Đề cương ôn tập Ngữ văn 11 Học kì 1 (Chân trời sáng tạo 2024)

Vietjack.me biên soạn và giới thiệu Đề cương ôn tập Ngữ văn 11 Học kì 1 sách Chân trời sáng tạo giúp bạn ôn luyện và đạt kết quả cao trong bài thi Ngữ văn 11 Học kì 1.

1 374 18/03/2024


Đề cương ôn tập Ngữ văn 11 Học kì 1 (Chân trời sáng tạo 2024)

A. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

Bài 3: Khát khao đoàn tụ (Truyện thơ)

1. Đọc

Đọc hiểu văn bản chú ý đặc trưng của thể loại truyện thơ

+ Yếu tố về nội dung: đề tài, chủ đề chính, chủ đề phụ, tư tưởng, các giá trị văn hoá, triết lí nhân sinh…

+ Yếu tố về hình thức: câu chuyện, sự kiện, nhân vật, chi tiết quan trọng, không gian, thời gian, người kể chuyện toàn tri, sự thay đổi điểm nhìn…

2. Thực hành tiếng Việt

Lấy ví dụ và chỉ ra những dấu hiệu nhận biết ngôn ngữ nói trong các trường hợp đó.

3. Viết

Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm văn học (truyện thơ) hoặc một tác phẩm nghệ thuật (bài hát)

4. Nói và nghe

Giới thiệu một truyện thơ hoặc một bài hát theo lựa chọn cá nhân

Bài 4: Nét đẹp văn hóa và cảnh quan (Văn bản thông tin)

1. Đọc

Đọc hiểu văn bản chú ý đặc trưng của thể loại văn bản thông tin

+ Đề tài, thông tin cơ bản của văn bản, cách đặt nhan đề của tác giả.

+ Nhận biết được thái độ và quan điểm của người viết.

+ Các yếu tố hình thức: bố cục, mạch lạc của văn bản, cách trình bày dữ liệu, thông tin…

2. Thực hành tiếng Việt

a. Xác định loại phương tiện phi ngôn ngữ được sử dụng trong các văn bản trên.

b. Cách trình bày các phương tiện ấy trong văn bản có gì đáng lưu ý?

c. Chỉ ra tác dụng của từng loại phương tiện trong mỗi văn bản.

3. Viết

Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên hoặc xã hội

4. Nói và nghe

Trình bày kết quả nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên hoặc xã hội

B. ĐỀ THI MINH HỌA CUỐI KÌ 1 NGỮ VĂN 11

Đọc đoạn văn bản sau và trả lời câu hỏi:

Trên bãi cát những người lính đảo
Ngồi ghép nhau bao nỗi nhớ nhà
Chiều áo rộng vài vạt mây hờ hững
Họ cứ ngồi như chum vại hứng mưa

Đảo tái cát
Khóc oan hồn trôi dạt
Tao loạn thời bình
Gió thắt ngang cây.

Đất hãy nhận những đứa con về cội
Trong bao dung bóng mát của người
Cay hãy gọi bàn tay về hái quả
Võng gọi về nghe lại tiếng à ơi…
À ơi tình cũ nghẹn lời

Tham vàng bỏ ngãi kiếp người mong manh.

(Lời sóng 4, trích Trường ca Biển, Hữu Thỉnh, NXB Quân đội nhân dân, 1994)

Câu 1: Xác định thể thơ của đoạn thơ trên.

Câu 2: Cuộc sống của người lính đảo được nhà thơ tái hiện qua những chi tiết, hình ảnh nào?

Câu 3: Theo anh/chị, ý nghĩa của hai câu thơ

Chiều áo rộng vài vạt mây hờ hững – Họ cứ ngồi như chum vại hứng mưa là gì?

Câu 4: Nêu hiệu quả của biện pháp tu từ nhân hóa được sử dụng trong câu thơ

Đảo tái cát – Khóc oan hồn trôi dạt – Tao loạn thời bình – Gió thắt ngang cây.

Hình ảnh người lính đảo hiện lên hào hùng và cả bi tráng trong thơ Hữu Thỉnh

Câu nghị luận xã hội tích hợp (2,0 điểm): Hình ảnh người lính đảo và thông điệp “kiếp người mong manh” mà nhà thơ gửi gắm ở câu thơ cuối gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về giá trị của cuộc sống. Hãy thể hiện suy nghĩ bằng một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ).

II. LÀM VĂN

Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm văn học (truyện thơ) hoặc một tác phẩm nghệ thuật (bài hát)

HƯỚNG DẪN CHẤM

Câu 1 (0,5 điểm): Thể thơ tự do.

Câu 2 (0,5 điểm):

Cuộc sống của những người lính đảo được nhà thơ tái hiện qua những chi tiết, hình ảnh (Học sinh kể được tối thiểu ba chi tiết, hình ảnh): bãi cát, nỗi nhớ nhà, đảo tái cát, oan hồn trôi dạt, tao loạn thời bình…

Câu 3

Ý nghĩa của hai câu thơ:

– Gợi hình ảnh những người lính đảo: ngồi quây quần bên nhau trong sự tĩnh lặng, sự sẻ chia, trong nỗi nhớ quê hương vời vợi, sự gian khổ, vất vả.

– Thể hiện tâm hồn nhạy cảm, giàu yêu thương, tinh thần kiên cường, bền bỉ của họ.

Câu 4 (1,0 điểm):

Hiệu quả:

– Tăng tính hàm súc và gợi tả cho câu thơ.

– Gợi nỗi đau, những mất mát lớn lao trước sự hi sinh của người lính, nỗi đau lan tỏa cả đất trời và gợi lên những nghịch lí oan trái mà người lính thời bình phải chịu. Đó là sự hi sinh thầm lặng để mang lại cuộc sống hòa bình cho Tổ quốc.

Câu nghị luận xã hội tích hợp

– Người lính đảo có cuộc sống rất khó khăn nhưng đó là cuộc sống đầy ý nghĩa. “Kiếp người mong manh” nói về thời gian sống của mỗi cá nhân rất ngắn ngủi, hữu hạn. Bởi vậy, mỗi người đều cần biết tận dụng khoảng thời gian ngắn ngủi đó để tạo nên giá trị cuộc sống.

– Giá trị cuộc sống gồm cả những giá trị vật chất như sức khỏe, tiền bạc… cũng gồm cả những giá trị tinh thần như tri thức, phẩm chất, tâm hồn, sự cống hiến, hi sinh, quan hệ xã hội… Con người cần tạo ra và tích lũy những giá trị đó, đồng thời biết cân bằng và hài hòa giữa các giá trị. Có như vậy mới có được cuộc sống có ý nghĩa và góp phần phát triển xã hội.

– Phê phán những con người chọn lối sống ích kỷ, thực dụng, sống hoài, sống phí.

– Liên hệ bản thân: bản thân là người trẻ tuổi đã sử dụng thời gian như thế nào để sống có ích nhất, đóng góp được nhiều nhất cho xã hội.

II. LÀM VĂN

Suy nghĩ về một bức tranh, pho tượng mà em cho là có giá trị

Có vô vàn những bức tượng nổi tiếng và kì vĩ trên thế giới. Ở Việt Nam cũng có một bức tượng đồ sộ, mang đầy ý nghĩa nhân văn. Đó chính là tượng đài mẹ Thứ nằm ở Thành phố Tam Kì, tỉnh Quảng Nam.

Mẹ Thứ tên thật là Nguyễn Thị Thứ. Mẹ có 12 người con, 11 trai và 1 gái. Trong hai cuộc kháng chiến khốc liệt của nhân dân ta, mẹ đã lần lượt tiễn những người con của mình đi chiến đấu bảo vệ đất nước. Trong số đó, có 9 người con trai đã không bao giờ trở về nữa. Không chỉ hi sinh những đứa con cho Tổ quốc mà trong chiến tranh, mẹ luôn bám trụ cùng xóm làng, vừa sản xuất, vừa nuôi giấu cán bộ. Vườn nhà mẹ có đến 5 căn hầm bí mật. Hàng trăm người chiến sĩ đã được gia đình mẹ chăm sóc, che chở trong những năm đó. Vì những đóng góp quá đỗi lớn lao của mình, mẹ đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Mẹ Việt Nam anh hùng".

Năm 2010, mẹ Thứ mất, Nhà nước quyết định cho xây dựng quần thể tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng để tri ân mẹ Thứ nói riêng và những người mẹ khác nói chung. Công trình này được xây dựng trên một vùng đất có quy mô lên khoảng 15ha, khối tượng tạc chân dung mẹ Thứ cao lên đến 18,5m, được làm bằng đá sa thạch. Hai bên tượng chính của mẹ là những khối tượng khác tạc hình mặt người bằng đá hoa cương. Tổng bức tượng hình cánh cung này chạy dài khoảng 120m Đây thực sự là một bức tượng đài to lớn, kì vĩ như chính những công ơn to lớn của mẹ dành cho Đất nước.

Chân dung mẹ Thứ được khắc họa với đôi mắt hiền từ, đôi môi móm mém do tuổi già. Những nếp nhăn trên trán, nơi khóe mắt, khuôn miệng cũng được tạc vô cùng tỉ mỉ. Hình ảnh người mẹ hiện lên thật hiền dịu nhưng cũng rất kiên cường mạnh mẽ. Xung quanh mẹ là những gương mặt khác không rõ tên tuổi giới tính. Đó có thể là đại diện cho những người con của mẹ, cũng có thể đại diện cho những gương mặt mẹ Việt Nam khác.

Không chỉ là một địa điểm du lịch nổi tiếng, bức tượng đài mẹ Thứ còn là một công trình tri ân đầy ý nghĩa. Bức tượng vừa dành tặng cho thế hệ đi trước, vừa để nhắc nhở con cháu sau này không được quên những công lao, đóng góp to lớn mà thầm lặng của những người mẹ Việt Nam anh hùng.

Suy nghĩ sức hấp dẫn của bộ phim, vở kịch hoặc bài hát

So sánh về tuổi đời, điện ảnh thuộc lớp những ngành nghệ thuật còn non trẻ ở Việt Nam. Thế nhưng, không vì thế mà điện ảnh ít được đón nhận. Bộ phim “Mùi cỏ cháy” chính là một minh chứng cho sức hấp dẫn của phim điện ảnh chất lượng tại Việt Nam.

“Mùi cỏ cháy” được công chiếu vào năm 2012. Sức hấp dẫn của bộ phim được thể hiện trên nhiều khía cạnh, đầu tiên là về mặt đề tài. Đề tài chiến tranh không phải là đề tài mới mẻ, xa lạ với các sáng tạo nghệ thuật. Có biết bao những tác phẩm văn chương, âm nhạc, nhiếp ảnh về đề tài này đã trở nên nổi tiếng và đi vào đời sống tinh thần của con người Việt Nam. Thế nhưng, người dân nước ta khi ấy vẫn còn ít tiếp xúc với điện ảnh. Việc khai thác một đề tài kinh điển bằng chất liệu mới đã thu hút được sự chú ý và khơi gợi sự trân trọng ở công chúng. Không chỉ vậy, chính tên tuổi biên kịch cùng nguyên tác, đơn vị sản xuất cũng là yếu tố góp phần gây tiếng vang cho tác phẩm. Kịch bản của bộ phim được viết bởi nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm – một nhà thơ và cũng là một người chiến sĩ từng từ giã mái trường để lên đường chống Mỹ. Xúc động hơn, tác phẩm được dựa trên cuốn nhật kí bất hủ “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Đơn vị sản xuất là Hãng phim truyện Việt Nam. Chỉ từng ấy yếu tố thôi, “Mùi cỏ cháy” đã hứa hẹn là tác phẩm lấy đi nhiều nước mắt của khán giả khi tái hiện những năm kháng chiến hào hùng của đất nước cùng vẻ đẹp con người Việt Nam giữa lửa đạn chiến tranh.

Nếu những yếu tố trên thu hút công chúng đến với phòng vé thì chính nội dung hấp dẫn, chân thực và cảm động đã khiến “Mùi cỏ cháy” có sức sống lâu bền. Từ Hà Nội cổ kính rêu phong đến Quảng Trị kiên cường máu lửa, tất cả đều hiện lên vô cùng sống động. Nhân vật chính của tác phẩm là những chàng sinh viên đang độ tuổi đôi mươi, quyết tâm gác lại việc học để lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Bốn chàng trai Hoàng, Thành, Thăng, Long mang trong mình bầu nhiệt huyết tuổi trẻ, tâm hồn ngây thơ trong sáng, sự tinh nghịch lạc quan, khát khao hạnh phúc và trên hết và tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm, tinh thần quyết tâm xả thân vì độc lập tự do của dân tộc. Những sự kiện, địa danh trong phim như 81 ngày đêm khốc liệt tại Thành cổ, dòng sông Thạch Hãn, những đợt ném bom của Mĩ,… đều là những điều có thật. Hơn hết, “Mùi cỏ cháy” không dừng lại ở mức tái hiện khô cứng hiện thực lịch sử. Tác phẩm không khoác lên chiến tranh bộ chiến bào lấp lánh, oai hùng mà khắc họa tận cùng những mất mát, đau thương của con người. Ta tìm thấy trong tác phẩm nỗi buồn khi rời xa gia đình, sự đau xót khi chứng kiến đồng đội lần lượt hi sinh của những người lính kiên cường hơn sắt thép. Ngày ra đi, bốn chàng trai cùng nhau chụp một tấm ảnh hẹn ngày chiến thắng trở về. Đến khi đất nước đã không còn bóng giặc thì Thành, Thăng, Long cũng đã nằm lại nơi chiến trường, chỉ còn lại mình Hoàng. Mỗi nụ cười, mỗi ánh mắt của các nhân vật trong bộ phim đều để lại trong tâm hồn người xem biết bao day dứt, khắc khoải. Tác phẩm thực sự là khúc bi hùng ca về con người và đất nước Việt Nam.

Không chỉ thành công về mặt nội dung ý nghĩa truyền tải đến người xem, “Mùi cỏ cháy” còn là tác phẩm thành công về nghệ thuật làm phim. Tiến trình của phim đi theo mạch hồi tưởng của nhân vật Hoàng – khi ấy đã là một cựu chiến binh già tạo nên sự chân thực và gây xúc động mạnh cho người xem. Bên cạnh đó, đây còn là tác phẩm kết hợp hài hòa giữa chất thơ và chất hiện thực. Trong phim xuất hiện nhiều hình ảnh ẩn dụ như dòng máu chảy trên tượng cô gái khi Thành, Thăng, Long hy sinh hay tấm ruy đô Long mang từ nhà,...Bối cảnh của phim cũng được chau chuốt kĩ lưỡng để tái hiện đầy đủ vẻ đẹp làng quê Việt Nam với giếng nước, đốc ga. Các cảnh chiến trận được đoàn làm phim chuẩn bị vô cùng kì công với khoảng thời gian lên tới bốn tháng.

Với những nét hấp dẫn trên, “Mùi cỏ cháy” đã xứng đáng “Bông sen Bạc” tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 cùng 4 giải “Cánh diều vàng” tại Lễ trao giải Cánh Diều Vàng 2011. Đến nay, câu chuyện về bốn chàng thanh niên Hoàng, Thành, Thăng, Long vẫn được yêu mến và lấy đi nước mắt của khán giả. Lời nhận xét của đạo diễn Hữu Mười có lẽ đã đủ tổng kết giá trị của bộ phim: “"Vinh danh Mùi cỏ cháy, là vinh danh quá khứ (…) Chúng ta không bao giờ được phép quên quá khứ, nếu quên quá khứ sẽ không có tương lai".

Phân tích một đoạn trích tự chọn trong Truyện Kiều

Trong dòng chảy văn học trung đại, mỗi nhà văn, nhà thơ đều góp phần làm nên diện mạo của nền văn học Việt Nam qua nhiều tác phẩm xuất sắc thuộc nhiều thể loại khác nhau. Và khi nhắc đến Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, bạn đọc mọi thế hệ không thể không nhắc tới tác phẩm “Truyện Kiều”. Đọc những trang Kiều, người đọc như thấm thía nỗi đau mà Kiều phải chịu đựng nhưng ẩn sau đó chính là vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách của nàng. Có thể nói, đoạn trích trích từ câu “Khi tỉnh rượu lúc tàn canh” đến “Ai tri âm đó mặn mà với ai?” là một minh chứng tiêu biểu cho điều đó.

Trước tình cảnh đầy trớ trêu nơi chốn lầu xanh, trong Thúy Kiều luôn hiện lên bao nỗi niềm đau đớn, xót thương cho thân phận, cuộc đời của mình.

Khi tỉnh rượu lúc tàn canh,
Giật mình mình lại thương mình xót xa.

Câu thơ “Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh” đã mở ra thời gian ban đêm, khi những cuộc vui đã tàn, đó là thời điểm hiếm hoi Kiều được sống là chính mình, đối diện với chính mình cùng bao nỗi niềm, suy tư, trăn trở. Trong chính khoảnh khắc ít ỏi ấy, Kiều “giật mình” bởi sự bàng hoàng, thảng thốt trước thực tại cuộc sống của mình. Để rồi, sau cái giật mình ấy chính là nỗi thương mình, xót xa cho chính bản thân mình và nỗi thương mình, sự xót xa ấy của Kiều xét đến cùng chính là sự tự ý thức về nhân cách của Thúy Kiều. Trong nỗi niềm xót xa, sự cô đơn đến tột cùng ấy, Thúy Kiều đã đi tìm nguyên nhân để lí giải chúng.

Khi sao phong gấm rủ là,
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường.
Mặt sao dày gió dạn sương
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân.

Nghệ thuật đối đã được tác giả sử dụng thành công thông qua việc sử dụng hàng loạt các hình ảnh đối lập nhau, giữa một bên là “phong gấm rủ là” gợi những tháng ngày quá khứ êm đềm, hạnh phúc với một bên là những hình ảnh “tan tác”, “hoa giữa đường”, “dày gió dạn sương”, “bướm chán ong chường” để gợi lên hiện tại phũ phàng, bị chà đạp, vùi dập. Thể hiện sự đối lập giữa quá khứ với hiện tại, tác giả Nguyễn Du đã tô đậm cuộc sống cùng tâm trạng ê chề, nhục nhã, chán chường của Thúy Kiều trong hoàn cảnh đầy trớ trêu. Thêm vào đó, với việc sử dụng hàng loạt từ để hỏi “khi sao”, “giờ sao”, “mặt sao”, “thân sao” đã tạo nên giọng điệu chất vấn, Thúy Kiều như đang tự hỏi, tự dằn vặt chính bản thân mình. Trong nỗi niềm chua xót, đầy giày vò ấy, Thúy kiều đã nhận thức rõ sự đối lập đau xót và chua chát giữa ta và người.

Mặc người mưa Sở mây Tần
Những mình nào biết có xuân là gì.

Không chỉ đối lập giữa cuộc sống ở quá khứ và hiện tại, mà giờ đây, trong Thúy Kiều còn hiện hữu rõ nét sự đối lập giữa cảnh vật bên ngoài với nỗi niềm tân trạng của chính mình. Bi kịch ấy của Thúy Kiều được thể hiện rõ nét trong những tám câu thơ cuối của đoạn trích.

Đòi phen gió tựa hoa kề
Nửa rèm tuyết ngậm bốn bề trăng thâu.
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?

Đòi phen nét vẽ câu thơ,
Cung cầm trong nguyệt nước cờ dưới hoa
Vui là vui gượng kẻo là
Ai tri âm đó mặn mà với ai?

Cuộc sống nơi chốn lầu xanh ở khung cảnh bên ngoài với đầy đủ những nét thanh cao, tao nhã, phong lưu được tác giả tái hiện lại thông qua các hình ảnh giàu sức gợi “gió tựa hoa kề”, “tuyết ngậm”, “trăng thâu”, “nét vẽ”, “câu thơ”, “cung cầm”, “nước cờ”. Nhưng ẩn sâu bên trong đó là bản chất phũ phàng và đầy xót xa, đầy tủi nhục và nhơ nhớp. Và bởi vậy, cảnh vật ở nơi đây đối với Thúy Kiều chính là một sự giả tạo và nàng không thể tìm thấy bầu bạn, không thể tìm thấy tri âm và nàng thờ ơ với mọi thứ xung quanh mình. Đặc biệt, với nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, tác giả Nguyễn Du đã cho thấy tâm trạng của Thúy Kiều khi sống ở nơi đây, đó chính là sự gượng gạo, tự thương, tự xót xa cho số phận của chính mình. Đặc biệt, tâm trạng đau đớn như xé lòng của Kiều được thể hiện qua việc sử dụng hàng loạt các câu hỏi tu từ.

Tóm lại, đoạn trích với việc sử dụng thành công nghệ thuật đối cùng những hình ảnh giàu sức gợi đã thể hiện một cách rõ nét và sâu sắc nỗi niềm tâm trạng, sự xót thương số phận của Thúy Kiều. Đồng thời, ẩn sau đó người đọc cũng cảm nhận được vẻ đẹp nhân cách của nàng.

1 374 18/03/2024


Xem thêm các chương trình khác: