Giải Địa lí 11 Bài 16 (Cánh diều): Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên và dân cư, xã hội Hoa Kỳ

Với giải bài tập Địa lí 11 Bài 16: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên và dân cư, xã hội Hoa Kỳ sách Cánh diều hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Địa lí 11 Bài 16.

1 1,400 19/09/2024


Giải Địa lí 11 Bài 16: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên và dân cư, xã hội Hoa Kỳ

Mở đầu trang 73 Địa Lí 11: Hoa Kỳ là đất nước rộng lớn, có nhiều điều kiện thuận lợi về tự nhiên và xã hội, được mệnh danh là “đất nước của những người nhập cư”. Vậy những điều kiện về tự nhiên và dân cư đã ảnh hưởng như thế nào tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước Hoa Kỳ?

Lời giải:

- Vị trí địa lý giúp cho Hoa Kỳ có điều kiện phát triển các ngành kinh tế biển, giao lưu, hợp tác với các nước trên thế giới. Với vị trí tiếp giáp Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, giúp cho Hoa Kỳ không bị ảnh hưởng bởi 2 cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, do tiếp giáp với đại dương nên Hoa Kỳ thường bị ảnh hưởng bởi thiên tai, đặc biệt là bão.

- Điều kiện tự nhiên tạo nhiều điều kiện thuận lợi giúp Hoa Kỳ phát triển tổng hợp các ngành kinh tế.

- Dân cư tạo ra nguồn lao động dồi dào, đặc biệt là tỷ lệ người nhập cư cao, tạo nên nguồn lao động tri thức thuận lợi cho việc phát triển các ngành kinh tế.

I. Vị trí địa lí

Câu hỏi trang 74 Địa Lí 11: Đọc thông tin và quan sát hình 16.1, hãy: Cho biết Hoa Kỳ tiếp giáp các đại dương, vịnh biển và quốc gia nào.

Cho biết Hoa Kỳ tiếp giáp các đại dương, vịnh biển và quốc gia nào (ảnh 2)

Lời giải:

- Hoa Kỳ tiếp giáp:

+ Các đại dương: Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Bắc Băng Dương.

+ Vịnh Mê-hi-cô, vịnh A-la-xca

+ Hai quốc gia là Ca-na-da và Mê-hi-cô

Giải Địa lí 11 trang 74

Câu hỏi trang 74 Địa Lí 11: Đọc thông tin và quan sát hình 16.1, hãy: Trình bày đặc điểm vị trí địa lí của Hoa Kỳ.

Cho biết Hoa Kỳ tiếp giáp các đại dương, vịnh biển và quốc gia nào (ảnh 2)

Lời giải:

- Đặc điểm vị trí:

+ Lãnh thổ bao gồm: phần lãnh thổ trung tâm Bắc Mỹ, bán đảo A-lát-xca, quần đảo Ha-oai. Diện tích khoảng 9,8 triệu km2.

+ Nằm hoàn toàn ở bán cầu tây, nằm giữa hai đại dương lớn là Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, tiếp giáp Ca-na-da ở phía Bắc, khu vực Mỹ La-tinh ở phía Nam

+ Nằm trong khu vực nhiều thiên tai: bão, động đất, lốc xoáy,…

Câu hỏi trang 74 Địa Lí 11: Đọc thông tin và quan sát hình 16.1, hãy: Phân tích ảnh hưởng của vị trí địa lí đến phát triển kinh tế - xã hội Hoa Kỳ.

Cho biết Hoa Kỳ tiếp giáp các đại dương, vịnh biển và quốc gia nào (ảnh 2)

Lời giải:

- Ảnh hưởng của vị trí địa lí đến phát triển kinh tế - xã hội:

+ Tạo cho Hoa Kỳ có đặc điểm thiên nhiên đa dạng, thay đổi từ biển vào nội địa, từ bắc xuống nam.

+ Giúp cho Hoa Kỳ tránh được thiệt hại về cơ sở vật chất và hạ tầng trong hai cuộc chiến tranh thế giới.

+ Tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng giao lưu và phát triển mạnh kinh tế trong điều kiện hòa bình, tăng vị thế trên thế giới.

+ Nằm trong khu vực nhiều thiên tai gây khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội.

II. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

Giải Địa lí 11 trang 76

Câu hỏi trang 76 Địa Lí 11: Đọc thông tin và quan sát hình 16.1, hãy: Trình bày về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của Hoa Kỳ.

Trình bày về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của Hoa Kỳ (ảnh 2)

Lời giải:

a) Địa hình và đất

- Đặc điểm:

+ Phần lãnh thổ ở trung tâm lục địa Bắc Mỹ có địa hình đa dạng, được phân ra thành các khu vực: núi và cao nguyên; khu vực đồng bằng.

▪ Khu vực núi và cao nguyên: hệ thống núi trẻ, xen giữa là các cao nguyên và thung lũng. Có đất đỏ vàng cận nhiệt đới ẩm, đất nâu xám rừng lá rộng ôn đới.

▪ Khu vực đồng bằng: diện tích rộng, nhiều đồng bằng rộng lớn. Chủ yếu là đất phù sa sông, đất đen, đất đỏ nâu,…

+ Ở bán đảo A-la-xca: địa hình chủ yếu là núi, giữa các dãy núi là thung lũng được băng hà bao phủ.

+ Quần đảo Ha-oai: bao gồm chuỗi các đảo và đảo san hô, hiện còn nhiều núi lửa hoạt động.

b) Khí hậu

- Đặc điểm:

+ Phần trung tâm chủ yếu là khí hậu ôn đới, có sự thay đổi từ tây sang đông.

▪ Ven biển phía tây là khí hậu ôn đới hải dương mưa nhiều.

▪ Vùng nội địa và phía đông là khí hậu ôn đới lục địa, nhiều nơi khô hạn.

▪Phía nam là khí hậu cận nhiệt đới, nhiệt độ khá cao.

▪Phía bắc có khí hậu ôn đới lạnh, nhiệt độ thấp, mùa đông nhiều băng tuyết.

+ Bán đảo A-la-xca có khí hậu cận cực và ôn đới hải dương.

+ Quần đảo Ha-oai có khí hậu nhiệt đới chịu ảnh hưởng sâu sắc của biển.

c) sông, hồ

- Đặc điểm:

+ Có nhiều sông lớn (Mi-xi-xi-pi, Mít-xu-ri), các sông bồi đắp nên vùng đồng bằng rộng lớn, phì nhiêu.

+ Có nhiều hồ, đặc biệt là Ngũ Hồ được nối với nhau bằng các kênh đào…

d) Biển

- Đặc điểm:

+ Vùng biển rộng lớn với đường bờ biển dài khoảng 20000 km.

+ Dọc bờ biển có nhiều vũng vịnh.

+ Vùng biển có nguồn lợi hải sản phong phú, khoáng sản (dầu mỏ, khí tự nhiên).

e) Sinh vật

- Đặc điểm:

+ Tài nguyên sinh vật rất đa dạng, phong phú với nhiều kiểu rừng: rừng lá kim, rừng lá rộng, rừng và cây bụi lá cứng địa trung hải, rừng nhiệt đới ẩm.

+ Động vật nhiều loài quý hiếm: hươu đuôi trắng, gấu mèo, chồn nâu, cáo đỏ…

g) Khoáng sản

- Đặc điểm: Tài nguyên khoáng sản phong phú, một số loại có trữ lượng rất lớn: than đá, quặng sắt , dầu mỏ, khí tự nhiên, vàng, đồng,…và các loại kim loại quý hiếm.

Câu hỏi trang 76 Địa Lí 11: Đọc thông tin và quan sát hình 16.1, hãy: Phân tích ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên đến phát triển kinh tế - xã hội Hoa Kỳ.

Trình bày về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của Hoa Kỳ (ảnh 2)

Lời giải:

a) Địa hình và đất

- Ảnh hưởng:

+ Khu vực núi thuận lợi cho phát triển rừng, tuy nhiên địa hình bị chia cắt nhiều nên việc giao thương, đi lại gặp nhiều khó khăn.

+ Khu vực đồng bằng thuận lợi cho trồng ngũ cốc và các loại cây hàng năm khác. Tuy nhiên một số loại đất nghèo dinh dưỡng như: đất đài nguyên, đất xám hoang mạc,…ít có giá trị sản xuất nông nghiệp.

+ Bán đảo A-la-xca và quần đảo Ha-oai có địa hình thuận lợi cho phát triển du lịch.

b) Khí hậu

- Ảnh hưởng: Sự phân hóa khí hậu giữa các vùng lãnh thổ đã tạo điều kiện thuận lợi để đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp.

c) sông, hồ

- Ảnh hưởng:

+ Sông tạo điều kiện để sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn; tạo nên mạng lưới giao thông đường thủy quan trọng, có giá trị về thủy điện, du lịch, cung cấp nước, nguồn lợi thủy sản,…

+ Hồ có ý nghĩa rất lớn về giao thông và cung cấp nguồn nước ngọt quan trọng cho đời sống, sản xuất, góp phần điều hòa khí hậu.

d) Biển

- Ảnh hưởng: Tạo điều kiện thuận lợi cho Hoa Kỳ phát triển ngành thủy sản, khai khoáng, giao thông hàng hải và du lịch.

e) Sinh vật

- Ảnh hưởng: Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển lâm nghiệp và là tài nguyên du lịch có giá trị

III. Dân cư và xã hội

Giải Địa lí 11 trang 78

Câu hỏi trang 78 Địa Lí 11: Đọc thông tin và quan sát các hình 16.2, 16.3, hãy: Trình bày đặc điểm dân cư Hoa Kỳ.

Trình bày đặc điểm dân cư Hoa Kỳ (ảnh 2)

Lời giải:

- Đặc điểm dân cư Hoa Kỳ:

+ Là nước đông dân, khoảng 331,5 triệu người (2020), đứng thứ 3 thế giới.

+ Tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên thấp và có xu hướng giảm, số dân tăng nhanh chủ yếu là do nhập cư.

+ Mật độ dân số trung bình là 35 người/km2.

+ Dân cư phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Bắc, vùng ven biển, vùng nội địa và phía tây thưa thớt hơn.

Câu hỏi trang 78 Địa Lí 11: >Đọc thông tin và quan sát các hình 16.2, 16.3, hãy: Phân tích tác động của dân cư đến phát triển kinh tế - xã hội Hoa Kỳ.

Trình bày đặc điểm dân cư Hoa Kỳ (ảnh 2)

Lời giải:

- Tác động của dân cư đến phát triển kinh tế - xã hội Hoa Kỳ:

+ Dân số đông tạo cho Hoa Kỳ nguồn lao động dồi dào và thị trường tiêu thụ lớn.

+ Dân cư phân bố không đồng đều gây khó khăn cho việc sử dụng lao động và khai thác tài nguyên.

Câu hỏi trang 78 Địa Lí 11: Đọc thông tin, hãy: Nêu một số đặc điểm nổi bật về nhập cư và chủng tộc của Hoa Kỳ.

Lời giải:

- Một số đặc điểm nổi bật về nhập cư và chủng tộc của Hoa Kỳ:

+ Dân cư có nhiều nguồn gốc khác nhau.

+ Các dòng nhập cư bắt đầu từ khi phát kiến ra châu Mỹ (1492). Từ năm 1790 - 1994 có gần 64 triệu người nhập cư từ châu Âu, Mỹ La-tinh, châu Á và châu Phi đến Hoa Kỳ. Năm 2015, trong tổng số dân của Hoa Kỳ có hơn 43 triệu người nhập cư, năm 2020 tăng lên đạt 50 triệu người.

+ Thành phần chủng tộc đa dạng, ba chủng tộc chính: Môn-gô-lô-ít, Ơ-rô-pê-ô-ít, Nê-grô-ít.

Câu hỏi trang 78 Địa Lí 11: Đọc thông tin, hãy: Phân tích tác động của việc nhập cư và đa dạng chủng tộc đến phát triển kinh tế - xã hội Hoa Kỳ.

Lời giải:

- Tác động đến phát triển kinh tế - xã hội

+ Người nhập cư đã bổ sung nguồn lao động có trình độ, giàu kinh nghiệm sản xuất để phát triển kinh tế - xã hội.

+ Sự đa dạng về chủng tộc đã làm cho Hoa Kỳ trở thành một quốc gia đa văn hóa với âm nhạc, nghệ thuật, ẩm thực, văn hóa dân gian,… rất độc đáo.

Luyện tập & Vận dụng (trang 78)

Luyện tập 1 trang 78 Địa Lí 11: Lập bảng tóm tắt thể hiện ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên đến phát triển kinh tế - xã hội Hoa Kỳ.

Lời giải:

Yếu tố

Ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước Hoa Kỳ

Địa hình, đất

- Khu vực núi thuận lợi cho phát triển rừng, tuy nhiên địa hình bị chia cắt nhiều nên việc giao thương, đi lại gặp nhiều khó khăn.

- Khu vực đồng bằng thuận lợi cho trồng ngũ cốc và các loại cây hàng năm khác. Tuy nhiên một số loại đất nghèo dinh dưỡng như: đất đài nguyên, đất xám hoang mạc,…ít có giá trị sản xuất nông nghiệp.

- Bán đảo A-la-xca và quần đảo Ha-oai có địa hình thuận lợi cho phát triển du lịch.

Khí hậu

- Sự phân hóa khí hậu giữa các vùng lãnh thổ đã tạo điều kiện thuận lợi để đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp.

Sông, hồ

- Sông tạo điều kiện để sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn.

- Sông tạo nên mạng lưới giao thông đường thủy quan trọng, có giá trị về thủy điện, du lịch, cung cấp nước, nguồn lợi thủy sản,…

- Hồ có ý nghĩa rất lớn về giao thông và cung cấp nguồn nước ngọt quan trọng cho đời sống, sản xuất, góp phần điều hòa khí hậu.

Biển

- Tạo điều kiện thuận lợi cho Hoa Kỳ phát triển ngành thủy sản, khai khoáng, giao thông hàng hải và du lịch.

Sinh vật

- Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển lâm nghiệp và là tài nguyên du lịch có giá trị

Khoáng sản

- Là cơ sở để phát triển đa dạng các ngành công nghiệp

Luyện tập 2 trang 78 Địa Lí 11: Tại sao dân cư Hoa Kỳ lại tập trung đông ở khu vực Đông Bắc? Điều này có tác động như thế nào đến sự phát triển kinh tế - xã hội?

Lời giải:

- Dân cư Hoa Kỳ tập trung đông ở khu vực Đông Bắc vì: Vùng Đông Bắc tập trung những điều kiện thuận lợi cho dân cư sinh sống, đi lại và phát triển sản xuất, như:

+ Địa hình đồng bằng rộng, đặc biệt là đồng bằng ven biển Đại Tây Dương có diện tích tương đối lớn, với đất phù sa màu mỡ, khí hậu mang tính chất ôn đới hải dương và cận nhiệt đới thuận lợi cho việc phát triển trồng trọt nhiều loại cây lương thực, cây ăn quả, địa hình bằng phẳng giao thông thuận lợi định cư của người dân.

+ Lượng mưa ở đây lớn nên có nguồn nước dồi dào cho sinh hoạt và sản xuất, thủy năng phong phú.

+ Có nhiều khoáng sản như than đá, quặng sắt với trữ lượng rất lớn, nằm lộ thiên, dễ khai thác giúp cho các ngành kinh tế phát triển, tạo việc làm cho người dân, ổn định cuộc sống và nâng cao thu nhập.

- Tác động:

+ Khiến cho dân cư phân bố không đồng đều, gây khó khăn cho việc sử dụng lao động và khai thác tài nguyên.

+ Tạo ra sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế giữa các vùng, sự phân hóa giàu nghèo giữa các khu vực trên cả nước.

Vận dụng trang 78 Địa Lí 11: Lựa chọn một trong hai nhiệm vụ sau:

- Nhiệm vụ 1: Hãy thu thập tư liệu và trình bày về một hoặc một số luồng nhập cư vào Hoa Kỳ trong thời gian gần đây.

- Nhiệm vụ 2: Hãy tìm hiểu và giới thiệu về một giải thưởng Nô-ben mà người Hoa Kỳ đã đạt được.

Lời giải:

(*) Lựa chọn: Thực hiện nhiệm vụ 2

(*) Tham khảo:

- Giải Nobel Kinh tế năm 2021 được trao cho 3 nhà kinh tế, chia đều làm 2 phần. Phần đầu tiên thuộc về nhà kinh tế người Canada David Card là giáo sư Đại học California, vì những đóng góp cho kinh tế học lao động. Phần còn lại thuộc về 2 nhà kinh tế người Mỹ Joshua D.Angrist của Viện Công nghệ Massachusetts và Guido W.Imbens của Đại học Stanford nhờ những đóng góp về phương pháp luận trong việc phân tích quan hệ nhân quả.

- Ba nhà kinh tế học David Card, Joshua Angrist và Guido Imbens được trao giải vì chứng minh rằng những câu trả lời chính xác cho một số câu hỏi cấp bách nhất của xã hội có thể được thu thập từ các "thí nghiệm tự nhiên". Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển cho biết cả ba đã "hoàn toàn định hình lại công việc thực nghiệm trong khoa học kinh tế".

- Theo Ủy ban giải Nobel kinh tế, các thí nghiệm tự nhiên rất khó giải thích, nhưng Angrist và Imbens, vào giữa những năm 1990, đã phát triển các phương pháp luận để vượt qua những thách thức này và xác định chính xác hơn những gì thực sự có thể xem là nguyên nhân và kết quả của các thí nghiệm tự nhiên. Nói một cách khác, phương pháp luận của hai ông cho phép các nhà kinh tế học đưa ra kết luận vững chắc đâu là nguyên nhân và kết quả ngay cả khi họ không thể thực hiện các nghiên cứu theo các phương pháp khoa học nghiêm ngặt.

Bài giảng Bài 16: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên và dân cư, xã hội Hoa Kỳ

Lý thuyết Địa lí 11 Bài 16: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên và dân cư, xã hội Hoa Kỳ

I. Vị trí địa lí

♦ Đặc điểm:

- Lãnh thổ Hoa Kỳ bao gồm: phần lãnh thổ trung tâm Bắc Mỹ, bán đảo A-lát-xca và quần đảo Ha-oai; diện tích khoảng 9,8 triệu km2. Trong đó:

+ Phần lãnh thổ trung tâm Bắc Mỹ có diện tích rộng lớn, kéo dài khoảng từ vĩ độ 25°B đến khoảng vĩ độ 49°B và khoảng kinh độ 124T đến khoảng kinh độ 67°T.

+ Bán đảo A-lát-xca nằm ở phía tây bắc của Bắc Mỹ;

+ Quần đảo Ha-oai nằm giữa Thái Bình Dương.

- Hoa Kỳ nằm hoàn toàn ở bán cầu Tây, phần lãnh thổ trung tâm Bắc Mỹ nằm giữa hai đại dương lớn là Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, tiếp giáp với Ca-na-đa ở phía bắc và khu vực Mỹ La-tinh ở phía nam.

Lý thuyết Địa Lí 11 Cánh diều Bài 16: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên và dân cư, xã hội Hoa Kỳ

♦ Ảnh hưởng:

- Vị trí địa lí đã tạo cho Hoa Kỳ có đặc điểm thiên nhiên đa dạng, thay đổi từ biển vào nội địa, từ bắc xuống nam.

- Vị trí địa lí đã giúp cho Hoa Kỳ tránh được thiệt hại về cơ sở vật chất và hạ tầng trong hai cuộc chiến tranh thế giới; tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng giao lưu và phát triển mạnh kinh tế trong điều kiện hoà bình, tăng vị thế trên thế giới.

- Tuy nhiên, Hoa Kỳ nằm trong khu vực có các thiên tai như: bão, động đất,.... gây khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội

II. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

1. Địa hình, đất

♦ Phần lãnh thổ Hoa Kỳ nằm ở trung tâm lục địa Bắc Mỹ có địa hình đa dạng, được phân ra thành các khu vực:

- Khu vực núi và cao nguyên:

+ Ở phía tây là hệ thống núi, gồm các dãy núi trẻ, chạy song song hướng bắc - nam, có độ cao trung bình khoảng 2000 - 4000 m. Xen giữa các dãy núi là cao nguyên và thung lũng như: cao nguyên Cô-lô-ra-đô, Bồn Địa Lớn,...

+ Ở phía đông là dãy núi già A-pa-lát, gồm các dải núi song song, có hướng đông bắc - tây nam, độ cao trung bình khoảng trên 1000 m. Khu vực này có đất đỏ vàng cận nhiệt đới ẩm, đất nâu xám rừng lá rộng ôn đới thuận lợi cho phát triển rừng. Do địa hình bị chia cắt nhiều nên việc giao thương, đi lại gặp nhiều khó khăn.

- Khu vực đồng bằng:

+ Có diện tích rộng, gồm đồng bằng Trung tâm, đồng bằng ven vịnh Mê-hi-cô và đồng bằng ven biển Đại Tây Dương. Trong đó, đồng bằng Trung tâm được bồi đắp bởi sông Mi-xi-xi-pi có diện tích lớn nhất.

+ Đất chủ yếu ở các đồng bằng là đất phù sa sông, đất đen, đất đỏ nâu,... thuận lợi cho trồng ngũ cốc và các loại cây hàng năm khác. Một số loại đất nghèo dinh dưỡng như: đất đài nguyên, đất xám hoang mạc,... ít có giá trị sản xuất nông nghiệp.

♦ Bán đảo A-lát-xca có địa hình chủ yếu là núi, giữa các dãy núi là các thung lũng được băng hà bao phủ.

♦ Quần đảo Ha-oai bao gồm chuỗi các đảo và đảo san hô, hiện nay vẫn còn nhiều núi lửa hoạt động.

Lý thuyết Địa Lí 11 Cánh diều Bài 16: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên và dân cư, xã hội Hoa Kỳ

2. Khí hậu

- Phần lãnh thổ trung tâm Hoa Kỳ chủ yếu có khí hậu ôn đới, có sự thay đổi từ tây sang đông.

+ Vùng ven biển phía tây có khí hậu ôn đới hải dương, mưa nhiều.

+ Vùng nội địa và phía đông có khí hậu ôn đới lục địa, nhiều nơi khô hạn. Vùng phía nam có khí hậu cận nhiệt đới, nhiệt độ khá cao.

+ Vùng phía bắc có khí hậu ôn đới lạnh, nhiệt độ thấp, mùa đông có nhiều băng tuyết.

=> Sự phân hoá khí hậu giữa các vùng lãnh thổ tạo điều kiện thuận lợi để đa dạng các sản phẩm nông nghiệp.

- Bán đảo A-lát-xca có khí hậu cận cực (mùa đông nhiệt độ xuống tới - 30 °C) và ôn đới hải dương.

- Quần đảo Ha-oai nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới, chịu ảnh hưởng sâu sắc của biển.

3. Sông, hồ

- Sông:

+ Có nhiều sông lớn, như: sông Mi-xi-xi-pi, Mit-xu-ri, Cô-lô-ra-đô, Cô-lum-bi-a,...

+ Các sông đã bồi đắp nên vùng đồng bằng châu thổ rộng lớn, phì nhiêu, tạo điều kiện để sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn. Sông còn tạo nên mạng lưới giao thông đường thuỷ quan trọng, có giá trị về thuỷ điện, du lịch, cung cấp nước, nguồn lợi thuỷ sản,...

- Hồ:

+ Có nhiều hồ, đặc biệt là Ngũ Hồ, bao gồm 5 hồ ở vùng biên giới giữa Hoa Kỳ và Ca-na-đa, được nối với nhau bằng các kênh đào.

+ Ngũ Hồ có ý nghĩa rất lớn về giao thông và cung cấp nguồn nước ngọt quan trọng cho đời sống, sản xuất; góp phần điều hoà khí hậu.

Lý thuyết Địa Lí 11 Cánh diều Bài 16: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên và dân cư, xã hội Hoa Kỳ

4. Biển

- Có vùng biển rộng lớn thuộc Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Bắc Băng Dương với đường bờ biển dài khoảng 20000 km.

- Dọc bờ biển có nhiều vũng, vịnh, trong đó vịnh Mê-hi-cô thuộc Thái Bình Dương là vịnh lớn và kín.

- Vùng biển có nguồn lợi hải sản phong phú, khoáng sản (dầu mỏ, khí tự nhiên),... tạo điều kiện thuận lợi cho Hoa Kỳ phát triển ngành thuỷ sản, khai khoáng, giao thông hàng hải và du lịch.

5. Sinh vật

- Tài nguyên sinh vật rất đa dạng, phong phú với nhiều kiểu rừng: rừng lá kim, rừng lá rộng, rừng và cây bụi lá cứng địa trung hải, rừng nhiệt đới ẩm,... Rừng chiếm hơn 30 % diện tích lãnh thổ của Hoa Kỳ (năm 2020).

- Động vật có nhiều loài quý hiếm như: hươu đuôi trắng, gấu mèo, chuột xạ hương, chồn nâu, cáo đỏ,...

=> Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển lâm nghiệp và là tài nguyên du lịch có giá trị.

6. Khoáng sản

- Tài nguyên khoáng sản phong phú và giàu có, một số loại có trữ lượng rất lớn như: than đá, quặng sắt, dầu mỏ, khí tự nhiên, vàng, đồng, chì, u-ra-ni-um,... và các loại kim loại quý hiếm.

- Đây là cơ sở để phát triển đa dạng các ngành công nghiệp.

III. Dân cư và xã hội

1. Dân cư

- Quy mô dân số:

+ Hoa Kỳ là nước đông dân, với khoảng 331,5 triệu người (2020), đứng thứ ba thế giới.

+ Số dân đông đã tạo cho Hoa Kỳ nguồn lao động dồi dào và thị trường tiêu thụ lớn.

- Tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên thấp và có xu hướng giảm, số dân tăng nhanh chủ yếu là do nhập cư.

Lý thuyết Địa Lí 11 Cánh diều Bài 16: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên và dân cư, xã hội Hoa Kỳ

- Mật độ dân số:

+ Mật độ dân số trung bình của Hoa Kỳ là 35 người/km2 (năm 2020).

+ Dân cư phân bố không đều: tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Bắc và các vùng ven biển; vùng nội địa và phía tây thưa thớt, gây khó khăn cho việc sử dụng lao động và khai thác tài nguyên.

+ Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đã đẩy mạnh khai thác kinh tế về phía nam lãnh thổ và vùng duyên hải Thái Bình Dương nên dân cư có sự phân bố lại.

- Đô thị hóa:

+ Hoa Kỳ có mức độ đô thị hoá cao, tỉ lệ dân thành thị là 82,7 % (năm 2020).

+ Các thành phố ở Hoa Kỳ phát triển nhanh cùng với quá trình công nghiệp hoá và ngành dịch vụ. Phần lớn các thành phố nằm ở vùng ven Ngũ Hồ, ven Đại Tây Dương và

duyên hải Thái Bình Dương.

Lý thuyết Địa Lí 11 Cánh diều Bài 16: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên và dân cư, xã hội Hoa Kỳ

2. Nhập cư và chủng tộc

- Dân cư Hoa Kỳ có nhiều nguồn gốc khác nhau. Các dòng nhập cư vào Hoa Kỳ bắt đầu từ khi phát kiến ra châu Mỹ (năm 1492).

+ Từ năm 1790 đến năm 1994, có gần 64 triệu người nhập cư từ châu Âu, Mỹ La-tinh, châu Á và châu Phi đến Hoa Kỳ.

+ Năm 2015, trong tổng dân số của Hoa Kỳ có hơn 43 triệu người nhập cư và tăng lên đến khoảng 50 triệu người vào năm 2020.

=> Người nhập cư đã bổ sung nguồn lao động có trình độ, giàu kinh nghiệm sản xuất để phát triển kinh tế - xã hội.

- Hoa Kỳ có thành phần chủng tộc đa dạng:

+ Ba chủng tộc chính là: Môn-gô-lô-ít, Ơ-rô-pê-ô-ít, Nê-grô-ít.

+ Sự đa dạng về chủng tộc đã làm cho Hoa Kỳ trở thành một quốc gia đa văn hóa với âm nhạc, nghệ thuật, ẩm thực, văn hóa dân gian,... rất độc đáo.

Xem thêm lời giải bài tập Địa lí lớp 11 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Bài 17: Kinh tế Hoa Kỳ

Bài 18: Thực hành: Tìm hiểu về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của Hoa Kỳ

Bài 19: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên và dân cư, xã hội Liên Bang Nga

Bài 20: Kinh tế Liên Bang Nga

Bài 21: Thực hành: Tìm hiểu về công nghiệp khai thác dầu khí của Liên Bang Nga

1 1,400 19/09/2024


Xem thêm các chương trình khác: