh nghiệp sau khi được xử lý.
4. Giá trị tài sản còn lại, sau khi thanh toán các chi phí cần thiết cho việc giao doanh nghiệp, được chuyển giao toàn bộ cho tập thể người lao động trong doanh nghiệp sở hữu.
5. Trường hợp Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng doanh nghiệp không tham gia nhận giao doanh nghiệp thì được cấp quyết định giao doanh nghiệp xét từng trường hợp cụ thể để bố trí công việc hoặc giải quyết theo chính sách tinh giản biên chế của Chính phủ.
1. Căn cứ vào Đề án tổng thể sắp xếp doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan, tổ chức quyết định giao doanh nghiệp thông báo cho doanh nghiệp và trên phương tiện thông tin đại chúng về việc thực hiện giao doanh nghiệp.
2. Ban Chấp hành Công đoàn hoặc Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời cùng Giám đốc doanh nghiệp tổ chức Đại hội công nhân, viên chức để biểu quyết theo thể thức đa số quá bán việc tự nguyện nhận giao doanh nghiệp; xây dựng và thông qua phương án nhận giao doanh nghiệp bao gồm cả phương án sản xuất kinh doanh và phương án sắp xếp lại lao động; thực hiện các điều kiện nhận giao doanh nghiệp, trong đó cam kết sử dụng hết lao động trong doanh nghiệp (trừ số lao động tự nguyện chấm dứt hợp đồng lao động); cử người đại diện tiến hành các thủ tục nhận giao doanh nghiệp. Doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn thì Ban Đổi mới tại doanh nghiệp phối hợp với Giám đốc doanh nghiệp tổ chức Đại hội công nhân, viên chức doanh nghiệp.
3. Ban Đổi mới tại doanh nghiệp tiến hành phân loại tài sản, xác định và phân loại công nợ; lập báo cáo tài chính; dự kiến chi phí tổ chức thực hiện giao doanh nghiệp. Căn cứ số liệu trên sổ kế toán, kết quả kiểm kê, phân loại, xử lý tài sản, tài chính và công nợ theo các nguyên tắc xử lý tài sản, tài chính và công nợ nêu tại Điều 22 Nghị định này, Giám đốc doanh nghiệp và Ban Đổi mới tại doanh nghiệp lập phương án xác định giá trị doanh nghiệp được giao cho tập thể người lao động. Trường hợp chi phí tổ chức thực hiện giao doanh nghiệp theo dự kiến lớn hơn giá trị phần vốn nhà nước còn lại tại doanh nghiệp thì phải chuyển sang hình thức giải thể, phá sản.
4. Ban Chấp hành Công đoàn doanh nghiệp hoặc Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời hoặc người được Đại hội công nhân, viên chức bầu làm đại diện lập danh sách, phân loại lao động và lập hồ sơ liên quan của người lao động; xây dựng phương án sản xuất kinh doanh và cam kết nhận giao doanh nghiệp.
5. Đại diện tập thể người lao động gửi hồ sơ xin nhận giao doanh nghiệp đến Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, hồ sơ gồm:
a) Đơn xin nhận giao doanh nghiệp;
b) Phương án sản xuất kinh doanh;
c) Phương án sử dụng, đào tạo lại lao động;
d) Dự kiến loại hình tổ chức doanh nghiệp mới;
đ) Những cam kết của tập thể người lao động trong doanh nghiệp.
6. Cấp có thẩm quyền phê duyệt hồ sơ xin nhận giao doanh nghiệp và ra quyết định giao doanh nghiệp cho tập thể người lao động; quyết định này được gửi đến các cơ quan: Tài chính doanh nghiệp, Thuế, Đăng ký kinh doanh, Kế hoạch và Đầu tư; Lao động – Thương binh và Xã hội, Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính; Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp.
7. Tổ chức ký hợp đồng giao nhận doanh nghiệp giữa đại diện tập thể người lao động và người được Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền; Tổng giám đốc tổng công ty nhà nước, công ty mẹ. Hợp đồng giao nhận doanh nghiệp gồm các nội dung chính sau và được thông báo tại doanh nghiệp, trên một trong các loại báo viết hoặc báo điện tử 3 số liên tiếp:
a) Tên, địa chỉ doanh nghiệp được giao cho tập thể người lao động;
b) Họ và tên, địa chỉ người đại diện cho tập thể người lao động;
c) Giá trị doanh nghiệp được giao, phương thức giao nhận;
d) Các cam kết của tập thể người lao động tại doanh nghiệp;
đ) Quyền và nghĩa vụ của tập thể người lao động nhận giao doanh nghiệp.
Kèm theo hợp đồng là bảng kê khai tài sản giao quy thành giá trị, danh sách tập thể người lao động được giao doanh nghiệp.
8. Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp cùng Giám đốc doanh nghiệp tổ chức bàn giao doanh nghiệp theo phương án đã được phê duyệt cho tập thể người lao động do Chủ tịch Công đoàn doanh nghiệp hoặc người do Đại hội công nhân viên chức bầu làm đại diện để tiếp nhận và quản lý, có sự chứng kiến của đại diện cơ quan, tổ chức quyết định giao doanh nghiệp và cơ quan tài chính doanh nghiệp.
9. Sau khi nhận giao, đại diện tập thể người lao động tổ chức Đại hội đồng cổ đông, Đại hội thành viên hoặc Đại hội xã viên, tùy theo loại hình công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc hợp tác xã mà tập thể người lao động nhận giao đã lựa chọn, thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh. Hồ sơ đăng ký kinh doanh phải bao gồm quyết định giao doanh nghiệp, hợp đồng giao nhận và biên bản bàn giao doanh nghiệp cho tập thể người lao động.
10. Đại diện của doanh nghiệp thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật về việc giao doanh nghiệp và thay đổi hình thức pháp lý của doanh nghiệp trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Toàn bộ giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp sau khi đã được xử lý theo quy định tại Điều 22 Nghị định này thuộc sở hữu tập thể người lao động và chia thành các cổ phần hoặc các phần vốn góp để giao cho từng người lao động tham gia nhận giao doanh nghiệp.
Mỗi người lao động nhận giao doanh nghiệp được giao quyền sở hữu một phần giá trị tài sản còn lại này bằng cổ phần hoặc phần vốn góp tương ứng với số năm đã làm việc cho khu vực nhà nước; được hưởng cổ tức, phần lợi nhuận; có quyền để thừa kế nhưng không được chuyển nhượng số cổ phần hoặc phần vốn được giao trong thời hạn 3 năm sau khi nhận giao doanh nghiệp.
1. Đăng ký kinh doanh theo hình thức pháp lý đã lựa chọn.
2. Được sử dụng tài sản được giao, tổ chức sản xuất kinh doanh, phân bối thu nhập theo điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp.
3. Được kế thừa quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp cũ theo thỏa thuận trong hợp đồng giao nhận doanh nghiệp; kế thừa các hợp đồng thuê đất, cung cấp điện, nước của doanh nghiệp cũ theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp có quyền lựa chọn kế thừa hình thức thuê đất hoặc chuyển sang hình thức giao đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
4. Được hỗ trợ kinh phí tổ chức việc đào tạo lại để giải quyết việc làm cho người lao động từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
5. Có trách nhiệm thực hiện những cam kết trong hợp đồng nhận giao doanh nghiệp và các nghĩa vụ với Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Nếu người mua doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp trả tiền một lần ngay sau khi mua thì được giảm giá tối đa là 5% giá bán không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất nhưng không vượt quá số vốn chủ sở hữu hiện có tại doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp.
Trường hợp tập thể người lao động trong doanh nghiệp trúng đấu giá hoặc là người duy nhất đăng ký mua, thì được giảm 15% giá bán không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất nhưng không vượt quá số vốn chủ sở hữu hiện có tại doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp.
Căn cứ vào Đề án tổng thể sắp xếp doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và điều kiện quy định tại Điều 2 Nghị định này.
1. Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Hội đồng quản trị tổng công ty nhà nước, công ty mẹ do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập quyết định: giao công ty thành viên hạch toán độc lập; bán công ty thành viên hạch toán độc lập, đơn vị hạch toán phụ thuộc của Tổng công ty, công ty mẹ, bộ phận phụ thuộc công ty thành viên hạch toán độc lập có giá trị tài sản vượt quá 50% tổng giá trị tài sản còn lại trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp được công bố tại quý gần nhất.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
a) Quyết định bán, giao đối với doanh nghiệp do mình quyết định thành lập, kể cả các doanh nghiệp thành viên hạch toán độc lập, đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc của tổng công ty nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chưa chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước;
b) Quyết định bán đối với những bộ phận của doanh nghiệp do mình quyết định thành lập chưa chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước mà giá trị tài sản còn lại của bộ phận doanh nghiệp đó vượt quá 30% tổng giá trị tài sản còn lại trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp được công bố tại quý gần nhất (nếu doanh nghiệp không có Hội đồng quản trị) hoặc vượt quá 50% tổng giá trị tài sản còn lại trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp được công bố tại quý gần nhất (nếu doanh nghiệp có Hội đồng quản trị).
3. Hội đồng quản trị tổng công ty nhà nước, công ty mẹ quyết định hoặc phân cấp, ủy quyền cho Tổng giám đốc quyết định bán đối với những bộ phận doanh nghiệp mà giá trị tài sản còn lại của bộ phận doanh nghiệp đó không vượt quá mức 50% tổng giá trị tài sản còn lại trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp được công bố tại quý gần nhất.
4. Giám đốc công ty không có Hội đồng quản trị quyết định bán đối với những bộ phận doanh nghiệp mà giá trị tài sản còn lại của bộ phận doanh nghiệp đó không vượt quá mức 30% tổng giá trị tài sản còn lại trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp được công bố tại quý gần nhất.
1. Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp là cơ quan giúp Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng quản trị tổng công ty nhà nước, công ty mẹ.
Tùy theo tính chất ngành nghề, hình thức là giao hoặc bán doanh nghiệp và tình trạng tài chính của doanh nghiệp, Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp mời thêm các thành viên đại diện của ngân hàng, doanh nghiệp, người lao động trong doanh nghiệp và các cơ quan liên quan tham gia.
2. Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng quản trị tổng công ty nhà nước, công ty mẹ quyết định thành lập Ban Đổi mới tại doanh nghiệp để thực hiện các công việc quy định tại Nghị định này.
3. Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện phương án bán, giao doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Nghị định này thì Giám đốc doanh nghiệp phải chịu các hình thức kỷ luật và Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quyết định bán doanh nghiệp liên đới chịu trách nhiệm theo quy định của Luật Doanh nghiệp nhà nước.
1. Trường hợp bán doanh nghiệp:
a) Xây dựng phương án bán doanh nghiệp; thông báo với toàn thể người lao động trong doanh nghiệp và trên phương tiện thông tin đại chúng việc bán doanh nghiệp;
b) Chỉ đạo và giám sát Ban Đổi mới tại doanh nghiệp trong việc xác định hiện trạng tài sản, phẩm chất và tính năng kỹ thuật của tài sản, việc đối chiếu công nợ, danh sách các chủ nợ và người mắc nợ doanh nghiệp, số nợ của các chủ nợ và các khoản nợ phải trả; xây dựng phương án xử lý các tồn tại về tài chính và lao động của doanh nghiệp;
c) Giám sát tổ chức tư vấn định giá trong việc xác định giá trị doanh nghiệp, xác định giá khởi điểm để báo cáo cơ quan, tổ chức quyết định bán doanh nghiệp phê duyệt;
d) Giám sát quá trình tổ chức thực hiện đấu giá; tổ chức bán trực tiếp và kiến nghị giá bán (trường hợp bán trực tiếp), kiến nghị người bán doanh nghiệp phê duyệt kết quả đấu giá doanh nghiệp;
đ) Lập hợp đồng bán doanh nghiệp và báo cáo Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng quản trị tổng công ty nhà nước, công ty mẹ quyết định;
e) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát Ban Đổi mới tại doanh nghiệp thu hồi tài sản của doanh nghiệp, hoàn trả các tài sản mà doanh nghiệp đi thuê, mượn, nhận giữ hộ; thu hồi nợ và thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp; bàn giao tài sản, sổ sách và các hồ sơ liên quan cho người mua theo thỏa thuận của hợp đồng bán doanh nghiệp;
g) Đôn đốc việc thanh toán, bảo đảm thanh toán đúng hạn; quản lý hồ sơ thế chấp và làm các thủ tục phát mại khi người mua vi phạm cam kết thanh toán;
h) Xử lý trong phạm vi thẩm quyền những vấn đề phát sinh từ việc bán doanh nghiệp.
2. Trường hợp giao doanh nghiệp:
a) Xây dựng phương án giao doanh nghiệp; thông báo với toàn thể người lao động trong doanh nghiệp và trên phương tiện thông tin đại chúng về việc giao doanh nghiệp;
b) Thẩm định giá trị doanh nghiệp, xác định hiện trạng tài sản, phẩm chất và tính năng kỹ thuật của tài sản, kiểm tra việc đối chiếu công nợ, danh sách các chủ nợ và người mắc nợ doanh nghiệp, số nợ của các chủ nợ và các khoản nợ phải trả; xây dựng phương án xử lý các tồn tại về tổ chức và lao động của doanh nghiệp;
c) Lập hợp đồng giao doanh nghiệp và báo cáo Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng quản trị tổng công ty nhà nước, công ty mẹ;
d) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát Ban Đổi mới tại doanh nghiệp tiến hành thu hồi tài sản của doanh nghiệp, hoàn trả các tài sản mà doanh nghiệp đi thuê, mượn, nhận giữ hộ; thu hồi nợ và thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp; bàn giao tài sản, sổ sách và các hồ sơ liên quan cho người nhận giao doanh nghiệp theo thỏa thuận của hợp đồng giao doanh nghiệp;
đ) Xử lý trong phạm vi thẩm quyền những vấn đề phát sinh từ việc giao doanh nghiệp.
Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp chịu trách nhiệm về nội dung và kết quả công việc được giao trước người quyết định bán, giao doanh nghiệp và trước pháp luật.
Căn cứ đề nghị của Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng quản trị tổng công ty nhà nước, công ty mẹ quyết định phê duyệt phương án bán, giá bán doanh nghiệp; phê duyệt phương án giao doanh nghiệp.
1. Bộ trưởng hoặc người được Bộ trưởng ủy quyền ký hợp đồng bán, giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do Bộ là đại diện chủ sở hữu.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền ký hợp đồng bán, giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là đại diện chủ sở hữu.
3. Tổng giám đốc tổng công ty nhà nước, công ty mẹ ký hợp đồng bán, giao doanh nghiệp thành viên của công ty nhà nước, công ty mẹ.
Người ký hợp đồng bán, giao doanh nghiệp có trách nhiệm:
1. Tổ chức thực hiện hợp đồng bán, giao doanh nghiệp.
2. Tổ chức theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực hiện hợp đồng và xử lý các vấn đề phát sinh.
3. Mọi vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng bán, giao doanh nghiệp do hai bên ký hợp đồng cùng giải quyết, nếu còn tranh chấp thì khởi kiện ra Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật.
Đối với doanh nghiệp không có người đăng ký mua hoặc nhận giao doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định này thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiến hành thủ tục giải thể doanh nghiệp thuộc diện bán, giao; trường hợp doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng phá sản thì Giám đốc doanh nghiệp phải làm đơn đề nghị Tòa án nhân dân mở thủ tục giải quyết phá sản theo quy định của pháp luật.
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
2. Bãi bỏ Nghị định số 80/2005/NĐ-CP ngày 22 tháng 6 năm 2005 của Chính phủ về giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê công ty nhà nước.
3. Các doanh nghiệp đang thực hiện các hợp đồng khoán kinh doanh, cho thuê mà thời hạn khoán kinh doanh, cho thuê vượt quá thời điểm ngày 01 tháng 7 năm 2010 thì phải thỏa thuận việc thanh lý hợp đồng và thực hiện các hình thức sắp xếp theo quy định của pháp luật trước thời điểm ngày 01 tháng 7 năm 2010.
1. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động – Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn thi hành Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị Tổng công ty nhà nước, Hội đồng quản trị công ty mẹ - Tập đoàn Kinh tế chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm theo dõi thực hiện Nghị định này.
Nơi nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ |
THE GOVERNMENT |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM |
No. 109/2008/ND-CP |
Hanoi, October 10, 2008 |
ON SALE OR ASSIGNMENT OF ENTERPRISES WITH 100% STATE CAPITAL
THE GOVERNMENT
Pursuant to the December 25, 2001 Law on Organization of the Government;
Pursuant to the November 26, 2003 State Enterprise Law;
Pursuant to the November 29, 2005 Enterprise Law;
At the proposal of the Minister of Planning and Investment,
DECREES:
Article 1.- Scope of regulation
This Decree provides for the sale or assignment of enterprises with 100% state capital and independent cost-accounting member companies, and the sale of dependent units of enterprises with 100% state capital and independent cost-accountins member companies.
Article 2.- Subjects of and conditions for application
1. Enterprises with 100% state capital and independent cost-accounting member companies may be sold, regardless of their state capital amounts, in the following cases:
a/ They are subject to sale approved by the Prime Minister in the general scheme on reorganization of enterprises with 100% state capital;
b/ They are subject to equitization in the general scheme on reorganization of enterprises with 100% state capital but cannot be equitized.
2. The sale of dependent units of enterprises with 100% state capital applies to dependent cost- accounting units of state corporations, parent companies, enterprises with 100% state capital or independent cost-accounting member companies in the following cases:
a/ They are subject to sale of enterprise divisions as approved by the Prime Minister in the general scheme on reorganization of enterprises with 100% state capital and such sale does not affect the operation of other enterprise divisions and their capability to fulfill their debt payment obligation:
b/They are subject to equitization of enterprise divisions in the general scheme on reorganization of enterprises with 100% state capital but cannot be equitized.
3. The assignment of an enterprise with 100% state capital or an independent cost-accounting member company (below referred to as enterprise assignment) mav be conducted when the following conditions are satisfied:
a/ Its total book asset value is under VND 15 billion;
b/ It has no land advantage;
c/ It is subject to enterprise assignment in the general scheme on reorganization of enterprises with 100% state capital approved by the Prime Minister, or had been put for sale but could not be sold.
Article 3.- Interpretation of terms
In this Decree, the terms and phrases below shall be construed as follows:
1. "Enterprise sale," which covers the sale of the whole or a division of an enterprise with 100% state capital or an independent cost-accounting member company specified in Clause 1, or the sale of a dependent unit specified in Clause 2, Article 2 of this Decree, means the transfer of ownership, with collection of sale proceeds, of the whole or a division of the enterprise to another collective, individual or legal entity.
2. "Enterprise assignment" means the transfer of Ownership, without collection of a sum of money, of an enterprise with 100% state capital or an independent cost-accounting member company to the labor collective in the enterprise with clear definition of ownership of each individual laborer.
3. "Enterprise with 100% state capital" means an independent state company or a one-member limited liability company with 100% state capital and under a ministry, ministerial-level agency, government-attached agency (below collectively referred to as ministry) or People's Committee of a province or centrally run city (below collectively referred to as provincial-level People's Committee) as its owner's representative.
4. "Independent cost-accounting member company" means an independent cost-accounting member company or one-member limited liability company owned by a state corporation, a parent company in a state corporation or economic group or a parent company in the parent company-affiliate company model.
5. "Parent company" means a parent company in a state corporation or economic group or parent company in the parent company-affiliate company model.
6. “Enterprise or enterprise division purchaser" means the labor collective in an enterprise, a legal entity, a group of persons or an individual that purchases an enterprise or a division of an enterprise.
7. "Enterprise assignee" means the labor collective in an enterprise which is assigned the enterprise.
8. "Enterprise or enterprise division assignor or seller" means an agency or organization acting as the enterprise owner's representative.
9. "Sale by direct mode" means a mode of negotiation, agreement and conclusion of a contract directly between the seller and the purchaser of an enterprise or enterprise division in case only one organization or the labor collective in the enterprise or a group of persons or an individual registers for the purchase (below referred to as purchase registrant).
10. "Sale by mode of auction" means a mode of selecting an enterprise or enterprise division purchaser in case there are two or more purchase registrants to otter competitive bids at a public auction.
11. "Labor collective in an enterprise" means the collective of laborers currently on the list of regular employees of an enterprise who voluntarily implement a resolution of the General Meeting of employees of the enterprise or enterprise division on acceptance of the enterprise or enterprise division assignment or purchase at the effective time of the decision approving a scheme on labor arrangement. The labor collective in an enterprise is represented by the enterprise's Trade Union Executive Committee or Provisional Trade Union Executive Committee or a person elected as its representative by the General Meeting of the enterprise's employees for acceptance of the enterprise or enterprise division assignment or purchase.
12. "Renewal Board at an enterprise" means an organization set up at an enterprise to conduct the enterprise sale or assignment under a decision of the concerned ministry, provincial-level People's Committee, state corporation or parent company.
13. "Enterprise Renewal and Development Board" means an organization set up under a decision of the concerned ministry, provincial-level People's Committee, stale corporation, parent company in an economic group or corporation established by the Prime Minister to perform the tasks and exercise the powers specified in this Decree in the course of enterprise or enterprise division sale or assignment.
14. "Enterprise which cannot be equitized" means an enterprises which, according to the general scheme on reorganization of enterprises with 100% state capital approved by the Prime Minister, is on the list of those to be equitized. but. after the application of all equitizing measures provided for by law. could not be equitized or fails to satisfy the conditions on equitization.
15. "Enterprise without land advantage" means an enterprise which:
a/ has land use rights to a land area of under 200 m2:
b/ has the transfers price of its land use rights or the lease rate of its land on the market under normal conditions not higher by 20% than the price or rate set by the provincial-level People's Committee. If it is impossible to determine the transfer price or lease rate, the transfer price or lease rate of a land lot with similar location and conditions may be referred to.
Article 4.- Subjects entitled to purchase or be assigned an enterprise
1. Subjects entitled to purchase a, enterprise include:
a/The labor collective in the enterprise;
b/ Individual laborers in the enterprise;
c/ Enterprises with 100% state capital and enterprises of all economic sectors including foreign-invested enterprises in Vietnam, other than intermediary financial institutions providing enterprise price appraisal or auction consultancy:
d/ Vietnamese citizens who have the full civil act capacity, except those who are not allowed to establish and manage enterprises defined at Points b. c, d, e. f and g. Cause 2. and Point b. Clause 4. .Article 13 of the Enterprise Law. members of the
Enterprise Renewal and Development Board, individuals of intermediary financial institutions providing enterprise price appraisal or auction consultancy:
e/ Economic or financial institutions established under foreign laws and conducting business activities overseas or in Vietnam and foreigners, except intermediary economic or financial institutions and individuals of these institutions providing enterprise price appraisal or auction consultancy.
2. Foreign-invested enterprises specified at Point c and entities specified at Point e, Clause 1 of this Article that are specified by law as foreign investors may join other Vietnamese enterprises and citizens in purchasing part of enterprises at a ratio not exceeding that provided in Vietnam's international commitments on business-rights of foreign investors in specified domains or sectors. Foreign investors may purchase whole enterprises operating in other domains or sectors.
3. Entitled to be assigned an enterprise is the labor collective in the enterprise satisfying the conditions specified in Article 2! of this Decree.
Article 5.- Principles for enterprise sale or assignment
1. The purchaser or assignee of an enterprise may not resell the enterprise within the period stated in the contract.
2. Upon sale or assignment of an enterprise, its assets shall be calculated in value. The value of an enterprise to be sold shall be calculated at actual market prices. The value of an enterprise
to be assignee shall be calculated according to its audited book value.
3. The priority order for selection of the mode of enterprise sale:
a/Auction with inheritance of debts;
b/ Auction without inheritance of debts;
c/ Sale under direct agreement with inheritance of debts;
d/ Sale under direct agreement without bequeathal of debts.
The labor collective in an enterprise is given priority to purchase the enterprise if they offer a bid equal to other purchasers' bids in the last auction call.
4. To publicize the enterprise sale or assignment under Articles 15 and 23 of this Decree.
5. Enterprise purchases shall be paid in Vietnam dong. Foreign investors wishing to purchase enterprises shall open deposit accounts at payment service providers operating in the Vietnamese territory and effect the payment for enterprise purchases via these accounts.
6. Actual, reasonable and necessary expenses for the enterprise sale or assignment may be deducted from state capital in enterprises or proceeds from enterprise sale. Deficit shall be made up for with supports from the Enterprise Reorganization Support Fund. The Ministry of Finance shall guide enterprise sale or assignment expense items and levels.
Article 6.- Assurance by the State
The State recognizes and protects the property ownership and use rights, other lawful rights and interests of enterprise purchasers or assignees: lawful rights and interests of laborers and related parties under law.
Article 7.- Rights and obligations of enterprise or enterprise division purchasers
1. Purchase registrants:
a/ may survey the actual state of enterprises they wish to purchase; study dossiers, financial statements, asset lists and certificates of ownership of or rights to use assets and land, and contracts related to these enterprises;
b/ shall keep confidential information collected from the survey of the actual state and examination of documents of enterprises; may not disclose or use such information to the detriment of enterprises or enterprise divisions.
2. Enterprise purchasers:
a/ may select the legal status of enterprises after purchase; continue renting land or receiving land assigned with collection of land use levy under the land law;
b/ may inherit lawful rights and interests and obligations of state enterprises stated in enterprise sale and purchase contracts and other signed contracts:
c/ shall pay for enterprise purchase under signed contracts.
Article 8.- Order of enterprise or enterprise division sale
1. Preparations for the sale of an enterprise include notification of the sale and preparation of legal dossiers and papers of the enterprise.
2. Elaboration and approval of an enterprise sale plan cover inventory, crosschecking and classification of assets and debts; elaboration of financial statements and plans on handling of assets, finance and debts; working out of plans on labor arrangement: valuation of the enterprise; elaboration of sale plans, the minimum sale price and sale mode, estimated expenses for organization of the sale; approval of plans on sale or handling of assets, finance, debts and labor. In case estimated proceeds from the enterprise sale are not enough to cover sale expenses (in case purchasers inherit debts) or not enough to cover expenses and pay debts (in case purchasers do not inherit debts) enterprise sale shall be shifted to enterprise assignment, dissolution or bankruptcy.
3. Handling of assets, finance, debts and labor.
4. Organization of the enterprise sale.
5. Approval of the sale result: elaboration of financial statements of the enterprise at the time of enterprise handover to the purchaser; conclusion of the contract; payment; handover of assets, documents and relevant dossiers to the purchaser: notification of completion of the enterprise sale.
6. Business registration for the enterprise after sale.
Article 9.- Notification of enterprise sale Based on the general scheme on reorganization
of enterprises with 100% state capital approved by the Prime Minister, agencies or organizations that have decided on sale of enterprises shall notify these enterprises of their sale.
Article 10.- Handling of assets and finance upon enterprise sale
1. Assets and cash balances of reward and welfare funds, expenses for uncompleted construction works, financial provisions, losses or profits shall be handled according to the provisions of Chapter II of the Government's Decree No. 109/2007/ND-CP of June 26, 2007, on transformation of enterprises with 100% state capital into joint-stock companies (below referred to as Decree No. 109/2007/ND-CP).
2. Differences in inventoried assets:
a/ For redundant assets, if the causes of redundancy and their owners cannot be identified, enterprises may account their actual value as an increase in their state capital;
b/ For deficient, lost or damaged assets, enterprises shall clearly identify causes of deficit or loss, responsibilities of collectives and individuals and claim compensations under law. Difference between compensations paid by related individuals and collectives or insurance organizations (if any) and the actual loss value shall be offset by the financial provision fund. Any deficit after offsetting shall be accounted into business results. If enterprises still suffer from a loss, they may account it as a decrease in their state capital.
Article 11.- Handling of debts and valuation of enterprises
1. Enterprises which are sold or have their divisions sold shall compare, certify and recover receivable debts which are due before the sale: mobilize various sources to pay due debts or reach agreement with creditors on the settlement of these debts before the sale.
2. Other receivable debts and payable debts shall, depending on whether enterprise sale and purchase involves or does not involve debt inheritance, be handled on the following principles:
a/ In case purchasers are committed to debt inheritance, they shall pay payable debts and recover receivable debts under their commitments. Commitments to inherit receivable and receivable debts must be stated in enterprise sale and purchase contracts and notified in writing to creditors, debtors and related parties;
b/ In case purchasers are not committed to debt inheritance, sold enterprises shall handle these debts under the State's current regulations on handling of outstanding debts, In case there remain some debts not yet completely handled under the State's current regulations on handling of outstanding debts, these debts shall be handled under Clause 2. Article 5 of Decree No. 109/2007/ ND-CP at the time of decision on disclosure of the enterprise value.
3. For amounts already paid in advance to goods suppliers or service providers, such as house and land rents, goods purchase payments or remunerations, comparison must be made between these amounts and supply or provision contracts and actual quantities of supplied goods or provided services before accounting these amounts into the value of enterprises.
4. The valuation and adjustment of the value of enterprises shall adhere to the principles specified in Chapter III of Decree No. 109/2007/ND-CP. The Enterprise Renewal and Development Board shall inspect the observance of legal provisions on enterprise valuation, and propose competent agencies and organizations to decide on the value of enterprises. In case results of enterprise fail to ensure valuation state regulations, agencies or organizations competent to decide on sale of enterprises may refuse to pay evaluation consultancy service charges. If causing damage to the State and enterprises, evaluation consultancy organizations shall pay compensations.
5. Enterprises which cannot be equitized and should be sold may inherit results of their valuation approved by competent agencies in the course of equitization.
Article 12.- Determination of sale prices of enterprises
1. The reserve price for sale of an enterprise shall be determined on the following principles:
a/ It must not be lower than the total of the value of the suite capital in the enterprise already determined under Clause 4, Article 11 of this Decree and the value of land use rights (if any) calculated at the price announced by the provincial-level People's Committee in case the purchaser inherits debts.
b/ It must not be lower than the total of the value of the enterprise already determined under Clause 4, Article 11 of this Decree and the value of land use rights (if any) calculated at the price announced by the provincial-level Peoples
Committee in case the purchaser does not inherit debts.
2. Sale prices of enterprises:
Sale prices shall be decided based on the sale mode (auction or direct sale), payment mode (lump sum or installments), offered purchase prices and the number of laborers continuing to be employed by purchasers but must not be lower than reserve prices specified in Clause 1 of this Article.
Article 13.- Organization of sale of enterprises by the mode of auction
1. In case the sale of an enterprise attracts two or more purchase registrants, the enterprise shall be sold by either of the following modes of auction:
a/ Auction with inheritance of all remaining laborers, which is applicable to cases in which some laborers have been handled under the labor law and policies for laborers redundant due to reorganization of state companies;
b/ Auction without inheritance of laborers, which is applicable to cases in which all laborers have been handled or plans on handling of all laborers have been approved under the labor law and policies for laborers redundant due to reorganization of state companies.
2. The Enterprise Renewal and Development Board has the following powers and tasks in directing and supervising auctions:
a/ To elaborate and submit a Regulation on auction to agencies or organizations which have made enterprise sale decisions for approval;
b/ To select enterprise valuation consultancy or auction-holding organizations and propose agencies or organizations which have made enterprise sale decisions to decide on the conclusion of contracts to hire these organizations;
c/To propose agencies or organizations which have made enterprise sale decisions to decide on the auction mode and notify the reserve price;
d/ To supervise auctions.
3. Valuation of enterprises:
a/ Within 60 days after enterprise sale decisions are issued, renewal boards at enterprises shall complete jobs specified in Clauses 1,2,3,4 and 5, Article 18 of this Decree and send results to the Enterprise Renewal and Development Board;
b/ Within 30 days after receiving results specified at Point a of this Clause, the Enterprise Renewal and Development Board shall organize the valuation of enterprises on the principles specified in Clause 4, Article 11 of this Decree;
c/ Based on results of enterprise valuation, the Enterprise Renewal and Development Board shall propose competent agencies or organizations to notify reserve prices.
4. Selection of organizations to hold auctions:
An enterprise with a total asset value of under VND 30 billion after re-valuation may be publicly auctioned at an intermediary financial institution. In case no intermediary financial institution undertakes to hold the auction of the enterprise, the auction may be hold at the enterprise.
Other enterprises shall be publicly auctioned at the Stock Exchange or the Securities Trading Center.
5. Within five working days after an agency
or organization competent to decide on the enterprise sale notifies the reserve price, the organization holding the auction of the enterprise shall publicize at the enterprise and on a printed or online newspaper for three consecutive issues at least 45 days before the date of auction the following information:
a/ Name, address and business lines of the to-be-auctioned enterprise;
b/ Basic information on assets, labor, finance and land, including the remaining land lease duration (if the enterprise is leasing land);
c/ Reserve price;
d/ Deposit level;
e/ Sale conditions;
f/ Time and place of receipt of auction invitation dossiers;
g/ Time and place of filing of applications for enterprise purchase registration and payment of deposits;
h/ Time and place of organization of the auction.
6. An auction invitation dossier comprises information specified in Clause 5 of this Article, an application form for enterprise purchase registration, and auction rules.
7. An enterprise purchaser shall file an application for enterprise purchase registration and pay a deposit to the auction-holding organization under the following regulations:
a/ An application for enterprise purchase registration shall be filed and the deposit paid at least 5 working days before the date of auction;
b/ An application for enterprise purchase registration must clearly state the minimum bid for enterprise purchase which must not be lower than the reserve price;
c/ The deposit is equal to 10% of the reserve price;
d/ When filing an application for enterprise purchase registration, the applicant shall produce his/her identity card (for Vietnamese individuals) or passport (for foreigners), its letter of introduction (for organizations) and sign a commitment to observing the auction rules;
Upon receiving registration applications and deposits, the auction-holding organization shall issue to applicants certificates of registration application filing and receipts of deposit payment. The auction-holding organization shall keep confidential bids offered by enterprise purchase registrants.
e/ Within the time limit for receiving enterprise purchase registration applications, purchase registrants may withdraw their applications and get their deposits immediately refunded.
8. An auction may be conducted when at least two valid applications for enterprise purchase registration are filed with payment of deposits. In case only one valid application for enterprise purchase registration is accepted, the seller can apply the direct sale mode specified in Article 14 of this Decree.
In case there is no valid application for enterprise purchase registration, the enterprise auction-holding organization shall report such to the Enterprise Renewal and Development Board for reduction of the reserve price which, however, must not be lower than the price specified in
Clause 1, Article 12 of this Decree, or application of other methods of transformation.
9. An auction shall be conducted as follows:
a/The enterprise auction-holding organization shall appoint a competent representative to conduct the auction and invite a notary public to witness the auction;
The making of bids and the code of conduct in the auction comply with the auction rules.
b/The enterprise auction-holding organization shall decide to select either of the two forms of auction, bid-callout auction and sealed-bid auction, for the enterprise auction;
c/ In a bid-callout auction, each auction participant calls out his/her bid(s). After each auction participant offers a bid, the auctioneer shall clearly and accurately voice the highest bid three times with an interval of thirty seconds. The auction shall be conducted until no auction participant is willing to bid further, at which point the highest bidder is the auction winner and entided to purchase the enterprise;
d/ A direct sealed-bid auction shall be conducted continuously through rounds. The auctioneer shall announce the highest bid among sealed bids of prospective purchasers. The announced highest bid in a round will be the starting price of the next round until no auction participant is willing to bid further, at which point the highest bidder is the auction winner and entitled to purchase the enterprise;
e/ In case the auction winner refuses to sign the auction minutes or signs the auction minutes but refuses to sign the enterprise sale and purchase contract, the auction-holding organization shall select the second highest bidder as the next auction winner provided that the bid offered by this bidder is not lower than the starting price of the last bidding round and notify such to the selected bidder. If the next auction winner refuses to purchase the enterprise, the auction-holding organization shall issue a document to cancel the auction result and report such to the seller for organization of another auction at another time.
10. Auction minutes:
a/At the end of an auction, the auction-holding organization shall make and send an auction minutes to the Enterprise Renewal and Development Board. The auction minutes must be signed by the auctioneer, the witness and the purchaser;
b/ If an auction fails, the auction-holding organization shall make a minutes of unsuccessful auction. The minutes must be signed by the auctioneer and the witness.
Article 14.- Organization of sale of enterprises by the direct method
1. In case only one valid application for enterprise purchase registration is accepted, the agency or organization competent to decide on enterprise sale can apply the mode of sale under direct agreement.
2. The Enterprise Renewal and Development Board and the enterprise director shall negotiate with the purchaser on the sale price and labor employment plan and reach agreement on the terms of the sale and purchase contract. The total asset value of the enterprise (in case of enterprise purchase without inheritance of debts) or total value of state capital in the enterprise (in case of enterprise purchase with inheritance of debts) which is determined under Clause 4. Article 11 of this Decree, serves as a basis for reaching agreement on the enterprise sale price with the purchaser.
The Enterprise Renewal and Development Board shall send a dossier and a minutes to the agency or organization competent to decide on the enterprise sale.
Article 15.- Approval of sale results, conclusion of contracts, handover, payment, notification of completion of enterprise sale
1. Within five working days after receiving a request of the Enterprise Renewal and Development Board, the head of the agency or organization competent to decide on the enterprise sale shall consider and approve the enterprise sale result.
2. Within two working days after enterprise sale result is approved, the auction-holding organization shall refund deposits to qualified auction participants that have not won the auction. The deposit of the auction winner shall be deducted from the enterprise purchase payment. Deposits will not be refunded to auction participants that violate the auction rules and to the auction winner that refuses to sign the contract under regulations. Non-refundable deposits shall be accounted as an increase in enterprise sale proceeds and managed and used under Article 16 of this Decree.
3. Within 10 days after the decision approving the enterprise sale result is issued, representatives of the seller and the purchaser shall conclude the enterprise sale and purchase contract, which contains the following principal details:
a/ Name, address and account number of the sold enterprise;
b/ Name, address and account number (if any) of the enterprise purchaser:
c/ Sale price of the enterprise;
d/ Commitments of the enterprise seller and purchaser;
e/ Modes of asset transfer and payment for enterprise purchase, time limit for enterprise-handover;
V Settlement of arising problems and contract disputes.
Enclosed with the contract is a list of assets and debts (if any) agreed upon by the purchaser and the seller.
4. The enterprise purchaser shall pay for the purchase within the time limit specified in the sale and purchase contract which must not exceed one year from the date of conclusion of the sale and purchase contract. The first installment must be paid within one month and equal to at least 70% of the sale price.
After the purchaser has paid at least 70% of the sale price and has sufficient assets as a mortgage or guarantee for the remainder under law, the Enterprise Renewal and Development Board shall organize the handover of the enterprise to the purchaser. The enterprise seller shall continue managing the enterprise until the handover. If causing any loss of assets, the seller shall pay compensation under law.
5. Within 15 days after signing the handover record, the agency or organization competent to decide on the enterprise sale shall publicly notify the following details of the enterprise sale:
a/ Name and address of the sold enterprise;
b/ Name and address of the purchaser;
c/ Sale price and mode and payment time limit;
d/ Responsibilities of the enterprise seller and purchaser and concerned agencies to solve existing problems and arising matters.
The notification of an enterprise sale shall be published on the mass media and sent to the following agencies: Enterprise Finance Office; Tax Department; Business Registration Office; Planning and Investment Service; Labor, War Invalids and Social Affairs Service of the province or centrally run city where the sold enterprise is headquartered and the Enterprise Renewal and Development Steering Committee.
Article 16.- Management and use of enterprise sale proceeds
Enterprise sale proceeds, after subtracting the land use right value (if any) to be remitted to the state budget, shall be used for the following purposes: payment of enterprise sale expenses; payment of debts not inherited by the purchaser, settlement of policies for laborers after the enterprise sale. The remainder shall be remitted to:
1. The enterprise reorganization support fund of the corporation or parent company, in case of sale of an independent cost-accounting member company or a division of an enterprise affiliated to the corporation or parent company.
2. The enterprise with 100% state capital or the independent cost-accounting member company, in case of sale of a division of the enterprise with 100% state capital or the independent cost-accounting member company.
3. The enterprise reorganization support fund at the Stale Capital Investment Corporation, in case of sale of an enterprise with 100% state capital.
Article 17.- Principles for handling of laborers and managerial personnel
1. Benefits for laborers:
a/ Laborers who are eligible for social insurance benefits will enjoy them under the labor law;
b/ Laborers who are transferred to the new enterprise may enter into labor contracts with that enterprise and enjoy benefits under regulations;
c/ Laborers whose labor contracts are terminated may enjoy benefits and policies under the labor law or policies for laborers redundant due to reorganization of state companies;
d/ The director, deputy directors and chief accountant of the sold enterprise may be considered on a case-by-case basis by the agency or organization competent to decide on the enterprise sale for assignment of new jobs or handling under the Government's payroll streamlining policy.
2. Responsibilities of the seller and the purchaser:
a/The director of the sold enterprise shall:
- Coordinate with the social insurance agency in paying social insurance benefits to eligible laborers under current regulations;
- Pay benefits to laborers whose labor contracts are terminated under the labor law or policies for laborers redundant due to reorganization of state companies;
- Carry out procedures for the social insurance agency to issue insurance books under regulations to laborers continuing to be employed by the new enterprise and transfer the list and dossiers of these laborers to the new enterprise.
b/ The enterprise purchaser shall receive and employ the number of laborers stated in the enterprise sale and purchase contract; inherit obligations toward these laborers and implement policies for them under law.
Article 18.- Responsibilities of enterprises which are wholly or partially sold
Upon receiving a notice of its sale, an enterprise shall organize the performance of the following jobs:
1. Preparing sufficient legal dossiers and papers, unliquidated contracts, certificates of ownership of or rights to use its assets and land.
2. Inventorying and determining the number of its or its to-be-sold division's existing assets, assessing the actual state of assets and classifying them into those to be further used and those to be liquidated, transferred or sold.
3. Comparing and classifying receivable and payable debts; drawing up a list of creditors and payable debts, and a list of debtors and receivable debts divided into recoverable debts and irrecoverable debts, and proposing measures to handle them.
4. Making a financial statement for the latest quarter; working out a plan on handling of assets, finance and debts on the principles specified in Articles 10 and 11 of this Decree.
5. Elaborating a plan on rearrangement of its existing laborers with the following contents:
a/ A list of all its laborers at the time of notification of the reserve price for enterprise sale, dividing them into those who are currently working and salaried and pay or do not pay social insurance premiums; those who have given up their jobs but are on its list of laborers who pay or do not pay social insurance premiums:
b/ Estimated number of laborers which the purchaser shall further employ and estimated number of laborers to be handled under the labor law or policies for laborers redundant due to reorganization of state companies.
6. Creating conditions for registered purchasers to examine and get access to documents specified in Clause 1, Article 7 of this Decree.
7. Handling assets, finance, debts and laborers • under the approved plan and under the enterprise
sale and purchase contract.
8. Entering into contracts for hiring of valuation consultants and an enterprise auction-holding organization.
9. Making a financial statement at the time of its handover to the purchaser and handling financial matters arising from the time of enterprise valuation to the time of handover.
10. Handing over assets, books and relevant dossiers to the purchaser as agreed upon in the enterprise sale and purchase contract.
Article 19.- Business registration
After accepting the enterprise handover, the purchaser shall make business registration according to the form in which the enterprise will operate under law.
The business registration dossier must be enclosed with the enterprise purchase and sale contract and the handover record.
Article 20.- Inspection and monitoring of fulfillment of contractual commitments
Enterprise sale deciders shall monitor and inspect the fulfillment of commitments made in enterprise sale and purchase contracts; handle or request competent state agencies to handle cases of breach of contractual commitments under law.
ASSIGNMENT OF ENTERPRISES TO THEIR LABOR COLLECTIVES
Article 21.- Conditions on labor collectives to be assigned their enterprises
The labor collective in an enterprise may be considered for assignment of the enterprise when fully satisfying the following conditions:
1. They voluntarily register to accept the enterprise assignment.
2. They pledge to maintain and develop production and business, ensure minimum jobs for three years or more from the date of acceptance of the enterprise, and fully pay insurance premiums for laborers who continue working in the enterprise under law.
3. They inherit debts and property obligations of the enterprise after these debts and obligations are handled under this Decree; and inherit rights and obligations towards laborers as provided for in the labor law.
4. They may not sell, lease or dissolve the enterprise at their own will within a minimum period of three years after the assignment, except when the enterprise goes bankrupt.
Article 22.- Principles for handling of assets, finance and debts upon enterprise assignment
1. The Renewal Board at the enterprise shall inventory and determine the quantity and actual conditions of all assets; long-term and short-term investments; assets which are rented, borrowed, kept or sold for others, consigned, appropriated, leased or lent; compare and classify debts; draw up a list of creditors and payable debts and a list of debtors and receivable debts divided into recoverable debts and irrecoverable debts; classify assets, handle assets and debts.
2. Principles for asset handling:
a/ For assets contributed or received as joint-venture capital; assets rented from outside or financially leased; assets borrowed, kept for others or other assets not belonging to the enterprise: the enterprise assignor and assignee and the asset owners shall negotiate on inheritance or liquidation of previously signed contracts or signing of new contracts;
b/ For appropriated assets, the enterprise shall identify their owners for returning them or entering into contracts to rent or borrow them. In case asset owners are unidentifiable, the enterprise shall account the actual value of these assets as an increase in its state capital;
c/ Assets being welfare facilities, including creches, kindergartens, infirmaries and other welfare assets formed from reward or welfare funds, shall be transferred to the new enterprise for management and use in service of the labor collective in the enterprise. Residential houses of employees, including those invested with state budget allocations, shall be transferred to the local house and land management agency for management or sale to current users under current regulations;
d/ Assets used in production and business which are invested with reward or welfare funds of the enterprise shall be transferred to the enterprise for further use in production and business;
el Cash balances of reward and welfare funds shall be divided to laborers currently working in the enterprise according to the number of working years at the enterprise before the enterprise assignment.
3. Principles for debt handling:
a/ Tax debts, other remittances into the state budget and debts borrowed by the enterprise from state-run commercial banks or the Development Bank of Vietnam, which cannot be fully paid though the enterprise has mobilized all capital sources, shall be handled under the Finance Ministry's guidance;
b/ Social insurance premium debts payable by the enterprise and social insurance premiums of laborers which were already collected by the enterprise shall, before the enterprise assignment, be paid from the value of its suite capital amount. In case no state capital amount is left, payment supports will be provided from the enterprise reorganization support fund under the Finance Ministry's guidance;
c/ The enterprise assignee shall take over receivable and payable debts of the enterprise after they are handled.
4. The remaining asset value, after payment of necessary expenses for enterprise assignment, shall be fully transferred to the labor collective in the enterprise as its owner.
5. In case the director, deputy directors and chief accountant of an enterprise do not take part in the enterprise handover acceptance, they may be considered on a case-by-case basis by the authority that has decided on enterprise assignment to be arranged to other jobs or handled under the Government's payroll streamlining policy.
Article 23.- Order of and procedures for enterprise assignment
1. Based on the approved general scheme on reorganization of enterprises with 100 % state capital, the agency or organization having decided on the assignment of an enterprise shall notify the assignment to the enterprise and publicize the enterprise assignment on the mass media.
2. The Trade Union Executive Committee or the Provisional Trade Union Executive Committee shall join the enterprise director in organizing a General Meeting of Employees to vote by majority on the voluntary acceptance of the enterprise assignment; elaborating and adopting plans on the acceptance of the enterprise assignment, including a production and business plan and a plan on labor rearrangement; complying with the conditions on the acceptance of the enterprise assignment, including the commitment to employ all laborers in the enterprise (excluding those who voluntarily terminate their labor contracts); nominating representatives to carry out procedures for acceptance of the enterprise assignment. For enterprises without trade unions, the Renewal Board at the enterprise shall coordinate with the enterprise director in organizing a General Meeting of Employees.
3. The Renewal Board at an enterprise shall classify assets; determine and classify debts; make financial statements; and estimate expenses for organizing the enterprise assignment. Based on figures on accounting books and results of inventory, classification and handling of assets, finance and debts on the principles for handling assets, finance and debts specified in Article 22 of this Decree, the enterprise director and the Renewal Board at the enterprise shall work out a plan on determination of the value of the enterprise to be assigned to the labor collective. In case estimated expenses for organizing the assignment of an enterprise are higher than the value of the remaining state capital amount in the enterprise, the enterprise shall be subjected to dissolution or bankruptcy instead of assignment.
4. The Trade Union Executive Committee of the enterprise or the Provisional Trade Union Executive Committee or a person elected by the
General Meeting of Employees as their representative shall list and classify laborers and compile their dossiers; and work out a production and business plan and the commitments to accept the enterprise assignment.
5. The representative of the labor collective shall send to the Enterprise Renewal and Development Board a dossier of application for acceptance of enterprise assignment, which comprises:
a/An application for acceptance of enterprise assignment;
b/ A production and business plan;
c/ A plan on employment and retraining of laborers;
d/ Projected form of organization of the new enterprise;
e/ Commitments of the labor collective.
6. The competent authority shall approve the dossier of application for acceptance of enterprise assignment and issue a decision to assign the enterprise to the labor collective. This decision shall be sent to the following agencies: Enterprise Finance Office; Tax Department; Business Registration Office; Planning and Investment Service; Labor, War Invalids and Social Affairs Service; and Statistics Office of the province or centrally run city where the enterprise is headquartered; and the Enterprise Renewal and Development Steering Committee.
7. To organize the conclusion of the contract for enterprise assignment and acceptance between a representative of the labor collective and a person authorized by the minister or the president of the provinciai-level People's Committee: the director general of the state corporation or the parent company. This contract shall be notified to the enterprise and published on a printed or online newspaper for three consecutive issues and contains the following principal details:
a/Name and address of the enterprise assigned to the labor collective;
b/Full name and address of the representative of the labor collective;
c/ Value of the assigned enterprise, and mode of assignment and acceptance;
d/ Commitments of the labor collective at the enterprise;
e/ Rights and obligations of the labor collective accepting the enterprise assignment.
Enclosed with the contract are a list of assigned assets already valued and a list of laborers in the collective receiving the assigned enterprise.
8. The Enterprise Renewal and Development Board shall join the enterprise director in organizing the enterprise handover according to the approved plan to the labor collective represented by the Trade Union president or by a person elected by the General Meeting of Employees to receive and manage the enterprise, to the witness of representatives of the agency or organization having decided on the enterprise assignment and the enterprise finance office.
9. After accepting the assignment, the labor collective's representative shall organize a General Meeting of Shareholders or Cooperative Members, and make business registration for the enterprise in the form of joint-stock company, limited liability company or cooperative as selected by the labor collective under the business registration law. The business registration dossier must comprise the enterprise assignment decision, the assignment and acceptance contract and the written record of handover of the enterprise to the labor collective.
10. Within 30 days after being granted a business registration certificate, the enterprise's representative shall publicize the enterprise assignment and change in the legal form of the enterprise on the mass media under law.
Article 24.- Ownership of enterprises after assignment
The whole remaining asset value of the enterprise, after being handled under Article 22 of this Decree, shall come under the ownership of the labor collective and divided into shares or contributed capital portions to be assigned to each laborer participating in the acceptance of the enterprise assignment.
Each laborer participating in the acceptance of the enterprise assignment may be given the right to own a part of the remaining asset value in Shares or contributed capital portions corresponding to the number of years working in the state sector; enjoy dividends and profits; may bequeath but may not transfer his/her assigned shares or capital portion within three years after the acceptance of the enterprise assignment.
Article 25.- Rights and obligations of the enterprise assignee
1. To make business registration in the selected legal form.
2. To use assigned assets, organize production and business, and distribute incomes according to the organization and operation charter of the enterprise.
3. To inherit lawful rights and interests of the former enterprise as agreed upon in the enterprise assignment and acceptance contract; inherit contracts on land rent, power and water supply of the former enterprise under law. The enterprise may choose to continue die current form of land rent or shift to land allocation under the land law.
4. To be provided with financial assistance from the Enterprise Reorganization Support Fund for organizing the retraining of laborers in order to employ them under the guidance of the Ministry of Finance.
5. To be responsible for fulfilling the commitments in the enterprise assignment and acceptance contract and obligations towards the State under law.
POLICIES FOR ENTERPRISES AND THEIR PURCHASERS OR ASSIGNEES
Article 26.- Policies for sold or assigned enterprises
Policies for enterprises assigned to their labor collectives and enterprises sold to collectives, individuals or legal entities comply with Article 50 of Decree No. 109/2007/ND-CP.
Article 27.- Policies for purchasers that pay for the purchase in lump sums
If enterprise or enterprise division purchasers make lump-sum payments right after the purchase they are entitled to a maximum reduction equal to 5% of the land use right value-exclusive sale price but not exceeding the existing owner capital amounts in the purchased enterprises or enterprise divisions.
Article 28.- Policies for labor collectives purchasing enterprises
In case the labor collective in an enterprise win the enterprise auction or are the only registered purchaser, they are entitled to a reduction equal to 15% of the land use right value-exclusive sale price but not exceeding the existing owner capital amounts in the purchased enterprises or enterprise divisions
ORGANIZATION OF ENTERPRISE SALE OR ASSIGNMENT
Article 29.- Competence to decide on enterprise sale or assignment
Based on the approved general scheme on reorganization of enterprises with 100% state capital and the conditions specified in Article 2 of this Decree:
1. The Prime Minister shall authorize boards of directors of state corporations or parent companies established under his decisions to decide on assignment of independent cost-accounting member companies; sale of independent cost-accounting member companies, dependent cost-accounting member units of corporations, parent companies, dependent divisions of independent cost-accounting member companies having an asset value exceeding 50% of the total residual asset value stated in their financial statements publicized in the latest quarter.
2. Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of government-attached agencies or presidents of provincial-level People's Committees shall:
a/ Decide on the sale or assignment of enterprises established under their decisions, including independent cost-accounting member enterprises, dependent cost-accounting member units of suite corporations or one-member limited liability companies which have not yet transferred the right to represent their owner to the State Capital Investment Corporation;
b/ Decide on the sale of divisions of enterprises established under their decisions and having not transferred the right to represent their owner to the State Capital Investment Corporation, on the condition that the residual asset value of these enterprise divisions exceed 30% of the total residual asset value stated in financial statements of enterprises publicized in the latest quarter (for enterprises without boards of directors) or exceed 50% of the total residual asset value stated in financial statements of enterprises publicized in the latest quarter (for enterprises with boards of directors).
3. Boards of directors of state corporations or parent companies shall decide or empower or authorize directors general to decide on the sale of enterprise divisions, of which the residual asset value does not exceed 50% of the total residual asset value stated in financial statements of enterprises publicized in the latest quarter.
4. Directors of companies without boards of directors shall decide on the sale of enterprise divisions, of which the residual asset value does not exceed 30% of the total residual asset value stated in financial statements of enterprises publicized in the latest quarter.
Article 30.- Responsibility to organize enterprise sale or assignment
1. The Enterprise Renewal and Development Board shall assist ministers, presidents of provincial-level People's Committees and boards of directors of state corporations or parent companies in organizing enterprise sale or assignment.
Depending on the characteristics of business lines, mode of assignment or sale of enterprises and financial status of these enterprises, the Enterprise Renewal and Development Board shall invite representatives of banks, enterprises, laborers in enterprises and concerned agencies to participate in enterprise sale or assignment.
2. Ministers, presidents of provincial-level People's Committees, and boards of directors of state corporations or parent companies shall decide on setting up Renewal Boards at enterprises to perform the tasks specified in this Decree.
3. In case enterprises fail to implement sale or assignment plans approved by competent authorities under this Decree, their directors shall be disciplined and heads of agencies or organizations having decided on their sale shall bear joint responsibility under the Law on State Enterprises.
Article 31.- Tasks of the Enterprise Renewal and Development Board in organizing enterprise sale or assignment
1. In case of sale of an enterprise:
a/To elaborate an enterprise sale plan; to notify the enterprise sale to all laborers in the enterprise and on the mass media:
b/ To direct and supervise the renewal board at the enterprise in determining the actual conditions, properties and technical utilities of assets, comparing debts and drawing up lists of creditors and debtors of enterprises, receivable and payable debts; and working out plans on settlement of financial and labor matters of the enterprise;
c/ To supervise the valuation consultancy organization in valuating the enterprise and determining the reserve price to be reported to the agency or organization having decided on the enterprise sale for approval;
d/ To supervise the holding of the enterprise auction; to organize the direct sale and propose a sale price (for direct sale) or propose the enterprise seller to approve the enterprise auction result;
e/ To draft an enterprise sale contract and report it to the concerned minister, president of provincial-level People's Committee or board of directors of the state corporation or parent company for decision;
f/ To guide, inspect and supervise the renewal board at the enterprise in recovering assets of the enterprise and returning assets rented borrowed or kept for others by the enterprise; recovering receivable debts and paying payable debts of the enterprise; handing over assets, books and relevant dossiers to the purchaser as agreed upon in the enterprise sale contract:
g/ To urge payment and security for payment within the set time limit; to manage mortgage dossiers and carry out procedures for public sale when the purchaser breaches payment commitments;
h/ To solve within its competence problems arising from the enterprise sale.
2. In case of assignment of an enterprise:
a/ To work out an enterprise assignment plan; to notify the enterprise assignment to all laborers in the enterprise and on the mass media;
b/ To assess the value of the enterprise, determine the actual conditions, properties and technical utilities of assets, inspect the comparison of debts and drawing up of lists of creditors and debtors of enterprises, receivable and payable debts; to work out plans on settlement of financial and labor matters of the enterprise;
c/ To draft an enterprise assignment contract and report it to the concerned minister, president of provincial-level People's Committee or board of directors of the state corporation or parent company;
d/ To guide, inspect and supervise the renewal board at the enterprise in recovering assets of the enterprise and returning assets rented, borrowed or kept for others by the enterprise; recovering receivable debts and paying payable debts of the enterprise; handing over assets, books and relevant dossiers to the enterprise assignee as agreed upon in the enterprise assignment contract;
e/ To solve according to its competence problems arising from the enterprise assignment.
Article 32.- Responsibility of the Enterprise Renewal and Development Board
The Enterprise Renewal and Development Board shall be held responsible for results of performance of jobs assigned to it before enterprise sale or assignment deciders and law.
Article 33.- Competence to approve enterprise sale or assignment plans
At the request of the Enterprise Renewal and Development Board, ministers, presidents of provincial-level People's Committees, boards of directors of state corporations or parent companies shall decide to approve enterprise sale plans and prices or enterprise assignment plans.
Article 34.- Competence to conclude enterprise sale or assignment contracts
1. Ministers or persons authorized by ministers shall conclude contracts for sale or assignment of enterprises with 100% state capital for which their ministries act as the owner's representatives.
2. Presidents of provincial-level People's Committees or persons authorized by presidents of provincial-level People's Committees shall conclude contracts for sale or assignment of enterprises with 100% state capital for which their provincial-level People's Committees act as the owner's representatives.
3. Directors general of state corporations or parent companies shall conclude contracts for sale or assignment of member enterprises of their state corporations or parent companies.
Article 35.- Responsibility to organize and oversee the performance of enterprise sale or assignment contracts
Persons concluding enterprise sale or assignment contracts shall:
1. Organize the performance of these contracts.
2. Organize the oversight, supervision and inspection of the contract performance and solve arising problems.
3. All problems arising in the course of performance of these contracts shall be jointly solved by contracting parties. Any unsolved disputes shall be brought to a people's court under law.
Article 36.- Handling of cases in which there is no registered enterprise purchaser or assignee
For enterprises for which there is no registered purchaser or assignee under this Decree, competent agencies or organizations shall carry out procedures for dissolving them. In case enterprises go bankrupt, enterprise directors shall apply for opening of bankruptcy procedures at a people's court under law.
Article 37.- Complaints, denunciations and handling of violations
The lodging of complaints and denunciations and handling of violations related to the enterprise sale or assignment comply with this Decree and Articles 52 and 53 of Decree No. 109/2007/ND-CP.
1. This Decree takes effect 15 days after its publication in "CONG BAO."
2. To annul the Government's Decree No. 80/ 2005/ND-CP of June 22,2005, on assignment, sale, business contracting and lease of state companies.
3. Enterprises currently performing business contracts or lease contracts which will expire after July 1, 2010, shall reach agreement to liquidate the contracts and apply modes of reorganization under law before July 1, 2010.
Article 39.- Responsibilities to implement and organize the implementation
1. The Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance, the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs, the Ministry of Natural Resources and Environment, and the State Bank of Vietnam shall coordinate with concerned agencies in guiding the implementation of this Decree.
2. Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of government-attached agencies, presidents of provincial/municipal People's Committees, boards of directors of state corporations or parent companies-economic groups shall implement this Decree.
The Minister of Planning and Investment shall oversee the implementation of this Decree.
|
ON BEHALF OF THE GOVERNMENT |
Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực