Chương I Thông tư 25/2023/TT-NHNN: Quy định chung
Số hiệu: | 25/2023/TT-NHNN | Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Ngân hàng Nhà nước | Người ký: | Đào Minh Tú |
Ngày ban hành: | 31/12/2023 | Ngày hiệu lực: | 28/02/2024 |
Ngày công báo: | 15/02/2024 | Số công báo: | Từ số 293 đến số 294 |
Lĩnh vực: | Tiền tệ - Ngân hàng | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Tiêu chuẩn tặng Kỷ niệm chương cho cá nhân đã và đang công tác trong ngành Ngân hàng
Ngày 31/12/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 25/2023/TT-NHNN quy định về công tác thi đua, khen thưởng ngành Ngân hàng.
Tiêu chuẩn tặng Kỷ niệm chương cho cá nhân đã và đang công tác trong ngành Ngân hàng
Theo đó, tiêu chuẩn tặng Kỷ niệm chương đối với cá nhân đã và đang công tác trong ngành Ngân hàng như sau:
- Kỷ niệm chương để tặng cho cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trở lên (tính cho tổng thời gian dùng để xét tặng Kỷ niệm chương), có thời gian tham gia công tác trong ngành Ngân hàng đủ 20 năm đối với nam và đủ 15 năm đối với nữ;
- Cá nhân đương nhiên được tặng Kỷ niệm chương gồm: cán bộ Ngân hàng được công nhận là liệt sỹ; cán bộ tham gia Ban trù bị thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam; cán bộ ngân hàng tham gia chiến trường B từ năm 1968 về trước; cán bộ ngân hàng được Nhà nước tặng thưởng các danh hiệu: “Huân chương Sao vàng”, “Huân chương Hồ Chí Minh”, Huân chương Độc lập các hạng, “Anh hùng Lao động” và các đồng chí là Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước;
- Cá nhân ưu tiên xét tặng Kỷ niệm chương gồm: cán bộ công tác trong ngành Ngân hàng từ ngày 06/5/1951 đến ngày 07/5/1954 và có thời gian công tác liên tục đủ 10 năm; cán bộ ngân hàng tham gia chiến trường B, C, K thời kỳ kháng chiến chống Mỹ trước 30/4/1975 thì thời gian công tác được nhân hệ số 2 (một năm bằng 2 năm) khi xét tặng; cán bộ trước đây công tác trong ngành Ngân hàng được cử đi bộ đội, thanh niên xung phong, đi học hoặc điều động sang ngành khác sau đó tiếp tục về lại ngành Ngân hàng công tác thì thời gian đó vẫn được tính là thời gian công tác liên tục trong ngành Ngân hàng khi xét tặng.
Trường hợp không xét tặng Kỷ niệm chương trong ngành Ngân hàng
- Cá nhân bị kỷ luật buộc thôi việc;
- Cá nhân đang bị cơ quan pháp luật truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến các vụ án hình sự mà chưa có kết luận của cơ quan pháp luật có thẩm quyền; đang trong thời gian xem xét kỷ luật và thi hành kỷ luật;
- Cá nhân đã và đang chấp hành hình phạt tù (được hưởng án treo hoặc không được hưởng án treo), cải tạo không giam giữ.
Thông tư 25/2023/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 28/02/2024 và thay thế Thông tư 17/2019/TT-NHNN ngày 31/10/2019.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
Thông tư này quy định về công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Ngân hàng gồm các nội dung sau: đối tượng thi đua, khen thưởng; trách nhiệm tổ chức phong trào thi đua; tiêu chuẩn danh hiệu Lao động tiên tiến, Tập thể lao động tiên tiến, Tập thể lao động xuất sắc, Cờ thi đua của Ngân hàng Nhà nước, hình thức khen thưởng Bằng khen của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Giấy khen, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Ngân hàng Việt Nam”; thẩm quyền quyết định khen thưởng, thủ tục đề nghị khen thưởng; thời gian nhận hồ sơ đề nghị khen thưởng; Hội đồng Thi đua khen thưởng và Hội đồng sáng kiến các cấp; quyền và nghĩa vụ của tập thể, cá nhân được khen thưởng.
Tập thể, cá nhân thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước); tập thể, cá nhân thuộc các tổ chức tín dụng; chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; cơ sở đào tạo; Cơ quan thường trực các Hiệp hội và doanh nghiệp do Ngân hàng Nhà nước quản lý; các tập thể, cá nhân ngoài ngành và hộ gia đình có đóng góp trực tiếp, thiết thực cho hoạt động của ngành Ngân hàng.
1. Đối với Ngân hàng Nhà nước
a) Tập thể lớn là: đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, cơ quan thường trực của các tổ chức đảng, đoàn thể tại trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước;
b) Tập thể cơ sở là: Vụ, Cục, Văn phòng thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng; Chi cục thuộc Cục;
c) Tập thể nhỏ là: phòng (ban) và tương đương thuộc tập thể quy định tại điểm a và b khoản này.
2. Đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam
a) Tập thể lớn là: Ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, Quỹ tín dụng nhân dân, các tổ chức tài chính vi mô (trừ công ty con của tổ chức tín dụng);
b) Tập thể cơ sở là: phòng (ban), trung tâm tại trụ sở chính, chi nhánh, công ty con và đơn vị tương đương thuộc các tập thể quy định tại điểm a khoản này (trừ Quỹ tín dụng nhân dân và các tổ chức tài chính vi mô);
c) Tập thể nhỏ là: phòng (ban), phòng giao dịch trực thuộc Quỹ tín dụng nhân dân, các tổ chức tài chính vi mô; các phòng (ban), phòng giao dịch và đơn vị tương đương thuộc các tập thể quy định tại điểm b khoản này.
3. Đối với các cơ sở đào tạo
a) Tập thể lớn là: Học viện Ngân hàng, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh;
b) Tập thể cơ sở là: phòng, khoa, bộ môn, trung tâm và cơ sở đào tạo, đơn vị thuộc các tập thể quy định tại điểm a khoản này;
c) Tập thể nhỏ là: phòng (ban), khoa, bộ môn và đơn vị tương đương thuộc các tập thể quy định tại điểm b khoản này.
4. Đối với các doanh nghiệp do Ngân hàng Nhà nước quản lý
a) Tập thể lớn là: Nhà máy in tiền Quốc gia, Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam và các doanh nghiệp khác do Ngân hàng Nhà nước quản lý;
b) Tập thể cơ sở là: phòng (ban), xưởng và đơn vị tương đương thuộc các tập thể quy định tại điểm a khoản này;
c) Tập thể nhỏ là: tổ và đơn vị tương đương thuộc các tập thể quy định tại điểm b khoản này.
5. Đối với Cơ quan thường trực các Hiệp hội do Ngân hàng Nhà nước quản lý
a) Tập thể lớn là: Cơ quan thường trực của Hiệp hội Ngân hàng, Hiệp hội Quỹ tín dụng nhân dân, Hiệp hội cho thuê tài chính và các hiệp hội khác do Ngân hàng Nhà nước quản lý;
b) Tập thể nhỏ là: phòng (ban) và đơn vị tương đương thuộc các tập thể quy định tại điểm a khoản này.
1. Sáng kiến trong ngành Ngân hàng (sau đây gọi là sáng kiến) là các giải pháp có tính mới được tạo ra hoặc cải tiến các giải pháp trước đó được áp dụng trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, mang lại lợi ích thiết thực (hiệu quả kinh tế hoặc lợi ích xã hội), nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công tác có khả năng nhân rộng và được cấp có thẩm quyền công nhận bao gồm:
a) Giải pháp quản lý là cách thức tổ chức, điều hành công việc của chủ thể quản lý lên đối tượng quản lý nhằm đạt mục đích nhất định trong công việc;
b) Giải pháp kỹ thuật là cách thức, phương tiện kỹ thuật nhằm giải quyết một nhiệm vụ xác định;
c) Giải pháp tác nghiệp là việc tham mưu, đề xuất các phương pháp thực hiện nhiệm vụ giúp chủ thể quản lý giải quyết công việc đạt hiệu quả;
d) Giải pháp ứng dụng tiến bộ, khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới là phương pháp, cách thức, biện pháp áp dụng giải pháp kỹ thuật đã biết vào thực tiễn hoạt động ngân hàng.
2. Phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến
a) Sáng kiến đạt hiệu quả và có khả năng nhân rộng trong toàn quốc là các giải pháp có tính mới được tạo ra hoặc cải tiến các giải pháp trước đó, được áp dụng trong ngành Ngân hàng mang lại lợi ích thiết thực có phạm vi ảnh hưởng trong toàn quốc;
b) Sáng kiến đạt hiệu quả và có khả năng nhân rộng trong ngành Ngân hàng là các giải pháp có tính mới được tạo ra hoặc cải tiến các giải pháp trước đó, được áp dụng và mang lại lợi ích thiết thực có phạm vi ảnh hưởng trong ngành Ngân hàng;
c) Sáng kiến đạt hiệu quả và có khả năng nhân rộng ở cơ sở là các giải pháp có tính mới được tạo ra hoặc cải tiến các giải pháp trước đó, được áp dụng và mang lại lợi ích thiết thực có phạm vi ảnh hưởng trong đơn vị.
1. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát động, tổ chức, chỉ đạo phong trào thi đua trong ngành Ngân hàng. Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm tham mưu cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong phát động, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện các phong trào thi đua do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát động.
2. Thủ trưởng các đơn vị (Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước; Người đứng đầu của tổ chức tín dụng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, doanh nghiệp do Ngân hàng Nhà nước quản lý; Tổng giám đốc (Giám đốc) chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Tổng thư ký các Hiệp hội do Ngân hàng Nhà nước quản lý) có trách nhiệm phát động thi đua, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua và sơ kết, tổng kết phong trào thi đua thuộc đơn vị.
3. Trưởng Khối, Cụm thi đua có trách nhiệm tổ chức phát động thi đua, ký giao ước thi đua giữa các đơn vị thuộc Khối, Cụm thi đua và gửi bản ký giao ước thi đua về Ngân hàng Nhà nước (Vụ Tổ chức cán bộ) chậm nhất ngày 31 tháng 03; Giám sát việc triển khai thực hiện phong trào thi đua giữa các đơn vị thuộc Khối, Cụm thi đua và tổ chức sơ kết, tổng kết phong trào thi đua. Các chỉ tiêu, nội dung và biện pháp tổ chức thi đua phải thông qua Khối, Cụm thi đua để thống nhất thực hiện.
4. Cấp ủy đảng và đoàn thể các cấp trong ngành Ngân hàng phối hợp chặt chẽ với Thủ trưởng đơn vị chỉ đạo tổ chức, triển khai các phong trào thi đua.
5. Các cơ quan truyền thông, báo chí trong ngành Ngân hàng tuyên truyền về công tác thi đua, khen thưởng; phản ánh đúng kết quả của phong trào thi đua và công tác khen thưởng; phát hiện cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua để nêu gương hoặc giới thiệu với Hội đồng thi đua, khen thưởng các cấp xem xét khen thưởng; phổ biến nêu gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt; đấu tranh phê phán các hành vi vi phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng trong ngành Ngân hàng.