Giải KTPL 12 Bài 3 (Cánh diều): Bảo hiểm

Với giải bài tập Kinh tế pháp luật 12 Bài 3: Bảo hiểm sách Cánh diều hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập KTPL 12 Bài 3.

1 755 06/08/2024


Giải KTPL 12 Bài 3: Bảo hiểm

Mở đầu trang 25 KTPL 12: Em hãy chia sẻ với các bạn trong lớp hiểu biết của mình về những lợi ích khi tham gia một loại hình bảo hiểm mà em biết.

Lời giải:

(*) Tham khảo: Lợi ích khi tham gia Bảo hiểm y tế

- Bảo hiểm y tế (viết tắt: BHYT)là chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước vì quyền lợi của người dân, được Nhà nước bảo hộ và do cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện.

- Khi tham gia bảo hiểm y tế, công dân sẽ được hưởng các lợi ích sau:

+ Được nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí khi tham gia.

+ Được khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế có kí hợp đồng khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc.

+ Được quỹ BHYT chi trả từ 80 - 100% chi phí khám chữa bệnh đúng tuyến

+ Giúp bạn và gia đình giảm gánh nặng về chi phí khám chữa bệnh khi ốm đau, tai nạn

+ Quỹ BHYT chi trả hàng chục nghìn loại thuốc và dịch vụ y tế.

+ Góp phần chia sẻ rủi ro, phát huy tinh thần “lá lành đùm lá rách” giữa những người tham gia.

1. Bảo hiểm và các loại hình bảo hiểm

Câu hỏi trang 27 KTPL 12:

a) Từ các thông tin, tinh huống và trường hợp trên, theo em bảo hiểm là gì? Hãy kể tên, nêu đặc điểm và ý nghĩa của từng loại hình bảo hiểm.

b) Tại sao bảo hiểm lại cần thiết đối với con người? Mỗi cá nhân, tổ chức cần phải làm gì để phát huy trách nhiệm công dân trong lĩnh vực bảo hiểm?

Từ các thông tin tinh huống và trường hợp trên theo em bảo hiểm là gì

Lời giải:

♦ Yêu cầu a)

- Khái niệm: Bảo hiểm là một dịch vụ tài chính thông qua đó người tham gia bảo hiểm đóng phí bảo hiểm cho tổ chức bảo hiểm để được bồi thường hoặc chỉ trả bảo hiểm cho những thiệt hại mà người tham gia bảo hiểm hoặc người thứ ba phải gánh chịu khi rủi ro hay sự kiện bảo hiểm xảy ra.

- Bảo hiểm bao gồm 4 loại hình:

+ Bảo hiểm xã hội: là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm xã hội bao gồm 2 loại hình là: bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện.

+ Bảo hiểm y tế: là hình thức bảo hiểm bắt buộc để chăm sóc sức khoẻ, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện.

+ Bảo hiểm thất nghiệp: là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mắt việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

+ Bảo hiểm thương mại: là hoạt động của tổ chức bảo hiểm chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để tổ chức bảo hiểm bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, bảo hiểm thương mại bao gồm: bảo hiểm nhân thọ; bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe.

♦ Yêu cầu b)

- Bảo hiểm lại cần thiết đối với con người vì: giúp con người chuyển giao rủi ro, chia sẻ rủi ro, khắc phục hậu quả tổn thất.

- Trách nhiệm của công dân:

+ Nhận thức đúng đắn về quyền và nghĩa vụ khi tham gia thị trường bảo hiểm;

+ Tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo hiểm;

+ Xây dựng lối sống tiết kiệm;

+ Tích cực tham gia bảo hiểm và tuyên truyền đến cộng đồng xã hội về các lợi ích do việc tham gia bảo hiểm đem lại.

2. Vai trò của bảo hiểm

Câu hỏi trang 29 KTPL 12:

a) Từ thông tin trên, em hãy đánh giá sự phát triển của thị trường bảo hiểm tại Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2020.

b) Từ thông tin và trường hợp trên, em hãy nhận xét về vai trò của bảo hiểm đối với mỗi cá nhân, tổ chức, quốc gia.

Lời giải:

♦ Yêu cầu a) Nhận xét: Giai đoạn 2011 - 2020, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có sự phát triển nhanh, mạnh mẽ trên nhiều phương diện. Cụ thể:

+ Tính tới năm 2020, ở Việt Nam đã có trên 2 800 sản phẩm bảo hiểm phục vụ nhu cầu ngày một đa dạng của người tham gia bảo hiểm.

+ Đến hết năm 2020, tổng số doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm tại thị trường bảo hiểm Việt Nam là 71 doanh nghiệp (tăng 25% so với năm 2011), số lượng văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là 21 văn phòng.

+ Năm 2020, tổng doanh thu phí bảo hiểm đã tăng 409% và tổng phí bồi thường bảo hiểm tăng 205% so với năm 2011;

+ Thị trường bảo hiểm đã trở thành một kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.

♦ Yêu cầu b) Vai trò của bảo hiểm

- Về kinh tế:

+ Bảo hiểm góp phần ổn định tài chính và đảm bảo an toàn cho các khoản đầu tư của các cá nhân;

+ Bảo hiểm còn là một kênh huy động vốn để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội;

+ Góp phần ổn định và tăng thu ngân sách nhà nước, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế.

- Về xã hội:

+ Bảo hiểm góp phần giảm thiểu tổn thất, đảm bảo an toàn cho cuộc sống của con người, việc tham gia bảo hiểm còn góp phần hình thành lối sống tiết kiệm trong xã hội;

+ Ngoài ra, bảo hiểm phát triển còn tạo công ăn việc làm, giảm thất nghiệp trong nền kinh tế.

Luyện tập

Luyện tập 1 trang 30 KTPL 12: Em hãy nhận xét những ý kiến dưới đây về bảo hiểm:

A. Bảo hiểm là quỹ hỗ trợ được thành lập trên cơ sở huy động sự đóng góp tự nguyện của xã hội để giúp dỡ những cá nhân, tổ chức gặp rủi ro.

B. Bảo hiểm hoạt động theo nguyên tắc “số đông bù số ít”.

C. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp do Nhà nước thực hiện, không mang tính kinh doanh.

D. Bảo hiểm thương mại là loại hình bảo hiểm mang tính kinh doanh.

Lời giải:

- Ý kiến a. Không đồng tình. Vì: Bảo hiểm là một dịch vụ tài chính thông qua đó người tham gia bảo hiểm đóng phí bảo hiểm cho tổ chức bảo hiểm để được bồi thường hoặc chỉ trả bảo hiểm cho những thiệt hại mà người tham gia bảo hiểm hoặc người thứ ba phải gánh chịu khi rủi ro hay sự kiện bảo hiểm xảy ra.

- Ý kiến b. Đồng tình. Vì: Nguyên tắc “số đông bù số ít” đảm bảo rằng hậu quả của rủi ro xảy ra đối với một hoặc một số ít người sẽ được bù đắp bằng số tiền huy động được từ rất nhiều người có khả năng cùng gặp rủi ro như vậy.

- Ý kiến c. Đồng tình. Vì: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là chính sách an sinh xã hội do nhà nước thực hiện, không có mục đích kinh doanh.

- Ý kiến d. Đồng tình. Vì: Bảo hiểm thương mại là hoạt động của tổ chức bảo hiểm chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để tổ chức bảo hiểm bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Luyện tập 2 trang 30 KTPL 12: Nhận định nào dưới đây là đúng khi nói về vai trò của bảo hiểm? Vì sao?

A. Bảo hiểm giúp con người chuyển giao rủi ro, chia sẻ rủi ro, khắc phục hậu quả tổn thất.

B. Việc tham gia bảo hiểm giúp các cá nhân, tổ chức quản lí rủi ro hiệu quả, từ đó góp phần đảm bảo an toàn cho các khoản đầu tư của các nhà đầu tư.

C. Bảo hiểm góp phần huy động vốn để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

D. Bảo hiểm chỉ góp phần ổn định chứ không góp phần làm tăng thu ngân sách nhà nước.

Lời giải:

- Ý kiến A. Đồng tình. Bảo hiểm góp phần quan trọng trong việc ổn định cuộc sống và các hoạt động sản xuất kinh doanh của những người tham gia bảo hiểm trong trường hợp rủi ro được bảo hiểm hay sự kiện bảo hiểm xảy ra.

- Ý kiến B. Đồng tình. Việc tham gia bảo hiểm giúp các cá nhân, tổ chức quản lí rủi ro hiệu quả, từ đó góp phần đảm bảo an toàn cho các khoản đầu tư của các nhà đầu tư.

- Ý kiến C. Đồng tình. Thông qua việc thu phí bảo hiểm trước khi rủi ro được bảo hiểm xảy ra, các tổ chức bảo hiểm có một quỹ tiền mặt lớn được sử dụng để dự trữ, dự phòng và đầu tư. Bảo hiểm càng phát triển thì vai trò huy động vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của bảo hiểm càng tăng cao.

- Ý kiến D. Không đồng tình. bảo hiểm góp phần ổn định và tăng thu ngân sách nhà nước, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Cụ thể:

+ Việc các tổ chức bảo hiểm bồi thường hoặc chi trả bảo hiểm cho người tham gia bảo hiểm khi rủi ro được bảo hiểm xảy ra sẽ góp phần giảm gánh nặng trợ cấp cho ngân sách nhà nước.

+ Bên cạnh đó, các tổ chức bảo hiểm kinh doanh bảo hiểm thương mại còn có nghĩa vụ nộp thuế cho ngân sách nhà nước.

+ Ngoài ra, hoạt động bảo hiểm còn được mở rộng ra ngoài biên giới quốc gia thông qua các hoạt động đầu tư, hợp tác, liên kết,... của các tổ chức bảo hiểm trong nước và quốc tế.

Luyện tập 3 trang 30 KTPL 12: Em hãy xử lí các tình huống sau:

Tình huống a. Ông Đ đã làm việc được 6 tháng theo hợp đồng lao động có thời hạn 24 tháng cho một doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Đ và doanh nghiệp nơi ông Đ làm việc đã không tham gia và đóng bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế. Khi ông Đ chẳng may bị bệnh, ông Đ phải tự chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh, tiền thuốc và các dịch vụ y tế.

Theo em, việc không tham gia bảo hiểm y tế mang lại rủi ro gì cho ông Đ?

Tình huống b. Anh P là chủ một chiếc tàu đánh cá và tham gia bảo hiểm thân tàu cá (thuộc loại hình bảo hiểm thương mại) với một công ty bảo hiểm. Trong một lần đi biển đánh bắt, tàu của anh P bị hư hại do rủi ro đã được bảo hiểm xảy ra. Sau khi đã hoàn thành các thủ tục, hồ sơ cần thiết theo quy định, anh P đã được công ty bảo hiểm bồi thường theo đúng thoả thuận trong hợp đồng.

Trong tình huống trên, công ty bảo hiểm đã thực hiện nghĩa vụ đối với người tham gia bảo hiểm như thế nào?

Lời giải:

Tình huống a)

- Việc không tham gia bảo hiểm y tế khiến ông Đ phải tự chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh, thuốc và các dịch vụ y tế khi đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

+ Ngoài ra, ông Đ luôn phải lo lắng vì giá dịch vụ khám chữa bệnh ngày càng tăng cao; khó có khả năng tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật cao và thuốc đắt tiền; kinh tế gia đình bị ảnh hưởng, thậm chí sa sút vì chi phí khám chữa bệnh quá lớn.

Tình huống b) Trong tình huống trên, công ty bảo hiểm đã thực hiện đúng nghĩa vụ của mình đối với anh P (là người tham gia bảo hiểm), khi: công ty bảo hiểm bồi thường theo đúng thoả thuận trong hợp đồng kí kết với anh P.

Vận dụng

Vận dụng trang 30 KTPL 12: Em hãy đóng vai cán bộ bảo hiểm để viết bài tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc.

Lời giải:

(*) Bài viết tham khảo:

Kính thưa: Toàn thể nhân dân trên địa bàn toàn xã.!

Bảo hiểm y tế là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng, mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc, thể hiện sự tương thân tương ái, chia sẻ rủi ro giữa người khỏe với người ốm, giữa người trẻ với người già, giữa người có thu nhập cao với người có thu nhập thấp. Đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhằm hướng tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân.

Để thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn toàn xã, hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT toàn dân. Uỷ ban nhân dân xã ………… tiếp tục triển khai mua thẻ bảo hiểm y tế cho hộ làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, hộ gia đình tham ra BHYT tự nguyện .

Về mức tham gia bảo hiểm hộ gia đình tự nguyện:

* Đến ngày 30/06/2023:

+ Người thứ nhất: 100% = 804.600 đồng/người/năm

+ Người thứ hai: 70% = 563.220 đồng/người/năm

+ Người thứ ba: 60% = 482,760 đồng/người/năm

+ Người thứ tư: 50% = 402.300 đồng/người/năm

+ Từ người thứ năm trở đi 40% mức đóng = 321.840 đồng/người/năm

* Từ ngày 01/07/2023: (Theo mức điều chỉnh tăng lương cơ sở lên 1.800.000 đồng/tháng)

+ Người thứ nhất: 100% = 972.000 đồng/người/năm

+ Người thứ hai: 70% = 680.400 đồng/người/năm

+ Người thứ ba: 60% = 583.200 đồng/người/năm

+ Người thứ tư: 50% = 486.000 đồng/người/năm

+ Từ người thứ năm trở đi 40% mức đóng = 388.800 đồng/người/năm

Về mức đóng bảo hiểm hộ gia đình có mức sống trung:

Là 50% mức tham gia của người thứ nhất (thời gian tham gia tối đa là 12 tháng, tối thiểu là 3 tháng. Tính từ thời điểm tham gia đến ngày 31/12/2023)

Tính đến ngày 30/06/2023 là: 402,300 đồng/người/năm

Từ ngày 01/07/2023 trở đi là: 486,000 đồng/người/năm

Lợi ích của người tham gia BHYT:

Bảo hiểm y tế mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân, nhất là các gia đình có mức thu nhập thấp khi ốm đau.

Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân không vì mục đích lợi nhuận, do nhà nước tổ chức thực hiện và toàn dân tham gia, để bảo vệ sức khỏe cho mỗi người khi ốm đau, tai nạn, nhằm đản bảo an sinh xã hội.

Bảo hiiểm y tế chi trả phần lớn chi phí khám bệnh, xét nghiệm, thuốc men và chăm sóc cho người có thẻ khi khám bệnh, chữa bệnh theo đúng nơi đăng ký ghi trên thẻ. Đóng tiền mua bảo hiểm y tế là cách đóng góp khi lành, để dành khi ốm.

Tham gia BHYT không chỉ được hỗ về chi phí khám chữa bệnh mà ngay từ khi mua thẻ người dân đã được hỗ trợ kinh phí để mua thẻ bảo hiểm. Cùng với việc cấp BHYT cho người nghèo, cho đối tượng người có công, đối tượng BTXH thì việc hỗ trợ BHYT cho người dân là một chính sách xã hội quan trọng , thể hiện tính nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta nhằm mục đích hỗ trợ cho toàn dân được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe kỹ thuật cao, phát hiện bệnh tật kịp thời, tiết kiệm chi phí khám chữa bệnh, nhất là trong bối cảnh giá các dịch vụ y tế được điều chỉnh theo hướng tăng cao như hiện nay. Đây là chính sách xã hội nhằm hướng tới việc thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân..

Kính thưa quí vị và các bạn!

Nhằm mục đích thực hiện tốt tiêu chí về y tế trong xây dựng Nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, theo quy định xã đạt chuẩn tiêu chí về y tế tỷ lệ người dân trong xã tham ra BHYT đạt tỷ lệ 95,5 % trở lên, để hoàn thành tiêu chí này các cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo đề nghị các ban ngành, đoàn thể, cơ quan đơn vị , các thôn trong xã cần phải tập trung tuyên truyền vận động, đến toàn thể đoàn viên, hội viên và nhân dân trong toàn xã biết để tích cực tham gia BHYT năm 2023 một cách đầy đủ, tiến tới Bảo hiểm y tế toàn dân để đảm bảo quyền lợi cho bản thân và gia đình. Các hộ gia đình đăng ký mua BHYT về UBND xã qua các đồng chí Trưởng thôn, các ban ngành đoàn thể xã hoặc đồng chí công chức văn hóa làm công tác LĐTB&XH xã vào các ngày làm việc từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần để được hướng dẫn mua thẻ bảo hiểm y tế năm 2023.

Xem thêm Lời giải bài tập Kinh tế pháp luật 12 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Bài 4: An sinh xã hội

Bài 5: Lập kế hoạch kinh doanh

Bài 6: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Bài 7: Quản lí thu, chi trong gia đình

Bài 8: Quyền, nghĩa vụ của công dân về kinh doanh và nộp thuế

1 755 06/08/2024


Xem thêm các chương trình khác: