Trang chủ Thi thử THPT Quốc gia Văn (2023) Đề thi thử Ngữ Văn THPT Tân Trào - Tuyên Quang có đáp án

(2023) Đề thi thử Ngữ Văn THPT Tân Trào - Tuyên Quang có đáp án

(2023) Đề thi thử Ngữ Văn THPT Tân Trào - Tuyên Quang có đáp án

  • 240 lượt thi

  • 6 câu hỏi

  • 120 phút

Danh sách câu hỏi

Câu 1:

21/07/2024

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi: 

Thực tế cuộc sống quanh ta cũng cho thấy, có khá nhiều người không có bằng ĐH, không xuất chúng, cũng  chẳng nổi tiếng như Bill Gates, nhưng sự thành công của họ lại có phần vượt trội không ít người có bằng ĐH. Ngày nay, khi bạn có thực tài, nếu không làm cho cơ quan Nhà nước thì làm ở khu vực tư nhân; nếu không tư  nhân thì là nước ngoài. Hay tự mình... dùng mình! Thậm chí, nếu ở trong nước không có đất dụng võ thì ra  thế giới... Với công việc, năm châu bốn biển đều có thể là nhà của mình. 

Hiện xã hội cũng đang "khát" nhân lực, hàng trăm ngàn công ty đang cần hàng triệu người có thực tâm, thực  lực để giúp họ. Chẳng hạn, họ cần một chuyên gia giỏi về điện (bất kể có bằng hay không), chứ họ không cần  một kỹ sư điện, nhưng lại hiểu biết quá ít về điện. Còn giả sử bạn nộp đơn vào một số nơi nào đó mà họ không  quan tâm đến giá trị thực thì chắc hẳn nơi đó không thuộc về bạn.  

....... 

Cuộc đời không quá dài để mình có thể phung phí thời gian, nhưng cũng đủ dài để làm được những gì mà  mình muốn. Và cuộc đời cũng giống như cuộc đua marathon, dù có bị thua kém bạn bè ở những km đầu tiên  nhưng mình vẫn có thể là người về đích trước tiên. Hãy tin rằng: "18 tuổi, bạn còn hơn 60 năm cuộc đời, vẫn  còn kịp, nhưng phải nhanh lên kẻo không kịp. Và rằng, trong cuộc đời, chỉ có "sự học" và "thực học" của  mình mới tạo nên giá trị và quyết định thân phận của chính mình, và điều đó còn lớn lao hơn "ĐH" rất nhiều". 

(Lược ghi ý kiến của ông Giản Tư Trung – Hiệu trưởng trường Doanh nhân PACE)

Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản. 

Xem đáp án

Phương pháp: Vận dụng kiến thức đã học về các phương thức biểu đạt. 

Cách giải: 

Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận. 


Câu 2:

20/07/2024

Theo đoạn trích, điều gì mới tạo nên giá trị và quyết định thân phận của chính mình?

Xem đáp án

Phương pháp: Đọc, tìm ý. 

Cách giải: 

Điều tạo nên giá trị và quyết định thân phận của mình là: sự học và thực học. 


Câu 3:

21/07/2024

Chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp tu từ: "Cuộc đời cũng giống như cuộc đua marathon, dù có bị thua kém bạn bè ở những km đầu tiên nhưng mình vẫn có thể là người về đích trước tiên" 

Xem đáp án

Phương pháp: Vận dụng kiến thức đã học về biện pháp tu từ. 

Cách giải: 

- Biện pháp tu từ: So sánh (Cuộc đời so sánh với cuộc đua marathon) 

- Tác dụng: Làm tăng sức gọi hình cho sự diễn đạt, giúp người đọc dễ dàng liên tưởng đến sự việc đang bàn  luận. Qua đó, người viết khẳng định ý chí, nghị lực, tinh thần vượt khó, sự cầu tiến,… sẽ tạo động lực để tuổi  trẻ đạt được mục tiêu mình đề ra. 


Câu 4:

20/07/2024

Lời khuyên "18 tuổi, bạn còn hơn 60 năm cuộc đời, vẫn còn kịp, nhưng phải nhanh lên kẻo  không kịp" gợi anh/chị suy nghĩ gì? 

Xem đáp án

Phương pháp: Phân tích, lý giải, tổng hợp. 

Cách giải: 

- Nội dung lời khuyên "18 tuổi, bạn còn hơn 60 năm cuộc đời, vẫn còn kịp, nhưng phải nhanh lên kẻo không  kịp" : Tương lai tuổi trẻ còn rộng mở, vẫn còn kịp để cố gắng phấn đấu, sống cống hiến làm đẹp cho cuộc đời  mình. Thế nhưng nếu vì thế mà chần chừ thì chúng ta sẽ lãng phí thời gian, đánh mất tuổi xuân. - Nêu suy nghĩ của bản thân: 

+ Phải biết quý trọng thời gian, sống cống hiến hết mình cho cuộc đời. 

+ Cơ hội không đến nhiều lần trong cuộc đời. Vì thế, cần luôn tận dụng, nắm bắt nó từ khi còn trẻ để làm nên  sự nghiệp của bản thân. 


Câu 5:

19/07/2024

Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng  200 chữ) về giá trị của “thực học” đối với tuổi trẻ trong cuộc sống. 

Xem đáp án

Phương pháp: Vận dụng kiến thức đã học về cách làm một đoạn nghị luận xã hội.

Cách giải: 

1. Giới thiệu vấn đề: Giá trị của “thực học” đối với tuổi trẻ trong cuộc sống. 

2. Giải thích: 

- “Thực học” nghĩa là học thật, nhằm hiểu biết thật, nắm tri thức thật, không phải là sự hiểu biết bên ngoài,  giả tạo không có thực chất, không có mục đích chân chính, không hiểu quả, không có giá trị thật. 

=> “Thực học” cần thiết đôi với tuổi trẻ và nó đang trở thành một vấn đề đáng được quan tâm trong cuộc sống  hiện nay. 

3. Bình luận: 

- Giá trị của việc “thực học”. 

+ Khi “thực học” tuổi trẻ sẽ tiết kiệm được thời gian. Khi chúng ta học một vấn đề mà hiểu được hết ý nghĩa  của nó thì sẽ dễ dàng ghi nhớ hơn và cũng nhớ lâu hơn. Điều ấy sẽ trở thành hữu ích khi chúng ta bắt gặp lại  một vấn đề cần sử dụng kiến thức đó trong cuộc sống. Việc học sâu nhớ lâu giúp chúng ta có thể dễ dàng liên  kết kiến thức này với kiến thức khác từ đó mở rộng nhiều kiến thức nâng cao hơn. 

+ Việc thực học mang lại sự hiểu biết, kiến thức, khả năng phán đoán, nhận thức. Có thể phân biệt phải trái,  đúng sai ở nhiều khía cạnh. Cách nhìn nhận vấn đề mang tính toàn diện hơn. Từ đó là nền tảng để phát huy  nhân cách, phẩm chất, gia tăng giá trị tinh thần trong mỗi cá nhân, tập thể, cộng đồng và xã hội. +…. 

- Bài học nhận thức và hành động: 

+ Nhận thức: Tuổi trẻ phải hiểu và nắm bắt giá trị của thực học. Từ đó, xác định cho mình mục đích của việc  học, xác định hướng đi đúng đắn. 

+ Về hành động: Học tập, rèn luyện ngay từ khi còn trẻ, không lãng phí thời gian vào những việc vô bổ….

4. Tổng kết vấn đề: 

- Rút ra bài học cho bản thân. 

Câu 6:

18/07/2024

Ta về, mình có nhớ ta 

Ta về, ta nhớ những hoa cùng người. 

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi, 

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng. 

Ngày xuân mơ nở trắng rừng, 

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang. 

Ve kêu rừng phách đổ vàng, 

Nhớ cô em gái hái măng một mình. 

Rừng thu trăng rọi hòa bình, 

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.

(Việt Bắc - Tố Hữu, sách Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017, trang 111) 

Cảm nhận của anh chị về vẻ đẹp được xem là bức tranh “Tứ bình” trong đoạn thơ trên. Từ đó nhận xét mối  quan hệ giữa thiên nhiên và con người trong cái nhìn của nhà thơ Tố Hữu.

Xem đáp án

Phương pháp:  

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng). 

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.

Cách giải: 

Yêu cầu hình thức: 

- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản. - Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không  mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. 

Yêu cầu nội dung: 

I. Giới thiệu chung 

- Tố Hữu là một trong những lá cờ đầu của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam hiện đại. Nội dung thơ Tố Hữu hướng tới những sự kiện cách mạng của dân tộc trong thế kỉ XX. 

- Bài thơ Việt Bắc ra đời sau kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi năm 1954; được coi là một thi phẩm  xuất sắc, tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu. 

- Đoạn thơ là lời người đi để khẳng định lòng thủy chung với Việt Bắc. 

- Khái quát vấn đề: Cảm nhận về vẻ đẹp được xem là bức tranh “Tứ bình” trong đoạn thơ. Từ đó nhận xét mối  quan hệ giữa thiên nhiên và con người trong cái nhìn của nhà thơ Tố Hữu.

II. Phân tích 

1. Cảm nhận đoạn thơ - Cảm nhận bức tranh tứ bình. 

a. Mùa đông: Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi/Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng. 

- Cảnh: Với sắc xanh ngút ngàn của núi rừng điểm những bông hoa chuối đỏ tươi như bó đuốc sáng rực xua  đi sự lạnh lẽo, hiu hắt của núi rừng, thắp lên ngọn lửa ấm áp, mang lại ánh sáng hơi ấm cho nơi đây. 

- Con người: Trước thiên nhiên bao la của núi rừng trở nên kì vĩ, hùng tráng hơn với hoạt động phát nương,  làm rẫy.  

b. Mùa xuân: Ngày xuân mơ nở trắng rừng/Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.

- Cảnh: Hoa mơ rừng nở trắng rừng khiến bừng sáng cả khu rừng, làm dịu mát tâm hồn con người. 

- Con người: “đan nón”, “chuốt từng sợi giang”, một vẻ đẹp tình nghĩa được thể hiện qua bàn tay khéo léo, tài  hoa, nhanh nhẹn, chăm chút, cần mẫn vào từng sản phẩm lao động.  

c. Mùa hè: Ve kêu rừng phách đổ vàng/ Nhớ cô em gái hái măng một mình.  

- Cảnh: “rừng phách đổ vàng”, màu vàng rực của thiên nhiên dường như chuyển đột ngột qua từ “đổ” hòa  quyện với tiếng ve kêu khiến cảnh sinh động, có hồn và tưng bừng hơn.  

- Con người: Hình ảnh cô gái hái măng một mình đã lột tả được vẻ đẹp của sự chịu thương chịu khó của con  người nơi đây.  

d. Mùa thu: Rừng thu trăng rọi hòa bình/ Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.  

- Cảnh: Ánh trăng dịu nhẹ, huyền ảo gợi không khí thanh bình yên ả.  

- Con người: Hiện lên với tiếng hát ân tình thủy chung, với bao tình cảm ân tình sâu sắc với cách mạng.

2. Nhận xét mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người trong cái nhìn của nhà thơ Tố Hữu.

- Con người và thiên nhiên nơi đây giao hòa với nhau. 

- Thiên nhiên như một mái nhà lớn, chở che, bao bọc con người. 

- Con người chiến đấu, hy sinh để bảo về thiên nhiên, tổ quốc.  

- Thiên nhiên và con người đều vì nhau mà trở nên đẹp hơn. 

- Giữa con người và thiên nhiên luôn tồn tại một tình yêu, niềm giao cảm. 

….. 

III. Kết luận 

- Khái quát lại vấn đề. 

- Giá trị nội dung, nghệ thuật.


Bắt đầu thi ngay