Soạn bài Thảo luận, tranh luận về một vấn đề trong đời sống (trang 102) Chân trời sáng tạo

Với soạn bài Thảo luận, tranh luận về một vấn đề trong đời sống trang 102 Ngữ văn lớp 11 Chân trời sáng tạo sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 11.

1 590 25/08/2023


Soạn bài Thảo luận, tranh luận về một vấn đề trong đời sống

Bạn hãy:

• Nhớ lại yêu cầu và kỹ năng trình bày ý kiến đánh giá, bình luận về một vấn đề xã hội (Bài 2. Hành trang vào tương lai, Ngữ văn 11, tập một), một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học (Bài 6. Sống với biển rừng bao la, Ngữ văn 11, tập hai) hay một vấn đề xã hội trong tác phẩm nghệ thuật/văn học (Bài 7. Những điều trông thấy, Ngữ văn 11, tập hai).

- Thực hiện thảo luận, tranh luận theo quy trình tương tự quy trình trình bày ý kiến, đánh giá, bình luận về một vấn đề xã hội ở Bài 2, Bài 6, Bài 7, nhưng cần lưu ý sự khác biệt: 1. Chuẩn bị thảo luận tranh luận (thay cho Chuẩn bị nội); 2. Thảo luận, tranh luận (thay cho Trình bày bài nói); 3. Đánh giá, rút kinh nghiệm (thay cho Trao đổi, đánh giá).

• Khi chuẩn bị nội dung để thảo luận, tranh luận, bạn có thể đặt và trả lời một số câu hỏi:

– Các ý kiến về vấn đề đó khác nhau như thế nào?

– Tại sao có những điểm khác nhau đó?

– Căn cứ nào để tôi khẳng định ý kiến hoặc bác bỏ các ý kiến khác?

– Trong quá trình thảo luận, tranh luận, tôi cần tích cực tương tác trong vai trò người nói/ người nghe như thế nào?...

• Trong buổi thảo luận, để các thành viên lắng nghe, tham khảo được nhiều ý kiến, thời gian dành cho mỗi lượt phát biểu thường được chủ toạ ấn định, vì thế, bạn cần chuẩn bị, cân nhắc phát biểu ý kiến của mình thật gãy gọn, mạch lạc, tránh lan man, dài dòng.

• Tuân thủ sự điều hành của chủ toạ; tôn trọng, lắng nghe ý kiến của người khác.

• Khi cần bày tỏ tiếng nói đồng thuận, ủng hộ người có cùng quan điểm với mình hoặc tranh luận khi ý kiến của người khác khác biệt hay trái ngược với mình, bạn cần có thái độ cầu thị, tôn trọng, lịch thiệp. Bởi vì mục đích của thảo luận, tranh luận không nằm ở sự hơn kém, thắng thua mà là nhằm tạo cơ hội để mọi người hiểu ý kiến của nhau, tự nâng cao nhận thức, điều chỉnh quan niệm chưa phù hợp của bản thân, đồng thời hiểu nhau và hợp tác với nhau hiệu quả hơn.

Đề tài (trang 102 sgk Ngữ văn 11 Tập 2):

Lớp bạn tổ chức buổi thảo luận về chủ điểm: “Vấn đề đời sống mà bạn quan tâm” Ban tổ chức gợi ý một số vấn đề như sau:

– Học sinh cấp Trung học phổ thông nên đọc những loại sách nào?

– Kĩ năng sống là gì, vì sao bạn cần phải rèn luyện kĩ năng sống?

– Sự độ lượng và sự dễ dãi trong tình bạn có gì khác nhau?

– Các ý kiến tư vấn của phụ huynh, người thân, bạn bè về hướng nghiệp có ý nghĩa như thế nào đối với bạn?

– …

Hãy chọn một trong các vấn đề nêu trên, chuẩn bị ý kiến để tham gia thảo luận, tranh luận.

Trả lời:

Bài viết tham khảo

Cuộc sống con người ngày càng phát triển, bởi vậy đòi hỏi với mỗi cá nhân ngày càng cao hơn. Để tồn tại trong thế giới hiện nay mỗi người phải hình thành cho mình những kĩ năng sống cơ bản. Những kĩ năng sống này sẽ giúp bạn có thể vượt qua mọi khó khăn, thử thách để vươn đến thành công. Bởi vậy, “việc rèn luyện kĩ năng sống cũng quan trọng như tiếp thu kiến thức”.

Trước hết ta cần hiểu thế nào là kĩ năng sống? Hiểu một cách đơn giản nhất kĩ năng sống là những năng lực cần thiết con người cần có để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống một cách có hiệu quả và mang lại những kết quả tốt đẹp. Kĩ năng sống còn là khả năng mỗi cá nhân duy trì một trạng thái tinh thần khỏe mạnh, minh mẫn, có cách ứng xử phù hợp với mọi người xung quanh.

Bất cứ loài vật nào cũng phải hình thành kĩ năng sống cho riêng mình. Con thỏ rèn cho mình kĩ năng chạy nhanh để trốn thoát sự truy đuổi của kẻ thù; con hổ phải rèn cho mình những kĩ năng cơ bản để có thể bắt mồi;… nếu chúng không có những kĩ năng ấy tất yếu sẽ bị triệt tiêu. Con người cũng không nằm ngoài vòng sinh tồn ấy. Nếu không có những kĩ năng sống cơ bản con người sẽ bị xã hội loại trừ. Nếu mỗi người chỉ biết học tập, tiếp thu tri thức mà quên mất việc rèn luyện kĩ năng sống cơ bản thì dần dần sẽ bị tụt lùi và bị xã hội đào thải.

Như chúng ta đã biết giữa rèn luyện kĩ năng sống và tích lũy kiến thức có mối quan hệ mật thiết với nhau. Tích lũy kiến thức là quá trình chúng ta thu thập kiến thức trong nhà trường, đây là nền tảng cơ bản để rèn luyện kĩ năng sống; kĩ năng sống là quá trình đưa những tri thức đã tích lũy được vào thực tiễn đời sống. Nếu chúng ta chỉ chìm đắm mãi trong sách vở, thì những kiến thức kia cũng mãi chỉ nằm trên giấy, phải đưa chúng vào thực hành thì chúng mới trở nên có ích. Bởi vậy rèn luyện kĩ năng sống sau quá trình học lại càng cần thiết và quan trọng hơn nữa.

Tích lũy kiến thức là bước cơ bản đầu tiên của mỗi cá nhân giúp tăng vốn hiểu biết, là cơ sở để khám phá thế giới. Nhưng tích lũy kiến thức không thôi là chưa đủ để vững vàng bước vào tương lai, mà phải có cả kinh nghiệm, sự trải nghiệm thực tế cuộc sống. Xã hội hiện đại không ngừng phát triển và liên tục biến đổi, tạo nên những tình huống mới mà con người phải tìm cách vượt qua, chinh phục chúng. Nếu chỉ có tri thức sách vở không thôi, chúng ta không thể giải quyết muôn mặt vấn đề đời sống được. Hơn nữa tri thức về một vấn đề chỉ có một nhưng tình huống trong cuộc sống lại muôn hình vạn trạng khác nhau. Bởi vậy không thể áp dụng một tri thức cho tất cả các tình huống đó mà phải có kĩ năng giải quyết các vấn đề khác nhau. Như vậy, trong xã hội hiện đại con người càng cần hơn nữa những kĩ năng sống cơ bản để thích nghi và nâng cao chất lượng cuộc sống của chính mình.

Rèn luyện kĩ năng sống có vai trò hết sức quan trọng đối với mọi người. Trong cuộc sống hiện đại, với mức độ công nghiệp hóa hiện đại hóa diễn ra ngày càng nhanh chóng thì việc hình thành kĩ năng sống lại càng cần thiết hơn bao giờ hết. Cuộc sống hiện đại đòi hỏi con người phải không ngừng tự hoàn thiện bản thân, nâng cao tầm giá trị của chính mình. Kĩ năng sống giúp con người có thể xử lí linh hoạt các tình huống bất ngờ xảy ra. Không chỉ vậy khi có kĩ năng sống bạn sẽ cảm thấy bình tĩnh, tự tin, chủ động hơn trong cuộc việc. Và những người có kĩ năng sống thường dễ đạt được thành công hơn. Ngược lại những kẻ không hình thành được kĩ năng sống cho bản thân thường rụt rè, nhút nhát. Bất cứ vấn đề gì cũng e sợ, không giải quyết được những vấn đề của cuộc sống. Và những người này tỉ lệ thành công thường rất hiếm hoi.

Để rèn luyện thành thục kĩ năng sống chúng ta cần phải một số điều cơ bản sau. Trước hết cần tích lũy cho mình vốn tri thức phong phú, dồi dào. Luôn quan sát những gì xảy ra xung quanh, tự rút ra cho bản thân những bài học, những kinh nghiệm. Không ngừng thử nghiệm những cái mới, không sợ khó khăn gian khổ, bởi kĩ năng sống của mỗi người được hình thành từ chính quá trình trải nghiệm. Càng trải nghiệm nhiều con người càng có nhiều kĩ năng sống. Sống thân thiện, hòa đồng với mọi người xung quanh. Trong nhà trường cần có những khóa học trải nghiệm giúp học sinh hình thành những kĩ năng sinh tồn ngay từ khi còn nhỏ.

Vậy có những kĩ năng sống cơ bản nào chúng ta cần hình thành: kĩ năng sinh tồn, kĩ năng tự giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lí thời gian, kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng giao tiếp, ứng xử với mọi người xung quanh, kĩ năng cảm thông, bao dung. Đó là một trong những kĩ năng cơ bản chúng ta cần có để sinh tồn trong thế giới hiện đại.

Bên cạnh những học sinh có ý thức tôi luyện cả kĩ năng sống lẫn kiến thức sách vở, thì có những bộ phận học sinh lại chỉ chú trọng đến việc tích lũy kiến thức mà quên đi rèn luyện những kĩ năng sống. Điều đó khiến các bạn sẽ gặp khó khăn khi bước vào cuộc sống, bỡ ngỡ và bỏ lỡ nhiều cơ hội để vươn đến thành công.

Rèn luyện kĩ năng sống và tích lũy kiến thức là hai quá trình cần thực hiện song song với nhau. Thực hiện được cả hai yếu tố này sẽ giúp chúng ta dễ dàng vượt qua được những trở ngại trong cuộc sống. Bản thân mỗi người cần ý thức đầy đủ về vấn đề này để có cách phân phối hài hòa giữa tích lũy kiến thức và rèn luyện kĩ năng sống.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 11 Chân trời sáng tạo hay nhất, ngắn gọn khác:

Nhớ con sông quê hương

Thực hành tiếng Việt trang 92

Xà bông con vịt (trang 93)

Viết văn bản thuyết minh (về một đối tượng) có lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận

Ôn tập trang 103

1 590 25/08/2023


Xem thêm các chương trình khác: