Giải Địa lí 12 Bài 2 (Cánh diều): Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa và ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống

Với giải bài tập Địa lí 12 Bài 2: Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa và ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống sách Cánh diều hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Địa lí 12 Bài 2.

1 653 01/05/2024


Giải Địa lí 12 Bài 2: Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa và ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống

Mở đầu trang 8 Địa Lí 12: Tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa là đặc điểm cơ bản và nổi bật nhất của tự nhiên Việt Nam. Đặc điểm này không chỉ thể hiện trong tất cả các thành phần tự nhiên với mức độ khác nhau, mà còn ảnh hưởng đến các ngành sản xuất và đời sống xã hội. Vậy thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa ở nước ta biểu hiện trong các thành phần tự nhiên như thế nào? Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa có ảnh hưởng như thế nào đến sản xuất và đời sống?

Lời giải:

- Biểu hiện của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa trong các thành phần tự nhiên

+ Địa hình: các quá trình ngoại lực diễn ra mạnh mẽ.

+ Sông ngòi: mật độ sông ngòi lớn, sông ngòi nhiều nước, nhiều phù sa và chế độ dòng chảy thay đổi theo mùa.

+ Đất: quá trình hình thành đất và các loại đất chủ đạo

+ Sinh vật: sự phổ biến của các loài sinh vật nhiệt đới và kiểu hệ sinh thái rừng đặc trưng.

- Ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống

+ Đối với sản xuất: thuận lợi phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới và một số ngành kinh tế như giao thông vận tải, du lịch, xây dựng,…

+ Đối với đời sống: ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và đời sống của người dân.

I. Biểu hiện của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa

Câu hỏi trang 11 Địa Lí 12: Dựa vào thông tin và hình 2, hãy trình bày các biểu hiện của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa thông qua các yếu tố khí hậu ở nước ta.

Dựa vào thông tin và hình 2 hãy trình bày các biểu hiện của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa thông qua các yếu tố khí hậu

Lời giải:

- Tính chất nhiệt đới: số giờ nắng trong năm từ 1400 – 3000 giờ, nhiệt độ không khí trung bình năm > 21°C. Tính chất nhiệt đới xu hướng tăng dần từ bắc vào nam.

- Tính chất ẩm: tổng lượng mưa năm từ 1500 – 2000 mm, nhiều nơi > 2500 mm/năm. Độ ẩm tương đối đạt từ 80 – 85%, cân bằng ẩm luôn dương.

- Tính chất gió mùa: sự đối lập về hướng, tính chất gió và đặc điểm thời tiết, khí hậu giữa các mùa trong năm, có 2 mùa gió chính: gió mùa hạ và gió mùa đông.

+ Gió mùa đông: từ áp cao Xi-bia, gió hướng Đông Bắc, hoạt động từ tháng 11 – tháng 4 năm sau, làm cho miền Bắc có mùa đông lạnh (nửa đầu mùa đông lạnh khô ít mưa, nửa cuối mùa đông lạnh ẩm mưa phùn). Mùa đông còn có gió Tín phong thổi theo hướng đông bắc gây ra mùa khô kéo dài ở Nam Bộ và Tây Nguyên.

+ Gió mùa hạ: từ áp cao Bắc Ấn Độ Dương và áp cao chí tuyến bán cầu Nam, hướng gió Tây Nam, hoạt động từ tháng 5 – tháng 10. Đầu mùa hạ, gió mùa Tây Nam gây mưa ở đồng bằng Nam Bộ và Tây Nguyên, khi vượt dãy Trường Sơn mang đến thời tiết nóng, khô (gió phơn Tây Nam hay gió Lào) ở dải đồng bằng ven biển miền Trung và phía nam Tây Bắc. Giữa và cuối mùa hạ gây mưa nhiều trên phạm vi cả nước, ở Bắc Bộ còn có gió Đông Nam thổi từ biển vào. Mùa hạ còn có hoạt động của dải hội tụ nhiệt đới, gây mưa lớn cho cả 2 miền Bắc và Nam. Trong các thời kỳ chuyển tiếp, Tín phong hoạt động trên phạm vi cả nước.

Câu hỏi trang 12 Địa Lí 12: Dựa vào thông tin bài học, hãy trình bày biểu hiện của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa thông qua các thành phần tự nhiên ở nước ta.

Lời giải:

Biểu hiện của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa thông qua các thành phần tự nhiên

- Địa hình:

+ Nhiệt độ, độ ẩm cao làm cho quá trình phong hóa nhanh, tạo nên vỏ phong hóa vụn bở rất dày, dễ thấm nước, tạo điều kiện cho quá trình xâm thực và bồi tụ.

+ Miền núi, quá trình xâm thực do mưa và dòng chảy diễn ra mạnh làm cho địa hình bị chia cắt hiểm trở, trên các sườn dốc xảy ra hiện tượng đất trượt, đá lở, lũ quét,… Trên các vùng đá vôi quá trình cac-xtơ diễn ra mạnh mẽ tạo nên dạng địa hình cac-xtơ nhiệt đới ẩm rất độc đáo.

+ Ở đồng bằng và dọc thung lũng sông, diễn ra quá trình bồi tụ mạnh, trầm tích ngày càng dày, diện tích đồng bằng liên tục mở rộng về phía biển.

- Sông ngòi:

+ Mạng lưới sông ngòi với mật độ lớn, có 2360 con sông có chiều dài >10 km.

+ Tổng lượng dòng chảy trên các hệ thống sông khoảng 839 tỉ m3/năm, tổng lượng phù sa sông vận chuyển ra biển hàng năm khoảng 200 triệu tấn.

+ Chế độ dòng chảy phân mùa rõ rệt, mùa lũ kéo dài từ 4 – 5 tháng trùng với mùa mưa, mùa cạn dài từ7 – 8 tháng trùng với mùa khô, khoảng 70 – 80% lượng nước cả năm tập trung vào mùa lũ.

- Đất:

+ Quá trình fe-ra-lit là quá trình hình thành đất chủ đạo ở nước ta, hình thành các loại đất fe-ra-lit đặc trưng cho vùng nhiệt đới ẩm gió mùa. Trên cả nước, nhóm đất fe-ra-lit có diện tích lớn nhất và phân bố rộng rãi.

+ Đất thường có độ dày lớn nhưng dễ bị xói mòn, rửa trôi đặc biệt ở vùng đồi núi dốc. Nhiệt ẩm cao cũng làm cho tốc độ phân hủy chất hữu cơ nhanh nên đất thường nghèo mùn.

- Sinh vật:

+ Các loài sinh vật nhiệt đới ở nước ta chiếm tỉ lệ cao, thực vật có gần 70% (đậu, họ vang, dâu tằm, họ dầu,…), động vật đa số là các loài nhiệt đới, nhiều loài bò sát, côn trùng đặc trưng của vùng nhiệt đới ẩm.

+ Hệ sinh thái rừng nhiệt đới gió mùa là kiểu rừng đặc trưng nhất của tự nhiên Việt Nam, thành phần loài đa đạng, nhiều tầng tán và trữ lượng sinh khối lớn nhất cả nước. Tuy nhiên diện tích đã bị suy giảm mạnh, hiện đang được bảo vệ, khoanh nuôi tự nhiên.

II. Ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống

Giải Địa lí 12 trang 13

Câu hỏi trang 13 Địa Lí 12: Dựa vào thông tin bài học, hãy phân tích ảnh hưởng của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa đến sản xuất ở nước ta.

Lời giải:

- Đối với nông nghiệp:

+ Tạo thuận lợi cho nước ta phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới, các hoạt động sản xuất nông nghiệp diễn ra quanh năm, tạo điều kiện thâm canh tăng vụ, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

+ Hệ thống sông ngòi nhiều nước cung cấp nước tưới và cải tạo đất trồng. Là môi trường thuận lợi cho hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản nước ngọt.

+ Sự thất thường của thời tiết, khí hậu, chế độ dòng chảy sông ngòi thường gây khó khăn cho sản xuất, đặc biệt là việc điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời vụ sản xuất. Nhiệt và ẩm cao cũng tiềm ẩn nhiều thiên tai, nguy cơ dịch bệnh, sản xuất bấp bênh, nhiều rủi ro,…

- Đối với các ngành khác:

+ Tạo điều kiện cho hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng có thể diễn ra quanh năm.

+ Mật độ sông ngòi lớn, nguồn nước dồi dào là điều kiện phát triển giao thông vận tải đường thủy, thủy điện, cung cấp nước cho các ngành sản xuất. Mùa khô là thời kì thuận lợi cho các hoạt động khai thác và xây dựng.

+ Khí hậu nhiệt đới ẩm và thiên tai thường đẩy nhanh tốc độ hư hại các công trình xây dựng, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Sự phân mùa sâu sắc của khí hậu và chế độ dòng chảy có thể làm gián đoạn hoạt động giao thông vận tải, du lịch.

Câu hỏi trang 13 Địa Lí 12: Dựa vào thông tin bài học, hãy phân tích ảnh hưởng của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa đến đời sống ở nước ta.

Lời giải:

- Lượng mưa và lưu lượng dòng chảy dông ngòi lớn là nguồn cung cấp nước dồi dào, đáp ứng nhu cầu khai thác nước sinh hoạt. Các hoạt động sản xuất, sinh hoạt trong đời sống của người dân cũng có sự thay đổi nhằm thích ứng với sự phân mùa của khí hậu.

- Nhiều thiên tai: bão, mưa lớn, lũ lụt, đất trượt, lũ quét, nắng nóng, hạn hán,… tác động xấu tới sức khỏe con người và gây tổn thất lớn về người, tài sản.

Luyện tập & Vận dụng (trang 13)

Luyện tập 1 trang 13 Địa Lí 12: Phân tích những thuận lợi của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa đến một trong các ngành sản xuất ở nước ta.

Lời giải:

Thuận lợi của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa đến ngành nông nghiệp:

- Tạo thuận lợi cho nước ta phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới, các hoạt động sản xuất nông nghiệp diễn ra quanh năm, tạo điều kiện thâm canh tăng vụ, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

- Hệ thống sông ngòi nhiều nước cung cấp nước tưới và cải tạo đất trồng. Là môi trường thuận lợi cho hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản nước ngọt, đặc biệt là ở các vùng đồng bằng lớn.

Vận dụng 2 trang 13 Địa Lí 12: Thu thập thông tin và viết báo cáo ngắn về ảnh hưởng của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa đến một trong các ngành sản xuất: nông nghiệp hoặc công nghiệp hoặc giao thông vận tải hoặc du lịch ở địa phương em.

Lời giải:

Báo cáo về ảnh hưởng của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa đến sản xuất nông nghiệp ở Thái Nguyên

Thời tiết trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nắng nóng xen kẽ mưa rào, nguồn nhiệt ẩm dồi dào này là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh gây hại trên cây lúa. Ở thời điểm giao mùa, thời tiết nóng ẩm làm tình hình diễn biến bệnh do sâu cuốn lá gây ra có nguy cơ gia tăng ảnh hưởng đến các trà lúa mùa muộn. Hiện sâu cuốn lá nhỏ đã xuất hiện gây hại rải rác trên diện tích lúa mùa muộn. Nếu không được phòng trừ kịp thời, đúng ngưỡng, đối tượng sâu này có thể gây nên hiện tượng lép, lửng, ảnh hưởng đến vụ lúa mùa. Để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, không làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã thành lập các đoàn đi kiểm tra tình hình thực tế và cử cán bộ bám sát cơ sở để kịp thời phối hợp với UBND các huyện, thành phố, phòng chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch hại. Việc chủ động phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh gây hại cho lúa mùa muộn khi tới ngưỡng sẽ hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đồng ruộng, giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt, đảm bảo năng suất, chất lượng vụ mùa.

Xem thêm lời giải sách giáo khoa Địa lí lớp 12 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Bài 3: Sự phân hoá đa dạng của thiên nhiên

Bài 4: Thực hành: Trình bày báo cáo về sự phân hoá tự nhiên Việt Nam

Bài 5: Vấn đề sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường

Bài 6: Dân số, lao động và việc làm

Bài 7: Đô thị hoá

1 653 01/05/2024


Xem thêm các chương trình khác: