Em hãy viết bài luận để đánh giá một biện pháp, chính sách nhằm khắc phục hoặc hạn chế

Trả lời mục Vận dụng 5 trang 23 Chuyên đề KTPL 11 sách Cánh diều ngắn nhất mà vẫn đủ ý sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Kinh tế pháp luật 11.

1 266 11/07/2023


Giải Chuyên đề KTPL 11 Bài 2: Một số chính sách và biện pháp nhằm khắc phục, hạn chế tác động tiêu cực của phát triển kinh tế đến môi trường tự nhiên

Vận dụng 5 trang 23 Chuyên đề Kinh tế Pháp luật 11: Em hãy viết bài luận để đánh giá một biện pháp, chính sách nhằm khắc phục hoặc hạn chế tác động tiêu cực của phát triển kinh tế đến môi trường tự nhiên.

Lời giải:

(*) Bài viết tham khảo: Vai trò và ý nghĩa của Luật Thuế môi trường

Ngày 15/11/2010, Quốc đã thông qua Luật thuế bảo vệ môi trường và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012. Luật quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ tính thuế, khai thuế, tính thuế, nộp thuế và hoàn thuế bảo vệ môi trường.

Có thể khẳng định rằng, thuế môi trường có vai trò đặc biệt quan trọng nhất là trong điều kiện hiện nay khi tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường đang ngày càng trở thành vấn đề cấp bách cần giải quyết của tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển và các quốc gia kém phát triển. Vai trò, ý nghĩa của thuế môi trường được thể hiện như sau:

Thuế môi trường góp phần làm thay đổi hành vi của các chủ thể kinh doanh và tiêu dùng theo hướng có lợi cho môi trường hay nói cách khác, thuế môi trường có vai trò và ý nghĩa trong việc định hướng sản xuất và tiêu dùng - sản xuất, nhập khẩu hàng hóa “sạch”. Thông qua việc tác động trực tiếp vào lợi ích kinh tế của các chủ thể liên quan mà chủ yếu là người gây ô nhiễm, các quy định về thuế môi trường sẽ làm thay đổi hành vi của họ theo hướng có lợi cho môi trường. Theo đó, những người gây ô nhiễm hoàn toàn có lí do để giảm lượng chất thải mà họ thải ra chừng nào chi phí cho việc này thấp hơn các chi phí về môi trường mà họ phải trả. Xét về lâu dài trong nền kinh tế thị trường, những công cụ kinh tế nói chung trong đó có thuế môi trường còn có thể làm nhiều hơn những gì một tiêu chuẩn môi trường đòi hỏi.

Thuế môi trường góp phần khuyến khích sự năng động, sáng tạo trong nghiên cứu và ứng dụng những quy định công nghệ phù hợp để giảm thiểu chất thải, qua đó tiết kiệm nguyên liệu, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Vai trò này của thuế môi trường được thể hiện ở chỗ, nó khuyến khích các chủ nguồn thải nghiên cứu và ứng dụng những quy trình công nghệ phù hợp nhất với khả năng của họ để giảm thiểu lượng chất thải phát sinh. Bởi lẽ, không phải chủ nguồn thải nào cũng có khả năng dồi dào về tài chính. Các cơ sở công nghiệp nhỏ và tiểu thủ công nghiệp thường gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề này. Vì thế, nếu nhà nước quản lý theo phương cách mệnh lệnh hành chính nghĩa là áp đặt một loại thiết bị công nghệ nhất định mà cơ sở phải đầu tư để giảm thiểu chất thải thì sẽ có thể vượt quá khả năng tài chính cũng như trình độ công nghệ của cơ sở đó. Như vậy có thể thấy thuế môi trường có vai trò điều chỉnh kinh tế vĩ mô theo hướng tích cực, có tác dụng khuyến khích người gây ô nhiễm chủ động lưa chọn những biện pháp tối ưu để giảm thiểu ô nhiễm, vừa có lợi cho mình vừa bảo vệ môi trường, kích thích sự phát triển công nghiệp và tăng cường công tác nghiên cứu và phát triển “sản xuất sạch”.

Thuế môi trường còn tạo ra sự chủ động cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong quá trình hoạt động cũng như chủ động ứng phó với các sự cố môi trường có thể xảy ra. Thuế môi trường được sử dụng có vai trò, ý nghĩa đó là sẽ tạo cho các đối tượng này tự giác thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố, làm cho họ chủ động hơn trong việc giảm thiểu những tác động bất lợi cho môi trường khi sự cố xảy ra để đảm bảo lợi ích kinh tế của chính họ. Hơn nữa, chính vì việc thuế môi trường đánh vào những hàng hóa gây hại, có tác động xấu đến môi trường cho nên trên phương diện xã hội, thuế môi trường được sự ủng hộ của xã hội nhiều hơn.

Sử dụng công cụ kinh tế nói chung trong đó có thuế môi trường có vai trò trong việc có thể làm giảm bớt gánh nặng quản lý cho hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Với sức ép về các vấn đề môi trường đang đặt ra hiện nay, cùng với phương thức quản lý mệnh lệnh hành chính là chủ yếu, các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường luôn bị đặt trong tình trạng quá tải về công việc. Thay vì việc các cơ quan quản lý nhà nước phải thường xuyên giám sát, theo dõi việc thực hiện các quyết định hành chính đã đặt ra cho các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động kinh doanh, thuế môi trường buộc các đối tượng này tự nguyện thực hiện những hành vi có lợi cho môi trường. Bởi vì, lợi ích kinh tế của chính cơ sở đã bị gắn chặt bởi những tổn hại về môi trường mà họ có thể gây ra. Do đó, không cần đến sự kiểm tra, giám sát thường xuyên và gắt gao của các cơ quan quản lí nhà nước về bảo vệ môi trường, các cơ sở này cũng đã tự nguyện tiến hành các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm. Khi đó gánh nặng quản lí của các cơ quan nhà nước đã được giảm thiểu một cách đáng kể.

Luật thuế bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua và được triển khai thi hành trên thực tế đã tạo ra khuôn khổ pháp lý đồng bộ, ổn định và là yêu cầu tất yếu và khách quan trong điều kiện hiện nay. Qua gần 05 năm triển khai thực hiện, Luật Thuế bảo vệ môi trường đã góp phần nâng cao trách nhiệm và nhận thức của xã hội đối với môi trường; khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường, thể hiện một bước tiến mới trong tư duy của các nhà làm luật, các nhà hoạch định chính sách trong vấn đề bảo vệ môi trường ở Việt Nam!

1 266 11/07/2023


Xem thêm các chương trình khác: