Chương I Thông tư 118/2023/TT-BQP: Những quy định chung
Số hiệu: | 118/2023/TT-BQP | Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Bộ Quốc phòng | Người ký: | Phan Văn Giang |
Ngày ban hành: | 22/12/2023 | Ngày hiệu lực: | 01/01/2024 |
Ngày công báo: | 05/01/2024 | Số công báo: | Từ số 29 đến số 30 |
Lĩnh vực: | Bộ máy hành chính | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Các danh hiệu thi đua trong Quân đội nhân dân Việt Nam từ ngày 01/01/2024
Ngày 22/12/2023, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 118/2023/TT-BQP quy định và hướng dẫn thi đua, khen thưởng trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Các danh hiệu thi đua trong Quân đội nhân dân Việt Nam từ ngày 01/01/2024
Theo đó, từ ngày 01/01/2024 sẽ có những danh hiệu thi đua trong Quân đội nhân dân Việt Nam như sau:
(1) Đối với cá nhân sẽ gồm có các danh hiệu thi đua sau:
- Chiến sĩ thi đua toàn quốc;
- Chiến sĩ thi đua toàn quân;
- Chiến sĩ thi đua cơ sở;
- Chiến sĩ tiên tiến, Lao động tiên tiến.
(2) Đối với tập thể sẽ gồm có các danh hiệu thi đua sau:
- Cờ thi đua của Chính phủ;
- Cờ thi đua của Bộ Quốc phòng;
- Cờ thi đua của Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, tổng cục, quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng và tương đương trực thuộc Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ;
- Đơn vị Quyết thắng, Tập thể lao động xuất sắc;
- Đơn vị tiên tiến, Tập thể lao động tiên tiến;
- Đơn vị vững mạnh toàn diện Mẫu mực, tiêu biểu;
- Đơn vị huấn luyện giỏi;
- Đơn vị văn hóa tiêu biểu.
Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, các ngành, các tổ chức quần chúng có thể thực hiện các hình thức khen thưởng, tôn vinh khác nhằm động viên cá nhân, tập thể có thành tích và thúc đẩy phong trào thi đua, phù hợp với nguyên tắc của pháp luật về thi đua, khen thưởng và báo cáo theo quy định ngoài các danh hiệu thi đua nêu trên.
Bên cạnh đó, Thông tư 118/2023/TT-BQP cũng quy định về một số hình thức khen thưởng được áp dụng trong Quân đội nhân dân Việt Nam từ ngày 01/01/2024 như sau:
- Huân chương;
- Huy chương;
- Danh hiệu vinh dự nhà nước;
- Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước;
- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ;
- Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam;
- Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp vũ trang quần chúng;
- Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Cơ yếu Việt Nam;
- Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;
- Bằng khen của Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, tổng cục, quân khu, quân chủng, quân đoàn, binh chủng và tương đương trực thuộc Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ;
- Giấy khen của Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, tổng cục, quân khu, quân chủng, quân đoàn, binh chủng và tương đương trực thuộc Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ;
- Giấy khen của Thủ trưởng sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn, cục, vụ, viện và tương đương.
Xem chi tiết tại Thông tư 118/2023/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 01/01/2024 và thay thế Thông tư 151/2018/TT-BQP ngày 12/10/2018.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
Thông tư này quy định và hướng dẫn nguyên tắc xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong công tác thi đua, khen thưởng; tổ chức thi đua, danh hiệu thi đua, tiêu chuẩn danh hiệu thi đua; hình thức, đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng; thẩm quyền quyết định khen thưởng; trao tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; quy trình, hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; hội đồng thi đua - khen thưởng, tổ thi đua - khen thưởng; khối, cụm thi đua trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
1. Cá nhân
a) Quân nhân, công nhân, công chức, viên chức quốc phòng và người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong Quân đội;
b) Người làm việc trong tổ chức cơ yếu; người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ;
c) Dân quân thường trực, dân quân tự vệ cơ động; quân nhân dự bị, cá nhân giữ chức vụ chỉ huy dân quân tự vệ, chiến sĩ dân quân tự vệ trong thời gian tập trung thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng hoặc nhiệm vụ khác được Bộ Quốc phòng giao;
d) Người Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài có đóng góp đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
2. Tập thể
a) Bộ Quốc phòng;
b) Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị và các tổng cục; quân khu, quân chủng, Bộ đội Biên phòng; các Bộ Tư lệnh: Thủ đô Hà Nội, Cảnh sát biển, Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bộ Tư lệnh 86; quân đoàn, binh chủng, binh đoàn; học viện, trường sĩ quan, trung tâm, bệnh viện và tương đương trực thuộc Bộ Quốc phòng (sau đây viết chung là đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng), Ban Cơ yếu Chính phủ;
c) Cơ quan, đơn vị từ cấp tiểu đội đến cấp sư đoàn và tương đương; các tổ chức cơ yếu;
d) Các tổ chức thanh niên quân đội, công đoàn quốc phòng, phụ nữ quân đội (sau đây viết chung là các tổ chức quần chúng);
đ) Doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng, doanh nghiệp thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ;
e) Đơn vị dân quân tự vệ, dự bị động viên trong thời gian tập trung thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng hoặc nhiệm vụ khác được Bộ Quốc phòng giao;
g) Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế; tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tập thể người nước ngoài; cơ quan, tổ chức nước ngoài và các tổ chức quốc tế ở Việt Nam có đóng góp đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
1. Nguyên tắc xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng thực hiện theo quy định tại các Điều 5, 7 và Điều 10 của Luật Thi đua, khen thưởng.
2. Cá nhân tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ hoặc có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của Nhân dân bị thương cần điều trị, điều dưỡng theo kết luận của cơ sở y tế cấp trung đoàn và tương đương trở lên thì thời gian điều trị, điều dưỡng được tính để bình xét danh hiệu thi đua.
3. Tổng kết phong trào thi đua hằng năm, chỉ khen thưởng cán bộ chủ trì khi đơn vị được khen thưởng hoặc hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
4. Cá nhân được cử tham gia học tập, bồi dưỡng ngắn hạn dưới 01 năm, chấp hành tốt quy định và đạt kết quả từ loại khá trở lên thì kết hợp với kết quả công tác tại đơn vị để bình xét danh hiệu thi đua.
5. Đơn vị tiếp nhận cá nhân chuyển đến công tác xét tặng danh hiệu thi đua cho cá nhân đó, trên cơ sở kết quả hoàn thành nhiệm vụ ở đơn vị mới và kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị trước khi chuyển đến.
6. Không xét tặng danh hiệu thi đua đối với cá nhân mới tuyển dụng, tập thể mới được thành lập dưới 09 tháng.
7. Chưa khen thưởng hoặc đề nghị khen thưởng đối với cá nhân đang trong thời gian thi hành kỷ luật; cá nhân, tập thể đang xem xét thi hành kỷ luật hoặc điều tra, thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc có đơn, thư khiếu nại, tố cáo đang được xác minh làm rõ, chưa kết luận.
8. Khen thưởng trong sơ kết, tổng kết phong trào thi đua theo chuyên đề, cuộc vận động, thực hiện nhiệm vụ chủ yếu sử dụng hình thức khen thưởng theo thẩm quyền của thủ Trưởng đơn vị. Trường hợp cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc tiêu biểu, phạm vi ảnh hưởng trong toàn quân, toàn ngành cơ yếu, toàn quốc thì đề nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng.
1. Quỹ thi đua, khen thưởng thực hiện theo quy định tại Điều 11 của Luật Thi đua, khen thưởng.
2. Quỹ thi đua, khen thưởng của các đơn vị dự toán, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Quốc phòng do ngân sách nhà nước bảo đảm trong dự toán chi thường xuyên cho quốc phòng hằng năm với mức tối đa bằng 20% tổng quỹ tiền lương theo cấp bậc, ngạch, bậc của quân nhân, công chức, viên chức, công nhân quốc phòng, người làm việc trong cơ quan, đơn vị Quân đội, tổ chức cơ yếu trong biên chế và tiền công được duyệt cả năm, nguồn đóng góp của cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài theo quy định của pháp luật.
3. Quỹ thi đua, khen thưởng của các doanh nghiệp Quân đội, doanh nghiệp thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ sử dụng nguồn trích lập quỹ thi đua, khen thưởng theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; pháp luật về lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của nhà nước để chi cho nội dung thi đua, khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng và nguồn đóng góp của cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài; nguồn thu hợp pháp khác (nếu có).
4. Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thi đua, khen thưởng hằng năm thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về thi đua, khen thưởng, chế độ tài chính hiện hành.
5. Kinh phí bảo đảm cho khen thưởng sơ kết, tổng kết phong trào thi đua theo chuyên đề, cuộc vận động, sơ kết, tổng kết nhiệm vụ; khen thưởng trong các tổ chức quần chúng, do cơ quan, đơn vị, ngành, tổ chức quần chúng chủ trì tham mưu thực hiện lập dự toán bảo đảm theo quy định.
1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng trong toàn quân, Ban Cơ yếu Chính phủ; ban hành các văn bản thể chế hóa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng phù hợp với quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng và đặc thù của Quân đội, Ban Cơ yếu Chính phủ; xem xét, quyết định khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng theo quy định của pháp luật.
2. Tổng cục Chính trị tham mưu, giúp Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả công tác thi đua, khen thưởng trong Quân đội, Ban Cơ yếu Chính phủ; tham mưu, xem xét đề nghị tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo quy định.
3. Chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy đơn vị chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng; kịp thời phát hiện, lựa chọn cá nhân, tập thể có thành tích để tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.
4. Cơ quan chính trị các cấp, trợ lý chính trị, cán bộ đảm nhiệm công tác thi đua, khen thưởng (nơi không có cơ quan chính trị) tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính ủy, chính trị viên (bí thư cấp ủy), người chỉ huy lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả công tác thi đua, khen thưởng; tham mưu, đề xuất xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo quy định.
5. Hội đồng quân nhân phổ biến, hướng dẫn cho quân nhân, công nhân, công chức, viên chức quốc phòng, người lao động trong đơn vị tích cực, tự giác tham gia phong trào thi đua; phối hợp phát hiện, đề xuất cấp có thẩm quyền khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích.
6. Ngành chuyên môn nghiệp vụ, các tổ chức quần chúng phối hợp tuyên truyền, động viên cán bộ, chiến sĩ, công nhân, công chức, viên chức quốc phòng, người lao động, đoàn viên, hội viên tham gia phong trào thi đua.
7. Ban chỉ đạo, cơ quan thường trực ban chỉ đạo phong trào thi đua theo chuyên đề; cơ quan thường trực sơ kết, tổng kết nhiệm vụ chủ trì phối hợp với cơ quan chính trị cùng cấp tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành, lĩnh vực phụ trách.
8. Cơ quan chức năng có liên quan phối hợp với hội đồng thi đua - khen thưởng cùng cấp tổng hợp, đánh giá, nhận xét kết quả công tác thi đua, khen thưởng; cho ý kiến về việc tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng đối với cá nhân, tập thể theo phạm vi, nhiệm vụ ngành, lĩnh vực phụ trách.
9. Cơ quan thông tấn, báo chí, xuất bản trong Quân đội tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn, kết quả công tác thi đua, khen thưởng; phát hiện, cổ vũ, phổ biến, nêu gương cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; kịp thời phản ánh, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng.