Chương VIII Nghị định 97/2015/NĐ-CP: Khen thưởng, kỷ luật người quản lý doanh nghiệp
Số hiệu: | 97/2015/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 19/10/2015 | Ngày hiệu lực: | 05/12/2015 |
Ngày công báo: | 30/10/2015 | Số công báo: | Từ số 1073 đến số 1074 |
Lĩnh vực: | Doanh nghiệp | Tình trạng: |
Hết hiệu lực
31/12/2020 |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Nghị định 97/2015/NĐ-CP về quản lý người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty TNHH MTV mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ với các nội dung chính: đánh giá, kiêm nhiệm, bổ nhiệm, miễn nhiệm người quản lý doanh nghiệp, thôi việc, nghỉ hưu … được ban hành ngày 19/10/2015.
-
Thẩm quyền quyết định và thẩm định các nội dung quản lý người quản lý doanh nghiệp
Nghị định 97 quy định thẩm quyền của Bộ quản lý ngành
- Quyết định về quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức danh quản lý DNNN, từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển người giữ chức danh, chức vụ tại DNNN, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu đối với: thành viên Hội đồng thành viên tập đoàn; Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty; thành viên Hội đồng thành viên tổng công ty hoặc công ty Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Kiểm soát viên chuyên ngành tập đoàn, Kiểm soát viên tổng công ty, công ty thuộc Bộ quản lý ngành.
-
Kiêm nhiệm đối với chức danh, chức vụ quản lý doanh nghiệp nhà nước
Quy định về kiêm nhiệm đối với chức danh Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc tại Nghị định số 97/2015 như sau:
- Người được bổ nhiệm giữ chức danh Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc trong DNNN không là cán bộ, công chức, viên chức;
Theo Nghị định 97, trường hợp cán bộ, công chức, viên chức được bổ nhiệm giữ chức danh quản lý DNNN thì phải có quyết định thuyên chuyển, điều động công tác (đối với cán bộ, công chức) hoặc phải chấm dứt hợp đồng làm việc (đối với viên chức).
- Nghị định 97/2015/NĐ-CP còn quy định người được bổ nhiệm quản lý doanh nghiệp nhà nước làm chủ sở hữu không được kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp khác.
-
Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại người quản lý doanh nghiệp
Điều kiện bổ nhiệm chức danh quản lý theo Nghị định 97
- Đạt tiêu chuẩn người giữ chức danh, chức vụ chung của Đảng, Nhà nước, của chức danh quản lý doanh nghiệp do cấp có thẩm quyền ban hành.
- Được quy hoạch cho chức danh quản lý DNNN bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự tại chỗ hoặc được quy hoạch vào chức danh tương đương đối với nguồn nhân sự từ nơi khác.
- Nghị định 97/2015 quy định người được bổ nhiệm phải có đủ hồ sơ cá nhân được thẩm định, xác minh, xác nhận.
- Trong độ tuổi bổ nhiệm chức danh quản lý DN Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
+ Phải đủ tuổi (tính theo tháng) để công tác được ít nhất 01 nhiệm kỳ tính đến ngày cấp có thẩm quyền ký bổ nhiệm.
+ Trường hợp người quản lý doanh nghiệp do nhu cầu công tác mà giữ chức vụ mới tương đương hoặc thấp hơn chức vụ quản lý doanh nghiệp Nhà nước sở hữu đang giữ thì không tính tuổi bổ nhiệm tại Điểm a Khoản 4 Điều 27 Nghị định số 97.
+ Trường hợp người quản lý doanh nghiệp bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bị kỷ luật từ khiển trách đến hạ bậc lương hoặc bị miễn nhiệm hoặc từ chức, sau 01 năm kể từ ngày bị đánh giá hoặc ngày quyết định kỷ luật, từ chức, miễn nhiệm có hiệu lực thi hành, nếu được xem xét bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý thì điều kiện về tuổi bổ nhiệm thực hiện theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 27 Nghị định 97/2015.
- Có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ của người quản lý DNNN do cơ quan y tế chứng nhận. Thời điểm chứng nhận sức khỏe đến ngày nộp hồ sơ không quá 06 tháng.
- Không bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định pháp luật.
- Người được bổ nhiệm chức danh, chức vụ tại DNNN không đang thi hành kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên; không đang trong thời gian xem xét xử lý kỷ luật, điều tra, truy tố, xét xử.
- Trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm đang trong thời gian thanh tra, kiểm tra thì cấp có thẩm quyền quyết bổ nhiệm trao đổi với trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra trước khi bổ nhiệm làm quản lý DNNN.
- Ngoài ra, Nghị định 97/2015/NĐ-CP quy định việc bổ nhiệm Kiểm soát viên, Kế toán trưởng còn phải tuân theo các quy định pháp luật liên quan.
Nghị định 97 còn quy định về Quy hoạch; Từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển người giữ chức danh quản lý tại Doanh nghiệp Nhà nước sở hữu; Đánh giá và bồi dường kiến thức đối với người quản lý doanh nghiệp; Khen thưởng, kỷ luật; Thôi việc, nghỉ hưu và quản lý hồ sơ người quản lý doanh nghiệp. Nghị định số 97 năm 2015 có hiệu lực từ ngày 05/12/2015 và thay thế Nghị định 66/2011/NĐ-CP.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
1. Người quản lý doanh nghiệp có thành tích hoặc quá trình cống hiến thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.
2. Người quản lý doanh nghiệp quy định tại Điều 4 Nghị định này, nếu được đề nghị tặng Huân chương, danh hiệu Anh hùng thì Bộ quản lý ngành trình Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi tờ trình và hồ sơ đến Bộ Nội vụ thẩm định.
1. Khách quan, công bằng, nghiêm minh, đúng pháp luật.
2. Mỗi hành vi vi phạm pháp luật chỉ áp dụng 01 hình thức kỷ luật. Nếu người quản lý doanh nghiệp có nhiều hành vi vi phạm pháp luật thì bị xem xét xử lý kỷ luật về từng hành vi vi phạm pháp luật và áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm nặng nhất, trừ trường hợp có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc.
3. Trường hợp người quản lý doanh nghiệp tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian đang thi hành quyết định kỷ luật thì bị áp dụng hình thức kỷ luật như sau:
a) Nếu có hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý kỷ luật ở hình thức nhẹ hơn hoặc bằng so với hình thức kỷ luật đang thi hành thì áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật đang thi hành;
b) Nếu có hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý kỷ luật ở mức nặng hơn so với hình thức kỷ luật đang thi hành thi áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm pháp luật mới.
Quyết định kỷ luật đang thi hành chấm dứt hiệu lực thi hành kể từ thời điểm quyết định kỷ luật đối với hành vi vi phạm pháp luật mới có hiệu lực thi hành.
4. Thái độ tiếp thu, sửa chữa và sự chủ động khắc phục hậu quả của người quản lý doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật là yếu tố xem xét tăng nặng hoặc giảm nhẹ khi áp dụng hình thức kỷ luật.
5. Thời gian chưa xem xét xử lý kỷ luật đối với người quản lý doanh nghiệp trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 58 Nghị định này không tính vào thời hạn xử lý kỷ luật.
6. Không áp dụng hình thức xử phạt hành chính thay cho hình thức kỷ luật.
7. Cấm mọi hành vi xâm phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm của người quản lý doanh nghiệp trong quá trình xử lý kỷ luật.
1. Thời hiệu xử lý kỷ luật
a) Thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng kể từ thời điểm người quản lý doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật cho đến ngày cấp có thẩm quyền ra thông báo bằng văn bản về việc xem xét xử lý kỷ luật.
b) Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của người quản lý doanh nghiệp, cấp có thẩm quyền phải ra thông bằng văn bản về việc xem xét xử lý kỷ luật. Thông báo phải nêu rõ thời điểm người quản lý doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật, thời điểm phát hiện người quản lý doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật và thời hạn xử lý kỷ luật.
2. Thời hạn xử lý kỷ luật
a) Thời hạn xử lý kỷ luật tối đa là 02 tháng kể từ thời điểm phát hiện người quản lý doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật cho đến ngày cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật.
b) Trường hợp vụ việc có liên quan đến nhiều người, có tang vật, phương tiện cần giám định hoặc những tình tiết phức tạp khác thì cấp có thẩm quyền ra quyết định kéo dài thời hạn xử lý kỷ luật theo quy định tại Khoản 2 Điều 80 Luật Cán bộ, công chức.
Hình thức kỷ luật gồm: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, cách chức, buộc thôi việc.
Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với người quản lý doanh nghiệp có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
1. Vi phạm lần thứ nhất không thực hiện nhiệm vụ được giao mà không có lý do chính đáng;
2. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng vốn và tài sản của tập đoàn, tổng công ty, công ty để thu lợi riêng cho bản thân và cho người khác;
3. Vi phạm Điều lệ của tập đoàn, tổng công ty, công ty, quyết định vượt thẩm quyền, lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây hậu quả làm thiệt hại cho Nhà nước, tập đoàn, tổng công ty, công ty;
4. Sử dụng tài sản công trái pháp luật;
5. Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được cử tham gia bồi dưỡng kiến thức;
6. Vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với người quản lý doanh nghiệp có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
1. Cấp hoặc xác nhận giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện, không đúng thẩm quyền;
2. Sử dụng thông tin, tài liệu của doanh nghiệp để vụ lợi;
3. Không chấp hành quyết định điều động, phân công công tác của cấp có thẩm quyền;
4. Có các quyết định, chỉ đạo, điều hành để thất thoát vốn nhà nước hoặc vốn của tập đoàn, tổng công ty, công ty; quyết định dự án đầu tư không hiệu quả, không trả được nợ; không bảo đảm tiền lương và các chế độ khác cho người lao động ở tập đoàn, tổng công ty, công ty theo quy định của pháp luật;
5. Báo cáo không trung thực tình hình tài chính của tập đoàn, tổng công ty, công ty từ 02 lần trở lên hoặc 01 lần nhưng sai lệch nghiêm trọng tình hình tài chính doanh nghiệp;
6. Vi phạm ở mức độ nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
1. Hình thức kỷ luật hạ bậc lương áp dụng đối với người quản lý doanh nghiệp có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
a) Không hoàn thành nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng mà lý do không được cấp có thẩm quyền chấp thuận;
b) Lợi dụng vị trí công tác, cố ý làm trái pháp luật với mục đích vụ lợi;
c) Vi phạm ở mức độ nghiêm trọng về chính sách tiền lương; sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp để được nâng bậc lương trái pháp luật.
2. Trường hợp người quản lý doanh nghiệp đang hưởng mức lương bậc 01 của thang lương chức danh đang đảm nhiệm thì không áp dụng hình thức kỷ luật hạ bậc lương; tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật, cấp có thẩm quyền xem xét áp dụng hình thức kỷ luật phù hợp.
Hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với người quản lý doanh nghiệp có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
1. Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ;
2. Tập đoàn, tổng công ty, công ty không hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch hàng năm, không bảo toàn và phát triển vốn đầu tư theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền mà không giải trình được nguyên nhân khách quan hoặc giải trình nguyên nhân nhưng không được cấp có thẩm quyền chấp thuận;
3. Bị truy tố và bị Tòa tuyên là có tội;
4. Không trung thực trong thực thi quyền, nghĩa vụ hoặc lạm dụng địa vị, chức vụ, sử dụng tài sản của tập đoàn, tổng công ty, công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
5. Vi phạm ở mức độ rất nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
6. Để tập đoàn, tổng công ty, công ty vào tình trạng phá sản nhưng không nộp đơn yêu cầu phá sản; tập đoàn, tổng công ty, công ty thuộc diện tổ chức lại, giải thể, chuyển đổi sở hữu mà không tiến hành các thủ tục để tổ chức lại, giải thể hoặc chuyển đổi sở hữu mà không có lý do được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với người quản lý doanh nghiệp có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
1. Bị phạt tù mà không được hưởng án treo;
2. Nghiện ma túy có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền;
3. Vi phạm chế độ quản lý tài chính, kế toán, kiểm toán và chế độ khác đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
4. Có các quyết định, chỉ đạo, điều hành để tập đoàn, tổng công ty, công ty thua lỗ, thất thoát vốn nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng;
5. Vi phạm đặc biệt nghiêm trọng các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
1. Các trường hợp chưa xem xét, xử lý kỷ luật
a) Người quản lý doanh nghiệp đang trong thời gian nghỉ hàng năm, nghỉ theo chế độ, nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật được cấp có thẩm quyền cho phép.
b) Người quản lý doanh nghiệp đang trong thời gian điều trị bệnh tật có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.
c) Người quản lý doanh nghiệp là nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
d) Người quản lý doanh nghiệp đang bị tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật.
2. Các trường hợp được miễn trách nhiệm kỷ luật
a) Được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự khi vi phạm pháp luật.
b) Phải chấp hành quyết định của cấp trên theo quy định tại Khoản 5 Điều 9 Luật Cán bộ, công chức.
c) Được cơ quan có thẩm quyền xác nhận vi phạm pháp luật trong tình thế bất khả kháng khi thi hành công vụ.
1. Thành lập Hội đồng kỷ luật
Người có thẩm quyền quyết định hình thức kỷ luật quy định tại Điều 4, 5 và 6 Nghị định này quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật để tư vấn việc áp dụng hình thức kỷ luật đối với người quản lý doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này.
2. Các trường hợp không thành lập Hội đồng kỷ luật
a) Người quản lý doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật bị phạt tù mà không được hưởng án treo.
b) Người quản lý doanh nghiệp bị xem xét, xử lý kỷ luật khi đã có kết luận về hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan kiểm tra của Đàng hoặc cơ quan thanh tra, điều tra.
3. Tổ chức họp kiểm điểm người quản lý doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật
Việc tổ chức cuộc họp kiểm điểm được tiến hành đối với các trường hợp có thành lập Hội đồng kỷ luật và không thành lập Hội đồng kỷ luật quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này được tiến hành như sau:
a) Cấp có thẩm quyền có trách nhiệm tổ chức cuộc họp kiểm điểm và quyết định thành phần dự họp;
b) Người quản lý doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật phải làm bản tự kiểm điểm, giải trình các hành vi vi phạm và tự nhận hình thức kỷ luật. Bản kiểm điểm gửi đến cấp có thẩm quyền trước ít nhất 05 ngày làm việc, tính đến ngày họp kiểm điểm.
Trường hợp người quản lý doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật không làm bản tự kiểm điểm hoặc vắng mặt sau 02 lần gửi giấy triệu tập mà không có lý do chính đáng, đến lần thứ 03 sau khi đã gửi giấy triệu tập, nếu tiếp tục vắng mặt thì cuộc họp kiểm điểm vẫn được tiến hành;
c) Nội dung cuộc họp kiểm: người bị kiểm điểm đọc bản tự kiểm điểm, các thành viên dự họp tham gia ý kiến, người chủ trì và các thành viên dự họp bỏ phiếu kín kiến nghị hình thức kỷ luật.
Nội dung các cuộc họp kiểm điểm người quản lý doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật quy định tại Điều này phải được lập thành biên bản. Biên bản các cuộc họp kiểm điểm phải có kiến nghị hình thức kỷ luật đối với người quản lý doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc cuộc họp kiểm điểm, biên bản cuộc họp kiểm điểm được gửi đến Chủ tịch Hội đồng kỷ luật trong trường hợp thành lập Hội đồng kỷ luật hoặc người có thẩm quyền xử lý kỷ luật trong trường hợp không thành lập Hội đồng kỷ luật để xem xét theo thẩm quyền.
1. Hội đồng kỷ luật có 05 thành viên, bao gồm:
a) Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty;
b) Một Ủy viên Hội đồng là đại diện cấp ủy cấp trên của cấp ủy tập đoàn, tổng công ty, công ty. Trường hợp cấp ủy cấp trên là cấp ủy địa phương thì Ủy viên Hội đồng này là đại diện cấp ủy địa phương;
c) Một Ủy viên Hội đồng là đại diện của tập đoàn, tổng công ty, công ty có người bị xem xét xử lý kỷ luật, Ủy viên Hội đồng này do người đại diện theo pháp luật của tập đoàn, tổng công ty, công ty có người bị xem xét, xử lý kỷ luật lựa chọn và cử;
d) Một Ủy viên Hội đồng là đại diện ban chấp hành công đoàn của tập đoàn, tổng công ty, công ty có người bị xem xét, xử lý kỷ luật;
đ) Một Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng là người phụ trách cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ có người bị xem xét, xử lý kỷ luật.
2. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên vi phạm pháp luật hoặc vi phạm kỷ luật, Hội đồng kỷ luật bao gồm:
a) Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Bộ quản lý ngành, lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Một Ủy viên Hội đồng là đại diện cấp ủy cấp trên của cấp ủy tập đoàn, tổng công ty, công ty. Trường hợp cấp ủy cấp trên là cấp ủy địa phương thì Ủy viên Hội đồng này là đại diện cấp ủy địa phương;
c) Một Ủy viên Hội đồng là người đại diện lãnh đạo của tập đoàn, tổng công ty, công ty có người bị xem xét, xử lý kỷ luật;
d) Một Ủy viên Hội đồng là đại diện ban chấp hành công đoàn của tập đoàn, tổng công ty, công ty có người bị xem xét, xử lý kỷ luật;
đ) Một Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng là người phụ trách cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ của Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
3. Đối với các chức danh quy định tại Điều 4 Nghị định này, Chủ tịch Hội đồng kỷ luật là Bộ trưởng Bộ quản lý ngành. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật do Bộ quản lý ngành trình, Bộ Nội vụ thẩm định.
4. Không được cử người có quan hệ gia đình như cha, mẹ, con được pháp luật thừa nhận; vợ, chồng; anh, chị, em ruột; anh, em rể; chị, em dâu hoặc người có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của người quản lý doanh nghiệp bị xem xét xử, lý kỷ luật tham gia thành viên Hội đồng kỷ luật,
1. Hội đồng kỷ luật họp khi có ít nhất 03 thành viên tham dự, trong đó có Chủ tịch Hội đồng và thành viên kiêm Thư ký Hội đồng. Hội đồng kỷ luật kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật thông qua kết quả bỏ phiếu kín với kết quả trên 50% ý kiến thành viên dự họp tán thành.
Trường hợp Hội đồng kỷ luật họp chỉ có 04 thành viên tham dự mà kết quả bỏ phiếu kín kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật chỉ được 02 thành viên dự họp tán thành, trong đó có Chủ tịch Hội đồng thì thực hiện theo kiến nghị của Chủ tịch Hội đồng.
2. Việc họp Hội đồng kỷ luật phải được ghi biên bản ý kiến của các thành viên dự họp và kết quả bỏ phiếu kiến nghị hình thức kỷ luật.
3. Hội đồng kỷ luật tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
1. Tổ chức họp Hội đồng kỷ luật
a) Chuẩn bị họp
- Chậm nhất 07 ngày làm việc trước cuộc họp của Hội đồng kỷ luật, giấy triệu tập họp phải được gửi đến người quản lý doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật. Người quản lý doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật vắng mặt phải có lý do chính đáng. Trường hợp người quản lý doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật vắng mặt sau 02 lần gửi giấy triệu tập mà không có lý do chính đáng, đến lần thứ 03 sau khi đã gửi giấy triệu tập, nếu tiếp tục vắng mặt thì Hội đồng kỷ luật vẫn họp xem xét và kiến nghị hình thức kỷ luật.
- Hội đồng kỷ luật có thể mời thêm đại diện các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội nơi người quản lý doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật đang công tác dự họp. Người được mời có quyền phát biểu ý kiến và đề xuất hình thức kỷ luật nhưng không được bỏ phiếu về hình thức kỷ luật.
- Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng kỷ luật có nhiệm vụ chuẩn bị tài liệu, hồ sơ có liên quan đến việc xử lý kỷ luật, ghi biên bản cuộc họp của Hội đồng kỷ luật.
- Hồ sơ kỷ luật trình Hội đồng kỷ luật gồm: bản tự kiểm điểm, trích ngang sơ yếu lý lịch, biên bản cuộc họp kiểm điểm của tập đoàn, tổng công ty, công ty nơi người quản lý doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật đang công tác và các tài liệu khác có liên quan.
b) Trình tự họp
- Chủ tịch Hội đồng kỷ luật tuyên bố lý do, giới thiệu các thành viên tham dự.
- Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng kỷ luật đọc trích ngang sơ yếu lý lịch của người quản lý doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật và các tài liệu khác có liên quan.
- Người quản lý doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật đọc bản tự kiểm điểm. Nếu người quản lý doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật vắng mặt thì Thư ký Hội đồng kỷ luật đọc thay. Nếu người quản lý doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật không làm bản tự kiểm điểm thì Hội đồng kỷ luật tiến hành các trình tự còn lại của cuộc họp theo quy định tại Điểm này.
- Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng kỷ luật đọc biên bản cuộc họp kiểm điểm.
- Các thành viên Hội đồng kỷ luật và người tham dự cuộc họp phát biểu ý kiến.
- Người quản lý doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật phát biểu ý kiến. Nếu người quản lý doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật không phát biểu ý kiến hoặc vắng mặt thì Hội đồng kỷ luật tiến hành các trình tự còn lại của cuộc họp theo quy định tại Điểm này.
- Hội đồng kỷ luật bỏ phiếu kín kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật.
- Chủ tịch Hội đồng kỷ luật công bố kết quả bỏ phiếu kín và thông qua biên bản cuộc họp.
- Chủ tịch và Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng kỷ luật ký vào biên bản cuộc họp.
Trường hợp nhiều người quản lý doanh nghiệp trong cùng tập đoàn, tổng công ty, công ty có hành vi vi phạm pháp luật thì Hội đồng kỷ luật họp để tiến hành xem xét xử lý kỷ luật đối với từng người quản lý doanh nghiệp.
2. Quyết định kỷ luật
a) Trình tự ra quyết định kỷ luật
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc họp, Hội đồng kỷ luật phải có kiến nghị việc xử lý kỷ luật bằng văn bản (kèm theo biên bản và hồ sơ kỷ luật) gửi cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật theo quy định tại Điều 4, 5 và 6 Nghị định này.
- Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của Hội đồng kỷ luật trong trường hợp thành lập Hội đồng kỷ luật hoặc biên bản cuộc họp kiểm điểm quy định tại Khoản 3 Điều 59 Nghị định này trong trường hợp không thành lập Hội đồng kỷ luật thì người có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định kỷ luật hoặc kết luận người quản lý doanh nghiệp không vi phạm pháp luật.
- Trường hợp có tình tiết phức tạp thì cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật quyết định kéo dài thời hạn xử lý kỷ luật theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 51 Nghị định này và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
b) Quyết định kỷ luật phải ghi rõ thời điểm có hiệu lực thi hành.
c) Sau 12 tháng kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực thi hành, nếu người quản lý doanh nghiệp không tiếp tục có hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì quyết định kỷ luật chấm dứt hiệu lực thi hành mà không cần phải có văn bản về việc chấm dứt hiệu lực thi hành.
Người quản lý doanh nghiệp bị xử lý kỷ luật có quyền khiếu nại đối với quyết định kỷ luật theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
1. Hồ sơ kỷ luật người quản lý doanh nghiệp gồm: tờ trình của Hội đồng kỷ luật gửi cấp có thẩm quyền xem xét kỷ luật; bản tự kiểm điểm; biên bản các cuộc họp kiểm điểm; đơn thư tố cáo, kết luận kiểm tra, kết luận thanh tra và các tài liệu khác có liên quan; biên bản họp Hội đồng kỷ luật và quyết định kỷ luật.
2. Hồ sơ kỷ luật được lưu giữ trong hồ sơ cá nhân. Quyết định kỷ luật phải được ghi vào lý lịch của người bị xử lý kỷ luật.
Người quản lý doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật mà gây thiệt hại đến kinh tế, tài sản của Nhà nước, tập đoàn, tổng công ty, công ty thì phải có trách nhiệm bồi thường, hoàn trả theo quy định của pháp luật.