Chương III Thông tư 162/2014/TT-BTC: Quy định về tính hao mòn tài sản cố định
Số hiệu: | 162/2014/TT-BTC | Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Bộ Tài chính | Người ký: | Nguyễn Hữu Chí |
Ngày ban hành: | 06/11/2014 | Ngày hiệu lực: | 01/01/2015 |
Ngày công báo: | 19/12/2014 | Số công báo: | Từ số 1067 đến số 1068 |
Lĩnh vực: | Kế toán - Kiểm toán, Tài chính nhà nước | Tình trạng: |
Hết hiệu lực
02/06/2018 |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Trích khấu hao tài sản cố định trong cơ quan nhà nước
Từ 01/01/2015, Thông tư 162/2014/TT-BTC về chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản cố định, trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, thêm điều khoản quy định về trích khấu hao tài sản cố định của cơ quan, tổ chức, đơn vị như sau:
- Tài sản không tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, góp vốn liên doanh, liên kết: chỉ tính hao mòn tài sản, không trích khấu hao.
- Tài sản tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, góp vốn liên doanh, liên kết: phải trích khấu hao tài sản cố định (trừ trường hợp liên kết tạo ra pháp nhân mới hoặc cho thuê).
Thông tư 162 thay thế Quyết định 32/2008/QĐ-BTC.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
1. Các loại tài sản cố định sau đây không phải tính hao mòn:
a) Tài sản cố định là quyền sử dụng đất;
b) Tài sản cố định đặc biệt được quy định tại Điều 5 Thông tư này;
c) Tài sản cố định đơn vị đang thuê sử dụng;
d) Tài sản cố định bảo quản hộ, giữ hộ, cất trữ hộ Nhà nước;
đ) Các tài sản cố định đã tính hao mòn đủ nhưng vẫn còn sử dụng được;
e) Các tài sản cố định chưa tính hết hao mòn nhưng đã hỏng không tiếp tục sử dụng được.
2. Việc tính hao mòn tài sản cố định thực hiện mỗi năm 1 lần vào tháng 12, trước khi khóa sổ kế toán hoặc bất thường. Phạm vi tài sản cố định phải tính hao mòn là tất cả tài sản cố định hiện có (trừ các tài sản cố định quy định tại Khoản 1 Điều này) tính đến ngày 31 tháng 12 của năm tính hao mòn.
Riêng các tài sản cố định tham gia toàn bộ thời gian vào hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ hoặc vừa sử dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, vừa sử dụng vào hoạt động theo chức năng nhiệm vụ của đơn vị thì việc tính hao mòn và trích khấu hao tài sản cố định thực hiện theo quy định tại Điều 14 Thông tư này.
3. Trường hợp bàn giao, chia tách, sáp nhập, giải thể cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc tổng kiểm kê đánh giá lại tài sản cố định theo chủ trương của Nhà nước thì hao mòn tài sản cố định được tính tại thời điểm có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
1. Thời gian sử dụng và tỷ lệ hao mòn tài sản cố định hữu hình thực hiện theo quy định tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này.
Trường hợp cần thiết phải quy định thời gian sử dụng xe ô tô là 10 năm để phù hợp với tình hình thực tế xe ô tô hoạt động ở địa bàn khó khăn, thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương quy định cụ thể sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định cụ thể sau khi có ý kiến thống nhất của Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành quy định:
a) Danh mục, thời gian sử dụng và tỷ lệ hao mòn tài sản cố định vô hình thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành, địa phương (theo Mẫu tại Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư này).
Thời gian sử dụng tối thiểu của một tài sản cố định vô hình không thấp hơn 4 năm và không vượt quá 50 năm.
Trường hợp cần thiết phải quy định thời gian sử dụng tài sản cố định vô hình dưới 4 năm để phù hợp với tình hình thực tế, thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định cụ thể sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ quản lý chuyên ngành có liên quan.
b) Thời gian sử dụng và tỷ lệ hao mòn tài sản cố định đặc thù thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành, địa phương (theo Mẫu tại Phụ lục số 3 ban hành kèm theo Thông tư này).
1. Mức hao mòn hàng năm của từng tài sản cố định được tính theo công thức sau:
Mức hao mòn hàng năm của từng tài sản cố định |
= |
Nguyên giá của tài sản cố định |
x |
Tỷ lệ tính hao mòn (% năm) |
Hàng năm, trên cơ sở xác định số hao mòn tăng và số hao mòn giảm phát sinh trong năm, cơ quan, tổ chức, đơn vị tính tổng số hao mòn của tất cả tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị cho năm đó theo công thức:
Số hao mòn tài sản cố định tính đến năm (n) |
= |
Số hao mòn tài sản cố định đã tính đến năm (n-1) |
+ |
Số hao mòn tài sản cố định tăng trong năm (n) |
- |
Số hao mòn tài sản cố định giảm trong năm (n) |
2. Đối với những tài sản cố định có thay đổi về nguyên giá, thì cơ quan, tổ chức, đơn vị xác định lại các chỉ tiêu nguyên giá, giá trị còn lại, số hao mòn lũy kế của tài sản cố định đó để ghi sổ kế toán. Căn cứ vào tỷ lệ hao mòn tài sản cố định hữu hình quy định tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư này, tỷ lệ hao mòn tài sản cố định vô hình, tỷ lệ hao mòn tài sản cố định đặc thù theo quy định tại Điều 12 Thông tư này để tiếp tục tính hao mòn tài sản cho các năm còn lại.
3. Số hao mòn tài sản cố định cho năm cuối cùng thuộc thời gian sử dụng của tài sản cố định được xác định là hiệu số giữa nguyên giá và số hao mòn lũy kế đã thực hiện của tài sản cố định đó.
1. Tài sản cố định của cơ quan, tổ chức, đơn vị không tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, góp vốn liên doanh, liên kết, thì cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện tính hao mòn tài sản cố định theo quy định tại Thông tư này; không trích khấu hao.
2. Mọi tài sản cố định của đơn vị sử dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, góp vốn liên doanh, liên kết mà không hình thành pháp nhân mới hoặc cho thuê theo quy định của pháp luật đều phải trích khấu hao tài sản cố định. Việc trích khấu hao tài sản cố định thực hiện như sau:
a) Đối với tài sản cố định được sử dụng toàn bộ thời gian vào hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, góp vốn liên doanh, liên kết, đơn vị thực hiện chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao theo quy định áp dụng cho doanh nghiệp. Trường hợp cần thiết trích khấu hao theo tỷ lệ hao mòn tài sản cố định tương ứng quy định tại Thông tư này, đơn vị sử dụng tài sản báo cáo cơ quản quản lý cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định.
Tỷ lệ khấu hao và số khấu hao trong năm (theo Mẫu tại Phụ lục số 5 ban hành kèm theo Thông tư này), đơn vị gửi cơ quan quản lý thuế trực tiếp trước ngày 01 tháng 01 hàng năm để theo dõi, quản lý.
b) Đối với những tài sản cố định vừa sử dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, góp vốn liên doanh, liên kết; vừa sử dụng vào hoạt động theo chức năng nhiệm vụ của đơn vị thì thực hiện như sau:
- Đơn vị tính toán, xác định tổng giá trị hao mòn trong năm của tài sản cố định vừa sử dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, góp vốn liên doanh, liên kết; vừa sử dụng vào hoạt động theo chức năng nhiệm vụ theo tỷ lệ hao mòn tài sản cố định quy định tại Thông tư này.
- Căn cứ tình hình sử dụng tài sản (thời gian sử dụng, tần suất sử dụng hoặc khối lượng công việc hoàn thành); đơn vị tính toán phân bổ số khấu hao và số hao mòn trong tổng giá trị hao mòn đã xác định. Lập và gửi cơ quan quản lý thuế trực tiếp thông tin về số khấu hao và số hao mòn tài sản trong năm (theo Mẫu tại Phụ lục số 5 ban hành kèm theo Thông tư này). Thời hạn gửi trước ngày 01 tháng 01 hàng năm để theo dõi, quản lý.
- Đơn vị thực hiện phân bổ số khấu hao đã đăng ký để hạch toán kế toán vào chi phí cung ứng dịch vụ công, chi phí sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê cho phù hợp; thực hiện hạch toán kế toán hao mòn tài sản cố định đối với số hao mòn đã đăng ký.
c) Việc quản lý, sử dụng số tiền trích khấu hao
Số tiền trích khấu hao tài sản cố định được đầu tư, mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc ngân sách nhà nước, đơn vị được sử dụng để bổ sung vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.
Số tiền trích khấu hao tài sản cố định được đầu tư, mua sắm từ nguồn vốn huy động, đơn vị được sử dụng để hoàn trả gốc và lãi; số còn lại để bổ sung vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.