Trang chủ Lớp 10 Lịch sử Bài tập Chuyên đề Các lĩnh vực của sử học có đáp án

Bài tập Chuyên đề Các lĩnh vực của sử học có đáp án

Bài tập Chuyên đề Các lĩnh vực của sử học có đáp án

  • 551 lượt thi

  • 22 câu hỏi

  • 30 phút

Danh sách câu hỏi

Câu 1:

13/07/2024

Tương tự như vậy, lịch sử dân tộc, lịch sử thế giới cũng có thể trình bày dưới nhiều hình thức. Vậy đối tượng, phạm vi, nội dung cơ bản của mỗi hình thức đó là gì? Em có thể vận dụng những cách thức nào để trình bày một sản phẩm nghiên cứu lịch sử của mình?

Xem đáp án

- Lịch sử dân tộc:

+ Đối tượng nghiên cứu: toàn bộ các quá trình lịch sử trên các phương diện, như: chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hoá, xã hội…

+ Phạm vi nghiên cứu: nghiên cứu ở một cộng đồng quốc gia - dân tộc

+ Nội dung chính: phản ánh quá trình vận động, phát triển chung của tất cả các địa phương, tất cả các cộng đồng người đã và đang sinh sống trên lãnh thổ của quốc gia, bao trùm tất cả các lĩnh vực từ thời nguyên thuỷ đến ngày nay.

- Lịch sử thế giới:

+ Đối tượng nghiên cứu: toàn bộ các quá trình lịch sử chung trên các phương diện, như: chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hoá, xã hội…

+ Phạm vi nghiên cứu: phạm vi toàn cầu hoặc một số quốc gia/ châu lục/  khu vực…

+ Nội dung chính: thể hiện quá trình vận động của nhân loại trên các lĩnh vực: chính trị, quân sự,ngoại giao, kinh tế, văn hoá, xã hội,... đó là lịch sử tương tác giữa nhiều chủ thể, nhiều quốc gia,  dân tộc, xu hướng và lực lượng trong lịch sử.

- Một sản phẩm nghiên cứu lịch sử có thể trình bày dưới nhiều hình thức khác nhau, như:

+ Trình bày dưới dạng chữ viết thông qua các cuốn sách

+ Trình bày dưới dạng truyện kể lochj sử

+ Trình bày dưới dạng lễ hội, ca, múa…

+ Trình bày dưới dạng phim, ảnh…


Câu 2:

16/07/2024

Hãy giới thiệu tóm tắt một số cách trình bày lịch sử truyền thống và nêu ví dụ.

Xem đáp án

- Một số cách trình bày lịch sử truyền thống và ví dụ cụ thể:

+ Trình bày lịch sử dưới dạng chữ viết thông qua các cuốn sách. Ví dụ: sách “Lịch sử thế giới hiện đại” (của tác giả: Vũ Dương Ninh và Nguyễn Văn Hồng); sách “Các triều đại Việt Nam” (của tác giả: Quỳnh Cư và Đỗ Đức Hùng); sách “Khâm định Việt sử Thông giám cương mục” (do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn); sách Sử kí (của tác giả Tư Mã Thiên)…

- Trình bày lịch sử dưới dạng chuyện kể. Ví dụ: sách “Lĩnh Nam chích quái” gồm 22 truyện, tập hợp các truyền thuyết và cổ tích dân gian Việt Nam; sự tích về Lý Ông Trọng; Thần thoại Hy Lạp…

- Trình bày lịch sử dưới dạng Lễ hội, ca, múa…. Ví dụ: lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ); Lễ cày tịch điền ở Đọi Sơn (Hà Nam)…

- Trình bày lịch sử dưới dạng hình ảnh, phim, kịch,... Ví dụ: vở chèo “Bài ca giữ nước” của Tào Mạt; phim tài liệu “Hà Nội 12 ngày đêm” (do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất); phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” (của đạo diễn Hãi Ninh); phim “Đường lên Điện Biên” (của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng)…


Câu 3:

15/07/2024

Thông sử là gì? Nêu nội dung chính của thông sử. 

Xem đáp án

- Khái niệm: Thông sử là hình thức trình bày lịch sử chung nhất, đề cập đến tất cả các lĩnh vực đời sống trong quá khứ như: chính trị, xã hội, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hoá, tư tưởng, giáo dục, nghệ thuật,... từ khởi nguyên đến ngày nay.

- Nội dung chính:

+ Trình bày tổng hợp và toàn diện về lịch sử, thường chú trọng vào các nhân vật, sự kiện và quá trình lịch sử có ảnh hưởng mạnh mẽ và ý nghĩa quan trọng của một địa phương, một quốc gia hoặc toàn thế giới.

+ Thông sử thường được trình bày qua các phương pháp lịch đại kết hợp với đồng đại, nhưng tính chất lịch đại thường nổi bật hơn.


Câu 4:

21/07/2024

Theo em, những cuốn sách như trong Hình 6 (tr. 8) có phải là thông sử không? Vì sao?

Xem đáp án

- Các cuốn sách “Đại cương Lịch sử Việt Nam”; “World History” trong hình 6 (trang 8) là thông sử, vì: các cuốn sách này trình những tri thức tổng hợp và toàn diện về lịch sử dân tộc Việt Nam hoặc lịch sử thế giới.


Câu 5:

21/07/2024

Giới thiệu khái quát một số lĩnh vực của lịch sử.

Xem đáp án

- Lịch sử có thể được trình bày theo từng lĩnh vực, như: chính trị; quân sự; kinh tế; văn hoá; xã hội; tư tưởng…

- Ngoài ra, lịch sử còn được trình bày theo một số lĩnh vực khác, như: khoa học và công nghệ; giáo dục; tôn giáo và tín ngưỡng; văn học; ngoại giao,...


Câu 6:

19/07/2024

Em hãy giải thích ý nghĩa của việc phân chia lịch sử theo lĩnh vực.

Xem đáp án

- Ý nghĩa của việc phân chia lịch sử theo lĩnh vực:

+ Mang lại cho người đọc nhận thức sâu sắc, cụ thể về một lĩnh vực nào đó.

+ Là một cơ sở giúp hiểu biết đầy đủ hơn toàn bộ lịch sử của địa phương, quốc gia - dân tộc, khu vực hoặc thế giới.


Câu 7:

13/07/2024

Nêu khái niệm và nội dung chính của lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới.

Xem đáp án

- Lịch sử dân tộc

+ Khái niệm: là lịch sử của một cộng đồng quốc gia - dân tộc, sinh sống trên một lãnh thổ nhất định và được quản lí bởi một nhà nước thống nhất.

+ Nội dung chính: phản ánh quá trình vận động, phát triển chung của tất cả các địa phương, tất cả các cộng đồng người đã và đang sinh sống trên lãnh thổ của quốc gia, bao trùm tất cả các lĩnh vực từ thời nguyên thuỷ đến ngày nay.

- Lịch sử thế giới:

+ Khái niệm: là lịch sử của toàn nhân loại hoặc một số khu vực trên thế giới từ khi con người xuất hiện cho đến ngày nay.

+ Nội dung chính: thể hiện quá trình vận động của nhân loại trên các lĩnh vực: chính trị, quân sự,ngoại giao, kinh tế, văn hoá, xã hội,... đó là lịch sử tương tác giữa nhiều chủ thể, nhiều quốc gia,  dân tộc, xu hướng và lực lượng trong lịch sử.


Câu 8:

23/07/2024

Kể tên một số cuốn sách lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới.

Xem đáp án

- Một số cuốn sách về lịch sử Việt Nam:

+ Sách “Đại Việt sử kí” được biên soạn dưới thời Trần; tác giả chính là Lê Văn Hưu

+ Sách “Đại Việt sử kí toàn thư” do Ngô Sỹ Liên và các sử thần nhà Lê biên soạn.

+ Sách “Đại Nam thực lục” do Quốc sử quán nhà Nguyễn biên soạn.

+ Sách “Lịch sử Việt Nam” (15 tập) do Viện sử học Việt Nam tổ chức biên soạn.

+…

- Một số cuốn sách về lịch sử thế giới:

+ Sách “Lịch sử thế giới cận đại” (của tác giả: Vũ Dương Ninh và Nguyễn Văn Hồng”.

+ Sách “Lược sử thế giới” (của tác giả: E.H.Gombirich)

+ Sách “World History” (của tác giả: Adam Brown)

+…


Câu 9:

19/07/2024

Hãy cho biết đối tượng và phạm vi của lịch sử văn hoá Việt Nam. 

Xem đáp án

- Đối tượng của lịch sử văn hóa Việt Nam: là toàn bộ đời sống văn hoá, bao gồm các thành tựu, giá trị, truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam trong lịch sử.

- Phạm vi của lịch sử văn hóa Việt Nam: là toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần, các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của cộng đồng dân tộc Việt Nam từ thời nguyên thuỷ đến ngày nay.


Câu 10:

13/07/2024

Em hãy chỉ rõ các thời kỳ phát triển của văn hoá Việt Nam và nêu nét chính của từng thời kì.

Xem đáp án

* Thời nguyên thuỷ:

- Trên đất nước Việt Nam đã có con người sinh sống.

- Các cộng đồng dân cư ở Việt Nam đã định hình nền văn hóa bản địa với đặc trưng là văn hóa nông nghiệp lúa nước.

* Thời kì dựng nước:

- Trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam đã hình thành và phát triển ba trung tâm văn minh gắn với những quốc gia là:

+ Văn Lang ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (ra đời khoảng thế kỉ VII TCN) và Âu Lạc (ra đời vào khoảng thế kỉ III TCN).

+ Phù Nam ở Nam Bộ (hình thành khoảng thế kỉ I);

+ Lâm Áp - sau này là Chăm-pa ở Trung Bộ (ra đời năm 192).

- Các cộng đồng cư dân cổ ở Việt Nam đã kiến tạo cơ sở của nền văn hoá bản địa, với đặc trưng:

+ Sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước là chính; gắn bó với sông biển;

+ Tổ chức cộng đồng địa phương theo hình thức làng, bản;

+ Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên,...

- Các cộng đồng dân cư cổ ở Việt Nam đã tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hoá từ bên ngoài, nhất là từ Ấn Độ và Trung Quốc.

* Thời kì Bắc thuộc:

- Cư dân Việt cổ đấu tranh chống đồng hóa, gìn giữ bản sắc và phát triển nền văn hóa dân tộc.

- Các cộng đồng dân cư ở vùng Trung Bộ và Nam Bộ tiếp tục có những bước phát triển mới về văn hóa.

* Thời kì quân chủ độc lập:

- Quá trình tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá từ bên ngoài, gắn liền với việc chủ động bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc.

- Giữa thế kỉ XVI, văn hoá Việt Nam có sự tiếp xúc, giao lưu với văn hoá phương Tây.

* Thời kì cận đại:

- Quá trình giao lưu, tiếp biển văn hoá càng diễn ra mạnh mẽ và sâu sắc hơn.

- Dân tộc Việt Nam tiếp tục đấu tranh bảo tồn các giá trị, truyền thống văn hoá tốt đẹp, đồng thời chủ động tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại.

* Thời kì hiện đại:

- Đầu năm 1943, Đảng Cộng sản Đông Dương đã đưa ra bản Đề cương văn hoá Việt Nam, định hướng cuộc đấu tranh xây dựng nền văn hoá Việt Nam mới theo ba nguyên tắc: dân tộc hoá, khoa học hoá và đại chúng hoá.

- Thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã mang đến cho nền văn hoá Việt Nam một luồng sinh khí mới.

- Những năm 1945 - 1975, đời sống văn hoá Việt Nam thấm đẫm tinh thần yêu nước và cách mạng, góp phần to lớn vào những chiến công hiển hách của dân tộc.

- Từ năm 1986 - nay, văn hoá là nền tảng tinh thần, đồng thời là một nguồn lực phát triển quan trọng đang được toàn Đảng, toàn dân Việt Nam xây dựng và phát triển theo hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.


Câu 11:

19/07/2024

Hãy cho biết đối tượng, phạm vi của lịch sử tư tưởng Việt Nam. 

Xem đáp án

- Đối tượng của lịch sử tư tưởng Việt Nam: là toàn bộ đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam nói chung và của từng cộng đồng người nói riêng. Trong đó, các tôn giáo, lí thuyết triết học, tư tưởng chính trị và các trường phái khoa học,... được xem là những hình thức thể hiện tiêu biểu nhất của tư tưởng, tạo nên bộ phận cốt lõi, có ảnh hưởng to lớn nhất trong đời sống tư tưởng của con người.

- Phạm vi của lịch sử tư tưởng Việt Nam:

+ Theo nghĩa rộng nhất, lịch sử tư tưởng Việt Nam bao gồm toàn bộ hoạt động nhận thức của con người Việt Nam về thế giới xung quanh, tức là toàn bộ đời sống tinh thần của cộng đồng dân tộc Việt Nam trong quá khứ.

+ Theo nghĩa hẹp, lịch sử tư tưởng Việt Nam tập trung nghiên cứu và tái hiện lịch sử các tôn giáo, tín ngưỡng, các lí thuyết triết học, tư tưởng chính trị và các tư tưởng khoa học, nghệ thuật và văn hoá của dân tộc Việt Nam.


Câu 12:

10/07/2024

Hãy giới thiệu nét chính của lịch sử tư tưởng Việt Nam qua các thời kì.

Xem đáp án

* Thời kì dựng nước:

- Nhiều tư tưởng về vai trò quan trọng của việc cần cù lao động, cùng nhau chung sống lương thiện, nhân ái, đoàn kết, dũng cảm đương đầu với thiên tai, địch họa. Đây là cơ sở, định hình bước đầu của tư tưởng truyền thống Việt Nam.

* Đầu Công nguyên đến giữa thế kỉ XIX:

- Dân tộc Việt Nam đã tiếp thu có chọn lọc nhiều tư tưởng từ bên ngoài, làm giàu thêm kho tàng tư tưởng của dân tộc.

- Dân tộc Việt Nam đã sáng tạo ra những trường phái tư tưởng của riêng mình, như:

+ Phật giáo Trúc Lâm (thời Trần, thế kỉ XIII - XIV)

+ Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương (nửa đầu thế kỉ XIX).

* Thời kì cận đại và hiện đại:

- Dân tộc Việt Nam tiếp nhận ảnh hưởng từ nhiều trường phái tư tưởng phương Tây và phương Đông, như:

+ Tư tưởng “tự do, bình đẳng, bác ái” của Cách mạng Pháp (1789);

+ Thuyết “tam dân” của Tôn Trung Dân;

+ Chủ nghĩa Mác - Lênin...

- Quá trình tìm đường cứu nước và lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh.


Câu 13:

06/07/2024

Hãy cho biết đối tượng của lịch sử xã hội Việt Nam. 

Xem đáp án

- Đối tượng của lịch sử xã hội Việt Nam: là toàn bộ đời sống xã hội loài người trong quá khứ, bao gồm:

+ Các cấu trúc xã hội, các giai cấp, tầng lớp, các tổ chức và các phong trào xã hội;

+ Các quan hệ xã hội, vai trò và vị thế của cá nhân và nhóm trong xã hội;

+ Các hình thức của phân biệt xã hội và kì thị xã hội;

+ Sự di động xã hội của cá nhân và nhóm,... 


Câu 14:

19/07/2024

Hãy tóm tắt nét chính của lịch sử xã hội Việt Nam.

Xem đáp án

* Thời kì dựng nước đầu tiên:

- Các cộng đồng người Việt Nam đã được tổ chức thành xã hội có độ gắn kết tương đối cao để cùng sinh hoạt, sản xuất và đương đầu với thiên tai, địch hoạ.

- Đơn vị cơ sở của xã hội là cộng đồng nông thôn đầu tiên (làng, chiêng, chạ,...).

- Quá trình phân hoá xã hội không sâu sắc và triệt để.

* Thời kì Bắc thuộc:

- Người Việt tiếp tục duy trì hình thức tổ chức xã hội cơ bản là các cộng đồng nông thôn (làng/bản) với phạm vi tự chủ khá lớn.

- Các tầng lớp xã hội có nhiều biến đổi. Trong xã hội xuất hiện tầng lớp quan lại địa chỉ người Hán, hào trưởng người Việt.

- Mâu thuẫn bao trùm trong xã hội là mâu thuẫn dân tộc giữa người dân Việt với chính quyền đô hộ.

- Trên cơ sở tiếp thu nền văn minh Hán, tổ chức gia đình và tổ chức xã hội của người Việt dần có sự cải biến.

* Thời kì quân chủ độc lập:

- Các cộng đồng dân cư Việt Nam nhau xây dựng xã hội tương đối hài hoà, đoàn kết.

+ Làng xã được củng cố vững chắc hơn và trở thành những tổ chức chiến đấu hiệu quả mỗi khi đất nước bị xâm lược.

+ Trong quá trình mở cõi về phía Nam đất nước, tổ chức làng xã được thành lập ở các vùng đất mới với các hình thức khác nhau.

- Xuất hiện một số thành thị và cảng thị sầm uất, như: Thăng Long, Phố Hiến, Hội An… Cư dân sống tại các thành thị và cảng thị chủ yếu là thợ thủ công và thương nhân.

- Sự phân phân hóa xã hội ngày càng sâu sắc:

+ Bộ phận thống trị, gồm: vua, quan lại, địa chủ

+ Bộ phận bị trị, gồm: nho sĩ, nông dân, thợ thủ công, thương nhân và nô tì.

* Đến thời kì cận đại:

- Dưới tác động của chế độ thực dân Pháp, xã hội truyền thống Việt Nam có nhiều biến đổi.

+ Các giai cấp, tầng lớp trong cấu trúc xã hội truyền thống vẫn tiếp tục tồn tại, song vai trò và vị thế xã hội đã thay đổi.

+ Một số giai cấp và tầng lớp mới xuất hiện, như: quan chức thực dân người Pháp, đội ngũ quan lại người bản xứ và đội ngũ kì hào, chức dịch ở các làng xã, giai cấp công nhân, giai cấp tư sản và tầng lớp tiểu tư sản Việt Nam,...

- Trong xã hội tồn tại nhiều mâu thuẫn: mâu thuẫn dân tộc (giữa nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp) và mâu thuẫn giai cấp (giữa nông dân với địa chủ)… trong đó, mâu thuẫn dân tộc bao trùm xã hội.

* Thời kì hiện đại: Xã hội phát triển qua ba giai đoạn:

- Từ năm 1954 đến năm 1975:

+ Ở miền Bắc: hai giai cấp cơ bản là công nhân và nông dân tập thể, cùng với đội ngũ viên chức, trí thức,...

+ Ở miền Nam: tuyệt đại đa số nhân dân vẫn trong tình trạng bị áp bức về xã hội và bị bóc lột về kinh tế. Ở vùng giải phóng, nhân dân tích cực tham gia xây dựng đời sống xã hội mới, tích cực tham gia kháng chiến.

- Từ năm 1975 đến năm 1986:

+ Giai cấp nông dân, công nhân và trí thức là những thành phần xã hội cơ bản.

+ Xã hội còn thiếu năng động, sáng tạo.

- Từ năm 1986 đến nay:

+ Cơ cấu xã hội phân nhóm, phân tầng phức hợp hơn. Ngoài công nhân, nông dân còn có doanh nhân và nhiều tầng lớp khác. Xuất hiện nhóm xã hội là người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

+ Nhiều chuyển biến tích cực trong xã hội đã và đang được ghi nhận như: điều kiện sống được cải thiện đáng kể, các quan hệ xã hội trở nên đa dạng, đa chiều, cởi mở hơn, xã hội nhìn chung năng động, tự do, dân chủ, bình đẳng, nhân ái, văn minh hơn,...

+ Xuất hiện một số xu hướng lối sống xã hội tiêu cực như: vô cảm, ích kỉ, coi thường pháp luật và các quy chuẩn xã hội, nhiều tệ nạn xã hội và tội phạm....


Câu 15:

21/07/2024

Giải thích đối tượng của lịch sử kinh tế Việt Nam. 

Xem đáp án

- Đối tượng của lịch sử kinh tế Việt Nam , bao gồm toàn bộ:

+ Các hoạt động sản xuất, kinh doanh;

+ Các ngành và lĩnh vực kinh tế;

+ Các phương thức sản xuất, bao gồm cả lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất

+ Các tổ chức kinh tế và các sản phẩm của lao động sản xuất,...


Câu 16:

23/07/2024

Tóm tắt nét chính về lịch sử kinh tế Việt Nam qua các thời kì.

Xem đáp án

* Thời kì dựng nước đầu tiên:

- Cư dân Việt cổ đã kết hợp nghề nông trồng lúa nước với chăn nuôi, đánh bắt cá với các nghề thủ công

- Cư dân Việt cổ, cư dân Sa Huỳnh (sau này là cư dân Chăm-pa) và đặc biệt là cư dân Phù Nam đã tham gia rất tích cực vào các hoạt động giao thương trên Biển Đông.

* Thời kì Bắc thuộc và thời kì quân chủ độc lập

- Nền kinh tế Việt Nam truyền thống tiếp tục được củng cố và phát triển.

+ Cơ sở quan trọng nhất là nông nghiệp trồng lúa nước, gắn liền với việc tạo dựng những hệ thống các công trình trị thuỷ, thuỷ lợi lớn.

+ Thủ công nghiệp phát triển đa dạng nhiều ngành nghề, như: đúc đồng, làm gốm, dệt vải, làm mộc…

+ Thương nghiệp phát triển, xuất hiện nhiều làng buôn chuyên nghiệp như: Phù Lưu (Bắc Ninh), Nôm (Hưng Yên), Thổ Tang (Vĩnh Phúc), Triều Khúc (Hà Nội),… Từ thế kỉ XVII đến cuối thế kỉ XVIII, trên đất nước Việt Nam đã xuất hiện nhiều trung tâm giao thương quốc tế sầm uất.

+ Ngoài ra, người Việt Nam cũng giỏi các nghề đánh bắt thuỷ - hải sản; khai thác lâm, thổ sản

- Tính chất của nền kinh tế: kinh tế tự nhiên, dựa vào khai thác tự nhiên, sinh sống hoà hợp với thiên nhiên.

* Thời kì cận đại:

- Dưới tác động của quá trình thực dân hoá, kinh tế Việt Nam có biến đổi lớn:

+ Nhiều yếu tố của nền sản xuất hiện đại được du nhập vào trong nước như: công nghiệp, thương mại quốc tế,...

+ Ngay cả những lĩnh vực sản xuất truyền thống cũng từng bước biến đổi do việc du nhập nhiều giống cây trồng, vật nuôi và áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật.

+ Một số hình thức tổ chức sản xuất mới cũng xuất hiện, như các đồn điền, các công tỉ, xí nghiệp, hầm mỏ, công trường...

+ Cơ sở hạ tầng và giao thông vận tải có sự phát triển

- Những khoản lợi nhuận kếch xù đều rơi vào tay giới tư bản tài phiệt Pháp. Trong khi đó, tuyệt đại đa số người dân Việt Nam vẫn sống nghèo khổ, bị bóc lột nặng nề.

* Thời kì hiện đại:

- Từ 1945 - 1954:

+ Vùng pháp chiếm đóng, nền kinh tế về cơ bản không có nhiều khác biệt so với trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.

+ Ở vùng tự do, nền kinh tế mới được xây dựng theo hướng vừa kháng chiến vừa kiến quốc, tự cung, tự cấp về mọi mặt.

- Từ 1954 - 1975:

+ Miền Bắc tiến hành xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, các ngành kinh tế bước đầu có sự phát triển

+ Miền Nam, kinh tế phát triển theo hướng thị trường nhưng bị lệ thuộc vào Mỹ.

- Từ 1975 - 1986: kinh tế đất nước lâm vào khủng hoảng do sai lầm chủ quan trong lựa chọn mô hình phát triển.

- Từ 1986 - nay:

+ Chế độ tập trung, quan liêu, bao cấp từng bước bị xoá bỏ.

+ Nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được pháp luật bảo hộ và khuyến khích phát triển.

+ Các nguồn lực phát triển được khai thông, nền kinh tế phát triển theo hướng cân đối hơn, đạt mức tăng trưởng cao trong nhiều năm liên tục,...

+ Kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng và toàn diện vào các hệ thống kinh tế toàn cầu.


Câu 17:

23/07/2024

Lập bảng thống kê những hình thức trình bày lịch sử và nêu ví dụ cụ thể. 

Xem đáp án

(*) Bảng thống kê tham khảo

STT

Hình thức trình bày lịch sử

Ví dụ cụ thể

1

Dạng chữ viết (thông qua các cuốn sách)

- Sách “Lịch sử thế giới hiện đại” (của tác giả: Vũ Dương Ninh và Nguyễn Văn Hồng);

- Sách “Các triều đại Việt Nam” (của tác giả: Quỳnh Cư và Đỗ Đức Hùng);

- Sách “Khâm định Việt sử Thông giám cương mục”  (Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn);

- Sách “Lịch sử Việt Nam” (Viện Sử học Việt Nam biên soạn).

- …

2

Truyện kể lịch sử

- Sách “Lĩnh Nam chích quái

- Sự tích về Lý Ông Trọng;

- Thần thoại Hy Lạp

- Sách “Việt Nam kho tàng dã sử” (tác giả: Vũ Ngọc Khánh)

- …

3

Lễ hội, ca, múa…

- Lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ, Việt Nam)

- Lễ cày Tịch điền Đọi Sơn (Hà Nam, Việt Nam)

- …

4

Hình ảnh, phim, kịch…

- Vở chèo “Bài ca giữ nước” (của Tào Mạt).

- Phim tài liệu “Hà Nội 12 ngày đêm” (do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất);

- Phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” (của đạo diễn Hãi Ninh);

- …


Câu 18:

18/07/2024

Tại sao thông sử là hình thức trình bày lịch sử phổ biến nhất? 

Xem đáp án

- Do ưu điểm trình bày nhiều tri thức tổng quan, toàn diện, đẩy đủ về quá trình lịch sử, nên thông sử thường được sử dụng phổ biến trong nghiên cứu lịch sử ở Việt Nam và các nước trên thế giới.


Câu 19:

15/07/2024

Em hãy cùng nhóm bạn tìm hiểu và giới thiệu về một bộ thông sử Việt Nam hoặc thế giới. 

Xem đáp án

(*) Lựa chọn: Giới thiệu về bộ “Lịch sử Việt Nam” do Viện sử học Việt Nam biên soạn

- Bộ sách “Lịch sử Việt Nam”, gồm 15 tập, dày gần 10.000 trang, bao quát nền lịch sử Việt Nam từ khởi thủy đến năm 2000, do đội ngũ cán bộ của Viện Sử học Việt Nam biên soạn trong hơn 9 năm.

- Về phân kỳ lịch sử và phân chia các tập: Bộ Lịch sử Việt Nam được kết cấu theo các thời kỳ:

+ Thời kỳ cổ - trung đại (từ thời tiền sử đến năm 1858, khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam);

+ Thời kỳ cận đại (thời kỳ thực dân Pháp xâm lược và biến Việt Nam thành thuộc địa đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công)

+ Thời kỳ hiện đại (cũng có thể gọi là thời kỳ đương đại, kể từ khi đất nước giành được độc lập và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời cho đến nay).

- Từng tập của bộ sách này sẽ tóm tắt các sự kiện lịch sử theo từng giai đoạn, cụ thể:

+ Lịch Sử Việt Nam Tập 1: Lịch sử Việt Nam từ khởi thủy đến thế kỷ X do PGS.TS. Vũ Duy Mền chủ biên. Tập sách được biên soạn công phu, với 9 chương. Tập sách này trình bày một cách khách quan về lịch sử Việt Nam: từ khi xuất hiện con người xuất hiện, đến sự phát triển liên tục của các nền văn hóa bản địa thuộc ba trung tâm: Văn hóa Đông Sơn; Văn hóa Sa Huỳnh; Văn hóa Đồng Nai - Văn hóa Tiền Óc Eo Nam Bộ; bên cạnh đó, cuốn sách cũng phản anh cuộc đấu tranh bền bỉ, lâu dài, nhiều hi sinh, gian khổ chống Bắc thuộc, chống Hán hóa thắng lợi, giành lại quyền độc lập, tự chủ, mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước ta.

+ Lịch Sử Việt Nam Tập 2: Lịch sử Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV do PGS.TS. Trần Thị Vinh chủ biên. Tập sách gồm có 11 chương, viết về ba thời kỳ lịch sử lớn của dân tộc: Thời kỳ thứ nhất ứng với các họ Khúc - Dương - Ngô - Đinh - Tiền Lê (thế kỷ X); Thời kỳ thứ hai: Đại Việt thời Lý (thế kỷ XI - đầu thế kỷ XIII); Thời kỳ thứ ba: Đại Việt thời Trần (đầu thế kỷ XIII - cuối thế kỷ XIV), và một chương 12 viết về Vương quốc Champa (thế kỷ X-XIV). Với tập sách này, lịch sử đất nước được nghiên cứu, biên soạn trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.

+ Lịch Sử Việt Nam Tập 3: Lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVI do PGS.TS. Tạ Ngọc Liễn chủ biên. Tập sách gồm 10 chương, trình bày một cách bao quát toàn bộ quá trình diễn biến của lịch sử Việt Nam từ đầu thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XVI với những sự kiện trọng yếu về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa của các triều Hồ, Lê sơ, Mạc.

+ Lịch Sử Việt Nam Tập 4: Lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII do PGS.TS. Trần Thị Vinh chủ biên. Tập sách được bắt đầu từ sau sự kiện triều Mạc bị lật đổ (1529) đến hết triều Tây Sơn, phản ánh diễn biến lịch sử của đất nước trên các mặt chính trị - xã hội, kinh tế và văn hóa trong hai thế kỷ XVII và XVIII.

+ Lịch Sử Việt Nam Tập 5: Lịch sử Việt Nam từ năm 1802 đến năm 1858 do TS. Trương Thị Yến chủ biên. Tập sách được chia làm 10 chương, với các nội dung: Triều Nguyễn thiết lập nhà nước quân chủ chuyên chế; Hệ thống quản lý hành chính các địa phương; Tổ chức hành chính, xã hội và chính sách của Nhà nước đối với làng xã; Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp; Công nghiệp và thủ công nghiệp; Thương nghiệp; Quan hệ đối ngoại; Phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân; Văn hóa; Âm mưu xâm lược của thực dân Pháp.

+ Lịch Sử Việt Nam Tập 6: Lịch sử Việt Nam từ năm 1859 đến năm 1896 do PGS.TS. Võ Kim Cương chủ biên. Tập sách gồm 5 chương, phản ánh tình hình Việt Nam trước khi Pháp xâm lược; Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống Pháp xâm lược (giai đoạn 1858 - 1873); Cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược Bắc Kỳ và Trung Kỳ (giai đoạn 1873 - 1884); Phong trào kháng chiến chống Pháp (giai đoạn 1885 - 1896); Những chuyển biến về chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX. Nội dung các Hiệp ước Nhâm Tuất (1862), Hiệp ước Giáp Tuất (1874), Hiệp ước Giáp Thân (1884) được nhóm biên soạn thể hiện trong phần Phụ lục.

+ Lịch Sử Việt Nam Tập 7: Lịch sử Việt Nam từ năm 1897 đến năm 1918 do PGS.TS. Tạ Thị Thúy chủ biên. Tập sách được bố cục gồm 8 chương: Chính sách thuộc địa và việc củng cố bộ máy chính quyền ở Việt Nam của thực dân Pháp trong những năm đầu thế kỷ XX; Nền kinh tế Việt Nam trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của Pháp (1897 - 1914); Tình hình văn hóa - xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX; Các giai cấp trong xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX; Phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX; Phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân đầu thế kỷ XX; Xã hội Việt Nam trong những năm chiến tranh 1914 - 1918; Phong trào chống Pháp của nhân dân Việt Nam trong chiến tranh 1914 - 1918.

+ Lịch Sử Việt Nam Tập 8: Lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến năm 1930 do PGS.TS. Tạ Thị Thúy chủ biên. Tập sách được trình bày thành 9 chương: Chính sách thuộc địa của thực dân Pháp sau chiến tranh thế giới thứ nhất; Thực dân Pháp củng cố và tăng cường bộ máy chính quyền thuộc địa; Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai sau chiến tranh thế giới thứ nhất và những biến đổi trong nền kinh tế Việt Nam; Tình hình văn hóa- xã hội; Xã hội Việt Nam phân hóa thêm sâu sắc sau chiến tranh; Ảnh hưởng của phong trào cách mạng thế giới tới cách mạng Việt Nam; Phong trào yêu nước và công nhân ở Việt Nam đầu những năm 20 thế kỷ XX; Các tổ chức cách mạng ra đời trong những năm 1925 - 1929; Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.

+ Lịch Sử Việt Nam Tập 9: Lịch sử Việt Nam từ năm 1930 đến năm 1945 do PGS.TS. Tạ Thị Thúy chủ biên, gồm 6 chương, khái quát những sự kiện chính của lịch sử Việt Nam trên các phương diện chính trị - xã hội, kinh tế và văn hóa

+ Lịch Sử Việt Nam Tập 10: Lịch sử Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1950 do PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật chủ biên. Tập sách được biên soạn thành 6 chương, trình bày một cách tương đối toàn diện tiến trình lịch sử giai đoạn từ tháng 9/1945 đến cuối năm 1950 với các nội dung: Việt Nam từ thành lập nền Dân chủ Cộng hòa đến ký Hiệp định Sơ bộ Việt - Pháp (9/1945 - 3/1946); Kháng chiến Toàn quốc bùng nổ (12/1946); đường lối kháng chiến “Toàn dân, toàn diện, lâu dài và tự lực cánh sinh” của Đảng; vừa kháng chiến, vừa kiến quốc; xây dựng và củng cố hậu phương, biến hậu phương của địch thành tiền phương của ta; đấy mạnh kháng chiến (1948 - 1950).

+ Lịch Sử Việt Nam Tập 11: Lịch sử Việt Nam từ năm 1951 đến năm 1954; do PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật chủ biên. Tập sách gồm 6 chương, gới thiệu một cách chân thực, khách quan, toàn diện và hệ thống: từ âm mưu, kế hoạch xâm lược và thống trị của đế quốc Pháp - Mỹ trong cuộc chiến tranh, đến chủ trương, đường lối của Đảng và quá trình đấu tranh anh dũng của quân đội và nhân dân Việt Nam trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên tất cả các mặt từ chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, văn hóa...

+ Lịch Sử Việt Nam Tập 12: Lịch sử Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1965; do PGS.TS Trần Đức Cường chủ biên, gồm 4 chương; khái quát những sự kiện chính của lịch sử Việt Nam trên các phương diện chính trị - xã hội - quân sự, kinh tế và văn hóa

+ Lịch Sử Việt Nam Tập 13: Lịch sử Việt Nam từ năm 1965 đến năm 1975; do PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật chủ biên, gồm 6 chương, khái quát những sự kiện chính của lịch sử Việt Nam trên các phương diện chính trị - xã hội - quân sự, kinh tế và văn hóa

+ Lịch Sử Việt Nam Tập 14: Lịch sử Việt Nam từ năm 1975 đến năm 1986; do PGS.TS Trần Đức Cường chủ biên, trình bày khái quát những sự kiện chính của lịch sử dân tộc Việt Nam từ sau thắng lợi của Đại thắng mùa xuân năm 1975 đến trước khi đổi mới đất nước (1986).

+ Lịch Sử Việt Nam Tập 15: Lịch sử Việt Nam từ năm 1986 đến năm 2000; do PGS.TS Nguyễn Ngọc Mão chủ biên, chủ yếu trình bày về đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam và những thành tựu mà nhân dân Việt Nam đạt được trong 15 năm đầu đổi mới đất nước.

- Bộ sách “Lịch sử Việt Nam” gồm 15 tập được đánh giá cao: Là bộ thông sử Việt Nam lớn nhất từ trước đến nay, có giá trị lớn về học thuật, thực tiễn, xã hội, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy, học tập.

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên mang tính tham khảo


Câu 20:

22/07/2024

Hãy thể hiện nét chính của lịch sử Việt Nam theo các lĩnh vực (văn hoá, tư tưởng, xã hội, kinh tế,...) trên trục thời gian.

Xem đáp án

(*) Trục thời gian về lịch sử văn hóa Việt Nam

Hãy thể hiện nét chính của lịch sử Việt Nam theo các lĩnh vực (văn hoá (ảnh 1)

(*) Trục thời gian về lịch sử xã hội Việt Nam

Hãy thể hiện nét chính của lịch sử Việt Nam theo các lĩnh vực (văn hoá (ảnh 2)

(*) Trục thời gian về kinh tế xã hội Việt Nam

Hãy thể hiện nét chính của lịch sử Việt Nam theo các lĩnh vực (văn hoá (ảnh 3)

(*) Trục thời gian về lịch sử tư tưởng Việt Nam

Hãy thể hiện nét chính của lịch sử Việt Nam theo các lĩnh vực (văn hoá (ảnh 4)
 

Câu 21:

11/07/2024

Thu thập sử liệu và trình bày một vấn đề của lịch sử Việt Nam theo một trong số các lĩnh vực chuyên biệt: văn hoá, tư tưởng, xã hội, kinh tế. 

Xem đáp án

(*) Lựa chọn: thành tựu kinh tế Việt Nam trong những năm 2001 - 2020

- Trong những năm 2001 - 2020, đất nước Việt Nam thực hiện hai chiến lược phát triển kinh tế - xã hội là Chiến lược 2001-2010 và Chiến lược 2011-2020 nhằm xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” theo phương châm “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế trên nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng cùng có lợi, không can thiệp công việc nội bộ, cùng phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”.

- Do tranh thủ được thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, nền kinh tế - xã hội Việt Nam đã có những biến đổi quan trọng, đạt được nhiều thành tựu to lớn.

+ Kinh tế liên tục tăng trưởng, đưa nước Việt Nam ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp (năm 2008).

+ Quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng, GDP năm 2019 gấp 12,5 lần năm 2001.

+ Tốc độ tăng GDP tương đối cao, bình quân năm trong giai đoạn 2001 - 2010 tăng 7,26%, đạt xấp xỉ tốc độ tăng 7,56%/năm của Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội 1991 - 2000. Trong giai đoạn 2011 - 2019, GDP tăng 6,3%/năm, trong đó năm 2018 tăng 7,08% và là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008.

+ GDP bình quân đầu người năm 2019 đạt 2.715 USD, gấp 15 lần năm 1990; thu nhập bình quân đầu người 1 tháng đạt 4.294,5 nghìn đồng, gấp 12 lần năm 2002.

+ Chất lượng tăng trưởng kinh tế dần dịch chuyển sang chiều sâu, thể hiện ở mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng kinh tế ngày một lớn.

+ Năng suất lao động ngày càng được cải thiện đáng kể. Trong giai đoạn 2016 - 2019, năng suất lao động toàn nền kinh tế tăng 5,86%/năm, cao hơn tốc độ 4,35%/năm của giai đoạn 2011 - 2015.

+ Cơ cấu kinh tế nước Việt Nam đã bước đầu chuyển dịch theo hướng hiện đại. Tỷ trọng các ngành, trình độ công nghệ sản xuất, cơ cấu lao động đã chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ trọng lao động qua đào tạo của các ngành kinh tế đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

- Hoạt động kinh tế đối ngoại phát triển toàn diện và sâu rộng, đưa nước Việt Nam hội nhập ngày càng đầy đủ với kinh tế khu vực và thế giới.

+ Tổng mức lưu chuyển hàng hóa ngoại thương thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2019 gấp 20,2 lần giai đoạn 1991 - 2000 và gấp 3,6 lần giai đoạn 2001 - 2010.

+ Tỷ lệ tổng kim ngạch xuất nhập khẩu so với GDP từ 112,5% năm 2000 tăng lên 142,2% năm 2005; 152,2% năm 2010 và 210,4% vào năm 2019.

+ Năm 2019, số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 4.028 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt 38.951,7 triệu USD, gấp 19,1 lần và 24,3 lần so với giai đoạn 1988 - 1990.

(Nguồn: Tổng cục thống kê)

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên mang tính tham khảo

Câu 22:

27/06/2024

Giả sử lớp em được giao nhiệm vụ tìm hiểu, nghiên cứu về quá trình hình thành và phát triển của ngôi trường các em đang học tập. Hãy cùng thảo luận và xác định một số vấn đề sau đây rồi báo cáo trước lớp: 

- Em sẽ lựa chọn triển khai nhiệm vụ nghiên cứu này theo hình thức nào: thông sử hay theo lĩnh vực?

 - Đối tượng, phạm vi của vấn đề nghiên cứu là gì?

 - Nêu nội dung cơ bản của vấn đề nghiên cứu.

- Hoàn thiện kết quả nghiên cứu của nhóm và báo cáo trước lớp.

Xem đáp án

(*) Bài tham khảo:

* Triển khai nhiệm vụ nghiên cứu theo hình thức: thông sử

* Đối tượng nghiên cứu: lịch sử hình thành và phát triển của trường THPT X

* Phạm vi nghiên cứu:

- Về mặt thời gian: nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của trường THPT X từ khi thành lập (năm ….) đến hiện nay (năm ….).

- Về mặt nội dung, tìm hiểu về:

+ Các mốc thời gian quan trọng trong quá trình phát triển của trường;

+ Các thành tựu tiêu biểu mà nhà trường đạt được;

+ Cơ sở vật chất của trường;

+ Hệ thống đào tạo của trường;

+ Thông tin tuyển sinh của trường.

- Hoàn thiện kết quả nghiên cứu:

+ Có thể trình bày kết quả nghiên cứu dưới nhiều dạng, như: dạng chữ viết; dạng phim tư liệu; dạng Infographic…

+ Trình bày kết quả nghiên cứu trước lớp, tiếp thu ý kiến nhận xét, đóng góp của giáo viên và các bạn học sinh khác.

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên mang tính tham khảo


Bắt đầu thi ngay