Sách bài tập Ngữ Văn 11 Bài 3: Khát khao đoàn tụ - Chân trời sáng tạo

Với giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 11 Bài 3: Khát khao đoàn tụ sách Chân trời sáng tạo hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 11.

1 985 30/11/2023


Giải SBT Ngữ Văn 11 Bài 3: Khát khao đoàn tụ

I. Đọc trang 35, 36, 38

A. Câu hỏi củng cố kiến thức, kĩ năng thoe sách giáo khoa

Câu 1 trang 35 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Phương án nào dưới đây nêu đúng nhất đặc điểm chung của truyện thơ

a. Là thể loại mang một số yếu tố của truyện.

b. Là thể loại mang một số yếu tố của thơ.

c. Là thể loại sáng tác bằng văn vẫn.

d. Là thể loại sáng tác bằng văn xuôi

Trả lời:

Đáp án C

Câu 2 trang 36 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Phương án nào dưới đây nêu đúng nhất đặc điểm của nhân vật trong truyện thơ dân gian?

a. Thường là những con người có số phận ngang trái, bất hạnh trong cuộc sống, tình yêu.

b. Thường chia thành hai tuyến rõ ràng: nhân vật chính diện (đại diện cho cái tốt, cái đẹp, cái tiến bộ) và nhân vật phản diện (đại diện cho cái xấu, cái ác, cái bảo thủ).

c. Thường được xây dựng theo khuôn mẫu tài tử – giai nhân: chàng trai tài giỏi, chung tình, hiếu học, trải qua nhiều khó khăn về sau thành đạt; cô gái xinh đẹp, nết na, đảm đang, hiếu thảo, luôn sắt son, chung thuỷ.

d. Tất cả các phương án trên.

Trả lời:

Đáp án A

Câu 3 trang 36 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Ngôn ngữ trong truyện thơ dân gian và truyện thơ Nôm có đặc điểm gì? Cho ví dụ minh hoạ.

Ngôn ngữ

Truyện thơ dân gian

Truyện thơ Nôm

Trả lời:

Ngôn ngữ

Truyện thơ dân gian

Truyện thơ Nôm

Đặc điểm

Ngôn ngữ truyền khẩu, giàu chất trữ tình và mang âm hưởng của các làn điệu dân ca Việt Nam

Truyện thơ Nôm được viết bằng chữ Nôm, có sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình. Truyện thơ Nôm bình dân có ngôn ngữ gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày, còn truyện thơ Nôm bác học sử dụng nhiều biện pháp tu từ và nhiều điển cố

Ví dụ

Nước ngập gốc đáng lại, đừng lại,

Nước ngập rễ đáng bềnh, đừng bềnh.

Đôi ta yêu nhau, tình Lú-Ủa mặn nồng,

Lời đã trao thương không lạc mất.

Như bán trâu ngoài chợ,

Như thu lúa muôn bông,

Lòng ta thương nhau trăm lớp nghìn trùng,

Bền chắc như vàng, như đá.

(Tiễn dặn người yêu - truyện thơ dân gian)

- Ngoảnh đi thì dạ chẳng đành,

Nhận ra thì hoá là tình chẳng ngay.

Gớm thay mặt dạn mày dày,

Trân trân rằng giả con đây mà về.

(Quan Âm Thị Kính - truyện thơ Nôm bình dân)

- Cậy em, em có chịu lời,

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa. Giữa đường đứt gánh tương tư, Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.

(Nguyễn Du, Truyện Kiều - truyện thơ Nôm bác học)

Câu 4 trang 36 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Cốt truyện trong truyện thơ Nôm thường được chia thành mấy nhóm? Là những nhóm nào? Cho ví dụ từng nhóm.

Trả lời:

Cốt truyện của truyện thơ Nôm thường được chia làm hai nhóm, thể hiện qua các sơ đồ sau:

1. Mô hình Gặp gỡ (Hội ngộ) - Tai biển (Lưu lạc) - Đoàn tụ (Đoàn viên) Đoàn tụ (Đoàn viên)

Gặp gỡ (Hội ngộ)

Tai biến (Lưu lạc)

Đoàn tụ (Đoàn viên)

Truyện thơ tiêu biểu cho mô hình này: Truyện Kiều, Bích Câu kì ngộ,...

2. Mô hình Nhân - Quả

Ở hiền

Thử thách/Biến cố

Gặp lành

Ở ác

Gặp dữ

Truyện thơ tiêu biểu cho mô hình này: Thạch Sanh, Quan Âm Thị Kính,...

Câu 5 trang 36 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Trong các tác phẩm dưới đây, tác phẩm nào không phải là truyện thơ?

a. Tiễn dặn người yêu

b. Thạch Sanh

c. Lục Vân Tiên

d. Chinh phụ ngâm

Trả lời:

Đáp án D

Câu 6 trang 36 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Từ các văn bản truyện thơ đã học, hãy nêu một số lưu ý về cách đọc một văn bản thuộc thể loại truyện thơ.

Trả lời:

Khi đọc một văn bản truyện thơ, người đọc cần lưu ý đây là thể loại sáng tác dưới hình thức văn vẫn, có sự kết hợp giữa tự sự với trữ tình. Đồng thời, người đọc cũng cần chú ý tới các đặc điểm chính của thể loại này như cốt truyện, nhân vật, ngôn ngữ,... để có cách tìm hiểu phù hợp.

B. Câu hỏi thực hành đọc hiểu

Đọc văn bản Tống Trân Cúc Hoa (Truyện thơ Nôm khuyết danh) và thực hiện các yêu cầu phía dưới:

TỐNG TRÂN CÚC HOA

(Trích)

1731.

Trạng nguyên ngẫm nghĩ giờ lâu,

Còn chước này nữ xem hầu ai hơn.

Hai người phải thử nấu cơm,

Xem ai chín trước thì hơn tài này.

Mỗi người một vác mía dày,

Lính gạo lính nước cùng tày đem ra.

Công chúa mình vốn cung nga,

Cơm bưng tận mặt chuyên trà tận tay.

Biết đâu trong bếp ngoài ngòi,

Nấu cơm chẳng được kém tươi nét vàng.

1741.

Cúc Hoa nấu chẳng được cơm,

Lửa lên lại tắt hai hàng châu sa.

Trạng nguyên nhân lúc đi qua,

Bày mưu bày chước dạy qua lời này:

Vừa ăn vừa nấu mới hay,

Thưở xưa nuôi mẹ nuôi thầy làm sao?

Cúc Hoa học được chước cao,

Bấy giờ mới lấy mía vào ngồi ăn.

Ăn rồi đun nấu dần dần,

Cúc Hoa nấu đoạn mới bưng cơm vào.

1751.

Trạng nguyên cười nói tiêu hao,

Nào cơm công chúa khi nào bưng lên?

Công chúa ren rén thưa liền,

Tôi đâu có dám tranh quyền chính thê.

Cho nên chẳng nấu làm chi,

Xin chàng trao vị chính thê cho nàng!

Từ rày hiếu phụng gia đường,

Ứng điềm thái mộng, ứng tường bạch vân

Một nhà hòe quế đầy sân,

Lâu đài phúc lộc thiên xuân thọ tường.

1761.

Trai thì đèn sách văn chương,

Gái thì kim chỉ theo đường cung nga.

Vườn xuân cây phúc nở hoa,

Bút nghiên lại nối khôi khoa bảng rồng.

Đền thời hưởng phúc nhà chung,

Mối duyên cũng vẹn chữ đồng cũng yên.

(In trong Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 10, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000, tr. 192 - 193)

Câu 1 trang 38 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Tóm tắt nội dung của văn bản. Chỉ ra chi tiết có vai trò quan trọng trong việc thể hiện nội dung văn bản.

Trả lời:

- Tóm tắt nội dung văn bản: Trạng nguyên (Tống Trân) cho Cúc Hoa và công chúa nước Tần thi tài nấu cơm bằng mía, ai nấu được sẽ xứng đáng ngồi vào vị trí chính thể. Cả hai có vợ đều không biết làm thế nào, Tống Trân bèn chỉ cách “vừa ăn vừa nấu mới hay”, thế là Cúc Hoa nhai mía lấy bã, nấu chín cơm, trở thành vợ cả.

- Chi tiết có vai trò quan trọng trong việc thể hiện nội dung văn bản:

+ Trạng nguyên ra để thi cho Cúc Hoa và công chúa: nấu cơm bằng mía.

+ Cúc Hoa và công chúa đều bó tay trước thử thách này, nhưng Trạng nguyên đã ngầm chỉ cách riêng cho Cúc Hoa.

+ Cúc Hoa ăn mía, rồi lấy bã mía nấu cơm.

+ Thấy Cúc Hoa thắng cuộc, công chúa liền tỏ ý mình không hề muốn tranh giành, mà nhường vị trí chính thê cho Cúc Hoa.

+ Từ đó về sau, gia đình ấm êm, hoà thuận, vinh hoa phú quý.

Câu 2 trang 38 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Đoạn trích được thuật lại theo ngôi kể nào? Dựa vào đầu để bạn khẳng định như vậy?

Trả lời:

Đoạn trích được thuật lại theo ngôi kể thứ ba. Căn cứ nhận biết: Người kể tự giấu mình đi và gọi tên nhân vật theo tên/ chức vị của mỗi người. Trong văn bản, Tống Trân được gọi là “Trạng nguyên”, Cúc Hoa được gọi là “Cúc Hoa, công chúa nước Tần được gọi là “công chúa. Cách kể này giúp người kể có thể kể chuyện một cách linh hoạt, tự do những gì diễn ra với nhân vật.

Câu 3 trang 38 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Phân tích đặc điểm của nhân vật Trạng nguyên (Tống Trân), Cúc Hoa và công chúa được thể hiện qua văn bản.

Trả lời:

- Trạng nguyên: Đây là nhân vật thận trọng và túc trí, đa mưu, thể hiện qua các chi tiết “ngẫm nghĩ giờ lâu”, “bày mưu bày chước”, “cười nói tiêu hao”,... Chàng muốn lập Cúc Hoa làm chính thế, nhưng cũng không muốn làm mất lòng công chúa nước Tần, nên đã cách vẹn toàn cho cả đôi bên.

- Cúc Hoa: Đây là nhân vật hiền hậu, chịu thương chịu khó, thể hiện qua chi tiết: Cúc Hoa nấu chẳng được cơm/ Lửa lên lại tắt hai hàng châu sa và lời nói của Trạng nguyên. Thuở xưa nuôi mẹ nuôi thầy...

- Công chúa: Là nhân vật quyền quý, cành vàng lá ngọc: Công chúa mình vốn cung nga/ Cơm bưng tận mặt chuyên trà tận tay, nhưng cũng rất khiêm tốn, biết mình biết ta: Công chúa ren rén thưa liền/ Tôi đâu có đám tranh quyền chính thê Cho nên chẳng nấu làm chi/ Xin chàng trao vị chính thể cho nàng!

Câu 4 trang 38 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Dấu hiệu nào trong văn bản cho thấy đây là truyện thơ Nôm bình dân?

Trả lời:

Tống Trân Cúc Hoa là tác phẩm truyện thơ Nôm khuyết danh có nội dung phản ánh cuộc sống và khát vọng của nhân dân, ngôn ngữ bình dị, dễ hiểu, gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày.

Câu 5 trang 38 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Xác định chủ đề và thông điệp mà tác giả muốn gửi đến người đọc.

Trả lời:

Đoạn trích thông qua câu chuyện thi nấu cơm giành quyền làm vợ cả để ca ngợi trí tuệ, sự chịu thương, chịu khó của người Việt Nam, đồng thời gửi gắm thông điệp khát khao đoàn tụ và hạnh phúc sum vầy trong gia đình.

II. Tiếng Việt trang 38, 39

Câu 1 trang 38 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Dựa vào phần tri thức về Đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ nói (Ngữ văn 11, tập một, tr. 58), bạn hãy lập một bảng kiểm để nhận diện ngôn ngữ nói.

Trả lời:

Đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ nói

Có/không

Đa dạng về ngữ điệu, góp phần thể hiện trực tiếp tình cảm, thái độ của người nói.

Thường sử dụng khẩu ngữ, từ địa phương, tiếng lóng, trợ từ, thán từ, từ ngữ châm xen, đưa đẩy,...

Thường sử dụng cả câu tỉnh lược và câu có yếu tố dư thừa, trùng lặp.

Kết hợp với các phương tiện phi ngôn ngữ như: Nét mặt, ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ,…

Câu 2 trang 39 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Lời thoại của các nhân vật trong đoạn trích dưới đây có những đặc điểm nào của ngôn ngữ nói?

- Chắc anh đóng ở gần đây?

- Chả gần lắm, tận xóm Đượm.

- Bao xa anh?

- Giang không phải người đây à?

- Vâng, em mới Hà Nội lên

- Giang đáp, và chợt cô rủ tôi:

- Nhà em đang trọ ở ngay kia, anh vào nghỉ một lát.

Tôi do dự:

- Chín giờ, đơn vị điểm danh rồi... mà còn non chục cây.

- Còn sớm, mới sáu giờ kém mà, anh.

(Bảo Ninh - Giang)

Trả lời:

Đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ nói

Đoạn trích

Đa dạng về ngữ điệu, góp phần thể hiện trực tiếp tình cảm, thái độ của người nói

- Có thể hình dung về ngữ điệu trong lời thoại của các nhân vật khi thực hiện đoạn đối thoại ở dạng nói.

- Các lời thoại đa dạng về ngữ điệu, góp phần thể hiện thông tin, thái độ của người nói.

Thường sử dụng khẩu ngữ, từ địa phương, tiếng lóng, trợ từ, thán từ, từ ngữ chêm xen, đưa đẩy

Sử dụng khẩu ngữ (chả, non), trợ từ (à, mà), thán từ (vâng)...

Thường sử dụng câu tỉnh lược, câu có yếu tố dư thừa, trùng lặp

Sử dụng câu tỉnh lược, ví dụ: Chả gần lắm, tận xóm Đượm

Kết hợp với các phương tiện phi ngôn ngữ như: nét mặt, ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ,...

Có mô tả về trạng thái tâm lí của nhân vật (có thể thể hiện qua ngôn ngữ, nét mặt, ánh mắt,...): do dự.

Câu 3 trang 39 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Lời của nhân vật (phần in đậm) trong các đoạn trích sau đây có mang đặc điểm của ngôn ngữ nói không? Vì sao?

a. Cúc Hoa nấu chẳng được cơm,

Lửa lên lại tắt hai hàng châu sa.

Trạng nguyên nhân lúc đi qua,

Bày mưu bày chước dạy qua lời này:

Vừa ăn vừa nấu mới hay,

Thửa xưa nuôi mẹ nuôi thầy làm sao?

(Truyện thơ Nôm khuyến danh, Tống Trân Cúc Hoa)

b. Công chúa ren rén thưa liền,

Tôi đâu có dám trành quyền chính the

Cho nên chẳng nấu làm chi,

Xin chàng trao vị chính thê cho nàng!

(Truyện thơ Nôm khuyến danh, Tống Trân Cúc Hoa)

Trả lời:

Lời của nhân vật trong các đoạn trích đã cho mang một số đặc điểm của ngôn ngữ nói. Trong lời thoại có từ ngữ thường được dùng trong khẩu ngữ (làm sao, đâu có dám), từ ngữ địa phương (làm chi), những câu thường dùng trong lời nói hằng ngày (ví dụ: Thuở xưa nuôi mẹ nuôi thấy làm sao?). Tuy nhiên, vì đây là lời của nhân vật trong truyện thơ, có thể bị chi phối bởi vẫn điệu nên sẽ không phản ánh một cách sinh động, chân thật ngôn ngữ nói trong đời sống hằng ngày.

Câu 4 trang 39 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Tìm hai trường hợp ngôn ngữ nói được ghi lại bằng chữ viết và chỉ ra những dấu hiệu nhận biết ngôn ngữ nói trong các trường hợp này.

Trả lời:

Ví dụ:

Lấy chồng chung

Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng,

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung.

Năm chừng mười hoạ hay chăng chớ,

Một tháng đôi lần có cũng không.

Cố đấm ăn xôi xôi lại hỏng,

Cầm bằng làm mướn mướn không công.

Nỗi này ví biết dường này nhỉ,

Thời trước thôi đành ở vậy xong.

(Hồ Xuân Hương)

- Dấu hiệu nhận biết ngôn ngữ nói: Ngôn ngữ nói được sử dụng trong câu thơ “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung.”. Ở câu thơ này, tác giả đã sử dụng khẩu ngữ để bộc lộ cảm xúc tức giận, oán hận của bản thân khi phải sống trong cảnh một chồng nhiều vợ.

III. Viết trang 40, 41

Câu 1 trang 40 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Điền từ ngữ thích hợp vào các chỗ trống trong đoạn văn sau:

Nghị luận về một tác phẩm văn học (truyện thơ) hoặc một tác phẩm nghệ thuật (bài hát) là kiểu bài nghị luận dùng………….……và………..….…để làm rõ giá trị………………và những nét đặc sắc về……………của tác phẩm (truyện thơ hoặc bài hát) đó.

Trả lời:

Các từ điển vào chỗ trống: lí lẽ – bằng chứng – nội dung – nghệ thuật

Câu 2 trang 40 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Trình bày yêu cầu về bố cục đối với kiểu bài nghị luận về một tác phẩm văn học (truyện thơ) hoặc một tác phẩm nghệ thuật (bài hát) bằng cách điền vào bảng sau (làm vào vở):

Các phần

Nghị luận về một tác phẩm văn học (truyện thơ) hoặc một tác phẩm nghệ thuật (bài hát)

Mở bài

Thân bài

Kết bài

Trả lời:

Các phần

Nghị luận về một tác phẩm văn học (truyện thơ) hoặc một tác phẩm nghệ thuật (bài hát)

Mở bài

Giới thiệu vấn đề nghị luận (tên truyện thơ/ bài hát, tác giả, khái quát nội dung chính của tác phẩm) hoặc nếu định hướng của bài viết.

Thân bài

Lần lượt trình bày các luận điểm để làm nổi bật những nét đặc sắc về nội dung và hình thức nghệ thuật; đưa ra lí lẽ và bằng chứng đa dạng, thuyết phục để làm sáng tỏ luận điểm; các luận điểm, lí lẽ, bằng chứng được sắp xếp theo trình tự hợp lí.

Kết bài

Khẳng định ý kiến về giá trị của tác phẩm hoặc nếu ý nghĩa của tác phẩm đối với bản thân và người đọc/người nghe.

Câu 3 trang 40 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Đọc lại hai bài viết tham khảo về kiểu bài nghị luận về một tác phẩm văn học (truyện thơ) hoặc một tác phẩm nghệ thuật (bài hát) ở Bài 3 và cho biết mỗi ngữ liệu đã đáp ứng yêu cầu đối với kiểu bài như thế nào bằng cách điền vào bảng sau (làm vào vở):

Yêu cầu

Giá trị nội dung nghệ thuật của truyện thơ “Trê Cóc”

“Bài ca hi vọng” của Văn ký-những cánh chim chào đón tương lai

Về nội dung: Nếu và nhận xét được một số nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật dựa trên những lí lẽ xác đáng và bằng chứng tiêu biểu, hợp lí được lấy từ tác phẩm.

Về hình thức: Đảm bảo các yêu cầu của kiểu bài nghị luận như lập luận chặt chẽ, diễn đạt mạch lạc; sử dụng các phương tiện liên kết văn bản và kết hợp các thao tác lập luận hợp lí.

Trả lời:

Yêu cầu

Giá trị nội dung nghệ thuật của truyện thơ “Trê Cóc”

“Bài ca hi vọng” của Văn ký-những cánh chim chào đón tương lai

Về nội dung: Nếu và nhận xét được một số nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật dựa trên những lí lẽ xác đáng và bằng chứng tiêu biểu, hợp lí được lấy từ tác phẩm.

- Nội dung:

+ Mượn chuyện loài vật để nói chuyện con người, xã hội loài người.

+ Ý nghĩa luận lí.

- Nội dung: Hi vọng về tương lai tươi sáng.

- Nghệ thuật:

+ Xây dựng hình tượng phúng dụ.

+ Cách kể chuyện bằng thơ.

- Nghệ thuật:

+ Hình ảnh

+ Giai điệu, ca từ

Về hình thức: Đảm bảo các yêu cầu của kiểu bài nghị luận như lập luận chặt chẽ, diễn đạt mạch lạc; sử dụng các phương tiện liên kết văn bản và kết hợp các thao tác lập luận hợp lí.

Mỗi luận điểm đều có các lí lẽ và bằng chứng. Các lí lẽ và bằng chứng này là thuyết phục vì các lí lẽ lập luận chặt chẽ kết hợp với các bằng chứng lấy từ chính tác phẩm. Ví dụ luận điểm về việc mượn chuyện loài vật để nói chuyện con người đã được bảo vệ bởi vì truyện tuy nói về loài vật nhưng những việc kiện tụng, sai nha hách dịch, quan lại quan liêu, đút lót,... (là những bằng chứng từ tác phẩm) lại đúng là những việc của xã hội loài người,...

- Diễn đạt cũng khá mạch lạc, việc sử dụng các phương tiện liên kết văn bản và kết hợp các thao tác lập luận đã hợp lí.

Bài viết không tách luận điểm về nội dung và hình thức mà trình bày kết hợp trong mỗi luận điểm nhưng vẫn đáp ứng những yêu cầu cơ bản của kiểu bài nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật (bài hát). Bài viết tuy ngắn nhưng đã nêu và nhận xét được một số nét đặc sắc (hình ảnh, ca từ, nội dung) của tác phẩm với những lí lẽ, bằng chứng xác đáng, lập luận chặt chẽ. Bố cục ba phần cũng tương đối rõ và đáp ứng yêu cầu.

Câu 4 trang 41 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Thực hiện để bài sau:

Đề bài: Viết bài văn nghị luận về một trong những truyện thơ mà bạn đã học.

Trả lời:

Tình yêu là một đề tài từng làm rung động trái tim biết bao người và ngân lên thành biết bao lời thơ nhân loại. Mỗi một nhà thơ tìm đến một cách biểu hiện khác nhau: một tình yêu mang yếu tố triết lý trong thơ Tago, một tình yêu nồng nàn đắm say trong thơ Puskin, một tình yêu rạo rực tràn đầy cảm xúc trong thơ Xuân Diệu và “Tiễn dặn người yêu” cũng là một trong số đó, tác phẩm nổi bật về phong cách sáng tác truyện thơ kết hợp rất nổi tiếng của dân tộc Thái. Những trắc trở trong tình yêu, trong hôn nhân đôi khi như thử thách nằm trên con đường dài dẫn đến hạnh phúc, mà chính những con người trong cuộc mới cảm nhận hết, đặc biệt tâm trạng từ phía người con trai - vế chủ động trong một cuộc tình mang đầy sâu sắc, da diết, được miêu tả rõ qua đoạn trích “Lời tiễn dặn”.

Truyện thơ là những truyện dài kể bằng thơ, có sự kết hợp ăn ý, hài hòa giữa hai yếu tố tự sự và trữ tình. Một trong hai chủ đề nổi bật của thể loại này là khát vọng tự do yêu đương và hạnh phúc lứa đôi. "Tiễn dặn người yêu" là truyện thơ của dân tộc Thái gồm 1846 câu thơ là lời của nhân vật trong cuộc kể lại câu chuyện tình yêu, hôn nhân của vợ chồng mình. Cốt truyện diễn ra theo ba chặng: Yêu nhau tha thiết - chia lìa, đau khổ - đoàn tụ hạnh phúc. Đoạn trích này đặc biệt hoàn toàn là lời của chàng trai, cùng tâm trạng đau đớn trên đường tiễn cô gái về nhà chồng, phải chứng kiến cảnh cô bị chính người chồng đánh đập, hình ảnh cô gái hiện lên gián tiếp trong lời nói chân thành của anh.

Điều đau khổ nhất trong tình yêu đó là người mình yêu ở cạnh bên mà không thể chạm vào, muốn quan tâm mà không thể nào quan tâm được. Đó là khi ở gần bên nhau, mà tồn tại một vách ngăn khoảng cách, mà bản thân của mỗi người không có cách nào để có thể vượt qua. Đó cũng chính là tâm trạng, nỗi khổ tâm của cô gái trong truyện, bịn rịn, lưu luyến, không muốn xa rời người yêu:

"Vừa đi vừa ngoảnh lại,

Vừa đi vừa ngoái trông,

Chân bước xa lòng càng đau nhớ.

Em tới rừng ớt ngắt lá ớt ngồi chờ,

Tới rừng cà ngắt lá cà ngồi đợi,

Tới rừng lá ngón ngóng trông".

Những hành động liên tiếp diễn ra "ngoảnh lại, ngoái trông" đã bộc lộ rõ nàng đang chờ đợi được gặp mặt chàng trước khi trở thành vợ của một người khác. Cấu trúc thơ “vừa đi vừa…” được lặp lại hai lần khiến người đọc liên tưởng đến sự day dứt, nặng nề trong bước chân của cô gái. Tình yêu ấy như đang níu đôi chân cô lại, không thể dứt khoát được do bị sức nặng trong lòng đè nén. Kèm theo đó, là một loạt hành động tiếp theo (ngắt lá ớt, ngắt lá cà) với mục đích duy nhất chỉ là muốn chờ đợi người yêu. Các từ ngữ được dùng với độ dày đặc, lặp đi lặp lại như biểu hiện tính đau khổ, nỗi lòng nhớ thương của cô gái, mãi mong người yêu nhưng chẳng thấy anh. Qua mỗi cánh rừng đều dừng lại để ngắt lá, người con gái muốn níu kéo thời gian dài ra, khát khao muốn được gặp lại người yêu thêm chút nữa. Những hành động diễn ra một cách vô định, thể hiện rõ tâm trạng đau khổ, nỗi lòng xót xa, quyến luyến không muốn rời xa, kết thúc mối tình tuyệt đẹp của mình. Cách mô tả đó chứng tỏ chàng trai rất thấu hiểu tình cảm của cô gái. Hai người có chung một cảm nhận khi phải xa nhau: bịn rịn, quyến luyến , đau khổ khi phải chia lìa.

Trong giây phút ấy, phải chăng nhờ tiếng gọi của hai trái tim đồng điệu mà chàng trai đã cảm nhận được người yêu đang cần mình, như hai người đã hẹn nhau từ trước, chàng trai đã tới những nơi người yêu mình từng đi qua:

"Anh tới nơi, em bẻ lá xanh em ngồi;

Được nhủ đôi câu, anh mới đành lòng quay lại,

Được dặn đôi lời, anh yêu em mới chịu quay đi"

Lời tiễn dặn nghe sao mà da diết, day dứt quá. Lúc tiễn đưa này, anh – người đàn ông dân tộc Thái ấy, với những cử chỉ thân mật, tình cảm tuyệt vời, trước người con gái mình yêu, hoàn cảnh éo le hiện tại, anh cũng như chị, cũng muốn níu kéo thời gian giây phút ngắn ngủi được ở bên chị. Ngôn ngữ xưng hô của người Thái nghe sao mà ngọt ngào quá. Anh xưng "anh yêu em ý nói anh yêu của em" và anh cũng gọi chị là "người đẹp anh yêu" ngay từ câu thứ hai của bài thơ, thể hiện tình yêu anh dành cho chị vẫn còn nguyên vẹn, vẫn mặn nồng, sâu sắc dù cho giờ đây chị đã cất bước theo chồng.

Không ít người sống phụ thuộc trong tình cảm, thậm chí “hòa tan” cả vào người mà họ yêu. Họ luôn muốn lúc nào người ấy cũng phải đâu đó bên cạnh mình và nghĩ về mình. Và người Thái cũng thế nên mới có một phong tục như sau:

"Xin hãy cho anh kề vóc mảnh,

Quấn quanh vai ủ lấy hương người,

Cho mai sau lửa xác đượm hơi

Một lát bên em thay lời tiễn dặn!"

Theo phong tục hỏa táng của người dân tộc Thái xưa, khi con người chết đi linh hồn muốn siêu thoát cần có hương của người mà mình yêu thương nhất. Vì thế, chàng trai nghĩ rằng không lấy được người mình yêu coi như rằng cả đời này sẽ không có ai yêu, vì vậy trong giây phút này, khi chàng còn gần nàng thì muốn được quấn lấy, gần sát nàng để mong còn lưu luyến hương thơm của người yêu để sau khi chết sẽ không trở thành kẻ cô đơn, lạc lõng.

Ai mà không mong sau khi lấy được người mình yêu thì có thể cùng nhau xây dựng một tổ ấm viên mãn, hạnh phúc bên bạn đời. Thế nhưng, có mấy người đàn ông nào được như anh, vì yêu chị mà tấm lòng vị tha, bao dung của anh đã vượt cả giới hạn thông thường:

"Con nhỏ hãy đưa anh ẵm,

Bé xinh hãy đưa anh bồng,

Cho anh bế con dòng, đừng ngượng,

Nựng con rồng, con phượng, đừng buồn".

Biết bao nhiêu lý do thực tại như đang chống lại tình yêu của anh, nhưng tình yêu của chàng trai đối với cô gái không hề thuyên giảm, không những chỉ yêu mình chị, còn dành cả tình yêu luôn cả đứa con riêng của cô gái. Đó là cách thể hiện tình yêu cao cả, anh yêu tất cả những gì thuộc về cô gái và sẵn sàng chia sẻ những khó khăn trong sinh hoạt đời thường. Chàng trai này cũng giống với nhân vật trong ca dao người Việt:

“Con mình những trấu cùng tro

Ta đi gánh nước rửa cho con mình”

Những tình cảm chân thành, cao đẹp đó càng là cái cớ để họ đến với nhau. Và lời thề nguyền được bộc bạch đầy quyết tâm với người con gái anh yêu, với tình yêu sắt đá của hai người:

"Đôi ta yêu nhau, đợi tới tháng Năm lau nở,

Đợi mùa nước đỏ cá về,

Đợi chim tăng ló hót gọi hè.

Không lấy được nhau mùa hạ, ta sẽ lấy nhau mùa đông,

Không lấy được nhau thời trẻ, ta sẽ lấy nhau khi goá bụa về già".

Chàng trai một lần nữa nhấn mạnh hoàn cảnh chia ly đau khổ của mình. Sau những tháng ngày phiêu bạt làm việc để có thể kiếm tiền trở về quê hương, điều anh mong muốn nhất chính là lấy người mình yêu. Tuy nhiên hiện thực nghiệt ngã đã khiến họ mới gặp gỡ đã đến hồi chia xa. Chàng trai đã tạc lên trời đất và khắc ghi trong lòng mình lời thề tình yêu son sắt. Đoạn thơ đã trở thành một trong những lời bày tỏ tình yêu hay nhất trong văn học Việt Nam.Chàng trai quyết tâm chờ đợi, không quản sự cách trở của thời gian và không gian. Họ đợi nhau từ mùa lau nở, mùa lũ về lại đến mùa hè chim tăng ló hót. Tiếp đến là cột mốc từ thời trẻ đến khi "góa bụa về già". Đối với chàng trai việc đến với nhau không bao giờ là muộn, vì thế nếu tuổi thanh xuân không được ở bên nhau thì khi "Đầu bạc răng long" ta sẽ đoàn tụ. Bên cạnh đó, tác giả dân gian đã sử dụng nghệ thuật điệp cấu trúc "Không lấy được nhau...ta sẽ lấy nhau..." khẳng định sự quyết tâm đến cùng, sẽ tìm mọi cách để được ở bên người anh yêu.

Trong tình yêu không phải bao giờ cũng đong đầy cảm xúc yêu đương, nồng cháy, thiết tha mà đằng sau nỗi yêu thương, mong nhớ, gần gũi là sự biệt ly, chia cách. Và ở đây, đó chính là nỗi đau khổ, luôn dằn xé trong tâm tư của chàng trai khi chứng kiến cô gái bị đánh đập, hành hạ ngay trước mắt, giờ đây anh chỉ còn có thể làm một việc duy nhất là chăm sóc, an ủi bên cô trong giai đoạn cay đắng này:

“Dậy đi em, dậy đi em ơi!

Dậy rũ áo kẻo bọ,

Dậy phủi áo kẻo lấm!

Đầu bù anh chải cho,

Tóc rối đưa anh búi hộ!

Anh chặt tre về đốt gióng đầu,

Chặt tre dày, anh hun gióng giữa,

Lam ống thuốc này em uống khỏi đau"

Vì muốn một lòng chung thủy son sắt với người yêu, nên có lẽ cô gái đã phản kháng, làm trái với đạo lý của một người con dâu, chỉ để mong bị đuổi, trả về nhà, đoàn tụ với người yêu. Đương nhiên, cô phải trả giá cho những điều đó. Cô bị đánh đập, hành hạ, và bị đối xử như người ở trong nhà. Tất cả những việc cô làm, chàng trai đều hiểu hết, giờ đây trong chàng là một nỗi xót xa, bất lực cùng cực, chỉ còn có thể đứng đằng sau mà vỗ về, an ủi, tận tình chăm sóc sau những trận đòn roi của gia đình chồng.

Anh vực cô dạy không chỉ về thể xác, còn về cả tinh thần, giúp cô có ý chí, nghị lực để sống tiếp quãng đường khó khăn này, anh muốn nói với cô rằng dù cho có chuyện gì xảy ra thì cô sẽ không một mình, luôn có anh ở bên cô cùng cô vượt qua mọi sóng gió:

Những hình ảnh "tơ rối ta cùng gỡ, tơ vò vuốt lại" là minh chứng cho câu hứa chàng sẽ cùng người yêu đối mặt mọi sóng gió, luôn là chỗ dựa vững chắc cho cô mỗi khi gặp trắc trở. Nhưng sức chịu đựng của con người là có giới hạn, tức nước thì vỡ bờ. Thực tế quá cay đắng, chàng trai quyết tâm muốn phá vỡ mọi quy tắc, giành lại người yêu được thể hiện qua những hình ảnh về cái chết:

Chết ba năm hình còn treo đó

Chết thành sông, vực nước uống mát lòng,

Chết thành đất, mọc dây trầu xanh thắm,

Chết thành bèo, ta trôi nổi ao chung,

Chết thành muôi, ta múc xuống cùng bát".

Chết là khi con người ta đã tới bước đường cùng, không thể làm gì được nữa, quá bức xúc với hiện thực cuộc sống. Những cặp đôi này lại không lựa chọn phương án đó mà trái ngược là thái độ quyết tâm sống hạnh phúc, sống mạnh mẽ, cùng nhau phá vỡ rào cản xã hội phong kiến khắt khe để đi đến con đường tình yêu của hai người. Sử dụng hình ảnh cái chết, chỉ để càng khẳng định sức sống mãnh liệt, muốn đoàn tụ bên nhau của hai người đã làm ta liên tưởng đến những vần thơ của Xuân Diệu:

“Phút gần gũi cũng như giờ chia biệt

Tưởng trăng tàn, hoa tạ với hồn tiêu,

Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu!

Yêu, là chết ở trong lòng một ít.”

Có người nói: Tình yêu là một loại trách nhiệm. Trách nhiệm này, trải dài suốt một đời. Trong biển người mênh mông vô tận, có thể gặp một người chính là nhân duyên, nên khi quyết định gắn kết thì đừng tùy tiện buông tay. Và liệu rằng kiên trì mài giũa tình yêu cùng với niềm tin tưởng tuyệt đối sẽ đem đến niềm tin về cái kết có hậu như một câu chuyện cổ tích ngọt ngào?

Đôi ta yêu nhau, tình Lú - Ủa mặn nồng,

Lời đã trao thương không lạc mất;

Như bán trâu ngoài chợ,

Như thu lúa muôn bông.

Lòng ta thương nhau trăm lớp nghìn trùng,

Bền chắc như vàng, như đá.

Yêu nhau, yêu trọn đời gỗ cứng,

Yêu nhau, yêu trọn kiếp đến già,

Ta yêu nhau tàn đời gió, không rung không chuyển,

Người xiểm xui, không ngoảnh không nghe"

Bằng biện pháp tu từ so sánh, tác giả đã khiến cho ta thêm biết được các phong tục, tập quán vô cùng đặc sắc của người Thái, và những câu chuyện tình yêu ngọt ngào của các cặp đôi dân tộc Thái. Sau bao sóng gió, nỗ lực giành lấy hạnh phúc, cuối cùng hai người đã đoàn tụ, được sống bên nhau trọn vẹn. Sức mạnh tình yêu chân chính sẽ khiến cho họ có một kết thúc vô cùng có hậu. Tình yêu của họ cũng giống như Khun Lú - Nàng Ủa, dù xa nhau nhưng tình yêu vẫn còn mãi.

Cái kết của họ chính là niềm tin vào một tình yêu chân chính. Nó có thể khiến những điều tưởng chừng không thể thành có thể. Họ sẽ cùng nhau vượt qua mọi gian nan, biến cố của cuộc đời này để nhận lại những gì xứng đáng nhất. Câu chuyện của hai người là một bằng chứng sống của niềm tin vào tình yêu chân chính trong xã hội xưa khắc nghiệt. Lời tiễn dặn cũng mang ý nghĩa sâu xa là sự tố cáo lên những cổ hủ, tập quán lạc hậu của người dân, đã làm họ dần mất dần đi sự tự do trong tình yêu, mất tính phản kháng. Đồng thời tác giả bày tỏ tiếng nói, khát vọng được tự do yêu đương, tự quyết định bạn đời, cuộc sống hôn nhân của các cặp đôi người Thái.

IV. Nói và nghe trang 41

A. Câu hỏi củng cố kiến thức, kĩ năng theo sách giáo khoa

Câu 1 trang 41 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Các bước cơ bản khi chuẩn bị nói không bao gồm:

a. Xác định đề tài, mục đích nói, đối tượng người nghe

b. Tìm ý, lập dàn ý

c. Luyện tập

d. Trao đổi đánh giá

Trả lời:

Đáp án D

Câu 2 trang 41 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Ý nào dưới đây không phải là yêu cầu cơ bản khi trình bày bài nói?

a. Lắng nghe và trả lời câu hỏi của người nghe.

b. Tương tác với người nghe.

c. Sử dụng ngôn ngữ cơ thể một cách chừng mực để giúp bài nói thêm sinh động.

d. Nói từ tốn, tự tin, với âm lượng đủ nghe.

Trả lời:

Đáp án A

B. Câu hỏi thực hành

Câu hỏi trang 41 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Đề tài: Lớp bạn tổ chức buổi thảo luận về chủ điểm: “Những bài ca về lòng yêu nước”. Ban tổ chức gợi ý một số vấn đề như sau:

- Lòng yêu nước của người Việt Nam đã thể hiện qua âm nhạc như thế nào?

- Bài hát về lòng yêu nước có nhất định phải thuộc dòng nhạc cách mạng không?

- Các bản tình ca có thể chứa đựng tình yêu nước hay không?

- Bạn biết những bài thơ nào viết về lòng yêu nước đã được phổ nhạc?

- Tuổi trẻ ngày nay cảm thấy thế nào khi nghe những bài hát về lòng yêu nước?

Hãy chọn một trong các vấn đề nêu trên, chuẩn bị ý kiến để tham gia thảo luận, tranh luận (lưu ý không chọn và trình bày đề tài mà bạn đã thực hiện trên lớp).

Trả lời:

Thảo luận ý: Bài hát về lòng yêu nước có nhất định phải thuộc dòng nhạc cách mạng không?

Trong bài "Báo cáo chính trị" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đọc tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng Lao động Việt Nam - tháng 2 năm 1951 có viết: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta ...". Tinh thần yêu nước là một trong những truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam ta từ bao đời nay. Tình yêu quê hương, đất nước được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, một trong số đó có thể kể đến là các ca khúc, được sáng tác bởi những con người yêu nước. Các thế hệ các nghệ sĩ, nhạc sĩ đã và đang đóng góp vào kho tàng văn hóa, văn nghệ nhiều tác phẩm có giá trị và ý nghĩa.

Trải qua những thăng trầm lịch sử, các sáng tác đậm chất thơ và tinh thần yêu nước đó vẫn mãi ở trong lòng những người con của Tổ quốc Việt Nam và đặc biệt là với những con người thuộc thế hệ trẻ. Những ca khúc về lòng yêu nước, không còn bị giới hạn trong dòng nhạc cách mạng mà nó ngày một phát triển, mở rộng ra dưới nhiều dòng nhạc khác nhau như nhạc pop, rap, điện tử, nhạc đồng quê…

Bước vào thế kỉ 21, thế hệ sau cách mạnh cũng đã có những sáng tác vô cùng mới mẻ để thể hiện lòng yêu nước trong sáng và nồng nàn ấy. Quá khứ hào hùng và hiện tại lạc quan tiếp tục đan xen nhau, tạo thành khối đoàn kết và thương yêu vững chắc trên giải đất hình chữ S.

Một số sáng tác có thể kể đến:

1. Màu cờ tôi yêu (1979)

Sáng tác: Phạm Tuyên

2. Lá cờ (2010)

Sáng tác : Tạ Quang Thắng

3. Đi trong mùa hè

Sáng tác: Đen Vâu và Trần Tiến.

Bên cạnh những ca khúc trên vẫn còn có rất nhiều ca khúc và những sáng tác giản dị hay hùng tráng thể hiện tinh thần quật cường và lòng yêu nước nồng nàn của người dân Việt Nam. Thế giới biến động và mang đến rất nhiều đổi thay, nhưng tình yêu của hàng triệu trái tim đồng lòng ấy là điểm tựa mãi mãi không bao giờ thay đổi.

Xem thêm lời giải sách bài tập Ngữ văn 11 bộ sách Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Bài 4: Nét đẹp văn hóa và cảnh quan

Bài 5: Băn khoăn tìm lẽ sống

Bài 6: Sống với biển rừng bao la (Truyện ngắn)

Bài 7: Những điều trông thấy

Bài 8: Cái tôi – Thế giới độc đáo

1 985 30/11/2023


Xem thêm các chương trình khác: