Giải Địa lí 12 Bài 5 (Chân trời sáng tạo): Vấn đề sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường

Với giải bài tập Địa lí 12 Bài 5: Vấn đề sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường sách Chân trời sáng tạo hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Địa lí 12 Bài 5.

1 40 lượt xem


Giải Địa lí 12 Bài 5: Vấn đề sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường

Mở đầu trang 23 Địa Lí 12: Nước ta có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng nhưng một số loại đang có dấu hiện bị suy giảm do khai thác quá mức; môi trường một số nơi cũng bị ô nhiễm do hoạt động sản xuất và đời sống. Vậy, hiện trạng tài nguyên và môi trường ở nước ta như thế nào? Cần những giải pháp gì để sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Lời giải:

- Hiện trạng tài nguyên và môi trường ở nước ta:

+ Hiện trạng tài nguyên: tài nguyên sinh vật suy giảm; tài nguyên nước cạn kiệt, khan hiếm, suy giảm và ô nhiễm; tài nguyên đất bị suy thoái.

+ Hiện trạng môi trường: ô nhiễm không khí gia tăng; chất lượng môi trường nước mặt ngày càng suy giảm, ô nhiễm mặn, ô nhiễm nước ngầm; ô nhiễm môi trường đất.

- Giải pháp sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường

+ Giải pháp sử dụng hợp lí tài nguyên: hoàn thiện hệ thống pháp luật; khai thác, sử dụng tiết kiệm và hợp lí tài nguyên; bảo vệ, nâng cao chất lượng rừng; tuyên tuyền, giáo dục, nâng cao nhận thức.

- Giải pháp bảo vệ môi trường: ưu tiên xử lí ô nhiễm môi trường, phục hồi hệ sinh thái; kết hợp tuyên truyền, giáo dục với biện pháp hành chính, kinh tế; tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ xử lí ô nhiễm, tái chế, xử lí chất thải.

I. Sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên

Câu hỏi trang 23 Địa Lí 12: Dựa vào các hình 5.1 và 5.2 và thông tin trong bài, hãy trình bày hiện trạng và nguyên nhân của sự suy giảm một số loại tài nguyên thiên nhiên ở nước ta.

Dựa vào các hình 5.1 và 5.2 và thông tin trong bài, hãy trình bày hiện trạng và nguyên nhân

Lời giải:

- Tài nguyên sinh vật:

+ Hiện trạng: Sinh vật nước ta có tính đa dạng cao nhưng các hệ sinh thái tự nhiên đang giảm dần về quy mô và chất lượng, đặc biệt là các hệ sinh thái: rừng, đất ngập nước, núi đá vôi, bãi bồi, cửa sông ven biển,… Tổng diện tích rừng và tỉ lệ che phủ rừng tăng qua các năm nhưng chủ yếu là rừng trồng. Số lượng loài sinh vật giảm đi nhanh chóng, ngày càng có nhiều loài có tên trong danh sách bị đe dọa, tuyệt chủng hoặc nguy cấp cần được bảo vệ. Sự suy giảm nghiêm trọng số lượng, thành phần loài làm mất tính đa dạng di truyền, nguồn gen quý giá, đặc biệt là nguồn gen động vật rừng và các loài thủy sinh.

+ Nguyên nhân: tác động của con người làm thu hẹp diện tích rừng tự nhiên, suy giảm tính đa dạng của sinh vật. Các loài thủy sinh bị giảm sút là hậu quả của sự khai thác quá mức và tình trạng ô nhiễm môi trường nước.

- Tài nguyên nước:

+ Hiện trạng: tình trạng cạn kiệt, khan hiếm nước diễn ra ở nhiều nơi, chất lượng nước mặt và nước ngầm đang bị suy giảm. Tổng lượng dòng chảy mặt trên lãnh thổ nước ta trên 830 tỉ m3, hơn 60% có nguồn gốc bên ngoài lãnh thổ. Tình trạng khô hạn dẫn đến hạ thấp mực nước sông tại một số lưu vực sông, nhất là ở sông Hồng, sông Thái Bình, sông Cả và nhiều lưu vực sông ở miền Trung nước ta. Tổng trữ lượng tiềm năng nước dưới đất khoảng 91 tỉ m3/năm, trữ lượng có thể khai thác khoảng 22 tỉ m3/năm (nước ngọt). Tình trạng hạ thấp mực nước ngầm diễn ra tại một số nơi.

+ Nguyên nhân: quá trình phát triển kinh tế - xã hội và gia tăng dân số, nhu cầu nước cho sản xuất và sinh hoạt ngày càng tăng, đặc biệt vào các tháng mùa khô. Tình trạng khai thác nước dưới đất quy mô lớn.

- Tài nguyên đất:

+ Hiện trạng: tài nguyên đất đang bị suy thoái ở nhiều nơi, đất bị rửa trôi, xói mòn, bạc màu, suy kiệt chất dinh dưỡng, ngập úng, nhiễm mặn, nhiễm phèn, hoang hóa, ô nhiễm,… Diện tích đất bị suy thoái chiếm 4% tổng diện tích tự nhiên nước ta; diện tích đất có dấu hiệu suy thoái chiếm 7,3% và diện tích đất có nguy cơ suy thoái chiếm 20,3%.

+ Nguyên nhân: hoạt động khai thác tài nguyên thiếu hợp lí của con người như khai thác rừng quá mức dẫn đến rửa trôi và xói mòn đất, sử dụng nhiều hợp chất hóa học trong canh tác,…; thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn,…

Câu hỏi trang 25 Địa Lí 12: Dựa vào thông tin trong bài, hãy nêu một số giải pháp sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên ở nước ta.

Lời giải:

- Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm quản lí chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên.

- Khai thác, sử dụng tiết kiệm và hợp lí tài nguyên, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

- Bảo vệ, phát triển, nâng cao chất lượng rừng và tăng độ che phủ rừng, nhất là duy trì độ che phủ rừng đầu nguồn; bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học.

- Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức người dân và huy động mọi lực lượng xã hội tham gia bảo vệ, sử dụng hợp lí tài nguyên của đất nước.

II. Bảo vệ môi trường

Câu hỏi trang 25 Địa Lí 12: Dựa vào thông tin trong bài, hãy chứng minh và giải thích hiện trạng ô nhiễm môi trường ở nước ta hiện nay.

Lời giải:

- Tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng và là vấn đề cấp bách hiện nay:

+ Chất lượng không khí tại các đô thị như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh ngày càng suy giảm. Nồng độ bụi, khí CO2 ở các khu đô thị, khu công nghiệp vượt quá nhiều lần so với quy chuẩn.

+ Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn diễn ra khá nghiêm trọng ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu dân cư, các trục giao thông chính.

+ Tình trạng không khí tại các làng nghề, khu vực nông thôn đã có dấu hiện ô nhiễm cục bộ.

+ Nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu đến từ hoạt động công nghiệp và giao thông vận tải.

- Ô nhiễm môi trường nước:

+ Chất lượng môi trường nước mặt trên các lưu vực sông ngày càng suy giảm do ô nhiễm hữu cơ trên các đoạn sông chảy qua khu đô thị, làng nghề,…; ô nhiễm mặn tại các vùng cửa sông, ven biển,…

+ Chất lượng nước ngầm còn khá tốt, tuy nhiên hiện tượng ô nhiễm kim loại nặng trong nước dưới đất đã xảy ra ở nhiều địa phương. Nguyên nhân là do nước thải từ các hoạt động sản xuất chưa được xử lí hoặc xử lí chưa triệt để thải ra môi trường.

- Ô nhiễm môi trường đất:

+ Môi trường đất xung quanh khu công nghiệp, các vùng chuyên canh nông nghiệp có nguy cơ ô nhiễm kim loại nặng, ô nhiễm hữu cơ.

+ Nguồn ô nhiễm đến từ các chất thải công nghiệp, sinh hoạt, nước thải làng nghề, chất thải từ quá trình thâm canh cây trồng kết hợp với việc gia tăng sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

Câu hỏi trang 26 Địa Lí 12: Dựa vào thông tin trong bài, hãy nêu những giải pháp hạn chế ô nhiễm và bảo vệ môi trường ở nước ta.

Lời giải:

- Ưu tiên xử lí ô nhiễm môi trường, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái. Khí thải, nước thải từ sản xuất và sinh hoạt phải được xử lí triệt để trước khi thải ra môi trường.

- Kết hợp tuyên truyền, giáo dục với biện pháp hành chính, kinh tế và biện pháp khác để kiểm soát việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường trong cộng đồng.

- Tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ xử lí ô nhiễm, tái chế, xử lí chất thải; ưu tiên chuyển giao và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường; phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.

Luyện tập (trang 27)

Luyện tập trang 27 Địa Lí 12: Lựa chọn một trong hai vấn đề: sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên hoặc bảo vệ môi trường trong bài học, sau đó lập sơ đồ hệ thống hóa hiện trạng, nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề đã chọn.

Lời giải:

Lựa chọn một trong hai vấn đề: sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên hoặc bảo vệ môi trường trong bài học

Vận dụng (trang 27)

Vận dụng trang 27 Địa Lí 12: Đọc nội dung trong hộp thông tin sau:

Đọc nội dung trong hộp thông tin sau: Sưu tầm thông tin và trình bày về một số ứng dụng

Sưu tầm thông tin và trình bày về một số ứng dụng liên quan đến công nghệ AI trong quản lí, sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường ở nước ta.

Lời giải:

Lần đầu tiên Việt Nam ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong kiểm soát chất lượng nước mặt lưu vực sông.

Trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm tại các lưu vực sông đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, cần thiết phải có giải pháp để giảm thiểu tác động và bảo vệ môi trường, Viện Khoa học tài nguyên nước đã đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo phục vụ dự báo và kiểm soát chất lượng nước lưu vực sông Nhuệ - Đáy trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Trong vòng 25 tháng (từ tháng 10/2020 đến tháng 10/2022), nhóm nghiên cứu đã tiến hành các nội dung như: mô phỏng diễn biến chất lượng nước sông Nhuệ - Đáy trên địa bàn Hà Nội và khu vực lân cận bằng mô hình thủy lực ID; xây dựng ngân hàng dữ liệu chất lượng nước từ kết quả mô phỏng của mô hình số trị, làm đầu vào của mô hình trí tuệ nhân tạo...; xây dựng bộ công cụ có ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo mô phỏng chất lượng nước; đề xuất các giải pháp ngăn ngừa ô nhiễm và kiểm soát chất lượng nước mặt lưu vực sông Nhuệ - Đáy.

Việc sử dụng công nghệ này sẽ mở ra một hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực mô hình hóa chất lượng nước ở Việt Nam.

1 40 lượt xem


Xem thêm các chương trình khác: