Soạn bài Nghiên cứu một vấn đề văn học trung đại Việt Nam (trang 5) Chuyên đề Ngữ văn 11 Cánh diều

Với soạn bài Nghiên cứu một vấn đề văn học trung đại Việt Nam (trang 5) Chuyên đề Ngữ văn lớp 11 Cánh diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn Chuyên đề Văn 11.

1 2,519 02/04/2024


Soạn bài Nghiên cứu một vấn đề văn học trung đại Việt Nam (trang 5)

1. Văn học trung đại Việt Nam

Văn học trung đại Việt Nam là tên gọi bộ phận văn học viết được hình thành và phát triển trong xã hội phong kiến Việt Nam từ thế kỉ X đến cuối thế kỉ XIX. Văn học trung đại Việt Nam gắn bó chặt chẽ với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, tạo dựng được một truyền thống văn học đặc sắc với nhiều tên tuổi lớn: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương,…

Với mười thế kỉ phát triển, văn học trung đại Việt Nam trải quan bốn giải đoạn lớn:

- Từ thế kỉ X đến thế kỉ XIV. Đây là thời kỉ nhà nước phong kiến Việt Nam tập trung xây dựng và phát triển một quốc gia độc lập, tự chủ, thống nhất, kiến tạo nền văn hiến dân tộc. Văn học giai đoạn này có một số tác phẩm, tác giả tiêu biểu như Chiếu dời đô (Thiên đô chiếu – Lý Công Uẩn), bài thơ Sông núi nước Nam (Nam quốc sơn hà – tương truyền của Lý Thường Kiệt), Hịch tưởng sĩ (Dụ chư tì tưởng hịch văn – Trần Quốc Tuấn) và nhiều tên tuổi nổi tiếng khác như Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Đặng Dung,…

- Từ thế kỉ SV đến hết thế kỉ SVII: Cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi mở đầu giai đoạn xây dựng quốc gia Đại Việt thịnh trị, nhưng sau đó, chế độ phong kiến lâm vào tình trạng khủng hoảng, đất nước bị chia cắt bởi nội chiến phong kiến. Văn học giai đoạn này phát triển rực rỡ với những tên tuổi như Nguyễn Trãi (Quân trung từ mệnh tập, Đại cáo bình Ngô, Quốc âm thi tập, Ức Trai thi tập), Thân Nhân Trung (Bài kí để danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất), Lê Thánh Tông (nhiều bài thơ trong Hồng Đức quốc âm thi tập, một số truyện trong Thánh Tông di thảo), Nguyễn Bỉnh Khiêm (Bạch Vân am thi tập, Bạch Vân quốc ngữ thi tập, Nguyễn Dữ (Truyền kì mạn lục),…

- Từ thế kỉ XVIII đến giữa thế kỉ XIX: Chế độ phong kiến rơi vào khủng hoảng trầm trọng dẫn đến suy thoái. Văn học phát triển hết sức rực rỡ, tập trung phản ánh cuộc sống bất công, quan tâm đến số phận con người, đấu tranh đòi quyền sống, quyền hạnh phúc lứa đôi,…Các tác phẩm truyện Nôm, ngâm khúc phát triển mạnh mẽ với Truyện Kiều (Nguyễn Du), Truyện Hoa tiên (Nguyễn Huy Tự), Chinh phụ ngâm (Đặng Trần Côn; Đoàn Thị Điểm diễn Nôm), Cung oán ngâm (Nguyễn Gia Thiều),…thơ Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan,…Văn xuôi tự sự cũng đạt được những thành tựu lớn với Kí sự lên kinh (Thượng kính kí sự - Lê Hữu Trác), tiểu thuyết chương hồi Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái),…

- Nửa cuối thế kỉ XIX: Chế độ phong kiến Việt Nam suy tàn, thực dân Pháp xâm lược, triều đình phong kiến để đất nước rơi vào tay giặc, nhân dân vùng lên kháng chiến với tinh thần yêu nước bất khuất,…Văn học giai đoạn này phản ánh tinh thần yêu nước chống xâm lược với âm hưởng bi tráng, tiêu biểu là thơ văn Nguyền Đình Chiểu (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc), thơ văn Phan Văn Trị, Nguyễn Thông, Nguyễn Quang Bích,…Sau thơ văn yêu nước là thơ văn trào phúng với các tác giả tiêu biểu như Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương,…

Bốn giai đoạn của văn học trung đại Việt Nam có những đặc điểm và thành tựu khác nhau, nhưng đều có điểm chung là văn học luôn gắn bó mật thiết với vận mệnh dân tộc, đất nước và số phận con người.

2. Tập nghiên cứu một vấn đề văn học trung đại Việt Nam

Nghiên cứu một vấn đề trung đại Việt Nam là hoạt động thu thập, xử lí thông tin nhằm phát hiện và làm sáng tỏ một vấn đề chưa được giải quyết hoặc hệ thống hóa một cách khoa học vấn đề đã được nghiên cứu về văn học viết Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX.

Đối với học sinh lớp 11, tập nghiên cứu một vấn đề văn học trung đại Việt Nam là bước đầu biết phát hiện và giải quyết một vấn đề đang còn những khúc mắc hoặc chưa được làm sáng tỏ về văn học Việt Nam thời trung đại, biết hệ thống hóa một vấn đề theo mục đich khoa học và thực tiễn. Mục đích chính của việc tập nghiên cứu là hình thành một số thao tác, phương pháp cơ bản trong hoạt động nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam: thao tác xử lí tư liệu (tìm kiếm, tra cứu, phân loại nguồn tư liệu,…), phương pháp nghiên cứu liên ngành (nghiên cứu văn học trong mối tương quan với lịch sử, văn hóa,…) phương pháp so sánh văn học, nghiên cứu văn học theo đặc điểm thể loại….

3. Nội dung nghiên cứu một vấn đề văn học trung đại Việt Nam

3.1. Từ ý tưởng nghiên cứu đến đề tài, nội dung nghiên cứu của một vấn đề văn học trung đại Việt Nam

Ý tưởng nghiên cứu có thể được hình thành trong quá trình học tập, đọc tài liệu, khi có những băn khoăn, thắc mắc chưa được giải quyết hoặc khi có những vấn đề được làm sáng tỏ. Ý tưởng nghiên cứu có thể do các em tự tìm ra, cũng có thể do thầy, cô gợi ý hoặc giao nhiệm vụ học tập cho các em.

Dưới đây là một số ví dụ về việc hình thành ý tưởng nghiên cứu trước một hiện tượng, một vấn đề của văn học viết trung đại Việt Nam:

- Trong quá trình học tập, các em tiếp xúc nhiều với những văn bản văn học có nội dung yêu nước, từ đó có thể hình thành ý tưởng nghiên cứu về vai trò, vị trí, đặc điểm của nội dung yêu nước trong văn học trung đại Việt Nam.

- Tác phẩm văn học trung đại thường có hiện tượng: tên tác phẩm gắn liền với tên thể loại (Chiếu dời đô, Hịch tướng sĩ, Đại cáo bình Ngô, Truyền kì mạn lục, Kí sự lên kinh (Thượng kinh kí sự), Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc,…). Hiện tượng mang tính đặc thù này gợi lên ý tưởng nghiên cứu về vai trò của thể loại trong văn học trung đại Việt Nam. Việc định danh thể loại ở tên tác phẩm đã xác định đặc điểm của thể loại và như một định hướng cần thiết khi đọc hiểu tác phẩm, khi đi sâu nghiên cứu đặc điểm của từng thể loại.

- Hiện tượng nhiều câu thơ của Truyện Kiều được sử dụng trong lời ăn tiếng nói hằng ngày ở nhiều tầng lớp, nhiều lứa tuổi trong xã hội đương đại có thể đem đến ý tưởng nghiên cứu về ngôn ngữ và sử dụng ngôn ngữ trong Truyện Kiều.

Sau khi hình thành ý tưởng nghiên cứu cần xác định đề tài nghiên cứu. Đề tài nghiên cứu là sự cụ thể hóa ý tưởng nghiên cứu, chứa đựng những điều chưa biết những đã xuất hiện những tiền đề và khả năng có thể biết. Ví dụ, từ ý tưởng nghiên cứu về ngôn ngữ và sử dụng ngôn ngữ trong Truyện Kiều, có thể hình thành các đề tài nghiên cứu: Sự kết hợp giữa khẩu ngữ và ngôn ngữ văn chương trong “Truyện Kiều”, Ngôn ngữ giao tiếp trong “Truyện Kiều”, Tác dụng của ngôn ngữ giao tiếp trong “Truyện Kiều”, Thành ngữ, tục ngữ trong “Truyện Kiều”,…Ở những đề tài này, có những điều chưa biết (khẩu ngữ và ngôn ngữ văn chương, ngôn ngữ giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ giao tiếp trong Truyện Kiều), có những tiền đề và khả năng đã biết (các em đã học Truyện Kiều, những đoạn trích tiêu biểu của Truyện Kiều, đã học và khẩu ngữ, về ngôn ngữ giao tiếp, đã làm quen với một số bài nghiên cứu về Truyện Kiều,…)

Bảng dưới đây thể hiện sự phát triển từ ý tưởng nghiên cứu đến đề tài nghiên cứu:

Soạn bài Nghiên cứu một vấn đề văn học trung đại Việt Nam | Chuyên đề học tập Ngữ văn 11 Cánh diều

Ý tưởng nghiên cứu, đề tài nghiên cứu có phạm vi rộng hay hẹp sẽ phụ thuộc vào yêu cầu và mục đích nghiên cứu, trình độ, năng lực của người nghiên cứu, điều kiện nghiên cứu. Với học sinh lớp 11 – những người bước đầu tập dượt nghiên cứu, nên chọn đề tài có phạm vi hẹp hoặc phạm vi vừa phải.

Ví dụ về đề tài rộng và đề tài hẹp:

Soạn bài Nghiên cứu một vấn đề văn học trung đại Việt Nam | Chuyên đề học tập Ngữ văn 11 Cánh diều

Từ đề tài, đề xác định được mục đích và nội dung nghiên cứu, cần đặt ra những câu hỏi và giả thuyết nghiên cứu. Câu hỏi nghiên cứu là câu hỏi trong trạng thái nghi vấn tạm thời về vấn đề nghiên cứu, góp phần xác định mục đích, phạm vi, nội dung nghiên cứu của đề tài như: Nghiên cứu đề tài nhằm mục đích gì? Phạm vi nghiên cứu đến đâu? Những nội dung nào cần nghiên cứu?,…Giả thuyết nghiên cứu được đặt ra để trả lời cho tính khả thi của câu hỏi nghiên cứu, là “đáp án” tạm thời, “đáp án” dự kiến cho câu hỏi nghiên cứu.

Ví dụ, với đề tài Nghiên cứu đặc điểm truyện thơ Nôm, các câu hỏi nghiên cứu sẽ là: Giới hạn phạm vi nghiên cứu truyện thơ Nôm? Đặc điểm truyện thơ Nôm được thể hiện trên các phương diện nào? Những nội dung nào cần nghiên cứu về đặc điểm truyện thơ Nôm?,… Câu hỏi nghiên cứu giúp cho việc xác định mục đích nghiên cứu của đề tài là chỉ ra phân tích được đặc điểm của truyện thơ Nôm, vận dụng đặc điểm đó để đọc hiểu truyện thơ Nôm. Còn giả thuyết nghiên cứu của đề tài là: Đặc điểm truyện thơ Nôm được thể hiện trên các phương diện đề tài, cốt truyện, nhân vật, ngôn ngữ kể chuyện. Giả thuyết nghiên cứu này giúp cho việc xác định nội dung nghiên cứu: Đặc điểm đề tài truyện thơ Nôm, đặc điểm nhân vật truyện thơ Nôm, đặc điểm ngôn ngữ kể chuyện truyện thơ Nôm.

Với đề tài Ngôn ngữ giao tiếp trong “Truyện Kiều”, các câu hỏi nghiên cứu được đặt ra là: Giới hạn phạm vi nghiên cứu ngôn ngữ giao tiếp trong Truyện Kiều? Ngôn ngữ giao tiếp trong Truyện Kiều được thể hiện trên các phương diện nào? Những nội dung nào cần nghiên cứu về ngôn ngữ giao tiếp trong Truyện Kiều?,..Các câu hỏi nghiên cứu này giúp xác định mục đích nghiên cứu của đề tài là chỉ ra và đánh giá được những thành công nghệ thuật của ngôn ngữ giao tiếp trong Truyện Kiều. Giả thuyết nghiên cứu của đề tài: Đặc điểm ngôn ngữ giao tiếp trong Truyện Kiều được thể hiện qua các phương diện hoàn cảnh giao tiếp, mục đích giao tiếp, đối tượng giao tiếp. Giả thuyết nghiên cứu này giúp cho việc xác định nội dung nghiên cứu. Đặc điểm ngôn ngữ giao tiếp trọng Truyện Kiều qua hoàn cảnh giao tiếp, đối tượng giao tiếp.

Bảng dưới đây thể hiện mối quan hệ giữa đề tài nghiên cứu với mục đích và nội dung nghiên cứu:

Soạn bài Nghiên cứu một vấn đề văn học trung đại Việt Nam | Chuyên đề học tập Ngữ văn 11 Cánh diều

3.2. Gợi ý một số vấn đề nghiên cứu về văn học trung đại Việt Nam

Có nhiều nội dung nghiên cứu về văn học trung đại Việt Nam. Những nội dung này có thể tập hợp thành những hệ thống vấn đề để người nghiên cứu lựa chọn một vấn đề phù hợp với mục đích, điều kiện và khả năng nghiên cứu. Với học sinh lớp 11, các em có thể tập dượt nghiên cứu một số vấn đề của văn học trung đại Việt Nam sau đây:

3.2.1. Nghiên cứu về một nội dung cảm hứng trong văn học trung đại Việt Nam: cảm hứng yêu nước, cảm hứng nhân đạo, cảm hứng thiên nhiên

- Về cảm hứng yêu nước, có thể nghiên cứu những nội dung sau: ý thức độc lập dân tộc, niềm tự hào dân tộc và tự hào về thời đại; tinh thần quyết chiến, quyết thắng kẻ thù xâm lược; tư tưởng trung quân ái quốc (trung với vua là yêu nước, yêu nước là trung với vua) – một đặc điểm của tư tưởng yêu nước thời trung đại.

- Về cảm hứng nhân đạo, có thể nghiên cứu các nội dung: tình yêu thương hướng về những số phận đau khổ, bất hạnh; lên án, tố cáo những thể lực chà đạp lên cuộc sống của người lương thiện, nhất là người phụ nữ; nêu lên khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc, khát vọng tự do, khát vọng công lí, chính nghĩa,…

- Về cảm hứng thiên nhiên, những nội dung có thể nghiên cứu là: cảm hứng về địa danh, phong cảnh đất nước; về bốn mùa xuân, hạ, thu, động; về cảnh vật mây, gió, trăng, hoa, tùng, cúc, trúc, mai,…

3.2.2. Nghiên cứu một vấn đề về thể loại văn học, kiểu văn bản trong văn học trung đại Việt Nam

- Thể loại tự sự: có thể nghiên cứu về truyền kì, về tiểu thuyết chương hồi, truyện thơ Nôm,…qua một tác phẩm cụ thể, tiêu biểu.

- Thể loại trữ tình: có thể nghiên cứu về thơ chữ Hán Đường luật, thơ Nôm Đường luật,…qua một tác giả tiêu biểu hoặc một số bài thơ tiêu biểu.

- Kiểu văn bản: có thể nghiên cứu nghị luận xã hội, nghị luận văn học thời trung đại qua một số tác phẩm tiêu biểu.

3.2.3. Nghiên cứu một vấn đề về ngôn ngữ trong văn học trung đại Việt Nam

Một trong những đặc điểm nổi bật của ngôn ngữ văn học thời trung đại là tính tượng trưng, ước lệ, thường sử dụng điển cố. Vì vậy, có thể nghiên cứu về

- Hình ảnh ước lệ, tượng trưng ở một số tác phẩm thơ hoặc trong sáng tác của một tác giả.

- Cách sử dụng điển cố trong một số tác phẩm cụ thể.

3.2.4. Nghiên cứu một vấn đề về mối quan hệ giữa văn học và văn hóa trong văn học trung đại Việt Nam

Đặc điểm nổi bật của văn học trung đại là luôn có sự gắn kết chặt chẽ với văn hóa thời trung đại. Do vậy, có thể nghiên cứu về văn hóa đề cao nhân nghĩa, đề cao con người trong Phú sông Bạch Đằng (Trương Hán Siêu), Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi); ứng xử văn hóa trong Truyện Kiều (Nguyễn Du), Truyện Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu),…

3.2.5. Nghiên cứu một vấn đề về tác phẩm văn học trung đại Việt Nam

Kiệt tác như Truyện Kiều hay những tác phẩm lớn như Truyện kì mạn lục, Truyện Lục Vân Tiên,…có nhiều vấn đề để nghiên cứu: thể loại của tác phẩm, nghệ thuật xây dựng nhân vật, ngôn ngữ kể chuyện,…

4. Một số phương pháp nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam

4.1. Phương pháp phân tích tác phẩm theo đặc điểm thể loại

Thể loại giữ vai trò quan trọng trong văn học trung đại Việt Nam. Mỗi thể loại có những đặc điểm riêng. Khi sáng tác, các tác giả thường tuân theo những quy phạm về thể loại. Do vậy, người nghiên cứu cần phân tích tác phẩm theo đặc điểm thể loại, hay cách khác là trên cơ sở đặc điểm thể loại để tìm hiểu, phân tích tác phẩm.

Ví dụ dưới đây cho thấy người viết đã phân tích tác phẩm theo đặc điểm thể loại:

Để làm nổi bật tác dụng nghệ thuật của yếu tố tự sự, cần chú ý khai thác những sáng tạo của tác giả về cốt truyện, về xây dựng nhân vật, về ngôn ngữ kể chuyện.

- Cùng dựa trên mô hình cốt truyện với ba sự kiện cơ bản là Gặp gỡ - Tai biến (Thử thách) – Đoàn tụ nhưng Truyện Kiều của Nguyễn Du vẫn có những đặc sắc riêng. Nhìn hình thức bên ngoài thì đoạn kết của Truyện Kiều là sự đoàn tụ của Thúy Kiều với gia đình, với người yêu và đây là một kết thúc có hậu như bao truyện Nôm khác. Thế nhưng, nhìn sâu vào thực chất thì kết thúc truyện là kết thúc không đoàn tụ, một kết thúc mà Kiều và Kim Trọng mãi mãi chia lìa. Kiều có gặp lại Kim Trọng nhưng không phải gặp lại người yêu, không gặp lại tình yêu. Hơn nữa, khi Kiều quyết định giữ mối quan hệ với Kim Trọng là “Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ” – chuyển tình chồng vợ thành tình bạn bè thì đây là một quyết định “đoạn tuyệt” Kim Trọng với tư cách người tình. Sâu trong bản chất, kết thúc Truyện Kiều là một kết thúc không có hậu như nhiều truyện Nôm khác mà là một kết thúc bi kịch. Chính cách kết thúc này cho thấy cái nhìn hiện thực sâu sắc của Nguyễn Du. Chính cách kết thúc này càng làm sâu sắc thêm giá trị nhân đạo của tác phẩm: bên cạnh tiếng nói cảm thương là “bản cáo trạng cuối cùng trong Truyện Kiều” (Xuân Diệu), con người sống trong đau khổ thật còn hơn là sống trong hạnh phúc mặc cảm, lừa dối.

- Hệ thống nhân vật trong truyện Nôm là hệ thống nhân vật có thể phân loại chính diện và phản diện, tương ứng với chính – tà, tốt – xấu. Khi xây dựng nhân vật chính diện, các tác giả thường sử dụng bút pháp ước lệ, tượng trưng để lí tưởng hóa vẻ đẹp của nhân vật, còn lúc miêu tả nhân vật phản diện, các tác giả lại thường sử dụng bút pháp hiện thực để khắc họa tính cách nhân vật. Cần thấy được điều này để có hướng tiếp cận và phân tích nhân vật truyện Nôm cho phù hợp.

Với kiệt tác Truyện Kiều thì bên cạnh tính chất chung lại có những đặc điểm riêng. […]

+ Về nghệ thuật xây dựng nhân vật, một điều cần lưu ý là với kiệt tác Truyện Kiều thì có những nhân vật khó có thể hoàn toàn phân theo loại, bới tính đa diện của hình tượng nhân vật. Ví dụ, các nhân vật Thúy Kiều, Thúc Sinh, Hoạn Thư. Ở những hình tượng nhân vật này, có lúc các mảng sáng tối đan xen. Thúy Kiều là nhân vật chính diện, nhưng tuyệt sắc giai nhân, tuyệt sắc phẩm hạnh “Gương trong chẳng chút bụi trần” vẫn có những phút giây yếu lòng khi “Lễ nhiều nói ngọt nghe lời dễ xiêu” đã khuyên Từ Hải ra hàng Hồ Tôn Hiến. Thúc Sinh “Trước còn trăng gió sau ra đá vàng” với Thúy Kiều nhưng cũng có lúc yếu mềm đến bạc nhược để Kiều rơi vào cảnh “Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm” và đối xử với Kiều khá cạn tình, cạn nghĩa: “Liệu mà cao chạy xa bay/ Ái ân ta có ngần này mà thôi”. Một nahan vật phản diện, một người như Hoạn Thư “Bề ngoài thơn thớt nói cười/ Bề trong nham hiểm giết người không dao” nhưng có lúc biết đối xử với Kiều bằng tấm lòng tri ngộ: “Rằng: Tài nên trọng, mà tình nên thương”, “Nghìn vàng thật cũng nên mua lấy tài”. […]

(Lã Nhâm Thìn, Phân tích tác phẩm văn học trung đại Việt Nam từ góc nhìn thể loại, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009, trang 239 – 241)

4.2. Phương pháp lịch sử

Văn học trung đại Việt Nam có sự gắn bó sâu sắc với lịch sử Việt Nam thời trung đại. Nhiều khi, thời điểm lịch sử đồng thời là thời điểm văn học, một sự kiện lịch sử dẫn đến một sự kiện văn học và ngược lại, sự kiện văn học góp phần ghi dấu mốc cho sự kiện lịch sử. Ví dụ: Sự kiện lịch sử Lý Công Uẩn dời đô năm 1010 gắn với sự ra đời của Chiếu dời đô – một trong những tác phẩm mở đầu nền văn học viết Việt Nam; cuộc kháng chiến chống quân Tống trên sông Như Nguyệt (sông Cầu) gắn với bài thơ Sông núi nước Nam; cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên lần thứ hai với sự xuất hiện của Hịch tướng sĩ, thời điểm lịch sử cuối năm 1427 đầu năm 1428, cuộc kháng chiến chống Minh toàn thắng với sự ra đời của áng “thiên cổ hùng văn” Đại cáo bình Ngô, gắn với sự kiện lịch sử ngày 16/2/1861, nghĩa sĩ nông dân Cần Giuộc nổi dậy tập kích đồn giặc Pháp là sự ra đời tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc,…Chính vì vậy, phương pháp lịch sử có vị trí quan trọng nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam.

Khi nghiên cứu theo phương pháp lịch sử cần lưu ý hai điều cơ bản: thứ nhất, phân tích văn học trong mối tương quan với lịch sử; thứ hai, đối tượng nghiên cứu được nhìn nhận trong sự vận động mang tính lịch sử - sự vận động theo thời gian lịch sử.

Dưới đây là ví dụ nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam theo phương pháp lịch sử:

Nhìn chung, văn học viết đã phát triển liên tục trong mười thế kỉ quốc gia độc lập, cùng với sự phát triển của dân tộc. Từ thế kỉ X đến thế kỉ XV, dòng văn học viết hình thành dần và trở thành bộ phận không thể thiếu của văn học dân tộc bên cạnh dòng văn học dân gian trong việc khẳng định nước Đại Việt độc lập, tự cường. Từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XVIII, cuộc đấu tranh chống lại ách thống trị của các tập đoàn phong kiến đã khẳng định vai trò của nhân dân trong việc bảo về sự thống nhất của đất nước và nền văn học dân tộc. Và lịch sử chứng kiến việc mở rộng nội dung văn học cũng như hình thức văn học. Cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX, văn học viết đạt tới sự phát triển rực rỡ với những tác phẩm có tính cổ điển, phản ánh sự lớn mạnh, chưa từng thấy của phong trào nhân dân chống lại giai cấp phong kiến phản động, bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn và phát huy truyền thống yêu nước, nhân đạo của dân tộc.

Cho đến giữa thế kỉ XIX, nền văn học dân tộc đã trải qua hàng nghìn năm phát triển. Nền văn học ấy phản ánh đất nước Việt Nam, con người Việt Nam, đồng thời, lại có ý thức của con người Việt Nam về Tổ quốc, về dân tộc, về bản thân. Nền văn học ấy nảy sinh từ cuộc đấu tranh của dân tộc, đồng thời, lại là sức mạnh tham gia vào cuộc đấu tranh này. Nền văn học ấy ra đời và phát triển trên cơ sở sự hình thành của dân tộc ta, đồng thời, lại là nhân tố của sự hình thành này.

Từ giữa thế kỉ XIX trở đi, văn học dân tộc với những truyền thống lâu đời lại phát triển theo một phương hướng mới, với nhiều sinh lực mới trong cuộc đấu tranh gian khổ và anh dũng của dân tộc chống kẻ thù xâm lược mới là chủ nghĩa thực dân Pháp.

(Đinh Gia Khánh, trong Văn học Việt Nam thế kỉ X nửa đầu thế kỉ XVIII, tập I, NXB Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1978, trang 49 – 50)

4.3. Phương pháp liên ngành

Ở thời trung đại, văn học chưa hoàn toàn tách ra thành một loại hình nghệ thuật độc lập như tỏng thời hiện đại. Hiện tượng “văn sử triết bất phân” là đặc điểm của văn học trung đại, không có trong văn học hiện đại. Phương pháp liên ngành là hết sức cần thiết khi nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam. Khi áp dụng phương pháp liên nghành trong nghiên cứu văn học, cần đặt văn học trong mối quan hệ liên ngành với lịch sử, văn hóa, tư tưởng,…Văn học phản ánh lịch sử, tư tưởng, văn hóa, đồng thời, những yếu tố lịch sử, văn hóa, tư tưởng lại góp phần cắt nghĩa văn học.

Một ví dụ về nghiên cứu liên ngành giữa văn học và văn hóa:

Nguyễn Trãi đặc biệt nhấn mạnh vào yếu tố văn hóa. Đó là một phát hiện mới. Theo Nguyễn Trãi, nếu dân tộc Đại Việt là một dân tộc độc lập thì không phải chỉ là ở chỗ “Cõi bờ sông núi đã riêng”, mà là còn ở chỗ “Phong tục Bắc Nam cũng khác”, ở chỗ nước Đại Việt “Thật là một nước văn hiến”. Đây thật sự là một lời tuyên ngôn đầu tiên và đầy tự hào về nền văn hóa dân tộc. Nguyễn Trãi đã nêu cao nền văn hiến của dân tộc để chống lại chính sách đồng hóa hiểm độc của giặc, để phản kháng lại thái độ miệt thị văn hóa “man di” của phong kiến Đại Hán. Nguyễn Trãi đã nói đến pháp độ, kỉ cương, đạo nghĩa, phong tục để khẳng định tính độc lập, sự phong phú, lâu đời và sức mạnh đề kháng của nền văn hóa dân tộc, để giành vị trí thích đáng cho nền văn hóa ấy, coi nó là bộ phận quan trọng gắn liền với đất nước. Như vậy, ý thức về nền văn hiến lâu đời của dân tộc và đấu tranh để bảo vệ nền văn hiến ấy là một nội dung mới chỉ có thể tìm thấy sớm nhất trong văn chính luận của Nguyễn Trãi.

(Bùi Duy Tân, Khảo và luận một số tác gia – tác phẩm văn học trung đại Việt Nam, tập một, NXB Giáo dục, 1999, trang 77 – 78)

5. Thực hành nghiên cứu một vấn đề văn học trung đại Việt Nam

5.1. Các bước tiến hành

a) Bước thứ nhất: Từ ý tưởng nghiên cứu đến xác lập đề tài nghiên cứu.

Ví dụ:

Soạn bài Nghiên cứu một vấn đề văn học trung đại Việt Nam | Chuyên đề học tập Ngữ văn 11 Cánh diều

Khi xác lập đề tài nghiê cứu, các em có thể tham khảo ý kiến hoặc sử dụng đề tài do thầy, cô hay nhà khoa học, nhà nghiên cứu gợi ý.

Bài tập thực hành 1 (trang 15 chuyên đề Ngữ văn 11): Từ ý tưởng nghiên cứu ở cột bên trái, hãy xác lập đề tài nghiên cứu ở cột bên phải:

Soạn bài Nghiên cứu một vấn đề văn học trung đại Việt Nam | Chuyên đề học tập Ngữ văn 11 Cánh diều

Trả lời:

Ý tưởng nghiên cứu

Đề tài nghiên cứu

Nghiên cứu thể loại truyện thơ Nôm

Đề tài 1: Nghiên cứu văn bản và giá trị nội dung truyện thơ Nôm

Đề tài 2: Nghiên cứu văn bản và giá trị nghệ thuật truyện thơ Nôm

Đề tài 3: Nghiên cứu về đặc điểm của truyện thơ Nôm

b) Bước thứ hai: Từ đề tài nghiên cứu đến xác lập mục đích, nội dung nghiên cứu

Nội dung nghiên cứu được hình thành từ câu hỏi nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu. Như trên đã nêu, giả thuyết nghiên cứu là “đáp án” tạm thời, “đáp án” dự kiến cho câu hỏi nghiên cứu, xác lập nội dung dự kiến sẽ nghiên cứu. Ví dụ:

Soạn bài Nghiên cứu một vấn đề văn học trung đại Việt Nam | Chuyên đề học tập Ngữ văn 11 Cánh diều

Khi xác định nội dung nghiên cứu, các em có thể hỏi ý kiến thầy, cô hoặc nhà khoa học, nhà nghiên cứu.

Bài tập thực hành 2 (trang 15 chuyên đề Ngữ văn 11): Từ đề tài nghiên cứu đã có, hãy xác lập mục đích và nội dung nghiên cứu:

Soạn bài Nghiên cứu một vấn đề văn học trung đại Việt Nam | Chuyên đề học tập Ngữ văn 11 Cánh diều

Trả lời:

Đề tài nghiên cứu

Mục đích nghiên cứu

Nội dung nghiên cứu

Nhân vật Thúy Kiều (Truyện Kiều của Nguyễn Du) – ước mơ và bi kịch

Vị trí của hình tượng người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

Bi kịch của người phụ nữ.

Giá trị nhân đạo của tác phẩm truyện Kiều qua hình tượng người phụ nữ.

Khát vọng của người phụ nữ

Phong cách xây dựng nhân vật của Nguyễn Du.

Nghệ thuật xây dựng hình tượng người phụ nữ

c) Bước thứ ba: Thu thập tài liệu có liên quan tới đề tài và nội dung nghiên cứu

- Các nguồn thu thập tài liệu:

- Thư viện (trường, địa phương,…)

- Internet: sử dụng các công cụ tìm kiếm với những địa chỉ tin cậy.

- Cách thức tìm kiếm và nội dung tài liệu cần tìm kiếm:

- Dùng tiền đề tài, tên đề mục của nội dung nghiên cứu để xác định tài liệu.

Ví dụ, nếu vấn đề nghiên cứu là thể loại văn học trong văn học trung đại Việt Nam thì tìm đến tên những công trình nghiên cứu về thể loại (công trình nghiên cứu có thể là cuốn sách, bài báo, luận án, luận văn,…)

Soạn bài Nghiên cứu một vấn đề văn học trung đại Việt Nam | Chuyên đề học tập Ngữ văn 11 Cánh diều

Nếu vấn đề nghiên cứu tập trung vào tác phẩm văn học thì tìm đến tên những công trình nghiên cứu về tác phẩm đó. Ví dụ một số công trình nghiên cứu về Truyện Kiều:

Soạn bài Nghiên cứu một vấn đề văn học trung đại Việt Nam | Chuyên đề học tập Ngữ văn 11 Cánh diều

+ Khi thu thập tài liệu, cần phân loại theo nội dung nghiên cứu, ghi chép những vấn đề có liên quan tới nội dung nghiên cứu, đồng thời, ghi lại những suy nghĩ của bản thân nảy sinh trong quá trình đọc tài liệu.

d) Bước thứ tư: Triển khai đề tài nghiên cứu

- Lập đề cương chi tiết cho nội dung nghiên cứu

- Nghiên cứu theo những nội dung được xác lập ở đề cương chi tiết

- Sau khi hoàn thành nội dung nghiên cứu, lập thư mục Tài liệu tham khảo.

5.2. Thực hành nghiên cứu hoàn chỉnh một vấn đề về văn học trung đại Việt Nam

Đề tài: Ngôn ngữ giao tiếp trong “Truyện Kiều” (Nguyễn Du) và vận dụng ngôn ngữ “Truyện Kiều” trong giao tiếp.

5.2.1. Mục đích, phạm vi nghiên cứu

- Mục đích nghiên cứu: tìm hiểu những thành công nghệ thuật của ngôn ngữ giao tiếp trong Truyện Kiều để vận dụng vào đời sống xã hội đương đại.

- Phạm vi nghiên cứu: thành phần ngôn gữ giao tiếp trong Truyện Kiều, những câu thơ Truyện Kiều được sử dụng trong giao tiếp.

5.2.2. Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp khảo sát, hệ thống hóa: thống kê, phân loại những câu thơ Truyện Kiều được sử dụng trong giao tiếp.

- Phương pháp phân tích, tổng hợp: phân tích nội dung và nghệ thuật của những câu thơ hay trong Truyện Kiều thể hiện ngôn ngữ giao tiếp. Trên cơ sở những phân tích cụ thể, khái quát, tổng hợp lại những đặc điểm ngôn ngữ giao tiếp ở Truyện Kiều.

- Phương pháp liên ngành: liên ngành văn học và ngôn ngữ (vận dụng lí thuyết về ngôn ngữ giao tiếp của ngôn ngữ học), liên ngành giữa văn học và văn hóa (văn hóa ứng xử của người Việt Nam) để tìm hiểu ngôn ngữ giao tiếp trong Truyện Kiều.

5.2.3. Nội dung nghiên cứu

a) Hoàn cảnh giao tiếp

- Gặp gỡ - chia xa – đoàn tụ (Những câu thơ được sử dụng: Hữu tình ta lại gặp ta; Nguyên người quanh quất đâu xa; Người đâu gặp gỡ làm chi/ Trăm năm biết có duyên gì hay không; Gìn vàng giữ ngọc cho hay/ Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời; Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi; Chén đưa nhớ bữa hôm nay/ Chén mừng xin đợi ngày này năm sau;…).

- Thuận lợi – khó khăn, hòa hợp – xung đột,… (Những câu thơ được sử dụng: Trăn năm tạc một chữ đồng đến xương, Đinh ninh hai miệng một lời song song,…)

b) Đối tượng giao tiếp

- Giao tiếp theo vai: ngang vai, trên – dưới (Trong quan hệ gia đình, Thúy Kiều ở bậc trên so với Thúy Vân nhưng trong hoàn cảnh Kiều nhờ Vân trả nghĩa cho Kim Trọng, Kiều lại ở vị thế người dưới. Thúy Kiều có cách nói và cử chỉ phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp: Cậy em em có chịu lời/ Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa. Thúy Kiều là người chịu ơn Từ Hải, nàng dùng cách nói tôn xưng đối với Từ Hải: Cũng may dây cát được nhờ bóng cây; Rộng thương có nội hoa hèn; Trộm nhờ sấm sét ra tay).

- Giao tiếp theo trình độ văn hóa,…(Khi nói với Thúc Sinh – một thư sinh có học, Thúy Kiều dùng cách nói trang trọng, dùng những từ Hán Việt, sử dụng điển cố: Nghĩa trọng nghìn non; Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng/ Tại ai há dám phụ lòng cố nhân. Khi nói về Hoạn Thư, Thúy Kiều dùng cách nói dân gian với những thành ngữ, tục ngữ: Kẻ cắp bà già gặp nhau; Kiến bò miệng chén chưa lâu;…).

c) Nội dung giao tiếp

- Thể hiện tình cảm, ý chí:

+ Tâm trạng: buồn – vui, yêu thương – căm giận, ngợi khen – chê trách,… (Những câu thơ được sử dụng: Sầu đong càng lắc càng đầy/ Ba thu dọn lại một ngày dài ghê; Ngày vui ngắn chẳng tày gang, Thì treo giải nhất chi nhường cho ai; Khen tài nhá ngọc phun châu; Mà lòng trọng nghĩa khinh tài xiết bao; Khôn ngoan đến mực, nói năng phải lời; Có tài mà cậy chi tài/ Chữ tài liền với chữ tai một vần; Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều; Rằng hay thì thực là hay/ Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào; Rằng quen mất nết đi rồi; Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao;…)

+ Ý chí: hoài nghi – tin tưởng, chán nản – quyết tâm,…(Những câu thơ được sử dụng: Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao; Đến bây giờ mới thấy đây/ Mà lòng đã chắc những ngày một hai; Mà trong lẽ phải có người, có ta; Của tin gọi một chút này làm ghi; Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh;,…)

- Thể hiện các mối quan hệ gia đình, xã hội:

+ Quan hệ gia đình: cha con, chồng vợ, anh em (Những câu thơ được sử dụng: Làm con trước phải đền ơn sinh thành; Cũng là máu chảu ruột mềm chứ sao; Một cây gánh vác biết bao nhiêu cành; Xót tình máu mủ thay lời nước non;…).

+ Quan hệ xã hội: lứa đôi, bạn bè, họ hàng, làng xóm,…(Những câu thơ được sử dụng: Tình trong như đã, mặt ngoài còn e; Khuôn xanh biết có vuông tròn hay không; Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng, Dẫu thay mái tóc dám dời lòng tơ; Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai; Dẫu mòn bia đá dám sai tấc vàng; Hại nhân nhân hại sự nào tại ta;…)

d) Ngôn ngữ giao tiếp trong Truyện Kiều với đời sống đương đại

Hiện tượng sử dụng ngôn ngữ giao tiếp ở Truyện Kiều trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

- Tác dụng của việc sử dụng ngôn ngữ giao tiếp trong Truyện Kiều:

+Tăng tính chất hàm súc, thâm thúy trong giao tiếp.

+ Tăng tính chất tinh tế, ứng xử văn hóa trong giao tiếp.

5.2.4 Tài liệu tham khảo

Soạn bài Nghiên cứu một vấn đề văn học trung đại Việt Nam | Chuyên đề học tập Ngữ văn 11 Cánh diều

Câu hỏi 1 (trang 19 Chuyên đề Ngữ văn 11): Xác định một số nội dung nghiên cứu về văn học trung đại Việt Nam phù hợp với sở thích, nhu cầu, năng lực nghiên cứu của bản thân.

Trả lời:

- Trong các đề tài, vấn đề được gợi ý ở trên, em chọn đề tài: Tư tưởng và cảm hứng nhân nghĩa trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi.

- Giải thích:

+ Tư tưởng nhân nghĩa là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Việc lựa chọn đề tài này giúp húng ta tìm hiểu về quan niệm của người xưa về "nhân nghĩa".

+ Đề tài giúp chúng ta đi sâu nghiên cứu, cảm nhận về tư tưởng, quan niệm, suy ngẫm của đại thi hào Nguyễn Trãi về "nhân nghĩa" trong các tác phẩm của ông.

Câu hỏi 2 (trang 19 Chuyên đề Ngữ văn 11): Từ ý tưởng nghiên cứu về một vấn đề văn học trung đại Việt Nam, nêu câu hỏi nghiên cứu và xác lập giả thuyết nghiên cứu.

Trả lời:

Câu hỏi nghiên cứu và xác lập giả thiết nghiên cứu:

- Đề tài, vấn đề bạn lựa chọn có liên quan như thế nào đến nội dung, yêu cầu học tập của chương trình?

Trong SGK Ngữ văn 10 Kết nối tri thức, học sinh đã được tìm hiểu về tác giả Nguyễn Trãi cùng các tác phẩm tiêu biểu của ông. Một trong số đó phải kể đến "Bình Ngô đại cáo". Giá trị nội dung nổi bật, bao quát cả tác phẩm là "tư tưởng nhân nghĩa". Việc thực hiện đề tài này giúp chúng ta hiểu sâu hơn, rõ hơn về tư tưởng nhân nghĩa trong các tác phẩm của Nguyễn Trãi nói riêng và văn học trung đại nói chung.

- Đã có người nghiên cứu về đề tài hay chưa? Đưa ra cách triển khai?

Bình Ngô đại cáo là một trong những áng văn chương tiêu biểu của nền văn học trung đại Việt Nam. Nó mang những giá trị lịch sử, văn hóa, tư tưởng sâu sắc, cũng bởi vậy mà đề tài "Tư tưởng và cảm hứng nhân nghĩa trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi" đã được rất nhiều người lựa chọn và khai thác. Vì vậy khi lựa chọn đề tài này, tôi dự kiến sẽ triển khai và đóng góp như sau:

+ Làm nổi bật được giá trị "tư tưởng nhân nghĩa" trong tác phẩm Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi.

+ Làm rõ các giá trị tư tưởng của người xưa về tư tương nhân nghĩa.

+ Ý nghĩa và giá trị về tinh thần mà vấn đề/ đề tài truyền tải.

+ Những ảnh hưởng của đề tài/ vấn đề đối với đời sống hiện tại.

- Có thể tìm kiếm tài liệu từ những nguồn nào để phục vụ cho đề tài, vấn đề nghiên cứu?

Tôi có thể tìm kiếm thông tin, tài liệu từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau:

+ Tham khảo các bài giảng, ý kiến của thầy cô.

+ Các bài viết phân tích trên mạng: Phân tích tư tưởng nhân nghĩa trong tác phẩm Bình Ngô đại cáo;...

+ Các bài viết về có cùng đề tài.

+ Tìm hiểu thông tin, kiến thức qua các sách phân tích về tác giả, tác phẩm.

- Các tác phẩm văn học trung đại có rất nhiều bản dịch, phiên âm khác nhau. Bạn có kinh nghiệm gì hoặc dự kiến xin tư vấn của ai để có thể lựa chọn được văn bản tốt nhất?

Các tác phẩm văn học trung đại có rất nhiều bản dịch, phiên âm khác nhau. Tôi dự kiến sẽ tham khảo ý kiến của các giảng viên hướng dẫn. Bên cạnh đó tìm hiểu một số bản dịch của một số nhà văn, thơ nổi tiếng khác như bản dịch của Ngô Tất Tố, bản dịch của Bùi Kỷ trong Lam Sơn thực lục/Cuốn thứ ba....

Câu hỏi 3 (trang 19 Chuyên đề Ngữ văn 11): Nêu các bước tiến hành nghiên cứu một vấn đề văn học trung đại Việt Nam.

Trả lời:

Các bước tiến hành nghiên cứu một vấn đề về văn học trung đại Việt Nam:

- Bước 1: Từ ý tưởng nghiên cứu đến xác lập đề tài nghiên cứu

Đề tài: Hình tượng người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương.

- Bước 2: Từ đề tài nghiên cứu đến xác lập nội dung nghiên cứu

+ Mục đích nghiên cứu:

• Vị trí của hình tượng người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương

• Giá trị nhân đạo của thơ Hồ Xuân Hương qua hình tượng người phụ nữ

+ Nội dung nghiên cứu:

• Vẻ đẹp của người phụ nữ

• Bi kịch của người phụ nữ

• Khát vọng của người phụ nữ

• Nghệ thuật xây dựng hình tượng người phụ nữ

- Bước 3: Thu thập tài liệu có liên quan tới đề tài và nội dung nghiên cứu.

- Bước 4: Triển khai đề tài nghiên cứu.

Câu hỏi 4 (trang 19 Chuyên đề Ngữ văn 11)Tự chọn một vấn đề về văn học trung đại Việt Nam, triển khai thành một bài nghiên cứu hoàn chỉnh.

Trả lời:

- Về tác giả có thể chọn đề tài: Dấu ấn tiểu sử của Nguyễn Đình Chiểu trong truyện thơ Lục Vân Tiên.

- Thu thập tài liệu: Các tài liệu viết về tác phậm, thể loại, tác giả, thời đại, bối cảnh văn hóa- xã hội liên quan đến đề tài. Đó có thể là sách/ luận văn,luận án/ báo in,..

- Đọc, xử lí tài liệu: lưu trữ hợp lí, sắp xếp gọn gàng để tiện sử dụng.

- Xác lập câu hỏi và giả thiết nghiên cứu:

- Câu hỏi nghiên cứu: Có hay không sự tương đồng giữa Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn thuật hoài của Phạm Ngũ Lão? Nếu có thì nhân tố nào đã quy định sự tương đồng giữa hai tác phẩm vốn rất khác nhau về thể loại ấy?

- Giả thuyết nghiên cứu: Chủ nghĩa yêu nước anh hùng trong đời sống dân tộc thời Trần đã thổi hào khí vào tâm hồn con người văn học.

Xem thêm các bài Soạn Chuyên đề học tập Ngữ văn 11 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Soạn bài Viết báo cáo nghiên cứu một vấn đề văn học trung đại Việt Nam (trang 19)

Soạn bài Thuyết trình một vấn đề văn học trung đại Việt Nam (trang 25)

Soạn bài Bản chất xã hội - văn hóa của ngôn ngữ (trang 34)

Soạn bài Yếu tố mới và sự vận dụng những yếu tố mới của ngôn ngữ trong đời sống xã hội hiện đại (trang 44)

Soạn bài Sự nghiệp văn chương và phong cách nghệ thuật của tác giả văn học (trang 54)

1 2,519 02/04/2024


Xem thêm các chương trình khác: