Thông tư 35/2017/TT-BQP ngày 12/02/2017 quy định tiêu chuẩn đủ điều kiện bay; tiêu chuẩn, thủ tục cấp giấy phép cho cơ sở thiết kế, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; khai thác tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành
TÓM TẮT VĂN BẢN
Thông tư 35/2017/TT-BQP quy định tiêu chuẩn đủ điều kiện bay; tiêu chuẩn, thủ tục cấp giấy phép cho cơ sở thiết kế, sản xuất, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ; khai thác tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.
1. Tiêu chuẩn đủ điều kiện bay đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ
Theo Thông tư số 35/2017, tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ đủ điều bay khi người khai thác cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về đặc điểm nhận dạng và các tính năng cơ bản của tàu bay, phương tiện bay. Cụ thể một số đặc điểm như:
+ Đặc điểm nhận dạng: kiểu loại, ký hiệu; màu sắc, hình dạng kèm theo; xuất xứ tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; tên, địa chỉ, số điện thoại của cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép, tổ chức bay.
+ Tính năng cơ bản theo Thông tư 35/BQP gồm các thông tin về sải cánh, thân dài, chiều cao; loại động cơ, nhiên liệu sử dụng; tốc độ bay, tầm bay tối đa của phương tiện bay siêu nhẹ, tàu bay không có người lái; độ cao bay tối đa; mô tả phương pháp điều khiển và phương thức bay; số người tham gia vận hành, điều khiển.
2. Tiêu chuẩn, thủ tục cấp giấy phép cho các cơ sở thiết kế, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và các trang bị, thiết bị của tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ
- Theo Thông tư 35, các cơ sở sản xuất, thiết kế, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ muốn được cấp giấy phép thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn về: đầy đủ hồ sơ, tài liệu; nguồn nhân lực chuyên môn kỹ thuật hàng không; trang thiết bị, phương tiện, nhà xưởng và phải chứng minh được các thiết kế phù hợp với tiêu chuẩn đủ điều kiện bay của phương tiện bay siêu nhẹ, tàu bay không người lái.
- Hồ sơ đề nghị cấp phép đối với các cơ sở sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay và các trang thiết bị tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ theo Thông tư 35/2017 gồm:
+ Đối với các cơ sở sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, gồm: Đơn đề nghị theo mẫu; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đầu tư; danh mục thiết bị; danh sách chứng chỉ hành nghề; sơ đồ vị trí mặt bằng, nhà xưởng.
+ Đối với các cơ sở thử nghiệm tàu bay: Thông tư số 35 quy định hồ sơ gồm đơn đề nghị theo mẫu; tài liệu thuyết minh; xác định vị trí khu vực thử nghiệm; các giấy tờ hợp pháp liên quan đến sở hữu, sử dụng, khai thác khu vực thử nghiệm.
- Trình tự, thủ tục cấp giấy phép và các trường hợp cấp đổi, cấp lại giấy phép cho các cơ sở sản xuất, sửa chữa, bào dưỡng, thử nghiệm tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ được quy định cụ thể tại Thông tư 35.
3. Khai thác tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ
Tổ chức, cá nhân khi khai thác tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ phải mang theo các giấy tờ sau, theo Thông tư số 35/2017/BQP:
+ Phép bay;
+ Giấy tờ chứng minh tính pháp lý của tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ như CMND, Giấy phép kinh doanh;
+ Giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ;
+ Trong một số trường hợp thì cần thêm sơ đồ khu vực bay; văn bản chấp thuận và các giấy tờ hợp pháp khác.
Thông tư 35/2017/TT-BQP quy định tiêu chuẩn đủ điều kiện bay; tiêu chuẩn, thủ tục cấp giấy phép cho cơ sở thiết kế, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ có hiệu lực ngày 30/3/2017.