Thông tư 112/2005/TT-BTC hướng dẫn về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan do Bộ Tài chính ban hành
Số hiệu: | 112/2005/TT-BTC | Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Bộ Tài chính | Người ký: | Trương Chí Trung |
Ngày ban hành: | 15/12/2005 | Ngày hiệu lực: | 01/01/2006 |
Ngày công báo: | 17/12/2005 | Số công báo: | Từ số 21 đến số 22 |
Lĩnh vực: | Xuất nhập khẩu | Tình trạng: |
Hết hiệu lực
04/06/2009 |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 112/2005/TT-BTC |
Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2005 |
HƯỚNG DẪN VỀ THỦ TỤC HẢI QUAN, KIỂM TRA, GIÁM SÁT HẢI QUAN
Căn cứ Luật Hải quan số 29/2001/QH10 ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật số 42/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 154/2005/NĐ- CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ quy định thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan;
Căn cứ Nghị định số 149/2005/NĐ- CP ngày 08/12/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan như sau:
1. Thông tư này hướng dẫn thi hành thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan quy định tại Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan (dưới đây gọi tắt là Nghị định) trước khi thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh.
2. Thủ tục hải quan, kiểm tra hải quan, giám sát hải quan được thực hiện trên cơ sở đánh giá quá trình chấp hành pháp luật của người khai hải quan, có ưu tiên và tạo thuận lợi đối với chủ hàng chấp hành tốt pháp luật về hải quan; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của chủ hàng đã nhiều lần vi phạm pháp luật về hải quan không được ưu tiên khi làm thủ tục hải quan.
2.1. Chủ hàng chấp hành tốt pháp luật về hải quan là người có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong thời gian 365 ngày tính đến ngày làm thủ tục hải quan cho lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu được cơ quan Hải quan xác định là:
- Không bị pháp luật xử lý về hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;
- Không quá 02 lần bị xử lý vi phạm hành chính về hải quan với mức phạt vượt thẩm quyền của Chi Cục trưởng Hải quan;
- Không trốn thuế: không bị truy tố hoặc bị phạt ở mức một lần số thuế phải nộp trở lên;
- Không nợ thuế quá 90 ngày;
- Thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ.
2.2. Chủ hàng nhiều lần vi phạm pháp luật về hải quan là người xuất khẩu, nhập khẩu có 365 ngày tính đến ngày làm thủ tục hải quan cho lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu đã 03 (ba) lần xử lý vi phạm hành chính về hải quan, với mức phạt mỗi lần vượt thẩm quyền xử phạt của Chi cục trưởng Hải quan hoặc đã 01 (một) lần bị xử phạt vi phạm hành chính về hải quan với mức phạt vượt quá thẩm quyền xử phạt của Cục trưởng Hải quan.
MỤC 1. THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU THƯƠNG MẠI
I. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại quy định tại mục 1 Chương II Nghị định, bao gồm:
1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hợp đồng thương mại;
2. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo loại hình tạm nhập tái xuất;
3. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo loại hình chuyển khẩu
4. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo loại hình nhập nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu;
5. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để thực hiện hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài;
6 .Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để thực hiện các dự án đầu tư;
7. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu kinh doanh theo loại hình xuất nhập khẩu biên giới;
8. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nhằm mục đích thương mại của tổ chức nhưng không phải là thương nhân (không có mã số thuế/ xuất nhập khẩu), của cá nhân;
9. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp chế xuất;
10. Hàng hóa đưa vào đưa ra kho bảo thuế;
11. Hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập dự hội chợ triển lãm;
12. Hàng tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập là máy móc thiết bị, phương tiện vận tải phục vụ thi công công trình, phục vụ các dự án đầu tư, là tài sản đi thuê, cho thuê.
Khi làm thủ tục hải quan, người khai hải quan nộp cho cơ quan Hải quan bộ hồ sơ hải quan gồm các chứng từ sau:
1. Đối với hàng xuất khẩu:
1.1. Hồ sơ cơ bản gồm:
- Tờ khai hải quan: 02 bản chính
1.2. Tuỳ trường hợp cụ thể dưới đây, bộ hồ sơ hải quan được bổ sung thêm các chứng từ sau:
- Trường hợp hàng hóa có nhiều chủng loại hoặc đóng gói không đồng nhất: Bản kê chi tiết hàng hoá: 01 bản chính và 01 bản sao;
- Trường hợp hàng phải có giấy phép xuất khẩu theo quy định của pháp luật: Giấy phép xuất khẩu của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền: 01 bản (là bản chính nếu xuất khẩu một lần hoặc bản sao khi xuất khẩu nhiều lần và phải xuất trình bản chính để đối chiếu);
- Đối với hàng xuất khẩu theo loại hình nhập nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu, hàng gia công: Bản định mức sử dụng nguyên liệu của mã hàng : 01 bản chính (chỉ phải nộp một lần đầu khi xuất khẩu đó);
- Các chứng từ khác theo quy định của pháp luật liên quan phải có: 01 bản chính
2. Đối với hàng hóa nhập khẩu:
2.1. Hồ sơ cơ bản gồm:
- Tờ khai hải quan: 02 bản chính
- Hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương hợp đồng: 01 bản sao ( trừ hàng hóa nêu ở điểm 5, 7 và 8 mục I, phần B);
- Hóa đơn thương mại ( trừ hàng hóa nêu tại điểm 8, mục I phần B): 01 bản chính, và 01 bản sao;
- Vận tải đơn ( trừ hàng hóa nêu tại điểm 7, mục I phần B): 01 bản sao chụp từ bản gốc hoặc bản chính của các bản vận tải đơn có ghi chữ copy;
2.2. Tuỳ trường hợp cụ thể dưới đây, bộ hồ sơ hải quan được bổ sung thêm các chứng từ sau:
- Trường hợp hàng hóa có nhiều chủng loại hoặc đóng gói không đồng nhất Bản kê chi tiết hàng hoá: 01 bản chính và 01 bản sao;
- Trường hợp hàng hóa nhập khẩu thuộc diện phải kiểm tra nhà nước về chất lượng: Giấy đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa hoặc Giấy thông báo miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp 01 bản chính;
- Trường hợp hàng hóa được giải phóng hàng trên cơ sở kết quả giám định: Chứng thư giám định: 01 bản chính.
- Trường hợp hàng hóa thuộc diện phải khai Tờ khai trị giá: Tờ khai trị giá hàng nhập khẩu: 01 bản chính;
- Trường hợp hàng hóa phải có giấy phép nhập khẩu theo quy định của pháp luật: Giấy phép nhập khẩu của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền: 01 bản ( là bản chính nếu nhập khẩu một lần hoặc bản sao khi nhập khẩu nhiều lần và phải xuất trình bản chính để đối chiếu);
- Trường hợp chủ hàng có yêu cầu được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt: Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ( C/O): 01 bản gốc và 01 bản sao thứ 3.
Nếu hàng hóa nhập khẩu có tổng trị giá lô hàng (FOB) không vượt quá 200 USD thì không phải nộp hoặc xuất trình C/O;
- Các chứng từ khác theo quy định của pháp luật liên quan phải có: 01 bản chính.
Kiểm tra trong quá trình làm thủ tục hải quan bao gồm: kiểm tra hồ sơ hải quan và kiểm tra thực tế thực tế hàng hoá.
1. Kiểm tra hồ sơ hải quan
1.1. Kiểm tra sơ bộ để thực hiện đăng ký hồ sơ hải quan
Trước khi đăng ký hồ sơ, công chức hải quan tiếp nhận hồ sơ kiểm tra các nội dung sau:
- Kiểm tra việc khai tên và mã số xuất nhập khẩu và khai thuế của người khai hải quan;
- Kiểm tra đối chiếu các điều kiện, quy định về việc làm thủ tục hải quan;
- Kiểm tra về số lượng các chứng từ phải có của bộ hồ sơ hải quan.
Kết thúc kiểm tra hồ sơ công chức hải quan quyết định tiếp nhận hoặc không tiếp nhận hồ sơ đăng ký. Trường hợp không tiếp nhận đăng ký, công chức hải quan phải có ý kiến bằng giấy nêu rõ lý do cho người khai hải quan biết ( theo mẫu của Tổng cục Hải quan).
1.2. Kiểm tra chi tiết hồ sơ:
Sau khi hồ sơ đã được tiếp nhận, đăng ký cơ quan tiến hành kiểm tra chi tiết hồ sơ:
- Kiểm tra chi tiết các tiêu chí, các nội dung khai trên tờ khai hải quan;
- Kiểm tra tính chính xác, sự phù hợp của các chứng từ trong bộ hồ sơ hải quan với các nội dung khai trong tờ khai hải quan;
- Kiểm tra việc thực hiện các quy định về thủ tục hải quan, về chính sách quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quy định khác có liên quan.
- Kiểm tra việc khai của người khai hải quan về tên hàng, mã số, số lượng, chất lượng, trọng lượng, xuất xứ của hàng hoá, kê khai thuế, căn cứ kê khai thuế theo quy định tại điểm III.3, mục 1, phần B;
Kết thúc kiểm tra chi tiết hồ sơ, lãnh đạo Chi cục quyết định thông quan hàng hóa hoặc quyết định phải tiến hành kiểm tra thực tế hàng hoá, quyết định tham vấn giá, quyết định trưng cầu giám định hàng hoá.
2. Kiểm tra thực tế hàng hoá
2.1. Các trường hợp kiểm tra thực tế hàng hoá:
a) Kiểm tra thực tế hàng hóa tới mức toàn bộ lô hàng đối với:
- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của chủ hàng nhiều lần vi phạm pháp luật về hải quan;
- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện miễn kiểm tra thực tế nhưng cơ quan Hải quan phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan;
- Hàng hóa qua kết quả phân tích thông tin của cơ quan hải quan xác định có khả năng vi phạm pháp luật hải quan.
b) Kiểm tra xác suất hàng hóa để đánh giá việc chấp hành pháp luật hải quan của chủ hàng.
2.2 Mức độ kiểm tra thực tế hàng hoá:
a) Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của chủ hàng nhiều lần vi phạm pháp luật về hải quan thì tiến hành kiểm tra toàn bộ lô hàng.
Sau nhiều lần kiểm tra nếu doanh nghiệp không vi phạm thì giảm dần mức độ kiểm tra nhưng không thấp hơn mức độ kiểm tra quy định tại điểm III.2.2.b, mục 1, phần B.
b) Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện miễn kiểm tra thực tế nhưng cơ quan Hải quan phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan; hàng hóa qua kết quả phân tích thông tin của cơ quan hải quan xác định có khả năng vi phạm pháp luật hải quan thì tiến hành kiểm tra thực tế 10% lô hàng, nếu không phát hiện vi phạm thì kết thúc kiểm tra, nếu phát hiện có vi phạm thì tiếp tục kiểm tra cho tới khi kết luận được mức độ vi phạm.
c) Đối với hàng hóa phải kiểm tra xác suất để đánh giá việc chấp hành pháp luật hải quan của chủ hàng (tối đa không quá 5% tổng số Tờ khai hải quan) được thực hiện như sau:
- Tổng số tờ khai hải quan được xác định để tính tỷ lệ phải kiểm tra xác suất là số lượng tờ khai làm thủ tục ngày trước đó tại đơn vị. Ở đơn vị có ít tờ khai thì kiểm tra tối thiểu 1 tờ khai/ ngày.
- Đối với lô hàng phải kiểm tra thì kiểm tra thực tế tới 5% lô hàng, nếu không phát hiện vi phạm thì kết thúc kiểm tra, nếu phát hiện có vi phạm thì tiếp tục kiểm tra cho tới khi kết luận được mức độ vi phạm.
2.3. Việc lựa chọn các kiện/container để kiểm tra được thực hiện trên cơ sở lấy xác suất ngẫu nhiên do hệ thống máy tính xử lý hoặc do lãnh đạo Chi cục quyết định và được thể hiện cụ thể trên hồ sơ hải quan.
2.4. Trong quá trình làm thủ tục hải quan cho lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu, căn cứ vào tình hình thực tế của lô hàng và thông tin mới thu nhận được, lãnh đạo Cục, Chi cục được quyết định thay đổi mức độ, hình thức kiểm tra đã quyết định trước đó.
2.5. Việc kiểm tra thực tế hàng hóa được tiến hành bằng máy móc thiết bị Trường hợp không có máy móc thiết bị hoặc qua việc kiểm tra bằng máy móc thiết bị thấy cần thiết phải kiểm tra bằng máy móc thiết bị thấy cần thiết phải kiểm tra bằng phương pháp thủ công mới kết luận được thì tiến hành kiểm tra thủ công.
2.6. Kết thúc kiểm tra thực tế hàng hóa (bằng phương pháp thủ công hoặc máy móc thiết bị) công chức kiểm tra thực tế phải ghi kết quả kiểm tra theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan.
3. Nội dung kiểm tra trong quá trình thông quan hàng hoá
3.1. Kiểm tra tên hàng, mã số hàng hoá
a) Chi cục trưởng Chi Cục Hải quan nơi tiếp nhận và xử lý hồ sơ hải quan chịu trách nhiệm xác định về tên hàng, mã số hàng hoá. Trường hợp phát hiện việc khai của người khai hải quan là chưa chính xác thì giải thích cho người khai hải quan biết và điều chỉnh tên hàng, mã số theo đúng quy định, hướng dẫn về phân loại, áp mã hàng hoá.
Trường hợp Chi cục, Cục Hải quan tỉnh, thành phố không xác định được tên hàng, mã số hàng hóa thì báo cáo cấp trên thực hiện trực tiếp để được hướng dẫn xác định, trừ trường hợp nêu ở điểm b dưới đây.
b) Trường hợp Chi cục Hải quan không xác định được chính xác tên hàng, mã số hàng hóa do mặt hàng cần phân tích trong phòng thí nghiệm mới xác định được thành phần, hàm lượng, các chất cấu thành, bản chất cấu thành, bản chất, công dụng của hàng hóa thì Chi cục Hải quan cùng chủ hàng lấy mẫu gửi đến Trung tâm phân tích, phân loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Hải quan (dưới đây gọi tắt là Trung tâm) để phân tích, phân loại. Căn cứ kết quả phân tích, phân loại của Trung tâm và các thông tin khác, Chi cục Hải quan nơi tiếp nhận và xử lý hồ sơ hải quan quyết định mã số hàng hoá.
c) Trường hợp người khai hải quan không đồng ý với tên và mã số hàng hóa do cơ quan Hải quan xác định thì cùng với cơ quan hải quan lấy mẫu, thống nhất lựa chọn cơ quan, tổ chức giám định chuyên ngành (GĐCN) để giám định. Kết quả phân tích giám định của cơ quan, tổ chức GĐCN là căn cứ để các bên thực hiện. Cơ quan, tổ chức GĐCN chịu trách nhiệm về kết luận giám định của mình. Phí giám định do bên yêu cầu giám định trả.
Trường hợp người khai hải quan và cơ quan Hải quan không thống nhất được trong việc lựa chọn tổ chức giám định thì các bên tiến hành giám định độc lập và thực hiện khiếu nại theo quy định của Pháp luật.
3.2. Kiểm tra về lượng hàng hoá.
Đối với những mặt hàng mà bằng phương pháp thủ công hoặc thiết bị của cơ quan hải quan không xác định được lượng hàng (như hàng lỏng, hàng rời, lô hàng có lượng hàng lớn…) thì cơ quan hải quan căn cứ vào kết quả giám định của tổ chức giám định để xác định. Tổ chức giám định chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả giám định của mình.
3.3. Kiểm tra về chất lượng hàng hóa
a) Đối với hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra nhà nước về chất lượng.
- Đối với hàng hóa nhập khẩu: cơ quan Hải quan căn cứ giấy đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa hoặc giấy thông báo miễn kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hóa của cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng có thẩm quyền để làm thủ tục hải quan.
- Đối với hàng hóa xuất khẩu: cơ quan hải quan không yêu cầu nộp hoặc xuất trình các giấy trên, người khai hải quan chịu trách nhiệm thực hiện đúng quy định của pháp luật về chất lượng hàng xuất khẩu.
Chủ hàng có hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra nhà nước về chất lượng chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giữ nguyên trạng hàng hóa cho đến khi có kết luận về chất lượng hàng hóa của cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng có thẩm quyền. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày đưa hàng về nơi bảo quản chủ hàng phải nộp bổ sung vào hồ sơ hải quan kết luận về chất lượng hàng hóa của cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng có thẩm quyền.
b) Đối với hàng hóa không thuộc diện phải kiểm tra Nhà nước về chất lượng:
- Trường hợp bằng phương tiện và thiết bị của mình, cơ quan Hải quan không xác định được chất lượng hàng hóa để áp dụng chính sách quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thì cùng với chủ hàng lấy mẫu hoặc tài liệu kỹ thuật (catalogue...) và yêu cầu chủ hàng giữ nguyên trạng hàng hoá, thống nhất lựa chọn cơ quan, tổ chức giám định chuyên ngành thực hiện giám định. Kết luận của cơ quan, tổ chức giám định chuyên ngành có giá trị để các bên thực hiện.
- Trường hợp người khai hải quan và cơ quan Hải quan không thống nhất được trong việc lựa chọn tổ chức giám định chuyên ngành thì các bên tiến hành giám định độc lập và thực hiện khiếu nại theo quy định của Pháp luật.
3.4. Kiểm tra xuất xứ hàng hoá
a) Việc kiểm tra xuất xứ hàng hóa phải căn cứ vào thực tế hàng hóa và hồ sơ hải quan.
b) Khi kiểm tra Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cơ quan Hải quan kiểm tra các nội dung sau:
- Các tiêu chí cơ bản trên C/O, sự phù hợp về nội dung trên C/O và các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan;
- Mẫu dấu, tên và mẫu chữ ký, tên cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền cấp C/O thuộc Chính phủ của nước hoặc vùng lãnh thổ đã có thoả thuận ưu đãi đặc biệt trong quan hệ thương mại với Việt Nam;
- Thời hạn hiệu lực của C/O.
c) Trường hợp có khác biệt nhỏ giữa việc khai trên C/O và chứng từ thuộc hồ sơ hải quan nhưng cơ quan Hải quan không có nghi ngờ về tính xác thực của xuất xứ hàng hóa và việc khai đó vẫn phù hợp với hàng hóa thực tế nhập khẩu thì C/O đó vẫn được coi là hợp lệ.
d) C/O đã nộp cho cơ quan hải quan thì không được thay thế hoặc sửa đổi nội dung, trừ trường hợp có lý do chính đáng và do chính cơ quan hay tổ chức có thẩm quyền cấp C/O sửa đổi, thay thế trong thời hạn quy định của pháp luật;
3.5. Kiểm tra thuế
Cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra hồ sơ khai thuế do đối tượng nộp thuế khai thuế. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ hoặc khai thiếu nội dung hoặc không đảm bảo thể thức pháp lý theo quy định, cơ quan hải quan thông báo cho đối tượng nộp thuế biết để khai bổ sung hồ sơ. Trường hợp hồ sơ đầy đủ, khai đủ nội dung, đảm bảo thể thức pháp lý theo quy định, cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra các bước tiếp theo sau đây:
- Kiểm tra các căn cứ để xác định hàng hóa không thuộc đối tượng chịu thuế trong trường hợp người khai hải quan khai hàng hóa không thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hoặc thuế giá trị gia tăng hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt;
- Kiểm tra các căn cứ để xác định hàng hóa thuộc đối tượng miễn thuế, xét miễn thuế, giảm thuế trong trường hợp người khai hải quan khai hàng hóa thuộc đối tượng miễn thuế, xét miễn thuế, giảm thuế;
- Kiểm tra các căn cứ tính thuế để xác định số thuế phải nộp trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế. Nội dung kiểm tra gồm:
+ Kiểm tra kê khai của người khai hải quan về số lượng, trọng lượng, đơn vị tính của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
+ Kiểm tra trị giá khai báo của người khai hải quan;
+ Kiểm tra kê khai của người khai hải quan về mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt; chênh lệch giá (nếu có);
+ Kiểm tra kê khai của người khai hải quan về tỷ giá tính thuế;
+ Kiểm tra kết quả tính thuế do người khai hải quan kê khai, bao gồm kiểm tra phép tính số học, số thuế phải nộp của từng mặt hàng theo từng sắc thuế, tổng số thuế phải nộp của cả tờ khai hải quan;
+ Kiểm tra điều kiện để áp dụng thời hạn nộp thuế hoặc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế theo quy định của pháp luật thuế.
3.6. Công chức Hải quan được giao nhiệm vụ kiểm tra từng nội dung tại điểm 3 mục này phải có trình độ chuyên môn đáp ứng được yêu cầu của công việc, kết thúc kiểm tra phải báo cáo kết quả kiểm tra, những trường hợp có ý kiến khác với người khai hải quan phải báo cáo đề xuất với lãnh đạo cấp trên trực tiếp.
4. Lấy mẫu, lưu mẫu, lưu hình ảnh hàng hóa nhập khẩu
4.1. Mẫu chỉ lấy trong trường hợp cần thiết và ở mức tối thiểu đủ để phục vụ cho việc phân tích, giám định.
4.2. Các trường hợp lấy mẫu
a) Người khai hải quan có yêu cầu lấy mẫu để phục vụ việc khai hải quan;
b) Nguyên vật liệu nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng xuất khẩu;
c) Hàng hóa nhập khẩu phải lấy mẫu để phục vụ phân tích, giám định theo yêu cầu của cơ quan Hải quan;
4.3. Thủ tục lấy mẫu
a) Việc lấy mẫu phải căn cứ vào phiếu yêu cầu lấy mẫu của đơn vị hoặc cơ quan Hải quan. Phiếu lấy mẫu được lập thành 2 bản, 1 bản lưu cùng mẫu, 1 bản lưu tại đơn vị yêu cầu lấy mẫu. Tổng cục hải quan quy định mẫu phiếu này.
b) Khi lấy mẫu phải có đại diện chủ hàng và đại diện cơ quan Hải quan;
c) Mẫu phải được hai bên ký xác nhận và niêm phong;
d) Khi bàn giao mẫu phải có biên bản bàn giao và ký xác nhận.
4.4. Lưu mẫu
a) Nơi lưu mẫu:
- Trung tâm phân tích, phân loại đối với mẫu do Trung tâm phân tích, phân loại tiến hành phân tích;
- Chi cục Hải quan (đối với các trường hợp Chi cục cần lấy mẫu để giải quyết các nghiệp vụ có liên quan đến mẫu)
- Doanh nghiệp (đối với nguyên liệu nhập khẩu để gia công, sản xuất xuất khẩu).
b) Thời gian lưu mẫu
- Mẫu phân tích lưu tại Trung tâm phân tích, phân loại và Chi cục Hải quan phục vụ yêu cầu chính sách quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được lưu trong thời hạn 90 ngày tính từ ngày lấy mẫu. Trường hợp có tranh chấp, khiếu nại thì lưu đến khi giải quyết xong tranh chấp, khiếu nại;
- Mẫu nguyên liệu gia công được lưu tại doanh nghiệp cho đến khi hoàn thành thủ tục thanh khoản xong hợp đồng gia công;
- Mẫu nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu được lưu tại doanh nghiệp cho đến khi hoàn thành thủ tục thanh khoản xong tờ khai nhập khẩu.
4.5. Lưu ảnh của hàng hóa nhập khẩu
Các trường hợp hàng hóa kiểm tra thực tế phải ghi lại hình ảnh và lưu cùng hồ sơ hải quan:
- Hàng nhập khẩu chịu thuế có thuế suất cao;
- Hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất.
1. Lô hàng thông quan bình thường là lô hàng đã hoàn thành các bước thủ tục theo quyết định của lãnh đạo Chi cục Hải quan và đã tính thuế, nộp thuế.
2. Trường hợp thông quan có điều kiện theo quy định tại khoản 2, Điều 25 Luật Hải quan, khoản 15, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hải quan và khoản 2, khoản 3, Điều 12 Nghị định được thực hiện như sau:
- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong thời gian chờ kết quả giám định để xác định có được xuất khẩu, nhập khẩu hay không, nếu chủ hàng có yêu cầu đưa hàng hóa về bảo quản thì Chi cục trưởng Hải quan chỉ chấp nhận trong trường hợp đã đáp ứng các điều kiện về giám sát hải quan.
- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nhưng phải xác định giá, trưng cầu giám định, phân tích phân loại để xác định chính xác số thuế phải nộp thì được thông quan sau khi chủ hàng thực hiện các nghĩa vụ về thuế trên cơ sở tự kê khai, tính thuế và nộp thuế hoặc được tổ chức tín dụng hoặc tổ chức khác được phép thực hiện một số hoạt động ngân hàng bảo lãnh về số tiền thuế phải nộp.
3. Trường hợp hàng hóa được thông quan theo kết quả giám định thì kết quả giám định này được áp dụng cho tất cả các lô hàng giống hệt nhập khẩu sau đó của các doanh nghiệp làm thủ tục qua Chi cục Hải quan đó. Hướng dẫn này không áp dụng cho việc giám định để xác định lượng hàng.
1. Đối với hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu đường biển, đường hàng không, đường sắt: Cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục xuất căn cứ vận tải đơn và hóa đơn thương mại do chủ hàng xuất trình để xác nhận thực xuất trên Tờ khai hải quan.
2. Đối với hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu đường bộ, đường sông: Hải quan cửa khẩu căn cứ kết quả giám sát việc xuất khẩu để xác nhận thực xuất trên tờ khai hải quan.
3. Đối với hàng hóa xuất khẩu kho ngoại quan: Hải quan kho ngoại quan xác nhận "hàng đã đưa vào kho ngoại quan" lên Tờ khai hải quan xuất khẩu để người xuất khẩu làm căn cứ thanh khoản.
Việc phúc tập, lưu trữ hồ sơ được thực hiện trong vòng 60 ngày kể từ ngày thông quan. Trong thời gian này nếu người khai hải quan tự phát hiện có sự sai sót và đề nghị cơ quan Hải quan điều chỉnh thì Lãnh đạo Chi cục xem xét cho điều chỉnh mà không phải xử phạt vi phạm hành chính.
Việc kiểm tra sau thông quan được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư hướng dẫn về kiểm tra sau thông quan.
MỤC 2. THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP KHÁC
I. Đối với hình thức đăng ký tờ khai hải quan 01 lần quy định tại khoản 6, Điều 9 Nghị định:
1. Điều kiện để được áp dụng hình thức đăng ký tờ khai một lần:
- Tên hàng trên Tờ khai hải quan không thay đổi trong thời hạn hết hiệu lực của tờ khai đăng ký một lần;
- Hàng hóa khai trên tờ khai phải thuộc cùng một hợp đồng; đối với hợp đồng mua bán hàng hóa phải có điều khoản quy định giao hàng nhiều lần;
- Doanh nghiệp không vi phạm các quy định về đăng ký tờ khai một lần;
- Không bị cưỡng chế về thủ tục hải quan.
2. Hình thức đăng ký tờ khai một lần được áp dụng đối với tất cả các loại hình hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đáp ứng được các điều kiện quy định ở điểm I.1, mục 2, phần B trên đây.
3. Hiệu lực của tờ khai đã đăng ký:
3.1. Tờ khai có hiệu lực trong thời hạn hiệu lực của hợp đồng. Hàng gia công có hiệu lực trong hiệu lực của phụ lục hợp đồng. Riêng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có thuế và hàng sản xuất xuất khẩu Tờ khai có hiệu lực trong thời gian ân hạn thuế.
3.2. Tờ khai chấm dứt hiệu lực trước thời hạn trong các trường hợp:
- Có sự thay đổi chính sách thuế, chính sách quản lý xuất, nhập khẩu đối với mặt hàng khai trên tờ khai đăng ký 01 lần;
- Giấy phép xuất khẩu/nhập khẩu hoặc hợp đồng hết hiệu lực;
- Doanh nghiệp đã xuất khẩu hoặc nhập khẩu hết lượng hàng khai trên tờ khai đăng ký 01 lần;
- Doanh nghiệp có thông báo không tiếp tục làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hết lượng hàng đã khai trên tờ khai hải quan;
- Doanh nghiệp xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa từng lần không đúng về tên hàng đã khai trên tờ khai hải quan đăng ký một lần;
- Doanh nghiệp bị đưa vào danh sách cưỡng chế về thủ tục hải quan trong thời gian hiệu lực của tờ khai của tờ khai đăng ký 01 lần.
4. Địa điểm làm thủ tục hải quan:
Việc làm thủ tục xuất khẩu hoặc nhập khẩu cho theo hình thức đăng ký Tờ khai một lần được thực hiện tại một Chi cục Hải quan.
5. Thủ tục khi đăng ký tờ khai một lần:
5.1. Trách nhiệm của doanh nghiệp:
5.1.1. Khai hải quan:
Người khai hải quan phải khai vào tờ khai hải quan và sổ theo dõi hàng hóa xuất/nhập khẩu. Một số nội dung khai áp dụng cho thủ tục xuất/nhập khẩu từng lần (chứng từ vận tải, phương tiện vận tải...) thì không phải khai khi đăng ký tờ khai một lần.
5.1.2. Nộp và xuất trình hồ sơ hải quan
a) Chứng từ phải nộp:
- Tờ khai hải quan hàng hóa xuất/nhập khẩu: 02 bản chính,
- Hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương hợp đồng: 01 bản sao,
- Giấy phép xuất khẩu/nhập khẩu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (đối với hàng hóa phải có giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật): 01 bản sao hoặc 01 bản chính (nếu khai trên tờ khai 1 lần hết toàn bộ hàng hóa được phép xuất khẩu/nhập khẩu ghi trên giấy phép).
- Sổ theo dõi hàng hóa xuất/nhập khẩu: 02 quyển.
b) Chứng từ xuất trình:
Giấy phép xuất khẩu/nhập khẩu để Hải quan đối chiếu với bản sao và cấp phiếu theo dõi, trừ lùi (đối với trường hợp khai trên tờ khai 1 lần không hết hàng hóa được phép xuất khẩu/nhập khẩu ghi trên giấy phép):01 bản chính.
6. Thủ tục khi xuất khẩu, nhập khẩu từng lô hàng:
6.1. Hồ sơ hải quan:
Mỗi lần có hàng hóa xuất/ nhập khẩu, chủ hàng khai lượng hàng xuất khẩu, nhập khẩu lần đó vào sổ theo dõi và nộp, xuất trình các giấy tờ sau đây:
a) Giấy tờ phải nộp: Các giấy tờ thuộc hồ sơ hải quan theo quy định đối với từng loại hình (trừ những giấy tờ đã nộp khi đăng ký tờ khai).
b) Giấy tờ xuất trình gồm tờ khai hải quan đã đăng ký, sổ theo dõi hàng hóa xuất/nhập khẩu.
7. Thanh khoản tờ khai:
7.1. Trách nhiệm của doanh nghiệp:
- Chậm nhất 15 ngày làm việc kể từ ngày tờ khai hết hiệu lực, doanh nghiệp phải làm thủ tục thanh khoản tờ khai hải quan với Chi cục hải quan.
- Hồ sơ thanh khoản gồm Tờ khai hải quan đăng ký, sổ theo dõi hàng hóa xuất/nhập khẩu.
7.2. Nhiệm vụ của Hải quan:
Chi cục Hải quan thực hiện việc kiểm tra, đối chiếu, xác nhận tổng lượng hàng thực xuất/nhập khẩu vào tờ khai hải quan, xác định số thuế phải nộp, số thuế đã nộp.
II. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ quy định tại Điều 15 Nghị định:
1. Hàng hóa được xuất nhập khẩu tại chỗ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Thương mại
2. Hồ sơ hải quan:
- Tờ khai xuất khẩu - nhập khẩu tại chỗ (do người xuất khẩu khai): 04 bản chính.
- Hợp đồng mua bán ngoại thương có chỉ định giao hàng tại Việt Nam (đối với người xuất khẩu), hợp đồng mua bán ngoại thương hoặc hợp đồng gia công có chỉ định nhận hàng tại Việt Nam (đối với người nhập khẩu): 01 bản sao.
- Hóa đơn giá trị gia tăng do doanh nghiệp xuất khẩu lập (liên giao khách hàng):01 bản sao.
- Các giấy tờ khác theo quy định đối với hàng xuất khẩu/nhập khẩu (trừ B/L).
3. Hiệu lực của tờ khai xuất khẩu- nhập khẩu tại chỗ:
- Tờ khai xuất khẩu - nhập khẩu tại chỗ có hiệu lực trong vòng 30 ngày kể từ thời điểm Chi cục Hải quan làm thủ tục cho doanh nghiệp nhập khẩu ký xác nhận vào 04 tờ khai hải quan.
- Tờ khai xuất khẩu - nhập khẩu tại chỗ có giá trị để thanh khoản khi:
+ Đối với doanh nghiệp xuất khẩu: tờ khai hải quan được khai đầy đủ, có xác nhận, ký tên, đóng dấu của 4 bên là: doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp nhập khẩu, Hải quan làm thủ tục xuất khẩu, hải quan làm thủ tục nhập khẩu.
+ Đối với doanh nghiệp nhập khẩu: tờ khai hải quan được khai đầy đủ, có xác nhận, ký tên, đóng dấu của 03 bên là: doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp nhập khẩu, hải quan làm thủ tục nhập khẩu...
+ Trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu tại chổ và doanh nghiệp nhập khẩu tại chỗ đều làm thủ tục hải quan tại một Chi cục Hải quan, thì Chi cục Hải quan này ký xác nhận cả phần hải quan làm thủ tục xuất khẩu và Hải quan làm thủ tục nhập khẩu.
4. Tổng cục Hải quan ban hành quy trình nghiệp vụ cụ thể để thực hiện hướng dẫn này. Thủ tục hải quan xuất, nhập khẩu tại chỗ sản phẩm gia công thực hiện theo quyết định số 69/2004/QĐ-BTC ngày 24/08/2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
III. Đối với hàng hóa đưa vào, đưa ra cảng trung chuyển quy định tại Điều 20 Nghị định:
1. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa đưa vào, đưa ra cảng trung chuyển để vận chuyển ra nước ngoài:
a) Khai hải quan:
- Hàng hóa đưa vào, đưa ra cảng trung chuyển đều phải khai hải quan. Người khai hải quan là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trung chuyển hàng hoá.
- Hàng hóa đưa vào, đưa ra cảng trung chuyển được khai trên cùng một Tờ khai theo mẫu do Tổng cục Hải quan quy định.
b) Hồ sơ hải quan:
Tờ khai hàng trung chuyển;
c) Kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa đưa vào; đưa ra cảng trung chuyển
Hàng hóa đưa vào, đưa ra cảng trung chuyển thuộc đối tượng được miễn kiểm tra, cơ quan hải quan chỉ kiểm tra số lượng container, đối chiếu số ký hiệu của container với khai báo. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cơ quan hải quan phải tiến hành kiểm tra theo quy định.
d) Hàng hóa trung chuyển đi qua lãnh thổ Việt Nam thì thủ tục hải quan thực hiện theo quy định đối với hàng hóa quá cảnh.
2. Thanh khoản hàng trung chuyển:
- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hàng hóa đưa hết ra khỏi cảng trung chuyển, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trung chuyển phải thực hiện thanh khoản tờ khai hàng trung chuyển;
- Định kỳ hàng quý, doanh nghiệp làm dịch vụ trung chuyển phải báo cáo và đối chiếu với Hải quan khu trung chuyển về lượng hàng hóa đưa vào, đưa ra, hàng còn lưu tại khu vực trung chuyển.
3. Giải quyết hàng tồn đọng tại cảng trung chuyển:
Thực hiện như việc giải quyết hàng nhập khẩu tồn đọng tại cảng biển.
IV. Đối với nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu
Thủ tục hải quan đối với nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu được thực hiện theo quy định đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu thương mại nhưng do tính đặc thù của loại hình này nên thủ tục hải quan được hướng dẫn bổ sung thêm như sau:
1. Đăng ký hợp đồng:
Thủ tục đăng ký hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu (dưới đây gọi tắt là hợp đồng) được thực hiện khi doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu lô hàng nguyên liệu đầu tiên của hợp đồng tại một Chi cục Hải quan mà doanh nghiệp thấy thuận tiện nhất.
2. Nơi làm thủ tục hải quan:
Khi đã đăng ký hợp đồng tại đơn vị Hải quan nào khác thì các lô hàng nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu phải được làm thủ tục tại đơn vị hải quan đó. Khi xuất khẩu sản phẩm được sản xuất từ nguyên vật liệu nhập khẩu, doanh nghiệp được làm thủ tục xuất khẩu ở các đơn vị Hải quan khác nhau nhưng phải thông báo bằng văn bản cho đơn vị Hải quan nơi đã đăng ký hợp đồng biết để theo dõi và thanh quyết toán.
3. Thanh quyết toán nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu:
a) Nguyên tắc thanh quyết toán:
- Tờ khai nhập trước, tờ khai xuất trước phải được thanh khoản trước;
- Tờ khai nhập khẩu nguyên liệu phải có trước tờ khai xuất sản phẩm;
b) Trách nhiệm của doanh nghiệp về thanh quyết toán:
- Doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo, giải trình trình tính toán một cách đầy đủ, kịp thời, chính xác về tình hình nguyên liệu nhập khẩu, sản phẩm hàng hóa sản xuất xuất khẩu và tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế có liên quan cho cơ quan Hải quan.
- Doanh nghiệp nộp hồ sơ thanh quyết toán tại đơn vị Hải quan đã đăng ký mở Tờ khai hải quan nhập khẩu;
- Hồ sơ thanh quyết toán gồm:
+ Bảng kê danh sách các tờ khai nhập khẩu nguyên vật liệu đưa vào thanh quyết toán;
+ Bảng kê danh sách các tờ khai sản phẩm xuất khẩu đưa vào thanh quyết toán;
+ Báo cáo nguyên vật liệu dùng để sản xuất hàng xuất khẩu;
+ Báo cáo nhập – xuất – tồn nguyên vật liệu nhập khẩu;
+ Báo cáo tính thuế trên nguyên vật liệu nhập khẩu.
c) Trách nhiệm quản lý của cơ quan hải quan
- Căn cứ vào hồ sơ thanh quyết toán do doanh nghiệp gửi, cơ quan hải quan kiểm tra hồ sơ. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật sẽ xử lý theo luật định. Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, chính xác thì ra các quyết định xử lý về thuế theo quy định của luật thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu.
4. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quy định cụ thể quy trình nghiệp vụ quản lý đối với nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu.
V. Đối với hàng gia công, nhập khẩu
Thủ tục hải quan đối với hàng hóa gia công xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện theo quy định đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu thương mại nhưng do tính đặc thủ của loại hình này nên các thủ tục hải quan cụ thể được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 69/2004/QĐ-BTC ngày 24/08/2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa gia công với thương nhân nước ngoài.
VI. Đối với hàng hóa đưa vào, đưa ra khu thương mại tự do, khu phi thuế quan:
1. Thủ tục hải quan quy định ở phần này áp dụng cho cả hàng hóa đưa vào, đưa ra khu thương mại tự do quy định tại Luật Hải quan và hàng hóa đưa vào, đưa ra khu phi thuế quan quy định tại Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu (dưới đây gọi tắt là khu thương mại tự do).
2. Tất cả hàng hóa đưa vào, đưa ra khu thương mại tự do đều phải làm thủ tục khai hải quan, chịu sự kiểm tra giám sát hải quan, trừ hàng hóa có xuất xứ Việt Nam đưa từ khu thương mại tự do vào nội địa thì không phải làm thủ tục hải quan.
3. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa từ nước ngoài đưa vào khu thương mại tự do:
- Khi đưa hàng hóa từ nước ngoài vào khu thương mại tự do, người khai hải quan phải khai trên Tờ khai hải quan theo đúng quy định đối với từng loại hình nhập khẩu tại Hải quan khu thương mại tự do. Hàng hóa từ nước ngoài nhập khẩu vào khu thương mại tự do không thuộc diện chịu các loại thuế đối với hàng nhập khẩu, vì vậy, khi khai hải quan người khai hải quan không phải thực hiện kê khai tính thuế.
- Hàng hóa đưa vào khu thương mại tự do được miễn kiểm tra hải quan. Nếu pháp hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cơ quan Hải quan thực hiện việc kiểm tra thực tế hàng hoá. Mức độ kiểm tra thực tế hàng hóa thực hiện theo quy định tại Thông tư này.
4. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa từ nội địa đưa vào khu thương mại tự do:
- Hàng hóa từ nội đưa đưa vào khu thương mại tự do coi như hàng hóa xuất khẩu doanh nghiệp nội địa phải làm thủ tục hải quan theo đúng quy định đối với từng loại hình xuất khẩu. Doanh nghiệp trong khu thương mại tự do làm thủ tục hải quan theo đúng quy định đối với từng loại hình nhập khẩu.
- Trường hợp doanh nghiệp nội địa đặt cơ sở trong khu thương mại tự do gia công hàng hoá, thì thủ tục hải quan thực hiện như doanh nghiệp nội địa đặt gia công tại nước ngoài. Doanh nghiệp nội địa đăng ký hợp đồng gia công và làm thủ tục xuất khẩu nguyên phụ liệu vào khu thương mại tự do tại Chi cục Hải quan trong nội địa. Hải quan khu thương mại tự do giám sát, xác nhận hàng vào khu thương mại.
- Việc kiểm tra thực tế hàng hóa thực hiện theo quy định như đối với hàng xuất khẩu ra nước ngoài. Trường hợp hàng đưa vào khu thương mại tự do do Chi cục Hải quan khác Chi cục Hải quan khu thương mại tự do làm thủ tục, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì Chi cục Hải quan khu thương mại tự do thực hiện kiểm tra lại hàng hóa theo quy định.
5. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa từ khu thương mại tự do xuất khẩu ra nước ngoài.
5.1. Hàng hóa từ nước ngoài hoặc hàng hóa từ nội địa đưa vào khu thương mại tự do sau đó xuất khẩu nguyên trạng ra nước ngoài thì doanh nghiệp khai hải quan theo Tờ khai xuất khẩu khu thương mại tự do và bản kê chi tiết (nếu có).
5.2. Hàng hóa được sản xuất, chế biến tại khu thương mại từ nguyên liệu nhập khẩu hoặc từ nội địa đưa vào thì ngoài chứng từ trên phải nộp thêm bản định mức.
5.3. Hàng hóa có xuất xứ hoàn toàn Việt Nam thì thủ tục hải quan thực hiện như hàng hóa xuất khẩu bình thường.
Các hàng hóa trên được miễn kiểm tra thực tế, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật thì thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa theo quy định tại khoản 2, mục III của Thông tư này.
6. Thủ tục Hải quan đối với hàng hóa từ khu thương mại tự do đưa vào nội địa:
Tất cả hàng hóa từ khu thương mại tự do đưa vào nội địa coi như hàng nhập khẩu từ nước ngoài, phải làm thủ tục hải quan theo đúng quy định đối với từng loại hình nhập khẩu trừ hàng xuất xứ Việt Nam.
7. Giám sát hải quan đối với hàng hóa đưa ra, đưa vào, đi qua khu thương mại tự do:
- Khu thương mại tự do phải có hàng rào cứng ngăn cách với bên ngoài, có cổng kiểm soát hải quan để giám sát hàng hóa đưa ra, đưa vào khu thương mại tự do.
- Tất cả hàng hóa đưa ra, đưa vào khu thương mại tự do, hàng hóa vận chuyển qua khu thương mại tự do để nhập khẩu vào nội địa hoặc xuất khẩu ra nước ngoài phải đi qua cổng kiểm soát hải quan và phải chịu sự giám sát của Hải quan cổng kiểm soát này.
- Hàng hóa từ nước ngoài nhập khẩu vào nội địa hoặc hàng hóa từ nội địa xuất khẩu ra nước ngoài khi đi qua khu thương mại tự do phải đi đúng tuyết đường do Hải quan khu thương mại tự do phối hợp với Ban quản lý khu thương mại tự do quy định.
VII. Thủ tục thành lập, di chuyển, mở rộng, thu hẹp kho ngoại quan và thủ tục hải quan đối với hàng hóa đưa vào, đưa ra kho ngoại quan.
1. Thủ tục thành lập kho ngoại quan:
1.1. Hồ sơ xin thành lập kho ngoại quan:
Doanh nghiệp thoả mãn các điều kiện quy định tại khoản 3, Điều 22, nghị định và điểm I.1.d.đ.e, mục 4, phần B Thông tư này có nhu cầu thành lập kho ngoại quan thì có văn bản và hồ sơ gửi Cục Hải quan nơi doanh nghiệp dự kiến thành lập Kho ngoại quan để được xem xét. Hồ sơ xin thành lập Kho ngoại quan gồm:
a) Đơn xin thành lập kho ngoại quan (mẫu do Tổng cục Hải quan ban hành);
b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao trong đó có chức năng kinh doanh kho bãi);
c) Sơ đồ thiết kế khu vực kho, bãi thể hiện rõ đường ranh giới ngăn cách với bên ngoài, vị trí các kho hàng, hệ thống đường vận chuyển nội bộ, hệ thống phòng chống cháy, nổ, bảo vệ, văn phòng kho và nơi làm việc của hải quan;
d) Chứng từ hợp pháp về quyền sử dụng kho, bãi.
1.2. Thủ tục xét cấp phép thành lập kho ngoại quan:
a) Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp, Cục hải quan tiến hành:
- Kiểm tra hồ sơ;
- Khảo sát thực tế kho, bãi;
- Báo cáo kết quả và kiến nghị với Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan;
b) Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày nhận được báo cáo, kiến nghị của Cục Hải quan và hồ sơ xin thành lập kho ngoại quan, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ra quyết định cấp Giấy phép thành lập kho ngoại quan hoặc có văn bản trả lời nếu doanh nghiệp không đủ điền kiện quy định tại Điều 22 của Nghị định.
2. Rút giấy phép thành lập kho ngoại quan:
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ra quyết định rút giấy phép hoạt động kho ngoại quan trong các trường hợp sau:
a) Doanh nghiệp có văn bản đề nghị dừng hoạt động kho ngoại quan;
b) Trong 01 (một) năm chủ kho ngoại quan 3 (ba) lần vi phạm hành chính về hải quan, bị xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền với mức phạt cho mỗi lần vượt thẩm quyền xử phạt hành chính về hải quan của Chi cục trưởng Hải quan; hoặc 01 (một) lần vi phạm hành chính về hải quan, bị xử phạt với mức phạt vượt quá thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về hải quan của Cục trưởng Hải quan hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
c) Trong thời hạn 06 (sáu) tháng, doanh nghiệp không đưa kho ngoại quan vào hoạt động mà không có lý do chính đáng.
3. Thủ tục di chuyển, mở rộng, thu hẹp kho ngoại quan:
3.1. Hồ sơ hải quan:
Doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng diện tích kho, bãi của kho ngoại quan đã được Tổng cục Hải quan cấp giấy phép thành lập ngay tại địa điểm xây dựng của kho hoặc có nhu cầu di chuyển kho ngoại quan từ địa điểm đã được Tổng cục Hải quan cấp giấy phép thành lập đến địa điểm mới nhưng vẫn nằm trong một khu vực được phép thành lập kho ngoại quan thì lập hồ sơ gửi Cục Hải quan đang quản lý kho ngoại quan, hồ sơ gồm:
- Đơn xin di chuyển, mở rộng, thu hẹp kho ngoại quan;
- Sơ đồ kho, bãi khu vực di chuyển, mở rộng, thu hẹp kho ngoại quan;
- Chứng từ hợp pháp về quyền sử dụng kho, bãi di chuyển, mở rộng.
3.2. Thủ tục xét cấp phép di chuyển, mở rộng, thu hẹp kho ngoại quan:
Cục Hải quan tỉnh, thành phố sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp, tiến hành:
- Kiểm tra hồ sơ;
- Khảo sát thực tế kho bãi.
- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ từ doanh nghiệp, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố phải ra quyết định cho phép di chuyển, mở rộng, thu hẹp kho Ngoại quan hoặc có văn bản trả lời doanh nghiệp đối với trường hợp không đủ điều hiện để di chuyển, mở rộng, thu hẹp kho ngoại quan.
4. Đưa hàng vào kho ngoại quan
4.1. Hàng từ nước ngoài đưa vào kho ngoại quan:
4.1.1. Hồ sơ nộp cho Hải quan kho ngoại quan bao gồm:
- Tờ khai nhập, xuất kho ngoại quan: 02 bản chính.
- Hợp đồng thuê kho ngoại quan đã đăng ký với Hải quan (bản photocopy ký xác nhận và đóng dấu của chủ kho ngoại quan).
- Giấy ủy quyền nhận hàng (nếu chưa được ủy quyền trong hợp đồng thuê Kho ngoại quan): 01 bản chính, nếu bản fax phải có ký xác nhận và đóng dấu của chủ kho ngoại quan.
- Vận đơn (ghi rõ hàng gửi kho ngoại quan)
- Bản kê chi tiết hàng hóa (riêng ô tô, xe máy phải ghi rõ số khung và số máy).
4.1.2. Thủ tục hải quan:
- Thủ tục đăng ký tờ khai thực hiện như các loại hình kinh doanh khác.
- Hải quan kho ngoại quan đối chiếu số container, số niêm phong đối với hàng nguyên container; số kiện, ký mã hiệu kiện đối với hàng đóng kiện với bộ chứng từ nếu phù hợp và tình trạng niêm phong, bao bì còn nguyên vẹn thì làm thủ tục nhập kho.
- Đối với hàng gửi kho ngoại quan nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hải quan thì phải kiểm tra thực tế hàng hoá. Mức độ kiểm tra theo quy định tại Thông tư này.
- Công chức Hải quan giám sát hàng nhập Kho ngoại quan ký xác nhận hàng đã nhập kho vào tờ khai hải quan nhập, xuất kho ngoại quan. Trường hợp hàng đến cửa khẩu nhập rồi xuất khẩu ngay, không làm thủ tục nhập kho ngoại quan thì trên Tờ khai xuất, nhập kho ngoại quan ghi rõ "hàng xuất ngay từ cửa khẩu nhập, không nhập kho ngoại quan".
4.1.3. Trường hợp hàng chuyển cửa khẩu về kho ngoại quan để nhập kho thì thủ tục chuyển cửa khẩu thực hiện theo hướng dẫn tại điểm b, mục 5 dưới đây.
4.1.4. Trường hợp có lý do chính đáng, được Cục trưởng hải quan nơi có kho ngoại quan chấp nhận, hàng hóa đã ký hợp đồng gửi kho ngoại quan được vận chuyển trực tiếp từ cửa khẩu nhập ra cửa khẩu xuất, không buộc phải đưa hàng vào kho.
4.2. Hàng từ nội địa đưa vào kho ngoại quan:
4.2.1. Hàng từ nội địa đưa vào kho ngoại quan trong các trường hợp sau:
- Hàng hóa xuất khẩu xin gửi kho ngoại quan;
- Hàng từ kho ngoại quan đã được phép đưa vào nội địa để gia công, tái chế trước đó;
- Hàng hết thời hạn tạm nhập phải tái xuất;
- Hàng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền buộc phải tái xuất.
4.2.2. Thủ tục, hồ sơ hải quan:
a) Đối với hàng xuất khẩu, hàng phải tái xuất:
- Doanh nghiệp phải làm đầy đủ thủ tục, hồ sơ hải quan như đối với hàng xuất khẩu, hàng tái xuất được quy định tại Thông tư này trước khi gửi hàng vào kho ngoại quan.
- Chủ hàng (nước ngoài) hoặc đại diện hợp pháp của chủ hàng làm đầy đủ thủ tục, hồ sơ hải quan hàng gửi kho ngoại quan như quy định đối với hàng từ nước ngoài đưa vào gửi kho ngoại quan.
- Làm thủ tục chuyển cửa khẩu đối với hàng chuyển cửa khẩu đến kho ngoại quan.
b) Đối với hàng từ kho ngoại quan đưa vào nội địa để gia công, tái chế nay tái nhập. Thủ tục, hồ sơ hải quan như đối với hàng hóa gia công xuất khẩu, nhập khẩu.
5. Đưa hàng hóa ra khỏi kho ngoại quan:
5.1. Hàng hóa từ kho ngoại quan đưa ra nước ngoài:
a) Chủ hàng hoặc đại diện hợp pháp của chủ hàng nộp cho hải quan kho ngoại quan hồ sơ sau:
- Tờ khai nhập, xuất kho ngoại quan: 02 bản chính.
- Tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu: 1 bản sao (nếu 1 tờ khai xuất khẩu phải xuất kho nhiều lần thì xuất trình để hải quan trừ lùi);
- Giấy ủy quyền xuất hàng (nếu không ghi trong hợp đồng thuê kho);
- Phiếu xuất kho theo đúng mẫu quy định của Bộ Tài chính;
b) Hải quan kho ngoại quan đối chiếu bộ chứng từ khai báo khi xuất kho với chứng từ khi làm thủ tục nhập kho và thực tế lô hàng, nếu phù hợp thì làm thủ tục xuất, thực hiện chế độ giám sát hải quan theo quy định tại Điều 18 Nghị định;
c) Hàng hóa của một lần nhập kho khai trên Tờ khai nhập, xuất kho ngoại quan được đưa ra khỏi kho ngoại quan một lần hoặc nhiều lần;
5.2. Hàng hóa từ kho ngoại quan đưa vào nội địa:
a) Hàng hóa từ kho ngoại quan được đưa vào nội địa trong các trường hợp sau:
- Hàng hóa nhập khẩu được đưa vào tiêu thụ tại thị trường Việt Nam quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 26 Nghị định;
- Hàng hóa được đưa vào nội địa để gia công, tái chế.
- Hàng hóa là máy móc thiết bị thuê của nước ngoài khi kết thúc hợp đồng đã tái xuất và gửi kho ngoại quan được đưa vào nội địa để thực hiện hợp đồng thuê tiếp theo.
- Trường hợp có lý do chính đáng và được Cục trưởng Hải quan nơi có kho ngoại quan chấp nhận, hàng hóa đã xuất khẩu gửi kho ngoại quan được làm thủ tục nhập khẩu vào nội địa. Thủ tục hải quan thực hiện như hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài.
b) Chủ hàng hoặc đại diện hợp pháp của chủ hàng phải làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa đưa vào nội địa như thủ tục nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài theo đúng quy định của từng loại hình nhập khẩu tương ứng.
c) Hải quan kho ngoại quan giám sát việc xuất hàng ra khỏi kho ngoại quan và xác nhận trên Tờ khai nhập, xuất kho ngoại quan.
6. Vận chuyển hàng hóa từ Kho ngoại quan này sang kho ngoại quan khác trên lãnh thổ Việt Nam:
- Chủ hàng hoặc đại diện hợp pháp của chủ hàng phải làm đơn đề nghị và được sự đồng ý của Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi có kho ngoại quan đang chứa hàng trước.
- Thủ tục hải quan đưa hàng từ kho ngoại quan này sang kho ngoại quan khác thực hiện theo quy định đối với lô hàng chuyển cửa khẩu.
- Thời gian của hợp đồng thuê kho ngoại quan được tính từ ngày hàng hóa được đưa vào Kho ngoại quan đầu tiên.
7. Thủ tục thanh lý hàng trong kho ngoại quan:
Thực hiện theo Thông tư số 36/2003/TT-BTC ngày 17/04/2003 của Bộ Tài chính.
8. Quản lý hải quan đối với kho ngoại quan:
- Hàng hóa vận chuyển từ cửa khẩu nhập về kho ngoại quan, từ kho ngoại quan đến cửa khẩu xuất, từ kho ngoại quan này đến kho ngoại quan khác, hàng hóa lưu giữ trong kho ngoại quan và các dịch vụ trong kho ngoại quan chịu sự kiểm tra, giám sát của Hải quan kho ngoại quan.
- Hải quan kho ngoại quan và chủ kho ngoại quan phải mở sổ theo dõi hàng hóa nhập, xuất kho.
- Định kỳ 6 tháng một lần, chủ kho ngoại quan phải báo cáo bằng văn bản cho Cục trưởng Cục Hải quan nơi có kho ngoại quan về thực trạng hàng hóa trong kho và tình hình hoạt động của kho.
- Kết thúc hợp đồng thuê kho ngoại quan, chủ kho ngoại quan, chủ hàng có trách nhiệm thanh lý hợp đồng thuê kho ngoại quan. Chủ kho ngoại quan làm thủ tục thanh khoản hàng hóa nhập, xuất của hợp đồng đó với Hải quan Kho ngoại quan.
- Định kỳ mỗi năm một lần, Cục Hải quan tiến hành kiểm tra tình hình hoạt động của kho ngoại quan và việc chấp hành pháp luật hải quan của chủ Kho ngoại quan. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Cục Hải quan tiến hành kiểm tra đột xuất kho ngoại quan.
VIII. Đối với hàng hóa đưa vào đưa ra kho bảo thuế
1. Hàng hóa đưa vào đưa ra kho bảo thuế là nguyên liệu nhập khẩu nhưng chưa phải nộp thuế để sản xuất hàng xuất khẩu của chính doanh nghiệp có kho bảo thuế.
Doanh nghiệp phải khai báo hồ sơ hải quan riêng biệt cho phần nguyên liệu nhập khẩu được bảo thuế.
2. Thủ tục hải quan đối với nguyên liệu nhập khẩu đưa vào kho bảo thuế được thực hiện như thủ tục hải quan đối với một lô hàng nhập nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu, trừ thủ tục nộp thuế và thanh khoản nguyên liệu nhập khẩu được thực hiện như quy định tại Điều 28 và Điều 29 Nghị định.
3. Thủ tục nộp thuế đối với phần nguyên liệu nhập kho bảo thuế để sản xuất sản phẩm nhưng không xuất khẩu được thực hiện theo nguyên tắc nhập trước xuất trước, nhập sau xuất sau, cụ thể: số nguyên liệu tồn không xuất khẩu sẽ được tính vào các Tờ khai nhập khẩu nguyên liệu sau cùng trong kỳ thanh khoản hàng tại kho bảo thuế, thời điểm tính thuế là thời điểm đăng ký Tờ khai.
IX. Đối với hàng hóa đưa ra kho thu gom hàng lẻ (CFS)
Thủ tục hải quan đối với hàng hóa đưa vào, đưa ra kho CFS được áp dụng như đối với một lô hàng chuyển cửa khẩu.
X. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất
1. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất được áp dụng theo thủ tục đã được hướng dẫn đối với từng loại hình xuất khẩu, nhập khẩu trên đây. Ngoài các giấy tờ phải nộp, do đặc điểm của loại hình này doanh nghiệp chế xuất phải thực hiện các thủ tục sau:
- Mỗi quý thanh khoản một lần;
- Doanh nghiệp phải nộp hồ sơ thanh khoản gồm:
+ Bảng tổng hợp các Tờ khai hải quan nhập khẩu nguyên liệu;
+ Bảng tổng hợp lượng nguyên liệu đã nhập khẩu;
+ Bảng tổng hợp các Tờ khai hải quan xuất khẩu sản phẩm;
+ Bảng tổng hợp lượng sản phẩn đã xuất khẩu;
+ Các bản định mức của từng mặt hàng (mã hàng);
+ Báo cáo nhập, xuất, tồn nguyên liệu nhập khẩu.
2. Quản lý của Hải quan đối với nguyên liệu nhập khẩu, sản phẩm xuất khẩu:
Căn cứ báo cáo của doanh nghiệp chế xuất, cơ quan Hải quan quản lý doanh nghiệp chế xuất thực hiện kiểm tra hồ sơ. Trường hợp phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật sẽ tiến hành kiểm tra hàng hóa tồn kho. Nếu có vi phạm sẽ bị xử lý theo luật định.
XI. Đối với linh kiện, phụ tùng tạm nhập để phục vụ thay thế, sửa chữa tàu biển, tàu bay nước ngoài quy định tại Điều 32, Nghị định:
1. Người khai báo hải quan:
a) Nếu linh kiện, phụ tùng tạm nhập do chính tàu bay, tàu biển mang theo khi nhập cảnh thì người khai hải quan là người điều khiển phương tiện.
b) Nếu linh kiện, phụ tùng gửi trước, gửi sau theo địa chỉ của đại lý hãng tàu thì người khai hải quan là đại lý hãng tàu đó.
2. Thủ tục hải quan:
a) Đối với trường hợp phụ tùng, linh kiện tạm nhập để phục vụ cho hợp đồng sửa chữa tàu biển, tàu bay ký giữa chủ tàu nước ngoài với nhà máy sửa chữa tại Việt Nam thì làm thủ tục theo loại hình gia công cho nước ngoài.
b) Linh kiện, phụ tùng tạm nhập nếu không sử dụng hết phải tái xuất ra khỏi Việt Nam. Trường hợp tiêu thụ tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định về chính sách quản lý hàng hóa xuất, nhập khẩu, chính sách thuế như hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài. Đại lý hãng tàu hoặc người mua Việt Nam phải chịu trách nhiệm làm thủ tục nhập khẩu với cơ quan Hải quan, nộp các loại thuế theo quy định của pháp luật.
c) Linh kiện, phụ tùng tháo ra khi sửa chữa, thay thế phải tái xuất ra khỏi Việt Nam hoặc tiêu hủy đúng quy định pháp luật.
XII. Đối với hàng hóa kinh doanh theo phương thức tạm nhập - tái xuất:
Thủ tục hải quan đối với hàng hóa kinh doanh theo phương thức tạm nhập tái xuất thực hiện theo quy định đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu thương mại. Ngoài ra cho tính đặc thù của loại hình này nên có một số quy định cụ thể như sau:
1. Địa điểm làm thủ tục hải quan:
a) Hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu kinh doanh theo phương thức tạm nhập tái xuất chỉ được làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu;
b) Hàng hóa khi tái xuất có thể làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập hoặc cửa khẩu tái xuất.
c) Nếu hàng hóa tạm nhập - tái xuất là hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu thì phải lưu giữ trong khu vực cửa khẩu nhập, phải làm thủ tục tái xuất tại Chi cục Hải quan cửa khẩu tạm nhập hàng.
2. Quản lý hàng tái xuất:
a) Khi làm thủ tục tái xuất ngoài những chứng từ như đối với một lô hàng xuất khẩu thương mại người khai hải quan phải nộp một bản sao và xuất trình bản chính Tờ khai hàng tạm nhập.
b) Một lô hàng tạm nhập có thể chia thành nhiều lô hàng tái xuất. Khi tái xuất, doanh nghiệp phải tái xuất một lần hết lượng hàng khai trên một tờ khai tái xuất.
c) Hàng hóa tái xuất phải được xuất qua cửa khẩu trong thời hạn 08 giờ làm việc kể từ khi hàng đến cửa khẩu xuất. Trong trường hợp có lý do chính đáng được Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu xuất chấp nhận thì được lưu tại cửa khẩu xuất, nhưng không quá thời hạn hiệu lực của tờ khai tái xuất.
3. Thanh khoản tờ khai tạm nhập:
Chi cục hải quan làm thủ tục tạm nhập hàng hóa chịu trách nhiệm thanh khoản tờ khai tạm nhập khi hàng hóa đã tái xuất hết.
XIII. Hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập dự hội chợ triển lãm
Thủ tục hải quan đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập dự hội chợ triển lãm thực hiện theo quy định đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu thương mại. Ngoài ra do tính đặc thù của loại hình này nên có một số quy định cụ thể như sau:
1. Địa điểm làm thủ tục hải quan:
Chi cục Hải quan nơi có Hội chợ, triển lãm hoặc Chi cục Hải quan cửa khẩu.
2. Thời hạn tái xuất, tái nhập:
Sau 30 ngày kể từ ngày kết thúc hội chợ triển lãm doanh nghiệp làm thủ tục tái xuất hoặc tái nhập hàng hóa dự hội chợ triển lãm. Nếu có lý do chính đáng thì thời gian tái xuất, tái nhập được gia hạn nhưng không quá ba lần, mỗi lần gia hạn không quá 30 ngày.
3. Thẩm quyền gia hạn thời gian tái xuất, tái nhập:
- Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh thành phố gia hạn đối với trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không phải có giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu.
- Bộ thương mại gia hạn đối với trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải có giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu.
4. Cơ quan Hải quan thanh quyết toán:
Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập hoặc tạm xuất (nơi làm thủ tục hải quan đầu tiên) chịu trách nhiệm theo dõi, quản lý và thanh quyết toán đối với hàng tạm nhập, tái xuất. Đối với hàng hóa dự hội chợ và có tổ chức bán tại hội chợ thuộc diện phải có giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu thì phải xin phép Bộ Thương mại.
Hàng bán tại Hội chợ triển lãm phải nộp thuế theo luật định.
XIV. Đối với hàng hóa là máy móc thiết bị tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập phục vụ thi công công trình, dự án đầu tư, tài sản cho thuê, đi thuê.
Thủ tục hải quan đối với hàng hóa là máy móc thiết bị tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập phục vụ thi công công trình, dự án đầu tư, tài sản cho thuê, đi thuê thực hiện theo quy định đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại.
XV. Đối với hàng hóa kinh doanh theo phương thức chuyển khẩu
Thủ tục Hải quan đối với hàng hóa kinh doanh theo phương thức chuyển khẩu thực hiện theo quy định đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại nhưng không tính thuế và thu thuế. Ngoài ra do tính đặc thù của loại hình này nên có quy định cụ thể thêm như sau:
1. Nếu hàng chuyển khẩu được vận chuyển thẳng từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu không qua cửa khẩu Việt Nam thì không phải làm thủ tục hải quan.
2. Nếu hàng hóa chuyển khẩu được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu có qua cửa khẩu Việt Nam và đưa vào kho ngoại quan, cảng trung chuyển hàng hóa thì làm thủ tục hải quan theo quy định đối với hàng hóa đưa vào, đưa ra kho ngoại quan, cảng trung chuyển.
3. Hàng hóa kinh doanh theo phương thức chuyển khẩu phải tái xuất tại cửa khẩu nhập.
4. Hàng hóa kinh doanh theo phương thức chuyển khẩu thuộc đối tượng được miễn kiểm tra. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì phải kiểm tra hải quan theo quy định tại điểm III.2.2, mục 1, phần B Thông tư này.
XVI. Đối với việc tạm nhập, tái xuất theo phương thức quay vòng đối với các phương tiện chứa hàng hoá.
1. Các phương tiện này bao gồm:
a) Container rỗng;
b) Bồn mềm lót trong container để chứa hàng lỏng (flex tank);
c) Container có móc treo chuyên dùng.
2. Thủ tục hải quan:
a) Trường hợp các phương tiện trên là của hãng vận tải:
- Khi nhập khẩu:
Đại lý hãng tàu nộp bản lược khai trong bản lược khai hàng hóa chuyên chở trong đó có liệt kê cụ thể các phương tiện nhập khẩu.
- Khi xuất khẩu:
+ Đại lý hãng tàu nộp Bản kê container rỗng (trước khi xếp xuống tàu);
+ Thuyền trưởng hoặc đại lý hãng tàu nộp bản lược khai hàng hóa chuyên chở.
b) Trường hợp các phương tiện trên không phải của hãng vận tải:
- Người khai hải quan là người có hàng hóa đã hoặc sẽ chứa trong các phương tiện nêu trên.
- Người khai hải quan phải có văn bản giải trình để được làm thủ tục theo phương thức này.
XVII. Đối với hàng hóa bán tại cửa hàng miễn thuế:
Thực hiện theo quy định quản lý hải quan đối với hàng hóa bán tại cửa hàng kinh doanh miễn thuế ban hành kèm theo Quyết định số 77/2004/QĐ-BTC ngày 28/09/2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
XVIII. Đối với bưu phẩm, bưu kiện, hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính và vật phẩm hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh.
Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 33/2003/TT-BTC ngày 16/4/2003 của Bộ Tài chính.
MỤC 3. THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU KHÔNG NHẰM MỤC ĐÍCH THƯƠNG MẠI
I. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại
Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại (dưới đây gọi tắt là hàng phi mậu dịch) gồm:
1. Quà biếu, tặng của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài gửi cho tổ chức, cá nhân ở Việt Nam; của tổ chức, cá nhân ở Việt Nam gửi cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài.
2. Hàng hóa của cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Việt Nam và những người làm việc tại các cơ quan, tổ chức trên;
3. Hàng viện trợ nhân đạo;
4. Hàng hóa tạm nhập khẩu của những cá nhân được Nhà nước Việt Nam cho miễn thuế;
5. Hàng mẫu không thanh toán;
6. Dụng cụ nghề nghiệp, phương tiện làm việc của người xuất nhập cảnh;
7. Tài sản di chuyển của tổ chức, cá nhân;
8. Hành lý cá nhân của người nhập cảnh gửi theo vận tải đơn, hàng hóa mang theo người của người nhập cảnh vượt tiêu chuẩn miễn thuế;
9. Hàng phi mậu khác.
II. Người khai hàng hóa xuất nhập khẩu phi mậu dịch gồm:
1. Chủ hàng; hoặc:
2. Đại lý làm thủ tục hải quan nếu chủ hàng ký hợp đồng với đại lý; hoặc:
3. Người được chủ hàng ủy quyền bằng văn bản. Trong trường hợp này người nhận ủy quyền được nhân danh mình khai, ký tên, đóng dấu vào tờ khai hải quan.
1. Đối với hàng nhập khẩu:
a) Giấy tờ phải nộp:
- Tờ khai hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch: 02 bản chính;
- Vận tải đơn (trừ trường hợp hàng hóa mang theo người vượt tiêu chuẩn miễn thuế theo quy định tại điểm I.8, ,mục II phần B): 01 bản copy
- Văn bản ủy quyền quy định tại điểm II.3, mục III, phần B: 1 bản chính;
- Giấy xác nhận hàng viện trợ của Bộ Tài chính (đối với trường hợp nhập khẩu hàng viện trợ nhân đạo):01 bản chính;
- Văn bản cho phép định cư tại Việt nam của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (đối với trường hợp nhập khẩu tài sản di chuyển của cá nhân, gia đình): 01 bản sao công chứng;
- Văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển tài sản của tổ chức từ nước ngoài vào Việt nam: 01 bản sao;
- Giấy phép nhập khẩu hàng hóa (đối với trường hợp nhập khẩu hàng cấm, hàng nhập khẩu có điều kiện các trường hợp nêu ở điểm I.7, điểm I.8, mục 3, phần B): 01 bản chính;
- Giấy tờ khác, tuỳ theo từng trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật phải có.
b) Giấy tờ phải xuất trình:
- Giấy báo nhận hàng của tổ chức vận tải (trừ trường hợp hàng hóa mang theo người vượt tiêu chuẩn miễn thuế theo quy định tại điểm I.8, mục 3 phần B);
- Hợp đồng ký với đại lý hải quan (áp dụng đối với trường hợp tại điểm II.2, mục 3, phần B);
- Sổ tiêu chuẩn hàng miễn thuế của cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, những người nước ngoài làm việc tại các cơ quan, tổ chức trên.
2. Đối với hàng xuất khẩu:
a) Giấy tờ phải nộp:
- Tờ khai hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch: 02 bản chính;
- Văn bản ủy quyền quy định tại điểm II.3, mục 3, phần B: 01 bản chính;
- Văn bản cho phép xuất khẩu viện trợ nhân đạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (đối với trường hợp xuất khẩu hàng viện trợ nhân đạo): 01 bản sao có xác nhận của tổ chức nhận viện trợ;
- Văn bản cho phép định cư ở nước ngoài của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (đối với trường hợp xuất khẩu tài sản di chuyển của cá nhân, gia đình): 01 bản sao có công chứng;
- Văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển tài sản của tổ chức ra nước ngoài: 01 bản sao công chứng;
- Giấy phép xuất khẩu hàng hóa (đối với trường hợp xuất khẩu hàng cấm, hàng xuất khẩu có điều kiện, trừ hàng hóa của các đối tượng nêu tại các điểm I.7, điểm I.8 trên): 01 bản chính;
- Giấy tờ khác, tuỳ theo từng trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật phải có.
b) Giấy tờ phải xuất trình:
Hợp đồng ký với đại lý hải quan (đối với trường hợp tại điểm II.2 trên).
1. Người khai hải quan khai và nộp hồ sơ hải quan, cơ quan hải quan tiếp nhận, đăng ký hồ sơ;
2. Người khai hải quan nhận hàng từ người vận tải (đối với hàng nhập khẩu);
3. Người khai hải quan xuất trình hàng hoá, cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra hàng hoá.
Việc kiểm tra hàng hóa phi mậu dịch cũng phải tuân thủ nguyên tắc kiểm tra hải quan quy định tại Luật Hải quan, Nghị định.
Riêng hàng hóa của cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế được hưởng quy chế ngoại giao tại Việt Nam và những người nước ngoài có thân phận ngoại giao làm việc tại các cơ quan, tổ chức trên được miễn kiểm tra trong mọi trường hợp, trừ trường hợp vi phạm pháp luật quả tang. Tổ chức, cá nhân nói trên và người được ủy quyền chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu bị phát hiện vi phạm pháp luật về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá;
4. Người khai hải quan nộp thuế, lệ phí và các khoản khác theo quy định của pháp luật;
Thủ tục hải quan được hoàn thành, hàng hóa được thông quan sau khi các công việc trên được thực hiện.
MỤC 4. THỦ TỤC THÀNH LẬP ĐỊA ĐIỂM LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN TẠI CẢNG NỘI ĐỊA, ĐỊA ĐIỂM LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN NGOÀI CỬA KHẨU VÀ ĐỊA ĐIỂM KIỂM TRA HÀNG HÓA Ở NỘI ĐỊA
I. Thủ tục thành lập địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng nội địa và thủ tục thành lập địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu:
1. Điều khiển thành lập địa điểm làm thủ tục hải quan tại cảng nội địa (dưới đây gọi tắt là cảng nội địa):
1.1. Doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh ngành nghề giao nhận vận tải hàng hoá, xuất nhập khẩu; kinh doanh kho, bãi.
1.2. Khu vực thành lập cảng nội địa phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Được thành lập khi có tình trạng ách tắc hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng biển quốc tế và đã được quy hoạch trong hệ thống cảng nội địa của Bộ Giao thông vận tải công bố;
b) Phải có diện tích từ 10 ha trở lên;
c) Địa điểm phải đảm bảo điều kiện làm việc cho cơ quan Hải quan như nơi làm việc, nơi kiểm tra hàng hoá, kho chứa tang vật vi phạm.
d) Kho, bãi phải có tường rào ngăn cách với khu vực xung quanh, được trang bị hệ thống camera, máy soi, cân điện tử, các thiết bị khác để thông quan hàng hóa nhanh chóng. Hàng hóa ra vào kho, bãi phải được quản lý bằng hệ thống máy tính. Các hệ thống, thiết bị này được nối với hệ thống giám sát của cơ quan Hải quan.
2. Điều kiện thành lập Địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu (dưới dây gọi tắt là địa điểm):
2.1. Khu vực thành lập địa điểm phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Phải nằm trong quy hoạch của Bộ Tài chính về hệ thống các địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu.
b) Các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu thương mại tự do, khu phi thuế quan, khu kinh tế đặc biệt khác hoặc địa bàn tập trung nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thường xuyên ổn định.
c) Ở nơi giao thông thuận tiện, phù hợp với việc vận chuyển hàng hóa bằng cont.
d) Có diện tích từ 01 ha trở lên.
đ) Các điều kiện khác như quy định tại điểm d, đ điểm 1, phần I trên.
3. Hồ sơ xin thành lập cảng nội địa/Địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu gồm:
a) Văn bản đề nghị thành lập: 01 bản chính.
b) Văn bản chấp thuận của UBND tỉnh, thành phố nơi đặt cảng nội địa/địa điểm
c) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: 01 bản sao.
d) Luận chứng kinh tế, kỹ thuật xây dựng: 01 bản sao.
đ) Quy chế hoạt động: 01 bản chính.
4. Thủ tục thành lập:
4.1. Hồ sơ xin thành lập cảng nội địa/Địa điểm được gửi đến Tổng cục Hải quan.
a) Tổng cục Hải quan tiến hành thẩm định các nội dung:
- Kiểm tra việc quy hoạch cảng nội địa/địa điểm;
- Kiểm tra hồ sơ
- Khảo sát thực tế kho, bãi;
- Đánh giá việc đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2, Điều 4, Nghị định và điểm I.1, I.2 trên đây.
b) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan hoàn thành việc thẩm định, báo cáo kết quả và trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định thành lập cảng nội địa, địa điểm.
4.2. Định kỳ mỗi năm một lần hoặc khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, Tổng cục Hải quan thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật Hải quan của doanh nghiệp được phép thành lập và kinh doanh cảng nội địa/Địa điểm này. Trường hợp phát hiện doanh nghiệp có vi phạm pháp luật Hải quan thì tuỳ theo mức độ vi phạm, xử lý theo quy định của Pháp luật hoặc trình Bộ trưởng Bộ Tài chính thu hồi Quyết định thành lập cảng nội địa/ địa điểm.
4.3. Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định thu hồi Quyết định thành lập cảng nội địa/địa điểm trong các trường hợp sau:
- Doanh nghiệp có văn bản đề nghị ngừng hoạt động;
- Quá thời hạn 06 tháng kể từ khi có Quyết định thành lập, doanh nghiệp không đưa cảng nội địa/Địa điểm vào hoạt động mà không có lý do chính đáng;
- Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh cảng nội địa/Địa điểm có vi phạm pháp luật Hải quan theo quy định tại điểm 4.2 trên đây;
- Doanh nghiệp đã được phép hoạt động nhưng không duy trì được các điều kiện quy định tại khoản 2, Điều 4, Nghị định; điểm I.1, I.2 trên đây (trừ những trường hợp đã được cấp phép hoạt động theo quy định tại Quyết định 52/2003/QĐ-BTC).
4.4. Căn cứ vào mức độ tăng trưởng hàng hóa xuất nhập khẩu của cảng nội địa/Địa điểm, kiến nghị của doanh nghiệp và phù hợp với vị trí địa lý, các điều kiện hoạt động cảng nội địa/Địa điểm, Cục trưởng Cục Hải quan quyết định việc cho phép doanh nghiệp thu hẹp hoặc mở rộng cảng nội địa/Địa điểm.
II. Thủ tục thành lập địa điểm kiểm tra thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (Trong phần này gọi tắt là Địa điểm kiểm tra):
1. Địa điểm kiểm tra bao gồm:
a) Địa điểm kiểm tra tập trung, trạm thu gom hàng lẻ ở nội địa;
b) Địa điểm kiểm tra hàng xuất khẩu ở biên giới thuộc khu kinh tế cửa khẩu;
c) Chân công trình, nhà máy, xí nghiệp, nơi sản xuất.
2. Điều kiện thành lập
2.1. Đối với Địa điểm kiểm tra tập trung, trạm thu gom hàng lẻ ở nội địa: Được thành lập nếu đáp ứng được các điều kiện sau:
a) Doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh ngành nghề giao nhận, vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu (đối với doanh nghiệp xin thành lập địa điểm kiểm tra tại trạm thu gom hàng lẻ);
b) Ở địa bàn có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thường xuyên, giao thông thuận tiện, phù hợp với việc vận chuyển hàng hóa bằng cont; cách Chi cục Hải quan quản lý không quá 20 km.
c)Các điều kiện khác thực hiện theo quy định tại tiết d, đ và e điểm I.1, mục 4, phần B trên đây.
2.2. Đối với Địa điểm kiểm tra hàng xuất khẩu ở biên giới thuộc khu kinh tế cửa khẩu
a) Nằm trong khu kinh tế cửa khẩu;
b) Được phép của UBND tỉnh cho phép hàng hóa đi qua.
2.3. Đối với địa điểm kiểm tra là chân công trình, nhà máy, xí nghiệp, nơi sản xuất.
a) Chân công trình hoặc kho của công trình: Là nơi tập kết thiết, máy móc, vật tư nhập khẩu để xây dựng nhà máy, công trình.
b) Nơi sản xuất: Là nhà máy, xí nghiệp sản xuất của doanh nghiệp (áp dụng đối với mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu riêng về bảo quản, đóng gói, vệ sinh, công nghệ, an toàn.
Doanh nghiệp chịu trách nhiệm bố trí phương tiện phục vụ việc kiểm tra tại chân công trình, nhà máy, xí nghiệp, nơi sản xuất của cơ quan Hải quan.
3. Thẩm quyền công nhận địa điểm:
- Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định đối với Địa điểm kiểm tra tập trung, trạm thu gom hàng lẻ ở nội địa và địa điểm kiểm tra hàng xuất khẩu ở biên giới thuộc khi kinh tế cửa khẩu;
- Cục trưởng Hải quan quyết định thành lập địa điểm kiểm tra chân công trình, nhà máy, xí nghiệp, nơi sản xuất.
MỤC 5. THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU CHUYỂN CỬA KHẨU
Thủ tục hải quan đối với hàng chuyển cửa khẩu được quy định tại Điều 18 Nghị định. Bộ Tài chính hướng dẫn thêm một số điểm như sau:
1. Đối với hàng nhập khẩu đăng ký tờ khai tại Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu, nếu được miễn kiểm tra thực tế hàng hoá, thì không phải làm thủ tục chuyển cửa khẩu.
2. Hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu đưa vào Khu Chế xuất, Hải quan Khu Chế xuất chỉ được ký thông quan cho lô hàng sau khi lô hàng nhập khẩu đã được đưa vào Khu Chế xuất.
3. Giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu:
a) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu phải được chứa trong container hoặc phải được chứa trong các loại phương tiện vận tải, xe ô tô đáp ứng được yêu cầu niêm phong Hải quan.
Trường hợp hàng không thể niêm phong được (hàng siêu trường, siêu trọng...) thì Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập phải thông báo chi tiết bằng văn bản cho Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu biết và tình hình hàng hóa vận chuyển không được niêm phong.
b) Không niêm phong đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu được miễn kiểm tra thực tế hàng hoá.
3. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan hướng cụ thể quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu.
MỤC 6. THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH, CHUYỂN CẢNG
Thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh chuyển cảng được quy định tại Chương III Nghị định, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể thêm một số điểm sau:
1. Các loại phương tiện vận tải là tàu biển, máy bay, ô tô, tàu hỏa liên vận quốc tế, (sau đây gọi tắt là phương tiện vận tải) phải làm thủ tục hải quan và chịu sự giám sát hải quan trong quá trình hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam;
2. Cảng vụ sân bay, cảng biển, ga đường sắt liên vận quốc tế có trách nhiệm thông báo trước cho cơ quan Hải quan các thông tin liên quan đến phương tiện vận tải, hàng hóa và hành khách xuất nhập cảnh do phương tiện vận vải chuyển chở.
3. Các tổ chức vận tải có trách nhiệm khai với cơ quan Hải quan về hàng hoá, hành khách, tổ lái, người làm việc trên các phương tiện vận tải và các thông tin khác có liên quan đến công tác quản lý phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của cơ quan Hải quan.
4. Phương tiện vận tải phải hoạt động theo đúng tuyến đường, đúng cửa khẩu, dừng đúng nơi quy định và giao trả hàng tại địa điểm ghi trong chứng từ vận chuyển. Người điều khiển phương tiện vận tải phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của phương tiện được điều khiển trong suốt thời gian hoạt động tại Việt Nam.
5. Người điều khiển phương tiện vận tải hoặc đại diện hợp pháp tại Việt nam phải làm thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải tại Hải quan cửa khẩu nhập đầu tiên và cửa khẩu xuất sau cùng hoặc địa điểm khác do Chính phủ quy định.
6. Việc cung cấp thông tin và khai hải quan của các cơ quan, tổ chức nêu ở khoản 2, 3 trên và giữa các Chi cục Hải quan với nhau được thực hiện qua hệ thống máy tính nối mạng trực tiếp với cơ quan Hải quan hoặc bằng văn bản. Cơ quan Hải quan khuyến khích và ưu tiêu đối với các chủ phương tiện vận tải khai báo hải quan bằng hình thức điện tử.
7. Các chất nổ, chất cháy, thuốc độc, thuốc mê, ngoại tệ dự trữ, vũ khí trang bị, rượu, bia, thuốc lá và đồ uống có cồn trên tàu thì khai vào Bản khai các kho dự trữ của tàu, phải để vào kho riêng và được niêm phong hải quan khi cần thiết.
Trong trường hợp tàu có chuyên chở hàng hóa nhập khẩu để chuyển cảng hoặc hàng hóa quá cảnh thì thuyền trưởng phải nộp cho thêm Bản lược khai hàng hóa chuyển cảng hoặc hàng hóa quá cảnh khi làm thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu đầu tiên của Việt Nam.
Khi cơ quan Hải quan yêu cầu, thuyền trưởng phải xuất trình các chứng từ liên quan đến hàng hóa vận chuyển trên tàu và hồ sơ kỹ thuật của tàu, hồ sơ liên quan đến thuyền viên, hành khách trên tàu.
8. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quy định cụ thể quy trình thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, chuyển cảng.
9. Phương tiện vận tải của cá nhân, cơ quan tổ chức tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập không nhằm mục đích thương mại (dưới đây gọi tắt là phương tiện tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập) được hướng dẫn cụ thể như sau:
9.1. Phương tiện vận tải tạm nhập tái xuất; tạm xuất tái nhập bao gồm:
- Ô tô du lịch;
- Xe gắn máy;
- Thuyền, xuồng có gắn động cơ hoặc không gắn động cơ, ca-nô;
- Tàu bay cá nhân.
9.2. Thủ tục hải quan:
Đối với phương tiện vận tải tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, người điều khiển phương tiện phải nộp và xuất trình các hồ sơ, chứng từ sau:
- Xuất trình Giấy phép xuất cảnh, nhập cảnh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương theo quy định của Hiệp định vận tải đường bộ được ký kết giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới hoặc Hiệp định vận tải đường bộ giữa các nước trong khu vực (xuất trình);
- Tờ khai danh sách hành khách: (nộp 01 bản);
- Tờ khai phương tiện tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập (nộp 01 bản);
- Tờ khai hành lý của người điều khiển phương tiện, hành khách có hành lý phải khai (nếu có nộp 01 bản).
9.3. Quy định riêng cho các phương tiện vận tải của cá nhân, tổ chức ở khu vực biên giới thường xuyên qua lại khi vực biên giới:
9.3.1. Các phương tiện này bao gồm:
a) Xe ôtô tải của nước ngoài vào khu vực cửa khẩu Việt nam để giao hàng nhập khẩu hoặc nhận hàng xuất khẩu sau đó quay về nước ngay trong ngày.
b) Xe ôtô tải của Việt Nam đi qua biên giới để giao hàng xuất khẩu, nhận hàng nhập khẩu ngay tại khu vực cửa khẩu sau đó quay trở lại Việt nam ngay trong ngày.
c) Phương tiện vận tải của cá nhân, cơ quan, tổ chức ở khu vực biên giới thường xuyên qua lại khu vực biên giới do nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.
9.3.2. Điều kiện tạm nhập tái xuất:
Các loại phương tiện này chỉ được tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập qua cùng một cửa khẩu.
9.3.3. Thủ tục hải quan:
Các loại phương tiện này không phải có giấy phép, không phải khai bằng tờ khai hải quan, cơ quan hải quan cửa khẩu quản lý, theo dõi bằng sổ.
Tổng cục Hải quan quy định cụ thể về thủ tục quản lý đối với phương tiện vận tải này.
KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM
I. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện
1. Cá nhân, tổ chức hoặc người đại diện cho cá nhân, tổ chức đó có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến việc thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan của cơ quan hải quan, công chức hải quan.
2. Mọi công dân có quyền tố cáo hành vi trái pháp luật trong việc thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan.
3. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
II. Khen thưởng, xử lý vi phạm
1. Cá nhân, tổ chức thực hiện tốt các quy định về quản lý hải quan được khen thưởng theo chế độ chung của Nhà nước.
2. Cá nhân, tổ chức có hành vi vô ý hoặc cố ý vi phạm các quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ, hành vi vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 138/2004/NĐ-CP ngày 17/06/2004 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Công chức hải quan khi tiến hành thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan có hành vi sách nhiễu, gây phiền hà làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
1. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan căn cứ vào hướng dẫn tại Thông tư này ban hành quy chế và thực hiện việc cấp thẻ ưu tiên thủ tục hải quan cho doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật về hải quan, ban hành quy trình thủ tục hải quan và hướng dẫn các đơn vị hải quan thực hiện thống nhất bảo đảm vừa tạo điều kiện thông thoáng cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, vừa thực hiện tốt công tác quản lý hải quan.
2. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo, thay thế các Thông tư số 32/2003/TT-BTC ngày 16/04/2003, Quyết định số 52/2003/QĐ-BTC ngày 16/04/2003, Quyết định số 53/2003/QĐ-BTC ngày 16/04/2003, Quyết định số 54/2003/QĐ-BTC ngày 16/04/2003, Quyết định số 55/2003/QĐ-BTC ngày 16/04/2003, Quyết định số 56/2003/QĐ-BTC ngày 16/04/2003, Quyết định số 57/2003/QĐ-BTC ngày 16/04/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các đơn vị cơ sở phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu hướng dẫn bổ sung./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
THE MINISTRY OF FINANCE |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM |
No. 112/2005/TT-BTC |
Hanoi, December 15, 2005 |
GUIDING CUSTOMS PROCEDURES, CUSTOMS INSPECTION AND SUPERVISION
Pursuant to June 29, 2001 Customs Law No. 29/2001/QH10 and June 14, 2005 Law No. 42/2005/QH11 Amending and Supplementing a Number of Articles of the Customs Law;
Pursuant to the Government’s Decree No. 77/2003/ND-CP of July 1, 2003, defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the Finance Ministry;
Pursuant to the Government’s Decree No. 154/2005/ND-CP of December 15, 2005 detailing the implementation of a number of articles of the Customs Law regarding the customs procedures, inspection and supervision;
Pursuant to the Government’s Decree No. 149/2005/ND-CP of December 8, 2005 detailing the implementation of the Import Tax and Export Tax Law;
The Finance Ministry hereby guides the customs procedures and the customs inspection and supervision regime as follows:
1. This Circular guides the implementation of customs procedures and the customs inspection and supervision regime stipulated in the Government’s Decree No. 154/2005/ND-CP of December 15, 2005 detailing the implementation of a number of articles of the Customs Law regarding the customs procedures, inspection and supervision (hereinafter referred to as the Decree for short) before customs clearance for exports and imports, means of transport on entry or exit.
2. Customs procedures, customs inspection and supervision shall be carried out on the basis of assessment of law observance by customs declarants, with priority and favorable conditions given to goods owners who have well observed the customs law. Exports and imports of goods owners who have repeatedly committed violations of the customs law shall not be given priority when customs procedures are carried out.
2.1 Goods owners that have well observed the customs law mean those who have been engaged in export and/or import activities for 365 days counting to the date customs procedures are carried out for their exported or imported goods lots and are determined by customs office as:
- Not having been handled by law for acts of smuggling or illegally transporting goods across the border;
- Having been handled not more than twice for customs-related administrative violations subject to a fine level falling beyond the competence of Customs sub-department directors.
- Not having evaded tax; not having been prosecuted or fined at a level equal to the payable tax amount or higher;
- Not having owed tax for more than 90 days;
- Paying value added tax by the credit method.
2.2 Goods owners that have repeatedly committed violations of the customs law mean those who have been engaged in export and/or import activities for 365 days counting to the date when customs procedures are carried our for their export or imported good lots, and handled 3 (three)times for customs-related administrative violations with a fine level imposed each time falling beyond the sanctioning competence of the Customs Sub-Department directors, or handled once for customs-related administrative violations with a fine level falling beyond the sanctioning competence of Customs Sub-Department directors.
Section 1. CUSTOMS PROCEDURES FOR COMMERCIAL EXPORTS AND IMPORTS
I. COMMERCIAL IMPORTS AND EXPORTS DEFINED IN SECTION 1, CHAPTER II OF THE DECREE INCLUDE:
1. Goods imported or exported under commercial contracts;
2. Goods imported and exported by mode of temporary import for re-export;
3. Goods exported or imported by mode of border-gate transfer ;
4. Goods exported or imported by mode of import of raw materials for manufacture of exports ;
5. Goods exported or imported for performance of processing contracts signed with foreign traders ;
6. Goods exported or imported for execution of investment projects ;
7. Goods exported or imported for trading by mode of border export and import;
8. Goods exported or imported by organizations which are not traders (without tax/export-import identification numbers) or individuals for commercial purposes;
9. Goods exported or imported by export processing enterprises;
10. Goods brought into or out of tax suspension warehouses;
11. Goods temporarily imported for re-export or temporarily exported for re-import for participation in trade fairs or exhibitions;
12. Goods being machinery, equipment or means of transport in service of construction of works or execution of investment projects, or leased or rented assets, which are temporarily imported for re-export, or temporarily exported for re-import.
When carrying out customs procedures, customs declarations shall submit to customs offices customs dossier sets, each comprising the following :
1. For exports;
1.1. A principal dossier shall comprise:
- The customs declaration: two originals.
1.2. Depending on the following specific cases, a customs dossier set may be added with the following documents:
- In cases where goods are of various kinds or differently packed: One original copy of the detailed list of goods;
- In where goods require export permits according to the provisions of law: One original (for single export) or one copy (for multiple export, with the original to be produced for comparison) of the export permit of a competent state agency;
-For goods exported by mode of import of raw materials for manufacture of export or processed goods; One original of a table of raw material consumption norms of the goods item (to be submitted only once when such goods item is exported);
- Other documents which are required under relevant provisions of law: One original each.
2. For imports:
2.1. A principal dossier shall comprise:
-The customs declaration: One original.
-The goods sale and purchase contract or papers of equivalent legal validity: One copy (except for goods specified at Points 5, 7 and 8, Section I, part B)
- The commercial invoice (except for goods specified at Point 8, Section I, Part B): One original and one copy;
-The bill of lading (except for goods specified at Point 7, Section 1, Part B) One photocopy of the original or the originals of the bills lading printed with the word “copy”.
2.2. Depending on the following specific cases, a customs dossier set nay be added with the following documents;
- Where goods are of various kinds or differently packed: One original and one copy of the detailed list of goods;
- Where imports are subject to state quality inspection: One original of the registration for state inspection of goods quality or the written notice on exemption from state quality inspection issued by a competent state management agency;
-where goods are released on the basis of expertise results: One original of the expertise certificate;
-Where goods are subject to value declaration: One original of the import value declaration;
-Where goods require import permits under the provisions of law: One original (for single import) or one copy (for multiple import, with the original to be produced for comparison) of the import permit of a competent state management agency;
-Where goods owners wish to enjoy a special preferential import tax rate: One original and a third copy of the certificate of origin (C/O).
-If the total value of the imported goods lot (at FOB price) does not exceed 200 US dollars, no C/O is required to be submitted or produced;
-Other documents whish are requited under relevant provisions of law; One original each.
Inspection in the course carrying out customs procedures covers examination of customs dossiers and actual inspection of goods.
1. Examination of customs dossiers
1.1. Preliminary examination before registration of customs dossiers:
Before a customs dossier is registered, the customs officer who receives it shall examine the following contents:
-The declaration of the name and export/import and tax identification number of the customs declaration;
The number of required document of the customs dossier.
Upon completion of the examination of customs dossiers, customs officers shall decide to accept or not to accept dossiers for registration. In case of refusal to accept dossiers for registration, customs officers must clearly notify in writing the customs declarant of the reasons therefore.
1.2.Detailed examination of dossiers:
After a dossiers has been received and registered, the customs office shall examine in detail;
- The elements and contents declared in the customs declaration;
- The accuracy and consistency of documents in the customs dossier set with the contents declared in the customs declaration;
-The observance of regulations on customs procedures, goods export and import management policies, the enforcement of intellectual property rights and other relevant regulations;
-The declaration by the customs declaration of the name, code, quantity, quality, weight and origin of the goods, the tax declaration and tax declaration bases according to the provisions of Point III.3, Section 1,Part B;
Upon completion of the detailed examination of dossiers, leaders of Customs Sub-Department shall decide on customs clearance for goods or decide to conduct the actual inspection of goods, consult price experts or invite expertise of goods:
2. Actual inspection of goods
2.1. Cases of actual inspection of goods;
a/ Actual inspection of the whole goods lot shall apply to:
-Exports or imports of goods owners who have repeatedly violated the customs law;
-Exports or imports which, though eligible for exemption from actual inspection, are detected by customs offices to have signs of violation of the customs law;
-Goods, of which owners are, through the information analysis by customs offices, determined as having possibly violated the customs law.
b/ probability inspection of goods for assessing the observance of the customs law by goods owners.
2.2. Levels of actual inspection of goods:
a. For exports or imports of goods owners who have repeatedly violated the customs law, inspection shall be conducted on the whole goods lots;
After several times of inspection, if no violation is detected, the inspection level shall be gradually reduced but must not be lower than the inspection level specified at Point III.2.2.b, Section 1, Part B.
b. For exports or imports eligible for exemption from actual inspection but detected by customs by customs office to have signs of violation of the customs law; and goods of which owners are, through the information analysis by customs offices, determined as having possibly violated the customs law, actual inspection shall be conducted on 10% of the goods lot. If no violation is detected, the inspection shall be terminated. If a violation is detected, the inspection shall be continued until a conclusion on the extent of violation can be made.
c. For goods subject to probability inspection for assessment of observance of the customs law by their owners (not exceeding 5% of the total number of customs declarations), such inspection shall be conducted as follows:
- The total number of customs declarations determined for calculating the percentage subject to probability inspection is the number of declarations which went through customs procedures on the proceeding day at the concerned units. For units having a small number of declarations, at least one declaration shall be inspected every day.
- For goods lots which must be inspected, actual inspection shall be conducted on up to 5% thereof. If no violation is detected, the inspection shall be terminated. If violations are detected, the inspection shall continue until a conclusion on the extent of violation is made.
2.3. The selection of bales/containers for inspection shall be made at random by the computer or decided by Customs Sub-department leaders, and specifically expressed in customs dossiers.
2.4. In the course of carrying out customs procedures for exported or imported goods lots, basing themselves on the actual condition of goods lots and newly received information, leaders of Customs Department or Sub-departments may decide to change the inspection levels and forms previously decided.
2.5. The actual inspection of goods shall be conducted by means of machinery and equipment. In case of unavailability of machinery and equipment, or where manual inspection is deemed necessary to make final conclusions after the inspection by means of machinery and equipment is made, manual inspection shall be conducted.
2.6. Upon completion of actual inspection of goods (by manual or mechanical methods), customs officers conducting such actual inspection shall have to record in writing the inspection results under the guidance of the General Department of Customs.
3. Contents of inspection in the course of customs clearance for goods
3.1. Inspection of names and codes of goods
a. Directors of Customs Sub-departments where customs dossiers are received or processed shall have to identify names of goods. Where declarations by customs declarants are detected to be inaccurate, they shall have to explain them to customs declarants so that the latter can adjust names and codes of goods in compliance with regulations and guidance on the classification and encoding of goods.
Where provincial/municipal customs departments or customs sub-departments fail to identify names and codes of goods, they shall have to report such to their immediate superiors for guidance on identification, except for cases specified at Point b below.
b. Where customs sub-departments fail to accurately identify names and codes of goods items, which require laboratory analyses for identification of composition and contents of their ingredients as well as their natures and utilities, they shall, together with goods owners, take and send samples to a customs center for analysis and classification. Basing themselves on the center’s analysis and classification results and other information, customs sub-departments which receive and process customs dossiers shall decide on codes of goods.
c. Where customs declarants disagree with goods names and codes identified by customs offices, they shall, together with customs offices, take samples and agree on selection of specialized expertising agencies or organizations for conducting the expertise. The results of analysis and expertise by specialized expertising agencies or organizations shall be binding on the parties. Specialized expertising agencies or organizations shall bear responsibility for their expertise conclusions. Expertise expenses shall be paid by the expertise requesters.
Where customs declarants and customs offices fail to reach agreement on selection of expertising organizations, the parties shall conduct expertise independently and lodge complaints according to the provisions of law.
3.2 Inspection of the quantity of goods
For goods items the quantity of which cannot be identified by manual methods or be means of equipment of customs offices (liquid goods, bulk goods, large-quantity goods lots, etc.), customs offices shall base themselves on the expertise results provided by the expertising organizations shall bear responsibility before law for their expertise results.
3.3 Inspection of the quality of goods
a. For goods subject to state quality inspection
- For imports: customs offices shall base themselves on registration for state quality inspection or written notices on exemption from state quality inspection issued by competent state management agencies in charge of quality to carry out customs procedures.
- For exports: customs offices shall not request the above-said papers to be submitted or produced but customs declarants shall have to strictly comply with the provisions of law on quality of exports.
Goods owners whose goods are subject to state quality inspection shall be held responsible before law for keeping their goods in the same condition until conclusions on their goods quality are made by competent state management agencies in charge of quality. Within 30 days after goods are brought to the places of preservation, goods owners shall have to add to their customs dossiers the goods quality conclusions of competent state management agencies in charge of quality.
b. For goods not subject to state quality inspection:
- Where customs offices, with their devices and equipment, cannot determine the quality of goods for application of goods export and import management policies, they shall, together with goods owners, take goods samples or catalogues, and request goods owners to keep their goods in the same condition and agree with the later on selection of specialized expertising agencies or organizations to conduct the expertise. Conclusions made by such specialized expertising agencies or organizations shall be binding on the parties.
- Where customs declarants and customs offices fail to reach agreement on selection of specialized expertising organizations, the concerned parties shall conduct independent expertises and lodge complaints according to the provisions of law.
3.4. Inspection of the origin of goods
a. The inspection of the origin of goods must be based on their actual conditions and customs dossiers.
b. When checking certificates of origin (C/O) of goods, customs office shall examine the following contents:
- Basic criteria in the C/O, consistency of its contents with customs dossier documents.
- Seal specimens, names and sample signatures, names of agencies or organizations competent to grant C/O under governments of countries or territories which have conducted agreements on special preferences in trade relations with Vietnam.
- The valid duration of C/O.
c. Where there exists a minor disparity between the contents of C/O and those in customs dossier documents but customs offices have no doubt about the truthfulness of the origin of goods and such contents are still compatible with actually imported goods, such C/O shall still be considered valid.
d. C/O which have been submitted to customs offices shall not be replaced or modified, except where exist plausible reasons therefor and where the replacement or modification is made by the very agencies or organizations competent to grant such C/O within a legally established time limit.
3.5. Tax inspection
Customs office shall inspect tax declaration dossiers made by taxpayers. Where such dossiers are incomplete or some of their contents are not fully declared or not presented in proper legal form according to regulations, customs offices shall notify such to taxpayers for supplementation. Where dossiers are complete with all contents declared and presented in a proper legal form according to regulations, customs offices shall take subsequent steps of inspection as follows:
- Inspection of bases for determining that the goods are not liable to tax in cases where customs declarants declare that their goods are not liable to export tax, import tax, value added tax or special consumption tax.
- Inspection of bases for determining that the goods are eligible for tax exemption, or consideration for tax exemption for reduction in cases where customs declarants declare that their goods are eligible for tax exemption, consideration for tax exemption or reduction.
- Inspection of tax bases for determining payable tax amounts in cases where exports or imports are liable to tax. Inspection covers:
+ Declaration by customs declarants of the quantity, weight and units of calculation of exports or imports;
+ Values declared by customs declarants;
+ Declaration by customs declarants of the export tax or import tax rate, value added tax rate or special consumption tax rate; and price differences (if any);
+ Declaration by customs declarants of the exchange rate for tax calculation;
+ Tax calculation results declared by customs declerants, including arithmetic operations and the payable amount of each tax on each goods item, total payable tax amount of the whole customs declaration;
+ Conditions for application of the tax payment time limit or coervice meansures for tax payment provided for by the tax law.
3.6. Customs officers who are tasked to inspect each content specified at Point 3 of this Section must be professionally qualified for the ob and report inspection results upon completion of the inspection. Where they have opinions divergent from declarations of customs declarants, they shall have to report such to their immediate superiors.
4. Taking and keeping of samples, and archive of images of imported goods.
4.1. Samples shall be taken only in case of necessity and in a minimum number necessary for analysis and expertise.
4.2. Cases where samples are taken
a. Customs declarants request the taking of samples in service of customs declaration;
b. Raw materials and materials imported for processing or manufacture of exports;
c. Samples of imports must be taken in service of analysis and expertise at the request of customs offices;
4.3 Sampling procedures
a. The taking of samples must be based on sampling request cards of concerned units or customs offices. Each sampling card shall be made in two copies, one to be kept together with the taken sample, another to be kept at the unit requesting the sample taking. The General Department of Customs shall set form of such cards.
b. Samples shall be taken in the presence of representative of goods owners and customs offices;
c. Samples must be signed for certification and sealed up by the two parties;
d. Upon handover of samples, there must be handover minutes signed by the two parties for certification.
4.4. Preservation places:
- Analysis and classification centers, for samples analyzed by such centers;
- Customs Sub-departments (in cases where such sub-departments need to take samples for carrying out operations related to samples);
- Enterprises (for raw materials imported for processing or manufacture of exports).
b. Sample preservation duration
- Analytical samples at analysis and classification centers and Customs Sub-department in service of requirements of goods export and import management policies shall be kept for 90 days after the date they are taken. In case of dispute or complaints, they shall be kept until such disputes or complaint are completely settled.
- Samples of raw materials for processing shall be kept at enterprises until procedures for liquidating processing contracts are completed;
- Samples of raw materials for manufacturing exports shall be kept at enterprises until procedures for liquidating import declarations are completed.
4.5. Preservation of images of imports
In the following cases, images of goods subject to actual inspection must be recorded and preserved together with customs dossiers:
- Imports are liable to taxes at high tax rates;
- Goods traded by mode of temporary import for re-export.
IV. CUSTOMS CLEARANCE FOR GOODS
1. Goods lots eligible for normal customs clearance are those for which procedures have been completed under decisions of customs sub-department leaders and tax has been calculated and paid.
2. Conditional customs clearance in the cases specified in Clause 2, Article 25 of the Customs Law, Clause 15, Article 1 of the Law Amending and Supplementing a Number of Articles of the Customs Law and Clause 2 and 3, Article 12 of the Decree shall be effect as follows:
- For exports or imports, pending the availability of expertise results for determining whether they are permitted to be exported or imported or not, customs sub-department directors shall accept requests of goods owners to take their goods back for preservation only in cases where such goods have satisfied the conditions for customs supervision.
- Exports or imports which are subject to price determination, expertise assessment, analysis or classification for accurate determination of payable tax amounts, shall be cleared from customs procedures after their owners have fulfilled tax obligations on the basis of tax declaration, calculation and payment by taxpayers or been provided with guarantees for payable tax amounts by credit institutions or other organizations licensed to conduct a number of banking activities.
3. Where goods are cleared from customs procedures following availability of expertise results, such expertise results shall be applicable to all identical goods lots subsequently imported by enterprises which carry out procedures at such customs sub-departments. This guidance shall not apply to the determination of goods quantity.
V. CERTIFICATION OF ACTUAL EXPORTATION:
1. For goods exported through sea, air or railway border gates: customs offices where export procedures are carried out shall base themselves on bills of lading and commercial invoices produced by goods owners to certify the actual exportation thereof on customs declarations.
2. For goods exported through land or inland waterway border gates: customs offices of border gates of exportation shall base themselves on the results of export supervision to certify the actual exportation thereof on customs declarations.
3. For exports consigned into bonded warehouses: bonded warehouse customs offices shall certify “goods consigned into bonded warehouses” on export customs declarations to serve as a basis for liquidation.
VI. RECOMPILATION OF CUSTOMS DOSSIERS
The recompilation and archive of customs dossiers shall be conduced within 60 days after the date of customs clearance. Within that time limit, if customs declarants detect by themselves errors and propose customs offices to correct them, customs sub-department leaders shall consider and permit the correction without imposing administrative sanctions on such errors.
VII. POST CUSTOMS CLEARANCE INSPECTION
Post customs clearance inspection shall be conducted under the guidance in the Circular guiding the post customs clearance inspection.
Section 2. CUSTOMS PROCEDURES FOR SOME OTHER CASES
I. FOR THE REGISTRATION OF SINGLE CUSTOMS DECLARATIONS SPECIFIED IN CLAUSE 6, ARTICLE 9 OF THE DECREE:
1. Conditions for application of the registration of single customs declarations:
- The names of goods on customs declarations remain unchanged throughout the valid duration of the registered single declarations.
- Goods declared in such a declaration must be under the same contract; for goods sale and purchase contracts, there must be a clause on multiple delivery of goods;
- Enterprises do not violate regulations on registration of single declarations;
- Enterprises are not subject to coercive application of customs procedures.
2. The registration of single declarations shall apply to all kinds of exports and imports which satisfy the conditions specified at Point I.1, Section 2 Part B above.
3. Validity of registered declarations:
3.1 Declarations shall be valid within the valid duration of contracts. Processed goods declarations shall be valid within the valid duration of contract annexes. Particularly for taxed exports and imports, and goods manufactured for export, declarations shall be valid within the grace period.
3.2 Declarations shall be invalidated ahead of time in the following cases:
- there are changes in tax policies, export and import management policies concerning goods items declared in registered single declarations.
- The valid duration of export/import permits or contracts has expired.
- Enterprises have exported or imported fully the goods quantities declared in the registered single declarations.
- Enterprises announce that they shall not further carry out procedures for fully exporting or importing the goods quantities declared in customs declarations;
- The names of goods exported or imported by enterprises in separate shipments are inconsistent with those already declared in registered single customs declarations;
- Enterprises have been put on the list of enterprises subject to coercive application of customs procedures within the valid duration of registered single declarations.
4. Places where the customs procedures are carried out:
The export or import procedures for goods under registered single declarations shall be carried out at customs sub-departments.
5. Procedures for registration of single declarations:
5.1 Responsibilities of enterprises:
5.1.1 Customs declaration:
Customs declarants must fill in customs declaration forms and exports/imports-monitoring books. Some contents applicable to procedures for each export/import shipment (bill of lading, means of transport, etc.), shall not have to be declared upon registration of single declarations.
5.1.2 Submission and production of customs dossiers:
a. Documents to be submitted:
- Customs declaration of export goods/import goods: two originals.
- Goods purchases and sale contract or a paper legally valid as a contract: one copy
- Export/import permit of a competent state management agency (for goods requiring export permits or import permits according to law): one copy or one original (if the goods permitted for export/import stated in the permits are fully declared in single declarations).
- Exports/imports-monitoring book: two duplicates.
b. Documents to be produced:
Export/import permits for comparison with their copies and issuance of monitoring and reconciliation bills by customs offices (if the goods permitted for export/import stated in the permits are not fully declared in single declarations): one original.
6. Procedures for export or import of each goods lot:
6.1. Customs dossiers:
Upon each exportation/importation of goods, goods owners shall declare the quantity of goods exported or imported at that time in the monitoring books, then submit and produce the following papers:
a. Papers to be submitted: customs dossier documents as prescribed for each type (except for papers already submitted upon registration of declarations).
b. Papers to be produced include registered customs declarations and books for monitoring export goods/import goods.
7. Liquidation of declarations:
7.1. Responsibilities of enterprises:
- Within 15 working days after their declarations expire, enterprises shall have to carry out procedures for liquidating customs declarations with Customs sub-departments.
- A liquidation dossier shall comprise the registered customs declaration and the book for monitoring export goods/import goods.
7.2. Tasks of customs offices
Customs sub-departments shall conduct the inspection, comparison and certification of total quantity of actually exported/imported goods in customs declarations, and determine the payable and paid tax amounts.
II. FOR ON-SPOT EXPORTS AND IMPORTS SPECIFIED IN ARTICLE 15 OF THE DECREE:
1. Goods shall be permitted for on-spot export or import under the Trade Ministry’s guidance.
2. Customs dossiers:
- On-the-spot export-import declaration (made by exporter): for originals.
- Foreign trade contract containing a clause on designated place of goods delivery in Vietnam (for exporter), foreign trade contract or processing contract containing a clause on the designated place of goods receipt in Vietnam (for importer): one copy.
- Value added invoices made by the exporting enterprise (copies to be handed to customers): one copy.
- Other papers required for exports or imports (except for bills of lading).
3. Validity of on-the-spot export or import declarations:
- On-the-spot export or import declarations shall be valid within 30 days after customs sub departments which carry out procedures for importing enterprises sign for certification in the said four customs declaration copies.
- On-the-spot export or import declarations shall be valid for liquidation when:
+ For exporting enterprises: a customs declaration must be fully filled out, with certifications, signatures and stamps of the following four parties: the exporting enterprise, the exporting enterprise, the customs office carrying out export procedures, and the customs office carrying out import procedures.
+ For importing enterprises: a customs declaration must be fully filled out, with certifications, signatures and stamps of the following three parties: the exporting enterprise, the importing enterprise and the customs office carrying out import procedures.
+ Where the on-the-spot exporting enterprise and the on-the-spot import enterprise carry out procedures at a particular customs sub department, such customs sub-department shall sign for certification in the capacity of both the customs office carrying out export procedures and the customs office carrying out import procedures.
4. The General Department of Customs shall promulgate specific professional processes for implementing this guidance. Customs procedures for on-spot export or import of processed products shall comply with the Finance Minister’s Decision No. 69/2004/QD-BTC of August 24, 2004.
III. FOR GOODS BROUGHT INTO OR OUT OF ENTREPOT PORTS SPECIFIED IN ARTICLE 20 OF THE DECREE
1. Customs procedures for goods brought into or out of entrepot ports before being transported overseas:
a. Customs declaration:
- All goods brought into or out of entrepot ports are subject to customs declaration. Customs declarants shall be enterprises providing goods entrepot services.
- Goods brought into our out of entrepot ports shall be declared in the same declaration form set by the General Department of Customs.
b. Customs dossiers:
Entrepot goods declarations;
c. Customs inspection and supervision of goods brought into or out of entrepot ports.
For goods brought into or out of entrepot ports and eligible for exemption from inspection, customs offices shall only inspect the quantity of containers and compare the numerical signs of such containers with declarations. When detecting signs of law violation, customs offices shall conduct inspection thereof according to regulations.
d. For goods transported through entrepot ports in the Vietnamese territory, customs procedures shall comply with regulations on goods in transit.
2. Liquidation of entrepot goods:
- Within 10 days after goods are fully brought out of entrepot ports, enterprises providing entrepot services shall have to liquidate entrepot goods declarations;
- Quarterly, enterprises providing entrepot services shall report to, and make comparisons with, entropot zones’ customs offices on goods quantities brought into, out of or stored in entrepot zones.
3. Handling of goods still stored in entrepot ports:
Goods still stored in entrepot ports shall be handled like imports not yet handled at seaports.
IV. FOR RAW MATERIALS AND MATERIALS IMPORTED FOR MANUFACTURE OF EXPORTS
Customs procedures for raw materials and materials imported for manufacture of exports shall comply with regulations on commercial exports and imports. However, due to the particular nature of this type, customs procedures shall be additionally guided as follows:
1. Registration of contracts:
The procedures for registration of contracts for import of raw materials and materials for manufacture of exports (hereinafter referred to as contracts for short) shall be carried out when enterprises import the first lot of raw materials under contracts at a Customs sub department where enterprises find the most convenient.
2. Places where customs procedures are carried out:
Customs procedures for lots of raw materials and materials imported for manufacture of exports must be carried out at customs offices where contracts for import thereof have been registered. When exporting products manufactured from imported raw materials and materials, enterprises may carry out export procedures at different customs offices but must notify such in writing to the customs offices where they have registered the contracts for monitoring, liquidation and settlement.
3. Liquidation and settlement of raw materials and materials imported for manufacture of exports:
a. Principles for liquidation and settlement:
- Earlier import declarations and export declarations must be liquidated first;
- Import declarations of raw materials must be made before export declarations of products;
b. Responsibilities of enterprises for liquidation and settlement:
- Enteprrises shall have to report on, explain and calculate in an adequate, timely and accurate manner the actual condition of imported raw materials and materials, products manufactured for export and the performance of relevant tax obligations to customs offices.
- Enterprises shall submit their liquidation and settlement dossiers to customs offices where they have registered for opening of import customs declarations;
- A liquidation and settlement dossier comprises:
+ A list of import declarations of raw materials and materials subject to liquidation and settlement;
+ A list of declarations of exported products subject to liquidation and settlement;
+ A report on raw materials and materials used in manufacture of exported goods;
+ A report on warehoused, ex-warehoused and in-stock import raw materials and materials;
+ A report on calculation of taxes on imported raw materials and materials.
c. Management responsibilities of customs offices
- Customs offices shall examine liquidation and settlement dossiers submitted by enterprises. Where signs of law violation are detected, violators shall be handled according to the provisions of law. Where dossiers are complete, valid and accurate, customs offices shall issue tax-related handling decisions according to the provisions of tax law on exports and imports.
4. The General Director of Customs shall specify professional management processes applicable to raw materials and materials imported for manufacture of exports.
V. FOR PROCESSED EXPORTS OR IMPORTS
Customs procedures for processed exports or imports shall comply with regulations on commercial exports or imports. However, due to the particular nature of this mode, specific customs procedures shall comply with the provisions of the Finance Minister’s Decision No. 69/2004/QD-BTC of August 24, 2004, promulgating the Regulation on customs procedures for goods processed under contracts with foreign traders.
VI. FOR GOODS BROUGHT INTO OR OUT OF FREE TRADE ZONES OR NON TARIFF ZONES
1. Customs procedures specified in this Section shall apply to both goods brought into or out of free trade zones specified in the Customs Law and goods brought into or out of non-tariff zones specified in the Export Tax and Import Tax Law (hereinafter referred to as free trade zones for short).
2. All goods brought into or out of free trade zones must go through customs declaration procedures, be subject to customs inspection and supervision, except for goods of Vietnamese origin brought from free trade zones into inland areas, which are exempt from customs procedures.
3. Customs procedures for goods brought from overseas into free trade zones:
- When goods are brought from foreign countries into free trade zones, customs declarants must fill in customs declaration forms in strict compliance with regulations on each import mode at customs offices of free trade zones. Goods imported from abroad into free trade zones shall not be subject to tax calculation declaration.
- Goods brought into free trade zones shall be exempt from customs inspection. If detecting signs of law violation, customs offices shall conduct the actual inspection of goods. The level of actual inspection of goods shall comply with the provisions of this Circular.
4. Customs procedures for goods brought from inland areas into free trade zones:
- Goods brought from inland areas into free trade zones shall be regarded as exports, for which inland enterprises must carry out customs procedures in strict compliance with regulations applicable to each mode of export. Enterprises in free trade zones shall carry out customs procedures in strict compliance with regulations applicable to each mode of import.
- Where inland enterprises order establishments located within free trade zones to process goods, customs procedures shall be carried out as for enterprises which order overseas processing of goods. Inland enteprirses shall register processing contracts and carry out procedures for exporting raw materials and auxiliary materials into free trade zones at inland customs sub departments. Customs offices of free trade zones shall supervise and certify goods brought into trade zones.
- The actual inspection of goods shall be conducted as for goods exported to foreign countries. Where procedures for goods brought into free trade zones are carried out by Customs sub departments other than those of free trade zones, and signs of violation are detected, customs sub departments of free trade zones shall re-inspect the goods according to regulations.
5. Customs procedures for goods exported from free trade zones to foreign countries.
5.1. For goods brought from foreign countries or the inland into free-trade zones, then exported in the same condition as they were to foreign countries, enterprises shall make customs declarations according to export declaration forms applicable to free trade zones and detailed lists of goods (if any).
5.2 For goods manufactured or processed in trade zones from raw materials imported or brought from the inland, in addition to the above-said documents, the list of consumption norms shall also be submitted.
5.3 For goods of 100% Vietnamese origin, customs procedures shall be carried out as for ordinary exports.
The above-said goods shall be exempt from actual inspection. Where law violations are detected, actual inspection shall be conducted in accordance with the provisions of Clause 2, Section III of this Ciruclar.
6. Customs procedures for goods brought from free trade zones into the inland.
All goods brought from free trade zones into the inland shall be regarded as goods imported from foreign countries, and subject to customs procedures in strict compliance of regulations applicable to each mode of import, except for goods of Vietnamese origin.
7. Customs supervision of goods brought out of, into or through free trade zones:
- Free trade zones must have fencing walls separating them from surrounding areas, and customs control gates for supervising goods brought out of or into the zones.
- All goods brought out of or into free trade zones, goods transported through free trade zones for import into the inland or export to foreign countries must go through customs control gates and be subject to customs supervision at such control gates.
- Goods imported from foreign countries into the inland or goods exported from the inland to foreign countries must, when going through free trade zones, be transported on routes jointly prescribed by customs offices of free trade zones and the management boards of such zones.
VII. PROCEDURES FOR SETTING UP, RELOCATION, EXPANSION OR NARROWING OF BONDED WAREHOUSES AND CUSTOMS PROCEDURES FOR GOODS BROUGHT INTO OUR OUT OF BONDED WAREHOUSES
1. Procedures for setting up of bonded warehouses:
1.1 Dossiers of application for setting up of bonded warehouses:
Enterprises satisfying the conditions specified in Clause 3, Article 22 of the Decree and Point I.1.d.e.f, Section 4, Part B of this Circular and wishing to set up bonded warehouses shall send applications and dossiers to the customs departments of localities where they intend to set up bonded warehouses for consideration. A dossier of application for setting up of bonded warehouses comprises:
a. A application for setting up of bonded warehouses (made according to a set form);
b. The business registration certificate (copies), which states the function of dealing in warehouses and storing yards;
c. The designing plan of the warehouse and storing yard area, clearly showing its boundaries, positions of warehouses, the system of internal transport routes, the system of fire and explosion prevention and fighting and security, the warehouse office and the customs’ working office;
d. Lawful documents evidencing the right to use warehouses and storing yards.
1.2 Procedures for considering the grant of permits for setting up of bonded warehouses:
a. Within 15 (fifteen) days after receiving complete and valid dossiers of enterprises, customs department shall:
- Examine such dossiers;
- Make field surveys of warehouses and storing yards;
- Report on examination and survey results and make proposals with the general director of customs;
b. Within 15 days after receiving reports and proposals of customs department and dossiers of application for setting up of bonded warehouses, the general director of customs shall issue decisions on grant of permits for setting up of bonded warehouses or reply enterprises in writing in cases where the conditions specified in Article 22 of the Decree are not fully satisfied.
2. Withdrawal of permits for setting up of bonded warehouses:
The general director of customs shall issue decisions on withdrawal of permits of bonded warehouses in the following cases:
a. Enterprises request in writing the termination of operation of bonded warehouses;
b. Within 01 year, owners of bonded warehouses commit customs related administrative violations for three times and are administratively sanctioned with fines at the fine level for each time failing beyond the customs sub department directors’ competence to sanction administrative violations only once but are fined at the level falling beyond the customs department directors’ competence to sanction administrative violations in the customs domain, or are examined for penal liability.
c. Within 6 months, enterprises fail to put their bonded warehouses into operation without any plausible reasons.
3. Procedures for relocation, expansion or narrowing of bonded warehouses:
3.1 Customs dossiers:
Enterprises wishing to expand the warehouse or storing yard areas of bonded warehouses, which have been set up under permits of the general department of customs, right in the building locations of such warehouses, or wishing to relocate their bonded warehouses from locations already permitted by the general department of customs to new places which still lie within the same zone permitted for setting up of bonded warehouses, shall make and send application dossiers to customs departments currently managing the bonded warehouses, each comprising:
- An application for a permit for relocation, extension or narrowing of bonded warehouses;
- A site plan of warehouses and storing yards in the area where bonded warehouses are to be relocated to, expanded or narrowed;
- Lawful documents on the right to use warehouses and storing yards to be relocated expanded.
3.2 Procedures for considering and granting permits for relocation, extension or narrow of bonded warehouses:
After receiving complete and valid dossiers of enterprises, provincial/municipal customs departments shall:
- Conduct the examination of dossiers;
- Conduct field survey of warehouses and storing yards;
- Within 15 days after receiving complete and valid dossiers of enterprises, directors of provincial/municipal customs departments shall have to issue decisions to permit relocation, extension or narrowing of bonded warehouses or reply enterprises in writing in cases where such enterprises fail to fully satisfy the conditions for relocation, extension or narrowing of bonded warehouses.
4. Consignment of goods into bonded warehouses
4.1 Goods brought from foreign countries into bonded warehouses:
4.1.1 A dossier to be submitted to a bonded warehouse customs office comprises:
- A declaration on consignment into or delivery from the bonded warehouse: two originals.
- A bonded warehouse rent contract already registered with the customs office (a photocopy signed for certificate and affixed with the seal of the bonded warehouse owner).
- A mandate for goods reception (if no mandate is stated in the bonded warehouse rent contract): one original or one facsimiled copy signed for certification and affixed with the seal of bonded warehouse owner.
- A bill of lading (clearly stating goods to be consigned into bonded warehouse).
- A detailed list of goods (particularly for automobiles and motorcycles, their frame and engine numbers must be clearly specified).
4.1.2 Customs procedures:
- The procedures for registration of declarations shall be carried out as for other business types.
- Bonded warehouse customs offices shall compare container numbers and sealing numbers, for goods stored in sealed containers; bale numbers, signs and codes, for baled goods, with those stated in document sets. If the numbers are consistent, the seals and packing remain unbroken, they shall carry out procedures for warehousing.
- For goods to be consigned into bonded warehouses, if signs of violation of the customs law are detected, actual inspection must be conducted. The inspection level shall comply with the provisions of this Circular.
- Customs officers who supervise goods consigned into bonded warehouses shall sign for certification that goods have been warehoused in the bonded warehouse consignment or delivery customs declarations. For goods which are exported right after their arrival at border gates of importation without going through procedures for deposit into bonded warehouses, such bonded warehouse consignment or delivery customs declarations must clearly state “goods exported right at border gates of importation without being warehoused.”
4.1.3 For goods transferred from border gates to bonded warehouses for warehousing, the procedures for border gate transfer shall comply with the guidance at Point b, Section 5 below.
4.1.4 In case of plausible reasons accepted by directors of customs departments of localities where bonded warehouses are located, goods for which warehousing contracts have been signed shall be transported directly from border gates of importation to border gates of exportation without having to be warehoused.
4.2 For goods brought from the inland into bonded warehouses:
4.2.1 Goods shall be brought from inland into bonded warehouses in the following cases:
- Exports requested to be consigned into bonded warehouses;
- Goods previously permitted to be delivered from bonded warehouses into the inland for processing or recycling;
- Goods which are beyond the temporary import time limit and must be re-exported;
- Goods coerced by competent state agencies for re-export.
4.2.2 Customs procedures and dossiers:
a. For exports and goods which must be re-exported:
- Enterprises must complete procedures and customs dossie4rs as for exports and re-exported goods specified in this Circular before consigning them into bonded warehouses.
- (Foreign) goods owners or their lawful representatives shall complete customs procedures and dossiers for goods to be consigned into bonded warehouses as for goods brought from foreign countries into bonded warehouses.
- Border gate transfer procedures shall be carried out for goods transferred from border gates to bonded warehouses.
b. For goods brought from bonded warehouses into the inland for processing or reprocessing and subsequently re-imported, customs procedures and dossiers shall be the same as those applicable to exported or imported processed goods.
5. Bringing of goods out of bonded warehouses:
5.1 For goods brought from bonded warehouses to foreign countries:
a. Goods owners or their lawful representatives shall submit to bonded warehouse customs offices the following documents:
- The bonded warehouse consignment or delivery declaration: two originals.
- The customs declaration of exported goods: one copy (an export declaration which requires multiple ex-warehousing must be produced for reconciliation by customs);
- The mandate for export (if not stated in the warehouse rent contract);
- The ex-warehousing bill made according to a form set by the Finance Ministry.
b. Bonded warehouse customs offices shall compare ex-warehousing declaration documents with those for carrying out warehousing procedures and the actual condition of goods lots. If they are consistent, customs offices shall carry out export procedures and conduct customs supervision according to the provisions of Article 18 of the Decree.
c. Goods involved in one ex-warehousing time declared in the bonded warehouse consignment or delivery declaration may be brought out of bonded warehouses in one or many shipments;
5.2 For goods brought from bonded warehouses into the inland:
a. Goods shall be brought from bonded warehouses into the inland in the following cases:
- Imports are put in circulation in the Vietnamese market as defined at Point b, Clause 2, Article 26 of the Decree.
- Goods are brought into the inland for processing or reprocessing;
- Goods being machines and equipment leased from foreign countries, which have been re-exported upon termination of lease contracts and consigned into bonded warehouses, are brought into the inland for performance of subsequent lease contract;
- In case of plausible reasons accepted by directors of customs departments of localities where bonded warehouses are located, goods which have been exported and consigned into bonded warehouses may go through procedures for being imported into the inland. Customs procedures for such goods shall be carried out as for goods imported from foreign countries.
b. Goods owners or their lawful representatives shall have to carry out import procedures for goods brought into the inland as for import of goods from brought foreign countries in strict compliance with regulations applicable to each corresponding mode of import.
c. Bonded warehouse customs offices shall supervise the ex-warehousing of goods from bonded warehouses and give certifications in bonded warehouse consignment or delivery declarations.
6. Transport of goods from one bonded warehouses to another in the Vietnamese territory:
- Goods owners or their lawful representatives shall have to file applications for prior consent of customs departments of provinces or cities where bonded warehouse to another shall be carried out as for goods lots transferred from border gate to border gate.
- The term of a bonded warehouse rent contract shall start from the date the goods are brought into the first bonded warehouse.
7. Procedures for liquidating goods stored in bonded warehouses:
These procedures shall comply with the Finance Ministry’s Circular No. 36/2003/TT-BTC of April 17, 2003.
8. Customs management of bonded warehouses:
- Goods transported from border gates of importation to bonded warehouses, from bonded warehouses to border gates of exportation, from one bonded warehouse to another, goods stored in bonded warehouses and services provided within bonded warehouses shall be subject to inspection and supervision by bonded warehouse customs offices.
- Bonded warehouse customs offices and owners must open books for monitoring warehoused and ex-warehoused goods.
- Once every six months, bonded warehouse owners shall have to report in writing to directors of customs departments of localities where their bonded warehouses are located on the actual condition of goods stored in their warehouses and operation of their warehouses.
- Upon expiration of bonded warehouse rent contracts, bonded warehouse owners and goods owners shall have to liquidate such contracts. Bonded warehouse owners shall carry out procedures for liquidating warehoused and ex-warehoused goods of such contracts with bonded warehouse customs offices.
- Once a year, customs departments shall conduct inspection of operation of bonded warehouses and the observance of the customs law by bonded warehouse owners. Upon detecting signs of law violation, customs departments shall conduct extraordinary inspection of bonded warehouses.
VIII. FOR GOODS BROUGHT INTO OR OUT OF TAX SUSPENSION WAREHOUSES
1. Goods brought into or out of tax suspension warehouses mean imported raw materials having not yet been taxed and used for manufacture of exported goods of the very enterprises owning such tax suspension warehouses.
Such enterprises must make separate customs declaration dossiers for the quantities of imported raw materials eligible for tax suspension.
2. Customs procedures for imported raw materials brought into tax suspension warehouses shall be carried out as for a single imported lot of raw materials for manufacture of export, except for procedures for tax payment and liquidation of import draw materials which shall comply with the provisions of Article 28 and 29 of the Decree.
3. The procedures for tax payment for quantities of raw materials already brought into tax suspension warehouses for manufacture of products which, however, cannot be exported shall be carried out on the principle that those quantities warehoused earlier shall be ex-warehoused first and those warehoused later shall be ex-warehoused later, more concretely: quantities of raw materials which are not yet exported and kept in stock shall be incorporated in the last raw materials import declarations made during the goods liquidation period at the tax suspension warehouses. The time of tax calculation shall be the time of registration of declarations.
IX. FOR GOODS BROUGHT INTO OR OUT OF CONTAINER FREIGHT STATIONS (CFS)
The customs procedures for goods brought into or out of CFS shall be the same as those applicable to goods lots transferred from border gate to border gate.
X. FOR EXPORTS AND IMPORTS OF EXPORT PROCESSING ENTERPRISES
1. Customs procedures for exports and import of export processing enterprises shall comply with the procedures already guided for each mode of export or import. Apart from papers which must be submitted, export processing enterprises shall, due to characteristics of this mode, have to carry out the following procedures:
- Make liquidation once every quarter;
- Enterprises shall have to submit liquidation dossiers, each comprising:
+ A sump-up table of customs declarations of imported raw materials;
+ A sump-up table of quantities of import raw materials;
+ A sump-up table of customs declarations of exported products;
+ A sump-up table of quantities of exported products;
+ A list of material consumption norms of each goods item;
+ A report on warehoused, ex-warehoused and in-stock quantities of imported raw materials.
2. Customs management of imported raw materials and exported products:
Basing themselves on reports of export processing enterprises, customs offices managing export processing enterprises shall examine dossiers. Where enterprises show signs of law violation, the inspection of in-stock goods shall be conducted. Violations, if any, shall be handled according to law.
XI. FOR PARTS AND ACCESSORIES TEMPORARILY IMPORTED IN SERVICE OF REPLACEMENT OR REPAIR OF FOREIGN SEAGOING SHIPS OR AIRCRAFT SPECIFIED IN ARTICLE 32 OF THE DECREE:
1. Customs declarants:
a. For temporarily imported parts and accessories which are carried along onbroad such aircraft or seagoing ships on their entry, customs declarants shall be operators of such means of transport.
b. For parts and accessories consigned before or after shipping voyages to addresses of shipping agents, customs declarants shall be such shipping agents.
2. Customs procedures:
a. For parts and accessories temporarily imported in service of performance of seagoing ship or aircraft repair contracts signed between foreign ship or aircraft owners and repairing establishments in Vietnam, customs procedures shall be carried out as for processing for foreign countries.
b. Temporarily imported parts and accessories which have not yet been used up shall be re-exported out of Vietnam. In case where they are sold in Vietnam, they must comply with the exports and imports management policies and tax policies applicable to goods imported from foreign countries. Shipping agents or Vietnamese purchasers shall have to carry out import procedures with customs offices and pay taxes according to law.
c. Parts and accessories knocked down in the course of repair or replacement must be re-exported out of Vietnam or destroyed according to the provisions of law.
XII. FOR GOODS TRADED BY MODE OF TEMPORARY IMPORT FOR RE-EXPORT
Customs procedures for goods traded by mode of temporary import for re-export shall comply with the provisions applicable to commercial exports and imports. Besides, due to the particular nature of this mode, some other specific regulations shall be apply as follows:
1. Places where customs procedures are carried out:
a. For exports or imports trade by mode of temporary import for re-export, customs procedures shall be carried out at border gates of importation or border gates of exportation.
b. For re-exported goods, customs procedures may be carried out at border gates of importation or border gates of exportation.
c. If goods temporarily imported for re-export are on the list of goods banned from import, they shall be retained within import border gate areas, and the procedures for their re-export must be carried out at Customs Sub-departments of border gates of temporary import.
2. Management of re-export goods:
a. When carrying out re-export procedures, apart from documents required for a commercial exports lot, customs declarants must also submit a copy and produce the original of the temporarily imported goods declaration.
b. A temporarily imported goods lot may be divided into smaller lots for re-export. Upon each re-exportation, enterprises must fully re-export the whole goods quantity declared in each re-export declaration.
c. Re-exported goods must be exported through border gates within 8 working hours after their arrival at border gates of exportation. In case of plausible reasons accepted by directors of Customs Sub-departments of border gates of exportation, such goods may be retained at border gates of exportation for a duration not exceeding the valid duration of re-export declarations.
3. Liquidation of temporary import declarations:
Customs Sub-departments carrying out the procedures for temporary import of goods shall have to liquidate temporary import of goods shall have to liquidate temporary import declarations as soon as goods are fully re-exported.
XIII. GOODS TEMPORARILY IMPORTED FOR RE-EXPORT OR TEMPORARILY EXPORTED FOR RE-IMPORT FOR PARTICIPATION IN TRADE FAIRS OR EXHIBITIONS
Customs procedures for goods temporarily imported for re-export or temporarily exported for re-import for participation in trade fairs or exhibitions shall comply with the provisions applicable to commercial exports and imports. Besides, due to the particular nature of this mode, some other specific regulations shall apply as follows:
1. Places where customs procedures are carried out:
Customs sub-departments of localities where trade fairs or exhibitions are organized or border gates customs sub-departments.
2. Time limit for re-export or re-import:
Thirty days after the end of a trade fair or exhibition, enterprises shall carry out procedures for re-export or re-import of goods which have participated in such fair or exhibition. In case of plausible reasons, the time limit for re-export or re-import may be prolonged but for not more than three times, each not exceeding 30 days.
3. Competence to prolong the time limit for re-export or re-import:
- Directors of provincial/municipal Customs Departments shall prolong such time limit for goods exported or imported without export or import permits.
- The Trade Ministry shall prolong such time limit for goods exported or imported with export or import permits.
4. Liquidation and settlement by customs offices:
Customs Sub-departments where the procedures for temporary import or temporary export have been carried out (for the first time) shall have to monitor, manage and make liquidation and settlement of goods temporarily imported for re-export. For goods participating in and put on sale at trade fairs which require export or import permits, the Trade Ministry’s permits, the Trade Ministry’s permits are required.
Goods sold at trade fairs or exhibitions must be taxed according to law.
XIV. FOR GOODS BEING MACHINES AND EQUIPMENT TEMPORARILY IMPORTED FOR RE-EXPORT OR TEMPORARILY EXPORTED FOR RE-IMPORT IN SERVICE OF CONSTRUCTION OF WORKS OR INVESTMENT PROJECTS, OR LEASED ASSETS OR RENTED ASSETS.
Customs procedures for goods being machines and equipment temporarily imported for re-export or temporarily exported for re-import in service of construction of works or investment projects, or leased assets or rented assets shall comply with the provisions applicable to commercial exports and imports.
XV. FOR GOODS TRADED BY MODE OF BORDER GATE TRANSFER
Customs procedures for goods traded by mode or border gate transfer shall comply with the provisions applicable to commercial exports and imports without tax calculation and collection. Besides, due to the particular nature of this mode, some other specific regulations shall also apply as follows:
1. If goods transferred from border gate to border gate are transported directly from exporting countries to importing countries without going through Vietnamese border gates, customs procedures are not required.
2. If goods transferred from border gate to border gate are transported from exporting countries to importing countries through Vietnamese border gates and brought into bonded warehouses or entrepot ports, customs procedures shall comply with the provisions applicable to goods brought into or out of bonded warehouses or entrepot ports.
3. Goods traded by mode of border gate transfer must be re-exported at border gates of importation.
4. Goods traded by mode of border gate transfer shall be eligible for exemption from inspection. When signs of law violation are detected, customs inspection must be conducted according to the provisions of Point III.2.2, Section 1, Part B of this Circular.
XVI. FOR TEMPORARY IMPORT AND RE-EXPORT OF MEANS CONTAINING GOODS BY MODE OF ROTATION
1. These means include:
a. Empty containers;
b. Flex tanks for containing liquid goods;
c. Containers with special use hangers.
2. Customs procedures:
a. In cases where the above-said means are owned by carriers:
- On import: shipping agents shall submit manifests of such means included in manifests of carried cargoes, specifically enumerating imported means.
- On export:
+ Shipping agents shall submit lists of empty containers (before being loaded onto ships);
+ Shipmasters of shipping agents shall submit manifests of carried cargoes.
b. In cases where the above-said means are not owned by carriers:
- Customs declarants shall be owners of goods already contained or to be contained in such means.
- Customs declarants must make written explanations to get procedures carried out for this mode.
XVII. FOR GOODS SOLD AT DUTY FREE SHOPS:
The sale of goods at duty free shops shall comply with the Regulations on customs management of goods sold at duty free shops, promulgated together with the Finance Minister’s Decision No. 77/2004/QD-BTC of September 28, 2004.
XVIII. FOR POSTAL ITEMS AND PARCELS, EXPORTS AND IMPORTS SENT BY POSTAL SERVICES, EXPORT AND IMPORT SUBJECTS AND GOODS SENT BY EXPRESS MAIL SERVICES.
The provisions of the Finance Ministry’s Circular No. 33/2003/TT-BTC of April 16, 2003 shall be complied with.
Section 3. CUSTOMS PROCEDURES FOR GOODS EXPORTED OR IMPORTED FOR NON-COMMERCIAL PURPOSES
I. GOODS EXPORTED FOR NON-COMMERCIAL PURPOSES
Goods exported or imported for non-commercial purposes (hereinafter referred to as non-commercial goods for short) include:
1. Gifts and presents sent by overseas organizations or individuals to domestic organizations or individuals; or sent by domestic organizations or individuals to overseas organizations or individuals;
2. Goods of Vietnam-based diplomatic missions and international organizations and people working at these agencies or organizations;
3. Humanitarian aid goods;
4. Temporarily imported goods of individuals eligible for tax exemption granted by the Vietnamese State;
5. Free sample goods;
6. Professional and working instruments of people’s on exit or entry;
7. Movable assets of organizations and individuals;
8. Personal belongings of people on entry consigned under bills of lading, hand luggage carried by people on entry in excess of duty free quotas;
9. Other non-commercial goods.
II. DECLARANTS OF NON-COMMERCIAL EXPORTS AND IMPORTS INCLUDE:
1. Goods owners;
2. Customs clearance agents, in cases where goods owners sign contracts with agents; or
3. People mandated in writing by goods owners. In this case, mandataries may fill out, sign and affix their seals on customs declarations in their capacity.
1. For imported goods:
a. Papers to be submitted:
- Non-commercial exports or imports declaration: two originals;
- Bill of lading (except for hand-carried goods in excess of the duty free luggage quotas according to the provisions of Point I.8, Section II, Part B): One copy;
- Written mandate specified at Point II.3, Section III, Part B: one original;
- The Finance Ministry’s written certification of aid goods (for import humanitarian aid goods): one original;
- The competent state agency’s written permit for settlement in Vietnam (for import of movable assets of individuals or their families): one notarized copy;
- Goods import permits for import of banned goods or goods subject to conditions import, except for the cases specified at Points I.7 and I.8, Section 3, Part B): one original;
- Other papers, which are required under law for specific cases.
b. Papers to be produced:
- The carrier’s goods-receiving not (except for hand-carried goods of passengers in excess of the duty-free quotas according to the provisions of Point I.8, Section 3 Part B);
- Contract signed with a customs agent (applicable to the cases specified at Point II.2, Section 3, Part B);
- The duty-free quota book of the diplomatic mission, international organization or foreigner working in such agency or organization.
2. For exported goods:
a. Papers to be submitted:
- Non-commercial exports or imports declarations: two originals;
- Written mandate specified at Point II.3, Section 3, Part B: one original;
- The competent state agency’s written permit for export of humanitarian aid goods (for export of humanitarian aid goods): one copy certified by the aid-receiving organization;
- The competent state agency’s written permit for overseas settlement (for export of movable assets of individuals or their families): one notarized copy;
- Goods import permits (for import of banned goods or goods subject to conditional import, except for the cases specified at Point I.7 and I.8, Section 3, Part B): one original;
- Other papers, which required under law for specific cases.
b. Papers to be produced:
Contracts signed with customs agents (for the cases specified at Point II.2 above).
1. Customs declarants shall fill in the declarations and submit customs dossiers, whereas customs offices shall receive and register the dossiers;
2. Customs declarants shall receive goods from carriers (for import goods)
3. Customs declarants produce their goods for customs inspection.
The inspection of non-commercial goods must also adhere to the customs inspection principles provided for in the Customs Law and the Decree.
Particularly, goods of dilomatic missions or international organizations which are eligible for diplomatic privileges in Vietnam and foreigners having the diplomatic status and working in such agencies or organizations shall be exempt from inspection in all circumstances, except for case of flagant delicto. The above-said organizations and inviduals and their mandataries shall be held responsible before law if they are dected having committed violations of the law on goods export and import.
4. Customs declarants shall pay taxes, fees and other charges according to the provision law;
Customs procedures shall be completed and goods shall be customs-cleared after the above-said jobs are performed.
Section 4. PROCEDURES FOR SETTING UP CUSTOMS CHECKPOINTS AT DOMESTIC PORTS, CUSTOMS CHECKPOINTS OUTSIDE BORDER-GATE AND INLAND GOODS INSPECTION POINTS
I. PROCEDURES FOR SETTING UP CUSTOMS CHECKPOINTS AT DOMESTIC PORTS, AND PROCEDURES FOR SETTING UP CUSTOMS CHECKPOINTS OUTSIDE BORDER GATE:
1. Conditions for setting up customs checkpoints at domestic ports (hereinafter referred to as domestic ports for short):
1.1. Enteprirses must have business registrations for forwarding and tranpsortation of exports and imports; or dealing in warehouses and storing yards.
1.2 A zone for setting up a domestic port must satisfy the following conditions:
a. Being established to cope with the congestion of exports and imports at international seaports and having been planned in the system of domestic ports publicized by the Transport Ministry;
b. Covering an area of 10 hectares or more;
c. Ensuring working conditions for customs, such as: working office, goods inspection site and warehouse for storing violation exhibits.
d. Warehouses and storing yards must have walls or fences separating them from surrounding areas, be furnished with cameras, detectors, electronic scales and other equipment for quick customs clearance. Goods brought into or out of warehouses or storing yards must be controlled by computer systems. These systems and equipment shall be connected with supervisions systems of customs offices.
2. Conditions for setting up customs checkpoints outside border gate (hereinafter referred to as checkpoints for short):
2.1 A zone for setting up a site must satisfy the following conditions:
a. Being under the Ministry of Finance’s planning on the system of customs checkpoints outside border gate.
b. Being situated in an industrial partk, export processing zone, free trade zone, non tariff zone, another special economic zone or a geographical area where may industrial production factories engaged in regular and stable export and import activities are concentrated.
c. Being in a place where traffic is convenience for container goods transport.
d. Covering an area of one hectare or more.
e. Satisfying other conditions specified at Points d and e, Point 1, Part I above.
3. A dossier of application for the setting up of a domestic port or a customs clearance site outside border gate comprises:
a. An application for setting up: one original.
b. A written approval of the People’s Committee of the province or city where the domestic port or customs clearance site is to be located.
c. The business registraion certificate: one copy.
d. A construction economic and technical study report: one copy.
e. the operation regulations: one original.
4. Setting up procedures:
4.1. Dossiers of application for setting up of domestic ports/checkpoints shall be sent to the General Department of Customs.
a. The General Department of Customs shall:’
- Examine the planning of domestic ports/checkpoints.
- Examine dossiers;
- Conduct field survey of warehouses and storing yards;
- Assess the satisfaction of the conditions specified in Clause 2, Article 4 of Decree and Point I.1 and I.2 above.
b. Within 30 days after receiving complete and valid dossiers of enteprirses, the General Department of Customs shall complete the examination and assessement, report on the results thereof and propose the Finance Minister to decide on the setting up of domestic ports/checkpoints.
4.2. Once a year or when detecting signs of law violation, the General Department of Customs shall inspect the observance of the customs law by enterprises permitted to set up and deal in these domstic ports/checkpoints. Where enterprises are detected to have violated the customs law, they shall, depending on the seriousness of their violations, be handled according to the provisions of law or proposed to the Finance Minister for withdrawal of decisions on setting up of domestic ports/checkpoints.
4.3. The Finance Minister shall decide on withdraw of decisions on setting up of domstic ports/checkpoints in the following cases:
- Enterprises request in writing the termination of operation thereof;
- Past the time limit of 6 months after the setting up decisions are issued, enterprises fail to put their domestic ports/checkpoints into operation without plausible reasons.
- Enterprises dealing in domestic ports/checkpoints violate the customs law according to the provisions of Point 4.2 above;
- Enterprises already permitted to operate fail to maitain the conditions specified in Clause 2, Article 4 of the Decree, or Point I.1 and I.2 above (except for the cases where operation permits have been granted according to Decision No. 52/2003/QD-BTC).
4.4 Basing themselves on the growth rate of quantities of goods exported and imported through domestic ports/checkpoints, proposals of enterprises and the suitability to the geographical positions and operation conditions of domestic ports/checkpoints, directors of Customs Departments shall decide to permit the enterpirses to narrow or expand their domestic ports/checkpoints.
II. PROCEDURES FOR SETTING UP OF POINTS FOR ACTUAL INSPECTION OF EXPORTS AND IMPORTS (REFERREED TO IN THIS SECTION AS CHECKPOINTS FOR SHORT):
1. Checkpoints include:
a. Concentrated checkpoints and inland container depots;
b. Border export checkpoints within border gate economic zones;
c. Works’ construction sites, factories, workshops and manufacturing places.
2. Setting up conditions
2.1 A concentrated checkpoint or inland container depot shall be set up if the following conditions are satisfied:
a. Enterprise has business registration for fowarding and transportation of exports and imports (for enterprises applying for setting up of checkpoints at inland container depots);
b. Being located in a geograhical area where export and import activities are regularly conducted, traffic is convenient for container transport of goods, and no more than 20 km away from the managing Customs Sub-department.
c. Other conditions specified in item d, e and f, Point I.1, Section 4, Part B above.
2.2. For border export checkpoints within border gate economic zones
a. Being located within border gate economic zones;
b. Obtaining provincial People’s Committees’ permits for passage of goods;
2.3 For checkpoints at work’s sites, factories, workshops or places of manufacture.
a. Works’ sites or warehouses mean places where imported equipment, machines and supplies are gathered for construction of factories or works.
b. Places of manufacture mean factories or manufacturing workshops of enterprises (applicable to exported and imported goods items with specific preservation, packing, hygienic, technological and safety requirements.
Enteprirses shall have to arrange means and equipment in service of customs offices’ inspection at works’ sites, factories, workshops or places of manufacture.
3. Competence to recognize checkpoints:
- The General Director of Customs shall decide to recognize concentrated checkpoints, inland container depots and border exported goods checkpoints within border gate econonic zones;
- Director of Customs Departments shall decide on setting up of checkpoints at works’ sites, factories, workshops or places of manufacture.
Section 5. CUSTOMS PROCEDURES FOR EXPORST AND IMPORTS TRANFERRED FROM BORDER GATE TO BORDER GATE
Customs procedures for goods transferred from border gate to border gate are specified in Article 18 of the Decree. The Finance Ministry hereby provides additional guidance as follows:
1. Imports with declarations registerred at Customs Sub-department outside border gate shall be exempt from border gate transfer procedures if they are exempt from actual inspection.
2. For border gate-transfer imports brough into export processing zones, customs offices of export procesing zones shall sign for customs clearance of imported goods lots only after such goods lots have been brought into their zones.
3. Supervision of exports and imports transferred from border gate to border gate:
a. Exports and imports transferred from border gate to border gate must be contained in containers or in means of transport or trucks satisfying the requirements on customs sealing.
For goods which cannot be sealed up (extra-long or extra-heavy cargoes), Customs Sub-departments of border gates of importation must notify in writing customs sub-departments outside border gate of the fact that goods are transported without customs seals.
b. Exports and imports transferred from border gate to border gate and exempt from actual inspection shall not be sealed up.
3. The General Director of Customs shall guide in detail customs procedures for exports and imports transferred from border gate to border gate.
Section 6. CUSTOMS PROCEDURES FOR MEANS OF TRANSPORT ON ENTRY OR EXIT OR MOVING FROM PORT TO PORT
Customs procedures for means of transport on entry or exit or moving from port to port are specified in Chapter III of the Decree, the Finance Minsitry hereby provides additional guidance as follows:
1. Means of transport being seagoing ships, airplanes, cars and transnational trains (hereinafter reffered to as means of transport for short) must go through customs procedures and be subject to customs supervision in the course of operation in the Vietnam territory.
2. Authorities of airports, seaports and transnational railway stations shall have to notify in advance customs offices of information related to means of transport, cargoes and passengers on entry or exit carried by such means of transport.
3. Carriers shall have to declare with customs offices cargoes, passengers, crews and employees working onboard means of transport and other information relating to the customs offices’ management of means of transport on entry, exit or in transit.
4. Means of transport must operate on transport routes and through border gate, stop at stations or ports as prescribed and discharge cargoes at places stated in bills of lading. Their operators shall be held responsible before operation of such means throughout the course of operation in Vietnam.
5. Operators of means of transport or their lawful representatives in Vietnam shall have to carry out customs procedures for such means of transport at customs offices of first border gates of importation and last border gates of exportation or other places specified by the Government.
6. The supply of information and customs declaration by agencies and organizations defined in Clauses 2 and 3 above and among Customs Sub-departments shall be effected with customs offices or in writing. Customs offices encourage and give priority to owners of means of transport to make customs declarations in electronic form.
7. Explosives, inflammable, poisons, anesthtics, foreign currencies, weapons and military gears, liquors, beer, cigarettes and alcoholic drinks carried onboard ships must be declared in declarations of their cargo holds, kept in separate stores and sealed up by customs offices when necessary.
When ships carry imports moving from port to port or cargoes in transit, shipmasters must also submit manifests of goods moving from port to port or goods in transit when carrying out entry procedures at the first Vietnam border gate.
When requested by customs office shipmasters must produce documents related to cargoes carried onbroad, technical dossiers of their ships and dossiers related to crewmembers and passengers onboard.
8. The General Director of Customs shall specify customs procedures for means of tranpsort on entry or exit, in transit or moving from port to port.
9. Means or transport of individuals, agencies or organizations, which are temporarily imported for re-export or temporarily exported for re-import not for commercial purposes (hereinafter referred to as means of transport temporarily imorted for re-export or temporarily exported for re-import) shall observe the following specific guidance:
9.1 Means of transport temporarily imported for re-export or temporarily exported for re-import include:
- Tourist cars;
- Motorcycles;
- Motorized or non-motirzed boats, canoes;
- Personal aircraft.
9.2. Customs procedures:
For means of tranpsort temporarily imported for re-export or temporarily exported for re-import, their operators must submit and produce the following dossiers and documents:
- Entry or exit permit or papers of equivalent validity under the agreements on land transport signed between Vietnam and the bordering countries or the multilateral agreemetns on land transport among regional countries (to be produced);
- List of passengers: one copy (to be submitted);
- Declaration of means of transport temporarily imported for re-export or temporarily exported for re-import: one copy (to be submitted);
- Declaration of luggage of the operator of means of transport and passengers whose luggage must be declared (if any): one copy (to be submitted).
9.3 Separate regulations on means of transport of individuals or organizations residing or located in border regions and frequantly traveling across the border:
9.3.1 These means of transport include:
a. Foreign trucks which enter into Vietnamese border gate zones for delivery of imports or receipt of exports, then return to their home countries within a day.
b. Vietnamese trucks which travel across the border to deliver exports and receive imports within border gate zones, then return to Vietnam within a day.
c. Means of transport of individuals, agencies or organizations residing or located in border regions and frequently traveling across the border for their daily-life needs.
9.3.2 Conditions for temporary import for re-export:
These types of means of transport shall only be temporarily imported for re-export or temporarily exported for re-imported through a particular border gate.
9.3.3. Customs procedures:
These types of means of transport require no permit and are not subject to customs declaration but are only managed and monitored by border gate customs office on books.
The General Department of Customs shall specify the procedures for management of these types of means of transport.
COMPLAINTS, DENUNCIATIONS, COMMENDATION AND HANDLING OF VIOLATIONS
I. LODGING OF COMPLAINTS OR DEDUNCIATIONS, INITIATION OF LAWSUITS
1. Individuals, organizations or their representative may lodge complaints or initiate lawsuits against adminsitrative decisions or acts related to the carrying out of customs procedures, the inspection and supervision by customs offices and officers.
2. All citizens may denounce law-breaking acts committed in carrying out customs procedures, customs inspection and supervision.
3. The competence, order and procedures for setting complaints and denunciations shall comply with the provisions of law on complaints and denunciations.
II. COMMENDATION AND HANDLING OF VIOLATIONS
1. Individuals and organizations that well observe the regulations on customs management shall be commended according to the State’s common regimes.
2. Individuals and organizations that intentionally or unintentionally violate the regulations on customs procedures, inspection and supervision shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be administratively sanctioned according to the provisions of the Government’s Decree No. 138/2004/ND-CP of June 17, 2004, on sanctioning of administrative violations in the state management of customs, or examined for penal liability.
3. Customs officers, when carrying out customs procedures, or conducting customs inspection and supervision, commit acts of harassing or causing troubles, thus impeding goods export and import activities, shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be disciplined or examined for penal liability. If causing damage, they must pay compensations therefor according to the provisions of law.
ORGANIZATION OF IMPLEMENTATION
1. The General Director of Customs shall base himself/herself on the guidance in this Circular to promulgate a regulation on grant of customs procedure priority cards to enterprises having well observed the customs law, and grant such cards; promulgate customs procedures and guide customs units to uniformly apply such procedures, ensuring favorable conditions for export and import activities and effective customs management.
2. This Circular takes effect 15 days after its publication in Official Gazette and replaces the Finance Ministry’s Circular No. 32/2003/TT-BTC of April 16, 2003 and the Finance Minister’s Decision No. 52/2003/QD-BTC, No. 53/2003/QD-BTC, No. 54/2003/QD-BTC, No. 55/2003/QD-BTC, No. 56/2003/QD-BTC and No. 57/2003/QD-BTC of April 16, 2003.
Any difficulties or problems arising in the course of implementation should be promptly reported by concerned units to the Finance Ministry for study and additional guidance.
|
FOR THE FINANCE MINISTER |
Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực