Theo quy định, mỗi cá nhân chỉ có một mã số thuế, dùng để khai và đóng thuế thu nhập cá nhân hoặc thực hiện các thủ tục liên quan đến thuế. Vậy trường hợp vì lý do khách quan nào đó, cá nhân có hai mã số thuế thì sẽ xử lý như nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cách xử lý vấn đề trên nhé.

Cách xử lý thế nào khi cá nhân có 2 mã số thuế

1. Mã số thuế cá nhân là gì?

Căn cứ vào khoản 5 Điều 3 Luật Quản lý thuế 2019 thì mã số thuế cá nhân là một mã số thuế gồm 10 chữ số hoặc 13 chữ số và ký tự khác do cơ quan thuế cấp cho người nộp thuế dùng để quản lý thuế.

Mã số thuế cá nhân là mã số duy nhất để cá nhân sử dụng với mục đích kê khai mọi khoản thu nhập của mình.

2. Quy định mỗi cá nhân được bao nhiêu mã số thuế cá nhân

Căn cứ theo Điểm b khoản 3 Điều 30 Luật Quản lý thuế 2019 thì:

- Cá nhân được cấp 01 mã số thuế duy nhất để sử dụng trong suốt cuộc đời của cá nhân đó. Người phụ thuộc của cá nhân được cấp mã số thuế để giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân. Mã số thuế cấp cho người phụ thuộc đồng thời là mã số thuế của cá nhân khi người phụ thuộc phát sinh nghĩa vụ với ngân sách nhà nước;

Hơn nữa, tại điểm c khoản 3 Điều 30 Luật Quản lý thuế 2019 thì mã số thuế đã cấp không được dùng để cấp lại cho người nộp thuế khác.

Như vậy, mỗi cá nhân sẽ chỉ có 01 mã số thuế duy nhất, gắn với cá nhân đó trong quá trình kê khai, đóng thuế và các thủ tục khác liên quan đến thuế.

Cách xử lý thế nào khi cá nhân có 2 mã số thuế

3. Cách xử lý thế nào khi cá nhân có 2 mã số thuế

Theo quy định liên quan đến mã số thuế cá nhân thì khi một cá nhân có hai mã số thuế thì phải chấm dứt hiệu lực mã số thuế được cấp sau và chỉ sử dụng mã số thuế được cấp đầu tiên để thực hiện kê khai nộp thuế/khấu trừ các thu nhập phát sinh theo quy định của pháp luật về thuế hiện hành.

4. Thủ tục hủy mã số thuế cá nhân thứ hai

Có nhiều cách hủy mã số thuế cá nhân thứ hai trong trường hợp cá nhân có hai mã số thuế, cụ thể như sau:

4.1. Thủ tục hủy mã số thuế cá nhân trực tuyến

Để thực hiện thủ tục hủy mã số thuế cá nhân thứ hai trực tuyến, người nộp thuế phải đăng ký tài khoản giao dịch thuế điện tử và có chữ ký số. Tiếp đó, thực hiện theo những bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang Thuế điện tử của Tổng cục Thuế tại địa chỉ: thuedientu.gdt.gov.vn và chọn Hệ thống Thuế điện tử cá nhân.

Bước 2: Đăng nhập vào tài khoản/đăng ký nếu chưa có tài khoản.

Bước 3: Chọn mục “Đăng ký thuế” và chọn tiếp mục “Kê khai và nộp hồ sơ đăng ký thuế”

Bước 4: Chọn điền tờ khai chấm dứt hiệu lực mã số thuế

Bước 5: Điền tờ khai đính kèm tài liệu tương ứng

Bước 6: Gửi hồ sơ bằng chữ ký số và chờ xác nhận của cơ quan thuế

4.2. Thủ tục hủy mã số thuế cá nhân trực tiếp tại cơ quan thuế

Bước 1: Người nộp thuế nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan thuế quản lý. Hồ sơ gồm:

- Văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế mẫu số 24/ĐK-TCT Thông tư 105/2020/TT-BTC;

- Bản sao Căn cước công dân mới.

Bước 2: Cơ quan thuế xử lý hồ sơ đăng ký thuế

Nếu hồ sơ đầy đủ thì thông báo về việc chấp nhận hồ sơ và thời hạn giải quyết hồ sơ đăng ký thuế chậm nhất là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ;

Trường hợp hồ sơ không đầy đủ thì thông báo cho người nộp thuế chậm nhất là 02 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.

Trên đây là những nội dung liên quan đến mã số thuế cá nhân để bạn đọc hiểu rõ cách giải quyết khi cá nhân có hai mã số thuế một cách dễ dàng hơn. Bên cạnh đến trực tiếp cơ quan thuế để xử lý, bạn hoàn toàn có thể xử lý hủy mã số thuế cá nhân thứ hai tại nhà qua hình thức trực tuyến. Ngày nay, mỗi cá nhân làm việc nhiều chỗ, nên đôi khi tại đơn vị bạn công tác sẽ tạo cho bạn một mã số thuế mặc dù bạn đã có một mã số thuế rồi. Vậy nên bạn cần kiểm tra trên trang của Tổng Cục thuế xem mình hiện tại có mấy mã số thuế cá nhân, nếu vì lý do nào đó bạn có hai mã số thuế thì nhanh chóng tiến hành hủy mã số thuế thứ hai để tránh những rắc rối sau này khi tiến hành kê khai, đóng thuế, quyết toán thuế thu nhập cá nhân và các thủ tục liên quan với thuế.