Số: 12/2013/TT-BGDĐT [THÔNG TƯ] Ban hành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư ban hành Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học.
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/2013/TT-BGDĐT |
Hà Nội, ngày 12 tháng 4 năm 2013 |
THÔNG TƯ
BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM CHO GIẢNG VIÊN TRONG CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009 và Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục; Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ; Nghị định số 07/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 1 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi điểm b, khoản 13, Điều 1 của Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ;
Căn cứ kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học được thành lập tại Quyết định số 388/QĐ-BGDĐT ngày 29 tháng 01 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục,
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư ban hành Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học.
Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học.
Điều 2. Thông tư này thay thế Quyết định số 61/QĐ-BGDĐT ngày 16/10/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên đại học, cao đẳng; Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 16 tháng 6 năm 2013.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và thủ trưởng các cơ sở giáo dục được giao nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |
CHƯƠNG TRÌNH
BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM CHO GIẢNG VIÊN TRONG CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 12/2013/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 4 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Trang bị kiến thức và kĩ năng nghiệp vụ sư phạm cơ bản về giảng dạy đại học cho các đối tượng chưa qua đào tạo về nghiệp vụ sư phạm muốn trở thành giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, nhằm bổ sung nguồn nhân lực và nâng cao năng lực sư phạm cho đội ngũ giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp giáo dục trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Về kiến thức
Người học được trang bị:
- Các kiến thức cơ bản về khoa học giáo dục học đại học; vai trò và sứ mệnh của giáo dục đại học, những xu hướng phát triển của giáo dục đại học hiện đại;
- Các kiến thức cơ bản về tâm lí học, lí luận dạy học đại học, phương pháp và kĩ thuật dạy học đại học;
- Những vấn đề cơ bản về kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học.
b) Về kĩ năng
Người học được cung cấp:
- Các kĩ năng thiết kế kế hoạch dạy học, tổ chức bài học và hướng dẫn phương pháp tự học, tự nghiên cứu cho người học;
- Các kĩ năng xây dựng, phát triển chương trình dạy học, sử dụng các phương tiện dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy ở đại học; kĩ năng nghiên cứu khoa học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập của người học;
- Các kĩ năng phân tích, tổng hợp và đánh giá quá trình dạy học; kĩ năng đọc, viết, trình diễn và giao tiếp trong quá trình dạy học;
- Các kĩ năng tổ chức và quản lí trường đại học, cao đẳng (cấp bộ môn, khoa), quản lí người học theo quy định và nhiệm vụ của giảng viên.
c) Về thái độ
Giúp người học:
- Hình thành ý thức nghề nghiệp, đạo đức và tác phong sư phạm mẫu mực của nhà giáo trong cơ sở giáo dục đại học;
- Hình thành lòng say mê và hứng thú trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học;
- Thể hiện thái độ khách quan, khoa học trong tổ chức và quản lí quá trình dạy học.
II. ĐỐI TƯỢNG BỒI DƯỠNG
Người tốt nghiệp đại học trở lên, chưa qua bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và có nguyện vọng trở thành giảng viên giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học.
III. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH
1. Tổng khối lượng kiến thức tối thiểu: 20 tín chỉ
Trong đó bao gồm:
- Khối kiến thức bắt buộc tối thiểu: 15 tín chỉ.
- Khối lượng kiến thức tự chọn: 5 tín chỉ
2. Nội dung khối kiến thức bắt buộc tối thiểu: 15 tín chỉ
STT |
Nội dung bồi dưỡng |
Số tín chỉ |
Lí thuyết |
Thảo luận, thực hành |
Tự học |
1 |
Giáo dục đại học thế giới và Việt Nam |
1 |
10 |
10 |
30 |
2 |
Tâm lí học dạy học đại học |
1 |
10 |
10 |
30 |
3 |
Lí luận dạy học đại học |
3 |
30 |
30 |
90 |
4 |
Phát triển chương trình và tổ chức quá trình đào tạo đại học |
2 |
15 |
30 |
60 |
5 |
Đánh giá trong giáo dục đại học |
2 |
15 |
30 |
60 |
6 |
Sử dụng phương tiện kĩ thuật và công nghệ trong dạy học đại học |
1 |
10 |
10 |
30 |
7 |
Tâm lí học đại cương |
2 |
15 |
30 |
60 |
8 |
Giáo dục học đại cương |
3 |
30 |
30 |
90 |
|
Tổng cộng |
15 |
135 |
180 |
450 |
IV. MÔ TẢ NỘI DUNG PHẦN KIẾN THỨC BẮT BUỘC TỐI THIỂU
1. Giáo dục đại học thế giới và Việt Nam (1 tín chỉ)
a) Mục tiêu
Giúp người học có tầm nhìn bao quát về sự phát triển của giáo dục đại học trên thế giới và những vấn đề cơ bản của giáo dục đại học Việt Nam.
b) Nội dung
Học phần này bao gồm các nội dung:
- Sơ lược lịch sử phát triển giáo dục đại học thế giới và Việt Nam;
- Xu hướng phát triển giáo dục đại học thế giới;
- Chiến lược đổi mới giáo dục đại học Việt Nam;
- Quản lí giáo dục đại học.
2. Tâm lí học dạy học đại học (1 tín chỉ)
a) Mục tiêu
Giúp người học nắm được bản chất và các quy luật hình thành, phát triển tâm lí người; hiểu được tâm lí lứa tuổi người lớn; cơ sở tâm lí học của quá trình dạy học và giáo dục đại học; những đặc điểm lao động giao tiếp của giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học; có kĩ năng rèn luyện những phẩm chất, nhân cách của giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học; giải quyết những vấn đề đặt ra về tâm lí lứa tuổi thanh niên và người trưởng thành.
b) Nội dung
Học phần này bao gồm các nội dung:
- Bản chất và các quy luật hình thành, phát triển tâm lí người;
- Đặc điểm tâm lí lứa tuổi thanh niên - sinh viên;
- Cơ sở tâm lí học của quá trình dạy học và giáo dục sinh viên đại học;
- Đặc điểm lao động sư phạm đại học và những yêu cầu về nhân cách của người giảng viên đại học;
- Đặc điểm của giao tiếp sư phạm đại học.
3. Lí luận dạy học đại học (3 tín chỉ)
a) Mục tiêu
Giúp người học nắm được cơ sở lí luận và kiến thức, kĩ năng cơ bản về dạy học trong cơ sở giáo dục đại học, trên cơ sở đó hoàn thiện hệ thống kĩ năng, năng lực dạy học đại học.
b) Nội dung
Học phần này bao gồm các nội dung:
- Những vấn đề cơ bản về quá trình dạy học ở đại học;
- Nội dung dạy học đại học;
- Nguyên tắc dạy học đại học;
- Phương pháp và hình thức tổ chức dạy học đại học;
- Lập kế hoạch dạy học đại học;
- Các kĩ thuật dạy học ở đại học nhằm tích cực hoá hoạt động của sinh viên;
- Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên.
4. Phát triển chương trình và tổ chức quá trình đào tạo đại học (2 tín chỉ)
a) Mục tiêu
Trang bị cho người học những kiến thức và kĩ năng tối thiểu về chương trình, phát triển chương trình và tổ chức quá trình đào tạo trong cơ sở giáo dục đại học.
Giúp người học biết cách thiết kế chương trình, đề cương chi tiết học phần, đánh giá chương trình và quá trình đào tạo trong cơ sở giáo dục đại học.
b) Nội dung
Học phần này bao gồm các nội dung:
- Khái niệm chương trình;
- Cấu trúc chương trình;
- Phát triển chương trình;
- Phân cấp quản lí chương trình;
- Tổ chức quá trình đào tạo trong cơ sở giáo dục đại học;
- Vai trò của giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học với việc phát triển chương trình môn học.
5. Đánh giá và kiểm định trong giáo dục đại học (2 tín chỉ)
a) Mục tiêu
Trang bị cho người học những lí luận về phương pháp đánh giá kết quả học tập của sinh viên và những hiểu biết cơ bản về hệ thống đảm bảo chất lượng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trong cơ sở giáo dục đại học.
b) Nội dung
Học phần này bao gồm các nội dung:
- Những vấn đề cơ bản về đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục trong cơ sở giáo dục đại học;
- Đánh giá kết quả học tập của sinh viên;
- Quản lí và đảm bảo chất lượng đào tạo trong cơ sở giáo dục đại học;
- Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học;
- Kiểm định chất lượng chương trình.
6. Sử dụng phương tiện kĩ thuật và công nghệ trong dạy học (1 tín chỉ)
a) Mục tiêu
Trang bị cho người học những kiến thức và kĩ năng cơ bản về phương tiện kĩ thuật và công nghệ trong dạy học ở cơ sở giáo dục đại học.
b) Nội dung
Học phần này bao gồm các nội dung:
- Sử dụng phương tiện trực quan trên giảng đường;
- Sử dụng các thiết bị thí nghiệm, thực hành trong dạy học;
- Tìm kiếm và khai thác các nguồn dữ liệu phục vụ dạy học;
- Sử dụng phần mềm, công cụ soạn thảo văn bản và trình diễn bài giảng.
7. Tâm lí học đại cương (2 tín chỉ)
a) Mục tiêu
Nhằm trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về tâm lí học, các quá trình nhận thức, các quá trình tâm lí, thuộc tính tâm lí con người và ứng dụng của nó trong dạy học, giáo dục, trong đời sống hằng ngày.
Hình thành các kĩ năng nhận biết về đặc điểm tâm lí con người nói chung và đặc điểm tâm lí cá nhân nói riêng, có thái độ ứng xử phù hợp với đối tượng giáo dục.
b) Nội dung
Học phần này bao gồm các nội dung:
- Những vấn đề chung của Tâm lí học;
- Nhận thức, tình cảm, ý chí của con người;
- Tâm lí học lứa tuổi, Tâm lí học sư phạm;
- Ứng dụng những kiến thức của Tâm lí học đại cương vào lĩnh vực dạy học và giáo dục học sinh, sinh viên.
8. Giáo dục học đại cương (3 tín chỉ)
a) Mục tiêu
Trang bị cho người học những kiến thức cơ bản về giáo dục học, vai trò của giáo dục đối với xã hội và cá nhân, những kiến thức cơ bản về dạy học và đặc điểm lao động sư phạm của người giảng viên, trên cơ sở đó hình thành và phát triển năng lực nghề nghiệp cho người học.
b) Nội dung
Học phần này bao gồm các nội dung:
- Giáo dục học là một khoa học;
- Các nhân tố ảnh hưởng tới quá trình hình thành, phát triển nhân cách con người;
- Mục đích, nhiệm vụ giáo dục;
- Nhân cách người thầy giáo;
- Những vấn đề cơ bản về lí luận dạy học;
- Những vấn đề cơ bản về lí luận giáo dục.
V. MÔ TẢ NỘI DUNG PHẦN KIẾN THỨC TỰ CHỌN
1. Phương pháp nghiên cứu khoa học (2 tín chỉ)
a) Mục tiêu
Giúp người học nắm được đối tượng và ý nghĩa của phương pháp nghiên cứu khoa học. Nắm được các phương pháp nghiên cứu khoa học, logic tiến trình nghiên cứu khoa học; biết làm một đề tài nghiên cứu khoa học, biết công bố và đánh giá các công trình khoa học.
b) Nội dung
Học phần này bao gồm các nội dung:
- Đối tượng và ý nghĩa của phương pháp luận nghiên cứu khoa học;
- Khoa học và sự phát triển của khoa học;
- Phương pháp nghiên cứu khoa học;
- Logic tiến trình nghiên cứu khoa học;
- Đề cương nghiên cứu khoa học;
- Công bố và đánh giá các công trình khoa học.
2. Kĩ năng dạy học đại học (2 tín chỉ)
a) Mục tiêu
Giúp người học nắm được và biết vận dụng các kĩ năng dạy học đại học vào thực hiện quá trình dạy học trong cơ sở giáo dục đại học.
b) Nội dung
Học phần này bao gồm các nội dung:
- Khái quát về kĩ năng và kĩ năng dạy học;
- Kĩ năng chuẩn bị bài giảng;
- Kĩ năng thực hiện bài giảng;
- Kĩ năng kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học.
3. Thực tập sư phạm (3 tín chỉ)
a) Mục tiêu
Giúp người học nắm được kiến thức, kĩ năng cơ bản về dạy học trong cơ sở giáo dục đại học.
b) Nội dung
Học phần này bao gồm các nội dung:
- Thực tập sư phạm và vấn đề tiếp xúc ban đầu;
- Tìm hiểu nội dung liên quan đến thực tập sư phạm;
- Chuẩn bị cho giảng dạy;
- Thực hiện giảng dạy;
- Công tác quản lí lớp học.
4. Nâng cao chất lượng tự học (3 tín chỉ)
a) Mục tiêu
Giúp người học biết cách tự học, tự nghiên cứu tài liệu học tập có hiệu quả.
b) Nội dung
Học phần này bao gồm các nội dung:
- Kĩ năng học và tự học;
- Kĩ năng tự giải quyết vấn đề;
- Kĩ năng nghiên cứu tài liệu;
- Lập kế hoạch học tập có hiệu quả.
5. Sử dụng phương tiện, kĩ thuật dạy học chuyên ngành (2 tín chỉ)
a) Mục tiêu
Giúp người học nắm được cách sử dụng các phương tiện kĩ thuật chuyên ngành.
b) Nội dung
Học phần này bao gồm các nội dung:
- Các phương tiện dạy học chuyên ngành;
- Kĩ thuật sử dụng các phương tiện kĩ thuật chuyên ngành.
6. Giao tiếp sư phạm (2 tín chỉ)
a) Mục tiêu
Giúp người học nắm vững các đặc điểm của giao tiếp sư phạm, đối tượng, nguyên tắc và phương pháp giao tiếp sư phạm để giao tiếp thành công và hiệu quả, hình thành kĩ năng ứng xử sư phạm trong hoạt động nghề nghiệp.
b) Nội dung
Học phần này bao gồm các nội dung:
- Những vấn đề cơ bản về giao tiếp, giao tiếp sư phạm;
- Nguyên tắc giao tiếp sư phạm;
- Phương pháp và kĩ năng giao tiếp;
- Thực hành giao tiếp sư phạm.
VI. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho các đối tượng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm muốn trở thành giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học là công cụ giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lí công tác bồi dưỡng giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học.
1. Căn cứ vào chương trình bồi dưỡng này, các cơ sở giáo dục đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ có trách nhiệm xây dựng đề cương chi tiết cho các học phần (bắt buộc và tự chọn) để tiến hành bồi dưỡng cho người học.
Các đối tượng chưa qua đào tạo sư phạm và chưa tham gia giảng dạy trong cơ sở giáo dục đại học phải được học đầy đủ cả hai phần kiến thức bắt buộc và tự chọn của chương trình.
Các đối tượng đã qua đào tạo sư phạm nhưng chưa tham gia giảng dạy trong cơ sở giáo dục đại học phải được học đầy đủ cả hai phần kiến thức bắt buộc và tự chọn của chương trình và được miễn trừ 2 học phần 7 và 8 của chương trình bồi dưỡng này.
Các đối tượng đang giảng dạy cơ sở giáo dục đại học phải được học đầy đủ 10 tín chỉ phần nội dung kiến thức bắt buộc tối thiểu từ học phần 1 đến học phần 6 của chương trình bồi dưỡng này.
2. Phương pháp bồi dưỡng: chủ yếu là tự học, tự nghiên cứu, thảo luận, thực hành ứng dụng.
3. Hình thức tổ chức bồi dưỡng: cần linh hoạt (theo hình thức tích luỹ tín chỉ) cho phù hợp với các loại đối tượng kể trên và với từng lĩnh vực đào tạo.
4. Sau mỗi học phần người học cần được đánh giá kết quả học tập thông qua các bài thi, tiểu luận hoặc trình diễn sản phẩm.
5. Điểm thi các học phần là căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm xét, cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
Xem thêm các chương trình khác: