Nghị định 85/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Kiến trúc
Số hiệu: | 85/2020/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Xuân Phúc |
Ngày ban hành: | 17/07/2020 | Ngày hiệu lực: | 07/09/2020 |
Ngày công báo: | 01/08/2020 | Số công báo: | Từ số 733 đến số 734 |
Lĩnh vực: | Xây dựng - Đô thị | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Nội dung, hình thức thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc
Chính phủ ban hành Nghị định 85/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc 2019 với nhiều nội dung quan trọng về thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc.
Theo đó, nội dung và hình thức thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc được quy định như sau:
- Nội dung Bộ câu hỏi sát hạch với số điểm tối đa là 100 theo quy định gồm:
+ 10 câu hỏi về kinh nghiệm nghề nghiệp với số điểm tối đa là 40;
+ 05 câu hỏi về kiến thức pháp luật với số điểm tối đa là 20;
+ 05 câu hỏi về kiến thức chuyên môn với số điểm tối đa là 20;
+ 05 câu hỏi về Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của Kiến trúc sư hành nghề với số điểm tối đa là 20.
- Hình thức thi sát hạch gồm:
+ Cá nhân đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc lần đầu sát hạch theo hình thức trắc nghiệm và vấn đáp, việc sát hạch vấn đáp được thực hiện sau khi có thông báo kết quả sát hạch trắc nghiệm.
Trong đó cá nhân sát hạch phải gắp thăm và trả lời tối đa 04 câu hỏi, mỗi câu hỏi về nội dung kiến thức và sự hiểu biết áp dụng trong hoạt động hành nghề kiến trúc phù hợp với nội dung Bộ câu hỏi sát hạch.
+ Cá nhân đề nghị cấp lại, gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc sát hạch theo hình thức trắc nghiệm.
Cá nhân đạt kết quả sát hạch phải có tổng số điểm từ 70 điểm trở lên, trong đó điểm sát hạch về kiến thức pháp luật phải đạt tối thiểu là 16 điểm; các phần còn lại phải đạt tối thiểu 50% số điểm tối đa theo Bộ câu hỏi.
Nghị định 85/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 07/9/2020.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
Nghị định này quy định chi tiết nội dung Luật Kiến trúc giao tại khoản 5 Điều 13; khoản 5 Điều 14 và khoản 1 Điều 15; khoản 8 Điều 17; khoản 3 Điều 22; khoản 3 Điều 23; khoản 4 Điều 26; khoản 5 Điều 29; khoản 4 Điều 30 và khoản 3 Điều 31 về công trình kiến trúc có giá trị; quy chế quản lý kiến trúc; thi tuyển phương án kiến trúc; quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề; phát triển nghề nghiệp liên tục; sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc; cấp, gia hạn, thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề kiến trúc; hành nghề kiến trúc của người nước ngoài tại Việt Nam.
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kiến trúc trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
1. Tiêu chí về giá trị nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan, gồm các yếu tố sau:
a) Tiêu biểu cho một loại hình kiến trúc, phong cách kiến trúc;
b) Giá trị nghệ thuật kiến trúc của bản thân công trình và tổng thể không gian trong phạm vi khuôn viên công trình;
c) Giá trị gắn liền với cảnh quan, đóng góp vào cảnh quan chung đô thị, danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên;
d) Giá trị về kỹ thuật, công nghệ xây dựng, sử dụng vật liệu xây dựng.
2. Tiêu chí về giá trị lịch sử, văn hóa, gồm các yếu tố sau:
a) Tiêu biểu cho giai đoạn lịch sử;
b) Gắn với đặc điểm, tính chất tiêu biểu về văn hóa của địa phương;
c) Niên đại xây dựng, tuổi thọ công trình.
3. Bảng tính điểm đánh giá công trình kiến trúc có giá trị quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
1. Công trình kiến trúc có giá trị được phân thành 03 loại:
Loại I khi đáp ứng hai tiêu chí về giá trị nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan và tiêu chí về giá trị lịch sử, văn hóa; tiêu chí về giá trị nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan phải đạt từ 80 điểm trở lên. Loại II khi đáp ứng hai tiêu chí; loại III khi đáp ứng một trong hai tiêu chí trên.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này phân loại và quyết định biện pháp, kinh phí thực hiện để quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị của công trình kiến trúc.
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền cho cơ quan chuyên môn về kiến trúc thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện lập, điều chỉnh danh mục công trình kiến trúc có giá trị.
2. Lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị:
a) Cơ quan lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn về văn hóa thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức rà soát, đánh giá hồ sơ tư liệu công trình kiến trúc để lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
b) Trường hợp tổ chức, cá nhân có đề xuất đưa công trình kiến trúc vào danh mục công trình kiến trúc có giá trị thì gửi yêu cầu bằng văn bản kèm theo hồ sơ tư liệu công trình kiến trúc tới cơ quan chuyên môn về kiến trúc thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để rà soát, đánh giá.
c) Hồ sơ tư liệu công trình kiến trúc, gồm nội dung về lịch sử và đánh giá giá trị của công trình; các hình ảnh hiện trạng kiến trúc và hình ảnh lịch sử công trình (nếu có); các bản vẽ tổng mặt bằng, mặt bằng các tầng, các mặt đứng và các mặt cắt; hình ảnh và bản vẽ mô tả các chi tiết trang trí (nếu có) và làm rõ các giá trị công trình.
d) Hồ sơ danh mục công trình kiến trúc có giá trị gồm: dự thảo Tờ trình; danh mục công trình kiến trúc có giá trị và phụ lục kèm theo; thuyết minh về các nội dung đề xuất trong danh mục; hồ sơ tư liệu của từng công trình kiến trúc và tài liệu liên quan kèm theo; đề xuất biện pháp quản lý bảo vệ, phát huy các giá trị kiến trúc của công trình, kinh phí thực hiện.
đ) Cơ quan lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị tổ chức lấy ý kiến bằng văn bản của Hội đồng tư vấn về kiến trúc cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với hồ sơ tư liệu công trình kiến trúc và danh mục công trình kiến trúc có giá trị theo quy định tại khoản 3 Điều 13 của Luật Kiến trúc trong thời gian tối thiểu 15 ngày đối với cơ quan, 30 ngày đối với tổ chức, cá nhân có liên quan.
3. Thẩm định danh mục công trình kiến trúc có giá trị:
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng thẩm định danh mục công trình kiến trúc có giá trị. Thành phần Hội đồng thẩm định gồm đại diện cơ quan quản lý nhà nước, hội nghề nghiệp, các chuyên gia lĩnh vực kiến trúc, văn hóa và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
b) Hội đồng thẩm định danh mục công trình kiến trúc có giá trị theo tiêu chí đánh giá, phân loại quy định tại Điều 3, Điều 4 của Nghị định này.
4. Cơ quan lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị căn cứ kết quả thẩm định tiếp thu, giải trình và hoàn chỉnh hồ sơ, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt danh mục công trình kiến trúc có giá trị.
5. Thời gian thẩm định danh mục công trình kiến trúc có giá trị tối đa 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, thời gian phê duyệt danh mục công trình kiến trúc có giá trị tối đa 15 ngày kể từ ngày có đủ hồ sơ hoàn thiện theo kết quả thẩm định.
6. Điều chỉnh danh mục công trình kiến trúc có giá trị:
a) Cơ quan lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị rà soát, đánh giá các công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn hằng năm, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh danh mục công trình kiến trúc có giá trị phù hợp tình hình, điều kiện thực tế.
b) Nội dung cần điều chỉnh trong danh mục công trình kiến trúc có giá trị phải được lấy ý kiến, thẩm định, phê duyệt theo trình tự, thời gian quy định tại điểm đ khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều này; nội dung không điều chỉnh của danh mục đã được phê duyệt vẫn giữ nguyên giá trị pháp lý.
1. Lập quy chế quản lý kiến trúc.
2. Thẩm định quy chế quản lý kiến trúc.
3. Phê duyệt, ban hành quy chế quản lý kiến trúc.
4. Công bố quy chế quản lý kiến trúc.
1. Thời gian lập quy chế quản lý kiến trúc: Đối với thành phố trực thuộc trung ương không quá 15 tháng; đối với các trường hợp còn lại không quá 12 tháng, kể từ thời điểm được giao lập quy chế.
2. Thời gian thẩm định quy chế quản lý kiến trúc: Đối với thành phố trực thuộc trung ương không quá 30 ngày; đối với các trường hợp còn lại không quá 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
3. Thời gian phê duyệt, ban hành quy chế quản lý kiến trúc không quá 10 ngày, kể từ ngày được Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua.
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền cho cơ quan chuyên môn về kiến trúc thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện lập quy chế quản lý kiến trúc.
2. Các bước lập quy chế quản lý kiến trúc:
a) Điều tra hiện trạng, khảo sát thực địa; thu thập bản đồ, tài liệu, số liệu về điều kiện tự nhiên, các loại hình thiên tai thường xảy ra trong khu vực, quy hoạch, thiết kế đô thị (nếu có) và các tài liệu, căn cứ pháp lý có liên quan làm cơ sở lập quy chế quản lý kiến trúc;
b) Soạn thảo quy chế quản lý kiến trúc;
c) Lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về dự thảo quy chế quản lý kiến trúc. Thời gian lấy ý kiến tối thiểu 15 ngày đối với cơ quan, 30 ngày đối với tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư.
3. Hồ sơ trình thẩm định quy chế quản lý kiến trúc gồm:
a) Tờ trình;
b) Dự thảo quy chế quản lý kiến trúc và phụ lục kèm theo (nếu có);
c) Thuyết minh về các nội dung đề xuất trong quy chế;
d) Báo cáo tổng hợp giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý và bản sao văn bản góp ý;
đ) Các văn bản pháp lý và tài liệu liên quan;
e) Dự thảo quyết định phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc.
1. Nội dung thẩm định gồm:
a) Sự phù hợp với nguyên tắc hoạt động kiến trúc quy định tại Điều 4 của Luật Kiến trúc;
b) Sự tuân thủ các quy định khoản 2 Điều 14 của Luật Kiến trúc;
c) Bảo đảm các nội dung theo quy định tại Điều 12, Điều 13 của Nghị định này.
2. Cơ quan chuyên môn về kiến trúc thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thẩm định quy chế quản lý kiến trúc. Trong quá trình thẩm định, cơ quan tổ chức thẩm định có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản các cơ quan, tổ chức có liên quan; thành lập hội đồng để thẩm định và lập báo cáo thẩm định. Cơ quan được yêu cầu góp ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn không quá 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị.
3. Báo cáo thẩm định phải thể hiện rõ ý kiến của Hội đồng thẩm định về nội dung thẩm định quy định tại khoản 1 Điều này và kết luận về việc quy chế đủ điều kiện hoặc chưa đủ điều kiện để trình phê duyệt.
4. Hồ sơ trình phê duyệt, ban hành gồm hồ sơ trình thẩm định quy chế quản lý kiến trúc đã được tiếp thu, hoàn chỉnh theo ý kiến thẩm định; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định kèm báo cáo thẩm định.
5. Đối với quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể phân cấp, ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt, ban hành.
1. Quy chế quản lý kiến trúc được lấy ý kiến theo một hoặc nhiều hình thức sau đây:
a) Trực tiếp bằng văn bản, phiếu điều tra, phiếu góp ý;
b) Hội nghị, hội thảo;
c) Lấy ý kiến qua cổng thông tin điện tử của cơ quan có liên quan;
d) Trưng bày công khai hoặc giới thiệu trên phương tiện thông tin đại chúng.
2. Các ý kiến phải được tổng hợp đầy đủ, có giải trình, tiếp thu và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
1. Cơ quan lập quy chế quản lý kiến trúc có trách nhiệm tổ chức công bố quy chế quản lý kiến trúc.
2. Chậm nhất 15 ngày kể từ ngày quy chế quản lý kiến trúc được ban hành, toàn bộ nội dung của quy chế phải được công bố công khai, trừ những nội dung liên quan đến bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
3. Quy chế quản lý kiến trúc được công bố theo một hoặc nhiều hình thức sau đây:
a) Đăng tải trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan tổ chức lập quy chế quản lý kiến trúc;
b) Công bố trên phương tiện thông tin đại chúng;
c) Tổ chức hội nghị, hội thảo công bố, phổ biến nội dung quy chế;
d) Phát hành ấn phẩm.
Quy chế quản lý kiến trúc đô thị gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Quy định chung:
a) Quy định về quản lý kiến trúc đối với toàn bộ khu vực lập quy chế: Quy định phạm vi tổng thể, ranh giới lập quy chế;
b) Các chỉ tiêu quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (nếu có), các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc địa phương được áp dụng;
c) Định hướng kiểm soát không gian, kiến trúc, cảnh quan của toàn đô thị;
d) Xác định các khu vực cần lập thiết kế đô thị riêng; vị trí, quy mô các công trình cần thi tuyển phương án kiến trúc;
đ) Quy định về kiến trúc công trình đảm bảo các yêu cầu về phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
2. Quy định cụ thể:
a) Quy định về kiến trúc cho từng khu vực trong đô thị theo địa giới hành chính hoặc theo chức năng, tính chất; đối với khu vực bảo tồn;
b) Quy định về kiến trúc đối với tuyến đường cụ thể, quảng trường, khu trung tâm, cửa ngõ đô thị; bố trí biển hiệu, quảng cáo, tiện ích đô thị; khu vực cần ưu tiên chỉnh trang và kế hoạch thực hiện; khu vực có yêu cầu quản lý đặc thù; khu vực nông thôn thuộc đô thị;
c) Các quy định về màu sắc, vật liệu xây dựng; yêu cầu đối với mặt đứng, mái, tầng 1 công trình;
d) Quy định về quản lý kiến trúc đối với nhà ở, công trình công cộng, công trình phục vụ tiện ích đô thị, công trình công nghiệp, công trình hạ tầng kỹ thuật;
đ) Quy định về quản lý, bảo vệ công trình kiến trúc có giá trị.
3. Xác định yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc:
a) Các yếu tố đặc thù về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, phong tục tập quán địa phương liên quan đến bản sắc trong kiến trúc;
b) Các hình thái kiến trúc đặc trưng; kỹ thuật xây dựng và sử dụng vật liệu truyền thống của địa phương;
c) Lựa chọn phương án, định hướng kiến trúc đảm bảo bản sắc văn hóa dân tộc trong xây dựng mới, cải tạo công trình kiến trúc.
4. Các nội dung quy định tại các điểm e, g và h khoản 3 Điều 14 của Luật Kiến trúc.
5. Mẫu hướng dẫn quy chế quản lý kiến trúc đô thị được quy định tại mục 1 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
1. Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Quy định phạm vi tổng thể, ranh giới lập quy chế;
b) Định hướng chung về kiến trúc, cảnh quan đối với toàn điểm dân cư nông thôn;
c) Xác định yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc tại điểm dân cư nông thôn theo quy định tại khoản 3 Điều 12 của Nghị định này;
d) Quy định cụ thể tại khu vực trung tâm, dọc tuyến đường liên xã, trục đường chính, đường liên thôn, cảnh quan khu vực bảo tồn; các khu vực tập trung làng xóm, các khu vực phát triển dọc tuyến đường, tuyến sông, mặt nước;
đ) Quy định đối với công trình công cộng: kiến trúc công sở, cơ sở y tế, giáo dục, công trình văn hóa, thể thao;
e) Quy định đối với công trình nhà ở: xây dựng theo các chỉ tiêu được quy định trong quy hoạch xây dựng nông thôn được phê duyệt;
g) Quy định tại các điểm đ, e, g và h khoản 3 Điều 14 của Luật Kiến trúc và điểm d khoản 1 Điều 12 của Nghị định này.
2. Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn được lập riêng theo quy định tại khoản 1 Điều này hoặc được tích hợp nội dung vào đồ án quy hoạch chung xây dựng xã.
2. Mẫu hướng dẫn lập quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn được quy định tại mục 2 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
1. Cơ quan lập quy chế quản lý kiến trúc có trách nhiệm rà soát, đánh giá quá trình thực hiện quy chế quản lý kiến trúc định kỳ 05 năm hoặc đột xuất. Kết quả rà soát, đánh giá phải được báo cáo bằng văn bản với cơ quan phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc và Bộ Xây dựng đối với đô thị từ loại I trở lên.
2. Báo cáo rà soát quy chế quản lý kiến trúc là một trong những căn cứ để quyết định việc điều chỉnh quy chế quản lý kiến trúc.
3. Nội dung rà soát, đánh giá quá trình thực hiện quy chế quản lý kiến trúc:
a) Rà soát tình hình, triển khai tổ chức thực hiện các quy chế quản lý kiến trúc, các dự án đầu tư xây dựng trong phạm vi áp dụng của quy chế quản lý kiến trúc.
b) Đánh giá các mục tiêu đã thực hiện, các tác động, hiệu quả của việc thực hiện theo quy chế quản lý kiến trúc đã được phê duyệt, ban hành.
c) Rà soát, phân tích những yếu tố mới trong quá trình quản lý kiến trúc, sự phù hợp, tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch có liên quan và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực lập quy chế.
d) Các kiến nghị và đề xuất.
4. Hồ sơ báo cáo rà soát quy chế quản lý kiến trúc gồm: Văn bản báo cáo, bản vẽ in màu tỷ lệ thích hợp, các văn bản pháp lý có liên quan.
1. Biện pháp tổ chức thực hiện quy chế quản lý kiến trúc bao gồm:
a) Ban hành các văn bản và kế hoạch triển khai thực hiện quy chế;
b) Phổ biến, tuyên truyền về quy chế;
c) Đôn đốc, theo dõi tình hình thực hiện, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm quy chế;
d) Khuyến khích các tổ chức, cá nhân giám sát việc thực hiện quy chế;
đ) Bảo đảm nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, kinh phí lập và tổ chức thực hiện quy chế.
2. Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức thực hiện các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này bảo đảm kịp thời, hiệu quả.
3. Kinh phí lập và tổ chức thực hiện quy chế quản lý kiến trúc:
a) Kinh phí phục vụ công tác lập và tổ chức thực hiện quy chế quản lý kiến trúc từ ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
b) Bộ Xây dựng công bố phương pháp xác định chi phí cho công tác lập và tổ chức thực hiện quy chế quản lý kiến trúc.
c) Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm cân đối nguồn kinh phí ngân sách địa phương hàng năm để thực hiện công tác lập và thực hiện quy chế quản lý kiến trúc tại địa phương.
d) Thủ trưởng cơ quan chịu trách nhiệm quản lý kinh phí từ ngân sách nhà nước cho công tác lập và tổ chức thực hiện quy chế quản lý kiến trúc; kiểm soát việc tạm ứng, thanh toán, quyết toán theo quy định hiện hành. Các cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp kiểm tra, giám sát.
đ) Trường hợp thuê đơn vị tư vấn lập quy chế quản lý kiến trúc phải đảm bảo quy định pháp luật về đấu thầu và pháp luật liên quan.
1. Thi tuyển rộng rãi là hình thức tổ chức cuộc thi không hạn chế số lượng tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài (nếu cần thiết) tham gia thi tuyển.
2. Thi tuyển hạn chế là hình thức tổ chức cuộc thi được áp dụng trong trường hợp chỉ có một số tổ chức, cá nhân tham gia thi tuyển (nhưng không dưới 03 tổ chức, cá nhân) đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật hoặc tính đặc thù của công trình thi tuyển phương án kiến trúc.
1. Có nhiệm vụ thiết kế phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị, quy chế quản lý kiến trúc được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành.
2. Thành lập Hội đồng thi tuyển phương án kiến trúc.
3. Người quyết định đầu tư, chủ đầu tư hoặc cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ tổ chức thi tuyển (gọi tắt là đơn vị tổ chức cuộc thi) thành lập Tổ kỹ thuật để giúp việc Hội đồng thi tuyển phương án kiến trúc.
4. Thông tin về thi tuyển, hội đồng thi tuyển phương án kiến trúc và kết quả của cuộc thi phải được đơn vị tổ chức cuộc thi đăng tải công khai trên một hoặc nhiều phương tiện thông tin đại chúng hoặc cổng, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước về kiến trúc ở trung ương và địa phương nơi tổ chức thi tuyển trong thời gian tối thiểu 30 ngày.
1. Công tác chuẩn bị trước khi tổ chức thi tuyển:
a) Hoàn tất thủ tục và thu thập các số liệu, tài liệu pháp lý, thông tin về kiến trúc, quy hoạch liên quan khu đất xây dựng công trình.
b) Lập và phê duyệt kế hoạch, kinh phí tổ chức thi tuyển, quy chế thi tuyển và nhiệm vụ thiết kế.
c) Thành lập Hội đồng thi tuyển phương án kiến trúc, Tổ kỹ thuật.
2. Nhiệm vụ thiết kế phải cung cấp đầy đủ các thông tin pháp lý của dự án địa điểm xây dựng, bản vẽ hiện trạng, chỉ tiêu quy hoạch, các thông tin về điều kiện khu đất, mục đích, tính chất, quy mô công trình; dự kiến tổng mức đầu tư; các yêu cầu về kiến trúc, công năng sử dụng, yêu cầu kỹ thuật, việc gắn kết cảnh quan chung khu vực và các yêu cầu liên quan khác.
3. Quy chế thi tuyển gồm những nội dung cơ bản sau:
a) Hình thức, quy mô, tính chất, mục đích, yêu cầu của cuộc thi;
b) Quy định về điều kiện dự thi; tiêu chí, nội dung, trình tự tổ chức; thời gian, địa điểm tổ chức cuộc thi; hồ sơ dự thi; tính hợp lệ của hồ sơ dự thi;
c) Thành phần Hội đồng thi tuyển phương án kiến trúc và thông tin cơ bản về chuyên môn, kinh nghiệm của các thành viên Hội đồng;
d) Chi phí tổ chức cuộc thi, cơ sở tính thiết kế phí cho công trình;
đ) Cơ cấu và giá trị giải thưởng (nếu có giải thưởng);
e) Quyền, trách nhiệm của các bên liên quan, bản quyền tác giả;
g) Mẫu phiếu đăng ký tham dự cuộc thi;
h) Các nội dung khác theo yêu cầu của mỗi cuộc thi: thể loại thi tuyển (thi ý tưởng kiến trúc hoặc thi phương án kiến trúc); quy định về vòng thi; trường hợp kết thúc vòng thi không có phương án tối ưu; nguyên tắc tính thiết kế phí đối với dự án.
4. Hồ sơ dự thi bao gồm thuyết minh, các bản vẽ kiến trúc, giải pháp kỹ thuật và phim, ảnh, mô hình (nếu có), đề xuất tài chính. Hồ sơ phải được quy định thống nhất về ngôn ngữ (tiếng Việt hoặc song ngữ), đơn vị đo lường, đơn vị tiền tệ và quy tắc ẩn danh, không đưa tên, biểu tượng của đơn vị tư vấn hay tác giả lên bản vẽ, thuyết minh.
1. Hội đồng thi tuyển phương án kiến trúc đánh giá, xếp hạng các phương án dự thi, giúp chủ đầu tư chọn ra phương án kiến trúc tối ưu, đáp ứng yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường để thiết kế xây dựng công trình.
2. Thành phần Hội đồng:
a) Hội đồng thi tuyển có số lượng thành viên là số lẻ, tối thiểu 09 người.
b) Gồm có 01 Chủ tịch và thành viên.
c) Hội đồng có tối thiểu 2/3 số thành viên là kiến trúc sư có kiến thức, kinh nghiệm về thể loại công trình thi tuyển. Có 01 đại diện của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc và 01 đại diện của tổ chức xã hội, nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc.
d) Chủ tịch Hội đồng phải là chuyên gia có kinh nghiệm đã thiết kế kiến trúc nhiều công trình đã xây dựng, có uy tín nghề nghiệp trong lĩnh vực kiến trúc. Chủ tịch Hội đồng do Hội đồng bầu ra hoặc chủ đầu tư mời.
đ) Các thành viên Hội đồng là những người có chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, xây dựng và các lĩnh vực liên quan; khách quan, công tâm. Đơn vị tổ chức cuộc thi có thể mời chuyên gia nước ngoài tham gia (nếu cần thiết).
3. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng:
a) Hội đồng làm việc theo Quy chế do Hội đồng quy định (sau đây gọi tắt là Quy chế Hội đồng). Quy chế Hội đồng thể hiện nguyên tắc, phương pháp đánh giá, tiêu chí xếp hạng các phương án dự thi; chế độ làm việc và nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Hội đồng. Quy chế Hội đồng phải được các thành viên thống nhất. Chủ tịch Hội đồng thay mặt Hội đồng phê duyệt Quy chế Hội đồng.
b) Hội đồng chỉ tiến hành đánh giá, xếp hạng các phương án dự thi khi có tối thiểu 3/4 số thành viên có mặt.
c) Chủ tịch Hội đồng và các thành viên, thư ký không được công bố, cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác ngoài Hội đồng thi tuyển các thông tin về nội dung thảo luận, ý kiến kết luận của Hội đồng thi tuyển trong thời gian đánh giá, xếp hạng các phương án dự thi.
d) Chậm nhất là 03 ngày sau ngày tổ chức chấm thi xong, Hội đồng thi tuyển phải gửi kết quả chấm thi tới chủ đầu tư để xem xét công nhận kết quả thi tuyển.
4. Trách nhiệm của Hội đồng:
a) Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo xây dựng Quy chế Hội đồng; chủ trì trong suốt thời gian Hội đồng làm việc.
b) Các thành viên Hội đồng tuân thủ nguyên tắc làm việc của Hội đồng, chịu trách nhiệm trước pháp luật về đảm bảo bí mật, khách quan, trung thực và không có hành vi tiêu cực ảnh hưởng đến kết quả đánh giá, xếp hạng.
1. Việc đánh giá, xếp hạng phương án dự thi được thực hiện theo đúng phương pháp, tiêu chí quy định trong Quy chế Hội đồng và theo nguyên tắc bỏ phiếu kín để chọn ra phương án theo thứ tự từ 1 đến 3. Phương án xếp thứ hạng cao nhất là phương án kiến trúc trúng tuyển.
2. Báo cáo kết quả đánh giá, xếp hạng phải được tất cả các thành viên Hội đồng tham gia ký xác nhận và gửi đơn vị tổ chức cuộc thi để tổng hợp, báo cáo người quyết định đầu tư xem xét phê duyệt.
3. Trường hợp không có phương án đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu quy định trong Quy chế thi tuyển thì tổ chức thi tuyển lại.
4. Đơn vị tổ chức cuộc thi công bố, công khai kết quả và tổ chức trao giải thưởng sau khi kết thúc cuộc thi và gửi kết quả cuộc thi đến cơ quan chuyên môn về kiến trúc thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
1. Chi phí tổ chức thi tuyển bao gồm chi phí cho Hội đồng; Tổ kỹ thuật; các mức giải thưởng, hỗ trợ các phương án dự thi tuyển và các chi phí khác.
2. Đơn vị tổ chức cuộc thi chịu trách nhiệm về chi phí cho việc thi tuyển phương án kiến trúc.
1. Các phương án kiến trúc tham gia thi tuyển được đảm bảo quyền tác giả theo pháp luật về sở hữu trí tuệ.
2. Tổ chức, cá nhân có phương án kiến trúc trúng tuyển nếu không đủ điều kiện năng lực để triển khai các bước tiếp theo (tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng) thì có thể liên danh với các tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực để thực hiện.
3. Trường hợp tổ chức, cá nhân có phương án kiến trúc trúng tuyển không tiến hành hoặc từ chối tiến hành triển khai các bước tiếp theo thì chủ đầu tư thương thảo để sử dụng phương án kiến trúc trúng tuyển theo pháp luật về sở hữu trí tuệ và liên quan; trường hợp không thương thảo được thì phương án được xếp hạng tiếp theo được chọn để thương thảo, ký kết hợp đồng.
4. Trách nhiệm của đơn vị tổ chức cuộc thi:
a) Thực hiện theo Quy chế thi tuyển đã được phê duyệt;
b) Tạo điều kiện thuận lợi để Hội đồng thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ. Không dùng ảnh hưởng của mình để làm sai lệch kết quả thi tuyển.
1. Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức lập, ban hành Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề theo trình tự, thủ tục quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Trình tự, thủ tục ban hành Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề như sau:
a) Thành lập ban soạn thảo và tổ biên tập để soạn thảo Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề;
b) Lập Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề;
c) Tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức xã hội nghề nghiệp, cá nhân có liên quan về dự thảo Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề;
d) Giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý và hoàn thiện dự thảo Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề, đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Hội Kiến trúc sư Việt Nam;
đ) Ban hành Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề.
3. Trong vòng 15 ngày kể từ ngày ban hành, Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề phải được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của tổ chức ban hành; gửi đến Bộ Xây dựng để đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng và các hình thức khác theo quy định pháp luật về tiếp cận thông tin.
4. Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư hành nghề được định kỳ 05 năm rà soát, đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.
1. Phát triển nghề nghiệp liên tục của kiến trúc sư hành nghề gồm: tham gia các khóa tập huấn về chuyên môn, pháp luật; hội nghị, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn; chương trình khảo sát, tham quan học tập về lĩnh vực kiến trúc và liên quan; viết sách, bài trên sách, báo, tạp chí chuyên ngành kiến trúc, viết chuyên đề tham luận hội nghị, hội thảo về kiến trúc; tham gia khóa học tập, nghiên cứu sau đại học về lĩnh vực kiến trúc; tham gia giảng dạy đại học, sau đại học và các khóa tập huấn chuyên môn về lĩnh vực kiến trúc; nghiên cứu, sáng chế khoa học trong lĩnh vực kiến trúc được công nhận; đạt giải thưởng kiến trúc quốc gia.
2. Tổ chức xã hội nghề nghiệp, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo về kiến trúc thực hiện các hoạt động phát triển nghề nghiệp liên tục, bao gồm: tổ chức các khóa tập huấn về chuyên môn, pháp luật; hội nghị, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn; chương trình khảo sát, tham quan học tập về kiến trúc và liên quan.
3. Cơ quan, tổ chức thực hiện các hoạt động phát triển nghề nghiệp liên tục có trách nhiệm:
a) Thông báo và đăng tải thông tin về chương trình, nội dung, thời gian tổ chức hoạt động phát triển nghề nghiệp liên tục trên phương tiện thông tin đại chúng;
b) Xác nhận việc tham gia hoạt động phát triển nghề nghiệp liên tục của các cá nhân bằng văn bản theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này, làm cơ sở để cá nhân lập hồ sơ đề nghị gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc;
c) Trường hợp tham gia các hoạt động phát triển nghề nghiệp liên tục tại nước ngoài, người tham gia cần có văn bản, chứng chỉ hoặc tài liệu chứng minh về việc đã tham gia hoạt động đó, dịch ra tiếng Việt và được công chứng, chứng thực theo quy định pháp luật Việt Nam.
4. Kiến trúc sư hành nghề phải đáp ứng yêu cầu phát triển nghề nghiệp liên tục hằng năm thông qua hình thức tích lũy tối thiểu là 04 điểm phát triển nghề nghiệp liên tục. Các kiến trúc sư hành nghề trên 60 tuổi phải đạt tối thiểu là 02 điểm phát triển nghề nghiệp liên tục một năm. Cá nhân đạt vượt mức yêu cầu thì được chuyển kết quả phát triển nghề nghiệp liên tục sang năm kế tiếp. Cá nhân chưa đạt mức yêu cầu thì phải hoàn thành phần kết quả phát triển nghề nghiệp liên tục còn thiếu trong năm kế tiếp.
5. Hội Kiến trúc sư Việt Nam xây dựng, ban hành bảng phương pháp tính điểm phát triển nghề nghiệp liên tục chi tiết đối với các hoạt động phát triển nghề nghiệp liên tục của kiến trúc sư hành nghề quy định tại khoản 1 Điều này sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng.
1. Hội Kiến trúc sư Việt Nam xây dựng, ban hành chương trình, tài liệu phục vụ sát hạch, bộ câu hỏi sát hạch sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng.
2. Nội dung Bộ câu hỏi sát hạch với số điểm tối đa là 100 phải phù hợp với khoản 2 Điều 26 Luật Kiến trúc, bao gồm:
a) 10 câu hỏi về kinh nghiệm nghề nghiệp với số điểm tối đa là 40;
b) 05 câu hỏi về kiến thức pháp luật với số điểm tối đa là 20;
c) 05 câu hỏi về kiến thức chuyên môn với số điểm tối đa là 20;
d) 05 câu hỏi về Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của Kiến trúc sư hành nghề với số điểm tối đa là 20.
3. Hình thức thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc:
a) Cá nhân đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc lần đầu, thực hiện sát hạch theo hình thức thi trắc nghiệm và vấn đáp. Việc sát hạch vấn đáp được thực hiện ngay sau khi có thông báo kết quả sát hạch trắc nghiệm, trong đó cá nhân sát hạch phải gắp thăm và trả lời tối đa 04 câu hỏi, mỗi câu hỏi về nội dung kiến thức và sự hiểu biết áp dụng trong hoạt động hành nghề kiến trúc phù hợp với nội dung Bộ câu hỏi sát hạch quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Cá nhân đề nghị cấp lại, gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc thực hiện sát hạch theo hình thức thi trắc nghiệm.
4. Cá nhân đạt kết quả sát hạch phải có tổng số điểm từ 70 điểm trở lên, trong đó điểm sát hạch về kiến thức pháp luật phải đạt tối thiểu là 16 điểm; các phần còn lại phải đạt tối thiểu 50% số điểm theo quy định tại khoản 2 Điều này.
5. Việc tổ chức sát hạch theo định kỳ 06 tháng một lần hoặc đột xuất theo yêu cầu thực tế tại các địa điểm tổ chức sát hạch đủ điều kiện theo quy định. Trường hợp không tổ chức sát hạch được thì phải thông báo 01 lần tới cá nhân đăng ký sát hạch bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được tờ khai đăng ký.
6. Cá nhân có nhu cầu đăng ký sát hạch gửi tờ khai đăng ký sát hạch theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này kèm bản sao văn bằng đào tạo qua mạng trực tuyến, qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp đến cơ quan tổ chức sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc.
7. Tổ chức, cơ quan tổ chức sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc có trách nhiệm:
a) Thông báo kết quả sát hạch cho các cá nhân tham dự sát hạch sau 15 ngày, kể từ ngày sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc;
b) Cấp giấy chứng nhận kết quả sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc cho cá nhân đạt yêu cầu sát hạch.
8. Thời hạn có hiệu lực của kết quả sát hạch có giá trị tối đa 12 tháng kể từ ngày cấp giấy chứng nhận kết quả sát hạch. Trường hợp mất giấy chứng nhận kết quả sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc thì phải làm đơn đề nghị và được xét cấp lại.
1. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo về kiến trúc được công nhận đủ điều kiện thực hiện sát hạch phải đáp ứng điều kiện sau:
a) Bảo đảm yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 26 của Luật Kiến trúc;
b) Có quyết định công nhận đủ điều kiện thực hiện sát hạch đối với tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo về kiến trúc;
c) Đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất phục vụ sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc theo các nội dung tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;
d) Cơ sở đào tạo về kiến trúc từ bậc đại học trở lên.
2. Hồ sơ đề nghị công nhận tổ chức đủ điều kiện tổ chức thực hiện sát hạch:
a) Đơn đề nghị công nhận đủ điều kiện tổ chức sát hạch gửi tới Bộ Xây dựng theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản thuyết minh về khả năng đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 26 của Luật Kiến trúc;
c) Bản sao có chứng thực hoặc tệp tin chứa ảnh màu chụp từ bản chính hoặc bản sao, xuất trình bản chính để đối chiếu văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép hoạt động và phê duyệt điều lệ của tổ chức.
3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Xây dựng xem xét và ban hành Quyết định công nhận tổ chức đủ điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề. Quyết định công nhận được gửi cho tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo về kiến trúc từ bậc đại học trở lên và đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày ban hành Quyết định.
1. Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc gồm:
a) Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này kèm theo 02 ảnh màu cỡ 4 x 6 cm có nền màu trắng chân dung của cá nhân đề nghị được chụp trong thời gian không quá 06 tháng;
b) Văn bằng giáo dục đại học do cơ sở đào tạo hợp pháp cấp phù hợp với nội dung chứng chỉ đề nghị cấp; đối với văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp, phải có bản dịch sang tiếng Việt được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam;
c) Các quyết định phân công công việc (giao nhiệm vụ) của tổ chức cho cá nhân hoặc văn bản xác nhận của đại diện theo pháp luật của chủ đầu tư về các công việc tiêu biểu mà cá nhân đã hoàn thành theo nội dung kê khai. Người ký xác nhận phải chịu trách nhiệm về sự trung thực của nội dung xác nhận. Trường hợp cá nhân hành nghề độc lập thì phải có hợp đồng và biên bản nghiệm thu các công việc thực hiện tiêu biểu đã kê khai;
d) Giấy tờ hợp pháp về cư trú hoặc giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với trường hợp cá nhân là người nước ngoài;
đ) Kết quả sát hạch đạt yêu cầu còn hiệu lực;
e) Các tài liệu theo quy định tại điểm b, c, d và đ khoản này phải là bản sao có chứng thực hoặc tệp tin chứa ảnh màu chụp từ bản chính hoặc bản sao, xuất trình bản chính để đối chiếu.
2. Hồ sơ đề nghị gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc bao gồm:
a) Đơn đề nghị gia hạn chứng chỉ hành nghề theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này kèm theo 02 ảnh màu cỡ 4 x 6 cm có nền màu trắng chân dung của cá nhân đề nghị được chụp trong thời gian không quá 06 tháng;
b) Văn bản xác nhận của cơ quan tổ chức thực hiện hoạt động phát triển nghề nghiệp liên tục quy định tại khoản 4, Điều 24 của Nghị định này;
c) Bản sao có chứng thực hoặc tệp tin chứa ảnh màu chụp từ bản chính hoặc bản sao, xuất trình bản chính để đối chiếu chứng chỉ hành nghề đã được cấp.
3. Hồ sơ đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề kiến trúc bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này kèm theo 02 ảnh màu cỡ 4 x 6 cm có nền màu trắng chân dung của cá nhân đề nghị được chụp trong thời gian không quá 06 tháng;
b) Bản sao có chứng thực hoặc tệp tin chứa ảnh màu chụp từ bản chính hoặc bản sao, xuất trình bản chính để đối chiếu chứng chỉ hành nghề đã được cấp và giấy tờ chứng minh thông tin cần thay đổi.
1. Đối với trường hợp cấp, cấp lại, gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc:
a) Cá nhân gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định tại Điều 27 của Nghị định này qua mạng hoặc qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề;
b) Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc trong thời hạn 15 ngày đối với trường hợp cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc; 05 ngày đối với trường hợp cấp lại chứng chỉ hành nghề; 10 ngày đối với trường hợp gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ hoặc không hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề phải thông báo một lần bằng văn bản tới cá nhân đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị;
c) Cá nhân thực hiện nộp lệ phí khi nộp hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Việc thu, nộp, quản lý sử dụng lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.
2. Đối với trường hợp thu hồi chứng chỉ hành nghề kiến trúc:
a) Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được kết luận thanh tra, kiểm tra, trong đó có kiến nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề hoặc khi phát hiện hoặc có căn cứ xác định một trong các trường hợp thu hồi chứng chỉ hành nghề kiến trúc quy định tại khoản 1 Điều 30 của Luật Kiến trúc, cơ quan có thẩm quyền thu hồi chứng chỉ hành nghề ban hành quyết định thu hồi và tuyên hủy chứng chỉ hành nghề, đăng tải trên trang thông tin điện tử của mình, đồng thời gửi thông tin để tích hợp trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng;
b) Cơ quan có thẩm quyền thu hồi chứng chỉ hành nghề có trách nhiệm gửi quyết định thu hồi chứng chỉ cho cá nhân bị thu hồi và đăng tải trên trang thông tin điện tử của mình; đồng thời gửi thông tin để tích hợp trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định;
c) Đối với trường hợp thu hồi chứng chỉ hành nghề bị ghi sai do lỗi của cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề, cơ quan có thẩm quyền thu hồi chứng chỉ hành nghề có trách nhiệm cấp lại chứng chỉ hành nghề trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được chứng chỉ hành nghề bị thu hồi.
Thời gian tham gia dịch vụ kiến trúc ở Việt Nam được tính theo giấy tờ hợp pháp về cư trú hoặc Giấy phép lao động và Hợp đồng lao động do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với trường hợp cá nhân là người nước ngoài.
Hồ sơ đề nghị công nhận, chuyển đổi chứng chỉ hành nghề kiến trúc của người nước ngoài ở Việt Nam gồm:
1. Đơn đề nghị công nhận, chuyển đổi chứng chỉ hành nghề theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này kèm theo 02 ảnh màu cỡ 4 x 6 cm có nền màu trang chân dung của cá nhân đề nghị được chụp trong thời gian không quá 06 tháng.
2. Bản sao văn bằng được đào tạo, chứng chỉ hành nghề do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp, dịch ra tiếng Việt và được công chúng, chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.
3. Bản sao có chứng thực hoặc tệp tin chứa ảnh màu chụp từ bản chính hoặc bản sao, xuất trình bản chính để đối chiếu giấy tờ hợp pháp về cư trú hoặc giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp theo quy định.
1. Cá nhân gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị công nhận, chuyển đổi chứng chỉ hành nghề theo quy định tại Điều 30 của Nghị định này qua mạng trực tuyến hoặc qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề.
2. Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm công nhận, chuyển đổi chứng chỉ hành nghề kiến trúc trong thời hạn 10 ngày. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ hoặc không hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề phải thông báo một lần bằng văn bản tới cá nhân đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị.
3. Thời hạn hành nghề kiến trúc tại văn bản công nhận, chuyển đổi chứng chỉ hành nghề kiến trúc của người nước ngoài hành nghề kiến trúc ở Việt Nam được xác định theo thời hạn của chứng chỉ hành nghề do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp.
4. Cá nhân thực hiện nộp lệ phí khi nộp hồ sơ đề nghị công nhận, chuyển đổi chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Việc thu, nộp, quản lý sử dụng lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 07 tháng 9 năm 2020. Nghị định số 38/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị hết hiệu lực từ ngày Nghị định này có hiệu lực pháp luật.
Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng được cấp cho cá nhân thực hiện thiết kế kiến trúc công trình, thẩm tra thiết kế kiến trúc công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng hết thời hạn sử dụng được gia hạn theo pháp luật về kiến trúc khi đảm bảo các quy định về phát triển nghề nghiệp liên tục và Quy tắc ứng xử nghề nghiệp quy định tại Nghị định này.
1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
2. Bộ Xây dựng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tổ chức và hướng dẫn thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ |
(Kèm theo Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ)
BẢNG TÍNH ĐIỂM ĐÁNH GIÁ CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC CÓ GIÁ TRỊ
STT |
Tiêu chí |
Điểm |
Điểm tối thiểu đạt |
1 |
Giá trị nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan |
100 điểm |
50 điểm |
a |
Tiêu biểu cho một loại hình kiến trúc, phong cách kiến trúc. |
01 đến 20 điểm |
10 điểm |
b |
Giá trị nghệ thuật kiến trúc của bản thân công trình và tổng thể không gian trong phạm vi khuôn viên công trình. |
01 đến 40 điểm |
20 điểm |
c |
Giá trị gắn liền với cảnh quan, đóng góp vào cảnh quan chung đô thị, danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên. |
01 đến 30 điểm |
15 điểm |
d |
Giá trị về kỹ thuật, công nghệ xây dựng, sử dụng vật liệu xây dựng. |
01 đến 10 điểm |
05 điểm |
2 |
Giá trị lịch sử, văn hóa |
100 điểm |
50 điểm |
a |
Tiêu biểu cho giai đoạn lịch sử. |
01 đến 40 điểm |
24 điểm |
b |
Gắn với đặc điểm, tính chất tiêu biểu về văn hóa của địa phương. |
01 đến 40 điểm |
24 điểm |
c |
Niên đại xây dựng, tuổi thọ công trình: - Công trình có niên đại ≥100 năm: - Công trình có niên đại ≥ 75 năm và <100 năm: - Công trình có niên đại ≥ 50 năm và <75 năm: |
01 đến 20 điểm 11 đến 20 điểm 06 đến 10 điểm 01 đến 05 điểm |
02 điểm |
(Kèm theo Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ)
I. MẪU HƯỚNG DẪN LẬP QUY CHẾ QUẢN LÝ KIẾN TRÚC ĐÔ THỊ
QUY CHẾ
Quản lý kiến trúc (tên đô thị)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục tiêu
Xác định mục tiêu của Quy chế quản lý kiến trúc đô thị để quản lý và thực hiện theo quy hoạch đô thị được duyệt, kiểm soát việc xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị theo định hướng phát triển kiến trúc, bảo vệ cảnh quan, bản sắc văn hóa trên phạm vi lập quy chế.
Điều 2. Đối tượng và phạm vi áp dụng
1. Đối tượng áp dụng.
2. Phạm vi áp dụng
Xác định phạm vi khu vực lập quy chế và các khu vực có yêu cầu quản lý đặc thù.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Giải thích một số từ ngữ, thuật ngữ sử dụng trong quy chế cần làm rõ, đặc thù địa phương.
Điều 4. Nguyên tắc quản lý kiến trúc trong đô thị
1. Các nguyên tắc chung
a) Các nguyên tắc được quy định tại Luật Kiến trúc và phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương; phù hợp các chỉ tiêu trong quy hoạch chung đô thị và quy hoạch chung xây dựng khu chức năng được cấp có thẩm quyền phê duyệt (nếu có), quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
b) Các quy định khác liên quan (Nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ...).
2. Các nguyên tắc đối với khu vực có yêu cầu quản lý đặc thù
a) Xác định ranh giới, vị trí và danh mục các khu vực có yêu cầu quản lý đặc thù:
- Các khu vực có ý nghĩa quan trọng về cảnh quan: khu vực có cảnh quan thiên nhiên, địa hình sông nước; khu vực địa hình dốc, đồi núi; khu vực bờ biển, đảo... (kèm phụ lục bản đồ vị trí các khu vực có ý nghĩa quan trọng về cảnh quan);
- Các trục đường chính, các tuyến phố đi bộ, các trục đường có tính chất đặc biệt quan trọng về hành chính, thương mại, du lịch;
- Các khu vực di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo tồn từ cấp tỉnh, quốc gia trở lên;
- Các quảng trường và công viên lớn; các khu trung tâm công cộng; các khu vực xung quanh đầu mối giao thông công cộng, nhà ga đường sắt đô thị;
- Các khu vực cửa ngõ đô thị (kèm phụ lục bản đồ vị trí).
b) Các nguyên tắc đối với khu vực có yêu cầu quản lý đặc thù.
c) Các yêu cầu khác do cấp có thẩm quyền quy định.
3. Khu vực lập thiết kế đô thị riêng
Trên cơ sở các yêu cầu quản lý kiến trúc cụ thể, xác định những khu vực ưu tiên cần lập thiết kế đô thị riêng đối với khu vực có ý nghĩa quan trọng (kèm phụ lục sơ đồ thể hiện vị trí).
4. Khu vực tuyến phố, khu vực ưu tiên chỉnh trang.
Điều 5. Công trình phải tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc
Xác định các khu vực, vị trí hoặc công trình phải thi tuyển phương án kiến trúc; công trình mang tính biểu tượng, công trình điểm nhấn, công trình được xây dựng tại vị trí có ảnh hưởng trực tiếp đến diện mạo cảnh quan kiến trúc của đô thị hoặc các công trình có yêu cầu đặc thù như tượng đài, cầu đô thị, quảng trường, các điểm nút, điểm nhấn trong đô thị, công trình tại vị trí cửa ngõ hàng không, đường thủy, đường bộ (kèm phụ lục bản đồ các khu vực có ý nghĩa quan trọng về cảnh quan và bản đồ vị trí các cửa ngõ đô thị).
Chương II
QUẢN LÝ KIẾN TRÚC, KHÔNG GIAN CẢNH QUAN
Điều 6. Định hướng kiến trúc, không gian cảnh quan
1. Định hướng chung
Định hướng chung kiến trúc cho toàn đô thị; khu trung tâm, khu vực giáp ranh nội ngoại thị; khu vực nông nghiệp thuộc đô thị; khu đô thị hiện hữu, khu phát triển mới...
2. Định hướng cụ thể
a) Về không gian cảnh quan đô thị:
- Các vị trí điểm nhấn về cảnh quan đô thị.
- Không gian mở, tầm nhìn đến các khu vực cảnh quan tự nhiên như đồi núi, mặt nước, hai bên tuyến đường, tuyến sông.
- Hệ thống công viên, cây xanh, mặt nước.
b) Về kiến trúc:
- Trên các tuyến đường chính, liên khu vực, đường chính khu vực.
- Khu vực hiện hữu, khu vực đô thị mới, khu vực giáp ranh nội ngoại thị, khu vực bảo tồn, khu vực dự trữ phát triển, khu vực công nghiệp, kiến trúc cao tầng tập trung tại các khu vực trung tâm, quảng trường.
(Có sơ đồ minh họa tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan tuyến đường chính).
Điều 7. Yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc
1. Các nội dung yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc được xác định trên cơ sở đặc điểm, tính chất tiêu biểu về văn hóa dân tộc của địa phương; đặc thù điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, phong tục tập quán, các giá trị kiến trúc truyền thống của địa phương; sử dụng vật liệu và kỹ thuật truyền thống.
2. Yêu cầu đối với công trình kiến trúc xây dựng mới, cải tạo sửa chữa, việc sử dụng kỹ thuật, vật liệu để đáp ứng các yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc.
Điều 8. Quy định đối với khu vực có yêu cầu quản lý đặc thù
1. Xác định một số hình thái không gian kiến trúc đô thị với đặc điểm nổi bật, có giá trị về không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, phản ánh quá trình lịch sử phát triển kinh tế - xã hội, kiến trúc theo từng thời góp phần tạo nên bản sắc riêng cho đô thị.
2. Xác định các khu vực bảo tồn, khu vực có các công trình có giá trị, định hướng bảo tồn, phân vùng theo cấp độ kiểm soát, bảo vệ; quy định khu vực cho phép phát triển (quy định quản lý bảo tồn, phát huy những giá trị của khu vực như văn hóa, không gian, kiến trúc, cảnh quan; tiện ích đô thị phù hợp).
3. Quy định về không gian kiến trúc đô thị làm cơ sở cho việc cải tạo, xây dựng các công trình kiến trúc riêng lẻ bảo đảm sự hài hòa với khu vực, gìn giữ và phát huy các đặc trưng về kiến trúc và cảnh quan đô thị (không gian kiến trúc đô thị đặc thù có thể theo dạng tuyến - một dãy công trình chung, mảng - một cụm công trình hoặc điểm - trọng tâm là một công trình chính).
Điều 9. Quy định đối với kiến trúc các loại hình công trình
Nêu các yêu cầu về quy mô xây dựng; quy định về quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan (bắt buộc và khuyến khích đối với hình thức kiến trúc, kiểu mái, màu sắc, vật liệu bên ngoài...); cây xanh, cảnh quan; khoảng lùi tạo điểm nhìn đối với các loại hình công trình như sau:
1. Công trình công cộng.
2. Công trình nhà ở:
- Công trình nhà liên kết trong khu đô thị hiện hữu, khu đô thị mới.
Hình 1. Ví dụ minh họa về quản lý kiến trúc bên ngoài nhà
- Công trình nhà ở trên sông nước, kênh rạch.
- Công trình nhà ở riêng lẻ trong khu vực quy hoạch chưa triển khai.
Hình 2. Ví dụ minh họa các quy định kiến trúc nhà ở riêng lẻ
- Công trình nhà chung cư; hỗn hợp thương mại - nhà ở, đa chức năng: quy định về kiến trúc, cảnh quan đảm bảo hài hòa với không gian đường phố (hình thức kiến trúc, mặt đứng các hướng đều phải được nghiên cứu đồng bộ, phù hợp với đặc điểm khí hậu, tập quán sinh hoạt và nếp sống văn minh đô thị).
3. Công trình công nghiệp: nêu ra các chỉ tiêu cơ bản về tầng cao, chiều cao, mật độ xây dựng, khoảng lùi, khoảng cách ly vệ sinh theo quy hoạch được phê duyệt; quy định về kiến trúc, cảnh quan, cây xanh...
4. Công trình tôn giáo, tín ngưỡng (nhằm bảo tồn đối với các di sản; kiểm soát việc xây mới công trình tôn giáo, tín ngưỡng).
5. Công trình tượng đài, công trình kỷ niệm, trang trí đô thị...
Điều 10. Quy định đối với kiến trúc công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị
1. Vỉa hè (hè phố); vật trang trí (đèn, ghế, rào hè...);
2. Hệ thống cây xanh đường phố;
3. Bến bãi đường bộ; cảng hàng không; bến đường thủy; đường sắt đô thị;
4. Công trình đường dây, đường ống hạ tầng kỹ thuật (khu đô thị mới; khu đô thị cũ, đô thị cải tạo);
5. Công trình thông tin, viễn thông trong đô thị;
6. Công trình cấp, thoát nước, vệ sinh đô thị;
7. Công trình cấp điện.
Điều 11. Các yêu cầu khác
1. Đối với quảng cáo trên công trình kiến trúc:
Quy định chung, quy định cụ thể đối với các loại hình phổ biến trong đô thị như nhà ở liền kề, biệt thự, nhà chung cư, trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng, công cộng; đối với công trình bảo tồn; công trình dang xây dựng.
2. Hình thức kiến trúc cổng, hàng rào.
3. Màu sắc, chất liệu và chi tiết bên ngoài công trình kiến trúc:
Xác định các yêu cầu (bắt buộc và khuyến khích) để đảm bảo kiến trúc mặt ngoài công trình (mặt tiền, mặt bên) phải phù hợp quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, hài hòa với kiến trúc cảnh quan của khu vực; giải pháp kiến trúc để che chắn các hệ thống kỹ thuật của công trình như máy lạnh, bể nước, máy năng lượng mặt trời, đường ống kỹ thuật cần để hạn chế nhìn thấy từ các không gian công cộng.
4. Đối với dự án, công trình chưa triển khai và đang triển khai xây dựng:
Xác định các yêu cầu đối với các dự án, công trình chưa triển khai và đang triển khai xây dựng phải xây dựng hàng rào để bảo vệ (việc xây dựng hàng rào tạm cần được sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền đảm bảo an toàn và mỹ quan đô thị).
5. Đối với việc xử lý mặt ngoài các công trình kiến trúc hiện hữu có ảnh hưởng tiêu cực tới cảnh quan đô thị; một số yêu cầu góp phần tăng cường mỹ quan đô thị.
Hình 3. Ví dụ minh họa
Chương III
QUẢN LÝ, BẢO VỆ CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC CÓ GIÁ TRỊ
Điều 12. Các quy định quản lý các công trình đã được xếp hạng theo pháp luật về Di sản văn hóa (công trình gốc, khu vực bảo vệ I, II và liên quan).
Điều 13. Các quy định quản lý công trình thuộc Danh mục kiến trúc có giá trị đã được phê duyệt, bao gồm:
1. Quy định về việc tu bổ, sửa chữa, cải tạo xây mới công trình, tường rào, các hệ thống kỹ thuật của công trình.
2. Quy định về cảnh quan chung, hình thức cây xanh, sân vườn đảm bảo hài hòa với hình thức công trình kiến trúc.
3. Đối với việc xây dựng bổ sung, xây dựng mới trong khuôn viên công trình có giá trị.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14. Tổ chức thực hiện Quy chế
Quy định, yêu cầu đảm bảo quy chế được tuân thủ và triển khai:
1. Đối với việc cấp giấy phép xây dựng:
- Công trình đã có quy định chi tiết trong Quy chế.
- Công trình chưa được quy định chi tiết trong Quy chế này.
- Công trình và dự án đầu tư xây dựng có đề xuất khác với Quy chế.
2. Về triển khai các quy chế ở khu vực đặc thù:
3. Về nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể: quy định việc đánh giá, rà soát việc thực thi các quy định trong Quy chế để có bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình phát triển đô thị trên địa bàn.
Điều 15. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện Quy chế quản lý kiến trúc
1. Trách nhiệm của Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch tỉnh.
2. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tư vấn thiết kế.
3. Trách nhiệm của nhà thầu xây dựng.
4. Trách nhiệm của chủ sở hữu, chủ đầu tư, người sử dụng.
5. Trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội và nghề nghiệp.
6. Trách nhiệm của cơ quan chuyên môn về kiến trúc (Sở Xây dựng; Sở Quy hoạch Kiến trúc tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh).
7. Trách nhiệm của sở, ngành và tổ chức liên quan (các Sở, Ban quản lý chuyên ngành...).
8. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp.
Điều 16. Kiểm tra, thanh tra, báo cáo và xử lý vi phạm
Các quy định về việc kiểm tra tình hình thực hiện Quy chế quản lý kiến trúc đô thị trên địa bàn; phát hiện và xử lý các vi phạm theo thẩm quyền tại địa bàn phụ trách; báo cáo cơ quan quản lý.
Điều 17. Điều chỉnh, bổ sung Quy chế
1. Trường hợp có sự khác biệt giữa Quy chế này và các quy định khác.
2. Điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung.
II. NỘI DUNG QUY CHẾ QUẢN LÝ KIẾN TRÚC ĐIỂM DÂN CƯ NÔNG THÔN
QUY CHẾ
Quản lý kiến trúc (tên điểm dân cư nông thôn)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục tiêu
Xác định các mục tiêu của Quy chế quản lý kiến trúc nông thôn để quản lý và thực hiện theo quy hoạch nông thôn được phê duyệt (nếu có), kiểm soát việc xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang tại nông thôn theo định hướng phát triển kiến trúc, bảo vệ cảnh quan trong phạm vi lập quy chế.[1]
Điều 2. Đối tượng và phạm vi áp dụng
1. Đối tượng áp dụng:
Xác định các tổ chức và cá nhân có hoạt động liên quan đến không gian, kiến trúc, cảnh quan tại nông thôn có trách nhiệm thực hiện theo Quy chế.
2. Phạm vi áp dụng:
Xác định phạm vi lập quy chế và các khu vực có yêu cầu quản lý đặc thù trong điểm dân cư nông thôn.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Giải thích một số từ ngữ, thuật ngữ sử dụng trong quy chế cần làm rõ, hoặc tính đặc thù địa phương.
Điều 4. Nguyên tắc quản lý kiến trúc
1. Các nguyên tắc chung
a) Quy định các nguyên tắc phù hợp pháp luật về kiến trúc và liên quan;
b) Nêu các chỉ tiêu quy hoạch điểm dân cư nông thôn được cấp có thẩm quyền phê duyệt (nếu có), quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng;
c) Các quy định khác liên quan.
2. Các nguyên tắc đối với khu vực có yêu cầu quản lý đặc thù
a) Xác định các khu vực có ý nghĩa quan trọng đối với điểm dân cư nông thôn, khu vực di sản, danh thắng (kèm phụ lục bản đồ vị trí các khu vực có ý nghĩa quan trọng về cảnh quan);
b) Các nguyên tắc đối với khu vực có yêu cầu quản lý đặc thù;
c) Các yêu cầu khác do cấp có thẩm quyền quy định.
Chương II
QUẢN LÝ KIẾN TRÚC, KHÔNG GIAN CẢNH QUAN
Điều 5. Định hướng kiến trúc, không gian cảnh quan
1. Định hướng chung kiến trúc, cảnh quan cho toàn điểm dân cư nông thôn.
2. Quy định cụ thể không gian kiến trúc, cảnh quan tại khu vực trung tâm, dọc tuyến đường liên xã, trục đường chính điểm dân cư thôn, dọc tuyến đường gắn với cảnh quan khu vực bảo tồn, danh thắng; các khu vực tập trung làng xóm, các khu vực phát triển dọc tuyến đường, tuyến sông, mặt nước.
Điều 6. Yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc
1. Các nội dung yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc được xác định trên cơ sở đặc điểm, tính chất tiêu biểu về văn hóa dân tộc của địa phương; đặc thù điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, phong tục tập quán, các giá trị kiến trúc truyền thống của địa phương; sử dụng vật liệu và kỹ thuật truyền thống.
2. Yêu cầu đối với công trình kiến trúc xây dựng mới, cải tạo sửa chữa, việc sử dụng kỹ thuật, vật liệu để đáp ứng các yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc.
Điều 7. Quy định đối với khu vực có yêu cầu quản lý đặc thù
Quy định về không gian kiến trúc tại các khu vực đặc thù nhằm định hướng cho việc cải tạo, xây dựng mới các công trình kiến trúc bảo đảm sự hài hòa với khu vực, gìn giữ và phát huy các đặc trưng về kiến trúc và cảnh quan nông thôn (quy định quản lý bảo tồn, phát huy những giá trị vốn có của khu vực như văn hóa, không gian, kiến trúc, cảnh quan; bảo tồn di sản, bảo vệ các công trình kiến trúc có giá trị, các công trình khác phải phù hợp với đặc trưng khu vực).
Điều 8. Quy định quản lý kiến trúc các loại hình công trình
Các yêu cầu về quy mô xây dựng; chỉ tiêu cơ bản của quy hoạch nông thôn dược duyệt (nếu có), kiến trúc, cảnh quan (bắt buộc và khuyến khích đối với hình thức kiến trúc, kiểu mái, màu sắc, vật liệu bên ngoài...); cây xanh, cảnh quan đối với các loại hình sau:
1. Công trình công cộng;
2. Công trình nhà ở (quy định về kiến trúc tại các khu vực trung tâm, trên các tuyến đường chính);
3. Cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông nghiệp;
4. Công trình tôn giáo, tín ngưỡng (nhằm bảo tồn đối với các di sản; kiểm soát việc xây mới công trình tôn giáo, tín ngưỡng);
5. Công trình tượng đài, công trình kỷ niệm, trang trí...
Điều 9. Quy định khác
1. Quảng cáo trên công trình kiến trúc;
2. Hè, vật trang trí (đèn, ghế, rào hè...);
3. Hệ thống cây xanh;
4. Công trình hạ tầng kỹ thuật.
Chương III
QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, BẢO VỆ CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC CÓ GIÁ TRỊ
Điều 10. Các quy định quản lý các công trình đã được xếp hạng theo pháp về Di sản văn hóa (công trình gốc, khu vực bảo vệ I, II và liên quan).
Điều 11. Các quy định quản lý công trình thuộc Danh mục kiến trúc có giá trị đã được phê duyệt theo Luật Kiến trúc.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Tổ chức thực hiện Quy chế
Quy định, yêu cầu đảm bảo quy chế được tuân thủ và triển khai.
Điều 13. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quy chế quản lý kiến trúc
Điều 14. Kiểm tra, báo cáo và xử lý vi phạm
Các quy định về việc kiểm tra tình hình thực hiện Quy chế quản lý kiến trúc nông thôn trên địa bàn; phát hiện và xử lý các vi phạm theo thẩm quyền tại địa bàn phụ trách; báo cáo cơ quan quản lý.
Điều 15. Điều chỉnh, bổ sung Quy chế
1. Trường hợp có sự khác biệt giữa Quy chế này và các quy định khác.
2. Điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung.
PHỤ LỤC
- Sơ đồ, bản vẽ, hình ảnh minh họa.
- Phụ lục về danh mục công trình kiến trúc có giá trị.
- Tài liệu liên quan.
(Kèm theo Nghị định số: 85/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ)
Mẫu số 01 |
Đơn đề nghị công nhận tổ chức xã hội - nghề nghiệp, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo đủ điều kiện thực hiện sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc |
Mẫu số 02 |
Đơn đề nghị cấp, gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc |
Mẫu số 03 |
Đơn đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề kiến trúc |
Mẫu số 04 |
Đơn đề nghị công nhận, chuyển đổi chứng chỉ hành nghề kiến trúc |
Mẫu số 05 |
Tờ khai đăng ký sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc |
TÊN TỔ CHỨC |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
|
......., ngày ... tháng ... năm ...... |
Công nhận tổ chức xã hội - nghề nghiệp, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo đủ điều kiện thực hiện sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc
Kính gửi: Bộ Xây dựng.
Tên tổ chức xã hội - nghề nghiệp, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo:..
...............................................................................................................
Địa chỉ:...............................................................................................
...............................................................................................................
Quyết định cho phép thành lập số:........................... ngày cấp...........
Cơ quan cấp:.....................................................................................
Quyết định phê duyệt/ban hành điều lệ hoạt động:.............................
Số:.................. ngày cấp.................................. Cơ quan cấp:............
Mục đích, lĩnh vực hoạt động:.............................................................
Phạm vi hoạt động:.............................................................................
Số lượng thành viên:..........................................................................
Đề nghị công nhận là tổ chức đủ điều kiện thực hiện sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc.
(Tên tổ chức) chịu trách nhiệm về tính chính xác của các nội dung kê khai nêu trên và cam kết tuân thủ các quy định của pháp luật về sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc./.
|
ĐẠI DIỆN TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
.......... , ngày........ tháng …… năm ……
Cấp/gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc
Kính gửi: (Tên cơ quan có thẩm quyền)
1. Họ và tên:.......................................................................................
2. Ngày, tháng, năm sinh:...................................................................
3. Quốc tịch: ......................................................................................
4. Số Chứng minh thư nhân dân/Hộ chiếu/Căn cước công dân:
Số................... ngày cấp:....................... nơi cấp................................
5. Địa chỉ thường trú:.........................................................................
6. Số điện thoại:........................... Địa chỉ Email:................................
7. Đơn vị công tác:.............................................................................
8. Trình độ chuyên môn (ghi rõ chuyên ngành):..................................
9. Thời gian kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực đề nghị cấp/gia hạn chứng chỉ hành nghề: .......................năm.
10. Số chứng chỉ hành nghề đã được cấp (nếu có):
Số Chứng chỉ:................ ngày cấp..................... nơi cấp:...................
Lĩnh vực hoạt động:............................................................................
11. Quá trình hoạt động chuyên môn kiến trúc:
STT |
Thời gian công tác (Từ tháng, năm đến tháng, năm) |
Đơn vị công tác/ Hoạt động độc lập (Ghi rõ tên đơn vị, số điện thoại liên hệ) |
Kê khai kinh nghiệm thực hiện công việc tiêu biểu |
Ghi chú |
1 |
|
|
1. Tên Dự án/đồ án:.............. Nhóm dự án/:....................... Loại công trình :................... Chức danh/Nội dung công việc thực hiện:..................................... 2………………………………………….. |
|
2 |
|
|
|
|
... |
|
|
|
|
12. Quá trình phát triển nghề nghiệp liên tục (điểm CPD)*
STT |
Thời gian |
Hoạt động phát triển nghề nghiệp liên tục |
Điểm CPD |
Ghi chú |
1 |
Năm…… |
Viết bài trên tạp chí kiến trúc số....... |
01 |
|
2 |
Năm....... |
Tham gia học cao học |
01 |
|
. . . |
............. |
......... |
... |
|
|
|
|
|
|
|
|
Tổng số điểm CPD tích lũy |
20 |
|
Đề nghị cấp/gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc với nội dung như sau:
Lĩnh vực hành nghề:................................................................................
Tôi xin chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung đơn này và cam kết hành nghề kiến trúc theo đúng nội dung ghi trong chứng chỉ được cấp và tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan./.
|
Tỉnh/thành phố, ngày..../.../..... |
* Trường hợp xin cấp chứng chỉ không kê khai mục này.
** Cá nhân tham gia hành nghề độc lập không phải lấy xác nhận này.
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
.......... , ngày........ tháng …… năm ……
Cấp lại chứng chỉ hành nghề kiến trúc
Kính gửi: (Tên cơ quan có thẩm quyền)
1. Họ và tên:.......................................................................................
2. Ngày, tháng, năm sinh:...................................................................
3. Quốc tịch:.......................................................................................
4. Số Chứng minh thư nhân dân/Hộ chiếu/Căn cước công dân:
Số................. ngày cấp:.......................... nơi cấp...............................
5. Địa chỉ thường trú:.........................................................................
6. Số điện thoại:..................... Địa chỉ Email:......................................
7. Đơn vị công tác:.............................................................................
8. Trình độ chuyên môn (ghi rõ chuyên ngành):..................................
9. Số chứng chỉ hành nghề đã được cấp (nếu có):
Số Chứng chỉ:........................ ngày cấp............... nơi cấp:.................
Lĩnh vực hoạt động:............................................................................
Đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề kiến trúc với nội dung như sau:
Lý do đề nghị cấp lại chứng chỉ:.........................................................
󠅒 Chứng chỉ bị mất, hỏng, rách
󠅒 Sai thông tin trên chứng chỉ:
󠅒 Khác:................................................................................................
Xin điều chỉnh thông tin ghi trên chứng chỉ:
..............................................................................................................
Tôi xin chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung đơn này và cam kết hành nghề kiến trúc theo đúng nội dung ghi trong chứng chỉ được cấp và tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan./.
|
NGƯỜI LÀM ĐƠN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
......, ngày ….. tháng ….. năm …….
Công nhận, chuyển đổi chứng chỉ hành nghề kiến trúc
Kính gửi: (Tên cơ quan có thẩm quyền)
1. Họ và tên:.......................................................................................
2. Ngày, tháng, năm sinh:...................................................................
3. Quốc tịch:.......................................................................................
4. Hộ chiếu số:................ ngày cấp:............ nơi cấp:..........................
5. Số điện thoại:.................................................................................
6. Địa chỉ Email:.................................................................................
7. Đơn vị công tác:.............................................................................
8. Trình độ chuyên môn (ghi rõ chuyên ngành):..................................
9. Thời gian kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực đề nghị chuyển đổi chứng chỉ hành nghề (năm, tháng): ....................................
10. Chứng chỉ hành nghề số:................ ngày cấp:........ nơi cấp:.......
Lĩnh vực hoạt động:............................................................................
11. Thời hạn:......................................................................................
12. Quá trình hoạt động chuyên môn kiến trúc:
STT |
Thời gian công tác (Từ tháng, năm đến tháng, năm) |
Đơn vị công tác/Hoạt động độc lập (Ghi rõ tên đơn vị, số điện thoại liên hệ) |
Kê khai kinh nghiệm thực hiện công việc tiêu biểu |
Ghi chú |
1 |
|
|
1. Tên Dự án/đồ án:................... Nhóm dự án:............................. Loại công trình :........................ Chức danh/Nội dung công việc thực hiện: …………… 2................................................ |
|
2 |
|
|
|
|
.... |
|
|
|
|
Đề nghị công nhận, chuyển đổi chứng chỉ hành nghề kiến trúc với các nội dung sau:
Lĩnh vực hoạt động:............................................................................
Tôi xin chịu trách nhiệm về tính chính xác của các nội dung kê khai nêu trên và cam kết hành nghề kiến trúc theo đúng nội dung ghi trong chứng chỉ được cấp và tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan./.
|
NGƯỜI LÀM ĐƠN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
......, ngày ….. tháng ….. năm …….
Đăng ký sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc
Kính gửi: (Tên cơ quan có thẩm quyền)
1. Họ và tên:.......................................................................................
2. Ngày, tháng, năm sinh:...................................................................
3. Quốc tịch:.......................................................................................
4. Số Chứng minh thư nhân dân/Hộ chiếu/Căn cước công dân:
Số................... ngày cấp:......................... nơi cấp..............................
5. Địa chỉ thường trú:.........................................................................
6. Số điện thoại:............... Địa chỉ Email:............................................
7. Đơn vị công tác (Tên tổ chức, địa chỉ trụ sở):.................................
8. Trình độ chuyên môn (ghi rõ chuyên ngành):..................................
9. Chứng chỉ hành nghề đã được cấp (nếu có):
Số Chứng chỉ:.................. ngày cấp................. nơi cấp:.....................
Lĩnh vực hoạt động kiến trúc:.............................................................
Đăng ký sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc với nội dung như sau:
Lĩnh vực hành nghề:...........................................................................
Địa điểm đăng ký sát hạch:.................................................................
Tôi xin chịu trách nhiệm về tính chính xác của các nội dung kê khai nêu trên.
|
NGƯỜI ĐĂNG KÝ |
(Kèm theo Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ)
DANH MỤC TRANG BỊ CƠ SỞ VẬT CHẤT YÊU CẦU ĐỐI VỚI TỔ CHỨC XÃ HỘI - NGHỀ NGHIỆP, CƠ SỞ NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ ĐÀO TẠO THỰC HIỆN SÁT HẠCH CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ KIẾN TRÚC
STT |
Nội dung |
Yêu cầu kỹ thuật |
Số lượng |
1 |
Khu vực chờ, hướng dẫn sát hạch |
Đủ diện tích |
01 khu vực |
2 |
Bàn ghế, máy tính thực hiện sát hạch. |
Đủ số lượng |
10 bộ |
3 |
Hệ thống đường truyền mạng Internet, máy tính được kết nối mạng nội bộ (LAN), mạng Internet |
Bảo đảm ổn định, không bị gián đoạn trong quá trình thực hiện sát hạch. |
01 Hệ thống |
4 |
Máy in kết quả sát hạch |
Hoạt động ổn định |
02 cái |
5 |
Hệ thống camera quan sát |
Độ phân giải tối thiểu 1280 x 720 (720P), đảm bảo quan sát được khu vực thực hiện sát hạch và có khả năng lưu trữ dữ liệu trong thời gian tối thiểu 30 ngày kể từ ngày tổ chức sát hạch |
01 Hệ thống |
6 |
Hệ thống âm thanh |
Tối thiểu 01 bộ loa phóng thanh để thông báo công khai các thông tin về quá trình sát hạch |
01 Hệ thống |
7 |
Phần mềm sát hạch |
Được Bộ Xây dựng chuyển giao, sử dụng thống nhất trong phạm vi toàn quốc. |
01 phần mềm |
Ghi chú: Cơ quan tổ chức sát hạch có trách nhiệm bố trí đủ nhân lực phù hợp với yêu cầu vận hành thiết bị và công tác sát hạch.
(Kèm theo Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ)
............ (*) |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
CHỨNG CHỈ (HOẶC GIẤY CHỨNG NHẬN)
THAM GIA HOẠT ĐỘNG PHÁT TRIỂN NGHỀ NGHIỆP LIÊN TỤC LĨNH VỰC KIẾN TRÚC
Chứng nhận: ông/bà...........................................................................
Sinh ngày:.../..../
Đơn vị công tác:.................................................................................
Đã hoàn thành chương trình phát triển nghề nghiệp liên tục (***):
...................................................................................................
Từ ngày............. tháng..... năm...., đến ngày.... tháng........ năm..........
|
Nơi cấp, ngày …... tháng ….. năm …… |
Ghi chú:
Kích thước chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận: 19 x 27 cm - khổ ngang
(*) Ghi theo đơn vị chủ quản
(**) Tên tổ chức xã hội nghề nghiệp, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo thực hiện các hoạt động phát triển nghề nghiệp liên tục lĩnh vực kiến trúc
(***) Ghi tên khóa học
[1] Loại trừ các công trình xây dựng ở nông thôn được miễn giấy phép xây dựng tại điểm I, điểm k khoản 2 Điều 98 Luật Xây dựng 2014
THE GOVERNMENT |
THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
No. 85/2020/ND-CP |
Hanoi, July 17, 2020 |
ELABORATION OF THE LAW ON ARCHITECTURE
Pursuant to the Law on Government Organization dated June 19, 2015;
Pursuant to the Law on Architecture dated June 13, 2019;
At the request of the Minister of Construction;
The Government hereby promulgates a Decree on elaboration of the Law on Architecture.
This Decree elaborates contents the Law on Architecture assigned by the National Assembly in Clause 5 Article 13; Clause 5 Article 14 and Clause 1 Article 15; Clause 8 Article 17; Clause 3 Article 22; Clause 3 Article 23; Clause 4 Article 26; Clause 5 Article 29; Clause 4 Article 30 and Clause 3 Article 31 on architectural structures of value; regulations on management of architecture; architectural plan contests; code of professional conduct of practicing architects; ongoing career development; test for architecture practicing certificates; issuance, renewal, revocation and re-issuance of architecture practicing certificates; architecture practice by foreign nationals in Vietnam.
This Decree applies to organizations and individuals during architectural activities and other organizations and individuals involved in architectural activities within the territory of the Socialist Republic of Vietnam.
REGULATIONS ON MANAGEMENT OF ARCHITECTURE
Section 1. ARCHITECTURAL STRUCTURES OF VALUE
Article 3. Criteria for assessing whether architectural structures are of value
1. The criteria concerning the architectural art and landscape value include the following:
a) Whether the structure is typical of an architecture type or architectural style;
b) The value of the architectural art of the structure itself and the overall space within the structure;
c) The structure’s value in connection with the landscape, the structure’s contribution to the urban landscape, scenic landscape or natural landscape;
d) The technical value, the value of the construction technology and the value of use of building materials.
2. The criteria concerning historical and cultural value include the following:
a) Whether the structure is typical of a historical period;
b) The structure’s connection with the typical characteristics and nature of the local culture;
c) The age and service life of the structure.
3. Table of points for assessing whether an architectural structure is of value is provided in the Appendix I hereof.
Article 4. Classification of architectural structures of value
1. Architectural structures of value are classified into the 03 following categories:
Category I structures, which satisfy two criteria concerning architectural art and landscape value and concerning historical and cultural value; such structures must be awarded at least 80 points for the criterion concerning architectural art and landscape value,. Category II structures, which satisfy the two criteria; category III structures, which satisfy one of the criteria.
2. Every People’s Committee of the province or central-affiliated city (hereinafter referred to as "the provincial People's Committee") shall, according to Clause 1 of this Article, classify and decide measures and funding for management, protection and upholding value of architectural structures.
Article 5. Sequence of compiling, appraising, approving and adjusting the list of architectural structures of value
1. The provincial People's Committee shall authorize the specialized architecture agency affiliated to the provincial People's Committee or the district-level People’s Committee to compile or adjust the list of architectural structures of value.
2. A list of architectural structures of value shall be compiled as follows:
a) The agency compiling the list of architectural structures of value shall take charge and cooperate with the specialized culture agency affiliated to the provincial People's Committee or the district People's Committee in reviewing and assessing archives of architectural structures to compile a list of architectural structures of value within the province or district, and submit it to the provincial People's Committee for approval.
b) Any organization or individual that suggests a structure to be included in the list of architectural structures of value shall send a written request together with the archive of the architectural structure to the specialized architecture agency affiliated to the provincial People's Committee for review and assessment purposes.
c) The archive of an architectural structure shall contain the history and assessment of value of the structure; photos of the current status and historical photos of the structure (if any); general plan, storey plan, elevation and section drawing and sections; photos and drawings showing details of the decoration (if any) and clarifying the value of the structure.
d) Documents concerning the list of architectural structures of value shall consist of a draft statement; a list of architectural structures of value and enclosed appendices; a description of contents suggested being included in the list; archive of each architectural structure enclosed with relevant documents; proposed measures to manage, protect and uphold value of structures and funding for implementation thereof.
dd) The agency compiling the list of architectural structures of value shall seek written opinions from the provincial architectural advisory council and other relevant organizations and individuals about the archive of each architectural structure and the list of architectural structures of value as prescribed in Clause 3 Article 13 of the Law on Architecture within 15 days if opinions are sought from agencies or within 30 days if opinions are sought from relevant organizations and individuals.
3. The list of architectural structures of value shall be appraised as follows:
a) The provincial People’s Committee shall decide to establish an appraisal council. The appraisal council shall be composed of representatives of the regulatory agency, professional associations and experts in architectural and cultural fields and relevant organizations and individuals.
b) The appraisal council shall appraise the list of architectural structures of value according to the criteria set out in Articles 3 and 4 hereof.
4. The agency compiling the list of architectural structures of value shall, according to the appraisal results, receive, explain and complete the documentation and submit it to the provincial People’s Committee for approval for the list.
5. The time limit for appraising the list of architectural structures of value is 20 days from receipt of sufficient and valid document and the time limit for approving such list is 15 days from the date on which the documentation is completed according to the appraisal results.
6. The list of architectural structures of value shall be adjusted as follows:
a) The agency compiling the list shall annually review and assess architectural structures of value within its province or district, submit a report to the provincial People’s Committee for decision on adjustment to the list in a manner that is relevant to the actual situation and conditions.
b) Opinions on the contents to be adjusted in the list shall be sought and such contents shall be appraised or approved in accordance with the sequence and time limit specified in Point dd Clause 1, Clause 2, Clause 3, Clause 4 and Clause 5 of this Article; and the contents on the list which have been approved but are not adjusted shall retain their legal validity.
Section 2. REGULATIONS ON MANAGEMENT OF ARCHITECTURE
Article 6. Sequence of making, appraising and promulgating regulations on management of architecture
1. Make regulations on management of architecture.
2. Appraise regulations on management of architecture.
3. Approve and promulgate regulations on management of architecture.
4. Announce regulations on management of architecture.
Article 7. Time limit for making, appraising, approving and promulgating regulations on management of architecture
1. The time limit for making regulations on management of architecture is 15 months in the case of central-affiliated cities; in the remaining cases, 12 months from the date of assigning the task of making the regulations.
2. The time limit for making regulations on management of architecture is 30 days in the case of central-affiliated cities; in the remaining cases, 20 days from receipt of a valid application.
3. The time limit for approving and making regulations on management of architecture is 10 days from the date on which the People’s Committee at the same level approves such regulations.
Article 8. Making regulations on management of architecture
1. The provincial People's Committee shall authorize the specialized architecture agency affiliated to the provincial People's Committee or the district-level People’s Committee to make regulations on management of architecture.
2. Steps in making regulations on management of architecture:
a) Investigate the status quo and conduct a site survey; collect maps, document and data on natural conditions, types of natural disasters that frequently occur in the region, planning and urban design (if any) and relevant documents and legal bases to give grounds for making regulations on management of architecture;
b) Draft regulations on management of architecture;
c) Seek opinions from relevant agencies, organizations and individuals about the draft regulations on management of architecture. The time limit for seeking opinions is 15 days if opinions are sought from agencies, and 30 days if opinions are sought from organizations, individuals and residential communities.
3. An application for appraisal of regulations on management of architecture is composed of:
a) A statement;
b) Draft regulations on management of architecture and appendices hereto (if any);
c) A description of the contents suggested being included in the regulations;
d) A consolidated report on responses to opinions and copies of written opinions;
dd) Legal documents and relevant documents;
e) Draft decision on approval for regulations on management of architecture.
Article 9. Appraising, approving and promulgating regulations on management of architecture
1. The appraisal shall focus on:
a) Conformity of the regulations with principles of architectural activities specified in Article 4 of the Law on Architecture;
b) Compliance of the regulations with Clause 2 Article 14 of the Law on Architecture;
c) Compliance with Articles 12 and 13 hereof.
2. The specialized architecture agency affiliated to the provincial People’s Committee shall organize appraisal of the regulations. During the appraisal, the agency shall seek written opinions from relevant agencies and organizations and establish a council to carry out the appraisal and prepare an appraisal report. Agencies requested to give their opinions shall give their opinions within 15 days from receipt of the written request.
3. The appraisal report shall specify opinions of the appraisal council about the contents mentioned in Clause 1 of this Article and conclude whether the regulations are satisfactory to be submitted for approval.
4. An application for approval and promulgation of the regulations includes the application for appraisal of the regulations completed according to the appraisal opinions and the report on responses to appraisal opinions enclosed with the appraisal report.
5. Regarding the regulations on management of architecture applicable to a rural settlement, the provincial People’s Committee may authorize a district-level People’s Committee to approve and promulgate such regulations.
Article 10. Seeking opinions about regulations on management of architecture
1. Opinions about regulations on management of architecture shall be sought using one or more of the following methods:
a) Sending written request for opinions, questionnaires or feedback forms;
b) Organizing conferences and seminars;
c) Seeking opinions via websites of relevant agencies;
d) Public display or introduction on the mass media.
2. Opinions must be consolidated in a sufficient manner, responded to and reported to a competent authority for consideration and decision.
Article 11. Announcing regulations on management of architecture.
1. The agency making regulations on management of architecture shall announce such regulations
2. Within 15 days from the date on which the regulations on management of architecture are promulgated, all contents of the regulations must be made publicly available, except for the contents related to the state secrets in accordance with regulations of the law on protection of state secrets.
3. Regulations on management of architecture shall be promulgated using one or more of the following methods:
a) Via the website of the provincial People’s Committee and the agency making the regulations;
b) Via mass media;
c) Through conferences or seminars on announcement and dissemination of contents of the regulations;
d) Releasing a publication on the regulations.
Article 12. Contents of regulations on management of architecture
Regulations on management of architecture shall contain at least:
1. General provisions:
a) Provisions on management of architecture applicable to all areas covered by the regulations: overall scope and boundary covered by the regulations;
b) Criteria concerning the general urban planning and subdivision planning (if any) approved by the competent authority, national or local technical regulations and standards applied;
c) Orientations for control of space, architecture and landscape of the entire urban area;
d) Areas that require separate urban design; location and scale of works for which a design plan contest needs to be held;
dd) Provisions on architecture of works with a view to satisfaction of requirements for natural disaster management and climate change resilience.
2. Specific provisions:
a) Provisions on architecture applicable each area within an urban area by administrative divisions, functions or nature; applicable to protected areas;
b) Provisions on architecture of specific routes, squares, centers and gateways to the urban area; arrangement of signboards, advertisements and urban utilities; areas where architectural renovation priority is given, and implementation plan; areas subject to special management requirements; rural areas within the urban area;
c) Provisions on color and building materials; requirements on elevation, roof and 1st storey of the structure;
d) Provisions on management of architecture of residential houses, public works and urban public utility facilities, industrial works and technical infrastructure premises;
dd) Provisions on management and protection of architectural structures of value;
3. Determining requirements concerning national cultural identity in architecture:
a) Specific factors with respect to natural, economic and cultural conditions and local customs related to the architectural identity;
b) Typical architectural forms; construction techniques and use of local traditional building materials;
c) Selection of an architectural plan or orientation that maintains the national cultural identity during construction and renovation of architectural structures.
4. The contents specified in Points e, g and h Clause 3 Article 14 of the Law on Architecture.
5. Guidelines for the regulations on management of urban architecture are provided in Section 1 Appendix II hereof.
Article 13. Contents of regulations on management of architecture of rural settlements
1. Regulations on management of architecture of a rural settlement shall contain at least:
a) Provisions on overall scope and boundaries covered by the regulations;
b) General orientation for architecture and landscape of the entire rural settlement;
c) Determining the national cultural identity in architecture of the rural settlement as prescribed in Clause 3 Article 12 of this Decree;
d) Specific provisions applicable to the center of the rural settlement, inter-commune roads, main roads, inter-village roads and landscape of the protected area; areas where villages are concentrated, areas developed along roads, rivers or water surfaces;
dd) Provisions applicable to public works: architecture of offices, health facilities, educational institutions, culture and sports facilities;
e) Provisions applicable to residential houses: constructed according to the norms set out in the approved planning for rural area development;
g) The provisions set out in Points dd, e, g and h Clause 3 Article 14 of the Law on Architecture and Point d Clause 1 Article 12 of this Decree.
2. Regulations on management of architecture of a rural settlement shall be separately made as prescribed in Clause 1 of this Article or incorporated into the general planning for commune development.
2. Guidelines for the regulations on management of the rural settlement are provided in Section 2 Appendix II hereof.
Article 14. Reviewing and assessing implementation of regulations on management of architecture
1. The agency making regulations on management of architecture shall review the regulations and assess implementation thereof every 05 years or on an unscheduled basis. The review and assessment results shall be reported in writing to the agency approving the regulations and the Ministry of Construction with respect to the urban area of Class I or higher.
2. The report on review of regulations on management of architecture serves as one of the bases for deciding to adjust the regulations.
3. Contents of review and assessment of implementation of the regulations:
a) Review of the current status and implementation of the regulations and construction projects within the scope of the regulations.
b) Assessment of the objectives achieved, and impacts and effectiveness of implementation of the approved regulations.
c) Review and analysis of new factors during management of architecture, conformity and consistency of the regulations with relevant planning and plan for socio – economic development in the area covered by the regulations.
d) Suggestions and proposals.
4. Documents concerning the reporting of review of the regulations include a written report, colored drawings on an appropriate scale and relevant legal documents.
Article 15. Measures to organize implementation of regulations on management of architecture
1. Measures to organize implementation of regulations on management of architecture include:
a) Promulgating documents and plans for implementation of the regulations;
b) Disseminating the regulations;
c) Supervising the implementation, carrying out inspections and taking actions against violations of the regulations;
d) Encouraging organizations and individuals to supervise the implementation of the regulations;
dd) Providing human resources, infrastructure facilities and funding for making and implementing the regulations.
2. People's Committees at all levels shall organize implementation of the measures mentioned in Clause 1 of this Article in a timely and effective manner.
3. The funding for making and organizing implementation of the regulations on management of architecture is as follows:
a) The funding for making and organizing implementation of the regulations shall be covered by the state budget in accordance with the Law on State Budget and its applicable guiding documents.
b) The Ministry of Construction shall promulgate a method of determining costs of making and organizing implementation of the regulations.
c) People’s Committees at all levels shall balance the sources of funding covered by the local government budget in order to make and implement the regulations within their areas.
d) The head of an agency shall manage the state funding for making and organizing implementation of the regulations; control the advancing, payment and preparation of final accounts in accordance with applicable regulations. Relevant agencies shall cooperate in inspection and supervision.
dd) If a consultancy is hired to make regulations on management of architecture, regulations of the law on bidding and relevant laws shall be complied with.
Section 3. ARCHITECTURAL PLAN CONTESTS
Article 16. Forms of architectural plan contests
1. An open contest, which is held without any limitation on the number of domestic and foreign (where necessary) organizations and individuals participating in the contest.
2. A restricted contest, which is held if there are several participants (but not less than 3) that are able to satisfy the technical requirements or typical characteristics of the structure for which the architectural plan is in the contest.
Article 17. Requirements for holding a contest
1. There is a design task in conformity with the construction planning, urban planning, urban design and regulations on management of architecture approved and promulgated by the competent authority.
2. A contest council is established.
3. The investment decision maker, investor, agency or organization assigned to hold a contest (hereinafter referred to as "the organizer") establishes a technical team to assist the contest council.
4. Within 30 days, information about the contest and contest council and contest results shall be published on one or more mass media or web portals or websites of the central or local architecture agency in the area where the contest is held.
1. Preparatory actions taken before holding a contest:
a) Complete procedures and collect data, legal documents, information about the architecture and planning related to the land reserved for construction of works.
b) Prepare and approve the plan and funding for holding the contest, contest rules and design tasks.
c) Establish a contest council and a technical team.
2. Upon performing design tasks, it is required to provide sufficient legal information about the building site, drawing of the current status, planning criteria, information about the land, purposes, nature and scale of the works; expected total investment; requirements on architecture, functions, technical requirements, connection with the general landscape and other relevant requirements.
3. Contest rules shall contain at least:
a) Form, scale, nature, purposes and requirement of the contest;
b) Regulations on conditions for competing in the contest; criteria, contents and sequence of holding the contest; time and place of the contest; application for the contest and validity of such application;
c) Composition of the contest council and basic information about expertise and experience of the council's members;
d) Costs of holding the contest and bases for calculating costs of design of works;
dd) Structure and value of prize (if any);
e) Rights and responsibilities of relevant parties, and copyright;
g) Contest entry forms;
h) Other issues required by each contest: type of the contest (contest for architectural ideas or for an architectural plan); regulations on contest rounds; actions taken if no optimal plan is found at the end of a contest round; rules for calculating the design costs of the project.
4. An application for the contest is composed of a description, architectural drawings, technical solutions, films, photos and models (if any) and financial proposals. There must be regulations on uniform language for the application (Vietnamese or bilingual), regulations on units of measurement and monetary units, and principles of anonymity which do not allow names and logos of consultancy units or authors to be shown on drawings or descriptions.
Article 19. Architectural plan contest council
1. The contest council shall assess and rank the submitted plans and assist the investor in selecting the optimal architectural plan that satisfies requirements on planning, architecture, culture, socio – economic efficiency, national defense, security and environmental protection for the purpose of producing designs of works.
2. Composition of the contest council:
a) The council must have an odd number of members and there must be at least 09 members.
b) The council must have 01 Chair and other members.
c) At least two-thirds of the council's members must be architects who have knowledge and experience regarding the type of works in the contest. There must be 01 representative from the regulatory agency for planning and architecture and 01 representative from the social or professional organization in practice of architecture.
d) The Chair of the council must be an expert having experience in designing architecture of multiple works which have been built and must have reputable career in the architecture field. The Chair shall be appointed by the council or invited by the investor.
dd) Members of the council must be persons who have expertise and experience in the fields of planning, architecture, construction and other relevant fields and work in an objective and upright manner. The organizer may invite foreign experts to join the council (if necessary).
3. Working rules of the council:
a) The council shall work in accordance with the regulations issued by the council (hereinafter referred to as "council regulations"). The council regulations shall specify rules and methods for assessing and ranking the submitted plans; working regime, tasks, rights and responsibilities of the council. The council regulations must be agreed upon by members. The Chair shall approve the council regulations on behalf of the council.
b) The council shall only assess and ranks the submitted plans if at least three quarters of the members are present.
c) The Chair, members and secretaries shall not publish and provide to organizations and individuals not joining the council the information about the issues discussed and conclusions given by the contest council during the assessment and ranking of the submitted plans.
d) Within 03 days after the point awarding is done, the contest council must send the contest results to the investor so that the investor considers recognizing the results.
4. Responsibilities of the council:
a) The Chair shall provide instructions on making of the council regulations; and preside over the council during the working time of the council.
b) Members of the council shall adhere to the working regulations of the council and take legal responsibility for ensuring confidentiality, objectivity and truthfulness, and shall not take any action that produces negative effects on the assessment and ranking results.
Article 20. Assessing and ranking submitted plans and announcing results
1. Submitted designs shall be assessed and ranked in accordance with the methods and criteria set out in the council regulations and the principle of a secret ballot to select a plan in a priority order of 1 - 3. The first-ranked plan is the architectural plan which wins the contest.
2. The assessment and ranking report must be signed by all participating members of the council and sent to the contest organizer, which will submit a consolidated report to the investment decision maker for approval.
3. If no plan satisfies the objectives and requirements set out in the contest rules, the contest shall be re-held.
4. The organizer shall make the results publicly available, award prizes after the contest and send the results to the specialized architecture agency affiliated to the provincial People’s Committee.
Article 21. Costs of holding a contest
1. The costs of holding a contest include funding for the council and technical team; amounts of prizes and assistance for contestants and other costs.
2. The contest organizer shall take responsibility for the costs of holding the contest.
Article 22. Rights and responsibilities of organizations and individuals participating in the architectural plan contest
1. The architectural plans in a contest must have their copyright ensured in accordance with the law on intellectual property.
2. If an organization or individual that has an architectural plan winning the contest is not fully capable of taking the next steps (providing consultancy on preparation of the feasibility study report or construction design), such organization or individual may set up a joint venture with a consultancy fully capable of doing so.
3. If an organization or individual that has an architectural plan winning the contest fails or refuses to take the next steps, the investor shall negotiate to use the architectural plan in accordance with regulations of the law on intellectual property and relevant laws; in case of failure to conduct a negotiation, the next ranked plan shall be selected to conduct a negotiation or sign a contract.
4. Responsibilities of the organizer:
a) Hold contests according to the approved contest rules;
b) Enable the council to perform its tasks. The organizer must not abuse its power to influence contest results.
PROVISIONS ON PRACTICE OF ARCHITECTURE
Section 1. CODE OF PROFESSIONAL CONDUCT AND ONGOING CAREER DEVELOPMENT
Article 23. Power and procedures for promulgating code of professional conduct of practicing architects
1. Vietnam Association of Architects shall establish and promulgate code of professional conduct of practicing architects (hereinafter referred to as “the Code”) in line with the procedures mentioned in Clause 2 of this Article.
2. The Code shall be promulgated according to the following procedures:
a) Establish a drafting board and editorial team to draft the Code;
b) Establish the Code;
c) Seek opinions from agencies, socio-professional organizations and relevant individuals about the draft Code;
d) Receive and respond to opinions and complete the draft Code and publish it on the website of Vietnam Association of Architects;
dd) Promulgate the Code.
3. Within 15 days from the date of promulgation, the Code shall be published on the website of the promulgating agency; sent to the Ministry of Construction so that it is published on its website and in other forms in accordance with regulations of law on information access.
4. The Code shall be reviewed and assessed every 05 years to make prompt adjustments thereto in a manner that is suitable for the socio - economic development in each period.
Article 24. Ongoing development of career of practicing architects
1. Ongoing career development of practicing architects includes participation in courses on professional training and law; participation in conferences, seminars and forums; survey programs and study tours in the architecture field and relevant sector; writing books and articles on architecture, writing topics and presentations to be given at conferences and seminars on architecture; participation in academic courses and post-graduate research in the field of architecture; participation in giving undergraduate and graduate lectures and professional training courses on architecture; conducting scientific research and designing inventions; winning national architecture awards.
2. Socio-professional organizations in practice of architecture, research institutes and educational institutions providing training courses in the architecture major shall perform ongoing career development activities, including organizing professional and legal training courses; organizing conferences, seminars and forums; organizing survey programs and study tours in the field of architecture and relevant field.
3. Agencies and organizations carrying out ongoing career development activities shall:
a) notify and publish information on the mass media about their programs, contents and time of performance of ongoing career development activities;
b) confirm the participation by individuals in ongoing career development activities in writing according to the form provided in the Appendix V hereof to form the basis for the individuals to prepare applications for extension of the architecture practicing certificate;
c) If engaging in ongoing career development activities in a foreign country, participants are required to have a document or certificate proving their participation. Such document or certificate must be translated into Vietnamese language and notarized or certified in accordance with Vietnam’s law.
4. Every practicing architect must satisfy the requirements for ongoing career development on an annual basis by accumulating a minimum 04 points for ongoing career development. A practicing architect aged over 60 must get at least 02 points for ongoing career development every year. Individuals who exceed the minimum requirement shall have their points carried forward to the next year. Individuals that fail to meet the requirement must have to continue accumulating points for ongoing career development in the following year.
5. Vietnam Association of Architects shall compile and promulgate a table showing detailed methods for calculating points for ongoing career development with respect to the activities listed in Clause 1 of this Article after obtaining written consent from the Ministry of Construction.
Section 2. TEST FOR ARCHITECTURE PRACTICING CERTIFICATES; APPLICATIONS AND PROCEDURES FOR ISSUANCE, RENEWAL, REVOCATION AND RE-ISSUANCE OF ARCHITECTURE PRACTICING CERTIFICATES
Article 25. Program, contents and forms of tests for architecture practicing certificates
1. Vietnam Association of Architects shall design and promulgate a program and documents serving holding of tests and a set of questions after obtaining written consent from the Ministry of Construction.
2. The set of questions worth 100 points must conform to Clause 2 Article 26 of the Law on Architecture and include:
a) 10 questions on professional experience, which are worth 40 points;
b) 05 questions on legal knowledge, which are worth 20 points;
c) 05 questions on specialized knowledge, which are worth 20 points;
d) 05 questions on the code of professional conduct of practicing architects, which are worth 20 points.
3. Forms of a test for an architecture practicing certificate:
a) Individuals applying for an architecture practicing certificate for the first time shall take the test by completing a multiple choice test and oral questions. The oral test shall be conducted immediately after the result of the multiple choice test is announced. In this test, each individual is required to draw lots and then answer up to 04 questions about knowledge and application thereof to individuals’ practice of architecture in line with the set of questions mentioned in Clause 2 of this Article;
b) Individuals applying for re-issuance or renewal of their architecture practicing certificate shall take the test by completing a multiple choice test.
4. To pass the test, an individual must be awarded at least 70 points including 16 points for the legal knowledge section; for the remaining sections, such individual must be awarded at least 50% of the points specified in Clause 2 of this Article.
5. A test shall be held every 06 months or upon request depending on the actual requirements at a licensed test location. In case of failure to hold the test, it is required to notify the applicant once in writing within 15 days from receipt of the registration form.
6. Any individual that wishes to register to take a test shall send a registration form according to the form provided in the Appendix III hereof together with a copy of his/her training certificate to the agency that holds the test, whether online, by post or in person.
7. An organization or agency holding a test for architectural practicing certificates shall:
a) notify test results to individuals within 15 days after the date of the test;
b) issue certificates of test results to individuals who pass the test.
8. The test results shall be valid for up to 12 months from the date of issuance of the certificate of test results. If the certificate of test results is lost, an application for re-issuance of the certificate shall be prepared.
Article 26. Conditions for holding tests applicable to socio-professional organizations in practice of architecture, research institutes and educational institutions providing training courses in the architecture major
1. Socio-professional organizations in practice of architecture, research institutes and educational institutions providing training courses in the architecture major are recognized to be eligible for holding tests if they satisfy the following conditions:
a) The requirements set out in Clause 3 Article 26 of the Law on Architecture are satisfied;
b) A decision to recognize a socio-professional organization in practice of architecture, research institute or educational institution providing training courses in the architecture major to be eligible for holding tests is available;
c) The conditions on infrastructure facilities serving holding of tests in the Appendix IV hereof are satisfied;
d) The educational institutions providing training courses in the architecture major must be universities or higher level institution.
2. An application for recognizing an organization eligible to hold tests includes:
a) An application form submitted to the Ministry of Construction, which is made using the form in the Appendix III hereof;
b) A description of capability to satisfy the requirements set out in Clause 3 Article 26 of the Law on Architecture;
c) A certified true copy or file containing color photo taken from the original or a copy presented together with its original for comparison of the document issued by the competent authority allowing operation and approving the charter.
3. Within 15 days from receipt of the sufficient application, the Ministry of Construction shall consider and issue a decision to recognize an organization to be eligible for issuing practicing certificates. The recognition decision shall be sent to the socio-professional organization in practice of architecture, research institute or educational institution providing training courses in the architecture major and published on the website of the Ministry of Construction within 05 days from the issuance date.
Article 27. Applications for issuance, re-issuance and renewal of an architecture practicing certificate
1. An application for issuance of an architecture practicing certificate includes:
a) An application form made using the form in the Appendix III hereof enclosing 02 portrait pictures (4x6 cm) of the applicant on a white background which was taken within the last 06 months;
b) University degree or diploma issued by a lawful training institution in conformity with the contents of the certificate to be issued; a degree or diploma issued by a foreign training institution must be translated into Vietnamese and notarized or certified in accordance with Vietnam’s law;
c) A decision on task assignment by an organization to the individual or a written certification provided by the legal representative of the investor of typical tasks completed by individuals in accordance with the contents declared by such individuals. The person signing the certification shall be responsible for the truthfullness of the contents he/she certifies. Regarding an independent practitioner, there must be a contract and record on commissioning of declared typical tasks that have been completed by such practitioner.
d) A legal document on residence or a work permit issued by a Vietnamese competent authority if the applicant is a foreign national;
dd) Valid results of the test that the applicant has passed;
e) The documents specified in Points b, c, d and dd of this Clause must be certified true copies or files containing color photos taken from the originals or copy presented together with their originals for comparison.
2. An application for renewal of an architecture practicing certificate includes:
a) An application form made using the form in the Appendix III hereof enclosing 02 portrait pictures (4x6 cm) of the applicant on a white background which was taken within the last 06 months;
b) A written certification provided by the agencies performing ongoing career development activities specified in Clause 4 Article 24 hereof;
c) A certified true copy or file containing a color photo taken from the original or a copy presented together with its original for comparison of the issued practicing certificate.
3. An application for re-issuance of an architecture practicing certificate includes:
a) An application form made using the form in the Appendix III hereof enclosing 02 portrait pictures (4x6 cm) of the applicant on a white background which was taken within the last 6 months;
b) A certified true copy or file containing a color photo taken from the original or a copy presented together with its original for comparison of the issued practicing certificate and document proving the information that needs changing.
Article 28. Procedures for issuance, re-issuance, renewal and revocation of an architecture practicing certificate
1. In the case of issuance, re-issuance or renewal of an architecture practicing certificate
a) The applicant shall submit an application prescribed in Article 27 hereof to the authority that has power to issue practicing certificates (hereinafter referred to as “the issuing authority”), whether online or by post or in person;
b) Upon receipt of a sufficient and valid application, the issuing authority shall issue the practicing certificate within 15 days in the case of issuance; 05 days in the case of re-issuance; 10 days in the case of renewal of the practicing certificate. If the application is insufficient or invalid, the issuing authority shall notify the applicant once in writing within 05 days from receipt of the application;
c) The applicant shall pay fees upon applying for issuance, re-issuance or renewal of the practicing certificate. The collection, payment and management of such fees shall comply with regulations of the Ministry of Finance.
2. In the case of revocation of an architecture practicing certificate:
a) Within 10 days from receipt of an inspection conclusion suggesting revocation of the practicing certificate or upon discovering or having one of the grounds specified in Clause 1 Article 30 of the Law on Architecture, the authority that has the power to revoke practicing certificates shall issue a revocation decision and declare invalidation of the practicing certificate, publish the decision on its website and send information thereon to the Ministry of Construction for publication on its website;
b) The authority that has the power to revoke practicing certificates shall send the revocation decision to the individual and publish it on its website; and send information thereon to the Ministry of Construction for publication on its website within 05 days from the issuance date;
c) In case of revocation of a practicing certificate that is incorrectly recorded by the issuing authority, the authority that has the power to revoke practicing certificates shall re-issue it 10 days from receipt of the revoked practicing certificate.
Section 3. ARCHITECTURE PRACTICE BY FOREIGN NATIONALS IN VIETNAM
Article 29. Determining period of rendering of architectural services in Vietnam
The period of rendering of architectural services in Vietnam shall be determined according to the legal document on residence or work permit and employment contract issued by a Vietnamese competent authority if the applicant is a foreign national;
Article 30. Applications for recognition and conversion of architecture practicing certificates of foreign nationals practicing architecture in Vietnam
An application for recognition and conversion of an architecture practicing certificate of a foreign national practicing architecture in Vietnam includes:
1. An application form made using the form in the Appendix III hereof enclosing 02 portrait pictures (4x6 cm) of the applicant on a white background which was taken within the last 6 months.
2. A copy of the training degree/diploma or practicing certificate issued by a foreign agency or organization, which must be translated into Vietnamese and notarized or certified in accordance with Vietnam’s law.
3. A certified true copy or file containing color photo taken from the original or a copy presented together with its original for comparison of the lawful document on residence or work permit issued by a Vietnam’s competent authority as prescribed.
Article 31. Procedures for recognition and conversion of architecture practicing certificates of foreign nationals practicing architecture in Vietnam
1. The applicant shall submit an application prescribed in Article 30 hereof to the issuing authority, whether online or by post or in person.
2. Upon receipt of a sufficient and valid application, the competent authority shall recognize and converse the practicing certificate within 10 days. If the application is insufficient or invalid, the issuing authority shall notify the applicant once in writing within 05 days from receipt of the application.
3. The period of practice of architecture set out in the certificate of recognition and conversion of architecture practicing certificates of foreign nationals in Vietnam is the same as the effective period of the practicing certificates issued by the foreign authority or organization.
4. Applicants shall pay fees upon submitting applications. The collection, payment and management of fees for issuance of practicing certificates shall comply with regulations of the Ministry of Finance.
This Decree comes into force from September 07, 2020. The Government's Decree No. 38/2010/ND-CP dated April 07, 2010 shall cease to have effect from the effective date of this Decree.
Article 33. Grandfather clauses
If construction practicing certificates issued to individuals responsible for designing architecture of works and validating architectural designs for works in accordance with regulations of law on construction are expired, they shall be renewed in accordance with regulations of law on architecture if the ongoing career development requirements and code of processional conduct set out in this Decree are satisfied.
Article 34. Responsibility for implementation
1. Ministers, heads of ministerial agencies, heads of Governmental agencies, Presidents of People’s Committees of provinces and central-affiliated cities are responsible for implementation of this Decree.
2. The Ministry of Construction shall, within its jurisdiction, organize and provide guidelines for implementation of this Decree./.
|
ON BEHALF OF THE GOVERNMENT |